• Chủ nhà hàng, anh Phạm Văn Nho đã hết lòng cảm ơn người dân địa phương sau một cuối tuần bội thu đơn hàng takeaway.

    Mất ngủ vì tình hình kinh doanh quá ảm đạm do đại dịch coronavirus, anh Nho đã đăng tải một thông điệp lên một nhóm Facebook địa phương vào thứ Bảy ngày 14/3.


    Anh Phạm Văn Nho, một trong những người chủ của nhà hàng Le Tran ở Tolworth.

    Anh viết: ''Chúng tôi đang chết mòn! Không dễ để viết ra những lời này trong một nhóm cộng đồng Facebook. Nhưng giờ là lúc chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của người dân địa phương''.

    ''Chúng tôi là nhà hàng Việt Nam duy nhất trong khu vực Surbiton, và mới chỉ khai trương được vài tháng. Công việc kinh doanh khá tốt đẹp cho tới khi dịch bệnh lan rộng''.

    ''Người ta sợ đến nhà hàng, nhưng ai cũng cần thức ăn''. 

    ''Bạn có thể tìm thấy chúng tôi trên Deliveroo hoặc Uber Eats hoặc Just Eat. Không có sự hỗ trợ của các bạn, nhà hàng chúng tôi sẽ phải dẹp tiệm!''.

    Người dân khu vực Kingston đã nghe thấy tiếng kêu cứu và anh theo lời anh Nho, nhà hàng đã nhận được vô số đơn hàng takeaway vào ngày hôm sau (15/3). Nhiều đến nỗi một vài đơn hàng đã bị giao trễ, điều mà anh cảm thấy vô cùng có lỗi.

    ''Chúng tôi đã phải vật lộn suốt 2 tuần qua. Nhưng cuối tuần này thật tuyệt vời. Rất nhiều khách hàng tới. Họ gọi đồ ăn mang về'', anh kể.

    ''Hai tháng kế tiếp sẽ rất gian nan, nhưng tôi hy vọng chúng tôi có thể vượt qua được. Tôi nghĩ người dân địa phương nên giúp đỡ các doanh nghiệp trong khu vực bằng cách đặt hàng online''.

    Cùng với bạn bè, anh Nho đã điều hành nhà hàng được 4 tháng và đang học năm cuối bậc tiến sĩ. 

    ''Tôi có một doanh nghiệp nhỏ và tôi còn trẻ. Khi cần sự giúp đỡ, tôi không thể ngồi yên'', anh nói.

    Bất chấp cơn bão virus đang hoành hành chưa thấy kết thúc, anh Nho khẳng định anh sẽ không bỏ cuộc.

    Một số hình ảnh của nhà hàng:

    Viethome (theo MyLondon)

  • 4 vụ án mạng riêng rẻ đã xảy ra khắp UK khiến 9 người chết, trong khi nước Anh đang bước vào tuần thứ 2 của lệnh phong tỏa.

    - Một y tá NHS đã bị đâm chết trên đường ở nam Yorkshire.

    - 3 người khác chết trong một vụ nghi là giết người - tự tử ở Hertfordshire.

    - Một người đàn ông ở South Wales đã giết vợ mình. 

    - 4 thành viên gia đình cùng một con chó bị phát hiện tử vong trong nhà ở Sussex. 

    Vụ án thứ nhất: 

    Bà mẹ 3 con Victoria woodhall, 31 tuổi, đã bị đâm chết bên ngoài nhà ở Barnsley, nam Yorkshire vào hôm Chủ nhật.  

    Vào lúc 5h chiều, hàng xóm nghe thấy tiếng la thét và một người đàn ông trốn khỏi hiện trường. Cảnh sát South Yorkshire sau đó đã bắt giữ một người đàn ông 40 tuổi.

    Người dân đặt hoa viếng tại hiện trường cái chết của nữ y tá Victoria ở Windsor Crescent, Middlecliffe, Barnsley. Ảnh: Tom Maddick SWNS

    Nữ y tá Victoria đã xin nghỉ phép 2 ngày để ở cùng con gái lớn nhân sinh nhật lần thứ 13 của cô bé vào thứ Ba tuần này. Gareth Cowley, 33 tuổi, bố của cô bé đồng thời là chồng cũ của Victoria, cho biết anh đã nhìn thấy cô vài giờ trước khi án mạng xảy ra.

    Cảnh sát và nhân viên pháp y làm việc tại hiện trường vụ án. Ảnh: Tom Maddick SWNS

    Anh cho biết anh đã ở cùng con gái suốt cả tuần trong khi mẹ của đứa bé đi làm ở bệnh viện. Ngày hôm trước, Victoria còn mang quần áo sạch đến. Tuy nhiên, vào tối Chủ nhật, con gái anh nhận được cuộc gọi từ người hàng xóm thông báo chuyện đã xảy ra. 

    Victoria đã ở tại nhà một người bạn trong thời gian phong tỏa.

    Gareth cho biết họ không tổ chức tiệc mừng sinh nhật con vì Covid-19, nhưng Victoria hứa sẽ mang bánh, thiệp và quà cho con gái. 

    Vào hôm qua, cảnh sát và pháp y đã dựng lều tại hiện trường để tiến hành điều tra dựa trên vệt máu còn sót lại. Họ cũng kiểm tra chiếc xe Seat León màu trắng của Victoria. Được biết cô đã ở cùng nhà với bạn sau khi chia tay chồng.  

    Vụ án thứ 2

    Anthony Williams, 69 tuổi, bị kết tội giết vợ là bà Ruth ở Brynglas, Cwmbran, South Wales, vào hôm thứ Bảy.

    Cảnh sát tìm thấy người phụ nữ 67 tuổi nằm bất động vào lúc 7h sáng sau một vụ cãi cọ với người chồng đã chung sống 44 năm.

    Theo lệnh phong tỏa, cựu nhân viên Asda phải ở nhà cả ngày với chồng tại ngôi nhà mà họ đã sống suốt 20 năm qua. 

    Bà Ruth Williams đang sống cách ly cùng chồng Anthony. Ảnh: WALES NEWS SERVICE.

    Vụ án thứ 3

    Cảnh sát Sussex đang điều tra một vụ giết người sau khi thi thể của 2 người lớn và 2 trẻ em, cùng với 1 con chó được phát hiện trong một ngôi nhà ở Woodmancote vào tối thứ Bảy. Được biết, cả 4 người là thuộc cùng một gia đình. Hiện chưa có ai bị bắt giữ. 

    Cảnh sát phong tỏa đường Duffield ở Woodmancote gần Chichester. Ảnh: Adam Gerrard / Daily Mirror

    Vụ án thứ 4

    3 người được phát hiện tử vong tại một ngôi nhà ở Hemel Hempstead vào hôm Chủ nhật, cảnh sát cho rằng đây là một vụ giết người. 

    Hàng xóm đặt hoa tại hiện trường vụ cháy ở Stuarts Close. Ảnh: Paul Davey/SWNS

    Cảnh sát cùng lực lượng cứu hỏa và cứu hộ đã được gọi tới một ngôi nhà ở Stuarts Close vào lúc 12h34 để xử lý một đám cháy. Việc nhận dạng vẫn đang được tiến hành, nhưng cảnh sát tin rằng có 2 người phụ nữ 50 và 24 tuổi, cùng một người đàn ông 57 tuổi đã tử vong. 

    Viethome (theo Mirror)

  • Chính phủ Anh đang gấp rút đặt hàng thêm 15.000 máy thở trong bối cảnh số ca tử vong và mắc mới Covid-19 tại nước này vẫn đang gia tăng rất nhanh.

    Theo thông tin do chính phủ Anh đưa ra ngày 30/3, đơn đặt hàng sản xuất mới 10.000 máy thở được chính phủ nước này trao cho một nhóm các tập đoàn công nghiệp như Airbus, Rolls-Royce, BAE Systems cũng như một loạt các đội đua ô tô F1. Ngoài ra, một đơn hàng 5.000 máy thở khác được trao cho hãng Smiths.

    Một bác sĩ gây mê đứng cạnh máy thở dành cho bệnh nhân trong phòng phẫu thuật. Ảnh: Getty.

    Trong tuần trước, chính phủ Anh cũng đã đặt hàng hãng Dyson gấp rút sản xuất 10.000 máy thở. Như vậy, với 8.000 máy thở hiện có trong hệ thống các bệnh viện tại Anh và 8.000 máy mới mua từ nước ngoài, nước Anh sẽ có tổng cộng 41.000 máy thở trong vòng 2 tháng tới.

    Chính phủ Anh tự tin, các đơn hàng này sẽ giúp hệ thống y tế Anh đứng vững trước đại dịch Covid-19 vì theo tính toán, nước Anh có thể cần đến 30.000 máy thở trong giai đoạn dịch Covid-19 khốc liệt nhất, dự đoán sẽ đến trong 3-4 tuần nữa.

    Trong ngày 30/03, dịch Covid-19 tại Anh tiếp tục đà tăng khi có thêm 180 bệnh nhân thiệt mạng, nâng số ca tử vong từ đầu dịch lên 1.408 ca trên tổng số 22.141 ca nhiễm bệnh.

    Trong một diễn biến khác có liên quan, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng cho biết chính phủ Anh quyết định chi 75 triệu bảng Anh để tổ chức các chuyến bay hồi hương cho khoảng trên 10.000 công dân Anh đang mắc kẹt tại nhiều nước trên thế giới./.

    Máy thở hoạt động như thế nào?

    Một máy thở có thể cung cấp khí oxy đến phổi và giúp giảm nồng độ CO2 trong cơ thể. Thiết bị này thường được sử dụng bằng cách đưa một ống dẫn khí vào miệng hoặc mũi bệnh nhân rồi sau đó đưa xuống vùng khí quản. Điều này cho phép máy thở điều hòa không khí ra vào trong phổi.

    “Máy thở có thể cung cấp oxy bằng cách bơm không khí vào phổi giống như khi thổi một quả bóng bay”, Parshawn Lahiji, bác sĩ khoa cấp cứu tại Trung tâm Y tế của Providence Saint John cho biết.

    "Bằng cách điều chỉnh thiết lập, chúng ta có thể đồng bộ luồng khí từ máy thở với tốc độ bệnh nhân thở thông thường, giúp họ thở tốt hơn bằng cách tăng áp suất, lượng khí hoặc luồng khí từ máy thở", bác sĩ Benjamin Singer làm việc tại phòng cấp cứu của trường y khoa ĐH Northwestern chia sẻ.

    Một giường bệnh chăm sóc đặc biệt tại Đức, bên phải là máy thở và dàn máy hỗ trợ tiêm thuốc. Ảnh: Picture Alliance.

    Máy thở được sử dụng để thay thế chức năng của phổi khi bộ phận này không hoạt động trong thời gian ngắn. Đó là lý do chúng thường xuyên được dùng trong các ca phẫu thuật để giữ cho phổi hoạt động khi người bệnh đang được gây mê toàn thân.

    Chúng cũng được sử dụng trong trường hợp người bệnh mắc các loại bệnh như viêm phổi, làm suy yếu chức năng phổi.

    Cách hoạt động của máy thở. Nguồn: BBC/Hamilton Medical.

    “Trong những tình huống như vậy, nếu các liệu pháp y học truyền thống không hữu ích, chúng ta có thể đặt ống thở vào cổ họng và để máy thở đảm nhận công việc hít thở trong thời gian đó”, Lahiji phát biểu.

    Thời gian một người bệnh phải thở bằng máy tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của họ. Thông thường, thời gian này có thể dao động từ vài giờ đến vài tuần. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân bị suy hô hấp, máy thở có thể là thứ gắn liền với họ trong nhiều năm.

    Theo VOV

  • Andrea Napoli, 33 tuổi, khoẻ mạnh, luôn nghĩ mình không thể là bệnh nhân Covid-19, cho đến khi "đi từ toilet đến giường cũng mệt hết hơi".

    Napoli còn có cơ thể cường tráng nhờ thường xuyên tập luyện thể thao, trong đó có môn bóng nước. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau khi chính phủ Italy tuyên bố phong toả toàn quốc, nam luật sư trẻ tuổi ở thủ đô Rome bắt đầu bị ho và sốt. Cho đến hôm đó, Napoli vẫn đi làm, chạy bộ và đi bơi như bình thường. Ba ngày sau, anh nhận kết quả dương tính với nCoV.

    Napoli selfie tại khách sạn ở Rome dành cho các bệnh nhân hồi phục hôm 29/3. Ảnh: AP

    Ban đầu, Napoli được yêu cầu tự cách ly tại nhà với cảnh báo rằng tình trạng sức khỏe của anh có thể đột ngột xấu đi, và điều đó đã xảy ra. Ngày tiếp theo, anh được đưa vào khoa điều trị tích cực của bệnh viện. Kết quả chụp X-quang xác nhận Napoli bị viêm phổi.

    "Không may, bạn phải sống với những điều như thế để thực sự hiểu rõ chúng", Napoli nói trong một cuộc phỏng vấn qua mạng. "Tôi 33 tuổi, sức khoẻ rất tốt và trong chưa đầy một ngày rưỡi, tôi bỗng nhiên thấy mình đang ở khoa điều trị tích cực".

    Với hầu hết mọi người, nCoV chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ hoặc vừa phải, như sốt và ho trong 2-3 tuần. Với một số người khác, nhất là người già và có bệnh lý nền, nCoV có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng hơn, trong đó có viêm phổi và tử vong. Phần lớn người nhiễm nCoV có thể hồi phục.

    9 ngày tiếp theo, Napoli phải dùng mặt nạ thở oxy. Trong suốt hai ngày ở khoa điều trị tích cực, Napoli chứng kiến 3 bệnh nhân cùng buồng tử vong. Anh vẫn còn nhớ cảnh các bác sĩ mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, thở dốc khi đẩy trang thiết bị đi khắp phòng, kiệt sức sau nhiều giờ làm việc dài và căng thẳng.

    "Những gì tôi chứng kiến là rất nhiều, rất nhiều đau đớn. Rất khó khăn", anh kể. "Tôi nghe thấy những tiếng gào thét từ các phòng khác. Những tiếng ho liên tục không ngớt".

    Sau thêm một tuần ở khoa điều trị tích cực, hôm 27/3, Napoli được chuyển đến một khách sạn dành cho các bệnh nhân Covid-19 đang hồi phục. Tại đây, anh được một bác sĩ kiểm tra sức khoẻ hai lần mỗi ngày. Napoli vẫn không thể thở bình thường và nồng độ oxy trong máu chưa quay lại như trước.

    "Tôi rất dễ bị mệt", anh nói. "Chỉ đi từ toilet đến giường thôi tôi cũng hết hơi. Các cơ của tôi đau nhức vì tôi thực sự đã nằm trên giường suốt 9 ngày mà không thể di chuyển. Vì thế việc đi lại không hề đơn giản".

    Nỗi lo lắng ban đầu của Napoli khi Covid-19 bùng phát ở Italy là bố mẹ anh, những người đã trên 60 tuổi, có thể nhiễm bệnh. Vẫn còn hai tuần phong tỏa phía trước, anh đang mong chờ đến ngày có thể ra ngoài đi dạo cùng họ, điều mà bây giờ anh không được phép làm.

    Giới chức Italy bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ phát huy hiệu quả sau hai tuần áp dụng. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza hôm qua cho biết nước này ghi nhận thêm hơn 4.000 ca nhiễm nCoV, giảm từ hơn 5.200 ca một ngày trước đó và thấp nhất trong hai tuần trở lại đây, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên hơn 100.000.

    Số ca tử vong ở nước này trên đà giảm khoảng 10% một ngày kể từ hôm 27/3, dù hôm qua ghi nhận thêm 812 người chết, cao hơn con số 756 của một ngày trước đó. Italy vẫn là nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới với gần 11.600 người chết.

    "Đã có những thay đổi lớn, cho thấy hệ thống y tế đang ứng phó với dịch và tác động của những biện pháp đã được áp dụng", bác sĩ Luca Richeldi, chuyên gia về phổi, cho hay. "Chúng ta đang bảo vệ mạng sống bằng cách ở nhà, duy trì cách biệt cộng đồng, hạn chế đi lại và đóng cửa trường học".

    Theo VnExpress

  • Thái tử Charles, 71 tuổi và là người thừa kế ngai vàng của Hoàng gia Anh, đã thôi tự cách ly và đang có sức khỏe tốt, người phát ngôn của thái tử cho biết ngày 30/3.

    Tuần trước, Thái tử Charles được thông báo đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

    "Cung điện Clarence xác nhận hôm nay rằng, sau khi tham vấn với bác sĩ, Thân vương xứ Wales (tức Thái tử Charles) đã không còn phải tự cách ly nữa", Reuters dẫn lời người phát ngôn.

     

    Trước đó, một người phát ngôn của hoàng gia Anh ngày 25/3 cho biết Thân vương Xứ Wales, Thái tử Charles, con trai Nữ hoàng Elizabeth II, đã xét nghiệm dương tính với virus corona.

    Theo người phát ngôn của Clarence House, bà Camilla, Nữ công tước xứ Conrnwall, phu nhân của Thái tử Charles, cũng được xét nghiệm virus corona và các kết quả ban đầu là âm tính, theo Telegraph.

    "Theo đúng khuyến cáo của chính phủ và ngành y tế, thân vương và nữ công tước đang tự cách ly tại nhà ở Scotland. Các xét nghiệm được tiến hành bởi cơ quan thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) ở Aberdeenshire, sau khi hai người khớp các tiêu chí yêu cầu xét nghiệm", người phát ngôn cung điện Clarence cho biết khi đó.

    Vài ngày sau thông báo về Thái tử Charles, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết ông đã có kết quả dương tính với virus. Ông Johnson hiện đang tự cách ly tại văn phòng và vẫn điều hành đất nước thông qua các công cụ trực tuyến.

    Anh ghi nhận hơn 22.000 ca nhiễm nCoV, trong đó có hơn 1.400 người chết và hơn 130 người đã hồi phục. Trong số các ca nhiễm nCoV có Thái tử Charles, Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Mattt Hancock.

    Hiện các công nhân xây dựng và các binh sĩ Trung đoàn Bộ binh Gurkha Hoàng gia Anh đang cải tạo trung tâm triển lãm Excel tại London thành bệnh viện dã chiến Nightingale với 4.000 giường bệnh. Trung tâm triển lãm có diện tích hơn 87.000 m2 này từng là nơi tổ chức một số sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh G20 và Thế vận hội London 2012.

    "Chúng tôi đã điều chỉnh các cơ sở y tế trên khắp nước Anh để có thêm 33.000 giường điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV. Đó là lý do chúng tôi đang thực hiện nỗ lực phi thường để xây dựng các bệnh viện mới trong thời gian rất ngắn, bắt đầu từ bệnh viện NHS Nightingale phía đông London", Giám đốc điều hành Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Simon Stevens nói hôm 27/3.

     

    Bệnh viện Nightingale nằm trong giai đoạn một của kế hoạch tăng số giường bệnh điều trị cho người nhiễm nCoV tại Anh. Bệnh viện dự kiến mở cửa tuần sau với 550 giường bệnh, số giường còn lại sẽ được tiếp tục hoàn thiện.

    Trung tâm Triển lãm Quốc gia Birmingham tại Marston Green cũng sẽ được cải tạo thành bệnh viện dã chiến với 5.000 giường, một bệnh viện 1.000 giường khác sẽ được lập tại Trung tâm Hội nghị Manchester.

    Liên đoàn bóng bầu dục xứ Wales cho biết sân vận động Công quốc ở Cardiff với 74.000 chỗ ngồi sẽ được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến 2.000 giường do các bác sĩ từ Đại học Y khoa Cardiff và Vale điều hành.

    Theo VnExpress

  • "Giấy chứng nhận miễn dịch" được lên kế hoạch ban hành ở Đức như là một phần của công tác chuẩn bị chấm dứt chuỗi ngày phong tỏa của nước này.

    Các nhà nghiên cứu muốn trao cho những người miễn nhiễm với coronavirus loại chứng nhận này.

    Thông tin xuất hiện khi tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel đang tăng cao nhờ cách bà ứng phó với đại dịch Covid-19.

    Der Spiegel báo cáo các nhà khoa học đang sử dụng kháng thể ở những người tham gia thử nghiệm để tìm ra ai trong số họ đã bị bệnh và khỏi hoàn toàn.

    Nhóm nghiên cứu có kế hoạch xét nghiệm 100.000 người một lúc, cấp giấy chứng nhận những người đã hình thành khả năng miễn dịch.

    Sau đó, họ sẽ sử dụng thông tin thu được từ xét nghiệm để đánh giá cách thức và thời điểm chấm dứt phong tỏa đất nước.

    Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng dữ liệu này khi tư vấn cho chính phủ thời điểm các trường học sẽ được mở lại và cho phép các cuộc tụ họp đông người.

    Trung tâm nghiên cứu truyền nhiễm Helmholtz ở Braunschweig đang giám sát dự án.

    Họ sẽ tiến hành xét nghiệm máu trong vài tuần tới để tìm kiếm các kháng thể được tạo ra ở những người mang mầm bệnh.

    "Những người đã miễn dịch sau đó có thể được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng, cho phép họ được miễn trừ mọi hạn chế (liên quan đến cách ly phong tỏa) đối với công việc của họ", nhà dịch tễ học đứng đầu dự án, Gerard Krause, cho biết.

    Các xét nghiệm cũng sẽ cung cấp một cái nhìn rõ ràng hơn về số lượng người ở Đức đã nhiễm virus corona.

    VietHome (Theo Daily Mail)

  • Vị trí trợ lý tiếp tân tại bệnh viện dã chiến mới của London đang được tuyển dụng với mức lương cao hơn £13.500 so với mức lương trung bình của y tá.

    Bệnh viện NHS Nightingale dự kiến ​​sẽ khai trương trong tuần này tại Trung tâm ExCeL ở phía đông London, cung cấp tới 4.000 giường bệnh cho bệnh nhân coronavirus.

    Nhưng quảng cáo tuyển dụng trực tuyến cho thấy nhân viên lễ tân tại cơ sở mới này đang được tuyển dụng với mức lương cao hơn hàng chục ngàn bảng so với các y tá buộc phải đặt mạng sống của họ vào vòng nguy hiểm để điều trị cho những người nhiễm virus.

    Nhân viên trợ giúp sẽ được nhận mức lương hàng năm £37.500, trong khi các y tá NHS có lương khởi điểm ở mức 24.000 bảng.

    Khác với các y tá tuyến đầu, nhân viên hành chính cũng có quyền yêu cầu £15 một ngày cho chi phí đi lại và £10 cho thực phẩm.

    Quảng cáo tuyển dụng cho hay thiết bị bảo hộ cá nhân đầy đủ (PPE) sẽ được cung cấp cho nhân viên trợ lý, trong khi các bác sĩ và y tá NHS trên toàn quốc đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm trùng mà không có quần áo bảo hộ như được khuyến nghị.

    Các vị trí nhân viên dọn dẹp, khuân vác và phân phối thực phẩm và đồ uống cũng được tuyển với mức lương tương đương y tá ở tuyến đầu.

    Nhân viên phân phối thực phẩm và đồ uống được trả từ 11,52 đến 15,58 bảng mỗi giờ, trong khi các y tá được trả mức tương tự từ 12,74 đến 15,66 bảng mỗi giờ.

    'Chúng tôi đang tuyển dụng cho ExCeL London - một bệnh viện dã chiến mới được trang bị máy thở và oxy cho bệnh nhân mắc coronavirus.'

    Nhân viên mới được dự kiến ​​làm việc theo ca 12 giờ, bốn ngày làm việc và bốn ngày nghỉ, với 30 ngày nghỉ có lương một năm.

    Địa điểm có sức chứa 68.750 người tại London Docklands đang được xây dựng để giảm bớt áp lực đối với các bệnh viện NHS khác của thủ đô.

    Thành phố có nhiều ca nhiễm bệnh hơn bất cứ nơi nào khác trong cả nước, với một số khu vực tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi bệnh viện đã hoạt động gần hết công suất.

    Xe cứu thương đã có mặt bên ngoài bệnh viện dã chiến.

    Các binh sĩ đã có mặt tại trung tâm ExCel để giúp hoàn thành việc chuyển đổi tòa nhà thành bệnh viện coronavirus khẩn cấp của thủ đô.

    Các quân nhân mặc đồng phục đã đến trung tâm hội nghị quốc tế ở Newham, Đông London, để hỗ trợ các công nhân xây dựng và nhân viên NHS trong những bước hoàn thiện cuối cùng của bệnh viện Nightingale mới trong bối cảnh Vương quốc Anh đang cố gắng kiểm soát sự lây lan của virus chết người hiện đã cướp đi sinh mạng của 1.228 trên cả nước.

    Những hình ảnh đáng kinh ngạc từ bên trong bệnh viện mới cho thấy các nhân viên quân sự giúp đỡ công nhân trong việc lắp đặt các ô giường bệnh và vận chuyển thiết bị vào khu vực chữa bệnh, nơi có thể chứa tới 4.000 bệnh nhân COVID-19 và ban đầu sẽ có 500 giường.

    Vào ngày 28/3, cả nước đã được xem những hình ảnh đầu tiên về bệnh viện dã chiến mới khi công việc xây dựng bắt đầu và nhân viên NHS giúp sắp xếp các thiết bị y tế bao gồm bình oxy, máy theo dõi tim và máy khử rung tim.

    Bệnh viện có sức chứa 4.000 giường.

    Trong khi quân đội tiếp tục làm việc với các quan chức của Dịch vụ Y tế để giúp tạo ra một bệnh viện dã chiến mới ở thủ đô, xe cứu thương đã xếp hàng bên ngoài trung tâm để chuẩn bị đón các bệnh nhân đầu tiên mà bệnh viện dự kiến sẽ đón nhận từ tuần tới.

    Những bức ảnh đặc biệt từ bên trong bệnh viện mới, cùng với hai bệnh viện NHS Nightingale khác đang được xây dựng ở Birmingham và Manchester, cho thấy hàng trăm ô phòng bệnh đã được dựng lên trong không gian rộng lớn.

    Bệnh viện, dự kiến ​​sẽ khai trương vào thứ Bảy tới, ngày 4 tháng Tư, sẽ bao gồm hai khu vực, mỗi khu vực có thể chăm sóc 2.000 bệnh nhân.

    Quân đội giúp xây dựng các ô giường bệnh.
    Các lãnh đạo quân đội và NHS đang xem xét sơ đồ bệnh viện.
    Quân đội được huy động để trợ giúp lực lượng y tế.
    Quân đội được huy động để trợ giúp lực lượng y tế.
    Một nhân viên cứu hỏa bên ngoài Trung tâm Excel London.
    Cảnh sát tuần tra bên ngoài.

    Vào thứ Sáu 27/3, Thị trưởng Sadiq Khan đã cảnh báo người dân London rằng tình hình có thể trở nên 'tồi tệ hơn rất nhiều' trong vài tuần tới nhưng 'chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể'.

    Ông nói: 'Tôi cần cảnh báo mọi người rằng mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn nhiều trong vài tuần tới. Nhưng chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đối phó. Số lượng bệnh nhân chúng ta đang nói đến rất lớn và chúng ta cần sẵn sàng cho điều đó.

    'Các bạn đã thấy số lượng người tử vong ở London, chúng ta đang đi nhanh trước hai hoặc ba tuần so với phần còn lại của đất nước và chúng ta biết rằng đỉnh điểm sẽ đến sớm, từ ba đến năm tuần nữa.’'

    Đầu ngày 29/3, kiến ​​nghị đặt tên cho bệnh viện dã chiến ở Birmingham theo tên y tá Mary Seacole trong cuộc chiến Crimea đã đạt được 1.000 chữ ký.

    Giám đốc điều hành NHS, Sir Simon Stevens xác nhận Trung tâm Triển lãm Quốc gia (NEC) của thành phố sẽ được chuyển đổi thành địa điểm điều trị bệnh nhân coronavirus.

    NEC là một trong những đề xuất mới nhất phục vụ xây dựng bệnh viện dã chiến sau cơ sở ExCeL ở London, nơi đã được trang bị 4.000 giường để đối phó với bất kỳ lượng gia tăng bệnh nhân nào ở thủ đô.

    Nói về hai Bệnh viện NHS Nightingale mới sắp khai trương ở Birmingham và Manchester, giám đốc NHS cho biết: 'Sẽ cần đến một nỗ lực lớn từ tất cả mọi người trên khắp đất nước để đánh bại dịch bệnh này, nhưng NHS đang hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết để chăm sóc người bệnh theo những cách thức mới, để có thể phục vụ thêm hàng ngàn người - bắt đầu bằng việc khai trương NHS Nightingale đầu tiên ở London vào tuần tới.

    'Đây là những bước tiến phi thường mà NHS đang thực hiện, và các bác sĩ lâm sàng, nhà quản lý và quân đội đang làm việc cả ngày lẫn đêm để tạo ra, trang bị và tuyển dụng nhân viên cho các bệnh viện này từ con số 0, sẵn sàng chuẩn bị cho sự đột biến sắp xảy ra.'

    Nhiều bệnh viện dã chiến đang được xây cất tại các địa điểm ở Manchester và Wales. Khu liên hợp hội nghị trung tâm Manchester sẽ bổ sung thêm 500 giường, với khả năng mở rộng lên 1.000 và Sân vận động chính của Cardiff sẽ cung cấp thêm tới 2.000 giường.

    Sân vận động Pricipality của Cardiff, thường tổ chức các trận đấu của Liên đoàn Rugby xứ Wales, sẽ cung cấp 2.000 giường cho bệnh nhân COVID-19 trên khắp xứ Wales.

    Một số sân vận động và thậm chí các phòng tập gym cũng có thể sẽ trở thành bệnh viện dã chiến trong cuộc chiến kiên cường chống lại virus.

    VietHome (Theo Daily Mail)

     

  • Một đầu bếp tại Anh đã qua đời vì virus corona sau khi các bác sĩ nói rằng thanh niên này còn rất trẻ và không có gì phải lo lắng về sức khỏe.

    Luca Di Nicola, đầu bếp 19 tuổi từ vùng Nereto ở đông Italia, đã làm việc trong một nhà hàng gia đình ở Enfield, phía bắc thủ đô London, cùng với mẹ - bà Clarissa, và người tình của bà - ông Vincenzo.

    Luca qua đời tại một bệnh viện ở Anh vào tối 24/3. Nguyên nhân dẫn tới cái chết của thanh niên này được cho là do viêm phổi.

    Gia đình cho biết trước khi qua đời, Luca vẫn “rất khỏe mạnh”. Họ nghi ngờ anh bị nhiễm virus corona.

    “1 tuần trước khi chết, Luca bị sốt và ho. Chị dâu tôi Clarissa và bạn trai của chị ấy, anh Vincenzo, sống cùng nhà cũng bị như vậy”, Giada, cô của Luca, nói với La Repubblica.

    “Bác sĩ ở London đã cho cháu tôi uống paracetamol (thuốc giảm đau và hạ sốt). Tuy nhiên, Luca yếu hơn vào ngày 23/3. Bác sĩ tới nhà thăm khám cho Luca và nói với cháu tôi rằng, nó vẫn còn trẻ, khỏe và không cần phải lo lắng về bệnh cúm đó”, cô của Luca cho biết.

    Tuy nhiên, tới ngày hôm sau, tình trạng sức khỏe của Luca xấu hẳn đi khi anh bắt đầu bị tức ngực. Mẹ của Luca để ý thấy môi con trai bà chuyển thành màu tím ngắt trước khi anh ngã quỵ.

    Mẹ của Luca đã gọi xe cứu thương và các nhân viên y tế đã cấp cứu hồi sức cho anh. Tuy nhiên phổi của Luca đã bị tổn thương với đầy máu và nước.

    Luca được đặt ống thở và ngay lập tức chuyển tới khoa chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện North Middlesex ở London. Nhưng chỉ 30 phút sau đó, Luca qua đời vào khoảng 7 giờ tối.

    Romina, cô của Luca, cho biết anh sẽ được khám nghiệm tử thi và xét nghiệm để xem có nhiễm virus corona hay không.

    Hiện có nhiều lo ngại rằng, mẹ của Luca và bạn trai của bà có thể bị nhiễm virus vì họ cũng có triệu chứng giống Luca. Sau khi Luca qua đời, các bác sĩ yêu cầu họ phải tự cách ly trong 2 tuần. Tuy nhiên, họ không được xét nghiệm và không được cho uống paracetamol.

    Nước Anh cho đến nay đã ghi nhận 1.228 ca tử vong vì virus corona, trong khi số ca nhiễm cũng lên tới 19.522 trường hợp. 

    Dân Trí (dịch từ Dailymail)

  • Anh đã ghi nhận 2 bác sĩ đầu tiên của nước này tử vong vì Covid-19. Điều này làm gia tăng áp lực lên chính phủ London về việc bảo vệ các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống đại dịch.

    Guardian đưa tin, số ca Covid-19 ở Anh hiện là 19.522 và số người tử vong là 1.228, trong đó có 2 bác sĩ. Dịch vụ Y tế Anh (NHS) mô tả rằng cái chết của 2 bác sĩ này “là lời nhắc nhở nghiêm túc tới toàn bộ cả nước rằng chúng ta phải cẩn trọng với cuộc khủng hoảng này”.

    Bác sĩ tai, mũi, họng 55 tuổi Amged El-Hawrani đã qua đời hôm 28/3 tại bệnh viện Hoàng gia Leicester, trong khi bác sĩ ghép tạng Adil El Tayar, 63 tuổi, qua đời hôm 25/3 tại bệnh viện đại học West Middlesex, London. Cả 2 đều mắc Covid-19.

    Bác sĩ phẫu thuật Pradeep Kumar cho biết ông đau lòng vì cái chết của bạn mình - bác sĩ El-Hawrani. “Mọi chuyện phải như vậy sao? Thật lãng phí một mạng sống quý giá”, ông Kumar cho hay.

    Bác sĩ Tayar đã dành những ngày cuối đời tình nguyện ngăn chặn dịch bệnh ở khu vực Midlands. “Ông ấy muốn đến những nơi mà ông ấy có ích nhất trong cuộc khủng hoảng”, em họ ông Tayar, nhà báo Zeinab Badawi, cho biết.

    Bác sĩ Amged El-Hawrani.
    Bác sĩ Adil El Tayar.

    Thông tin về cái chết của 2 bác sĩ đến trong bối cảnh các nhân viên y tế Anh đang kêu gọi giới chức bổ sung thêm các thiết bị bảo hộ cho họ, từ khẩu trang tới bộ đồ bảo vệ. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng nhận được hàng loạt lời kêu gọi về việc tăng cường việc xét nghiệm Covid-19 đối với các nhân viên y tế của NHS.

    Jenny Harries, quan chức y tế cao cấp Anh, dự đoán số ca tử vong có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

    Bắt đầu từ tuần trước, chính phủ Anh khuyến cáo người dân dừng mọi hoạt động di chuyển không cần thiết, làm việc tại nhà nếu có thể, đồng thời cấm tụ tập nhiều hơn 2 người. Toàn bộ quán rượu, nhà hàng, quán café, rạp phim, phòng tập gym đã bị ra lệnh đóng cửa.

    Thủ tướng Boris Johnson, người vẫn đang tự cách ly vì nhiễm Covid-19, hôm 29/3 cho biết khoảng 20.000 cựu nhân viên y tế của NHS đã lên tuyến đầu chống dịch. Ít nhất 2.660 bác sĩ về hưu đã quay trở lại làm việc sau khi Anh kêu gọi sự giúp sức của họ trong việc chống dịch.

    Phía chính quyền thừa nhận rằng họ ý thức được lo ngại hàng đầu của các nhân viên y tế lúc này chính là đồ bảo hộ để ngăn chặn rủi ro từ việc lây nhiễm virus corona.

    Bệnh viện London hạn chế bệnh nhân được dùng máy thở

    Telegraph đưa tin, một trưởng bộ phận tại trung tâm y tế Imperial College Healthcare Trust tại London thuộc Dịch vụ Y tế Anh (NHS) cho biết cơ sở này đã bắt đầu ra quy tắc hạn chế bệnh nhân Covid-19 dùng máy thở. Động thái này diễn ra sau sự gia tăng của nhiều trường hơp bệnh nhân Covid-19 phải dùng máy thở trong thời gian kéo dài.

    Hiện tại, hoạt động chăm sóc tích cực sẽ giới hạn cho những bệnh nhân Covid-19 có khả năng sống sót nhất định. 

    Một cố vấn cấp cao nói với Telegraph rằng: “Càng nghiên cứu sâu về bệnh Covid-19, chúng tôi lại càng cẩn thận hơn với việc cân nhắc xem bệnh nhân nào nên được chăm sóc tích cực (ICU). Trong điều kiện bình thường, chúng tôi sẽ đưa hầu hết các bệnh nhân vào ICU nếu cần. Điều này đã thay đổi”.

    “Với bệnh Covid-19, người bệnh cần dùng máy thở vài tuần, vì vậy, với những nguồn lực phải sử dụng trong thời gian dài, bạn cần phải có lý do để cho rằng có khả năng người bệnh sẽ khỏe hơn (mới được dùng máy thở)”, cố vấn trên cho hay.

    Trước đó, Trung tâm nghiên cứu và kiểm toán quốc gia về chăm sóc tích cực (ICNARC) công bố một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tử vong với bệnh nhân Covid-19 được đưa vào phòng chăm sóc tích cực là gần 50%.

    Chuyên gia tại đại học Oxford (Anh) Rachel Clarke cảnh báo rằng một số bệnh nhân Covid-19 thường sẽ dành những giờ cuối hoặc ngày cuối cùng trong các buồng chăm sóc tích cực bất chấp việc họ không có hy vọng sống sót.

    Dân Trí (dịch từ Guardian/Telegraph)

  • Đây là một trong những hoạt động của chiến dịch #ClapForOurCarers đang nhận được sự hưởng ứng của người dân trên khắp nước Anh.

    Theo Daily Mail, vào hôm thứ 5, khi Tayla Porter chuẩn bị rời nhà đến bệnh viện Basingstoke và North Hampshire - nơi cô làm việc, đã nhận được một tràng vỗ tay dài từ người dân ở khu phố mà cô đang sống.

    Cô hộ tá trẻ đã không khỏi xúc động và rơi nước mắt. Được biết, Tayla mới chỉ 22 tuổi và cô đang làm việc với tư cách là hộ tá chăm sóc khẩn cấp, những người thường xuất hiện trên xe cứu thương để làm nhiệm vụ hỗ trợ cho các bác sĩ.

    Nữ nhân viên y tế đã bật khóc trước hành động đẹp của người dân trong khu phố.

    Và cũng theo chia sẻ từ bà Ali, mẹ của Tayla thì trước đó, người mẹ này đã lên diễn đàn của khu phố để bàn luận về việc tham gia vỗ tay khích lệ những nhân viên y tế đang làm công tác chống dịch Covid-19, và trong một lúc nào đó, bà đã có nhắc tới việc con gái lớn của mình cũng là một nhân viên của NHS (Dịch vụ y tế quốc gia). Ngoài ra, bà Ali còn tiết lộ rằng Tayla sẽ bắt đầu đi làm từ 4 giờ chiều. Chính từ những thông tin đó, cả khu phố đã quyết định tặng cho cô gái trẻ một bất ngờ.

    Nữ nhân viên y tế bật khóc khi được cả khu phố vỗ tay cổ vũ trên đường đi làm.

    Ngoài vỗ tay, trên nóc xe ô tô của Tayla còn có một túi kẹo và bánh ngọt. Đây là món quà dành cho cô gái trước khi đi làm. Bà Ali cho biết cả khu phố đã khiến gia đình bất ngờ, "Tayla đã rất xúc động, con bé không biết là mọi người có dành sự chú ý đến công việc của nó. Và đến cả tôi cũng phải bất ngờ với tất cả mọi người trong khu phố, mỗi nhà đều có ít nhất một người ra ngoài và dành cái vỗ tay cho Tayla. Tràng vỗ tay kéo dài đến hết con phố và sang cả khu bên cạnh. Thật cảm động, tôi không thể nói lên lời." - bà mẹ chia sẻ.

    Tayla (phải) cùng gia đình mình.

    Tayla đang trên đường trở thành nhân viên y tế chính thức, cô làm việc rất chăm chỉ và đã bỏ quên luôn cả ngày sinh nhật 21 tuổi của em gái mình, Tash. Theo bà Ali cho biết, Tayla thường trở về nhà rất muộn, có nhiều đêm con gái của bà ngồi bệt xuống và khóc vì kiệt sức.

    "Con bé đã trông thấy nhiều thứ đáng sợ nhưng nó vẫn ra ngoài đó và dũng cảm đối diện. Chúng tôi không biết nhiều về virus corona nhưng chắc chắn đó không phải là thứ duy nhất mà Tayla phải đối phó." - Ali cho biết.

    Người dân trên toàn nước Anh đang thể hiện sự tri ân của họ đối với đội ngũ y tế, những người đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 bằng hành động vỗ tay. Từ thường dân cho đến Thủ tướng Anh, Boris Johnson hay những nhân vật Hoàng gia như Hoàng tử Geogre, Công chúa Charlotte và Hoàng tử Louis... ai ai cũng đều tham gia chiến dịch này, đây được xem là một sự khích lệ tinh thần gửi đến những người chiến sĩ trong trận chiến chống lại dịch bệnh do virus corona gây ra.

    Trí Thức Trẻ (nguồn: Dailymail. Telegraph)

  • ''Khẩu phần'' máy thở đang trở thành đề tài nhức nhối ở UK vì rất có khả năng chỉ những bệnh nhân với ''khả năng sống sót'' cao mới được sử dụng máy thở. 

    Một nhân viên cấp cao của bệnh viện Imperial College Healthcare NHS Trust nói với tờ Daily Telegraph rằng: ''Một số bệnh nhân sức khỏe đã rất yếu và họ phải sử dụng máy thở lâu hơn, vậy còn những người khác thì sao?''.

    ''Khi chúng tôi ngày càng hiểu rõ hơn về coronavirus, chúng tôi càng chú tâm đến việc bệnh nhân nào nên được chăm sóc đặc biệt. Bình thường thì chúng tôi đối xử với mọi người như nhau, nhưng bây giờ tình hình đã khác''. 

    ''Khi nhiễm virus này, bệnh nhân có thể cần dùng máy thở đến 2 tuần. Với khoảng thời gian bị chiếm dụng dài như vậy, các bác sĩ phải chắc chắn rằng bệnh nhân đó sẽ sống sót. Trì hoãn cái chết của một người trong 2-3 tuần không đem lại lợi ích gì cho họ và cho xã hội''.

    Tuy nhiên, giám đốc y khoa của bệnh viện này sau đó đã lên tiếng đính chính: ''Các bác sĩ ở bệnh viện chúng tôi không quyết định việc sử dụng máy thở dựa trên số lượng máy sẵn có. Hiện chúng tôi có đủ máy cho bệnh nhân và đang lên kế hoạch tăng số lượng máy thở''. 

    Một đại diện của NHS cho biết: ''Có hàng trăm giường chăm sóc đặc biệt ở London và hàng ngàn giường trên khắp nước Anh, nên bệnh nhân nào cũng sẽ được chăm sóc chu đáo''.

    Cơ quan phân tích y tế The Edge Health mới đây dự đoán London hiện đã có 760.590 người nhiễm bệnh, trong khi West Midlands xếp sau với 282.954 người. Cụ thể, cứ 15 người thì có 1 người bị nhiễm coronavirus ở Wolverhampton.

    Tại một số quận có tình trạng dịch bệnh nặng như Southwark, Kensington, Lambeth, Brent, Chelsea, Harrow, Wandsworth và Westminster, cứ 10 người thì có 1 người nhiễm bệnh. 

    Southwark là quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở London, với 253 trường hợp nhiễm bệnh tính đến thứ 5 Năm tuần trước. Các chuyên gia tin rằng khoảng 50.000 người ở đây nhiễm bệnh. 

    Tại Birmingham, cứ 23 người thì có 1 người nhiễm bệnh và hiện thành phố có hơn 50.000 người nhiễm Covid-19.

    Thành viên Nội các Anh Michael Gove cho biết người dân nước Anh nên chuẩn bị tinh thần cho một giai đoạn “kéo dài đáng kể” khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng để hạn chế sự lây lan của virus.

    Tiến sĩ Jenny Harries, Phó giám đốc Cơ quan Y tế cộng đồng nước này cũng cảnh báo rằng cuộc sống có thể sẽ không trở lại bình thường ở Anh trong vòng 6 tháng tới, hoặc hơn. Bà Harries cho biết lệnh phong tỏa hiện tại sẽ được xem xét lại 3 tuần 1 lần, và cảnh báo nếu các biện pháp được dỡ bỏ quá sớm, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 29/3 cũng cho biết: "Mọi việc sẽ còn tệ đi trước khi có thể tốt lên".

    Viethome (theo Dailymail) 

  • Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan, nhiều người dân tại Anh đã phớt lờ những khuyến cáo của chính phủ rằng đừng nên tích trữ quá nhiều thực phẩm và giấy vệ sinh. Việc tích trữ thực phẩm quá mức khiến nhiều người không thể sử dụng hết và vứt bỏ đi một cách vô cùng lãng phí.

    Trong khi nhiều người tại Anh, đặc biệt là những người già, không thể mua được hàng hóa cần thiết như thực phẩm do “cháy hàng” tại các siêu thị thì nhiều người khác lại đổ bỏ thực phẩm một cách lãng phí.

    Lý do rất đơn giản, họ đã tích trữ quá nhiều thực phẩm, không thể dùng hết trong thời gian ngắn và chúng đã hết hạn.

    Hình ảnh được tờ Daily Mail đăng tải cho thấy, rất nhiều thực phẩm có hạn sử dụng ngắn như bánh mỳ, hoa quả, thịt gà… chưa được sử dụng đã bị vứt đầy tràn trong các thùng rác. Thậm chí, thùng rác không còn đủ chỗ chứa, người dân còn phải bỏ những thực phẩm hết hạn ra bên ngoài thùng.

    Thực phẩm bị đổ bỏ vô cùng lãng phí tại Anh (ảnh: Daily Mail)

    Nhiều bình luận trên mạng xã hội tại Anh đã thể hiện như phẫn nộ khi chứng kiến số thực phẩm bị đổ bỏ một cách lãng phí trong khi nhiều người không có mà mua:

    “Nên có hình phạt đích đáng cho những hành vi kiểu này”.

    “Thật là lãng phí. Số thực phẩm này nên dành cho những người thực sự cần chúng hơn là những kẻ tham lam”. 

    “Thật đáng trách. Tôi hy vọng những người này hãy xem lại hành động của mình. Họ khiến những người xung quanh thật sự thất vọng”.

    Hình ảnh thực phẩm chưa được sử dụng bị đổ bỏ được phát hiện ở nhiều thành phố lớn của nước Anh như Derby, Frankby hay hạt Merseyside ở Liverpool.

    Một cụ già tại Anh không mua được gì trong siêu thị vì hàng hóa bị vét hết (ảnh: Daily Mail)

    Mới đây, nhiều người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự thương cảm trước hình ảnh một cụ già tại Anh đứng chết lặng trước các kệ hàng rỗng không hay một nữ y tá tại thành phố York (Anh) không thể mua được thực phẩm sau ca làm việc kéo dài 48 tiếng đồng hồ.

    “Tôi vừa ra khỏi siêu thị, không còn chút trái cây và rau củ nào. Tôi đã khóc ở đó. Tôi là một y tá và vừa hoàn thành ca làm việc 48 tiếng. Không có trái cây và rau, tôi không biết làm sao để có sức khỏe. Mọi người đang vét sạch các loại thực phẩm cơ bản. Xin hãy dừng lại đi”, nữ y tá tên Bilbrough nghẹn ngào nói trong đoạn video.

    Theo thống kê, chỉ trong vòng 1 tháng gần đây, người dân Anh đã tiêu hơn 1 tỷ USD vào việc tích trữ thực phẩm.

    Người dân Anh đang xếp hàng để mua đồ tại một siêu thị (ảnh: Daily Mail)

    Đối phó với tình trạng tranh nhau tích trữ thực phẩm, chính phủ Anh đã quy định người dân nước này mỗi ngày chỉ được ra khỏi nhà một lần để tới siêu thị mua hàng. Người cao tuổi tại Anh được quy định một khoảng thời gian riêng để tới siêu thị nhằm tránh bị lây nhiễm virus và có thể mua được nhiều thực phẩm cần thiết hơn.

    Cảnh sát đứng quan sát người dân giữ khoảng cách khi đi mua sắm. (ảnh: Daily Mail)
    Đây là những mặt hàng được người Anh mua nhiều nhất trong tuần đầu tiên của tháng 3. (Ảnh: Daily Mail)

    Dân Việt (dịch từ DailyMail)

  • Anh hôm 29/3 ghi nhận thêm 2.433 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 19.000, trong đó có 1.228 ca tử vong.

    Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh cho biết nước này đến nay đã ghi nhận 19.522 ca dương tính với nCoV. Số người chết vì nCoV tăng 209 ca trong 24 giờ qua, lên 1.228 ca. Số trường hợp tử vong mới thấp hơn so với mức tăng kỷ lục hôm 28/3 là 260 ca, mang lại hy vọng rằng tình hình dịch bệnh sẽ sớm ổn định.

    Tuy nhiên, chuyên gia về dịch bệnh Neil Ferguson từ Đại học Hoàng gia London cho rằng biện pháp phong tỏa nên được giữ đến tháng 6 nhằm kiểm soát tốt hơn Covid-19.

    Cố vấn dịch tễ học hàng đầu của chính phủ Anh còn cảnh báo khi lệnh phong tỏa chấm dứt, người dân Anh cần thực hiện nghiêm túc cách biệt cộng đồng thêm nhiều tháng nữa nhằm ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát.

    Giáo sư Neil Ferguson từ Đại học Hoàng gia London, cố vấn dịch tễ học hàng đầu của chính phủ Anh. Ảnh: Imperial.ac.uk.

    "Chúng ta phải tiếp tục giữ vững những biện pháp này thêm một khoảng thời gian dài nữa, theo tôi, có thể đến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6", giáo sư Ferguson nói với báo Sunday Times. Điều này đồng nghĩa toàn bộ người dân Anh sẽ phải ở yên trong nhà gần ba tháng nữa.

    Theo ông, sau khi kết thúc phong tỏa, trường học vẫn nên đóng cửa đến mùa thu và mọi người vẫn nên làm việc tại nhà thay vì đến văn phòng.

    Chính phủ lại tỏ ra lạc quan hơn. Thủ tướng Boris Johnson tuần trước cho biết ông nghĩ rằng nước Anh có thể "thay đổi tình thế" trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, trong bức thư dự kiến được gửi tới các hộ gia đình vào tuần tới, Thủ tướng Johnson cảnh báo "mọi thứ có thể trở nên tồi tệ trước khi tốt dần lên".

    Gọi cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay là "tình trạng khẩn cấp quốc gia", ông nhấn mạnh "với tinh thần nước Anh, chúng ta sẽ đánh bại nCoV và đánh bại nó cùng nhau".

    Thủ tướng Johnson đang tự cách ly tại phố Downing sau khi xét nghiệm dương tính nCoV. Ông xuất hiện các triệu chứng nhẹ và vẫn làm việc từ xa. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách vùng Scotland Alister Jack cũng thông báo nhiễm nCoV. Giới chuyên gia dự đoán nước này sẽ chạm đỉnh dịch trong vài tuần nữa. 

    VnExpress (tổng hợp từ SkyNews)

  • Lá thư sẽ được gửi đến tất cả các hộ gia đình ở UK trong tuần tới. Ảnh: PA

    Thủ tướng Boris Johnson sẽ gửi thư đến từng hộ gia đình ở UK để yêu cầu mọi người hãy ở nhà nhằm cứu sinh mạng và ngừng lan truyền virus. Lá thư sẽ được gửi đến 30 triệu hộ gia đình với chi phí 5.8 triệu bảng. 

    Đất nước hiện trong giai đoạn phong tỏa, người dân phải ở nhà và chỉ ra ngoài với lý do thiết yếu.

    Lá thư có nội dung như sau:

    ''Tôi viết thư này nhằm cập nhật cho bạn những bước mà chúng ta cần phải hành động để chiến đấu với virus corona. 

    Chỉ trong một vài tuần ngắn ngủi, cuộc sống ở đất nước này đã đảo lộn hoàn toàn. Ai cũng cảm nhận được tác động khủng khiếp của coronavirus không chỉ đối với bản thân chúng ta, mà còn đối với những người thân yêu và toàn thể cộng đồng. 

    Tôi rất thấu hiểu những luật lệ mới đang khiến cuộc sống của bạn khó khăn tới mức nào, làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh và kế sinh nhai của bạn. Nhưng những gì chúng ta đang làm là hoàn toàn phải làm, chỉ vì một lý do duy nhất. Nếu có quá nhiều người bệnh nặng cùng một lúc, NHS sẽ không thể xử lý được. 

    Rất nhiều người sẽ chết. Chúng ta phải làm chậm sự lây lan của virus, và giảm số người cần phải tới bệnh viện. Đây là cách cứu sống nhiều sinh mạng nhất. 

    Đó là lý do chúng tôi yêu cầu bạn chỉ làm một việc đơn giản - bạn phải ở nhà.

    Bạn sẽ không gặp họ hàng hay bạn bè không sống cùng nhà với mình.

    Bạn chỉ có thể rời nhà cho những mục đích bất khả kháng, như mua thực phẩm và thuốc, tập thể dục 1 lần/ngày và đi khám bệnh. Bạn có thể đi làm nhưng tốt hơn hết là làm việc ở nhà.

    Khi ra khỏi nhà, bất cứ khi nào có thể, bạn phải đảm bảo đứng cách xa những người không sống chung nhà với bạn 2m.

    Bạn phải tuân theo những luật lệ này. Vì thế, nếu bạn phạm luật, cảnh sát sẽ phạt bạn và giải tán việc tụ tập.

    Tôi hiểu rất nhiều người trong các bạn lo lắng về tình hình tài chính của gia đình. Chính phủ sẽ làm mọi cách để đảm bảo đủ thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho gia đình bạn.

    Tờ bướm đính kèm sẽ liệt kê chi tiết những hỗ trợ sẵn có và những luật lệ bạn phải tuân theo. Bạn cũng có thể tìm hiểu những lời khuyên mới nhất tại website gov.uk/coronavirus

    Ngay từ đầu, chúng tôi đã tìm kiếm giải phải hợp lý nhất vào đúng thời điểm nhất. Chúng tôi sẵn sàng thắt chặt hơn nếu đó là lời khuyên y tế và khoa học đúng đắn mà chúng tôi phải làm. 

    Tôi cần phải nói rõ với bạn điều này - chúng tôi biết tình hình sẽ phải diễn biến tệ hơn rồi mọi chuyện mới trở nên sáng sủa. Nhưng chúng tôi đang chuẩn bị về mọi mặt, và bạn càng tuân thủ luật lệ bao nhiêu, thì sẽ càng ít sinh mạng bị thất thoát và chúng ta sẽ sớm quay lại cuộc sống bình thường.

    Tôi muốn cám ơn những người đã nỗ lực hết mình để chiến đấu chống lại virus, đặc biệt là các nhân viên NHS tuyệt vời của chúng ta và những cơ quan y tế ở khắp England, Scotland, Wales và Bắc Ailen.

    Thật cảm động khi nhìn thấy những bác sĩ, y tá và những nhân viên chăm sóc khác đã có mặt nhanh chóng vào đúng thời điểm then chốt này.

    Hàng ngàn bác sĩ và y tá về hưu đã trở lại với NHS và hàng trăm ngàn cư dân đang tình nguyện giúp những người dễ tổn thương. Với tinh thần của Vương quốc Anh vĩ đại, chúng ta sẽ đánh bại coronavirus và chúng ta sẽ chiến đấu cùng nhau. Đó là lý do mà vào thời điểm khẩn cấp quốc gia này, tôi xin các bạn, làm ơn, hãy ở nhà, bảo vệ NHS và cứu sinh mạng. 

    Viethome (theo itv)

  • Cho đến nay, tổn thương do virus corona mới chỉ được ghi nhận ở phổi. Nhưng những ca tổn thương tim ở Mỹ và trên thế giới đang dẫn đến những câu hỏi đầy bất an.

    Một bệnh nhân 64 tuổi được đưa tới viện ở Brooklyn, New York, có các triệu chứng như cơn đau tim nặng.

    Điện tâm đồ cho thấy nhịp tim đáng lo ngại giống cơn đau tim, và nồng độ protein “troponin” trong máu lên cao - dấu hiệu cơ tim bị tổn thương.

    Các bác sĩ ngay lập tức mổ động mạch vành vì tưởng động mạch vành bị nghẽn, nhưng hóa ra động mạch vành bệnh nhân không nghẽn.

    Một bệnh nhân đang được chuyển vào bệnh viện Elmhurst ở Queens, thành phố New York ngày 26/3. Ảnh: Reuters.

    Nguy cơ tiềm năng

    Bệnh nhân này hồi phục sau 12 ngày ở bệnh viện và đã được về nhà. Nhưng đã có những ca tương tự được ghi nhận ở Mỹ và trên thế giới, dẫn đến những câu hỏi đầy bất an cho các bác sĩ, theo New York Times.

    Cụ thể, các bác sĩ có cần phải xét nghiệm virus corona cho bệnh nhân rõ ràng đang có triệu chứng đau tim, hay như vậy là phí thời gian vì đa số bệnh nhân đau tim không hề liên quan tới Covid-19?

    Ngược lại, liệu virus corona có ảnh hưởng tới tim? Đối với các ca dương tính với Covid-19, liệu có cần xét nghiệm nồng độ protein “troponin” trong máu để xem virus có tấn công vào tim hay không?

    “Tôi không biết câu trả lời đúng là gì”, bác sĩ tim mạch Nir Uriel ở Đại học Columbia nói với New York Times.

    Cuối cùng, bệnh nhân ở Brooklyn nói trên được xác định là viêm cơ tim, chứng bệnh từng được ghi nhận ở các bệnh nhân bị nhiễm các virus khác như MERS - cũng là loại virus corona - và virus cúm lợn H1N1.

    Nhưng đối với virus corona chủng mới lần này (SARS-CoV-2), tổn thương mới đa phần mới chỉ được ghi nhận ở phổi, gây ra chứng viêm phổi nếu là ca nhiễm nặng.

    Nhiều bác sĩ tim mạch đã tưởng rằng virus corona nằm ngoài chuyên khoa của họ vì là bệnh hô hấp.

    “Chúng tôi cứ nghĩ phổi, phổi, phổi - và chúng tôi chỉ có vai trò hỗ trợ”, bác sĩ John Rumsfeld, phụ trách khoa học và quản lý chất lượng ở Đại học Tim mạch Mỹ nói. “Tự nhiên chúng tôi bắt đầu nghe về nguy cơ tiềm năng đối với tim”.

    Một nghiên cứu về vấn đề tim mạch trong số các bệnh nhân virus corona ở Vũ Hán được đăng trên tạp chí JAMA Cardiology, tạp chí của hội y khoa Mỹ, ngày 27/3.

    Theo đó, 20% bệnh nhân phải nhập viện vì Covid-19 có dấu hiệu tổn thương ở tim, nhiều người trong số đó chưa có bệnh nền về tim. Họ đều có điện tâm đồ bất thường cùng với nồng độ protein troponin trong máu cao, như bệnh nhân ở Brooklyn nói trên.

    Điện tâm đồ và ảnh chụp lồng ngực của bệnh nhân người Italy 53 tuổi cho thấy dấu hiệu trụy tim và không có dấu hiệu bệnh phổi. Ảnh: Inciardi RM et al., JAMA Cardiology, 2020.

    Còn nhiều bí ẩn

    Nguy cơ tử vong trên các bệnh nhân có tổn thương tim này gấp bốn lần trên các bệnh nhân mà tim vẫn bình thường.

    Tạp chí nói trên cũng đăng bài viết từ các bác sĩ ở Italy, mô tả một nữ bệnh nhân 53 tuổi, trước đó khỏe mạnh, nhưng rồi bị viêm cơ tim, cũng có điện tâm đồ bất thường, nồng đồ troponin cao trong máu.

    Trước khi dịch Covid-19 lan rộng ở Italy, các bác sĩ đã để ý và xét nghiệm cho bà. Kết quả, nữ bệnh nhân dương tính với virus corona.

    Vẫn còn nhiều bí ẩn về virus corona chủng mới, và vẫn chưa rõ chính xác điều gì gây ra tổn thương tim sau khi nhiễm virus.

    “Chứng viêm cơ tim có thể do chính virus, hoặc do phản ứng miễn dịch, kháng viêm của có thể đối với virus”, bác sĩ tim mạch Scott Solomon ở Trường Y Harvard, nói và cho biết bệnh nhân bị viêm cơ tim chưa chắc có nhiều virus trong người hơn các bệnh nhân khác.

    Tổn thương về tim mạch cũng có thể là hậu quả của viêm nhiễm trong phổi, theo bác sĩ tim mạch Peter Libby từ Trường Y Harvard.

    “Phổi không hoạt động bình thường, do vậy không có đủ oxy... tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim (arrhythmia)”, ông nói.

    Ngoài ra, cơn sốt do virus gây ra khiến cơ thể phải trao đổi chất mạnh hơn và tim phải bơm máu nhiều hơn. Nhu cầu oxy cao hơn, nhưng nguồn cung oxy lại thấp (do viêm phổi). Sự mất cân bằng đó có thể gây ra tổn thương cho tim.

    Nhưng vẫn không loại trừ khả năng virus corona trực tiếp gây tổn hại cho tim, theo một số bác sĩ.

    Tại Seattle, một nam bệnh nhân Covid-19 gần đây tử vong sau khi tín hiệu thần kinh ra lệnh cho tim co bóp bị chặn lại (heart block), chứ không được truyền từ đỉnh của tim xuống đáy của tim như bình thường.

    Bác sĩ Đại học Washington April Stempien-Otero đang hy vọng khám nghiệm sẽ hé lộ rõ hơn liệu virus có tấn công vào tim bệnh nhân trên hay không.

    Theo Zing

  • Đây được xem là ca tử vong vô cùng hiếm gặp vì đến nay, số liệu cho thấy người cao tuổi vẫn là đối tượng dễ nhiễm virus và tử vong nhất trên toàn cầu.

    Trong cuộc họp báo hôm 28/3, Thống đốc bang Illinois JB Pritzker cho biết một "bé sơ sinh" là nạn nhân mới nhất của virus corona chủng mới trong 24 giờ qua tại bang này, theo AFP.

    Sở Y tế Công cộng bang Illinois cho hay em bé qua đời tại Chicago chưa được một tuổi, dương tính với virus gây nên bệnh Covid-19.

    "Chưa từng có ca tử vong nào liên quan đến Covid-19 ở trẻ sơ sinh", giám đốc sở Ngozi Ezike nói. "Một cuộc điều tra toàn diện đang được tiến hành để xác định nguyên nhân tử vong".

    Ông Pritzker cho biết bản thân cũng cảm thấy sốc trước tin tức.

    "Tôi biết thông tin này khó chấp nhận đến mức nào, đặc biệt là khi đứa trẻ nhỏ tuổi như vậy", ông nói.

    "Đây thực sự là nỗi đau của gia đình em bé, vì những năm tháng mà em bị cướp mất. Chúng ta nên cảm thấy đau lòng".

    Tuần trước, quan chức y tế hàng đầu Pháp Jerome Salomon cho biết một thiếu nữ 16 tuổi tử vong tại khu vực Ile-de-France của Paris.

    "Tình trạng bệnh nặng (do virus corona) ở người trẻ là rất hiếm gặp", ông Salomon nói.

    Tại bang California của Mỹ tuần trước, Sở Y tế Công cộng hạt Los Angeles cho biết họ ghi nhận trường hợp một thiếu niên dương tính với virus và qua đời. Song họ cũng nói ca này phức tạp và có thể có nguyên khác dẫn đến cái chết.

    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra chủng virus mới ảnh hưởng nhiều hơn đến người cao tuổi và người có bệnh nền.

    Mỹ là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, hơn 120.000, dù số ca tử vong chỉ hơn 2.000, thấp hơn so với thống kế tại các nước như Italy, Tây Ban Nha và Trung Quốc.

    Mỹ đã ghi nhận hơn 450 ca tử vong mới toàn quốc hôm 28/3. Em bé Chicago là một trong 13 ca tử vong mới vì dịch bệnh tại bang Illinois.

    Một nghiên cứu riêng rẻ được xuất bản trên tờ Pediatrics cũng cho thấy trong số 2.100 trẻ em nhiễm Covid-19 được thống kê ở Trung Quốc, chỉ có 6% là bị bệnh nặng, nhưng một trẻ 14 tuổi đã tử vong.

    Trong một bài báo đăng trên tờ New England Journal of Medicine hồi đầu tháng 3, một trẻ 10 tháng tuổi nhiễm Covid-19 cũng tử vong ở Trung Quốc. Trẻ này vốn có các bệnh về nội tạng, em qua đời sau 4 tuần nhập viên.

    Zing (dịch từ pbs.org)

  • Tỉ lệ tử vong của các bệnh nhân Covid-19 được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt là gần 50%, theo một báo cáo mới đây.

    Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm toán Quốc gia về Chăm sóc Đặc biệt (ICNARC) cho thấy trong số 165 bệnh nhân được đưa vào chăm sóc đặt biệt ở England, Wales, và Bắc Ailen từ cuối tháng 2 đến nay, chỉ có 86 người khỏi bệnh và được xuất viện. 70 người đã tử vong.

    Con số này được rút ra sau khi có kết quả thống kê 775 người đã từng hoặc đang được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), trong tổng số 285 đơn vị chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc. 610 bệnh nhân còn lại vẫn đang được chăm sóc.

    Một nhân viên cứu thương đang mang các bình oxy đến trung tâm Excel ở London. Trung tâm này đã được chuyển thành bệnh viện dã chiến. Ảnh: Andy Rain/EPA

    Tỉ lệ tử vong cao đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của đơn vị chăm sóc đặc biệt. Hiện nay, NHS đang ưu tiên mở các bệnh viện dã chiến ở London, Birmingham và Manchester với số lượng phòng chăm sóc đặc biệt lớn chưa từng có.

    Một bác sĩ nói: ''Sự thật là có rất nhiều người ở đây rồi cũng không qua khỏi. Chúng tôi sợ rằng chúng tôi chỉ đang cố gắng duy trì hô hấp cho họ, chúng tôi cố gắng làm gì đó cho họ, mặc dù nó không có kết quả''.

    Dù hầu hết những người tử vong đều trên 70 tuổi, nhưng trong số đó có 9 trường hợp chỉ từ 16-49 tuổi. Và ngược lại, có 28 bệnh nhân trên 86 tuổi vẫn sống sót.

    Kết quả thống kê cho thấy nam giới gặp nhiều nguy cơ từ loại virus này hơn. 7/10 bệnh nhân trong phòng ICU là nam giới, 30% các nam giới này dưới 60 tuổi, so với chỉ 15% phụ nữ dưới 60 tuổi. Những người thừa cân cũng là đối tượng gặp rủi ro đáng kể khi nhiễm virus. Trên 70% bệnh nhân bị thừa cân, béo phì, béo phì nghiêm trọng. 

    Cựu Bộ trưởng Y tế, ông Dan Poulter, cho rằng xét nghiệm rộng khắp có thể giúp nước Anh lật ngược ván cờ, giúp ngăn ngừa tình trạng nhân viên y tế mang bệnh từ người này truyền sang người kia. 

    Xét nghiệm mở rộng với những người đang tự cách ly với triệu chứng nhẹ cũng sẽ cho phép họ quay trở lại làm việc nếu có kết quả âm tính. 

    Viết trên tờ Observer, ông Poulter nói: ''Tỉ lệ nhân viên NHS nhiễm bệnh đang ở mức rất cao và không ngừng tăng. Việc chậm trễ xét nghiệm khiến nhiều nhân viên y tế phải nghỉ ốm dù chỉ có triệu chứng nhẹ không liên quan Covid-19, như bị đau họng chẳng hạn''. 

    Chính phủ Anh ngày 27/03 cho biết các bác sỹ và y tá ngành chăm sóc đặc biệt sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước, tiếp sau đó là đội ngũ nhân viên các khoa cấp cứu, nhân viên cứu thương và bác sỹ đa khoa tại cấp cơ sở.

    Động thái này được triển khai sau những chỉ trích và áp lực ngày càng gia tăng về tình trạng thiếu hụt xét nghiệm cho đội ngũ nhân viên y tế. 

    Viethome (theo Guardian)

  • Với tư cách là một doanh nhân, ông muốn đóng góp một phần nhỏ với cộng động và cho rằng đây cũng là trách nhiệm của kiều bào đối với Tổ quốc.

    Chiều 26/3, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh diễn ra lễ trao 1 tỷ đồng của doanh nhân Việt kiều Phạm Minh Nam ủng hộ nước nhà chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.  

    Doanh nhân Phạm Minh Nam (người thứ hai từ trái sang) trao tặng ủng hộ 1 tỷ đồng cho chiến dịch phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam -Ảnh: Vietnam+

    Ông Phạm Minh Nam, Chủ tịch tập đoàn New World Fashion Group có trụ sở tại London,  Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Anh,  cho biết đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới, Việt Nam cũng là một nước chịu ảnh hưởng. Với tư cách là một doanh nhân, ông muốn đóng góp một phần nhỏ với cộng động và cho rằng đây cũng là trách nhiệm của kiều bào đối với Tổ quốc.

    Tại buổi tiếp, Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An cám ơn tấm lòng, sự giúp đỡ chia sẻ kịp thời của doanh nhân Phạm Minh Nam đối với đất nước trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

    Hầu hết người Việt Nam tại Luân Đôn và nhiều doanh nghiệp Anh đều biết tiếng ông Phạm Minh Nam, một doanh nhân Việt Nam làm ăn rất phát đạt tại Anh quốc và có tiếng tăm ở cả châu Âu. Ông Nam, sinh năm 1958, quê Hải Phòng, hiện là Chủ tập đoàn may mặc New World Fashion Group, có trụ sở chính tại 215 Mare Street, ở thủ đô Luân Đôn của vương quốc Anh.

    Ngoài ra ông còn giữ cương vị chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh. Ông đã tham gia nhiều chương trình đóng góp từ thiện cho các trẻ em nghèo và tàn tật ở Việt Nam, đồng thời luôn hỗ trợ và đóng góp giúp đỡ đồng bào gặp bão lụt, hạn hán. 

    Sang Anh năm 1980 khi trong tay chỉ có 10 đôla Hồng kông, nhưng nay ông Nam đã được mọi người ở đây gọi bằng biệt danh đầy cảm phục "Nam tỷ phú". Để có được biệt danh "tỷ phú", ông Nam đã phải lao động cật lực trong suốt hơn 30 năm qua.

    Ông Nam cho biết, cuộc sống của ông những ngày đầu trên đất khách quê người muôn vàn khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể tồn tại. Ông đã phải lần mò đi làm thuê cho các chủ xưởng may người Do Thái ở Luân Đôn, với những đồng tiền công ít ỏi. Nhưng nhờ tính cần cù, chịu khó và năng động, ông đã dần dần tích lũy được tiền và kinh nghiệm học được từ những người chủ Do Thái trên đất Anh. Khi có một chút vốn nho nhỏ ban đầu, ông đã thành lập xưởng nhận gia công sản phẩm may mặc cho các hãng may người Do Thái. Đến năm 1987-1988, ông Nam đã giao hàng cho hơn 10 xưởng may gia công, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người Việt tại Luân Đôn.

    Đối với các doanh nhân mới lập nghiệp, ông Nam khuyên hãy kinh doanh bằng khả năng nhạy bén với thời cơ và thị trường cùng một chiến lược bài bản và dài hạn. Đừng mong chờ vào may mắn vì nếu may mắn thì chỉ được một vụ, một mùa, một năm chứ không thể kéo dài 10-15 năm được. Nếu tính toán không đúng, thiệt hại sẽ rất lớn, sẽ khiến khách hàng mất niềm tin. Và để lôi kéo họ lại thì rất khó.

    Trên tư cách Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh, ông cho rằng, để thu hút mạnh hơn nữa các doanh nghiệp Việt kiều về nước đầu tư, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách hành chánh. Và cũng cần có các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho doanh nhân là kiều bào.

    Theo Vietnamplus

  • Một tiệm nail Việt ở Brentwood đã phải tạm thời đóng cửa theo lệnh của chính phủ. Không để chân tay tay rảnh rang, chủ tiệm và những người tình nguyện đã dùng thời gian nhàn rỗi để may khẩu trang cho các tổ chức chăm sóc sức khỏe trong khu vực. 

    Mọi người ở tiệm Zen Nails đã tạo ra được 2.000 khẩu trang, tấm chắn mặt và áo mặc cho bệnh nhân. Vật liệu đều được mọi người chung tay đóng góp.

    Chủ tiệm, anh Diep Luc và chị Trang Nguyen cho rằng việc làm này chỉ như một cách để cảm ơn nước Mỹ. ''Chúng tôi cố gắng làm mọi việc có thể để giúp đỡ mọi người xung quanh. Tất cả chúng ta đều được nước Mỹ cưu mang, nên vào lúc này khi nước Mỹ đang gặp hoạn nạn, chúng ta phải làm gì đó trong khả năng của mình.'', anh Luc nói. 

    Những người tình nguyện đã tạo ra được hàng ngàn khẩu trang và trang phục bảo hộ.

    Chị Nguyen nói: ''Việc này khuyến khích cộng đồng chung tay. Nếu chúng tôi có thể làm được, thì mọi người cũng đều có thể giúp sức''.

    Thành phẩm sẽ được gửi đến các bệnh viện trong khu vực. Nếu bạn cần khẩu trang, hãy email trangnguyen909@gmail.com hoặc gửi tin nhắn đến fanpage Zen Nails at Brentwood.

    Không chỉ tiệm Zen Nails ở Brentwood, nhiều người Việt cũng tự may khẩu trang ở nhà. 

    Bạn Hao Hao Hao ở Florida, Hoa Kỳ chia sẻ: ''Chị em ơi, may vá luôn là sở trường của chúng ta, nhất là những ngày dài rãnh rỗi này. Các bệnh viện, những khu homeless, và rất nhiều người đang rất cần khẩu trang. Em cũng đang may nhưng số lượng nhỏ lẻ không được nhiều.

    Tại sao chúng ta không lập team tại Florida này để cùng nhau may, chia sẻ kinh nghiệm và donate cho những nơi đang cần? Một việc làm rất ý nghĩa và cấp bách trong lúc này, rất mong chị em tham gia và đóng góp ý kiến!''

    Thành phẩm của chị Hao Hao Hao.

    CH Séc cũng đang trong tâm dịch Covid 19 tại Châu Âu với số ca nhiễm hiện tại lên cả nghìn người và trong những ngày tới số lượng này còn tăng nhanh.

    Trên truyền thông CH Séc như Lidovky, Romea… đưa tin những hoạt động từ thiện  và hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại Séc với người dân sở tại trong công cuộc chống dịch, như tặng 6.000 chiếc khẩu trang, găng tay cho chính quyền khu vực Vyssi Brod, Cesky Krumlov; tặng khẩu trang cho chính quyền, lực lượng cảnh sát tại Ricany, Vectek, bệnh viện ở Znojmo, bệnh viện Motol tại Praha…..

    Trao khẩu trang hỗ trợ chống dịch COVID-19 cho ông Svec Tibor (thứ hai, trái sang), Thị trưởng thị trấn Vestec. - Ảnh: TTXVN

    Chung tay cùng phong trào cộng đồng, 4 nhà hàng Việt House ở 4 thành phố và các tiệm nail của anh Chu Minh Khánh ở CH Séc hiện đang tạm chuyển thành… “xưởng dã chiến” may khẩu trang miễn phí.

    Nhà hàng thành nơi...may khẩu trang để góp phần đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh - Ảnh: Fb nhân vật.

    Anh kế lại nguồn cơn phong trào may khẩu trang từ thiện của cộng đồng: “Cho đến 10/3, việc đeo khẩu trang vẫn bị cho là người đang mắc bệnh. Như ngày 8/ 3, có người lên xe bus bị tài xế đuổi xuống vì đeo khẩu trang. Nhưng sau 10/3 Chính phủ siết chặt vấn đề đeo khẩu trang để an toàn, từ 12 - 13/3 bắt đầu phát động toàn dân cần phải có khẩu trang bảo vệ. Đó là một sự thay đổi, một bước ngoặt lớn với Châu Âu. Chỉ trước đó một, hai ngày đeo khẩu trang là vấn đề không thể nào chấp nhận được!

    Chính vì thị trường khẩu trang trên toàn Séc thiếu khủng khiếp khi không thể nhập đâu được và người dân không thể có được, nên chính phủ khuyến cáo mọi người dân ai biết sản xuất thì giúp đỡ. Qua lời kêu gọi của Chính phủ Séc, không chỉ tôi mà tất cả cộng đồng người Việt, các hội đoàn, Chủ tịch các hội đều huy động bà con người Việt Nam chung tay giúp đỡ, người có điều kiện giúp tiền mua nước rửa tay hoặc khẩu trang, người thì may…” - Anh Khánh chia sẻ.

    Khi tiệm nail trở thành...xưởng may dã chiến - Ảnh: Fb nhân vật. 

    Chu Minh Khánh sang Cộng hòa Séc được hơn 30 năm, định cư tại đây, có công ty gia đình với gần 100 nhân sự, ngoài chuỗi nhà hàng Viethouse, một số tiệm nail còn một số cửa hiệu tạp hóa.

    Khi có lệnh của Chính quyền Séc yêu cầu các nhà hàng quán ăn không hoạt động từ 14/3, anh Khánh nghĩ tới việc cùng cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau và người bản địa trong tình hình dịch COVID 19 lan rộng.: "Hiện nay mỗi một nhà hàng cũng sử dụng một lượng nhân sự trên chục người, nhà hàng nghỉ rồi thì người Việt Nam mình không thể nào ngồi chơi rảnh rỗi được, anh em bàn nhau tình nguyện làm. Chúng tôi có 4 nhà hàng, đến hôm nay mỗi cơ sở lắp từ 4 - 5 máy may. Nhân sự người thì cắt, người thì may… hoàn toàn là những người lâu ngày chưa làm may, nhưng hướng dẫn nhau.

    Tính đến nay mỗi cơ sở sản xuất khoảng 200-300 khẩu trang tặng miễn phí cho bà con bản địa. Hai ngày đầu lúc nào cũng có vài chục người đứng xếp hàng để chờ vì chúng tôi sản xuất không kịp. Người dân họ cũng rất quý trọng.

    Bà con Việt Nam những người không có điều kiện may thì giúp kim chỉ, cho mượn máy móc,  nói chung tất cả vào cuộc từ người bản xứ cho đến người Việt mình đều rất vui khi giúp xã hội."- Anh Khánh kể.

    "Thợ may" nghiệp dư Séc Việt đều chung tay - Ảnh: Fb nhân vật.

    Để có nhiều máy may, anh Khánh phải đi mua. Vì nhu cầu đột biến trên thị trường, giá máy may tăng vọt trong ngày, chênh lệch đến hàng triệu đồng. Nhưng được góp sức cùng cộng đồng với anh Khánh là niềm vui chung. 

    Anh cho biết, có cả một phong trào giúp đỡ nhau và giúp đỡ người bản địa của toàn cộng đồng người Việt trên khắp CH Séc:“Có khi chỉ một tiệm nail hai vợ chồng con cái người ta làm, những người đã biết may làm đã đành mà có những người không biết cũng chung nhau cùng làm, bằng mọi hình thức. Có một phong trào của toàn người Việt trên đất Séc, cả cộng đồng Việt 60 nghìn người ở đây, nơi mang đến bệnh viện, nơi Ủy ban địa phương trường học. vv”

    Người góp công sức, người góp kim chỉ, người cho mượn máy may...- Ảnh: FB nhân vật

    Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, người Việt tại CH Séc đã kêu gọi nhau tuân thủ các yêu cầu của chính phủ và chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Ngoài phong trào may khẩu trang, ủng hộ người thi hành công vụ, thì để hỗ trợ những người Việt hạn chế tiếng Séc, cộng đồng cũng lập ra trang web riêng covidinfo để thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh đến bà con người Việt, đồng thời kêu gọi hàng chục người trên khắp lãnh thổ Séc hỗ trợ phiên dịch cho bà con.

    Viethome (theo wkrn)

  • Tài xế taxi Spencer Kurash, 56 tuổi, đã quyết định tiếp tục chở khách ở London dù dịch bệnh bùng phát. Anh đã có 22 năm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên sau chuyến khách cuối cùng vào ngày 19/3, anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng và phải tự cách ly. 

    Vợ anh, cô Esther, đã cố gắng hồi sức cho chồng ngay tại nhà của họ ở Chigwell, đông bắc London, vào hôm thứ Tư 25/3 và gọi 999. Bác sĩ tới cấp cứu cho anh trong 1 tiếng nhưng đã không đem lại kết quả.

    Con gái 18 tuổi của anh cho rằng anh lây nhiễm corona virus khi nhận tiền mặt của khách, điều này có khả năng không?

    Vào ngày 2-3, WHO cho biết người tiêu dùng nên rửa sạch tay sau khi có những tiếp xúc với tiền mặt trong giao dịch vì virus corona gây dịch bệnh COVID-19 có khả năng tồn tại một số ngày trên các bề mặt như tờ bạc giấy. Ngân hàng Anh cũng thừa nhận về khả năng các tờ bạc giấy "có thể chứa virus hoặc vi khuẩn", đồng thời khuyến cáo người dân nên rửa tay thường xuyên. Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã triển khai việc tẩy uế và cô lập những tờ bạc đã sử dụng bằng ánh sáng tia cực tím hoặc xử lý ở nhiệt độ cao để khử trùng các tờ bạc, sau đó đưa số tiền này vào niêm phong 14 ngày trước khi đưa trở lại lưu hành.

    Hôm nay, Viethome xin gửi đến bạn danh sách một số bệnh nhân đã tử vong ở UK nghi do Covid-19:

    1. Thomas Davies, 27 tuổi, đến từ Gwynedd: Anh Thomas hoàn toàn khỏe mạnh, không bao giờ hút thuốc và mới chào đón đứa con thứ hai được 10 ngày. Sau khi xuất hiện triệu chứng nhiễm Covid-19, anh đã qua đời tại nhà riêng 3 ngày sau đó. Ban đầu anh nghĩ mình bị cảm lạnh, đổ mồ hôi và đau nhức, nhưng sau đó anh đi ngủ và không bao giờ tỉnh dậy.

    2. Adam Harkins Sullivan, 28 tuổi, London: Họa sĩ, chuyên gia nội thất Adam dương tính với Covid-19 và chết vào tuần này vì triệu chứng viêm phổi. 

    3. Danny Sharma, 31 tuổi, Middlesex: DJ Danny qua đời vào ngày 26/3. Anh có tiền sử bệnh tiểu đường.

    4. Con gái Pooja Sharma, 33 tuổi ở East Sussex, và bố Sudhir Sharma, 62 tuổi ở London: Dược sĩ Pooja qua đời chỉ 24 tiếng trước khi bố của cô cũng nhắm mắt xuôi tay. Chưa rõ lần cuối cô tiếp xúc gần với bố là khi nào. 

    5. Steven Dick, 37 tuổi, Scotland: Phó đại sứ Anh tại Hungary mất vào hôm thứ Ba tuần này. 

    6. Seb Lewis, 38 tuổi, London: Anh là fan cứng của Câu lạc bộ Charlton Athletic và đã qua đời hôm thứ Ba tuần này.

    7. Craig Ruston, 45 tuổi, Northants: Chuyên gia thiết kế giày dép Craig đã qua đời vào ngày 16/3 sau khi nhiễm Covid-19. Anh có tiền sử bị bệnh thần kinh vận động. 

    8. Tim Galley, 47 tuổi, North Wales: Anh Tim đã không gọi 999 khi bệnh tình trở nặng vào Chủ nhật tuần trước. Anh nói với vợ rằng anh sẽ khỏi, anh không có bệnh lý nền và NHS đã quá bận rộn rồi. Nhưng 2 ngày sau, anh được phát hiện tử vong tại nhà ở Wrexham.

    9. Kimberley Finlayson, 52 tuổi, Hertfordshire: Người mẹ 4 con, mắc một số bệnh lý nền, đã trở thành công dân Anh đầu tiên nhiễm Covid-19 và tử vong ở Bali. Người phụ nữ đã nhập viện cấp cứu 2 lần ở Indonesia trước khi qua đời vào ngày 11/3.

    10. John Barry, 56 tuổi, Ayrshire: Thợ sửa ống nước John qua đời vào hôm thứ Tư, tình nghi nhiễm Covid-19. Anh có một số bệnh lý nền. 

    11. Nick Matthews, 59 tuổi, Somerset: Cảnh sát về hưu Nick qua đời sau khi được xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày 14/3. Anh được đưa đến bệnh viện Bristol Royal Infirmary 2 ngày trước đó.

    12. Wendy Jacobs, 59 tuổi, Cumbria: Cô mất vào Ngày của Mẹ vì viêm phổi gây ra do Covid-19.

    13. Tracey Foley, London: Nhân viên chăm sóc Tracey đã qua đời 4 ngày sau khi được đưa đến bệnh viện Queen Elizabeth ở Woolwich. Trong một đoạn clip thu hút hàng triệu lượt xem, con trai của cô Stuart Hamlin đã van xin mẹ hãy ở nhà.

    14. Paul Karslake, 61 tuổi, Essex: Họa sĩ Paul là em trai của Jo Wood, vợ cũ của thành viên nhóm nhạc The Rolling Stones, Ronnie Wood. Ông qua đời vào ngày 23/3, tình nghi nhiễm Covid-19.

    Viethome (theo Mirror)