Tranh giành thiết bị y tế: Cuộc chiến không khoan nhượng

Thị trường thiết bị y tế rơi vào hỗn loạn khi các quốc gia tung cả quân đội và lực lượng tình báo vào cuộc tranh giành để ứng phó dịch mà bất chấp quan hệ “huynh đệ” hay bạn bè.

0 tranh gianh thiet bi y te
Pháp tiếp nhận hàng triệu khẩu trang từ Trung Quốc ngày 30.3. Ảnh: The New York Times

“Hớt tay trên" ngay tại sân bay

Ngày 1.4, lô hàng 4 triệu khẩu trang do Trung Quốc sản xuất đã được chất lên máy bay và sẵn sàng đưa đi Pháp theo đơn đặt hàng, bỗng chuyển hướng bay thẳng đến Mỹ trong phút cuối. “Một số người Mỹ có mặt tại sân bay chấp nhận trả giá gấp 3 lần và thanh toán bằng tiền mặt ngay lập tức”, đài RFI dẫn lời ông Jean Rottner, Chủ tịch của vùng Grand Est (Pháp), chia sẻ.

Nguồn tin của tờ Liberation cho biết kịch bản này đã xảy ra nhiều lần với một số thành phố của Pháp, như vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur. Từ đầu tháng 3, Pháp lên kế hoạch tích trữ khẩu trang nhập khẩu thêm 1 tỉ chiếc, trong đó có 600.000 chiếc từ Trung Quốc và sẽ được vận chuyển hằng tuần cho đến hết tháng 4.

Canada cũng rơi vào “cuộc chiến” tương tự khi nhiều lô hàng nước này đặt từ Trung Quốc đã bị “hao hụt” khi “quá cảnh” châu Âu. Nguồn tin giấu tên chia sẻ với Đài phát thanh Canada rằng có rất nhiều sự cạnh tranh từ châu Mỹ và châu Âu.

“Chúng tôi đã chiến thắng ấn tượng trong trận chiến này. Các quốc gia ngoài kia còn đang thiếu thiết bị, nhưng ở đây chúng tôi vẫn có đủ và hàng sẽ được chuyển đều đặn”, Thủ hiến bang Quebec (Canada) François Legault lạc quan.

Tại Mỹ, cuộc chiến còn xảy ra trong nội bộ nước này, như Thống đốc New York Andrew Cuomo ví von: “Hơn 50 tiểu bang đang cạnh tranh nhau về thiết bị bảo hộ và máy thở, như một cuộc đấu giá trên eBay”.

Quân đội, tình báo vào cuộc

Cơ quan Tình báo Mossad của Israel, vốn nổi tiếng với những chiến dịch ám sát và bắt cóc, đã lập được “chiến công” mới khi mang về hàng loạt thiết bị y tế cho nước này trong cuộc chiến chống Covid-19. Giữa lúc nguồn hàng khan hiếm trên khắp thế giới, Mossad vẫn nhập khẩu được 10 triệu khẩu trang, 25.000 mặt nạ phòng độc N95, 27 máy thở và 20.000 bộ dụng cụ xét nghiệm từ các nguồn cung không được tiết lộ.

“Đánh cắp tài liệu lưu trữ hạt nhân của Iran còn dễ hơn là tìm mua máy thở y tế và vận chuyển nó đến các bệnh viện ở Israel”, tờ Al Monitor dẫn lời ông Yossi Cohen - Giám đốc Mossad. Hàng trăm nhân viên của ông Cohen đã lục tung mọi ngóc ngách khắp thế giới để có được thiết bị cần thiết. Họ không cần phải quan tâm đến ngân sách, mệnh lệnh duy nhất đó là bằng mọi giá phải bảo đảm Israel có đủ khả năng ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 trong điều kiện khẩn cấp nhất.

Ở châu Âu, các tập đoàn sản xuất lớn như Airbus, Rolls-Royce, Land Rover hay McLaren cũng chuyển đổi dây chuyền sang sản xuất máy thở. Tại Ý, các bác sĩ đã điều chỉnh mặt nạ lặn gắn thêm van hô hấp in 3D để thay thế máy thở y tế trước tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

“Huynh đệ tương tàn”

Theo tờ Global Times, CH Czech đã hoàn trả cho Ý lô hàng mà nước này đã chặn ngày 17.3, trong đó có 101.600 mặt nạ phòng độc và khẩu trang được quyên góp từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) dành tặng cho người Trung Quốc ở Ý. Cũng liên quan Ý, ngày 18.3, Đài truyền hình La7 cho biết Bộ Y tế Romania đã quyết định chặn một số bưu kiện được chuyển đến Ý trong đó có 10.000 mặt nạ y tế, 17.000 khẩu trang, 400 khẩu trang sử dụng một lần, 45 bộ quần áo bảo hộ y tế. EU sau đó đã buộc phải can thiệp để tránh xảy ra các xung đột về ngoại giao. “Chúng tôi lên án tất cả các quốc gia về hành vi tịch thu khẩu trang dành cho các quốc gia đang gặp khó khăn như Ý, thật đáng xấu hổ”, Wall Street Journal dẫn lời Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio.

Trái ngược với phát biểu của ông Luigi Di Maio, tờ AFP ngày 24.3 cho biết Ý đã thu giữ 1.840 mặt nạ phòng độc đang trên đường đến Hy Lạp. Chiếc xe tải chở vật phẩm chuẩn bị lên phà tới Hy Lạp thì Ý đột ngột không cho phép nó rời khỏi đất nước. Bộ Thương mại Tunisia cũng cáo buộc Ý thu giữ trái phép một lô hàng nước sát khuẩn trên đường đến Tunisia từ Trung Quốc. “EU không còn là EU nữa. Tất cả các nước đều hỗn loạn, tất cả họ đều tìm cách ăn cắp thiết bị vì lo sợ dịch bệnh này”, Bộ trưởng Thương mại Tunisia Mohamed Msilini gay gắt.

Cuộc chiến không có bạn bè

Theo tờ Der Spiegel, 6 triệu khẩu trang loại FFP2 đã bị mất tích tại sân bay của Kenya trước khi đến Đức vào ngày 20.3 mà không rõ lý do. Bộ Quốc phòng Đức, đơn vị chịu trách nhiệm, cho biết sự việc không gây tổn thất tài chính vì Đức vẫn chưa thanh toán tiền cho lô hàng. Trước đó, chính Đức đã bị Thuỵ Sĩ chỉ trích vì chặn đứng lô khẩu trang ở biên giới khi xe tải chở 240.000 khẩu trang quá cảnh tại nước này, theo tờ Neue Zuercher Zeitung đưa tin hôm 9.3.

Pháp, quốc gia bị Mỹ “hớt tay trên” ở sân bay, cũng từng có hành động không đẹp khi trưng dụng 4 triệu khẩu trang quá cảnh của Công ty Mölnlycke (Thụy Điển) ngày 5.3. Theo đài RT France, số khẩu trang này dự kiến được chuyển cho Tây Ban Nha và Ý, hai quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Sau 15 ngày căng thẳng ngoại giao và áp lực từ chính phủ Bắc Âu, Paris cho phép một nửa lô hàng đến được nơi cần đến, phần còn lại vẫn nằm tại Pháp. “Trong cuộc chiến khẩu trang, không có bạn bè”, tờ El Mundo của Tây Ban Nha ngày 2.4 đưa ra bình luận nặng nề về sự việc.

Đài RNZ của New Zealand đưa tin nước này đã có thể mua một số lượng lớn máy thở từ các nhà cung cấp quốc tế, ngay cả khi nhu cầu đang tăng cao. Rất nhiều quốc gia, trong đó có EU đã đặt hàng 10.000 máy thở với tổng giá trị hơn 650 triệu USD. Anh đang cố gắng tăng gấp ba số lượng máy thở của mình lên 26.000, trong khi Mỹ đang cố gắng mua 100.000 máy, bằng tổng sản lượng của thế giới trong một năm.

Andrew Stapleton, bác sĩ dẫn đầu chiến dịch của New Zealand, cho biết nước này đã tận dụng các đối tác thương mại và sử dụng “sự khôn ngoan” để cung cấp máy, nhờ quan hệ thân thiện và hình ảnh tốt của nước này trong suốt thời gian qua.

Theo Thanh Niên