• Chủ nhà hàng Lebanese Gardens Lounge phải đóng án phí gần £15,000.

    Lebanese Garden Lounge 1
    Lực lượng di trú đã ập vào nhà hàng Lebanese Gardens Lounge trên đường Balham High Road vào tháng 3/2023. Ảnh: Google Maps

    Một nhà hàng và shisha lounge ở South London đã bị tước giấy phép kinh doanh sau 11h tối do bị phát hiện thuê 5 người nhập cư bất hợp pháp.

    Chủ nhà hàng Lebanese Gardens Lounge ở Balham đã bị yêu cầu đóng tiền án phí £15,000 do thua kiện Hội đồng Wandsworth sau khi hội đồng này đưa ra quyết định tước giấy phép. 

    Trước đó vào tháng 3/2023, nhân viên Bộ Nội Vụ đã phát hiện 5 người làm việc trong nhà hàng này mà không có giấy tờ làm việc hợp pháp ở UK. Những người này nói rằng họ được trả lương thấp hơn mức lương cơ bản, 1 người trong số này thậm chí không được nhận lương mà chỉ được cho ăn.

    Chủ nhà hàng, Karim Ali, đã phủ nhận mọi cáo buộc nhưng lại không cung cấp được giấy tờ làm việc hợp pháp của những người này, cũng không giải thích được vì sao lại trả lương cho họ thấp hơn mức lương tối thiểu. Ủy ban cấp giấy phép đã quyết định thu hồi giấy phép của nhà hàng vào tháng 6/2023.

    Lebanese Garden Lounge 1
    Hội đồng Wandsworth đã tước giấy phép kinh doanh của nhà hàng vào tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Google Maps

    Một báo cáo về quyết định của ủy ban ghi rằng ông Ali đã thay đổi toàn bộ nhân viên nhà hàng sau khi bị khám xét. "Ông Ali phủ nhận mức lương thấp mà những người nhân viên đã khai với người của Bộ Nội Vụ. Ông khẳng định rằng tất cả nhân viên đều được trả lương ít nhất bằng với mức lương cơ bản, và ông không dùng thức ăn như một hình thức trả lương. Một thanh niên tới thử việc dù không được trả lương nhưng đã được cho ăn miễn phí", báo cáo viết. 

    Ủy ban cho rằng việc trả lương thấp hơn mức lương cơ bản là bằng chứng cho thấy ông Ali biết những nhân viên này không có giấy tờ làm việc hợp pháp tại UK. Báo cáo viết: "Rõ ràng những người này sẽ khó tìm được công việc khác và họ cũng không ở vào vị trí có thể phàn nàn". 

    Ông Ali đã kháng cáo quyết định của hội đồng nhưng đơn kháng cáo đã bị bác bỏ, đồng nghĩa nhà hàng không được phép phục vụ đồ uống sau 11h tối. Ông này cũng phải trả tiền án phí gần £15,000.

    Viethome (theo MyLondon)

  • Hơn 3 năm trước, một ngày mùa hè nắng nóng ở xứ Nghệ, tôi nhận được cuộc điện thoại của người em đồng hương đang ở Anh. Cậu ấy biết hoàn cảnh tôi khó khăn về kinh tế nên rủ tôi di cư bất hợp pháp đến Anh."Qua đây với em, bay qua Nga rồi đi đường bộ sang Anh", cậu em nói.

    Lời rủ rê khiến tôi không khỏi bất ngờ vì chỉ mấy tháng trước đó xảy ra sự việc thương tâm: 39 người Việt chết trong container ở Essex, Anh Quốc. Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, cậu em nói: "Có cách để đi. Xe đông lạnh bị hải quan soi kĩ thì trói mình nằm dưới gầm xe tải". Nói rồi cậu ấy bật chế độ gọi camera cho tôi xem bên trong ngôi nhà đang ở, đâu đó vùng Đông Bắc nước Anh.

    Không cần suy nghĩ nhiều, tôi từ chối lời "mời gọi" của cậu em và khuyên cậu ta nên thu xếp sớm về nước, tìm công việc lao động lương thiện. "Bỏ đi mà làm người", tôi nói khi nhìn khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu của cậu.

    Tôi nhớ đến câu chuyện trên khi mới đây đọc bản tin ở báo Dân trí về việc Bộ Ngoại giao cho biết cảnh sát Pháp đã phát hiện 6 phụ nữ trong đó có 4 người được cho là công dân Việt Nam trong một xe chở hàng đông lạnh tại Rhone, thành phố Lyon, Pháp. Sự việc xảy ra ngày 27/9.

    troi minh duoi gam xe tai
    Cảnh sát Pháp giải cứu 6 phụ nữ, trong đó có 4 người Việt trong một xe chở hàng đông lạnh tại thành phố Lyon, Pháp hôm 27/9 (Ảnh: BBC).

    Không khó đoán công việc của các lao động di cư bất hợp pháp ở Anh và một số nước phát triển ở châu Âu, ở Úc… nếu bạn tìm hiểu thông tin trên internet, ít nhất thì đó là công việc không có giấy phép lao động theo quy định của nhà chức trách sở tại. Di cư trong cảnh nguy hiểm luôn rình rập, nếu trót lọt thì công việc và cuộc sống chui lủi ngày này qua tháng khác, nhưng vì sao nhiều người vẫn bất chấp tất cả chọn con đường này? Câu trả lời đơn giản nhất là để kiếm tiền, để chạy theo giấc mơ giàu nhanh.

    Nhưng, đó có phải là đồng tiền đáng để một số bạn trẻ bất chấp sinh mạng của mình? Tôi từng ở trong hoàn cảnh như vậy, nên từ chính cuộc đời mình, tôi xin nói ngay rằng hoàn toàn không đáng để chúng ta chọn con đường rủi ro ấy, không chỉ vì nó là con đường bất hợp pháp mà trước hết vì cái giá phải trả có thể là tất cả.

    Năm 2013, tôi từ bỏ công việc ổn định ở quê nhà sang Úc tìm cơ hội mới. Mục đích ban đầu là đi học, nhưng không lâu sau đó tôi dần trượt chân vào nghề trồng cần sa, tiếng lóng gọi là "dân chăn mèo". "Mèo" ở đây ám chỉ cảnh sát Úc - đối tượng mà những kẻ trồng cần sa phải tìm mọi thủ đoạn để qua mặt.

    Tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên với công việc tội lỗi này và ngày càng lún sâu cho đến khi bị cảnh sát Úc bắt vào tháng 8/2017. Đó là một ngày tiết trời khá lạnh ở Úc, hai bàn tay tôi nằm trong chiếc còng lạnh buốt, xung quanh là đèn nháy của đoàn xe cảnh sát và đèn chiếu từ chiếc trực thăng bay phía trên. Cảnh mà hồi nhỏ tôi thường xem trên phim thì lúc đó tôi là kẻ trong cuộc.

    Tết nguyên đán 2017 tại nhà tù Fulham, tiểu bang Victoria (Úc), lòng tôi se sắt u buồn, càng buồn hơn khi nhìn một số đồng hương người Việt cũng đang thẫn thờ đếm thời gian qua và dường như trong lòng ai nấy đều tự hỏi ở quê nhà giờ này người thân đang làm gì, có gói bánh chưng không.

    Tôi nhớ mãi trong một đêm tù viễn xứ lạnh lẽo, người bạn tù đồng hương tâm sự "Anh ạ! Ban đầu em cũng sang Úc làm farm (nông trại) nhưng sau nghe mọi người kể về thằng D cũng ở xứ này, nó đi sau em mà nay đã xây nhà khang trang cho bố mẹ rồi. Em thừa biết nó làm gì vì cứ đi Úc mà giàu nhanh thì chỉ có "dân chăn mèo". Thế là em nhảy vào con đường này, vụ đầu trồng cần sa chủ trừ hết chi phí, sang vụ thứ hai thu lãi bằng đúng căn nhà ở làng quê cho bố mẹ, thế nhưng chưa kịp đến vụ thứ ba thì vào đây"

    Đêm đó, vì nhà tù gần biển nên chúng tôi nghe được tiếng gió thổi rất mạnh, xoáy vào những bức tường bê tông trong đêm tối mịt mù tạo thành những âm thanh ghê rợn. Tôi cảm giác thứ âm thanh đó dội vào đầu mình như tiếng hú từ những con tàu bị đắm…

    Theo quy định của chính quyền sở tại, tôi bị di chuyển qua 5 nhà tù khắp tiểu bang Victoria, đi đâu cũng vậy, cứ gặp phạm nhân Tây là họ hỏi tôi "cậu bị bắt vì trồng cần sa phải không?".

    Những năm tháng trong tù, tôi luôn dằn vặt bản thân "tại sao mình lại chấp nhận cái giá đau đớn, thậm chí suýt bỏ mạng để lao vào cuộc mưu sinh bất hợp pháp và bất trắc này". Khi được ra tù, về nước, tôi viết hai cuốn sách được cấp giấy phép xuất bản là "Đường xanh viễn xứ" và "Nếu không có ngày mai", kể lại cuộc đời mình với mong muốn các bạn trẻ nếu đọc sách sẽ rút ra được bài học hữu ích nào đó, tránh lầm đường lạc lối như tôi.

    Tôi cũng như những ai đã lỡ chọn con đường bất trắc này không thể đổ lỗi cho cái nghèo, cũng không thể nói rằng bị lừa. Tất cả là do chúng ta chủ động lựa chọn, tìm hiểu thông tin và muốn đi được cũng phải "nộp" từ 500 triệu đồng đến một tỷ đồng, để rồi biến mình thành con bài đỏ đen trong cuộc chơi của số phận. Chúng ta đã coi rẻ phẩm giá con người, phẩm giá của chính mình để bước tới những cuộc phiêu lưu, rượt đuổi đồng tiền tội lỗi nơi xứ người.

    Sau khi về nước, tôi chọn cuộc sống hoàn lương, bình yên với gia đình, chuộc lỗi và báo hiếu mẹ già. Những lời rủ rê đi lại con đường tội lỗi tiếp tục đến với tôi, gần đây một người quen khi tôi đang ở Úc lại gọi điện rủ tôi qua một nước ở Đông Nam Á, nhưng tôi đều bỏ ngoài tai tất cả.

    Không đi, ở nhà lao động lương thiện có sao đâu, còn đi chui trốn lủi như vậy thì rủi ro ập đến bất cứ lúc nào.

    Tác giảNguyễn Tô Giang tốt nghiệp Tổng hợp Văn (nay là khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) năm 2002. Trước năm 2013, anh là biên tập viên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nghệ An. Hiện Tô Giang sinh sống và làm việc tại quê nhà, thành phố Vinh, Nghệ An.

    Theo Dân Trí

  • nguoi viet bang bang
    9 người ngoại quốc đã được phát hiện trong thùng xe container tại trạm dừng A1 ở Colsterworth. Ảnh: Google

    9 người tình nghi nhập cư bất hợp pháp đã được phát hiện sau khi một chiếc xe container dừng tại trạm nghỉ A1. Người ta nghe thấy tiếng đập "bang bang" phát ra từ bên trong thùng xe.

    Cảnh sát Lincolnshire cho biết 4 người quốc tịch Việt Nam, 4 người Iran bao gồm 1 bé trai, và 1 người Iraq đã được phát hiện trong tình trạng "rất nóng" tại trạm dừng xe tải trên đường Bourne Road, Colsterworth. Cảnh sát cho rằng những người này đã trải qua hành trình hơn 18 tiếng từ Italy. 

    Đại diện cảnh sát tuyên bố: "Chúng tôi nhận được tin báo về âm thanh "bang bang" bất thường phát ra từ thùng xe container tại một bãi đậu xe HGV. Lúc đó là 7h tối ngày 23/11/2023".

    9 người đã được đưa đến đồn cảnh sát Lincoln. Lực lượng Nhập cư thuộc Bộ Nội Vụ đang tiến hành điều tra. Bé trai đã được đưa đến trung tâm chăm sóc địa phương. 

    Tài xế xe tải là một người đàn ông 39 tuổi, đã bị bắt vì tình nghi buôn người. Cảnh sát tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi bất cứ ai có mặt tại trạm dừng A1 vào khoảng thời gian trên vui lòng liên hệ với cảnh sát. Hoặc bất cứ ai có camera hành trình ghi lại diễn biến xung quanh trạm dừng A1 vào thời điểm đó vui lòng liên hệ chúng tôi".

    Bài liên quan: Kinh hãi 340 người nhập cư nhét gọn trong 1 chiếc xe tải

    Giới chức Mexico phát hiện 343 người, trong đó 103 trẻ em không có người lớn đi kèm, trong thùng xe tải bị bỏ lại ven đường cao tốc.

    Cơ quan Nhập cư Quốc gia Mexico ngày 6/3 cho biết chiếc xe tải được phát hiện tối 5/3/2023 tại bang Veracruz, sát Vịnh Mexico. Chiếc xe nằm cạnh tuyến cao tốc thường được những kẻ buôn người dùng để đưa dân di cư từ đông nam Mexico sang biên giới Mỹ.

    340 nguoi nhap cu
    Hàng trăm người nhập cư được giới chức Mexico phát hiện trong thùng xe tải ngày 5/3. Ảnh: Reuters

    Giới chức cho hay 343 người di cư trong thùng xe tải đều khỏe mạnh, nhưng lái xe đã bỏ trốn. Thùng xe có quạt và lỗ thông gió trên nóc, cho thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kẻ buôn người.

    Nhóm người di cư trong thùng xe chủ yếu đến từ Guatemala, Honduras, El Salvador và Ecuador. Trong xe còn có 103 trẻ em không có người lớn đi cùng, đa số đến từ Guatemala. Người di cư tới Mỹ thường trả tiền cho những tay buôn người để đưa con cái qua sau.

    Những em bé này sẽ được đưa vào khu trại do chính quyền bang Veracruz giám hộ, trong khi người lớn sẽ bị điều tra để xác định tình trạng pháp lý của họ tại Mexico.

    Xe tải là một trong những cách thức nguy hiểm nhất thường được những kẻ buôn người sử dụng để đưa người di cư không giấy tờ qua Mexico tới Mỹ. Tháng 6/2022, hơn 50 người thiệt mạng sau khi bị bỏ rơi trong xe tải giữa thời tiết nóng nực ở Antonio, bang Texas, Mỹ.

    Tháng 12/2021, 56 người di cư từ Trung Mỹ tới Mỹ đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi xe tải bị lật ở miền nam Mexico. Hoạt động buôn người qua biên giới Mỹ - Mexico năm 2022 tăng lên mức kỷ lục mới, khi Lực lượng Biên phòng Mỹ ghi nhận hơn 2,3 triệu lần chạm mặt người vượt biên trái phép trong khu vực.

    Viethome (theo ITV News)

  • ke buon nguoi albani 1
    "Dini cho biết anh đã đưa hơn 6,000 người sang Anh quốc bất hợp pháp. Ảnh: Jonathan Buckmaster

    Người đàn ông này nói rằng việc kinh doanh của anh ta chưa bao giờ tốt như thế. Anh ta kiếm tiền từ việc đưa người vượt eo biển trên những chiếc xuồng chết chóc. 

    Trong một chuyến đi đến thủ đô Tirana của đất nước Albani, phóng viên tờ Daily Express đã gặp một kẻ buôn người. Chúng tôi đặt tên cho anh ta là Dini. 

    Dini cho biết vào những ngày bận rộn, có khoảng 200-500 người nhập cư Albani liên hệ với anh ta nhờ sắp xếp chuyến xuồng vượt biển. Những động thái cứng rắn của chính phủ Anh không thể dập tắt khát khao vượt biên của họ. 

    UK là điểm đến duy nhất trong gói dịch vụ của Dini. Trong suy nghĩ của những người nhập cư, Anh là đất nước giàu có và họ có thể kiếm được khối tiền khi làm việc ở đây, đặc biệt nếu họ sẵn sàng làm trong các trại cần sa.

    "Ai cũng muốn đến England vì England có tiền. Họ muốn làm việc trong các trại cần sa, hoặc họ có gia đình ở đấy. Tôi chưa bao giờ đếm số người tôi đã đưa lên xuồng, nhưng năm ngoái có lẽ là 6,000 người", Dini nói. 

    ke buon nguoi albani 1
    Chúng tôi gặp Dini trong một quán cafe ở Albani. Ảnh: Jonathan Buckmaster

    Dini vô cùng nghi ngờ về con số mà chính phủ công bố. Chính phủ nói rằng số người đến Anh bằng xuồng nhỏ đã giảm mạnh trong năm nay. Trong khi mùa hè năm 2022 có đến 2% nam giới Albani bỏ quê để lên xuồng sang Anh. 

    Dù chính phủ Albani khẳng định số người sang Anh đã giảm, nhưng Dini chẳng hề thấy giảm chút nào. "Có lẽ chiến thuật của chính quyền England đã quyết liệt hơn vào năm 2022, nên bọn họ mới bị bắt. Nhưng số người Albani sang Anh trong năm nay hay những năm trước đều như nhau, không giảm", Dini nói. 

    Về công việc, Dini giải thích vai trò của mình: "Tôi có 2 việc. Tôi nhận tiền từ các gia đình đã có người thân sang được Anh. Và tôi trao đổi với khách hàng thông qua MXH về các chuyến đi đến Anh từ Albani".

    "Tôi có đường dây ở England, bọn họ là bạn tôi. Và tôi làm việc với nhóm người Kurd ở Pháp (những người sắp xếp việc cho xuồng ra khơi)".

    Dini thu thập thông tin cá nhân của người nhập cư và chuyển thông tin này cho băng nhóm người Kurd, để họ xác định chính xác vị khách nào đã trả tiền thì mới được lên xuồng. Không ai trốn được khoảng phí £4,000.

    Người nhập cư chỉ phải trả tiền khi đã vào Anh thành công. Chúng tôi thắc mắc làm sao những người bị giữ ở các trại tạm giam gần biên giới có thể liên lạc với Dini để thông báo họ đã cập bờ an toàn.

    "Tôi không muốn nói chi tiết về việc thanh toán. Tôi muốn bỏ qua câu hỏi này. Đường dây của tôi ở England sẽ quản chuyện này", Dini nói.

    Dini nhiều lần khẳng định việc đi xuồng vượt biển là "an toàn". An toàn bởi vì các tàu lớn từ Pháp thường hộ tống những chiếc xuồng này tới vùng biển Anh, sau đó lực lượng biên phòng Anh hoặc lực lượng cứu hộ biển RNLI sẽ giải cứu họ.

    Dini cũng không sợ những tài khoản MXH của mình bị đánh sập. "Tôi đăng tải những video kiểu như "Hôm nay chúng tôi sẽ lên tàu sang Anh, hãy inbox tôi để biết thêm chi tiết". Các video này lập tức viral và người ta bắt đầu liên hệ tôi. Tôi có 3 tài khoản. Một cái có 3.000 follow. Hai cái kia có 10.000 và 11.000 follow. Tôi có đủ thể loại khách hàng, các gia đình, người 16 tuổi, nam giới muốn đi Anh để đổi đời", Dini kể. 

    ke buon nguoi albani 1
    Dini không ngán chính quyền, anh ta chỉ sợ gia đình của người nhập cư. Ảnh: Jonathan Buckmaster

    Dini năm nay mới ngoài 20 tuổi. Anh khoe mình đã kiếm được hơn £50,000 vào năm ngoái nhờ công việc buôn người. Thế nhưng anh nói mình đã đưa được hơn 6,000 người sang Anh vào năm ngoái. Nếu điều anh ta nói là đúng, vậy anh chỉ bỏ túi được £8 trên mỗi người nhập cư. Hầu hết số tiền đều vào túi của băng đảng người Kurd điều hành các chuyến xuồng từ bờ biển Pháp.

    Mức lương trung bình của người Albani chỉ vào khoảng 4,200/năm. "Tôi có thể kiếm được khối tiền. Dĩ nhiên tôi biết chuyện này rủi ro, vì thế tôi cũng không làm nghề này cả đời", Dini nói. 

    Ngoài việc sợ bị chính quyền Albani truy tố, anh còn sợ gia đình những người nhập cư trả thù nếu chuyến đi không suôn sẻ. 

    "Nếu xuồng gặp nạn tôi sẽ gặp rắc rối to. Nếu có người chết, gia đình họ sẽ tìm tôi. Họ có thể giết tôi. Trước giờ chưa từng có chuyện gì, ít nhất là với việc kinh doanh của tôi, nhưng một ngày nào đó chuyện tệ hại có thể xảy ra. Mỗi khi họ lên xuồng đều sẽ có rủi ro, bởi vì chiếc xuồng luôn quá tải".

    "Việc kinh doanh này rất phức tạp. Tôi chỉ là một phần trong đó. Còn nhiều người khác quyết định những chuyện khác", Dini nói.

    Viethome (theo Express.co.uk)

  • Phóng viên Peter Smith của tờ ITV News tiếp tục serie bài viết điều tra ngành công nghiệp buôn người Việt Nam đến Anh, bắt đầu từ các làng quê ở VN nơi những chuyến hành trình được ấp ủ giữa gia đình chòm xóm, đến chặng đường chông gai qua châu Âu để đặt chân đến Anh.

    phong van tho nail 1

    Buôn người là một ngành công nghiệp trong bóng tối, nhưng tại Anh quốc nó lại bành trướng rõ mồn một. Tại các tiệm nail trên khắp các con phố, phóng viên ITV News đã thu thập được bằng chứng từ những người thợ nail được đưa đến Anh bất hợp pháp.

    Sử dụng máy ghi âm bí mật, phóng viên hỏi một thợ nail: "Bạn có giấy tờ hợp pháp để làm việc ở đây không?". "Không, chưa", người này trả lời.

    Hàng ngàn người vẫn bất chấp tính mạng vượt biên mỗi năm. Họ băng qua eo biển trên những chiếc xuồng hơi ọp ẹp, mơ tưởng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Toàn bộ ngành công nghiệp này ở UK được xây dựng dựa trên nỗi tuyệt vọng và khát khao của họ. Dù chính phủ Anh đã nỗ lực không mệt mỏi nhằm ngăn chặn thuyền nhỏ, thế nhưng ngành công nghiệp này vẫn không ngừng nở rộ. Những tiệm nail này không thể chỉ nhìn trên bề mặt.

    "Tôi đến Anh cách đây 6 tháng", một thợ nail khác nói. Anh ấy nói mình đi xuồng vào Anh, "Chuyến đi từ Pháp tới Anh mất 6 tiếng".

    phong van tho nail 2
    Ngành công nghiệp buôn người ở VN bắt đầu từ thôn quê với lời hứa hẹn một cuộc sống màu hồng ở châu Âu. Ảnh: ITV News

    phong van tho nail 2
    Những người nợ nần, hoặc nam giới lớn tuổi không thể xin việc trong tiệm nail thường sẽ chuyển sang trồng cần sa. Ảnh: ITV News

    Tại bờ biển Pháp, họ có 2 lựa chọn, hoặc là lên xuồng nhỏ vượt eo biển, hoặc trốn trong thùng xe tải đi qua hầm. Đi xuồng nhỏ sẽ rẻ hơn, nhưng nguy hiểm hơn. Có khoảng 45-55 người chen chúc trên một chiếc xuồng.

    Một người vượt biên cho biết anh đã vay nặng lãi £20,000 để trả cho đường dây buôn người. Chúng tôi gặp gỡ lúc anh còn ở VN. Anh nói rằng sẽ bắt đầu trả nợ khi đặt chân đến UK. 4 năm sau tôi gặp lại anh. Anh đã kể về cuộc sống khủng khiếp của mình ở UK.

    "Tôi bị đưa vào một căn nhà trồng cần sa. Bọn họ bảo công việc của tôi là chăm sóc cây cho tới khi trả xong nợ. Họ khóa cửa rồi bỏ mặc tôi. Tôi ở trong nhà suốt 1 năm, chưa bao giờ ra ngoài", anh kể.

    Trồng cần sa là một khía cạnh nham hiểm trong những thương vụ buôn người. Những người nợ nần nhiều hoặc nam giới lớn tuổi không xin được việc trong tiệm nail, thường sẽ bị dồn đến con đường trồng cần sa.

    Rất nhiều ngôi nhà ở Anh quốc đã bị các băng nhóm gốc Việt cải tạo thành trại cần sa. Bọn chúng có tổ chức và thường xuyên bóc lột những người thợ làm vườn.

    "Tôi không được trả 1 xu. Tôi còn con cái ở nhà và gia đình ở quê trông chờ tôi gửi tiền về. Một ngày nọ khi có cơ hội tôi đã bỏ trốn. Nhưng tôi không biết đi đâu. Tôi không thể nhờ ai giúp đỡ, tôi rất sợ bị trục xuất", anh nói.

    Tôi nói với anh rằng Chính phủ Anh muốn ngăn chặn xuồng nhỏ, và hỏi anh có sợ bị trục xuất không. Anh nói: "Tôi sợ bọn chúng tóm được tôi hơn là sợ cảnh sát. Bọn chúng đã từng giết người. Nhưng tôi có nghe nói tới kế hoạch Rwanda. Thật khủng khiếp. Một số người Việt Nam có thể e ngại không muốn đến Anh nữa, nhưng tôi nghĩ chính phủ Anh nên nhân đạo hơn. Nước Anh cần lao động, hãy để cho tôi làm việc".

    phong van tho nail 5
    Trên mạng xã hội đăng đầy những bài rao tìm người di cư trái phép. Ảnh: ITV News

    Tại một tiệm nail khác, một người đàn ông kể rằng bạn của anh ta đã khai gian mình dưới 16 tuổi, nhờ đó mà được ở lại UK. "Gần đây tôi có nói chuyện với anh ta, tôi chỉ anh ta cách cư xử sao cho giống trẻ vị thành niên", anh này kể.

    Chẳng hạn như đòi xin kẹo hoặc đồ chơi, để làm ra vẻ mình còn trẻ con. Nhưng thực chất người này đã trưởng thành, giờ phải giả làm trẻ em và sống với một gia đình nhận nuôi ở UK.

    Các thợ nail bất hợp pháp cũng chỉ cho tôi cách để tìm việc. Họ giới thiệu các hội nhóm tìm thợ nail trên mạng xã hội. Vào xem, chúng tôi nhìn thấy những tin đăng tuyển người đi vượt biên.

    Các tin này sử dụng những từ ngữ kí hiệu "ẩn ý" để quảng cáo dịch vụ buôn người. Chẳng hạn "33" là mã vùng điện thoại ở Pháp, "44 là mã vùng điện thoại ở Anh. Vì thế "33-44" nghĩa là đi từ Pháp đến Anh. Tin tuyển người nhấn mạnh rằng "bạn không cần bất cứ giấy tờ hợp pháp nào" vẫn đi đến UK được.

    Chúng tôi thử gọi điện cho một tiệm nail gần London. Tiệm nail này cần thợ làm việc 60 tiếng/tuần.

    "Tôi mới đến Anh, đến đây bằng xuồng", tôi nói chuyện với người phụ nữ qua điện thoại. Cô ấy nói "không thành vấn đề" và sẵn sàng trả tôi 700 bảng/tuần.

    phong van tho nail 2Dù đã nói rõ là tôi không có giấy tờ, nhưng tôi vẫn được đề nghị mức lương £700/tuần, làm 60 tiếng/tuần tại một tiệm nail. Ảnh: ITV News

    Chính phủ Anh hiện đang áp dụng mức phạt nặng đối với các doanh nghiệp bị phát hiện tuyển dụng người không có giấy tờ. Nhưng dữ liệu cho thấy số người VN bị buôn đến UK vẫn không hề giảm xuống. Nhưng ngày càng ít nạn nhân Việt đủ dũng cảm để bước ra ánh sáng tìm kiếm sự giúp đỡ. Vì sợ bị trục xuất nên họ mãi bị xiềng xích trong lòng bàn tay của bọn buôn người.

    Ngành công nghiệp buôn người chưa hề dao động. Nó đem lại tiền bạc cho các băng đẳng tội phạm, nên UK vẫn sẽ là đích đến cuối cùng, vẫn là thiên đường hấp dẫn đối với những người Việt khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Bài liên quan: Báo Anh phanh phui lộ trình sang Anh của người Việt

    Phóng viên ITV News thâm nhập đường dây buôn người ở Nghệ An

    Viethome (theo ITV News)

  • giai phong nha tu pham nhan nuoc ngoai 1

    Chính phủ vừa hứa sẽ nỗ lực trục xuất nhiều tội phạm nhập cư hơn về quê hương của họ, giữa lúc các bộ trưởng đang chịu áp lực phải tạo ra thêm nhiều chỗ chứa trong nhà tù. 

    Bộ trưởng Tư pháp, ông Alex Chalk, đã kí duyệt một số quyết định, trong đó có việc hạn chế giam giữ tù nhân "phạm tội mức độ thấp". Ngoài ra, vào hôm thứ Hai đầu tuần, ông cũng đã công bố nhiều cải cách ở England và Wales.

    Trong số các kế hoạch này, chính phủ Anh sẽ xúc tiến các chính sách cho phép giam giữ tù nhân ở hải ngoại, đây là một động thái bắt chước Bỉ và Na Uy. 

    Hiện tại các nhà tù ở Anh đều đang quá tải một cách đáng lo ngại, với 88.225 người đang bị giam giữ ở England và Wales. 

    Bộ trưởng Tư pháp cho biết có hơn 3.100 tội phạm người nước ngoài đã được thả tính đến tháng 3 năm nay, nhưng 10.500 người còn lại vẫn bị giam giữ ở England và Wales, tiêu tốn chi phí quản lý tới 500 triệu bảng/năm.

    Theo kế hoạch mới, tội phạm nước ngoài sẽ được thả sớm trước khi mãn hạn tù. Các trại giam sẽ thuê thêm nhân viên để đẩy nhanh tốc độ thả người. Hiện tại, tội phạm nước ngoài có thể được thả sớm 1 năm trước khi mãn hạn tù. Hiện các bộ trưởng đang muốn thả sớm 1 năm 6 tháng, như vậy sẽ giúp tiết kiệm £70,000 chi phí quản lý mỗi tù nhân.

    Giới chức cũng đang tìm kiếm giải pháp phóng thích nhanh những người nhập cư phạm tội ít nghiêm trọng, trong đó có việc cấm người phạm tội quay trở lại UK. 

    "Tội phạm nhập cư nên bị trừng phạt, nhưng không thể vì trừng phạt họ mà khiến nhà nước tiêu tốn £47,000 tiền thuế mỗi năm để nuôi nhốt họ, tốt nhất là trục xuất sớm. Thay vì để tội phạm nước ngoài chiếm chỗ trong nhà tù và tiêu tốn tiền thuế của dân, chúng ta nên tìm cách trục xuất họ về nước và cấm quay trở lại UK. ", ông Chalk nói. 

    Bộ trưởng Tư pháp cũng nhắc lại rằng, tống giam những phạm nhân ít nguy hiểm đồng nghĩa với việc sử dụng nhà tù chưa đúng cách. Ông cho rằng nên để tù nhân ra ngoài lao động công ích, dọn dẹp đường phố, lau chà grafitti trên tường hoặc trồng rừng.

    Ông Chalk cũng khẳng định rằng các tù nhân phạm tội h.iếp d.âm vẫn sẽ phải thụ án đầy đủ trong tù, không được tha sớm.

    Viethome (theo ITV News)

  • Năm 2012, khi đang học tại Vương quốc Anh, tôi quen biết một số đồng hương là chủ xưởng nail. Họ nói vui: “Nếu chú trốn ở lại đây làm việc thì mặc nhiên đỡ mất một tỷ đồng”.

    Một tỷ đồng là "lộ phí" để những người như các anh chị nhập cảnh vào Anh và một số nước châu Âu. Tôi "gặp lại" con số này năm 2019, khi xảy ra vụ 39 thi thể bị phát hiện chết ngạt trong thùng xe container ở hạt Essex, Vương quốc Anh. Nạn nhân chủ yếu là người Nghệ An, Hà Tĩnh - quê tôi. Ông Phạm Văn Thìn, ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), bố của một nạn nhân cho biết: gia đình đã phải bỏ ra 30.000 bảng Anh (tương đương một tỷ đồng) để con gái tham gia đường dây đưa người sang Anh. Cháu đã phải làm giả thị thực Trung Quốc, rồi sang Đông Âu cho chuyến đi kéo dài cả tháng, kết thúc bằng cái chết trong thùng lạnh. Đó là hành trình không chỉ đắt đỏ mà còn rủi ro.

    Nhưng những cuộc nhập cảnh chui không vì thế mà dừng lại. Bất chấp mọi cảnh báo, những chuyến vượt biên bằng cách trốn vào thùng xe container để đến đảo quốc sương mù vẫn diễn ra. Mới đây nhất, ngày 27/9, cảnh sát Pháp phát hiện và giải cứu sáu người, trong đó có bốn người Việt, trong một thùng xe container. Sự việc chỉ được phát giác khi một trong số nạn nhân phát hiện hành trình không như mong muốn là sang Anh hoặc Bắc Ireland nên đã liên lạc, báo tin với bên ngoài.

    nhap cu bang xe dong lanh bi bat
    Cảnh sát phát hiện người nhập cư trốn trong xe đông lạnh. Ảnh: SWNS

    Câu hỏi đặt ra là không đi chui thì họ sẽ đi bằng cách nào? Vương quốc Anh và phần lớn các nước châu Âu hiện chưa cấp phép cho lao động phổ thông Việt Nam. Còn nếu đến Đức theo chương trình thực tập sinh thì điều kiện về ngoại ngữ, tay nghề là hết sức ngặt nghèo. Nếu tham gia vào các chương trình hợp tác lao động phổ thông thời hạn 2-3 năm với một số nước đã ký kết như Bồ Đào Nha, Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ... lại phải đối diện với bài toán chi phí. Số tiền mà người lao động phải trả cho các khâu trung gian thường cao hơn nhiều so với mức giá quy định.

    Một người bạn của tôi, đang lao động chui tại Cộng hòa Cyprus cho biết: thời điểm đăng ký vào năm 2017, anh được thông báo là chỉ phải bỏ ra 3.000 USD, nhưng anh đã mất gần hai lần như vậy cho nhiều công đoạn. Sang Cyprus làm nông nghiệp, lương mỗi tháng 500 USD (không tính ăn ở), sau ba năm, anh dành dụm được khoảng 10.000 USD... Nếu không tiếp tục trốn ra ngoài trước khi kết thúc hợp đồng thì tính ra cũng chẳng tích lũy được bao nhiêu so với chi phí.

    Con số 30.000 bảng Anh mà gia đình ông Phạm Văn Thìn tiết lộ trong vụ việc 39 thi thể phát hiện trên xe container vào năm 2019 chính là "đơn giá" chung cho một "đơn hàng" nhập cảnh vào Anh từ hơn 10 năm qua. Nếu nhập cảnh trót lọt, phần lớn sẽ được đón vào làm tại các xưởng nail và các cơ sở trồng cần sa bất hợp pháp.

    Làm nail có thể kiếm tiền túc tắc nhưng trồng cần sa nếu không bị phát hiện, bỏ tù, trục xuất thì có thể kiếm được tiền. Bỏ ra một tỷ đồng, một lao động có thể gửi về gần chục tỷ đồng. Bên cạnh những hành trình thất bại hoặc phải trả giá đắt về tiền bạc, tính mạng, số người nhập cảnh trái phép trót lọt vào châu Âu nói chung và vào Anh nói riêng là không hề nhỏ.

    Chính sách nhân văn dành cho người nhập cư ở Anh trước đây là một trong những lý do khiến người lao động ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, liều chết đến quốc gia này. Thủ tục tị nạn ở Anh đơn giản hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu.

    Thực tế này cộng với những cam kết chắc nịch của các băng nhóm buôn người đã thôi thúc người lao động. Chỉ trong hai năm qua, có hơn 73.000 người nhập cảnh trái phép vào Anh bằng thuyền hơi, trong đó có hơn 1.800 người Việt Nam, theo Đại sứ Anh tại Việt Nam.

    Tuy nhiên, gần đây Chính phủ Anh đã ban hành đạo luật mới, được thông qua vào ngày 20/7/2023, theo đó những người nhập cảnh trái phép sẽ không có quyền ở lại Anh hợp pháp mà bị tạm giữ và chuyển đến một nước thứ ba hoặc hồi hương. Chính sách này được hy vọng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các tuyến đường di cư bất hợp pháp, nguy hiểm vào Anh.

    Trong thời gian học ở Anh, tôi đã chứng kiến những cuộc đời chôn vùi cả chục năm thanh xuân trong bốn bức tường để trồng cần sa bất hợp pháp. Tiền kiếm được, họ chỉ để gửi về gia đình, còn bản thân không có cơ hội sử dụng và cũng không biết cách sử dụng. Giá trị cuộc sống của một con người gần như bị tước mất hoàn toàn.

    Áp lực mưu sinh luôn là sự biện bạch dễ được cảm thông nhưng để giải tỏa áp lực mưu sinh có lẽ cần đường đi bài bản hơn thế, một con đường được tạo lập từ kiến thức, tay nghề, ngoại ngữ... Mưu sinh bằng cách đánh cược - đặt chân lên một hành trình gần với cái chết, hoặc nếu sống sót, cũng không đúng nghĩa một cuộc đời tự do - là lựa chọn có "phí tổn" đắt hơn tiền bạc.

    Không chỉ cá nhân người nhập cư trái phép chịu hậu quả, hệ lụy của tình trạng này sẽ tác động lâu dài lên cả cộng đồng, đòi hỏi những hành động hiệu quả hơn từ nhiều phía, để xã hội ngày càng ít đi những cuộc tha hương đặt cọc bằng tự do hoặc mạng sống con người.

    Theo VnExpress / Trần Long

  • Giới chức Mexico phát hiện 343 người, trong đó 103 trẻ em không có người lớn đi kèm, trong thùng xe tải bị bỏ lại ven đường cao tốc.

    Cơ quan Nhập cư Quốc gia Mexico ngày 6/3 cho biết chiếc xe tải được phát hiện tối 5/3/2023 tại bang Veracruz, sát Vịnh Mexico. Chiếc xe nằm cạnh tuyến cao tốc thường được những kẻ buôn người dùng để đưa dân di cư từ đông nam Mexico sang biên giới Mỹ.

    340 nguoi nhap cu
    Hàng trăm người nhập cư được giới chức Mexico phát hiện trong thùng xe tải ngày 5/3. Ảnh: Reuters

    Giới chức cho hay 343 người di cư trong thùng xe tải đều khỏe mạnh, nhưng lái xe đã bỏ trốn. Thùng xe có quạt và lỗ thông gió trên nóc, cho thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kẻ buôn người.

    Nhóm người di cư trong thùng xe chủ yếu đến từ Guatemala, Honduras, El Salvador và Ecuador. Trong xe còn có 103 trẻ em không có người lớn đi cùng, đa số đến từ Guatemala. Người di cư tới Mỹ thường trả tiền cho những tay buôn người để đưa con cái qua sau.

    Những em bé này sẽ được đưa vào khu trại do chính quyền bang Veracruz giám hộ, trong khi người lớn sẽ bị điều tra để xác định tình trạng pháp lý của họ tại Mexico.

    Xe tải là một trong những cách thức nguy hiểm nhất thường được những kẻ buôn người sử dụng để đưa người di cư không giấy tờ qua Mexico tới Mỹ. Tháng 6/2022, hơn 50 người thiệt mạng sau khi bị bỏ rơi trong xe tải giữa thời tiết nóng nực ở Antonio, bang Texas, Mỹ.

    Tháng 12/2021, 56 người di cư từ Trung Mỹ tới Mỹ đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi xe tải bị lật ở miền nam Mexico. Hoạt động buôn người qua biên giới Mỹ - Mexico năm 2022 tăng lên mức kỷ lục mới, khi Lực lượng Biên phòng Mỹ ghi nhận hơn 2,3 triệu lần chạm mặt người vượt biên trái phép trong khu vực.

    VnExpress (theo AFP/Reuters)

  • Ngày 30/9, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy thông báo: Họ đã giải cứu thành công 177 người, trong một chiếc phà bốc cháy trên biển, bao gồm 27 thành viên thủy thủ đoàn và 83 người di cư. Đó là 83 người vô cùng may mắn.

    Trước họ, quanh những bờ biển nước Ý nói riêng và phía Nam của Liên minh châu Âu (EU) nói chung, đã có quá nhiều cái chết thương tâm, trên đường vượt biển tìm kiếm những cuộc đổi đời. Sau một thập kỷ, bóng đen của cuộc khủng hoảng di cư đã và đang trở lại, đè nặng và làm hằn lên những vết chia cắt, trong lòng cựu lục địa.

    Italy oằn mình

    83 người di cư may mắn được cứu thoát ấy đang trên đường từ đảo Lampedusa đến Porto Empedocle (cùng của Italy). Đảo Lampedusa nằm giữa Tunisia, Malta và đảo Sicily của Italy. Nhờ vị trí thuận tiện ấy, nó trở thành điểm đến “yêu thích” mà hầu như mọi dòng người vượt biển từ Bắc Phi đều lựa chọn, một thứ “đầu cầu tiền tiêu” bắt vào EU.

    oan minh di cu 1
    Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (phải) thị sát đảo Lampedusa ngày 17/9/2023.

    Trong tháng 9/2023, mỗi tuần, có hàng nghìn người di cư đi qua tuyến hải trình ấy, với mong muốn tột bậc được đặt chân lên châu Âu bằng mọi giá, để chạy trốn chiến tranh và xung đột, hoặc chạy trốn cảnh đói nghèo ở quê hương đã bỏ lại sau lưng vĩnh viễn. Chỉ từ ngày 11 đến 13/9, đã có khoảng 8.500 người di cư - nhiều hơn toàn bộ dân số đảo Lampedusa - đến đảo này trên 199 tàu.

    Người đứng đầu chính quyền đảo Lampedusa, ông Filippo Mannino, nhấn mạnh mặc dù Lampedusa vẫn luôn sẵn lòng đón nhận người di cư, song hòn đảo này đã rơi vào tình trạng quá tải. Bởi, trung tâm tiếp nhận người di cư của hòn đảo chỉ có sức chứa khoảng 400 người. Những người di cư sau đó được chuyển đến thị trấn Porto Empedocle trên đảo Sicily.

    Vô hình trung, đảo Lampedusa trở thành mô hình thu nhỏ, nhưng biểu đạt sắc nét cho tình cảnh của Italy - quốc gia EU tiền tiêu trên Địa Trung Hải. Từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 133.000 người di cư đã tìm đến các địa phương ven biển của Italy, gần gấp đôi số lượng người di cư ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Và điều thực sự đau đớn: Hơn 2.500 người di cư đã thiệt mạng trong khi tìm cách vượt biển từ Bắc Phi tới Italy (và Malta) trong năm 2023 này, theo những số liệu thống kê do Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 28/9, trong khi con số trong cùng thời gian của năm 2022 là 1.680 người.

    Đương nhiên, một cách ngắn gọn, dưới mệnh lệnh của lòng nhân đạo, Italy phải lo “nơi ăn chốn ở”, khi tiếp nhận (và sàng lọc) toàn bộ khối người di cư lựa chọn đến với họ.

    Tuy nhiên, trong động thái mới nhất ngày 27/9, Chính phủ Italy đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm tới, qua đó cho thấy những khó khăn ngày càng tăng mà họ đang phải gánh chịu (dù là tương đồng với cả bức tranh toàn cảnh của cộng đồng). Cụ thể, Chính phủ Italy ước tính tăng trưởng GDP năm nay ở mức 0,8%, thấp hơn mức dự báo 1% đưa ra trước đó. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 hạ từ mức 1,5% xuống còn 1,2%.

    oan minh di cu 1
    Người châu Phi liệu có liều mình tha hương, nếu được tiếp cận các cơ hội phát triển ở quê nhà?

    Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cũng tăng mức dự báo thâm hụt tài chính của Italy năm nay và năm tới, theo đó thâm hụt năm nay dự kiến ở mức 5,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức mục tiêu 4,5% đề ra trước đó. Thâm hụt năm 2024 được dự báo ở mức 4,3%, so với mức mục tiêu 3,7%.

    Tình trạng này bắt nguồn từ các hệ lụy của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, cũng như việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ lãi suất ở mức cao. Và những dự báo u ám về triển vọng kinh tế kia đồng nghĩa với việc Chính phủ Italy sẽ phải cố gắng hỗ trợ các công dân của mình trong cơn khó khăn nhiều hơn. Mà cùng lúc, họ vẫn phải lo cho những người di cư vượt biển.

    Câu chuyện mới mà cũ

    Có một cuộc họp quan trọng đã diễn ra ngày 29/9, tại Malta, khi lãnh đạo 9 nước Địa Trung Hải và Nam Âu gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission/EC) - bà Ursula von der Leyen - để thảo luận về vấn đề người di cư.

    Những đoàn người dấn thân vào vô định.

    Hội nghị cấp cao này diễn ra một ngày sau khi bộ trưởng nội vụ các nước thành viên EU đạt được bước tiến, trong việc đề ra các quy định mới liên quan đến cách khối này đối phó với làn sóng nhập cư trái phép. Mặc dù vậy, Italy đã đề nghị cần có thêm thời gian để xem xét văn bản này, trước khi tiến tới đạt được một thỏa thuận chung.

    Khoảng 186.000 người di cư thông qua tuyến đường biển Nam châu Âu đã đặt chân đến Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Cyprus và Malta, tính từ đầu năm đến ngày 24/9. Số liệu này gợi lại những cảm giác nặng nề từ thập niên trước còn chưa kịp phai mờ, khi cũng có hàng đoàn người đánh cược với sinh mạng của mình như thế để tìm đến những bờ biển Nam Âu, sau khi “Mùa xuân Arab” quét qua cả một dải Bắc Phi - Trung Đông. Ngày ấy, EU cùng lúc hứng chịu cả bốn cuộc khủng hoảng: kinh tế, người nhập cư, cơ chế hoạt động (nhất là sau khi nước Anh chính thức xúc tiến tiến trình Brexit) và cân bằng chiến lược địa chính trị. Hiện tại, dường như câu chuyện cũng chẳng tươi sáng hơn là mấy.

    Suốt những năm tháng ấy, các quốc gia “đầu sóng” - vẫn là Italy, Tây Ban Nha, Cyprus, Malta và Hy Lạp - “vật vã” kêu gọi các nước thành viên EU khác chia sẻ gánh nặng. Bây giờ, cả Thủ tướng Italy - bà Georgia Melani - lẫn Chủ tịch EC Ursula von der Leyen vẫn đang phải kêu gọi phối hợp hành động, để đối phó với những thách thức chung từ làn sóng người di cư đang trở nên mất kiểm soát.

    Thủ tướng Meloni nhấn mạnh vấn đề này đang đe dọa tương lai mà EU hướng tới, một tương lai phụ thuộc vào năng lực toàn khối ứng phó với những thách thức lớn. Trong khi đó, Chủ tịch EC cho rằng làn sóng di cư bất hợp pháp là thách thức của toàn châu Âu, nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối. Bà kêu gọi các thành viên khác của EU tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italy.

    Trước đó, bởi áp lực nặng nề do lượng người di cư từ châu Phi ngày càng tăng, Italy đã phải tìm kiếm sự can thiệp của Liên hợp quốc. Và vừa ngày 2/10, tân Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) - bà Amy Pope, cựu cố vấn Nhà Trắng - khẳng định: “Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là chuyện số người thiệt mạng ở Địa Trung Hải bị coi là vấn đề bình thường, khi có người cho rằng đây chỉ là cái giá phải trả cho việc di cư trái phép của họ. Nếu chúng ta thực sự muốn ngăn chặn dòng người vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền ọp ẹp để đối diện với nguy cơ mất mạng, chúng ta cần phải tiếp cận tình hình theo cách toàn diện hơn”.

    Song, cách toàn diện hơn ấy là cách nào?

    Những giải pháp tạm thời

    Giải pháp mà Italy, cũng như các nước “tuyến đầu” hướng đến, là một cơ chế chia sẻ trách nhiệm chung đối với việc tiếp nhận người tị nạn, áp dụng cho toàn thể các thành viên EU. Đây cũng là hướng đi mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thống nhất với Thủ tướng Italy Melani vào ngày 26/9, sau cuộc thảo luận trực tiếp về “sự cần thiết phải tìm ra giải pháp của Liên minh châu Âu cho vấn đề di cư”, cũng như các vấn đề kinh tế. Theo Điện Elysee, khả năng để hải quân các nước tham gia các sứ mệnh kéo dài trên Địa Trung Hải cũng rất đáng xem xét.

    oan minh di cu 1
    Những vòng thép gai lạnh lùng trong lòng EU.

    Tuy nhiên, vào ngày 29/9, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này sẽ giữ nguyên quyền phủ quyết đối với “hiệp ước di cư” ấy, nếu nó trở thành hiện thực. Điều này cũng dễ hiểu. Ba Lan, cũng như không ít quốc gia khác, cũng đang cực kỳ khó khăn trong việc lo cho đời sống công dân của mình, dưới áp lực đa chiều từ cuộc xung đột Ukraine.

    Một ngày sau, 30/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: Số lượng người tị nạn hướng tới Đức hiện tại là quá lớn. Hơn 70% tổng số người nhập cư đến Đức chưa được đăng ký trước đó, mặc dù hầu như họ đều đã đến một quốc gia khác trong EU trước khi đến Đức (lý do là bởi sự giàu có của nước Đức). Và ông nhấn mạnh: Điều này sẽ không thể tiếp tục kéo dài.

    Thủ tướng Scholz khẳng định: Đức ủng hộ việc bảo vệ biên giới bên ngoài của EU. Trong liên minh, Đức đang tiếp tục phối hợp với Áo để triển khai các biện pháp an ninh biên giới bổ sung. Đức cũng đã thống nhất với Thụy Sĩ và Czech về các biện pháp kiểm soát biên giới chung và tăng cường kiểm soát biên giới với Ba Lan. Ở một diễn biến khác, ngày 24/9, Thụy Sĩ từ chối tiếp nhận người di cư từ nước Ý.

    Từ bối cảnh khác biệt về cách tiếp cận này, chúng ta có thể hiểu vì sao vào ngày 28/9, Quy định về khủng hoảng người di cư mà EU đề xuất đã không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, khi có 4 quốc gia phản đối (Áo, Czech, Hungary và Ba Lan) - trong khi 3 quốc gia khác được coi là bỏ phiếu trắng - Đức, Hà Lan và Slovakia, bất kể tất cả đều thống nhất là chỉ có thể giải quyết vấn đề trên tinh thần đoàn kết.

    Mặc dù vậy, dường như những câu hỏi mang tính gốc rễ từ 10 năm trước vẫn cứ bị bỏ lửng: Đâu là nguyên nhân thực thụ thôi thúc những đoàn người di cư quyết tâm vượt đại dương?

    Nếu ở quê hương của họ không có xung đột hay chiến tranh, nếu tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng được cải thiện và đẩy lùi, nếu những cơ hội phát triển được kiến tạo trên những vùng đất cằn cỗi ấy nhờ sự hỗ trợ từ các nước phát triển…, thì họ có nhất thiết phải liều mình bỏ lại tất cả sau lưng như thế? Để dấn thân vào mịt mờ và trở thành gánh nặng cho châu Âu, giữa sự hoang tàn của “Mùa xuân Arab” ngày trước với những vùng lửa cháy ở Tây Phi hiện tại, hay là sự công phẫn của châu Phi nói chung về những tác động kinh hoàng của tiến trình biến đổi khí hậu (mà tất cả, đều ít nhiều có những tác động từ phương Tây)…

    Theo cand

  • Một cuộc điều tra của ITV News đã tiết lộ cách thức người Việt Nam đi đường phi pháp sang châu Âu, và lợi nhuận mà đường dây buôn người thu được từ khát khao đổi đời của họ. 

    Ở VN, buôn người là một ngành công nghiệp tinh vi và bùng nổ. Mỗi năm có hàng ngàn người vay mượn tiền để trả cho các đường dây để nhập cư phi pháp sang nước ngoài. Họ cho rằng thu nhập ở nước ngoài cao hơn rất nhiều, sẽ nhanh chóng trả hết nợ. 

    Tuy nhiên đây không phải là vấn đề của toàn bộ người dân Việt Nam, và nhu cầu vượt biên phi pháp chỉ tập trung ở các ngôi làng thuộc một tỉnh duy nhất: Nghệ An. 

    Dĩ nhiên ngoài Nghệ An, một số người dân ở Quảng Bình, Hải Phòng hay Hà Tĩnh cũng có tham vọng vượt biên, nhưng quy mô ở những nơi này hầu như không thể so sánh với sự chuyên nghiệp ở Nghệ An. 

    ITV phanh phui nguoi viet buon nguoi 1
    Phóng viên ITV News, anh Peter Smith, báo cáo từ Malta. Ảnh: ITV News

    Ngày nay những ngôi làng ở Nghệ An khá yên tĩnh, vì hầu hết người trẻ đều đã vượt biên và gửi tiền về nhà. Một gia đình có nhiều họ hàng di cư thành công theo cách này đã nói với ITV rằng: 70% người trong độ tuổi lao động đều đã vượt biên bất hợp pháp. 

    Bước đầu tiên là liên hệ với đường dây. Một số tổ chức làm ăn hợp pháp, có văn phòng ở thủ phủ của Nghệ An là thành phố Vinh. Công việc của họ là bán visa hợp pháp đến một quốc gia châu Âu. Malta, Hungary, Romani và Latvia là các quốc gia được quảng cáo nhiều nhất. 

    Chi phí cho tấm visa này từ £15,000 - 35,000, đây hoàn toàn là visa hợp pháp được làm từ các giấy tờ hợp pháp. Những người muốn đi có thể mượn tiền từ họ hàng, ngân hàng hoặc đường dây cho vay nặng lãi. 

    Các công ty này không trực tiếp buôn người, nhưng họ biết rằng những người mua visa là người có ý định di cư bất hợp pháp đến 1 quốc gia thứ 3, chẳng hạn Đức hoặc Anh. 

    Phần sau chính là phần của đường dây buôn người. Người dân Nghệ An không chi trả hàng chục ngàn bảng chỉ để đến Đông Âu làm việc, cái họ muốn là có được tấm vé định cư lâu dài ở Anh và Tây Âu.

    ITV phanh phui nguoi viet buon nguoi 1
    Malta là một trong các quốc gia được quảng cáo là cửa ngõ vào châu Âu. Ảnh: ITV News

    ITV nghe nói 1 nhân viên ở đại lý bán vé máy bay ABAY từng hứa họ có thể xin visa đi Hungary trong vòng 1 tuần, và với tấm visa này bạn có thể làm việc hợp pháp ở bất cứ đâu tại châu Âu. Thực tế những tấm visa làm việc này phải mất 5 năm mới có được. 

    ITV đã liên hệ với ABAY về vấn đề này, nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Khi đã đặt chân đến Hungary, những người di cư sẽ bị đẩy cho các băng nhóm khác để đưa họ đến quốc gia mục tiêu. Trong cuộc điều tra, phóng viên ITV đã nghe được giọng bọn buôn người, chúng nói tiếng Nga bằng phương ngữ Ukraine. Những kẻ này chở người di cư VN đi xuyên lục địa tới Pháp, sau đó họ sẽ được sắp xếp xuồng nhỏ để băng qua eo biển Anh. 

    Nhũng người di cư chấp nhận liều lĩnh, họ ôm theo hy vọng đổi đời. Điều này cũng dễ hiểu, rất nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang đã mọc lên ở Nghệ An. Yên Thành được gọi là "làng tỉ phú" nhờ tiền của Việt kiều gửi về. 

    Tiền vay mượn để đi nước ngoài được xem là một hình thức đầu tư hấp dẫn. Dù họ phải đánh đổi cả tính mạng, nhưng nó rất đáng đồng tiền. 

    Họ tin rằng nếu làm việc chăm chỉ ở những quốc gia giàu, họ sẽ làm giàu và giúp gia đình đổi đời. Thậm chí nếu chỉ được trả £4/giờ, thì vẫn còn tốt hơn nhiều nghề làm ruộng chỉ kiếm được £1/ngày. 

    Nếu họ sống khiêm tốn và mọi thứ đều tuân theo kế hoạch, họ sẽ trả hết nợ trong vài năm và có thể bắt đầu tích lũy cho gia đình. Đó là một kiểu hy sinh đời bố củng cố đời con và họ rất sẵn lòng. Tuy nhiên, họ lúc nào cũng có thể bị bóc lột. 

    Khi còn ở quê nhà yên ổn, họ nghĩ rằng họ có thể tin tưởng các đường dây người Việt. Nhưng khi đến châu Âu, họ nhanh chóng bị đẩy cho các băng đảng khác, đôi khi bị buôn bán giữa các băng đảng ở những quốc gia khác nhau trên đường đi. 

    Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, dễ dàng bị h.iếp d.âm và bị đẩy vào con đường mại d.âm để kiếm tiền cho bọn buôn người. Nam giới bị buộc làm việc trong trại cần sa. ITV đã nghe thấy bằng chứng về chuyện băng đảng ép gia đình nạn nhân tìm "người làm vườn" thay thế nếu nạn nhân muốn rời đi. 

    Ngoài ra, những người di cư bất hợp pháp dù làm việc trong tiệm nail, nhà hàng hay sòng bài thì họ cũng chỉ được trả lương thấp hơn nhiều so với mức lương cơ bản. Chưa kể họ còn phải làm thêm giờ.

    Họ cũng phải sống chen chúc với người khác trong những nơi ở ọp ẹp, tiền thuê bị trừ từ tiền lương. Có thể họ nghĩ rằng mình may mắn khi kiếm được nhiều tiền hơn so với thời ở VN, nhưng thật ra họ chỉ đang bị những kẻ khác lợi dụng sự tuyệt vọng của họ. 

    Việc chuyển tiền cũng giúp các băng đảng kiếm tiền. Vì không có giấy tờ nên những người di cư không thể dùng các phương pháp chính thống để gửi tiền về nhà. Họ không thể giải thích với ngân hàng tiền họ có được từ đâu. Vậy là lại một lần nữa họ phải dựa dẫm vào đường dây tội phạm để chuyển tiền về nhà, và dĩ nhiên họ bị cắt một khoản phí rất lớn.

    ITV phanh phui nguoi viet buon nguoi 1
    Những người di cư dễ dàng bị bóc lột. Ảnh: ITV News

    Hàng tuần có hàng ngàn người VN gửi tiền về nhà theo cách này, giúp các băng nhóm kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Tiền này một phần được dùng cho các hoạt động phi pháp. Những kẻ buôn người rất tàn nhẫn và có thể bày ra đủ cách để kiếm lợi từ những người đồng hương mà chúng chỉ coi như một món hàng. 

    Đó là cách mà các băng đẳng làm giàu. Món nợ mà người di cư vướng phải trở thành một nhà tù. ITV đã gặp gỡ một số người đã phải trả hàng chục ngàn bảng cho một đường dây. Đường dây từng nói rằng có thể làm cho họ visa du học sinh để đến Malta hợp pháp, so đó đi xuyên châu Âu đến bất cứ quốc gia nào mà họ muốn. 

    Điều này không đúng. Khi vừa đến Malta, hộ chiếu của họ bị cảnh sát tịch thu. Để thoát khỏi tình huống đó họ phải dùng hộ chiếu giả. Vậy là đường dây tính họ một khoản phí khổng lồ cho dịch vụ này. 

    Tuy nhiên, hàng chục người đã bị cảnh sát dò ra và giờ đang bị giam giữ chờ trục xuất. Những người ở lại thì luôn sống trong sợ hãi không biết phải làm gì. Trở về VN không phải là lựa chọn vì họ sẽ mang món nợ trở về. Nếu cố đi vào châu Âu để làm việc, họ có thể bị bắt và bị cấm trở lại châu Âu. 

    Lựa chọn nào cũng khó khăn, nhưng họ vẫn phải trả nợ, nếu không gia đình ở quê sẽ bị siết nhà. Món nợ đã trở thành xiềng xích ràng buộc họ với đường dây buôn người. 

    Thậm chí nếu vào được châu Âu, họ vẫn phải băng qua eo biển Anh vô cùng nguy hiểm trên những chiếc xuồng hơi ọp ẹp và đông đúc. Xuồng thường chìm trước khi đến được Anh. 

    Không ai ở VN muốn trải qua hành trình này. Nhưng nếu ở lại quê nhà thì họ lại sợ nghèo đói và con cái phải gánh nợ. Họ sẵn sàng bước lên chiếc xuồng nguy hiểm ấy để đổi đời. 

    ITV phanh phui nguoi viet buon nguoi 1
    Người di cư không bao giờ muốn phải quay trở về khi chưa vào được châu Âu. Ảnh: ITV News

    Viethome (theo ITV News)

  • Những hình ảnh chụp tại hiện trường cho thấy 2 trẻ người Việt bị nhét vào ghế sofa trong tư thế không thể tự thoát trong xe ở cảng Newhaven (hạt East Sussex).

    c1
    Tình trạng của trẻ vào thời điểm biên phòng Anh phát hiện. Ảnh: SWNS

    Hai bị cáo tên lần lượt là Junior Toussaint và Andrene Paul, đều ở gần Paris (Pháp), đã bị tuyên mức án cộng gộp là gần 10 năm tù ở tòa án Hove Crown (Anh) sau khi nhận tội trợ giúp nhập cảnh phi pháp vào Anh, theo trang Aol.com hôm 17.9.

    Toussaint và Paul đóng vai trò tài xế vận chuyển di dân nhập cư lậu và sử dụng đồ nội thất để cất giấu một phụ nữ và 3 trẻ em người Việt ở đằng sau một chiếc xe tải thuê.

    Hai người đã lái xe từ cảng Dieppe ở bờ bắc nước Pháp đến cảng Newhaven của Anh vào rạng sáng ngày 2 tháng 4 năm nay.

    Lực lượng biên phòng Anh bắt đầu hoài nghi trong quá trình lục soát xe tải và phát hiện chuyển động bên dưới các ghế sofa. Lúc đó các ghế sofa nằm bên dưới một tấm thảm và những đồ nội thất khác.

    c1
    Ghế sofa được thiết kế đặc biệt để buôn người. Ảnh: SWNS

    Các hình ảnh chụp lại hiện trường cho thấy 2 trẻ em người Việt bị nhét bên trong ghế và không có phương tiện thoát ra ngoài trừ phi có sự trợ giúp.

    Những người còn lại bị giấu bên trong những đồ nội thất khác, bao gồm tủ có ngăn kéo. Một di dân được tìm thấy trong tình trạng bị đè bên dưới một ghế đi văng.

    Bị cáo Toussaint, 25 tuổi, lãnh mức án 4 năm 6 tháng tù, còn bị cáo Paul, 28 tuổi, bị tù 5 năm 5 tháng.

    Gần 4 năm trước, vào ngày 23.10.2019, nhà chức trách Anh phát hiện 39 thi thể người Việt trong container đông lạnh ở thị trấn Grays (hạt Essex). Nguyên nhân tử vong là chết ngạt trong quá trình bị buôn lậu phi pháp vào Anh.

    Theo Thanh Niên

  • Cuộc gọi ẩn danh cùng tin nhắn cầu cứu giúp phóng viên BBC lập tức hành động, đề nghị giới chức Pháp chặn xe tải đông lạnh để cứu nhóm phụ nữ Việt mắc kẹt.

    "Khoảng trưa 27/9, màn hình điện thoại của tôi sáng lên. Đó là tin nhắn với nội dung 'Có một số người tìm cách vượt biên từ Pháp sang Anh trong xe tải đông lạnh'", Khue B. Luu, phóng viên BBC tại London, kể lại. "Tôi chưa kịp đọc hết tin nhắn thì có cuộc gọi đến, giọng hoảng loạn. 'Cô có ở châu Âu không? Xin hãy giúp đỡ, tình hình rất nguy cấp'".

    Khue B. Luu cho biết người gọi là nam giới, tin rằng người này biết về cô bởi cô đã tham gia đưa tin về thảm kịch 39 người Việt chết trong container ở Essex, Anh hồi tháng 10/2019.

    Khue B. Luu đặt một số câu hỏi cơ bản, nhưng người gọi không trả lời rõ ràng, khiến cô trở nên giận dữ. Những gì cô nắm được là có một nhóm 6 phụ nữ trốn trong xe tải đông lạnh vượt biên, không rõ biển số, vị trí cũng như hướng di chuyển.

    Cô cũng biết được rằng chiếc xe tải đang ở Pháp, nhưng dường như đã quay đầu, không còn hướng tới biên giới Anh. Điều hòa trên thùng xe đã bật và những người bên trong bắt đầu cảm thấy lạnh cũng như hoảng loạn.

    cuoc goi xe dong lanh tu phap 1
    Một số người trong nhóm 6 phụ nữ trên xe tải đông lạnh ở Pháp. Ảnh: BBC

    Người gọi cho hay nhóm phụ nữ trong thùng xe vẫn có thể liên lạc với bên ngoài. Người đàn ông đã kết nối Khue B. Luu với một người trong số đó.

    "Ở đây rất lạnh. Gió điều hòa liên tục thổi", cô gái trẻ nhắn tin cho Khue B. Luu, cho hay đây là xe tải chở chuối và cửa thùng đông lạnh đã bị cài chặt bằng một chốt kim loại. Cô gửi kèm hai video ngắn.

    Một video cho thấy không gian bên trong thùng xe, với những thùng đựng chuối xếp cao đến nóc. Nhóm 6 phụ nữ ngồi trên sàn xe trong không gian chỉ rộng vài chục cm. Có tiếng ho và giọng một phụ nữ trẻ nói "Tôi không thở được" bằng tiếng Anh.

    Cô gái này cho hay nhóm của họ lên xe tải vào khoảng 0h30 đêm trước đó. Họ đã ngồi trên xe hơn 10 tiếng và cảm thấy bất an khi tín hiệu GPS trên điện thoại cho thấy xe tải đã chuyển hướng.

    Tín hiệu định vị mà cô gái gửi cho phóng viên BBC khi đó cho thấy xe tải đang ở trên cao tốc E15, gần Drace, phía bắc thành phố Lyon, đông nam Pháp.

    Khue B. Luu lập tức liên hệ với các đồng nghiệp ở BBC News và các phóng viên ở Pháp. Cô cũng báo tin cho phóng viên tờ Le Monde của Pháp thường trú ở London. Người này nhanh chóng thông báo cho đồng nghiệp phụ trách mảng người nhập cư tại văn phòng ở Paris.

    Đồng nghiệp của Khue B. Luu tại Pháp giúp cô liên lạc với đồn cảnh sát gần vị trí xe tải nhất để gửi thông tin. Cô gái trong xe tải không thể gọi điện ra bên ngoài, dường như do loại SIM điện thoại cô đang sử dụng.

    Đột nhiên, dữ liệu chia sẻ vị trí bị gián đoạn khiến Khue B. Luu không thể xác định được chiếc xe tải đang ở đâu, nhưng cô gái trong xe vẫn có thể nhắn tin cho phóng viên BBC. Cô cho biết điều hòa đã tắt, và mọi người bắt đầu khó thở. "Chúng tôi cảm thấy ngột ngạt", cô nhắn.

    Khue B. Luu lo ngại rằng những người trong xe không còn nhiều thời gian. Cô trấn an họ, đề nghị họ bình tĩnh, không nói chuyện để tiết kiệm dưỡng khí, khẳng định cảnh sát sẽ sớm can thiệp.

    Sau khi trao đổi thêm, Khue B. Luu biết thêm rằng trước khi lên xe tải, ba người đồng hành với nhóm đã quyết định không tham gia. Cô gái trên xe chuyển cho Khue B. Luu bức ảnh biển số xe mà ba người này đã chụp, cho thấy đây là biển số Ireland. Đúng lúc này, tín hiệu về vị trí xe cũng xuất hiện trở lại trên điện thoại của cô.

    cuoc goi xe dong lanh tu phap 1
    Biển số được cho là của xe tải đông lạnh chở 6 phụ nữ nhập cư trái phép ở Pháp. Ảnh: BBC

    Cảnh sát vùng Rhone của Pháp sau đó thông báo họ đã xác định được vị trí chiếc xe và chặn nó. Khue B. Luu tiếp tục nhắn tin nhưng không nhận được phản hồi từ cô gái. Cô cho rằng cảnh sát đã giải cứu nhóm người và tịch thu điện thoại của họ.

    Le Monde đưa tin giới chức Pháp chặn xe tải vào 13h30 (18h30 giờ Hà Nội) ngày 27/9. Thùng đông lạnh có nhiệt độ 6 độ C khi được mở ra, nhưng sức khỏe 6 phụ nữ bên trong đều ổn định.

    Truyền thông Pháp cho hay tài xế trước đó cũng nghi ngờ có người trong thùng đông lạnh, do nghe thấy âm thanh như tiếng người, và chủ động dừng xe, báo tin cho cảnh sát. Giới chức Pháp mở cuộc điều tra do nghi ngờ có hành vi buôn người. Tài xế đã bị tạm giữ để điều tra, nhưng các công tố viên cho hay người này không bị nghi phạm tội.

    Laetitia Francart, công tố viên vùng Villefranche-sur-Saone, phía bắc thành phố Lyon, thông báo nhóm gồm có 4 người Việt, trong đó một bé gái, và hai phụ nữ Iraq.

    Nhóm người Việt nói họ lên xe tải với cam kết sẽ được đưa đến Anh an toàn. Khue B. Luu cho biết 4 người trong nhóm sẽ bị trục xuất trong vòng 30 ngày, hai người được phép ở lại chờ xin tị nạn, nhưng không nêu cụ thể là ai.

    "Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng họ đã an toàn ở Pháp, đó mới là điều quan trọng nhất", Khue B. Luu nói.

    Hàng năm có hàng nghìn người tìm cách nhập cư trái phép từ miền bắc Pháp đến Anh với mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Họ thường trốn trong các thùng xe tải hoặc đi thuyền nhỏ vượt Eo biển Manche nằm giữa Anh và Pháp, nhưng cả hai hình thức vượt biên này đều tiềm ẩn rủi ro rất cao.

    Bài liên quan: 4 phụ nữ VN được cảnh sát Pháp giải cứu trên thùng xe đông lạnh

    VnExpress (theo BBC, Le Monde)

  • 6 phụ nữ, trong đó có 4 người Việt, được cảnh sát Pháp giải cứu trong thùng xe tải đông lạnh, sau khi gửi tin nhắn nhờ giúp đỡ.

    Cảnh sát Pháp thông báo dừng một xe tải đông lạnh hôm 27/9 trên cao tốc E15 gần Drace, phía bắc Lyon và phát hiện 6 phụ nữ, gồm 4 người Việt và hai người Iraq, trong thùng xe chật hẹp chở đầy chuối, BBC ngày 28/9 đưa tin.

    Laetitia Francart, công tố viên vùng Villefranche-sur-Saone, phía bắc thành phố Lyon, miền đông Pháp, cho biết nhóm phụ nữ lên thùng xe tải mang biển số Ireland với hy vọng đến được Anh hoặc Ireland.

    Tuy nhiên, xe này chỉ chở hàng đến Dunkirk, Pháp sau đó hướng về Italy. Sau khi kiểm tra vị trí trên bản đồ bằng điện thoại và phát hiện xe tải đi hướng ngược lại, nhóm phụ nữ hoảng loạn.

    thung xe dong lanh
    Hình ảnh bên trong xe tải đông lạnh do người cầu cứu gửi đến phóng viên BBC. Video: BBC

    Một người trong nhóm có số điện thoại của phóng viên BBC ở London và đã gửi tin nhắn cầu cứu vào khoảng giữa ngày 27/9.

    "Ở đây rất lạnh. Gió điều hòa liên tục thổi", cô cho biết, mô tả cửa thùng đông lạnh đã bị cài chặt bằng một chốt kim loại. Cô gửi kèm hai video ngắn, trong đó có tiếng nói "tôi không thở được".

    Người phụ nữ cầu cứu đã chia sẻ vị trí GPS, giúp phóng viên xác định xe tải khi đó đang ở cao tốc E15. Phóng viên BBC liên hệ đồng nghiệp và giới chức Pháp nhờ hỗ trợ.

    Tài xế xe tải cũng nghi ngờ có người trong thùng đông lạnh, do nghe thấy âm thanh như tiếng người. Tài xế chủ động dừng xe và báo tin cho cảnh sát. Giới chức giải cứu nhóm phụ nữ sau khi họ phải ngồi hơn 10 giờ trong thùng xe tải.


    Vị trí thành phố Lyon, Pháp. Đồ họa: Britannica

    Thùng đông lạnh có nhiệt độ 6 độ C khi được mở ra. Sức khỏe 6 phụ nữ bên trong đều ổn định. Pháp sau đó yêu cầu 4 người phải rời nước này trong vòng 30 ngày, hai người còn lại được phép ở lại chờ xin tị nạn, nhưng không nêu cụ thể.

    Giới chức Pháp mở cuộc điều tra do nghi ngờ có hành vi buôn người. Tài xế đã bị tạm giữ để điều tra, nhưng các công tố viên cho biết người này không bị nghi phạm tội.

    Theo Evening Standard, hàng năm có hàng nghìn người nhập cư mong muốn cuộc sống tốt hơn tìm cách nhập cư trái phép từ miền bắc Pháp đến Anh. Họ thường trốn trong các thùng xe tải hoặc đi thuyền nhỏ vượt Eo biển Manche nằm giữa Anh và Pháp.

    Bài liên quan: Cuộc gọi giúp giải cứu 4 phụ nữ Việt trong thùng xe đông lạnh ở Pháp

    VnExpress (theo BBC)

  • Vào tối ngày 17/7/2023, những vấn đề tồn đọng của Dự thảo Luật chống Nhập cư Bất hợp pháp (Illegal Migration Bill) đã được Thượng viện thông qua. Như vậy, dự thảo luật này sẽ trở thành Luật (Act). Đây là một chiến thắng to lớn của chính quyền Rishi Sunak kể từ khi luật được giới thiệu vào ngày 7 tháng 3/2023. 

    Theo Luật Illegal Migration Bill, người đến Vương quốc Anh bất hợp pháp sẽ không được phép ở lại UK, và sẽ bị trả về quốc gia của họ hoặc nước thứ 3 an toàn. Họ sẽ không được phép lợi dụng luật nô lệ hiện đại hay đưa ra các thách thức giả tạo để cản trở việc trục xuất. 

    luat The Illegal Migration Bill duoc thong qua

    UK có đủ cơ sở tạm giam để thực thi luật này không?

    Hội đồng Nhập cư nói rằng Luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp - Illegal Migration Bill sẽ khiến hàng trăm ngàn người nhập cư bị cấm túc. Chi phí cho việc giam giữ họ có thể lên tới 219 triệu bảng mỗi năm nếu họ bị giam trong 28 ngày. Nếu họ bị giam 6 tháng thì chi phí lên tới 1.4 tỉ bảng.

    Một số điểm chính trong Luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp - Illegal Migration Bill

    - Theo luật này, Bộ trưởng Nội vụ sẽ có toàn quyền sắp xếp việc trục xuất một người nhập cư bất hợp pháp. Nhập cư bất hợp pháp bao gồm việc người đó đã đi qua 1 quốc gia thứ 3 an toàn nhưng không xin tị nạn tại đó mà tiếp tục đến UK. Người không có visa nhập cảnh hay visa ở lại cũng sẽ bị trục xuất. 

    - Những người hội đủ các yếu tố bị trục xuất, thì người thân của họ, bao gồm con cái, cũng phải bị trục xuất "vào thời điểm thích hợp". Trừ khi Bộ trưởng Nội vụ chấp nhận rằng có những "yếu tố ngoại lệ" giúp người thân này không bị trục xuất. 

    - Bộ trưởng Nội vụ không có quyền trục xuất trẻ em không có người thân đi cùng. Tuy nhiên, ngay khi những trẻ em này đủ 18 tuổi, Bộ sẽ có quyền sắp xếp việc trục xuất đối với họ.

    - Nếu một người thỏa mãn các điều kiện để bị trục xuất, Bộ trưởng Nội vụ sẽ từ chối xử lý các hồ sơ xin tị nạn mà họ đã nộp, cũng như các đơn khiếu nại nói rằng việc trục xuất họ về quốc gia ban đầu là vi phạm nhân quyền.

    - Nếu người xin tị nạn muốn kháng cáo lên tòa án chống lại việc bị trục xuất, thì việc này cũng chỉ được tiến hành SAU KHI họ đã bị trục xuất khỏi Vương quốc Anh. Nội dung kháng cáo có thể là vì lý do nhân quyền hoặc nhân đạo.

    - Người tị nạn sẽ bị giam giữ trong thời gian chờ quyết định trục xuất. Sau 28 ngày giam giữ, các thẩm phán nhập cư mới có quyền bảo lãnh họ. Nhưng việc bảo lãnh có thể không được thông qua, nghĩa là họ sẽ tiếp tục bị giam giữ lâu hơn. 

    - Những người được cho là nạn nhân buôn người hoặc nô lệ hiện đại, sẽ không còn được bảo vệ bởi những luật này nữa. Họ vẫn sẽ bị trục xuất, không được cấp visa ở lại, trừ khi họ phối hợp với cảnh sát điều tra những hành vi phạm tội. 

    - Nếu một người khai báo rằng họ là trẻ em, nhưng lại từ chối các thủ thuật kiểm tra độ tuổi (chẳng hạn chụp X-quang xương hoặc răng), thì Bộ trưởng Nội vụ có quyền quyết định sẽ đối xử với họ như người trên 18 thay vì dưới 18. 

    - Những người đã bị trục xuất khỏi UK, sẽ bị cấm vĩnh viễn quay trở lại UK, không được cấp visa ở lại hay quốc tịch (trừ những hoàn cảnh vô cùng đặc biệt liên quan tới nhân quyền). Con cái của những người này dù sinh ra ở UK cũng sẽ không được cấp quốc tịch. 

    Luật Illegal Migration Bill sẽ được triển khai như thế nào?

    Theo luật này, những người đến UK bất hợp pháp sẽ bị trục xuất trở lại quốc gia quê hương của họ (nếu quốc gia đó an toàn), hoặc nước thứ 3 an toàn. Luật này đã đề cấp đến 57 quốc gia mà những người tị nạn có thể bị trục xuất tới, bao gồm cả những nước EU. Có 8 quốc gia châu Phi được xác nhận là chỉ an toàn cho nam giới. 

    Tuy nhiên, đến hiện tại UK chưa hề đạt được thỏa thuận với quốc gia thứ 3 nào trừ Rwanda. Vương quốc Anh cũng không có hiệp định song phương với bất kì nước EU nào về việc trao trả người tị nạn đến các quốc gia này, xét yếu tố họ đã đi qua các quốc gia này trên đường đến UK. 

    Dự thảo Luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp (Illegal Migration Bill) vẫn bị Tòa án Nhân quyền châu Âu và Liên Hiệp Quốc, cùng nhiều tổ chức nhập cư và từ thiện phản đối. Nhưng sau khi qua được cửa ải của Thượng Viện, dự thảo này sẽ trở thành luật trong nay mai.

    Viethome (theo UK In A Changing Europe)

  • Các tài xế này đã bị bắt vì tội sử dụng giấy tờ giả và làm việc bất hợp pháp ở UK. 

    60 tài xế giao hàng thức ăn nhanh đã bị bắt ở London trong một cuộc điều tra kéo dài 1 tuần của Bộ Nội Vụ. Các tài xế lái xe moped của Deliveroo, JustEat và UberEats bị bắt từ ngày 16 đến 21/4/2023. Bộ Nội Vụ đã tập trung tấn công vào các điểm đông tài xế moped ở thủ đô. 

    Những người này bị buộc tội sở hữu giấy tờ giả và làm việc bất hợp pháp ở UK. Chính quyền cũng tịch thu tiền mặt và vũ khí được cho là có liên quan tới hoạt động tội phạm. Trong số những người bị bắt, có 44 người đang bị cấm túc chờ trục xuất. 16 người còn lại được bảo lãnh phóng thích. 

    tai xe giao hang nhanh
    Ảnh minh họa: REUTERS/Simon Dawson

    Bộ Nội Vụ cho biết ngày càng có nhiều tài xế giao hàng ở London là những người nhập cư bất hợp pháp. Họ thường là những nhân viên tạm thời làm việc theo hợp đồng. 

    Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman cho rằng: "Những lao động bất hợp pháp đang tàn phá cộng đồng của chúng ta, đẩy những người lao động hợp pháp vào tình trạng thất nghiệp, lừa đảo túi tiền của công chúng. Như Thủ tướng đã nói, chúng tôi cam kết sẽ giải quyết nhanh gọn những trường hợp vi phạm luật nhập cư và biên giới. Người dân Anh xứng đáng có một thị trường lao động công bằng và hợp pháp, cần phải đảm bảo rằng những hàng hóa và dịch vụ mà họ mua đều đến từ các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp".

    Những người bị bắt mang quốc tịch Brazil, Ấn Độ và Algeria. Vũ khí nhái và các vũ khí khác đã được phát hiện liên quan đến các vụ bắt giữ. Hơn £4,500 cũng đã bị tịch thu. 

    Tất cả những chủ lao động ở UK có trách nhiệm ngăn chặn lao động nhập cư bất hợp pháp. Người chủ có thể bị phạt tù đến 5 năm, phạt tiền không giới hạn nếu họ bị phát hiện thuê người không được phép làm việc UK.

    Người chủ có thể bị phạt tới 20,000 bảng trên mỗi người lao động mà họ biết rõ là không có giấy tờ làm việc, hoặc chủ có "lý do chính đáng để tin rằng" người đó là lao động bất hợp pháp. 

    Người lao động bất hợp pháp có thể bị phạt tù tối đa là 51 tuần ở England và Wales, hoặc 6 tháng tù giam ở Scotland và Bắc Ailen. 

    Người đại diện của Deliveroo, JustEat và UberEats đều tuyên bố rằng họ chỉ thuê người được phép làm việc tại UK. Các tài xế này thuộc dạng self-employed và có thể làm việc cho nhiều công ty cùng lúc. Người lao động đều phải vượt qua bài kiểm tra tiền sử phạm tội.

    Hồi tháng 5-2021, các tài xế từng nói với tờ Standard rằng họ cảm thấy bị "biến thành nạn nhân" sau khi cảnh sát và Bộ Nội Vụ càn quét họ ở Tooting. Trong vòng 90 phút, 48 tài xế giao hàng bị chặn lại để kiểm tra giấy tờ, 2 chiếc xe bị tịch thu vì không có bảo hiểm, 3 tài xế bị buộc tội phạm luật và 2 người bị bắt vì vi phạm luật nhập cư. Trong khi họ từng được gọi là những anh hùng trong đại dịch.

    Viethome (theo Evening Standard)

  • Tại sao nước Anh lại là điểm đến cuối cùng với rất nhiều người nhập cư bất hợp pháp, khiến họ không dừng lại ngay cả khi đã đặt chân được vào “đất hứa châu Âu”?

    di dan lau o anh
    Ảnh: The Economic Times

    Cô gái bật khóc. Cảnh sát cửa khẩu Anh ra quyết định tại chỗ, mời cô lên tàu trở về nước, chứ không vào Anh được.

    Hoa Kỳ là nơi cô sinh ra. Cô tốt nghiệp cử nhân Đại học California, Berkeley, rồi làm nghiên cứu sinh tại Trường Kinh tế học London. Đây là hai trường hàng đầu thế giới. Cô tốt nghiệp thạc sĩ cùng môn và cùng khóa với một cô tên là Monica Lewinski, tăm tiếng nhờ là người tình của tổng thống Bill Clinton.

    Ra trường, cô tìm được việc tại một công ty truyền thông lớn ở Anh. Đến Giáng sinh cô về thăm quê ở Brooklyn, New York. Khi trở lại London, tại phi cảng cảnh sát hỏi sang đây làm gì. Cô bảo thì đi làm tiếp sau khi nghỉ phép.

    Thế có giấy phép lao động không? Giấy phép lao động nào? Sau khi tốt nghiệp, cô làm đơn xin việc và người ta nhận, có vậy thôi, chẳng có hỏi giấy phép gì cả và cô cũng không biết là phải cần giấy phép. Cảnh sát bảo thế thì trục xuất về Mỹ. Công ty cô làm việc sau đó làm giấy tờ mời cô sang lao động để hợp thức hóa, và như thế hóa ra cô được nghỉ chơi ở nhà thêm mấy tuần nữa sau khi chờ đợi xong thủ tục.

    Trường hợp của cô người Mỹ gọi tôi bằng cậu này hoàn toàn trái ngược với một cô gái người Việt là M., quê ở Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh, người có thể đã chui vào xe container và chết ngạt với 38 người khác trên đường vào nước Anh. Tại Anh, một khi đã lọt vào rồi, M. hay cô cháu ngây thơ của tôi đều có thể đi xin việc mà không ai vặn hỏi giấy phép, không cần trình giấy tờ định cư trong cuộc sống thường nhật.

    Sự dễ dãi “hấp dẫn” kiểu Anh

    Đây là một nét đặc biệt của Anh, khác với các quốc gia Âu châu khác ngay cạnh như Pháp, Đức, Bỉ… Một người Iran có mẹ là người Anh, bị Anh đuổi trở về Pháp, từng ăn ngủ 18 năm liền ngay tại terminal 1 của phi trường Charles De Gaulle trước nhà hàng Burger King. Khách đáp tàu ai cũng biết và chuyện của anh này từng được Steven Spielberg dựng thành phim với Tom Hanks thủ vai (Terminal Man, 2004).

    Tại cảng Calais bờ biển Pháp, tuyến đường phà và xe lửa xuyên biển sang Anh, lúc nào cũng có vài ngàn người tứ xứ đợi nhảy tàu lửa, bám xe tải để vào Anh cho bằng được, hết năm này qua năm khác. Các xe tải trong vùng, có chiếc phải đề bảng “Xe này không đi sang Anh” để tránh bị bám nhầm. Tại Calais cũng có vài chục, có khi đến trăm người Việt đợi cơ hội.

    Họ đến Pháp bằng đường bộ qua ngả Hungary hay Ukraine và một dạo thấy ngụ ngoài trời tại công viên nhà thờ St. Laurent cạnh ga Miền Đông, mà không đi thăm Khải Hoàn môn hay tháp Eiffel. Đây là thành phần đi Anh và trên đường chuyển tiếp.

    Tại sao họ không ở Pháp, Đức mà nhất định phải sang Anh? Đời sống, công việc, an sinh, phúc lợi tại Pháp, Hà Lan, Đức… chẳng kém gì Anh, có phần hơn là đằng khác. Một phần nhỏ là ngôn ngữ, vì tiếng Pháp, tiếng Đức khó học, nhưng chủ yếu là vì một khi đã lọt vào Anh, bạn không có vấn đề gì nữa để hội nhập. Bạn sống đường hoàng gần như là một người có giấy tờ định cư, hay gần như là một người Anh.

    Nói cách khác, bạn chỉ cần “đi chui” để vào Anh. Đến nơi rồi, bạn không cần “sống chui” như tại các nước bên cạnh. Tổ chức tư pháp Anh và các nước thuộc Anh cũ như Hoa Kỳ, theo truyền thống, không chặt chẽ như các nước theo bộ luật gọi là Napoleon của Pháp. Tại Anh cũng có cảnh sát di trú để bắt di dân lậu và trục xuất, nhưng không phối hợp được với các cơ quan nhà nước khác nên ai làm việc nấy.

    Sự hình thành của cộng đồng người Việt tại Anh từ thập niên 1990 trở đi là cầu nối cho người Việt từ trong nước. Đi chui sang Anh thứ nhất sống không phập phồng như tại các nước Âu châu khác là một. Thứ nhì, tại đây có chỗ dựa và công việc sẵn từ thân nhân hay cộng đồng người Việt nói rộng.

    Bạn có thể làm việc tại các shop làm móng tay hay phi pháp như trông coi các “trang trại” trồng cần sa do người Việt làm chủ. Lãnh vực “trồng cỏ” tại Anh được người Việt bao trùm vì lợi nhuận cao và rủi ro ít.

    Luật pháp trừng trị nặng nề là với việc buôn lậu ma túy hay cần sa, việc bán và phân phối các chất cấm này, nhưng lại tương đối nhẹ tay với “nông dân” sản xuất, khiến cần sa không còn cần phải vận chuyển khó khăn qua các biên giới mà được “canh tác” ngay tại nội địa. Các “trại” này thường là các hộ ở nơi hẻo lánh để ít bị láng giềng nhòm ngó.

    Người lao động mới sang không cần ngoại ngữ, không cần chuyên môn, chỉ cần ở ngay trong nhà ngày đêm chăm sóc, mỗi tuần được tiếp tế thùng mì gói và một bao gạo. Nếu không bị ức hiếp hay lường gạt thì lương của họ lên đến 2.400 USD/tháng, bao ăn ở trong điều kiện đã kể.

    Như vậy, tiền đầu tư để đi chui là 36.000 USD lớn thật, nhưng có thể lấy về chỉ trong vòng 15 tháng. Việc làm móng tay thu nhập khó khăn hơn, nhưng nhân viên được ở ngay trong shop hay ở nhờ nhà chủ và được đưa rước, không phải lo vấn đề ăn ở và nếu gặp chủ ăn chia sòng phẳng thì trong vài ba năm coi như có lời.

    Đây là một hấp lực lớn đối với di dân nhập lậu và phần lớn là trôi chảy, tuy cũng có trường hợp bị “giam giữ” tại shop làm móng tay, tức là nuôi ăn ở tại chỗ và trả cho 150 USD/tháng. Người lao động chui thật ra đã có nơi ăn chốn ở và việc làm đợi sẵn từ phía thân nhân hay người quen biết ở Anh, chứ không phải họ sang đó chơ vơ và qua rồi mới tìm việc.

    Cho nên bỏ vốn xuất ngoại là một tính toán kỹ càng và có phần chắc chắn. Phần rủi ro, như thấy trong tai nạn bi thảm vừa rồi, là trên đường di chuyển và ở khâu nhập lậu vào Anh. Đây khác với hoàn cảnh của người tị nạn chiến tranh như từ Syria chẳng hạn, gom vội cái nồi cái chiếu và bồng bế nhau chạy ra nước ngoài để giữ mạng.

    Khó khăn cũng kiểu Anh

    Năm 2004, 21 người đi nhặt sò tại Morecambe Bay ở Anh tử vong vì tai nạn thủy triều. Họ là người Trung Quốc, làm công việc này bởi không tốt nghiệp Trường Kinh tế học London. Họ cũng được “nhập” vào Anh bằng đường xe tải chui, nhưng sống sót để còn nhặt sò với giá rẻ hơn lao động địa phương.

    Người Việt tại Anh cũng có một cộng đồng lớn, bắt đầu từ các thuyền nhân sang Hong Kong được Anh nhận trong thập niên 1980-1990. Lúc đó đã xảy ra chuyện người Hong Kong ghen tị với thuyền nhân Việt. Trước hết, người Việt có cơ hội xin tị nạn tại Hong Kong, trong khi người Trung Quốc Quảng Đông không có cơ hội đó và bị trục xuất thẳng.

    Sau đó, tuy là thuộc địa của Anh, nhưng quy chế thần dân Anh không cho phép người Hong Kong nhập cảnh mẫu quốc và ở lại Anh. Trong khi đó, thuyền nhân Việt cập bến Hong Kong, sau một thời kỳ chờ đợi dài và thanh lọc kỹ càng thật, nhưng có cơ hội này. Tương tự, vào năm 1972, khi Uganda trục xuất 80.000 người gốc Ấn phần lớn mang hộ chiếu Anh, nước Anh đã tìm cách định cư họ tại các thuộc địa cũ khác của Anh ở Phi châu hay nói họ xin đi tị nạn tại Canada, Mỹ… chứ không cho sang Anh!

    Trong những năm trước khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc (1997), phần lớn dân cư Hong Kong có điều kiện cũng tìm cách định cư Bắc Mỹ, chứ không định cư tại Anh. Thành phần này dư ăn dư mặc, chứ không phải lao động chui và đã khiến nhà đất tại thành phố Vancouver (Canada) được họ chấm trở nên đắt đỏ!

    Những ví dụ trên cho thấy chính sách nhập cư Anh rất khó khăn, ngay cả đối với thần dân nữ hoàng có hộ chiếu của vương quốc nhưng ngụ tại các thuộc địa cũ. Cử tri Anh đã bỏ phiếu ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) một phần vì không ưa di dân (dù hợp pháp) từ các nước EU sang Anh, như người Ba Lan chẳng hạn.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Tây Ban Nha đang truy tìm 12 hành khách trốn khỏi máy bay sau khi phi cơ hạ cánh khẩn cấp xuống Barcelona vì "tình huống y tế giả".

    Chuyến bay của hãng hàng không Pegasus Airlines chở 228 hành khách khởi hành từ thành phố Casablanca, Morocco, đến thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/12 đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay El Prat của Barcelona, Tây Ban Nha vì "một nữ hành khách được cho là vỡ ối".

    Sau khi máy bay hạ cánh, một xe cứu thương và ba cảnh sát tuần tra tiếp cận. Tuy nhiên, khi họ đang đưa người phụ nữ mang thai xuống, nhóm 28 khách, được cho là người di cư, đã rời máy bay và cố bỏ trốn.

    Cảnh sát đã bắt 14 người trong số họ, bao gồm người phụ nữ mang thai. 5 người được đưa trở lại máy bay theo yêu cầu của họ sau khi được nhân viên hàng không chấp nhận.

    hanh khach bo tron may bay
    Phóng viên tác nghiệp tại sân bay El Prat của Barcelona, Tây Ban Nha sau khi nhóm hành khách bỏ trốn khỏi máy bay thương mại từ Morocco hôm 7/12. Ảnh: Reuters.

    "Người phụ nữ được đưa đến bệnh viện Sant Joan de Deu để kiểm tra sức khỏe, không phát hiện dấu hiệu chuyển dạ nên cô ấy được xuất viện và bị bắt vì gây rối trật tự công cộng", nguồn tin từ chính quyền vùng Catalonia cho hay. Catalonia là vùng tự trị gồm 4 tỉnh Barcelona, Girona, Lleida và Tarragona.

    Cảnh sát ban đầu truy tìm 14 hành khách, nhưng sau đó thông báo đã bắt hai người. Giới chức đang xử lý trường hợp những người sẽ di cư khác để đảm bảo họ quay trở lại Morocco.

    Đây là sự cố thứ hai như vậy trong hơn một năm liên quan chuyến bay từ Morocco đến Thổ Nhĩ Kỳ. Sự cố trước đó xảy ra ngày 5/11/2021, khi máy bay từ Casablanca đến Istanbul phải hạ cánh khẩn cấp ở đảo Mallorca, Tây Ban Nha, sau khi một nam hành khách có vẻ không khỏe, dường như bị hôn mê tiểu đường.

    Sau khi hành khách này rời máy bay cùng bạn đồng hành, 21 người khác đã bỏ trốn. Hành khách được đưa đến bệnh viện và y bác sĩ nói sức khỏe của anh ta vẫn ổn. Người này sau đó bị bắt, trong khi bạn đồng hành bỏ trốn. Cảnh sát cũng bắt thêm 11 người khác. Hầu hết nhóm hành khách mang quốc tịch Morocco.

    Bài liên quan: Ly kỳ vụ vượt biên bằng máy bay không khác gì phim hành động

    Một máy bay có lịch trình từ Morocco đến Thổ Nhĩ Kỳ đã xin hạ cánh khẩn cấp xuống Tây Ban Nha vì có người hôn mê. Ngay khi máy bay dừng lại trên đường băng, hàng chục người tung cửa chạy ra ngoài rồi biến mất.

    "Một hành khách đi trên máy bay được thông báo hôn mê do tiểu đường và được đưa bằng xe cấp cứu đến bệnh viện, trên xe có một người bạn của anh này đi cùng. Tuy nhiên khi việc sơ tán người hôn mê đang diễn ra, khoảng 20 người đã rời khỏi máy bay và chạy trên đường băng", thông báo ngày 6-11-2021 của cảnh sát đảo Mallorca cho biết.

    Cảnh sát và các nhân viên dân sự khác lập tức được huy động để tìm kiếm những người bỏ trốn khiến một trong các sân bay nhộn nhịp nhất Tây Ban Nha bị tê liệt đến tận rạng sáng 6-11-2021. Ít nhất 11 người đã bị bắt không lâu sau đó nhưng vẫn còn 9 người chưa rõ tung tích.

    vuot bien bang may bay
    Chiếc máy bay của hãng Air Arabia Maroc tại sân bay Mallorca tối 5-11 - Ảnh chụp màn hình

    Điều đáng nói là hành khách bị hôn mê sau đó được các bác sĩ khẳng định là hoàn toàn khỏe mạnh và được cho xuất viện. Đến lúc này cảnh sát mới phát hiện người đi cùng anh này đã biến mất một cách bí ẩn.

    Theo Hãng thông tấn AFP, đây dường như là một vụ nhập cảnh trái phép bằng máy bay có tính toán kỹ lưỡng, xin hạ cánh khẩn cấp vì có hành khách gặp nguy hiểm có thể chỉ là một màn kịch.

    Cảnh sát đã bắt giữ nam hành khách "hôn mê vì tiểu đường" với cáo buộc anh này tạo điều kiện cho nhập cư bất hợp pháp. Hiện chưa rõ danh tính và quốc tịch của những người bị bắt.

    Theo chuyên trang theo dõi máy bay FlightRadar24, chiếc máy bay được sử dụng trong vụ đi lậu hi hữu trên là một chiếc Airbus A320 của Air Arabia Maroc. Lịch trình của nó là bay từ Casablanca của Morocco đến Istanbul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

    AENA, cơ quan quản lý các sân bay tại Tây Ban Nha, cho biết sự việc đã buộc 13 máy bay đến sân bay Mallorca phải chuyển hướng và 16 chuyến bay từ Mallorca khởi hành trễ.

    Mallorca là đảo lớn nhất trong quần đảo Balearic nằm trên Địa Trung Hải. Do là một đảo du lịch, sân bay trên đảo luôn tấp nập khách và các chuyến bay quốc tế. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, sân bay Mallorca đón khoảng 28 triệu lượt khách mỗi năm.

    Bài liên quan: 20 năm cay đắng của những người lầm lỡ vượt biên

    Cuộc vượt biên của một người Việt vào châu Âu

    Thiếu niên ''đu càng'' máy bay vẫn sống sót ở độ cao 10.000m

    VnExpress (Theo AFP, Reuters)

  • Phóng sự điều tra của tờ báo Anh The Times hé lộ, các trường tư thục hàng đầu nước này đã kiếm được hàng trăm ngàn bảng từ các học sinh người Việt sang Anh bằng visa du học và biến mất bí ẩn sau đó.

    Theo tờ The Times, các nhóm buôn người đã đưa người trẻ Việt, có em mới 15 tuổi đến Anh thông qua visa du học hợp pháp do các trường tư thục bảo lãnh. Các học sinh này thường trả học phí của một học kỳ sau đó biến mất chỉ trong vòng vài tuần hoặc vài tháng khi bắt đầu tại trường. Những trường hợp mất tích như vậy được tin có nguy cơ bị lôi kéo vào làm việc cho các tiệm làm móng, các trại trồng cần sa hoặc nhà thổ ở nước sở tại.

    phat hien soc ve manh dua nguoi trai phep vao anh qua duong du hoc 1
    Nhiều trẻ em nước ngoài đã vào Anh bằng visa du học trường tư. Ảnh: PA

    Cuộc điều tra của The Times phát hiện, ít nhất 21 trẻ người Việt đã biến mất khỏi các trường nội trú và cao đẳng tư thục trên khắp nước Anh trong giai đoạn 2015 -2018. Các em hầu hết là nữ và đều có "visa trường tư".

    Phát hiện làm dấy lên các nghi ngại rằng, bọn buôn người đang lợi dụng visa cấp cho du học sinh để đưa lậu trẻ em từ Việt Nam sang đảo quốc sương mù. Cảnh sát và Bộ Nội vụ Anh đang điều tra về các vụ mất tích khả nghi nhưng rất nhiều trường hợp vẫn chưa được làm rõ.

    Một thiếu nữ biến mất năm 16 tuổi vẫn mất tích suốt 3 năm qua và nhiều em khác được phát hiện đang làm việc trong các tiệm nail trên khắp nước Anh.

    Các công dân Việt Nam hiện nằm trong nhóm công dân 3 nước có nguy cơ hàng đầu là nạn nhân của bọn buôn người vào Anh.

    Quỹ từ thiện "Mọi đứa trẻ đều được bảo vệ trước nạn buôn người" thống kê, các trường hợp trẻ người Việt được giới thiệu tư vấn hỗ trợ đã tăng từ 135 em năm 2012 lên 704 em hồi năm 2018.

    8 trẻ người Việt đã mất tích khỏi trường Chelsea Independent College, một trường tư thuộc sự quản lý của tổ chức giáo dục Astrum, có học phí 25,000 bảng mỗi năm ở phía tây London. Một cựu nhân viên của trường tiết lộ, một nữ sinh đã chạy trốn vào ban đêm thông qua một lỗ thoát hiểm hỏa hoạn. Sự cố đã khiến nhà trường vô cùng kinh hãi vì lo ngại bê bối.

    Tại trường Abbey College ở Malvern, Worcestershire, nơi quảng cáo đã dạy học cho "con cái và cháu chắt của các vị vua, nguyên thủ và các nhân vật ưu tú khác khắp toàn cầu", một thiếu nữ 15 tuổi từ Việt Nam bắt đầu theo học từ tháng 9/2017 đã không quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Hơn một năm sau, người ta mới tìm thấy cô bé đến từ tỉnh Quảng Ninh này tại một tiệm nail ở Yorkshire.

    Tại trường DLD College tại London, nơi cùng thuộc tập đoàn quản lý với trường dự bị đại học mà các Công tước xứ Cambridge và Sussex từng theo học, 3 cô gái người Việt đã biến mất ngay sau năm học mới. Một em mới 15 tuổi.

    4 học sinh người Việt cũng biến mất khỏi trường Cambridge Tutors College (CTC) ở Croydon, miền nam London kể từ năm 2016. Trong số này có một thiếu nữ 16 tuổi đang ở cùng một gia đình bản địa. David Wilson, cựu hiệu trưởng trường nói: "Vụ việc đã gióng hồi chuông báo động về nạn buôn người. Nó đã trở thành một dạng bê bối".

    Tương tự, nhóm trường Bellerbys, nơi đang "cung cấp cho các học sinh quốc tế tiếng Anh và sự chuẩn bị cần thiết để bước vào đại học" đã trình báo về sự biến mất của 3 học sinh Việt Nam tại các trường của họ ở London và Brighton. Một cựu giáo viên của nhóm trường này kể: "Vào các kỳ nghỉ, các em không quay trở lại. Không ai trả lời điện thoại. Có lỗ hổng là, ai đó đã nhận ra đây là một cách để đưa các cô gái Việt Nam này vào mạng lưới".

    Theo trường Brook House College ở Leicestershire, nơi tuyển dụng rất nhiều học sinh tại các thị trường quốc tế, hai học sinh đến từ Việt Nam đã bỏ trốn khỏi đây.

    Pat Saini, một luật sư nhập cư thuộc công ty Penningtons Manches Cooper chuyên tư vấn cho nhiều trường học, gọi các vụ mất tích như trên là "vấn đề bảo vệ" họ gặp phải và các trường đã đi tìm các học sinh ở một số khu vực nhất định tại Anh. Họ đang lùng sục quanh một số thị trấn với sự hỗ trợ của cảnh sát.

    Năm 2017, Hội đồng các trường độc lập và Hiệp hội các trường nội trú đã gửi thư khuyến cáo các trường thành viên phải "cẩn trọng" khi chấp nhận du học sinh Việt Nam.

    Tất cả các trường nêu tên trong điều tra của tờ The Times đều tuân thủ quy trình và trình báo các vụ mất tích cho cảnh sát cũng như Bộ Nội vụ Anh. Tất cả các trẻ nói trên đã đến Anh bằng visa diện du học cho trẻ em, vốn được các trường bảo lãnh và không đòi hỏi kiểm tra trình độ tiếng Anh. Các em hoặc ở nội trú hoặc được phân ở các gia đình người bản địa. Những đứa trẻ này phải trả từ 5,000 - 10,000 Bảng cho học kỳ đầu tiên nhưng đã biến mất trong vòng vài tuần sau nhập học.

    Bộ Nội vụ Anh đã phê chuẩn cho 666 trường độc lập được bảo lãnh visa du học trẻ em cho các học sinh nước ngoài. Năm 2017, Anh đã cấp 220 visa dạng này cho các công dân Việt Nam.

    Yvette Cooper, Chủ tịch Ủy ban tuyển chọn nội vụ đã kêu gọi Bộ Nội vụ phải khẩn cấp giải quyết tình trạng thao túng visa. "Điều này thực sự gây sốc. Không thể nào tưởng tượng được việc bọn trẻ phải rời xa nhà hàng ngàn cây số đáng lẽ để đi học nhưng thực tế lại bị biến thành nô lệ trên đất Anh", bà Cooper bộc bạch. Quan chức này cho rằng các trường "cần phải chịu một phần trách nhiệm cho việc tuyển chọn của họ".

    Đáng nói, tất cả các trường được đề cập đến ở trên đều đã vượt qua những cuộc thanh kiểm tra của Bộ Nội vụ và vẫn được cấp phép là nhà bảo lãnh visa. Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Anh nhấn mạnh: "An toàn và lợi ích của trẻ em là điều được cân nhắc chính trong bất kỳ trường hợp nhận du học sinh nào, với sự chấp thuận bằng văn bản của cha mẹ và bằng chứng về việc sắp xếp chăm sóc trẻ em đầy đủ theo yêu cầu".

    Tập đoàn giáo dục Astrum thừa nhận, họ đã trở thành mục tiêu tấn công của các hoạt động tội phạm có tổ chức. Song, tập đoàn đã xem xét lại các quy trình bảo vệ du học sinh.

    Malcolm Wood, hiệu trưởng trường Abbey College quả quyết: "Chúng tôi coi việc này cực kỳ nghiêm túc. Không có bất kỳ cơ quan chức trách nào phát hiện bất kỳ sai sót nào trong trường của chúng tôi".

    Trường DLD College cũng khẳng định luôn coi sự an toàn và khỏe mạnh của các học sinh là ưu tiên số 1 của họ. Sau sự cố, trường đã xem xét lại chính sách bảo lãnh và tiếp nhận du học sinh từ Việt Nam.

    Các trường được nêu tên còn lại cũng khẳng định đã hợp tác đầy đủ với nhà chức trách và đã trình báo kịp thời cho cảnh sát về những trường hợp mất tích nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho các du học sinh.

    Theo Vietnamnet

  • tuyen duong bi mat tu viet nam sang anh 1

    Cuộc điều tra của Observer tìm ra cửa ngõ vận chuyển người trái phép mới vào châu Âu, sau khi 500 lao động Việt Nam được phát hiện trong điều kiện tồi tệ ở Serbia.

    Năm 2019, nhà máy sản xuất lốp xe hơi Linglong bên ngoài Belgrade, thủ đô Serbia, bắt đầu được xây dựng. Đây được xem là "viên ngọc quý" trong quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển của Serbia với Trung Quốc.

    Hai năm sau, 500 công nhân xây dựng Việt Nam hồi tháng trước được cho là đã làm việc trong điều kiện lao động cưỡng ép. Hộ chiếu của họ bị tịch thu và họ phải sống trong điều kiện chật chội, xuống cấp.

    Vụ việc đã gây chấn động cho Serbia khi Nghị viện châu Âu yêu cầu nước này giải thích tại sao một vụ vận chuyển người trái phép lớn như vậy lại có thể được phép hoành hành ở trung tâm châu Âu.

    Tuy nhiên, nhà máy Linglong chỉ là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình dài hơn đến Anh và các nước khác ở châu Âu của nhiều công nhân làm việc tại nhà máy.

    Cuộc điều tra của Observer phát hiện Serbia và Romania đang được các băng nhóm sử dụng như cửa ngõ mới vận chuyển người lao động trái phép vào châu Âu. Những người di cư này trước tiên nhập cảnh hợp pháp vào Serbia và Romania thông qua thị thực lao động, trước khi được các nhóm vận chuyển trái phép đưa vào Đông Âu hoặc Anh.

    Lao động Việt Nam luôn có khả năng cao rơi vào tình trạng nợ nần và lao động cưỡng bức trong các tiệm làm móng hoặc trang trại cần sa, khi họ thường bị tính phí tới 30.000 bảng (hơn 40.000 USD) để được sang Anh.

    Hứa hẹn và thực tế

    Nusrat Uddin, chuyên gia xuất nhập cảnh của Wilson Solicitors LLP, nói nhiều khách hàng gần đây của cô đang xin visa lao động đến Serbia hoặc Romania.

    “Hầu như tất cả khách hàng của chúng tôi đều được hứa hẹn có công việc tử tế với mức lương công bằng, nhưng thực tế thì khác xa. Nhiều người sau đó sẽ tìm cách đến các nước châu Âu khác, một lần nữa được hứa hẹn là có điều kiện tốt hơn”, cô nói.

    tuyen duong bi mat tu viet nam sang anh 1
    Công nhân Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất lốp ôtô Linglong của Trung Quốc ở Serbia. Ảnh: AP.

    Theo người lao động Việt Nam được phỏng vấn, tuyến đường di cư từ Việt Nam sang Serbia bắt đầu hoạt động từ mùa hè với hơn 500 lao động làm visa từ tháng 8 đến tháng 10. Mỗi người bị thu phí 1.700 bảng Anh (khoảng 2.275 USD).

    Tuấn đi từ Việt Nam đến Serbia bằng visa lao động sau khi thấy một quảng cáo trên Facebook hứa hẹn công việc có mức lương cao trong một nhà máy sản xuất lốp xe do Đức làm chủ. Thế nhưng cuối cùng, anh phải làm việc ở Linglong.

    “Khi tôi đến, tôi thấy nhà máy về cơ bản đang mua công nhân Việt Nam. Chúng tôi phải làm bất cứ điều gì họ bảo”, anh nói.

    Họ tịch thu hộ chiếu của anh và chỉ trả mức lương bằng một nửa so với những gì đã hứa. Anh cho biết mình phải ngủ chung một phòng với 50 người khác.

    “Nhiều người trong chúng tôi mắc Covid-19. Chúng tôi thậm chí không nhận được bất kỳ loại thuốc nào. Nước nôi ở đây rất bẩn, có màu vàng, không thể uống được và có vị chua. Thức ăn cũng rất tệ và không đủ, thỉnh thoảng chúng tôi phải vào rừng tìm thức ăn. Chúng tôi săn bất cứ thứ gì có thể bắt được, chẳng hạn như thỏ”, anh nói thêm.

    Tuấn nói rằng khoảng 30 công nhân làm việc cùng anh tại nhà máy Linglong đã rời Serbia đến Anh, Pháp và Đức, và nhiều người khác đang lên kế hoạch.

    Anh nói kể từ sau thảm kịch 39 người chết trong container trên đường đến Anh, các tuyến đường đưa người qua Serbia và các nước Đông Âu khác ngày càng trở nên phổ biến.

    “Đối với những người muốn đến Anh, việc đến Serbia trước có chi phí rẻ, chỉ tốn 50 triệu đồng cho thị thực, trong khi những người chết trong xe tải phải đi nhiều tháng trên một con đường nguy hiểm. Vì vậy, lựa chọn này dễ dàng hơn”, anh nói.

    Tuyến đường "hấp dẫn"

    Điều tra của Observer cho thấy những người lao động tiếp tục đến EU và Anh từ Balkan có thể đi theo một số tuyến đường, với các mạng lưới bất hợp pháp đưa người Việt Nam sang Romania và sau đó đến Slovakia, Đức và Pháp. Sau đó, họ phải chờ đợi trong một khu trại tạm để có cơ hội đi thuyền hơi đến Anh.

    Mimi Vũ, chuyên gia chống buôn người và đang sống tại Việt Nam, đã dành nhiều tháng để nghiên cứu mối liên hệ giữa các chương trình thị thực song phương ở Đông Âu và việc bóc lột lao động nhập cư Việt Nam.

    tuyen duong bi mat tu viet nam sang anh 1
    Người lao động Việt nhập cảnh vào Serbia hoặc Romania sau đó được vận chuyển trái phép đến các nước châu Âu khác. Ảnh: Guardian.

    “Điểm hấp dẫn chính đối với tuyến đường Serbia là bạn có thể di cư hợp pháp thông qua các thỏa thuận thị thực đối ứng, và quy trình này chỉ tốn vài nghìn bảng Anh. Đây được xem là món hời lớn so với các tuyến đường truyền thống đi qua Moscow, hoặc một trong những quốc gia trung tâm của EU như Ba Lan hay Cộng hòa Czech, có thể có giá lên tới 30.000 bảng Anh (hơn 40.000 USD)”, cô nói.

    Observer cho biết người lao động Việt Nam khi đến Serbia phải ký vào các mẫu đơn “cam kết không nghỉ việc”. Theo đó, gia đình người lao động trong vòng một tuần sẽ phải bồi thường khoản tiền bằng một năm tiền lương nếu người lao động bỏ việc.

    Tuy nhiên, với đồng lương không như mong đợi ở Serbia, cùng với những hứa hẹn về một công việc lương cao hơn ở nước khác, nhiều lao động bất chấp rủi ro để trốn khỏi Serbia, Vũ nói.

    Tuấn cho biết nhiều người Việt Nam từng làm việc cùng anh tại Linglong đã phải huy động hàng nghìn USD để được đưa đến các nước giàu có hơn ở châu Âu.

    “Tôi nghĩ họ phải trả (cho các nhóm vận chuyển người trái phép) khoảng 6.000 bảng Anh (hơn 8.000 USD) để vào châu Âu từ Romania”, Tuấn chia sẻ thêm.

    Trong khi Serbia được cho là con đường mới được các băng nhóm tội phạm sử dụng, thì Romania - quốc gia đã ký hiệp định thị thực song phương với Việt Nam hồi năm 2018 về việc nhập khẩu lao động - được xem như cửa ngõ khác vào châu Âu.

    Nhiều lao động cũng bị mắc kẹt khi phải làm các công việc nguy hiểm và bị bóc lột ở đó.

    Mạnh đến Romania cùng với 60 công nhân khác từ Việt Nam vào năm 2019 để làm việc cho một công ty xây dựng lớn. Khi kết thúc hợp đồng vào năm 2021, một nửa trong số họ đã vượt biên sang Anh và châu Âu.

    “Nhiều người đã bỏ trốn chỉ một hoặc hai tháng sau khi đến”, anh nói. Anh trai của Mạnh - làm việc cho một công ty khác ở Romania - nằm trong số nhiều người đã rời khỏi đất nước. Anh nói: “Mức lương ở Romania quá thấp”.

    Mạnh cho biết anh hiện bị mắc kẹt ở Romania. Hợp đồng của anh hết hạn vào tháng 3 nhưng ông chủ của anh từ chối gia hạn, khiến anh phải làm việc mà không có giấy phép cư trú hợp lệ và không đủ khả năng chi trả cho chuyến bay về nước.

    Khi được hỏi liệu anh có kế hoạch rời Romania để tìm việc hay không, anh trả lời: “Đó là bí mật”.

    Theo số liệu của cảnh sát biên giới Romania, trong vòng 5 năm qua, ít nhất 231 người Việt Nam đã bị chặn lại khi cố gắng vượt biên để đến các nước châu Âu khác.

    Cảnh sát Hungary đã chặn được 101 người khác trong cùng thời gian. Các chuyên gia như Vũ ước tính đây chỉ là một phần rất nhỏ người Việt Nam rời Romania sang Tây Âu.

    Người phát ngôn của cảnh sát biên giới Romania cho biết: “Như một phương thức mới, công dân Việt Nam nhập cảnh vào Romania hợp pháp dựa trên thị thực lao động và sau đó cố gắng vượt biên trái phép”.

    Những chuyến đi “VIP”

    Phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò trung tâm cho các băng nhóm vận chuyển người trái phép. Các nhóm Facebook mà Observer tiếp cận được cung cấp các tuyến đường "VIP" bằng ôtô riêng ra khỏi Romania.

    Các gói dịch vụ được quảng cáo bằng cách gán số cho các quốc gia muốn đến. Chẳng hạn, khách có thể chọn gói “44” nếu muốn đến Anh, “49” nếu muốn đến Đức, và “33” để đến Pháp. Dù giá cho mỗi gói như vậy đã giảm trong đại dịch, một chuyến đi đến Anh vẫn có thể tốn hơn 10.000 bảng (gần 13.400 USD).

    Trên thực tế, những chuyến đi VIP này rất khắc nghiệt. Cảnh sát Romania đã phát hiện người di cư Việt Nam trốn sau các thùng hoa quả hoặc thùng hàng trong những xe tải nhỏ có “tường giả”.

    Trong năm qua, những vụ đưa người di cư Việt Nam ra khỏi Romania bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp hạn chế tại biên giới do đại dịch gây ra.

    Trung (36 tuổi) hiện sống ở Đức mà không có giấy tờ tùy thân sau khi làm việc hợp pháp ở Romania. Anh thực hiện chuyến đi của mình trong khi châu Âu bị phong tỏa hồi tháng 10/2020.

    Trung muốn ở lại Romania, nhưng chủ lao động từ chối cập nhật các thủ tục giấy tờ để anh có thể ở lại nước này hợp pháp. Anh nói rằng bản thân đã phải lựa chọn giữa việc làm giả giấy tờ và việc bất chấp rủi ro để sang Đức.

    “Mức lương ở Romania chỉ cao hơn một chút so với ở Việt Nam”, Trung cho biết và tiết lộ anh được chủ lao động trả 750 USD mỗi tháng. “Quyết định đi giống như một ván bài: cơ hội thành công là 50-50”, anh nói.

    Đối với những người cố gắng đến Anh, nguy cơ mà họ phải đối mặt còn lớn hơn nếu đến Pháp hoặc Đức. Bất kể họ mua gói VIP nào để đảm bảo việc đi lại an toàn, tất cả đều phải đi qua eo biển Manche bằng thuyền hơi mỏng manh.

    tuyen duong bi mat tu viet nam sang anh 1
    Một xưởng trồng cần sa phi pháp ở Coventry, Anh. Ảnh: NCA.

    “Trước đây, những kẻ vận chuyển người trái phép đã có mạng lưới riêng để đưa người Việt Nam đến Anh bằng xe tải. Tuy nhiên, Brexit đã dẫn đến tình trạng thiếu xe tải, cùng với đó là sự kiện về cái chết của 39 người Việt Nam trong container năm 2019, họ đã phải sử dụng đường thủy”, Vũ nói.

    “Trong số những người Việt Nam đã đến được các trại người di cư ở Dunkirk hoặc qua eo biển Manche đến Anh mà tôi từng phỏng vấn, tất cả đều nói rằng đi thuyền là lựa chọn duy nhất”, cô nói thêm.

    Tháng trước, 27 người chết đuối khi cố vượt biển, một trong số đó là người Việt Nam. Báo chí nêu tên người này là Lê Văn Hậu, đến từ tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Anh người được cho là đã trả khoảng 10.000 bảng Anh (gần 13.400 USD) để tìm việc hợp pháp ở Ba Lan, trước khi lên đường sang Pháp để tìm cách vượt eo biển Manche.

    Khi đã đến Anh, với khoản nợ hàng nghìn bảng, người Việt Nam trở thành một trong những nhóm dễ bị dẫn dắt trở thành lao động cưỡng bức, hoặc phải sống trong nợ nần và bị bóc lột.

    Các số liệu chính thức của Bộ Nội vụ Anh cho thấy người Việt nhập cư là nhóm nạn nhân lớn thứ ba của “tình trạng nô lệ hiện đại”. Có 653 người Việt Nam được xác nhận là nạn nhân của lao động cưỡng bức vào năm 2020. Phần lớn họ được phát hiện trong các trang trại trồng cần sa và tiệm làm móng.

    Tháng trước, trong một trại di cư phủ đầy tuyết ở Dunkirk, Pháp, hai người Việt Nam ngồi chụm lại với nhau cùng một nhóm người để sưởi ấm. Có đến hàng trăm người khác trong khu lều hoang.

    Hai người cho biết họ vay nặng lãi để rời Việt Nam bằng visa đến Serbia, với mục tiêu sau đó sang Anh tìm việc làm trong tiệm làm móng. Khi đến Anh, họ sẽ nợ thêm 18.000 bảng (hơn 24.000 USD).

    “Chúng tôi đã mất 2 tháng để đến được đây. Tôi không biết khi nào mình sẽ về nhà, tôi không thể trở về tay không”, một người chia sẻ sau cuộc gọi FaceTime với vợ và con nhỏ ở Việt Nam.

    Theo Zing

  • Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel đã phát điên sau khi 853 người di cư bất hợp pháp cập bến Anh chỉ trong 1 ngày, dù Anh đã chi trả khoản đầu tiên trong gói tài trợ 54 triệu bảng cho chính phủ Pháp để ngăn chặn người di cư vượt biển. 

    Số lượng người di cư khổng lồ này đã lập nên 1 kỷ lục mới. Vì nước Anh có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để kiếm tiền so với các nước châu Âu khác, nên từ lâu Anh đã trở thành điểm đến ưa thích của người nhập cư và bọn buôn người.

    Dù tháng 11 này thời tiết vô cùng khắc nghiệt nhưng dòng người lũ lượt vượt eo biển vẫn không ngừng tăng, trong đó 3 người đã chết vào tuần này. 

    Chính phủ Anh chỉ trích Pháp đã quá bận rộn cãi nhau vụ đánh bắt cá hậu Brexit nên không đủ nhân lực và thời gian ngăn cản những chiếc xuồng hơi xuất bến tại Pháp.

    Anh chỉ trích Pháp đã "đánh trống lãng" và cố tình di dời sự chú ý vào cuộc tranh giành quyền đánh bắt cá, thay vì ngăn ngừa nạn buôn người đang diễn ra rầm rộ. 

    Một nguồn tin nói: "Dường như Pháp không tập trung vào giải quyết nạn di cư bất hợp pháp. Họ có lẽ đã mất khả năng kiểm soát đường bờ biển và chẳng thể nào lấp liếm rằng họ chẳng hề cố ngăn chặn người vượt biển. Họ đang đặt chính trị lên trên mạng sống con người".

    Tuần trước, Pháp đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp năng lượng và cấm ngư dân Anh đánh bắt trong khu vực của Pháp. Một ngư dân đánh bắt sò điệp tên Cornelis Gert Jan đã bị giam giữ trong 1 tuần vì tội không có bằng đánh bắt sò. 

    nguoi di cu ky luc toi anh trong 1 ngay

    Tuần này, chính phủ Anh bắt đầu trả góp khoản đầu tiên trong số 54 triệu bảng đã hứa với Pháp, nhằm ngăn chặn dòng người di cư bằng xuồng hơi. 

    Tháng trước Pháp than phiền rằng khoản tiền quá ít không đủ trang trải chi phí ngăn cản người di cư. Một nguồn tin nói: "Khi chúng ta chưa đưa tiền thì họ than thở, giờ chúng ta đưa tiền rồi họ vẫn không chịu hành động. Ít nhất Pháp cũng phải cho người Anh thấy họ sử dụng số tiền đó như thế nào".

    Tính đến nay, trong năm 2021 đã có 21,051 người nhập cư đến Anh, tăng 8,410 người so với năm ngoái. Hôm 5/11, Bộ Nội Vụ cũng thừa nhận chính quyền Pháp đã ngăn chặn được 975 người di cư vượt biển, nhưng nghị sĩ Dover, bà Natalie Elphicke, nói rằng Pháp nên làm được nhiều hơn. 

    "Rất nhiều người đã chết trên đường đi. Đây là một bi kịch hoàn toàn có thể tránh được nếu Pháp ngăn họ ngay từ đầu. Ngăn ngừa nạn buôn người là trách nhiệm của tất cả các nước văn minh".

    Một khảo sát của Đại học London School of Economics ước tính có khoảng 417,000 - 863,000 người nhập cư bất hợp pháp đang sống ở Anh. Con số này bao gồm những trẻ em sinh ra ở Anh, ước tính từ  44,000 - 144,000 đối tượng. Mới đây Anh cũng hứa tiếp nhận 20,000 người tị nạn Afghanistan. 

    Bài liên quan: Bộ Nội vụ muốn chụp X-quang để xác định tuổi trẻ em xin tị nạn

    Nạn nhân buôn người Việt thắng kiện Bộ Nội vụ, được cấp visa ở lại Anh

    Anh sẽ phạt các quốc gia không chịu nhận lại người nhập cư lậu

    Viethome (theo Express)