Bộ Nội vụ muốn chụp X-quang để xác định tuổi trẻ em xin tị nạn

Thứ Ba tuần này, Quốc hội Anh tiếp tục thảo luận Bộ luật Biên giới và Quốc tịch (Nationality and Borders Bill) do Bộ Nội vụ trình lên. Trong những đề xuất mới mà Bộ Nội vụ đệ trình, có một vài phương pháp mà bộ này muốn sử dụng để xác định độ tuổi trẻ em xin tị nạn. 

Cụ thể, Bộ Nội vụ muốn chụp X-quang răng của trẻ xin tị nạn cũng như kiểm tra (đo đạc) các bộ phận trên cơ thể. Đồng thời phân tích nước bọt, tế bào, các mẫu thử khác cùng với ADN. 

Tuy nhiên, liên minh các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em như Refugee and Migrant Children’s Consortium (RMCC), Coram, Children’s Society và Unicef UK tỏ ra khá lo lắng về đề xuất này. 

Họ cho rằng hành động này sẽ không giúp chính phủ bảo vệ trẻ em khỏi tệ nạn tội phạm. Việc đưa ra những phương pháp "không chính xác'' và ''có tính phá hoại" cũng như đòi hỏi ''các bằng chứng ngày càng chuyên sâu'' sẽ làm gia tăng nguy cơ trẻ bị sắp xếp nhầm vào nơi ở dành cho người trưởng thành.

chup x quang xac dinh do tuoi nguoi ti nan
Việc chụp x-quang răng để xác định độ tuổi được cho là không chính xác.

Đầu năm nay, nhiều trẻ em xin tị nạn đã bị xếp ở chung với người lớn trong trại cấm túc, và bị đe dọa trục xuất sau khi các em bị xác định nhầm là trên 18 tuổi. Nhiều tháng nay đã xuất hiện thêm nhiều báo cáo cho thấy trẻ em bị đánh giá nhầm là người lớn. 

Bộ luật Biên giới và Quốc tịch của Bộ Nội vụ cũng tước mất quyền của chính quyền địa phương và nhân viên chăm sóc xã hội, khiến họ không thể tiếp cận để chăm sóc trẻ em xin tị nạn. Ngược lại, Bộ Nội vụ lại được ban thêm quyền để buộc nhân viên chăm sóc xã hội phải tiến hành kiểm tra tuổi của trẻ. 

Việc áp dụng các phương pháp khoa học để xác định tuổi trẻ em từ lâu đã bị đánh giá là thiếu chính xác và phi đạo đức. Stewart MacLachlan, nhân viên chính sách và pháp lý cấp cao ở Trung tâm Pháp lý trẻ em Coram cho biết:

''Nhiều trẻ không có giấy tờ xác minh danh tính tuổi tác, có thể là chúng chưa từng được làm giấy khai sinh hay hộ chiếu. Có thể chúng đã đánh mất trên đường trốn chạy, hoặc là đã bị bọn người tịch thu giấy tờ. Nhiều trẻ bị buôn bán với giấy tờ giả''.

"Những trẻ bị coi là người lớn sẽ bị xếp ở chung hoặc cấm túc chung với người lớn, thậm chí bị đi tù. Điều này khiến sự an toàn của các em bị đe dọa nghiêm trọng''.

''Chúng tôi kêu gọi Bộ Nội vụ cân nhắc kỹ đề xuất này. Thật phi đạo đức khi phán quyết số phận của một đứa trẻ dựa vào những bài kiểm tra thiếu chính xác, không được khoa học thừa nhận''.

Patricia Durr, giám đốc điều hành tại Ecpat UK, một thành viên của RMCC, cho rằng: ''Việc bảo vệ trẻ em ở đất nước này còn rất nhiều bất cập. Chúng ta cần những phương pháp tiếp cận nhân đạo và an toàn hơn''.

''Những trẻ nhập cư bị buôn bán, vốn dĩ tuổi của các em đã không còn chính xác do giấy tờ đều bị bọn buôn người làm giả để vận chuyển các em như người trưởng thành. Nhờ đó các em không bị soi xét ở các bến cảng và biên giới''.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ phản bác rằng đề xuất của họ sẽ giúp chấm dứt tình trạng lạm dụng quyền trẻ em để trục lợi, nhờ đó mà có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Viethome (theo Independent)