3/4 những người đến Anh bằng xuồng nhỏ đều được cấp tị nạn

Một bảng phân tích các số liệu mới nhất của chính phủ cho thấy, 3/4 những người đến Anh bằng xuồng nhỏ trong năm nay sẽ được xem là người tị nạn sau khi hồ sơ của họ được duyệt.

Khảo sát do Hội đồng Tị nạn (Refugee Council) tiến hành. Kết quả cho thấy, một khi Bộ luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp (Illegal Migration Act) đi vào thực thi toàn diện, cũng chỉ 3.5% số người đến Anh bất hợp pháp bị trả lại quê nhà mỗi năm. Trong khi hàng chục ngàn người khác sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, họ sẽ bị bỏ lay lắt bên lề xã hội. 

Bộ luật này đã có hiệu lực từ ngày 20/7/2023, nhưng lại không có khung thời gian bắt buộc phải hoàn thành các yêu cầu chính của luật. Chẳng hạn, không có quy định rõ ràng về thời điểm trục xuất người nhập cư bất hợp pháp khỏi UK và cấm họ xin tị nạn.

3 phan tu xuong nho

Mặc dù các bộ trưởng cho rằng phần lớn những người nhập cư bất hợp pháp đều là di cư vì kinh tế và không cần sự bảo vệ từ Chính phủ Anh, nhưng báo cáo cho thấy hầu hết họ đều được cấp tị nạn.

74% những người đến Anh bằng xuồng nhỏ (tương đương 14.618 người) sẽ được cấp tị nạn sau khi hồ sơ của họ được xử lý. Trong đó, 100% người Eritrea (châu Phi) sẽ được cấp tị nạn, kế tiếp là người Syria với 99%, kế nữa là người Afghanistan với 97%. 

Tổng cộng, hơn phân nửa những người di cư bất hợp pháp đều đến từ các quốc gia với tỉ lệ đậu tị nạn khá cao. 

Năm nay, tổng số người di cư bằng xuồng nhỏ đến Anh đã giảm 20%, phần lớn là giảm người Albani. Từ khi chính phủ Anh ký thỏa thuận cam kết trục xuất người di cư trở về Albani, thì người dân nước này cũng giảm nhu cầu đến Anh. Số lượng người Albani đến Anh đã giảm từ 35% trong năm ngoái xuống chỉ còn 3% trong năm nay. 

Tuy nhiên, số lượng người Ấn Độ đến Anh lại tăng gấp 5 lần trong năm 2023, còn người Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã tăng gấp 3 lần.

Hội đồng Tị nạn cho rằng sau khi Bộ luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp đi vào thực thi toàn diện, chi phí sẽ bị đội lên rất lớn. Theo luật này, nếu một người nộp đơn xin tị nạn, họ chỉ bị trục xuất về quê hương nếu đó là 1 trong 27 nước thành viên EU, hoặc Iceland, Na Uy, Thụy Sỹ, Liechtenstein và Albani. Còn những người thuộc quốc tịch khác, thì sẽ bị đưa đến quốc gia thứ 3 an toàn.

Chỉ 660 người trong tổng số 19.441 người vượt eo biển trong năm nay bị đưa về quê hương. Tất cả họ đều là người Albani. 

Hội đồng Tị nạn ước tính, nếu như quốc tịch của những người đến Anh vẫn duy trì như vậy, thì chỉ có 3.5% số này bị trục xuất về cố quốc mỗi năm. 

Hàng chục ngàn người còn lại sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì thỏa thuận với các nước thứ 3 (chẳng hạn Rwanda) vẫn còn vướng thủ tục pháp lý. Những người này sẽ phải sống chui rúc trong cộng đồng, dễ bị bóc lột và lạm dụng, làm gia tăng chi phí xử lý các vấn đề liên quan đến họ.

Viethome (theo ITV News)