• phai roi khoi syria 1
    Baraa Halabieh đang kêu gọi những hành trình an toàn cho người xin tị nạn.

    Baraa Halabieh, 39 tuổi, đã đi xuồng từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp vào năm 2014, đây là một phần trong hành trình của anh. Hiện giờ anh sống ở Hackney, anh từng là diễn viên và đầu bếp. Đã 10 năm trôi qua, anh vẫn còn nhớ rất rõ hành trình ngày đó của mình:

    "Chúng tôi có 40 người, họ sắp xếp cho đàn ông ngồi ở mép xuồng, phụ nữ và trẻ em ngồi chính giữa. Chúng tôi không được mang hành lý vì họ muốn có thật nhiều chỗ để nhét thêm người. Một người trong chúng tôi phải tự lái xuồng vì họ sẽ không lái. Để phòng trường hợp bị cảnh sát biển kiểm tra, họ sẽ không bị bắt.

    Chiếc xuồng chật ních và chúng tôi bắt đầu hành trình. Đảo Hy Lạp cách chúng tôi 5km. Nhưng chưa đi được 1km động cơ xuồng đã bốc khói. Chúng tôi cố gắng giữ cho trẻ em và phụ nữ bình tĩnh. Bọn họ gào khóc. Nhưng may mắn là chúng tôi đã cập bến an toàn khoảng hơn 2 giờ sau đó". 

    Biển còn an toàn hơn quê nhà của tôi

    "Đó là một khoảnh khắc đáng sợ, chúng tôi không biết liệu có thể đến Hy Lạp với một đầu máy bốc khói hay không. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy nước tràn vào xuồng. Đúng lúc chúng tôi gần đến bờ, có rất nhiều tình nguyện viên từ các tổ chức phi chính phủ giúp chúng tôi kéo xuồng vào bờ. 

    Đó là một hành trình đầy căng thẳng, nhưng mỗi khi người ta hỏi tôi vì sao lại liều mạng như vậy? Đối với tôi, câu trả lời rất rõ ràng. Bởi vì đại dương an toàn hơn quê nhà của chúng tôi. Chúng tôi đang chạy khốn khỏi chiến tranh, dù không biết đại dương nguy hiểm như thế nào nhưng đó là cơ hội duy nhất của chúng tôi".

    phai roi khoi syria 1
    Baraa vào ngày anh trở thành công dân Anh năm 2023.

    Trước khi chiến tranh nổ ra ở Syria, Baraa có tài chính ổn định và chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ra nước ngoài để tìm việc làm. Nhưng chiến sự ở Syria ngày càng nghiêm trọng và mọi thứ đã thay đổi. "Đột nhiên bạn nhận ra mạng sống của mình còn chẳng đáng giá bằng một viên đạn. Chúng tôi chứng kiến nhiều người bị bắt cóc và giết ở các trạm kiểm soát. Khi đi bộ từ công ty về nhà, tôi biết bất cứ điều gì khủng khiếp cũng có thể xảy ra". 

    "Tôi rời Syria và sử dụng hộ chiếu của mình như bình thường. Lúc đó, chúng tôi vẫn có thể đi đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng phà. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi lên xuồng để đến Hy Lạp. Và từ Hy Lạp, tôi xuyên qua châu Âu tới trại tị nạn Calais Jungle ở Pháp.

    "Bạn đã đi qua rất nhiều quốc gia an toàn, tại sao bạn không ở đó? - Các chính trị gia và phóng viên báo chí luôn hỏi câu này. Có 2 lý do để tôi chọn Vương quốc Anh. Điều tiên, tôi đã bỏ ra rất nhiều năm để học tiếng Anh, nếu biết tiếng, tôi sẽ hòa nhập nhanh hơn. Thứ hai, tôi có gia đình ở UK. Vào những năm 1970, một người chú của tôi đã đến Anh và kết hôn với một công dân Anh. Đổi lại, tôi chẳng có người thân nào ở châu Âu".

    "Đối với những người khác, lý do của họ cũng vậy thôi. Kết nối gia đình rất quan trọng. Không phải chỉ là vấn đề tài chính, mà ai cũng cần có người thân bên cạnh để bầu bạn. Đó là lý do chính khiến tôi muốn đến UK". 

    Chính phủ Anh nên tạo ra những lộ trình an toàn

    Nói về những người đã chết trên hành trình đến UK, anh cho rằng chính phủ Anh nên tạo ra những lộ trình an toàn cho người nhập cư. Với những lộ trình an toàn, chính quyền có thể kiểm tra được hồ sơ của từng người có thật hay chỉ là bịa đặt. Chính phủ cần hiểu rằng hầu hết người nhập cư đến Anh vì họ có gia đình ở đây.

    "Đó không phải chỉ là trợ cấp, bởi vì người xin tị nạn ở Anh nhận được trợ cấp ít nhất so với các nước châu Âu. Đó không phải vì lợi ích vật chất, mà chúng tôi chỉ muốn đến với gia đình của mình ở Anh sau khi đã liều mạng rời khỏi quê nhà". 

    6 tháng sau khi đến Anh, vào mùa đông năm 2016, tôi được cấp thị thực tị nạn. Nhưng cùng lúc đó, tôi mất đi nguồn trợ cấp ít ỏi từ Bộ Nội Vụ và phải rời khỏi nhà trọ trong vòng 28 ngày. Vào thời điểm đó tôi chưa có số bảo hiểm National Insurance, cũng không có tài khoản ngân hàng. May mắn, một người bạn đã liên hệ giúp tôi một gia đình người Anh. Và họ đã cho tôi ở nhờ cho tới khi tôi đủ khả năng thuê phòng ở riêng. 

    "Gia đình người Anh này đã thật sự thay đổi tôi. Họ chào đón tôi, khiến tôi ngay lập tức cảm thấy như người nhà. Tôi nấu ăn cho họ, họ mời tôi đến tham dự tiệc Giáng sinh. Khi tình hình tài chính của tôi ổn hơn, họ mời tôi ở lại như một người thuê trọ. Tôi cảm thấy đã tìm được một gia đình thật sự", Baraa cho biết.

    Viethome (theo MyLondon)

  • Bộ Nội Vụ đã thông báo kế hoạch tiếp theo trong nỗ lực truy đuổi các băng đảng tội phạm núp sau các doanh nghiệp độc lập trên phố lớn. 

    Các tiệm làm tóc đang bùng nổ trên khắp Vương quốc Anh, là công cụ cho bọn tội phạm rửa tiền và bóc lột người nhập cư bất hợp pháp. 

    Vào ngày 14/2/2024 tại Oxford, Bộ trưởng phụ trách mảng nhập cư bất hợp pháp, ông Michael Tomlinson đã tham gia cùng lực lượng di trú tiến hành đột kích một tiệm làm tóc bị tình nghi thuê người không giấy tờ. 

    Họ tình nghi có một người xin tị nạn Albani làm việc trái phép tại đây. Nhưng khi đến tiệm tóc ở Cowley, Oxford, họ không tìm thấy dấu vết của người này. Tuy nhiên, họ lại phát hiện có một người xin tị nạn Colombia đang làm việc bất hợp pháp tại đây. Người này đã bị đưa đi thẩm vấn. 

    tiem lam toc 1
    Nhân viên di trú tìm kiếm người nhập cư ở tiệm làm tóc. Ảnh: GB News

    Chủ của tiệm tóc là một người gốc Albani, hiện đang đối mặt với một án phạt nặng vì tội thuê người nhập cư bất hợp pháp. Mức phạt tối đa đối với doanh nghiệp thuê mướn người nhập cư bất hợp pháp đã tăng từ £15,000 lên £45,000.

    Hầu hết các tiệm làm tóc trên phố là hợp pháp và cung cấp dịch vụ giá trị cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, có một số lý do đáng lo ngại đằng sau sự bùng nổ nhanh chóng số lượng các tiệm làm tóc. 

    Có gần 18,000 tiệm làm tóc trên khắp cả nước, tăng 50% trong chỉ 5 năm. Chỉ riêng năm ngoái đã có 1,000 tiệm mở mới. Một số lượng lớn tiệm làm tóc trở thành bình phong cho hoạt động tội phạm. 

    Tiệm làm tóc bị đột kích ở Oxford

    Một số người nhập cư làm trong các tiệm này được cho là nạn nhân nô lệ hiện đại, họ bị ép buộc và đe dọa phải làm việc mà không được trả công hoặc chỉ nhận được rất ít.

    Trong những năm gần đây, các tiệm nail và tiệm rửa xe là những dạng doanh nghiệp tiêu biểu chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp, là bình phong cho các hoạt động phạm tội. Nhưng hiện nay tiệm làm tóc đang có phần áp đảo và đây là mô hình được bọn tội phạm ưa chuộng nhất. 

    Rửa tiền vẫn là mối lo ngại lớn ở Vương quốc Anh. Ước tính 150 tỉ bảng tiền bẩn được rửa ở UK mỗi năm. Hầu hết số tiền này đến từ hải ngoại, chẳng hạn Nga, và được rửa thông qua hệ thống tài chính tinh vi cũng như tiền điện tử. 

    Tuy nhiên, hàng tỉ bảng cũng được rửa thông qua các doanh nghiệp nhỏ trên đường phố. Theo nhiều nguồn tin, các băng nhóm tội phạm đứng sau tiệm làm tóc thường là người gốc Albani, Thổ Nhĩ Kỳ và Kurd. 

    Viethome (theo gbnews)

  • Những năm gần đây, số lượng lao động VN đi làm việc ở nước ngoài qua các đường dây đưa người lao động bất hợp pháp, hay còn gọi là lao động chui, ngày càng gia tăng. 

    Điều đáng nói là nhiều người bỏ ra rất nhiều tiền để bằng mọi cách đi sang nước ngoài tìm việc, bất chấp nguy cơ bị lừa gạt và đối mặt với những rủi ro.

    Nếu như trước đây, dù là lao động chui không có giấy tờ sang châu Âu vẫn có thể kiếm được việc làm, thì hiện nay tình hình đã khác. Giấc mơ đổi đời chưa thấy đâu, chỉ thấy tình trạng thất nghiệp và rủi ro mà những người lao động chui phải đối diện ngày càng cao.

    Ghi nhận tại CHLB Đức - 1 trong số những quốc gia có đông người Việt sinh sống nhất tại châu Âu hiện nay. Càng vào cuối năm thì trên các hội nhóm người Việt ở Đức, càng nhiều người đăng tin tìm việc. Phần lớn trong số họ là lao động chui. Nhiều người để ẩn danh nhưng cũng có người công khai là "không quần áo - kqa."

    - "Nam thanh niên kqa đã đứng bếp được một thời gian, biết nấu đồ Thái quán tỉnh, anh chị nào cần inbox em ạ".

    - "Em nữ thợ nail kqa cần tìm việc thợ nail, đi làm luôn ạ".

    Tiếng lóng "không quần áo" chỉ người lao động chui vốn không còn xa lạ với cộng đồng Kiều bào. Hiện không có con số thống kê chính xác nào về số lượng lao động chui người Việt tại châu Âu. Nhưng trên một số trang MXH về giao dịch việc làm, lao động chui người Việt luôn tấp nập. Điều này cho thấy số lượng lao động chui không hề nhỏ.

    lao dong nguoi viet tai duc
    Một lao động Việt tại Đức trả lời phỏng vấn của VTV4

    Ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên Hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu, cho biết: "Có một số chủ lao động chấp nhận tuyển lao động chui vì quy mô sản xuất hay kinh doanh của hộ nhỏ, hoặc là họ kinh doanh và sản xuất không phù hợp với pháp luật. Một phần nữa, những người lao động chui là những người quen biết với các chủ lao động, cho nên cũng có thể tham gia hoạt động chui này".

    Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi. Trên một nhóm công khai có tới hơn 70.000 thành viên, những bài viết tìm việc làm liên tục được đăng tải. Điều đó cho thấy lao động chui giờ rất khó tìm được việc làm. 

    "Trước đây nếu thuê những người không có giấy tờ hợp lệ từ VN sang thì người chủ có thể tiết kiệm được lên tới 70% chi phí nhân viên, nhưng hiện tại thì cảnh sát rất gắt gao đối với vấn đề lao động chui. Nếu bị phát hiện, người chủ có thể bị phạt tới vài chục nghìn euro", chủ một nhà hàng Việt tại Berlin cho biết.

    Ngay cả với những lao động chui đã sang Đức từ vài năm trước, dù may mắn kiếm được việc làm, thì bây giờ cũng thấm mùi rủi ro từ hoàn cảnh lao động bất hợp pháp. 

    "Kiếm tiền rất khó khăn do công việc thì ít, người thất nghiệp thì nhiều. Đi làm rất vất vả, giấy tờ không có, cũng chỉ đi làm công việc chân tay cho người Việt ở đây thôi. Lúc đầu chưa quen việc, mình làm tới 14-16 tiếng mỗi ngày. Công việc thì không ổn định", một lao động người Việt tại Đức cho biết. 

    Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc, các nước ngày càng siết chặt chính sách nhập cư. Các cơ quan chức năng liên tục tiến hành truy quét, khiến sự mạo hiểm và đánh đổi của những người lao động chui ngày càng rõ rệt.

    "Tôi khuyên mọi người bỏ ý định đi lao động ở châu Âu không qua con đường chính thống, bởi chịu rất nhiều rủi ro với bản thân trong quá trình di chuyển, mà vụ án 39 người Việt Nam thiệt mạng là một điển hình. Hơn nữa, không thể mua bảo hiểm y tế, sẽ rất khó khăn khi gặp các vấn đề sức khỏe. Và sống chui lủi. Khả năng bị giam giữ và trục xuất khá cao. Ở nhiều nước châu Âu, chính quyền không thừa nhận hợp lý hóa đối với giấy tờ tùy thân của người từ VN, kể cả vấn đề xin tị nạn cũng rất khó dù đã sinh sống ở đó rất lâu", ông Hoàng Đình Thắng cho biết.

    "Thời tiết bên này thật ra không phù hợp, rất là khắc nghiệt. Tôi nghĩ rằng ai muốn sang đây hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin, đi theo con đường chính thống", một lao động người Việt khuyên. 

    Theo VTV

  • Hiện dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc đã rất phổ biến, với chi phí minh bạch nhưng nhiều người vẫn bất chấp, thậm chí là liều mạng đi theo đường bất hợp pháp.

    lieu mang lam nguoi rom 1

    Tối 29/9/2023, Bộ Ngoại giao dẫn thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho biết cảnh sát Pháp đã phát hiện 6 phụ nữ, trong đó có 4 người được cho là công dân Việt Nam trong một xe chở hàng đông lạnh tại Rhone (thành phố Lyon, Pháp). Sự việc xảy ra ngày 27/9.

    Thông tin trên khiến nhiều người rùng mình sợ hãi, nhớ lại thảm kịch 39 người Việt chết trong xe container đông lạnh tại Anh vào cuối năm 2019.

    Họ bất chấp tính mạng của mình để nhập cư trái phép vào các nước Châu Âu làm việc.

    lieu mang lam nguoi rom 1

    Thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin

    Thời gian qua, các ngành chức năng triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật về người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài, đưa ra nhiều cảnh báo về hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực này.

    Tuy nhiên, ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: "Hiện Cục vẫn nhận được thông tin từ NLĐ, các địa phương và trên phương tiện thông tin đại chúng về việc có nhiều người bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài".

    Theo ông Dũng, nguyên nhân của tình trạng trên là có một bộ phận NLĐ mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt và không phải trải qua thủ tục tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề.

    Lợi dụng việc đó, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài dùng các thủ đoạn để lừa đảo NLĐ, đưa họ ra nước ngoài. Có những thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý mới phát hiện được.

    Ông Đặng Sĩ Dũng cho biết: "Thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức, cá nhân này nhắm vào nhu cầu muốn đi làm việc bằng mọi giá, lợi dụng nhận thức về pháp luật và thông tin việc làm ngoài nước còn hạn chế của NLĐ".

    lieu mang lam nguoi rom 1

    Theo ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc ESUHAI Group (đơn vị có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và phái cử NLĐ đi làm việc tại Nhật Bản), hiện phần đông người đi nước ngoài làm việc theo con đường không hợp pháp là vì sự nhẹ dạ, tin vào hướng dẫn của những người thân quen.

    Họ thấy người quen đi bất hợp pháp nhưng vẫn sống "khỏe re", vẫn có nhiều tiền nên nhắm theo và quyết định "ra đi". Những việc đó vẫn âm thầm diễn ra trong cuộc sống, rất khó kiểm soát nếu chưa thay đổi được nhận thức của bộ phận người lao động này.

    Thường những người chọn con đường đi "chui" chưa hiểu được hết ý nghĩa, lợi ích của chương trình đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc hợp pháp. Họ không đủ điều kiện đi lao động mà vẫn muốn có nhiều tiền nên chấp nhận rủi ro để ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp.

    Bà Lê Minh Thùy, Phó giám đốc công ty TNHH Đào tạo Chuyển giao lao động & Chuyên gia Haio (Haio Education), đồng tình với những phân tích này.  "Nhiều người nhẹ dạ cả tin, nghe lời hứa hẹn về một viễn cảnh môi trường công việc ngoài hợp đồng thu nhập tốt hơn, viễn cảnh như mơ ở xứ người", bà Thùy nói.

    Cũng có những trường hợp NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nhưng không đáp ứng được các điều kiện của từng thị trường chính thức. Có người đi theo đường chính thức rồi nhưng vì lý do nào đó mà tìm cách trốn ở lại bằng mọi giá sau khi hết hạn hợp đồng…

    Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này được đánh giá là do NLĐ thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật, lại có tâm lý nôn nóng muốn làm giàu nhanh nên xác định đi nước ngoài nhanh theo con đường phi pháp. Họ không lường hết được khó khăn, nguy hiểm, thậm chí có thể đánh đổi bằng cả tính mạng nên trở thành nạn nhân của các đối tượng môi giới.

    Đi làm "chui" thiệt hại đủ đường

    lieu mang lam nguoi rom 1

    Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đặng Sĩ Dũng chỉ rõ, lao động Việt ra nước ngoài theo các kênh không chính thống sau đó cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro.

    Trước hết là nguy cơ không tìm được việc làm, trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất khi cơ quan sở tại phát hiện.

    Do không có hợp đồng lao động hợp pháp nên việc làm và thu nhập của NLĐ không đảm bảo, cũng không được hưởng các chế độ bảo hiểm, không được pháp luật nước sở tại bảo hộ.

    Bên cạnh đó, những người đi làm chui thường không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động; thiếu hiểu biết về văn hóa, tập quán của nước đến; không được trang bị kỹ năng làm việc, tay nghề và ngoại ngữ…

    Do đó, những công dân này rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động. Họ còn có thể gặp nhiều khó khăn, rủi ro khác trong cuộc sống nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ.

    Ngoài ra, do đi làm "chui" nên những công dân này không đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, không đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước đến làm việc. Trong trường hợp NLĐ gặp khó khăn, các cơ quan chức năng của Việt Nam rất khó tiếp cận, nắm bắt, hỗ trợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

    Bà Lê Minh Thùy chia sẻ thêm: "Đi làm "chui", chính NLĐ tự tước bỏ quyền được bảo vệ của mình. Đồng nghĩa với đó là sức khỏe, sự an toàn và tính mạng của NLĐ luôn có thể rơi vào tình trạng mất an toàn".

    Vì sống chui nhủi, cư trú bất hợp pháp, các quyền lợi của NLĐ trong công việc, đi lại, nơi ăn, chốn ở, y tế… gần như bằng không.

    Đôi khi, họ bị chủ chèn ép về lương, thậm chí bị quỵt luôn tiền công mà không biết làm gì ngoài việc trách số phận kém may mắn.

    Bà Thùy cho biết: "Làm việc ở nước ngoài theo kênh không chính thức sẽ không được pháp luật nước sở tại bảo vệ, kể cả khi bị chủ sử dụng ngược đãi. Họ không được hưởng trợ cấp thôi việc khi bị sa thải, không có bảo hiểm y tế khi bị bệnh tật hay ốm đau, không được bảo hiểm rủi ro, tai nạn trong quá trình sinh sống, lao động…".

    Ngoài ra, NLĐ chỉ nghĩ đơn giản liều mạng đi làm chui, đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó khăn là để kiếm tiền, lo cho gia đình… mà không ý thức hết, hành vi của mình vi phạm nghiêm trọng pháp luật của nước sở tại.

    Cảnh sát nước sở tại thường xuyên tổ chức các lực lượng để truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Khi bị phát hiện, nhẹ thì bị phạt tiền, nặng thì bị phạt tù. Sau đó, người lao động sẽ bị trục xuất về nước. Đồng thời, NLĐ đã vi phạm quy định luật nhập cư của nước sở tại sẽ bị từ chối cấp visa, bị từ chối cho nhập cảnh về sau.

    lieu mang lam nguoi rom 1

    Hiểu đúng để không liều mình ra nước ngoài làm việc "chui"

    Phó Cục trưởng Đặng Sĩ Dũng khuyến nghị NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu các quy định của pháp luật, các hình thức đi, quyền và nghĩa vụ của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, các chi phí phải nộp theo quy định…

    Đồng thời, NLĐ còn phải trang bị các kiến thức về ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề cần thiết phù hợp với yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động; tìm hiểu các thông tin từ các cơ quan hữu quan để đảm bảo đi làm việc ở nước ngoài một cách hợp pháp, an toàn.

    Những thông tin ấy được báo đài, địa phương thông báo ra rả hằng ngày nhưng điều khó hiểu là tại sao người dân vẫn tin vào những lời hứa hẹn, vẫn đi làm việc bất hợp pháp?

    Theo ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc Esuhai Group, lý do chủ yếu là người lao động thiếu thông tin về điều kiện, chi phí để ra nước ngoài làm việc theo con đường hợp pháp.

    Trong 17 năm đào tạo và phái cử NLĐ đi làm việc tại Nhật Bản, ông Sơn khẳng định, chi phí dịch vụ để ra nước ngoài làm việc hiện đã hợp lý hơn trước đây rất nhiều. Mức trần chi phí đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc được quy định rõ ràng theo Luật số 69/2020/QH14.

    Ông Sơn dẫn chứng, chi phí để đi Nhật Bản làm việc theo chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Esuhai tùy thuộc vào từng chương trình tuyển dụng khác nhau và không vượt quá 90 triệu đồng.

    Chi phí thấp tạo điều kiện giúp NLĐ có thể dễ dàng tiếp cận, tham gia chương trình để vừa làm việc, vừa tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, ngoại ngữ, chứ không đơn thuần chỉ là đi để kiếm một số vốn. Tuy nhiên, vẫn có bộ phận người dân do chưa hiểu hết ý nghĩa của chương trình này nên lựa chọn ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, bất chấp rủi ro.

    lieu mang lam nguoi rom 1
    Chi phí dịch vụ ngày càng thấp, tạo điều kiện cho NLĐ dễ dàng ra nước ngoài làm việc (Ảnh: CTV).

    Theo bà Lê Minh Thùy, Phó giám đốc Haio Education, hiện chi phí dịch vụ trọn gói ở các đơn vị đều dao động trong mức 60-100 triệu đồng. Tuy nhiên, bà cảnh báo, khi tiếp cận dịch vụ qua các đơn vị trung gian có thể tăng thêm chi phí môi giới 20-40 triệu đồng nên NLĐ phải tìm hiểu kỹ.

    Ông Lê Long Sơn lưu ý thêm, để đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc, các doanh nghiệp phải có giấy phép, báo cáo đầy đủ, cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt chẽ. NLĐ cần tìm hiểu kỹ công ty uy tín và phải thật sáng suốt để lựa chọn công ty phái cử có trách nhiệm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong suốt thời gian đi làm việc tại nước ngoài.

    Còn vấn đề kỹ năng và ngoại ngữ, theo các chuyên gia, đó là điều cần thiết với NLĐ khi sang xứ người làm việc, sinh sống chứ không phải rào cản đặt ra để hạn chế NLĐ đi nước ngoài làm việc.

    lieu mang lam nguoi rom 1
    Kỹ năng là yêu cầu cần thiết để NLĐ có thể làm tốt công việc, mang lại thu nhập cao (Ảnh minh họa: CTV).

    Kỹ năng là để đáp ứng được nhu cầu công việc, cũng là bước rèn luyện để NLĐ thích ứng với công việc sắp làm, tránh chuyện mất chi phí sang nước khác làm việc nhưng lại không đáp ứng yêu cầu công việc, làm việc không hiệu quả, bị đào thải sẽ lãng phí chi phí đã bỏ ra.

    Ngoại ngữ đảm bảo để NLĐ có thể giao tiếp với người bản xứ, làm việc và sinh hoạt tốt, học hỏi thêm được nhiều kỹ năng mới tại nơi làm việc và là nền tảng để học thông thạo thêm một ngoại ngữ. Đây là điều kiện căn bản để NLĐ nâng cao giá trị bản thân sau thời gian đi làm việc ở nước ngoài.

    Theo Dân Trí

  • Năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp số người vượt biên trái phép vào EU tăng, với 380.000 người, tăng 17% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2016.

    kl vuot bien chau au
    Tàu chở người di cư tới đảo Canary, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP)

    Ngày 16/1, Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Bờ biển châu Âu (Frontex) cho biết đã ghi nhận 380.000 người vượt biên trái phép vào các khu vực biên giới của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023, tăng 17% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2016.

    Theo Frontex, năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp số người vượt biên trái phép vào EU tăng. Hơn 40% số người vượt biên trái phép vào châu Âu chọn tuyến đường vượt Trung Địa Trung Hải, chủ yếu khởi hành từ Tunisia và vào châu Âu qua Italy. Con số này tăng 49% so với năm 2022.

    Khoảng 26% số người vượt biên trái phép chọn tuyến đường Tây Balkan để đến châu Âu và số người chọn tuyến đường qua Đông Địa Trung Hải chiếm 16%.

    Hầu hết người nhập cư trái phép vào EU là nam giới đã trưởng thành. Phụ nữ và trẻ em đều chiếm 10%. EU đã chứng kiến làn sóng người di cư ồ ạt tới khu vực này hồi năm 2016, với gần 504.000 người.

    Hơn 6.600 người thiệt mạng khi vượt biển đến Tây Ban Nha chỉ trong năm 2023

    Năm 2023 được coi là năm nguy hiểm nhất đối với những người cố gắng di cư trái phép sang Tây Ban Nha, khi có tới 6.618 người thiệt mạng.

    Báo cáo của nhóm hỗ trợ người di cư Walking Border cho thấy, con số nói trên cao gấp gần 3 lần so với năm ngoái và là mức cao nhất kể từ khi Walking Borders theo dõi số liệu kể từ năm 2007.

    Trong số 6.618 người thiệt mạng, có tới 6.007 người thiệt mạng trên tuyến đường biển từ châu Phi đến quần đảo Canary của Tây Ban Nha, khiến quần đảo này trở thành tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới.

    Trong bối cảnh các nước Địa Trung Hải siết chặt kiểm soát dòng người di cư, quần đảo Canary đã trở thành lựa chọn của những người di cư châu Phi phải rời bỏ đất nước do đói nghèo và xung đột. Những người di cư hầu hết vượt biển trên những con tàu, thuyền quá tải, không đủ lương thực và nước uống cho cả hành trình.

    thiet mang di cu tay ban nha
    Những người di cư được đưa trở lại Morocco khi họ đang cố gắng tìm đường để sang Tây Ban Nha. (Ảnh: AA)

    Nguyên nhân khiến số người di cư thiệt mạng và mất tích tăng cao trong năm 2023 là do thiếu các phương tiện cứu hộ và số người tìm cách đến Tây Ban Nha tăng vọt.

    Theo Walking Border, số người di cư đến Tây Ban Nha thiệt mạng được xác nhận đến từ 17 quốc gia, hầu hết họ đến từ lục địa châu Phi, nhưng cũng có nạn nhân đến từ Palestine, Bangladesh, Syria và Yemen.

    Theo số liệu của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, số người di cư bất hợp pháp đến nước này trong năm 2023 tăng gần gấp đôi so với năm trước, lên tới 56.852 người. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2018.

    Theo TTXVN

  • Balog đã thụ án sau khi thừa nhận tội vào tháng 6/2022. Mức phạt dành cho anh ta là 40 tháng tù giam. 

    buon nguoi nhap cu bat hop phap vao anh 1
    Jozef Balog và người phụ nữ Việt mà anh ta cố đưa lậu vào Anh. 

    Một người đàn ông đã cố tình đưa một người phụ nữ Việt Nam nhập cư bất hợp pháp vào UK bằng cách nhét cô vào táp-lô, phần phía bên ghế phụ. 

    Jozef Balog 33 tuổi, quốc tịch Slovakia, đã bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam tại Tòa án Canterbury Crown Court vào ngày 16/1/2024 sau khi thừa nhận tội hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. 

    Anh ta bị Lực lượng Biên phòng Anh chặn tại Coquelles, miền bắc nước Pháp vào tháng 6/2022. Balog khai rằng mình đang trở về nhà ở Manchester sau chuyến đi thăm gia đình.

    Khi tiến hành lục soát chiếc Vauxhall Vectra của anh ta, nhân viên biên phòng phát hiện tấm thảm ở chỗ hộp điều khiển footwell nhô lên cao hơn so với bình thường. Họ tiến hành gỡ hộp đựng găng tay và phát hiện một người phụ nữ Việt ngồi chèn ép phía sau táp-lô.

    buon nguoi nhap cu bat hop phap vao anh 1

    buon nguoi nhap cu bat hop phap vao anh 1
    Chỗ ẩn nấp của người phụ nữ.

    buon nguoi nhap cu bat hop phap vao anh 1
    Chiếc xe đã được cải tạo để buôn người.

    buon nguoi nhap cu bat hop phap vao anh 1
    Chiếc xe đã được cải tạo để có một chỗ trốn nhỏ cho người phụ nữ. 

    Phó giám đốc Bộ Nội Vụ, ông Steve Blackwell gọi đây là một trường hợp đáng kinh ngạc, cho thấy sự nhẫn tâm và xem thường tính mạng người khác của bọn tội phạm. 

    "Những kẻ trục lợi biên giới của chúng ta lại một lần nữa bị đưa ra công lý", ông nói. Sau khi thừa nhận tội trạng, Balog bị tuyên án 40 tháng tù giam.

    Viethome (theo Sky News)

  • Chính quyền Pháp đã xác nhận người thứ 5 thiệt mạng, trong khi 72 người được cứu, bao gồm 10 trẻ em. 

    Một chiếc xuồng di cư đã gặp phải sóng dữ khi ra khơi từ bờ biển Pháp. Vụ tai nạn xảy ra gần Wimereux, miền nam Calais, vào lúc 2h sáng Chủ nhật ngày 14/1/2024.

    Tờ báo Pháp La Voix du Nord cho biết có 72 người đã được cứu sống, bao gồm 10 trẻ em. Tất cả được đưa về Calais, trong đó 1 người được đưa tới bệnh viện ở Boulogne. 

    Chiếc xuồng gặp nạn khi ra khơi vào ban đêm giữa thời tiết lạnh giá. Một trực thăng Hải quân, cảnh sát và 50 lính cứu hỏa đã tham gia vào cuộc giải cứu. 

    Lực lượng Cứu hộ Bờ biển Anh không thể bình luận vì vụ việc xảy ra trong lãnh thổ Pháp. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại Giao Anh, Lord Cameron (tên mới của ông David Cameron) cho biết cái chết của 5 người nhập cư thật thương tâm. 

    10629678
    Lính cứu hỏa trục vớt các thi thể lên bờ. Ảnh: La Voix du Nord

    Tuần trước đã diễn ra những đợt vượt biển đầu tiên sau 26 ngày im ắng. Thời tiết khắc nghiệt là lí do hoạt động trên biển ít sôi nổi. Đây là đợt "nghỉ giải lao" dài hơi nhất kể từ tháng 2/2020. Vào thời điểm này năm ngoái, 44 người di cư trên xuồng nhỏ đã bị phát hiện. 

    Nguyên nhân của sự gián đoạn là do thời tiết lạnh và tuyết rơi tấn công nhiều nơi ở Vương quốc Anh. Cơn bão Henk vào ngày 2 tháng 1 với sức gió 94mph đã tàn phá South Wales và miền nam England. 

    Giữa thời tiết khắc nghiệt, dịch vụ phà Condor Ferries đã hủy các chuyến phà giữa Poole, Portsmouth, quần đảo Channel Islands và Pháp. Trong khi đó, hãng phà DFDS cũng hủy các chuyến phà giữa Dover - Calais và Dover - Dunkirk.

    Bão Henk xuất hiện chưa đến 1 tuần sau bão Gerrit, khiến hãng phà Condor phải hủy tất cả dịch vụ hành khách trong 3 ngày. 

    Thủ tướng Rishi Sunak xem việc ngăn chặn xuồng nhỏ là vấn đề quan tâm số một của chính phủ ông. Nhưng tuần trước, số liệu rò rỉ cho thấy số lượng người di cư bất hợp pháp qua eo biển có thể tăng lên tới 35,000 người trong năm nay. 

    Tài liệu rò rỉ của Lực lượng Biên phòng cho thấy 35,000 là con số trung bình, và dự đoán cao nhất có thể lên tới 50,000 người.  

    Viethome (theo ITV News)

  • Giai đoạn 25 ngày này bao gồm cả Christmas, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua eo biển vắng bóng xuồng di cư trong 25 ngày liên tiếp. Nguyên nhân có thể do thời tiết quá khắc nghiệt. 

    chiec xuong cuoi cung
    Chiếc xuồng gần đây nhất xuất hiện trên kênh đào là vào ngày 16 tháng 12.

    Không có người nhập cư nào bị phát hiện lang thang trên eo biển Anh trong suốt 25 ngày qua. Đây là đợt "nghỉ giải lao" dài hơi nhất kể từ tháng 2/2020. Vào thời điểm này năm ngoái, 44 người di cư trên xuồng nhỏ đã bị phát hiện. 

    Số liệu của Bộ Nội Vụ cho thấy lần cuối cùng bóng dáng xuồng di cư cập bến bờ biển Anh là vào ngày 16 tháng 12, chỉ có một chiếc xuồng duy nhất chở 55 người. Hôm trước đó, 7 chiếc xuồng chở tổng cộng 292 người dư cư đã bị phát hiện trên bờ biển. 

    Nguyên nhân của sự gián đoạn là do thời tiết lạnh và tuyết rơi tấn công nhiều nơi ở Vương quốc Anh. Cơn bão Henk vào ngày 2 tháng 1 với sức gió 94mph đã tàn phá South Wales và miền nam England. 

    Giữa thời tiết khắc nghiệt, dịch vụ phà Condor Ferries đã hủy các chuyến phà giữa Poole, Portsmouth, quần đảo Channel Islands và Pháp. Trong khi đó, hãng phà DFDS cũng hủy các chuyến phà giữa Dover - Calais và Dover - Dunkirk.

    Bão Henk xuất hiện chưa đến 1 tuần sau bão Gerrit, khiến hãng phà Condor phải hủy tất cả dịch vụ hành khách trong 3 ngày. 

    Thủ tướng Rishi Sunak xem việc ngăn chặn xuồng nhỏ là vấn đề quan tâm số một của chính phủ ông. Nhưng tuần trước, số liệu rò rỉ cho thấy số lượng người di cư bất hợp pháp qua eo biển có thể tăng lên tới 35,000 người trong năm nay. 

    Tài liệu rò rỉ của Lực lượng Biên phòng cho thấy 35,000 là con số trung bình, và dự đoán cao nhất có thể lên tới 50,000 người. Thông tin này lộ ra giữa lúc chính phủ Pháp đang chỉ trích Anh không cung cấp đủ thông tin hữu dụng về các hoạt động di cư trái phép.

    Tòa Thẩm kế, cơ quan kiểm toán nhà nước ở Pháp, cho biết thông tin tình báo cung cấp cho cảnh sát nước này thường ở mức "sơ sơ" và "rất chung chung." Cơ quan này khẳng định Pháp cần thêm thông tin chi tiết về những chiếc thuyền và động cơ được các băng nhóm tội phạm sử dụng để buôn người.

    Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh phản bác đánh giá trên, cho rằng báo cáo sử dụng thông tin lỗi thời và không phản ánh mối quan hệ hiện tại giữa hai nước.

    Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) cho biết họ có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật và quản lý biên giới của Pháp.

    Tuy nhiên, báo cáo của Tòa Thẩm kế về cuộc chiến chống di cư bất hợp pháp kết luận rằng giữa Pháp và Anh "không có sự bình đẳng trong việc trao đổi thông tin tình báo."

    Anh đã cung cấp gần 500 triệu bảng Anh để Pháp chi cho việc tăng cường lực lượng an ninh tại các cồn cát và bãi biển dọc theo bờ biển Calais ở miền Bắc nước Pháp. Đây là nơi những kẻ buôn người đưa người di cư lên thuyền vào sáng sớm để bắt đầu cuộc vượt biển đầy nguy hiểm.

    Báo cáo cho biết khoản tài trợ này đã giúp Pháp triển khai 54 nhân viên cảnh sát, với sự hỗ trợ của 135 quân nhân dự bị, cho hoạt động tuần tra hàng đêm.

    Viethome (theo Sky News)

  • Chính quyền Ireland vừa thông báo trong số 14 người nhập cư chui thùng container vào Ireland hôm 8 tháng 1/2024, có 3 người được cho là đến từ Việt Nam. Trong số những người này, 8 người hiện đã "mất tích".

    Theo xác nhận mới nhất từ Đại sứ quán VN ở Vương quốc Anh (cũng chịu trách nhiệm khu vực Ireland), thì chính quyền Ireland đã thông báo về việc phát hiện 3 người Việt nhập cư bất hợp pháp tại cảng Rosslare ở phía đông nam Ireland. 

    Vào ngày 11/1 tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại Giao, phóng viên đã chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao là bà Phạm Thu Hằng về việc Cảnh sát Ireland mở cuộc điều tra về vụ buôn 14 người nhập cư bất hợp pháp vào đất nước này. 

    Bà Hằng cho biết ngay sau khi nhận được tin, Bộ Ngoại Giao đã chỉ đạo Đại sứ quán VN ở Anh quốc liên lạc với chính quyền địa phương ở Ireland để hỗ trợ cuộc điều tra. Đại sứ quán VN cùng với Lãnh sự danh dự VN tại Dublin đang làm việc với chính quyền Ireland để xác nhận danh tính của 3 người nhập cư VN, và sẵn sàng bảo hộ công dân VN nếu cần thiết, đảm bảo họ được đối xử tuân theo quy tắc của luật nhân quyền. Theo Cảnh sát Dublin, những người này đều đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt. 

    3 nguoi viet nhap cu ireland
    Cảng Rosslare, Ireland.

    Vào ngày 9 tháng 1, báo chí Anh và Ireland đồng loạt đưa tin về việc phát hiện 14 người nhập cư lậu, bao gồm 9 người đàn ông và 3 phụ nữ, cùng với 2 bé gái. Họ được phát hiện trong thùng xe tải đông lạnh khi chiếc xe nay dừng tại Cảng Rosslare Europort ở hạt Wexford, thuộc tỉnh Leinster, miền nam Ireland, vào lúc 3h sáng ngày 8 tháng 1 (giờ địa phương). Tất cả đều đã được đội y tế kiểm tra sức khỏe và đang trong tình trạng tốt.

    Trước đó, vào lúc 1h sáng ngày 8 tháng 1, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Anh đã nhận được tin báo khẩn cấp từ một người trong thùng xe đông lạnh khi chiếc xe đang trên phà từ Pháp đến cảng Rosslare. Chính quyền Anh và Ireland đã phối hợp để ngay lập tức dừng phương tiện này ngay khi nó cập cảng.

    Nhưng vào hôm qua, Cảnh sát Ireland thông báo 8 trong số 14 người này đã "mất tích" khi đang tạm trú tại một trung tâm tị nạn ở Dublin. Vào thời điểm đó, những người này không bị quản thúc vì họ không phải tội phạm.

    Trong số 14 người nhập cư trái phép, có 10 người Kurd đến từ Iran và Iraq, bao gồm 2 bé gái 4 và 6 tuổi, cùng với 1 người từ Thổ Nhĩ Kỳ vào 3 người từ VN. Họ xuất phát từ cảng Zeebrugge ở Bỉ, sau đó đến Pháp và đến Ireland.

    Cảnh sát Ireland hiện đang điều tra vụ việc, chưa có ai liên quan tới vụ buôn người bị bắt.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Chủ nhà hàng Lebanese Gardens Lounge phải đóng án phí gần £15,000.

    Lebanese Garden Lounge 1
    Lực lượng di trú đã ập vào nhà hàng Lebanese Gardens Lounge trên đường Balham High Road vào tháng 3/2023. Ảnh: Google Maps

    Một nhà hàng và shisha lounge ở South London đã bị tước giấy phép kinh doanh sau 11h tối do bị phát hiện thuê 5 người nhập cư bất hợp pháp.

    Chủ nhà hàng Lebanese Gardens Lounge ở Balham đã bị yêu cầu đóng tiền án phí £15,000 do thua kiện Hội đồng Wandsworth sau khi hội đồng này đưa ra quyết định tước giấy phép. 

    Trước đó vào tháng 3/2023, nhân viên Bộ Nội Vụ đã phát hiện 5 người làm việc trong nhà hàng này mà không có giấy tờ làm việc hợp pháp ở UK. Những người này nói rằng họ được trả lương thấp hơn mức lương cơ bản, 1 người trong số này thậm chí không được nhận lương mà chỉ được cho ăn.

    Chủ nhà hàng, Karim Ali, đã phủ nhận mọi cáo buộc nhưng lại không cung cấp được giấy tờ làm việc hợp pháp của những người này, cũng không giải thích được vì sao lại trả lương cho họ thấp hơn mức lương tối thiểu. Ủy ban cấp giấy phép đã quyết định thu hồi giấy phép của nhà hàng vào tháng 6/2023.

    Lebanese Garden Lounge 1
    Hội đồng Wandsworth đã tước giấy phép kinh doanh của nhà hàng vào tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Google Maps

    Một báo cáo về quyết định của ủy ban ghi rằng ông Ali đã thay đổi toàn bộ nhân viên nhà hàng sau khi bị khám xét. "Ông Ali phủ nhận mức lương thấp mà những người nhân viên đã khai với người của Bộ Nội Vụ. Ông khẳng định rằng tất cả nhân viên đều được trả lương ít nhất bằng với mức lương cơ bản, và ông không dùng thức ăn như một hình thức trả lương. Một thanh niên tới thử việc dù không được trả lương nhưng đã được cho ăn miễn phí", báo cáo viết. 

    Ủy ban cho rằng việc trả lương thấp hơn mức lương cơ bản là bằng chứng cho thấy ông Ali biết những nhân viên này không có giấy tờ làm việc hợp pháp tại UK. Báo cáo viết: "Rõ ràng những người này sẽ khó tìm được công việc khác và họ cũng không ở vào vị trí có thể phàn nàn". 

    Ông Ali đã kháng cáo quyết định của hội đồng nhưng đơn kháng cáo đã bị bác bỏ, đồng nghĩa nhà hàng không được phép phục vụ đồ uống sau 11h tối. Ông này cũng phải trả tiền án phí gần £15,000.

    Viethome (theo MyLondon)

  • Hơn 3 năm trước, một ngày mùa hè nắng nóng ở xứ Nghệ, tôi nhận được cuộc điện thoại của người em đồng hương đang ở Anh. Cậu ấy biết hoàn cảnh tôi khó khăn về kinh tế nên rủ tôi di cư bất hợp pháp đến Anh."Qua đây với em, bay qua Nga rồi đi đường bộ sang Anh", cậu em nói.

    Lời rủ rê khiến tôi không khỏi bất ngờ vì chỉ mấy tháng trước đó xảy ra sự việc thương tâm: 39 người Việt chết trong container ở Essex, Anh Quốc. Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, cậu em nói: "Có cách để đi. Xe đông lạnh bị hải quan soi kĩ thì trói mình nằm dưới gầm xe tải". Nói rồi cậu ấy bật chế độ gọi camera cho tôi xem bên trong ngôi nhà đang ở, đâu đó vùng Đông Bắc nước Anh.

    Không cần suy nghĩ nhiều, tôi từ chối lời "mời gọi" của cậu em và khuyên cậu ta nên thu xếp sớm về nước, tìm công việc lao động lương thiện. "Bỏ đi mà làm người", tôi nói khi nhìn khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu của cậu.

    Tôi nhớ đến câu chuyện trên khi mới đây đọc bản tin ở báo Dân trí về việc Bộ Ngoại giao cho biết cảnh sát Pháp đã phát hiện 6 phụ nữ trong đó có 4 người được cho là công dân Việt Nam trong một xe chở hàng đông lạnh tại Rhone, thành phố Lyon, Pháp. Sự việc xảy ra ngày 27/9.

    troi minh duoi gam xe tai
    Cảnh sát Pháp giải cứu 6 phụ nữ, trong đó có 4 người Việt trong một xe chở hàng đông lạnh tại thành phố Lyon, Pháp hôm 27/9 (Ảnh: BBC).

    Không khó đoán công việc của các lao động di cư bất hợp pháp ở Anh và một số nước phát triển ở châu Âu, ở Úc… nếu bạn tìm hiểu thông tin trên internet, ít nhất thì đó là công việc không có giấy phép lao động theo quy định của nhà chức trách sở tại. Di cư trong cảnh nguy hiểm luôn rình rập, nếu trót lọt thì công việc và cuộc sống chui lủi ngày này qua tháng khác, nhưng vì sao nhiều người vẫn bất chấp tất cả chọn con đường này? Câu trả lời đơn giản nhất là để kiếm tiền, để chạy theo giấc mơ giàu nhanh.

    Nhưng, đó có phải là đồng tiền đáng để một số bạn trẻ bất chấp sinh mạng của mình? Tôi từng ở trong hoàn cảnh như vậy, nên từ chính cuộc đời mình, tôi xin nói ngay rằng hoàn toàn không đáng để chúng ta chọn con đường rủi ro ấy, không chỉ vì nó là con đường bất hợp pháp mà trước hết vì cái giá phải trả có thể là tất cả.

    Năm 2013, tôi từ bỏ công việc ổn định ở quê nhà sang Úc tìm cơ hội mới. Mục đích ban đầu là đi học, nhưng không lâu sau đó tôi dần trượt chân vào nghề trồng cần sa, tiếng lóng gọi là "dân chăn mèo". "Mèo" ở đây ám chỉ cảnh sát Úc - đối tượng mà những kẻ trồng cần sa phải tìm mọi thủ đoạn để qua mặt.

    Tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên với công việc tội lỗi này và ngày càng lún sâu cho đến khi bị cảnh sát Úc bắt vào tháng 8/2017. Đó là một ngày tiết trời khá lạnh ở Úc, hai bàn tay tôi nằm trong chiếc còng lạnh buốt, xung quanh là đèn nháy của đoàn xe cảnh sát và đèn chiếu từ chiếc trực thăng bay phía trên. Cảnh mà hồi nhỏ tôi thường xem trên phim thì lúc đó tôi là kẻ trong cuộc.

    Tết nguyên đán 2017 tại nhà tù Fulham, tiểu bang Victoria (Úc), lòng tôi se sắt u buồn, càng buồn hơn khi nhìn một số đồng hương người Việt cũng đang thẫn thờ đếm thời gian qua và dường như trong lòng ai nấy đều tự hỏi ở quê nhà giờ này người thân đang làm gì, có gói bánh chưng không.

    Tôi nhớ mãi trong một đêm tù viễn xứ lạnh lẽo, người bạn tù đồng hương tâm sự "Anh ạ! Ban đầu em cũng sang Úc làm farm (nông trại) nhưng sau nghe mọi người kể về thằng D cũng ở xứ này, nó đi sau em mà nay đã xây nhà khang trang cho bố mẹ rồi. Em thừa biết nó làm gì vì cứ đi Úc mà giàu nhanh thì chỉ có "dân chăn mèo". Thế là em nhảy vào con đường này, vụ đầu trồng cần sa chủ trừ hết chi phí, sang vụ thứ hai thu lãi bằng đúng căn nhà ở làng quê cho bố mẹ, thế nhưng chưa kịp đến vụ thứ ba thì vào đây"

    Đêm đó, vì nhà tù gần biển nên chúng tôi nghe được tiếng gió thổi rất mạnh, xoáy vào những bức tường bê tông trong đêm tối mịt mù tạo thành những âm thanh ghê rợn. Tôi cảm giác thứ âm thanh đó dội vào đầu mình như tiếng hú từ những con tàu bị đắm…

    Theo quy định của chính quyền sở tại, tôi bị di chuyển qua 5 nhà tù khắp tiểu bang Victoria, đi đâu cũng vậy, cứ gặp phạm nhân Tây là họ hỏi tôi "cậu bị bắt vì trồng cần sa phải không?".

    Những năm tháng trong tù, tôi luôn dằn vặt bản thân "tại sao mình lại chấp nhận cái giá đau đớn, thậm chí suýt bỏ mạng để lao vào cuộc mưu sinh bất hợp pháp và bất trắc này". Khi được ra tù, về nước, tôi viết hai cuốn sách được cấp giấy phép xuất bản là "Đường xanh viễn xứ" và "Nếu không có ngày mai", kể lại cuộc đời mình với mong muốn các bạn trẻ nếu đọc sách sẽ rút ra được bài học hữu ích nào đó, tránh lầm đường lạc lối như tôi.

    Tôi cũng như những ai đã lỡ chọn con đường bất trắc này không thể đổ lỗi cho cái nghèo, cũng không thể nói rằng bị lừa. Tất cả là do chúng ta chủ động lựa chọn, tìm hiểu thông tin và muốn đi được cũng phải "nộp" từ 500 triệu đồng đến một tỷ đồng, để rồi biến mình thành con bài đỏ đen trong cuộc chơi của số phận. Chúng ta đã coi rẻ phẩm giá con người, phẩm giá của chính mình để bước tới những cuộc phiêu lưu, rượt đuổi đồng tiền tội lỗi nơi xứ người.

    Sau khi về nước, tôi chọn cuộc sống hoàn lương, bình yên với gia đình, chuộc lỗi và báo hiếu mẹ già. Những lời rủ rê đi lại con đường tội lỗi tiếp tục đến với tôi, gần đây một người quen khi tôi đang ở Úc lại gọi điện rủ tôi qua một nước ở Đông Nam Á, nhưng tôi đều bỏ ngoài tai tất cả.

    Không đi, ở nhà lao động lương thiện có sao đâu, còn đi chui trốn lủi như vậy thì rủi ro ập đến bất cứ lúc nào.

    Tác giảNguyễn Tô Giang tốt nghiệp Tổng hợp Văn (nay là khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) năm 2002. Trước năm 2013, anh là biên tập viên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nghệ An. Hiện Tô Giang sinh sống và làm việc tại quê nhà, thành phố Vinh, Nghệ An.

    Theo Dân Trí

  • nguoi viet bang bang
    9 người ngoại quốc đã được phát hiện trong thùng xe container tại trạm dừng A1 ở Colsterworth. Ảnh: Google

    9 người tình nghi nhập cư bất hợp pháp đã được phát hiện sau khi một chiếc xe container dừng tại trạm nghỉ A1. Người ta nghe thấy tiếng đập "bang bang" phát ra từ bên trong thùng xe.

    Cảnh sát Lincolnshire cho biết 4 người quốc tịch Việt Nam, 4 người Iran bao gồm 1 bé trai, và 1 người Iraq đã được phát hiện trong tình trạng "rất nóng" tại trạm dừng xe tải trên đường Bourne Road, Colsterworth. Cảnh sát cho rằng những người này đã trải qua hành trình hơn 18 tiếng từ Italy. 

    Đại diện cảnh sát tuyên bố: "Chúng tôi nhận được tin báo về âm thanh "bang bang" bất thường phát ra từ thùng xe container tại một bãi đậu xe HGV. Lúc đó là 7h tối ngày 23/11/2023".

    9 người đã được đưa đến đồn cảnh sát Lincoln. Lực lượng Nhập cư thuộc Bộ Nội Vụ đang tiến hành điều tra. Bé trai đã được đưa đến trung tâm chăm sóc địa phương. 

    Tài xế xe tải là một người đàn ông 39 tuổi, đã bị bắt vì tình nghi buôn người. Cảnh sát tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi bất cứ ai có mặt tại trạm dừng A1 vào khoảng thời gian trên vui lòng liên hệ với cảnh sát. Hoặc bất cứ ai có camera hành trình ghi lại diễn biến xung quanh trạm dừng A1 vào thời điểm đó vui lòng liên hệ chúng tôi".

    Bài liên quan: Kinh hãi 340 người nhập cư nhét gọn trong 1 chiếc xe tải

    Giới chức Mexico phát hiện 343 người, trong đó 103 trẻ em không có người lớn đi kèm, trong thùng xe tải bị bỏ lại ven đường cao tốc.

    Cơ quan Nhập cư Quốc gia Mexico ngày 6/3 cho biết chiếc xe tải được phát hiện tối 5/3/2023 tại bang Veracruz, sát Vịnh Mexico. Chiếc xe nằm cạnh tuyến cao tốc thường được những kẻ buôn người dùng để đưa dân di cư từ đông nam Mexico sang biên giới Mỹ.

    340 nguoi nhap cu
    Hàng trăm người nhập cư được giới chức Mexico phát hiện trong thùng xe tải ngày 5/3. Ảnh: Reuters

    Giới chức cho hay 343 người di cư trong thùng xe tải đều khỏe mạnh, nhưng lái xe đã bỏ trốn. Thùng xe có quạt và lỗ thông gió trên nóc, cho thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kẻ buôn người.

    Nhóm người di cư trong thùng xe chủ yếu đến từ Guatemala, Honduras, El Salvador và Ecuador. Trong xe còn có 103 trẻ em không có người lớn đi cùng, đa số đến từ Guatemala. Người di cư tới Mỹ thường trả tiền cho những tay buôn người để đưa con cái qua sau.

    Những em bé này sẽ được đưa vào khu trại do chính quyền bang Veracruz giám hộ, trong khi người lớn sẽ bị điều tra để xác định tình trạng pháp lý của họ tại Mexico.

    Xe tải là một trong những cách thức nguy hiểm nhất thường được những kẻ buôn người sử dụng để đưa người di cư không giấy tờ qua Mexico tới Mỹ. Tháng 6/2022, hơn 50 người thiệt mạng sau khi bị bỏ rơi trong xe tải giữa thời tiết nóng nực ở Antonio, bang Texas, Mỹ.

    Tháng 12/2021, 56 người di cư từ Trung Mỹ tới Mỹ đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi xe tải bị lật ở miền nam Mexico. Hoạt động buôn người qua biên giới Mỹ - Mexico năm 2022 tăng lên mức kỷ lục mới, khi Lực lượng Biên phòng Mỹ ghi nhận hơn 2,3 triệu lần chạm mặt người vượt biên trái phép trong khu vực.

    Viethome (theo ITV News)

  • ke buon nguoi albani 1
    "Dini cho biết anh đã đưa hơn 6,000 người sang Anh quốc bất hợp pháp. Ảnh: Jonathan Buckmaster

    Người đàn ông này nói rằng việc kinh doanh của anh ta chưa bao giờ tốt như thế. Anh ta kiếm tiền từ việc đưa người vượt eo biển trên những chiếc xuồng chết chóc. 

    Trong một chuyến đi đến thủ đô Tirana của đất nước Albani, phóng viên tờ Daily Express đã gặp một kẻ buôn người. Chúng tôi đặt tên cho anh ta là Dini. 

    Dini cho biết vào những ngày bận rộn, có khoảng 200-500 người nhập cư Albani liên hệ với anh ta nhờ sắp xếp chuyến xuồng vượt biển. Những động thái cứng rắn của chính phủ Anh không thể dập tắt khát khao vượt biên của họ. 

    UK là điểm đến duy nhất trong gói dịch vụ của Dini. Trong suy nghĩ của những người nhập cư, Anh là đất nước giàu có và họ có thể kiếm được khối tiền khi làm việc ở đây, đặc biệt nếu họ sẵn sàng làm trong các trại cần sa.

    "Ai cũng muốn đến England vì England có tiền. Họ muốn làm việc trong các trại cần sa, hoặc họ có gia đình ở đấy. Tôi chưa bao giờ đếm số người tôi đã đưa lên xuồng, nhưng năm ngoái có lẽ là 6,000 người", Dini nói. 

    ke buon nguoi albani 1
    Chúng tôi gặp Dini trong một quán cafe ở Albani. Ảnh: Jonathan Buckmaster

    Dini vô cùng nghi ngờ về con số mà chính phủ công bố. Chính phủ nói rằng số người đến Anh bằng xuồng nhỏ đã giảm mạnh trong năm nay. Trong khi mùa hè năm 2022 có đến 2% nam giới Albani bỏ quê để lên xuồng sang Anh. 

    Dù chính phủ Albani khẳng định số người sang Anh đã giảm, nhưng Dini chẳng hề thấy giảm chút nào. "Có lẽ chiến thuật của chính quyền England đã quyết liệt hơn vào năm 2022, nên bọn họ mới bị bắt. Nhưng số người Albani sang Anh trong năm nay hay những năm trước đều như nhau, không giảm", Dini nói. 

    Về công việc, Dini giải thích vai trò của mình: "Tôi có 2 việc. Tôi nhận tiền từ các gia đình đã có người thân sang được Anh. Và tôi trao đổi với khách hàng thông qua MXH về các chuyến đi đến Anh từ Albani".

    "Tôi có đường dây ở England, bọn họ là bạn tôi. Và tôi làm việc với nhóm người Kurd ở Pháp (những người sắp xếp việc cho xuồng ra khơi)".

    Dini thu thập thông tin cá nhân của người nhập cư và chuyển thông tin này cho băng nhóm người Kurd, để họ xác định chính xác vị khách nào đã trả tiền thì mới được lên xuồng. Không ai trốn được khoảng phí £4,000.

    Người nhập cư chỉ phải trả tiền khi đã vào Anh thành công. Chúng tôi thắc mắc làm sao những người bị giữ ở các trại tạm giam gần biên giới có thể liên lạc với Dini để thông báo họ đã cập bờ an toàn.

    "Tôi không muốn nói chi tiết về việc thanh toán. Tôi muốn bỏ qua câu hỏi này. Đường dây của tôi ở England sẽ quản chuyện này", Dini nói.

    Dini nhiều lần khẳng định việc đi xuồng vượt biển là "an toàn". An toàn bởi vì các tàu lớn từ Pháp thường hộ tống những chiếc xuồng này tới vùng biển Anh, sau đó lực lượng biên phòng Anh hoặc lực lượng cứu hộ biển RNLI sẽ giải cứu họ.

    Dini cũng không sợ những tài khoản MXH của mình bị đánh sập. "Tôi đăng tải những video kiểu như "Hôm nay chúng tôi sẽ lên tàu sang Anh, hãy inbox tôi để biết thêm chi tiết". Các video này lập tức viral và người ta bắt đầu liên hệ tôi. Tôi có 3 tài khoản. Một cái có 3.000 follow. Hai cái kia có 10.000 và 11.000 follow. Tôi có đủ thể loại khách hàng, các gia đình, người 16 tuổi, nam giới muốn đi Anh để đổi đời", Dini kể. 

    ke buon nguoi albani 1
    Dini không ngán chính quyền, anh ta chỉ sợ gia đình của người nhập cư. Ảnh: Jonathan Buckmaster

    Dini năm nay mới ngoài 20 tuổi. Anh khoe mình đã kiếm được hơn £50,000 vào năm ngoái nhờ công việc buôn người. Thế nhưng anh nói mình đã đưa được hơn 6,000 người sang Anh vào năm ngoái. Nếu điều anh ta nói là đúng, vậy anh chỉ bỏ túi được £8 trên mỗi người nhập cư. Hầu hết số tiền đều vào túi của băng đảng người Kurd điều hành các chuyến xuồng từ bờ biển Pháp.

    Mức lương trung bình của người Albani chỉ vào khoảng 4,200/năm. "Tôi có thể kiếm được khối tiền. Dĩ nhiên tôi biết chuyện này rủi ro, vì thế tôi cũng không làm nghề này cả đời", Dini nói. 

    Ngoài việc sợ bị chính quyền Albani truy tố, anh còn sợ gia đình những người nhập cư trả thù nếu chuyến đi không suôn sẻ. 

    "Nếu xuồng gặp nạn tôi sẽ gặp rắc rối to. Nếu có người chết, gia đình họ sẽ tìm tôi. Họ có thể giết tôi. Trước giờ chưa từng có chuyện gì, ít nhất là với việc kinh doanh của tôi, nhưng một ngày nào đó chuyện tệ hại có thể xảy ra. Mỗi khi họ lên xuồng đều sẽ có rủi ro, bởi vì chiếc xuồng luôn quá tải".

    "Việc kinh doanh này rất phức tạp. Tôi chỉ là một phần trong đó. Còn nhiều người khác quyết định những chuyện khác", Dini nói.

    Viethome (theo Express.co.uk)

  • Phóng viên Peter Smith của tờ ITV News tiếp tục serie bài viết điều tra ngành công nghiệp buôn người Việt Nam đến Anh, bắt đầu từ các làng quê ở VN nơi những chuyến hành trình được ấp ủ giữa gia đình chòm xóm, đến chặng đường chông gai qua châu Âu để đặt chân đến Anh.

    phong van tho nail 1

    Buôn người là một ngành công nghiệp trong bóng tối, nhưng tại Anh quốc nó lại bành trướng rõ mồn một. Tại các tiệm nail trên khắp các con phố, phóng viên ITV News đã thu thập được bằng chứng từ những người thợ nail được đưa đến Anh bất hợp pháp.

    Sử dụng máy ghi âm bí mật, phóng viên hỏi một thợ nail: "Bạn có giấy tờ hợp pháp để làm việc ở đây không?". "Không, chưa", người này trả lời.

    Hàng ngàn người vẫn bất chấp tính mạng vượt biên mỗi năm. Họ băng qua eo biển trên những chiếc xuồng hơi ọp ẹp, mơ tưởng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Toàn bộ ngành công nghiệp này ở UK được xây dựng dựa trên nỗi tuyệt vọng và khát khao của họ. Dù chính phủ Anh đã nỗ lực không mệt mỏi nhằm ngăn chặn thuyền nhỏ, thế nhưng ngành công nghiệp này vẫn không ngừng nở rộ. Những tiệm nail này không thể chỉ nhìn trên bề mặt.

    "Tôi đến Anh cách đây 6 tháng", một thợ nail khác nói. Anh ấy nói mình đi xuồng vào Anh, "Chuyến đi từ Pháp tới Anh mất 6 tiếng".

    phong van tho nail 2
    Ngành công nghiệp buôn người ở VN bắt đầu từ thôn quê với lời hứa hẹn một cuộc sống màu hồng ở châu Âu. Ảnh: ITV News

    phong van tho nail 2
    Những người nợ nần, hoặc nam giới lớn tuổi không thể xin việc trong tiệm nail thường sẽ chuyển sang trồng cần sa. Ảnh: ITV News

    Tại bờ biển Pháp, họ có 2 lựa chọn, hoặc là lên xuồng nhỏ vượt eo biển, hoặc trốn trong thùng xe tải đi qua hầm. Đi xuồng nhỏ sẽ rẻ hơn, nhưng nguy hiểm hơn. Có khoảng 45-55 người chen chúc trên một chiếc xuồng.

    Một người vượt biên cho biết anh đã vay nặng lãi £20,000 để trả cho đường dây buôn người. Chúng tôi gặp gỡ lúc anh còn ở VN. Anh nói rằng sẽ bắt đầu trả nợ khi đặt chân đến UK. 4 năm sau tôi gặp lại anh. Anh đã kể về cuộc sống khủng khiếp của mình ở UK.

    "Tôi bị đưa vào một căn nhà trồng cần sa. Bọn họ bảo công việc của tôi là chăm sóc cây cho tới khi trả xong nợ. Họ khóa cửa rồi bỏ mặc tôi. Tôi ở trong nhà suốt 1 năm, chưa bao giờ ra ngoài", anh kể.

    Trồng cần sa là một khía cạnh nham hiểm trong những thương vụ buôn người. Những người nợ nần nhiều hoặc nam giới lớn tuổi không xin được việc trong tiệm nail, thường sẽ bị dồn đến con đường trồng cần sa.

    Rất nhiều ngôi nhà ở Anh quốc đã bị các băng nhóm gốc Việt cải tạo thành trại cần sa. Bọn chúng có tổ chức và thường xuyên bóc lột những người thợ làm vườn.

    "Tôi không được trả 1 xu. Tôi còn con cái ở nhà và gia đình ở quê trông chờ tôi gửi tiền về. Một ngày nọ khi có cơ hội tôi đã bỏ trốn. Nhưng tôi không biết đi đâu. Tôi không thể nhờ ai giúp đỡ, tôi rất sợ bị trục xuất", anh nói.

    Tôi nói với anh rằng Chính phủ Anh muốn ngăn chặn xuồng nhỏ, và hỏi anh có sợ bị trục xuất không. Anh nói: "Tôi sợ bọn chúng tóm được tôi hơn là sợ cảnh sát. Bọn chúng đã từng giết người. Nhưng tôi có nghe nói tới kế hoạch Rwanda. Thật khủng khiếp. Một số người Việt Nam có thể e ngại không muốn đến Anh nữa, nhưng tôi nghĩ chính phủ Anh nên nhân đạo hơn. Nước Anh cần lao động, hãy để cho tôi làm việc".

    phong van tho nail 5
    Trên mạng xã hội đăng đầy những bài rao tìm người di cư trái phép. Ảnh: ITV News

    Tại một tiệm nail khác, một người đàn ông kể rằng bạn của anh ta đã khai gian mình dưới 16 tuổi, nhờ đó mà được ở lại UK. "Gần đây tôi có nói chuyện với anh ta, tôi chỉ anh ta cách cư xử sao cho giống trẻ vị thành niên", anh này kể.

    Chẳng hạn như đòi xin kẹo hoặc đồ chơi, để làm ra vẻ mình còn trẻ con. Nhưng thực chất người này đã trưởng thành, giờ phải giả làm trẻ em và sống với một gia đình nhận nuôi ở UK.

    Các thợ nail bất hợp pháp cũng chỉ cho tôi cách để tìm việc. Họ giới thiệu các hội nhóm tìm thợ nail trên mạng xã hội. Vào xem, chúng tôi nhìn thấy những tin đăng tuyển người đi vượt biên.

    Các tin này sử dụng những từ ngữ kí hiệu "ẩn ý" để quảng cáo dịch vụ buôn người. Chẳng hạn "33" là mã vùng điện thoại ở Pháp, "44 là mã vùng điện thoại ở Anh. Vì thế "33-44" nghĩa là đi từ Pháp đến Anh. Tin tuyển người nhấn mạnh rằng "bạn không cần bất cứ giấy tờ hợp pháp nào" vẫn đi đến UK được.

    Chúng tôi thử gọi điện cho một tiệm nail gần London. Tiệm nail này cần thợ làm việc 60 tiếng/tuần.

    "Tôi mới đến Anh, đến đây bằng xuồng", tôi nói chuyện với người phụ nữ qua điện thoại. Cô ấy nói "không thành vấn đề" và sẵn sàng trả tôi 700 bảng/tuần.

    phong van tho nail 2Dù đã nói rõ là tôi không có giấy tờ, nhưng tôi vẫn được đề nghị mức lương £700/tuần, làm 60 tiếng/tuần tại một tiệm nail. Ảnh: ITV News

    Chính phủ Anh hiện đang áp dụng mức phạt nặng đối với các doanh nghiệp bị phát hiện tuyển dụng người không có giấy tờ. Nhưng dữ liệu cho thấy số người VN bị buôn đến UK vẫn không hề giảm xuống. Nhưng ngày càng ít nạn nhân Việt đủ dũng cảm để bước ra ánh sáng tìm kiếm sự giúp đỡ. Vì sợ bị trục xuất nên họ mãi bị xiềng xích trong lòng bàn tay của bọn buôn người.

    Ngành công nghiệp buôn người chưa hề dao động. Nó đem lại tiền bạc cho các băng đẳng tội phạm, nên UK vẫn sẽ là đích đến cuối cùng, vẫn là thiên đường hấp dẫn đối với những người Việt khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Bài liên quan: Báo Anh phanh phui lộ trình sang Anh của người Việt

    Phóng viên ITV News thâm nhập đường dây buôn người ở Nghệ An

    Viethome (theo ITV News)

  • giai phong nha tu pham nhan nuoc ngoai 1

    Chính phủ vừa hứa sẽ nỗ lực trục xuất nhiều tội phạm nhập cư hơn về quê hương của họ, giữa lúc các bộ trưởng đang chịu áp lực phải tạo ra thêm nhiều chỗ chứa trong nhà tù. 

    Bộ trưởng Tư pháp, ông Alex Chalk, đã kí duyệt một số quyết định, trong đó có việc hạn chế giam giữ tù nhân "phạm tội mức độ thấp". Ngoài ra, vào hôm thứ Hai đầu tuần, ông cũng đã công bố nhiều cải cách ở England và Wales.

    Trong số các kế hoạch này, chính phủ Anh sẽ xúc tiến các chính sách cho phép giam giữ tù nhân ở hải ngoại, đây là một động thái bắt chước Bỉ và Na Uy. 

    Hiện tại các nhà tù ở Anh đều đang quá tải một cách đáng lo ngại, với 88.225 người đang bị giam giữ ở England và Wales. 

    Bộ trưởng Tư pháp cho biết có hơn 3.100 tội phạm người nước ngoài đã được thả tính đến tháng 3 năm nay, nhưng 10.500 người còn lại vẫn bị giam giữ ở England và Wales, tiêu tốn chi phí quản lý tới 500 triệu bảng/năm.

    Theo kế hoạch mới, tội phạm nước ngoài sẽ được thả sớm trước khi mãn hạn tù. Các trại giam sẽ thuê thêm nhân viên để đẩy nhanh tốc độ thả người. Hiện tại, tội phạm nước ngoài có thể được thả sớm 1 năm trước khi mãn hạn tù. Hiện các bộ trưởng đang muốn thả sớm 1 năm 6 tháng, như vậy sẽ giúp tiết kiệm £70,000 chi phí quản lý mỗi tù nhân.

    Giới chức cũng đang tìm kiếm giải pháp phóng thích nhanh những người nhập cư phạm tội ít nghiêm trọng, trong đó có việc cấm người phạm tội quay trở lại UK. 

    "Tội phạm nhập cư nên bị trừng phạt, nhưng không thể vì trừng phạt họ mà khiến nhà nước tiêu tốn £47,000 tiền thuế mỗi năm để nuôi nhốt họ, tốt nhất là trục xuất sớm. Thay vì để tội phạm nước ngoài chiếm chỗ trong nhà tù và tiêu tốn tiền thuế của dân, chúng ta nên tìm cách trục xuất họ về nước và cấm quay trở lại UK. ", ông Chalk nói. 

    Bộ trưởng Tư pháp cũng nhắc lại rằng, tống giam những phạm nhân ít nguy hiểm đồng nghĩa với việc sử dụng nhà tù chưa đúng cách. Ông cho rằng nên để tù nhân ra ngoài lao động công ích, dọn dẹp đường phố, lau chà grafitti trên tường hoặc trồng rừng.

    Ông Chalk cũng khẳng định rằng các tù nhân phạm tội h.iếp d.âm vẫn sẽ phải thụ án đầy đủ trong tù, không được tha sớm.

    Viethome (theo ITV News)

  • Năm 2012, khi đang học tại Vương quốc Anh, tôi quen biết một số đồng hương là chủ xưởng nail. Họ nói vui: “Nếu chú trốn ở lại đây làm việc thì mặc nhiên đỡ mất một tỷ đồng”.

    Một tỷ đồng là "lộ phí" để những người như các anh chị nhập cảnh vào Anh và một số nước châu Âu. Tôi "gặp lại" con số này năm 2019, khi xảy ra vụ 39 thi thể bị phát hiện chết ngạt trong thùng xe container ở hạt Essex, Vương quốc Anh. Nạn nhân chủ yếu là người Nghệ An, Hà Tĩnh - quê tôi. Ông Phạm Văn Thìn, ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), bố của một nạn nhân cho biết: gia đình đã phải bỏ ra 30.000 bảng Anh (tương đương một tỷ đồng) để con gái tham gia đường dây đưa người sang Anh. Cháu đã phải làm giả thị thực Trung Quốc, rồi sang Đông Âu cho chuyến đi kéo dài cả tháng, kết thúc bằng cái chết trong thùng lạnh. Đó là hành trình không chỉ đắt đỏ mà còn rủi ro.

    Nhưng những cuộc nhập cảnh chui không vì thế mà dừng lại. Bất chấp mọi cảnh báo, những chuyến vượt biên bằng cách trốn vào thùng xe container để đến đảo quốc sương mù vẫn diễn ra. Mới đây nhất, ngày 27/9, cảnh sát Pháp phát hiện và giải cứu sáu người, trong đó có bốn người Việt, trong một thùng xe container. Sự việc chỉ được phát giác khi một trong số nạn nhân phát hiện hành trình không như mong muốn là sang Anh hoặc Bắc Ireland nên đã liên lạc, báo tin với bên ngoài.

    nhap cu bang xe dong lanh bi bat
    Cảnh sát phát hiện người nhập cư trốn trong xe đông lạnh. Ảnh: SWNS

    Câu hỏi đặt ra là không đi chui thì họ sẽ đi bằng cách nào? Vương quốc Anh và phần lớn các nước châu Âu hiện chưa cấp phép cho lao động phổ thông Việt Nam. Còn nếu đến Đức theo chương trình thực tập sinh thì điều kiện về ngoại ngữ, tay nghề là hết sức ngặt nghèo. Nếu tham gia vào các chương trình hợp tác lao động phổ thông thời hạn 2-3 năm với một số nước đã ký kết như Bồ Đào Nha, Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ... lại phải đối diện với bài toán chi phí. Số tiền mà người lao động phải trả cho các khâu trung gian thường cao hơn nhiều so với mức giá quy định.

    Một người bạn của tôi, đang lao động chui tại Cộng hòa Cyprus cho biết: thời điểm đăng ký vào năm 2017, anh được thông báo là chỉ phải bỏ ra 3.000 USD, nhưng anh đã mất gần hai lần như vậy cho nhiều công đoạn. Sang Cyprus làm nông nghiệp, lương mỗi tháng 500 USD (không tính ăn ở), sau ba năm, anh dành dụm được khoảng 10.000 USD... Nếu không tiếp tục trốn ra ngoài trước khi kết thúc hợp đồng thì tính ra cũng chẳng tích lũy được bao nhiêu so với chi phí.

    Con số 30.000 bảng Anh mà gia đình ông Phạm Văn Thìn tiết lộ trong vụ việc 39 thi thể phát hiện trên xe container vào năm 2019 chính là "đơn giá" chung cho một "đơn hàng" nhập cảnh vào Anh từ hơn 10 năm qua. Nếu nhập cảnh trót lọt, phần lớn sẽ được đón vào làm tại các xưởng nail và các cơ sở trồng cần sa bất hợp pháp.

    Làm nail có thể kiếm tiền túc tắc nhưng trồng cần sa nếu không bị phát hiện, bỏ tù, trục xuất thì có thể kiếm được tiền. Bỏ ra một tỷ đồng, một lao động có thể gửi về gần chục tỷ đồng. Bên cạnh những hành trình thất bại hoặc phải trả giá đắt về tiền bạc, tính mạng, số người nhập cảnh trái phép trót lọt vào châu Âu nói chung và vào Anh nói riêng là không hề nhỏ.

    Chính sách nhân văn dành cho người nhập cư ở Anh trước đây là một trong những lý do khiến người lao động ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, liều chết đến quốc gia này. Thủ tục tị nạn ở Anh đơn giản hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu.

    Thực tế này cộng với những cam kết chắc nịch của các băng nhóm buôn người đã thôi thúc người lao động. Chỉ trong hai năm qua, có hơn 73.000 người nhập cảnh trái phép vào Anh bằng thuyền hơi, trong đó có hơn 1.800 người Việt Nam, theo Đại sứ Anh tại Việt Nam.

    Tuy nhiên, gần đây Chính phủ Anh đã ban hành đạo luật mới, được thông qua vào ngày 20/7/2023, theo đó những người nhập cảnh trái phép sẽ không có quyền ở lại Anh hợp pháp mà bị tạm giữ và chuyển đến một nước thứ ba hoặc hồi hương. Chính sách này được hy vọng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các tuyến đường di cư bất hợp pháp, nguy hiểm vào Anh.

    Trong thời gian học ở Anh, tôi đã chứng kiến những cuộc đời chôn vùi cả chục năm thanh xuân trong bốn bức tường để trồng cần sa bất hợp pháp. Tiền kiếm được, họ chỉ để gửi về gia đình, còn bản thân không có cơ hội sử dụng và cũng không biết cách sử dụng. Giá trị cuộc sống của một con người gần như bị tước mất hoàn toàn.

    Áp lực mưu sinh luôn là sự biện bạch dễ được cảm thông nhưng để giải tỏa áp lực mưu sinh có lẽ cần đường đi bài bản hơn thế, một con đường được tạo lập từ kiến thức, tay nghề, ngoại ngữ... Mưu sinh bằng cách đánh cược - đặt chân lên một hành trình gần với cái chết, hoặc nếu sống sót, cũng không đúng nghĩa một cuộc đời tự do - là lựa chọn có "phí tổn" đắt hơn tiền bạc.

    Không chỉ cá nhân người nhập cư trái phép chịu hậu quả, hệ lụy của tình trạng này sẽ tác động lâu dài lên cả cộng đồng, đòi hỏi những hành động hiệu quả hơn từ nhiều phía, để xã hội ngày càng ít đi những cuộc tha hương đặt cọc bằng tự do hoặc mạng sống con người.

    Theo VnExpress / Trần Long

  • Giới chức Mexico phát hiện 343 người, trong đó 103 trẻ em không có người lớn đi kèm, trong thùng xe tải bị bỏ lại ven đường cao tốc.

    Cơ quan Nhập cư Quốc gia Mexico ngày 6/3 cho biết chiếc xe tải được phát hiện tối 5/3/2023 tại bang Veracruz, sát Vịnh Mexico. Chiếc xe nằm cạnh tuyến cao tốc thường được những kẻ buôn người dùng để đưa dân di cư từ đông nam Mexico sang biên giới Mỹ.

    340 nguoi nhap cu
    Hàng trăm người nhập cư được giới chức Mexico phát hiện trong thùng xe tải ngày 5/3. Ảnh: Reuters

    Giới chức cho hay 343 người di cư trong thùng xe tải đều khỏe mạnh, nhưng lái xe đã bỏ trốn. Thùng xe có quạt và lỗ thông gió trên nóc, cho thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kẻ buôn người.

    Nhóm người di cư trong thùng xe chủ yếu đến từ Guatemala, Honduras, El Salvador và Ecuador. Trong xe còn có 103 trẻ em không có người lớn đi cùng, đa số đến từ Guatemala. Người di cư tới Mỹ thường trả tiền cho những tay buôn người để đưa con cái qua sau.

    Những em bé này sẽ được đưa vào khu trại do chính quyền bang Veracruz giám hộ, trong khi người lớn sẽ bị điều tra để xác định tình trạng pháp lý của họ tại Mexico.

    Xe tải là một trong những cách thức nguy hiểm nhất thường được những kẻ buôn người sử dụng để đưa người di cư không giấy tờ qua Mexico tới Mỹ. Tháng 6/2022, hơn 50 người thiệt mạng sau khi bị bỏ rơi trong xe tải giữa thời tiết nóng nực ở Antonio, bang Texas, Mỹ.

    Tháng 12/2021, 56 người di cư từ Trung Mỹ tới Mỹ đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi xe tải bị lật ở miền nam Mexico. Hoạt động buôn người qua biên giới Mỹ - Mexico năm 2022 tăng lên mức kỷ lục mới, khi Lực lượng Biên phòng Mỹ ghi nhận hơn 2,3 triệu lần chạm mặt người vượt biên trái phép trong khu vực.

    VnExpress (theo AFP/Reuters)

  • Ngày 30/9, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy thông báo: Họ đã giải cứu thành công 177 người, trong một chiếc phà bốc cháy trên biển, bao gồm 27 thành viên thủy thủ đoàn và 83 người di cư. Đó là 83 người vô cùng may mắn.

    Trước họ, quanh những bờ biển nước Ý nói riêng và phía Nam của Liên minh châu Âu (EU) nói chung, đã có quá nhiều cái chết thương tâm, trên đường vượt biển tìm kiếm những cuộc đổi đời. Sau một thập kỷ, bóng đen của cuộc khủng hoảng di cư đã và đang trở lại, đè nặng và làm hằn lên những vết chia cắt, trong lòng cựu lục địa.

    Italy oằn mình

    83 người di cư may mắn được cứu thoát ấy đang trên đường từ đảo Lampedusa đến Porto Empedocle (cùng của Italy). Đảo Lampedusa nằm giữa Tunisia, Malta và đảo Sicily của Italy. Nhờ vị trí thuận tiện ấy, nó trở thành điểm đến “yêu thích” mà hầu như mọi dòng người vượt biển từ Bắc Phi đều lựa chọn, một thứ “đầu cầu tiền tiêu” bắt vào EU.

    oan minh di cu 1
    Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (phải) thị sát đảo Lampedusa ngày 17/9/2023.

    Trong tháng 9/2023, mỗi tuần, có hàng nghìn người di cư đi qua tuyến hải trình ấy, với mong muốn tột bậc được đặt chân lên châu Âu bằng mọi giá, để chạy trốn chiến tranh và xung đột, hoặc chạy trốn cảnh đói nghèo ở quê hương đã bỏ lại sau lưng vĩnh viễn. Chỉ từ ngày 11 đến 13/9, đã có khoảng 8.500 người di cư - nhiều hơn toàn bộ dân số đảo Lampedusa - đến đảo này trên 199 tàu.

    Người đứng đầu chính quyền đảo Lampedusa, ông Filippo Mannino, nhấn mạnh mặc dù Lampedusa vẫn luôn sẵn lòng đón nhận người di cư, song hòn đảo này đã rơi vào tình trạng quá tải. Bởi, trung tâm tiếp nhận người di cư của hòn đảo chỉ có sức chứa khoảng 400 người. Những người di cư sau đó được chuyển đến thị trấn Porto Empedocle trên đảo Sicily.

    Vô hình trung, đảo Lampedusa trở thành mô hình thu nhỏ, nhưng biểu đạt sắc nét cho tình cảnh của Italy - quốc gia EU tiền tiêu trên Địa Trung Hải. Từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 133.000 người di cư đã tìm đến các địa phương ven biển của Italy, gần gấp đôi số lượng người di cư ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Và điều thực sự đau đớn: Hơn 2.500 người di cư đã thiệt mạng trong khi tìm cách vượt biển từ Bắc Phi tới Italy (và Malta) trong năm 2023 này, theo những số liệu thống kê do Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 28/9, trong khi con số trong cùng thời gian của năm 2022 là 1.680 người.

    Đương nhiên, một cách ngắn gọn, dưới mệnh lệnh của lòng nhân đạo, Italy phải lo “nơi ăn chốn ở”, khi tiếp nhận (và sàng lọc) toàn bộ khối người di cư lựa chọn đến với họ.

    Tuy nhiên, trong động thái mới nhất ngày 27/9, Chính phủ Italy đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm tới, qua đó cho thấy những khó khăn ngày càng tăng mà họ đang phải gánh chịu (dù là tương đồng với cả bức tranh toàn cảnh của cộng đồng). Cụ thể, Chính phủ Italy ước tính tăng trưởng GDP năm nay ở mức 0,8%, thấp hơn mức dự báo 1% đưa ra trước đó. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 hạ từ mức 1,5% xuống còn 1,2%.

    oan minh di cu 1
    Người châu Phi liệu có liều mình tha hương, nếu được tiếp cận các cơ hội phát triển ở quê nhà?

    Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cũng tăng mức dự báo thâm hụt tài chính của Italy năm nay và năm tới, theo đó thâm hụt năm nay dự kiến ở mức 5,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức mục tiêu 4,5% đề ra trước đó. Thâm hụt năm 2024 được dự báo ở mức 4,3%, so với mức mục tiêu 3,7%.

    Tình trạng này bắt nguồn từ các hệ lụy của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, cũng như việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ lãi suất ở mức cao. Và những dự báo u ám về triển vọng kinh tế kia đồng nghĩa với việc Chính phủ Italy sẽ phải cố gắng hỗ trợ các công dân của mình trong cơn khó khăn nhiều hơn. Mà cùng lúc, họ vẫn phải lo cho những người di cư vượt biển.

    Câu chuyện mới mà cũ

    Có một cuộc họp quan trọng đã diễn ra ngày 29/9, tại Malta, khi lãnh đạo 9 nước Địa Trung Hải và Nam Âu gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission/EC) - bà Ursula von der Leyen - để thảo luận về vấn đề người di cư.

    Những đoàn người dấn thân vào vô định.

    Hội nghị cấp cao này diễn ra một ngày sau khi bộ trưởng nội vụ các nước thành viên EU đạt được bước tiến, trong việc đề ra các quy định mới liên quan đến cách khối này đối phó với làn sóng nhập cư trái phép. Mặc dù vậy, Italy đã đề nghị cần có thêm thời gian để xem xét văn bản này, trước khi tiến tới đạt được một thỏa thuận chung.

    Khoảng 186.000 người di cư thông qua tuyến đường biển Nam châu Âu đã đặt chân đến Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Cyprus và Malta, tính từ đầu năm đến ngày 24/9. Số liệu này gợi lại những cảm giác nặng nề từ thập niên trước còn chưa kịp phai mờ, khi cũng có hàng đoàn người đánh cược với sinh mạng của mình như thế để tìm đến những bờ biển Nam Âu, sau khi “Mùa xuân Arab” quét qua cả một dải Bắc Phi - Trung Đông. Ngày ấy, EU cùng lúc hứng chịu cả bốn cuộc khủng hoảng: kinh tế, người nhập cư, cơ chế hoạt động (nhất là sau khi nước Anh chính thức xúc tiến tiến trình Brexit) và cân bằng chiến lược địa chính trị. Hiện tại, dường như câu chuyện cũng chẳng tươi sáng hơn là mấy.

    Suốt những năm tháng ấy, các quốc gia “đầu sóng” - vẫn là Italy, Tây Ban Nha, Cyprus, Malta và Hy Lạp - “vật vã” kêu gọi các nước thành viên EU khác chia sẻ gánh nặng. Bây giờ, cả Thủ tướng Italy - bà Georgia Melani - lẫn Chủ tịch EC Ursula von der Leyen vẫn đang phải kêu gọi phối hợp hành động, để đối phó với những thách thức chung từ làn sóng người di cư đang trở nên mất kiểm soát.

    Thủ tướng Meloni nhấn mạnh vấn đề này đang đe dọa tương lai mà EU hướng tới, một tương lai phụ thuộc vào năng lực toàn khối ứng phó với những thách thức lớn. Trong khi đó, Chủ tịch EC cho rằng làn sóng di cư bất hợp pháp là thách thức của toàn châu Âu, nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối. Bà kêu gọi các thành viên khác của EU tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italy.

    Trước đó, bởi áp lực nặng nề do lượng người di cư từ châu Phi ngày càng tăng, Italy đã phải tìm kiếm sự can thiệp của Liên hợp quốc. Và vừa ngày 2/10, tân Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) - bà Amy Pope, cựu cố vấn Nhà Trắng - khẳng định: “Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là chuyện số người thiệt mạng ở Địa Trung Hải bị coi là vấn đề bình thường, khi có người cho rằng đây chỉ là cái giá phải trả cho việc di cư trái phép của họ. Nếu chúng ta thực sự muốn ngăn chặn dòng người vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền ọp ẹp để đối diện với nguy cơ mất mạng, chúng ta cần phải tiếp cận tình hình theo cách toàn diện hơn”.

    Song, cách toàn diện hơn ấy là cách nào?

    Những giải pháp tạm thời

    Giải pháp mà Italy, cũng như các nước “tuyến đầu” hướng đến, là một cơ chế chia sẻ trách nhiệm chung đối với việc tiếp nhận người tị nạn, áp dụng cho toàn thể các thành viên EU. Đây cũng là hướng đi mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thống nhất với Thủ tướng Italy Melani vào ngày 26/9, sau cuộc thảo luận trực tiếp về “sự cần thiết phải tìm ra giải pháp của Liên minh châu Âu cho vấn đề di cư”, cũng như các vấn đề kinh tế. Theo Điện Elysee, khả năng để hải quân các nước tham gia các sứ mệnh kéo dài trên Địa Trung Hải cũng rất đáng xem xét.

    oan minh di cu 1
    Những vòng thép gai lạnh lùng trong lòng EU.

    Tuy nhiên, vào ngày 29/9, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này sẽ giữ nguyên quyền phủ quyết đối với “hiệp ước di cư” ấy, nếu nó trở thành hiện thực. Điều này cũng dễ hiểu. Ba Lan, cũng như không ít quốc gia khác, cũng đang cực kỳ khó khăn trong việc lo cho đời sống công dân của mình, dưới áp lực đa chiều từ cuộc xung đột Ukraine.

    Một ngày sau, 30/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: Số lượng người tị nạn hướng tới Đức hiện tại là quá lớn. Hơn 70% tổng số người nhập cư đến Đức chưa được đăng ký trước đó, mặc dù hầu như họ đều đã đến một quốc gia khác trong EU trước khi đến Đức (lý do là bởi sự giàu có của nước Đức). Và ông nhấn mạnh: Điều này sẽ không thể tiếp tục kéo dài.

    Thủ tướng Scholz khẳng định: Đức ủng hộ việc bảo vệ biên giới bên ngoài của EU. Trong liên minh, Đức đang tiếp tục phối hợp với Áo để triển khai các biện pháp an ninh biên giới bổ sung. Đức cũng đã thống nhất với Thụy Sĩ và Czech về các biện pháp kiểm soát biên giới chung và tăng cường kiểm soát biên giới với Ba Lan. Ở một diễn biến khác, ngày 24/9, Thụy Sĩ từ chối tiếp nhận người di cư từ nước Ý.

    Từ bối cảnh khác biệt về cách tiếp cận này, chúng ta có thể hiểu vì sao vào ngày 28/9, Quy định về khủng hoảng người di cư mà EU đề xuất đã không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, khi có 4 quốc gia phản đối (Áo, Czech, Hungary và Ba Lan) - trong khi 3 quốc gia khác được coi là bỏ phiếu trắng - Đức, Hà Lan và Slovakia, bất kể tất cả đều thống nhất là chỉ có thể giải quyết vấn đề trên tinh thần đoàn kết.

    Mặc dù vậy, dường như những câu hỏi mang tính gốc rễ từ 10 năm trước vẫn cứ bị bỏ lửng: Đâu là nguyên nhân thực thụ thôi thúc những đoàn người di cư quyết tâm vượt đại dương?

    Nếu ở quê hương của họ không có xung đột hay chiến tranh, nếu tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng được cải thiện và đẩy lùi, nếu những cơ hội phát triển được kiến tạo trên những vùng đất cằn cỗi ấy nhờ sự hỗ trợ từ các nước phát triển…, thì họ có nhất thiết phải liều mình bỏ lại tất cả sau lưng như thế? Để dấn thân vào mịt mờ và trở thành gánh nặng cho châu Âu, giữa sự hoang tàn của “Mùa xuân Arab” ngày trước với những vùng lửa cháy ở Tây Phi hiện tại, hay là sự công phẫn của châu Phi nói chung về những tác động kinh hoàng của tiến trình biến đổi khí hậu (mà tất cả, đều ít nhiều có những tác động từ phương Tây)…

    Theo cand

  • Một cuộc điều tra của ITV News đã tiết lộ cách thức người Việt Nam đi đường phi pháp sang châu Âu, và lợi nhuận mà đường dây buôn người thu được từ khát khao đổi đời của họ. 

    Ở VN, buôn người là một ngành công nghiệp tinh vi và bùng nổ. Mỗi năm có hàng ngàn người vay mượn tiền để trả cho các đường dây để nhập cư phi pháp sang nước ngoài. Họ cho rằng thu nhập ở nước ngoài cao hơn rất nhiều, sẽ nhanh chóng trả hết nợ. 

    Tuy nhiên đây không phải là vấn đề của toàn bộ người dân Việt Nam, và nhu cầu vượt biên phi pháp chỉ tập trung ở các ngôi làng thuộc một tỉnh duy nhất: Nghệ An. 

    Dĩ nhiên ngoài Nghệ An, một số người dân ở Quảng Bình, Hải Phòng hay Hà Tĩnh cũng có tham vọng vượt biên, nhưng quy mô ở những nơi này hầu như không thể so sánh với sự chuyên nghiệp ở Nghệ An. 

    ITV phanh phui nguoi viet buon nguoi 1
    Phóng viên ITV News, anh Peter Smith, báo cáo từ Malta. Ảnh: ITV News

    Ngày nay những ngôi làng ở Nghệ An khá yên tĩnh, vì hầu hết người trẻ đều đã vượt biên và gửi tiền về nhà. Một gia đình có nhiều họ hàng di cư thành công theo cách này đã nói với ITV rằng: 70% người trong độ tuổi lao động đều đã vượt biên bất hợp pháp. 

    Bước đầu tiên là liên hệ với đường dây. Một số tổ chức làm ăn hợp pháp, có văn phòng ở thủ phủ của Nghệ An là thành phố Vinh. Công việc của họ là bán visa hợp pháp đến một quốc gia châu Âu. Malta, Hungary, Romani và Latvia là các quốc gia được quảng cáo nhiều nhất. 

    Chi phí cho tấm visa này từ £15,000 - 35,000, đây hoàn toàn là visa hợp pháp được làm từ các giấy tờ hợp pháp. Những người muốn đi có thể mượn tiền từ họ hàng, ngân hàng hoặc đường dây cho vay nặng lãi. 

    Các công ty này không trực tiếp buôn người, nhưng họ biết rằng những người mua visa là người có ý định di cư bất hợp pháp đến 1 quốc gia thứ 3, chẳng hạn Đức hoặc Anh. 

    Phần sau chính là phần của đường dây buôn người. Người dân Nghệ An không chi trả hàng chục ngàn bảng chỉ để đến Đông Âu làm việc, cái họ muốn là có được tấm vé định cư lâu dài ở Anh và Tây Âu.

    ITV phanh phui nguoi viet buon nguoi 1
    Malta là một trong các quốc gia được quảng cáo là cửa ngõ vào châu Âu. Ảnh: ITV News

    ITV nghe nói 1 nhân viên ở đại lý bán vé máy bay ABAY từng hứa họ có thể xin visa đi Hungary trong vòng 1 tuần, và với tấm visa này bạn có thể làm việc hợp pháp ở bất cứ đâu tại châu Âu. Thực tế những tấm visa làm việc này phải mất 5 năm mới có được. 

    ITV đã liên hệ với ABAY về vấn đề này, nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Khi đã đặt chân đến Hungary, những người di cư sẽ bị đẩy cho các băng nhóm khác để đưa họ đến quốc gia mục tiêu. Trong cuộc điều tra, phóng viên ITV đã nghe được giọng bọn buôn người, chúng nói tiếng Nga bằng phương ngữ Ukraine. Những kẻ này chở người di cư VN đi xuyên lục địa tới Pháp, sau đó họ sẽ được sắp xếp xuồng nhỏ để băng qua eo biển Anh. 

    Nhũng người di cư chấp nhận liều lĩnh, họ ôm theo hy vọng đổi đời. Điều này cũng dễ hiểu, rất nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang đã mọc lên ở Nghệ An. Yên Thành được gọi là "làng tỉ phú" nhờ tiền của Việt kiều gửi về. 

    Tiền vay mượn để đi nước ngoài được xem là một hình thức đầu tư hấp dẫn. Dù họ phải đánh đổi cả tính mạng, nhưng nó rất đáng đồng tiền. 

    Họ tin rằng nếu làm việc chăm chỉ ở những quốc gia giàu, họ sẽ làm giàu và giúp gia đình đổi đời. Thậm chí nếu chỉ được trả £4/giờ, thì vẫn còn tốt hơn nhiều nghề làm ruộng chỉ kiếm được £1/ngày. 

    Nếu họ sống khiêm tốn và mọi thứ đều tuân theo kế hoạch, họ sẽ trả hết nợ trong vài năm và có thể bắt đầu tích lũy cho gia đình. Đó là một kiểu hy sinh đời bố củng cố đời con và họ rất sẵn lòng. Tuy nhiên, họ lúc nào cũng có thể bị bóc lột. 

    Khi còn ở quê nhà yên ổn, họ nghĩ rằng họ có thể tin tưởng các đường dây người Việt. Nhưng khi đến châu Âu, họ nhanh chóng bị đẩy cho các băng đảng khác, đôi khi bị buôn bán giữa các băng đảng ở những quốc gia khác nhau trên đường đi. 

    Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, dễ dàng bị h.iếp d.âm và bị đẩy vào con đường mại d.âm để kiếm tiền cho bọn buôn người. Nam giới bị buộc làm việc trong trại cần sa. ITV đã nghe thấy bằng chứng về chuyện băng đảng ép gia đình nạn nhân tìm "người làm vườn" thay thế nếu nạn nhân muốn rời đi. 

    Ngoài ra, những người di cư bất hợp pháp dù làm việc trong tiệm nail, nhà hàng hay sòng bài thì họ cũng chỉ được trả lương thấp hơn nhiều so với mức lương cơ bản. Chưa kể họ còn phải làm thêm giờ.

    Họ cũng phải sống chen chúc với người khác trong những nơi ở ọp ẹp, tiền thuê bị trừ từ tiền lương. Có thể họ nghĩ rằng mình may mắn khi kiếm được nhiều tiền hơn so với thời ở VN, nhưng thật ra họ chỉ đang bị những kẻ khác lợi dụng sự tuyệt vọng của họ. 

    Việc chuyển tiền cũng giúp các băng đảng kiếm tiền. Vì không có giấy tờ nên những người di cư không thể dùng các phương pháp chính thống để gửi tiền về nhà. Họ không thể giải thích với ngân hàng tiền họ có được từ đâu. Vậy là lại một lần nữa họ phải dựa dẫm vào đường dây tội phạm để chuyển tiền về nhà, và dĩ nhiên họ bị cắt một khoản phí rất lớn.

    ITV phanh phui nguoi viet buon nguoi 1
    Những người di cư dễ dàng bị bóc lột. Ảnh: ITV News

    Hàng tuần có hàng ngàn người VN gửi tiền về nhà theo cách này, giúp các băng nhóm kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Tiền này một phần được dùng cho các hoạt động phi pháp. Những kẻ buôn người rất tàn nhẫn và có thể bày ra đủ cách để kiếm lợi từ những người đồng hương mà chúng chỉ coi như một món hàng. 

    Đó là cách mà các băng đẳng làm giàu. Món nợ mà người di cư vướng phải trở thành một nhà tù. ITV đã gặp gỡ một số người đã phải trả hàng chục ngàn bảng cho một đường dây. Đường dây từng nói rằng có thể làm cho họ visa du học sinh để đến Malta hợp pháp, so đó đi xuyên châu Âu đến bất cứ quốc gia nào mà họ muốn. 

    Điều này không đúng. Khi vừa đến Malta, hộ chiếu của họ bị cảnh sát tịch thu. Để thoát khỏi tình huống đó họ phải dùng hộ chiếu giả. Vậy là đường dây tính họ một khoản phí khổng lồ cho dịch vụ này. 

    Tuy nhiên, hàng chục người đã bị cảnh sát dò ra và giờ đang bị giam giữ chờ trục xuất. Những người ở lại thì luôn sống trong sợ hãi không biết phải làm gì. Trở về VN không phải là lựa chọn vì họ sẽ mang món nợ trở về. Nếu cố đi vào châu Âu để làm việc, họ có thể bị bắt và bị cấm trở lại châu Âu. 

    Lựa chọn nào cũng khó khăn, nhưng họ vẫn phải trả nợ, nếu không gia đình ở quê sẽ bị siết nhà. Món nợ đã trở thành xiềng xích ràng buộc họ với đường dây buôn người. 

    Thậm chí nếu vào được châu Âu, họ vẫn phải băng qua eo biển Anh vô cùng nguy hiểm trên những chiếc xuồng hơi ọp ẹp và đông đúc. Xuồng thường chìm trước khi đến được Anh. 

    Không ai ở VN muốn trải qua hành trình này. Nhưng nếu ở lại quê nhà thì họ lại sợ nghèo đói và con cái phải gánh nợ. Họ sẵn sàng bước lên chiếc xuồng nguy hiểm ấy để đổi đời. 

    ITV phanh phui nguoi viet buon nguoi 1
    Người di cư không bao giờ muốn phải quay trở về khi chưa vào được châu Âu. Ảnh: ITV News

    Viethome (theo ITV News)

  • Những hình ảnh chụp tại hiện trường cho thấy 2 trẻ người Việt bị nhét vào ghế sofa trong tư thế không thể tự thoát trong xe ở cảng Newhaven (hạt East Sussex).

    c1
    Tình trạng của trẻ vào thời điểm biên phòng Anh phát hiện. Ảnh: SWNS

    Hai bị cáo tên lần lượt là Junior Toussaint và Andrene Paul, đều ở gần Paris (Pháp), đã bị tuyên mức án cộng gộp là gần 10 năm tù ở tòa án Hove Crown (Anh) sau khi nhận tội trợ giúp nhập cảnh phi pháp vào Anh, theo trang Aol.com hôm 17.9.

    Toussaint và Paul đóng vai trò tài xế vận chuyển di dân nhập cư lậu và sử dụng đồ nội thất để cất giấu một phụ nữ và 3 trẻ em người Việt ở đằng sau một chiếc xe tải thuê.

    Hai người đã lái xe từ cảng Dieppe ở bờ bắc nước Pháp đến cảng Newhaven của Anh vào rạng sáng ngày 2 tháng 4 năm nay.

    Lực lượng biên phòng Anh bắt đầu hoài nghi trong quá trình lục soát xe tải và phát hiện chuyển động bên dưới các ghế sofa. Lúc đó các ghế sofa nằm bên dưới một tấm thảm và những đồ nội thất khác.

    c1
    Ghế sofa được thiết kế đặc biệt để buôn người. Ảnh: SWNS

    Các hình ảnh chụp lại hiện trường cho thấy 2 trẻ em người Việt bị nhét bên trong ghế và không có phương tiện thoát ra ngoài trừ phi có sự trợ giúp.

    Những người còn lại bị giấu bên trong những đồ nội thất khác, bao gồm tủ có ngăn kéo. Một di dân được tìm thấy trong tình trạng bị đè bên dưới một ghế đi văng.

    Bị cáo Toussaint, 25 tuổi, lãnh mức án 4 năm 6 tháng tù, còn bị cáo Paul, 28 tuổi, bị tù 5 năm 5 tháng.

    Gần 4 năm trước, vào ngày 23.10.2019, nhà chức trách Anh phát hiện 39 thi thể người Việt trong container đông lạnh ở thị trấn Grays (hạt Essex). Nguyên nhân tử vong là chết ngạt trong quá trình bị buôn lậu phi pháp vào Anh.

    Theo Thanh Niên