Sốc: Sinh viên ĐH Huddersfield phải nhường kí túc xá cho người xin tị nạn

ki tuc xa dai hoc huddersfield
Khu kí túc xá HD1 được mô tả là một "dãy nhà xa xỉ". Ảnh: Google Maps

168 sinh viên đại học đã được yêu cầu tìm chỗ ở mới sau khi một dãy kí túc xá bị Bộ Nội Vụ thuê để làm chỗ ở cho người xin tị nạn. 

Dãy căn hộ studio HD1 ở Huddersfield vốn sẽ trở thành nơi cư trú của 168 sinh viên trong niên học mới, theo Công ty quản lý Nhà ở Sinh viên Prestige Student Living. 

Tuy nhiên, Bộ Nội Vụ đã quyết định dùng dãy nhà 405 giường ngủ này để chứa những người xin tị nạn. Dãy nhà này chỉ cách trường đại học một quãng đi bộ ngắn. 

Người phát ngôn của Prestige Student Living cho biết: "Hudd Student Management, chủ sở hữu của dãy nhà HD1, đã thông báo rằng tòa nhà sẽ không mở cửa cho sinh viên vào tháng 9 này. Quyết định này vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Chúng tôi đã ngay lập tức thông báo với sinh viên và giúp các em tìm chỗ ở khác tại Huddersfield, cũng như hoàn trả số tiền mà các em đã đóng. Chúng tôi vô cùng thông cảm với những sinh viên bị ảnh hưởng và sẽ cố hết sức hỗ trợ". 

Hiện chủ sở hữu tòa nhà HD1 vẫn chưa phản hồi phóng viên ITV News. 

Chính phủ đã phải thuê khách sạn và các tòa nhà khác để làm chỗ ở khẩn cấp cho người xin tị nạn giữa lúc số hồ sơ xin tị nạn tồn đọng tăng cao kỉ lục. 

Người phát ngôn Bộ Nội Vụ cho biết: "Chúng tôi luôn cố gắng đi trước để sẵn sàng cho những áp lực khủng khiếp đè nặng lên hệ thống tị nạn, do số lượng người di cư bất hợp pháp đến UK không ngừng tăng. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để tìm kiếm thêm những chỗ ở mới".

Bộ trưởng nhập cư bên phía Đảng Lao Động, ông Stephen Kinnock, cho rằng giờ đây đến lượt sinh viên phải "trả giá cho sự phụ thuộc của chính phủ vào loại hình nhà ở khẩn cấp".

"Số lượng hồ sơ xin tị nạn đã tăng bùng nổ từ 19,000 vào năm 2010 lên đến 175,000 hồ sơ ở thì hiện tại. Chi phí nhà ở hàng năm đã tăng gấp 8 lần lên tới 4 tỉ bảng", ông nói.

Chính phủ sắp tốn đến 5 tỉ bảng mỗi năm để sắp xếp chỗ ở cho người xin tị nạn

Chi phí cung cấp chỗ ở cho người xin tị nạn sẽ tăng lên hơn 5 tỉ bảng/năm tính đến cuối nhiệm kì chính phủ tới, giữa lúc chính sách chống nhập cư mới của chính phủ sẽ làm tăng thêm hàng ngàn trường hợp người xin tị nạn phải chờ đợi vô thời hạn. 

Bên cạnh áp lực phải chặn cơn lũ xuồng nhỏ tràn vào UK, chính quyền Rishi Sunak còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lan rộng do Bộ Luật chống Nhập cư Bất hợp pháp (Illegal Migration Act) gây ra. 

Các Chuyên gia nghiên cứu Chính sách công (IPPR) cho rằng số lượng người chưa bị buộc rời khỏi UK sẽ tăng lên, nhưng không có gì bảo đảm họ sẽ đậu tị nạn và được quyền làm việc. 

Báo cáo được công bố chỉ vài giờ sau khi ông Sunak nói rằng ông không thể ngăn chặn hết xuồng nhỏ trước kì bầu cử sắp tới, mặc dù số lượng xuồng nhỏ vượt eo biển đã giảm so với năm ngoái. 

5 ti nguoi ti nan
Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố ông không thể chặn hết xuồng hơi trước kì bầu cử sắp tới. Ảnh: Dan Kitwood/Getty Images

Ông Sunak cho rằng "Thật bất công khi những người đóng thuế ở UK phải chịu cảnh bị móc túi hàng tỉ bảng để cung cấp chỗ ở cho những người nhập cư bất hợp pháp".

Trong một báo cáo, IPPR nói rằng số người đến UK bằng xuồng đã tăng chóng mặt trong 5 năm qua, lên tới hàng trăm ngàn người. Hiện số hồ sơ tị nạn tồn đọng lên tới 130,000 hồ sơ. Chi phí trợ cấp cho người tị nạn lên tới 3.5 tỉ bảng/năm và sẽ còn tăng cao hơn.

Theo Bộ luật Chống nhập cư Bất hợp pháp, người nhập cư tới UK bằng hình thức bất hợp pháp sẽ không qua được ải xét duyệt, nhưng luật quốc tế không cho phép trục xuất họ về quê hương, do đó họ sẽ bị trục xuất tới Rwanda hoặc một nước thứ ba. Tuy nhiên các thẩm phán lại cho rằng chính sách này là trái luật. "Đi không xong, ở cũng không được", đó là tình hình chung của người nhập cư bất hợp pháp.

Dù chính phủ có dự tính trục xuất được 500 người mỗi tháng đến các lãnh thổ hải ngoại, thì chi phí chỗ ở hàng tháng cho người tị nạn cũng vẫn hơn 5 tỉ bảng mỗi năm trong 5 năm tới. Con số này có thể tăng lên hơn 6 tỉ bảng mỗi năm nếu số người bị trục xuất chỉ dưới 50 người/tháng.

Thực tế có rất ít người bị trục xuất đến quốc gia thứ 3, dù chính sách Rwanda có được công nhận hợp pháp. 

Marley Morris thuộc IPPR cho biết: "Thậm chí khi Luật chống Nhập cư Bất hợp pháp được thực thi đầy đủ, thì số người đến bằng xuồng nhỏ vẫn áp đảo số người bị trục xuất. Nghĩa là sẽ ngày càng nhiều người bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, gia tăng áp lực khổng lồ lên bộ máy nhà ở và trợ cấp của Bộ Nội Vụ. Hơn nữa, hàng ngàn người có nguy cơ mất tích khỏi nơi ở, bị bóc lột và áp bức".

Viethome (theo ITV News)