• Để hiểu rõ thêm về làn sóng người di cư và tị nạn đang bùng nổ tại các nước biên giới Châu Âu, hãy tìm hiểu về sự khác nhau giữa mục đích rời bỏ quê hương của cộng đồng này.

    Hình ảnh những con người sống trong sự bẩn thỉu nhơ nhuốc tại các bến tàu Budapest, hay ngày ngày mạo hiểm trèo qua hàng rào thép ở biên giới Hungary, hoặc vạ vật qua ngày ở Calais, Pháp đã tràn ngập trên báo đài suốt nhiều năm nay. Thế nhưng, chỉ đến khi hình ảnh xác em bé Syria nằm trên bờ biển Bodrum tại Thổ Nhĩ Kỳ được công bố vào năm 2015, người ta mới thực sự quan tâm đến khủng hoảng tị nạn đang xảy ra bấy lâu nay.

    Nhưng có một vấn đề, bạn có phân biệt được rõ thế nào là dân nhập cư, dân tị nạn và người xin tị nạn? Những từ này đang được sử dụng không nhất quán và thường bị nhầm lẫn. Bài viết sau sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát nhất về 3 bộ phận những người rời bỏ quê hương đi tìm miền đất mới này.

    nguoi ti nan

    1. Dân di cư (migrant) và dân nhập cư (immigrant hoặc emigrant)

    Theo định nghĩa, dân di cư là bộ phận những người chuyển đến định cư tạm thời, hoặc vĩnh viễn từ một khu vực, quốc gia tới một nơi khác sinh sống. Có rất nhiều lý do để người ta di cư, ví dụ như một người đi tới lao động tại địa phương khác, hoặc muốn tìm đến một địa phương tốt hơn cho việc phát triển công việc, những người này gọi là "Di dân kinh tế". Bên cạnh đó, còn có những người di cư vì lý do gia đình, lý do học tập... Còn có những người di cư vì mục đích chạy trốn tranh chấp hoặc trốn khỏi hoàn cảnh bị ngược đãi, nhóm người sẽ được gọi là "dân tị nạn".

    Mặc dù cụm từ "dân di cư" từng mang ý nghĩa trung lập, thế nhưng trong thời gian gần đây cụm từ này dần bị biến tướng, mang ý nghĩa xấu với mục đích công kích và rất nặng mùi thành kiến. Tháng 8/2015, những người vượt Địa Trung Hải đến một vùng đất khác đã không còn được tính là "dân di cư" nữa, bởi theo thống kê của Liên hợp quốc, phần lớn người chết đuối khi cố tiến vào bờ biển Châu Âu đều là người chạy trốn chiến sự, ngược đãi và đói nghèo.

    Tranh cãi cũng nổ ra khi người ta bắt đầu đem so sánh về mặt thuật ngữ giữa hai cụm từ "dân di cư" và "dân nhập cư". Ý nghĩa chung của từ di cư là hành động chuyển tới định cư tại một địa phương khác, trong khi "nhập cư" lại có phạm trù ý nghĩa nhỏ hơn, chỉ là một người chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác với mục đích sinh sống vĩnh viễn. 

    Theo thống kê từ Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), ước tính trong năm 2013 đã có tới 232 triệu người, tương đương 3,2% dân số thế giới sống ngoài quốc gia nơi họ sinh ra. Tỷ lệ di cư trong nước tại các quốc gia cũng ngày càng tăng mạnh.

    2. Dân tị nạn (refugee)

    Một người được tính là dân tị nạn khi họ buộc phải rời bỏ quốc gia đang sinh sống nhằm mục đích chạy trốn khỏi chiến tranh, sự ngược đãi, hoặc thảm họa thiên nhiên. Năm 1951, Công ước về vị thế của người tị nạn ra đời, chỉ rõ định nghĩa về thế nào là một người tị nạn, quyền lợi của họ ra sao và nghĩa vụ pháp lý của họ là gì.

    Theo Công ước, định nghĩa về người tị nạn là: "Một người có sự sợ hãi có cơ sở bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, hoặc do là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó, hay vì quan điểm chính trị, đang ở ngoài đất nước mà người đó có quốc tịch và không thể, hoặc, do sự sợ hãi như­ vậy, không muốn tiếp nhận sự bảo vệ của quốc gia đó; hoặc người không có quốc tịch đang sống ở ngoài quốc gia mà trước đó hä đã từng cư trú do kết quả của những sự kiện đó mà không thể, hoặc do sự sợ hãi, mà không muốn trở lại quốc gia đó."

    Không một thời điểm nào trong lịch sử lại chứng kiến cảnh nhiều người buộc phải rời khỏi tổ ấm của mình tìm một vùng đất mới để tránh chiến tranh, ngược đãi hơn thời điểm hiện tại. Theo số liệu từ Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc, số người phải rời khỏi nơi sinh sống tính đến cuối năm 2014 đã chạm tới con số 59.5 triệu người, trong khi 1 thập kỷ trước con số đó chỉ là 37.5 triệu người, chủ yếu do động đất núi lửa, khủng hoảng chính trị, quân sự gia tăng tại các nước Châu Phi, Trung Đông, Châu Âu, Châu Á.

    Một trong những hệ quả rõ ràng nhất trong việc xung đột leo thang trên thế giới đó là người dân tại các nước bất ổn buộc phải tìm những biện pháp liều lĩnh nhất để thoát khỏi quốc gia mình đang sinh sống tới một vùng đất mới, phổ biến nhất là sử dụng thuyền băng qua đại dương. Ít nhất đã có 2000 người chết khi cô băng qua Địa Trung Hải tới các nước Châu Âu trong năm 2015.

    3. Người xin tị nạn (asylum seeker)

    Đây là những người đang đệ đơn tới một quốc gia để xin được tị nạn và đang đợi quyết định chính thức từ chính quyền nước nộp đơn sẽ chấp nhận hay từ chối họ. Nếu đơn xin tị nạn bị từ chối, hoặc người đệ đơn không thỉnh cầu được hưởng sự bảo vệ trong lúc chờ quyết định khác, họ sẽ phải tự nguyện rời khỏi nước sở tại trở về quốc gia mà họ mang quốc tịch, hoặc sẽ bị buộc phải về nước. Thông thường, khi tình hình quốc gia chưa có chuyển biến tốt, việc trở về này sẽ rất nguy hiểm. 

    Một điều quan trọng khác, những người xin tị nạn đã từng có tiền án sử dụng hộ chiếu giả, hoặc cố tình trốn khỏi đất nước thông qua đường du lịch sẽ không có nhiều cơ hội được chấp thuận đơn xin tị nạn. Gia đình cậu bé Aylan chính là một trường hợp tiêu biểu cho việc bị từ chối đơn xin tị nạn. Chị gái của anh Abdullah, cô Teema Kurdi đã tài trợ cho gia đình 4 người tới Canada tị nạn và đoàn tụ với mình, tuy nhiên do một số sự phức tạp trong tình hình Thổ Nhĩ Kỳ, visa đã không đến tay gia đình Syria. Đây chính là nguyên nhân khiến họ phải liều lĩnh sử dụng thuyền cao su vượt Địa Trung Hải, mong tới được đảo Kos, Hi Lạp nhưng không may gặp bi kịch khi chỉ mới ra khơi được 4 phút.

    Theo các báo cáo, quốc gia có nhiều người xin tị nạn nhất là Đức, với khoảng 173.000 người nộp đơn. Mỹ đứng thứ hai với 121.000 đơn xin tị nạn được gửi đến, trong khi đó con số này ở Anh là 31.300 người, chiếm khoảng 0.24% dân số đảo quốc sương mù. Cuối năm 2014, tại Anh tổng cộng có 117.161 người tị nạn, 36.383 đơn xin tị nạn đang chờ giải quyết và 16 người không rõ vị thế. 

    Phần lớn số người tị nạn sẽ ở lại quốc gia mà họ tới, cũng có nghĩa là 86% số người tị nạn đang "trọ" tại các nước đang phát triển.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Số lượng người xin được tị nạn ở Anh và phải đợi ít nhất sáu tháng để nhận được quyết định đang tăng cao kỷ lục.

    Những người đã phải trốn chạy khỏi chiến tranh, nguy hiểm và mất đi mọi thứ xứng đáng được nhận những điều tốt hơn thế này. Thất bại trong việc đưa ra kết quả tị nạn đúng hạn là dấu hiệu của một hệ thống tị nạn coi thường con người và làm hại những người phụ thuộc vào nó. Hệ thống này ngăn cản những con người khốn khổ được nhanh chóng xây dựng lại cuộc sống và đóng góp sức mình cho xã hội Anh.

    Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid

    Hãy đặt mình vào vị trí của họ. Hãy tưởng tượng những đau khổ và căng thẳng họ đã phải trải qua khi cố gắng thoát khỏi những hoàn cảnh kinh hoàng đến không tưởng. Để rồi sau tất cả, họ lại bị một hệ thống trì trệ níu chân, nó đòi hỏi quá nhiều ở họ trong khi không thể đáp ứng những tiêu chuẩn hiệu quả và nhân đạo cơ bản nhất.

    Họ không thể làm việc. Họ không thể sử dụng khả năng của mình. Số tiền 5.39 bảng nhỏ nhoi họ nhận được từ chính phủ mỗi ngày không thể đủ để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, chưa kể đến các nhu cầu đi lại, giáo dục hay mua quần áo cho bản thân và gia đình.

    Họ không biết khi nào sẽ nhận được quyết định – và liệu họ có bị yêu cầu phải quay lại đất nước mà họ vừa trốn khỏi hay không.

    Vào ngày đầu năm mới, tôi đã viết một lá thư ngỏ gửi đến Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid. Tôi đã kinh ngạc trước tuyên bố của ông vào dịp Giáng sinh rằng số lượng ít ỏi những người tị nạn cố gắng vượt qua eo biển Anh là “một vấn đề nghiêm trọng”.

    Tôi hỏi ông ấy rằng ông ấy định làm gì để sửa chữa những sai sót trong hệ thống tị nạn hiện hành. Từ thời điểm đó, dường như ông ấy không hề có động thái sửa đổi nào.

    Câu chuyện của ngày hôm nay là một lời cảnh tỉnh. Từ góc độ người với người, việc người xin tị nạn phải chờ đợi dai dẳng như vậy là không thể chịu đựng hay chấp nhận nổi. Từ góc độ của chính phủ, con số kỷ lục này nên là động lực khiến họ phải hành động.

    Sau đây là vài gợi ý của tôi dành cho ngài Bộ trưởng:

    Quy trình đưa ra quyết định cần được cải tổ. Đồng nghĩa với việc tốc độ cần được đẩy nhanh và quyết định đưa ra cần phải đúng đắn hơn. Tất nhiên, cần có đầu tư để đạt được điều này, nhưng bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ cần coi đó là vấn đề ưu tiên hàng đầu – nhân viên của ông ấy cần hiểu rằng ông ấy coi trọng việc tạo ra một quy trình tị nạn hiệu quả.

    Hiện tại, một phần ba quyết định của Bộ Nội vụ bị người xin tị nạn kháng nghị, dẫn đến việc quyết định ban đầu của họ phải thay đổi.

    Nguyên nhân một phần là bởi sự bất cập của chính hệ thống và một phần bởi người xin tị nạn không được cung cấp thông tin và tư vấn luật pháp mà họ cần để đảm bảo có thể đưa ra hồ sơ hiệu quả nhất ngay lần đầu.

    Một quy trình đánh giá chất lượng cao cần được kết hợp cùng việc tư vấn pháp luật sớm hơn và tốt hơn cho những người nộp hồ sơ.

    Tiếp đến, ông Javid phải ngay lập tức cho người xin tị nạn quyền được làm việc trong vòng nhiều nhất là sáu tháng kể từ khi họ nộp đơn xin tị nạn, và không bị giới hạn bởi những công việc nằm trong danh sách nghề nghiệp thiếu nhân lực (một danh sách vô cùng hạn chế, bao gồm những công việc như vũ công ba-lê cổ điển và nhân viên rác thải hạt nhân).

    Ngăn cản người tị nạn làm việc trong một khoảng thời gian dài như vậy đồng nghĩa với việc gây tổn hại tới sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Nó cũng tước đi của nước Anh rất nhiều người có kỹ năng và tài hoa. Nó cũng là rào cản khiến họ không thể hòa nhập, bởi lẽ công sở chính là nơi chúng ta có thể kết bạn và tìm kiếm kết nối với cộng đồng địa phương.

    Hơn 160 tổ chức, từ TUC tới CBI, Adam Smith Institute tới Crisis, cũng như nhiều nghị sĩ quốc hội đều ủng hộ lời kêu gọi của chúng tôi.

    Cuối cùng, Bộ trưởng Nội vụ cần nhận ra sự thực rằng chính sách người tị nạn duy nhất mà chúng ta có thể tự hào đang đứng trước nguy cơ phải dừng lại. Chương trình Tái Định cư cho người dân Syria của cựu thủ tướng David Cameron là một thành công lớn.

    Tính đến thời điểm này, 14,945 người đã được cho tị nạn thông qua chương trình này. Khi nó kết thúc vào năm 2020, nó sẽ giúp 20,000 người tị nạn, nạn nhân của chiến tranh Syria, được sinh sống ở Anh.

    Đây là con số khiến chúng ta có thể tự hào. Vậy nhưng, khi chúng ta đang đi vào giai đoạn cuối của chương trình này, Bộ Nội vụ vẫn không hề lên tiếng về việc liệu có chương trình nào thay thế sau đó không.

    Chương trình đã bắt đầu nguội dần và nhiều hội đồng cho biết họ không thể cam kết dài lâu về việc đón nhận thêm người tị nạn. Nếu không hành động, cam kết giúp các nạn nhân được tái định cư của nước Anh sẽ quay ngược con số hơn 5,000 người được giúp đỡ mỗi năm về zero.

    Rõ ràng đó sẽ là một con số kỷ lục khác mà chính phủ đang muốn tránh.

    Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy tiếp tục duy trì chương trình này và mở rộng nó cho người dân từ các quốc gia khác – dựa trên nhu cầu hỗ trợ người tị nạn trong bối cảnh xung đột đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.

    Tôi hy vọng rằng bên cạnh việc hành động ngay lập tức để cải thiện hệ thống tị nạn, ông Javid sẽ lắng nghe kêu gọi của chúng tôi và đưa ra cam kết về một chương trình tái định cư khác trước khi quá muộn.

    Stephen Hale OBE

    CEO của Tổ chức Hành động vì Người tị nạn Refugee Action

     

    VietHome (Theo Metro) 

  • Bộ Nội vụ đang bắt đầu tiến hành cung cấp “Bộ câu hỏi khảo sát thông tin sơ bộ” (Preliminary Information Questionnaire) cho một số người vừa xin tị nạn – nhưng hiện bộ câu hỏi này không phải là bắt buộc cho tất cả.

    Theo thông tin chúng tôi nhận được, một số người xin tị nạn trên khắp nước Anh, bao gồm khu vực Belfast, Manchester, Sheffield, Southampton và Portsmouth đã nhận được câu hỏi.

    Bộ Nội vụ gửi những bộ câu hỏi này cho các đối tượng sau khi họ nộp đơn xin tị nạn và đã trải qua vòng phỏng vấn sàng lọc nhưng trước khi họ tham dự cuộc phỏng vấn tị nạn độc lập.

    Bộ Nội vụ cho biết họ áp dụng bộ câu hỏi này để có thể “cân nhắc trường hợp của bạn và đảm bảo người đưa ra quyết định cho hồ sơ của bạn được biết rõ lý do vì sao bạn xin tị nạn.”

    Người chịu trách nhiệm phỏng vấn bạn trong cuộc phỏng vấn độc lập sẽ có thêm thông tin về trường hợp của bạn thông qua bộ câu hỏi này, và có thể tìm hiểu thêm về gốc gác cũng như cơ sở xin tị nạn của bạn.

    Có quy định nào thay đổi không?

    Trước khi bộ câu hỏi này ra đời (và kể từ khi họ dừng yêu cầu người xin tị nạn điền vào mẫu đơn Tuyên bố Minh chứng  - Statement of Evidence), Bộ Nội vụ thường chỉ dựa vào thông tin bạn cung cấp trong cuộc phỏng vấn sàng lọc để xây dựng và đưa ra câu hỏi cho cuộc phỏng vấn chính.

    Một vài người chọn cách nộp một bản giải trình cho Bộ Nội vụ trước cuộc phỏng vấn tị nạn độc lập, nhưng không rõ việc làm này có ích lợi gì cho người xin tị nạn hay không. Một vài luật sư cho rằng hành động này giúp Bộ Nội vụ có cơ hội “kiểm tra” những gì bạn kê khai trong bản giải trình nếu bạn không thể nhắc đến các chi tiết đó trong cuộc phỏng vấn. Sau đó, họ có thể viện dẫn bất cứ điểm khác biệt nào để kết luận bạn không đủ điều kiện và từ chối đơn xin tị nạn của bạn.

    Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, việc nộp trước bản giải trình sẽ có lợi ở chỗ người nộp nó sẽ không cần phải nêu rõ chi tiết về những trải nghệm đau buồn trong quá khứ – Bộ Nội vụ vẫn có thể tham khảo thông tin trong bản giải trình để đưa ra quyết định, thay vì phải đặt ra cho bạn quá nhiều câu hỏi trong buổi phỏng vấn.

    Giờ đây, người xin tị nạn sẽ phải điền vào bộ câu hỏi dài 18 trang.

    Mục đích của bộ câu hỏi được nêu rõ là yêu cầu bạn cung cấp thông tin về “lý do tại sao bạn cần được bảo vệ ở Anh”, nhưng trên thực tế, nó bao gồm nhiều thông tin khác nhau. Bộ Nội vụ cũng nêu rõ những thông tin này “có thể được chia sẻ với các cơ quan chính phủ khác hoặc với chính quyền địa phương” và với cả “các quốc gia khác, những nơi phải chịu trách nhiệm cân nhắc yêu cầu tị nạn của bạn.” Mẫu đơn không đề cập đến việc liệu thông tin bạn cung cấp có thể được tiết lộ cho chính quyền tại quốc gia của chính bạn hay không.

    Việc điền vào bộ câu hỏi và gửi lại nó cho Bộ Nội vụ là bắt buộc – nếu không thực hiện trước hạn yêu cầu, Bộ Nội vụ sẽ coi như bạn đã rút hồ sơ xin tị nạn.

    Các câu hỏi trong đơn

    Ở phần đầu, bộ câu hỏi yêu cầu bạn trả lời các thông tin cơ bản như tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch và địa chỉ liên lạc.

    Sau đó bạn sẽ phải giải trình các chi tiết liên quan đến việc xin tị nạn như: quan điểm chính trị; tôn giáo; chủng tộc; quốc tịch; hoặc nhóm xã hội.

    Sau đó, bạn sẽ phải giải thích lý do tại sao bạn sợ phải quay lại quê hương mình; điều gì khiến bạn quyết định rời đi; các sự kiện liên quan đến việc xin tị nạn của bạn hoặc nỗi sợ của bạn đối với một người, tổ chức hay nhóm người cụ thể nào đó;  liệu bạn có gặp phải chuyện gì trên đường đến Anh không; bạn đến Anh bằng cách nào; bất cứ chuyện gì đã xảy ra khiến bạn sợ trở về nhà; bạn tin rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn trở về; và thông tin về các thành viên gia đình của bạn đang sinh sống tại quê hương hay một quốc gia khác.

    Bạn cũng được yêu cầu liệt kê tất cả những nơi từng sống trong 5 năm qua; thời gian sống tại đó; trình độ học vấn; những nơi bạn đã làm việc và chức vụ trong 5 năm qua; tình trạng nhập cư của các thành viên trong gia đình đang sống tại Anh. Sau đó bạn phải nêu rõ mã số Bảo hiểm Quốc gia của bạn và người phụ thuộc nếu bạn từng được cho phép làm việc.

    Phần tiếp theo là về tình trạng sức khỏe, điều trị, chữa bệnh hoặc bất cứ hỗ trợ nào từ bác sĩ/nhân viên y tế (bao gồm cả chăm sóc sức khỏe tinh thần; và các thông tin bạn cho là có liên quan.

    Sau đó là một phần câu hỏi dài về các thành viên trong gia đình.

    Có một vài câu hỏi về việc bạn muốn được phỏng vấn bởi nam hay nữ trong cuộc phỏng vấn độc lập; và liệu bạn có cần đến thông dịch viên hay không. Cuối cùng, bạn có cơ hội giải thích về bất cứ minh chứng nào mà bạn muốn nộp để hỗ trợ hồ sơ của mình. Việc quan trọng là bạn cần làm việc với luật sư của mình để quyết định xem có nên nộp bất cứ minh chứng gì cho Bộ Nội vụ ở thời điểm này hay không.

    Bộ câu hỏi này có vai trò gì?

    Bộ câu hỏi yêu cầu bạn cung cấp những thông tin quan trọng mà Bộ Nội vụ sẽ cần đến, bên cạnh những gì bạn đã cung cấp trong cuộc phỏng vấn sàng lọc, và những điều bạn sẽ nói trong cuộc phỏng vấn độc lập, các thông tin trong bản giải trình và minh chứng bạn đã nộp, và các thông tin họ có về đất nước của bạn. Tất cả sẽ được tham khảo và xem xét để đưa ra kết luận cuối cùng.

    Do đó, bạn cần phải nhờ luật sư giúp bạn hoàn thành bộ câu hỏi. Tuy nhiên, nếu bạn không có luật sư, Bộ Nội vụ vẫn muốn bạn tự mình hoàn thành và nộp lại đơn.

    Bộ câu hỏi rất dài và hẳn sẽ tạo thêm áp lực cho các luật sư. Do đó, có thể có những sai sót ảnh hưởng đến trường hợp xin tị nạn của bạn. Bạn cần đảm bảo kiểm tra cẩn thận những gì đã viết trong đơn và lưu lại một bản cho mình.

    Theo chúng tôi được biết, do những khó khăn trong việc đặt lịch hẹn luật sư trước thời hạn nộp lại bộ câu hỏi, một vài luật sư đã nộp đơn yêu cầu được gia hạn.

    Nếu bạn không hoàn thành và nộp lại bộ câu hỏi đúng hạn, yêu cầu xin tị nạn của bạn có thể bị rút lại. Nếu chuyện này xảy ra, bạn có thể bị trục xuất khỏi Anh. Bạn không có quyền kháng nghị quyết định rút hồ sơ tị nạn, và nếu bạn muốn nộp đơn xin tị nạn khác, đây sẽ được coi là nộp thêm (cung cấp bằng chứng thêm) chứ không phải là nộp mới hoàn toàn.

    VietHome (Theo Right to Remain)

  • Bạn đọc hay theo dõi tin tức trên VietHome đều đã biết, chính phủ Anh có quyền tước quốc tịch Anh của bất kì ai vi phạm. Những trường hợp này chủ yếu là khủng bố, gây nguy hại đến an ninh của Vương Quốc Anh. Tuy nhiên luật tước visa vĩnh viễn còn có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người đã lừa dối chính phủ để có được visa đó.

    Điển hình là các trường hợp có bằng tiếng Anh bằng việc trả tiền mua bằng, học ở trường ma. Khi đi qua cửa khẩu, Hải Quan Anh Quốc có quyền hỏi lý do, nguồn gốc visa vĩnh viễn. Nếu họ phát hiện ra do gian lận mà có, thì họ có quyền tước bỏ visa vĩnh viễn.

    Dưới đây là tài liệu do Bộ Nội Vụ Anh công bố, giải thích những trường hợp nào sẽ bị tước visa vĩnh viễn (Indefinite Leave).

    Giới Thiệu về luật này

    Một người nhập cư sống ở Anh Quốc có thể được cấp visa vĩnh viễn để đi lại và sống ở đây một cách tự do. Việc có được visa vĩnh viễn có thể qua nhiều con đường khác nhau như tị nạn, kết hôn, bảo lãnh gia đình, đi làm..v..v

    Khi có visa vĩnh viễn, người đó sẽ không bị giới hạn bởi luật nhập cư, có thể ra vào tự do và đi làm ở Anh.

    Tuy nhiên, visa vĩnh viễn vẫn có thể bị Bộ Nội Vụ thu hồi lại nếu như:

    • Người đó có lệnh trục xuất khỏi Anh nhưng Anh Quốc không thể trục xuất vì lý do nhân quyền.
    • Người đó có được visa vĩnh viễn do lừa dối.
    • Ra khỏi Anh Quốc hơn 2 năm.
    • Tước quyền tị nạn vì những hành động sai trái của họ trong quá khứ.

    Mục đích của việc đưa ra quy định này là nhằm bảo vệ cho cộng đồng chung, tránh việc luật bị lạm dụng, đồng thời những người đã từng phạm tội sẽ bị trừng phạt thích đáng.

    Thu Hồi Visa Vĩnh Viễn.

    Theo Phần 76 (Section 76) của luật Nationality, Immigration and Asylum Act 2002, Bộ Nội Vụ có quyền lực thu hồi lại visa vĩnh viễn của những người :

    • Có khả năng bị trục xuất, nhưng vì lý do luật chưa cho phép nên tạm thời chưa trục xuất được.
    • Gian dối để có được visa vĩnh viễn.

    Trục xuất

    Theo Phần 3 và 5 của luật Immigration Act 1971, Bộ Nội Vụ có quyền lực để trục xuất người đó ra khỏi nước nếu việc làm đó là thích đáng để bảo vệ cộng đồng.

    Kháng cáo

    Theo Phần 3D của luật Immigration Act 1971, nếu bị tịch thu visa vĩnh viễn, người đó sẽ được cấp visa tạm thời để chờ kháng cáo và xem xét lại .

    Từ chối nhập cảnh tại cửa khẩu hải quan

    Trong luật nhập cư (Immigration Rules) có viết, nếu người nhập cư có visa ( tạm thời hoặc vĩnh viễn) khi đến cửa khẩu hải quan, các nhân viên hải quan có quyền từ chối nhập cảnh và huỷ bỏ visa này. Tất nhiên, nhân viên hải quan sẽ phải hỏi qua ý kiến của cấp trên trước khi ra quyết định cuối cùng.

    Những trường hợp sẽ bị từ chối nhập cảnh bao gồm:

    • Cung cấp thông tin giả khi xin visa
    • Cố che dấu sự thật
    • Nếu hải quan cho rằng nên từ chối nhập cảnh để bảo vệ an toàn cho cộng đồng.

    Những trường hợp sẽ không tịch thu visa ngay lập tức

    Tuy nhiên, trong bản hướng dẫn luật Bộ Nội Vụ có nói rõ các trường hợp sẽ không bị tịch thu visa vĩnh viễn ngay lập tức.

    Thời gian đã từng sinh sống ở Anh Quốc rất quan trọng trong việc đưa ra quyết định tịch thu visa vĩnh viễn. Ví dụ: Nếu người đó gian lận giấy tờ từ cách đó hơn 5 năm, thì sẽ không bị tịch thu. Càng sống ở Anh lâu, thì khả năng bị tịch thu càng giảm. Mỗi trường hợp sẽ được xét cặn kẽ trước khi Bộ Nội Vụ ra quyết định cuối cùng.

    Nếu sai sót thông tin là do chủ quan, người chủ visa không cố tình, thì cũng sẽ không bị tịch thu.

    Dưới đây là những trường hợp bị tịch thu visa mà Viethome ghi nhận được:

    Vài năm trước, khi Bộ Nội Vụ đưa ra yêu cầu phải thi bài thi Quốc Tịch và bằng tiếng Anh. Rất nhiều cơ sở, trường học được lập ra để thu tiền và cấp bằng.

    Sau này những cơ sở đó bị phát hiện và ghi vào danh sách đen. Vì vậy một số người nhập cư đã từng có bằng ở đó sẽ bị hỏi và kiểm tra tại cửa khẩu hải quan.

    VietHome (theo Bộ Nội Vụ Anh)

  • Một bệnh nhân mắc bệnh tim đang trong tình trạng nguy kịch và chỉ còn sống được vài ngày đang bị yêu cầu thanh toán hơn 30,000 bảng cho phí chăm sóc tại một bệnh viện ở Birmingham. 

    Anh Nasar Ullah Khan, một công dân Pakistan có visa quá hạn, đã bị từ chối ghép tim trước Giáng sinh chỉ vì tình trạng visa của mình. Người cha hai con đang nằm ở bệnh viện Queen Elizabeth này được tiên lượng chỉ còn sống được ít ngày, và sẽ được đưa về nhà nếu tình trạng sức khỏe cho phép.

    Anh Nasar Ullah Khan chỉ còn vài ngày để sống.

    Theo chính sách môi trường thiếu thân thiện của Bộ Nội vụ, dù đã sống ở Anh được chín năm, anh Khan vẫn bị từ chối phẫu thuật tim vì không có quyền được lưu lại quốc gia này.

    Anh hiện đang nhận điều trị xoa dịu những cơn đau nhưng được thông báo bản thân phải thanh toán hóa đơn y tế lên đến hàng chục ngàn bảng của mình, kể cả khi rất có khả năng hóa đơn chỉ được xuất sau khi anh đã qua đời.

    Một cuộc gây quỹ và kiến nghị trực tuyến đã được phát động để kêu gọi cho phép vợ và hai con trai nhỏ (đang ở Pakistan) đến thăm người đàn ông tội nghiệp trước khi anh qua đời. Hiện chiến dịch này đã thu về gần 1,400 chữ ký.

    Nhưng đó chưa phải là tất cả những bất hạnh mà anh Khan và gia đình phải chịu đựng. Visa của vợ con anh vẫn đang trong trạng thái chời xử lý dù đã được nộp từ hai tuần trước theo dạng “xử lý nhanh” với nhiều giấy tờ chứng nhận xác đáng.

    Hiện anh Khan chỉ lẩm bẩm được vài từ một. Anh nói: “Tại sao họ không cấp visa cho gia đình tôi? Đây là ước nguyện cuối cùng của tôi. Đã chín năm kể từ lần cuối cùng tôi được nhìn mặt hai con trai 11 tuổi và chín tuổi của mình.”

    Anh Nasar Ullah Khan lúc còn khỏe mạnh.

    Theo tổ chức Doctors of the World, một tổ chức nhân đạo hỗ trợ người dân tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hóa đơn điều trị của anh Khan tính tới thời điểm này đã lên đến 32,000 bảng.

    Mặc dù anh Khan không thể sống đủ lâu để chi trả hóa đơn này, bệnh viện vẫn đang chăm sóc anh theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, trong đó nêu rõ “không được phép dừng hay trì hoãn việc chăm sóc y tế khẩn cấp.”

    Các áp lực về nguồn lực NHS và sự thiếu hụt nội tạng được hiến tặng khiến Chính phủ và dịch vụ y tế nước này phải cân nhắc các yêu cầu ghép tạng. Ưu tiên thường được trao cho những “người dân bình thường sinh sống ở Anh”. Theo chính sách môi trường thiếu thân thiện của Chính phủ, khái niệm này có thể được hiểu là những người nhập cư có quyền lưu lại Anh vô thời hạn.

    Anh Khan chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi chính sách này.

    Phát ngôn viên của Quỹ NHS Foundation Trust cho hay: “Dù chúng tôi không thể tiết lộ chi tiết bệnh án của bệnh nhân, chúng tôi có thể khẳng định rằng Trust thực sự muốn cung cấp tất cả dịch vụ chăm sóc cần thiết cho các bệnh nhân của mình.

    “Việc điều trị tại các khoa cấp cứu NHS là hoàn toàn miễn phí cho các bệnh nhân không phải người thường trú tại Anh, mặc dù tất cả các điều trị sau khi nhập viện đều phải trả phí.”

    Visa du lịch của anh Khan đã hết hạn từ năm 2011 nhưng anh quyết định vẫn lưu lại quốc gia này. Anh đã ba lần nộp hồ sơ xin ở lại Anh theo Điều 3 quy định về Nhân quyền Châu Âu, nhưng cả ba lần đều bị từ chối.

    Phát ngôn viên của Chính phủ phát biểu: “Chúng tôi không bình luận về các trường hợp đơn lẻ.”

    VietHome (Theo Birmingham Mail)

  • Mới đây, những người xin tị nạn đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo Mục 95 vừa được cấp thẻ APSEN. Thay vì phải đến các bưu điện để nhận tiền, giờ đây khoản hỗ trợ sẽ được chuyển thẳng vào thẻ APSEN và chiếc thẻ này được sử dụng giống như thẻ ghi nợ tại các cây ATM hoặc cửa hàng.

    Những lợi ích Bộ Nội vụ có được khi áp dụng hình thức hỗ trợ này:

    • Phạm vi áp dụng rộng hơn khi người xin tị nạn không còn phải xuất hiện tại duy nhất một bưu điện cố định để nhận hỗ trợ
    • Xử lý cấp phát và đổi thẻ nhanh chóng hơn
    • Giảm số sự cố có thể gặp phải
    • Có thể kiểm soát dữ liệu sử dụng thẻ

    Điểm cuối cùng là điểm đáng lo ngại nhất. Không phải vì người xin tị nạn sử dụng khoản hỗ trợ 36 bảng mỗi tuần của họ vào việc gì đáng xấu hổ mà vì điều này đồng nghĩa với việc Bộ Nội vụ có thể giám sát và theo dõi người xin tị nạn chặt chẽ hơn cả hiện tại.

    Bộ nội vụ thẳng thắn thừa nhận rằng họ sẽ “phân tích dữ liệu sử dụng thẻ.” Điều này có nghĩa là nơi bạn tiêu tiền và lý do tiêu tiền có thể là bằng chứng chống lại bạn sau này.

    Bộ Nội vụ hiện đã từ chối hoặc cắt bớt các khoản hỗ trợ người xin tị nạn nếu họ nghi ngờ khoản tiền này được sử dụng cho những vật phẩm “không thiết yếu”.

    Do đó, người xin tị nạn được khuyên nên rút tất cả số tiền hỗ trợ trong một lần. Đừng tạo cơ hội cho họ theo dõi bạn!

    VietHome (Theo Unity Centre Glasgow)

  • Trong một chuyến thăm đến cảng Dover, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sajid Javid tuyên bố rằng những người bị cơ quan di trú bắt tại cảng có thể bị từ chối đơn xin tị nạn. Ngài bộ trưởng không tin những người băng qua eo biển đến Anh trên những con thuyền phao bé xíu kia là những người xin tị nạn "trong sáng".

    Ông nói: "Nếu bạn là một người xin tị nạn thật, vậy tại sao không xin tị nạn ở quốc gia an toàn đầu tiên mà bạn đặt chân đến? Không ai có thể nói rằng nước Pháp là thiếu an toàn, vậy nếu bạn đang phải chạy trốn khỏi quốc gia mình, vậy tại sao không xin tị nạn ở Pháp?". 

    Lời tuyên bố này của ngài Bộ trưởng bị chỉ trích bởi các tổ chức nhân quyền và những nghị sỹ đảng đối lập. Họ cho rằng Anh phải tiếp nhận các đơn xin tị nạn một cách công bằng như các quốc gia khác. 

    Trái lại, ông Javid cho rằng việc từ chối đơn xin tị nạn của những người bị bắt là một nỗ lực nhằm ngăn chặn những người khác cũng chọn con đường nguy hiểm như vậy để đến Anh.  

    539 người đã băng qua eo biển để đến Anh trong năm 2018, trong đó 80% số người này đã đến Anh vào 3 tháng cuối năm rồi.  

    Sau khi nói chuyện với các quan chức cấp cao vào hôm thứ Hai, ông Javid đã quyết định tái triển khai 2 con tàu tuần dương, kết hợp với tàu tìm kiếm cứu nạn HMC Searcher, để tăng cường hoạt động ở ngoài khơi bờ biển phía Nam. 

    Ông khẳng định rằng sự nỗ lực hợp tác giữa Anh và Pháp sẽ giúp ngăn ngừa ngay lập tức những người có ý định xâm nhập lãnh thổ Anh bất hợp pháp. 

    Chính phủ Anh muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những băng nhóm buôn người rằng họ sẽ "thất bại". 

    Những người đã qua được biên giới và sau đó nộp đơn xin tị nạn thì hồ sơ của họ vẫn được tiếp nhận như bình thường, nhưng Bộ Nội vụ sẽ "làm mọi cách để bác các đơn này". Sự kiên quyết này sẽ giúp cứu được nhiều sinh mạng ngừng liều lĩnh sang Anh. 

    Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Lao Động Jeremy Corbyn cho rằng châu Âu không thể cứ thế mà đóng cửa đường biên giới với người nhập cư. Những người phản đối tuyên bố của ông Javid cho rằng phải xem xét kỹ lưỡng từng hồ sơ xin tị nạn, chứ không thể cứ áp cái quan điểm từ chối lên tất cả các hồ sơ, và càng không thể căn cứ vào việc họ đã vượt đường biên giới bằng cách nào. 

    Xin tị nạn là một quyền của con người và nước Anh phải có trách nhiệm tiếp nhận các hồ sơ một cách công bằng, đồng thời cung cấp sự bảo vệ cho những người thực sự cần đến nó. Nước Anh không thể giữ quan điểm thù địch đối với những người xin tị nạn. 

    Thống kê cho thấy tính đến tháng 9/2018, có gần 28,000 đơn xin tị nạn vào Anh, cao hơn 4% so với 12 tháng trước đó, nhưng vẫn thấp hơn năm 2015 và 2016. Có 5,295 đơn được nộp ngay tại cảng, trong khi 22,671 đơn khác được nộp khi đương đơn đã ở Anh.

    Viethome (theo Sky)

  • Sau khi hồ sơ của bạn được tiếp nhận, nó sẽ được chuyển tới một chuyên viên xử lý hồ sơ (caseworker). Đồng thời, một chiếc Thẻ đăng ký Tị nạn (ARC) cũng sẽ được gửi tới địa chỉ của bạn ở UK. Tuy nhiên, bạn sẽ không nhận được thẻ này nếu đang bị tạm giữ.

    Bạn sẽ được sắp xếp một cuộc gặp với chuyên viên xử lý hồ sơ. Họ sẽ ra quyết định về hồ sơ của bạn. Họ cũng sẽ giải thích về quá trình xử lý hồ sơ và tư vấn những việc bạn nên làm trong khi chờ đợi, chẳng hạn như thường xuyên có mặt tại văn phòng xin tị nạn khi đến lịch. Bạn có thể bị cấm túc nếu không trình diện theo yêu cầu. 

    Hãy nói với chuyên viên xử lý hồ sơ những nhu cầu của bạn về mặt y tế, thuốc thang...

    viethome trung tam giam giu nguoi ti nanBạn có thể bị tạm giam tại Trung tâm giam giữ người nhập cư.

    Thẻ đăng ký Tị nạn (ARC - Asyslum Registration Card)

    Bạn dùng thẻ này để:

    - Cho người khác biết bạn là ai, và bạn đã nộp đơn xin tị nạn. 

    - Cho người khác biết bạn có được phép làm việc hay không.

    - Bạn có được những phúc lợi giáo dục và y tế nào.

    Bạn phải mang thẻ này mỗi khi đến văn phòng xin tị nạn. Nếu bạn không nhận được thẻ ARC hoặc bị mất, hãy gọi điện vào số 0808 800 0630, từ thứ 2 đến thứ 6, từ 9h30 - 3h chiều. Bạn phải cung cấp cho họ số Home Office number hoặc số nhập cảnh Port Reference number. 

    Bạn có thể bị tạm giam tại trung tâm giam giữ người nhập cư trong thời gian chờ nhận quyết định được ở lại hay bị trục xuất. Bạn cũng có thể bị giam giữ rồi trục xuất nếu một nước thứ 3 có trách nhiệm cho bạn tị nạn. Bạn có thể khiếu nại quyết định này. 

    Bạn sẽ không bị tạm giam nếu bạn/các bạn là:

    - Trẻ em hoặc người lớn tuổi

    - Một gia đình có con cái

    - Mang thai

    - Thừa nhận mình là nạn nhân của bọn buôn người

    -  Cung cấp được bằng chứng cho thấy bạn bị tra tấn, hành hạ

    - Có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc thể chất khiến bạn không thể kiểm soát hành vi, có thể gây họa cho những người khác trong trại tạm giam.

    Phỏng vấn xin tị nạn

    Hồ sơ của bạn thường bị từ chối nếu bạn không tới buổi phỏng vấn này. Những người phụ thuộc có thể phải trình diện. Trước khi tới buổi phỏng vấn, bạn có thể gửi một văn bản bằng tiếng Anh đến chuyên viên xử lý hồ sơ. Nội dung văn bản nhằm liệt kê ra những điều bạn muốn khẳng định để chuyên viên xử lý hồ sơ không hiểu lầm ý của bạn trong buổi phỏng vấn. Văn bản này phải đính kèm số Home Office reference number của bạn. 

    Bạn có thể yêu cầu người phiên dịch. Thông tin bạn cung cấp là tuyệt mật và sẽ không bị tiết lộ cho chính quyền ở quê hương bạn. Hãy dùng buổi phỏng vấn để giải thích:

    - Bạn bị bức hại ở quê nhà cụ thể là như thế nào.

    - Tại sao lại e sợ quay về nước.

    Có thể bạn sẽ bị hỏi những câu hơi khó, nhưng căn bản là bạn phải nói rõ chuyện gì đã xảy ra với bạn và gia đình. Khi đến, hãy mang giấy khai sinh, hộ chiếu và sổ khám bệnh (nếu có). Bạn có thể bị yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng. 

    Bạn sẽ nhận được một bản ghi chú những gì mà cả hai đã trao đổi trong buổi phỏng vấn. Nhớ đọc kĩ để không có sự hiểu nhầm nào xảy ra. 

    Đại diện pháp lý

    Bạn có thể đưa luật sư đến buổi phỏng vấn. Nếu không có đại diện pháp lý, bạn có thể yêu cầu được ghi âm buổi phỏng vấn. Nhưng hãy nêu yêu cầu này với chuyên viên xử lý hồ sơ trước khi diễn ra buổi phỏng vấn nhé. Bạn có thể vào đây để kiểm tra xem mình có thuộc diện được hỗ trợ thanh toán phí luật sư không nhé.

    Nhận quyết định

    Bạn thường nhận được quyết định trong vòng 6 tháng, hoặc lâu hơn nếu:

    - Những bằng chứng bạn cung cấp cần được xác minh.

    - Bạn phải trả lời thêm một số cuộc phỏng vấn.

    - Hoàn cảnh của bạn cần được xem xét, chẳng hạn nếu bạn là tội phạm hoặc đang bị truy tố.

    Được ở lại làm người tị nạn

    Bạn và gia đình có thể được ở lại UK trong 5 năm nếu đậu hồ sơ. Trường hợp này được gọi là "leave to remain". Sau 5 năm, bạn có thể nộp đơn để định cư ở UK.

    Được ở lại vì lý do nhân đạo

    Nếu không đủ điều điện để làm người tị nạn, bạn vẫn có thể được ở lại vì lý do nhân đạo. Nghĩa là bạn phải ở lại UK vì sự an toàn tính mạng của bản thân. Bạn và gia đình có thể ở lại UK trong 5 năm. Trường hợp này được gọi là "leave to enter" hoặc "leave to remain". Sau 5 năm, bạn có thể nộp đơn xin định cư ở UK.

    Được ở lại vì lí do khác

    Tùy tình hình hồ sơ mà bạn sẽ được phép ở trong bao lâu. Khi khoảng thời gian này kết thúc, bạn có thể nộp đơn gia hạn hoặc nộp đơn xin định cư ở Anh.

    Không được phép ở lại

    Bạn sẽ bị trục xuất nếu chuyên viên xử lý hồ sơ quyết định bạn chẳng có lý do gì để ở lại UK. Bạn có thể khiếu nại quyết định này. Nếu hết thời gian cho phép mà bạn vẫn không khiếu nại, bạn sẽ buộc phải rời khỏi UK. 

    Bạn có thể tự mình rời khỏi UK (hãy yêu cầu được hỗ trợ chi phí về nước), hoặc bị cưỡng chế giam giữ và trục xuất. 

    Xem bài trước: Điều kiện nộp đơn xin tị nạn

    Viethome (theo UKBA)

  • Đây là những thông tin chính thức được lấy từ trang của Bộ Nội Vụ UKBA. Bạn có thể vào website https://www.gov.uk/claim-asylum để tìm hiểu thêm. viethome don xin ti nan

    Khi nào cần nộp đơn xin tị nạn?

    - Bạn phải nộp đơn xin tị nạn (apply for asylum) nếu bạn muốn sống ở Anh với tư cách là người tị nạn (refugee). - Điều kiện để được nộp đơn là bạn phải rời khỏi quê hương và không thể quay trở lại vì sợ bị bức hại.

    - Bạn nên nộp đơn ngay khi đặt chân đến UK, hoặc ngay khi cảm thấy việc trở về của mình là không an toàn. Nhiều khả năng bạn sẽ bị từ chối nếu bạn để lâu mới chịu nộp đơn.

    - Sau khi nộp đơn, bạn sẽ được gặp một nhân viên di trú để kiểm tra hồ sơ, và sau đó sẽ là một cuộc phỏng vấn xin tị nạn. Trong vòng 6 tháng (hoặc hơn), bạn sẽ được thông báo kết quả.

    - Bạn có thể bị tù 2 năm hoặc bị trục xuất nếu cung cấp thông tin giả.

    - Trong khoảng thời gian này, bạn sẽ không được làm việc và định kì phải báo cáo với nhân viên sở di trú. Nếu tình hình của bạn có gì thay đổi thì cũng phải báo với họ. 

    - Nếu đang ở tuổi vị thành niên, bạn vẫn có thể nộp đơn với tư cách cá nhân không cần người bảo hộ.  

    Điều kiện để được cấp quyền tị nạn

    Để được trở thành refugee và sống ở Anh, bạn phải ở trong tình trạng không thể trở về và sống an toàn ở bất cứ nơi nào trên quê hương, vì sợ bị bức hại. Nguyên nhân bức hại có thể vì lí do phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc bất cứ lí do gì về xã hội, văn hóa, chính trị... khiến cuộc sống của bạn trở nên rủi ro. Chẳng hạn như giới tính hay xu hướng tính dục. Bạn cũng không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền.  

    Đơn của bạn có thể bị bác, nếu bạn đến từ một quốc gia trong khối EU, hoặc bạn có mối liên kết với một quốc gia khác mà bạn có thể nộp đơn xin tị nạn, chẳng hạn bạn đã xin tị nạn ở một nước EU trước khi đến Anh.  

    Trong đơn, bạn có thể kèm theo vợ/chồng và con cái dưới 18 tuổi nếu họ cũng ở Anh với bạn. Vợ con bạn cũng có thể nộp đơn riêng, trong trường hợp này họ sẽ không được xem là người phụ thuộc.  

    Những giấy tờ cần chứng minh

    Bạn cần trình giấy tờ của bản thân và người phụ thuộc trong bộ hồ sơ xin tị nạn. Giấy tờ bao gồm:

    - Hộ chiếu và các loại giấy thông hành khác (nếu có)

    - Lý lịch tư pháp (Văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự)

    - Giấy chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, giấy kết hôn, thẻ sinh viên...

    - Bất kì giấy tờ nào khác mà bạn có

    Giấy tờ chứng minh địa chỉ của bạn ở UK: Nếu bạn đang ở UK, bạn và người phụ thuộc phải có giấy tờ chứng minh địa chỉ của mình. Bạn sẽ cần nhiều loại giấy tờ khác nhau, tùy thuộc vào việc bạn có chỗ ở riêng hay ở chung với người khác. 

    - Nếu bạn có nơi ăn chốn ở riêng, giấy tờ cần chứng minh là: sao kê tài khoản ngân hàng, sổ trợ cấp nhà ở, thông báo thuế council, hợp đồng thuê nhà, hóa đơn tiền điện, ga...

    - Nếu bạn ở chung với người khác, giấy tờ cần cung cấp là: một lá thư của người đó xác nhận bạn được quyền ở trong nhà (thư mới viết dưới 3 tháng); giấy tờ có hiển thị tên và địa chỉ người đó (thông báo thuế council, hợp đồng thuê nhà hoặc hóa đơn điện, ga...)

    Bài tiếp: Những trường hợp đơn xin tị nạn của bạn bị từ chối

  • Tòa án kết luận trong những năm gần đây, hàng ngàn người có thể đang bị tạm giữ trái phép trong các trung tâm chờ trục xuất nhập cư.

    Trong một phiên xét xử với nguyên đơn là 5 người xin tị nạn kháng nghị về một số điều trong quy định Dublin III, các quan tòa đã kết luận người xin tị nạn không thể bị tạm giữ trong khoảng thời gian không xác định.

    Theo luật Dublin III, người xin tị nạn phải yêu cầu quyền tị nạn ở đất nước an toàn đầu tiên họ đến được. Nếu họ đến nước Anh xin tị nạn và Bộ Nội vụ phát hiện ra họ từng đi qua một quốc gia an toàn khác, Bộ Nội vụ có quyền gửi trả họ về đất nước đó.

    detention

    Ở Anh, không có giới hạn cho thời gian bị tạm giữ ở trung tâm nhập cư. Tuy nhiên, các quan tòa cấp cao chỉ ra rằng Bộ Nội vụ đã giam giữ một cách trái phép rất nhiều người xin tị nạn từng đi qua một quốc gia an toàn khác trước khi đến Anh.

    Trong khi các cuộc thảo luận giữa Bộ Nội vụ và các quốc gia châu Âu diễn ra, người xin tị nạn có thể bị giam giữ không thời hạn. Đây chính là quy trình vi phạm pháp luật.

    Giờ đây, những người bị ảnh hưởng có thể đề nghị Bộ Nộ vụ bồi thường tổn thương vì bị giam giữ trái phép.

    Luật sư Krisha Prathepan đến từ hãng luật Ducan Lewis, đại diện cho 5 người xin tị nạn, hoan nghênh phán quyết của toà án. “Đây là một phán quyết mang tính lịch sử và có ý nghĩa lớn với những người đang bị giam giữ theo luật Dublin III.

    “Chúng tôi thực sự lo ngại rằng hành động trái phép của Bộ Nội vụ có thể khiến nhiều người bị tạm giữ mà không dựa trên một cơ sở pháp lý nào. Thực tế, Bộ Nội vụ đã và đang tạm giữ trái phép hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn cá nhân đang cố gắng tìm kiếm sự bảo trợ của quốc tế.”

    Phán quyết này của tòa án có liên quan đến ý nghĩa và hiệu lực của một số điều khoản riêng lẻ trong luật Dublin III – đó là điều khoản liên quan đến việc tạm giữ với mục đích chờ chuyển giao sang một nước thành viên EU khác. Kháng nghị từ phía những người xin tị nạn là việc tạm giữ chỉ có cơ sở pháp lý dựa theo điều 28 (2), trong đó quy định việc tạm giữ chỉ được phép tiến hành khi đối tượng lộ rõ động thái muốn trốn tránh pháp luật.

    Tòa án phán quyết rằng Bộ Nội vụ không thể tạm giữ người nhập cư vô thời hạn với mục đích chờ chuyển giao sang một nước khác tại thời điểm khi “động thái rõ ràng muốn trốn tránh pháp luật” chưa được định nghĩa cụ thể trong luật pháp Anh.

    Các quan tòa chỉ rõ theo điều 28 của luật Dublin, công dân không thể bị tạm giữ trong khi quy trình chuyển giao họ từ một nước sang một nước khác đang được thực hiện.

    Phán quyết cũng khẳng định việc tạm giữ chỉ có thể kéo dài trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

    Bộ Nội vụ cho biết: “Chúng tôi rất thất vọng với phán quyết của tòa án và đang cẩn thận cân nhắc các bước đi tiếp theo.”

    VietHome (Theo Guardian)

  • Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về hệ thống xin tị nạn và nhập cư, rào cản mà mọi người phải đối mặt khi làm thủ tục, và những điều nên làm để vượt qua cuộc phỏng vấn đó.

    process photo cropped

    Phỏng vấn tị nạn (hay gọi là phỏng vấn nội dung)

    Cuộc phỏng vấn xin tị nạn sẽ diễn ra khi người phỏng vấn của bộ Nội vụ hỏi bạn kĩ hơn về lí do xin tị nạn. Cuộc phỏng vấn có thể kéo dài vài giờ và bạn sẽ được hỏi rất nhiều câu hỏi. Bạn cũng có thể sẽ bị hỏi cùng một câu hỏi nhưng theo nhiều cách khác nhau.

    Đó có thể sẽ là một cuộc phỏng vấn kéo dài và khó khăn, và cũng là phần quan trọng nhất trong quá trình xin tị nạn của bạn.

    Bạn có thể sẽ được hỏi những câu rất khó nói. Hãy chuẩn bị tâm lý rằng người ta không tin lời bạn. Người của bộ Nội vụ sẽ nói thẳng rằng họ không tin bạn. Nên có bạn bè, hàng xóm bên cạnh để tâm sự trước và sau cuộc phỏng vấn sẽ giúp bạn có tâm lý tốt hơn.

    Nếu bạn có luật sư riêng, họ có thể yêu cầu bạn kể chuyện của mình trước khi phỏng vấn. Việc này sẽ giúp bạn không phải kể lại nhiều lần những câu chuyện đau lòng như tai nạn hay bạo lực.

    Nếu bạn không thể tham gia phỏng vấn, bạn cần có lí do thuyết phục, thông qua luật sư nếu có. Nếu ốm cần có giấy của bác sĩ, nếu gặp vấn đề khi đi lại, cần có giấy của đơn vị giao thông.

    Nếu không có lí do tốt bạn có thể sẽ bị từ chối phỏng vấn lại và sẽ bị từ chối luôn đơn xin.

    Nếu bạn là người trưởng thành thì luật sư sẽ không được đi cùng vào cuộc phỏng vấn.

    Ghi âm và ghi chép lại cuộc phỏng vấn

    Bạn có quyền được ghi âm lại cuộc phỏng vấn. Bạn cần yêu cầu trước qua văn bản, sớm ít nhất 24 giờ. Việc này là rất quan trọng và bạn cần xin lại bản ghi âm sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Thứ này sẽ có lợi trong trường hợp bạn bị từ chối với lí do không rõ ràng.

    Người phỏng vấn là nam hay nữ

    Bạn có quyền yêu cầu người phỏng vấn là nam hay nữ. Bạn cũng sẽ cần yêu cầu sớm nhất có thể để bộ Nội vụ sắp xếp.

    Thông dịch viên

    Bộ Nội vụ sẽ bố trí thông dịch viên cho buổi phỏng vấn. Bạn có quyền yêu cầu người đó là nam hay nữ. Bạn cũng có thể báo lại nếu cảm thấy người thông dịch không đúng hoặc không chuyên nghiệp. Điều này cũng liên quan đến việc bạn nên xin lại bản ghi âm của cuộc phỏng vấn để đưa cho luật sư của mình.

    Những khác biệt nhỏ trong việc thông dịch cũng có thể gây ra ảnh hưởng lớn, vì thế bạn nên thận trọng trong việc này.

    Mốc thời gian, vấn đề về văn hoá

    Trong cuộc phỏng vấn bạn sẽ được yêu cầu kể chuyện theo trình tự thời gian thống nhất từ trước đến sau, hoặc có thể được hỏi bất kì một chi tiết nào nếu nó làm người phỏng vấn nghi ngờ.

    Nếu bạn không nhớ mốc thời gian cụ thể, hãy nói là không nhớ. Hãy cố nhớ chi tiết nhất về thời điểm, mùa trong năm hay những điều xảy ra đồng thời khi đó, như một dịp lễ hay mùa thu hoạch.

    Nếu bạn cố đoán ngày tháng và rồi nó không khớp, câu chuyện của bạn sẽ bị nghi ngờ.

    Người phỏng vấn rất có thể sẽ không hiểu về văn hoá hay tục lệ đất nước của bạn và dẫn đến hiểu sai ý, nếu có thể hãy làm mọi thứ rõ ràng nhất có thể.

    Bằng chứng

    Bạn cần có bằng chứng cho câu chuyện đã xảy ra với mình. Ở giai đoạn phỏng vấn này thì nó thường chỉ là lời khai của bạn. Những thứ đó thường đã được xem trước và bộ Nội vụ sẽ hỏi những chỗ họ thấy không khớp hoặc không cảm thấy đó là sự thật.

    Việc kể lại những chuyện đau khổ đã xảy ra với mình thường rất khó khăn, nhưng việc đó là rất quan trọng đối với quá trình xin tị nạn của bạn.

    Chứng cứ văn bản

    Thường những thứ này khó mà có được ở ngoài đời. Nhưng nếu có bạn cần đưa trước cho luật sư để họ xem có nên trình ra hay không. Bạn cũng có thể đưa chúng ra trong buổi phỏng vấn, hoặc muộn nhất năm ngày sau cuộc phỏng vấn.

    Không bao giờ được đưa ra những văn bản mà bạn không chắc là thật. Điều đó sẽ làm bạn rơi vào tình thế nghiêm trọng. Luật sư của bạn nên nhờ các chuyên gia từ nước của bạn để chứng thực xem giấy tờ đó có phải là hợp pháp không. 

    Viethome (theo Right to Remain)