• chuyen bay ti nạn
    Chuyến bay bị hủy: Chiếc phi cơ này đã bị chặn, không thể cất cánh đưa người xin tị nạn tới Rwanda hồi tháng 6/2022. Ảnh: AP

    Tòa án Tối cao Vương quốc Anh sẽ cân nhắc kế hoạch gây tranh cãi của chính phủ, theo đó muốn đưa một số người xin tị nạn đến Rwanda.

    Kết quả cuối cùng còn lâu mới ngã ngũ. Nhìn chung, vấn đề rất phức tạp. Hãy nhìn lại một chút những gì đã diễn ra.

    Anh quốc là thành viên Công ước Người tị nạn - là luật quốc tế theo đó quy định Anh sẽ xem xét các trường hợp đến nước này xin tị nạn. Để xin được tị nạn ở Anh là chuyện rất khó, cho nên ngày càng nhiều người tìm cách dựa vào những kẻ buôn người để vào Anh.

    Tháng Tư năm ngoái, chính phủ ký với Rwanda để quốc gia châu Phi này đồng ý nhận một số người xin tị nạn từ Anh gửi tới. Cho đến nay, Rwanda đã được trả 140 triệu bảng cho thỏa thuận này – và vẫn chưa rõ họ sẽ tiếp nhận bao nhiêu người.

    Năm 2022, Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó là bà Priti Patel đã hạ lệnh đưa 47 người vượt biển từ Pháp vào Anh lên chuyến bay đầu tiên đi Rwanda. Con số đó cuối cùng giảm xuống chỉ còn lại bảy vào ngày khởi hành, theo kế hoạch là ngày 14/6.

    Tuy nhiên, chuyến bay đã bị hủy bỏ phút chót do lệnh dừng từ Tòa Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg. Tòa nói các thẩm phán Anh cần phải có thời gian để đánh giá đầy đủ chính sách này.

    Nhóm người xin tị nạn lẽ ra đã sang Rwanda là ai?

    Mỗi người trong nhóm lẽ ra đã lên chuyến bay tháng Sáu năm ngoái đều có những hoàn cảnh rất khác nhau.

    Ba người Syria bỏ chạy khỏi nước để tránh bị bắt vào lực lượng vũ trang ở quốc gia đang xảy ra nội chiến hỗn loạn.

    Một người Iran nói ông ta đã bị cảnh sát bắn vì tham gia chiến dịch chính trị chống chế độ.

    Một người Iraq lo sợ bị giết sau khi phát hiện ra vợ mình lên giường với vệ sĩ của một lãnh đạo cơ quan tình báo đầy quyền lực.

    Một người Việt, được nêu tên viết tắt là HTN, chạy sang châu Âu sau khi lâm vào cảnh nợ nần dẫn đến bị dọa giết, theo lời khai của ông ta. Ban đầu ông ta tới Ukraine, bị cuốn vòng xoáy chiến tranh nên đã tìm đường sang Anh.

    Một người Iran khác nói với giới chức Anh rằng ông ta đã được trao quy chế bảo hộ tị nạn ở Hy Lạp hai năm trước đó nhưng ông và con trai đã rời Hy Lạp, nộp đơn lại ở Đức và sau đó mới đến Anh.

    Tòa Tối cao đã ra phán quyết rằng không ai trong số những người đàn ông này có cơ hội trình bày vụ việc của mình trước khi họ được đưa vào danh sách đi Rwanda.

    Vì vậy, mặc dù tòa đã quyết định vào tháng 12 năm ngoái rằng kế hoạch đưa người tị nạn đi Rwanda là hợp pháp, nhưng đến thời điểm đó, Bộ trưởng Nội vụ đã không đưa ai đi được.

    Vụ việc sau đó được chuyển lên Tòa Phúc thẩm - mọi việc trở nên phức tạp hơn đối với chính phủ Anh.

    Vào cuối tháng 6, một phán quyết với hai phiếu thuận một phiếu chống của ba thẩm phán nói rằng hệ thống tị nạn của Rwanda có quá nhiều vấn đề, khiến những người xin tị nạn được gửi đến đó có thể bị buộc phải quay trở lại đất nước mà họ đã bỏ trốn ban đầu.

    Mà nếu vậy thì Anh sẽ vi phạm lệnh cấm quốc tế về việc đẩy người vào nguy cơ bị tra tấn - một phần của Công ước Châu Âu về Nhân quyền.

    Vị thẩm phán duy nhất không đồng ý - Chánh án lúc bấy giờ - nói rằng đó là thứ rủi ro không thực tế.

    Bây giờ tình hình thế nào?

    Nay, Tòa Tối cao sẽ xem xét ai đúng trong việc thẩm định, đánh giá pháp lý đối với hệ thống tị nạn Rwanda và nguy cơ bị tra tấn.

    Nếu Tòa Tối cao đồng ý với Tòa phúc thẩm, thì kế hoạch Rwanda như hiện nay sẽ chết. Phán quyết đó sẽ có tác động tới bất kỳ thỏa thuận thay thế nào sau này nhằm đưa người đến các quốc gia khác nhau.

    Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ thắng?

    Về lý thuyết, các bộ trưởng chỉ cần thông báo trước 12 ngày để đưa một chuyến bay tới Rwanda. Trong thực tế có thể mất nhiều thời gian hơn - lâu hơn rất nhiều.

    Các cá nhân trên - hoặc những người khác sau này được trao vé bay đi Rwanda - có thể đâm đơn ra Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR) để trình bày về vụ việc cụ thể của mình.

    Thế nhưng liệu Tòa Nhân quyền Châu Âu có sẵn sàng can thiệp lần nữa không?

    Tòa án ở Strasbourg đã can thiệp rất cụ thể vào năm ngoái vì có khiếu nại rằng các thẩm phán Anh không có đủ thời gian thích hợp để xem xét kế hoạch này.

    Để đưa vụ việc ra tòa, đương đơn nay sẽ phải chứng minh được rằng các thẩm phán Anh đã không xem xét tất cả các vấn đề nhân quyền tuy đã có thời gian 16 tháng tranh luận tại tòa.

    Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tòa Strasbourg lại cố gắng chặn chuyến bay lần nữa?

    Bộ trưởng Nội vụ Anh có thể sẽ có một quân bài khác.

    Bà ấy có một quyền lực mới chưa được kiểm chứng, đó là dựa vào Đạo luật Di cư Bất hợp pháp mới được thông qua gần đây để phớt lờ lệnh cản tạm thời từ ECtHR.

    Thế nhưng việc nỗ lực sử dụng quyền đó có thể sẽ lại dẫn đến những thách thức mới cho chính phủ Anh.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Một bảng phân tích các số liệu mới nhất của chính phủ cho thấy, 3/4 những người đến Anh bằng xuồng nhỏ trong năm nay sẽ được xem là người tị nạn sau khi hồ sơ của họ được duyệt.

    Khảo sát do Hội đồng Tị nạn (Refugee Council) tiến hành. Kết quả cho thấy, một khi Bộ luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp (Illegal Migration Act) đi vào thực thi toàn diện, cũng chỉ 3.5% số người đến Anh bất hợp pháp bị trả lại quê nhà mỗi năm. Trong khi hàng chục ngàn người khác sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, họ sẽ bị bỏ lay lắt bên lề xã hội. 

    Bộ luật này đã có hiệu lực từ ngày 20/7/2023, nhưng lại không có khung thời gian bắt buộc phải hoàn thành các yêu cầu chính của luật. Chẳng hạn, không có quy định rõ ràng về thời điểm trục xuất người nhập cư bất hợp pháp khỏi UK và cấm họ xin tị nạn.

    3 phan tu xuong nho

    Mặc dù các bộ trưởng cho rằng phần lớn những người nhập cư bất hợp pháp đều là di cư vì kinh tế và không cần sự bảo vệ từ Chính phủ Anh, nhưng báo cáo cho thấy hầu hết họ đều được cấp tị nạn.

    74% những người đến Anh bằng xuồng nhỏ (tương đương 14.618 người) sẽ được cấp tị nạn sau khi hồ sơ của họ được xử lý. Trong đó, 100% người Eritrea (châu Phi) sẽ được cấp tị nạn, kế tiếp là người Syria với 99%, kế nữa là người Afghanistan với 97%. 

    Tổng cộng, hơn phân nửa những người di cư bất hợp pháp đều đến từ các quốc gia với tỉ lệ đậu tị nạn khá cao. 

    Năm nay, tổng số người di cư bằng xuồng nhỏ đến Anh đã giảm 20%, phần lớn là giảm người Albani. Từ khi chính phủ Anh ký thỏa thuận cam kết trục xuất người di cư trở về Albani, thì người dân nước này cũng giảm nhu cầu đến Anh. Số lượng người Albani đến Anh đã giảm từ 35% trong năm ngoái xuống chỉ còn 3% trong năm nay. 

    Tuy nhiên, số lượng người Ấn Độ đến Anh lại tăng gấp 5 lần trong năm 2023, còn người Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã tăng gấp 3 lần.

    Hội đồng Tị nạn cho rằng sau khi Bộ luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp đi vào thực thi toàn diện, chi phí sẽ bị đội lên rất lớn. Theo luật này, nếu một người nộp đơn xin tị nạn, họ chỉ bị trục xuất về quê hương nếu đó là 1 trong 27 nước thành viên EU, hoặc Iceland, Na Uy, Thụy Sỹ, Liechtenstein và Albani. Còn những người thuộc quốc tịch khác, thì sẽ bị đưa đến quốc gia thứ 3 an toàn.

    Chỉ 660 người trong tổng số 19.441 người vượt eo biển trong năm nay bị đưa về quê hương. Tất cả họ đều là người Albani. 

    Hội đồng Tị nạn ước tính, nếu như quốc tịch của những người đến Anh vẫn duy trì như vậy, thì chỉ có 3.5% số này bị trục xuất về cố quốc mỗi năm. 

    Hàng chục ngàn người còn lại sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì thỏa thuận với các nước thứ 3 (chẳng hạn Rwanda) vẫn còn vướng thủ tục pháp lý. Những người này sẽ phải sống chui rúc trong cộng đồng, dễ bị bóc lột và lạm dụng, làm gia tăng chi phí xử lý các vấn đề liên quan đến họ.

    Viethome (theo ITV News)

  • Một cuộc điều tra của Daily Express đã phát hiện ra cách người tị nạn tại Pháp cắt giảm chi phí cho bọn buôn người bằng cách tự thả xuồng ra khơi.

    tu mua xuong den anh 1
    Một nhóm người nhập cư ở Calais chuẩn bị đẩy thuyền ra khơi. Ảnh: Steve Finn

    Mustafa đang ngồi bên vệ đường bụi bặm ở ngoại ô Calais. Từ Sudan, anh đã vượt qua hành trình 3,000 dặm để đến Pháp. Anh hy vọng có thể đến Anh bằng xuồng nhỏ. Nhưng vấn đề của anh là chi phí. "Tôi không có €500 hay €1,500 để trả cho bọn buôn người. Tôi không có đồng nào cả", anh nói với phóng viên tờ Daily Express.

    Dù con số này đã thấp hơn 6 lần so với mức giá mà bọn buôn người lan truyền trên mạng, nhưng đối với người đàn ông vẫn phải trông chờ vào bữa ăn miễn phí từ nhà thờ địa phương hoặc các tổ chức từ thiện, thì €500 hay €1,500 đều là viễn vông.

    tu mua xuong den anh 1
    Cảnh sát Pháp đâm thủng 2 chiếc xuồng từng dùng đưa người di cư vượt biên. Ảnh: Steve Finn

    Một giải pháp là cố gắng trà trộn vào một nhóm người nhập cư đã trả tiền rồi. Nhóm này sẽ được 1 tên buôn người đưa xuống thuyền.

    Nhưng khi quan sát tận mắt, phóng viên nhận ra đây là một chiến thuật vô cùng nguy hiểm. Một người đi chui đã bị bọn buôn người đánh đập tàn nhẫn và đẩy xuống biển.

    tu mua xuong den anh 1
    Cảnh sát Pháp đâm thủng một chiếc xuồng và vứt trên bãi biển. Ảnh: Steve Finn

    Mustafa hiện đang tá túc trong trại của người nhập cư Sudan ở Calais để rình mò cơ hội lên xuồng. Đây là một trong nhiều trại nhỏ mọc lên sau khi trại "Calais Jungle" bị phá dở. Ở đây có hơn 100 trại, được chia theo sắc tộc để tránh xung đột.

    Nằm dưới một hàng cây giữa 2 con đường cao tốc, trại của người Sudan là thiếu thốn nhất. Nhiều người đã ở đây cả năm. Không giống những người khác có tiền để trả tiền cho bọn buôn người, những người Sudan này phải tự nghĩ ra phương pháp để vượt biển mà không cần đến tiền.

    "Mọi người góp tiền mua 1 chiếc xuồng", Ameir, một người Sudan gần 60 tuổi cho biết. Có nhiều loại xuồng, loại 6m, 8m và 14m. Loại lớn nhất có thể chở được 70-80 người.

    Chi phí mà Ameir nhắc đến là từ €70-80, vẫn khá đắt với người chẳng có 1 xu, nhưng rẻ hơn nhiều so với giá của bọn buôn người.

    Phóng viên cố gắng hình dung xem họ tìm đâu ra những chiếc xuồng này, nhưng câu trả lời không rõ ràng. "Bạn không thể mua xuồng trong cửa hàng", Ameir nói.

    Ameir không trả lời anh mua xuồng từ đâu, mua online hay từ các kênh khác. Nhưng dù là mua từ đâu, thì ai bán xuồng cho anh cũng đang chơi một canh bạc nguy hiểm, bởi vì họ đang cấu xé lợi nhuận của bọn buôn người. Đối với 1 chiếc xuồng chở 80 người, bọn buôn người có thể kiếm được hàng chục ngàn euro. Do đó việc người nhập cư tự mua xuồng có thể gây ra bạo lực nghiêm trọng.

    Nhưng đây vẫn chưa phải là kế sách duy nhất của những người nhập cư. Một cảnh sát Pháp cho biết anh từng phát hiện một nhóm người nhập cư đã dùng "máy cưa" để cắt một cái lỗ xuyên qua hàng rào của một bãi giữ xe tải tại Calais. Đây là bãi giữ xe do Chính phủ Anh trả tiền.

    Ban đầu không biết ai đã cho họ chiếc máy cưa đó, nhưng rõ ràng là một người trong nhóm đã bỏ tiền ra mua.

    Chiếc xuồng 8m mà Ameir và các bạn của anh đang tìm kiếm có thể chứa 20-25 người. Do đó sẽ rất nguy hiểm nếu nhồi nhét số người gấp 4 lần như vậy. Ameir cho biết anh thường kiểm tra dự báo thời tiết để xem khi nào thì thích hợp ra khơi.

    tu mua xuong den anh 1
    Người nhập cư cập bến bờ biển Kent. Ảnh: Getty

    Tất cả những người Sudan ở đây nói rằng họ rời bỏ quê hương vì nội chiến đã diễn ra suốt nửa thế kỉ qua. Lý do họ muốn đến Anh là vì trong thời kì đô hộ từ năm 1899-1956, Đế quốc Anh đã hình thành một mối liên kết văn hóa giữa 2 quốc gia.

    "Vì từ xưa Anh đã đánh chiếm Sudan, từ đó đã hình thành mối liên hệ lịch sử lâu dài giữa 2 đất nước. Nhiều người Sudan đã đến học tập ở Anh. Tại mọi ngôi làng ở Sudan, người ta đều kể về England. Mọi người đều muốn đến Anh vì Anh cũng đã từng lấy đi rất nhiều lợi ích từ chúng tôi".

    "Chúng tôi yêu mến Quốc vương và Hoàng gia Anh vì họ nhìn thấy giá trị của Sudan, họ đã từng nắm quyền ở Sudan", anh nói.

    Viethome (theo Express.co.uk)

  • ki tuc xa dai hoc huddersfield
    Khu kí túc xá HD1 được mô tả là một "dãy nhà xa xỉ". Ảnh: Google Maps

    168 sinh viên đại học đã được yêu cầu tìm chỗ ở mới sau khi một dãy kí túc xá bị Bộ Nội Vụ thuê để làm chỗ ở cho người xin tị nạn. 

    Dãy căn hộ studio HD1 ở Huddersfield vốn sẽ trở thành nơi cư trú của 168 sinh viên trong niên học mới, theo Công ty quản lý Nhà ở Sinh viên Prestige Student Living. 

    Tuy nhiên, Bộ Nội Vụ đã quyết định dùng dãy nhà 405 giường ngủ này để chứa những người xin tị nạn. Dãy nhà này chỉ cách trường đại học một quãng đi bộ ngắn. 

    Người phát ngôn của Prestige Student Living cho biết: "Hudd Student Management, chủ sở hữu của dãy nhà HD1, đã thông báo rằng tòa nhà sẽ không mở cửa cho sinh viên vào tháng 9 này. Quyết định này vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Chúng tôi đã ngay lập tức thông báo với sinh viên và giúp các em tìm chỗ ở khác tại Huddersfield, cũng như hoàn trả số tiền mà các em đã đóng. Chúng tôi vô cùng thông cảm với những sinh viên bị ảnh hưởng và sẽ cố hết sức hỗ trợ". 

    Hiện chủ sở hữu tòa nhà HD1 vẫn chưa phản hồi phóng viên ITV News. 

    Chính phủ đã phải thuê khách sạn và các tòa nhà khác để làm chỗ ở khẩn cấp cho người xin tị nạn giữa lúc số hồ sơ xin tị nạn tồn đọng tăng cao kỉ lục. 

    Người phát ngôn Bộ Nội Vụ cho biết: "Chúng tôi luôn cố gắng đi trước để sẵn sàng cho những áp lực khủng khiếp đè nặng lên hệ thống tị nạn, do số lượng người di cư bất hợp pháp đến UK không ngừng tăng. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để tìm kiếm thêm những chỗ ở mới".

    Bộ trưởng nhập cư bên phía Đảng Lao Động, ông Stephen Kinnock, cho rằng giờ đây đến lượt sinh viên phải "trả giá cho sự phụ thuộc của chính phủ vào loại hình nhà ở khẩn cấp".

    "Số lượng hồ sơ xin tị nạn đã tăng bùng nổ từ 19,000 vào năm 2010 lên đến 175,000 hồ sơ ở thì hiện tại. Chi phí nhà ở hàng năm đã tăng gấp 8 lần lên tới 4 tỉ bảng", ông nói.

    Chính phủ sắp tốn đến 5 tỉ bảng mỗi năm để sắp xếp chỗ ở cho người xin tị nạn

    Chi phí cung cấp chỗ ở cho người xin tị nạn sẽ tăng lên hơn 5 tỉ bảng/năm tính đến cuối nhiệm kì chính phủ tới, giữa lúc chính sách chống nhập cư mới của chính phủ sẽ làm tăng thêm hàng ngàn trường hợp người xin tị nạn phải chờ đợi vô thời hạn. 

    Bên cạnh áp lực phải chặn cơn lũ xuồng nhỏ tràn vào UK, chính quyền Rishi Sunak còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lan rộng do Bộ Luật chống Nhập cư Bất hợp pháp (Illegal Migration Act) gây ra. 

    Các Chuyên gia nghiên cứu Chính sách công (IPPR) cho rằng số lượng người chưa bị buộc rời khỏi UK sẽ tăng lên, nhưng không có gì bảo đảm họ sẽ đậu tị nạn và được quyền làm việc. 

    Báo cáo được công bố chỉ vài giờ sau khi ông Sunak nói rằng ông không thể ngăn chặn hết xuồng nhỏ trước kì bầu cử sắp tới, mặc dù số lượng xuồng nhỏ vượt eo biển đã giảm so với năm ngoái. 

    5 ti nguoi ti nan
    Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố ông không thể chặn hết xuồng hơi trước kì bầu cử sắp tới. Ảnh: Dan Kitwood/Getty Images

    Ông Sunak cho rằng "Thật bất công khi những người đóng thuế ở UK phải chịu cảnh bị móc túi hàng tỉ bảng để cung cấp chỗ ở cho những người nhập cư bất hợp pháp".

    Trong một báo cáo, IPPR nói rằng số người đến UK bằng xuồng đã tăng chóng mặt trong 5 năm qua, lên tới hàng trăm ngàn người. Hiện số hồ sơ tị nạn tồn đọng lên tới 130,000 hồ sơ. Chi phí trợ cấp cho người tị nạn lên tới 3.5 tỉ bảng/năm và sẽ còn tăng cao hơn.

    Theo Bộ luật Chống nhập cư Bất hợp pháp, người nhập cư tới UK bằng hình thức bất hợp pháp sẽ không qua được ải xét duyệt, nhưng luật quốc tế không cho phép trục xuất họ về quê hương, do đó họ sẽ bị trục xuất tới Rwanda hoặc một nước thứ ba. Tuy nhiên các thẩm phán lại cho rằng chính sách này là trái luật. "Đi không xong, ở cũng không được", đó là tình hình chung của người nhập cư bất hợp pháp.

    Dù chính phủ có dự tính trục xuất được 500 người mỗi tháng đến các lãnh thổ hải ngoại, thì chi phí chỗ ở hàng tháng cho người tị nạn cũng vẫn hơn 5 tỉ bảng mỗi năm trong 5 năm tới. Con số này có thể tăng lên hơn 6 tỉ bảng mỗi năm nếu số người bị trục xuất chỉ dưới 50 người/tháng.

    Thực tế có rất ít người bị trục xuất đến quốc gia thứ 3, dù chính sách Rwanda có được công nhận hợp pháp. 

    Marley Morris thuộc IPPR cho biết: "Thậm chí khi Luật chống Nhập cư Bất hợp pháp được thực thi đầy đủ, thì số người đến bằng xuồng nhỏ vẫn áp đảo số người bị trục xuất. Nghĩa là sẽ ngày càng nhiều người bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, gia tăng áp lực khổng lồ lên bộ máy nhà ở và trợ cấp của Bộ Nội Vụ. Hơn nữa, hàng ngàn người có nguy cơ mất tích khỏi nơi ở, bị bóc lột và áp bức".

    Viethome (theo ITV News)

  • toa an scotland
    Tòa án Scotland

    Vào tháng 7/2022, BBC đăng tin một người Việt Nam đã thắng kiện tại tòa Phúc thẩm Scotland nhờ 'bằng chứng đi biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Anh'.

    Nguyên đơn, chỉ có tên viết tắt là HHP, là một "nạn nhân của tệ nạn buôn người" và xin tị nạn vào tháng 9/2018.

    Bằng chứng người này nêu ra với tòa cấp sơ thẩm ở Scotland, là "anh ta đi biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở London vào tháng 4/2017, sau khi tham gia hoạt động tương tự trước một nhà thờ ở Edinburgh vào tháng 3 năm đó".

    Nhưng tòa cấp sơ thẩm (ở Scotland gọi là First-tier Tribunal) đã cho rằng chính quyền Việt Nam "không biết (unaware) về hoạt động chính trị của nguyên đơn ở Anh Quốc", và vì thế, đồng ý với quyết định của Bộ Nội vụ bác đơn xin tị nạn của anh ta.

    Nay, sau nhiều tháng tiếp tục kiện, vụ việc được đưa lên Tòa Phúc thẩm Scotland (The Outer House of the Court of Session), và phán quyết của Thẩm phán Lord Ericht đã lật ngược lại bản án trước.

    Bài của nhà báo Mitchell Skilling đăng trên một chuyên trang pháp lý ở Scotland (18/07/2022), mô tả kỹ sự việc liên quan đến công dân Việt Nam xin tị nạn chính trị ở Vương quốc Anh.

    Từ tiệm nail đến tòa, rồi khai ra cuộc biểu tình

    Bài báo cũng nói HHP bị bắt sau khi cảnh sát Anh khám xét một tiệm làm móng tay (nail bar) ngày 18/10/2016 và có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam.

    Tháng 9/2018, Bộ Nội vụ Anh cho rằng người này là "nạn nhân của hoạt động buôn người vào Anh", nhưng đương sự nói anh ta "sẽ gặp rủi ro nếu bị đưa về Việt Nam, vì các hoạt động chính trị mà anh ta từng tham gia tại Anh".

    Tranh cãi về pháp lý nổ ra quanh việc đương sự cung cấp hình chụp bản thân tham gia biểu tình có nội dung chính trị trước ĐSQ Việt Nam ở Victoria Road, London năm 2017.

    Theo Bộ Nội vụ và tòa sơ thẩm thì hình ảnh anh ta cung cấp là "không rõ" nên không thể nói sẽ bị nhà chức trách Việt Nam trừng phạt khi về nước.

    Nay, theo Lord Ericht, ông không có ý kiến gì về việc hình ảnh trên mạng (online-image) của người này "biểu tình trước ĐSQ Việt Nam", nhưng cho rằng tòa sơ thẩm bác bỏ đơn của đương sự là không đúng.

    "Tòa án First-tier Tribunal đã không giải thích vì sao việc đi biểu tình trước ĐSQ VN lại không phải là bằng chứng đáng tin cậy rằng Chính quyền Việt Nam biết về sự hiện diện của anh ta tại đó."

    Chỉ riêng việc tòa cấp dưới chấp nhận rằng HHP "đã có tham gia biểu tình" là đủ để đơn của đương sự phải được xem xét đầy đủ, theo Lord Ericht.

    Tuy nhiên, theo một số phiên dịch tiếng Việt thường dịch ở tòa án cho các vụ xin tị nạn nói với BBC News Tiếng Việt, thì có thể xảy ra việc một số công dân Việt Nam biểu tình ở Anh chỉ để "làm hồ sơ tị nạn".

    Không ai biết rõ việc biểu tình vì động cơ tạo bằng chứng tị nạn, và biểu tình vì tình cảm thực, phản đối chính quyền Việt Nam, giống và khác nhau đến đâu.

    Cùng lúc, một số trang mạng của người Việt ở hải ngoại thường xuyên đăng tải các hoạt động này và nói đây là các cuộc biểu tình vì nhân quyền.

    Điều những người chỉ trích nêu ra là dù có hàng trăm người biểu tình mỗi lần, nhưng sau khi nhận được quyền tị nạn tại Anh thì họ không hoạt động gì nữa, hoặc hoạt động ở đâu không ai biết.

    Báo chí Anh Quốc những năm qua chưa hề ghi nhận hàng trăm, hàng nghìn "nhà hoạt động dân chủ nhân quyền người Việt" nhóm họp đều đặn ở quốc gia này.

    Tại Anh cũng có các cuộc biểu tình của chủ tiệm nail, phản đối điều mà họ cho là "quy chụp" rằng hoạt động của họ có liên quan đến nạn buôn người và "nô lệ hiện đại".

    Theo BBC Vietnamese

  • Từ chỗ tôi ở đến siêu thị rất xa. Tôi có thể đón xe buýt, nhưng sẽ mất 5 bảng cả đi lẫn về. Tôi không có tiền để đón xe buýt giữa lúc giá cả leo thang. 

    Tôi phải tính toán chi li từng đồng vì tôi là một người xin tị nạn ở Vương quốc Anh. Trong lúc chờ đợi hồ sơ xin tị nạn của tôi được xét duyệt, tôi không được phép làm việc. 

    nguoi xin ti nan chi phi song

    Nghĩa là tôi phải sống nhờ vào £40.85 trợ cấp mỗi tuần. Số tiền này dùng để chi trả tiền mua thực phẩm, tiền đi lại, mua đồ vệ sinh cá nhân, quần áo, cước điện thoại để gọi về cho gia đình, mua dữ liệu di động để tham gia các khóa học online nhằm cải thiện tiếng Anh và kĩ năng IT.

    Vì thế tôi phải cố gắng khiêng túi mua sắm và đi bộ về nhà. Đây là thực tại phũ phàng đối với những người xin tị nạn giống tôi. 

    Tôi từ Ấn Độ đến Anh vào năm 2016. Khi lần đầu đặt chân đến Yorkshire, đó là quãng thời gian chật vật với tôi và sức khỏe tinh thần của tôi không được tốt. 

    Tôi cảm thấy bên ngoài thật thiếu an toàn, khác xa so với quê hương tôi. Vì vậy tôi tự cô lập mình và không bước ra ngoài. Trong suốt 2 năm đầu tiên, tôi chỉ tham dự các cuộc họp hàng tuần với Bộ Nội Vụ và đi tới thư viện. Đó là toàn bộ cuộc đời tôi. 

    Cuối cùng, bác sĩ giới thiệu tôi gia nhập nhóm hỗ trợ người tị nạn địa phương City of Sanctuary. Tôi dần dần kết bạn, mọi thứ từ từ thay đổi. 

    Tôi bắt đầu khám phá thành phố và bắt đầu tham gia khóa học English GCSE, tôi cảm thấy cuộc đời mình như được tái sinh.

    Giờ tôi cảm thấy an toàn ở UK, nhưng tôi có thật sự đang sống?

    Kế hoạch của tôi là học môn khoa học máy tính vì làm việc với máy tính là một giấc mơ với tôi. Nhưng vào năm 2019, Bộ Nội Vụ thay đổi luật và tôi không được học nữa. Điều này khiến tôi vô cùng thất vọng. Cánh cửa vừa mở đã lại đóng sầm.

    Nhưng tôi không từ bỏ. Thay vì học hành, tôi bắt đầu viết và sáng tạo, bao gồm vẽ tranh và diễn xuất. Tôi cũng khám phá ra tình yêu của mình dành cho ca hát và tham gia vào 3 dàn đồng ca.

    Bận rộn giúp tôi tránh được những tư tưởng tiêu cực. Sáng tạo giúp tôi thấy tự do. Nhưng năm nay, sự gia tăng chi phí sống đã ảnh hưởng nặng nề đến tôi. 

    Với trợ cấp £40.85/tuần, tôi dành ra £10 để đi lại (đi đến phòng khám, văn phòng Bộ Nội Vụ và dàn đồng ca). Tôi dùng £5 để nạp điện thoại và £5 để mua xà phòng, giấy/băng vệ sinh hoặc vật dụng khẩn cấp. Như vậy tôi chỉ còn £20 để mua thức ăn, tương đương £2.85/ngày. 

    Với ngân sách eo hẹp như vậy, tôi phải chắt bóp chi tiêu. Mọi thứ đều vô cùng đắt đỏ. Tôi tự hỏi mình có thể tiết kiệm hơn được nữa không?

    Sữa và dầu đã tăng giá gấp đôi. Những món ăn mang hương vị quê nhà cũng đã tăng giá, đậu bắp là £8/kg. Tất cả các loại rau củ quả đều tăng giá, tôi đã ngừng mua hoa quả.

    Tôi thường mua những túi lớn đậu lăng và bột mì, nhưng giờ tôi phải cắt giảm mọi thứ. Thường tôi chỉ ăn khoai tây và đậu lăng, thỉnh thoảng có tiền tôi sẽ mua trứng. Tôi chế biến món cà ri trứng và khoai tây, giúp tôi duy trì trong nửa tuần. 

    Tôi thấy màu sắc và sự đa dạng đã biến mất khỏi đĩa ăn của tôi. Ngày càng ít rau, ít trái cây, không bao giờ có thịt hay cá. 

    Tôi hy vọng Chính phủ đừng bỏ rơi những người xin tị nạn như tôi. Tôi chưa đến nỗi chết đói, nhưng tôi thực sự lo lắng. Chỉ những thứ lặt vặt đã tiêu hết tiền của tôi. Nếu tôi cần mua đồ lót và quần áo ấm, thì tôi lấy đâu ra tiền?

    Làm sao tôi giữ mình bận rộn nếu không thể bắt xe buýt đến các hội nhóm? Làm sao tôi có thể đi lại trong thành phố khi thiếu áo ấm? Tôi sợ sự tự do nhỏ nhoi của mình sẽ bị tước đoạt. 

    Tôi không biết tương lai mình là gì, tôi không biết mình sẽ làm gì. Tôi không được làm việc. Tương lai của tôi hoàn toàn trống rỗng. 

    Đôi khi tôi nghĩ cuộc đời mình sẽ ra sao nếu được phép làm việc, có lẽ tôi sẽ khởi nghiệp nấu ăn, nấu những món Ấn Độ mà tôi yêu thích. Hương vị quê nhà là những thứ tôi mơ tới khi cố dỗ mình ngủ. 

    Tôi biết giá cả đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng tôi không muốn Chính phủ quên mất những người xin tị nạn như tôi. Tôi không biết hồ sơ của mình sẽ được quyết định như thế nào, Bộ Nội vụ không cho biết chúng tôi phải chờ bao lâu. 

    Sống sót với £40.85/tuần không phải là cuộc sống. Hãy để tôi làm việc, học tập và cho tôi được sống đàng hoàng. 

    Viethome (theo Metro)

  • nguoi xin ti nan bi bo roi 1
    Hàng trăm người xin tị nạn đã bị đưa ra khỏi trại giam giữ Manston giữa những lo ngại về điều kiện sống tại đây. Ảnh: Dan Kitwood/Getty

    Những người xin tị nạn đến từ trại tị nạn Manston ở Kent đã bị bỏ rơi tại ga tàu London Victoria mà không biết phải đi đâu về đâu. Một tình nguyện viên của một tổ chức từ thiện đã tình cờ phát hiện ra họ.

    Một nhóm 11 người đàn ông đã được xe đưa từ Trại nhập cư Manston ở Kent đến London. Trông họ vô cùng căng thẳng và mất phương hướng. Bộ Nội Vụ sau đó thừa nhận đã "mắc sai sót lớn" khi bỏ rơi nhóm người này tại nhà ga.

    Anh Daniel Abbas từ Tổ chức giúp đỡ người vô gia cư Under One Sky cho biết: "Những người xin tị nạn này liên tục xin giúp đỡ từ người qua đường. Chúng tôi mừng vì đã tình cờ nhìn thấy họ để có thể làm gì đó giúp họ".

    Sau khi bị anh Abbas chất vấn, Bộ Nội Vụ thừa nhận trách nhiệm vì đã bỏ rơi những người đàn ông bên vệ đường. Anh Abbas nói: "Tối hôm đó tôi đã liên lạc được với một cán bộ tốt bụng ở Bộ Nội Vụ. Anh này ngay lập tức nhận sai sót và nhanh chóng giải quyết vấn đề". 

    nguoi xin ti nan bi bo roi 1
    3 trong số 11 người đàn ông bị bỏ rơi tại ga London Victoria. Ảnh: Dan Kitwood/Getty Images

    Theo lời của thông dịch viên, những người đàn ông này đã bắt tàu từ Victoria đến Dover, nơi họ hy vọng được giúp đỡ bởi một người xin tị nạn đồng hương người Afghanistan. 

    Nhưng đến đó, họ lại bị đưa về trại Manston vì đó là chỗ ở duy nhất sẵn có. Tuy nhiên hiện tại, anh Abbas xác nhận nhóm người này đã được đưa đến một khách sạn ở Norwich.

    Đại diện Bộ Nội vụ cho biết: "Sức khỏe của những người xin tị nạn là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi, và những người xin tị nạn chỉ được đưa ra khỏi Manston khi chúng tôi chắc rằng họ có chỗ khác để ở. Chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm chỗ ở cho càng nhiều người càng tốt. Hiện tại những người này đã được hỗ trợ". 

    Đầu tuần này, hàng trăm người đã được đưa ra khỏi trại Manston giữa lo ngại trại này bị quá tải. Hiện Bộ Nội Vụ đang đối mặt với một cuộc đánh giá pháp lý về điều kiện sống tại trung tâm.

    Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra do điều kiện sống thiếu thốn và xuống cấp tại Manston, nơi từng là căn cứ Không quân Hoàng gia Anh. 

    nguoi xin ti nan bi bo roi 1
    Theo một nhân viên tổ chức từ thiện, những người xin tị nạn đã bị bỏ rơi tại ga Victoria và không được cung cấp chỗ ở. Ảnh: Dan Kitwood/Getty Images

    Một cô gái trẻ bị giam ở đây đã ném một tờ giấy qua hàng rào cho các nhà báo, cầu xin giúp đỡ. Trong tờ giấy, cô mô tả tình trạng ở trại nhập cư chẳng khác gì nhà tù, đồ ăn hư hỏng, ăn vào khiến người ta phát bệnh. Có những phụ nữ mang thai và trẻ em tàn tật không được chăm sóc y tế. Cô gái viết: "Chúng tôi đang sống rất khó khăn...chúng tôi cảm thấy chẳng khác gì ở tù. Nhiều người bị ốm...một số phụ nữ mang thai mà không được thăm khám. Chúng tôi rất cần sự giúp đỡ. Xin hãy giúp chúng tôi".

    Manston được thiết kế để chứa 1,600 người trong vòng 24h. Tuy nhiên vào thứ Hai tuần này, có đến 4,000 bị nhồi nhét trong trại giam. Ở đây không có giường, thiếu không khí trong lành, cửa toilet cũng không có.

    Hiện hàng trăm người đã được di dời khỏi nơi này.

    Viethome (theo Metro)

  • Đội cứu hộ đã được gọi đến cứu một nhóm hơn 40 người đang thực hiện chuyến hải trình nguy hiểm đến thị trấn Lydd ở Kent vào sáng  ngày 19/12/2021. 5 người di cư đã được đội cứu hộ RNLI kéo lên giữa sương mù dày đặc. 

    5 nguoi rot xuong bien 1
    Hơn 40 người tị nạn đã được đội cứu hộ RNLI giải cứu. Ảnh: UKNIP

    5 người đàn ông đã bị rơi khỏi chiếc xuồng dài 10m. Một trực thăng và một chiếc xuồng cứu hộ RNLI Dungeness đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và vớt 5 người đang vẫy vùng giữa biển khơi giá rét.

    Đầu tuần này Bộ Nội vụ xác nhận Bộ sẽ sử dụng Trung tâm Phát triển và Huấn luyện Cứu hỏa cũ ở Manston để làm nơi trú ngụ cho người xin tị nạn. Năm ngoái, trung tâm này đã đóng cửa sau khi hết hạn hợp đồng 12 năm trị giá 525 triệu bảng.

    Nghị sĩ khu vực North Thanet, Sir Roger Gale đã chỉ trích Bộ Nội vụ tại cuộc họp ở Hạ Viện vào hôm thứ Tư. Ông chất vấn bao nhiêu người di cư sẽ bị giam giữ tại trung tâm mới ở Manston và họ sẽ phải chôn chân ở đó trong bao lâu.

    5 nguoi rot xuong bien 1
    RNLI cứu chiếc xuồng gặp nạn vào sáng ngày 19/12. Ảnh: UKNIP

    5 nguoi rot xuong bien 1
    Một cuộc cứu hộ đã đã được tiến hành sau khi 5 người đàn ông được báo cáo rơi xuống biển. Ảnh: UKNIP

     Bài liên quan: Người tị nạn héo mòn tại các trại giam giữ ngoài đảo hoang

    Vương Quốc Anh có một số trại giam giữ người nhập cư lớn ở nước ngoài, trong đó có 2 trại nằm ở đảo Nauru và Manus thuộc Papua New Guinea, một đất nước thuộc khối thịnh vượng chung. Quốc gia này chịu sự kiểm soát của chính phủ Australia.

    Tuần này, quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu việc nhân rộng các trại giam giữ này. Thay mặt cho những người tị nạn bị giam giữ vô thời hạn ở đây, Thanush Selvarasa và Elahe Zivardar, 2 người đã từng bị giam giữ tại những trại này, đã gửi thư đến tờ Guardian, kêu gọi các nghị sĩ không nên bỏ phiếu cho Luật Quốc tịch và Biên giới (Nationality and Borders Bill). 

    Nếu luật này được thông qua vào hôm nay, thứ Tư ngày 8/12/2021, người tị nạn sẽ không còn được bảo vệ gì nữa. Sẽ ngày càng có thêm nhiều trại giam giữ người nhập cư trong khi chờ đợi đơn xin tị nạn của họ được xem xét.

    nguoi ti nan tren dao hoang
    Người tị nạn trong trại giam giữ trên đảo Manus Island.

    4 nhân vật kí tên kháng nghị Luật Quốc tịch và Biên giới

    Thanush Selvarasa là một người tị nạn đã bị giam giữ trên đảo Manus suốt 7 năm, sau đó được đưa vào đất liền (ở Úc) và hiện đang là một nhà vận động cho quyền của người tị nạn. Elahe Zivardar là một họa sĩ người iran, anh bị giam giữ trên đảo Nauru suốt 6 năm trước khi được chuyển đến Mỹ vào năm 2019.

    Hai người cùng với 2 nhân viên từng làm việc trong các trại cấm túc đã viết thư kể về những gì họ đã chứng kiến. Tiến sĩ Nick Martin là một bác sĩ đa khoa và là cựu trung úy quân y chuyên ngành giải phẫu thuộc Lực lượng Hải quân Anh. Ông đã có 9 tháng làm việc tại trại cấm túc Nauru vào năm 2016, và hiện ông đang lên tiếng về tình trạng tồi tệ ở đây. Carly Hawkins là một chuyên gia giáo dục có nhiệm vụ dạy học cho trẻ em trong các trại giam giữ ở Nauru. 

    Tình hình tuyệt vọng trong các trại giam giữ nhập cư của chính phủ Anh

    Lá thư này viết: ''Thay mặt cho những người bị giam giữ vô thời hạn tại đảo Nauru và Manus, chúng tôi vô cùng lo lắng khi chính phủ Anh tiếp tục dùng quyền lực để đưa người xin tị nạn đến những trại giam giữ ngoài khơi. Chúng tôi không thể hiểu sao vì sao một quốc gia, một chính phủ lại muốn nhân rộng mô hình độc ác, tốn kém và vô nghĩa như thế này''. Hành động này chỉ góp phần tô đậm thêm vết nhơ không thể xóa nhà của chính quyền Anh.

    Detention Action cùng nhiều tổ chức vì người tị nạn khác như Amnesty International (UK và Australia), Lancet Migration, Royal College of Psychiatrists, Refugee Council, Human Rights Watch và Doctors of the World đều lên tiếng ủng hộ lá thư này.

    Ủy viên cấp cao của Liên Hiệp Quốc cũng đã lên án kế hoạch này và cảnh báo nếu Luật Quốc tịch và Biên giới được thông qua, nó sẽ mâu thuẫn với Hiệp ước Tị nạn 1951 cũng như hệ thống bảo vệ người tị nạn trên toàn thế giới.

    Thanush Selvarasa nói: ''Tôi đến Úc để xin tị nạn và tìm kiếm sự an toàn. Nhưng không ngờ tôi lại bị giam cầm suốt 7 năm do chính sách thù địch của chính phủ Úc. Năm này qua năm khác, tôi chứng kiến từng người chết đi. Họ mất mạng sống và tương lai vì chờ đợi sự tự do. Phải đối mặt với hoàn cảnh không chắc chắn khiến tinh thần của chúng tôi đều hỗn loạn. Cuộc đời trong trại giam giữ vô thời hạn, sống chẳng bằng chết. Chúng tôi gào thét ngày đêm nhưng chẳng ai nghe thấy''.

    Elahe Zivardar nói: “Tôi rời bỏ Iran để tìm kiếm sự an toàn, nhưng trớ trêu thay tôi lại trở thành tù nhân. Những nhà tù trên đảo hoang này là đại diện cho sự phân biệt giữa người với người, là nơi đã hành hạ và sỉ nhục chúng tôi vô cùng tàn nhẫn. Chúng khiến những con người vô tội, bao gồm hàng trăm phụ nữ và trẻ em, phải lựa chọn trở về đất nước nơi họ đã bỏ ra đi, hoặc là chết dần chết mòn trên đảo.

    Nick Martin nói: “Tôi không thể nói hết những thiệt hại do các trại giam giữ này gây ra. Chúng không chỉ tốn kém về mặt chi phí mà còn hủy hoại danh tiếng của Anh và Úc. Điều quan trọng nhất, chúng hủy hoại sức khỏe tinh thần và thể chất của những con người ra đi mưu cầu hạnh phúc''.

    Phát ngôn viên Bộ Nội vụ tuyên bố: ''Mọi người nên xin tị nạn ở quốc gia an toàn đầu tiên mà họ đến. Chúng tôi không khuyến khích mọi người đến UK và sẽ phối hợp với chính phủ các nước để chấm dứt những chuyến hành trình nguy hiểm đến Anh. Chúng tôi luôn tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và hiệp ước châu Âu về nhân quyền''.

    Viethome (theo Kentonline)

  • Tuần này, Bộ trưởng Tư pháp là ông Dominic Raab sẽ đưa ra những phương pháp mới khắt khe hơn nhằm ''chỉnh đốn'' đạo luật nhân quyền gây tranh cãi.

    Ông Raab sẽ không để tội phạm nhập cư thoát khỏi án trục xuất bằng cách viện cớ rằng họ được quyền ở cùng với gia đình tại Vương quốc Anh.

    Cụ thể, ông muốn sử dụng luật mới để chấm dứt lổ hỏng của Điều 8 Công ước Châu Âu về Nhân quyền (Article 8 of European Convention on Human Rights - ECHR)

    Các nguồn tin thân cận của ông Raab cho hay một lựa chọn mới sẽ được bổ sung vào Điều 8, theo đó những ai phạm tội nghiêm trọng sẽ không thể sử dụng ''quyền được ở gần gia đình'' như một lá chắn để không bị trục xuất. Và những ai đối mặt với lệnh trục xuất sẽ phải cung cấp thêm bằng chứng chứng minh việc trục xuất sẽ chia cắt gia đình của họ.

    cong uoc chau au ve nhan quyen

    Ông Raab cho biết những tội phạm nguy hiểm như sát nhân, cưỡng dâm và ấu dâm vẫn lởn vởn ở Anh mà không thể bị trục xuất. Ông muốn thay đổi luật để sự an toàn của người dân Anh được đặt lên cao nhất. 

    Điều 8 này đã được 70% tội phạm nước ngoài sử dụng để kháng cáo chống lại lệnh trục xuất. Trong thập kỷ vừa qua, hơn 1,300 tội phạm đã sử dụng Article 8 của Công ước Châu âu về Nhân quyền - European Convention on Human Rights để tránh né lệnh trục xuất.

    Những kẻ này bao gồm một tên tội phạm hàng loạt đến từ Barbados với 75 cáo buộc. Hắn vẫn được ở lại UK vì có mối quan hệ ''tuyệt vời'' với 7 đứa con mà hắn có với 3 phụ nữ. 

    Và trong một trường hợp lạ lùng, một tội phạm người Bolivia đã thuyết phục được các thẩm phán ngừng lệnh trục xuất vì hắn có nuôi một con mèo.

    Ông Raab cho rằng Điều 8 đã trở thành ''một vấn đề nghiêm trọng'' và ông quyết tâm đặt dấu chấm hết cho điều luật vi phạm sự an toàn của cộng đồng. Ông muốn Tòa án Tối cao đặt dấu chấm hết cho việc áp dụng sai lệch Công ước Châu Âu về Nhân quyền, và rằng đây là đất Anh, không còn thuộc sự chi phối của châu Âu nữa.

    Ông cũng thêm vào những quy tắc mới để đảm bảo Điều 10 - quyền được tự do và quyền được nói sẽ không bị chi phối bởi quyền được bảo mật sự riêng tư. Và cánh truyền thông sẽ được tự do tiếp cận thông tin. 

    Hiện giờ luật mới của ông Raab vẫn chưa được đặt tên. Ông Raab muốn gọi luật này là British Bill of Rights, một số khác muốn đặt tên là Human Rights Act 2022, tóm lại đều là luật nhân quyền Anh.

    Cuối tuần này quốc hội sẽ thảo luận về các đề nghị mới của ông Raab.

    Viethome (theo The Sun)

     

  • Số đơn xin tị nạn ở Anh đã đạt mức cao nhất trong gần 20 năm qua, trong bối cảnh số người di cư vượt biển tăng vọt và đại dịch coronavirus có nguy cơ bùng phát trở lại. Số đơn chờ xử lý cũng ở mức cao kỷ lục.

    Tổng cộng có 37,562 đơn xin tị nạn trong năm nay tính đến tháng 9 - nhiều nhất kể từ năm 2004 (39,746) và cao hơn con số trong đỉnh điểm khủng hoảng di cư châu Âu vào năm 2015 và 2016 (36,546 ).

    Số liệu mới nhất tăng 18% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 9 năm 2020 (31,966), mặc dù đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong bối cảnh di chuyển bị hạn chế. Có 35,737 đơn đăng ký tị nạn cho cùng kỳ năm 2019.

    Bộ Nội vụ cho biết: “Sự gia tăng số đơn xin tị nạn một phần do việc nới lỏng các hạn chế đi lại toàn cầu và số lượng người vượt biển đến Anh (hầu hết tất cả đều xin tị nạn)”.

    Số đơn xin tị nạn đã giảm "đáng kể" trong đợt bùng phát coronavirus đầu tiên nhưng sau đó lại tăng và hiện cao hơn mức trước đại dịch.

    Bộ cho biết thêm Covid-19 đã có “tác động đáng kể đến hệ thống nhập cư của Vương quốc Anh” trong việc hạn chế việc dòng người di cư đến và đi từ Anh quốc lẫn “năng lực hoạt động”.

    27asylumSố người vượt biển tới Anh trong năm nay đã tăng mạnh

    Đài quan sát di cư của Đại học Oxford cho biết số người vượt biển là “yếu tố chính thúc đẩy số lượng đơn xin tị nạn trong quý 3 năm 2021”.

    Có 15,104 đơn xin tị nạn từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020 (8,657) và là số liệu hàng quý cao nhất kể từ đầu năm 2003 (15,856).

    Kỷ lục về số đơn xin tị nạn tính theo quý là 22,760 từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2002 - thời điểm yêu cầu tị nạn gia tăng “một phần do hành động quân sự, xung đột hoặc bất ổn chính trị ở các nước như Iraq, Afghanistan, Zimbabwe và Somalia”.

    Hơn 25,700 người đã thực hiện chuyến hành trình nguy hiểm qua eo biển Manche đến Vương quốc Anh trong năm nay - gấp ba lần tổng số của cả năm 2020.

    Tổng cộng 67,547 đơn xin tị nạn đang chờ xử lý vào cuối tháng 9 - tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức cao nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập vào tháng 6 năm 2010.

    3,261 trường hợp khác đang chờ được xem xét lại, trong đó có một số người đang chờ nhận quyết định kháng nghị. Khoảng 62% trường hợp (44,018) đã chờ đợi quyết định ban đầu được hơn sáu tháng.

    Số liệu riêng của Bộ Nội vụ cho thấy tổng số đơn xin trong hệ thống tị nạn - bao gồm cả các trường hợp đang chờ kết quả kháng nghị và người xin tị nạn không thành công đợi trục xuất - ở mức 125,316 vào cuối tháng 6 năm 2021, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, và gấp hơn ba lần số liệu của một thập kỷ trước (37,903 vào tháng 6 năm 2011).

    Khoảng 510 người đã được bảo vệ ở Anh thông qua các chương trình tái định cư trong ba tháng đến tháng 9 - con số hàng quý cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng thấp hơn nhiều so với giai đoạn cùng kỳ vào năm 2019 (1,400).

    27asylum1Biểu đồ số người được bảo vệ ở Anh thông qua các chương trình tái định cư

    Tổng cộng có 1,171 người được tái định cư trong năm tính đến tháng 9, giảm 46% so với 12 tháng trước đó.

    Ông Marley Morris, lãnh đạo công tác di cư thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Công (IPPR), cho biết các số liệu nêu bật “vấn đề mang tính hệ thống” với hệ thống tị nạn của Anh và “các tuyến đường an toàn dành cho người tị nạn tìm cách đến Vương quốc Anh đang bị hạn chế”.

    Người phát ngôn chính thức của Thủ tướng cho biết các số liệu cho thấy “chúng ta đã đúng khi hành động thông qua Dự luật mới”.

    Các số liệu thống kê "chứng minh quy mô phức tạp của cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu" và thảm kịch hôm thứ Năm, dẫn đến cái chết của 27 người trên biển, "là lời nhắc nhở rõ ràng nhất" về sự nguy hiểm của việc vượt biển - một phát ngôn viên của Chính phủ nói thêm: “Chỉ có Dự luật Quốc tịch và Biên giới mới đảm bảo người có nhu cầu thực sự được đối xử công bằng và phá vỡ các mạng lưới tội phạm buôn người”.

    Viethome (Theo Evening Standard)

  • Hệ thống tị nạn của Anh đang hỗn loạn với kỷ lục 55,000 đơn xin tị nạn tồn đọng có thời gian chờ ba năm, tờ Sun cho biết vào Chủ nhật 21/11.

    Cứ mỗi tháng, sẽ có thêm 100 người di cư được ghi nhận phải đợi ba năm nhưng chưa được xử lý yêu cầu xin tị nạn. Hàng ngàn người khác vẫn ở lại Vương quốc Anh nhưng bị từ chối quy chế tị nạn vì bộ phận nhập cư không biết họ đến từ đâu. Nhiều người tiêu hủy giấy tờ của họ trước khi đến, tạo ra khó khăn cho các quan chức trong quá trình trục xuất.

    Hệ thống tị nạn đang chịu áp lực ngày càng lớn bởi số lượng lớn người di cư đến Anh qua eo biển Manche và các quy tắc di chuyển trong thời gian phong tỏa.

    Tuần trước, có thông tin chỉ 5 trong số hơn 23,000 người vượt biển trong năm nay bị trả về châu Âu. Nhưng số liệu do The Sun thu được vào Chủ nhật cho thấy 54,432 người đã chờ đợi hơn ba năm để được giải quyết yêu cầu xin tị nạn, tăng 12% so với năm ngoái và gấp đôi số liệu năm 2015.

    Số người đã sử dụng hết các con đường kháng nghị và đang chờ bị trục xuất hiện ở mức 39,510, tăng 68% so với năm 2015.

    don xin ti nan ton dong o anh
    Công tác trục xuất cũng gặp khó khăn vì nhiều người tị nạn không có giấy tờ tùy thân

    Bài liên quan: Bộ Nội vụ cho rằng người xin tị nạn thực chất chỉ là di cư đi kiếm tiền

    Hiện bà Priti Patel đang được yêu cầu rút lại tuyên bố trước Quốc hội rằng hầu hết người đến Vương quốc Anh bằng thuyền nhỏ không phải là người xin tị nạn.

    Hai đồng nghiệp của bà trong đảng Lao động, David Blunkett và Shami Chakrabarti, cũng đặt câu hỏi liệu bộ trưởng có bằng chứng ủng hộ tuyên bố của bà rằng “70% người trên những chiếc thuyền nhỏ là đàn ông độc thân và di cư để kiếm tiền”.

    Các tổ chức từ thiện cho người tị nạn ngày càng lo ngại chính phủ đang đưa ra câu chuyện không có thật rằng người di cư đến Vương quốc Anh bằng thuyền không đáng được thông cảm.

    Tại Ủy ban Pháp luật và Nội vụ của Thượng viện vào tuần trước, bà Patel đã bị thẩm vấn về chính sách mới của mình. Theo đó, mọi cá nhân đến Vương quốc Anh xin tị nạn sau khi đi qua một quốc gia “an toàn” là “không thể chấp nhận được” - nghĩa là yêu cầu tị nạn sẽ không được xem xét. 

    Mô tả những đối tượng trong chính sách mới, bà Patel nói: “Trong năm ngoái, 70% số người trên những chiếc thuyền nhỏ tới Anh là đàn ông độc thân và di cư để kiếm tiền. Họ không phải là những người xin tị nạn thực sự”. Các quan chức Bộ Nội vụ đã được yêu cầu cung cấp bằng chứng cho khẳng định của bộ trưởng.

    Nguồn tin từ Bộ cho biết trong số 8,500 người vượt biển tới Anh vào năm 2020, 87% là nam giới và 74% trong độ tuổi từ 18 đến 39 - nhưng không cung cấp bằng chứng liên quan đến yêu cầu xin tị nạn của họ.

    Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: “Pháp là quốc gia an toàn; người di cư nên xin tị nạn ở quốc gia an toàn đầu tiên họ đến, thay vì thực hiện các cuộc vượt biên nguy hiểm và bất hợp pháp".

    5patelBà Patel đang được yêu cầu giải thích phát ngôn gây tranh cãi của mình 

    Lady Chakrabarti - cựu lãnh đạo đảng Tự do và thành viên của ủy ban, cho biết các nhận xét của bà Patel nên được giải thích, sửa chữa hoặc rút lại một cách hợp lý.

    Bà Chakrabarti nói: “Cả cộng đồng tị nạn và cuộc sống của những người tuyệt vọng đều quá quý giá, do vậy tuyên bố 70% của bộ trưởng Bộ nội vụ không thể mặc định được coi là chính xác. Bộ Nội vụ có thực sự nói rằng hầu hết người xin tị nạn là nam giới độc thân hoặc hầu hết người vượt biển đều là ‘di cư để kiếm tiền’ và không xứng đáng để được cấp quyền tị nạn? Nếu có, điều gì đã xảy ra với việc giám sát một cách kỹ càng đối với mọi yêu cầu xin tị nạn của từng cá nhân?"

    Lord Blunkett - cựu bộ trưởng Nội vụ của đảng Lao động, người đã đưa ra câu hỏi dẫn tới số liệu "70%” của bà Patel, cho biết chính phủ có thể phải chật vật để biện minh cho con số này vì các quan chức vẫn đang xử lý hồ sơ xin tị nạn tồn đọng.

    “Không có gì ngạc nhiên khi Bộ Nội vụ đã không phản hồi yêu cầu chứng minh số liệu 70% của các phóng viên vì tình trạng tồn đọng hồ sơ xin tị nạn quá nghiêm trọng”, ông Blunkett nói, “Con số gần đây nhất mà tôi thấy là 125,000, lớn hơn so với nhiều năm trước”.

    Bằng chứng miệng trước Ủy ban Nội vụ vào tháng 9 năm 2020 của ông Abi Tierney - tổng giám đốc Cơ quan Thị thực và Nhập cư Vương quốc Anh, cho biết trong số 5,000 người vượt biên vào năm 2020 cho đến ngày họp của ủy ban, 98% đã xin tị nạn.

    Dữ liệu của Bộ Nội vụ được công bố cho thấy nhiều người vượt biển tới Anh bị từ chối tị nạn đến từ các khu vực có xung đột như Iran, Iraq, Afghanistan và Sudan.

    Tiến sĩ Peter Walsh, nhà nghiên cứu của tổ chức Đài quan sát Di cư tại Đại học Oxford, cho biết: “Phần lớn các yêu cầu xin tị nạn (bao gồm cả những người đến Vương quốc Anh bằng thuyền nhỏ) cuối cùng đã thành công. Cụ thể, Bộ Nội vụ báo cáo rằng 59% đơn xin tị nạn nộp từ năm 2017 đến năm 2019 đã được phê duyệt, tính cả số lượng kháng nghị. Cho rằng người di cư vượt biển sẽ có nhiều khả năng được chấp thuận tị nạn hơn những người xin tị nạn khác là kết luận hợp lý".

    "Điều này là do các quốc tịch phổ biến của người di cư vượt biển - như Iran, Syria, Afghanistan và Yemen - có khả năng thành công cao hơn mức trung bình. Không rõ bằng chứng chứng minh cho tuyên bố 70% người di cư vượt biển vì lý do kinh tế. Nhưng trên cơ sở dữ liệu có sẵn, không quá 30% người di cư bằng đường biển được chấp nhận tị nạn là việc khó có thể xảy ra”.

    Viethome (Theo Guardian)

    Viethome (Theo Sun)

  • Thứ Ba tuần này, Quốc hội Anh tiếp tục thảo luận Bộ luật Biên giới và Quốc tịch (Nationality and Borders Bill) do Bộ Nội vụ trình lên. Trong những đề xuất mới mà Bộ Nội vụ đệ trình, có một vài phương pháp mà bộ này muốn sử dụng để xác định độ tuổi trẻ em xin tị nạn. 

    Cụ thể, Bộ Nội vụ muốn chụp X-quang răng của trẻ xin tị nạn cũng như kiểm tra (đo đạc) các bộ phận trên cơ thể. Đồng thời phân tích nước bọt, tế bào, các mẫu thử khác cùng với ADN. 

    Tuy nhiên, liên minh các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em như Refugee and Migrant Children’s Consortium (RMCC), Coram, Children’s Society và Unicef UK tỏ ra khá lo lắng về đề xuất này. 

    Họ cho rằng hành động này sẽ không giúp chính phủ bảo vệ trẻ em khỏi tệ nạn tội phạm. Việc đưa ra những phương pháp "không chính xác'' và ''có tính phá hoại" cũng như đòi hỏi ''các bằng chứng ngày càng chuyên sâu'' sẽ làm gia tăng nguy cơ trẻ bị sắp xếp nhầm vào nơi ở dành cho người trưởng thành.

    chup x quang xac dinh do tuoi nguoi ti nan
    Việc chụp x-quang răng để xác định độ tuổi được cho là không chính xác.

    Đầu năm nay, nhiều trẻ em xin tị nạn đã bị xếp ở chung với người lớn trong trại cấm túc, và bị đe dọa trục xuất sau khi các em bị xác định nhầm là trên 18 tuổi. Nhiều tháng nay đã xuất hiện thêm nhiều báo cáo cho thấy trẻ em bị đánh giá nhầm là người lớn. 

    Bộ luật Biên giới và Quốc tịch của Bộ Nội vụ cũng tước mất quyền của chính quyền địa phương và nhân viên chăm sóc xã hội, khiến họ không thể tiếp cận để chăm sóc trẻ em xin tị nạn. Ngược lại, Bộ Nội vụ lại được ban thêm quyền để buộc nhân viên chăm sóc xã hội phải tiến hành kiểm tra tuổi của trẻ. 

    Việc áp dụng các phương pháp khoa học để xác định tuổi trẻ em từ lâu đã bị đánh giá là thiếu chính xác và phi đạo đức. Stewart MacLachlan, nhân viên chính sách và pháp lý cấp cao ở Trung tâm Pháp lý trẻ em Coram cho biết:

    ''Nhiều trẻ không có giấy tờ xác minh danh tính tuổi tác, có thể là chúng chưa từng được làm giấy khai sinh hay hộ chiếu. Có thể chúng đã đánh mất trên đường trốn chạy, hoặc là đã bị bọn người tịch thu giấy tờ. Nhiều trẻ bị buôn bán với giấy tờ giả''.

    "Những trẻ bị coi là người lớn sẽ bị xếp ở chung hoặc cấm túc chung với người lớn, thậm chí bị đi tù. Điều này khiến sự an toàn của các em bị đe dọa nghiêm trọng''.

    ''Chúng tôi kêu gọi Bộ Nội vụ cân nhắc kỹ đề xuất này. Thật phi đạo đức khi phán quyết số phận của một đứa trẻ dựa vào những bài kiểm tra thiếu chính xác, không được khoa học thừa nhận''.

    Patricia Durr, giám đốc điều hành tại Ecpat UK, một thành viên của RMCC, cho rằng: ''Việc bảo vệ trẻ em ở đất nước này còn rất nhiều bất cập. Chúng ta cần những phương pháp tiếp cận nhân đạo và an toàn hơn''.

    ''Những trẻ nhập cư bị buôn bán, vốn dĩ tuổi của các em đã không còn chính xác do giấy tờ đều bị bọn buôn người làm giả để vận chuyển các em như người trưởng thành. Nhờ đó các em không bị soi xét ở các bến cảng và biên giới''.

    Trong khi đó, Bộ Nội vụ phản bác rằng đề xuất của họ sẽ giúp chấm dứt tình trạng lạm dụng quyền trẻ em để trục lợi, nhờ đó mà có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn.

    Viethome (theo Independent)

  • Tòa án Tối cao Anh quốc (UK Supreme Court) từng từ chối đơn xin tị nạn của một phụ nữ Việt Nam vào năm 2015. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về trường hợp này:

    Cô TN từng được tị nạn tạm thời tại UK vào năm 2004 sau khi đệ đơn nói rằng mình bị đàn áp tôn giáo tại VN do theo đạo Công giáo. Sau khi đơn của cô bị từ chối vào tháng 4/2004 do không thỏa đáng, cô lại tiếp tục nộp đơn vào tháng 4/2011. Thế nhưng sau đó cô bị trục xuất về VN, nhưng lại lén lút quay trở lại UK vào tháng 5/2014.

    Đến UK, cô tiếp tục nộp đơn xin tị nạn vẫn với lý do đàn áp tôn giáo và bị quấy rối tình dục trong thời gian bị trục xuất về VN. Lần này, hồ sơ của cô được cho là phù hợp với quy trình xử lý nhanh Detained Fast Track 2005 (quy trình này cho phép tòa án quyết định nhanh về hồ sơ của người xin tị nạn trong lúc người xin tị nạn bị tạm giữ tại trại nhập cư). Sau khi xem xét, Tòa cấp một (First-tier Tribunal) từ chối đơn của cô vì cảm thấy những gì cô trình bày không đáng tin. 

    Vào ngày 19/8/2015, chỉ hai ngày trước khi cô bị đưa lên máy bay trục xuất, cô TN lần đầu tiên kháng cáo rằng cô là nạn nhân của nạn buôn người cả trong hành trình trở lại UK vào năm 2014 và suốt thời gian ở UK. Sau khi trải qua kiểm tra y tế để xác định xem cô có phải là nạn nhân buôn người hay không, vào ngày 20/8/2015, Quốc Vụ Khanh (Secretary of State) đã từ chối yêu cầu làm mới đơn xin tị nạn của cô, và duy trì quyết định trục xuất cô này.

    Phán quyết về hồ sơ của TN có công bằng không?

    Trong đơn kháng cáo tại Tòa Supreme Court, cô TN nói rằng quy trình quyết định nhanh fast-track là không công bằng khi từ chối đơn xin tị nạn của cô. Đơn kháng cáo của TN yêu cầu xác minh tính hợp lệ của phán quyết trục xuất cô theo luật Fast Track Procedure Rules 2005, và nói rằng những luật này được tạo ra một cách không công bằng đối với từng hồ sơ cụ thể. Đơn kháng cáo của cô được sự hỗ trợ của các tổ chức giúp đỡ người tị nạn Helen Bamber Foundation và Detention Action.

    Đơn kháng cáo được xem xét bởi Thẩm phán Lloyd-Jones, Thẩm phán Briggs, Thẩm phán Lady Arden, Thẩm phán Sales và Thẩm phán Stephen. Lord Pannick QC và Stephanie Harrison QC đại diện cho bên kháng cáo. Robin Tam QC đại diện cho Bộ Nội vụ. 

    Vào thời điểm tháng 10/2014, luật 2005 Fast Track Rules dùng làm căn cứ để xét duyệt hồ sơ của người xin tị nạn, đã được thay thế bằng luật Fast Track Rules 2014. Tuy nhiên, sau một loạt các vụ kháng cáo, người ta nhận ra rằng luật 2014 do Tòa Phúc thẩm (Court of Appeal) áp dụng trong xét xử được cho là không công bằng, không đúng thẩm quyền, và không hợp lệ. 

    Để giải thích về đơn kháng án của mình tại Tòa Phúc thẩm, cô TN nói rằng luật 2005 cũng không hợp lệ khi dùng để xét xử vụ của cô, và do đó, quyết định ban đầu của Fast Track Rules về hồ sơ của cô phải tự động vô hiệu. 

    Thẩm phán Tòa Tối cao (High Court) đồng ý với đơn kháng cáo của cô rằng luật 2005 là không hợp lệ, nhưng quyết định đối với hồ sơ của riêng cô thì vẫn đúng, bởi vì cô không thể chứng minh là quyết định đó bất công ở điểm nào. Nhận định này tiếp tục được Tòa Phúc Thẩm tán đồng, dẫn đến đơn kháng cáo của cô được đẩy lên tòa Supreme Court. 

    Không có thiên vị hay định kiến

    Lord Briggs và Lord Stephen đồng ý với Lady Arden rằng: "Việc luật Fast Track Rules 2005 được thiết lập không công bằng, không có nghĩa là hồ sơ của cô bị xét xử bất công''.

    Lord Sales và Lord Lloyd-Jones cũng đồng ý rằng: "Nếu luật Fast Track Rules 2005 trong vụ của cô TN bị áp dụng bất công, bị áp dụng sai thì phán quyết đối với trường hợp của cô sẽ tự động vô hiệu. Nhưng không có dấu hiệu cho thấy luật thiếu công minh ở bất kì điểm nào''.

    Lady Arden giải thích thêm: "Cô TN không kháng nghị bất kì quyết định không đúng nào của hội đồng xét xử. Nghĩa là không có kháng nghị về chất lượng của phán quyết. ''.

    Tóm lại, đơn kháng cáo của cô bị từ chối, và cô vẫn bị trục xuất vào ngày 21/8/2015.

    Viethome (theo © Scottish Legal News Ltd 2021)

    nguoi ti nan khang cao

  • Số hồ sơ xin tị nạn đang chờ xử lý đã vượt qua 70,000, bất chấp lượng đơn xin tị nạn hàng năm giảm.

    Theo số liệu của Bộ Nội vụ, gần 71,000 người xin tị nạn - bao gồm cả người phụ thuộc của họ, vẫn đang chờ quyết định ban đầu của chính quyền Anh từ 30 tháng 6 năm 2021.

    Tổng lượng hồ sơ tồn đọng đã tăng gấp đôi chỉ trong vài năm: vào cuối năm 2018, con số này là 36,000. Tình trạng tồn đọng được ghi nhận khi số lượng đơn đăng ký tị nạn mới vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Cụ thể, số đơn xin tị nạn đã tăng trong quý 2 năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của năm 2019.

    Một cách tính số lượng hồ sơ tồn đọng khác là những người xin tị nạn đã chờ hơn sáu tháng để nhận quyết định ban đầu - cũng cho thấy tình trạng đáng báo động. Số người theo diện này đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 54,000 người.

    Trong đó, có 3,000 hồ sơ là người Afghanistan xin tị nạn. Ngoài ra, 64 công dân Afghanistan đã bị từ chối tị nạn trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay (so với 153 trường hợp được chấp thuận), và 139 người bị quản thúc nhập cư.

    Các số liệu về trục xuất chỉ tăng đến quý 1 của năm 2021, khi mười người được trả về Afghanistan.

    70000 ho so xin ti nan

    Về tái định cư

    Đầu tháng này, Nghị sĩ Quốc hội Chris Philp đã viết một bức thư cho Financial Times để chê bai tờ báo vì đã đưa tin "không đầy đủ" : "FT tuyên bố rằng kể từ khi bắt đầu đại dịch, Vương quốc Anh đã kết thúc kế hoạch tái định cư. Nhưng các vị không đề cập đến việc ra mắt Kế hoạch tái định cư tại Anh quốc (UKRS) vào tháng 3, nhằm thay thế kế hoạch tái định cư cho người dễ bị tổn thương tại Anh. Kế hoạch được thiết lập sau khi chúng ta vượt mục tiêu chào đón 20,000 người tị nạn từ xung đột ở Syria. Kế hoạch mới đảm bảo khả năng tiếp tục tái định cư cho người tị nạn".

    Tính tới nay, 310 người đã được hưởng lợi từ Chương trình Tái định cư của Vương quốc Anh trong sáu tháng đầu năm 2021. Nhìn chung, theo tổ chức Quan sát Di cư của Đại học Oxford, việc tái định cư đang ở mức khoảng 1/4 trước đại dịch.

    Về số lượng yêu cầu tị nạn được tuyên bố là "không thể chấp nhận" theo các quy tắc mới, có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1: 1,509 “thông báo” đã được gửi cho các cá nhân để thông báo rằng trường hợp của họ đang được xem xét. Chính quyền Anh đang xác định quyết định trục xuất có phù hợp và khả thi hay không.

    Con số này tăng hơn 2 lần trong quý II năm 2021 với 3,052 thông báo được phát hành. Tuy nhiên, chỉ có bảy người thực sự bị coi là không thể được chấp nhận ở Anh vào năm 2021 cho đến nay, và không ai bị trục xuất sau quy trình này.

    Viethome (Theo Free Movement)

  • Áp lực đang ngày càng nặng hơn trên vai ông Sajid Javid, yêu cầu ông cho phép những người xin tị nạn làm việc trong bối cảnh Chính phủ đang cố gắng tìm kiếm các dòng tiền mới trong tuyệt vọng.

    Bộ Tài chính đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ giảm các khoản hỗ trợ và chi tiêu cho người xin tị nạn ở Anh, hiện đã lên đến hàng trăm triệu bảng mỗi năm. 

    Một ý tưởng đang được xem xét là chấm dứt lệnh cấm làm việc đối với những người nước ngoài đã tuyên bố xin tị nạn.

    Động thái này có khả năng tiết kiệm cho Bộ Tài chính một khoản tiền trợ cấp cũng như mang lại thêm thuế thu nhập.

    Nhưng nó đang bị ông Javid và các quan chức của ông phản đối mạnh mẽ.

    Một nguồn tin từ Bộ Nội vụ cho biết: “Chúng tôi sẽ chống lại điều này. Làm thế nào chúng ta có thể cho phép một người xin tị nạn làm một công việc đòi hỏi sự tin tưởng khi mà chúng ta chưa biết chính xác họ là ai?”

    Khoảng 40.000 người nộp đơn xin tị nạn mỗi năm, trong đó mỗi hồ sơ mất tới hai năm để xử lý.

    Mỗi người xin tị nạn và những người phụ thuộc của họ được Chính phủ hỗ trợ số tiền 37,75 bảng mỗi tuần để sinh sống – tổng cộng số tiền trợ cấp lên đến 155 triệu bảng mỗi năm.

    Tiền thuê nhà của họ cũng được chi trả, vì những người vừa nộp đơn xin tị nạn sẽ ngay lập tức được cung cấp chỗ ở miễn phí.

    Trong khi đó, các nhà vận động dỡ bỏ lệnh cấm ước tính những người xin tị nạn bị cấm làm việc ở Anh có thể đóng góp đến 42 triệu bảng cho nền kinh tế.

    Trước cuộc rà soát chi tiêu trên toàn Whitehall vào Mùa thu, Bộ Nội vụ đã mắc kẹt trong cuộc tranh cãi gay gắt với Bộ Tài chính để có được thêm tiền chi cho các nhiệm vụ của mình, từ số lượng cảnh sát đến lực lượng biên phòng.

    Nhưng những người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định bất kỳ nhu cầu mới nào về tiền bạc phải được ông Javid rút từ trong ngân sách của chính ông.

    Một số người đã đổ lỗi cho quyết định của Theresa May về việc trao cho NHS 20 tỷ bảng mỗi năm là nguyên nhân dẫn đến việc thắt chặt hơn trong các khoản chi tiêu tài chính công.

    Các trợ lý của ông Philip Hammond thì khẳng định rằng ông không nên bị đổ lỗi trong việc này.

    Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Đây không phải là một đề xuất đến từ chúng tôi.

    “Kho bạc đặt ra giới hạn chi tiêu chung, và các bộ phận riêng lẻ sẽ quyết định cách phân bố chi tiêu của họ.

    VietHome (Theo The Sun)

  • Trong năm 2018, người xin tị nạn chiếm khoảng 5% lượng người nhập cư ở Anh. Chỉ một số rất nhỏ hồ sơ xin tị nạn được chấp thuận ngay lần đầu, một vài người được tị nạn nhờ kháng nghị, và có thể tốn hàng năm để đưa ra kết luận cuối cùng.

    Đôi lúc, cũng như trong hiện tại, nước Anh đồng thời mở các chương trình tái định cư để nhận trực tiếp người tị nạn từ nước ngoài. Sau đây là một số dữ liệu về người xin tị nạn và người tị nạn ở UK.

    Có bao nhiêu người xin tị nạn đang ở UK?

    Có một vài cách khác nhau để tính số lượng người xin tị nạn ở Anh. Cách đầu tiên là tìm hiểu con số người nộp đơn xin tị nạn mỗi năm.

    Trong năm 2018, 37,453 người đã nộp đơn xin tị nạn. Con số này tương đối ổn định trong vòng năm năm qua và thấp hơn một chút so với năm 2002, khi số đơn xin tị nạn đạt mức cao nhất là 103,000.

    Một cách khác là tham khảo số liệu thống kê quản lý của Bộ Nội vụ, và số liệu này cho thấy đang có 88,848 trường hợp xin tị nạn đang được xử lý tính tới tháng Sáu năm 2018. Con số này bao gồm cả các hồ sơ và trường hợp đang trong giai đoạn chờ, trong đó người nộp hồ sơ đã bị từ chối tị nạn nhưng chưa rời khỏi Anh hoặc đã nhận được quyền lưu lại Anh theo một cách thức khác.

    Cách thứ ba là xác định số người đang nhận hỗ trợ theo Section 95, số tiền hỗ trợ hàng tuần mà người xin tị nạn nhận được.

    Tính đến cuối tháng Mười hai năm 2018, có 44.258 người xin tị nạn đang nhận hỗ trợ của chính phủ.

    Đã có bao nhiêu trường hợp xin tị nạn được chấp thuận?

    Khoảng một phần ba số hồ sơ xin tị nạn nhận được kết quả quyết định lần đầu trong vòng một năm. Bất cứ người xin tị nạn nào cũng có thể kháng nghị phản đối quyết định lần đầu và, nếu kháng nghị này không thành công, họ có thể tiếp tục xin thẩm định từ tòa án. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ quá trình xin tị nạn có thể kéo dài đến vài năm.

    Vì lý do này, so sánh số lượng người được cho tị nạn mỗi năm với số lượng người nộp đơn xin tị nạn sẽ không cho ra kết quả chính xác của tỷ lệ hồ sơ thành công.

    Bộ nội vụ đã bắt đầu tiến hành phân tích kết quả cuối cùng của các trường hợp, và số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ trường hợp “không rõ kết quả” đang ở mức cao.

    Người mang quốc tịch Syria có được tính là người xin tị nạn không?

    Người tị nạn Syria được coi là trường hợp đặc biệt trong số liệu thống kê. Dù rất nhiều người đã nộp đơn xin tị nạn thông qua quy trình xin tị nạn trong nước của Anh (919 người trong năm 2018), phần lớn người tị nạn Syria ở Anh đã được cho tái định cư trực tiếp từ các trại tị nạn.

    Từ năm 2014 đến nay, Anh cho phép công dân Syria tái định cư theo Chương trình Tái định cư dành cho Người có hoàn cảnh khó khăn (VPRS), với mục tiêu giúp 20,000 người tính đến năm 2020. Số người hiện tại đang định cư ở Anh là khoảng 15,000.

    Tái định cư là quy trình khác với xin tị nạn

    Những người thuộc diện tái định cư được coi là người tị nạn hoặc người được bảo trợ nhân đạo bởi nước Anh khi đang ở nước ngoài và sau đó, sẽ được đưa đến Anh sinh sống.

    Trong khi tạm trú ở các trại tị nạn, tình trạng tị nạn của họ được quyết định bởi các nhân viên của UNHCR và sau đó, chính phủ anh sẽ chọn xem ai được phép tái định cư ở Anh.

    Dựa trên quy mô của VPRS (và các chương trình tái định cư khác), người tái định cư chiếm khoảng hơn một phần tư (27%) lượng người được cho phép tị nạn ở Anh trong vòng năm năm qua (2014-2018).

    Tỷ lệ hồ sơ xin tị nạn thay đổi thế nào trong những năm qua?

    Trong năm 2018, ít nhất 20,000 người đã được cho phép tị nạn ở Anh, bao gồm cả diện tái định cư. Con số này chỉ bằng một nửa năm 2001, năm có đến 48,000 người được cho phép tị nạn và là con số cao nhất trong những thập kỷ gần đây.

    Số lượng hiện tại tăng khoảng 5,000 người mỗi năm nhờ vào các chương trình tái định cư, phần lớn là nhờ VPRS.

    Việc thiếu dữ liệu trong nhiều năm đồng nghĩa với việc có nhiều ý kiến trái ngược nhau về tổng số lượng người được cho phép tị nạn ở Anh trước những năm 1980. Nhiều con số ước tính cho rằng khoảng thời gian có nhiều người được cấp quyền tị nạn nhất là khi:

    • Khoảng 80,000 người tị nạn Do Thái tới Anh trong giai đoạn từ 1933-1939, tương đương 11,000 người mỗi năm.
    • Khoảng 27,000 người Uganda gốc Á được tái định cư ở Anh trong năm 1972 và 1973, tương đương 13,500 người mỗi năm.
    • Khoảng 17,000 đến 22,500 người tị nạn Việt Nam được tái định cư ở Anh trong giai đoạn từ 1979 đến 1992, tương đương 1,400 người mỗi năm.

    Có bao nhiêu người tị nạn đang ở Anh?

    Chúng ta không thể chắc chắn có bao nhiêu người tị nạn ở Anh, nhưng chúng ta biết bao nhiêu người đã được xác định tình trạng nhập cư là tị nạn hoặc các diện bảo trợ nhân đạo khác. Tuy nhiên, không có dữ liệu nào sau đó cho phép chúng ta theo dõi cuộc sống của họ sau khi được xác định tình trạng nhập cư.

    Chúng ta cũng không có dữ liệu đáng tin cậy về khoảng thời gian trước những năm 1980, vì thế không thể ước tính tổng số lượng người đã từng được tị nạn ở Anh.

    VietHome (Theo House of Commons Library)

  • Một em bé mới tám tháng tuổi đã bị Bộ Nội vụ giam giữ trong trại tạm giữ người nhập cư dù em bé này có quốc tịch Anh.

    Chi tiết về vụ việc này được ghi lại trong một bộ hồ sơ tòa án, trong đó Bộ Nội vụ đã thắng vụ kiện cáo buộc Bộ giam giữ trái phép em bé và người mẹ Nigeria của mình.

    Người mẹ, được gọi tên là TR trong hồ sơ, cùng con trai, JA, đã bị tạm giữ trong 12 ngày sau khi hồ sơ xin tị nạn của TR bị từ chối.

    Dịch vụ Tư vấn Nhập cư IAS đã viết thư cho Bộ Nội vụ, trình bày rằng JA là một công dân Anh dựa trên quốc tịch của người cha và để chứng minh điều này, họ đã cố gắng cập nhật giấy khai sinh của cậu bé.

    Là một công dân Anh, JA không thể bị trục xuất và TR nên được cho phép lưu lại Anh để chăm sóc con. Bộ Nội vụ đã bác bỏ luận điểm này và tiến hành giam giữ hai mẹ con.

    Cuối cùng, tòa án tối cao đã ban hành lệnh tạm hoãn trục xuất và hai mẹ con được thả ra. Một tháng sau đó, người cha quốc tịch Anh của JA đã được ghi tên trong giấy khai sinh của cậu bé.

    Sau một phiên xét xử tại một tòa án trung tâm London, TR và JA đã được đền bù lần lượt 20,000 và 5,000 bảng vì bị giam giữ nhầm.

    Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã kháng cáo lại quyết định này của tòa án với lý lẽ cho rằng quan tòa đã mắc sai lầm khi kết luận JA không thể bị tạm giữ vì là công dân Anh.

    Trong phiên xét xử kháng nghị này, quan tòa Judith Farbey đã xử thắng kiện cho Bộ Nội vụ bởi lẽ tại thời điểm bị tạm giữ, chưa có bằng chứng chứng minh JA là công dân Anh và vì thế, Bộ Nội vụ hoàn toàn có cơ sở để cân nhắc việc trục xuất cậu bé.

    Quan tòa nói: “Nếu quốc tịch của một cá nhân còn chưa rõ ràng, người đó có trách nhiệm phải chứng minh mình là người Anh để tránh việc mất quyền tự do theo bộ luật 1971.”

    Tuy nhiên, quan tòa Farbey cũng cho phép phía gia đình được tiếp tục kháng nghị sau khi luật sư của họ, bà Amanda Weston, tranh luận rằng nếu Bộ không có quyền trục xuất JA, một công dân Anh, và vì cậu bé còn đang bú mẹ, mẹ của cậu bé cũng không thể bị trục xuất.

    Quan tòa chỉ đạo đưa vụ án trở lại tòa án cấp thấp hơn và xét xử lại tại đây để có phán quyết mới.

    Giờ đây, cậu bé đã chín tuổi. Mẹ cậu bé đến Anh vào ngày 6 tháng Mười năm 2007 và được cho phép lưu lại Anh đến ngày 9 tháng Một năm 2008. Cô đã ở lại quá hạn và vẫn lưu lại Anh.

    JA ra đời vào tháng Chín năm 2009. Ban đầu, giấy khai sinh của cậu bé chỉ ghi tên người mẹ là TR mà không có tên cha.

    Vào ngày 23 tháng Mười năm 2009, TR nộp đơn xin tị nạn và vào ngày 12 tháng Một năm 2010, Bộ Nội vụ từ chối đơn này.

    ISA nộp đơn xin đại diện cho hai mẹ con vào tháng Tư năm 2010, nhưng JA và TR đã bị tạm giữ trong khoảng từ ngày 9 đến 21 tháng Năm năm 2010.

    Phiên tòa tại tòa án địa phương diễn ra vào tháng Mười năm 2017 và phiên tòa kháng cáo diễn ra vào tháng Mười năm ngoái.

    VietHome (Theo Guardian)

  • Nhiều người châu Phi đến Nga theo diện visa cổ động viên trong đợt World Cup 2018, nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để nhập cư và làm việc. Nhưng chính quyền đang ráo riết trục xuất họ.

    Trong một căn hộ chật chội ở ngoại ô Moscow, Lamin không có nhiều thứ ngoài quần áo và cuốn Kinh Thánh mà anh mang theo khi đến Nga với visa World Cup tạm thời vào hè năm ngoái.

    Chỉ có 33 người được trao giấy tờ tị nạn ở Nga năm 2017. Ảnh: AFP.

    Thanh niên 23 tuổi người Gambia ở trong căn hộ 2 phòng với 9 người khác – trong đó, trẻ nhất là bé gái mới sinh, con của một bạn cùng phòng người Congo.

    Cũng như hàng nghìn người châu Phi khác, Lamin đến Nga vào giải bóng đá thế giới với giấy tờ dạng “Fan ID”, cho phép khán giả World Cup vào Nga dễ dàng hơn so với quy định visa thông thường.

    Trong khi đa số đến Nga chỉ để xem bóng đá, những người khác dự định ở lại và đi làm.

    Một số người nghĩ rằng họ có thể xin tị nạn ở Nga, hoặc Nga có thể là bước đệm để họ tìm đến cuộc sống mới ở châu Âu.

    Nhưng 8 tháng sau khi Pháp đánh bại Croatia để đăng quang ngôi vô địch thế giới vào tháng 7/2018, những hy vọng của những người châu Phi nói trên bị dập tắt khi Bộ trưởng Nội vụ Nga nói nước này sẽ tăng cường các biện pháp trục xuất những vị khách ở quá hạn visa trước cuối tháng 3/2019.

    Lamin, thanh niên 23 tuổi người Gambia, là một trong số 12.000 người ở Nga bất hợp pháp sau khi visa cổ động viên cho World Cup 2018 hết hạn. Ảnh: AFP.

    Hi vọng tị nạn mong manh

    Lamin (chỉ là tên dùng cho công việc) nói anh cần phải rời khỏi xung đột với gia đình ở Gambia vì mạng sống của anh bị đe dọa. Một bạn của anh ở nhà thờ nói Nga là nơi dễ vào trong thời gian tổ chức World Cup.

    Nhưng sau khi đến đây, mọi chuyện không hề dễ dàng.

    “Tôi không biết gì, tôi không có nơi nào để ở, cuộc sống rất khó khăn”, anh nói.

    Cựu sinh viên ngành quản lý sau cùng nhận được sự hỗ trợ của một người nhập cư người Liberia, cho anh ăn và ở nhờ trong căn hộ.

    Nhưng trong một cuộc trấn áp vào tháng trước, cảnh sát phát hiện người Liberia kia không có giấy tờ, và đã trục xuất người này.

    “Tôi không biết sắp tới sẽ ra sao. Tôi rất sợ”, theo Lamin, người đã được cho phép ở tạm cho đến giữa tháng 3.

    Với sự giúp đỡ của Ủy ban Hỗ trợ Công dân, một tổ chức làm việc với người tị nạn ở Nga, ông đã nộp đơn xin tị nạn vĩnh viễn.

    Nhưng có rất ít hi vọng xin được tị nạn. Số liệu chính thức cho thấy năm 2017, Nga đã trao giấy tờ tị nạn đầy đủ cho chỉ 33 người.

    Làn sóng nhập cư

    “Giấy phép cổ động viên” ban đầu chỉ có giá trị trong giai đoạn World Cup, nhưng Tổng thống Vladimir Putin sau đó tuyên bố các giấy tờ này có thể được sử dụng để nhập cảnh nhiều lần cho đến hết năm 2018.

    Tháng trước, quan chức bộ nội vụ Andrei Krayushkin cho biết 12.000 người đã ở lại bất hợp pháp sau khi hết năm.

    Nhưng lực lượng an ninh cho đến nay đã trấn áp và giảm con số đó xuống 5.500 người, ông nói trong một cuộc họp báo.

    Daniel, người làm việc với di dân châu Phi ở Moscow trong 10 năm, nhưng muốn giấu kín họ cũng như nơi làm việc của mình, nói World Cup đã mang đến làn sóng di dân lớn nhất mà ông từng thấy.

    “Khi họ đến đây, họ bị mắc kẹt. Họ không muốn quay về, nhưng họ cũng không thể đi tiếp”, ông nói với AFP.

    “Hầu hết không nói tiếng Nga, và nếu không biết tiếng Nga, cơ hội tìm được việc là rất nhỏ”.

    Các nhóm hoạt động nói hầu hết di dân châu Phi không nói tiếng Nga, và vì vậy họ khó có thể tìm được việc: Ảnh: AFP.

    Một người nhập cư như vậy là Solomon, đến trong kỳ World Cup để cổ vũ cho Nigeria, đội nhà của anh. Anh đã có kế hoạch từ trước là ở lại Nga sau giải đấu.

    Lúc đầu, người đàn ông 31 tuổi này tìm được việc làm vườn, nhưng bây giờ đang thất nghiệp.

    “Ở Nigeria, không có việc làm, chính trị rất tệ, cuộc sống không tốt”, người tốt nghiệp ngành kỹ sư nói với AFP.

    “Tôi chỉ muốn ở đây một thời gian, để làm việc, kiếm chút tiền, và chuyển đi nơi khác”.

    Anh ta “rất lo lắng” về thời hạn cuối tháng 3 mà Bộ Nội vụ đã công bố, nhưng nói rằng anh không định tự mình rời khỏi Nga.

    Nạn nhân buôn người

    Một số ít người trong các hoàn cảnh đặc biệt đã được cho phép ở lại sau tháng 3.

    Victoria đến từ Nigeria theo giấy tờ World Cup, với kế hoạch học tập ở Nga, nhưng khi đến nơi, cô gái 22 tuổi mới nhận ra mình đã bị buôn bán vào giới mại dâm.

    Một phụ nữ đã đến gặp cô tại sân bay, đưa cô về một căn hộ và bảo cô cởi bỏ quần áo.

    “Cô ấy lấy hộ chiếu và Fan ID của tôi”, Victoria nói.

    Lamin, thanh niên người Gambia, không có nhiều thứ ngoài quần áo và cuốn Kinh Thánh mà anh mang theo khi đến Nga. Ảnh: AFP.

    Sau khi bị buộc làm gái mại dâm, Victoria đã liên lạc với tổ chức phi chính phủ chống buôn người Alternativa và tìm cách trốn thoát.

    Tổ chức này đã giúp cô xin được giấy tờ để ở lại Nga cho đến mùa hè, và cô đã xin được việc ở một cửa hàng sửa giày.

    “Tôi muốn ở lại Nga”, cô nói với AFP tại văn phòng của tổ chức tại trung tâm Moscow.

    “Không phải ở lại vĩnh viễn - tôi chỉ muốn có một số tiền, để ít ra khi về Nigeria, tôi có thể bắt đầu kinh doanh”.

    Nhưng những người khác bị buôn bán và đẩy vào con đường mại dâm, như Progress, 20 tuổi, vẫn trong tình trạng lấp lửng. Alternativa đang làm đơn xin gia hạn “để tôi có thể ở lại Nga”, cô gái trẻ người Nigeria nói với AFP.

    “Rất nhiều cô gái đi cùng tôi vẫn đang phải hành nghề. Họ quá sợ và không dám bỏ đi”, cô nói.

    Viethome (theo Zing)

  • Chương trình Right to Rent vốn gây nhiều tranh cãi của chính phủ đã được Tòa án Tối cao kết luận là gây ra nạn phân biệt chủng tộc và vi phạm nhân quyền.

    Chương trình này yêu cầu các chủ nhà phải kiểm tra tình trạng nhập cư của người muốn thuê nhà, và hành động này được xác nhận là vi phạm Công ước Châu Âu về Nhân quyền.

    Quan tòa Martin Spencer nhận định chính sách này khiến các chủ nhà kỳ thị cả người da màu, người thiểu số mang quốc tịch Anh và công dân nước ngoài ở Anh.

    Ông cũng cho rằng việc thực hiện chương trình này ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ai-len mà không có đánh giá kỹ càng hơn là việc làm “thiếu căn cứ” và vi phạm quyền bình đẳng.

    “Các chứng cứ chứng minh rõ rằng các chủ nhà không chỉ phân biệt đối xử với người muốn thuê nhà vì quốc tịch và nguồn gốc của họ mà còn làm vậy vì chương trình này,” ông Spencer nói.

    “Theo quan điểm của tôi, chương trình này của chính phủ không chỉ đơn thuần khiến các chủ nhà có cơ hội để phân biệt đối xử mà còn bắt họ phải làm vậy.”

    Những thay đổi bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016 yêu cầu các chủ nhà phải kiểm tra tình trạng nhập cư của người muốn thuê nhà, nếu không họ sẽ phải đối mặt với những khoản phạt không giới hạn hoặc thậm chí án tù nếu cho người nhập cư không có giấy tờ thuê nhà.

    Ông Spencer nói bảng tự đánh giá của chính phủ đối với Right to Rent đã “không hề xem xét vấn đề phân biệt đối xử vì quốc tịch, mà chỉ đánh giá trên phương diện sắc tộc”, dù cho đó là một hệ quả hoàn toàn logic và tất yếu.

    “Những phương thức tránh nạn phân biệt đối xử của chính phủ, bao gồm hướng dẫn trực tuyến, tư vấn qua điện thoại và bộ quy tắc ứng xử, đã được chứng minh là không hề có hiệu quả,” ông nhận xét.

    “Chính phủ không thể giũ bỏ mọi trách nhiệm đối với nạn phân biệt đối xử đang diễn ra bằng cách biện hộ rằng hành động đó là của những người chủ nhà và đi ngược lại với mục đích của chương trình.”

    Quan tòa nhận thấy Right to Rent hầu như không có hiệu quả trong việc kiểm soát vấn đề nhập cư và Bộ Nội vụ cũng không chứng minh được hiệu quả của nó.

    Vụ việc được đưa ra trước pháp luật bởi Hiệp hội Chủ nhà RLA và Hội đồng Nhập cư JCWI. Họ gọi Right to Rent là hành động thể hiện rõ “chính sách môi trường thiếu thân thiện của bà Theresa May.”

    Ông Chai Patel, giám đốc chính sách pháp lý của JCWI, phát biểu: “Giờ đây, khi tòa án đã xác nhận chính sách của bà May gây ra phân biệt đối xử, chính phủ phải ngay lập tức hành động để xử lý nó.

    “Nhưng chúng ta đều biết rằng những hành vi phân biệt đối xử như thế này, bắt nguồn từ việc biến các cá nhân trở thành những người giám sát biên giới, ảnh hưởng tới hầu hết các mặt của cuộc sống – nó đang lan đến các ngân hàng, bệnh viện và cả trường học. Phán quyết ngày hôm nay chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm và chứng minh lý do tại sao chính sách môi trường thiếu thân thiện cần bị hủy bỏ.”

    RLA cũng chỉ ra rằng hơn một nửa chủ nhà không muốn cho những người chỉ được lưu lại Anh có thời hạn thuê nhà, trong khi 20% cho biết họ không sẵn sàng cho người có quốc tịch EU hoặc EEA thuê.

    Ông Jon Sparkes, giám đốc điều hành tổ chức từ thiện nhà ở Crisis, kêu gọi chính phủ hủy bỏ chương trình Right to Rent trong bối cảnh tỷ lệ người vô gia cư ngày càng tăng cao.

    “Hàng ngày, các nhân viên của chúng tôi đều nghe được những nỗi khốn khó mà người vô gia cư đang phải trải qua khi cố gắng tìm một chỗ ở,” ông nói.

    “Việc này càng khó hơn nếu một người phải chứng minh tình trạng nhập cư của họ, đặc biệt là khi những giấy tờ như hộ chiếu đã bị mất trong quá trình họ ngủ ngoài đường, khi họ liên tục di chuyển từ nhà trọ này qua nhà nghỉ khác, hoặc khi chạy trốn khỏi nạn bạo hành gia đình  - và việc xin cấp lại vô cùng đắt đỏ.”

    Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết một cuộc điều tra độc lập cho thấy “không có dấu hiệu của nạn phân biệt có hệ thống.”

    “Chúng tôi rất thất vọng với phán quyết này và chúng tôi đã được cho phép kháng nghị,” phát ngôn viên nói.

    VietHome (Theo Independent) 

  • Séc đang lên kế hoạch cho một chương trình trao trả người di cư: trả tiền để họ trở về quê hương của họ.

    Người nước ngoài tự nguyện rời khỏi Séc và hứa sẽ không quay trở lại có thể được nhận tới 4,000 euro, tương đương 100,000 korun. Không chỉ những người rời khỏi Séc, mà nói chung những người rời khỏi Liên minh châu Âu.

    Bộ Nội vụ sẽ thực hiện chương trình ''Trả về'', trong đó bộ sẽ tài trợ cho sự trở về quê hương của người di cư và cũng là sự hòa nhập của họ với xã hội nơi mà từ đó họ đã ra đi. 

    Dự án nhằm vào tất cả các người dân mang quốc tịch nước ngoài, cho dù ở trên lãnh thổ Séc bất hợp pháp hoặc là người xin tị nạn.

    Dự án được phân bổ 60 triệu korun. Ba phần tư số tiền này sẽ được Liên minh châu Âu thanh toán từ Quỹ tị nạn, di cư và hội nhập, và phần còn lại sẽ do Bộ chi. Một người ghi danh vào chương trình tái hòa nhập có thể nhận được hỗ trợ từ 1,500 đến 4,000 euro, tức là khoảng 38,000 đến 102,000 korun.

    Số tiền này chủ yếu nhằm trang trải chi phí đi lại và để đảm bảo người di cư sau khi trở về có chỗ ở và các trang thiết bị gia đình. Những người di cư tham gia chương trình cũng có thể sử dụng chúng để mua vật nuôi.

    Các chương trình trở về tự nguyện cũng được tổ chức bởi các quốc gia EU khác. Mục đích là để khuyến khích những người di cư rời đi, những người mà các quốc gia không muốn họ ở trên lãnh thổ của mình và những người mà đơn xin tị nạn của họ sẽ bị từ chối.

    Nhiều người di cư không được tị nạn và được lệnh rời khỏi đất nước vẫn ở lại châu Âu. Họ lẩn tránh trục xuất.

    Theo thống kê của Ủy ban châu Âu, chỉ 40 phần trăm những người xin tị nạn bị từ chối bị trục xuất khỏi các nước châu Âu.

    Việc nhà nước không thể ''đuổi'' những người nhập cư bị trục xuất về nước họ sẽ tự nhiên thu hút những người nhập cư khác. Nó làm tăng cơ hội cuối cùng của họ được ở lại châu Âu. Nếu họ không được tị nạn, họ có thể hy vọng rằng quyền lực nhà nước sẽ không thể ép họ lên máy bay đưa họ trở về nước họ.

    Dùng tiền của những người nộp thuế để đem cho người tị nạn trở về có thể làm nhiều người bực tức. Nhưng đó có thể được coi là một giải pháp ''rẻ'' vì trục xuất thường đắt hơn.

    Tờ tạp chí Der Spiegel đã mô tả việc trục xuất cưỡng bức 3 người Guinea ở Tây Phi đi cùng với một tá cảnh sát và một bác sĩ trên máy bay từ Berlin đến Conakry, Guinea. Việc trục xuất chỉ 3 người châu Phi này đã lấy của những người nộp thuế ở Đức tới 80,000 euro, tương đương 2 triệu korun.

    Người phát ngôn Bộ nội vụ cảnh báo rằng ngoài việc trục xuất, đặc biệt thủ tục hành chính và thanh toán chăm sóc sức khỏe từ các nguồn công rất tốn kém để giam giữ một người nước ngoài bất hợp pháp.

    Dự án sẽ được bắt đầu vào tháng 4. Bộ nội vụ sẽ có một chiến dịch thông tin qua các mạng xã hội và in tờ rơi. Dự tính rằng người Afghanistan, Ấn Độ, Iraq, Iran, Mông Cổ, Nigeria, Pakistan, Nga, Uzbek và Việt Nam có thể đăng ký chương trình tự nguyện trở về này.

    Sự trở về đầu tiên của người nước ngoài được trợ cấp sẽ bắt đầu vào quý 3 năm 2019.

    Tuy nhiên người di cư sẽ không được nhận ngay số tiền này. Họ sẽ được phân phối bởi các tổ chức phi lợi nhuận. Bộ nội vụ, trên trang web của mình kêu gọi người di cư đăng nhập vào chương trình „Trả về“. Bộ sẽ chọn một tổ chức để phụ trách dự án.

    Không rõ có bao nhiêu người di cư sẽ sử dụng chương trình này. Tổng số 60 triệu korun có thể chỉ đủ cho khoảng 3 đến 4 ngàn người. Tuy nhiên, đối với họ một ngàn đến bốn ngàn euro sẽ là đủ động lực.

    Viethome (theo secviet)