• Lực lượng chức năng Hà Lan đã phát hiện 25 người vượt biên trong một container đông lạnh đang trên chuyến phà hướng đến Anh.

    Theo thông cáo trên website chính quyền địa phương hôm 19/11, toàn bộ 25 người đều còn sống, một trong số đó được cho là trẻ em, Guardian đưa tin.

    Phà Britannia Seaways, do công ty DFDS Seaways vận hành, rời cảng ở Vlaardingen ở Hà Lan với đích đến là Suffolk, Anh, nhưng đã lập tức quay đầu sau khi bị phát hiện có người trong container.

    20 xe cấp cứu có mặt và 2 trong trong số những người vượt biên đã được đến đưa đến bệnh viện để kiểm tra liệu họ có bị giảm thể nhiệt hay không. 23 người còn lại được kiểm tra y tế tại cảng trước khi cảnh sát thụ lý, theo thông báo của lực lượng khẩn cấp.

    Xuất phát điểm của những người vượt biên này hiện chưa được rõ nhưng tin cho hay phần lớn họ là nam giới.

    Mirjam Boers, phát ngôn viên của cảnh sát Rotterdam, nói với đài truyền hình RTL rằng toàn bộ người được tìm thấy trên phà đều được lực lượng khẩn cấp kiểm tra, nhưng không thể bình luận về mức độ nghiêm trọng tình trạng của họ.

    "Ưu tiên hàng đầu là kiểm tra xem sức khỏe họ có vấn đề gì không. Đây là chuyện tính mạng con người và quan trọng nhất là họ đều ổn", bà nói.

    Cảnh sát cũng nói với đài truyền hình NOS của Hà Lan rằng người lái xe tải đã bị giam giữ và đang bị thẩm vấn về nghi vấn buôn người.

    Phát ngôn viên của DFDS cho biết thủy thủ đoàn đã phát hiện 25 người trốn trong một container đông lạnh và báo cho cảnh sát. Cảnh sát đã lên phà khi nó vẫn còn trên biển. Người phát ngôn cho biết container này thường được khóa và niêm phong, nhưng những người vượt biên đã tạo ra một cái lỗ.

    Vụ việc xảy ra sau khi 39 thi thể được phát hiện trong một container đông lạnh trên xe đầu kéo ở Essex, Anh, vào tháng trước. Tất cả đều là công dân Việt Nam, đi từ Bỉ đến Anh.

    Theo Zing

  • Định cư bất hợp pháp và nghèo đói, Mary phải sống những tháng ngày đầy cơ cực và bất an tại Đức, dù đang gần đến ngày sinh.

    "Cô đang sống ở đâu?", nữ hộ sinh Maike Jansen hỏi khi kiểm tra sức khỏe cho Mary (tên đã được thay đổi), một thai phụ người Ghana đang mang thai 32 tuần. "Tôi không có nơi ở", Mary trả lời. "Lúc tôi sống chỗ này, lúc ở chỗ khác".

    "Thật khó khăn nếu cô không có một nơi ở cố định", Jansen trả lời, bày tỏ nỗi thương cảm cho hoàn cảnh của thai phụ. Mary gật đầu, tay siết chặt mẩu khăn giấy.

    Cô không có giấy tờ định cư hợp pháp ở Đức, không có tiền, không có chỗ ở cố định, không được bảo vệ và cũng không được chăm sóc y tế, cuộc sống mà theo mô tả của Mary không khác gì "địa ngục".

    "Nếu có ai đó làm gì tôi, tôi không được lên tiếng, cũng không thể làm gì họ. Điều duy nhất có thể là im lặng và quên đi", Mary cho hay.

    Lý do là cô sợ bị trục xuất khỏi Đức. Những người định cư trái phép ở Đức như Mary sẽ bị truy tố và trục xuất nếu chẳng may bị phát hiện, nên họ luôn phải sống chui lủi nay đây mai đó và tránh gây chú ý, như không đi xe buýt, không tới bệnh viện...

    Điều này khiến nhiều người trong số họ không được thăm khám và điều trị kịp thời khi mắc bệnh, hoặc không được theo dõi sức khỏe thai kỳ thường xuyên.

    Nữ hộ sinh Maike Jansen (trái) đang khám cho Mary tại phòng khám của tổ chức từ thiện Andocken, thành phố Hamburg, Đức hồi tháng 10. Ảnh: DW

    Tuy nhiên, Mary có lẽ đã may mắn hơn những người khác khi nhận được sự giúp đỡ từ Andocken, tổ chức từ thiện được nhà thờ tài trợ ở thành phố Hamburg, phía bắc nước Đức. Quan trọng hơn là ở đây, mọi thông tin của cô sẽ không được tiết lộ với nhà chức trách địa phương. 

    Mỗi ngày, có nhiều người như Mary tìm đến phòng khám của Andocken để chờ đợi được các bác sĩ đa khoa, sản khoa và nhân viên y tế thăm khám, điều trị miễn phí.

    Trong lần thăm khám mới đây, Mary được bác sĩ phụ khoa Teresa Steinmüller chẩn đoán bị huyết áp cao, béo phì, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Tất cả đang đe dọa tới sức khỏe và sự phát triển của đứa con trong bụng cô.

    Theo bác sĩ Steinmüller, cuộc sống bấp bênh không giấy tờ và nỗi sợ bị trục xuất sẽ khiến Mary luôn cảm thấy bất an và căng thẳng, nghiêm trọng hơn là mất ngủ, trầm cảm, và tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non.

    "Họ luôn phải sống trong nỗi lo sợ thường trực. Họ rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ", bác sĩ Steinmüller cho biết.

    Mary chỉ còn một quả thận, nguyên nhân khiến cô không thể trở về Ghana và bị mắc kẹt ở châu Âu. Cô trước đó tới Anh để hiến thận cho một người họ hàng, nhưng người này chết vì phẫu thuật không thành công, để lại cô một mình, bơ vơ không có giấy tờ tùy thân ở châu Âu.

    Sau đó, cô tìm đường tới Đức và cuối cùng là thành phố Hamburg. Cuộc sống bất hợp pháp khiến cô không thể tìm được một công việc cố định, thay vào đó là những công việc tạm bợ, bấp bênh với đồng lương ít ỏi.

    Việc sống chui lủi còn dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng khác như đứa con cô đang mang trong bụng có thể không được chứng sinh khi ra đời. Điều này đồng nghĩa về mặt pháp luật, đứa trẻ chưa được công nhận là con của cô và có nguy cơ bị tách khỏi mẹ trong trường hợp cô bị phát hiện định cư trái phép.

    Đứa con của Mary sẽ chỉ được công nhận sau khi chào đời nếu bố đứa bé là người Đức hoặc là cư dân hợp pháp ở Đức và thừa nhận quyền làm cha. Trong trường hợp đó, Mary cũng được cư trú hợp pháp ở Đức cho đến khi đứa trẻ đủ 18 tuổi. Đây là cách duy nhất và cô hy vọng cha đứa bé sẽ đồng ý.

    "Tôi cầu Chúa rằng ông ấy sẽ công nhận đứa trẻ là con mình", Mary chia sẻ với Jansen.

    Tuy nhiên, cho tới lúc điều đó xảy ra, Mary vẫn phải vật lộn một mình với cuộc sống cơ cực ở Đức. Mary cho biết cô còn một đứa con gái nhỏ đang nhờ họ hàng chăm sóc ở Ghana, nên cô phải cố gắng để có thể trở về với con.

    "Tôi phải chiến đấu và sẽ không để bản thân gặp bất cứ nguy hiểm nào, vì tôi còn phải trở về Ghana để chăm sóc con gái tôi", Mary cho biết.

    Theo Jansen, câu chuyện của Mary không hiếm gặp, bởi cô và các nhân viên ở tổ chức Andocken đã giúp khoảng 200 phụ nữ có hoàn cảnh như vậy mỗi năm. Họ phần lớn đến từ Ghana và các nước châu Phi khác, số ít khác đến từ châu Á và các nước Mỹ Latinh. Họ không thể trở về quê hương, nhưng cũng không biết tương lai mù mịt ở nơi đất khách quê người rồi sẽ đi về đâu. 

    Theo VnExpress

  • Nước Anh đang có tới 1,2 triệu người nhập cư bất hợp pháp, và 1/4 trong số đó vào châu Âu qua con đường trái phép, theo số liệu nghiên cứu vừa được công bố.

    Lực lượng tuần tra Anh vừa cứu được một nhóm người di cư bất hợp pháp bơi trên biển. (Ảnh: EPA)

    Số lượng người nhập cư trái phép vào Anh tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, với hơn một nửa trong số đó sống bất hợp pháp ở Anh đã hơn 5 năm và 1/3 đã ở hơn 10 năm, theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew. 

    Đức cũng có số lượng người nhập cư trái phép tương đương, khiến hai quốc gia này thu hút hơn một nửa số người vào châu Âu qua những con đường trái phép.

    Đây là nghiên cứu đầu tiên trong thập kỷ qua trên tất cả 32 quốc gia châu Âu, qua đó cho thấy đang có một cuộc khủng hoảng di cư và những biện pháp kiểm soát biên giới của nước Anh đã không ngăn chặn được người nhập cư trái phép. 

    Ông David Wood, cựu vụ trưởng vụ thực thi pháp luật về nhập cư của Bộ Nội vụ Anh, nói rằng giới chức Anh biết thực trạng này qua những đánh giá nội bộ, rằng có ít nhất 150.000 người nước ngoài vào Anh bất hợp pháp mỗi năm rồi sau đó biến mất vào nền kinh tế đen. 

    “Những người đó không đến đây để nhận trợ cấp, họ đến để làm việc. Sau đó họ bị bóc lột, trở nên dễ bị tổn thương hoặc kết thúc cuộc đời trong những thảm kịch như 39 người Việt Nam vừa được phát hiện ở Essex”, ông Wood nói. 

    Cựu quan chức này cho rằng tình trạng thiếu những biện pháp “mạnh mẽ” để buộc những người nhập cư trái phép và xin tị nạn hồi hương, nên chưa đến một nửa trong số 80.000 bị từ chối thực sự phải ra khỏi Anh. 

    Ước tính có từ 800.000 – 1,2 triệu người đang sống bất hợp pháp ở Anh. Trung tâm nghiên cứu Pew ước tính rằng hầu hết số đó “bị quá hạn visa hoặc những người xin tị nạn vẫn ở lại sau khi hồ sơ bị từ chối”.

    Số lượng người nhập cư trái phép và hợp pháp ở Anh tương đương nhau, cho thấy thị trường đen ở Anh cũng có quy mô khá lớn. Tỷ lệ này ở các nước châu Âu khác thấp hơn nhiều. 

    Nước Anh cũng có số người nhập cư bất hợp pháp ở lại lâu hơn các nước khác. Khoảng 57% người bất hợp pháp đã ở Anh hơn 5 năm, trong khi tỷ lệ này ở Đức là 35% và trung bình của cả châu Âu là 43%. 

    Hơn 1/3 (36%) người nhập cư trái phép ở Anh đã sống ở Anh hơn 10 năm, và hơn một nửa trong số đó đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan, theo nghiên cứu của Pew. 

    Hơn một nửa (59%) trong số đó dưới tuổi 35, và 14% dưới 18 tuổi. Tỷ lệ nam và nữ khá đồng đều, tương ứng là 48% và 52%. 

    Ý – nước được nhiều người di cư coi là cửa ngõ vào châu Âu từ châu Phi, có tỷ lệ người nhập cư trái phép cao nhất, với khoảng 500.000 – 700.000, tiếp sau là Pháp, với 300.000 – 400.000 người. Những số liệu đó cho thấy Anh, Đức, Ý và Pháp chiếm khoảng 2/3 tổng số 3,9 – 4,8 triệu người nhập cư bất hơn pháp vào châu Âu. Số còn lại phân chia rải rác trên các nước châu Âu khác. 

    GS Andrew Geddes, công tác tại ĐH châu Âu, cho rằng cuộc khủng hoảng nhập cư hiện này làm giảm lòng tin của người dân và khả năng xử lý của chính phủ. 

    Theo Tiền Phong

  • Người nhập cư tìm đến Liên minh châu Âu (EU) có những chặng dừng chân riêng. Có rất nhiều trường hợp chọn lựa đích cuối cùng là nước Anh. Vì sao? 

    Dễ tìm việc

    Tỉ lệ thất nghiệp ở Anh hiện chỉ là 3,8% tính theo thống kê mới nhất của tháng 3 đến tháng 5-2019, công bố vào giữa tháng 7 vừa qua. Đây là tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 45 năm qua, bất kể những xáo trộn do sự kiện Brexit. Đây cũng là tỉ lệ gần như thấp nhất châu Âu. Tỉ lệ thất nghiệp thấp cũng có nghĩa việc làm nhiều.

    Đó là điều đầu tiên khiến những di dân có động cơ kinh tế tìm đến. Thông tin trước đây cũng cho biết thị trường lao động chui từng chiếm đến 10% GDP của Anh.

    Chưa kể một điểm sáng khác là tăng trưởng kinh tế Anh tốt, bất chấp những cảnh báo thiệt hại cho nước Anh khi rời EU. Tỉ lệ tăng trưởng trong những năm qua vào khoảng 1,5%/năm là con số quá lý tưởng ở một quốc gia phát triển.

    Thủ tục giấy tờ không khó

    Chính quyền Anh đã có những nỗ lực ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào cư trú và làm việc - vốn bị các thành viên EU cho là bất công vì khai thác nguồn lao động rẻ và gây xáo trộn xã hội cho những nước là "chặng dừng chân" cho những người muốn tìm đường đến Anh. 

    Nhưng dường như điều đó vẫn chưa đủ, bởi người nhập cư vẫn kháo nhau rằng việc soát xét giấy tờ với người nhập cư không quá khó khăn ở Anh, và nhờ đó họ có thể xin việc dễ dàng.

    Những người xin tị nạn được hưởng trợ cấp tài chính, được nhận chế độ chăm sóc y tế và được học hành. Chế độ hỗ trợ lương thực ở Anh cũng khá tốt và phát triển đều. Thống kê cho thấy trong năm 2018, tổ chức từ thiện Trussell Trust đã phân phát 1,6 triệu phần thực phẩm, tăng 19% so với năm trước đó.

    Người nhập cư bất hợp pháp tìm đường vào Anh thường tập trung ở thành phố Calais (Pháp) - Nguồn: Junior

    Trình độ càng thấp càng dễ tổn thương

    Nhiều người nhập cư cũng cho biết chọn nước Anh vì ở đó "nói tiếng Anh", khi mà bản thân họ cũng đến từ nước sử dụng tiếng Anh, hoặc đã học tiếng Anh như ngoại ngữ. Vốn liếng tiếng Anh sẵn có giúp họ tìm kiếm việc dễ hơn (so với ở những nước châu Âu không sử dụng tiếng Anh thông dụng) và làm các loại thủ tục giấy tờ dễ dàng hơn, cũng như sinh hoạt thường ngày không gặp quá nhiều khó khăn.

    Báo cáo có tên Giữa hai màn lửa do Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) phối hợp với Chính phủ Anh công bố tháng 3-2019 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về con đường vào xứ sở sương mù. Những "khách hàng" của các đường dây tổ chức vượt biên trái phép vào Anh đều không hề biết mình sẽ đi đâu vào ngày mai. Họ chỉ được bảo phải đi, bằng nhiều phương tiện khác nhau, đôi khi là phải cuốc bộ những quãng đường dài trong nhiều ngày liền dưới sự giám sát chặt chẽ. Họ thậm chí không bao giờ đến được Anh và kết thúc cuộc đời ở một nơi nào đó tại châu Âu.

    Trong báo cáo được công bố vào tháng 3-2019, IMO lý giải vì sao nhiều người bất chấp tất cả để đến Anh bằng một mô hình gồm 4 tác nhân ảnh hưởng: ý chí cá nhân, tác động từ gia đình, xã hội và thể chế. Trong đó, hệ thống chính trị chỉ chiếm một phần nhỏ trong hàng chục ảnh hưởng dẫn tới quyết định tha hương.

    Ở góc độ cá nhân, địa vị xã hội, tình trạng việc làm và nỗi sợ gánh nợ khiến con người ta mất cảnh giác trước những lời mời mọc, những hứa hẹn về một công việc tốt, cuộc sống đủ đầy và nhắm mắt đưa chân dù không tìm hiểu kỹ thực tế ở nơi đến. IMO rút ra một kết luận: Di cư không xấu, vì ai cũng có quyền được tìm kiếm cơ hội cải thiện mức sống; và càng ít tiền, trình độ thấp càng dễ bị tổn thương trong hành trình đó.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Một người đàn ông đã bị bắt và điều tra sau khi 8 người di trú bất hợp pháp bị phát hiện trên chiếc du thuyền của ông này.

    Chiếc du thuyền dài 14 mét chở 8 người nhập cư lậu từ Albania mới bị phát hiện ngoài khơi bở biển Anh (Ảnh: NCA)

    Chiếc du thuyền chạy động cơ dài 14 mét được tìm thấy ngoài khơi bờ biển nước Anh. Nó bị một tàu biển của lực lượng tuần tra biên giới và một máy bay trực thăng của lực lượng tuần duyên chặn lại và áp tải vào căn cứ hải quân Portsmouth ở Hạt Hampshire.

    Tám công dân Albania đã được tìm thấy trên thuyền và các trường hợp của họ sẽ được Cơ quan Thực thi Di trú Anh xử lý theo các quy định về người nhập cư của nước này.

    Thuyền trưởng du thuyền, một người đàn ông 64 tuổi mang quốc tịch Anh, đã bị bắt giữ do tình nghi đưa người vượt biên trái phép. Ông này hiện đang bị thẩm vấn bởi Cơ quan điều tra Tội phạm Quốc gia Anh (NCA), còn chiếc du thuyền hiện đang được kiểm tra pháp y tại Căn cứ Hải quân Portsmouth.

    Martin Matthews, giám đốc điều hành của NCA cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để bảo vệ biên giới của mình, và việc phá vỡ các nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động buôn người là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi."

    Trước đó, vào ngày 6/11, Cảnh sát Wiltshire đã bắt giữ một người đàn ông với cáo buộc hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp sau khi phát hiện 15 người trốn sau một chiếc xe tải để vào Anh.

    Cảnh sát Wiltshire cho biết, chiếc xe tải chở 15 người nhập cư bị bắt giữ trên đường A350 ở đoạn giao lộ Kington Langley gần Chippenham ngay trước 20h30 tối 6/11.

    Cảnh sát đã dừng xe tải kiểm tra sau khi nhận được tin báo của người dân về hoạt động khả nghi của nó. Khi tiến hành kiểm tra, nhà chức trách phát hiện 15 người nhập cư vẫn còn sống bên trong thùng xe tải. Tuy nhiên, một người trong số này được đưa tới bệnh viện gần đó để kiểm tra sức khỏe kỹ hơn. Số di dân trái phép còn lại đều bị bắt giam vì vi phạm luật nhập cư của Anh.

    Theo báo Guardian, toàn bộ số di dân nói trên được tin đều hơn 16 tuổi. Một nam giới ngoài 50 tuổi đã bị bắt giữ vì tình nghi hỗ trợ hoạt động nhập cư trái phép. Nghi phạm đang bị tạm giam ở thị trấn Swindon.

    Theo Dân Việt

  • Khoảng 1.500 người di cư, gồm cả hàng trăm người đang chờ ngày sang Anh đã bị Pháp quét sạch khỏi một khu trại bất hợp pháp ở phía bắc Paris.

    Theo Daily Mail, khoảng 600 cảnh sát đã tham gia chiến dịch phá bỏ khu trại, vốn nằm gần nhà ga Gare du Nord Eurostar vào sáng sớm 7/11. "Chiến dịch mở màn từ trước bình minh, trong số những người bị dẹp, có cả phụ nữ và trẻ nhỏ", nguồn tin từ chính quyền địa phương cho hay.

    Khu trại bất hợp pháp của người di cư tại La Chapelle là một mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng và không phải là nơi an toàn để mọi người sống ở đó.

    "Tất cả những người bị yêu cầu rời khu trại đã được đưa lên ôtô, tới phòng tập thể dục hoặc các trung tâm gần đó hoặc những khu vực khác ở nước Pháp. Những người bị buộc phải di dời không kháng cự", nguồn tin trên cho hay.

    Nhiều người di cư tới từ các quốc gia châu Phi như Eritrea cũng như Afghanistan và Syria. 

    Theo nguồn tin trên, những người di cư sẽ được sắp xếp nơi ở tạm thời cũng như cơ hội nộp đơn xin tị nạn ở Pháp. Khu trại của những người di cư ở Paris được dựng lên gần các tuyến đường sắt hướng về Anh và đường A1 dẫn tới Calais.

    Có hàng trăm người ở khu trại này đang có kế hoạch sang Anh và sẵn sàng trả tiền để bọn vận chuyển lậu đưa họ tới đích bằng các chuyến đi trong thùng xe công-ten-nơ. Có một số người tìm cách bắt tàu sang Anh.

    Hình ảnh của chiến dịch đã được một nhóm về nhân quyền mang tên Thông tin về những người di cư Pháp đăng trên mạng xã hội.

    Hồi đầu tuần, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để chống những người di cư trái phép qua Pháp. Nhiều người ở Pháp tin rằng người di cư đang cố gắng vào Anh nhanh nhất có thể, vì sau khi Anh rời EU việc nhập cảnh vào nước này sẽ khó hơn.

    Theo Vietnamnet

  • Cảnh sát Wiltshire (Anh) cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông với cáo buộc hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp sau khi phát hiện 15 người trốn sau một chiếc xe tải để vào Anh.

    Cảnh sát Wiltshire cho biết, chiếc xe tải chở 15 người nhập cư bị bắt giữ trên đường A350 ở đoạn giao lộ Kington Langley gần Chippenham ngay trước 20h30 tối 6/11.

    Cảnh sát đã dừng xe tải kiểm tra sau khi nhận được tin báo của người dân về hoạt động khả nghi của nó. Khi tiến hành kiểm tra, nhà chức trách phát hiện 15 người nhập cư vẫn còn sống bên trong thùng xe tải. Tuy nhiên, một người trong số này được đưa tới bệnh viện gần đó để kiểm tra sức khỏe kỹ hơn. Số di dân trái phép còn lại đều bị bắt giam vì vi phạm luật nhập cư của Anh.

    Theo báo Guardian, toàn bộ số di dân nói trên được tin đều hơn 16 tuổi. Một nam giới ngoài 50 tuổi đã bị bắt giữ vì tình nghi hỗ trợ hoạt động nhập cư trái phép. Nghi phạm đang bị tạm giam ở thị trấn Swindon.

    Vụ việc xảy ra trong bối cảnh 39 người di cư bị phát hiện chết trong container ở hạt Essex hôm 23/10 gây rúng động cả nước Anh.

    Ngày 5/11, Cảnh sát hạt Essex đã ra thông báo về vụ việc 39 người chết trong xe container cho biết, danh tính của các nạn nhân hiện vẫn chưa được xác định, tuy nhiên, phía Anh đã hợp tác chặt chẽ với Công an Việt Nam trong hai ngày vừa qua và sẽ trình các hồ sơ lên Uỷ ban Nhận dạng xử lý.

    Thông báo của Cảnh sát Anh nêu rõ: "Chúng tôi đang làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế để tìm ra câu trả lời cho gia đình và người thân của những người đã thiệt mạng, đồng thời đưa những kẻ đứng sau tội ác này ra trước công lý.”

    Tuần này, các sỹ quan cảnh sát liên quan tới cuộc điều tra của chúng tôi đã tiếp đón và gặp gỡ đoàn công tác của Bộ công an và các cán bộ từ Việt Nam.

    "Danh tính của các nạn nhân hiện vẫn chưa được xác định, tuy nhiên, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Công an Việt Nam trong hai ngày vừa qua và sẽ trình các hồ sơ lên Uỷ ban Nhận dạng để bà Caroline Beasley-Murray, Cán bộ Cơ quan Điều tra Hoàng Gia phụ trách Hạt Essex, xử lý."

    "Đây là một quá trình quan trọng và là kết quả nhiều giờ làm việc tỉ mỉ của nhóm cảnh sát tận tâm để cung cấp bằng chứng và trình lên uỷ ban."

    "Ưu tiên của chúng tôi là điều tra kỹ lưỡng về tội ác dẫn tới cái chết của các nạn nhân, nhằm bảo vệ danh dự của những người đã khuất và hỗ trợ gia đình, người thân của họ."

    Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, đoàn công tác VN và cảnh sát Anh hôm 4.11, đã xác định được danh tính hơn 10 trường hợp là người Việt Nam trong vụ 39 người chết trong xe đông lạnh tại Essex.

    Theo Dân Việt

  • Bảy người đến từ Việt Nam và ba người từ Malaysia. Một người phụ nữ và một người đàn ông từ Malaysia đã ở Úc bất hợp pháp, trong khi tám người còn lại bị phát hiện vi phạm điều kiện làm việc trong visa của họ.

    Những người lao động bất hợp pháp này bị phát hiện khi giới chức thự hiện hai lệnh khám xét nông trại vào ngày 26 tháng Chín, dựa theo Đạo luật Di trú 1958.

    Đây là một phần trong một chiến dịch đang diễn ra, nhắm vào các trung gian thuê lao động vô đạo đức và các công ty sử dụng các trung gian này để khai thác lao động ngoại quốc.

    Khi khám xét, các giới chức tìm thấy một số công nhân nông trại đang sống trong điều kiện chật chội tù túng, trong một ngôi nhà tồi tàn và vài phòng dựng lên tạm bợ trong khuôn viên nông trại.

    Theo 9NEWS, nông trại này cung cấp dâu tây cho cả hai đại gia bán lẻ Woolworths và Coles. Nhân chứng cho biết đại diện Woolworths mới đến nông trại một ngày trước để lấy sản phẩm.

    Chỉ huy Điều tra của ABF, Graeme Grosse, cho biết ABF cam kết dẹp bỏ và triệt phá các trung gian thuê lao động vô đạo đức khai thác lao động ngoại quốc. “Những lao động ngoại quốc rất dễ bị lợi dụng và chúng tôi thường tìm thấy bằng chứng việc họ bị trả lương thấp, bị tước quyền lợi và bị đối xử tồi tệ,” Chỉ huy trưởng Grosse nói trong thông cáo ABF.

    “Các cá nhân vô đạo đức tạo điều kiện cho việc bóc lột công nhân bất hợp pháp đang kiếm được lợi nhuận đáng kể từ sức lao động của những công nhân ngoại quốc này, và điều đó cũng gây bất lợi cho các doanh nghiệp địa phương, những người làm đúng luật bằng cách trả tiền và đối xử công bằng với công nhân của họ.”

    ABF tiếp tục hợp tác làm việc với toàn bộ các đối tác chính phủ như Sở Thuế vụ Úc (ATO), dẫn đầu là Lực lượng Đặc nhiệm Phoenix. Trong các trường hợp gian lận visa có tổ chức, ABF có thể truy đuổi đến cùng, các tội phạm có thể bị phạt tới 10 năm tù và/ hoặc phạt tiền lên tới $210,000 đô la đối với cá nhân và $1,050,000 đô la đối với các tập đoàn.

    Bộ Nội vụ khuyến khích tất cả các nhà nhân dụng kiểm tra thường xuyên bằng cách sử dụng hệ thống Xác thực Visa Trực tuyến (VEVO) để chắc chắn rằng công nhân của họ được phép làm việc ở Úc và không phụ thuộc vào các nhà thầu hoặc trung gian thuê lao động.

    Bất cứ ai biết về một cá nhân, doanh nghiệp hoặc chủ lao động có thể đang gian lận visa hoặc làm việc bất hợp pháp đều được khuyến khích liên hệ với Border Watch tại www.abf.gov.au/borderwatch

    Theo SBS

  • Một phụ nữ gốc Việt thuê người nhập cư bất hợp pháp tại một tiệm nail ở Staffordshire Moorlands đã bị tuyên án 6 năm tù giam. 

    A.T.M.Ha, 27 tuổi, đã bị tuyên án vào ngày 21/8 tại tòa án hình sự Stoke-on-Trent Crown Court. Bị cáo cũng bị buộc tội âm mưu sản xuất cần sa. Đồng phạm T.M.Nguyen, 39 tuổi, cũng bị tù 5 năm vì tội âm mưu sản xuất cần sa. 

    Tòa án được biết Cảnh sát Staffordshire đã đột kích tiệm nail của bị cáo trên phố High Street, Cheadle vào ngày 16/3/2017 sau khi nhận được tin tình báo có người nhập cư bất hợp pháp làm việc trong khu vực. 


    Bị cáo A.T.M.Ha và tòng phạm T.M.Nguyen

    Bị cáo Ha đã cho thuê lại shop này và sống gần đó tại phố Prince George ở Cheadle. Tiệm nail đang mở cửa kinh doanh bình thường khi cuộc đột kích diễn ra, nhưng lúc đó tiệm không có khách. 

    Nhà của Ha bị lục soát. Có 2 phòng ngủ trên lầu, mỗi phòng có một nệm ngủ và quần áo phụ nữ, 3 vali quần áo hàng hiệu và một hóa đơn mua túi xách ở London vào tháng 2/2017 trị giá £570. Cảnh sát cũng tìm thấy một số vé tàu lửa chuyến Stoke và London. Phòng khách được dùng làm phòng ngủ thứ ba.

    Kiểm tra dữ liệu điện thoại, cảnh sát đã lần ra T.M.Nguyen, ở Orford Avenue, Warrington, và ngay lập tức bắt giữ anh này.

    Cảnh sát cũng tìm ra một người nam tên Dung Nguyen đang làm việc ở tiệm tại Cheadle, và phát hiện một người nữ đang trốn cạnh nhà vệ sinh. Cô này khai tên là Linh Thuy Nguyen. Dung và Linh bị bắt vì vi phạm Luật Nhập cư. 

    Sau đó, cảnh sát phát hiện tên thật của Linh là Trinh Thi Thuy Duong. Ban đầu cô khai mình 16 tuổi, nhưng chính quyền Việt Nam xác nhận cô này đã 22 tuổi. Cô xuất hiện tại tòa Stoke-on-Trent Crown Court vào tháng 10/2018 và bị kết tội bóp méo tiến trình công lý. Cô bị giam 8 tháng tù. Dung đã bỏ trốn trước khi cảnh sát tìm ra nhân dạng thật của người này. 

    Xem thêm vụ của Trinh Thi Thuy Duong: Cô gái Việt bị tù 8 tháng vì khai gian tuổi để xin tị nạn ở Anh

    Thanh tra viên Phil White thuộc Sở Cảnh sát Staffordshire cho biết: ''Đây là trường hợp thuê người nhập cư bất hợp pháp đầu tiên bị phát hiện ở Staffordshire. Chúng tôi đã buộc tội thành công một người khai man mình là nô lệ thời hiện đại và người chủ thuê thợ bất hợp pháp cũng bị kết án. Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ tận tình của các đơn vị liên quan''.

    Ông Phil White cho biết chuyên án này thành công nhờ sự hợp tác thông suốt giữa CPS, Lực lượng Di trú ở Stoke-on-Trent, Cơ quan phòng chống buôn người và nô lệ hiện đại NCA, các tổ chức xã hội, chính quyền Việt Nam, Cảnh sát Merseyside và Cảnh sát Cheshire. 

    ''Chúng tôi không chỉ đưa được các bị cáo vào tù mà còn tịch thu được 70,000 bảng tiền mặt. Chúng tôi cũng muốn gửi đi một thông điệp rằng hành vi thuê người không giấy tờ, khai man là nô lệ hiện đại hay nạn nhân buôn người, tài trợ cho các hoạt động phạm tội, sẽ bị truy quét đến cùng''.

    Viethome (theo staffordshire)

  • Với sự hỗ trợ của các trang thiết bị và công nghệ hiện đại, không quá khó để nhà chức trách Anh tìm, bắt giữ và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.

    Hành khách làm thủ tục tại sân bay Gatwick, London. Ảnh: TTXVN

    Vương quốc Anh là nền kinh tế phát triển lớn thứ 5 thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người trên 44.000 USD/năm và mức lương tối thiểu trên 8 bảng (230.000 đồng) mỗi giờ.

    Do đó, đây được xem là “miền đất hứa” đối với nhiều người ở các nước đang phát triển. Họ tìm mọi cách tới Anh với hy vọng “đổi đời” bất chấp việc Chính phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp.

    Trong những năm qua, các cơ quan quản lý Anh đã phát hiện, theo dõi và bóc gỡ nhiều đường dây tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp tới Anh. Gần đây nhất, ngày 18/3/2019, đối tượng Egert Kajaci, 35 tuổi, đã bị kết án 4 năm 6 tháng tù giam do bị bắt quả tang khi đang lái ôtô chở một số người nhập cảnh trái phép vào Anh từ ngày 3/8/2018.

    Cảnh sát cho biết Kajaci là thành viên một đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Anh, hoạt động của nhóm này chủ yếu diễn ra từ tháng Tư đến tháng Tám năm 2018. Cả 7 thành viên của băng nhóm buôn người này đã bị kết án tổng cộng hơn 30 năm tù vì tội “âm mưu đưa các công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Anh,” trong đó có cả người Việt Nam.

    Thuê các đường dây tổ chức đưa người vào Anh một cách bất hợp pháp là một trong những con đường mà những người muốn tìm cách “đổi đời” lựa chọn.

    Những người này có thể sẽ mất một vài tháng, thậm chí là lâu hơn và phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, luôn phải trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý các nước để di chuyển bằng đường bộ từ Nga, các nước Đông Âu qua Đức, đến Pháp. Từ Pháp, những người này phải trốn trong các xe tải hay các tàu thuyền để nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh.

    Thẩm phán Robert Winstanley cho biết các đường dây nói trên luôn “coi thường sự an toàn” của những người được đưa bất hợp pháp vào Anh. Nhiều người sẽ phải làm việc không lương trong ít nhất 2 năm để trả nợ cho những kẻ buôn người.

    Xin thị thực và nhập cảnh hợp pháp vào Vương quốc Anh rồi sau đó tìm cách trốn ở lại cũng là một con đường mà nhiều người lên kế hoạch thực hiện.

    Những năm gần đây, khi Việt Nam ngày càng hội nhập, hợp tác chính trị, ngoại giao, văn hóa và kinh tế với Anh ngày càng mở rộng, người Việt có thể dễ dàng đến Anh một cách hợp pháp để công tác, học tập, làm việc cũng như thăm thân và du lịch. Một số người Việt đã lợi dụng thực tế này để tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh.

    Tuy nhiên, với khả năng quản lý chặt chẽ, cùng sự hỗ trợ của các trang thiết bị và công nghệ hiện đại như hệ thống camera giám sát dày đặc và công nghệ nhận diện bằng trí tuệ nhân tạo, không quá khó để các cơ quan chức năng của Anh tìm, bắt giữ và trục xuất người bỏ trốn trên cơ sở những dữ liệu sinh trắc học (ảnh, vân tay) đã có trong quá trình làm các thủ tục cấp thị thực và nhập cảnh.

    Trong khi đó, một số người tìm cách lợi dụng kẽ hở của luật pháp nước sở tại, tìm kiếm và thuê người đã có quốc tịch Anh thực hiện kết hôn giả để bảo lãnh nhập cư vào Anh.

    Tuy nhiên, những người này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro do các cơ quan quản lý Anh thường xuyên kiểm tra, giám sát xem họ có sinh sống cùng với người có tên trong đăng ký kết hôn hay không hoặc nguy cơ bị “đối tác” đe dọa tống tiền, cưỡng ép quan hệ tình dục…

    Dù đi theo con đường nào, những người nước ngoài tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh đều phải chi ra một số tiền lớn. Sau khi đã vào Anh, họ phải tìm kiếm công việc để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, trả nợ…

    Tuy nhiên, do không có giấy tờ hợp pháp nên họ thường không thể tìm kiếm được các công việc chính thức, được pháp luật bảo vệ và có thu nhập ổn định. Thay vào đó, họ phải làm các công việc nặng nhọc, bất hợp pháp và bị chủ sử dụng lao động bóc lột, trả công một cách rẻ mạt…

    Theo đánh giá của Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh (SOCA) công bố năm 2011, những người được đưa bất hợp pháp vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm (31%), cưỡng bức lao động (22%), làm người giúp việc gia đình (11%) và làm các công việc phi pháp khác (17%)…

    Bên cạnh nguy cơ bị bóc lột sức lao động, những người nhập cư bất hợp pháp cũng đối mặt với khả năng bị các cơ quan chức năng Anh bắt giữ, trục xuất.

    Cuối năm 2016, Cơ quan Di trú Anh đã thực hiện chiến dịch kiểm tra gần 300 cửa hàng làm móng tay và móng chân, bắt giữ 97 người lao động bất hợp pháp, trong đó có một số người Việt Nam. Các cơ sở này đã bị phạt 20.000 bảng cho mỗi trường hợp lao động không giấy tờ./.

    Viethome (theo Thông tấn xã Việt Nam)

  • Sáng 15-7-2019, vào các công ty, đúng như dự đoán, mỗi nơi thiếu vắng ít nhân viên gốc Nam Mỹ. Không cần tra hỏi nguyên nhân, tôi tự biết chuyện gì đang xảy ra rồi. Thế là bảo với quản lý "liệu cơm gắp mắm", ráng hoàn thành công việc.

    lam viec cho nuoc my
    Các nhân viên ICE bắt một người đàn ông trong chiến dịch vây ráp tại Escondido, bang California trong tháng 7-2019 - Ảnh chụp màn hình AP

    Lái xe đi ngang qua mấy cửa hàng tiện lợi 7Eleven hay Home Depot chuyên bán đồ xây dựng, giữa tháng 7, trời trong vắt hơn 30°C mà hổng như mọi khi.

    Trước đây dẫu nắng ráo cũng như mưa bão, tuyết rơi cả thước hay dông tố đì đùng, lúc nào cũng thấy có hơn chục người Hispanic (gọi chung cho dân nhập cư thường là đến từ Trung - Nam Mỹ và nói tiếng Tây Ban Nha) đứng ngồi, tụm năm tụm ba trò chuyện như một chợ lao động thu nhỏ, chờ người ta tới mướn về làm, trả lương bằng tiền mặt.

    "Họ đến đất nước này bằng cách bất hợp pháp, họ sẽ phải ra đi" - Tổng thống Trump tuyên bố hôm 12-7-2019.

    Ông gọi đó là "chiến dịch lớn", càn quét người nhập cư trái phép đã bị tòa án trục xuất ở 10 thành phố lớn, trong đó có Los Angeles, New York, Houston, Chicago, Miami, San Francisco, Baltimore, bắt đầu từ ngày 14-7.

    Nó như một phát súng lớn nhắm vào hơn 10 triệu người nhập cư trái phép (chủ yếu là người nhập cư nói tiếng Tây Ban Nha) đang sống trên đất nước này.

    Ở Mỹ, phần lớn người nhập cư Mexico và người đến từ các nước Trung, Nam Mỹ chuyên làm các việc nặng nhọc như cầu đường, xây dựng, dọn dẹp sân vườn và phụ bếp. 

    Vào các nhà hàng Việt, Hoa, Hàn ở các thành phố vùng thủ đô Washington D.C., sẽ thấy phần lớn đầu bếp và phục vụ là người có gốc gác với chủ tiệm trong khi phụ bếp và người dọn dẹp bàn ghế, chén đĩa chắc chắn 100% sẽ là người nói tiếng Tây Ban Nha. 

    Thật ra chỉ có nhóm người nhập cư này mới kham nổi những việc khó nhằn, nặng nhọc, đòi hỏi rất nhiều thể lực, sức khỏe, mà thường chẳng ai thèm làm này.

    Họ có khổ không? Tôi nghĩ là có. Bởi hầu hết trong số họ là người nhập cư lậu, không tấm giấy lận lưng. 

    Họ rời làng, bỏ quê đầy rẫy ma túy, súng đạn, bắt cóc, giết người ở Colombia, El Salvador, Guatemala hay đất nước láng giềng Mexico bên cạnh để tìm đến một thiên đường nước Mỹ lung linh, sang giàu đổi đời, không một mảnh giấy tùy thân trong tay (mà nếu có thường chỉ toàn giấy giả). 

    Họ phải lao thân bán sức lao động kiếm vài đồng tiền lẻ, nuôi sống bản thân và gửi về nước giúp đỡ gia đình. Tối chui vô trong căn hộ cho thuê tới vài chục người chen chúc như cá mòi ngủ một đêm lấy sức để đi làm vào ngày hôm sau.

    Thật ra số người bị đuổi trong gần ba năm cầm quyền của Tổng thống Trump vẫn thấp hơn những người tiền nhiệm Clinton, Bush hay Obama nổi tiếng ôn hòa trước đó. 

    Theo thống kê của Cơ quan Di trú và hải quan Mỹ (ICE), hơn 12 triệu người bị trục xuất dưới thời tổng thống Clinton, sang tổng thống Bush là hơn 10 triệu người. Dưới thời tổng thống Obama, con số ấy giảm còn hơn 5 triệu.

    Sang giai đoạn cầm quyền của ông Trump, ICE đã trục xuất 226.119 người vào năm 2017, hơn 250.000 người trong năm 2018 và riêng sáu tháng đầu năm 2019, con số bị trục xuất đã tăng vọt lên 282.242 người.

    Khác chăng là các Tổng thống tiền nhiệm đều làm trong im lặng. Những đợt truy quét và gửi trả người nhập cư bất hợp pháp luôn diễn ra lặng lẽ để giữ tiếng thơm cho mình. 

    Nhưng ông Trump thì khác. Ông trùm các sô truyền hình thực tế luôn biết cách khuấy động phong ba, lôi kéo sự chú ý của dư luận về phía bản thân, chẳng thèm quan tâm đến các tờ báo lớn hay kênh truyền hình chửi bới, đả kích mình mỗi ngày. 

    Nhiều người nghĩ rằng ông Trump đã nổ một phát súng thiệt to để mở đầu chiến dịch tái tranh cử Tổng thống, nhằm lấy lại lòng trung thành của số cử tri da trắng cực đoan đang "hoang mang" và giảm bớt ủng hộ sau những lao đao về kinh tế trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Canada, Mexico và lục địa châu Âu già cỗi.

    Tôi hay tự hỏi nếu cấm người Spanish vào Mỹ thì lấy ai làm những công việc nặng nhọc như phụ bếp, vận chuyển hàng hóa, công trình xây dựng vốn bị trả công thấp tè? 

    Phần lớn dân Mỹ có ăn học, thường chỉ muốn làm việc nhẹ nhàng không đụng tới tay chân nhưng lương phải cao, môi trường sạch đẹp. 

    Dân gốc Á không có sức khỏe dẻo dai nên chỉ chuyên tâm vô các lĩnh vực nhà hàng, cây xăng, cửa hàng tiện lợi, giặt ủi, siêu thị, tiệm nail... 

    Về phía người Việt, theo bài viết đăng tải trên báo Los Angeles Times tháng 12-2018, kể từ năm 1998, hơn 9.000 người Việt tị nạn đã nhận trát tòa để rời khỏi nước Mỹ. Đây là những người đến Mỹ sau năm 1995 nhưng chưa trở thành công dân, phạm vào tội hình sự và nằm trong danh sách bị trục xuất. 

    Sau khi cảnh sát phanh phui đường dây kết hôn giả chấn động do Ashley Yen Nguyen cầm đầu với gần 100 người bị bắt, những sinh viên hay người du lịch hết hạn visa đang tìm cách hợp thức hóa việc ở lại bằng cách "đi" theo con đường này bắt đầu run sợ.

    Tác giả: Nhà văn Nguyễn Hữu Tài

  • Hơn 70 người di cư đã bị bắt giữ sau khi 8 chiếc thuyền nhỏ cố gắng vượt qua eo biển Anh vào thứ Bảy (1/6), Bộ Nội vụ xác nhận.

    Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid mô tả vụ việc là "vô cùng đáng quan ngại", sau khi những chiếc thuyền nhỏ bị các quan chức của Lực lượng Biên phòng chặn ngoài khơi bờ biển Kent.

    Chỉ một trong số tám chiếc thuyền ​​được đưa vào bờ, cập bến tại bãi biển Winchalid Caravan Park, East Sussex. Hai tàu khác đã bị chính quyền Pháp chặn lại ở Pháp.

    Tất cả những người bị tạm giữ đã được kiểm tra và xác nhận an toàn bởi các nhân viên y tế và hiện đang được các quan chức nhập cư tiến hành xử lý.

    Bộ Nội vụ thông tin rằng quốc tịch của những người bị giam giữ vẫn đang được xác định, và cảnh sát cũng đã mở một cuộc điều tra hình sự.

    Ông Javid nói thêm: "Những người chọn thực hiện hành trình nguy hiểm này qua một trong những tuyến đường vận chuyển đông đúc nhất thế giới đang khiến tính mạng của họ bị đe dọa nghiêm trọng - và tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn họ."

    Ông cho hay Lực lượng Biên phòng Anh đã mở rộng hoạt động ra khỏi Trung tâm Thông tin và Điều phối chung ở Calais.

    Ông Javid nói thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách trả về bất cứ ai đã vào Anh bất hợp pháp."

    Trước đó, nghị sĩ Kent Charlie Elphicke đã trả lời báo chí về tám chiếc thuyền chở người di cư đang bị xử lý, cho rằng đây là "số lượng thuyền kỷ lục xuất hiện trong một ngày".

    Ông Elphicke nói: "Chúng tôi muốn thấy Bộ Nội vụ và chính quyền Pháp hợp tác để chấm dứt cuộc khủng hoảng này."

    Một phát ngôn viên của HM Coastguard cho biết họ đã sử dụng chín chiếc tàu để hỗ trợ lực lượng biên giới vào sáng thứ Bảy.

    Ban đầu, HM Coastguard cho biết họ đã cử 13 tàu hỗ trợ Lực lượng Biên phòng, nhưng con số này không chính xác do nhiều báo cáo cùng được gửi tới khi các sự kiện còn đang diễn ra.

    Các tàu của Lực lượng Biên phòng, xuồng cứu sinh RNLI từ các đội cứu hộ Dover, Dungness và Rye và nhân viên bảo vệ bờ biển từ Folkestone, Langdon và Rye Bay đã tham gia giải quyết vụ việc.

    Hình ảnh những người đàn ông được nhân viên dịch vụ khẩn cấp tặng chăn trên bãi biển Winchnes ở East Sussex đã được chia sẻ trên Twitter.

    Một phát ngôn viên của HM Coastguard cho biết họ "cam kết bảo vệ vùng biển và vùng ven biển của đất nước này".

    Phát ngôn viên nói thêm: "Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc cứu sống, giải cứu những người gặp rắc rối và đưa họ trở lại bờ an toàn, nơi họ sẽ được bàn giao cho các dịch vụ khẩn cấp hoặc đối tác liên quan."

    VietHome (Theo ITV)

  • Một người tị nạn đi từ Ma-rốc đã trốn trong hộc đựng đồ ở ghế trước của một chiếc xe hơi, trong khi những người vượt biên khác đã được giải cứu từ một khoang động cơ và một chiếc xe ben.

    Người đàn ông này là một trong ba người được phát hiện khi đang gặp nguy hiểm bên trong các phương tiện giao thông tại biên giới ở Beni-Enzar, Morocco, trong cùng một ngày.

    Một người thứ tư, một nam thanh niên 20 tuổi có nguồn gốc châu Phi, đã được tìm thấy trước đó trong ngày khi đang trốn trong một chiếc xe ben, tại vị trí khiến anh ta có nguy cơ bị nghiền nát bởi các trục xe.

    Các nhân viên cứu hộ ở cảng Melilla, một vùng đất Tây Ban Nha ở bờ biển phía bắc châu Phi, đã phải ra tay giúp đỡ người vượt biên trái phép này.

    Các cảnh sát viên cũng chia sẻ hình ảnh một thanh niên ở tuổi đôi mươi đang trốn đằng sau bảng điều khiển của ô tô, trong khi một người khác được tìm thấy phía sau ghế sau của ô tô.

    Morocco đã trở thành cửa ngõ để đi vào châu Âu cho người di cư châu Phi không có giấy tờ.

    Những người tị nạn lẩn trốn trên xe kể trên bao gồm một bé gái 15 tuổi, một nam thanh niên 21 tuổi và một nam thanh niên 20 tuổi.

    Hai trong số đó đã phải điều trị bằng thuốc vì bị ngạt thở, choáng và đau khớp.

    Ba người - là người điều khiển những chiếc xe bị chặn - đã bị bắt giữ. Họ đều là những người đàn ông Ma-rốc ở tuổi 19, 30 và 31.

    Trước đó, đã có nhiều người khác nỗ lực xâm nhập vào Melilla, trong đó hai người đàn ông được phát hiện đang trốn bên trong những chiếc nệm được buộc vào đầu xe tải vào tháng 1.

    Vào tháng 10 năm ngoái, một người di cư châu Phi đã chết và ba người khác bị thương khi khoảng 300 người đồng loạt xông vào hàng rào biên giới Melilla.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Nếu đến Australia trái phép bằng tàu thuyền bạn sẽ phải quay về nơi xuất phát, bạn sẽ không bao giờ đặt chân được lên đất nước Australia - đó là thông điệp của buổi truyền thông cho 500 người dân ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).

    Tối 29/5, Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp với tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và địa phương tổ chức buổi truyền thông cộng đồng về phòng ngừa đưa người di cư trái phép bằng tàu thuyền từ Việt Nam sang Australia.

    Buổi truyền thông được diễn ra tại xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) với sự tham gia của khoảng 500 người dân địa phương.

    Khoảng 500 người dân tham dự buổi truyền thông cộng đồng về phòng ngừa đưa người di cư trái phép bằng tàu thuyền từ Việt Nam sang Australia. Ảnh: Hải Thượng

    Thông qua sân khấu hóa vở kịch dân ca “Phía cuối một con đường” và bốc thăm trả lời các câu hỏi, người dân đã được thông tin, cảnh báo về nguy hiểm, khó khăn sẽ phải đối mặt khi di cư trái phép.

    Đại diện Đại sứ quán Australia cũng thông báo về tình hình và chính sách của Chính phủ nước này trong việc ngăn chặn, xử lý công dân nước ngoài di cư bất hợp pháp vào Australia.

    Đại diện Đại sứ quán Australia khẳng định: Nếu bạn lên thuyền mà không có thị thực (tức visa), bạn sẽ không bao giờ đặt chân được lên đất nước Australia. Ảnh: Hải Thượng

    Từ tháng 9/2013, Chính phủ Australia đã thực hiện chiến dịch bảo vệ biên giới cứng rắn nhất với thông điệp: "Nếu bạn lên thuyền mà không có thị thực (tức Visa), bạn sẽ không bao giờ đặt chân được lên đất nước Australia. Các tàu thuyền đưa người nhập cư trái phép khi đi vào tới lãnh hải Australia, đều bị bắt giữ và bắt buộc quay lại nơi họ xuất phát”, đại diện Đại sứ quán Australia khẳng định.

    Buổi truyền thông được thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa vở kịch dân ca và bốc thăm trả lời câu hỏi. Ảnh: Hải Thượng.

    Qua những câu chuyện bằng hình ảnh cụ thể, những thông tin bổ ích để giúp người dân trên địa bàn xã Diễn Ngọc nói riêng và bà con nhân dân địa bàn vùng biển nói chung cảnh giác hơn với các thủ đoạn lừa gạt và có những quyết định đúng đắn, không mạo hiểm mạng sống và tiền bạc của mình để di cư trái phép sang Australia.

    Viethome (theo Báo Nghệ An)

  • Farzana Boby mô tả cuộc sống của cô ở Bangladesh như địa ngục. Cô trở về từ London hai năm trước và đã trải qua ba năm mà không thể bác bỏ được cáo buộc gian lận từ chính phủ Anh.

    Boby là một trong số hàng ngàn sinh viên quốc tế bị buộc phải từ bỏ việc học và trở về nhà mà giờ đây vẫn đang phải chờ đợi công bố báo cáo của cơ quan giám sát trong tuần này, với hy vọng nó có thể mở ra giải pháp cho một cuộc tranh chấp kéo dài năm năm đầy đau đớn.

    Trong khi Boby chờ đợi, Bộ Nội vụ cũng phải đối mặt với áp lực  phải giải thích về quyết định của họ vào năm 2014, buộc tội khoảng 34.000 sinh viên quốc tế gian lận trong các bài kiểm tra tiếng Anh được yêu cầu như một phần của quy trình gia hạn visa.

    Văn phòng Kiểm toán Quốc gia (NAO) dự kiến ​​sẽ công bố báo cáo của mình đối với quyết định của Bộ Nội vụ vào thứ Sáu (24/5). Đầu tháng tới, một nhóm nghị sĩ thuộc tất cả các đảng dự kiến ​​sẽ gặp nhau lần đầu tiên để điều tra những gì đã xảy ra. Các sinh viên sẽ được mời đến Hạ viện vào thứ Ba để nêu rõ những hậu quả thảm khốc của việc bị chính quyền buộc tội sai.

    Bộ trưởng Nội vụ, Sajid Javid, đã nói riêng với các nghị sĩ rằng ông thông cảm với tình trạng của những sinh viên bị buộc tội sai và dự kiến ​​sẽ công bố các biện pháp khắc phục hậu quả sau khi báo cáo của NAO được công bố.

    Hơn 1.000 sinh viên đã bị trục xuất khỏi Vương quốc Anh do bị buộc tội và hàng trăm người đã bị giam cầm trong thời gian dài, một số lượng lớn trong số họ nói rằng họ đã bị buộc tội sai; hơn 300 trường hợp đang chờ xử lý tại tòa phúc thẩm trong khi hàng trăm người khác đang cố gắng giải oan cho bản thân.

    Gia đình Boby ở Bangladesh đã mất 50.000 bảng tiền học phí và chi phí sinh hoạt ở Anh cho cô. Nhưng cô không có bằng cấp sau thời gian ở London vì các quan chức Anh cáo buộc cô gian lận trong bài kiểm tra tiếng Anh và cô đã buộc phải dừng việc học trước khi hoàn thành khóa học.

    Khoản tiền lãng phí đã gây ra rạn nứt giữa Boby và bố mẹ cô. Việc thiếu bằng cấp cũng đã buộc cô phải nhận công việc được trả lương thấp và cáo buộc gian lận từ chính phủ Anh đã làm giảm thêm cơ hội việc làm của cô.

    Boby, 29 tuổi, nói tiếng Anh rất rõ ràng và chính xác, mơ hồ gợi nhớ đến huyền thoại Audrey Hepburn. Tiếng Anh của cô vốn đã rất tốt trước khi cô rời nhà năm 19 tuổi để học kinh doanh ở London, sau khi hoàn thành phần lớn việc học ở một trường truyền giáo do một tổ chức của Mỹ điều hành. Rất khó có khả năng cô phải cần sự giúp đỡ và gian lận để vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh đơn giản.

    Các cáo buộc gian lận hàng loạt được đưa ra sau khi những thước phim bí mật của BBC chứng minh rõ ràng tình trạng gian lận tại hai trung tâm kiểm tra nơi sinh viên thực hiện bài thi Toeic.

    Bộ Nội vụ đã yêu cầu công ty Hoa Kỳ cung cấp bài kiểm tra và Dịch vụ Thanh tra Giáo dục phải kiểm tra lại tất cả 58.458 bài thi đã được thực hiện ở Anh trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2014. Công ty kết luận rằng khoảng 34.000 sinh viên chắc chắn đã gian lận, 22.600 có kết quả đáng ngờ và chỉ có 2.000 chắc chắn không lừa dối. Thị thực đã bị thu hồi hoặc hạn chế đối với 34.000 sinh viên bị cáo buộc gian lận và hầu hết trong số 22.600 trường hợp đáng ngờ khác.

    Hàng trăm sinh viên đã kêu gọi các nghị sĩ hỗ trợ. Các nhà vận động đặt câu hỏi liệu có hợp lý không khi khoảng 97% sinh viên tham gia các bài kiểm tra tại các trung tâm được Bộ Nội vụ phê duyệt đều có hành vi gian lận.

    Boby đã tham dự kỳ thi Toeic năm 2012 vì cô cần bằng chứng về trình độ tiếng Anh để xin gia hạn visa. Cô đậu với điểm số tốt, nộp đơn xin thị thực và tiếp tục với việc học. Sau đó, vào khoảng 7 giờ sáng chủ nhật tháng 11 năm 2014, sáu nhân viên nhập cư đã đến trước cửa ngôi nhà nơi cô đang sống, mang theo một bức ảnh của cô và hỏi bạn cùng phòng của cô xem cô có ở đó không.

    “Tôi cảm thấy như thể mình là một tên tội phạm,” cô nói. Cô đã không được thông báo trước rằng Bộ Nội vụ đã từ chối đơn xin gia hạn visa của cô. Cô được chuyển đổi ngay lập tức từ vị thế một sinh viên trả học phí cao sang một người nhập cư bất hợp pháp.

    Nhân viên di trú đã hỏi cô chi tiết về bài kiểm tra tiếng Anh. “Họ đã hỏi rất nhiều câu hỏi về kỳ thi: tòa nhà trông như thế nào, bài kiểm tra đó như thế nào, tôi đi lên lầu để ngồi làm bài kiểm tra hay ở tầng dưới.”

    Cô bị giữ trong vài giờ tại một trung tâm nhập cư và được đưa cho một mảnh giấy nói rằng cô đã xin quyền lưu lại Vương quốc Anh bằng cách “lừa dối”.

    Ban đầu, cô không quá lo lắng. “Tôi nghĩ để minh oan không có gì là khó,” cô bày tỏ. “Đây là một quốc gia phát triển, mọi thứ đều phải tuân theo luật lệ.” Nhưng rồi thông tin nhanh chóng được lan truyền rằng hàng ngàn sinh viên khác cũng phải đối mặt với cáo buộc tương tự và quy trình kháng cáo không hề đơn giản.”

    Không thể đi làm hay đi học, cô cảm thấy vô cùng tuyệt vọng nhưng vẫn quyết tâm ở lại Anh để chống lại cáo buộc và cũng để kết thúc nốt sáu tháng học và tốt nghiệp. “Tôi cảm thấy tuyệt vọng. Đã có lúc tôi muốn tự tử và phải tìm kiếm sự giúp đỡ.”

    Nhưng rồi, cô bị đuổi khỏi nhà, không có tiền để trả cho luật sư hay nộp đơn kháng nghị. Cuối cùng, cô quyết định trở về nhà.

    Cha mẹ cô rất tức giận vì số tiền họ đã chi cho việc học của cô đã bị tiêu tốn vô ích. Cô hy vọng rằng chính phủ Anh sẽ xin lỗi các sinh viên bị buộc tội sai vì gian lận. “Tôi muốn bố mẹ tôi được nhìn thấy lời xin lỗi đó, để họ biết tôi đã không làm điều gì sai trái. Giờ đây tôi chẳng có gì để chứng minh với họ. Tôi đã mất hy vọng.

    Bộ Nội vụ cho biết: “Cuộc điều tra gian lận trong kỳ thi tiếng Anh năm 2014 đã cho thấy hành vi gian lận có tổ chức.” Hai mươi lăm người đã bị buộc tội vì tham gia lừa đảo. Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ đã làm việc với phía tòa án để giúp đỡ những người muốn nộp đơn kháng nghị từ nước ngoài.

    VietHome (Theo Guardian)

  • Cảnh sát được yêu cầu không tố giác những người nhập cư bất hợp pháp nếu họ là nạn nhân của tội phạm.

    Các lãnh đạo ngành cảnh sát đã công bố bản hướng dẫn cấm các nhân viên cảnh sát thông tin cho giới chức nhập cư về những người nhập cư bất hợp pháp là nạn nhân của tội phạm.

    Được đưa ra giữa bối cảnh bê bối Windrush vẫn còn nóng hổi, biện pháp này cũng cấm cảnh sát tra cứu hệ thống dữ liệu quốc gia chỉ để xem liệu một ai đó có quyền lưu lại hay phải rời nước Anh.

    Lãnh đạo ngành cảnh sát tin rằng nỗi lo sợ bị trục xuất có thể ngăn những người nhập cư bất hợp pháp đứng ra tố giác tội phạm.

    Bản hướng dẫn từ Hội đồng Cảnh sát trưởng Quốc gia (NPCC) nhấn mạnh khi một người vừa tố giác tội phạm được xác định có thể là người nhập cư bất hợp pháp, “nguyên tắc quan trọng” trước tiên là phải đối xử với họ như một nạn nhân.

    Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra, nạn nhân này được xác định chính xác là người nhập cư bất hợp pháp, cảnh sát có thể tìm biện pháp thích hợp để thông báo cho cơ quan di trú.

    “[Trong trường hợp này] Cảnh sát sẽ chia sẻ thông tin với Cục Di trú, nhưng không thực hiện bất cứ hành động thi hành luật nào đối với người bị tình nghi là vi phạm luật nhập cư,” văn bản của NPCC nêu rõ.

    Chính sách này được đưa ra sau khi cảnh sát phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì đã chia sẻ thông tin các nạn nhân với giới chức nhập cư.

    Hồi tháng Năm, thông tin được tiết lộ cho biết một nửa lực lượng cảnh sát đã từng có động thái chuyển các nạn nhân và nhân chứng sang cho Bộ Nội vụ hoặc cơ quan di trú.

    VietHome (Theo Telegraph)

  • Lực lượng cảnh sát biên phòng đã phát hiện và bắt giữ 17 người nhập cư được cho là đã đánh cắp một con tàu đánh cá ở Pháp, băng qua kênh đào và đến bờ biển Anh vào ban đêm. 

    Những người này mang quốc tịch Iran và có 3 trẻ em. Họ đã đột nhập vào con tàu dài 12m ở cảng Boulogne-sur-mer tại miền Bắc nước Pháp vào đêm hôm thứ Hai ngày 12/11. 

    Những nhân viên an ninh bờ biển Pháp phát hiện con tàu đi theo một lộ trình "kì lạ" giữa bến cảng tấp nập vào khoảng 9h30 tối giờ địa phương trong thời tiết biển lặng.  

    Lộ trình di chuyển từ Pháp sang Anh của con tàu bị đánh cắp.

    Trung tâm An ninh và Giám sát địa phương, Cross, đã gọi điện cho chủ chiếc tàu, khẳng định tàu của người này đã bị đánh cắp. Sau đó họ gọi điện cho trung tâm cứu hộ bờ biển ở Dover. 

    Được cảnh báo từ sớm nên lực lượng Biên phòng UK đã bắt giữ những người nhập cư ngay khi tàu cập bến vào sáng sớm ngày 13/11. Theo đó, 14 người lớn và 3 trẻ em đã được tìm thấy. 

    Bộ Nội vụ sẽ xử lý các trường hợp này theo luật nhập cư và 3 em nhỏ đã được giao cho cơ quan xã hội chăm sóc. Họ đã vượt qua chặng đường khoảng 30km tính từ bờ biển Pháp đến bờ biển Anh. 

    Chính quyền Pháp cho biết số lượng người nhập cư chui cố băng qua kênh đào từ Pháp sang Anh đã tăng gấp đôi trong năm nay, và tăng 23 lần trong vòng 12 năm qua. 

    Pháp đã đóng cửa trại nhập cư ở Calais vào cuối năm 2016 để ngăn chặn mọi nỗ lực xâm nhập vào Anh. Và những người di cư bất hợp pháp đã chuyển từ đường rừng sang đường biển.  

    Viethome (theo Telegraph)

  • Rác rưởi bốc mùi, người vô gia cư lay lắt nằm khắp các góc phố... là những điều ít ai tin được có thể tồn tại ở một thành phố xa hoa bậc nhất thế giới như Paris, thủ đô nước Pháp.

    viethome paris vo gia cu 1

    Nhiếp ảnh gia David Tesinsky (người Czech) đã ghi lại những hình ảnh đường phố Paris thường nhật dưới một góc nhìn khác. Đối lập với một kinh đô hoa lệ nổi tiếng thế giới là những hình ảnh đường phố đầy rác rưởi, những người vô gia cư ngủ vạ vật ven đường... David Tesinsky gọi thành phố này là "sự lãng mạn giả tạo".

    viethome paris vo gia cu 2

    Trên góc phố của thành phố du lịch xinh đẹp nhiều người ao ước đặt chân đến là hình ảnh không mấy đẹp mắt của một người đàn ông vô gia cư ngủ ngon lành giữa đường nhộn nhịp người qua lại.

    viethome paris vo gia cu 3

    Cuộc sống của một người phụ nữ lay lắt qua ngày, góc phố nào cũng có thể làm chỗ ngủ.

    viethome paris vo gia cu 4

    Những mảnh chăn góp nhặt chẳng đủ để cô chống chọi với cái rét thấu xương của mùa đông châu Âu.

    viethome paris vo gia cu 5

    Có lẽ cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu 3 năm về trước là nguyên nhân chính dẫn tới việc ngày càng gia tăng số lượng người vô gia cư ở những thành phố lớn tại châu lục này.

    viethome paris vo gia cu 6

    Dưới chân cầu hay bên trong đường hầm chật chội đều có thể là nơi ở của những phận người kém may mắn tại kinh đô ánh sáng.

    viethome paris vo gia cu 7

    Người Paris nổi tiếng thế giới với phong cách sống thanh lịch, quý tộc, nhưng có lẽ điều đó chỉ đúng với những người giàu. Mấy ai biết đến những mảng màu u tối của Paris với những phận người nghèo hèn, nguồn sống chực chờ vào những trợ cấp xã hội ít ỏi.

    viethome paris vo gia cu 8

    Những người vô gia cư nằm la liệt cùng nhau, thậm chí bủa vây xung quanh là bao rác thải. Có thể họ đang chờ được chuyển đến những trại tị nạn.

    viethome paris vo gia cu 9

    Những đứa bé này được lớn lên ở kinh đô ánh sáng nhưng dưới những ánh đèn điện hắt hiu nằm đâu đó dưới chân tháp Eiffel hoa lệ.

    viethome paris vo gia cu 10

    Số phận của chúng cũng như những đứa trẻ nghèo sống tại những khu ổ chuột ở các thành phố khác trên thế giới.

    viethome paris vo gia cu 11

    Một bên là thành phố nhộn nhịp tiếng cười nói của khách du lịch ở khắp mọi nơi, đại lộ sạch sẽ ngập ánh sáng, tương phản với sự cô đơn, nghèo đói của những phận người dường như chẳng ai ngó ngàng đến.

    viethome paris vo gia cu 12

    Người ta thường nghĩ một thành phố như Paris chắc chẳng tìm thấy nổi một người ăn xin nào. Nhưng hình ảnh người đàn ông cầm tấm biển "tôi đói" cầu xin sự giúp đỡ của những người đi đường là những gì chân thật nhất đang diễn ra hàng ngày ở thành phố xa hoa này.
     
    Viethome (theo Zing)