• Những người lao động thuộc lĩnh vực không thiết yếu đã bày tỏ nỗi lo ngại có thể bị nhiễm và lây truyền coronavirus vì các ông chủ buộc họ phải đi làm bất chấp tình trạng phong tỏa ở Anh.

    Nhân viên đại lý bất động sản, kho bãi và nhân viên văn phòng cho biết họ đã được yêu cầu tiếp tục đi lại trên các chuyến tàu điện ngầm đông người, chưa đầy 24 giờ sau khi ông Boris Johnson ra lệnh cho người Anh ở nhà trừ trường hợp ‘vô cùng cần thiết.’

    Các công nhân xây dựng đã tập hợp lại để phản đối các thông điệp mơ hồ của chính phủ về việc họ có nên đi làm hay không. Nhiều người sợ sẽ nhiễm loại virus chết người này và mang nó về cho gia đình, nhưng họ cũng sợ mất việc nếu không đi làm.

    Trong một bài phát biểu gửi đến người dân cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố phong tỏa hoàn toàn Vương quốc Anh trong ba tuần, và mọi người được phép ra ngoài trong một số trường hợp nhất định.

    Bất chấp luật cách ly xã hội, bao gồm đảm bảo mọi người giữ khoảng cách hai mét, một vài phần trên mạng lưới Tàu điện ngầm London vẫn chật cứng sau lệnh phong tỏa.

    Một nhân viên bất động sản giấu tên, cho biết ông chủ Dexters - điều hành 70 văn phòng trên khắp London - đã yêu cầu nhân viên đến làm việc bất chấp thông báo của Thủ tướng Anh.

    ‘Mặc dù họ tuyên bố “đóng cửa với khách hàng”, nhưng nhân viên của họ bị buộc phải di chuyển khắp London để đến và ngồi trong văn phòng, một công việc không hề thiết yếu,” anh nói.

    'Các sếp đã gửi email cho nhân viên bày tỏ niềm tin rằng các đại lý bất động sản nên có tên trong danh sách được mở cửa và nếu có ai không hài lòng về điều đó là do “thiếu hiểu biết”.’

    Các email nội bộ được gửi đến nhân viên từ Giám đốc điều hành của Dexters, Jeff Doble, trong đó một email nói với nhân viên rằng 'Dù lời khuyên chung là nên ở nhà, nhưng chúng ta vẫn có một số lượng nhân viên đang làm việc và cung cấp các dịch vụ quan trọng'.

    Ông Doble cho biết khoảng 50% nhân viên của Dexters không làm việc ngày hôm nay và họ đã nhanh chóng tạm ngừng hoạt động dựa trên lời khuyên tối qua.

    Ông nói thêm rằng những bình luận của ông liên quan đến sự ‘thiếu hiểu biết’ chỉ nhắm vào những ‘người ngoài cuộc,’ những người có thể không nhận ra vai trò của các đại lý bất động trong bối cảnh khủng hoảng coronavirus.

    Bất cứ ai cảm thấy không an toàn khi đi tàu điện có thể chọn cách ‘nghỉ tạm thời,’ ông nói thêm.

    Ông nói: Chúng tôi có khoảng 60.000 người thuê nhà đang lo lắng về tiền thuê nhà và nơi họ sống. Chúng tôi cũng có một số lượng lớn nhân viên làm việc ở tiền tuyến - với khoảng 5.000 khách hàng sẽ chuyển nhà trong vài tuần tới.

    ‘Những công việc đó không thể được thực hiện tại nhà. Chúng tôi phải đối mặt với lượng công việc khổng lồ trong những ngày gần đây và chúng tôi thực sự cần những người lao động có năng lực - không phải những người đến công ty làm chút việc rồi lại về nhà.'

    Các văn phòng của Dexters đang áp dụng giãn cách xã hội và khoảng một phần ba văn phòng sẽ đóng cửa, trong khi các cuộc hẹn xem nhà không còn được tiến hành, ông Doble nói.

    Hàng chục người lao động khác cũng lên tiếng cho biết họ được yêu cầu đi làm như bình thường, mặc dù các bộ trưởng chính phủ đã cầu xin mọi người ở nhà.

    Ở West Midlands, nhân viên tại một công ty sản xuất cho hay nếu công nhân không thể đi làm thì họ có thể bị buộc phải nghỉ phép năm trong những tuần tới.

    Một nhân viên ở Cheshire cho biết sau bài phát biểu của thủ tướng, anh đã được thông báo về việc văn phòng sẽ đóng cửa trong ba tuần. Sáng nay, một tin nhắn mới được gửi đi thông báo văn phòng vẫn ‘hoạt động như thường lệ.’

    Một nhân viên khác làm việc cho một công ty cho vay thế chấp ở Surrey tuyên bố điều khoản duy nhất được đưa ra để bảo vệ nhân viên là phân tán một đội gồm 35 người giữa hai tầng và yêu cầu họ không được ra ngoài vào giờ nghỉ trưa.

    Một nhân viên nhà kho ở Southampton bày tỏ anh rất lo lắng về việc có thể mang virus về nhà cho người vợ đang mang thai của mình. Anh nói: ‘Chúng tôi chẳng nhận được thông tin gì.

    ‘Tôi đã nhắn tin cho sếp và anh ta nói chúng tôi là những người lao động thiết yếu dù rõ ràng là không phải. Chúng tôi có nhiều nguy cơ khiến lây lan virus, thay vì có ích cho tình hình này.’

    Hôm 24/3, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã bị các nghị sĩ chỉ trích vì hướng dẫn không rõ ràng về việc ai nên đi làm và ai nên ở nhà.

    Ông Hancock kêu gọi mọi người ở trong nhà để giảm số người ở Anh sẽ chết vì Covid-19 - và rằng các biện pháp được Thủ tướng đưa ra không phải là lời khuyên mà là các quy tắc cần phải tuân thủ.

    Ông nói mọi người chỉ nên rời khỏi nhà vì bốn lý do - mua sắm những thứ thiết yếu như thực phẩm và thuốc men, tập thể dục mỗi ngày, nhu cầu y tế hoặc chăm sóc cho người dễ bị tổn thương, và đi làm, nhưng chỉ khi những điều này là hoàn toàn cần thiết và không thể được thực hiện tại nhà.

    Bộ trưởng y tế không đưa ra thêm chi tiết, đồng nghĩa với việc một số người lao động không được liệt kê là ‘nhân viên trong lĩnh vực chủ chốt’ vẫn sẽ phải đi làm.

    Thị trưởng London Sadiq Khan trước đó đã yêu cầu làm rõ điểm này và phát biểu: 'Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta phải dừng tất cả việc sử dụng giao thông công cộng không vì mục đích thiết yếu ngay bây giờ. Bỏ qua những quy tắc này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ mất đi nhiều mạng sống hơn.’

    VietHome (Theo Metro)

  • Một thanh niên ở Mỹ cho biết anh ta phải nhập viện vì nhiễm Covid-19, chỉ vài ngày sau khi tham gia thách thức liếm bồn cầu trên mạng xã hội TikTok.

    Larz, chàng trai 21 tuổi sống tại bang California ở Mỹ, ngày 25.3 thông báo trên mạng Twitter rằng: “Tôi bị dương tính với Covid-19”, kèm theo một đoạn video anh ta nằm ủ rũ trên giường bệnh viện.

    Trước đó vài ngày, Larz đã đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh anh ta liếm ghế bồn cầu công cộng theo một thách thức trên mạng xã hội TikTok.

    Thách thức liếm bồn cầu tại địa điểm công cộng được khởi xướng bởi Ava Louise, một người nổi tiếng tại Anh. Cô gái 22 tuổi đã quay phim cô ta liếm bồn cầu trên máy bay kèm theo dòng chữ “thách thức Covid-19”. Được hỏi vì sao lại làm vậy, cô này cho biết: “Tôi quá mệt mỏi vì con virus corona lại “nổi” hơn tôi. Tôi mới thực sự là người nổi tiếng”.

    Ava Louise, người đầu têu ra trò chơi này.

    Người dẫn chương trình Piers Morgan trên kênh truyền hình Good Morning TV gọi Larz là “cặn bã” và nói rằng anh ta nhiễm Covid-19 là “quả báo”.

    Người dùng mạng xã hội đang đăng tải hình ảnh bản thân liếm bồn cầu và các loại bề mặt khác trong 1 phong trào gọi là “Thách thức virus corona”. Các video gây sốc đang ngày càng xuất hiện nhiều, cho thấy người ở các nơi khác nhau thực hiện các hành vi nguy hiểm, bất chấp các khuyến nghị bảo vệ bản thân nơi công cộng để ngăn dịch lây lan của chính phủ.

    Người thực hiện thách thức này đã có hơn 1 triệu người theo dõi khi anh ta livestream vào tối thứ 3.
    Một người khác tham gia thử thách này cách đây 1 tuần.

    Người khởi xướng trò thách thức nguy hiểm này cho biết: “Tôi khỏe. Tôi cảm thấy rất nóng bỏng - và nếu đó là triệu chứng của corona thì hẳn là tôi đang bị bệnh rồi. Khi được hỏi rằng cô có quan tâm nếu ai đó làm theo và chết không, cô này cho biết: “Đó là vấn đề của họ”.

    Trong 1 video khác, một người đàn ông đã liếm vào thanh tay cầm trên phương tiện công cộng khiến một người đeo khẩu trang gần đó hoảng hốt tránh xa. Cảnh quay khác cho thấy một người đang liếm toilet công cộng 2 lần trước khi quay ra camera hô: “Thách corona” và rồi lại quay lại liếm bề mặt xí bệt này. Tài khoản trên mạng xã hội của người này hiện đã bị khóa.

    Hiện không rõ liệu các video tiếp theo có được tải lên mạng xã hội không nhưng các nhà quản lý mạng cam kết sẽ xóa tất cả các clip kiểu này.

    Tuy nhiên vẫn có 3 video bị lọt lưới đó là video liếm cửa xe oto, liếm tay cầm scooter và 1 vài bề mặt khác được tải lên từ Anh vào tối thứ Ba. Các video này đã thu hút lần lượt hơn 1 triệu, 500.000 và gần 8.000 người theo dõi. Trong các video này, 1 thành niên liếm một cái thuổng, cầu trượt, quả bóng, máy giặt, ghế, cây, tay cầm chổi, cửa tủ lạnh, tấm bạt lò xo, tay gạt nước, ổ cắm, bàn phím laptop và ipad. Những pha thách thức nguy hiểm này cũng được đăng tải ở nhiều mạng xã hội như Instagram, Twitter, tik tok…

    Mặc dù không có nhiều người tham gia thách thức điên rồ này nhưng tốc độ phát tán thì siêu chóng mặt. Chỉ riêng clip đầu tiên đã có hơn 930 triệu người xem.

    Một người đàn ông đã liếm cột trên phương tiện công cộng.

    Một y tá nghỉ hưu, ông John Campbell cho biết: “Nếu những người này (người tham gia thách thức) bị nhiễm bệnh thì họ sẽ truyền bệnh cho người khác. Những người nhiễm bệnh có thể tử vong và như vậy hành động kỳ quái này đã gián tiếp gây hậu quả chết người. Nếu họ không bị nhiễm corona thì sẽ bị các bệnh khác do virus trên các bề mặt này rất nhiều”.

    Đại diện Dịch vụ Y tế quốc gia Anh cho rằng hành vi này rất đáng lên án. Nikki Kanani, Giám đốc Y khoa Chăm sóc cá nhân cho biết: “Thật vô trách nhiệm khi ai đó đặt sức khỏe của mình và của những người xung quanh vào vòng nguy hiểm chỉ vì “thách thức” điên rồ này.

    Theo Dân Trí

  • Các quan chức y tế Anh cho biết hàng triệu bộ xét nghiệm mới, được mô tả đơn giản giống như bộ thử thai, sẽ được cung cấp cho nhân viên y tế, thậm chí có thể được bán trực tuyến trên mạng trong vài ngày tới.

    Bộ xét nghiệm của Anh sẽ phân tích máu từ ngón tay và cho kết quả trong 15 phút - Ảnh: Sky News

    UK sắp ra mắt và bán 3.5 triệu bộ thử xét nghiệm máu tại nhà - nhằm tìm ra kháng thể dành cho loại virus Covid-19. Bộ kit này sẽ cho phép người thử biết được mình đã từng bị nhiễm virus hay chưa, từ đó mang lại cho họ sự tự tin để quay trở lại làm việc và sống như bình thường.

    Các xét nghiệm sẽ mất ít nhất 15 phút để tiến hành và xác định xem liệu trước đó bệnh nhân có bị nhiễm virus Corona hay không, nhưng không có tác dụng nếu họ hiện dương tính với bệnh COVID-19, tờ The Guardian ngày 26.3 dẫn nguồn từ Bộ Y tế Công cộng Anh cho biết.

    Theo các chuyên gia Anh, giọt máu chích từ đầu ngón tay sẽ được phân tích, như xét nghiệm đường huyết vậy.

    Các bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 sẽ được bán tại các hiệu thuốc và có thể cả trang bán hàng trực tuyến Amazon, chính phủ Anh cho hay.

    Xét nghiệm sẽ phát hiện xem đối tượng có kháng thể IGM - xuất hiện ở giai đoạn đầu của nhiễm COVID-19; và kháng thể IGG - sẽ tăng lên khi cơ thể phản ứng với virus Corona có trong cơ thể.

    Chính phủ đang tiếp tục đặt hàng hàng triệu bộ dụng cụ như thế này nữa, để đáp ứng nhu cầu của người dân.

    Theo bà Sharon Peacock, giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm quốc gia của PHE, việc đánh giá bộ xét nghiệm sẽ hoàn thành trong tuần này trước khi cung cấp cho nhân viên y tế và người dân. Các bộ xét nghiệm có thể đến tay người dân trong vòng vài ngày tới, thay vì nhiều tuần hoặc tháng.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá bộ xét nghiệm này có thể lật ngược tình thế khi giúp xác định bệnh nhân trên diện rộng.

    Các chuyên gia y tế và cố vấn cho chính phủ cho rằng điều quan trọng là phải đánh giá bộ xét nghiệm mới. "Điều mấu chốt là đánh giá liệu các bộ xét nghiệm này có đủ chính xác để người dân sử dụng hay không?" - cố vấn trưởng về y tế của chính phủ Anh Chris Whitty nói. Theo ông Whitty, ưu tiên của việc xét nghiệm là tìm ra những người mắc COVID-19 mà không có triệu chứng và những nhân viên y tế đã có miễn dịch.

    Với bộ xét nghiệm này, các nhân viên y tế như bác sĩ, y tá có thể nhanh chóng xác định mình có mắc COVID-19 hay không, để sớm quay trở lại công việc. Ngoài ra, nó cũng cho phép nhiều người sớm quay trở lại với đời sống bình thường và công việc sau khi xét nghiệm.

    Đến nay số trường hợp tái mắc bệnh vẫn rất thấp và người bệnh được cho là miễn nhiễm với bệnh sau khi khỏi.

    Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói rằng chỉ có thể ngăn chặn được dịch bệnh COVID-19 nếu những người bị nhiễm virus Corona được xác định. 

    Theo Thanh Niên

  • Sân bay Thành phố London (London City Airport) dừng tất cả chuyến bay từ 25/3 đến hết tháng 4 vì Covid-19.

    "Chúng tôi đã ra quyết định khó khăn nhưng cần thiết là đình chỉ tất cả các chuyến bay thương mại và tư nhân từ sân bay", Sân bay Thành phố London ngày 25/3 ra tuyên bố. "Trong tình huống diễn biến nhanh và chưa từng có tiền lệ này, chúng tôi nghĩ đây là hành động có trách nhiệm".

    Một máy bay trên đường băng sân bay Thành phố London ngày 25/3. Ảnh: AFP

    Sân bay Thành phố London nằm ở khu Newham, đông London, là một trong 6 sân bay lớn của thủ đô Anh. Nó phục vụ hơn 5 triệu lượt hành khách mỗi năm, chủ yếu là tới các điểm đến châu Âu.

    Giới quan sát dự đoán chẳng bao lâu nữa thế giới sẽ không còn chỗ chứa nhiên liệu máy bay giữa bối cảnh dịch bệnh từ virus corona chủng mới (COVID-19) kéo dài khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm theo.

    Theo Hãng tư vấn JBC Energy GmbH (Áo), các kho chứa xăng dành cho máy bay trên mặt đất chỉ còn trống khoảng 20%, tức tầm 50 triệu thùng, trong bối cảnh nhiều chuyến bay bị hủy khiến nhu cầu đối với mặt hàng này giảm xuống rõ rệt.

    Không giống xăng xe thông thường, xăng máy bay không bay hơi nhanh. Đây là thuộc tính quan trọng để sử dụng ở các cao độ lớn.

    Hoạt động hàng không sụp đổ do đại dịch COVID-19 kéo dài có thể khiến nhu cầu tiếp tục giảm sâu và nguồn cung dư thừa sẽ không còn chỗ chứa.

    Bức tranh càng ảm đạm hơn trong vài tuần hoặc có thể là vài tháng tới, nếu các quốc gia lọc dầu không mạnh tay cắt giảm sản lượng.

    Theo Bloomberg, hoạt động hàng không đình trệ khiến nhu cầu xăng máy bay giảm 7 triệu thùng mỗi ngày. Một số chuyên gia trong ngành dự đoán nhu cầu có thể giảm thêm 50% của con số đó, tức tầm 3,5 triệu thùng/ngày.

    Hãng hàng không Emirates của Dubai ngày 22-3 thông báo sẽ cắt giảm phần lớn các chuyến bay của mình từ ngày 25-3. Emirates là hãng bay có số chuyến bay quốc tế nhiều nhất thế giới. 

    Nếu những dự đoán trên chính xác và các hãng lọc dầu không kịp điều chỉnh đầu ra, các thùng chứa nhiên liệu máy bay trên đất liền sẽ đầy chỉ trong vài tuần. 

    Các nhà phân tích cho rằng việc giảm đầu ra vào lúc này có thể đè thêm áp lực lên thị trường dầu thô. Nhu cầu kém đối với toàn ngành dầu mỏ đã khiến nhiều kho chứa kín chỗ.

    Bên cạnh hàng không, việc các thành phố đóng cửa và lệnh cách ly khắp nơi cũng dẫn đến hoạt động đi lại giảm mạnh.

    Trong bối cảnh đó, Saudi Arabia lại đang "nhấn chìm" thị trường khi mạnh tay gia tăng sản lượng, sau khi Nga từ chối đề xuất cắt giảm dầu thô cùng Tổ chức các quốc gia dầu mỏ (OPEC).

    "Các chuyến bay bị đình chỉ để ngăn virus corona lây lan đã ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực nhiên liệu máy bay. Hệ quả là các nhà máy lọc dầu có thể sẽ giảm dầu thô đầu vào nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn", theo chuyên gia phân tích Rui Hou của Wood Mackenzie. 

    Theo VnExpress/Tuổi Trẻ

  • Một gia đình ở East Sussex có thể là những ca nhiễm nCoV đầu tiên của Anh, sau khi một thành viên tới khu trượt tuyết bị nghi làm bùng phát dịch ở Áo.

    Daren Bland, 50 tuổi, tư vấn viên công nghệ thông tin, đã trượt tuyết ở Ischgl, Áo từ ngày 15/1 đến ngày 19/1 cùng ba người bạn, hai người đến từ Đan Mạch và một người đến từ bang Minnesota, Mỹ.

    Cả ba người đàn ông đều đổ bệnh và có các triệu chứng cơ bản nghi nhiễm nCoV. Bland sau đó đã lây bệnh cho vợ và các con của mình tại Maresfield, East Sussex, đông nam nước Anh. Covid-19 sau đó nhanh chóng lây lan khắp địa phương cho tới giữa tháng hai, khiến nhiều trẻ em tại đây phải nghỉ học vì có vấn đề sức khỏe.

    Điều này làm dấy lên lo ngại có thể gia đình Bland là những ca đầu tiên nhiễm nCoV tại Anh. Nếu điều này được xác nhận, nó sẽ cho thấy Covid-19 đã bùng phát ở Anh sớm hơn một tháng so với mọi người nghĩ. Trường hợp dương tính nCoV đầu tiên ở Anh được xác nhận vào ngày 31/1 và đường lây truyền của dịch bệnh tại nước này được phát hiện hôm 28/2.

    Các công tố viên Áo hôm 24/3 đã mở một cuộc điều tra hình sự về khu trượt tuyết ở thị trấn Ischgl, với cáo buộc nơi đây đã khiến nCoV lan rộng khắp châu Âu mà không bị phát hiện.

    Hàng trăm ca bệnh ở Đức, Iceland, Na Uy và Đan Mạch đã được các nhà điều tra châu Âu xác nhận có liên quan tới khu nghỉ mát thuộc tỉnh Tyrol. Bland và gia đình ông là những người đầu tiên ở Anh được xác nhận có liên quan tới nơi này.

    Daren Bland (trái) và vợ Sarah Bland. Ảnh: Telegraph. 

    Giống như nhiều trường hợp nhiễm nCoV tại châu Âu, Bland đã đến quán bar Kitzloch, nơi nổi tiếng với những buổi tiệc tùng vui vẻ. Quán bar Kitzloch được thiết kế kín và nổi tiếng với trò "ném bóng uống bia", trong đó người chơi sẽ thay phiên nhau ném bóng vào những cốc bia và ném trúng cốc nào sẽ uống cốc đó.

    "Chúng tôi đến thăm Kitzloch và nó thật huyên náo với những tiếng hát cùng điệu nhảy. Ai nấy ướt đẫm mồ hôi khi trượt tuyết và phục vụ cứ liên tục tiếp rượu cho cả trăm người. Không còn môi trường nào tốt hơn để truyền nhiễm virus", Bland nhớ lại.

    Người đàn ông sau đó trở về nhà ở Maresfield hôm 19/1 và đổ bệnh vào sáng hôm sau. "Tôi bị ốm trong 10 ngày. Tôi không thể thức dậy, không thể làm nổi việc. Tôi thật sự thấy khó thở", Bland nói.

    Sarah Bland, 49 tuổi, vợ của Bland, cho biết ngay sau đó bà và con gái út đều bị ốm. Họ liên tục bị sốt và cảm thấy dường như kiệt sức suốt ba tuần. "Con gái út bị sốt, ho dai dẳng và được nghỉ học hai tuần. Con gái lớn thì cảm thấy vô cùng mệt mỏi nhưng biểu hiện đó sớm hết", Sarah Bland nói.

    Gia đình Bland chưa được xác nhận nhiễm nCoV nhưng đã liên lạc với báo giới để tìm kiếm sự giúp đỡ trong nhiều tuần. Nghi vấn về trường hợp của họ dấy lên sau khi hàng trăm ca nhiễm nCoV ở châu Âu được cho là có nguồn gốc từ khu trượt tuyết ở Ischgl, Áo.

    "Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng tôi đã được xét nghiệm để xem liệu chúng tôi có bị nhiễm nCoV hay không. Đây là một phần của sự hoài nghi, nhưng nó cũng có thể giúp chính quyền hiểu rõ hơn về sự lây lan ở Anh", Sarah Bland chia sẻ.

    Mark Woolhouse, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, cho biết trường hợp của gia đình Bland đã chứng minh sự cần thiết phải xét nghiệm nCoV rộng rãi hơn. Các xét nghiệm này có thể cho thấy những người đã và chưa nhiễm bệnh, giúp các nhà dịch tễ học theo dõi được lịch sử và quá trình lây lan của bệnh.

    Các nhà dịch tễ học vẫn chưa rõ về thời điểm nCoV xuất hiện ở Anh, mặc dù một mô hình nghiên cứu từ Đại học Oxford đã gợi ý rằng dịch bệnh có thể đến từ giữa tháng một, một tháng trước khi Anh phát hiện ca nhiễm đầu tiên.

    Những người đến trượt tuyết ở Ischgl từ Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Đức và Áo đều bắt đầu xét nghiệm dương tính với nCoV sau khi trở về nhà vào tháng 3. Chính quyền Áo hiện theo dõi các trường hợp trước đó trong bối cảnh khu trượt tuyết bị cáo buộc che đậy dịch bệnh lây lan.

    Nhiều chính phủ châu Âu bắt đầu liệt thị trấn Ischgl là khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Quán bar Kitzloch đã đóng cửa hôm 10/3 và khu nghỉ mát cũng dừng hoạt động sau đó ba ngày.

    Werner Kurz, thị trưởng của Ischgl, cho biết quyết định đóng cửa là "một thảm họa" đối với thị trấn. "Chúng tôi đã thực hiện mọi quy định một cách kịp thời", Kurz nói.

    Anh ghi nhận hơn 9.500 ca nhiễm nCoV, hơn 460 người tử vong sau khi Covid-19 xuất hiện tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Anh phong tỏa toàn quốc từ 23/3. Người dân chỉ được rời nhà để mua nhu yếu phẩm, tập thể dục một lần mỗi ngày, khám sức khỏe hoặc đi làm nếu đảm nhiệm những công việc đặc biệt quan trọng.

    Theo VnExpress

  • Cảnh sát Anh vừa bắt giữ 3 người đàn ông tại vùng Essex sau khi phát hiện một xe tải chứa đầy giấy vệ sinh và nước rửa tay ăn trộm.

    Cảnh sát nhận tin báo về hoạt động đáng ngờ tại thị trấn Hatfield Peverel, thuộc hạt Essex, vào khoảng 22h20 ngày 20/3. Thông tin ban đầu cho biết một chiếc xe tải đã lao thẳng qua rào chắn tại một công trình xây dựng ở Bury Lane.

    Chiếc xe bị chặn khoản 30 phút sau trên đoạn đường gần South Ockendon. Cảnh sát phát hiện bên trong xe chứa nhiều giấy vệ sinh, nước rửa tay và một số mặt hàng khác.

    Ba người đàn ông bị bắt giữ với cáo buộc trộm phương tiện giao thông và ăn cắp tài sản.

    Cảnh sát phát hiện nhiều giấy vệ sinh bên trong chiếc xe tải bị đánh cắp. Ảnh: Twitter.

    "Cảnh sát luôn tự hào khi bắt được kẻ trộm. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ nhìn thấy những món đồ này bị trộm", cảnh sát Essex chia sẻ hình ảnh trên Twitter.

    Cùng với khẩu trang, giấy vệ sinh và nước rửa tay đang "sốt hàng" tại nhiều nước. Người dân ở một số quốc gia bùng phát lây lan virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đổ xô mua tích trữ những món hàng này để phòng ngừa nhiễm bệnh và hạn chế phải ra đường mua thêm khi đất nước trong tình trạng phong tỏa.

    Tính đến ngày 25/3, Anh đã ghi nhận đến 465 người tử vong / 9529 người bị nhiễm. Con số nhiễm nhiều hơn thế này vì còn có một số người dân Anh ở nhà và tự khỏi.

    Giám đốc truyền thông Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) Stephen Powis đã chỉ trích người dân Anh tích trữ hàng hóa và thực phẩm không cần thiết. Ông cho rằng nhiều người đang hành động ích kỷ, không chừa hàng hóa cho người khác, đặc biệt là những nhân viên y tế.

    Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tin đồn thất thiệt được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Trong số đó, có tin cho rằng nguồn cung giấy vệ sinh trên toàn thế giới đang cạn kiệt vì Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy. Bỗng chốc, những cuộn giấy vệ sinh trở thành mặt hàng “xa xỉ”, được ráo riết tìm mua ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Australia…

    Virus corona đã lây lan khắp các châu lục ngoại trừ Nam Cực. Có khoảng 4.000 người sống ở đây. Nam Cực đang là ngôi nhà chung của các cơ sở nghiên cứu do 28 quốc gia trên thế giới điều hành. Trong khi phần còn lại của thế giới đang chứng kiến dịch Covid-19 lây lan theo cấp số nhân, cuộc sống tại Nam Cực vẫn diễn ra như lệ thường. Đây được xem là nơi an toàn nhất thế giới.

    Theo Zing

  • Một cô gái 21 tuổi người Anh đã tử vong vì nhiễm Covid-19, dù trước đó cô không mang bệnh lý nền và có sức khỏe tốt, theo miêu tả của thân nhân.

    Theo Sky News, cô gái người Anh 21 tuổi tên Chloe Middleton, đến từ High Wycombe, Buckinghamshire, đã tử vong vì Covid-19 hôm 21/3. Thông tin về cái chết của Chloe được mẹ cô công bố trên mạng xã hội Facebook.

    Dì của Chloe là bà Emily Mistry cho biết cô gái 21 tuổi trước khi nhiễm Covid-19 có sức khỏe tốt và không có bệnh lý nền.

    "Con bé hoàn toàn không có vấn đề sức khỏe nào khác. Chúng tôi đang phải trải qua nỗi đau không thể tưởng tượng được. Xin mọi người hãy tuân theo hướng dẫn của chính phủ. Virus không tự lây lan, chính con người đang làm lây lan virus", bà Emily cho biết.

    Bệnh nhân Chloe Middleton tử vong vì Covid-19. Ảnh: Sky News.

    Chloe Middleton được cho là bệnh nhân trẻ nhất tại Anh không có bệnh lý nền tử vong vì nhiễm Covid-19. Hôm 23/3, một nam thanh niên 18 tuổi được xác nhận tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, cơ quan y tế Anh cho biết bệnh nhân 18 tuổi đã phải trải qua điều trị tích cực vì có "những vấn đề bệnh lý nền trầm trọng".

    Vào ngày 24/3, một quan chức ngoại giao Anh mới 37 tuổi đã qua đời vì Covid-19. Đó là ông Steven Dick, là phó đại sứ Anh, làm việc tại đại sứ quán ở Budapest, Hungary. Ông Steven qua đời hôm 24.3 ở Budapest vì nhiễm Covid-19.

    "Chúng tôi vô cùng tiếc thương khi biết tin phó đại sứ Steven qua đời. Ông Steven là một nhà ngoại giao có nhiều cống hiến cho đất nước với năng lực và đam mê. Mọi người sẽ rất nhớ ông ấy", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói.

    Bệnh nhân Chloe Middleton tử vong vì Covid-19. Ảnh: Sky News.

    Ông Steven bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh từ năm 2008. Ông từng được bổ nhiệm vào các vị trí trong đại sứ quán Anh ở Riyadh và Kabul. Ông được bổ nhiệm làm phó đại sứ Anh tại Hungary từ tháng 12.2019. Phó đại sứ Anh hiện là 1 trong số 10 người tử vong vì Covid-19 được ghi nhận ở Hungary. Quốc gia này hiện có 226 ca nhiễm virus Corona.

    Tình hình dịch bệnh tại Anh khá phức tạp khi số ca nhiễm mới tăng mạnh. Thái tử Anh Charles, 71 tuổi, nằm trong số những người dương tính với virus Corona hôm 25.3.

    Cơ quan Y tế quốc gia Anh cho biết khoảng 1,5 triệu người dân nước này thuộc nhóm "dễ bị tổn thương trầm trọng" trước đại dịch Covid-19. Nhà chức trách đã gửi thư tới nhóm đối tượng này, khuyến cáo họ ở trong nhà trong ít nhất 12 tuần để tránh nhiễm virus corona.

    Dữ liệu thu thập từ Trung Quốc và Italy cho thấy phần lớn ca tử vong vì Covid-19 là các bệnh nhân độ tuổi từ 60 trở lên và có các bệnh lý nền nghiêm trọng. Tuy nhiên, đã có thêm nhiều ca tử vong ở các độ tuổi trẻ hơn được ghi nhận thời gian qua, khi dịch bệnh lan rộng khắp thế giới.

    Zing (theo Sky)

  • Một phụ nữ 36 tuổi đã chết tại căn hộ của mình ở phía nam London vì nghi ngờ nhiễm Covid-19 một ngày sau khi gọi 999 và được bảo tự chăm sóc tại nhà.

    Kayla Williams, một bà mẹ ba con, đã qua đời vào ngày 21/3, một ngày sau khi các nhân viên y tế được gọi đến nhà cô ở Peckham.

    Chồng cô, Fabian Williams, cho biết vợ anh bị ho, sốt cao, đau ngực và đau bụng dữ dội khi anh gọi 999 vào ngày 20/3.

    Các tài liệu được Guardian xem xét xác nhận các nhân viên y tế coi cô là trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19.

    Williams nói: "Tôi gọi 999 vì vợ tôi bị khó thở, cô ấy bị nôn và đau bụng. Khi tôi nói chuyện với họ, cô ấy trở nên tồi tệ hơn và họ bảo tôi đặt cô ấy xuống sàn và thả lỏng cơ thể cô ấy".

    Một người phụ nữ đi qua một cửa hàng đã đóng tại London hôm 24/3. Ảnh: Reuters

    Khi nhân viên y tế đến lúc 8h32, họ đã tiến hành một số xét nghiệm. "Họ nói bệnh viện sẽ không nhận cô ấy, vì cô ấy không phải trường hợp ưu tiên", Williams cho biết.

    Williams cho biết tình trạng vợ của anh ngày càng xấu đi vào ngày hôm sau. Anh đã cho cô tắm vào buổi sáng và giúp cô mặc quần áo, trước khi cho cô ăn một ít súp. Sau khi ra ngoài nghỉ ngơi, anh quay lại phòng và thấy vợ mình gục đầu xuống. "Cô ấy đã chết rồi", anh nói.

    Ba chiếc ôtô và xe cứu thương đã đến nhà anh một lúc sau đó. Các nhân viên y tế cố gắng hồi sinh bệnh nhân nhưng không được.

    Williams, 49 tuổi, cho biết cảnh sát sau đó đã đến nhà anh nhưng không vào căn hộ. Một giờ sau, người phụ trách tang lễ đến trong bộ đồ bảo hộ đầy đủ. Họ đặt thi thể vào túi đựng xác theo quy trình dành cho người chết vì bệnh truyền nhiễm.

    Williams được yêu cầu tự cách ly nhưng cho biết anh không được hướng dẫn gì thêm.

    Theo Zing

  • VietHome xin gửi tới bản tin ngắn cuối ngày ở đây:

    (Edit: VH đã sửa lại do lấy số liệu sai ) 

    - 465 người tử vong / 9529 người bị nhiễm đã được xác nhận. Con số nhiễm nhiều hơn thế này vì còn có  một số người dân Anh ở nhà và tự khỏi. VietHome đã ghi nhận vài người Việt ở Anh cũng đã bị nhiễm và tự khỏi sau 7-10 ngày. Đọc thêm bài ở đây.

    - UK sắp ra mắt và bán bộ thử xét nghiệm máu tại nhà - nhằm tìm ra kháng thể dành cho loại virus Covid-19. Bộ kit này sẽ cho phép người thử biết được mình đã từng bị nhiễm virus hay chưa, từ đó mang lại cho họ sự tự tin để quay trở lại làm việc và sống như bình thường.

    - Thái Tử Charles bị nhiễm virus Covid-19 . Đọc thêm bài ở đây

    - 405,000 tình nguyện viên đã đăng kí tham gia hỗ trợ chính phủ và NHS trong đại dịch. Những người này sẽ có nhiệm vụ giúp đi lấy thuốc cho các bệnh nhân, đưa bệnh nhân từ bệnh viện về nhà, giữ liên lạc với những người đang tự cách ly ở nhà. 

    Ảnh The Sun 

  • Cơ quan Y tế Công cộng Anh dự kiến sẽ ra mắt bộ kit thử COVID-19 ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng trong vài tuần nữa.

    Cơ quan Y tế Công cộng Anh đang tự sản xuất thử nghiệm bộ sàng lọc kháng thể, đồng thời chính phủ cũng xem xét mua các phiên bản khác từ nước ngoài.

    Các bộ xét nghiệm hiện tại chỉ phát hiện có virus ở những người có triệu chứng. Với sự ra đời của bộ dụng cụ xét nghiệm sàng lọc kháng thể hứa hẹn tìm ra COVID-19 ở cả bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng nào.

    "Bộ dụng cụ xét nghiệm sàng lọc kháng thể này rất dễ để sử dụng. Nó tương tự như việc thử thai. Chúng tôi đang đặt hàng triệu bộ dụng cụ và sẽ có trong vài tuần tới. Chúng tôi hy vọng nó sẽ sớm có ở Anh để phục vụ người dân", tờ Mirror dẫn lời Bộ trưởng Y tế Công cộng Robert Jenrick.

    Chính phủ đang bàn bạc với Amazon và các công ty khác về việc cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm này cho nhân viên y tế tuyến đầu. Bởi sau khi phải tự cách ly 2 tuần vì nhiễm virus, họ không thể làm việc ở thời điểm hiện tại.

    Quốc gia này đã chi khoảng 20 triệu bảng Anh cho 6 dự án để đẩy nhanh tốc độ ứng phó với sự bùng phát của COVID-19, trong đó sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine với quy mô 1 triệu liều.

    "Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu ở Vương quốc Anh đã làm việc không mệt mỏi để tìm ra phác đồ điều trị COVID-19. Điều này góp phần hỗ trợ nhân viên y tế tuyến đầu và bảo vệ cuộc sống của mọi người", tờ Mirror dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Sharma.

    Ngoài ra, khoảng 2,2 triệu bảng Anh sẽ được chuyển đến nhóm phát triển vaccine ngừa COVID-19 do Giáo sư Sarah Gilbert đến từ Đại học Oxford đứng đầu. Thử nghiệm vaccine giai đoạn đầu sẽ diễn ra ở những người có độ tuổi từ 18 đến 50. Sau đó sẽ tiến hành ở những người trên 50 tuổi và trẻ em.

    "Đưa ra bằng chứng đáng tin cậy về việc chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân mắc COVID-19 là điều cấp thiết. Cách tốt nhất là cung cấp các phương pháp điều trị mới nhất thông qua một thử nghiệm lâm sàng", Giáo sư Peter Horby, điều tra viên trưởng nhấn mạnh.

    Thử nghiệm sẽ bắt đầu với thuốc điều trị HIV, Lopinavir-Ritonavir và Steroid Dexamethasone. Các tác dụng phụ và sự an toàn của cả hai loại thuốc đã được biết đến.

    Theo Lao Động

  • Mấy tuần qua cộng đồng người Việt ở Anh bắt đầu thông báo cho nhau trường hợp chủ của 1 siêu thị Việt trên phố Mare Street bị lây nhiễm virus corona. Sự việc này tạo nên nỗi lo lắng trong cộng đồng vì khả năng tiếp xúc của người chủ này với những người Việt khác là rất cao, vì họ bán hàng trực tiếp cho các khách tới đây.

    VietHome đã tìm hiểu và liên lạc với người chủ trên để kiểm tra lại thông tin bị nghi nhiễm virus này.

    Siêu thị trong lời đồn đoán của người Việt tại Anh chính là London Starnight - hay còn được biết với cái tên của 2 vợ chồng Hùng Nghĩa.

    Nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại, cô Nghĩa cho biết chính bản thân mình cũng không biết lời đồn đại đó xuất phát từ đâu, chỉ thấy người quen nói lại là trên mạng mọi người đang bàn luận về chồng của cô bị nhiễm bệnh virus corona. Tại thời điểm đó chú Hùng không có ở đó nhưng cô Nghĩa khẳng định là 2 vợ chồng hoàn toàn khoẻ mạnh.

    Trong vài tuần trước, nhu cầu mua hàng của bà con tăng cao nên 2 vợ chồng và những người ở shop dành hết sức lực để nhập hàng, chuyển hàng cho khách. Tuy nhiên, do vài ngày không được ngủ nên chú Hùng luôn trong tình trạng mệt mỏi và thiếu ngủ. Con gái cô có nhắc nhở là để cho chú Hùng nghỉ ngơi.

    Có 1 hôm chú ấy không có ở shop, mà nằm nhà nghỉ nên có lẽ nhiều người đã đồn đoán từ tình tiết này vì họ đã quá quen với hình ảnh ngày nào chú Hùng cũng có mặt ở shop.


    Siêu thị London Starnight bày bán hầu hết các mặt hàng mà người Việt săn tìm.

    Cô Nghĩa cho biết: "Ôi giời ơi, cả nhà cô vẫn khoẻ mạnh có làm sao đâu mà đứa nào ác ý tung tin đồn như vậy. Họ còn bảo cô bị chết rồi thì có khổ không? Làm cho bạn bè, thông gia cứ gọi tới hỏi tình hình."

    Cô cho biết thêm: "Nếu mà bị bệnh, thì shop cô phải đóng cửa ngay lập tức chứ làm sao mình chủ quan mà vẫn hoạt động như vậy được. Cô đã lên mạng thông báo với mọi người là không có chuyện vợ chồng cô bị nhiễm virus và mấy hôm trước nhiều người cũng đã tới đây quay video, kiểm chứng".

    VietHome hi vọng thông tin trên sẽ giúp cộng đồng chúng ta bớt lo lắng.

    VietHome cũng ghi nhận có 1 người Việt ở vùng Lancashire bị các triệu chứng giống nhiễm virus Covid-19. Hiện chúng tôi vẫn giữ liên lạc với người này và sẽ thông tin cụ thể về trường hợp này để mọi người cùng nắm rõ hơn.

    Viethome

  • Sau khi phong tỏa đất nước để ngăn dịch lây lan, chính phủ Anh cũng sẽ mở bệnh viện dã chiến 4.000 giường để điều trị cho người nhiễm virus Covid-19.

    Chính phủ Anh hôm 24/3 cho biết họ sẽ mở một bệnh viện dã chiến 4.000 giường tại một trung tâm triển lãm ở London để điều trị cho các trường hợp nhiễm virus corona, theo South China Morning Post.

    Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Boris Johnson hôm 24/3 ra lệnh phong tỏa để ngăn dịch lây lan.

    Đã có 422 trường hợp tử vong và 8.077 trường hợp lây nhiễm virus Covid-19 ở Anh.

    Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói trong một cuộc họp báo rằng bệnh viện dã chiến này sẽ được gọi là Bệnh viện NHS Nightingale và được thành lập tại trung tâm ExCeL ở đông London với hai khu, mỗi khu có sức chứa 2.000 người.

    Trung tâm ExCel sẽ được chuyển đổi thành một bệnh viện dã chiến 4.000 giường. Ảnh: Telegraph

    "Với sự giúp đỡ của quân đội và các bác sĩ lâm sàng của NHS, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có đủ khả năng để mọi người có được sự hỗ trợ mà họ cần", ông Hancock nói.

    Bệnh viện ban đầu sẽ có 500 giường được trang bị máy thở và oxy. Các nhân viên y tế ở đây chủ yếu là các bác sĩ và y tá của NHS cũng như các bác sĩ và y tá quân y.

    Các quân nhân sẽ tiếp tục hỗ trợ cơ quan dịch vụ y tế của Anh (NHS) bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng, hậu cần và tư vấn quản lý dự án.

    Trung tâm ExCel London
    Trung tâm ExCel London

    Telegraph cho biết quân đội cũng sẽ giúp chuyển đổi những nơi khác trên khắp nước Anh thành các bệnh viện dã chiến. Tin tức này được đưa ra sau khi các sân bóng đá và sân cricket được xem là nơi có thể dựng các bệnh viện dã chiến tiếp theo.

    1/3 số người nhiễm Covid-19 tại Anh cũng đã hồi phục, theo Telegraph.

    Chuyên gia cảnh báo tình thế nguy hiểm ở Anh

    Theo Daily Mail, một nghiên cứu mới ở Đại học Oxford cho thấy khả năng virus đã âm thầm lây lan rộng tại Anh từ giữa tháng 1, khoảng 2 tuần trước khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên và một tháng trước khi Anh có ca tử vong đầu tiên.

    Điều đó có nghĩa là virus có đủ thời gian để lây nhiễm trên diện rộng. Sunetra Gupta, giáo sư dịch tễ học, người đứng đầu nghiên cứu, nói cần phải xét nghiệm trên diện rộng để đánh giá giả thuyết trên. Bà Gupta không loại trừ khả năng có nhiều người dân Anh hình thành kháng thể ngăn  virus.

    “Chúng ta cần kiểm tra huyết thanh quy mô lớn, xem người dân có kháng thể hay không và từ đó đánh giá giai đoạn dịch bệnh mà chúng ta đang trải qua”, bà Gupta nói.

    Theo các nhà nghiên cứu, số người nhiễm Covid-19 thực sự ở Anh có thể đã lên tới 400.000. Chính phủ hiện chưa cho xét nghiệm trên diện rộng mà chỉ xét nghiệm với người bệnh nặng phải nhập viện.

    Nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Oxford đem đến một góc nhìn khác về tình hình dịch bệnh ở Anh.

    Zing (theo Telegraph)

  • Sau nhiều tỷ năm tiến hóa, các loại virus học được cách “sống sót dù không có sự sống” - một chiến lược hiệu quả đáng sợ khiến chúng trường tồn, không ngừng đe dọa loài người.

    Virus SARS-CoV-2 chết người đã khiến cuộc sống toàn cầu bị đình trệ chỉ là một cụm nhỏ vật chất di truyền, xung quanh là các protein mang tên “spike” nhô ra có bề dày 1/1000 sợi lông mày, trông giống như vương miện (vì vậy mới có tên “corona”, cùng họ với từ “crown” - vương miện).

    Chúng như những thây ma vật vờ “zombie”, gần như không có dấu hiệu của sinh vật sống. Nhưng ngay khi chúng đi vào đường thở của con người, virus lại kích hoạt, tấn công tế bào, nhân ra hàng triệu bản.

    Cách thức hoạt động của SARS-CoV-2 có thể được coi là “thiên tài”, theo bình luận của Washington Post: xâm nhập vào cơ thể người, và trước khi con người có triệu chứng thì chúng đã sinh sôi nhanh chóng và lây sang người khác. Chúng gây hại, tàn phá phổi, gây tử vong ở một số bệnh nhân, nhưng chỉ gây triệu chứng nhẹ ở những người khác, vì vậy chúng luôn có thể lan rộng.

    Các nhà nghiên cứu đang chạy đua tìm cách chế thuốc chữa và vắcxin phòng bệnh, nhưng họ đứng trước một loài virus đáng gờm.

    Các y bác sĩ chăm sóc cho một bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

    Ở ngoài “giả chết”, vào cơ thể người lại kích hoạt

    Virus đường hô hấp thường xâm nhập, sinh sôi ở hai nơi trong cơ thể. Hoặc là ở mũi và họng, nếu vậy chúng sẽ lây mạnh hơn, hoặc là ở phần dưới của phổi, nơi chúng sẽ khó lây lan hơn nhưng lại dễ gây tử vong.

    Nhưng virus corona chủng mới SARS-CoV-2 lại như hai loại trên gộp lại. Chúng sống ở phần trên của đường hô hấp, để từ đó lây dễ dàng cho nạn nhân tiếp theo sau mỗi tiếng ho, hắt hơi. Nhưng ở một số bệnh nhân, SARS-CoV-2 có thể đi sâu xuống phổi, dẫn đến tử vong.

    Như vậy, SARS-CoV-2 có cả khả năng lây lan của cúm thông thường lẫn sự chết chóc của “họ hàng” nó là SARS, vốn đã gây dịch bệnh ở châu Á năm 2002-2003.

    Nhưng khác với SARS, SARS-CoV-2 có tỷ lệ tử vong thấp hơn. Đổi lại, triệu chứng sẽ biểu hiện ít hơn, lâu hơn so với SARS. Như vậy người nhiễm SARS-CoV-2 thường đã lây cho người khác trước khi biết mình nhiễm.

    Nói cách khác, SARS-CoV-2 có đủ sự lén lút để “xâm chiếm” toàn thế giới, theo Washington Post.

    SARS-CoV-2 bao quanh bề mặt tế bào được nuôi trong phòng lab. Ảnh: Viện Y tế Quốc gia Mỹ/AFP

    Các loại virus là thủ phạm gây những dịch bệnh nguy hiểm nhất trong vòng 100 năm trở lại đây: các dịch cúm 1918, 1957 và 1968, SARS, MERS và Ebola. Cũng như virus corona, các virus trên đều có nguồn gốc động vật, đều mã hóa vật chất di truyền trong các chuỗi ARN.

    Bên ngoài cơ thể của vật chủ, các virus loại ARN như vậy thường “án binh bất động”. Chúng không có dấu hiệu của sự sống như trao đổi chất, di chuyển hay sinh sản. Và chúng có thể “yên vị” như vậy khá lâu. SARS-CoV-2 thường bị xuống cấp trong vài phút hay vài giờ bên ngoài vật chủ, nhưng một số hạt phân tử có thể vẫn còn khả năng lây lan lâu hơn - chẳng hạn 24 giờ trên bề mặt bìa, hay thậm chí tới ba ngày trên bề mặt nhựa và thép không gỉ.

    Năm 2014, một virus đóng băng 30.000 năm, được các nhà khoa học phát hiện và hồi sinh lại, vẫn có thể lây cho một con amíp (một dạng sự sống đơn bào).

    Các nhà nghiên cứu đang làm việc với các mẫu virus corona tại trung tâm nghiên cứu vắcxin của Đại học Pittsburgh. Ảnh: AP.

    Sau khi vào vật chủ, chúng dùng các protein bao quanh mình để “mở khóa” và xâm nhập các tế bào, rồi dùng các cơ chế nội bào để tập hợp các vật chất cần thiết rồi tiếp tục sao chép.

    “Chúng như có khả năng bật - tắt giữa sống và không sống”, Gary Whittaker, giáo sư virus học tại Đại học Cornell, nói với Washington Post. Ông mô tả virus là thực thể lai giữa hóa chất và sinh học.

    Các chủng virus corona như SARS-CoV-2 là một trong nhiều họ virus loại ARN. Trong số các loại virus loại ARN, virus corona có kích thước lớn hơn và có những cơ chế phức tạp hơn.

    Một trong những cơ chế “ưu việt” đó bao gồm các protein “soát lỗi”, cho phép chính virus corona sửa lỗi trong quá trình nhân bản. Nhờ vậy, chúng sinh sôi nhanh hơn vi khuẩn thông thường, nhưng vẫn không nhân bản lỗi để rồi bị “chết yểu”.

    Khả năng thích ứng nói chung giúp các mầm bệnh thích nghi môi trường mới, lây từ loài này sang loài khác. Các nhà khoa học tin rằng SARS bắt nguồn từ dơi và lây cho người thông qua con cày hương bán ở chợ. Virus SARS-CoV-2 hiện nay cũng có thể có nguồn gốc từ dơi, và được cho là lây cho người qua vật chủ trung gian.

    Các nhà nghiên cứu đang chạy đua tìm cách chế thuốc chữa và vắcxin phòng bệnh. Ảnh: AFP

    Chống lại SARS-CoV-2: hệ miễn dịch và thuốc kháng virus

    Một khi vào trong tế bào, virus có thể sao chép 10.000 bản của chính mình trong vòng vài giờ. Sau vài ngày, người nhiễm bệnh sẽ có hàng trăm triệu phân tử virus trong chỉ vài giọt máu.

    Sự sinh sôi mạnh mẽ của virus khiến hệ miễn dịch phản công, tiết ra các hóa chất. Thân nhiệt tăng lên, gây triệu chứng sốt. Các “binh đoàn” bạch cầu kéo đến vùng nhiễm virus. Các phản ứng này khiến người bệnh bị ốm.

    Andrew Pekosz, nhà virus học tại Đại học John Hopkins, so sánh virus như một tên cướp phá hoại. Hắn vào nhà của bạn, ăn đồ ăn của bạn, dùng bàn ghế của bạn, rồi đẻ ra 10.000 đứa bé. “Phá tan tành ngôi nhà”, ông nói với Washington Post.

    Trận chiến giữa virus và hệ miễn dịch vô cùng tàn khốc, tế bào xung quanh bị “vạ lây”. Đồ họa: South China Morning Post

    Thật không may, con người chưa có nhiều cách chống lại những tên cướp này.

    Hiện nay, đối với vi khuẩn, hầu hết thuốc kháng khuẩn hoạt động bằng cách can thiệp vào cơ chế của vi khuẩn. Chẳng hạn, penicillin, loại kháng sinh phổ biến nhất thế giới, sẽ “chặn đứng” loại phân tử mà vi khuẩn dùng làm tường tế bào. Nhờ vậy mà penicillin có tác dụng thần kỳ khi được đưa ra mặt trận trong Thế chiến II, chống được hàng nghìn loại vi khuẩn. Hơn nữa, tế bào con người lại không dùng loại phân tử trên, nên chúng ta có thể dùng penicillin một cách an toàn.

    Nhưng virus khác với vi khuẩn. Chúng không có cỗ máy, tế bào riêng, nên chúng hoạt động thông qua tế bào của con người. Protein của chúng cũng là protein của con người. Những thuốc có thể diệt virus cũng sẽ gây hại cho chúng ta, theo Washington Post.

    Vì lý do này, các loại thuốc kháng virus thường phải “ngắm bắn” một cách rất cụ thể và chính xác, theo nhà virus học tại Đại học Stanford Karla Kirkegaard. Thuốc kháng virus cần phải nhắm đúng các loại protein mà virus cần dùng trong quá trình sao chép. Những protein này là đặc thù ở mỗi loại virus, đồng nghĩa với việc thuốc chữa loại virus này khó dùng cho loại virus khác.

    Tệ hơn, vì virus tiến hóa khá nhanh, nếu các nhà khoa học tìm được thuốc chữa, cũng khó có tác dụng lâu dài. Đó là lý do vì sao giới khoa học phải liên tục phát triển thuốc mới để điều trị virus HIV, và vì sao bệnh nhân phải uống một dạng “cocktail”, tức trộn lẫn một vài loại thuốc kháng virus, để cùng một lúc trị một vài biến thể virus.

    “Y học hiện đại liên tục phải theo kịp các biến thể virus”, bà Kirkegaard nói với Washington Post.

    Riêng SARS-CoV-2 vẫn là dấu hỏi. Mặc dù hành vi của chủng này khác với họ hàng của nó là SARS, dường như không có khác biệt giữa loại protein “spike” bao quanh ngoài SARS-CoV-2 và SARS.

    Hiểu được những protein này là điều then chốt trong việc phát triển vắcxin, theo Alessandro Sette từ Viện Miễn dịch La Jolla ở California. Nghiên cứu trước đây về SARS cho thấy protein “spike” bao quanh SARS là thứ khiến hệ miễn dịch phản ứng. Trong một nghiên cứu công bố tuần này, ông Sette cho thấy điều tương tự cũng đúng với SARS-CoV-2.

    Một mẫu vắc-xin đang thử nghiệm chống virus corona mới được đưa trở lại tủ đông. Ảnh: AP

    SARS-CoV-2 càng giống SARS, giới khoa học càng lạc quan

    Điều đó đem lại sự lạc quan, theo ông Sette, vì cho thấy phương hướng của các nhà khoa học hiện nay là nhắm vào protein “spike” để nghiên cứu vắcxin là đúng đắn. Cụ thể, nếu con người tiếp xúc với một phiên bản của “spike”, cơ thể sẽ được “tập huấn” để nhận dạng, và phản ứng sớm hơn.

    “Như vậy, virus corona chủng mới không phải quá ‘mới’”, ông Sette nói với Washington Post.

    Một điểm lạc quan nữa là nếu SARS-CoV-2 không khác nhiều so với họ hàng SARS, thì có nghĩa SARS-CoV-2 không tiến hóa quá nhanh. Như vậy các nhà khoa học sẽ có thời gian phát triển vắcxin và bắt kịp.

    Trong khi chờ tới lúc đó, vũ khí tốt nhất mà chúng ta có để chống lại virus corona là các biện pháp y tế cộng đồng, như xét nghiệm và duy trì khoảng cách xã hội, cùng với “người gác cổng” cần mẫn là chính hệ miễn dịch của chúng ta, theo bà Kirkegaard từ Đại học Stanford.

    Hiểu được cơ chế tàn phá của virus cũng như cơ chế phản kháng của cơ thể là thiết yếu trong việc chống virus. Ảnh: AFP

    Một số nhà khoa học còn lạc quan về một điều nữa: nằm ở chính loại virus này.

    Dù có cơ chế hoạt động “thiên tài” và hiệu quả, thậm chí khả năng gây chết người như vậy, “virus không thực sự muốn giết chúng ta. (Nếu không gây tử vong) thì sẽ tốt hơn cho chúng, tốt hơn cho số lượng virus, khi chúng ta vẫn khỏe mạnh”, theo bà Kirkegaard.

    Các chuyên gia cho rằng, từ góc độ tiến hóa, mục tiêu cuối cùng của virus là vừa lây lan rộng nhưng chỉ tác động nhẹ nhàng lên vật chủ - tức làm một “vị khách” không mời nhưng lịch sự, thay vì một tên cướp phá hoại. Lý do là nếu vật chủ tử vong nhiều như SARS hay Ebola, virus cũng sẽ không còn vật chủ để lan truyền tiếp.

    Virus không gây tử vong mạnh mà chỉ có tác hại nhẹ là loại có thể tồn tại mãi mãi. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy loại virus gây Herpes môi (mụn rộp môi) đã tồn tại theo con người trong 6 triệu năm. “Đó là loại virus quá thành công”, bà Kirkegaard nói.

    Nếu nhìn dưới góc độ tiến hóa như vậy, virus corona chủng mới SARS-CoV-2 dường như còn khá “ngây thơ” khi đang lây lan và làm nhiều người tử vong, mà không biết rằng có cách khác “nhẹ nhàng” hơn để tồn tại lâu dài, Washington Post bình luận.

    Nhưng qua thời gian, ARN của virus sẽ dần thay đổi. Có thể đến một ngày, không xa, nó sẽ trở thành một trong những chủng cúm mùa thông thường, nổi lên mỗi năm, khiến chúng ta ho, hắt hơi, chứ không có gì nghiêm trọng hơn, theo Washington Post.

    Theo Zing

  • Trong những ngày chống Covid-19, các nhân viên y tế còn phải đối mặt với câu chuyện bị đuổi khỏi nhà thuê do chủ nhà hoặc hàng xóm sợ lây virus.

    Joseph Hoar, nhân viên bộ phận xe cứu thương khu vực Tây Nam của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) đang làm việc thì nhận được tin nhắn của bà chủ nhà yêu cầu anh phải thu dọn đồ đạc và chuyển đi trong vòng 24 giờ.

    Joseph Hoar bị chủ nhà gửi tin nhắn đuổi ra ngoài. Ảnh: The Guardian.

    Trong một bài đăng trên Twitter ngày 21/3, Hoar chia sẻ ảnh chụp tin nhắn của chủ nhà có nội dung: "Tôi cực kì căng thẳng về việc có người làm việc cho NHS ở đây. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi anh tiếp xúc với virus. Anh có thể liên lạc với Airbnb (dịch vụ cho thuê phòng) và thu dọn đồ đạc ngay ngày mai được không? Xin lỗi, bình thường tôi không làm vậy nhưng bây giờ không đáng để mạo hiểm".

    Việc bị đuổi khỏi nhà đột ngột như vậy khiến người đàn ông này không thể làm việc ca đêm vào ngày hôm sau, trong khi nhu cầu về các nhân viên NHS đang cao hơn bao giờ hết.

    Tin nhắn của chủ nhà. Ảnh: The Guardian.

    Hoar chỉ là một trong số nhiều nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch của Anh đã hoặc sắp bị đuổi khỏi chỗ ở vì sợ lây bệnh và kỳ thị.

    Sarah-Jane Marsh, Giám đốc điều hành quỹ tín thác NHS ở Birmingham, cho biết: "Nhiều y tá bị đuổi khỏi nhà ở chung vì mọi người không muốn sống với họ".

    Tổ chức từ thiện cho người vô gia cư Shelter cho biết, thời gian gần đây họ nhận được nhiều lời kêu gọi giúp đỡ từ những người thuê nhà bị dọa đuổi đi vì cuộc khủng hoảng Covid-19.

    Hoar và đội của anh. Ảnh: The Guardian.

    Một người làm việc cho bệnh viện NHS nói với Shelter, chủ nhà muốn đuổi cô ấy và những người đang làm việc tại bệnh viện, vì lo ngại về Covid-19.

    Polly Neate, giám đốc điều hành của Shelter, cho biết: "Hiện tại, chúng tôi thấy một số người thuê nhà đang hoảng sợ khi bị những chủ nhà vô trách nhiệm dọa đuổi, bao gồm cả những nhân viên NHS quan trọng. Điều này không được phép xảy ra".

    Thủ tướng Boris Johnson đã công bố các biện pháp bảo vệ người thuê nhà và cấm chủ nhà đuổi họ trong đại dịch. Luật khẩn cấp sắp được ban hành yêu cầu chủ nhà không được đuổi người thuê nhà trong ít nhất ba tháng.

    Chính phủ cũng xác nhận sẽ hỗ trợ chủ nhà khi người thuê nhà không thể thanh toán vì mất thu nhập do đại dịch.

    VnExpress (dịch từ Guardian)

  • Ông Dân gọi chuyến đi này là cuộc chiến sinh tử, ví mình như chiến binh đi vào giữa bãi mìn mà không biết mìn ở đâu. 

    Trong căn hộ 60 m2 ở Milan, vùng Lombardy, ông Trương Văn Dân và vợ - nhà văn Elena Pucillo (64 tuổi), mỗi người một góc nghiền ngẫm những cuốn sách vừa mua từ Việt Nam sang.  Ít người biết, để có những giây phút bên nhau bình yên này, ông Dân đã phải trải qua một chuyến đi bão táp, bay ngược vào "tâm bão" Covid-19 của đất nước hình chiếc ủng. Ngày 24/3, số người tử vong vì đại dịch này ở Italy đã lên gần 7.000 người, cao gấp đôi Trung Quốc.

    "Nếu ở Việt Nam tôi sẽ an toàn nhưng sẽ phải suốt ngày phải lo lắng cho vợ ở Italy", nhà văn 67 tuổi gốc Bình Định nói và bắt đầu kể về chuyến đi "sinh tử" của mình. 

    Tháng 12/2019, ông Dân và vợ sang Milan ra mắt cuốn sách của bà rồi ăn Tết ở đó. Sau Tết, ông về nước, còn vợ ở lại. Đến đầu tháng Ba, Covid-19 bùng phát mạnh ở Italy, Milan trở thành tâm dịch, số người tử vong tăng từng ngày, bà Elena đặt vé trở lại TP HCM nhưng cuối cùng bị kẹt lại. 

    Mỗi năm, ông Dân đều cùng vợ sang Italy một lần, nhưng đây là chuyến về quê vợ bão táp nhất của đời ông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Nhận tin vợ mắc kẹt giữa vùng dịch nghiêm trọng nhất thế giới, lòng ông Dân như có lửa đốt. Cuộc hôn nhân hơn 35 năm, trải qua nhiều biến cố, nhưng chưa lần nào khiến ông mất ngủ nhiều vậy. "Bà ấy chỉ ở một mình, chẳng may bà ấy nhiễm bệnh sẽ không ai bên cạnh", ông nghĩ và quyết định bay sang Milan, dù lúc đó những người khác ở Italy chỉ tìm cách về Việt Nam. 

    Ngày 12/3, ông đặt vé trở lại Italy, dù vợ phản đối. Chuyến bay dự kiến cất cánh ngày 16/3. Lúc này, Italy đã trở thành ổ dịch lớn thế hai thế giới. "Điều tôi lo lắng nhất là quá trình di chuyển sang Italy, mình bị nhiễm bệnh sẽ lây cho vợ hoặc nếu có gì bất trắc, chúng tôi sẽ phải chia lìa", giọng người chồng trùng xuống. Chưa kịp bay thì vé bị hủy. 

    Ông Dân tiếp tục đặt vé lần hai, chấp nhận giá vé tăng cao gấp nhiều lần. Đường bay của chuyến này dự kiến sẽ phải quá cảnh ở Singapore và Đức rồi mới đến Milan. Vừa đặt xong vé, chưa kịp mừng thì hãng báo tin chuyến bay bị hủy. 

    Không bỏ cuộc, lần thứ ba ông nhờ một người bạn làm trong ngành du lịch đặt vé giúp. Chuyến bay dự kiến khởi hành chiều 14/3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh ở Belgrade (Serbia) rồi đổi sang hãng khác để tiếp tục bay về Milan. 

    Ông Dân gấp nhanh vài bộ quần áo, cho khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ, nước rửa tay, nước súc họng vào hành lý, xách theo ít đồ ăn khô... vào vali. Hít một hơi thật sâu, ông kéo vali rời nhà ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nơi hai vợ chồng định cư 10 năm qua. Tưởng như may mắn đã mỉm cười vì vé không bị hủy, đến khi làm thủ tục quá cảnh Belgrade, ông mới biết có lệnh cấm người mang hộ chiếu Italy vào Serbia. Lần thứ ba ông không thể bay.

    Ngồi thụp xuống vì thất vọng tràn trề nhưng ông xác định trong tuần này khi các nước chưa thực sự siết chặt lệnh cấm, sẽ có "cửa" để đi được. Ông Dân quyết định ngồi lại sân bay nhờ người quen tìm giúp một chuyến bay khác ngay trong đêm.  Đến nửa đêm, người bạn sốt ruột, khuyên ông về nhà, hứa báo ngay khi có vé. "Tôi về nhà, cơ thể như bất động vì rã rời, nhưng đầu nối tiếp suy nghĩ. Đó thực là một đêm ác mộng", ông nhớ lại.

    Ông Dân dừng chân ở nhà ga Milan, kết thúc hành trình 33 giờ từ Việt Nam sang Italy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    9h sáng ngày 15/3, nhận điện thoại của bạn thông báo có chuyến bay quá cảnh sang Doha (Qatar) để về Rome, ông Dân lại lặng lẽ kéo vali ra sân bay Tân Sơn Nhất. Ba lần bị hủy vé, ông Dân dặn mình không mừng vội, cũng không dám báo tin cho vợ hay bạn bè.

    19h cùng ngày, ông Dân lên chuyến bay sang Doha. Dừng ở sân bay 9 tiếng, ông đảo mắt tìm nơi ít người qua lại nhất để ngồi. "Tôi đã quen với sân bay vốn rất đông đúc này, nhưng giờ chỉ còn khoảng 1/4 khách so với ngày thường", ông kể. Lúc đó là 1h sáng giờ địa phương. 

    Suốt năm tiếng chờ đợi, ông bước về phía quầy làm thủ tục cho chuyến bay kế tiếp hàng chục lần. Lồng ngực như nghẹn lại vì khó thở và căng thẳng. Ở sân bay Doha, không ai dám trả lời vị khách Việt chuyến bay sang Rome có thể cất cánh hay không. Bạn bè và vợ liên tục nhắn tin hỏi han tình hình. Không muốn mọi người hy vọng hoặc thất vọng, ông chỉ nhắn lại: "Đang ở Doha, chưa thể nói trước điều gì".

    "Nỗi lo sợ lớn nhất của tôi là bị mắc kẹt lại đất nước xa lạ này, khi không thể sang Italy, cũng không thể về lại được Việt Nam", ông kể. 7h sáng 16/3, màn hình hiển thị thông tin sân bay có chuyến bay ông Dân chờ đợi. Lúc này, ông mới lôi trong vali chai nước và chiếc bánh ngọt để dằn bụng.

    Khác với tưởng tượng của ông Dân, chuyến bay vẫn có đông hành khách. Nhớ lời bạn dặn "ngồi gần cửa sổ ít khả năng lây nhiễm nhất", ông chọn vị trí này. Trên máy bay, mọi người đều cảnh giác. Ông kéo cao khẩu trang lên khít mũi, ngoảnh mặt ra phía cửa sổ để tránh tiếp xúc, rồi thiếp đi.

    Tỉnh lại, ông Dân thấy chiếc ghế bên cạnh bỏ trống, vị khách biến mất. Hóa ra, anh ta đã xin xuống phía dưới ngồi với một người đồng hương. "Chắc biết mình là dân châu Á, tưởng người Hoa nên sợ nhiễm virus", ông bật cười nhớ lại.

    Chuyến bay hạ cánh ở Rome, cách Milan 600km, nhưng ông nghĩ mình đã đến đích. Sân bay vắng tanh. Khách người đeo khẩu trang, người không, nhưng đều đứng cách xa nhau ít nhất một mét. Cảnh sát đứng dày các lối đi, kiểm tra tờ khai y tế của từng người. Ông Dân mở máy thông báo với vợ đã đến Rome và nghe thấy tiếng thở như trút được gánh nặng của bà. Bà Elena dặn chồng cẩn trọng. Hành trình về Milan còn dài.

    Năm 19 tuổi, ông Trương Văn Dân sang Italy du học. Tại đây, ông gặp bà Elena, khi đó mới 16 tuổi. 13 năm sau, năm 1985, họ mới chính thức thành vợ chồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Ông Dân tiếp tục mất hơn nửa giờ bắt xe buýt từ sân bay đến ga xe lửa Rome. Cả nhà ga lớn bậc nhất châu Âu này cũng vắng tanh, nhân viên an ninh đông hơn khách. Nhà chức trách làm bốn hàng rào để kiểm soát người ra vào. Chỉ có duy nhất một quán ăn nhỏ mở cửa. Lúc này, bụng réo ầm ĩ, ông đứng xếp hàng, mua được một miếng pizza nóng.

    "Tôi ngồi phịch xuống đất ăn ngon lành. Cảm giác như được sống lại thời sinh viên nghèo khó, lang bạt", ông nói. Lúc đó là 13 giờ ở Italy. Cả toa tàu chỉ có bốn hành khách, ngồi rải từ đầu đến cuối toa.

    Bà Elena ra nhà ga Milan đón chồng. Ông Dân bỏ áo khoác đang mặc vào bao nilon. "Cười chảy nước mắt vì hạnh phúc nhưng vợ chồng chẳng dám ôm nhau", ông kể. Về nhà, ông bỏ hết hành lý ra ban công, thay quần áo, khử trùng trước khi bước vào nhà. Bà Elena đã chuẩn bị những món Ý nóng sốt cho chồng. Bữa cơm đã có hai người.

    Ngày hôm sau 17/3, phi trường Rome chính thức đóng cửa, lệnh phong tỏa cũng đã được ban hành ở Italy. Sau đó một ngày, ở Việt Nam, Vietnam Airlines dừng khai thác đường bay quốc tế đến hết tháng Tư.

    Theo VnExpress

  • Tỷ lệ người chết vì Covid-19 ở UK đã tăng chóng mặt, thêm 87 ca chỉ trong 24h qua, nâng tổng số người chết lên 422 người.

    Trong đó, 21 ca tử vong được báo cáo tại bệnh viện London North West University Healthcare NHS Trust ở Harrow. 7 ca tử vong ở Bệnh viện Princess Alexandra Hospital tại Harlow, Essex. 4 ca tử vong ở Manchester University NHS Foundation Trust, University Hospitals of Leicester và Leeds Teaching Hospitals NHS Trust.

    Tính đến 9h sáng ngày hôm nay thứ Ba, đã có 90.436 người được xét nghiệm Covid-19. Có 8.077 ca dương tính, hôm qua mới chỉ có 6.650 ca dương tính. Độ tuổi tử vong từ 33-103 tuổi và đều nằm trong nhóm dễ bị tổn thương, nhiều người có bệnh lý nền.

    Sau đây là một số tin chính trong ngày:

    - Nếu 2 người yêu nhau mà không sống chung dưới một mái nhà, thì theo lệnh giới nghiêm, họ không nên gặp mặt nhau. Chính quyền không muốn họ gieo rắc virus cho người thân của nhau thông qua việc gặp gỡ và di chuyển từ nhà này sang nhà kia. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Y tế, bà Jenny Harries, gợi ý hai người có thể dọn về ở chung nhà với người kia. 3 tuần giới nghiêm có thể là một thử thách khắc nghiệt cho các cặp đôi.

    - Bệnh viện dã chiến 4.000 giường của NHS sẽ được đưa vào sử dụng trong tuần tới với tên gọi NHS Nightingale. Nơi đây vốn là trung tâm hội nghị London's ExCel, được đánh giá là cơ sở y tế lớn nhất từ trước đến nay trong hệ thống của NHS.


    London's Excel

    - NHS cần 250.000 tình nguyện viên tham gia cuộc chiến chống Covid-19. 

    - Các triệu chứng nhẹ của virus corona mà bạn có thể bỏ qua: chán ăn, mất khứu giác, mất vị giác. Người nào xuất hiện các triệu chứng này nên sớm cách ly. Nguyên nhân có thể do virus đã tiêu diệt tế bào ở mũi và cổ họng, góp phần gây viêm phổi. Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn thường xâm nhập qua mắt, mũi và cổ họng. Đau bụng, đau mắt cũng là một dấu hiệu của bệnh. Một bệnh nhân tên Ryan Van Waterschoot là điển hình của trường hợp này. Chỉ một ngày sau khi mất vị khác và khứu giác, anh gần như bị tê liệt và phải nhập viện, đeo mặt nạ oxy.

     - Bác sĩ nhãn khoa và nha khoa được khuyên ngừng các cuộc hẹn với bệnh nhân. Hiệp hội Nha khoa Anh đang khiếu nại, yêu cầu chính phủ cho phép các ca bệnh cấp tính vẫn nên được tiến hành.

    - Siêu thị gắn màn ''chống ho'': Lidl và Mirrions đã gắn các tấm màn kiếng ''chống ho'' để bảo vệ nhân viên thu ngân. 

    - Các công ty phải đảm bảo người lao động giữ khoảng cách 2m. Không tuân thủ nguyên tắc này có thể bị phạt từ 30 bảng trở lên.

    - Lực lượng cảnh sát West Yorkshire đã nhận được 999 cuộc gọi ''tào lao'' từ người dân, như hỏi giờ mở cửa siêu thị, báo cáo giá giấy vệ sinh tăng, nhờ cảnh sát mua xăng hộ... Cảnh sát nghiêm túc yêu cầu người dân chỉ gọi khi có trường hợp khẩn cấp.

    - Từ hôm nay, việc thăm tù nhân sẽ tạm dừng ở England và Wales, tuy nhiên, việc gọi điện vẫn được phép. Đã có 2 trường hợp dương tính với Covid-19 ở nhà tù Wandsworth, London.

    Viethome (theo Mirror)

  • Một y tá được đánh giá là "khỏe mạnh và cân đối" và không có bệnh lý nền đang chiến đấu giành giật sự sống sau khi nhiễm coronavirus, gia đình của cô cho biết.

    Bà mẹ ba con Areema Nasreen, 36 tuổi, đang phải thở máy tại Bệnh viện Walsall Manor ở West Midlands. Cô đã bị sốt, đau nhức cơ thể và ho trước khi được chẩn đoán nhiễm virus.

    Chị gái của Areema đã kêu gọi mọi người không được chủ quan với căn bệnh này - nói rằng "không chỉ người già mới phải đối mặt với nguy cơ".

    Areema Nasreen

    Areema, người đã làm việc cho NHS được 16 năm, đang được các đồng nghiệp chăm sóc đặc biệt.

    Kazeema, chị gái của Areema, nói: "Em gái tôi, một y tá tuyệt vời ở tiền tuyến và luôn giúp đỡ rất nhiều người, đã nhiễm virus này. Cô ấy đang trong tình trạng nguy kịch ở ICU, phải dùng máy thở và chiến đấu giành lấy cuộc sống của mình.

    "Tôi muốn tất cả mọi người biết virus này nguy hiểm như thế nào. Em tôi chỉ mới 36 tuổi và bình thường rất khỏe mạnh."

    Cô cũng khen ngợi nhân viên bệnh viện, nói rằng họ "không làm gì hơn ngoài giúp đỡ và hỗ trợ" khi chăm sóc em gái cô.

    Kazeema tiếp tục: "Mọi người không đủ nghiêm túc khi nhận thức vấn đề này. Em tôi còn trẻ - không chỉ người già mới gặp nguy hiểm."

    Areema bắt đầu cảm thấy không khỏe vào khoảng mười ngày trước, đầu tiên là 'đau nhức cơ thể', nhiệt độ cao không thể hạ và ho.

    "Nhiệt độ của em tôi không giảm và ho nặng đến nỗi ảnh hưởng đến phổi.

    "Cuối cùng em tôi được đưa đến bệnh viện và họ đã xét nghiệm cho nó. Kết quả dương tính và bây giờ em tôi đang ở trong phòng Chăm sóc Chuyên sâu tại Bệnh viện The Manor.

    "Rõ ràng là chúng tôi không được phép đến thăm em ấy nhưng nhân viên bệnh viện vẫn giữ liên lạc và cập nhật cho chúng tôi thường xuyên nhất có thể.

    "Areema yêu NHS. Các đồng nghiệp của em ấy giống như một gia đình thứ hai và họ thực sự tuyệt vời. Họ đang giữ tất cả chúng tôi mạnh mẽ và làm mọi thứ có thể cho em tôi.

    "Bệnh viện The Manor rất tuyệt vời và em tôi luôn yêu thích làm việc ở đó hơn 15 năm qua.

    "Em tôi bắt đầu sự nghiệp với công việc quản gia, sau đó là Trợ lý chăm sóc sức khỏe và giờ là một y tá.

    "Em nữ hoàng của tôi và luôn được mọi người yêu mến. Em ấy luôn đặt người khác lên hàng đầu. Chúng tôi rất đau lòng."

    VietHome (Theo Mirror)

  • Người dân ở Brighton đi dạo vào sáng nay, tuân theo quy tắc giãn cách xã hội.

    Thủ tướng Boris Johnson yêu cầu mọi người ở yên tại nhà trong ít nhất 3 tuần, và chỉ ra khỏi nhà vì 4 lý do chính đáng. Tuy nhiên, rất nhiều người không chắc mình rơi vào tình huống nào và có được phép rời khỏi nhà hay không. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp một số thắc mắc cho bạn: 

    4 lý do chính đáng bạn được rời khỏi nhà:

    - Mua sắm nhu yếu phẩm như thực phẩm và thuốc, nhưng bạn không nên ra ngoài thường xuyên để làm những việc này mà hãy sử dụng dịch vụ giao hàng.

    - Tập thể dục 1 lần/ngày, như chạy bộ, đi bộ hoặc đạp xe. Bạn có thể tập thể dục một mình, hoặc với các thành viên trong gia đình, hoặc với chó cưng của bạn.

    - Đi khám bệnh, đi trông nom người ốm hay đi chăm sóc người khác.

    - Đi làm, nhưng chỉ trong trường hợp vô cùng cần thiết và không thể làm tại nhà. 

    Người Anh có thể ra ngoài tập thể dục 1 lần/ngày, nhưng phải giữ khoảng cách 2m.

    Hỏi/đáp

    Hỏi: Tôi sống ly thân với bố/mẹ của con tôi... vậy con tôi (dưới 18 tuổi) có được thăm bố/mẹ?

    Trả lời: Được. Chánh Văn phòng Nội các, ông Michael Gove giải thích với Sky News rằng, trẻ em không nên đi lại giữa nhà này với nhà nọ, nhưng nếu bố mẹ sống ly thân thì đây là tình huống bất khả kháng.  

    Hỏi: Tôi làm trong lĩnh vực xây dựng, liệu tôi có được tiếp tục làm việc không?

    Trả lời: Có. Ông Gove cho biết việc xây dựng ngoài trời có thể tiếp tục miễn là người lao động giữ khoảng cách. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu cho rằng điều này gần như không thể.

    Còn ở Scotland, Thủ hiến Nicola Sturgeon nói rõ là chỉ những công trình xây dựng thiết yếu, như xây dựng bệnh viện, mới được tiếp tục.

    Người dân xếp hàng tại một siêu thị Sainsbury's gần Leeds trong ngày đầu tiên giới nghiêm.

    Hỏi: Còn thợ sửa ống nước thì sao?

    Trả lời: Ông Gove nói thợ sửa ống nước có thể đi làm khi nhận được những cuộc gọi khẩn cấp. Nếu không có việc gì khẩn thì không được đi làm.

    Hỏi: Tôi đang sửa nhà, liệu tôi có thể tiếp tục không?

    Trả lời: Ông Gove nói việc sửa chữa có thể tiếp tục nhưng nếu các nhân công không thể đứng cách nhau 2m trong nhà của bạn, thì họ sẽ không được đi làm.

    Hỏi: Tôi không sống gần bố mẹ, họ đang tự cách ly vì đã trên 70 tuổi và có bệnh lý nền, liệu tôi có thể lái xe đến nhà để mang đồ ăn cho họ?

    Trả lời: Thường thì cảnh sát sẽ không tuýt còi chỉ vì bạn đang lái xe, chỉ cần bạn để thức ăn trước cửa là được.

    Hỏi: Tôi xung phong giúp đỡ người già và người dễ tổn thương, liệu tôi có thể tiếp tục công việc của mình không?

    Trả lời: Được. Theo luật giới nghiêm, giúp đỡ người dễ bị tổn thương là một công việc liên quan đến y tế và bạn được phép ra ngoài để đi làm.

    Hỏi: Các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ có được phép hoạt động?

    Trả lời: Một số cửa hàng đã quyết định đóng cửa, hoặc chỉ chấp nhận giao hàng hoặc nhận đặt hàng online. Bạn nên kiểm tra trang chủ của họ để xem họ còn mở cửa hay không.

    Người dân nên hạn chế sử dụng phương tiện công cộng, mặc dù sáng hôm nay không có biển cảnh báo nào.
    Trafalgar Square vắng tanh trong ngày giới nghiêm.

    Hỏi: Tôi phải đi làm, liệu tôi có thể sử dụng xe buýt, tàu lửa hoặc tàu điện ngầm không?

    Trả lời: Người dân nên tránh sử dụng phương tiện công cộng, trừ khi họ buộc phải đi làm hoặc họ là lao động chủ chốt. Luật giãn cách xã hội vẫn áp dụng nhưng vì các phương tiện công cộng đã bị cắt giảm do nhân viên Tfl bị ốm hoặc tự cách ly, nên việc giữ khoảng cách có thể hơi khó.

    Nên dừng những hoạt động đi lại không cần thiết.

    Hỏi: Tôi có thể lái xe ra đường cho đỡ chán không?

    Trả lời: Ông Gove cho biết cảnh sát giao thông hiếm khi thổi một người lái xe vô tư trên đường.

    Hỏi: Nếu nhìn thấy một nhóm người dạo chơi trong công viên, tôi nên làm gì?

    Trả lời: Ông Gove cho biết: ''Bạn có thể khuyên họ giản tán và nếu họ không nghe, bạn có thể gọi cảnh sát''. 

    Hỏi: Tôi cần đi đổ xăng và sửa xe, liệu các gara có mở cửa không?

    Trả lời: Các gara nên mở cửa để mọi người có thể đổ xăng hoặc sửa xe, nhưng các showroom xe hơi thì phải đóng cửa.

    Hỏi: Tôi muốn thuê xe riêng để tránh sử dụng phương tiện công cộng, được không?

    Trả lời: Ông Gove cho biết các công ty cho thuê xe có thể mở cửa, nhưng việc giữ khoảng cách giữa nhân viên và khách hàng là cần thiết. 

    Hỏi: Hàng xóm của tôi sợ không dám ra đường, liệu tôi có thể đưa chó của họ đi dạo không?

    Trả lời: Bạn không nên tiếp xúc với chó của người khác.

    Nếu 2 người yêu nhau mà không sống chung dưới một mái nhà, thì theo lệnh giới nghiêm, họ không nên gặp mặt nhau. Chính quyền không muốn các bạn gieo rắc virus cho người thân của nhau thông qua việc gặp gỡ và di chuyển từ nhà này sang nhà kia. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Y tế, bà Jenny Harries, gợi ý một trong hai người có thể dọn về ở chung nhà với người kia. 3 tuần giới nghiêm có thể là một thử thách khắc nghiệt cho các cặp đôi.

    Xe quân đội phân phối thiết bị bảo hộ cho NHS.

    Viethome (theo SkyNews)

  • Các nhà khoa học Anh vừa có một phát hiện đột phá mà họ hy vọng sẽ là vũ khí bí mật trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của virus corona gây bệnh viêm phổi cấp (Covid-19).

    Các nhà khoa học Anh đã phát hiện kháng thể có thể chống lại virus corona trong máu bệnh nhân từng nhiễm SARS năm 2004.

    Theo báo Express, các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra một kháng thể trong máu của bệnh nhân từng mắc Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và họ hy vọng nó có thể vô hiệu hóa virus corona đang lan rộng khắp toàn cầu với tốc độ nhanh chóng mặt.

    Các nhà khoa học từ tổ chức phi lợi nhuận Diamond ở Harwell Oxfordshire đã sử dụng máy X-quang, hoạt động giống như kính hiển vi khổng lồ để phân tích máu của bệnh nhân từng nhiễm SARS năm 2004.

    Kết quả là, họ đã tìm thấy trong máu bệnh nhân này một loại kháng thể có thể bám vào virus và chống lại nó bằng cách sử dụng hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

    Phó giám đốc khoa học đời sống của Diamond, Giáo sư Gwyndaf Evans tiết lộ rằng kháng thể này bám vào virus corona thậm chí còn nhạy hơn so với SARS. Lý do là, virus corona có thân hình cầu với những chiếc gai mọc ra khỏi bề mặt của nó khiến nó trông giống như một chiếc vương miện.

    Giáo sư Evans hi vọng phát hiện mới trên có thể trở thành một liệu pháp để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona gây bệnh viêm phổi cấp (Covid-19).

    SARS bắt nguồn từ Trung Quốc và bùng phát mạnh trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2004 đã khiến 8.098 người nhiễm bệnh và 774 trường hợp tử vong ở 17 quốc gia.

    Trong khi đó, virus corona gây bệnh viêm phổi cấp cũng bắt nguồn từ Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái, đến nay đã lây nhiễm cho hơn 245.000 người trên khắp thế giới, trong đó số người chết đã vượt quá 10.028 người.

    Theo Express

  • Những nhân viên của hệ thống tàu điện ngầm London đã vô cùng bực bội khi chứng kiến cảnh hành khách chen chúc nhau chật cứng trên các toa tàu điện ngầm và không đeo khẩu trang, bất chấp cảnh báo hạn chế đi lại để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

    Những hình ảnh xuất hiện sau khi Thị trưởng London – ông Sadiq Khan và chính phủ Anh lên tiếng cảnh báo người dân không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trừ khi có công việc đặc biệt quan trọng để tránh lây Covid-19.

    Số lượng tàu điện ngầm và xe bus phục vụ người dân tại London đã bị cắt giảm từ hôm 23.3 như một phần của kế hoạch hạn chế đi lại.

    Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo và kêu gọi của chính phủ, rất nhiều người Anh vẫn sử dụng tàu điện ngầm để đi lại và vì số lượng chuyến bị giảm nên người dân nhồi nhét còn chật kín hơn thường ngày.

    Chen chúc trên tàu điện ngầm tại London. (Ảnh: The Sun)

    Chẳng ai quan tâm đến việc giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét. Đáng chú ý, rất nhiều người được nhìn thấy không đeo khẩu trang. Những bức ảnh nói trên được chụp lại bởi một nhân viên làm việc trên tàu điện ngầm ở London hôm 23.3.

    Rất ít người đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm (Ảnh: The Sun)
    Trạm xe bus cũng diễn ra cảnh chen lấn tương tự (Ảnh: The Sun)
    Nhiều người dân vẫn ra đường để vui chơi, tập thể dục (Ảnh: The Sun)

    Không chỉ trên tàu điện ngầm, tình trạng chen chúc tương tự cũng đuợc nhìn thấy trên các tuyến xe bus. Nhiều người dân Anh cũng đổ ra đường và tới các công viên để vui chơi, bất chấp khuyến cáo hạn chế đi lại từ phía chính phủ Anh.

    Thứ Bảy vừa rồi, đám đông còn tụ tập trên những con phố ở Kensington để đua xe. Lamborghini, Ferrari và nhiều siêu xe thể thao khác đã gầm lên tới 80km/h trước sự cổ vũ của 200 người, còn cảnh sát thì không thấy đâu. Nhiều tài xế còn hút bóng cười trên xe.

    Upmarket Sloane Street nhộn nhịp siêu xe và đám đông hâm mộ. Ảnh: w8media
    Khu vực này nổi tiếng là nơi gặp gỡ về đêm của các siêu xe của giới siêu giàu, khiến cư dân xung quanh rất giận dữ và thường xuyên gởi đơn từ khiếu nại lên chính quyền. Ảnh: w8media

    Vào những tháng thời tiết ấm hơn, giới chơi siêu xe lại nhập xe từ nước ngoài về để phô diễn trên các con phố London, và vui vẻ trả phí phạt tốc độ.

    The Sun