Người VN xin tị nạn ở Anh có thể chống lại lệnh đi Rwanda?

chuyen bay ti nạn
Chuyến bay bị hủy: Chiếc phi cơ này đã bị chặn, không thể cất cánh đưa người xin tị nạn tới Rwanda hồi tháng 6/2022. Ảnh: AP

Tòa án Tối cao Vương quốc Anh sẽ cân nhắc kế hoạch gây tranh cãi của chính phủ, theo đó muốn đưa một số người xin tị nạn đến Rwanda.

Kết quả cuối cùng còn lâu mới ngã ngũ. Nhìn chung, vấn đề rất phức tạp. Hãy nhìn lại một chút những gì đã diễn ra.

Anh quốc là thành viên Công ước Người tị nạn - là luật quốc tế theo đó quy định Anh sẽ xem xét các trường hợp đến nước này xin tị nạn. Để xin được tị nạn ở Anh là chuyện rất khó, cho nên ngày càng nhiều người tìm cách dựa vào những kẻ buôn người để vào Anh.

Tháng Tư năm ngoái, chính phủ ký với Rwanda để quốc gia châu Phi này đồng ý nhận một số người xin tị nạn từ Anh gửi tới. Cho đến nay, Rwanda đã được trả 140 triệu bảng cho thỏa thuận này – và vẫn chưa rõ họ sẽ tiếp nhận bao nhiêu người.

Năm 2022, Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó là bà Priti Patel đã hạ lệnh đưa 47 người vượt biển từ Pháp vào Anh lên chuyến bay đầu tiên đi Rwanda. Con số đó cuối cùng giảm xuống chỉ còn lại bảy vào ngày khởi hành, theo kế hoạch là ngày 14/6.

Tuy nhiên, chuyến bay đã bị hủy bỏ phút chót do lệnh dừng từ Tòa Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg. Tòa nói các thẩm phán Anh cần phải có thời gian để đánh giá đầy đủ chính sách này.

Nhóm người xin tị nạn lẽ ra đã sang Rwanda là ai?

Mỗi người trong nhóm lẽ ra đã lên chuyến bay tháng Sáu năm ngoái đều có những hoàn cảnh rất khác nhau.

Ba người Syria bỏ chạy khỏi nước để tránh bị bắt vào lực lượng vũ trang ở quốc gia đang xảy ra nội chiến hỗn loạn.

Một người Iran nói ông ta đã bị cảnh sát bắn vì tham gia chiến dịch chính trị chống chế độ.

Một người Iraq lo sợ bị giết sau khi phát hiện ra vợ mình lên giường với vệ sĩ của một lãnh đạo cơ quan tình báo đầy quyền lực.

Một người Việt, được nêu tên viết tắt là HTN, chạy sang châu Âu sau khi lâm vào cảnh nợ nần dẫn đến bị dọa giết, theo lời khai của ông ta. Ban đầu ông ta tới Ukraine, bị cuốn vòng xoáy chiến tranh nên đã tìm đường sang Anh.

Một người Iran khác nói với giới chức Anh rằng ông ta đã được trao quy chế bảo hộ tị nạn ở Hy Lạp hai năm trước đó nhưng ông và con trai đã rời Hy Lạp, nộp đơn lại ở Đức và sau đó mới đến Anh.

Tòa Tối cao đã ra phán quyết rằng không ai trong số những người đàn ông này có cơ hội trình bày vụ việc của mình trước khi họ được đưa vào danh sách đi Rwanda.

Vì vậy, mặc dù tòa đã quyết định vào tháng 12 năm ngoái rằng kế hoạch đưa người tị nạn đi Rwanda là hợp pháp, nhưng đến thời điểm đó, Bộ trưởng Nội vụ đã không đưa ai đi được.

Vụ việc sau đó được chuyển lên Tòa Phúc thẩm - mọi việc trở nên phức tạp hơn đối với chính phủ Anh.

Vào cuối tháng 6, một phán quyết với hai phiếu thuận một phiếu chống của ba thẩm phán nói rằng hệ thống tị nạn của Rwanda có quá nhiều vấn đề, khiến những người xin tị nạn được gửi đến đó có thể bị buộc phải quay trở lại đất nước mà họ đã bỏ trốn ban đầu.

Mà nếu vậy thì Anh sẽ vi phạm lệnh cấm quốc tế về việc đẩy người vào nguy cơ bị tra tấn - một phần của Công ước Châu Âu về Nhân quyền.

Vị thẩm phán duy nhất không đồng ý - Chánh án lúc bấy giờ - nói rằng đó là thứ rủi ro không thực tế.

Bây giờ tình hình thế nào?

Nay, Tòa Tối cao sẽ xem xét ai đúng trong việc thẩm định, đánh giá pháp lý đối với hệ thống tị nạn Rwanda và nguy cơ bị tra tấn.

Nếu Tòa Tối cao đồng ý với Tòa phúc thẩm, thì kế hoạch Rwanda như hiện nay sẽ chết. Phán quyết đó sẽ có tác động tới bất kỳ thỏa thuận thay thế nào sau này nhằm đưa người đến các quốc gia khác nhau.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ thắng?

Về lý thuyết, các bộ trưởng chỉ cần thông báo trước 12 ngày để đưa một chuyến bay tới Rwanda. Trong thực tế có thể mất nhiều thời gian hơn - lâu hơn rất nhiều.

Các cá nhân trên - hoặc những người khác sau này được trao vé bay đi Rwanda - có thể đâm đơn ra Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR) để trình bày về vụ việc cụ thể của mình.

Thế nhưng liệu Tòa Nhân quyền Châu Âu có sẵn sàng can thiệp lần nữa không?

Tòa án ở Strasbourg đã can thiệp rất cụ thể vào năm ngoái vì có khiếu nại rằng các thẩm phán Anh không có đủ thời gian thích hợp để xem xét kế hoạch này.

Để đưa vụ việc ra tòa, đương đơn nay sẽ phải chứng minh được rằng các thẩm phán Anh đã không xem xét tất cả các vấn đề nhân quyền tuy đã có thời gian 16 tháng tranh luận tại tòa.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tòa Strasbourg lại cố gắng chặn chuyến bay lần nữa?

Bộ trưởng Nội vụ Anh có thể sẽ có một quân bài khác.

Bà ấy có một quyền lực mới chưa được kiểm chứng, đó là dựa vào Đạo luật Di cư Bất hợp pháp mới được thông qua gần đây để phớt lờ lệnh cản tạm thời từ ECtHR.

Thế nhưng việc nỗ lực sử dụng quyền đó có thể sẽ lại dẫn đến những thách thức mới cho chính phủ Anh.

Theo BBC Tiếng Việt