Nạn nhân buôn người Việt thắng kiện Bộ Nội vụ, được cấp visa ở lại Anh

Phán quyết mang tính cột mốc này sẽ được áp dụng cho hàng ngàn nạn nhân buôn người ở Anh.

Có hàng ngàn nạn nhân buôn người trên khắp nước Anh, nhưng hệ thống nhập cư phức tạp khiến họ vô cùng uể oải chán chường suốt nhiều năm trời. Tuy nhiên một tòa án tối cao đã vừa đưa ra phán quyết mang tính cột mốc. Phán quyết này nói rằng nạn nhân buôn người nên được cấp visa ở lại Anh (leave to remain).

Trước khi phán quyết này được đưa ra, những người mà chính phủ Anh mặc dù đã thừa nhận họ là nạn nhân buôn người, nhưng vẫn trục xuất họ về nước. Điều này đẩy các nạn nhân vào con đường bị buôn bán trở lại bởi cùng một băng đảng.

Vì lý do đó, nhiều người đã nộp đơn xin tị nạn ở UK vì lý do nhân quyền. Sau đó họ phải chờ đợi suốt nhiều năm trong tình trạng pháp lý mập mờ trước khi hồ sơ của họ được Bộ Nội vụ và tòa án ngó ngàng tới.

Suốt thời gian này họ không được phép làm việc, học tập hay hưởng trợ cấp. Cuộc đời của họ dừng lại ngay đó mà không thể tiến về phía trước. 

Vào hôm thứ Ba ngày 12/10/2021, tòa án phán quyết rằng những nạn nhân buôn người đã nộp đơn xin ở lại UK thì toàn bộ nên được cấp visa leave to remain hết. Phán quyết này sẽ được áp dụng cho hàng ngàn người đã được xác nhận là nạn nhân buôn người. 

Luật này được đưa ra sau khi một phụ nữ Việt Nam 33 tuổi kiện Bộ Nội vụ. Người phụ nữ này đã bị ép hành nghề mại dâm tại thành phố Vinh, Việt Nam trong vòng 6 tháng hồi năm 2016. Sau đó, cô bị tổ chức buôn người đưa sang Anh, băng qua nhiều quốc gia như Nga, Ukraine và Pháp trước khi đến Anh vào tháng 11/2016 trong một thùng xe tải.

Từ tháng 11/2016 - 3/2018, cô bị ép phải làm việc trong nhà thổ và trong trại cần sa. Đến tháng 4/2018, cô được công nhận là nạn nhân buôn người. Nhưng đến tháng 10/2018, cô bị truy tố tội âm mưu sản xuất cần sa và bị kết án có tội tại tòa án Preston Crown Court. Vào tháng 12/2018, cô bị tuyên án 28 tháng tù giam.

Đến tháng 5/2019, luật sư của cô tiếp tục bào chữa rằng cô là nạn nhân buôn người, nhưng Bộ Nội vụ nói họ không có thông tin gì về hồ sơ của cô trong hệ thống. Đến tháng 7/2019, Bộ Nội vụ mới tìm ra được các dữ liệu xác nhận cô là nạn nhân buôn người, nhưng tháng 10/2019 Bộ này vẫn giam cô trong trại cấm túc nhập cư. 

Mặc dù Bộ Nội vụ đã công nhận cô là nạn nhân buôn người, nhưng đơn kháng cáo xin tị nạn của cô vẫn chưa được xử lý. Vì vậy cô đã nộp đơn kiện Bộ Nội vụ. 

Những ảnh hưởng tiêu cực của việc bị buôn bán làm nô lệ đã được kê khai chi tiết với bằng chứng rõ ràng trong hồ sơ nộp lên tòa án. Cô được chẩn đoán mắc chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn), lo lắng và rối loạn trầm cảm.

Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Linden nói: ''Việc từ chối cấp visa cho nạn nhân buôn người đã biến nguyên đơn trở thành nạn nhân của môi trường thù địch do Đạo luật Nhập cư 2014 gây ra (Immigration Act 2014)''.

Luật sư của cô, ông Ahmed Aydeed thuộc đoàn luật sư Duncan Lewis Solicitors, rất hoan nghênh phán quyết này. Ông nói: ''Chúng tôi rất mừng khi thân chủ của chúng tôi, cùng những nạn nhân đã sống sót từ nạn buôn người, sẽ không còn bị bỏ rơi giữa hai thế giới. Tình trạng pháp lý mập mờ đã tước đi nhân phẩm và đẩy họ vào con đường bị bóc lột nặng nề hơn''.

''Có được tấm visa quý báu, những nạn nhân này sẽ được quyền học lập, rèn luyện và cuối cùng có thể đi làm. Điều này không chỉ tốt cho họ mà cũng giảm nhẹ gánh nặng tài chính đối với đất nước''. 

Phát ngôn của Bộ Nội vụ nói: ''Phán quyết không nói rằng chúng tôi phải cấp visa leave to remain cho tất cả nạn nhân nô lệ hiện đại, chúng tôi sẽ cẩn thận xem xét phán quyết này và tiến hành kháng cáo nếu cần''. 

Bộ Nội vụ được cho thời hạn tới ngày 19/10/2021 để kháng cáo nhưng hiện chưa thấy thông tin gì về việc kháng cáo của Bộ.

nan nhan buon nguoi duoc cap visa o lai Anh

Viethome (theo Guardian)