• Các nhóm đại diện cho lực lượng y bác sĩ tiền tuyến cho biết nhiều bác sĩ và y tá có thể nghỉ việc vì lo lắng do thiếu hụt các thiết bị bảo vệ trong cuộc chiến chống lại coronavirus.

    Chính phủ đã tuyển dụng được hàng trăm ngàn tình nguyện viên, những người có thể giúp NHS hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong đại dịch coronavirus.

    Nhưng điều này có thể không đem lại tác dụng như mong muốn nếu một số bác sĩ quyết định rời bỏ công việc của họ vì cảm thấy không an toàn do thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), chủ tịch của Hiệp hội bác sĩ nói.

    Dr Rinesh Parmer cho biết: “Dịch bệnh kéo dài, nếu các bác sĩ thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân, thì họ có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ nghề mà họ yêu thích, bởi vì họ cảm thấy bị bỏ rơi khi không được cấp PPE mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị.”

    “Ngay lúc này, chính phủ cần phải bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu và đổi lại họ sẽ làm việc hết sức mình. Nhưng chính phủ đã không giữ được trách nhiệm của mình đối với nhân viên NHS khi không cung cấp đủ PPE để bảo vệ sức khỏe của các bác sĩ và y tá.”

    Royal College of Nursing cho biết nhân viên “không nên bị buộc phải lựa chọn giữa sự an toàn và sinh kế của họ.”

    Người phát ngôn nói thêm: “Những thiết bị này cần được nhanh cóng chuyển ra tiền tuyến.”

    Bộ trưởng Y tế Matt Hancock trước đó cho biết 7,5 triệu bộ thiết bị bảo hộ đã được xuất xưởng trong 24 giờ qua, bao gồm cả khẩu trang.

    Trong bối cảnh lo ngại về số lượng thiết bị bảo vệ sẵn có cho nhân viên tiền tuyến, ông nói rằng các lực lượng vũ trang đã tham gia vào việc chuyển giao các bộ dụng cụ này tới người cần.

    Ông nói: "Nếu mọi người đang làm việc ở tuyến đầu để chăm sóc chúng tôi, thì điều quan trọng là chúng tôi phải chăm sóc họ.”

    Lo lắng về nguồn cung thiết bị thiết yếu trong bệnh viện là vấn đề không chỉ tồn tại ở Anh. Các bác sĩ và y tá trên khắp thế giới đã cầu xin thêm nguồn cung cấp để điều trị cho số lượng bệnh nhân coronavirus đang tăng mạnh.

    Nhân viên y tế toàn cầu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị trầm trọng, như mặt nạ và máy thở, vốn rất quan trọng trong trận chiến chống lại Covid-19.

    Ở Pháp, các bác sĩ đã phải sử dụng mặt nạ của các công nhân xây dựng và nhà máy.

    Francois Blanchecott, một nhà sinh vật học ở bộ phận xét nghiệm, nói với đài phát thanh France Inter: "Có một cuộc chiến giành lấy khẩu trang phẫu thuật.

    "Chúng tôi đang hỏi các văn phòng thị trưởng, các ngành công nghiệp, bất kỳ doanh nghiệp nào có thể có tích trữ khẩu trang."

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh đang gia tăng và kêu gọi các nước hành động mạnh mẽ hơn và hợp tác hơn.

    Ông Hancock cho biết mới đây, 11.788 nhân viên NHS nghỉ hưu đã phản hồi lời kêu gọi quay trở lại làm việc – bao gồm 2.660 bác sĩ, hơn 2.500 dược sĩ, 6.147 y tá và các nhân viên khác.

    “Tôi muốn vinh danh từng người trong số những người đang quay trở lại NHS vào thời điểm trọng yếu này,” ông Hancock nói.

    Khoảng 5.500 sinh viên y khoa năm cuối và 18.700 sinh viên y tá năm cuối sẽ được chuyển sang tuyến đầu vào tuần tới.

    Ông Hancock cũng xác nhận rằng một bệnh viện dã chiến - bệnh viện NHS Nightingale - sẽ được mở tại trung tâm Excel ở London.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Người Anh được khuyên không nên chuyển nhà trong thời gian dịch coronavirus để tránh vi phạm các quy tắc về cách ly xã hội, trong bối cảnh thị trường bất động sản ở Anh tiếp tục hứng chịu một đòn tấn công nghiêm trọng.

    Với một số ngân hàng đã tạm dừng cung cấp các khoản thế chấp mua nhà, lệnh đình chỉ tất cả các hoạt động chuyển nhà của chính phủ sẽ khiến thị trường nhà ở đóng băng.

    Trong lời khuyên mới của chính phủ, bộ trưởng Nhà ở Robert Jenrick tuyên bố: "Người mua nhà và người thuê nhà, nếu có thể, hãy trì hoãn việc chuyển đến một ngôi nhà mới trong khi các biện pháp đang được áp dụng để chống lại coronavirus (COVID-19)."

    Thông báo nhanh chóng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán khi cổ phiếu của các công ty xây dựng giảm mạnh vào thứ Sáu, 27/3.

    Trong một nỗ lực để thúc đẩy thị trường, những đơn vị cho vay thế chấp đã đồng ý gia hạn tất cả các đề nghị cho vay mua nhà trong ba tháng để cho người vay có thêm thời gian hoàn thành giao dịch.

    Nhưng một số hãng cho vay, chẳng hạn như Virgin Money và Skipton Building Society, đã đình chỉ tất cả các đơn xin thế chấp mới cho đến khi khủng hoảng qua đi.

    Chính phủ cho biết cơ quan thương mại ngân hàng UK Finance đã đàm phán với các bộ trưởng về việc đóng băng thị trường mua bán nhà đất khi sinh hoạt thường ngày đang tạm thời bị trì hoãn để chống lại đại dịch.

    Lời khuyên mới của chính phủ về việc chuyển nhà nói rõ: "Do tình hình ở Anh liên quan đến sự bùng phát coronavirus (COVID-19), chúng tôi kêu gọi các bên liên quan đến hoạt động chuyển nhà cần thích nghi và linh hoạt thay đổi các quy trình thông thường của họ.

    "Không cần phải rút các giao dịch, nhưng tất cả chúng ta cần đảm bảo tuân theo hướng dẫn ở nhà và tránh xa mọi người, bao gồm các biện pháp cụ thể cho những người đang biểu hiện triệu chứng, tự cách ly hoặc che chắn. Ưu tiên sức khỏe của cá nhân và công chúng phải là ưu tiên hàng đầu.

    "Trường hợp nhà bạn cần chuyển vào đang trống, bạn có thể tiếp tục giao dịch này nhưng cần làm theo hướng dẫn về làm vệ sinh nhà cửa.

    "Trường hợp căn nhà đang có người ở, chúng tôi khuyến khích tất cả các bên làm tất cả những gì có thể để thỏa thuận ngày di chuyển, chờ đến khi các biện pháp cách ly hết hiệu lực."

    Nhưng lời khuyên cũng chỉ ra rằng: "Trong các quyền hạn thực thi khẩn cấp mới nhằm ứng phó với coronavirus mà cảnh sát được cung cấp, có miễn trừ đối với các hoạt động chuyển nhà cần thiết khi không thể thống nhất một ngày chuyển khác."

    Lời khuyên cũng cho biết: "Lời khuyên của chúng tôi là nếu bạn đã lên hợp đồng chuyển tới ngôi nhà đang có người ở thì tất cả các bên nên hợp tác để đồng ý trì hoãn hoặc tìm cách khác để giải quyết vấn đề này.

    "Nếu việc di chuyển là không thể tránh khỏi vì lý do hợp đồng và các bên không thể đạt được thỏa thuận trì hoãn, mọi người phải tuân theo lời khuyên về việc giãn cách xã hội để giảm thiểu sự lây lan của virus.

    Theo lời khuyên của chính phủ, bất kỳ ai có triệu chứng, đang tự cách ly nên làm theo lời khuyên y tế là không chuyển nhà trong thời gian này nếu có thể. 

    Người bán nhà được thông báo: "Việc rao bán nhà của bạn ra thị trường có thể khó khăn hơn bình thường trong giai đoạn này. Bạn không nên để khách đến xem nhà.

    "Bạn có thể nói chuyện với các đại lý bất động sản qua điện thoại và họ có thể cho bạn lời khuyên chung về thị trường bất động sản địa phương và xử lý một số vấn đề từ xa nhưng họ sẽ không thể tiếp thị nhà của bạn theo cách thông thường.

    "Nếu nhà của bạn đã có mặt trên thị trường, bạn có thể tiếp tục quảng cáo nó nhưng không nên cho phép mọi người đến xem nhà.

    "Không nên có bất kỳ khách nào đến nhà của bạn và do đó bạn không nên cho phép mọi người ghé thăm để xem xét căn nhà. Đại lý của bạn có thể tiến hành các tour xem nhà ảo và bạn có thể thảo luận với họ về phương pháp này.

    "Quá trình mua và bán có thể tiếp tục trong giai đoạn này nhưng bạn nên biết rằng quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường.

    "Bạn có thể tiếp tục chấp nhận các lời đề nghị giá liên quan đến ngôi nhà của mình, tuy nhiên quá trình bán có thể mất nhiều thời gian hơn.

    "Lời khuyên yêu cầu mọi người ở nhà và tránh xa người khác đồng nghĩa với việc bạn không nên mời khách vào nhà, kể cả những người mua hoặc cố vấn tiềm năng."

    Lời khuyên kết luận: "Một khi đã trao đổi hợp đồng, bạn đã ký một thỏa thuận pháp lý để mua căn nhà đó. Nếu căn nhà bạn mua không có người ở, bạn có thể tiếp tục giao dịch.

    "Nếu căn nhà bạn mua hiện đang có người ở, chúng tôi khuyên tất cả các bên nên trì hoãn việc trao đổi hợp đồng cho đến khi các biện pháp giới nghiêm của chính phủ kết thúc.”

    VietHome (Theo Sky News)

  • Số ca tử vong tại Italy đã tăng 889 trường hợp, đưa tổng số ca tử vong do virus này tại đây lên 10.023. Điều này khiến Italy trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới.

    Số người chết tử vong do nhiễm Covid-19 tại Italy đã đạt mức 10.023 vào hôm 28/3, tăng 889 trường hợp so với một ngày trước đó, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự của Italy.

    Italy cũng xác nhận 92.472 ca nhiễm, điều này khiến Italy trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong trong số những ca nhiễm cao nhất thế giới. Trung Quốc, nơi đại dịch bắt đầu, có số ca nhiễm là 81.997 nhưng số ca tử vong chỉ ở mức 3.299 ca, theo Đại học Johns Hopkins.

    Một chuyên gia chăm sóc sức khỏe kiểm tra một lọ chứa mẫu bệnh phẩm trong phòng xét nghiệm virus corona tại bệnh viện Cremona, Italy. Ảnh: Guardian

    Italy hiện có số ca nhiễm được xác nhận cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Mỹ có 105.470 ca nhiễm, nhưng cũng chỉ có 1.700 trường hợp tử vong vì virus.

    Điều này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi vì sao tỷ lệ tử vong tại Italy lại cao hơn các quốc gia khác.

    Các chuyên gia cho rằng đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố như đất nước này có dân số già và các xét nghiệm không được thực hiện đủ nhiều để cho thấy bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh tại đây.

    Độ tuổi trung bình của những người tử vong tại Italy sau khi dương tính với virus là 78, Viện Y tế nước này cho biết hôm 27/3.

    “Cho đến nay, hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng của Italy đang giữ lại sự sống cho rất nhiều người cao tuổi có bệnh nền nhiễm virus”, bác sĩ Massimo Galli, người đứng đầu khoa nhiễm tại một bệnh viện ở Milan nói với CNN.

    Nhưng những bệnh nhân này đang ở trong "tình trạng nguy hiểm và có thể dễ dàng tử vong vì nhiễm virus", ông nói thêm.

    Bác sĩ Galli cũng cho biết số ca bệnh được xác nhận ở Italy là "không thể hiện toàn bộ số người nhiễm bệnh” và “con số thực còn nhiều hơn nữa”. Ông Galli nói chỉ những ca bệnh nặng nhất mới được xét nghiệm, điều này làm sai lệch tỷ lệ tử vong.

    Theo Zing

  • Một người phụ nữ đã bị bỏ tù sau khi tuyên bố bản thân nhiễm coronavirus rồi ho vào mặt cảnh sát.

    Joanne Turner, 35 tuổi, trở nên hung hăng khi cảnh sát nói chuyện với cô vì cô đá và làm hỏng một chiếc ô tô bên ngoài ga tàu lửa vào khoảng 11 giờ tối thứ Tư, 25/3.

    Turner, từ Norwich, thừa nhận đã tấn công một nhân viên dịch vụ khẩn cấp tại Tòa án Sơ thẩm Norwich vào hôm thứ Năm.

    Cô ta cũng thừa nhận đã say rượu và gây mất trật tự ở nơi công cộng và gây thiệt hại hình sự.

    Cảnh sát Norfolk cho biết cô ta bị kết án ba tháng tù giam.

    Cảnh sát trưởng Dave Marshall nói: "Bất kỳ hành vi lạm dụng và đe dọa nào đối với các dịch vụ khẩn cấp đều không thể chấp nhận được dù là ở thời điểm nào.

    "Tuy nhiên, bản án này phản ánh mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa và hành động ho khiến người khác lo ngại có thể nhiễm COVID-19.

    "Điều này sẽ đóng vai trò như một lời cảnh báo rõ ràng rằng bất kỳ ai hành xử theo cách đe dọa như vậy đối với người khác trong đại dịch này sẽ gặp những hậu quả nghiêm trọng."

    Vụ việc xảy ra sau khi thông tin cho biết quân đội có thể được huy động hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong cuộc khủng hoảng coronavirus, trong đó một phần năm số lượng sĩ quan dự kiến ​​sẽ vắng mặt vì mắc bệnh trong trường hợp xấu nhất.

    Chủ tịch Hội đồng Cảnh sát trưởng Quốc gia (NPCC) Martin Hewitt cho biết các thành viên của lực lượng vũ trang sẽ đảm nhận vai trò văn phòng không liên quan đến người dân để lực lượng cảnh sát có thể tiến hành công việc trị an trên đường phố.

    Cơ quan này cũng tiết lộ cảnh sát đã áp dụng một số khoản tiền phạt cho những người vi phạm các nguyên tắc cách ly phong tỏa, chưa đầy 24 giờ sau khi luật mới có hiệu lực.

    Cảnh sát hiện nay được quyền yêu cầu công chúng đi về nhà, giải tán khỏi khu vực, được quyền dùng vũ lực và có thể bắt giữ nếu ai đó không hợp tác. Ai chống đối sẽ bị phạt lần đầu 60 bảng, giảm xuống còn 30 bảng nếu đóng phạt trong vòng 14 ngày. Nếu tái phạm sẽ bị phạt 120 bảng. Từ chối cung cấp tên và địa chỉ sẽ bị bắt giữ. 

    VietHome (Theo Sky News)

  • Số liệu mới nhất cho thấy số ca mắc coronavirus ở Anh đang tăng gấp đôi cứ sau 3-4 ngày.

    Chủ trì cuộc họp báo hàng ngày trên phố Downing, ông Michael Gove cho biết 140.000 người đã được xét nghiệm, và 17,089 trong số đó cho kết quả dương tính - tăng 2,885 ca trong 24 giờ qua.

    “Phân tích khoa học cho thấy tỷ lệ lây nhiễm tăng gấp đôi cứ sau 3-4 ngày, và trong số đó hơn 1.019 người đã qua đời,” ông nói thêm. “Chúng tôi xin chia buồn và cầu nguyện cho gia đình của những người đã qua đời.”

    “Những số liệu này là một lời nhắc nhở chúng ta cần phải hành động. Chúng ta cần làm chậm lại sự lây lan của virus và củng cố năng lực của NHS để bảo vệ tất cả chúng ta.”

    Ông Boris Johnson và Matt Hancock đã thông báo trên mạng xã hội rằng cả hai đều có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và đang tự cách ly với “triệu chứng nhẹ”.

    Ông Gove cho biết việc Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế đều nhiễm bệnh “là một lời nhắc nhở rằng loại virus này không phân biệt bất cứ ai.”

    “Tất cả chúng ta đều có nguy cơ,” ông cảnh báo.

    “Thực tế là virus không phân biệt cá nhân nào, dù họ là ai, và đây là một trong những lý do tại sao chúng ta cần phải có các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt để chúng ta có thể giảm tỷ lệ lây nhiễm và giảm áp lực lên NHS.”

    Giám đốc y tế của Anh, Giáo sư Chris Whitty, cũng đã thông báo trên Twitter rằng ông có các triệu chứng của coronavirus và cũng tự cách ly.

    Số lượng nhảy vọt các ca tử vong liên quan đến coronavirus ở Anh, 181 ca, là mức tăng lớn nhất trong ngày và tăng 31% so với số liệu được công bố hôm thứ Năm (26/3). Trong khi đó, giám đốc điều hành của NHS, Sir Simon Stevens cho biết nhân viên NHS sẽ bắt đầu được xét nghiệm coronavirus từ tuần tới, bao gồm các y tá chăm sóc quan trọng, nhân viên chăm sóc đặc biệt, nhân viên cứu thương và bác sĩ đa khoa.

    VietHome (Theo Metro)

  • Các bác sỹ và y tá ngành chăm sóc đặc biệt sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước, tiếp sau đó là đội ngũ nhân viên các khoa cấp cứu, nhân viên cứu thương và bác sỹ đa khoa tại cấp cơ sở.

    Đội ngũ y tế đang hoạt động trên tuyến đầu đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Anh sẽ bắt đầu được xét nghiệm từ cuối tuần này để xác định họ có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.

    Chính phủ Anh ngày 27/03 cho biết các bác sỹ và y tá ngành chăm sóc đặc biệt sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước, tiếp sau đó là đội ngũ nhân viên các khoa cấp cứu, nhân viên cứu thương và bác sỹ đa khoa tại cấp cơ sở.

    Động thái này được triển khai sau những chỉ trích và áp lực ngày càng gia tăng về tình trạng thiếu hụt xét nghiệm cho đội ngũ nhân viên y tế.

    Hiện tại, chỉ những bệnh nhân có triệu chứng nặng tại Anh mới được xét nghiệm.

    Sau quyết định này, công tác xét nghiệm bắt đầu được thực hiện với các nhân viên y tế đang có triệu chứng hoặc những người sống cùng người có triệu chứng.

    Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) cho rằng việc triển khai xét nghiệm sớm cho đội ngũ nhân viên y tế là điều lẽ ra phải được làm từ lâu trước đó.

    Chủ trì cuộc họp báo hàng ngày cập nhật tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove cho biết việc triển khai xét nghiệm sẽ giúp các nhân viên y tế và chăm sóc xã hội “yên tâm rằng họ có thể an toàn quay trở lại làm việc nếu kết quả xét nghiệm là âm tính.”

    Dự kiến, khoảng 800 nhân viên y tế hoạt động ở tuyến đầu sẽ được xét nghiệm ngay trong ngày 28/03, sau đó triển khai đồng loạt trong tuần tiếp theo.

    Chính phủ và các cơ quan chức năng về y tế và dịch bệnh Anh cũng khẳng sẽ mở rộng việc xét nghiệm rộng rãi cho các nhóm lao động khác, bao gồm các nhân viên dịch vụ công thiết yếu và nhân viên chăm sóc xã hội.

    Anh đã thành lập riêng 3 trung tâm xét nghiệm mới đi vào hoạt động ngay những ngày tới để xét nghiệm cho đội ngũ nhân viên y tế nhờ sự hỗ trợ tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu và hãng dược phẩm.

    Mẫu máu của nhóm nhân viên y tế hoạt động trên tuyến đầu tại những điểm nóng về dịch bệnh như thủ đô London sẽ được ưu tiên xét nghiệm đầu tiên.

    Hiện tại ở Vương quốc Anh, mới chỉ có đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia ở xứ Wales là được xét nghiệm sàng lọc virus.

    Tính đến ngày 27/03, tổng số ca tử vong tại Anh đã lên đến 759 người, với 14.543 ca được xác định dương tính với virus.

    Khoảng 6.200 bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện tại Vương quốc Anh./.

    Theo Vietnamplus

  • Karex Bhd, công ty có trụ sở tại bang Selangor, nhà sản xuất bao cao su lớn nhất thế giới, đã phải tạm thời đóng cửa vì COVID-19, dẫn đến sự thiếu hụt khoảng 100 triệu chiếc bao cao su.

    Theo Reuters, thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu bao cao su sau khi nhà sản xuất chủ chốt mặt hàng này có trụ sở tại Malaysia phải dừng sản xuất do COVID-19.

    Karex Bhd, công ty có trụ sở tại bang Selangor, nhà sản xuất bao cao su lớn nhất thế giới với sản lượng chiếm tới 1/5 tổng sản lượng toàn cầu.

    Trong 10 ngày qua, khi Malaysia áp dụng Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) nhằm ngăn chặn sự bùng phát của COVID-19 tại nước này, Karex Bhd đã phải tạm thời đóng cửa các nhà máy của mình.

    Điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt khoảng 100 triệu chiếc bao cao su trên thị trường thế giới. Đó là các sản phẩm mang nhãn hiệu Durex, thường được cung cấp cho Anh hoặc các chương trình viện trợ của Quỹ dân số Liên hợp quốc.

    Giám đốc điều hành công ty, ông Goh Miah Kiat cho rằng tình trạng thiếu hụt bao cao su sẽ xảy ra ở khắp nơi, nhất là ở châu Phi, và điều này quả thực là rất đáng lo ngại. Sự thiếu hụt mặt hàng tế nhị này có thể kéo dài hàng tháng, chứ không chỉ đơn thuần là vài tuần.

    Malaysia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á. Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển có hiệu lực đến hết ngày 14/4.

    Các nhà sản xuất bao cao su lớn khác bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, cũng đã và đang bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh này.

    Ngoài bao cao su, Malaysia còn là một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về mặt hàng găng tay y tế. Hoạt động sản xuất mặt hàng này cũng không phải ngoại lệ khi dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực sản xuất tại Malaysia.

    Theo ông Goh, bao cao su dù trong hoàn cảnh nào cũng là một mặt hàng thiết yếu do nhu cầu rất cao, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mọi người hầu hết đều không muốn sinh con. Hiện công ty của ông đang đề nghị chính phủ cho phép tái sản xuất với những điều kiện đặc biệt.

    Malaysia đã quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển, vốn lúc đầu được áp dụng từ ngày 18-31/3, thêm hai tuần sau khi các số liệu cho thấy, tình trạng chấp hành mệnh lệnh của người dân nước này chưa đạt được mức mong muốn.

    Mệnh lệnh này đã ảnh hưởng to lớn không chỉ đến đời sống sinh hoạt của người dân, mà còn với cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó có công ty chuyên về sản xuất bao cao su của nước này./.

    Theo Vietnamplus

  • Vài tuần qua đã chứng minh rằng ngay cả những người giàu có và quyền lực nhất thế giới cũng có khả năng nhiễm virus như bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, sự chú ý lại bị ít đặt lên những đối tượng dễ bị tổn thương nhất - những người nghèo, những người cực kỳ nghèo và những người vô gia cư.

    Vài tuần qua đã chứng minh rằng ngay cả những người giàu có và quyền lực nhất thế giới cũng có khả năng nhiễm virus như bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, sự chú ý lại bị ít đặt lên những đối tượng dễ bị tổn thương nhất - những người nghèo, những người cực kỳ nghèo và những người vô gia cư.

    Vấn đề này gần như đã trở thành một "khủng hoảng" ở Anh, nơi mà trong tuần này đã bắt đầu có những động thái mạnh mẽ đáp trả lại sự bùng phát của virus. Các kho thực phẩm từ thiện mà đã cứu trợ một phần nhỏ trong số 14 triệu người nghèo đang cạn kiệt tình nguyện viên. Rất nhiều tình nguyện viên đã buộc phải tự cách ly, và cũng trong tình trạng thiếu thực phẩm trầm trọng sau những đợt dự trữ đồ điên cuồng của mọi người.

    Tình hình cũng ảm đạm không kém đối với những người vô gia cư ở Anh, ước tính vào khoảng 320.000 người. Không thể làm theo chỉ định của chính phủ để tự cách ly, họ phải đối mặt với một cú đánh kép khi các dịch vụ cứu sống họ buộc bị đóng cửa khi họ cần nhất.

    Những người làm việc trong các nhà tạm trú cho người vô gia cư chia sẻ với CNN rằng cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ đã trở thành sự thật, với ít nhất một cơ sở buộc phải đóng cửa sau khi một trong những người vô gia cư trú tại đó chết vì COVID-19. Hầu hết những người trong nơi trú ẩn đó hiện đang ngủ ngoài đường và có khả năng tiếp xúc rất cao với những người mắc bệnh.

    Shelter, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cho người vô gia cư của Vương quốc Anh, ước tính số người ngủ trên đường phố đã tăng 165% kể từ năm 2010.

    Đó là những ngày tháng đặc biệt. Đó là năm Vương quốc Anh đi từ một chính phủ Lao động trung tả sang một chính quyền lãnh đạo bảo thủ hữu tả. Và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, chính phủ đã bắt tay vào thực hiện các chính sách cắt giảm triệt để chi tiêu nhà nước. "Thông điệp rất rõ ràng... chúng tôi cần cắt giảm để cân bằng tình hình kinh tế", Garry Lemon, giám đốc chính sách của Trussell Trust, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các kho thực phẩm từ thiện ở Anh cho biết. "Có rất nhiều các hình thức hỗ trợ, nhưng hàng tỷ bảng Anh đã được dùng để hỗ trợ cộng đồng trên diện rộng."

    Tuy nhiên các nhà phê bình tin rằng các chính sách của chính phủ trong thập kỷ qua đã khiến hệ thống an sinh xã hội phải thỏa hiệp nhiều lần. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tác động kết hợp của các chính sách đó lên tới trung bình 3.000 bảng Anh mỗi năm (3.560 USD) đối với người nghèo nhất", Clare McNeil từ nhóm nghiên cứu IPPR nói.

    Lemon nói thêm rằng nghiên cứu của tổ chức của ông đã chỉ ra mối liên hệ giữa các chính sách này và sự gia tăng "tình trạng vô gia cư và nhu cầu sử dụng kho thực phẩm từ thiện".

    Kho thực phẩm từ thiện hiện là một chủ đề nóng, đặc biệt trong bối cảnh virus corona bùng phát và cách nó ảnh hưởng đến những người nghèo khó nhất trong xã hội. "Phần lớn các tình nguyện viên của chúng tôi đã nghỉ hưu. Một số người thậm chí sức khỏe còn không tốt vì đã trên 70 tuổi rồi", Allison, một trong bảy tình nguyện viên tại một kho cứu trợ thực phẩm độc lập ở Anh nói.

    "Chúng tôi cũng cho phép các tình nguyện viên khác tránh tụ tập lại và tuân theo những quy định của chính phủ. Nhưng có một vấn đề rất lớn. Bây giờ, nếu một thành viên trong gia đình ho, họ sẽ nghỉ ngay lập tức."

    Lemon chỉ ra rằng đây không phải là vấn đề duy nhất mà các kho thực phẩm cứu trợ phải đối mặt. "Với việc các doanh nghiệp đóng cửa và tình trạng an sinh xã hội như hiện tại, chúng ta phải đối mặt với sự gia tăng nhu cầu. Chúng tôi cũng phải đối mặt với trách nhiệm duy trì nguồn cung thực phẩm của mình."

    Hoảng loạn tích trữ hàng hóa đã khiến các kệ hàng ở Anh trống rỗng, buộc các siêu thị phải phân phối số lượng cố định mà cá nhân có thể mua. Đối với các kho thực phẩm nhỏ như Allison, đó là một vấn đề thực sự. "Mua tích trữ đồng nghĩa với việc các siêu thị phải ra hạn mức mua sắm, vì vậy mọi người không thể mua dư thừa để quyên góp. Đối với những người phải sử dụng thức ăn trong kho dự trữ, cuộc sống của họ vốn đã rất khó khăn. Và bây giờ thậm chí còn không có đồ ăn."

    Nguồn cung về tình nguyện viên và thực phẩm là một vấn đề quan trọng. Đáng nói thêm, nghiêm trọng hơn cả là tình trạng thể chất của những người liên quan. "Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bà mẹ đơn thân, người khuyết tật... những người này đều phụ thuộc quá nhiều vào các kho cứu trợ", Lemon nói.

    Tiến sĩ Onkar Sahota, thành viên của Hội đồng Luân Đôn và là bác sĩ gia đình tại Cơ quan Y tế Anh, nói rằng "những người nghèo dễ bị nhiễm bệnh bởi trong nhiều trường hợp, sức đề kháng của họ sẽ không tốt bằng những người giàu có hơn". Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, ông nói rằng "hệ thống miễn dịch của họ có thể kém hơn nữa bởi họ ít được tiếp cận với thực phẩm và khó duy trì lối sống lành mạnh".

    Sahota tiếp tục giải thích rằng trong một số trường hợp, người nghèo sẽ gặp khó khăn trong việc tự cách ly - đặc biệt là trong trường hợp người vô gia cư".

    Matt Downie, giám đốc chính sách cho Crisis, một tổ chức từ thiện ở tuyến đầu ở Anh, giải thích: "Nếu bạn ở trong một nhà tạm trú vào ban đêm, bạn đang ở trong một không gian chung, ngủ bên cạnh những người khác trên sàn nhà, nơi bạn phải chia sẻ các thiết bị vệ sinh. Lời khuyên mà chính phủ đưa ra là nên tự cách ly và giữ cho bản thân sạch sẽ là vô ích đối với những người trong tình huống đó. "Bạn có nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp nghiêm trọng gấp ba lần nếu bạn vô gia cư và độ tuổi tử vong trung bình là 44 nếu bạn vô gia cư, "ông nói thêm.

    McNeil tin rằng cuộc khủng hoảng vô gia cư của Vương quốc Anh đã bị làm trầm trọng thêm bởi các biện pháp thắt lưng buộc bụng. "Những người vô gia cư đã bị ảnh hưởng vì sự tài trợ cho chính quyền địa phương đã bị cắt giảm, vì vậy những dịch vụ hỗ trợ địa phương đã phải đóng cửa," cô nói.

    Những thách thức mà tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội phải đối mặt không có gì mới. Các nhà vận động hy vọng rằng cuộc khủng hoảng này ít nhất sẽ khiến xã hội có nhận thức rõ ràng hơn về tình trạng khốn khó của những người nghèo và vô gia cư. "Covid-19 phơi bày những vết nứt trong xã hội - những người có thế chấp và thu nhập thường xuyên có thể đột nhiên thấy mình phải đối mặt với những vấn đề tương tự như những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội", Sahota nói.

    McNeil chỉ ra rằng những người đã quen với việc có thu nhập an toàn có thể thấy mình dựa vào nhà nước. Và cô ấy nghĩ rằng chính phủ có thể phải làm cho những lợi ích này trở nên hào phóng hơn, với sự đổ bộ đột ngột của những người đã quen với một cách sống nhất định. 

    "Những người có thu nhập trung bình, những người đột nhiên thấy mình cần an sinh xã hội, không thể chịu được việc sống dưới 100 bảng Anh mỗi tuần," cô nói. Tất nhiên, điều đó sẽ gây áp lực rất lớn cho chính phủ để tăng chi tiêu cho phúc lợi đất nước - 10 năm sau chính sách cắt giảm mạnh tay của chính phủ.

    Tất cả những điều đó đưa chúng ta trở lại với vấn đề chính trị. Đến một lúc nào đó, cuộc khủng hoảng này sẽ lắng dịu. Và khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ sống trong một trật tự bình thường mới. Chính phủ bảo thủ hiện tại sẽ phải trợ cấp cho các doanh nghiệp và cá nhân. Sahota tin rằng nó sẽ chứng minh rằng "thắt lưng buộc bụng là một quyết định mang tính chính trị, hơn là lời bào chữa cho việc chúng ta không có lựa chọn nào khác."

    Có thể là khi tất cả được nói và làm, những người sống trong thoải mái trước đây đột nhiên buộc phải nhìn thẳng vào sự đói nghèo, sẽ đồng ý với Sahota và không thể chấp nhận rằng sự thận trọng về kinh tế quan trọng hơn việc chăm sóc cuộc sống của đồng bào.

    Sự bùng phát này sẽ thay đổi nhiều thứ, và không rõ có bao nhiêu trong số đó sẽ trở lại như cũ khi tất cả đã kết thúc. Thế giới sẽ đi về đâu vẫn là một điều tất cả chúng ta đều tò mò. Nhưng, nếu những dự đoán hiện tại là đúng, phương Tây mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của những biến chuyển."

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Quan chức một xã tại thành phố Santa Cruz, Philippines, đã nhốt 5 người ra đường ban đêm, vi phạm lệnh phong tỏa, vào chuồng chó.

    Theo Philippines Stars, vụ việc xảy ra hôm 21/3 tại thành phố Santa Cruz, tỉnh Laguna của Philippines. Chủ tịch Frederick Ambrocio của xã Gatid ra lệnh nhốt 5 người vào chuồng chó sau khi nhóm người này ra đường vào ban đêm, vi phạm lệnh phong tỏa.

    Sở cảnh sát thành phố Santa Cruz cho biết nhân viên tuần tra của xã Gatid đã bắt gặp nhóm 5 người đi bộ tới nhà của một người khác vào lúc 10 giờ đêm. Trong nhóm 5 người này có 2 trẻ vị thành niên.

    Nhóm 5 người vi phạm lệnh phong tỏa bị phạt ngồi trong chuồng chó. Ảnh: Philippines Stars.

    "Nhóm này được đưa tới trụ sở xã Gatid và gặp Chủ tịch Frederick Ambrocio. Người này đe dọa bắn họ nếu họ không chấp nhận chui vào chuồng chó và ở trong đó 30 phút trước khi được thả", cảnh sát thành phố Santa Cruz cho biết.

    Bức ảnh nhóm người vi phạm lệnh giới nghiêm chịu hình phạt nhốt trong chuồng chó đã được đăng tải trên mạng xã hội. Trên Twitter, ông Ambrocio cho biết nhân viên tuần tra của xã Gatid đã yêu cầu nhóm này về nhà nhưng bị từ chối. Nhóm 5 người này được miêu tả là say rượu và đã chửi tục đối với các nhân viên tuần tra.

    Ông Ambrocio hiện đối mặt cáo buộc vi phạm đạo luật bảo vệ trẻ em của Philippines, do có 2 trẻ vị thành niên trong nhóm người vi phạm lệnh phong tỏa bị nhốt trong chuồng chó.

    Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban bố lệnh phong tỏa trên toàn đảo Luzon, có hiệu lực từ ngày 16/3. Ông Duterte nhấn mạnh quan chức các xã phải chịu trách nhiệm thực thi lệnh phong tỏa và tích cực ra tận hiện trường để kiểm soát sự di chuyển của người dân, nếu không có thể bị cách chức.

    "Đừng có sự dịch bệnh, đừng có sợ. Nếu có xã trưởng nào lười biếng, tôi sẽ xử lý hắn ta", Tổng thống Duterte tuyên bố.

    Theo Zing

  • Số lượng ca nhiễm COVID-19 đang tăng lên mỗi ngày buộc Chính phủ Anh phải cho cải tạo, biến sân bay Birmingham thành một nhà xác khổng lồ để đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra.

    Sân bay Birmingham đang được cải tạo để trở thành nhà xác tạm khi hạt West Midlands (Anh) đang trở thành điểm nóng tại Anh với số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tăng nhanh - Ảnh: HELLOCOV

    Sân bay Birmingham nằm cạnh Trung tâm Triển lãm quốc gia tại thành phố Birmingham (hạt West Midlands) ban đầu có sức chứa 1.500 thi thể sẽ được biến thành nhà xác tạm thời với sức chứa tới 12.000 thi thể trong tình huống xấu nhất.

    Với không gian này, nhà xác tạm sẽ tiếp nhận tất cả các trường hợp tử vong trên toàn hạt, bao gồm cả những người chết vì các lý do không liên quan đến COVID-19.

    Người phát ngôn của sân bay Birmingham cho biết họ sẽ làm hết sức để phối hợp cùng nhóm điều phối chiến lược West Midlands và Warwickshire, cơ quan cảnh sát, hội đồng địa phương và các cơ quan khác để thực hiện nhiệm vụ này.

    Biến sân bay thành nhà xác là điều không ai mong muốn nhưng trong tình thế hiện nay, biện pháp này được nhiều chuyên gia cho là cần thiết. 

    “Chúng tôi hiểu rằng đây là thời gian rất khó khăn với tất cả mọi người và chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để bảo đảm các gia đình tang quyến biết điều gì đang xảy ra với người thân của họ và sẽ làm tang lễ sớm nhất có thể”, Thanh tra Birmingham, ông Louise Hunt, khẳng định. 

    Anh hiện đang có 14.543 ca nhiễm, 759 ca đã tử vong. Trong đó, hơn 1/3 số ca nhiễm và tử vong là người trong hạt West Midlands, biến hạt này trở thành "điểm nóng" lây nhiễm COVID-19 của Anh. 

    Điều này được đổ lỗi do quá trình xét nghiệm chậm trễ của các cơ quan y tế địa phương khi có những ca bệnh phải chờ tới 5 ngày mới được xét nghiệm. 

    Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng việc có nhiều sinh viên quốc tế, niềm tin tôn giáo và nỗi lo bị kỳ thị, sợ sống cách ly khỏi xã hội cũng là lý do khiến ca nhiễm tại hạt này tăng nhanh, theo Guardian.

    Sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock xác nhận nhiễm COVID-19 và đang phải cách ly, Giám đốc Y tế Anh – Giáo sư Chris Whitty cũng cho biết ông đã xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh và đang tự cách ly ở nhà.

    Chính phủ Anh hiện đang cung cấp 1,6 tỉ bảng cho các cơ quan liên quan để đối phó với dịch COVID-19.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Trẻ em Thụy Điển tiếp tục đến trường, hàng quán vẫn mở cửa, nhiều người đổ xô tới công viên tận hưởng nắng xuân giữa "bão Covid-19".

    Bất chấp số ca nhiễm nCoV gia tăng và ngày càng nhiều ý kiến bất bình của các nhà dịch tễ học, các chuyên gia y tế của chính phủ Thụy Điển ngày 25/3 vẫn bảo vệ quan điểm không phong tỏa đất nước và đóng cửa nền kinh tế, như cách hầu hết thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã làm trong cuộc chiến chống Covid-19.

    Ander Tegnell, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của chính phủ Thụy Điển, cho rằng chiến lược chống Covid-19 "một mình một kiểu" này của Stockholm cho thấy cách thức hoạt động độc lập của các cơ quan chính phủ như Cục Y tế Công cộng, cũng như sự miễn cưỡng của các chính trị gia trong việc khước từ khuyến nghị từ các chuyên gia.

    Người dân Thụy Điển vẫn tập trung tại một nhà hàng ở Stockholm hôm 26/3. Ảnh: Reuters.

    "Vị trí chuyên gia của tôi có vẻ không có thực quyền, nhưng các cơ quan ở Thụy Điển làm việc với nhau theo một thể thống nhất. Đây không phải là những quyết định tôi tự đưa ra trong văn phòng nhỏ của mình", Tegnell nói.

    Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng bản thân sẽ hứng chỉ trích nếu tỷ lệ nhiễm nCoV tăng nhanh và Thụy Điển đối mặt với hoàn cảnh tương tự Italy hay Tây Ban Nha.

    "Dĩ nhiên, tôi và cơ quan sẽ bị đổ lỗi. Tôi cũng ý thức được điều đó. Nhưng tôi còn cảm thấy tệ hơn nếu đưa ra nhiều quyết định cho những thứ không chắc chắn và những điều sai lầm. Thay vào đó, chúng tôi muốn đưa ra những quyết sách mà mình chắc chắn hơn nhiều", ông nói.

    Trong khi hai quốc gia láng giềng là Na Uy và Đan Mạch đã ra lệnh đóng cửa tất cả trường học và cấm tụ tập trên 10 người để ngăn Covid-19, cuộc sống ở Thụy Điển hầu như không thay đổi.

    Chính phủ chỉ cấm những sự kiện trên 500 người tham dự, khuyến nghị người hay vào quán rượu và nhà hàng nên ngồi bàn riêng thay vì ngồi ở quầy, đồng thời khuyên mọi người chỉ sử dụng phương tiện công cộng trong trường hợp thực sự cần thiết. Những người bị ốm và có triệu chứng giống như nhiễm nCoV chỉ cần đợi thêm hai ngày sau khi khỏe lại để tiếp tục đi làm hoặc đi học.

    Những lời khuyên này không thay đổi ngay cả khi số ca nhiễm nCoV ở Stockholm tăng vọt trong những ngày gần đây, khiến Giám đốc Sở Y tế thành phố Björn Eriksson kêu gọi mọi người giúp đỡ để ngăn dịch lây lan.

    "Bão đang xuất hiện ở đây. Chúng tôi không biết nó đã xuất hiện trong bao lâu nhưng chắc chắn nó sẽ ngày càng tệ hơn", Eriksson nói và thêm rằng có 18 bệnh nhân đã chết ở khu vực này trong 24 giờ qua, gấp đôi số người chết được cập nhật hàng ngày.

    Nhiều người dân Thụy Điển có những phản ứng trái chiều về chiến lược chống dịch kiểu "ngược đường" của chính phủ.

    "Tôi nghĩ nó hơi vô trách nhiệm. Họ nên làm nhiều hơn thế", một phụ huynh đón con gái ở cổng trường Västra Skolan tại Malmö nói về cách làm trái ngược của Thụy Điển so với quê hương Đan Mạch của anh.

    Anh cũng phàn nàn rằng nhiều đứa trẻ có bố mẹ bị ốm, có triệu chứng giống nhiễm nCoV, vẫn được cho phép vào lớp, miễn là bản thân chúng không có triệu chứng bệnh.

    "Tôi nghĩ họ đã quá xem nhẹ nó. Hầu như mọi nơi vẫn mở cửa và tình hình sẽ ngày càng xấu đi. Mọi người đều thấy lo lắng về nó", Rosaline Abugiche nói khi tới trường đón con gái Ellen Ruth. 

    Nhưng một số phụ huynh lại cảm thấy thoải mái hơn. "Tôi nghĩ Thụy Điển và Anh là số ít quốc gia có cái nhìn thực sự khách quan về toàn bộ sự việc, nhưng Anh sau đó đã sợ hãi và đóng cửa đất nước", Johan Heander, một phụ huynh, cho hay. 

    Thụy Điển quyết định không đóng cửa trường học bởi ở đất nước này, chuyện cha mẹ ở nhà trông con là điều chưa từng có. Giới chức y tế tin rằng động thái này sẽ khiến đất nước mất đi ít nhất 1/4 lực lượng lao động và thậm chí là một tỷ lệ cao hơn trong lĩnh vực y tế. Đóng cửa trường học cũng sẽ khiến nhiều đứa trẻ đi chơi bên ngoài, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người cao tuổi. Nếu ông bà được nhờ trông cháu, họ thậm chí còn đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. 

    Tegnell tranh luận rằng có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu quả của biện pháp phong tỏa đang được thực hiện khắp châu Âu.

    "Họ chỉ nghiên cứu về cúm, nhưng cúm rất khác và ngay cả khi phải đóng cửa vì cúm, biện pháp này cũng nên được thực hiện ở giai đoạn sau. Hơn nữa, bạn không thể đóng cửa trường học trong một thời gian dài. Nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em, không chỉ về mặt giáo dục mà còn về sức khỏe. Do đó, nếu có phải đóng cửa trường học, bạn nên làm điều đó vào thời điểm quan trọng nhất", Tegnell nói.

    Ông cũng lưu ý rằng, không giống Tây Ban Nha và Italy, các gia đình nhiều thế hệ sống chung rất hiếm thấy ở Thụy Điển, nên nước này sẽ dễ dàng cách ly những người già dễ bị tổn thương nhất. 

    "Chúng tôi có sự phân biệt thế hệ rất rõ ràng ở Thụy Điển và đây chắc chắn là điều khá khác biệt so với các quốc gia châu Âu còn lại. Người già chỉ gặp gỡ người già và thanh niên chỉ tiếp xúc với người đồng trang lứa. Tôi nghĩ điều đó mang tới cho chúng tôi cơ hội tốt hơn để bảo vệ những người cao tuổi", ông nói. 

    Nhưng giới chuyên gia lại bất đồng quan điểm về cách chống Covid-19. Ngày 10/3, một nhóm bác sĩ cùng nhà nghiên cứu đã đăng bài viết trên tờ báo y khoa hàng đầu Thụy Điển để cảnh báo về "tác động khủng khiếp" có thể xảy ra với nền y tế nước này nếu không có những hành động quyết liệt hơn.

    Nhân viên y tế trong phòng điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Karolinska, Stockholm. Ảnh: Claudio Bresciani.

    Hôm 24/3, hơn 2.000 nhà nghiên cứu và giáo sư đại học nổi tiếng đã gửi một bức thư kiến nghị tới chính phủ để kêu gọi đưa ra biện pháp ngăn dịch mạnh tay hơn.

    "Tôi có cảm giác rằng họ muốn để cho dịch lây lan tự nhiên để tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng đó là biện pháp đáng sợ phải trả giá bằng tính mạng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người", Olle Kämp, giáo sư tại Học viện Karolinska, đại học y hàng đầu Thụy Điển và là một trong số tác giả của bức thư, cho biết.

    Hiện giờ còn quá sớm để nói đại dịch sẽ diễn tiến thế nào. Thụy Điển đã phát hiện 2.840 ca nhiễm, trong đó có 77 ca tử vong, xếp thứ 21 trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên thế giới. Riêng thủ đô Stockholm đã ghi nhận 66 người chết, tương tương 6,5 ca tử vong trên một triệu dân, tính đến ngày 25/3.

    Hệ thống y tế Thụy Điển đến nay mới bắt đầu cảm nhận tình hình căng thẳng ở Stockholm. Nếu tình hình diễn tiến nghiêm trọng hơn, quân đội Thụy Điển sẽ triển khai bệnh viện dã chiến tại một trung tâm hội nghị lớn nhất thành phố.

    Tegnell thừa nhận chiến lược của ông không phải không có rủi ro. "Chúng tôi chỉ cố gắng làm chậm tốc độ của Covid-19 bởi dịch bệnh này sẽ không thể biến mất. Nó sẽ quay lại dù bạn kiểm soát nó. Như Hàn Quốc cũng thừa nhận họ tin rằng nó sẽ trở lại. Ngăn chặn sự lây nhiễm hoàn toàn thậm chí có thể phản tác dụng, bởi bạn đang dồn nén nguy cơ lây nhiễm và một khi cánh cổng mở ra, nó có thể dẫn tới một kết cục nghiêm trọng hơn rất nhiều", Tegnell nói.

    Theo VnExpress

  • Tổng số ca nhiễm bệnh tính đến hôm nay là 14,543 người, trong đó đã có 759 ca tử vong. Số ca tử vong ở UK tăng thêm 181 người so với hôm qua, nghĩa là đã tăng 31% trong vòng 24h. 

    Đã có 113.777 người được xét nghiệm, trong đó 99.198 cho kết quả âm tính.

    Trong số các ca tử vong mới vào hôm nay, 168 ca là ở England, nâng tổng số người chết ở England lên con số 689.

    Độ tuổi tử vong là từ 29-98 tuổi.  Ngoại trừ 4 trường hợp không có bệnh lý nền, thì tất cả các trường hợp còn lại đều có bệnh lý nền và từ 82-91 tuổi.

    Ở Scotland đã có thêm 8 người tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 33 người/1059 ca nhiễm.

    Wales có thêm 6 người chết, nâng tổng số ca lên 34. Bắc Ailen có thêm 34 ca dương tính.

    Điểm tin chính:

    - Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock và Giám đốc Y khoa Anh Chris Whitty đều công bố nhiễm Covid-19 vào hôm nay.

    Ông Johnson sẽ cách ly 7 ngày tại số 11 phố Downing, vốn là nơi cư trú của Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, nơi đã lắp đặt hệ thống họp hội nghị dưới hình thức video.

    Giáo sư Chris Whitty đã nhiều lần thúc giục chính phủ nhanh chóng có biện pháp xử lý khủng hoảng Covid-19, gần đây gương mặt ông thường xuyên xuất hiện trên các quảng cáo thông tin cộng đồng. Ông và ông Matt Hancock cũng sẽ cách ly 7 ngày và tiếp tục điều hành công việc từ xa.

    Người đứng đầu Văn phòng Nội các, ông Michael Gove, và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak chưa được xét nghiệm vì chưa xuất hiện triệu chứng.

    - Cựu Chủ tịch Hội đồng Sunderland, bà Margaret Beck, đã tử vong sau khi nhiễm coronavirus. Bà nhập viện hôm thứ Tư và qua đời vào sáng Thứ sáu 27/3.

    - Một nữ sinh 16 tuổi người Pháp, được xác nhận là ca tử vong trẻ nhất ở EU do nhiễm coronavirus. Cô Julie A xuất hiện triệu chứng chưa đầy 1 tuần, và không có bệnh lý nền. Bác sĩ ban đầu cho rằng cô sẽ qua khỏi.

    Nạn nhân Julie, 16 tuổi.

    Cô gái phát bệnh vào ngày 21/3 và được nhân viên cứu hỏa đưa đến bác sĩ 2 ngày sau, ở đây cô được xét nghiệm dương tính với corona và nhanh chóng bị suy hô hấp. Cô nhanh chóng được chuyển sang bệnh viện khác ở Paris và tỏ ra rất mệt mỏi. Nhưng sau khi các bác sĩ nói cô không sao, thì cô được cho về nhà trong đêm. Giáo sư Jerome Salomon nói rằng Julie là nạn nhân của một biến thể nặng của virus corona, và cực hiếm ở người trẻ.

    Mọi đồ đạc tư trang của cô gái sẽ bị hỏa thiêu. Mẹ cô cố gắng giữ lại vòng tay và dây chuyền của con gái. Julie sẽ không được thay quần áo sạch sẽ hay trang điểm lần cuối. Hòm được chuyển tới ngay trong ngày.

    - Hôm nay, một viên cảnh sát đã chặn một người đàn ông ở Perth, Scotland, cảnh báo anh ta phải về nhà. Khi cảnh sát hỏi ''Anh có nhiễm Covid-19 không?'', người này gật đầu. Cảnh sát la lớn: ''Anh nói là anh nhiễm đấy à? Anh đang giết người đấy, về nhà cách ly mau.'' Người đàn ông cuối cùng cũng chịu rời khỏi khu vực.

    Người đàn ông ngoan cố ở Scotland.

    Cảnh sát hiện nay được quyền yêu cầu công chúng đi về nhà, giải tán khỏi khu vực, được quyền dùng vũ lực và có thể bắt giữ nếu ai đó không hợp tác. Ai chống đối sẽ bị phạt lần đầu 60 bảng, giảm xuống còn 30 bảng nếu đóng phạt trong vòng 14 ngày. Nếu tái phạm sẽ bị phạt 120 bảng. Từ chối cung cấp tên và địa chỉ sẽ bị bắt giữ. 

    Hội đồng Neath Port Talbot đã sử dụng drone có gắn loa phát thanh để yêu cầu đám đông giải tán. Tuy nhiên, nhiều người phàn nàn rằng họ đang xếp hàng hàng giờ để mua thuốc và thực phẩm, thì lại trở thành mục tiêu của drone.

    Viethome (theo Mirror/Metro)

  • Cha già đột ngột ra đi sau giấc ngủ nhưng ngày tiễn ông về nơi yên nghỉ cuối cùng, con cháu ở nước ngoài không thể về Việt Nam để tang vì dịch Covid-19.

    Đám tang cụ Duyên con cháu không thể về vì dịch Covid-19. ẢNH: KHÔI NGUYÊN

    Đột ngột mất sau giấc ngủ

    Cụ Trần Phước Duyên (91 tuổi, ba ông Dũng, ngụ ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, Long An) gia đình giàu có. Mọi sinh hoạt trong nhà đều nề nếp, con cháu tuyệt đối nghe lời ông bà, cha mẹ. Cụ luôn hướng cho con học hành đến nơi đến chốn.

    Ở tuổi 91, cụ Duyên từng đạp xe 4 cây số mỗi ngày ra thăm cánh đồng lúa gần 5 ha nằm cạnh KCN Long Hậu.

    Thói quen từ lâu nay của cụ Duyên là không ra quán, tiệm ngồi ăn. Mọi vật dụng trong nhà đều ngăn nắp, sạch sẽ. Đó cũng có thể là “bí quyết” để cụ giữ gìn sức khỏe một cách tốt nhất.

    Ông Trần Văn Dũng (58 tuổi, con cụ Duyên) kể, khoảng 6 giờ 30 ngày 16.3, mọi người thức dậy dọn dẹp. Thường lệ, cụ Duyên sẽ ra trước sân tập vài động tác thể dục trước khi vào ngồi nhâm nhi tách trà nhưng hôm đó phòng cụ đóng cửa. Cảm thấy lo lắng, ông Dũng kêu cửa nhiều lần nhưng không nghe tiếng trả lời. Lúc đẩy cửa bước vào bên trong, ông thất thần khi phát hiện ba đã mất tự lúc nào. Trên người cụ vẫn đắp cái mền bông.

    “Anh ba, chị tư cùng các cháu hiện sống tại Mỹ. Nhận tin ba mất, ai cũng nóng lòng, cứ 1 - 2 tiếng là gọi điện về hỏi thăm hữu sự, lo tang ra sao, nơi ba an nghỉ cuối cùng… Hết anh, chị đến các cháu, cứ nói chuyện làm cả nhà rối bời tâm trạng. Vừa xót thương người ra đi, vừa nóng ruột vì anh, chị và các cháu ở phương trời xa không thể về Việt Nam. Nếu không có dịch Covid-19 thì họ đã quỳ trước quan tài của ba tôi lúc này”, ông Dũng nói trong nước mắt. 

    Đám tang con cháu không thể về

    Đang lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi, mọi người đều hết sức thận trọng, tránh tập trung nơi đông người. Những người ở xa, bà con thân thuộc đến chia buồn xong đều tranh thủ về.

    Ông Phạm Văn Hữu (47 tuổi, ngụ cùng địa phương) cho biết lúc đông nhất cũng chỉ khoảng 15 người đến viếng. “Họ vào thắp nhang xong ra ngoài nói chuyện, sau đó ai cũng ra về rất nhanh”, ông Hữu nói.

    Đoàn xe tiễn cụ Duyên về nơi yên nghỉ cuối cùng. ẢNH: KHÔI NGUYÊN

    Anh Nguyễn Văn Ky (30 tuổi, người giữ xe đám tang) cho biết đám tang đã buồn. Vào bàn ngồi nói chuyện, ai cũng bàn về dịch bệnh Covid-19. Đám tang không kèn, trống, cũng không có thầy cúng. Sự vắng vẻ đó làm cho ngôi nhà rộng thênh thang càng thêm lạnh khi trời về khuya.

    Cụ Duyên có hai người con cùng 4 người cháu sinh sống tại Mỹ từ mấy chục năm nay. “Nhận tin ba mất, anh ba và chị tư tôi rất sốt ruột nhưng không biết làm sao về. Đám tang chỉ để 3 ngày, nếu hai người con từ Mỹ làm thủ tục bay về Việt Nam mất 2 ngày, sau đó cách ly theo quy định 14 ngày thì về nhà mọi việc xem như đã an bài”, ông Dũng nói.

    Lúc 8 giờ ngày 18.3, cụ Duyên được đưa về yên nghỉ ở nơi mà ông đã chọn trước đó cho cuộc đời mình. Con cháu theo tiễn đưa vắng mặt khá nhiều; bà con, hàng xóm chỉ hơn chục người. Tiếng nấc của ba người con sống cùng ông bao năm nay hòa tan theo cơn gió và cái nắng nóng như thiêu đốt của mùa hạn miền Tây.

    Theo Thanh Niên

  • Một tổ chức từ thiện ở Anh đã hợp tác với các nhà khoa học để nghiên cứu xem liệu những chú chó có thể giúp phát hiện COVID-19 thông qua khứu giác nhạy bén hay không.

    Chó được huấn luyện ngửi mùi Covid-19

    Tổ chức Medical Detection Dogs (MDD) đã phối hợp với trường Y học Nhiệt đới, Vệ sinh London (LSHTM) và Đại học Durham (Anh) để xác nhận xem chó có thể chẩn đoán COVID-19 hay không.

    Dựa trên một số nghiên cứu, mỗi một bệnh sẽ có một mùi riêng biệt. Dựa vào đó, những chú chó có thể dễ dàng phát hiện ra một vài bệnh, trong đó có bệnh sốt rét.

    Chó có thể nhận biết được sự thay đổi của nhiệt độ cơ thể, do đó chúng có khả năng phát hiện xem nhiều người có bị sốt hay không. “Về nguyên tắc, chắc chắn chó có thể phát hiện được mùi của Covid-19”, bà Claire Guest, giám đốc điều hành MDD cho biết.

    Bà Guest chia sẻ thêm: “Chúng tôi sẽ tiến hành lấy mùi của virus corona gây bệnh COVID-19 từ bệnh nhân và đưa cho chó ngửi với mục đích huấn luyện chúng sàng lọc bệnh nhân. Nếu thành công, điều này sẽ giúp đảm bảo nguồn cung hạn chế bộ xét nghiệm COVID-19 ở Anh”.

    Thanh niên dắt chó đi dạo giữa mùa dịch ở New York.

    Các chuyên gia Anh cho biết họ sẽ huấn luyện chó ngửi mùi COVID-19 trong 6 tuần nhằm cung cấp biện pháp chẩn đoán nhanh chóng.

    Trước đó, tổ chức MDD cũng đã huấn luyện thành công những chú chó để phát hiện một số bệnh như ung thư, Parkinson bằng cách cho chúng đánh hơi các mẫu lấy từ bệnh nhân.

    Chuyên gia Steve Lindsay tại Đại học Durham cho biết sau khi huấn luyện xong, kế hoạch này sẽ được triển khai tại các sân bay, giúp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại.

    Theo một vài nghiên cứu từ Học viện Y khoa Pháp, chủ nhân thú cưng cần phải rửa tay sạch sẽ sau khi vuốt ve chó hoặc mèo vì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ động vật vẫn chưa được loại bỏ.

    Theo Tiền Phong

  • Vương quốc Anh cho biết sẽ dùng các xe cứu hoả để phân phối thực phẩm, vận chuyển thi thể người chết và đưa người đi cấp cứu, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến nghiêm trọng.

    Theo thoả thuận được ký giữa Liên đoàn cứu hoả (FBU) và Lực lượng cứu hoả và cứu hộ, lính cứu hoả sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cứu hoả và cứu hộ như bình thường, nhưng sẽ đảm trách thêm nhiệm vụ mới. 

    “Chúng ta đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng chưa từng thấy trong đời mình. Dịch bệnh do virus corona gây ra giờ trở thành tình huống khẩn cấp nhân đạo và lực lượng cứu hoả muốn hỗ trợ cộng đồng”, ông Matt Wrack, Tổng thư ký FBU, cho biết. 

    “Nhiều người sợ rằng số người chết vì dịch bệnh quá nhiều. Lực lượng cứu hoả thường xử lý những tình huống và sự cố khủng khiếp, giờ sẵn sàng hỗ trợ công việc thu gom thi thể”, ông Wrack nói. 

    Ngoài việc chở thi thể trong trường hợp xảy ra chết người hàng loạt, lực lượng cứu hoả có thể làm nhiệm vụ chở người đi cấp cứu, phân phát lương thực và thuốc men cho những người dân dễ bị tổn thương. 

    Để đối phó với dịch bệnh, Anh đã đề nghị hàng chục ngàn bác sĩ và nhân viên y tế nghỉ hưu quay lại làm việc. Hàng trăm ngàn người cũng tình nguyện hỗ trợ Dịch vụ y tế quốc gia. 

    Ngày 27/3, dịch vụ cứu thương của London kêu gọi các cựu nhân viên quay lại làm việc. Cảnh sát London đề nghị các sĩ quan đã nghỉ hưu trong 5 năm qua trở lại công việc. 

    “Việc quan trọng là chúng ta phải tiến hành tất cả những biện pháp hợp lý để tăng cường số lượng”, Cảnh sát trưởng London, ông Cressida Dick, nói.  

    “Nhiệm vụ của chúng ta sẽ còn nhiều lên và đa dạng hơn trong những tuần tới. Nhưng tôi muốn mọi người nhớ rằng cảnh sát London luôn có mặt để hỗ trợ họ. Chúng ta phải duy trì hoạt động và tiếp tục cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể cho London”, ông Dick khẳng định. 

    Thủ tướng Boris Johnson đã chỉ đạo đóng cửa gần như toàn bộ nền kinh tế lớn thứ năm thế giới để ngăn dịch bệnh do SARS-CoV-2 lây lan. Người dân Anh bị cấm ra khỏi nhà nếu không có lý do cần thiết. 

    Cho đến nay, Anh đã ghi nhận 578 ca tử vong vì COVID-19 và số ca nhiễm tăng lên 11.658. Anh trở thành nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ bảy thế giới, sau Italy, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Iran, Pháp và Mỹ. 

    Theo Tiền Phong

  • Chỉ 1 giờ sau khi ông Boris Johnson công bố mình bị nhiễm Covid-19, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cũng xác nhận ông đã nhiễm bệnh. Thông tin này đã trở thành quả bom hẹn giờ trong giới chính trường Anh, hiện chưa rõ bao nhiêu con người quyền lực lãnh đạo đất nước đã rơi vào bàn tay của coronavirus?

    Thủ tướng Anh đã trò chuyện với Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock hồi đầu tuần này. Ông Johnson bắt đầu cảm thấy không khỏe vào hôm qua.

    Các bộ trưởng cấp cao bao gồm cả ông Matt Hancock có thể phải tự cách ly sau khi ông Johnson được chẩn đoán nhiễm Covid-19. Hiện ông Johnson đang cách ly trong căn hộ của mình ở Phủ Thủ tướng tại số 10 Phố Downing.

    Thủ tướng xuất hiện triệu chứng nhẹ sau khi tham dự phiên chất vấn vào hôm thứ Tư tại tòa nhà Hạ viện. 

    Chưa rõ có bao nhiêu nhân viên ở Downing Street và các bộ trưởng cấp cao phải cách ly, vì có rất nhiều người đã tiếp xúc với ông Johnson trong vài ngày gần đây, chưa kể là vài tuần gần đây. 

    Một nguồn tin từ văn phòng của ông Rishi Sunak cho biết ông không tự cách ly. 

    Vào tối thứ Năm, khi người Anh đang vỗ tay tán dương các nhân viên y tế, thì ông Johnson và ông Sunak đã ra về theo 2 hướng khác nhau và không tiếp xúc gần, theo lời một phóng viên Reuters tại hiện trường.

    Tuy nhiên, hình ảnh hôm thứ Tư cho thấy Thủ tướng tiếp xúc với khá nhiều người.

    Ông Boris Johnson ảnh chụp hôm thứ 4 tuần này. Ảnh: pixel8000

    Trước đó, chính phủ đã nói rằng ông Johnson có thể tiến cử Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab thay mình nếu cần thiết. Nhưng trong thông báo mới nhất trên Twitter, Thủ tướng nói ông sẽ tiếp tục điều hành công tác phòng chống coronavirus.

    Ông nói trong clip: ''Trong 24h qua tôi đã xuất hiện triệu chứng nhẹ và được xét nghiệm dương tính với virus corona. Tôi đang tự cách ly, nhưng sẽ tiếp tục lãnh đạo chính phủ chống dịch bệnh dưới hình thức hội nghị video''. 

    Thủ tướng đã tiếp xúc gần với rất nhiều người. Ảnh: pixel8000)

    Ông Johnson hiện 55 tuổi. Không rõ ông có đang ở chung với hôn thê Carrie Symonds hay không. Cô Carrie hiện đã mang thai được vài tháng.

    Hồi đầu tháng 3, ông Johnson đã đến thăm bệnh viện Kettering General Hospital ở Northamptonshire và tự hào rằng ông đã ''bắt tay tất cả những người ở đấy'', trong đó có những bệnh nhân nhiễm Covid-19 khá nặng.

    Ngay cả khi số người tử vong ở UK tăng vọt, ông Johnson vẫn khẳng định mình sẽ tiếp tục bắt tay trong các buổi gặp gỡ. 

    Sau tuyên bố này của ông, đại diện Phủ tướng đã vội vã đính chính là ông không bắt tay bệnh nhân nào cả, nhưng có lẽ rất nhiều nhân chứng ở đó biết được sự thật. 

    Viethome (theo Mirror)

  • Nước Anh ngày 26/3 chứng kiến số ca tử vong vì dịch Covid-19 cao nhất từ trước đến nay khi có thêm 115 người thiệt mạng.

    Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Anh Boris Johnson lên tiếng kêu gọi các nước trên thế giới khẩn cấp phối hợp để nhanh chóng tìm ra vaccine ngừa bệnh.

    <>Nước Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này khi có đến 115 bệnh nhân thiệt mạng trong một ngày, nâng tổn thất nhân mạng từ đầu dịch tại Anh lên con số 578 người. Số ca nhiễm mới virus SARS CoV-2 cũng đồng thời tăng thêm trên 2.000 người và hiện ở mức 11.658 ca nhiễm.

    Mặc dù số ca nhiễm và tử vong tăng cao do giới chức y tế Anh thay đổi cách tính, bằng cách thống kê trong vòng 24h thay vì trong 8h trước đây nhưng Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thừa nhận, diễn biến dịch Covid-19 tại Anh đi sau các nước Italy, Tây Ban Nha hay Pháp từ 2-3 tuần và các con số thiệt hại tại Anh sẽ tăng cao rất nhanh trong những tuần tới, khi cơn bão bệnh nhân ập vào các bệnh viện.

    Số ca tử vong trong ngày tại Anh cao nhất từ đầu dịch Covid-19. (Ảnh: Independent)

    Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm, chính quyền Anh đang gấp rút tung ra các biện pháp đối phó. Trong cuộc họp trực tuyến với nguyên thủ các nước G20, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi toàn bộ các nước khẩn cấp phối hợp hành động để nhanh chóng tìm ra vaccine chống Covid-19.

    Ông Johnson cho biết, Chính phủ Anh sẽ đóng góp 210 triệu bảng Anh cho nỗ lực này. Ngoài ra, chính phủ Anh sắp tới cũng sẽ tham gia cùng với các nước EU trong hợp đồng mua chung thiết bị y tế, sau khi bị dư luận nước này chỉ trích vì để lỡ cơ hội hồi đầu tháng này.

    Trong một nỗ lực khác nhằm giúp các doanh nghiệp và lao động Anh ứng phó với tác động kinh tế nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cũng đã chính thức công bố chi tiết chính sách cứu trợ của Chính phủ.

    Theo chính sách này, những người lao động tự do tại Anh được chính phủ trợ cấp đến 80% của lợi nhuận trung bình hàng tháng trong vòng 3 năm qua, với điều kiện những người này phải có khai thuế năm 2019 và chứng minh được đa số thu nhập của mình là tự thân. Mức được hỗ trợ cao nhất có thể lên tới 2.500 bảng/tháng.

    Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, chính sách này có thể trợ giúp được tới 95% lao động tự do tại Anh, vốn là nước có số lao động dạng này cao thứ hai trong các nước G7. Tuy nhiên, những lao động này sẽ phải chờ đến giữa tháng 6/2020 mới có thể nhận được khoản cứu trợ./.

    Theo VOV

  • Cô gái ở Long Biên đang được cách ly bất ngờ bỏ trốn ra sân bay Nội Bài để sang Anh nhưng bị chặn lại và bị xử phạt 10 triệu đồng.

    Tối 25/3, Bộ Công an cho biết UBND quận Long Biên (Hà Nội) đã lập hồ sơ, xử phạt hành chính đối với trường hợp đang thực hiện cách ly tại nhà nhưng bỏ trốn ra sân bay Nội Bài, định bay sang Anh.

    Theo đó, UBND quận Long Biên đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với V.T.H. (25 tuổi, trú tại phường Sài Đồng, quận Long Biên).

    “Đây là mức phạt cao nhất do có yếu tố tăng nặng”, thông báo của Bộ Công an nêu.

    Nữ hành khách đã lên được máy bay trước khi bị phát hiện trốn cách ly. Ảnh minh họa: NYT.

    Ngày 25/3, Công an phường Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) đã phối hợp với Công an cửa khẩu Nội Bài và một hãng hàng không nước ngoài xử lý trường hợp cô gái V.T.H. trốn khỏi nơi cư trú khi đang thực hiện cách ly tại nhà. Chỉ còn 2 ngày nữa là hết hạn cách ly nhưng người này vẫn đến sân bay Nội Bài để thực hiện chuyến bay sang Anh.

    Ngay khi phát hiện hành vi của cô gái, Công an phường Sài Đồng đã thông báo khẩn cho Công an cửa khẩu sân bay Nội Bài, đồng thời gọi điện cho hãng hàng không yêu cầu dừng phục vụ hành khách trên.

    Trao đổi với Zing.vn, đại diện hãng hàng không mà V.T.H. đặt vé cho biết người này là du học sinh có thẻ cư trú tại Anh. Cô gái có lịch bay vào ngày 27/3 nhưng lại xin đổi vé sang chuyến bay 11h05 ngày 25/3.

    "Tôi nhận được điện thoại khi cô ấy đã làm xong thủ tục check-in, thủ tục xuất cảnh và đã ngồi trên máy bay, chỉ còn 5 phút nữa là máy bay đóng cửa", đại diện hãng hàng không nói.

    Nữ du học sinh lập tức bị yêu cầu rời khỏi máy bay. Công an cửa khẩu quốc tế Nội Bài đã bàn giao người này cho Công an phường Sài Đồng và đưa về địa phương bằng xe chuyên dụng.

    "Nếu giữ nguyên lịch bay cũ thì cô ấy đã hết hạn cách ly, nhưng hành khách lại xin đổi vé sang ngày 25/3 với lý do sợ sắp tới hãng bay dừng hoạt động", đại diện hãng hàng không chia sẻ và khẳng định hãng vẫn bay đến ngày 29/3, không dừng bay sớm.

    Trong buổi làm việc trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra cùng ngày, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Chủ tịch UBND quận Long Biên căn cứ quy định hiện hành xử phạt hành chính V.T.H. ở mức cao nhất và yêu cầu cách ly một cách nghiêm túc.

    Theo Zing

  • Trong khi hàng nghìn nhân viên y tế có triệu chứng nặng hoặc những người có bệnh lý nền bị từ chối xét nghiệm, Thái tử Charles và vợ lại được lấy mẫu tận nhà khiến công chúng bất bình.

    Thái tử Charles và Nữ công tước xứ Cornwall tại Balmoral, Scotland, năm 2019. Ảnh: PA

    Người dân Anh đang đặt câu hỏi về sự "thiên vị" sau khi Thái tử Charles và vợ Camilla được xét nghiệm nCoV mặc cho hàng nghìn người khác bị từ chối. Thái tử Charles được chẩn đoán nhiễm virus hôm 24/3 và đang tự cách ly tại khu tư dinh Balmoral ở Scotland. 

    Ông được cho là đã được nhân viên y tế của Grampian xét nghiệm qua mẫu dịch mũi lấy bằng tăm bông dù chỉ có các triệu chứng nhẹ. Vợ ông, bà Camilla (72 tuổi), cũng được lấy mẫu xét nghiệm dù không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, bà Camilla cho kết quả âm tính và hiện được cách ly khỏi chồng.

    Trong khi đó, trang web về y tế của Scotland cho biết các xét nghiệm chỉ được thực hiện nếu bệnh nhân "mắc bệnh hiểm nghèo cần phải nhập viện" - giống các tiêu chí ở những nơi khác ở Anh. Điều này có nghĩa ngay cả nhân viên y tế có các triệu chứng của Covid-19 cũng không được xét nghiệm.

    Thái tử Charles và bà Camilla dự lễ tiếp tân trong ngày lễ của Khối thịnh vượng chung tại London hôm 9/3. Ảnh: PA

    Tin tức này gây ra một làn sóng giận dữ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Người dùng mạng cáo buộc cơ quan y tế đã có "sự đối xử đặc biệt" với các chính trị gia, người nổi tiếng so với công chúng. Giám đốc y tế của Scotland, Catherine Calderwood, sau đó hồi đáp rằng Thái tử Charles và Nữ công tước xứ Cornwall được xét nghiệm vì "lý do lâm sàng" và đều trên 70 tuổi - nhóm tuổi có nguy cơ cao nếu mắc bệnh. Tuy vậy, cả hai đều được cho là không có bệnh lý nền.

    Nhà văn người Anh, James Felton, tweet: "Thật tuyệt nếu những người làm việc ở bệnh viện, nơi tiếp xúc hàng trăm người, có thể được dễ dàng kiểm tra như người đàn ông có hẳn cả một cung điện để tự cách ly". Còn Joan McAlpine, ở miền nam Scotland, chúc thái tử mau lành bệnh nhưng cũng mỉa mai rằng: "Nhân viên y tế có lẽ không đủ quan trọng để xét nghiệm. Cháu trai của tôi bị hen suyễn nặng và gần đây bị nhiễm trùng phổi cũng bị từ chối xét nghiệm".

    Một phụ nữ tên Grmma Byrne kể về em gái là một bác sĩ: "Em tôi đã tự cách ly được 9 ngày. Nó mới được xét nghiệm hai ngày trước và phát hiện không phải mắc Covid-19. Nếu nó được xét nghiệm ngay từ ngày đầu tiên thì bệnh viện đã không thiếu đi một bác sĩ trong một tuần. Tôi tự hỏi liệu Thái tử Charles phải đợi bao lâu để được xét nghiệm?".

    Một người đàn ông tên Matt tweet: "Ai đó có thể khai sáng cho tôi lý do Thái tử Charles được quyền xét nghiệm Covid-19 nhưng vị hôn thê đang làm việc cho bệnh viện của tôi thì không? Giờ cô ấy đã bị cách ly 7 ngày, còn tôi sẽ phải 14 ngày. Nếu cô ấy được xét nghiệm âm tính sớm thì chúng tôi đã có thể quay lại làm việc".

    Thái tử Charles và Thân vương Monaco ngồi đối diện nhau trong hội nghị tại London hôm 10/3. Ảnh: PA

    Theo đại diện hoàng gia, người đứng đầu danh sách thừa kế ngai vàng đổ bệnh hai tuần sau khi gặp Thân vương Albert II của Monaco, người được xét nghiệm dương tính với nCoV hôm 19/3. Tuy nhiên, Thái tử Charles được tin sẽ sớm khỏi bệnh nhờ chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.

    Ngôi Sao (dịch từ Mirror)

  • Một linh mục người Ý bị nhiễm coronavirus đã qua đời sau khi nhường máy thở cho một bệnh nhân trẻ tuổi cũng đang chiến đấu với bệnh tật.

    Linh mục Don Giuseppe Berardelli, 72 tuổi, hoạt động tại giáo xứ của Casnigo, một ngôi làng nhỏ chỉ cách Milan 40 dặm về phía đông bắc.

    Ông qua đời trong bệnh viện ở Lovere, Bergamo, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ý.

    Theo bệnh viện, ông đã từ chối sử dụng máy thở mà giáo dân mua tặng, và đưa nó cho một bệnh nhân trẻ hơn mà ông không hề quen biết.

    Trong một cáo phó trên Araberara, một trang web tin tức của Ý, một nhân viên y tế nói: "Ông ấy là một linh mục luôn lắng nghe mọi người, ông ấy rất biết cách lắng nghe, bất cứ ai tìm đến ông ấy đều biết rằng ông ấy là người đáng tin cậy."

    Clara Poli, người đã làm thị trưởng Fiorano trong một số năm, mô tả linh mục là một "người tuyệt vời".

    Bà nói: "Tôi nhớ hình ảnh ông ấy trên chiếc xe máy Guzzi cũ của mình, ông ấy yêu chiếc xe máy đó, và khi đi bất cứ đâu, ông ấy luôn vui vẻ và tràn đầy nhiệt huyết, ông ấy đã mang lại yên bình và niềm vui cho cộng đồng của chúng tôi.

    "Ông ấy sẽ không để mặc chúng tôi, từ trên trời cao ông ấy sẽ dõi theo chúng tôi và tiếp tục chạy trên mây bằng xe máy."

    Vì Bergamo là một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nặng nề nhất trên thế giới, không có đám tang nào được tổ chức cho Linh mục Berardelli.

    Thay vào đó mọi người đứng trên ban công nhà riêng vào trưa ngày 16 tháng 3 và dành cho ông một tràng pháo tay.

    Từ ngày 9 tháng 3, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã áp dụng lệnh phong tỏa quốc gia sau khi virus này lây lan mạnh trong vòng vài tuần.

    Số người đã chết sau khi xét nghiệm dương tính với coronavirus ở Ý cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới - bất chấp các biện pháp cách ly nghiêm ngặt.

    VietHome (Theo Sky News)