• Cố vấn trưởng y tế Scotland Catherine Calderwood đã buộc phải từ chức sau khi bà tự phá bỏ khuyến cáo do chính mình đặt ra về việc ở nhà để ngăn dịch Covid-19 lây lan.

    lanh dao tu chuc 1
    Bà Catherine Calderwood (Ảnh: AFP)

    Theo Straits Times, bà Calderwood ngày 5/4 đã từ chức sau khi bà bị chỉ trích dữ dội vì đã 2 lần ra ngoài vào cuối tuần bất chấp bà đã khuyến cáo toàn bộ người dân Scotland ở nhà để ngăn virus corona mới (SARS-CoV-2) lây lan.

    Bà Calderwood đã đi thăm căn nhà nghỉ dưỡng của bà trong 2 cuối tuần vừa qua. Trong cuộc trao đổi với Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon, bà Calderwood thừa nhận hành động này của bà đã gây rủi ro tác động tới “công việc vô cùng quan trọng mà chính phủ và giới y tế cần phải làm để đưa Scotland vượt qua đại dịch Covid-19”,

    “Tôi cảm thấy buồn khi xin từ chức giám đốc y tế”, bà Calderwood cho hay.

    Trước đó, phía cảnh sát đã phát đi một cảnh báo với bà Calderwood về hành động của bà. Thủ hiến Sturgeon cũng đã loại bà Calderwood khỏi vị trí đại diện chiến dịch chống Covid-19 của Scotland.

    Hình ảnh bà Calderwood thăm ngôi nhà nghỉ dưỡng ở Earlsferry, bờ đông Scotland đã được đăng tải trên báo Scottish Sun tuần qua.

    lanh dao tu chuc 1
    Hình ảnh bà Calderwood đứng gần ngôi nhà nghỉ dưỡng của mình hôm thứ Bảy.

    Ngày 5/4, bà Calderwood đã lên tiếng xin lỗi khi xuất hiện cùng Thủ hiến Sturgeon trong một buổi họp báo.

    “Tôi đã không tuân thủ theo khuyến cáo mà mình đưa ra cho người khác. Tôi xin lỗi về điều này. Điều mà tôi đã làm là sai. Tôi cảm thấy rất tiếc”, bà Calderwood nói.

    Tuy nhiên, lời xin lỗi của quan chức này không thể dập tắt “cơn bão” chỉ trích nhằm vào bà từ các chính trị gia đối lập và công chúng, dẫn tới việc bà buộc phải từ chức.

    Scotland hiện có 3.345 ca Covid-19 và 218 người tử vong.

    Dân Trí (dịch từ BBC)

  • Bộ Tư pháp Anh cho biết, khoảng 4.000 tù nhân ở vùng England và Wales sẽ được trả tự do tạm thời nhằm kiểm soát sự lây lan của virus corona chủng mới.

    anh tha tu nhan

    AP dẫn tin từ Bộ Tư pháp Anh cho biết, những đối tượng phạm tội có nguy cơ thấp sẽ được thả nhưng phải mang thẻ điện tử. Với những tù nhân phạm tội bạo lực hay tội tình dục, khủng bố sẽ không được tự do tạm thời.

    Tù nhân đang mang thai hoặc có con nhỏ đều được thả tạm thời.

    Anh là một trong số các quốc gia có số tù nhân lớn nhất ở Tây Âu, với hơn 80.000 người. Hiện, nhiều nhà tù ở nước này đang giam giữ số tù nhân lớn hơn khả năng chứa của nó.

    Theo các số liệu thống kê chính thức của Anh, có 88 tù nhân và 15 quản giáo đã dương tính với Covid-19. Có 3 tù nhân đã thiệt mạng.

    Bộ trưởng Tư pháp Anh Robert Buckland cho hay, quyết định tạm thả các tù nhân là một phần kế hoạch quốc gia nhằm bảo vệ Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) cũng như hạn chế số người thiệt mạng vì Covid-19, theo Guardian.

    Scotland cũng đã lên kế hoạch thả tù nhân từ cuối tháng 3. Các nhà tù Scotland đang quá đông, tạo ra môi trường hoàn hảo để virus lây lan. Dịch vụ Nhà tù Scotland (SPS) đã xác nhận hàng trăm tù nhân trên 10 cơ sở trại giam đã tự cách ly.

    Tại Iran, chính phủ cũng tạm thời thả khoảng 85.000 tù nhân, bao gồm những tù nhân chính trị, trong nỗ lực ứng phó với dịch bệnh.

    Bang California của Mỹ cho biết các tù nhân không phải tội phạm liên quan đến bạo lực sẽ bắt đầu được thả trong vài tuần tới. Quá trình phóng thích hết 3.500 tù nhân sẽ kéo dài khoảng 60 ngày và bang có rất nhiều việc phải làm để có thể thả một số lượng lớn tù nhân như vậy.

    Ngày 2.4, Indonesia đã thả khoảng 18.000 tù nhân nhằm ngăn chặn Covid-19 lan rộng trong hệ thống nhà tù quá tải. “Đây chỉ là một phần trong kế hoạch trả tự do tổng cộng 30.000 tù nhân và có thể nhiều hơn”, bà Rika Aprianti, người phát ngôn của cơ quan quản lý các trại giam Indonesia, cho biết.

    Viethome tổng hợp

  • Có nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Thụy Điển đang tăng nhanh hơn so với các quốc gia khác cùng khu vực. Điều này đang tạo áp lực khiến chính phủ Thụy Điển phải từ bỏ biện pháp tiếp cận dịch bệnh kiểu “miễn dịch cộng đồng” đang gây nhiều tranh cãi.

    Cách thức ứng phó với dịch bệnh của Thụy Điểm đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế khi nhiều địa điểm công cộng, hàng quán và trường học tại nước này vẫn được phép mở cửa.

    Trong khi nhiều nước châu Âu khác đều áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội hay thậm chí là phong tỏa khu vực, quốc gia, thì Thủ tướng Thụy Điển – ông Stefan Lofven, muốn dựa vào ý thức cộng đồng để đưa đất nước vượt qua đại dịch.

    Tuy nhiên, cuối tuần này, các dữ liệu được tổng hợp cho thấy  tỷ lệ người nhiễm và tử vong vì Covid-19 đang ngày càng tăng nhanh tại Thụy Điển.

    thuy dien chuyen huong 1
    Quân đội lập bệnh viện dã chiến tại Thụy Điển (ảnh: Reuters)

    Trong cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ Dagens Nyheter tối hôm 4.4, Thủ tướng Lofven cảnh báo hàng nghìn người tại Thụy Điển có thể tử vong vì Covid-19 và cho rằng, cuộc khủng hoảng dịch bệnh tại nước này có thể kéo dài hàng tháng chứ không thể chấm dứt sau vài tuần.

    Tờ Expressen đưa tin, chính quyền của ông Lofven đang cố gắng vận động quốc hội đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong cuộc chiến với Covid-19.

    Đến ngày 4.4, số người tử vong vì Covid-19 tại Thụy Điển đã lên tới 373 trường hợp, tăng 12% so với ngày 3.4. Đây là con số tương đối “giật mình” với Thụy Điển bởi các quốc gia láng giềng như Đan Mạch chỉ ghi nhận 29 ca tử vong và Na Uy là 9 trường hợp. Đan Mạch và Na Uy đều thực hiện nhiều biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn Thụy Điển.

    thuy dien chuyen huong 1
    Đường phố đông đúc tại Thụy Điển trong dịch Covid-19 (ảnh: The Sun)

    Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu và cũng là cố vấn y tế cho chính phủ Thụy Điển, ông Anders Tegnell cho rằng, mục tiêu của nước này là làm phẳng đường cong lây nhiễm Covid-19 để tránh các bệnh viện bị quả tải do số người mắc.

    Hôm 3.4, ông Anders Tegnell phát biểu rằng, đường cong lây nhiễm tại Thụy Điển đang vồng lên, nhưng nhìn chung thì vẫn còn khá phẳng.

    Tuy nhiên, Covid-19 là dịch bệnh vẫn còn nhiều điều chưa thể hiểu hết và cách tiếp cận của Thụy Điển khiến nhiều chuyên gia trong nước lo lắng.

    “Họ đã quá quen với việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, song điều đó không có tác dụng với đại dịch thế này. Dữ liệu về các ca nhiễm thực sự vẫn còn là ẩn số”, Claudia Hanson, giảng viên cao cấp về y tế cộng đồng tại Stockholm, nhận xét.

    Lịch sử đã cho thấy hạn chế tiếp xúc trước những đại dịch như Covid-19 là cách ứng phó khôn ngoan. Khoảng 100 năm trước, hai thành phố tại Mỹ đã có kết quả khác nhau khi áp dụng các biện pháp khác nhau trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

    Philadelphia, thành phố tổ chức cuộc tuần hành với 200.000 người tham gia sau khi phát hiện ca nhiễm cúm Tây Ban Nha đầu tiên đã chứng kiến số người chết gia tăng chóng mặt. Trong khi đó, số người tử vong tại thành phố St. Louis chưa bằng một nửa tại Philadelphia nhờ chính quyền đã ban hành các quy định hạn chế xã hội và thực hiện nghiêm ngặt.

    thuy dien chuyen huong 1
    Thụy Điển đang chứng kiến số người tử vong vì Covid-19 gia tăng (ảnh: The Sun)

    Các chuyên gia kinh tế dự báo, GDP năm nay của Thụy Điển có thể giảm tới 8%, tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009.

    Thụy Điển cũng cố gắng thực hiện nhiều biện pháp hơn trong dịch bệnh, ví dụ như cấm tụ tập trên 50 người thay vì hơn 500 người so với trước đây, người thân bị cấm đến thăm các viện dưỡng lão do lo ngại lây lan virus.

    Tuy nhiên, những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Thụy Điển xét về độ nghiêm ngặt vẫn còn thua xa nhiều quốc gia khác. Tại Đan Mạch, công dân phải đối mặt với án phạt nặng thậm chí là bỏ tù nếu vi phạm các biện pháp chống dịch.

    thuy dien chuyen huong 1
    Quân đội được triển khai tại Tây Ban Nha, một trong những quốc gia áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất châu Âu (ảnh: The Sun)

    “Tất cả chúng ta đều phải chịu một phần trách nhiệm với đất nước. Chúng tôi không thể đặt ra quy định rồi cấm tất cả mọi thứ. Không ai bị bỏ rơi trong dịch bệnh này và mỗi người cần phải xác định trách nhiệm to lớn của mình”, Thủ tướng Thụy Điển - ông Stefan Lofven, phát biểu hồi tuần trước.

    Dân Việt (dịch từ Bloomberg)

  • Theo các nhà nghiên cứu, chủng virus corona gây bệnh viêm phổi cấp Covid-19 đã biến đổi thành ít nhất 8 chủng khác nhau.

    Trung bình, virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp Covid-19 cứ sau 15 ngày lại đột biến một lần, theo Express. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vừa kết luận, các chủng SARS-CoV-2 mới không trở nên nguy hiểm hơn. 

    Trevor Bedford, người đồng sáng lập NextStrain, một cơ sở dữ liệu mở trong đó các chuỗi virus SARS-CoV-2 được tải lên cho biết, những đột biến mới hoàn toàn không nguy hiểm và có khả năng giúp ích cho các nhà nghiên cứu trong việc khám phá cách thức lây lan của virus.

    virus dot bien

    Việc xác định các chủng SARS-CoV-2 khác nhau có thể giúp xác định xem các biện pháp chống lại virus này có hiệu quả hay không.

    Các trường hợp nhiễm Covid-19 ở bờ biển phía tây của Mỹ đều có liên quan đến một chủng SARS-CoV-2 đầu tiên được xác định ở tiểu bang Washington.

    Chủng này thuộc nhóm 3 chủng SARS-CoV-2 được xác định ngay từ khi bắt đầu dịch. Từ phương đông, SARS-CoV-2 đã lây lan từ Trung Quốc sang châu Âu sau đó đến New York.

    Tuy nhiên, Giáo sư Kristian Andersen lưu ý rằng, những gì chúng ta đã biết chưa phải là tất cả.

    "Hãy nhớ, chúng ta mới chỉ thấy những điều rất nhỏ về đại dịch lớn hơn nhiều", bà Andersen nhấn mạnh.

    Đại học Johns Hopkins hôm 5/4 cho biết, Covid-19 đã lan tới 205 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến 1.196.553 người mắc bệnh, trong đó 64.549 người đã chết.

    Mỹ và châu Âu đang là điểm nóng của đại dịch, trong đó Mỹ là vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với 305.820 ca nhiễm, tăng 27.867 ca so với hôm trước. Nước này ghi nhận thêm 1.139 người tử vong hôm qua, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở Mỹ lên 8.291. New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất với 113.704 ca nhiễm, tăng 10.841, trong đó 3.565 người chết.

    Tây Ban Nha ghi nhận thêm 809 người chết và 7.026 ca nhiễm mới, nâng tổng số nhiễm và tử vong lên lần lượt là 11.744 và 124.736. Nước này trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Số người đã hồi phục tại Tây Ban Nha là 34.219, tăng 3.706.

    Theo Dân Việt

  • Trong khi các nước châu Âu vật lộn tìm nguồn cung khẩu trang, Phần Lan chiến đấu hiệu quả với dịch bệnh nhờ kho dự trữ y tế khổng lồ mà họ tích lũy từ thời Chiến tranh Lạnh.

    Cuộc chiến tranh giành khẩu trang đang trở nên gay cấn trên thế giới để chống lại sự bùng phát của đại dịch Covid-19, Phần Lan sở hữu kho dự trữ tuyệt vời các thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang, giúp họ chống dịch bệnh hiệu quả hơn so với các nước láng giềng Bắc Âu ít chuẩn bị, New York Times cho biết.

    Kho dự trữ ở Phần Lan được xây dựng trong nhiều năm, không chỉ bao gồm vật tư y tế, mà còn cả dầu, ngũ cốc, nông cụ và nguyên liệu thô để chế tạo đạn dược. Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch cũng đã tích trữ được một kho dự trữ lớn các thiết bị y tế và quân sự, nhiên liệu và thực phẩm những năm Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng, kho dự trữ ở các nước này không được duy trì sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

    phan lan 2

    Luôn sẵn sàng cho thảm họa

    Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Phần Lan vẫn tiếp tục duy trì kho dự trữ. Sự chuẩn bị của họ làm nổi bật vai trò của kho dự trữ quốc gia và phơi bày lỗ hổng ở các quốc gia Bắc Âu khác. Khi virus corona tấn công, chính phủ Phần Lan đã lần đầu mở kho dự trữ y tế từ sau Thế chiến II.

    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại trạm xét nghiệm lưu động ở Espoo, Phần Lan. Ảnh: AFP.

    “Phần Lan là quốc gia theo chủ nghĩa sinh tồn ở Bắc Âu, luôn sẵn sàng chuẩn bị cho những thảm họa lớn, hoặc Thế chiến III”, Magnus Hakenstad, học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy nói.

    Dù Phần Lan trong nhiều năm luôn được xếp thứ hạng cao trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất, nhưng vị trí và bài học lịch sử đã dạy cho quốc gia 5,5 triệu dân này luôn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, Tomi Lounema, giám đốc cơ quan cung ứng khẩn cấp quốc gia Phần Lan cho biết.

    Phần lớn giao dịch của Phần Lan đi qua Biển Baltic. Điều đó được ông Lounema mô tả là một lỗ hổng. Không giống như Thụy Điển, nơi có quyền tiếp cập trực tiếp vào Biển Bắc trên bờ biển phía tây, Phần Lan phải phụ thuộc hoàn toàn vào Biển Baltic.

    “Nếu xảy ra khủng hoảng, có thể gây rối loạn chuỗi cung ứng”, ông Lounema giải thích. Hai tuần trước, khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở nước này được xác nhận, tính đến ngày 5/4, Phần Lan ghi nhận 1.882 ca bệnh, trong đó có 25 ca tử vong.

    Bộ Xã hội và Y tế đã ra lệnh gửi khẩu trang đến bệnh viện trên khắp cả nước. “Khẩu trang tuy đã cũ nhưng vẫn hoạt động tốt”, ông Lounema nói qua điện thoại. Có rất ít thông tin sẵn có về số lượng khẩu trang và những vật tư y tế khác, hoặc nơi chúng được lưu trữ.

    Dù các chi tiết về kho dự trữ được giữ bí mật, nhà chức trách xác nhận rằng các kho dự trữ được giữ trong mạng lưới các cơ sở trải rộng trên khắp cả nước. Hệ thống bảo quản hiện đại đã được áp dụng từ những năm 1950. Điều đó giúp Phần Lan có vị thế vững chắc hơn để đối phó với đại dịch.

    Chẳng cần kho dự trữ lúc hòa bình

    Ở Thụy Điển, quốc gia bị chỉ trích là phản ứng chậm trong các biện pháp đối phó với đai dịch, nguồn cung đã bị giảm trong 3 thập kỷ qua, vì sự thay đổi trong suy nghĩ từ sau Chiến tranh Lạnh.

    Fredrik Bynander, giám đốc Trung tâm An ninh Xã hội, Đại học Quốc phòng Thụy Điển cho biết hòa bình vĩnh cửu đã đến và chúng tôi sẽ không còn cần những kho dự trữ này nữa. Chính phủ đã nhìn thấy cơ hội để bán chúng, bao gồm vật tư y tế và sức khỏe.

    Việc Thụy Điển gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1995 cũng góp một phần vào vấn đề này. Kể từ đó, hệ thống chăm sóc y tế của Thụy Điển được xây dựng xung quanh vấn đề về thời gian giao hàng. Dự trữ ở các bệnh viện chỉ kéo dài 2-3 ngày, Anders Melander, nhà phân tích của Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển cho biết.

    phan lan 2
    Nhân viên đeo tấm che mặt tại một hiệu thuốc ở Vantaa, Phần Lan. Ảnh: AP.

    “Chúng tôi mong đợi với một thị trường tự do, chúng tôi sẽ luôn có thể mua mọi thứ mình cần”, ông Melander nói qua điện thoại.

    Việc tư nhân hóa và độc quyền dược phẩm nhà nước từ năm 2009 cũng làm tăng tính dễ bị tổn thương của đất nước. Không có cơ quan nào chịu trách nhiệm cho các kho dự trữ quốc gia sau đó.

    “Đây không phải là một kế hoạch hay. Nó giống như tôi không cần bình chữa cháy. Tôi có thể chạy ra ngoài và mua nó khi đám cháy bắt đầu. Điều đó cho thấy thị trường tự do này chỉ tự do khi mọi thứ đều ổn”, ông Melander nói.

    Đài truyền hình Thụy Điển SVT Nyheter, hôm 5/4 báo cáo rằng các bệnh viện đã hết thuốc gây mê Propofol, một loại thuốc được sử dụng trong phẫu thuật và trong một số trường hợp để dùng cho bệnh nhân Covid-19 cần can thiệp bằng thở máy xâm lấn.

    Dù Thụy Điển bỏ bê kho dự trữ quốc gia, nhưng lại khuyến khích người dân mở các cửa hàng tư nhân. Trong một tài liệu hướng dẫn về cuộc khủng hoảng hoặc chiến tranh nếu có, được gửi đến người dân 2 năm trước đã khuyến nghị người dân tích trữ thực phẩm, nước, quần áo ấm, chất khử trùng và thuốc.

    Na Uy từng kiên cường hơn và được trang bị để tự duy trì trong một cuộc khủng hoảng quốc gia, theo Leif Inge Magnussen, phó giáo sư tại Đại học Đông Nam Na Uy. Nhưng trong một phân tích rủi ro vào năm ngoái của Tổng cục bảo vệ dân sự Na Uy đã kết luận đại dịch và tình trạng thiếu thuốc là mối bận tâm chính.

    Audun Haga, giám đốc Cơ quan Dược phẩm Na Uy, cho biết nước này có thể cạn kiệt nguồn cung thuốc thiết yếu trong vài tuần, vì phần lớn đến từ Trung Quốc, nơi chỉ mới bắt đầu mở lại các nhà máy.

    “Xã hội đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia khác và chuỗi cung ứng đúng lúc”, ông Magnussen nói.

    Một số quốc gia khác không ưu tiên kho dự trữ như Phần Lan đang tranh giành các giải pháp thay thế để tổ chức lại sản xuất vật tư y tế trong nước. Tại Na Uy, công ty thiết bị y tế Laerdal và đối tác hứa cung cấp 1.000 máy thở khẩn cấp vào cuối tháng 5.

    Tại Đan Mạch, nhà sản xuất máy bơm Grundfos đã chế tạo nguyên mẫu thiết bị bảo vệ, 36 giờ sau khi chính phủ kêu gọi viện trợ. Tại Thụy Điển, những nhân viên bị sa thải tại Scania, nơi sản xuất xe thương mại được cử đến làm việc tại một công ty sản xuất máy thở.

    Công ty Absolut, nhà sản xuất rượu vodka cho biết họ đang quyên góp ethanol để sản xuất chất khử trùng.

    Theo Zing

  • Anh hôm nay báo cáo thêm 621 người chết do nCoV, giảm 12% so với một ngày trước, nâng tổng số ca tử vong toàn quốc lên 4.934.

    Anh đến nay xét nghiệm được cho 195.524 người, trong đó 47.806 trường hợp dương tính, theo số liệu từ Bộ Y tế nước này.

    Anh sẽ thắt chặt hạn chế với hoạt động tập thể dục ngoài trời nếu người dân không tuân thủ các quy định nhằm ngăn nCoV lây lan.

    "Tôi không muốn loại bỏ tập thể dục khỏi những lý do có thể ra khỏi nhà... Nếu có quá nhiều người không tuân thủ quy định", Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm nay nói trong cuộc phỏng vấn với BBC. "Hiện tại, rất nhiều người đang ra khỏi nhà dựa vào lý do đó. Nhưng người dân không nên lách luật bởi điều này đồng nghĩa với việc virus sẽ lây lan rộng hơn và chúng ta sẽ phải có thêm hành động".

    xe cuu thuong excel
    Xe cứu thương đỗ bên ngoài Trung tâm ExCeL ở London, nơi đã được biến thành một bệnh viện dã chiến với 4.000 giường. Ảnh: AFP.

    Các nước châu Âu khác như Italy và Pháp đang áp đặt những quy định nghiêm ngặt hơn so với Anh nhằm ngăn người dân rời khỏi nhà. Giới chuyên gia lo sợ việc thời tiết mùa xuân ấm lên sẽ khuyến khích người dân Anh đổ tới công viên nhiều hơn, đặc biệt vào cuối tuần.

    Khu Lambeth ở London ngày 5/4 đóng cửa công viên Brockwell sau khi hàng loạt người dân tới đây tắm nắng hoặc tụ tập thành nhóm vào hôm qua.

    Bộ trưởng Hancock cho biết ông "không thể tin được" khi nhìn thấy một nhóm nhỏ người dân bỏ qua khuyến cáo giữ cách biệt cộng đồng từ chính phủ.

    Nếu người dân không tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, hiện cho phép họ đi bộ, chạy bộ hay đạp xe một lần mỗi ngày, không bao gồm tắm nắng, thì ông sẽ cấm tất cả các hoạt động tập thể dục ngoài trời.

    Cố vấn y tế chính phủ đã dự đoán Anh khó nới phong tỏa đến ít nhất cuối tháng 5 do Covid-19 đang ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Nhiều quan chức và thành viên Hoàng gia Anh như Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock và Thái tử Charles đều đã nhiễm nCoV.

    Neil Ferguson, giáo sư tại Đại học Hoàng gia London, người tham gia lên kế hoạch phản ứng của chính phủ trước Covid-19, cùng ngày cho biết số ca tử vong vì nCoV tại Anh có thể lên đến từ 7.000 tới 20.000 với những biện pháp được áp dụng như hiện nay nhằm làm chậm tốc độ lây lan của virus.

    VnExpress (dịch từ Reuters)

  • Một con cọp trong một sở thú tại New York nhiễm COVID-19 - trường hợp động vật nhiễm bệnh đầu tiên tại Mỹ. 

    Hãng tin AP ngày 6-4 dẫn lời đại diện sở thú Bronx Zoo thuộc Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Mỹ (WCS) tại TP New York cho biết một con cọp cái bốn tuổi giống Malaysia tên Nadia ở đây vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

    Con vật bị nhiễm bệnh từ một nhân viên của sở thú và bắt đầu xuất hiện triệu chứng như ho khan vào ngày 27-3. Trước đó, sở thú đã đóng cửa không đón khách từ ngày 16-3 theo yêu cầu của chính quyền địa phương. 

    cop nhiem benh
    Cọp Nadia trong sở thú Bronx Zoo ngày 2-4. Ảnh: CNBC 

    Ngoài Nadia còn khoảng năm con cọp và sư tử khác cũng có dấu hiệu nhiễm COVID-19 nhưng chưa rõ đã được xét nghiệm chưa, đài CNN cho hay.

    "Ngoài dấu hiệu biếng ăn, các con vật bị ảnh hưởng đều khỏe mạnh và hợp tác với nhân viên trong quá trình chăm sóc. Hiện chưa có thông tin COVID-19 có lây lan trong các cá thể thuộc họ nhà mèo hay không vì mỗi loài sẽ có cách phản ứng khác nhau. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ" - đại diện sở thú Bronx Zoo thông báo. 

    Về phía WCS, tổ chức này cho biết đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp cho tất cả nhân viên chăm sóc trong bốn sở thú của WSC để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

    Đây được cho là ca nhiễm COVID-19 ở động vật đầu tiên tại Mỹ. Trước đó, đã xuất hiện một số ca nhiễm COVID-19 ở thú nuôi như chó, mèo tại Hong Kong và một con mèo ở Bỉ.

    Đến tối 5-4 (giờ địa phương), Mỹ ghi nhận 336.673 ca nhiễm COVID-19 với 9.616 người tử vong. New York tiếp tục là bang có tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng nhất khi có tới 123.018 bệnh nhân và 4.159 người thiệt mạng. 

    Thống đốc Cuomo cho biết hiện đang thử nghiệm nhiều phương pháp điều trị  cũng như vaccine ngừa COVID-19. Các biện pháp điều trị đang được thử nghiệm bao gồm sử dụng huyết tương, kháng thể và hydroxychloroquine - một loại thuốc chống sốt rét.   

    Theo Plo

  • Việc nhập viện của Thủ tướng Johnson 55 tuổi không phải là cấp cứu và được hiểu là quyết định thận trọng vì triệu chứng sốt do COVID-19 vẫn chưa kết thúc.

    Tối 5-4 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhập viện sau 10 ngày cách ly vì nhiễm COVID-19, kênh CNA dẫn thông báo từ văn phòng thủ tướng Anh.

    Thủ tướng Johnson có một số triệu chứng nhẹ và có kết quả xét nghiệm nhiễm COVID-19 từ ngày 27-3 và quyết định tự cách ly tại dinh thủ tướng ở số 10 phố Downing tại London trong bảy ngày.

    Thủ tướng Johnson vốn dự kiến sẽ chấm dứt cách ly, quay trở lại làm việc bình thường vào ngày 3-4 sau khi hoàn tất bảy ngày cách ly nhưng hai ngày qua ông phải tiếp tục cách ly vì vẫn còn sốt, đến chiều 5-4 thì nhập viện.

    “Theo lời khuyên của bác sĩ, tối nay thủ tướng đã nhập viện để nghỉ ngơi. Đây là một bước đề phòng, khi sau 10 ngày có kết quả dương tính với virus mà thủ tướng vẫn tiếp tục có các triệu chứng” - CNA dẫn thông báo của văn phòng thủ tướng Anh.

    0 boris nhap vien

    Như vậy, việc nhập viện của Thủ tướng Johnson 55 tuổi không phải là cấp cứu và được hiểu là quyết định thận trọng vì các triệu chứng vẫn chưa kết thúc.

    Lần xuất hiện gần nhất của Thủ tướng Johnson là vào tối 2-4 (qua màn hình), khi ông tham gia hoan nghênh lực lượng nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.

    “Ở trường hợp của tôi, dù tôi đang cảm thấy tốt hơn và đã hoàn thành bảy ngày cách ly, tôi vẫn còn một trong số các triệu chứng nhẹ… là sốt. Vì thế, theo hướng dẫn của chính phủ, tôi phải tiếp tục tự cách ly đến khi nào triệu chứng đó hết hoàn toàn” - Thủ tướng Johnson nói trong thông điệp video công bố ngày 2-4.

    Theo văn phòng thủ tướng Anh, nếu Thủ tướng Johnson không còn khả năng lãnh đạo chính phủ thì Ngoại trưởng Dominic Raab sẽ là người thay thế. Nhưng hiện tại dù nhập viện nhưng Thủ tướng Johnson vẫn tiếp tục làm việc, giữ liên lạc, chỉ đạo các bộ trưởng và quan chức.

    Thủ tướng Johnson là lãnh đạo thế giới đầu tiên nhiễm COVID-19. Vị hôn thê của ông - cô Carrie Symonds cho biết cô cũng có một số triệu chứng bệnh trong một tuần nhưng giờ đã hồi phục.

    Bộ trưởng Y tế Matt Hancock - xác nhận nhiễm COVID-19 sau Thủ tướng Johnson 2 tiếng - đã quay trở lại làm việc từ ngày 3-4 sau một tuần cách ly tại nhà.

    Ngày 5-4, khi được hỏi về sức khỏe Thủ tướng Johnson, Bộ trưởng Y tế Hancock nói với đài Sky News: “Ông ấy ổn. Tôi nói chuyện với ông ấy vài lần mỗi ngày suốt thời gian cả hai chúng tôi cách ly. Ông ấy rất lạc quan”.

    Bộ trưởng Hancock nói thêm: “Một số người bị (bệnh do nhiễm COVID-19) rất nhẹ, một số khác thì rất nghiêm trọng. Thủ tướng không phải kiểu nặng thế. Nói chuyện và làm việc với ông ấy hằng ngày, tôi nhận thấy tinh thần ông rất tốt. Nhưng ông cũng tuyệt đối cẩn thận tuân thủ hướng dẫn y tế công cộng vì cả ảnh hưởng trực tiếp và cả như một ví dụ cho đất nước”.

    Ông Dominic Cummings - cố vấn thân cận của Thủ tướng Johnson cũng đã nhiễm COVID-1 và vẫn đang cách ly.

    Trưởng cố vấn y tế của chính phủ - GS Chris Whitty cũng phát triệu chứng bệnh nhưng chưa có thông tin xác nhận ông nhiễm.

    Theo Plo

  • Một cô gái sống ở ngôi làng nằm sâu trong rừng rậm Amazon vừa nhiễm virus corona mới, trở thành người đầu tiên trong hơn 300 bộ tộc ở Brazil mắc COVID-19.

    Bộ Y tế Brazil cho biết, cô gái 19 tuổi thuộc bộ tộc Kokama được xác định dương tính với virus corona. Cô sống ở huyện Santo Antonio do Içá, nơi nằm gần biên giới với Colombia. 

    Bệnh nhân là một bác sĩ đã đi ngược sông Amazon để đến nhiều làng, trong đó có thị trấn Tabatinga. Khi trở về, cô bị sốt, đau họng và đau ngực, báo O Globo đưa tin. 

    tho dan amazon

    Cô và gia đình đều đã được cách ly và theo dõi y tế. Bốn trường hợp mắc COVID-19 cũng đã được phát hiện ở huyện nơi cô ở, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh có thể lan ra các cộng đồng thiểu số sinh sống ở vùng sâu vùng xa và dễ bị tổn thương.

    Cô gái vừa trở về từ kỷ nghỉ ở miền nam Brazil để đến làm việc ở Tikunas, một bộ tộc trong rừng Amazon với hơn 30.000 người sống ở khu vực thượng lưu sông Amazon, nơi gần biên giới với Colombia và Peru. 

    Các bộ tộc thổ dân ở châu Mỹ từ xa xưa đã không tiếp xúc với nhiều loại bệnh mà phần lớn thế giới đều đã có khả năng miễn dịch. 

    Ước tính những bệnh tật mà thực dân châu Âu mang đến đây như thuỷ đậu, sốt rét hay bệnh cúm, đã xoá hơn 95% dân số thổ dân ở châu Mỹ. 

    Những nhóm thiểu số đó ngày nay vẫn dễ bị tổn thương. 

    Bộ trưởng y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta cho biết, đến tận ngày nay các lãnh đạo thổ dân sau khi đi nước ngoài về đều phải cách ly 2 tuần để tránh đưa mầm bệnh về cộng đồng của họ. 

    12 thổ dân và 14 người khác đã tiếp xúc với bác sĩ đang chờ kết quả xét nghiệm virus corona. 

    Theo CNA

  • Tuyên bố quốc gia hôm nay (5/4) của Nữ hoàng Anh Elizabeth là bài phát biểu trên truyền hình thứ 5 trong 68 năm lên ngôi của nữ chủ nhân Cung điện Buckingham, chưa kể những thông điệp Giáng sinh thường niên.

    Trong thông điệp đặc biệt phát trên truyền hình quốc gia vào lúc 8h tối nay, Nữ hoàng Elizabeth kêu gọi người Anh thể hiện quyết tâm tương tự như tổ tiên của họ và chấp nhận thách thức, cũng như sự gián đoạn hiện nay gây ra bởi đại dịch Covid-19.

    105647788 1545856980770gettyimages 804202510

    "Tôi đang nói với các bạn về thời điểm mà mọi thứ ngày càng khó khăn... Một sự gián đoạn đã đem đến mất mát đau buồn với một số người, khó khăn tài chính cho nhiều người và những thay đổi to lớn đối với cuộc sống hàng ngày của tất cả chúng ta", Nữ hoàng phát biểu từ một căn phòng lớn tại Lâu đài Windsor, nơi chỉ với 1 người quay phim đeo khẩu trang và găng tay, giữ khoảng cách an toàn với nữ hoàng. 

    Những người khác trong đội kỹ thuật phải ở trong một căn phòng khác được kết nối bằng loa và thiết bị điều khiển từ xa.

    "Tôi hy vọng trong thời gian sau này, mọi người có thể tự hào về cách mình đã vượt qua thử thách này. Và những thế hệ con cháu chúng ta sẽ nói rằng những người Anh thế hệ này cũng mạnh mẽ như bất kỳ ai", "nữ vương" 93 tuổi nói, "đây là những biểu hiện của kỷ luật tự giác, của sự quyết tâm thầm lặng và tình đồng loại, vốn vẫn là đặc trưng của đất nước này".

    Tuyên bố quốc gia phát hôm 5/4 của Nữ hoàng Anh Elizabeth là bài phát biểu trực tiếp thứ 5 trong 68 năm lên ngôi của nữ chủ nhân Cung điện Buckingham, chưa kể những thông điệp Giáng sinh thường niên.

    Phát biểu gần nhất trước đó của bà là vào cách đây 8 năm, sau lễ kỷ niệm 60 năm làm nữ hoàng. Bài phát biểu năm 2012 diễn ra sau một thập kỷ, kể từ tuyên bố cảm ơn người dân Anh của Nữ hoàng về sự ra đi của mẹ bà vào năm 2002.

    Nữ hoàng cũng từng trực tiếp đưa ra một thông điệp khi Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 bắt đầu, và thu hút sự chú ý nhất vẫn là bài phát biểu đau thương sau cái chết của Công nương Diana trong vụ tai nạn xe hơi ở Paris năm 1997.

    Bài phát biểu sẽ được phát trên truyền hình ở Anh và các nước trong Khối Thịnh Vượng Chung, cũng như đài phát thanh, các kênh truyền thông xã hội chính thức của Hoàng gia như Facebook, Twitter và Instagram.

  • Dựa trên một hợp chất được phát hiện từ năm 1998, thuốc cảm cúm Favipiravir nay cho thấy cho thấy hiệu quả trong điều trị những bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và trung bình.

    0 thuoc chua covid hieu qua
    Thuốc Avigan. (Ảnh: Kyodo)

    Cuối tháng 2 vừa qua, lãnh đạo Fujifilm tại trụ sở ở Tokyo tích cực chỉ đạo nhóm gồm 100 nhân viên được giao nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 86 năm của họ: Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato đưa tên hãng chuyên sản xuất film và máy ảnh này vào danh sách các công ty, tổ chức tham gia chống dịch COVID-19. 

    Vào thời điểm đó mới, Nhật Bản mới có khoảng 130 người mắc bệnh. Nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát là có thật.

    Khi dịch COVID-19 đang lan nhanh và chưa có loại vắc-xin hay thuốc đặc trị nào, ông Kato hy vọng tìm ra loại thuốc sẵn có để chữa trị cho làn sóng bệnh nhân sắp tới. Một ứng viên trong đó là thuốc cảm cúm Avigan, được điều chế bởi Toyama Chemical, một công ty con của tập đoàn Fujifilm từ mấy chục năm trước.

    Trong những tuần tiếp đó, nhóm chuyên trách của Fujifilm đã tích cực điều phối các văn phòng và nhà máy, lên kế hoạch khẩn cấp để tăng cường sản xuất, cố vấn cho các nhà nghiên cứu lâm sàng trên khắp Nhật Bản, và giúp cung cấp thuốc cho những bệnh viện đã được chính phủ cho phép sử dụng để điều trị cho hàng chục bệnh nhân COVID-19.

    Ngày 28/3 vừa qua, Thủ tướng Abe Shinzo nói với báo giới rằng Chính phủ Nhật đã bắt đầu quá trình chính thức xác định Avigan là thuốc chuẩn của nước này để điều trị cho người mắc COVID-19. 

    Một bước đi quan trọng trong quá trình đó liên quan đến các thử nghiệm lâm sàng. Một thử nghiệm sẽ kết thúc vào tháng 6 tới. Nhưng dù chưa có dữ liệu chính thức nào để khẳng định hiệu quả của thuốc Avigan trong điều trị COVID-19, đã có một số lý do để lạc quan. 

    Ngày 17/3, ông Zhang Xinmin, một quan chức của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nói rằng Faviparavir, một phiên bản của thuốc Avigan, đã chứng minh hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện tại Vũ Hán và Thâm Quyến. 

    Ông Zhang khẳng định thuốc này “rất an toàn và hiệu quả” khi điều trị cho người mắc COVID-19. Và dù số liệu cũng như phương pháp luận đằng sau khẳng định của ông Zhang chưa được công bố, quan chức này đã thông báo một số kết luận mà các bác sĩ cung cấp: Tại một bệnh viện ở Thâm Quyến, ông Zhang nói rằng các bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng thuốc Favipiravir đã âm tính sau trung bình 4 ngày, thay vì thời gian 11 ngày như nhóm đối chiếu. 

    Trong một nghiên cứu khác được thực hiện ở Vũ Hán, các bệnh nhân uống Favipiravir đã hết sốt sớm hơn 2 ngày so với những người không uống thuốc này.

    Những kết quả đó vẫn còn là sơ bộ, nhưng cũng cho thấy hiệu quả của Favipiravir. Hầu hết các loại thuốc cảm cúm khác ức chế virus phát tán khắp các tế bào bằng cách chặn enzyme neuraminidase, thuốc Favipiravir hoạt động bằng cách ức chế sự sao chép gien của virus trong các tế bào bị nhiễm bệnh, từ đó làm giảm khả năng phát tán của virus từ tế bào này sang tế bào khác. 

    Điều đó có nghĩa là các bệnh nhân uống thuốc này khi họ có lượng virus trong người ở mức thấp hoặc trung bình thì có thể không bị ốm thêm. Đã có một số bằng chứng cho thấy Favipiravir hiệu quả cả với những virus khác ngoài cảm cúm. 

    Nhiều nước muốn có

    Thủ tướng Abe có vẻ là một trong những người tin như vậy. Cuối tuần trước, ông thông báo Nhật Bản “sẽ tăng cường sản xuất và thúc đẩy thử nghiệm lâm sàng và hợp tác với các nước muốn tham gia”. Ông cho biết nhiều quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến thuốc này. 

    Dù ông Abe không nêu tên nước nào nhưng có vẻ trong số đó có Mỹ. Theo bài báo gần đây của Politico, Fujifilm đã bàn bạc với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Y tế và dịch vụ con người của Mỹ về khả năng thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan ở Mỹ, cũng như tìm kiếm tài trợ từ chính phủ Mỹ. 

    Theo bài viết, sau khi ông Abe có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump qua điện thoại về Avigan, Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng bắt đầu thúc ép chính phủ tiếp nhận thuốc Avigan Nhật Bản tặng, và đề nghị FDA chấp nhận cho sử dụng thuốc này trong tình huống khẩn cấp hiện nay. 

    Cuối năm 2014, Avigan được dùng làm thuốc điều trị khẩn cấp ở Tây Phi, nơi dịch Ebola xảy ra với thời gian và quy mô lớn chưa từng thấy, khiến hàng ngàn người thiệt mạng. 

    Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức Bác sĩ không biên giới cung cấp loại thuốc này để sử dụng đối với những bệnh nhân không mang thai, vì Avigan có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. 

    Một nghiên cứu về Avigan ở Guinea cũng cho kết quả hứa hẹn, dù chưa phải cuối cùng: Khi theo dõi các bệnh nhân có lượng virus ở mức thấp và trung bình, Avigan giảm một nửa tỷ lệ tử vong, từ 30% xuống 15%. 

    Năm năm sau, chính phủ Nhật giờ đang hy vọng thuốc này có kết quả tương tự đối với COVID-19, khi bệnh này đã khiến 61 trong số 2.617 người mắc ở Nhật Bản thiệt mạng, tính đến này 3/4.

    Fujifilm từ chối bình luận về phát biểu từ Trung Quốc về Favipiravir vì họ không tham gia các thử nghiệm lâm sàng ở đó. Một đối tác cũ của Fujifilm ở Trung Quốc là hãng dược Hisun Chiết Giang đang sản xuất loại thuốc này từ khi bằng sáng chế của Fujifilm hết hiệu lực ở Trung Quốc từ năm ngoái. 

    Công ty Hisun Chiết Giang đã được chính phủ Trung Quốc cấp phép sản xuất thuốc Favipiravir từ giữa tháng 2 và cho phép công ty này thử nghiệm lâm sàng. Trung Quốc cũng đã bắt đầu xuất khẩu thuốc này. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết nước này đã nhận được một “lô thuốc đặc biệt” từ Trung Quốc và đang sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại 40 thành phố. 

    Nhật Bản dường như cũng đã nhận thấy Avigan là công cụ để mở rộng sức mạnh mềm. 

    Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc cung cấp thuốc Avigan miễn phí cho khoảng 30 quốc gia, hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói hôm 3/4. 

    “Có khoảng 30 nước đã đề xuất với Nhật Bản qua kênh ngoại giao. Chúng tôi đang điều phối để cung cấp lượng thuốc cần thiết miễn phí cho các nước đang cần” ông Suga nói. 

    Sáng ngày 3/4, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn có cuộc điện đàm lần thứ ba với lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand về tình hình dịch bệnh COVID-19. Tại cuộc điện đàm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị chính phủ các nước tiếp tục có các cam kết chính trị để bảo đảm rằng các nước được tiếp cận và đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc-xin và thuốc chữa trị COVID-19 nếu nghiên cứu thành công; đồng thời đề nghị chính phủ các nước khuyến khích các doanh nghiệp của mình duy trì hoạt động đầu tư sản xuất ở nước ngoài; khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

    Tiền Phong (Theo Kyodo, Wired)

  • Hiện có ít nhất 6 du thuyền đang bị mắc kẹt giữa biển khơi vì đại dịch COVID-19. Số phận của những con người đi trên đó giờ gắn chặt với con tàu, lênh đênh chẳng biết ngày cập bến và điều gì đang chờ đợi phía trước.

    0 du thuyen dich benh lenh denh 1
    Một trong số các du thuyền đang phải lênh đênh trên biển vì dịch COVID-19.

    Những du thuyền bị ruồng bỏ như Westerdam hay Diamond Princess đã tăng lên nhanh chóng sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, buộc nhiều nước phong tỏa cả đường biển, đường bộ và hàng không để chặn dịch.

    Miễn nhiễm cũng bị từ chối

    Coral Princess, du thuyền thuộc sở hữu của Công ty Princess Cruise, hôm 2-4 cho biết 12 người đi trên tàu đã bị nhiễm virus corona, đưa nó trở thành cái tên mới nhất gia nhập các du thuyền bị COVID-19 tấn công.

    Trong số những du thuyền vẫn còn lênh đênh trên biển, nổi tiếng kém may mắn nhất có lẽ là tàu Costa Deliziosa. Con tàu rời bến ở Venice (Ý) vào cuối tháng 1 và cho đến nay là tàu duy nhất chưa tìm được cảng nào để trả khách, sau khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở Ý. Tương lai của 2.800 người trên những con tàu này vẫn chưa biết đi đâu về đâu.

    Costa Crociere, công ty sở hữu tàu, khẳng định con tàu vẫn miễn nhiễm với virus corona. "Bất chấp các nỗ lực cầu cứu và điều chỉnh lịch trình, chúng tôi vẫn chưa tìm được bến cảng phù hợp để trả khách", một đại diện của Costa Crociere cho biết. Hiện tại để bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách và thủy thủ đoàn, con tàu sẽ chỉ cập cảng để tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và dành toàn bộ thời gian còn lại trên biển.

    Hai tàu thuộc sở hữu của Cruise & Maritime Voyages là Columbus và Astor cũng đang ở trên biển chờ ngày cập cảng London của Anh và Bremerhaven ở Đức vào giữa tháng 4 này nếu không có gì bất trắc.

    Trong khi đó, du thuyền Coral Princess hiện đang hướng thẳng tới cảng Fort Lauderdale ở Florida (Mỹ), nơi họ hi vọng các hành khách có thể lên bờ và trở về nước, theo Đài CNN.

    0 du thuyen dich benh lenh denh 1
    Hành khách bị bệnh trên du thuyền Zaandam được đưa tới bệnh viện sau khi tàu cập cảng Florida ngày 2-4 - Ảnh: REUTERS

    "Du thuyền tử thần"

    Ba tuần sau khi Zaandam - một du thuyền của Holland America Line - rời bến, 4 hành khách đã bỏ mạng trên tàu và vài chục người khác có những biểu hiện của căn bệnh đã lây nhiễm hơn 1 triệu người trên thế giới. Người thân của những người trên tàu lòng như lửa đốt trước những tin tức liên quan đến con tàu. Chuyến hải trình trong mơ đã nhanh chóng biến thành chuyến đi ác mộng và Zaandam được gán biệt danh là "du thuyền tử thần".

    Nếu đúng kế hoạch, hành trình của tàu Zaandam sẽ kết thúc tại Chile vào ngày 21-3 và các hành khách có thể lên máy bay trở về nước. Nhưng mọi nỗ lực cập cảng để nhận tiếp tế và sơ tán hành khách đều bị khước từ dứt khoát vài ngày sau khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

    Hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu Zaandam bắt đầu tràn vào phòng bệnh viện của du thuyền với những triệu chứng như cúm mùa. 8 bác sĩ và y tá theo tàu nhanh chóng bị quá tải. Tin tức từ đất liền vẫn được cập nhật và những người vận hành con tàu nhanh chóng nhận ra họ đang đối mặt với thứ gì.

    Tất cả hành khách được yêu cầu ở trong cabin trong lúc con tàu hướng thẳng về phía bắc chờ gặp Rotterdam, một du thuyền cùng công ty được điều động như tàu sơ tán hành khách và mang theo các nhu yếu phẩm khác, kể cả bộ xét nghiệm COVID-19.

    "Phòng của chúng tôi dần ấm hơn, có lẽ nhiệt độ bên ngoài đã tăng dần. Chúng tôi vẫn được ăn ngày 3 bữa, nhưng mỗi ngày trôi qua thức ăn lại ít đi một chút. Hơn 1 tuần rồi, drap trải giường vẫn chưa được thay. Cách đây 2 ngày, chúng tôi không còn nhận được khăn sạch nữa", một hành khách lớn tuổi trên tàu Zaandam nhắn tin cầu cứu báo New York Times.

    Gần 2/3 trong số hơn 1.200 hành khách trên tàu Zaandam cùng 580 thủy thủ đoàn được chuyển sang tàu Rotterdam sau khi được đo thân nhiệt và trả lời một vài câu hỏi. Những người có biểu hiện triệu chứng bệnh buộc phải ở lại Zaandam. Cuộc khủng hoảng tưởng chừng đã tới hồi kết cho đến khi Panama tuyên bố hai du thuyền này không được phép đi qua kênh đào để trở về Mỹ.

    Mỹ giải cứu

    Panama nhanh chóng mở cửa kênh đào cho tàu Zaandam và Rotterdam đi qua, sau khi có sự can thiệp ngầm từ Bộ Ngoại giao Mỹ, với điều kiện không ai được phép bước lên đất Panama trong thời gian đi qua kênh. Mọi chuyện tưởng đã suôn sẻ nhưng Florida, nơi hai con tàu dự kiến trả khách, lại cương quyết nói không.

    Với hơn 8.000 ca nhiễm và gần 130 ca tử vong vào thời điểm đó, cộng thêm yếu tố là bang có rất nhiều người nghỉ hưu cao tuổi, quyết định của thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis, nhận được sự ủng hộ nhất định. Nhiều người dân cho rằng những người đi trên du thuyền phải trả giá cho sự ích kỷ của bản thân trong mùa dịch. "Đám ngu dốt, ích kỷ đó đáng bị như vậy", một người dùng Twitter nói thẳng.

    Sự việc sau đó đến tai Tổng thống Mỹ Donald Trump và liên tiếp trong hai buổi họp báo trực tiếp, ông kêu gọi Florida nên tiếp nhận và hỗ trợ những người trên tàu. Ông Trump sau đó gọi điện cho thống đốc DeSantis và làm thay đổi hoàn toàn thái độ của ông này.

    Thống đốc Florida thông báo Zaandam và Rotterdam có thể cập cảng Fort Lauderdale, đồng thời thừa nhận rằng sự khước từ ban đầu là do không biết có người Mỹ trên tàu. Phần lớn hành khách trên tàu là người Mỹ, trong đó có hơn 50 người ở Florida. Người Anh, người Canada chiếm số đông trong các hành khách còn lại. Ngày 2-4, tàu Zaandam và Rotterdam cập bờ nước Mỹ, kết thúc 4 tuần lênh đênh không biết điểm dừng.

    Diamond Princess và Westerdam đang ở đâu?

    Hai con tàu này đều thuộc chung Tập đoàn Carnival có trụ sở tại Florida với đội du thuyền hơn 100 chiếc. Theo Hãng tin Reuters, Carnival đang có kế hoạch huy động ít nhất 6 tỉ USD để giải quyết các thiệt hại do COVID-19 gây ra đối với hoạt động của tập đoàn. Diamond Princess là tàu bị ảnh hưởng nặng nhất trong đại dịch lần này khi 712/3.711 hành khách và thủy thủ đoàn dương tính virus corona mới, trong đó có 11 người chết. Theo dữ liệu được công khai mới nhất ngày 25-3, con tàu vẫn đang ở cảng Yokohama, Nhật Bản dù đã không còn người nào trên tàu.

    Tàu Westerdam cũng của Carnival thì may mắn hơn. Sau khi bị nhiều nước từ chối, Westerdam đã được Chính phủ Campuchia cho phép cập cảng trả khách. Con tàu sau đó trở về Mỹ và hiện đang neo đậu tại La Paz của Mexico, theo dữ liệu của trang vesselfinder.com ngày 4-4.

    Vấn đề nhạy cảm

    Tiếp nhận các du thuyền nước ngoài chở hàng ngàn khách trở thành vấn đề nhạy vào thời điểm này.

    Ngoại trưởng Úc Marise Payne thừa nhận có chuyện yêu cầu tất cả du thuyền treo cờ nước ngoài rời khỏi Úc ngay lập tức, song cho biết đang nỗ lực giải cứu khoảng 600 công dân Úc đang bị mắc kẹt trên 10 du thuyền khắp thế giới.

    Bà Payne nói bà hiểu rõ chuyện "bánh ít đi, bánh quy lại", nhưng để giữ cân bằng giữa chuyện đảm bảo an toàn cho cộng đồng địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương công dân là điều vô cùng khó khăn. Nước Úc lo lắng là điều hiển nhiên, bởi vì khoảng 20% số ca nhiễm virus corona ở nước này là do khách du thuyền đem tới.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Chiến lược xét nghiệm của các quốc gia là khác nhau, và nhiều nước đã có thể dự đoán và ứng phó với tình hình dịch bệnh tốt hơn nhờ áp dụng xét nghiệm hiệu quả hoặc quyết liệt.

    Trung Quốc

    Với kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Sars hồi đầu thế kỷ, cũng như việc là nơi mà dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, không bất ngờ khi Trung Quốc nhanh chân hơn các nước khác trong việc phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm và thực hiện sàng lọc các bệnh nhân.

    Cho đến cuối tháng 3, nước này đã thực hiện hơn 320.000 xét nghiệm trên toàn quốc. Một trong những bộ kít xét nghiệm sớm nhất được phát triển ở Trung Quốc bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nước này, và những chi tiết của bộ dụng cụ này được đăng tải trên trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/1, một ngày sau khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa.

    5 chien luoc xet nghiem 1
    Sau những chậm trễ ban đầu, Trung Quốc đã đẩy nhanh nâng cao năng lực để bắt kịp và kiểm soát sự lây lan của virus corona. Ảnh: AFP.

    Một đội các nhà nghiên cứu tại Hong Kong, những người từng giúp xác định virus gây bệnh Sars, cũng phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm của riêng họ.

    "Bởi vì chúng tôi đều trải qua những sự kiện này trong quá khứ, chúng tôi biết được tầm quan trọng của việc có được một bộ dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán hiệu quả", ông Leo Poon, nhà virus học, người đứng đầu đội ngũ ở Hong Kong, chia sẻ.

    "Đó là lý do tại sao chúng tôi cố gắng để phát triển bộ xét nghiệm sớm nhất có thể", ông Poon nói thêm.

    Là một trong những nước sản xuất nhiều hoá chất nhất thế giới, Trung Quốc nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19 của họ.

    Đức

    Sự sẵn sàng của Đức đến từ một nhận thức của giới chức y tế về tầm nghiêm trọng của virus corona, dự đoán nó sẽ trở thành một vấn đề toàn cầu. Trong khi hầu hết nước khác phản ứng khá chậm chạp và thụ động trong các kế hoạch chuẩn bị cho đại dịch, từ hồi đầu tháng 1 một nhà khoa học ở Berlin là ông Olfert Landt đã nhận ra sự tương đồng giữa Covid-19 và Sars, và nhận ra rằng cần phải có một bộ dụng cụ xét nghiệm.

    Vì khi đó chưa có dữ liệu gene của virus corona, ông Landt và công ty của mình thiết kế bộ kit xét nghiệm dựa trên virus Sars và các loại virus corona khác. Phương pháp xét nghiệm này được WHO công bố hôm 17/1, trước phương pháp của Trung Quốc.

    Chính phủ Anh đã bỏ qua cơ hội sở hữu phương pháp xét nghiệm này. Đến cuối tháng 2, công ty của ông Landt đã sản xuất 4 triệu bộ kit xét nghiệm, và cho ra lò 1,5 triệu bộ mỗi tuần.

    Bên cạnh việc có được bộ xét nghiệm hiệu quả được sản xuất hàng loạt, chính phủ Đức cũng áp dụng xét nghiệm trên quy mô lớn ngay từ ban đầu, với năng lực 12.000 xét nghiệm mỗi ngày.

    Hàn Quốc

    Hàn Quốc là nước thực hiện quyết liệt nhất việc xét nghiệm trên diện rộng với số lượng lớn. Giới chức y tế Hàn Quốc nhận thức được sự nghiêm trọng của tình hình ở Vũ Hán, biết rằng virus corona có khả năng lây lan nhanh chóng trên diện tích rộng, vì vậy họ ưu tiên xác định và cách ly những người dương tính với dịch bệnh, và phát triển năng lực để có thể thực hiện 15.000 xét nghiệm mỗi ngày.

    5 chien luoc xet nghiem 1
    Hàn Quốc xét nghiệm trên diện rộng ngay từ đầu và đã kiểm soát được bệnh dịch. Đồ hoạ: Quốc Thăng.

    Tới nay, Hàn Quốc đã xét nghiệm hơn 300.000 công dân, hoàn toàn miễn phí, và cũng là nước đầu tiên có sáng kiến dựng lên các trung tâm xét nghiệm di động, nơi người dân có thể lái xe đến và lấy mẫu ngay trong xe, hạn chế tốt nhất khả năng tiếp xúc với người khác. Mô hình này đã được học hỏi bởi nhiều quốc gia khác.

    Iceland

    Với lợi thế về diện tích và dân số rất nhỏ, trong khi lại là quốc gia giàu có, Iceland đã thực hiện xét nghiệm toàn quốc với tỷ lệ cao nhất thế giới, bao gồm cả những người không hề có triệu chứng nào của Covid-19.

    "Dân số nhỏ bé của Iceland khiến nó có một vị trí độc nhất, có khả năng xét nghiệm rất cao với sự giúp đỡ từ công ty nghiên cứu y học deCode Genetic", ông Thorolfur Gudnason, nhà dịch tễ học hàng đầu của Iceland, chia sẻ với Buzzfeed.

    Ông Gudnason nói rằng nỗ lực xét nghiệm này được thực hiện để có cái nhìn rõ nét hơn về sự tồn tại của virus trong cộng đồng, vì hầu hết quốc gia khác chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng.

    Italy

    Sau Đức, Italy là nước đã thực hiện nhiều xét nghiệm Covid-19 nhất ở châu Âu với 200.000 bộ thử được sử dụng. Trong số này bao gồm toàn bộ 3.000 người ở thị trấn Vo gần Venice, trong một dự án được thiết kế để xác định việc xét nghiệm trên diện rộng có giúp làm giảm sự lây lan của virus hay không.

    5 chien luoc xet nghiem 1
    Nhiều người Italy ban đầu cho rằng số ca nhiễm cao tại nước này là do họ đã thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, nhưng nó đã cảnh báo đúng những gì diễn ra. Ảnh: AP.

    Những gì diễn ra ở Italy cũng cho thấy việc xét nghiệm rộng rãi có thể gây tranh cãi về mặt chính trị, cũng như là việc xét nghiệm không đầy đủ. Một số người trong đó có cả Thủ tướng Giuseppe Conte ban đầu đã cho rằng việc số lượng ca nhiễm ở Italy ở mức cao là bởi vì nước này thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, với cả những người không có triệu chứng.

    "Chúng ta là nước đầu tiên có sự kiểm soát chặt chẽ và chính xác nhất", ông Conte tuyên bố và nói thêm rằng dường như việc có nhiều người Italy nhiễm virus là bởi vì "chúng ta đã xét nghiệm nhiều hơn". Nhưng hoá ra, việc xét nghiệm trên diện rộng đã cảnh báo chính xác về những gì sắp diễn ra lúc đó ở Italy.

    Theo Zing

  • Hàng nghìn người Anh đang phá vỡ lệnh phong tỏa, ra ngoài tắm nắng, tụ tập, vui chơi bất chấp nguy cơ lây nhiễm virus corona giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến 4.000 người Anh tử vong.

    Theo Metro, cảnh sát trên khắp London và các khu vực khác của Vương quốc Anh hôm 4/4 đã cảm thấy bất lực khi chứng kiến hàng ngàn người cố tình phá vỡ lệnh phong tỏa, vi phạm các lệnh cấm ra ngoài mà không cần thiết để tụ tập vui chơi, tận hưởng thời tiết nắng ấm.

    0 tam nang cong vien 2

    Một công viên ở Lambeth đã phải đóng cổng sau khi ghi nhận 3.000 người đổ tới đây thư giãn theo nhóm lớn, trong khi hàng trăm người tắm nắng ở Primrose Hill và một bữa tiệc được tổ chức ở Newham với 25 vị khách.

    Trước đó, Giám đốc điều dưỡng của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của chính phủ Anh đã cảnh báo mọi người nên bỏ qua thời tiết nắng ấm vào cuốn tuần này để ở yên trong nhà nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm căn bệnh Covid-19.

    0 tam nang cong vien 2
    Cảnh sát nhắc nhở những người tụ tập trên bãi biển Brighton, phía Tây Sussex để rời đi.

    "Mặc dù đã có những khuyến cáo rõ ràng, hơn 3.000 người đã tới Brockwell Park hôm nay (4/4), nhiều người trong số họ tắm nắng hoặc vui chơi trong các nhóm lớn. Điều này là không thể chấp nhận được", tuyên bố trên Twitter của Hội đồng Lambeth viết.

    "Thất vọng là từ duy nhất để mô tả những gì chúng tôi thấy trong công viên Primrose Hill ngày hôm nay (4/4). Chúng tôi đã giải tán hơn 100 người tụ tập dã ngoại, tắm nắng hoặc vui chơi với bạn bè. Nhưng một lúc sau kiểm tra lại, nhiều người trong số họ đã quay lại", tuyên bố trên Twitter của Cảnh sát Camden Town & Primrose Hill viets.

    0 tam nang cong vien 2
    Regent's Park.

    Cảnh sát Newham cũng đăng một bức ảnh lên phương tiện truyền thông xã hội cho biết, họ đã được gọi để giải tán một bữa tiệc sinh nhật với 25 khách mời.

    Cảnh sát Sussex thì thông báo sẽ truy tố 2 người tổ chức tiệc BBQ trên bãi biển Hove.

    Anh hôm 4/4 báo cáo thêm 708 người chết vì Covid-19, tăng 20% so với một ngày trước, nâng tổng số ca tử vong toàn quốc lên 4.313.

    Bộ Y tế Anh cùng ngày xác nhận 41.903 ca nhiễm Covid-19 trên cả nước, tăng 3.735 trường hợp trong 24 giờ qua. Một nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết Anh đã lên kịch bản xấu nhất với tình huống 50.000 người chết vì dịch bệnh này.

    0 tam nang cong vien 2
    Bãi biển Brighton.

    0 tam nang cong vien 2
    Bãi cỏ Hove Lawns ở Brighton.

    0 tam nang cong vien 2
    Người đi xe đạp sát nhau ở Regent's Park.

    0 tam nang cong vien 2
    Bãi biển Brighton, phía Tây Sussex.

    0 tam nang cong vien 2
    Sông Cam ở Cambridge.

    0 tam nang cong vien 2
    Cảnh sát cưỡi ngựa nhắc nhở 1 người đàn ông ở Greenwich Park, London.

    0 tam nang cong vien 2
    Sông Cam ở Cambridge.

    0 tam nang cong vien 2
    Regent's Park.

    0 tam nang cong vien 2
    Greenwich, London.

    0 tam nang cong vien 2
    Mọi người vẫn tập tuyện tại Paddington Recreation Ground, London, mà không quan tâm đến giãn cách xã hội.

    0 tam nang cong vien 2
    Mọi người vẫn tập tuyện tại Paddington Recreation Ground, London, mà không quan tâm đến giãn cách xã hội.

    Theo Dailymail

  • Cơ quan y tế Anh ngày 4/4 công bố thêm 708 ca tử vong vì nhiễm virus corona. Đây là mức tăng số ca tử vong/ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.

    Một trẻ em 5 tuổi có bệnh lý nền đã trở thành nạn nhân trẻ nhất tử vong ở Anh.

    Bộ Sức khỏe và Chăm sóc Xã hội Anh đã thống kê tổng cộng 4.313 bệnh nhân Covid-19 qua đời tại Anh. Số liệu được cập nhật đến 17h ngày 3/4, nhưng đến ngày 4/4 mới công bố.

    Cùng ngày, giới chức y tế Anh xác nhận nước này đã có gần 42.000 ca bệnh được xác nhận dương tính với virus corona, tăng khoảng 3.735 trường hợp so với một ngày trước đó.

    0 tam nang covid
    Cảnh sát Anh nói chuyện với hai người đang ngồi sưởi nắng trong công viên hôm 4/4 tại London. Chính phủ Anh đã khuyến cáo mọi người không ra khỏi nhà, dù thời tiết đang đẹp. Ảnh: Reuters

    Giáo sư Neil Ferguson, một cố vấn cho chính phủ Anh về ứng phó Covid-19, cho biết các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách giao tiếp xã hội có thể được duy trì thêm nhiều tuần nữa.

    Trả lời BBC, ông nói mức độ di chuyển ngoài nhà của người dân Anh đã giảm khoảng 85% kể từ khi chính phủ ban bố phong tỏa toàn quốc.

    “Điều quan trọng đầu tiên là số ca nhiễm giảm, sau đó trong vài tuần tới, chúng ta sẽ hướng đến việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội và từng bước khôi phục kinh tế, dĩ nhiên là chưa thể sớm đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường”, ông Ferguson nói.

    Stephen Powis, Giám đốc Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) nói số ca tử vong ghi nhận hôm 4.4 ở mức cao và xu hướng này “còn tiếp tục trong vòng một hoặc 2 tuần tới”.

    26805440 8188017 image a 91 1586036378588

    Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 3/4 thông báo chính phủ tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng các biện pháp giãn cách xã hội. Lệnh hạn chế đi lại chỉ được nới lỏng "một khi có bằng chứng cho thấy chúng ta được phép làm điều đó".

    Thủ tướng Johnson cũng viết thư gửi lãnh đạo các đảng đối lập kêu gọi hợp tác giữa thời điểm "khẩn cấp quốc gia". Ông nhấn mạnh virus corona là "mối đe dọa lớn nhất đất nước từng phải đối diện sau nhiều thập kỷ" và cuộc chiến có thể kéo dài nhiều tháng.

    Chính phủ Anh cùng ngày tiếp tục kêu gọi người dân ở nhà trong giai đoạn cuối tuần, kiềm chế bản thân không ra đường dù thời tiết rất lý tưởng.

    "Nếu bạn ra khỏi nhà vào cuối tuần này, bạn có thể đón thêm thứ khác nữa ngoài ánh nắng", tài khoản Twitter của thủ tướng Anh ám chỉ nguy cơ nhiễm virus corona.

    Theo Skynews

  • Nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc tiến hành cho thấy thanh niên có xu hướng dễ có kết quả dương tính trở lại với Covid-19 sau khi được điều trị hồi phục.

    SCMP hôm 4/4 dẫn nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ cho biết khoảng 14% các bệnh nhân được điều trị hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 đã có kết quả dương tính với virus corona ở lần xét nghiệm lại sau đó.

    Ba đơn vị Trung Quốc là Bệnh viện nhân dân Thâm Quyến số 3, Bệnh viện Thanh Hoa Bắc Kinh, Đại học Công nghệ và khoa học miền Nam, phối hợp cùng Viện Công nghệ MIT của Mỹ tiến hành nghiên cứu.

    0 duong tinh tro lai
    Các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

    Các đối tượng được nghiên cứu là bệnh nhân ở Bệnh viện nhân dân số 3, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông nhập viện trong thời gian 23/1-25/2.

    Trong 262 người được điều trị hồi phục và xuất hiện, 38 bệnh nhân đã có kết quả dương tính khi xét nghiệm lại, với 7 người trong đó dưới 14 tuổi. Trong khi đó, chỉ 1 bệnh nhân trên 60 tuổi có kết quả dương tính khi xét nghiệm lại.

    Các nhà khoa học cho biết 38 người này chỉ có triệu chứng nhẹ trong lần điều trị nhiễm Covid-19 đầu tiên. Một số bệnh nhân ho nhẹ và tức ngực, trong khi không người nào có triệu chứng sốt.

    Các nhà khoa học cũng xét nghiệm 21 người có tiếp xúc gần với nhóm 38 người nói trên, kết quả là không ai dương tính với Covid-19.

    Tuy nhiên, các nhà khoa học không loại trừ khả năng những người nhiễm Covid-19 đã hồi phục sau khi được điều trị có thể là nguồn lây bệnh.

    Khi được xét nghiệm lại bởi bộ xét nghiệm thương mại có có tên RT-PCR với độ nhạy lớn hơn, 18/21 người có tiếp xúc gần với nhóm 38 người tái dương tính với Covid-19 nói trên đã có kết quả dương tính, theo đại diện Viện Công nghệ MIT của Mỹ.

    Giáo sư Leo Poon Lit-man, người đứng đầu phòng thí nghiệm khoa học y tế công cộng của Đại học Hong Kong, cho biết dù bộ xét nghiệm RT-PCR nhìn chung đáng tin cậy, vẫn có khả năng xảy ra sai lệch trong kết quả mà nó hiển thị.

    "Nếu chúng ta tiến hành xét nghiệm (đối với người được xuất viện), phần lớn họ sẽ có kết quả âm tính bởi số virus trong mẫu xét nghiệm rất thấp. Kết quả sẽ chỉ là dương tính sau khi tiến hành kết hợp nhiều xét nghiệm", giáo sư Poon nhận xét.

    Một nghiên cứu tiến hành hồi tháng 3 bởi nhóm khoa học tại Bệnh viện Tongji, thành phố Vũ Hán cho thấy tỷ lệ người có kết quả dương tính với virus corona sau khi hồi phục chỉ là 3%.

    Trong khi một số nghiên cứu chỉ ra virus còn tồn tại trên cơ sở bệnh nhân có xét nghiệm dương tính sau khi được điều trị hồi phục không có khả năng lây nhiễm, giáo sư Poon cho rằng các chuyên gia cần nghiên cứu kỹ lưỡng cách đối phó với các trường hợp như vậy.

    Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc không công bố số ca có xét nghiệm dương tính với virus corona sau khi đã được điều trị hồi phục và xuất viện.

    Theo Zing

  • Khoảng bảy triệu nhân viên trong các cơ sở tư nhân có thể được nhà nước trả lương khi các công ty đổ xô đăng ký chương trình hỗ trợ nghỉ phép của Chính phủ (Government’s coronavirus furlough scheme).

    Hơn 60% các công ty nói rằng họ có kế hoạch tận dụng lợi thế của chương trình - với hơn 40% muốn ít nhất một nửa lực lượng lao động của họ tạm nghỉ việc.

    British Airways, tập đoàn bán lẻ Arcadia của Sir Philip Green, và nhà sản xuất xe hơi Nissan đã trở thành các hãng mới nhất tuyên bố sẽ tận dụng chương trình này.

    0 British Airways

    Nhân viên cảm thấy an tâm hơn, nhưng Chính phủ vẫn còn nhiều việc phải làm, các công đoàn cho biết.

    Việc cho tạm nghỉ hàng loạt nên được áp dụng quy định chặt chẽ để tránh dẫn đến tình trạng mất việc làm quy mô lớn.

    Nhưng chương trình này đe dọa sẽ tạo ra cho Chính phủ một hóa đơn khổng lồ.

    Bộ Tài chính ước tính sẽ tiêu tốn 10 tỷ bảng cho mỗi ba triệu người sử dụng Chương trình Duy trì Việc (Coronavirus Job Retention Scheme) trong ba tháng.

    Chương trình này nhằm mục đích cứu các công ty khỏi bị ảnh hưởng bởi đại dịch bằng cách giải phóng lực lượng lao động dư thừa.

    Người sử dụng lao động có thể yêu cầu trợ cấp nghỉ phép bằng 80% chi phí lương hàng tháng cho nhân viên, tối đa 2,500 bảng mỗi tháng. Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Anh cho thấy hơn 60% các công ty dự kiến ​​sẽ cho nghỉ ít nhất một phần lực lượng lao động của họ trong tuần tới.

    Tổng số có khoảng 850.000 công ty đã đăng ký với bảy triệu nhân viên.

    British Airways và các công đoàn đã đồng ý với một phiên bản sửa đổi của Chương trình duy trì việc làm.

    Hơn 30.000 nhân viên sẽ được cho tạm nghỉ vì nhu cầu đặt vé sụt giảm nhưng sẽ nhận được 80% tiền lương của họ từ Chính phủ.

    Nhưng sẽ không có giới hạn £2,500 hàng tháng, có nghĩa là BA sẽ trả thêm tiền lương và phụ cấp. Kết quả là khoảng 28.000 nhân viên sẽ được hưởng lợi.

    Người đứng đầu liên minh hàng không quốc gia Oliver Richardson nói: “Trong tình huống vô cùng khó khăn mà toàn bộ ngành hàng không đang phải đối mặt, đây là một thỏa thuận tốt nhất có thể cho các thành viên của chúng tôi.”

    Lãnh đạo GMB Nadine Houghton cho biết: “Các thành viên GMB làm việc cho BA cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng có chút chắc chắn sau một khoảng thời gian cực kỳ đáng lo ngại.

    Nhân viên tại Arcadia, công ty sở hữu các chuỗi bao gồm Topshop, Topman và Dorothy Perkins, sẽ nằm trong số những hãng được chính phủ hỗ trợ trả tiền lương mặc dù Sir Philip Green, với danh tiếng vốn đã mất đi bởi sự sụp đổ của BHS, và vợ ông có khối tài sản ước tính gần £1 tỷ.

    Nissan đã cho hầu hết 6.000 nhân viên của mình tại nhà máy Wearside nghỉ phép.

    Chính phủ đã hứa rằng tất cả các công ty nhỏ bị tác động bởi coronavirus có thể nhận được gói cứu trợ.

    Bộ Tài chính cũng vừa công bố những thay đổi để mở rộng phạm vi các công ty có thể vay vốn sau khi vấp phải chỉ trích từ một số ngân hàng.

    Chính phủ cũng đang buộc các bên cho vay dừng yêu cầu bảo lãnh cá nhân cho các khoản vay dưới 250,000 bảng và thực hiện các thay đổi để tăng tốc độ phê duyệt khoản vay.

    Adam Marshall, tổng giám đốc của Phòng Thương mại Anh, cho biết: “Hiện tại chúng tôi rất hài lòng vì Bộ trưởng Tài chính chịu lắng nghe và đáp lại các mối quan tâm thực tế của các công ty đang cố gắng tiếp cận hỗ trợ tài chính.”

    Một cuộc khảo sát được công bố bởi Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy 27% các công ty cho biết họ đang cắt giảm số lượng nhân viên trong giai đoạn trước mắt.

    Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện vài ngày sau khi Chương trình Duy trì Việc làm được công bố. Một cuộc khảo sát mới hơn sẽ được công bố trong hai tuần tới, cho thấy liệu các công ty có nhận lại những nhân viên đã bị cho nghỉ hay sẽ thuê nhân viên mới.

    Nghiên cứu của Save the Children cho thấy 10% phụ huynh phải nghỉ việc để chăm sóc con cái trong cuộc khủng hoảng. 10% khác nghỉ không lương để chăm sóc con cái của họ.

    Trong khi đó, một báo cáo khẳng định hơn 750.000 người tự làm chủ (self-employed) có thể không nhận được hỗ trợ của Chính phủ trong đại dịch.

    Những phát hiện của Trung tâm Decent Work and Productivity tại Đại học Manchester Metropolitan và Trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp cho thấy các doanh nhân mới khởi nghiệp là những đối tượng dễ bị tổn thất gần như toàn bộ thu nhập.

    Điều này có nguy cơ khiến cho một thế hệ doanh nhân ở giai đoạn đầu phát triển sự nghiệp gặp nguy hiểm.

    Độ tin cậy của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào cuối tháng 3, theo nghiên cứu được thực hiện bởi Tập đoàn kiểm toán Deloitte.

    VietHome (Theo Mirror)

  • Các biện pháp cách ly xã hội ở Anh có thể được nới lỏng trong vòng vài tuần nếu có dấu hiệu cho thấy dịch coronavirus đang chậm lại, một nhà khoa học và cố vấn chính phủ hàng đầu cho biết.

    Giáo sư Neil Ferguson - thuộc Đại học Hoàng gia London, nơi đang tư vấn phương pháp đối phó coronavirus cho chính phủ - cho biết dịch bệnh ở Anh dự kiến ​​sẽ đi vào giai đoạn ổn định trong tuần tới hoặc 10 ngày tới, nhưng cho biết hành vi của người dân đóng vai trò rất quan trọng để xác định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

    Ông nói với BBC Radio 4: "Điều quan trọng trước tiên là giảm số lượng ca nhiễm, và sau đó tôi hy vọng... trong một vài tuần nữa chúng ta sẽ có thể chuyển sang một giai đoạn, không phải quay trở lại cuộc sống bình thường, tôi xin nhấn mạnh điều đó, nhưng sẽ thoải mái hơn một chút về phương diện xã hội và kinh tế."

    Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã kêu gọi mọi người "tuân thủ hướng dẫn" ở nhà và chống lại các cám dỗ phá vỡ quy tắc cách ly xã hội trong dịp cuối tuần đầy vừa qua.

    Khi được hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi người bỏ qua các quy tắc cách ly, Giáo sư Ferguson trả lời: "Điều đó sẽ chuyển chúng ta sang một kịch bản bi quan hơn một chút.

    "Chúng tôi vẫn nghĩ con số sẽ ổn định nhưng vẫn có mức lây nhiễm khá cao trong nhiều tuần thay vì đạt được ​​mức giảm khá nhanh như ở Trung Quốc."

    2372003310025051407 4959379

    Chính phủ đã tăng cường các biện pháp chống lại coronavirus vào tháng trước sau khi một báo cáo từ nhóm của Giáo sư Ferguson dự đoán Vương quốc Anh có thể đã đón nhận 250.000 ca tử vong.

    Ông cũng tự tin rằng xét nghiệm kháng thể thành công có thể sẵn sàng trong vài ngày tới, thêm vào đó ông "hy vọng" trong một vài tuần tới, một số quy định khoảng cách xã hội chặt chẽ có thể được thay thế bằng việc tiếp cận xét nghiệm nhanh và truy tìm người liên quan đến ca nhiễm nhanh chóng.

    Nếu có sự suy giảm nhanh chóng về số lượng ca mắc, các bộ trưởng sẽ xem xét liệu họ có thể nới lỏng một số biện pháp nhất định theo "cách an toàn mà vẫn đảm bảo dịch bệnh đi xuống" hay không.

    Giáo sư Ferguson nói thêm: "Chúng tôi hy vọng chậm nhất là vào cuối tháng 5, chúng tôi có thể thay thế một số biện pháp chuyên sâu bằng công nghệ và xét nghiệm, để chấm dứt việc cách ly hoàn toàn."

    Bình luận của ông được đưa ra sau khi một cố vấn chính phủ quan trọng cảnh báo Vương quốc Anh đã đẩy bản thân vào tình cảnh không có chiến lược rõ ràng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

    Giáo sư Graham Medley, chuyên gia lên mô hình đại dịch, cũng tư vấn cho chính phủ về sự bùng phát COVID-19, cảnh báo các biện pháp cách ly chỉ có tác dụng tạm thời.

    Theo một báo cáo trên The Times, mô hình của ông cho thấy rằng cho phép mọi người quay trở lại làm việc hoặc mở lại trường học sẽ khiến đại dịch bùng phát trở lại và không có cách nào có thể vừa nới lỏng vừa kiểm soát virus.

    Ông cho rằng phải xem xét cho phép mọi người nhiễm virus theo cách ít nguy hiểm nhất có thể thay vì để mặc các tác động về kinh tế, sức khỏe tâm thần của người dân và tác hại của bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em và nghèo đói lương thực kéo dài mãi.

    Giáo sư Medley nói: "Căn bệnh này khó chịu đến nỗi chúng ta cần phải đè bẹp nó hoàn toàn. Nhưng dường như chúng ta đã tự dồn mình vào chân tường, bởi vì sau đó câu hỏi sẽ là, chúng ta phải làm gì bây giờ?

    "Chúng ta sẽ thực hiện ba tuần cách ly này, vì vậy sẽ có một quyết định lớn vào ngày 13 tháng 4''.

    Giáo sư Medley nói thêm: "Nếu chúng ta tiếp tục cách ly, nó sẽ cho chúng ta nhiều thời gian hơn, chúng ta có thể suy nghĩ nhiều hơn nhưng lại không giải quyết được gì, đó chỉ là biện pháp giữ chân tạm thời."

    Xét nghiệm được coi là quan trọng trong công cuộc theo dõi virus và mang lại cho Vương quốc Anh hy vọng chấm dứt giai đoạn cách ly xã hội.

    Hiện tại, khoảng 10.000 xét nghiệm đang được thực hiện mỗi ngày.

    Bộ trưởng y tế đã cam kết thực hiện 100.000 xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày tại Anh vào cuối tháng Tư.

    Các chuyên gia y tế cho biết họ hiện đang "thử nghiệm hết công suất các vật tư y tế hiện có", đồng thời bổ sung rằng họ sẵn sàng tăng công suất, nhưng chỉ khi có được "nguồn cung cấp thiết bị đáng tin cậy".

    Viện Khoa học Y sinh (IBMS) cảnh báo có một "rủi ro rất thực" rằng các bệnh viện có thể hết thuốc thử, khiến bệnh nhân không thể được xét nghiệm.

    Thuốc thử là một hóa chất cần thiết để xác định xem xét nghiệm coronavirus là dương tính hay âm tính.

    "Vương quốc Anh có nhiều phòng thí nghiệm được công nhận chất lượng cao với thiết bị phù hợp, với khả năng xử lý hơn 100.000 xét nghiệm mỗi ngày, được thiết lập và sẵn sàng đáp ứng các mục tiêu xét nghiệm", người phát ngôn của IBMS cho biết.

    "Hiện tại, Anh có thể xử lý tới 25.000 xét nghiệm mỗi ngày, đến tháng 5 có thể tăng lên 100.000, đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng mà ông Matt Hancock đặt ra, tất cả trong NHS. Tuy nhiên, có một vấn đề về nguồn cung vật tư y tế trong tình cảnh thiếu hụt trên toàn thế giới .

    "Việc cung cấp lọ nhựa để đựng thuốc thử sẽ không có sẵn cho đến giữa tháng Năm."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Mười ba thành viên tại một nhà chăm sóc ở Glasgow đã tử vong trong vòng một tuần sau khi dịch coronavirus bị nghi ngờ bùng phát tại đây.

    Các nạn nhân, tất cả đều có bệnh lý tiềm ẩn, sống tại Burlington Court Care Home.

    Hai nhân viên của cơ sở này đang được điều trị tại các bệnh viện riêng biệt sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19.

    Four Seasons Health Care, tổ chức điều hành Burlington Court, cho biết họ có "các quy trình nghiêm ngặt đối với các bệnh truyền nhiễm", bao gồm cả quy định cách ly xã hội trong "những trường hợp đặc biệt".

    skynews burlington court care home 4962264

    Bởi vì các xét nghiệm chỉ được thực hiện khi bệnh nhân nhập viện, không biết chắc chắn liệu những người đã chết có nhiễm coronavirus hay không.

    Sức khỏe của các cư dân và nhân viên khác đang được theo dõi chặt chẽ, công ty cho biết.

    Nhà chăm sóc này có quyền nhận và sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân và bác sĩ đa khoa đã ghé thăm và cung cấp hỗ trợ y tế qua điện thoại.

    Người phát ngôn của Four Seasons Health Care cho biết trong một tuyên bố: "Với nỗi buồn sâu sắc, chúng tôi xác nhận rằng 13 cư dân tại Burlington Care Home đã qua đời trong bảy ngày qua.

    "Xin chia buồn với gia đình của họ và chúng tôi đang không ngừng hỗ trợ họ trong thời gian khó khăn này.

    "Sự ra đi của một người thân yêu luôn gây ra tổn thương, bất kể hoàn cảnh ra sao."

    Họ nói thêm: "Chúng tôi rất biết ơn sự cống hiến của các đồng nghiệp và có thể đảm bảo với cư dân và gia đình của họ rằng chúng tôi đang đưa tất cả các nguồn lực của mình vào việc hỗ trợ và bảo vệ tất cả mọi người sinh sống trong nhà chăm sóc của chúng tôi."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Người đàn ông ở Anh đã phải lĩnh án 6 tháng tù vì trộm vật tư y tế bao gồm khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn từ xe cấp cứu, giữa lúc đại dịch đang bùng phát dữ dội tại đây.

    Ngày 28/3, cảnh sát nhận được cuộc gọi báo án mất cắp gần Bệnh viện Guy trên đường St Thomas ở khu Southwark, thủ đô London, Anh lúc 21h20. Thấy chiếc xe cấp cứu đỗ ven đường, Mark Manley lặng lẽ tiếp cận, trộm đi một chiếc túi chứa trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) như đồ bảo hộ, khẩu trang và gel rửa tay.

    Trong bối cảnh quốc gia đang nỗ lực chống chọi với đại dịch, nhân viên y tế chật vật vì nguồn cung vật tư và trang thiết bị bảo hộ khan hiếm, hành động của Manley đã cản trở công tác phòng chống COVID-19 của cả cộng đồng.

    trom vat tu y te
    Chân dung Mark Manley.

    Khi bị phát hiện, người đàn ông 35 tuổi còn tấn công một nhân viên bảo vệ để dẹp đường tẩu thoát, đồng thời có lời lẽ phân biệt chủng tộc với một nhân viên khác. May mắn thay, nhân viên bị tấn công chỉ chịu thương tích nhẹ ở mặt, không nguy hại đến tính mạng.

    Các nhân viên an ninh và cảnh sát giao thông tuần tra gần đó đã hợp lực giữ chặt Manley cho đến khi cơ quan chức năng đến hiện trường, giải anh ta về Sở cảnh sát Nam London.

    Với bằng chứng rành rành, Manley đành cúi đầu nhận tội trộm cắp tài sản, vi phạm Đạo luật Công cộng và tấn công người thi hành công vụ, cụ thể là nhân viên y tế có mặt tại hiện trường cùng với nam bảo vệ ngày hôm đó. Ngày 30/3, Tòa án Croydon Magistrates tuyên phạt anh ta 6 tháng tù giam. Đáng buồn thay, cảnh sát cho biết một số vật phẩm đã bị nhiễm bẩn, không thể sử dụng được nữa.

    Đây không phải là trường hợp duy nhất liên quan đến án trộm cắp vật tư y tế mùa đại dịch. Tuần trước, Bệnh viện Teddington Memorial ở London cũng lâm vào cảnh khốn đốn vì bị đạo chích ghé thăm. 

    Eileen Carney-Jones, một y tá chứng kiến sự việc, cho biết một nhóm người đội mũ trùm đầu đã lẻn vào bệnh viện, đến gần máy tạo dung dịch rửa tay sát khuẩn và rót trộm một lượng lớn. Phát hiện có kẻ trộm nước rửa tay, các y tá vội vàng đuổi theo ngăn chúng lại, mãi cho đến khi cảnh sát đến hiện trường.

    Theo Newsweek