• Ismail Mohamed Abdulwahab, 13 tuổi, đến từ Brixton, nam London, đã được chôn cất vào hôm qua mà không có sự hiện diện của gia đình ruột thịt. 

    0 dam tang be trai 13 tuoi 1
    Em được tin là bệnh nhân trẻ nhất ở UK tử vong vì dịch bệnh này. Ảnh: PA

    Quang tài mang thi thể Ismail Mohamed Abdulwahab bé nhỏ được hạ xuống huyệt mộ bởi 4 người đàn ông mặc quần áo bảo hộ và mang khẩu trang. 

    Gia đình ruột thịt của em không một ai có mặt sau khi 2 trong số 6 anh/chị/em của Ismail bắt đầu xuất hiện triệu chứng nhiễm Covid-19.

    Một buổi lễ cầu nguyện tại khu nghĩa trang Eternal Gardens dành cho người theo đạo Hồi ở Công viên Kemnal, Chislehurst, đã được tổ chức vào chiều thứ Sáu. 

    Tất cả những người tham gia buổi lễ cầu nguyện đều tuân theo quy tắc giãn cách xã hội. 

    0 dam tang be trai 13 tuoi 1
    Những người tham gia cầu siêu giữ khoảng cách xã hội trong suốt đám tang. Ảnh: Aaron Chown/PA

    Ismail ra đi một mình trong bệnh viện vào sáng sớm thứ Hai tuần này. Cha của em cũng đã qua đời trước đó do mắc ung thư.

    Một người bạn của gia đình, anh Mark Stephenson, người đã thiết lập một trang quyên góp trên GoFundMe để lo đám tang cho Ismail, cho biết em trai và chị gái của cậu bé cũng xuất hiện các triệu chứng nhẹ bao gồm sốt và mất vị giác.

    Gia đình ruột thịt của Ismail vô cùng đau lòng vì không thể có mặt trong đám tang lặng lẽ của em, tuy nhiên họ rất cảm động trước sự giúp đỡ của cộng đồng.

    Ismail, không có bệnh lý nền, được miêu tả là một cậu bé dịu dàng và tốt bụng, luôn tỏa sáng nụ cười ấm áp.

    Cậu bé được chẩn đoán mắc Covid-19 vào thứ Sáu tuần trước, một ngày sau khi được đưa vào bệnh viện King’s College Hospital. Cậu bé qua đời vào lúc 3h sáng thứ Hai sau khi phổi ngừng ngoạt động và cậu bị nhồi máu cơ tim.

    Ông Stephenson, giám đốc tại trường Madinah College nơi chị của Ismail làm việc, đã quyên góp được hơn 71,000 bảng cho gia đình em, vượt xa mục tiêu ban đầu là 4,000 bảng.

    Bài liên quan: Bé trai 13 tuổi ở Brixton tử vong vì Covid-19 gây rúng động tại Anh

    Viethome (theo itv)

  • Thị trường thiết bị y tế rơi vào hỗn loạn khi các quốc gia tung cả quân đội và lực lượng tình báo vào cuộc tranh giành để ứng phó dịch mà bất chấp quan hệ “huynh đệ” hay bạn bè.

    0 tranh gianh thiet bi y te
    Pháp tiếp nhận hàng triệu khẩu trang từ Trung Quốc ngày 30.3. Ảnh: The New York Times

    “Hớt tay trên" ngay tại sân bay

    Ngày 1.4, lô hàng 4 triệu khẩu trang do Trung Quốc sản xuất đã được chất lên máy bay và sẵn sàng đưa đi Pháp theo đơn đặt hàng, bỗng chuyển hướng bay thẳng đến Mỹ trong phút cuối. “Một số người Mỹ có mặt tại sân bay chấp nhận trả giá gấp 3 lần và thanh toán bằng tiền mặt ngay lập tức”, đài RFI dẫn lời ông Jean Rottner, Chủ tịch của vùng Grand Est (Pháp), chia sẻ.

    Nguồn tin của tờ Liberation cho biết kịch bản này đã xảy ra nhiều lần với một số thành phố của Pháp, như vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur. Từ đầu tháng 3, Pháp lên kế hoạch tích trữ khẩu trang nhập khẩu thêm 1 tỉ chiếc, trong đó có 600.000 chiếc từ Trung Quốc và sẽ được vận chuyển hằng tuần cho đến hết tháng 4.

    Canada cũng rơi vào “cuộc chiến” tương tự khi nhiều lô hàng nước này đặt từ Trung Quốc đã bị “hao hụt” khi “quá cảnh” châu Âu. Nguồn tin giấu tên chia sẻ với Đài phát thanh Canada rằng có rất nhiều sự cạnh tranh từ châu Mỹ và châu Âu.

    “Chúng tôi đã chiến thắng ấn tượng trong trận chiến này. Các quốc gia ngoài kia còn đang thiếu thiết bị, nhưng ở đây chúng tôi vẫn có đủ và hàng sẽ được chuyển đều đặn”, Thủ hiến bang Quebec (Canada) François Legault lạc quan.

    Tại Mỹ, cuộc chiến còn xảy ra trong nội bộ nước này, như Thống đốc New York Andrew Cuomo ví von: “Hơn 50 tiểu bang đang cạnh tranh nhau về thiết bị bảo hộ và máy thở, như một cuộc đấu giá trên eBay”.

    Quân đội, tình báo vào cuộc

    Cơ quan Tình báo Mossad của Israel, vốn nổi tiếng với những chiến dịch ám sát và bắt cóc, đã lập được “chiến công” mới khi mang về hàng loạt thiết bị y tế cho nước này trong cuộc chiến chống Covid-19. Giữa lúc nguồn hàng khan hiếm trên khắp thế giới, Mossad vẫn nhập khẩu được 10 triệu khẩu trang, 25.000 mặt nạ phòng độc N95, 27 máy thở và 20.000 bộ dụng cụ xét nghiệm từ các nguồn cung không được tiết lộ.

    “Đánh cắp tài liệu lưu trữ hạt nhân của Iran còn dễ hơn là tìm mua máy thở y tế và vận chuyển nó đến các bệnh viện ở Israel”, tờ Al Monitor dẫn lời ông Yossi Cohen - Giám đốc Mossad. Hàng trăm nhân viên của ông Cohen đã lục tung mọi ngóc ngách khắp thế giới để có được thiết bị cần thiết. Họ không cần phải quan tâm đến ngân sách, mệnh lệnh duy nhất đó là bằng mọi giá phải bảo đảm Israel có đủ khả năng ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 trong điều kiện khẩn cấp nhất.

    Ở châu Âu, các tập đoàn sản xuất lớn như Airbus, Rolls-Royce, Land Rover hay McLaren cũng chuyển đổi dây chuyền sang sản xuất máy thở. Tại Ý, các bác sĩ đã điều chỉnh mặt nạ lặn gắn thêm van hô hấp in 3D để thay thế máy thở y tế trước tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

    “Huynh đệ tương tàn”

    Theo tờ Global Times, CH Czech đã hoàn trả cho Ý lô hàng mà nước này đã chặn ngày 17.3, trong đó có 101.600 mặt nạ phòng độc và khẩu trang được quyên góp từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) dành tặng cho người Trung Quốc ở Ý. Cũng liên quan Ý, ngày 18.3, Đài truyền hình La7 cho biết Bộ Y tế Romania đã quyết định chặn một số bưu kiện được chuyển đến Ý trong đó có 10.000 mặt nạ y tế, 17.000 khẩu trang, 400 khẩu trang sử dụng một lần, 45 bộ quần áo bảo hộ y tế. EU sau đó đã buộc phải can thiệp để tránh xảy ra các xung đột về ngoại giao. “Chúng tôi lên án tất cả các quốc gia về hành vi tịch thu khẩu trang dành cho các quốc gia đang gặp khó khăn như Ý, thật đáng xấu hổ”, Wall Street Journal dẫn lời Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio.

    Trái ngược với phát biểu của ông Luigi Di Maio, tờ AFP ngày 24.3 cho biết Ý đã thu giữ 1.840 mặt nạ phòng độc đang trên đường đến Hy Lạp. Chiếc xe tải chở vật phẩm chuẩn bị lên phà tới Hy Lạp thì Ý đột ngột không cho phép nó rời khỏi đất nước. Bộ Thương mại Tunisia cũng cáo buộc Ý thu giữ trái phép một lô hàng nước sát khuẩn trên đường đến Tunisia từ Trung Quốc. “EU không còn là EU nữa. Tất cả các nước đều hỗn loạn, tất cả họ đều tìm cách ăn cắp thiết bị vì lo sợ dịch bệnh này”, Bộ trưởng Thương mại Tunisia Mohamed Msilini gay gắt.

    Cuộc chiến không có bạn bè

    Theo tờ Der Spiegel, 6 triệu khẩu trang loại FFP2 đã bị mất tích tại sân bay của Kenya trước khi đến Đức vào ngày 20.3 mà không rõ lý do. Bộ Quốc phòng Đức, đơn vị chịu trách nhiệm, cho biết sự việc không gây tổn thất tài chính vì Đức vẫn chưa thanh toán tiền cho lô hàng. Trước đó, chính Đức đã bị Thuỵ Sĩ chỉ trích vì chặn đứng lô khẩu trang ở biên giới khi xe tải chở 240.000 khẩu trang quá cảnh tại nước này, theo tờ Neue Zuercher Zeitung đưa tin hôm 9.3.

    Pháp, quốc gia bị Mỹ “hớt tay trên” ở sân bay, cũng từng có hành động không đẹp khi trưng dụng 4 triệu khẩu trang quá cảnh của Công ty Mölnlycke (Thụy Điển) ngày 5.3. Theo đài RT France, số khẩu trang này dự kiến được chuyển cho Tây Ban Nha và Ý, hai quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Sau 15 ngày căng thẳng ngoại giao và áp lực từ chính phủ Bắc Âu, Paris cho phép một nửa lô hàng đến được nơi cần đến, phần còn lại vẫn nằm tại Pháp. “Trong cuộc chiến khẩu trang, không có bạn bè”, tờ El Mundo của Tây Ban Nha ngày 2.4 đưa ra bình luận nặng nề về sự việc.

    Đài RNZ của New Zealand đưa tin nước này đã có thể mua một số lượng lớn máy thở từ các nhà cung cấp quốc tế, ngay cả khi nhu cầu đang tăng cao. Rất nhiều quốc gia, trong đó có EU đã đặt hàng 10.000 máy thở với tổng giá trị hơn 650 triệu USD. Anh đang cố gắng tăng gấp ba số lượng máy thở của mình lên 26.000, trong khi Mỹ đang cố gắng mua 100.000 máy, bằng tổng sản lượng của thế giới trong một năm.

    Andrew Stapleton, bác sĩ dẫn đầu chiến dịch của New Zealand, cho biết nước này đã tận dụng các đối tác thương mại và sử dụng “sự khôn ngoan” để cung cấp máy, nhờ quan hệ thân thiện và hình ảnh tốt của nước này trong suốt thời gian qua.

    Theo Thanh Niên

  • Người đàn ông tên là Anan Sahoh tử vong khi đang đi tàu từ Bangkok đến Narathiwat, phía nam Thái Lan có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Nhưng điều đáng sợ là camera an ninh đã ghi lại được cảnh người này cố tình khạc nhổ nước bọt vào hành khách khác ngay trước khi chết.

    Ông Sahoh, 56 tuổi tử vong vào chiều thứ Ba (31/3) trên chuyến tàu đi từ Bangkok đến Narathiwat ở phía nam Thái Lan. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nạn nhân dương tính với virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp Covid-19. 

    0 co tinh nho nuoc bot 1
    Hình ảnh camera cho thấy người đàn ông Thái Lan nhiễm virus corona cố tình nhổ nước bọt vào hành khách đang mua vé ở phía trước.

    Trích xuất camera tại nhà ga Bang Sue - nơi người đàn ông lên tàu - các nhà chức trách tá hỏa phát hiện, ông Sahoh đã cố tình khạc nhổ nước bọt vào một hành khách đứng phía trước đang xếp hàng mua vé.

    Các quan chức Thái Lan đã ra lệnh cách ly trong 14 ngày đối với toàn bộ hành khách đi chung chuyến tàu với ông Sahoh và toàn bộ con tàu cũng đã được khử trùng.

    Họ cũng đang gấp rút tìm kiếm hành khách bị nhổ nước bọt vì quan ngại người này có khả năng cao bị lây nhiễm virus.

    0 co tinh nho nuoc bot 1
    Toàn bộ tàu hỏa được khử trùng sau cái chết của người đàn ông nhiễm virus corona.

    "Chúng tôi đang phối hợp với cảnh sát đường sắt nhưng họ chưa tìm thấy anh ta", Giám đốc Đường sắt Thái Lan Thakoon Intrachom cho biết.

    Các nhân viên trên tàu cho biết, ông Sahoh không sốt khi lên tàu nhưng ho và nôn trong suốt hành trình. Nhân viên tàu hỏa đã khuyên hành khách xuống tàu tìm nơi nghỉ ngơi nhưng người đàn ông không chịu. Cuối cùng, nạn nhân được phát hiện ngã gục trước nhà vệ sinh khi tàu đến Prachuap Khiri Khan.

    Theo Dân Việt

  • Trong 9 ngày, quân đội, kỹ thuật viên và tình nguyện viên Anh cải tạo Trung tâm triển lãm London thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 có quy mô 4.000 giường hồi sức tích cực.

    nightingale khanh thanh 1

    Một trong những bệnh viện dã chiến đầu tiên của chính phủ Anh để điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona đã mở cửa tại Trung tâm triển lãm London (ExCel London), ở phía đông thủ đô. Bệnh viện được đặt tên là NHS Nightingale, với sức chứa tối đa lên đến khoảng 4.000 giường bệnh hồi sức tích cực. Ảnh: AP.

    nightingale khanh thanh 1

    Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, người vừa kết thúc cách ly sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona, đã đến khai trương bệnh viện NHS Nightingale cùng giáo sư Charles Knight, quan chức NHS điều hành các bệnh viện dã chiến. Ảnh: Reuters.

    nightingale khanh thanh 1

    Sky News cho biết đây là bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 có quy mô lớn nhất thế giới. Hai bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn được xây dựng ở Vũ Hán (Trung Quốc) có sức chứa lần lượt là 1.000 và 1.600 giường. Bệnh viện dã chiến trong Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Jacob Javits tại New York có năng lực tiếp nhận 2.500 giường bệnh. Ảnh: Reuters.

    nightingale khanh thanh 1

    Mô hình bệnh viện dã chiến Nightingale (Chim họa mi), được đặt tên theo Florence Nightingale, nhà thống kê y học người Anh và cũng là người sáng lập ngày điều dưỡng. Mô hình sẽ được triển khai tại hai thành phố nhiều thành phố khác tại nước Anh nhằm dự phòng hàng trăm giường bệnh hồi sức tích cực, chuẩn bị cho giai đoạn dịch virus corona đạt đỉnh điểm và bệnh viện NHS Nightingale London quá tải. Ảnh: AP.

    nightingale khanh thanh 1

    Nhân sự vận hành và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại ExCel London sẽ bao gồm nhân viên y tế của Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia (NHS) và quân đội Anh. Một số cơ sở tương tự dự kiến được xây dựng trên toàn lãnh thổ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland bao gồm: sân vận động Cardiff (xứ Wales), Trung tâm sự kiện Glasgow (Scotland), Bệnh viện thành phố Belfast (Bắc Ireland), Trung tâm triển lãm Harrogate, Trung tâm Hội nghị Manchester, Đại học Tây Anh ở Bristol và Nhà triển lãm Quốc gia Birmingham. Ảnh: AP.

    nightingale khanh thanh 1

    Bệnh viện Nightingale London ban đầu có 500 giường sẵn sàng hoạt động cùng diện tích để bố trí thêm 3.500 giường, theo BBC. Bệnh viện chuyên tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng và cần điều trị tích cực, được chuyển đến từ các bệnh viện khác trong thủ đô London. Ảnh: Reuters.

    nightingale khanh thanh 1

    Trong vòng 9 ngày, 87.328 m2 của hai sảnh triển lãm tại ExCel London đã được cải tạo với bộ khung cho 80 khu điều trị, mỗi khu có 42 giường bệnh. Mỗi ngày có khoảng 200 quân nhân làm được triển khai từ Trung đoàn Hoàng gia Anglian và Quân đoàn Súng trường Hoàng gia Gurkha, làm việc cùng với nhà thầu và nhân viên NHS gấp rút hoàn thành công trình. Ảnh: Reuters.

    nightingale khanh thanh 1

    Quân đội và các kỹ thuật viên Anh đã hoàn tất lắp đặt trước 500 giường với đầy đủ trang thiết bị y tế, bao gồm máy trợ thở, hệ thống tiếp oxy. Ảnh: Reuters.

    nightingale khanh thanh 1

    Đường dây điện trong ExCel London cũng được điều chỉnh lại để đảm bảo khả năng cung cấp điện ổn định cho tối đa 4.000 giường bệnh. Quân đội Anh và NHS cũng cho lắp đặt máy phát điện cơ động và bồn trữ khí oxy cùng một số lượng giường dự phòng. Ảnh: Reuters.

    nightingale khanh thanh 1

    Với hiệu suất làm việc tối đa, bệnh viện dã chiến NHS Nightingale London sẽ cần khoảng 16.000 nhân sự, bao gồm y bác sĩ và tình nguyện viện. Quan chức điều hành bệnh viện London, bà Natalie Forrest, cho biết một khu điều trị cần khoảng 200 nhân sự. Ảnh: Reuters.

    nightingale khanh thanh 1

    Theo kế hoạch vận hành bệnh viện NHS Nightingale London, những sĩ quan trong quân đội Anh từng có kinh nghiệm làm việc tại Afghanistan và ứng phó dịch Ebola tại Tây Phi sẽ được huy động hỗ trợ nhân viên y tế. Ảnh: Reuters.

    nightingale khanh thanh 13
    Trang thiết bị được mang đến bệnh viện.

    Y tá sẽ được điều động từ một số bệnh viện trong khu vực, cùng với tình nguyện viên của tổ chức St John Ambulance. Nhân sự được huấn luyện sơ cứu tại các hãng hàng không Easyjet và Virgin Atlantic đang được kêu gọi hỗ trợ. Anh cũng vận động các sinh viên trường y đang thực tập, cũng như y bác sĩ đã về hưu, tình nguyện hỗ trợ. Ảnh: AP.

    nightingale khanh thanh 13
    Bệnh nhân giả được đưa vào bệnh viện để kiểm tra đoạn đường cấp cứu.

    Zing

  • Theo Bộ trưởng Y tế Hancock điểm quan trọng nhất trong chiến lược mới đối phó với Covid-19 tại Anh là gia tăng quy mô xét nghiệm trên diện rộng.

    “Chiến lược 5 điểm” này được Bộ trưởng Hancock đưa ra trong một phát biểu trước báo giới tại Phố Downing sau khi vừa kết thúc 7 ngày tự cách ly do dương tính với SARS-CoV-2. 

    0 chien luoc chong dich moi
    Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Getty

    Trong chiến lược mới, chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnsson đặt mục tiêu đầy tham vọng đẩy mức xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày lên 100.000 xét nghiệm vào cuối tháng 4, một con số tham vọng hơn nhiều so với cam kết xét nghiệm 25.000 người mỗi ngày hiện nay.

    Vậy 5 điểm mấu chốt trong chiến lược mới này là gì?

    Thứ nhất và là điểm quan trọng nhất của chiến lược mới là mở rộng quy mô tiến hành xét nghiệm. Chính phủ Anh hiện bị chỉ trích mạnh mẽ vì xét nghiệm ít hơn nhiều so với các nước khác ở cùng giai đoạn của dịch Covid-19. Hiện chỉ có hơn 10.000 người Anh được xét nghiệm mỗi ngày, trong khi con số này ở Đức là 50.000.

    Có 2 hình thức chính để xét nghiệm SARS-CoV-2: xét nghiệm dịch mũi, họng và xét nghiệm máu. Hình thức xét nghiệm dịch mũi họng là để kiểm tra xem một người nào đó hiện có đang nhiễm virus hay không, cho dù họ không xuất hiện triệu chứng nào. Hình thức xét nghiệm máu, hiện nay vẫn chưa được tiến hành, là để tìm kháng thể trong máu để xem liệu người bệnh đã phục hồi và đã có cơ chế miễn dịch với virus hay chưa.

    Bộ trưởng Hancock đặt mục tiêu tiến hành 100.000 xét nghiệm mỗi ngày ở các bệnh viện và phòng thí nghiệm của Anh, con số cao hơn nhiều so với mục tiêu trước đây đặt ra 25.000 xét nghiệm mỗi ngày đến giữa tháng 4.

    Ban đầu người ta cho rằng con số 25.000 là đặt ra trên phạm vi toàn bộ Vương quốc Anh. Tuy nhiên Bộ Y tế trong một phát biểu sau đó đã nói rằng, con số 25.000 chỉ là ở nước Anh.

    Hiện cũng chưa rõ liệu các con số mục tiêu xét nghiệm chỉ là nói về xét nghiệm dịch mũi họng hay là kết hợp cả hình thức xét nghiệm máu.

    Về ưu tiên xét nghiệm, các bệnh nhân sẽ là ưu tiên số một ở Anh, tiếp sau đó là các nhân viên của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) và gia đình họ.

    Thứ hai, Chính phủ Anh đang lên kế hoạch phối hợp với các đối tác thương mại như các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu và các công ty tư nhân như Amazon và Boots để tiến hành thêm các xét nghiệm dịch mũi họng.

    Bộ trưởng Hancock nói rằng chính phủ sẽ xây dựng một mạng lưới các phòng thí nghiệm và các địa điểm tiến hành xét nghiệm dịch mũi họng với các đối tác kể trên trên khắp cả nước. Mạng lưới xét nghiệm này mục đích ban đầu chỉ dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu và gia đình của họ.

    Thứ ba, Anh sẽ đưa vào sử dụng xét nghiệm máu, mặc dù không nêu thời điểm cụ thể áp dụng hình thức xét nghiệm này.

    Hiện tại nhiều người cho rằng, Covid-19 - dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra - có hình thành cơ chế miễn dịch ở những bệnh nhân đã phục hồi, nhưng vẫn chưa có bằng chứng về việc cơ chế miễn dịch này sẽ kéo dài được bao lâu. Tuy nhiên, các xét nghiệm máu này có thể đảm bảo rằng người đó đã an toàn và giúp họ trở về cuộc sống bình thường.

    Theo Bộ trưởng Hancock, các xét nghiệm kháng thể có thể thực hiện tại nhà với việc lấy máu trên ngón tay và chỉ mất 20 phút.

    Thứ tư là chương trình theo dõi trên diện rộng, nhằm giúp giới chức y tế hiểu được tốc độ lây lan của dịch Covid-19, những con số sẽ rất hữu ích để làm cơ sở khi thông qua các chính sách rộng rãi hơn, ví dụ như liệu việc giãn cách xã hội có cần thiết kéo dài nữa hay không. Chính phủ sẽ tiến hành 3.500 xét nghiệm kháng thể như một phần trong kế hoạch này.

    Thứ năm, Anh sẽ phát triển một “ngành công nghiệp chẩn đoán” quy mô lớn với sự tham gia của các gã khổng lồ dược phẩm Anh như AstraZeneca và GlaxoSmithKline. Bộ trưởng Hancock thừa nhận rằng nước Anh đã không chuẩn bị tốt cho cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay khi xét về việc chẩn đoán.

    Theo Bộ trưởng Hancock, cho tới nay, tại Anh tổng cộng đã có 163.000 người được xét nghiệm, trong đó có 33.718 được xác nhận mắc Covid-19 và 2.921 người đã tử vong./.

    Theo VOV

  • Ngày 3/4, nước Anh tiếp tục phá vỡ kỷ lục về số nạn nhân Covid-19 trong các ngày trước khi có tới thêm 684 ca tử vong trong vòng 24 giờ.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn chưa thể quay trở lại làm việc như dự định sau khi nhiễm Covid-19 vì bệnh chưa thuyên giảm, trong bối cảnh nước Anh ngày 3/4 đã chính thức vượt qua Trung Quốc về số nạn nhân tử vong vì dịch.

    Theo kế hoạch ban đầu được đích thân Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố trên mạng xã hội, ông dự định quay lại làm việc bình thường ngày 3/4 sau gần 10 ngày nhiễm virus Sars-CoV-2. Tuy nhiên, trong chiều ngày 3/4, Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock cho biết ông Boris Johnson vẫn chưa hết sốt nên sẽ phải tiếp tục cách ly trong một vài ngày tới.

    0 thu tuong johnson bi sot

    Thông tin này đến trong thời điểm chính phủ Anh đang chịu sức ép rất lớn từ dư luận nước này về việc thiếu sự chuẩn bị cũng như các chiến lược đối phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.

    Trong ngày 3/4, nước Anh tiếp tục phá vỡ kỷ lục về số nạn nhân Covid-19 trong các ngày trước khi có tới thêm 684 ca tử vong trong vòng 24 giờ, khiến nước này chính thức vượt qua Trung Quốc về số nạn nhân, với tổng cộng 3.605 người đã thiệt mạng từ khi dịch bùng phát. Số ca nhiễm bệnh cũng lên tới gần 39.000 người.

    Đứng trước các chỉ trích gay gắt, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock biện hộ rằng chính phủ Anh đang làm hết sức theo các chỉ dẫn khoa học.

    “Ngay từ khi cuộc khủng hoảng này nổ ra, chúng tôi đã nói rất rõ rằng kế hoạch của chúng tôi được thiết lập trên những cơ sở khoa học tốt nhất. Và các cơ sở khoa học này đang được cải thiện mỗi ngày. Nhưng có quá nhiều thứ chúng tôi không biết về việc làm sao điều trị các bệnh nhân hay làm sao để ngăn ngừa Covid-19. Do đó, trọng tâm cao nhất của chúng tôi bây giờ là nghiên cứu cách thức điều trị”, Bộ trưởng Y tế Anh nói.

    Theo ông Matt Hancock, trong một vài ngày tới, nước Anh sẽ tung ra một chiến dịch thử nghiệm điều trị lớn nhất thế giới với hàng ngàn bệnh nhân tham gia sử dụng nhiều loại thuốc mới. Ông Hancock cũng nhắc lại cam kết rằng đến cuối tháng 4/2020, nước Anh sẽ có năng lực tiến hành 100.000 xét nghiệm/ngày, tức cao gấp 8 lần so với hiện nay.

    Trong ngày 3/4, Anh cũng đã mở cửa bệnh viện dã chiến Nightingale ở thủ đô London, có năng lực điều trị cho 4.000 bệnh nhân và được trang bị 500 giường có máy thở. Hai bệnh viện dã chiến khác đang được xây dựng tại các thành phố Birmingham và Manchester.

    Trong một diễn biến khác, Hoàng gia Anh ra thông báo cho biết, Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ đọc một bài diễn văn gửi đến toàn thể người dân Anh trong ngày 5/4 nhằm kêu gọi đoàn kết quốc gia chiến đấu với đại dịch Covid-19.

    Đây là lần thứ 4 kể từ sau Thế chiến II, Nữ hoàng Anh có một bài diễn văn dạng này gửi đến dân chúng Anh, trừ các bài diễn văn nhân các dịp năm mới hoặc lễ kỷ niệm của Hoàng gia./. 

    Theo VOV

  • Hai phụ nữ Việt trung niên sống ở San Jose (Hoa Kỳ) biết nhau từ lâu nhưng thỉnh thoảng tình cờ họ mới gặp nhau. Những kể từ khi 'đại họa' COVID-19 ập vào nước Mỹ, họ gặp nhau mỗi ngày, cùng nhau tiếp sức thức ăn cho các y bác sĩ tuyến đầu.

    0 nguoi viet nau com 1
    Y bác sĩ bệnh viện Kaiser gửi hình chụp chung với các phần cơm Việt Nam - Ảnh: NVCC

    Đó là chị Nguyễn Thị Minh Huyền, chủ nhà hàng Phở Hà Nội - một nhà hàng Việt Nam rất có tiếng ở Cupertino, San Jose, California, cung cấp suất ăn miễn phí. 

    Còn chị Phan Tiểu Vân, một người kinh doanh ở San Jose, đại diện kết nối đưa những suất ăn đến các bác sĩ đang chạy đua với thời gian để cứu chữa bệnh nhân.

    Những hộp cơm dán lời cảm ơn

    Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Huyền cho biết ý tưởng nấu cơm miễn phí tiếp sức các y bác sĩ tuyến đầu trong vùng xuất hiện khi chị thấy có người hàng xóm đi vận động tiền trong xóm để mua đồ ăn cho các bác sĩ. 

    "Khi đó tôi nghĩ mình là chủ nhà hàng, có đầu bếp, mọi phương tiện đều sẵn, tại sao mình không làm? Tôi cũng muốn mọi người biết về tấm lòng tình nghĩa của cộng đồng người Việt Nam và cả ẩm thực của chúng ta đến người Mỹ".

    Chị Huyền làm vậy để tiếp sức các bác sĩ trong lúc công việc bộn bề nhưng cũng để giúp các nhà hàng duy trì hoạt động, giữ được nhân viên, giảm số người mất việc. 

    Nhờ có những đầu bếp giỏi, có máy móc có thể cùng lúc nướng, hấp, chiên... mấy chục phần ăn nên từ 8h sáng đến 11h trưa là các đầu bếp chuẩn bị xong 100 phần ăn gọn gàng vào hộp.

    Nói đến ẩm thực Việt, phở là món mà hầu hết người nước ngoài ai ăn cũng thích nhưng việc nấu phở cầu kỳ, nước dùng sóng sánh không thể đem được vào bệnh viện. 

    Dịp này, chị Huyền nấu cơm, xôi, mì để tiện việc đun nóng và mang đi. Bếp đổi món mỗi ngày, có từ cơm chay tàu hủ cho người ăn chay, cơm sườn nướng sả, mì gà rôti, tôm rang me, cơm gà Hải Nam, gỏi cuốn tôm thịt... cho người ăn mặn.

    Mỗi hộp cơm được dán lời cảm ơn: "Chân thành cảm ơn vì bạn đã mang lại sự khác biệt cho cuộc sống của các bệnh nhân - thay mặt cộng đồng người Việt Nam - Phở Hà Nội".

    Chị Huyền cho biết tất cả mọi người đều khó khăn khi dịch bệnh bất ngờ xuất hiện. Hai nhà hàng của chị bình thường có 65-70 nhân viên nhưng đến nay chỉ còn giữ được 12-15 nhân viên.

    Trước đây mỗi ngày nhà hàng bán 3.000 phần nay chỉ còn bán thức ăn mang đi, mỗi ngày nhiều lắm được 800 phần. 

    "Ai cũng mất thu nhập nên chúng ta đều cần đồng lòng, hỗ trợ nhau cùng vượt qua. Nhà hàng cũng giảm giá 25% cho khách như một sự chung tay với cộng đồng" - chị Huyền nói.

    ''Đi giao cơm tới bệnh viện nào cũng nhận được những ánh mắt, nụ cười của áo trắng áo xanh, phấn chấn khiến tôi quên hết mệt nhọc và thêm động lực'', chị Tiểu Vân nói.

    Giới thiệu ẩm thực Việt

    Từ ngày 26-3, những bữa cơm Việt bắt đầu đến các bệnh viện, mỗi ngày một bệnh viện khác nhau. 

    Theo chị Phan Tiểu Vân, "tìm nhà tài trợ dễ hơn đi tặng đồ ăn, nhất là tặng cho các bệnh viện ở Mỹ". Thức ăn đem đến phải là của nhà hàng có giấy phép hoạt động. 

    Xe chở thức ăn phải là xe chuyên dụng của nhà hàng. Đến giờ hẹn trước, xe đến cổng, các y tá, bác sĩ chỉ có vài phút chạy xuống lấy đồ rồi lại vội vàng chạy lên vì họ chỉ có 30 phút nghỉ ăn trưa.

    Theo chị Vân, hiện nay khu vực nhà ăn của các bệnh viện đã được chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến, chuẩn bị cho tình huống có nhiều bệnh nhân hơn nên bác sĩ hoặc phải mang cơm từ nhà theo, hoặc phải đặt đồ ăn từ xa đến, khá bất tiện vì đi ra đi vào lấy cơm nhanh cũng mất 10 phút.

    Có cơm nóng đến đúng giờ, hoặc ai bận ăn sau chỉ cần đun nóng lại, các bác sĩ rất cảm kích. Chị Vân kể có khi xe chạy đi rồi thì nhận được điện thoại của bác sĩ gọi xin lỗi vì bận quá không ra gặp được. 

    Có lúc 1h sáng, nữ y tá tan ca trực về nhắn tin: "Chị ơi hôm nay cả khoa được ăn món Việt Nam ngon quá, mọi người như được cổ vũ tinh thần".

    Mỗi ngày chị Vân đến nhà hàng Phở Hà Nội, lái xe dẫn đường cho xe chở đồ ăn đi sau. Nhiều bệnh viện chị chưa đến bao giờ, vừa lái chị vừa lo lạc đường. 

    Do đã sắp xếp được với bộ phận hành chính của bệnh viện, xe được đậu trước cổng cấp cứu hoặc cổng sau để các y bác sĩ có thể mang xe đẩy xuống nhận cơm.

    Chị Vân cho biết chị nhận được rất nhiều tin nhắn, email, thiệp cảm ơn từ các y bác sĩ. Ngoài lời cảm ơn, nhiều người cho biết rất thích và bất ngờ đồ ăn Việt Nam rất ngon. 

    Dù xuất phát từ tình cảm muốn đóng góp cho cộng đồng, tri ân những y bác sĩ tuyến đầu, điều bất ngờ với chị Huyền và chị Vân là sau sự kiện này, đồ ăn Việt được rất nhiều y bác sĩ ở Mỹ yêu thích.

    Chị Vân cho biết khi dịch bệnh qua đi, chị có hẹn với các y tá, bác sĩ gặp nhau ăn lẩu, nói về kỷ niệm đã qua về "Cô Vy".

    Lan tỏa tình yêu thương

    0 nguoi viet nau com 1
    Chị Huyền tự tay chuẩn bị các phần cơm trợ sức y bác sĩ ở Cali trong dịch COVID-19 - Ảnh: NVCC

    Chị Huyền cho biết cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay là mãn tang mẹ ở Việt Nam. Hai vợ chồng đã định về Vũng Tàu nhưng vì dịch bệnh không về được.

    Mỗi năm khi về họ đều đến giúp trại trẻ mồ côi, mái ấm, trung tâm ung bướu nên năm nay dùng khoản tiền này nấu cơm cho các bác sĩ.

    Ban đầu gia đình định giúp 1.000 phần, tối đa 100 phần/ngày nhưng nhiều người biết việc làm của chị Huyền đã ngỏ ý muốn đóng góp thêm.

    Số lượng có thể cam kết hiện giờ đã lên đến 3.000 phần ăn. Một nhà cung cấp gà người Trung Quốc cho nhà hàng của chị Huyền tự nguyện ủng hộ mỗi tuần mấy thùng gà. Một số khách hàng gọi điện muốn góp 50, 100 phần ăn.

    Nhân viên nhà hàng báo không lấy tiền lương, chỉ lấy vài đồng đổ xăng. Chủ nhà nơi chị thuê mặt bằng giảm giá thuê, những khoản tiết kiệm và ủng hộ từ nhiều nguồn này giúp chị Huyền có thể nấu thêm nhiều bữa cơm Việt cho các y bác sĩ trong vùng.

    Bức thư cảm ơn của bác sĩ Mỹ

    Thân gửi Phở Hà Nội,

    Thay mặt Bệnh viện O’Connor, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý vị vì đã hào hiệp gửi tặng các bữa trưa đến cho đội ngũ của chúng tôi. Trong thời gian đầy thách thức này, chúng tôi đang làm việc không mệt mỏi vì các bệnh nhân. Sự hỗ trợ của quý vị là sự động viên giúp chúng tôi tiếp tục những cam kết và mục đích của mình, có thêm sức mạnh để tiếp tục bảo vệ bệnh nhân, đội ngũ và cộng đồng.

    Thân ái,

    Bác sĩ Meenesh A. Bhimani (Bệnh viện O’ Connor ở San Jose)

    Theo Tuổi Trẻ

  • Thị trường dầu mỏ đang chịu nhiều nỗi đau: nhu cầu tiêu thụ xuống dốc khi 3 tỷ người đang chịu các lệnh cách ly, giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, các kho chứa dầu trên toàn cầu nhanh chóng được lấp đầy…

    Đối với các nhà sản xuất dầu mỏ, việc giá dầu xuống mức âm đã trở thành sự thật, khi một số doanh nghiệp trả tiền cho khách hàng để họ mang dầu đi.

    Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ giảm mạnh cả về quy mô và mức độ. Goldman Sachs Group ước tính các nền kinh tế đóng góp 92% GDP kinh tế thế giới hiện đang tiến hành cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19.

    Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ dầu trong tuần này giảm 26 triệu thùng/ngày, tương đương gần ¼ nhu cầu tiêu thụ trung bình năm ngoái. Trong hơn một tháng, nhu cầu sẽ giảm khoảng 800 triệu thùng.

    Đáng chú ý, tại một số khu vực, mức lao dốc của nhu cầu còn mạnh mẽ hơn nữa, chẳng hạn tại Italy và Tây Ban Nha – 2 quốc gia đang gồng mình đối phó với dịch bệnh. Tại Tây Ban Nha, nhu cầu tiêu thụ dầu diesel đã giảm 61%.

    Nhu cầu đi xuống nhanh và mạnh khiến các đường ống dẫn dầu, nhà kho, kho chứa sắp rơi vào tình trạng quá tải. Hiện tại, không có tính toán chính xác năng lực dự trữ dầu trên toàn cầu.

    Tuy nhiên, chiến lược gia tại S&P Global ước tính con số này vào khoảng 1,4 tỷ thùng, bao gồm 400 triệu thùng đang chất trên các con tàu. Cho tới tới, 50% trong số các kho chứa đã được sử dụng và con số sẽ tăng lên 90% cho tới cuối tháng 4.

    Tình trạng thiếu chỗ chứa có thể thấy rõ qua giá vận tải đường biển, với các đội tàu siêu lớn. Giá tiêu chuẩn cho hành trình từ Trung Đông tới Trung Quốc đã tăng gấp 7 lần bình thường.

    Reliance Industries Ltd đã phải trả 400.000 USD/ngày cho các tàu chở dầu từ Trung Đông tới bờ biển tây Ấn Độ đầu tháng 4/2020. Nguyên nhân là các chủ tàu đã cho thuê tàu làm nơi dự trữ và Ả Rập Xê út đang chất hàng lên các tàu lớn.

    0 gia dau amTàu chở dầu thành kho chứa, khiến giá thuê tàu vận chuyển tăng gấp 7 lần.

    Đối với các công ty sản xuất dầu, tình trạng còn đáng ngại hơn, bởi họ thiếu kho dự trữ tại các địa phương, trong khi các công ty đường ống dẫn dầu yêu cầu họ phải giảm lượng dầu vận chuyển, hoặc chứng minh có đủ khả năng mua lại dầu được vận chuyển.

    Diễn biến này khiến việc giá dầu âm – khi nhà sản xuất phải trả tiền cho khách hàng mang dầu đi – không còn là chuyện viễn vông. 2 loại dầu tiêu chuẩn WTI và Brent đã giảm giá khoảng 2/3 trong năm nay và sẵn sàng lao xuống mức dưới 0. Trong khi đó, dầu Wyoming Asphalt Sour, thường sử dụng sản xuất nhựa đường đã được bán với mức âm 0,19 USD/thùng từ giữa tháng 3.

    Một loại dầu khác là Western Canadian Select đang có giá quanh mức 5 USD/thùng. Nhiều loại dầu như Bakken, Wyoming.. cũng có giá chỉ 1 con số. Với tình hình hiện tại, nhiều nhà sản xuất sẽ phải trả tiền cho người mua để họ mang dầu đi, cho tới khi có thể ngừng sản xuất.

    Trong tình cảnh hiện tại, nhiều nhà sản xuất đã phải giảm sản lượng hoặc đóng cửa, mà m ới đây là Whiting Petroleum Corp, nhà vô địch dầu đá phiến đã nộp đơn xin phá sản ngày thứ Tư (1/4).

    Theo tinnhanhchungkhoan

  • Một trung tâm xét nghiệm coronavirus ở Anh gần như trống rỗng vào ngày hôm nay vì các mẫu xét nghiệm đã được gửi đến Đức để có kết quả nhanh hơn.

    Từ thứ Sáu tuần trước, 27/3, Chessington World of Adventures đã mở cửa với tư cách một trung tâm xét nghiệm không cần xuống xe (drive-thru) dành riêng cho cho nhân viên NHS.

    Nhưng tính đến hôm nay (3/4), chỉ 75 người được xét nghiệm tại địa điểm phía tây nam London này, với nhiều hình ảnh cho thấy các khu vực nhận mẫu gần như trống không.

    0 The spread of the coronavirus disease COVID 19 in Chessington

    Các nhân viên được nhìn thấy với mặt nạ và găng tay, dường như đang chờ người của NHS đến.

    Thông tin được tiết lộ sau khi một thông tin khác cho biết tại bãi đậu xe IKEA cách đó 13 dặm, người dân xếp hàng kéo dài đến một phần tư dặm để chờ được xét nghiệm.

    Các cơ sở y tế công cộng của Anh đang mất tới bốn ngày để cho ra kết quả - trong khi các phòng thí nghiệm của Đức cho kết quả chỉ trong hai ngày.

    Bệnh viện đa khoa Northampton đã gửi mẫu của 400 nhân viên đến phòng thí nghiệm Eurofins Biomni của Đức vào thứ Hai.

    Vào thứ Tư, số lượng xét nghiệm trong ngày của Vương quốc Anh ở mức 10.657 - trong khi Đức đang thực hiện trung bình 70.000 xét nghiệm mỗi ngày.

    Cho đến nay, chỉ 5.000 trong số nửa triệu nhân viên NHS tuyến đầu được xét nghiệm.

    Một số nhân viên NHS tại trung tâm Chessington và Wembley IKEA cho biết họ đang bị từ chối.

    Một trong số đó, cô Louise Knight, nói: “Tôi lái xe đến để được xét nghiệm. Chỉ để bị từ chối vì tôi không hẹn trước.”

    Một người khác tại Wembley cho biết: “Rõ ràng tôi cần giấy giới thiệu từ bệnh viện NHS nơi tôi làm việc. Không có chi tiết liên lạc.

    “Chỉ trong vòng năm phút, tám nhân viên đã bị từ chối.”

    Người phát ngôn chính thức của Thủ tướng Boris Johnson hôm nay đã thừa nhận "chúng ta cần làm việc nhanh hơn".

    Phát biểu tại cuộc họp giao ban hàng ngày trên phố Downing, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói: "Các xét nghiệm kháng thể được thực hiện lý tưởng nhất là trong vòng 28 ngày sau khi lây nhiễm.

    “Tôi hiểu tại sao nhân viên NHS muốn xét nghiệm, để họ có thể quay lại tiền tuyến.

    “Nhưng tôi đã đưa ra quyết định rằng ưu tiên hàng đầu phải là bệnh nhân bởi lẽ kết quả xét nghiệm có thể mang đến sự khác biệt trong phác đồ điều trị, đó là sự khác biệt giữa sống và chết.”

    Trước đó, hàng triệu người đã tham gia vào hoạt động 'Clap for our Carers' – vỗ tay vinh danh nhân viên NHS và nhân viên chăm sóc xã hội trên tuyến đầu của cuộc chiến coronavirus.

    Trong hoạt động quy mô quốc gia thứ hai này, toàn thể Vương quốc Anh đã cổ vũ cho nửa triệu nhân viên NHS tiền tuyến - một số người đã hy sinh cuộc sống bên gia đình để giúp chống lại sự lây lan của coronavirus.

    Tiếng vỗ tay đêm qua cũng vinh danh các giáo viên, người dọn dẹp, nhân viên siêu thị và tài xế giao hàng đang giúp giữ cho đất nước hoạt động.

    Hàng chục gương mặt nổi tiếng cũng gửi lời cảm ơn trong một video do NHS phát hành trên phương tiện truyền thông xã hội. Họ bao gồm Elton John, David Beckham, Anthony Joshua, Stormzy, Ricky Jervais, Paul McCartney, Kylie Minogue, Graham Norton và Gordon Ramsey.

    ITV cũng thể hiện sự biết ơn của mình bằng cách tạm dừng các chương trình lúc 8 giờ tối. Carolyn McCall, Giám đốc điều hành tại ITV, cho biết: “Hiện ITV đang tham gia cùng với phần còn lại của đất nước để cảm ơn tất cả mọi người trong NHS và những người chăm sóc đang đóng một vai trò quan trọng và tuyệt vời như vậy."

    Ellie Orton, Giám đốc điều hành của NHS, nói: "Tham gia vào hoạt động ủng hộ NHS tuyệt vời này để cùng Clap for our Carers nói lời cảm ơn sâu sắc với những nhân viên chăm sóc của chúng tôi. Hoạt động này đã tạo nên sự khác biệt, và nhờ người dân, chúng tôi có đã quyên góp được gần 17 triệu bảng cho quỹ Covid-19 Urgent Appeal của chúng tôi.”

    VietHome (Theo Mirror)

  • Một sân trượt băng ở thành phố Milton Keynes, tây bắc London được chuyển thành nhà xác tạm thời trong bối cảnh các bệnh viện trong khu vực quá tải vì số người tử vong do Covid-19 tăng nhanh.

    CNN dẫn thông tin từ chính quyền Milton Keynes  ngày 2/4 cho biết, sân trượt băng Planet Ice tại địa phương này sẽ được chuyển đổi thành nhà xác tạm thời nhằm sẵn sàng ứng phó khi cần thiết trong bối cảnh số người tử vong vì Covid-19 tăng nhanh. Sân trượt băng Planet Ice sau khi chuyển đổi, sẽ có sức chứa lên tới hàng trăm thi thể.

    “Chúng tôi đang tính đến tình huống phải dựng thêm nhiều nhà xác tạm ở Milton Keynes nếu các nhà tang lễ không còn ứng phó nổi với số ca tử vong vì Covid-19 tăng nhanh”, Hội đồng chính quyền Milton Keynes cho biết.

    Tuy nhiên, hội đồng này không nêu rõ khi nào nhà xác tạm ở sân băng Planet Ice bắt đầu hoạt động hoặc khi nào các nhà xác trong thành phố không còn đủ sức chứa.

    san bang nha xac
    Sân trượt băng được chuyển thành nhà xác tạm ở Anh trong bối cảnh số người chết vì Covid-19 tăng nhanh. (Ảnh: Getty)

    Theo hãng tin Skynews, trước đó, một số sân trượt băng ở Anh đã được chuyển đổi thành các nhà xác tạm. Sân bay Birmingham nằm cạnh Trung tâm Triển lãm quốc gia tại thành phố Birmingham (hạt West Midlands) cũng sẽ được biến thành nhà xác tạm thời với sức chứa tới 12.000 thi thể trong tình huống xấu nhất.

    Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh số người mắc và tử vong vì Covid-19 ở Anh tăng nhanh. Theo số liệu từ cơ quan y tế của Anh, trong ngày 2/4, nước này ghi nhận kỷ lục 569 ca tử vong vì dịch viêm phổi cấp, nâng tổng số người chết lên 2.921 ca. Trong ngày hôm qua, Anh cũng có thêm hơn 4.200 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này lên hơn 33.700 ca.

    Paul Hunter, giáo sư y khoa chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Đông Anglia cho rằng, có thể chỉ hai tuần nữa Anh sẽ rơi vào tình trạng như Italia nếu không có biện pháp ứng phó hiệu quả.

    Trong một nỗ lực nhằm ngăn dịch lây lan, giới chức y tế Anh đưa ra kế hoạch đẩy mạnh năng lực xét nghiệm trong cộng đồng. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm qua cho biết, giới chức nước này đặt mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày từ nay đến cuối tháng 4, trong đó bao gồm cả xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Hiện Anh có khả năng thực hiện 13.000 xét nghiệm/ngày.

    Ông Hancock cũng cho biết, chính sách hiện nay của Bộ Y tế nước này là ưu tiên xét nghiệm cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao, cho đội ngũ y tế và gia đình của họ. Đến nay khoảng 2.800 nhân viên y tế của Anh đã được xét nghiệm. Nhiều nhân viên y tế đã tự cách ly sau khi có các triệu chứng mắc bệnh, nhưng đã trở lại làm việc ngay sau khi có kết quả âm tính.

    Dân Trí (theo CNN)

  • Những bức ảnh cho thấy hàng loạt ngôi mộ mới đã được đào tại một nghĩa trang ở Bắc Ireland trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến hàng trăm người tử vong mỗi ngày ở Vương quốc Anh.

    0 dao mo bac ailen 1
    Những ngôi mộ mới được đào tại nghĩa trang ở Bắc Ireland, thuộc Vương quốc Anh

    Theo Express, giới chức trách địa phương đã tăng cường hoạt động đào mộ tại nghĩa trang Sixmile ở hạt Antrim, Bắc Ireland khi số người chết vì virus corona gây bệnh viêm phổi cấp Covid-19 tại Vương quốc Anh tiếp tục tăng.

    Các quan chức cho biết, công tác chuẩn bị đã được thực hiện ráo riết để đề phòng trường hợp các nhân viên nghĩa trang bị ảnh hưởng bởi căn bệnh Covid-19 trong những tuần tới.

    0 dao mo bac ailen 1
    Xe tải tham gia đào mộ ở nghĩa trang.

    "Chúng tôi đã thực hiện một chương trình làm việc khẩn trương để đảm bảo chúng tôi có thể đáp ứng các yêu cầu, đặc biệt là trong bối cảnh chúng tôi có thể bị suy giảm nhân sự do nhân viên nghĩa trang bị ảnh hưởng bởi bệnh tật", người phát ngôn của hội đồng Antrim nói nhưng không cho biết bao nhiêu ngôi mộ đang được đào.

    Trong khi đó, những bức ảnh được đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một đội xe tải và máy đào cơ khí đang đào ít nhất 40 ngôi mộ.

    0 dao mo bac ailen 1
    Nghĩa trang đầy những ngôi mộ mới.

    Số ca tử vong liên quan đến virus corona Covid-19 ở Anh đã đạt mức kỷ lục mới vào thứ Tư (1/4). Hiện số ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận Anh đã lên tới 2.921. Nước này đã ghi nhận 569 ca tử vong mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm virus corona ở Anh hiện là 33.718 ca.

    0 dao mo bac ailen 1
    Nghĩa trang đầy những ngôi mộ mới.

    Do quá nhiều ca bệnh nặng và thiếu máy thở, các các bác sĩ đã nhận được hướng dẫn từ Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) để nhường máy thở của bệnh nhân lớn tuổi có cơ hội sống sót thấp cho các bệnh nhân khỏe mạnh hơn, có nhiều cơ hội sống hơn.

    Dân Việt (dịch từ Express)

  • Tính đến cuối ngày 2/4: Đã có thêm 569 ca tử vong ở UK do nhiễm Covid-19, nâng tổng số người chết lên 2.921 ca. Ngày hôm qua trở thành ngày có tỉ lệ tử vong lớn nhất, trên cả 563 ca của ngày 1/4.

    - Phải mất 17 ngày đầu tiên thì số ca tử vong ở UK mới vượt qua mốc 200 người, tuy nhiên, chỉ trong vòng 12 ngày sau đó, số ca tử vong đã tăng lên gần 3.000 người.

    - Con số này được cập nhật sau khi Bộ Y tế Scotland ghi nhận thêm 50 ca tử vong ở nước này. Thêm 19 người chết ở Wales và 6 người ở Bắc Ailen.

    - Tổng cộng có 33.718 người đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus. Cách đây 1 tuần, con số này mới chỉ là 11.658 ca nhiễm. 

    tin van thang 4

    - Số liệu mới nhất cho biết 73 nhân viên y tế ở Bệnh viện Great Ormond Street đã cho kết quả dương tính với coronavirus. 318 nhân viên khác đang phải cách ly tại nhà bởi vì họ, hoặc ai đó trong gia đình đang xuất hiện triệu chứng. Dù phải làm việc trong không gian chật hẹp nhưng khá nhiều nhân viên y tế vẫn không đeo khẩu trang, theo lời Giáo sư Anthony Costello thuộc University College London.

    - Gần 1 triệu người đã đăng ký đòi Universal Credit trong 2 tuần qua, giữa lúc thiệt hại kinh tế do coronavirus gây ra đang dần rõ ràng.

    - Bộ Tài chính tiếp tục cho NHS vay hơn 13 tỉ bảng để các nhân viên y tế có thể thoải mái chống dịch mà không phải lo lắng thiếu thốn vật tư. 300 triệu bảng sẽ được dùng để hỗ trợ các nhà thuốc cộng đồng.

    - Reuters dẫn số liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết, tính đến ngày 2/4, số người nhiễm virus corona mới gây dịch viêm phổi cấp Covid-19 đã vượt 1 triệu người. Trong đó, Mỹ hiện có nhiều người mắc Covid-19 nhất, chiếm hơn 1/5 của thế giới với khoảng 240.000 ca. Tiếp đến là Italia và Tây Ban Nha với mỗi nước đều ghi nhận hơn 100.000 ca.

    Xuất hiện những ca tử vong lạ lùng không có triệu chứng:

    - Ở vùng Lombardia của Ý hiện đang phải đối phó với đại dịch virus corona Covid-19, nơi các thầy thuốc Nga tới hỗ trợ các đồng nghiệp người Ý, đã phát hiện bệnh Covid-19 có những đặc điểm mới, báo Moskovsky Komsomolets đưa tin.

    Cụ thể ở thành phố Grom có một số trường hợp người được chẩn đoán nhiễm Covid-19 chỉ ngủ thiếp đi mà không thức dậy. Hơn nữa, như bài báo nhận xét, ở những người này cho đến khi qua đời không hề xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng.

    Tại một nhà dưỡng lão, nơi trong số bác sĩ tình nguyện có cả các bác sĩ Nga, sau một ngày đêm ít nhất đã có năm trường hợp bệnh nhân “lạ lùng” như vậy tử vong, bài báo viết.

    Viethome (theo Skynews)

  • Anh đang xem xét cấp "giấy chứng nhận miễn dịch" cho người nhiễm nCoV đã khỏi bệnh để giúp họ sớm quay lại cuộc sống bình thường.

    "Chúng tôi đang xem xét một loại giấy chứng nhận miễn dịch. Những người từng nhiễm bệnh đã có kháng thể và khả năng miễn dịch có thể nhận được giấy và nhanh chóng quay lại cuộc sống thường ngày càng nhiều càng tốt", Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói tại một cuộc họp báo ở dinh thủ tướng Anh số 10 phố Downing hôm 2/4.

    Ông Hancock cho biết đang xem xét quyết định này và sẽ sớm thực hiện, song dựa trên yếu tố khoa học, vẫn còn quá sớm để làm sáng tỏ vấn đề. Anh đã yêu cầu hàng triệu xét nghiệm kháng thể. Tuy nhiên, các xét nghiệm cho đến nay đã được chứng minh là không hiệu quả và chính phủ vẫn chưa đồng ý sử dụng.

    "Kết quả ban đầu của một vài xét nghiệm không tốt, song chúng tôi hy vọng các xét nghiệm sau này đủ độ tin cậy để mọi người yên tâm sử dụng", Hancock nói.

    0 cap giay chung nhan mien dich
    Bộ trưởng Y tế Matt Hancock tại một cuộc họp báo ở số 10 phố Downing hôm 2/4. Ảnh: AFP.

    Các xét nghiệm nCoV trên thế giới hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Tây Ban Nha gần đây buộc phải trả lại hàng chục nghìn bộ xét nghiệm nhanh từ một công ty Trung Quốc sau khi chúng bị phát hiện cung cấp kết quả không nhất quán.

    Các nhà khoa học cũng không chắc chắn về mức độ nhiễm bệnh trong quá khứ có thể ngăn ngừa tái nhiễm và duy trì thời gian miễn dịch hay không.

    Đức cũng đang xem xét cấp "giấy chứng nhận miễn dịch". Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu truyền nhiễm Helmholtz ở Đức có kế hoạch gửi hàng trăm nghìn xét nghiệm kháng thể trong những tuần tới. Điều này có thể cho phép mọi người không phải chịu lệnh phong tỏa. Nếu dự án được phê duyệt, các nhà nghiên cứu sẽ bắt đầu xét nghiệm 100.000 người từ tháng này.

    Các xét nghiệm được xây dựng để phát hiện liệu một người có phát triển kháng thể với nCoV hay không. Các kháng thể chỉ ra rằng người được xét nghiệm từng mang mầm bệnh và có thể đã phát triển khả năng miễn dịch.

    Kết quả xét nghiệm dương tính có thể cho phép người đó không phải chịu lệnh phong tỏa. Trong khi đó, nếu có nhiều kết quả dương tính, chính phủ sẽ có thể giảm bớt các hạn chế trong khu vực "miễn dịch cộng đồng".

    Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn một triệu người nhiễm bệnh, hơn 53.000 người chết. Anh và Đức đang là hai vùng dịch lớn của châu Âu, khi ghi nhận lần lượt hơn 84.000 và 33.718 ca nhiễm nCoV.

    VnExpress (dịch từ SkyNews)

  • Một bác sĩ hàng đầu của NHS, người được mô tả là một "huyền thoại sống", đã qua đời sau khi nhiễm coronavirus.

    Bác sĩ Alfa Saadu, 68 tuổi, đã qua đời vào hồi 7h30 thứ Ba, ngày 31/3, sau khi nhiễm COVID-19 hai tuần trước.

    Cựu giám đốc y tế tại Bệnh viện Princess Alexandra ở Harlow, Essex, là một trong 563 người tử vong trên khắp Vương quốc Anh trong ngày thứ Ba sau khi dương tính với coronavirus.

    2372004010025920707 4960110

    Bác sĩ Saadu đã làm việc cho NHS trong nhiều thập kỷ và nghỉ hưu vào năm 2017 nhưng vẫn tiếp tục làm việc bán thời gian tại Bệnh viện Queen Victoria Memorial ở Welwyn, Hertfordshire.

    Ông không làm việc ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch coronavirus khi nhiễm bệnh.

    Bác sĩ, người lớn lên ở bang Kwara của Nigeria, chuyển đến Anh khi mới 12 tuổi và dành phần lớn sự nghiệp của mình ở Anh, thi thoảng đến giảng dạy tại một bệnh viện ở Nigeria.

    Con trai của ông đã đăng trên Facebook: "Ông đã chiến đấu với virus trong hai tuần nhưng không thể chiến đấu thêm nữa.

    "NHS thật tuyệt vời và đã làm mọi thứ họ có thể.

    "Cha tôi là một huyền thoại sống, đã làm việc cho NHS trong 40 năm để cứu người dân ở đây và cả ở Châu Phi.

    "Cho đến tận khi bị ốm, ông ấy vẫn làm việc bán thời gian để giúp mọi người.

    "Coronavirus không phải là một trò đùa, xin hãy nghiêm túc và lắng nghe chính phủ.

    "Hãy giữ an toàn và bảo vệ những người thân yêu của bạn, không gì có thể quan trọng hơn."

    Lance McCarthy, giám đốc điều hành của Bệnh viện Princess Alexandra NHS Trust, cho biết Bác sĩ Saadu là người "có tiếng" ở bệnh viện và sẽ luôn được tưởng nhớ.

    "Thật buồn khi được thông báo về sự ra đi của Tiến sĩ Alfa Saadu," ông nói.

    "Alfa nổi tiếng ở bệnh viện vì luôn làm việc với đam mê, đảm bảo bệnh nhân của chúng tôi được chăm sóc chất lượng cao. Ông ấy là một thành viên tận tụy của đội ngũ và sẽ được nhiều người nhớ đến. Chúng tôi xin chia buồn với gia đình và bạn bè của ông ấy tại thời điểm đau buồn này."

    Bác sĩ Saadu cũng là chủ tịch của Kwasang UK, một hiệp hội cộng đồng người di cư từ bang Kwara của Nigeria quê hương ông, và là một nhà lãnh đạo cộng đồng ở Pargeti, thị trấn nhỏ mà ông đã trải qua thời thơ ấu.

    Cựu chủ tịch của thượng viện Nigeria, Dr Abubakar Bukola Saraki, đã đăng trên Twitter một lời khen ngợi Tiến sĩ Saadu, nói rằng ông là một "bác sĩ y khoa hàng đầu" và ông sẽ luôn được “tưởng nhớ".

    Ông viết: "Bác sĩ Saadu quá cố đã lãnh đạo cộng đồng của chúng tôi khi ông phục vụ trong nhiều năm với tư cách là chủ tịch Hiệp hội Kwara của Nigeria (Kwasang UK). Ở quê nhà, ông là một nhà lãnh đạo cộng đồng và là người đứng đầu văn phòng truyền thống với tư cách là Galadima của Pargeti. Ông ấy sẽ luôn được tưởng nhớ.”

    VietHome (Theo Sky News)

  • Nhiều nhân viên y tế Trung Quốc đã đến Anh để giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng coronavirus.

    Một video được đăng trên Twitter cho thấy khoảng hơi mười nhân viên đang dỡ thiết bị xuống khỏi một xe chở khách ở London, sau khi họ bay đến Anh hôm thứ Sáu (27/3).

    Những chiếc hộp có dán cờ Trung Quốc cùng với lá cờ Union Jack của Vương quốc Anh, bên cạnh những khẩu hiậu: “Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua!” và “Hãy bình tĩnh và chiến đấu với coronavirus.”

    Đoạn phim được chia sẻ bởi Samantha Harvey, ủy viên hội đồng hạt người Anh gốc Hoa đầu tiên ở Wakefield.

    PRC 148010739

    Video đã được xem và chia sẻ hàng ngàn lần, trong đó có một số bình luận phân biệt chủng tộc và tiêu cực nhằm chỉ trích phản ứng của Trung Quốc đối với đại dịch.

    Tin tức này được đưa ra sau khi chính quyền Trung Quốc cuối cùng cũng chấm dứt khoảng thời gian phong tỏa hà khắc kéo dài hai tháng ở Vũ Hán vào tuần trước, mở lại biên giới và cho phép các dịch vụ tàu điện ngầm hoạt động.

    Một số hoạt động bình thường đã được cho phép trở lại tại thành phố nơi dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 12 và khiến hàng triệu người bị giam giữ trong nhà.

    Việc mở cửa trở lại đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống virus của Trung Quốc, mặc dù dịch bệnh đã lan rộng ra hơn 200 quốc gia.

    Cả Tây Ban Nha và Ý hiện đã có số người chết vượt qua cả Trung Quốc, trong khi Mỹ chính thức có số người mắc bệnh cao nhất thế giới.

    Cố vấn khoa học của Vương quốc Anh, Sir Patrick Vallance, nói rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn ở nước này trong vài tuần tới.

    Sir Patrick cho biết tại thời điểm hiện tại, Vương quốc Anh có ​​khoảng 1.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, nhưng dữ liệu được thêm vào không cho thấy chúng ta đang đối mặt với sự gia tăng quá nhanh chóng, có nghĩa là các biện pháp cách ly xã hội đang có tác dụng.

    VietHome (Theo Metro)

  • Bắt đầu xuất hiện dấu hiệu người dân Anh không chấp hành yêu cầu ở nhà, khi số liệu cho thấy người sử dụng phương tiện giao thông các loại gia tăng trong những ngày qua.

    Theo Telegraph, số lượng người sử dụng xe hơi và phương tiện giao thông công cộng, vốn đã giảm kể từ khi chính phủ công bố các yêu cầu giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ ngày 23/3, có xu hướng tăng trở lại trong những ngày vừa qua, bắt đầu từ đầu tuần này.

    Giới chức cũng quan ngại rằng khi trời nắng lên vào cuối tuần này, với nhiệt độ ở London tăng lên khoảng 20 độ C (đang ở mức 10 độ C), sẽ có thêm nhiều người bất chấp lệnh phong tỏa để ra ngoài tận hưởng ánh nắng, khi kỳ nghỉ lễ Phục Sinh bắt đầu.

    Ông Mervyn King, cựu thống đốc Ngân hàng Anh, cho rằng sẽ có một "sự nổi loạn" nếu lệnh phong tỏa được ban hành quá lâu.

    0 nhon cach ly
    Nhân viên dọn dẹp cửa hàng tại chợ Brixton ở phía nam thủ đô London. Nhiều người Anh bắt buộc phải làm việc vì họ không được nhận trợ cấp từ chính phủ. Ảnh: Getty.

    Nhiều lao động tự do không nằm trong danh sách được hưởng trợ cấp của chính phủ cũng sẽ cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác là phải trở lại làm việc, một cố vấn chính phủ chia sẻ với Telegraph.

    Ông Alok Sharma, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế, thừa nhận "sự gián đoạn cực độ" xảy ra với cuộc sống của người dân, nhưng cảnh báo rằng một đợt bùng phát đỉnh điểm thứ 2 có thể xuất hiện nếu các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ sớm.

    "Mọi người sẽ hiểu tại sao chúng ta phải áp đặt những hạn chế này trên khắp đất nước, và thủ tướng đã nói rõ rằng mọi thứ sẽ kéo dài trong 3 tuần và sau đó chúng ta sẽ xem xét chúng", ông Sharma phát biểu.

    "Nhưng điều cũng rất qua trọng là, nếu chúng ta dừng các biện pháp phong tỏa quá sớm, có khả năng rằng những nỗ lực khổng lồ của mọi người sẽ bị đổ bể, và chúng ta có khả năng nhìn thấy một đợt đỉnh dịch thứ 2. Chúng ta hoàn toàn muốn tránh điều đó", ông nói thêm.

    Giáo sư Yvonne Doyle, Giám đốc Y tế của Cơ quan Y tế Công cộng Anh, cho biết việc gia tăng trong hoạt động giao thông là xu hướng đáng lo ngại đôi chút.

    Theo Zing

  • Mỹ đã mua đứt một máy bay chở khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc, ngay trên bãi đỗ của sân bay khi lô đồ bảo hộ cần thiết này chuẩn bị lên đường bay sang Pháp – lãnh đạo một vùng của Pháp tiết lộ với hãng tin RT.

    Khi phải đối mặt với sự thiếu hụt trong trang thiết bị bảo hộ giữa đại dịch Covid-19, Pháp đã tìm đến Trung Quốc để mua số khẩu trang đang rất cần thiết trong cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới.

    Sau khi nhánh lập pháp của nước này ban bố một đạo luật về tình hình khẩn cấp y tế, các chính quyền địa phương đã có thể đặt hàng trực tiếp trang thiết bị từ Trung Quốc, và trả tiền trước cho các đơn hàng – Chủ tịch vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur, ông Renaud Muselier cho biết.

    Tổng cộng, vùng của ông và các vùng khác đã đặt khoảng 60 triệu chiếc khẩu trang từ Trung Quốc, ông Muselier phát biểu với RT hôm 1/4.

    0 my cuop khau trang
    Khẩu trang đang là mặt hàng rất 'nóng' trong thời buổi đại dịch.

    “Những chiếc khẩu trang này đã được sản xuất và hiện đang ở Trung Quốc. Tuy nhiên, việc giao hàng lại gặp chút vấn đề”, ông Muselier nói, cho biết lô hàng này nhẽ ra sẽ có mặt tại Pháp vào sáng 2/4 theo lịch.

    Tuy nhiên, nước này đã gặp phải một số vấn đề hậu cần ngoại dự kiến, và sự cạnh tranh ‘không được đẹp’ từ Mỹ, ông Muselier tiết lộ.

    “Sáng nay theo giờ Trung Quốc, người Mỹ đã mua đứt đơn hàng của Pháp, trả tiền mặt ngay tại bãi đỗ sân bay. Chiếc máy bay dự kiến sẽ bay đến Pháp sau đó đã khởi hành đi Mỹ”.

    Ông Muselier cho biết giờ đây các chính quyền địa phương sẽ phải lựa chọn các hãng dịch vụ hậu cần lớn, để đảm bảo rằng lô hàng không bị trả giá cao hơn hoặc mua lại trong quá trình vận chuyển một lần nữa. Ông cho biết một lô hàng khác dự kiến sẽ đến Pháp vào cuối tuần này.

    Mỹ đang ráo riết truy thu bất cứ số lượng khẩu trang nào đang có sẵn trên thị trường, làm gián đoạn việc giao hàng đến các quốc gia khác – một bản tin khác từ tờ nhật báo Liberation của Pháp cho biết.

    “Họ trả giá gấp đôi và bằng tiền mặt, ngay cả khi chưa nhìn thấy hàng”, một nguồn tin giấu tên tiết lộ với tờ báo.

    Mỹ hiện đang là quốc gia phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 trên thế giới, khi số ca nhiễm vượt qua mốc 200.000, trong đó có hơn 4.700 người đã tử vong. Pháp cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề, với hơn 57.000 ca nhiễm và hơn 4.000 trường hợp tử vong.

    Theo VnExpress

  • Vừa rời Trung Quốc đến thăm ông ngoại nhưng bị kẹt tại Anh, cô gái người Mỹ quay video khóc lóc đòi về Trung Quốc.

    Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại châu Âu, đặc biệt là ở các nước như Anh, Mỹ, Ý đang trở thành tâm điểm quan tâm của cả thế giới.

    0 doi ve tq 1

    Mới đây, đoạn video của một cô gái gốc Mỹ với những chia sẻ về quãng thời gian khó khăn khi cô bị kẹt tại Anh đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng Trung Quốc.

    Được biết, cô gái 23 tuổi này từ nhỏ đã sống tại Quảng Châu, Trung Quốc, cô đã ở Quảng Châu trong suốt khoảng thời gian tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc nghiêm trọng nhất. Khi mọi chuyện tốt hơn, gia đình cô nghe tin ông ngoại bệnh nặng, gia đình cô quyết định rời Trung Quốc đến Poland (cộng hòa Ba Lan) để thăm ông.

    0 doi ve tq 1

    Chẳng ngờ sau đó, tình hình dịch bệnh tại các nước ngoài Trung Quốc càng trở nên nghiêm trọng, chuyến bay thẳng của cô liên tục bị hủy, cô buộc phải đặt vé máy bay tới Anh rồi về Trung Quốc.

    Tuy nhiên, khi vừa mới tới Anh, chính phủ Trung Quốc thông báo về việc siết chặt nhập cảnh, cũng như lệnh phong tỏa nước Anh khiến cô bị mắc kẹt tại đây.

    Trong đoạn video được quay vào ngày 19/3 – ngày thứ 3 cô bị kẹt tại Anh, cô gái chia sẻ mình nhận được khá nhiều câu hỏi: “Tại sao cô phải buồn đến vậy? Không phải cô vốn là người Mỹ sao?”, cô chỉ biết đau lòng trả lời: “Có lẽ mọi người hiện tại không hiểu được, tuy tôi là người gốc Mỹ, nhưng tôi lớn lên tại Quảng Châu đã hơn 20 năm rồi. Đây là khoảng thời gian tôi tuyệt vọng nhất, vì chẳng biết lúc nào mình mới có thể quay trở lại Trung Quốc”.

    Trước đó, rất nhiều người Trung Quốc đã ra nước ngoài để tránh nCoV, khi dịch bệnh bùng lên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và lan sang toàn bộ các địa phương khác. Giờ đây, mọi thứ đã đảo ngược khi hàng loạt người đang ồ ạt kéo về Trung Quốc vì tin rằng đây là địa điểm an toàn nhất.

    Cuộc sống ở Trung Quốc vẫn chưa trở lại bình thường, nhưng người dân cảm thấy tình hình đang được kiểm soát. Nhiều người ca ngợi cộng đồng sẵn sàng thực thi các biện pháp quyết liệt của chính phủ như đóng cửa hàng, cách ly tại nhà, bắt buộc đeo khẩu trang và liên tục kiểm tra thân nhiệt.

    Một câu hỏi cũng được đặt ra: Tại sao nhiều quốc gia không chuẩn bị gì dù đã chứng kiến những điều xảy ra tại Trung Quốc trong suốt hai tháng?

    Josh Liu, nha sĩ Mỹ làm việc tại Thượng Hải, trải qua mọi thăng trầm ở Trung Quốc kể từ khi Covid-19 khởi phát. "Chúng ta phải rời khỏi đây", anh nói với vợ khi về thăm gia đình ở tỉnh Tứ Xuyên hồi cuối tháng 1.

    Họ mua vé máy bay vào phút chót và đưa con trai một tuổi đến nhà riêng của Liu gần San Francisco, Mỹ. Mỗi tuần, họ đều xem xét khả năng trở về Trung Quốc. Bước ngoặt đến hồi tuần trước, khi các phòng khám tư ở Thượng Hải được hoạt động trở lại, trong khi những ca nhiễm nCoV đầu tiên xuất hiện tại San Francisco. "Chúng tôi nhận định rằng Trung Quốc giờ an toàn hơn", Liu nói.

    Khi gia đình Liu đáp xuống Thượng Hải ngày 10/3, các nhân viên y tế đã đo thân nhiệt và hỏi nơi ở của họ tại Mỹ, cũng như liệu họ có nhập viện trong thời gian gần đây hay không. Gia đình Liu sau đó được yêu cầu về nhà và tự cách ly trong 14 ngày.

    "Mọi người tuân thủ trật tự ở đây và họ sẵn sàng chấp nhận các quy định rất nghiêm ngặt. Một số người nói 'thật là phiền phức', nhưng đó là lý do ở đây an toàn hơn", Liu nói.

    Trong lúc Mỹ và châu Âu áp lệnh hạn chế đi lại, đóng cửa mọi cơ sở kinh doanh không thiết yếu, các cửa hàng ở Trung Quốc đang hoạt động trở lại. Giao thông tại Bắc Kinh và Thượng Hải cũng dần nhộn nhịp, dù chưa đông đúc như ngày thường. Tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán vẫn bị phong tỏa, nhưng chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện lãnh đạo nước này tin tưởng rằng khủng hoảng sắp kết thúc.

    Theo VnExpress

  • Một bé sơ sinh 6 tuần tuổi ở Connecticut đã chết vì các biến chứng liên quan đến Covid-19 sau khi nhập viện hồi tuần trước.

    Thống đốc bang Connecticut Ned Lamont ngày 1/4 cho hay em bé sơ sinh được đưa tới bệnh viện trong tình trạng không có phản ứng. Các y bác sĩ đã không thể cứu chữa cho em.

    0 be 6 tuan tuoi

    "Kết quả xét nghiệm đêm qua xác nhận em bé dương tính với nCoV", ông nói. "Điều này thật sự đau lòng. Chúng tôi tin rằng đây là một trong những trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan đến Covid-19 trẻ nhất thế giới".

    Giới chức bang Illinois tuần trước thông báo họ đang điều tra cái chết của một em bé "chưa đầy một tuổi" dương tính với nCoV. Theo truyền thông địa phương, em bé này mới 9 tháng tuổi.

    Mỹ đến nay ghi nhận hơn 215.000 ca nhiễm nCoV, trong đó có hơn 5.100 trường hợp tử vong. Virus được cho là gây ảnh hưởng tới người già nghiêm trọng hơn song gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều bệnh nhân trẻ nhập viện. New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 2.000 ca tử vong.

    Tổng thống Donald Trump hôm 31/3 cảnh báo hai tuần tới sẽ ''vô cùng đau thương" khi số người chết vì nCoV tại Mỹ có thể lên đến 240.000, kêu gọi người dân chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày khó khăn phía trước. Ông ngày 1/4 thừa nhận biết trước mối nguy hiểm của Covid-19 nhưng tỏ ra xem thường vì muốn mang lại hy vọng cho người dân.

    "Tôi biết trước mọi thứ. Tôi biết nó có thể rất khủng khiếp, nhưng cũng có thể ổn thỏa. Tôi không muốn làm người tiêu cực", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm qua.

    Phát biểu được đưa ra sau khi phóng viên hỏi liệu có phải Trump đã khiến người Mỹ ảo tưởng về mối đe dọa của Covid-19 khi nói dịch bệnh sẽ sớm biến mất, dù số ca nhiễm nCoV và người chết liên tục tăng.

    "Thật dễ dàng để nói những điều tiêu cực, nhưng tôi muốn mang đến hy vọng cho người dân. Các bạn biết tôi là hoạt náo viên của đất nước, chúng ta đang trải qua thời điểm tồi tệ nhất lịch sử", ông nói thêm.

    Nhiều chuyên gia y tế đã chỉ trích ông chủ Nhà Trắng vì xem thường Covid-19, cho rằng điều này khiến Mỹ mất cơ hội chuẩn bị đối phó dịch bệnh, dẫn tới hàng nghìn người chết. "Trump phớt lờ mọi khuyến cáo khoa học trong hai tháng qua. Chúng ta đã lãng phí hai tháng, đây không phải căn bệnh mà chúng ta được bỏ phí hai tháng", tiến sĩ Ashish Jha, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard, cho hay.

    Theo VnExpress

  • Lầu Năm Góc được cho là đang huy động 100.000 túi đựng xác dùng cho mục đích dân sự trong bối cảnh số người chết vì Covid-19 ở Mỹ được dự báo có thể lên 200.000 người, theo truyền thông địa phương.

    0 tui dung thi the
    Số người chết vì Covid-19 tại Mỹ tăng vọt trong tuần này. (Ảnh minh họa: Reuters)

    Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc ngày 1/4 cho biết, Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) đang huy động để có đủ 100.000 túi đựng thi thể cho Bộ Quốc phòng nước này. Theo nguồn tin, Cơ quan hậu cần quốc phòng Mỹ (DLA) đang làm việc với nhà thầu hiện tại để có nguồn cung bổ sung,

    Nguồn tin của Bloomberg cho biết, Lầu Năm Góc đang xem xét mua thêm các túi đựng xác và ban đầu sẽ lấy khoảng 50.000 túi từ kho dự trữ của DLA trong khi chờ các nhà thầu tăng cường sản xuất. Bloomberg dẫn lời một phát ngôn viên của FEMA cho hay, cơ quan này đang lên kế hoạch để dự trù cho nhu cầu trong tương lai.

    Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Mỹ. Theo số liệu của CNN, Mỹ ghi nhận ít nhất 928 ca tử vong trong ngày 1/4, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại quốc gia này lên 4.762 ca. Trong ngày hôm qua, Mỹ cũng ghi nhận hơn 24.000 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên hơn 212.000 ca. Đây là ngày Mỹ ghi nhận nhiều người chết vì Covid-19 nhất kể từ khi dịch bùng phát cuối tháng 1.

    Chuyên gia y tế của Nhà Trắng Deborah Birx đầu tuần này cảnh báo, ngay cả khi áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ vẫn có thể lên tới 100.000 đến 240.000 người.

    "Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho kịch bản này. Nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực bằng mọi cách để giữ con số tử vong thấp hơn nhiều", ông Deborah Birx nói.

    Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cũng đưa ra cảnh báo tương tự, cho rằng, số người chết vì dịch viêm phổi cấp tại Mỹ có thể lên tới 100.000 đến 200.000 người.

    Số người mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 tăng nhanh đang gây sức ép lớn cho các bệnh viện và nhà xác ở Mỹ. Tại tâm dịch New York, số người chết tăng đột biến khiến các nhà xác trong thành phố không còn đủ chỗ chứa.

    FEMA đã triển khai 85 xe tải đông lạnh tới New York để làm nơi tạm thời lưu trữ thi thể các bệnh nhân. Ở bên ngoài bệnh viện Brooklyn, New York, hình ảnh trở nên quen thuộc những ngày gần đây là các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đẩy xe cáng chở thi thể bọc trong túi nhựa trắng, sau đó thi thể được đưa vào trong thùng đông lạnh của xe tải và lưu trữ tạm thời. Một số bệnh viện ở bang New Jersey cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, hai tuần tới có thể là thời gian “rất, rất đau thương”, “thử thách sức mạnh và sức chịu đựng” của nước Mỹ. Người đứng đầu chính phủ Mỹ cũng cho biết, kho dự trữ thiết bị y tế, đồ bảo hộ do chính phủ Mỹ quản lý đã gần như cạn kiệt. Kho dự trữ chiến lược quốc gia của Mỹ nhằm cung cấp vật tư y tế trong trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng.

    Theo Dân Trí