• Chính phủ Anh sẽ phải đối mặt với một hóa đơn chia tay trị giá hàng tỷ euro với Liên minh châu Âu ngay cả khi nước này rời khỏi khối mà không có thỏa thuận Brexit. Đó là cảnh báo của trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier ngày 23/01.

    Một số người chống châu Âu đã phản đối một thỏa thuận thương lượng với Brussels, phản ứng gay gắt với ý tưởng giải quyết nghĩa vụ tài chính mà chính phủ Anh ước tính trị giá 39 tỷ bảng Anh để chi trả các nghĩa vụ còn tồn đọng với Liên minh Châu Âu.

    Nhưng ông Barnier trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Châu Âu, cho biết hóa đơn tài chính vẫn sẽ được giải quyết với một số điểm, ngay cả khi Luân Đôn từ chối thỏa thuận Brexit mà nước Anh đã ký vào tháng 11 năm ngoái và rời liên minh vào ngày 29/3.

    “Đối với ngân sách EU, một điều đơn giản là toàn bộ các cam kết mà Vương quốc Anh đưa ra trong khi vẫn là thành viên EU sẽ được tôn trọng”- quan chức cao cấp của EU cho biết.

    Phía EU cũng nhận định sẽ khó khăn hơn để khiến nước Anh tuân thủ trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận, nhưng tiếp tục nhấn mạnh rằng những cam kết ràng buộc về mặt pháp lý theo luật pháp quốc tế và thật khó hình dung một nước Anh không tuân thủ cam kết của mình.

    Chính phủ của Thủ tướng Theresa May không tranh chấp việc Anh nợ các khoản đóng góp ngân sách để chi trả cho chi tiêu của EU đã thống nhất giữa các thành viên trong khi Anh vẫn ở trong khối, và chấp nhận thỏa thuận Brexit.

    Nhưng quốc hội Anh bị chia rẽ giữa những người ủng hộ thỏa thuận, những người hoài nghi châu Âu muốn ra đi mà không có thỏa thuận nào và những người thân châu Âu đang tìm cách ngăn chặn Brexit, nên Quốc hội đã từ chối thông qua thỏa thuận, dẫn đến tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Trong khi đó, một số người cứng rắn ở Luân Đôn muốn giữ lại hóa đơn tài chính này như một đòn bẩy trước các cuộc đàm phán hậu Brexit để đồng ý mối quan hệ thương mại mới giữa Anh và 27 nước thành viên còn lại của EU.

    Ông Barnier đã khẳng định lại quan điểm đồng thuận của EU rằng thỏa thuận Brexit phải được duy trì và chính phủ Anh phải tìm cách cứu nó. Nhưng ông Barnier cũng cho rằng Brussels sẽ linh hoạt và sửa đổi tuyên bố chính trị với hy vọng các mối quan hệ trong tương lai được thống nhất cùng với thỏa thuận Brexit mang tính ràng buộc.  

    VietHome (Theo Báo Công Thương)

  • Với giá bán là 295 bảng, những người mua "Hộp Brexit" có thể yên tâm được cung cấp thực phẩm đủ dùng trong vòng 30 ngày, nếu những kịch bản tồi tệ nhất xảy ra sau ngày 29/3 tới.

    Sản phẩm này được cho là đã đánh trúng tâm lý lo lắng của một bộ phận người dân nước Anh trong bối cảnh nước Anh vẫn chưa thể thông qua thỏa thuận Brexit với EU, khiến nhiều nhà bán lẻ và sản xuất nước này cảnh báo trường hợp Brexit không thỏa thuận có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực và tê liệt nguồn cung.

    Hộp Brexit gồm 60 khẩu phần ăn ưa thích của người Anh như thịt gà và bơ. Ngoài ra, hộp còn có đến 48 phần thịt băm khô, nước sạch, thịt gà và một bộ lọc nước khẩn cấp.

    Đặc biệt, theo quảng cáo của nhà sản xuất, thực phẩm đóng hộp trong ''Hộp Brexit'' có thời hạn sử dụng trong 25 năm. 

    Cứ 6 người Anh lại có 1 người chuẩn bị tích trữ thực phẩm và thuốc men để đề phòng trường hợp Anh rời EU không thỏa thuận. Đó là kết quả vừa được đưa ra trong một cuộc khảo sát mới nhất, phản ánh phần nào nỗi lo lắng của người dân xứ sở sương mù.

    Các siêu thị cảnh báo, hơn một nửa số hàng hóa đang có mặt trên kệ là rau, trái cây - những sản phẩm dễ hỏng và không thể dự trữ. Do đó, khách hàng cần chuẩn bị sẵn cho tình trạng khan hiếm nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra. Những chuỗi siêu thị lớn như Marks, Spencer và Tesco cho biết đã đàm phán với một số nhà cung cấp EU về việc tăng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng dễ bảo quản. Các công ty kho vận cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

    Theo Hiệp hội kho vận Anh, Brexit đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hoạt động của chuỗi cung ứng tại nước này. Nhu cầu vào thời điểm hiện tại, đã tăng hơn 10% so với trung bình hàng năm trong khi nguồn nhân công lại giảm sút đáng kể do mất đi nguồn lao động phổ thông tới từ Đông Âu. Các doanh nghiệp hiện cũng đang thận trọng trong việc mở rộng kho bãi, bởi lo ngại những biến động khó lường trong tiến trình Brexit.

    Các chuyên gia dự báo, sau ngày 29/3 tới, dù nước Anh rời khỏi EU theo kịch bản nào, hệ thống cung ứng hàng hóa tại nước này cũng sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn ở mức độ nhất định. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới túi tiền của người dân Anh, vốn đã phải mua thực phẩm với mức giá đắt hơn 5% so với trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý Brexit.

    VietHome (Theo TTXVN)

  • Ngày 21/1, Bộ Nội vụ Anh đã khởi động chương trình đăng ký mới về cư trú vĩnh viễn cho công dân Liên minh châu Âu (EU) hiện đang sống tại xứ sở sương mù.

    Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu "Tương lai nước Anh" cảnh báo rất có thể chương trình này sẽ bỏ sót nhiều công dân EU và việc đăng ký này sẽ gây ra nhiều căng thẳng cho người đăng ký và làm gia tăng thái độ bài ghét người nhập cư tại Anh.

    Hệ thống đăng ký mới này áp dụng cho tất cả các công dân EU, những người có hộ chiếu hợp lệ, và thành viên gia đình của những người không phải là công dân EU đang có thẻ cư trú hợp pháp tại Anh. Khoảng 3,5 triệu người EU đang sống tại Anh, rất nhiều người trong số này cần phải đăng ký để xin quyền định cư dài lâu tại Anh từ nay cho đến trước tháng 7/2021 nếu muốn được cư trú vĩnh viễn tại Anh. 

    Cùng ngày, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố Chính phủ Anh đã quyết định miễn thu khoản phí đăng ký 65 bảng Anh (84 USD) cho các công dân EU đăng ký cư trú tại Anh.

    Ngoài ra, Bộ trưởng Nhập cư Caroline Nokes cho biết thêm hệ thống mới này rất "đơn giản, dễ hiểu," đồng thời khẳng định Anh luôn đặt ưu tiên hàng đầu xem xét định cư cho các công dân của EU.

    Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu "Tương lai nước Anh" cho biết những người già, kém tiếng Anh và yếu kỹ năng máy tính có thể sẽ gặp khó khăn khi áp dụng chương trình đăng ký mới này. Nhóm trên cảnh báo khả năng xảy ra bê bối nếu như chính phủ không khắc phục những thiếu sót của chương trình đăng ký mới này./. 

    VietHome (Theo Vietnamplus)

  • Mấu chốt cho sự hoang mang này của dân Anh trước giờ công bố kế hoạch B cho Brexit nằm ở điều khoản “rào chắn”.

    Chỉ còn vài tiếng nữa, vào lúc 22h tối nay (21/1 giờ Việt Nam), Thủ tướng Anh Theresa May sẽ công bố “kế hoạch B” thay thế cho thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) đã bị Quốc hội Anh từ chối trước đó.

    Một vấn đề đặt ra lúc này là bà May sẽ làm cách nào để thuyết phục được các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận trong bối cảnh chính trường Anh vẫn đang chia rẽ gay gắt. Nhiều người dân Anh đã bày tỏ quan ngại về tương lai của nước Anh trong bối cảnh thời điểm Brexit (29/3) đang đến gần.


    Những người ủng hộ Anh ở lại trong EU. Ảnh: ITV.

    Nhiều giả thiết được đặt ra lúc này cho kế hoạch B sẽ được Thủ tướng May trình bày trước Quốc hội vào chiều nay (21/1) như “một cuộc chia tay mà không có thỏa thuận”, đàm phán lại với Liên minh châu Âu nhằm đạt một thỏa thuận được đa số nghị sĩ ủng hộ hoặc tổ chức trưng cầu ý dân thứ 2 về Brexit. Tất cả các phương án đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng khiến Thủ tướng Anh đang phải đau đầu lựa chọn phương án nhằm làm an lòng các nghị sĩ vốn đang chia rẽ với một mớ giải pháp và quan điểm riêng.

    Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox – một trong những người ủng hộ Brexit - hôm qua (20/1) đã phải thốt lên rằng, các nghị sĩ đang cố tình “đánh cắp Brexit”, đi ngược lại với ý nguyện của người dân. Ông đồng thời cảnh báo, nếu kết quả trưng cầu Brexit không được tôn trọng, hệ lụy chính trị sẽ vô cùng to lớn.

    Nước Anh sẽ chọn phương án nào để giải quyết cuộc khủng hoảng Brexit đến thời điểm này vẫn là một “ẩn số”.

    Tuy nhiên, đối với nhiều người dân Anh, khi được hỏi đều bày tỏ quan ngại về tương lai của đất nước và hy vọng các “nhà chính trị Anh” nhanh chóng giải quyết vấn đề, trước thời điểm ngày 29/3 tới:

    “Chúng tôi cần một quyết định vào lúc này. Chúng tôi chỉ cần các nhà chính trị thực hiện cái mà chúng tôi đã bỏ phiếu. Vấn đề Brexit sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Một Brexit cứng hay mềm không quan trọng. Điều chúng tôi cần làm là giải quyết mọi việc sao cho hợp lý”.

    “Theo tôi, giới chính trị gia đang gây ra những lộn xộn hiện này. Đa phần các nhà chính trị đều muốn ở lại EU. Họ đang làm những gì có thể để khiến điều đó xảy ra. Nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới. Chúng tôi cần chắc chắn về mọi thứ sẽ xảy ra và cách tốt nhất là hãy để Anh rời EU đúng thời điểm đã định.”

    Theo đánh giá của giới phân tích, cho dù là kế hoạch nào thì vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở điều khoản “rào chắn” – “chính sách bảo hiểm” có trong thỏa thuận, đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland sau khi Anh rời Liên minh châu Âu- vốn bị các nghị sĩ kịch liệt phản đối.

    Theo thỏa thuận, trong trường hợp Anh và Liên minh châu Âu không đạt được một thỏa thuận thương mại khi giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu, điều khoản “rào chắn” sẽ được kích hoạt, đồng nghĩa với việc khu vực Bắc Ireland của Anh sẽ là vùng đất duy nhất ở Anh còn tuân thủ quy định của thị trường chung châu Âu. Đây chính là lý do khiến thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh phải rất vất vả mới đạt được sau nhiều tháng đàm phán với Liên minh châu Âu bị các nghị sĩ phản đối.

    Chuyên gia phân tích chính trị của hãng tin BBC Norman Smith nhận định, việc cần làm lúc này là Chính phủ Anh phải “bám dính” điều khoản rào chắn để thuyết phục các nghị sĩ.

    Theo thông tin mới nhất, nguồn tin Chính phủ Anh cũng vừa hé lộ một phần thông tin về kế hoạch B” sẽ được Thủ tướng Theresa May công bố vào chiều 21/1. Theo đó, Thủ tướng Anh sẽ cố gắng thuyết phục nhóm nghị sĩ vốn ủng hộ Brexit và các nghị sĩ đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại vùng lãnh thổ Bắc Irealand ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà, với cam kết giải quyết quan ngại của các nghị sĩ về vấn đề rào chắn”.

    VietHome (Theo VOV)

  • Ngày 21/1, chính phủ Anh đã cho ra mắt một ứng dụng trên điện thoại nhằm cho phép các công dân Liên minh châu Âu (EU) có thể đăng ký ở lại “xứ sở Sương mù” sau Brexit.

    Khoảng 3,5 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh cần phải xin quy chế định cư để có thể tiếp tục làm việc và hưởng các lợi ích sau Brexit.

    Vì thế, việc Anh đưa ra ứng dụng này sẽ phần nào làm yên lòng những công dân trên trước khi Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3 tới, trừ khi Quốc hội có quyết định kéo lùi thời gian thực thi Brexit.

    Theo thông báo, ứng dụng sẽ cho tải về miễn phí vào cuối năm 2020 hoặc 2021.

    Với ứng dụng này, người sử dụng sẽ phải scan hộ chiếu, sinh trắc học và chụp ảnh chân dung để xác thực nhận dạng. Tiếp đó, họ phải vào một trang web nhập đầy đủ các thông tin, địa chỉ, và nếu muốn, có thể điền thông tin kê khai thuế tại Anh.

    Trên cơ sở hồ sơ nhận được, cơ quan chức năng của Anh sẽ xem xét lý lịch tư pháp của từng người và được quyền từ chối nếu có tiền án. Tổng chi phí cho việc xin ở lại Anh là 65 bảng, trừ những người đang thường trú tại Anh.

    Trước đó, ứng dụng này đã được đưa cho 30.000 người dùng thử trong tháng 11 và 12 năm ngoái. Tuy nhiên từ ngày 30/3 tới, ứng dụng sẽ được mở công khai cho tất cả các ứng viên, bao gồm cả những công dân chưa có hộ chiếu.

    Hiện ứng dụng mới chỉ có trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android và sẽ được mở tiếp trên App Store. 

    VietHome (Theo VietNamPlus)

  • Thậm chí số người ủng hộ Brexit còn cao hơn lần 1.

    Người dân Anh sẽ vẫn ủng hộ một kế hoạch rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) dù có tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2, người đứng đầu Tập đoàn Giao thông hàng đầu châu Âu Eurotunnel hôm 20/1 khẳng định.

    Ông Jacques Gounon chia sẻ với đài RTL rằng cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến quyết định Brexit lịch sử năm 2016 có động lực lớn từ cảm giác “chống nhập cư”, và sẽ duy trì sức mạnh dù có diễn ra sự kiện này lần tiếp theo.

     Jacques Gounon, người đứng đầu tập đoàn Eurotunnel. 

    “Nếu có một cuộc trưng cầu dân ý lần hai, tôi tin rằng Brexit vẫn sẽ được chấp nhận, thậm chí là với tỷ lệ cử tri nhất trí còn cao hơn lần 1”, ông Gounon nói.

    Ông Gounon hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành của Getlink, công ty mẹ của tập đoàn Eurotunnel, vốn triển khai Đường hầm eo biển Manche (Channel Tunnel) nối Anh và Pháp. Hôm 16/1 vừa qua, Eurotunnel tuyên bố sẽ có những bước đi đảm bảo một kịch bản Brexit “không thỏa thuận” ít ảnh hưởng nhất tới hệ thống giao thông toàn cầu của tập đoàn này.

    Thủ tướng Anh Theresa May trong tuần này đã vấp phải thất bại lớn nhất đối với một lãnh đạo Anh trong lịch sử hiện đại. Tuần này, “bà đầm thép” nước Anh đã cố gắng phá vỡ sự bế tắc trong giới tinh hoa chính trị nước này về Brexit bằng cách tìm kiếm một thỏa thuận vào phút chót mặc dù có rất ít dấu hiệu thỏa hiệp.

    Trước đó, Quốc hội Anh đã bác bỏ kế hoạch Brexit mà Thủ tướng May đưa ra với kết quả đa số chống, khiến nỗ lực hai năm qua của bà nhằm tạo ra một cuộc ly hôn hòa bình bị đè bẹp.

    Một trong số những kịch bản giới phân tích từng đề cập là một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit sẽ được diễn ra. 

    VietHome (Theo  Kinh Tế Và Đô Thị)

  • Thủ tướng Anh Theresa May (trái, phía trước) trong phiên họp của Hạ viện ở London ngày 14/1/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Tờ Sunday Times mới đây đã đưa tin Thủ tướng Anh Theresa May có kế hoạch tìm kiếm một hiệp ước song phương với chính phủ Ireland như một cách để loại bỏ điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận “ly hôn” của nước này với Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

    Sunday Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết những người ủng hộ bà May nghĩ rằng một thỏa thuận với Ireland sẽ loại bớt những tiếng nói sự phản đối kế hoạch Brexit của bà trong nội bộ đảng Bảo thủ và đảng Liên minh dân chủ (DUP) Bắc Ireland.

    Tuy nhiên, ấn bản Ireland của tờ báo này đã trích dẫn một nguồn tin chính phủ cấp cao thuộc Ireland nói rằng đề xuất về một hiệp ước song phương không phải là điều họ muốn cân nhắc. Một nguồn tin chính trị cấp cao khác nói rằng hiệp ước này sẽ không được Ủy ban châu Âu (EC) đồng ý.

    Thủ tướng May đã phải chịu một thất bại nặng nề tại Quốc hội vào ngày 15/1 khi các nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ và các đảng phái khác từ chối kế hoạch Brexit của bà với con số phủ quyết áp đảo. Các kịch bản được nhắc tới nhiều nhất vào lúc này là một Brexit không thỏa thuận hoặc mở lại một cuộc trưng cầu ý dân khác khi chỉ còn 10 tuần nữa là Brexit chính thức diễn ra.

    Dự kiến vào ngày thứ Hai tới (21/1), bà May sẽ thông báo kế hoạch tiếp theo của bà. Tuy nhiên, tờ Sunday Times cũng đưa tin một nhóm các nhà lập pháp tại Quốc hội Anh sẽ họp vào Chủ nhật (20/1) để xem xét các cách thức họ có thể sử dụng đình chỉ quá trình Brexit và giành quyền kiểm soát khỏi tay Chính phủ của Thủ tướng May.

    Trước đó, Chính phủ Cộng hòa Ireland, một trong những quốc gia chịu tác động trực tiếp từ thỏa thuận, đã khẳng định cam kết của quốc gia này với thỏa thuận Brexit được Anh và EU thông qua hồi tháng 11/2018, là chắc chắn kể cả với điều khoản "rào chắn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.

    Điều khoản này cho phép Anh ở lại liên minh thuế quan EU và vùng Bắc Ireland ở lại thị trường chung châu Âu cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại để tránh thiết lập đường biên giới cứng trên đảo Ireland, một kịch bản có thể làm tái bùng phát xung đột bạo lực tại vùng đất này về vấn đề quy chế lãnh thổ.

    Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 19/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẽ nỗ lực tới ngày cuối cùng để tìm ra giải pháp giúp sự kiện Brexit có một thỏa thuận cuối cùng và đảm bảo Anh và EU có mối quan hệ tốt nhất sau Brexit.

    Bà cũng cho biết Đức tôn trọng quyết định ra đi của Anh nhưng cũng nói thêm rằng EU có trách nhiệm định hình một tiến trình "chia ly" để 50 năm nữa sẽ không có ai nói lời từ chối với liên minh này và luôn phải cân nhắc khả năng để tránh phải thỏa hiệp.

    Nhà lãnh đạo Đức cũng tái khẳng định Anh sẽ là đối tác quan trọng với EU hậu Brexit. Trước đó, bà Merkel từng nói rằng mọi việc hiện phụ thuộc vào Thủ tướng Anh Theresa May để quyết định hướng đi tiếp của Brexit. 

    VietHome (Theo VietNamPlus)

  • Chính phủ của Thủ tướng Theresa May nhận được 325 phiếu ủng hộ, 306 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được đề xuất bởi lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn.

    Bà May sẽ tiếp tục làm thủ tướng Anh sau khi chính phủ của bà vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầy kịch tính ở quốc hội. Đây là kết quả đã được dự đoán từ trước nhưng mặc dù vậy, sẽ rất khó để chính trị gia 62 tuổi tạo được một thỏa thuận Brexit mới, theo Guardian.

    Biểu cảm của bà May sau khi kết quả được công bố, cho thấy chính phủ của bà vẫn đủ số phiếu ủng hộ để tiếp tục làm việc. Ảnh: AP.

    Một ngày sau khi quốc hội Anh "vùi dập" kế hoạch Brexit của bà May, những thành viên đảng Bảo thủ và đảng Liên đoàn Dân chủ (DUP) của Scotland, vốn trước đó bỏ phiếu chống lại kế hoạch của thủ tướng, đã đoàn kết trước thách thức đến từ ông Corbyn và hoàn toàn đứng sau ủng hộ bà May. Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ông Corbyn cáo buộc chính phủ bà May là một "chính phủ xác sống", ý nói là nó tồn tại mà chẳng làm được gì.

    Giới phân tích cũng dự đoán kịch bản này từ trước vì mặc dù nhiều thành viên đảng Bảo thủ bất đồng với kế hoạch Brexit của bà May, không ai muốn một kết quả dẫn đến khả năng tổ chức tổng tuyển cử, vì điều đó có thể dẫn đến một chiến thắng cho Công đảng.

    Thủ tướng Anh sau đó đã mời các lãnh đạo đối lập tới nhà số 10 phố Downing để trao đổi thêm về mong muốn của các bên với Brexit, trong bối cảnh thời gian không còn nhiều.

    "Tôi muốn mời lãnh đạo các đảng ở quốc hội tới gặp riêng tôi, và tôi muốn bắt đầu các cuộc gặp đó ngay tối nay", bà May cho biết.

    Ông Corbyn thúc giục bà May phải làm sao để nước Anh rời đi với một thỏa thuận trong tay, trong khi đó lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland, ông Ian Blackford, cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 nên được thực hiện.

    Thủ tướng Anh còn 5 ngày nữa để trình bày một kế hoạch B cho thỏa thuận Brexit của bà trước quốc hội, nhưng đảng Bảo thủ của bà May đang rất chia rẽ về vấn đề này, tình trạng giống hệt những gì xảy ra với kế hoạch A, vốn đã thất bại nặng nề.

    Sau khi gặp gỡ lãnh đạo các đảng, bà May sẽ tiếp tục đi tìm tiếng nói chung với các thành viên đảng Bảo thủ để đưa ra một phương án B được lòng tất cả. Trên lý thuyết điều đó có thể xảy ra, nhưng một phương án như vậy chắc chắn sẽ phải nhận những cái cau mày ở Brussels, khi mà các lãnh đạo EU đã nhiều lần tuyên bố thỏa thuận của bĐảng DUP nhanh chóng nhấn mạnh rằng nếu không có 10 lá phiếu của họ, chính phủ của bà May đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này. Quan tâm chính của DUP là vấn đề đường biên giới với Ireland.

    Viethome (theo Zing)

  • Khả năng rõ ràng nhất và việc thủ tướng Anh Theresa May sẽ đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu bị 2/3 nghị sĩ quốc hội phản đối, bà May sẽ phải rời cương vị.

    Trên thực tế, 5 tuần trước bà May từng phải hoãn cuộc bỏ phiếu phê chuẩn dự thảo thỏa thuận Brexit vì lo không có đủ phiếu ủng hộ. Song rốt cuộc, kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 15-1 đã cho thấy sự trì hoãn đó cũng đã không giúp bà có được kết quả tích cực hơn.

    Trong bối cảnh không còn bao nhiều thời gian nữa sẽ tới thời điểm Anh phải chính thức rời EU (29-3), vấn đề chính lúc này dư luận Anh cũng như công luận thế giới quan tâm là chuyện gì sẽ khi quốc hội Anh chưa thể thống nhất về một dự thảo thỏa thuận rời khỏi EU?

    Kịch bản nào cho nước Anh?

    Một khả năng xa là chính nội các của bà May sẽ quay lưng với bà, thẳng thắn bày tỏ quan điểm họ không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của bà nữa và bà nên từ chức.

    Thời gian qua đã có nhiều bộ trưởng trong nội các của bà May quyết định từ chức để phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit. 

    Tuy nhiên theo đài NPR, một khả năng dễ xảy ra hơn là nếu bà May vẫn tiếp tục chèo lái ở giai đoạn khó khăn này, bước tiếp theo có vẻ khá rõ ràng: Quốc hội sẽ cho thủ tướng 3 ngày làm việc để quay trở lại với một phương án B.

    Theo đó bà May có thể tới Brussels trong ngày 16-1 để cố gắng thuyết phục thêm các nhượng bộ khác cho bản thỏa thuận Brexit.

    Tuy nhiên nhiều người nghi ngờ khả năng bà có thể đạt được một kết quả nào đó đủ sức thuyết phục các thành viên khác trong quốc hội, ngay cả chính với các thành viên trong đảng Bảo thủ của bà.

    Nhưng nếu Kế hoạch B không thể xảy ra, tương lai lâu dài của Brexit sẽ hết sức tối tăm. Nói như một số chuyên gia phân tích quốc tế, kịch bản tương lai như thế nào sẽ còn tùy thuộc vào phỏng đoán và quan điểm của mỗi người.

    Tuy nhiên ở đây tạm liệt kê ra những kịch bản lớn nhất đã nổi lên trong các tuần qua.

    1, Nước Anh đối mặt với thời hạn chót 29-3 phải rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào.

    2, Quốc hội sẽ tìm cách kéo dài thêm thời hạn rời khối và đàm phán lại nội dung thỏa thuận Brexit theo cách có thể thuyết phục các nghị sĩ.

    Bà May từng bác bỏ việc gia hạn này, nhưng EU được cho là đã chuẩn bị tình huống Brexit có thể trì hoãn nhiều tháng. 

    Không những thế, tòa án tối cao của EU cũng đã tuyên phán quyết nước Anh có thể đơn phương đảo ngược quyết định rời khối của họ. Trong khi đó các lãnh đạo châu Âu khẳng định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit.

    3. Kịch bản cuối cùng và cũng là điều gần như không thể: tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 về Brexit.

    EU muốn Anh hủy Brexit

    Sau thất bại lịch sử của bà May tại quốc hội, chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, đề nghị phương án các nghị sĩ Anh có thể hủy bỏ quyết định đưa nước này rời khối. Ông Tusk cho rằng đó là giải pháp tích cực duy nhất còn lại hiện nay trên bàn đàm phán.

    "Nếu một thỏa thuận là không thể, và không ai muốn không có thỏa thuận, vậy thì rốt cuộc ai sẽ đủ dũng cảm để nói giải pháp tích cực duy nhất là gì?" ông Tusk viết trên tài khoản Twitter trong đêm 15-1 với thông điệp rõ ràng: cách duy nhất để vượt qua thế bế tắc tại Hạ viện Anh là chấm dứt Brexit.

    Trong khi đó, tại Brussels, các quan chức châu Âu đang chờ đợi thêm những thông tin cụ thể khác từ nhà lãnh đạo Vương quốc Anh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, bày tỏ quan điểm trên Twitter: "Tôi hối thúc nước Anh cần bày tỏ rõ ràng những ý định của họ càng sớm càng tốt. Thời gian đã gần hết".

    Liên minh châu Âu đã nói rất rõ là họ không sẵn sàng đàm phán lại những điều khoản trong thỏa thuận Brexit. Một quan chức EU chia sẻ với đài CNBC tối 15-1 rằng "ở giai đoạn này, chúng tôi không thể làm gì hơn nữa".

    Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon, cho rằng thủ tướng Anh nên trì hoãn tiến trình Brexit và tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh về thỏa thuận Brexit đã diễn ra vào tối 15-1. Cuộc bỏ phiếu quan trọng đến mức một nữ nghị sĩ quyết không vào viện sinh con theo yêu cầu của bác sĩ.

    Nữ nghị sĩ Anh Tulip Siddiq - Ảnh: Getty Images

    Theo đài BFMTV, nữ nghị sĩ Tulip Siddiq đã quyết định lùi lại 2 ngày so với thời hạn cần nhập viện để sinh con theo yêu cầu của bác sĩ. Lý do là bà cần thể hiện quan điểm của mình với thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

    Quốc hội Anh không có cơ chế cho bỏ phiếu theo ủy nhiệm. Trước đây cũng từng có vài trường hợp cá biệt, nhưng cũng rất hiếm hoi, dành cho các nghị sĩ bị bệnh vào dịp bỏ phiếu, như trong lần bỏ phiếu cho hiệp ước Maastricht năm 1992.

    Với nữ nghị sĩ Tulip Siddiq, đây là lần mang thai thứ hai nhưng là dạng thai khó. Thoạt tiên bác sĩ yêu cầu cô phải nhập viện sinh mổ dự kiến vào ngày 4-2. Nhưng do tình hình sức khỏe không tốt, bà mẹ tương lai được yêu cầu phải nhập viện sớm hơn, vào ngày 14 hoặc 15-1.

    Nhưng do tính chất quan trọng của cuộc bỏ phiếu nên bà mẹ chính trị gia quyết định để con chào đời vào ngày 17-1 tới.

    "Nếu con trai tôi chào đời trong một thế giới mà quan hệ giữa Anh và châu Âu tốt hơn, thì dù có làm trái lời bác sĩ thì cũng đáng làm chứ", nữ nghị sĩ Siddiq nói với tờ Evening Standard.

    Tuy nhiên, với 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận, quốc hội Anh hôm 15/1 thẳng thừng bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit để đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) của Thủ tướng Theresa May, theo AFP. Đây được xem là thất bại lớn nhất tại quốc hội của một chính phủ trong lịch sử chính trị Anh hiện đại.

    Như vậy là tương lai của con trai cô Siddiq vẫn không hề sáng sủa và rõ ràng hơn một chút nào.

    Thất bại này buộc chính phủ của bà May phải trải qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 17/1. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết bà May tự tin sẽ vượt qua được cuộc bỏ phiếu và trở lại quốc hội cùng một đề xuất Brexit mới vào 21/1.

    Hầu hết các nghị sĩ Anh cũng như một số thành viên hàng đầu của chính phủ luôn phản đối Brexit, tạo ra sự mâu thuẫn chia rẽ nước Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, khởi đầu cuộc ly khai của Anh khỏi 27 quốc gia EU. Việc quốc hội bác bỏ thỏa thuận nhận được sự cổ vũ lớn của hàng trăm nhà vận động chống Brexit. Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn gọi thất bại của chính phủ là "thảm họa".

    Các lãnh đạo EU cũng tỏ ra tức giận, hối thúc Anh nhanh chóng rời đi và nói ra những gì họ thực sự muốn. "Nếu thỏa thuận không được thông qua nhưng ai cũng muốn đạt thỏa thuận, vậy ai sẽ là người cuối cùng can đảm nói ra giải pháp tích cực duy nhất là gì", chủ tịch EU Donald Tusk đăng trên Twitter.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo nguy cơ cao về một Brexit "không thỏa thuận", kịch bản có thể phá vỡ thương mại, làm trì trệ nền kinh tế Anh và tàn phá thị trường tài chính.

    Ireland, thành viên EU duy nhất có biên giới trên bộ với Anh, cho biết họ sẽ tăng cường chuẩn bị để đối phó với "Brexit hỗn loạn". Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gọi cuộc bỏ phiếu này là "một ngày cay đắng cho châu Âu".

    Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite từng vạch ra vài kịch bản có thể xảy ra nếu quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận, như Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai, tổ chức một cuộc bầu cử mới để chọn người thay bà May hoặc quay lại Brussels để tái thương lượng.

    Anh cũng có thể rời EU vào ngày 29/3/2019 mà không có các điều khoản rõ ràng. Cả hai bên đều đã chuẩn bị cho kịch bản "không có thỏa thuận" này, dù EU khẳng định Anh sẽ mất nhiều hơn được.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Thất bại "thảm họa" trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội khiến kế hoạch rời EU của Anh tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn.

    Những nhà hoạt động chống Brexit biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội hôm 15/1. Ảnh: AFP.

    Thất bại này buộc chính phủ của bà May phải trải qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 17/1. Bà May trước đó từng vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu chính quyền của bà vượt qua đợt bỏ phiếu bất tín nhiệm mới nhất này, bà có thể sẽ tiếp tục hoạch định thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, nếu không thể vượt qua, điều đó sẽ mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết bà May tự tin sẽ vượt qua được cuộc bỏ phiếu và trở lại quốc hội cùng một đề xuất Brexit mới vào 21/1.

    Với 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận, quốc hội Anh hôm 15/1 thẳng thừng bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit để đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) của Thủ tướng Theresa May, theo AFP. Đây được xem là thất bại lớn nhất tại quốc hội của một chính phủ trong lịch sử chính trị Anh hiện đại.

    Hầu hết các nghị sĩ Anh cũng như một số thành viên hàng đầu của chính phủ luôn phản đối Brexit, tạo ra sự mâu thuẫn chia rẽ nước Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, khởi đầu cuộc ly khai của Anh khỏi 27 quốc gia EU. 

    Việc quốc hội bác bỏ thỏa thuận nhận được sự cổ vũ lớn của hàng trăm nhà vận động chống Brexit. Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn gọi thất bại của chính phủ là "thảm họa".

    Các lãnh đạo EU cũng tỏ ra tức giận, hối thúc Anh nhanh chóng rời đi và nói ra những gì họ thực sự muốn. "Nếu thỏa thuận không được thông qua nhưng ai cũng muốn đạt thỏa thuận, vậy ai sẽ là người cuối cùng can đảm nói ra giải pháp tích cực duy nhất là gì", chủ tịch EU Donald Tusk đăng trên Twitter.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo nguy cơ cao về một Brexit "không thỏa thuận", kịch bản có thể phá vỡ thương mại, làm trì trệ nền kinh tế Anh và tàn phá thị trường tài chính.

    Ireland, thành viên EU duy nhất có biên giới trên bộ với Anh, cho biết họ sẽ tăng cường chuẩn bị để đối phó với "Brexit hỗn loạn". Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gọi cuộc bỏ phiếu này là "một ngày cay đắng cho châu Âu".

    Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite từng vạch ra vài kịch bản có thể xảy ra nếu quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận, như Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai, tổ chức một cuộc bầu cử mới để chọn người thay bà May hoặc quay lại Brussels để tái thương lượng.

    Anh cũng có thể rời EU vào ngày 29/3/2019 mà không có các điều khoản rõ ràng. Cả hai bên đều đã chuẩn bị cho kịch bản "không có thỏa thuận" này, dù EU khẳng định Anh sẽ mất nhiều hơn được.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Tối ngày 15/1 theo giờ Anh, tức rạng sáng ngày 16/1 theo giờ Việt Nam, Hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit.

    Đây được coi là một trong những cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất đối với tương lai của Vương quốc Anh kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới 2.

    Đến thời điểm này đa số các phân tích đều cho rằng thoả thuận này sẽ bị Hạ viện Anh bác bỏ. Nhận định này xuất phát từ các tính toán về số nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận này và các tính toán đều kết luận rằng, dựa trên quan điểm cũng như tuyên bố của các lực lượng chính trị tại Anh trong thời gian qua, bà May có thể sẽ không có được sự ủng hộ của khoảng 100 nghị sĩ đảng Bảo thủ chống đối, cộng thêm số nghị sĩ của Công đảng đối lập, của đảng Dân tộc Scotland và cả của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP).

     
    Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Al Jazeera

    Như thế, bà May sẽ khó có thể giành được đa số phiếu của 650 nghị sĩ Anh. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng, câu hỏi chỉ là bà May sẽ thất bại ở mức độ nào.

    Đây đang là thời điểm vô cùng phức tạp và căng thẳng tại Anh, không chỉ bởi sự đối đầu giữa bà May với Hạ viện Anh vốn đang muốn giành lại quyền quyết định về Brexit mà ngay trong nội bộ Hạ viện Anh thì cũng có sự chia rẽ, kể cả giữa những nhóm nghị sĩ cùng chống lại thỏa thuận Brexit.

    Sự chia rẽ thể hiện ở việc có những nhóm nghị sĩ kêu gọi sẵn sàng rời khỏi EU mà không có thỏa thuận để qua đó tạo nên một cú sốc kinh tế và xây dựng mô hình kinh tế siêu tự do ngay cửa ngõ châu Âu. Tiêu biểu cho nhóm này là các cựu Bộ trưởng đảng Bảo thủ đã từ chức vì bất bình với bà May, như Boris Johnson.

    Tuy nhiên, cũng có nhiều nhóm nghị sĩ khác không muốn Anh rời EU mà không có thoả thuận mà chỉ muốn tạm hoãn Brexit, tức lùi thời hạn ngày 29/3/2019 thêm vài tháng để có thể có một chính phủ mới để đàm phán lại với EU. Đại diện cho nhóm này là thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn.

    Và cuối cùng, là cũng có không ít nghị sĩ muốn Anh tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit để qua đó ở lại trong Liên minh châu Âu. 

    VietHome (Theo VOV)

  • Những người phản đối và ủng hộ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) đã xuống đường để thể hiện tiếng nói, trước thời điểm quốc hội Anh bỏ phiếu về thỏa thuận sơ bộ về Brexit mà Chính phủ Anh đạt được với EU cuối năm ngoái.

    Những người biểu tình ủng hộ Brexit tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô London, Anh ngày 9/1. Một trong số họ giơ cao tấm biển: "Không có thỏa thuận? Không vấn đề gì".

    Một người đàn ông trong trang phục ông già Noel mang tấm biển có dòng chữ "Brexit: Một thông điệp vô vọng" biểu tình phản đối Brexit gần tòa nhà quốc hội Anh.

    Người biểu tình ủng hộ và phản đối Brexit chạm trán gần trụ sở quốc hội. Người Anh hiện rất chia rẽ về vấn đề Brexit, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu, ngày 29/3/2019.

    Một phụ nữ ủng hộ Brexit đốt cờ của Liên minh châu Âu trong cuộc tuần hành ở trung tâm London ngày 9/1. Hồi tháng 11/2018, chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ với Liên minh châu Âu (EU) về Brexit và quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận này vào ngày 15/1 tới.

    Hồi tháng trước, Thủ tướng Theresa May đã hoãn bỏ phiếu thỏa thuận do lo ngại văn kiện này không được thông qua.

    Trong trường hợp thỏa thỏa thuận về Brexit không được quốc hội Anh thông qua, Anh sẽ vẫn rời EU vào ngày 29/3 tới theo luật mà nước này đã thông qua.

    Nước Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng vào tháng 6/2016. Khi đó, 51,9% cử tri đã ủng hộ Brexit, trong khi 48,1% ủng hộ ở lại EU.

    Kể từ đó, quá trình đàm phán để Anh rời EU diễn ra rất phức tạp. Hai năm sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, nước Anh vẫn đối mặt với sự chia rẽ về việc ở lại Liên minh châu Âu hay rời khối này.

    Đã có những lời kêu gọi về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Brexit, tuy nhiên chính phủ Anh đã bác bỏ phương án này.

    Người biểu tình xuống đường vào buổi tối, trưng khẩu hiệu phản đối Brexit tại thủ đô London.

    Phe ủng hộ Brexit cũng tuần hành kêu gọi tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

    Một người ủng hộ Brexit cầm khẩu hiệu: "Đi là đi".

    Một người phản đối Brexit giơ khẩu hiệu: "Đi là dối trá".

    Bầu không khí căng thẳng vì Brexit đang gia tăng tại Anh, đặc biệt ở thủ đô London, những ngày trước cuộc bỏ phiếu quan trọng tại quốc hội.

    Một người đàn ông mang cờ EU cùng khẩu hiệu "Chấm dứt Brexit" biểu tình trước trụ sở quốc hội Anh.

    Một phụ nữ chụp ảnh cùng một người biểu tình ủng hộ Brexit tại thủ đô London ngày 9/1.

    Một chiếc xe tải mang theo tranh biếm họa của các chính trị gia Anh đi qua cuộc biểu tình của những người ủng hộ và phản đối Brexit tại London ngày 9/1.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Do Brexit, các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển ít nhất 800 tỷ Bảng Anh (khoảng 1.000 tỷ USD) tài sản ra khỏi Anh và chuyển vào Liên minh châu Âu.

    Thông tin trên được kênh truyền hình Mỹ CNN đăng tải, dẫn số liệu được Công ty kiểm toán Ernst & Young (EY) công bố hôm 7/1. 

    Ảnh minh họa: Skynews

    Nhiều ngân hàng đã thành lập văn phòng mới ở các nước Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ các hoạt động khu vực của họ sau khi Anh chính thức rời EU (Brexit). Điều này có nghĩa là họ phải chuyển một lượng tài sản đáng kể tới đó.

    Một số khác chuyển tài sản nhằm bảo vệ khách hàng, đề phòng nguy cơ thị trường biến động hoặc những thay đổi quy định đột ngột.

    Công ty EY cho hay, số liệu trên chỉ chiếm khoảng 10% tổng tài sản lĩnh vực ngân hàng Anh, và là một “ước tính thận trọng”, bởi vì một số ngân hàng vẫn chưa tiết lộ kế hoạch dự phòng.

    “Số liệu của chúng tôi chỉ phản ánh những động thái đã được công bố công khai”, Omar Ali, người đứng đầu mảng dịch vụ tài chính của EY cho biết. “Chúng tôi biết, các công ty đang tiếp tục lên kế hoạch cho kịch bản Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào”.

    EY đã theo dõi 222 công ty dịch vụ tài chính lớn nhất của Anh, kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit diễn ra hồi tháng 6/2016.

    Anh dự kiến sẽ rời EU vào 30/3, song Thủ tướng Anh Theresa May vẫn cần giành được sự ủng hộ tại quốc hội nước này cho “thỏa thuận ly hôn” mà bà đã đạt được với phần còn lại của Liên minh châu Âu.

    Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit vào tuần tới. Nếu bà May không thể có được sự ủng hộ của quốc hội về thỏa thuận Brexit, khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận sẽ tăng vọt. 

    VietHome (Theo VietNamnet)

  • Từ sau sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 23/6, những sinh viên quốc tế đang và dự định học tập tại Anh rất lo lắng về điều này. Một cuộc khảo sát của Hobsons cho thấy rằng 43% sinh viên cảm thấy Brexit đã ảnh hưởng nhiều đến quyết định học tập của họ tại Anh. Tại thời điểm hiện nay, không ai biết việc Anh rời khỏi EU sẽ làm ảnh hưởng như thế nào đến các trường đại học và sinh viên.

    Dù Brexit mang lại một số bất lợi, thế nhưng vẫn còn rất nhiều lý do chứng minh Anh Quốc là một nơi tuyệt vời để sống, học tập và nghiên cứu.

    Nước Anh luôn chào đón sinh viên quốc tế

    Vương quốc Anh từ lâu luôn chào đón sinh viên quốc tế từ khắp nơi trên thế giới. Hệ thống giáo dục bậc cao vẫn mời gọi sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Trước cuộc bỏ phiếu, 103 lãnh đạo các trường đại học đã ký một bức thư khẳng định sự ủng hộ của họ với tinh thần hợp tác quốc tế trong giáo dục và giảng dạy.

    Sau khi trưng cầu dân ý, các trường đại học tại Anh cũng khẳng định lại lần nữa chính kiến của mình, gây áp lực lên chính phủ xem xét lại các mối quan hệ quốc tế cho các trường đại học, và "ưu tiên cơ hội học tập cho sinh viên quốc tế". Hiệp hội Đại học châu Âu cũng đã tuyên bố cam kết "tiếp tục làm việc với các trường đại học của Anh".

    Trên 75% người trẻ trong độ tuổi 18-24 đã bỏ phiếu Ở lại, và các cuộc điều tra cho thấy rằng đa số đều muốn nước Anh vẫn là một phần của EU. Trong đời sống đại học ở Anh,việc chia sẻ quan điểm, ý tưởng và văn hóa hình thành như một thói quen, cũng không ngạc nhiên các thành phố đại học lớn như London, Oxford, và Edinburgh đều bỏ phiếu ở lại. Điều này có nghĩa rằng khi bạn du học tại Vương quốc Anh, xung quanh bạn sẽ luôn hiện diện những người cùng quan điểm. Vì vậy, hãy đến Anh học tập và làm việc, bạn nhé!

    Mối lo ngại về tài chính

    Sự sụt giảm của đồng Bảng Anh chính là lợi ích tài chính trực tiếp mà Brexit mang lại cho sinh viên quốc tế, đặc biệt là du học sinh Việt Nam. Tỷ giá hối đoái thấp giúp chúng ta nhận được nhiều Bảng hơn khi quy đổi tiền. Đối với du học sinh tự trang trải học phí, đây quả là một tin cực kì tốt nếu chọn du học Anh trong năm nay!

    Học tập và sinh hoạt tại Anh

    Một trong những vấn đề chính khi Anh rời khỏi EU là việc đi lại giữa các vùng lãnh thổ. Từ trước đến nay, người dân liên minh Châu Âu có thể du học tại Vương quốc Anh mà không cần visa. Sau cuộc đàm phán điều này có thể thay đổi và trở thành vấn đề được dư luận quan tâm bậc nhất.

    Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk, cho rằng Anh nên duy trì việc tự do đi lại với EU nếu muốn tiếp cận các thị trường thương mại. Cũng không loại trừ trường hợp Anh quốc sẽ áp dụng một số hình thức kiểm soát biên giới, có nghĩa là tất cả các sinh viên quốc tế đều phải xin thị thực khi du học tại một trường đại học Anh.

    Mặc dù vẫn chưa chắc chắn nhưng có khả năng Anh quốc sẽ tiến hành đánh giá lại tất cả các loại thị thực. Hiện tại visa Tier 4 dành cho sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam, cũng đang trải qua quá trình thử nghiệm vài thay đổi. Đề án thí điểm quy trình xét thị thực dễ dàng hơn cho sinh viên quốc tế ngoài EU vào 4 trường Đại học. Quy trình này cho phép các trường tự kiểm tra hồ sơ sinh viên, và cho phép các bạn ở lại đến 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Những quốc gia như Mỹ và New Zealand hiện có chính sách visa sau Đại học rất hấp dẫn và đề án thí điểm này cho thấy rằng UK đang tiến hành xem xét lại chính sách để thu hút nhiều sinh viên quốc tế hơn.

    Nhiều cơ hội hơn du học sinh đến từ các nước khác EU

    Sẽ hơi kỳ lạ khi nói rằng Brexit có thể mở ra nhiều cơ hội hơn cho các sinh viên quốc tế, nhưng điều này là hoàn toàn có thể trong một số trường hợp, đặc biệt là ở các trường đại học Scotland. Bởi vì sinh viên EU không phải trả học phí tại đây, trong khi đó một số trường đang quá tải vì số lượng đăng ký mỗi năm quá đông. Nếu học phí được đưa vào, số lượng sinh viên EU có thể sẽ giảm đi đáng kể. Điều này có nghĩa rằng các trường đại học uy tín như Glasgow School of Art hay University of St Andrews (nơi gặp nhau của Hoàng Tử William và Công nương Kate) sẽ có nhiều vị trí cho du học sinh chúng ta.

    Thậm chí trên những vùng lãnh thổ còn lại của Vương quốc Anh, du học sinh quốc tế đã tốt nghiệp có thể tìm thấy nhiều cơ hội việc làm hơn, nếu sau cuộc đàm phán số lượng sinh viên EU đến UK giảm đi. Sẽ ít cạnh tranh hơn cho việc tìm trường lẫn tìm công việc hậu tốt nghiệp, cơ hội sinh viên quốc tế ngoài EU được các học viện và nhà tuyển dụng ưu tiên sẽ cao hơn.

    Thống kê mới nhất cho thấy, trong niên khóa 2018 - 2019, Anh ghi nhận số sinh viên đăng ký mới từ khu vực EU thấp kỷ lục, giảm tổng cộng 3%. Đây là số liệu từ 24 trường đại học top đầu, trong đó có cả Oxford hay Cambridge. Đây chính là cơ hội tốt cho những sinh viên ngoài EU.

    Viethome (theo studentworldonline)

  • Theo Reuters, ngày 7/1, một người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức cho biết công dân Anh sẽ không phải rời khỏi Đức kể cả khi Anh và Liên minh châu Âu (EU) không đạt được thỏa thuận Brexit nào.

    Theo quan chức trên, công dân Anh sẽ vẫn duy trì quyền cư trú của họ trong thời gian 3 tháng, và có thể được gia hạn. Trong thời gian 3 tháng này, công dân Anh buộc phải đăng ký để có được quyền cư trú chính thức.

    Cùng ngày, một người phát ngôn của Bộ Giao thông Đức nhấn mạnh nước này đang duy trì tiếp xúc chặt chẽ với phía Anh nhằm tránh sự gián đoạn đối với hệ thống kết nối giao thông đường không trong trường hợp Brexit diễn ra không theo trật tự.

    Theo Reuters, Đài BBC ngày 7/1 dẫn các nguồn chính phủ cho biết Thủ tướng Anh Theresa May sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về thỏa thuận Brexit vào ngày 15/1 tới.

    Trước đó, Thủ tướng May buộc phải hoãn cuộc bỏ phiếu về dự thảo trên hồi tháng 12/2018, sau khi bà cho rằng văn kiện này sẽ bị đại đa số phản đối.

    Chính phủ Anh trước đó cũng công bố, cuộc bỏ phiếu này sẽ được tổ chức trong tuần bắt đầu từ ngày 14/1./. 

    Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BBC, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định nếu Quốc hội bác bỏ thỏa thuận Brexit, nước Anh sẽ trở thành vùng lãnh thổ không có tên trên bản đồ./.

    VietHome(Theo VietNamPlus)

  • Chuỗi nhà hàng Carluccio's sẽ trả phí visa cho nhân viên EU của mình để họ có thể tiếp tục làm việc ở Anh sau Brexit. 

    Chuỗi nhà hàng đã ra thông báo sẽ trả 65 bảng tiền phí visa cho 1,550 công nhân EU của công ty để họ tiếp tục làm việc. Theo Chính sách Định cư châu Âu, công dân từ khối này sẽ phải nộp đơn gia hạn visa để tiếp tục sống ở Anh sau ngày 30/6/2021.

    Visa định cư được trao cho những người đã sống ở Anh hơn 5 năm. 

    Mark Jones, CEO của Carluccio's, khẳng định đó là những gì mà người sáng lập công ty mong muốn. Ông Jones nói: "Sẽ không có Carluccio's nếu như không có một người đàn ông dám thực hiện chuyến hành trình từ Anh sang London. Giờ đây chúng tôi thuê 2,300 nhân viên ở khắp 80 quốc gia. Một số lượng lớn những người này, cũng giống như ông chủ của chúng tôi, đã quyết định di chuyển từ lục địa châu Âu sang lập nghiệp tại Anh. 

    Chúng tôi rất trân trọng những giá trị mà họ mang đến cho doanh nghiệp, và đó là điều mà chúng tôi muốn bảo vệ. Bối cảnh chính trị hiện tại khiến cho một số nhân viên của chúng tôi có thể không được ở lại Anh, và chúng tôi sẽ làm tất cả để trấn an họ rằng điều đó sẽ không xảy ra, bởi vì họ là một phần của gia đình Carluccio's. 

    Thông báo này xuất hiện chỉ vài tuần trước khi các nghị sĩ đến hạn phải ra quyết định về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh. Bà May nhiều khả năng sẽ nỗ lực để giành lấy chiến thắng trước Hạ viện. 

    Mới đây, EU đã tái khẳng định thỏa thuận Brexit đạt được với Anh sẽ không được đàm phán lại với bất kỳ điều kiện nào. 

    Đây là tuyên bố được đưa ra trong một buổi họp giao ban tin tức hàng tuần của Liên minh châu Âu (EU).

    Hiện thỏa thuận Brexit chỉ phụ thuộc vào người dân Anh và Quốc hội Anh thông qua. Đàm phán về mối quan hệ tương lai sẽ được khởi động ngay sau khi Anh đặt bút ký vào thỏa thuận rời liên minh.

    Viethome (theo Express)

  • Phòng Thương mại Anh quốc cảnh báo các doanh nghiệp sản xuất đang phải vật lộn để kiếm được nhân công trong bối cảnh bất ổn Brexit đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

    Cuộc khảo sát đối với 6,000 doanh nghiệp cho thấy bốn trên năm (81%) cơ sở sản xuất đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự.

    Khó khăn trong tuyển dụng đang lên đến đỉnh điểm và lan rộng ra cả lĩnh vực dịch vụ.

    BBC cho biết cuộc khảo sát của họ cho thấy tăng trưởng kinh tế đang “đình trệ” và doanh số bán hàng cũng như đặt hàng trong nước đang giảm mạnh.

    Tỷ lệ các doanh nghiệp có nhu cầu tăng giá bán sản phẩm đang ở mức cao nhất trong năm.

    Tiến sỹ Adam Marshall, tổng giám đốc BBC, phát biểu: “Trong phần lớn năm 2018, các doanh nghiệp Anh phải đối mặt với nhiều bất ổn và bê bối chính trị, vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty cho biết nhu cầu và đầu tư đang đình trệ.

    “Trong năm mới này, chính phủ cần thể hiện họ đã sẵn sàng hành động để thúc đẩy việc kinh doanh.

    “Chỉ trong vòng hai tháng nữa, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với điều kiện giao thương thiếu rõ ràng, và vì lý do này, họ đang hạn chế chi tiền và đưa ra các quyết định quan trọng cho tương lai.

    “Ưu tiên hàng đầu của chính phủ lúc này phải là đưa ra giải thích rõ ràng về các điều kiện trong thời gian gần để tránh một viễn cảnh Brexit rối loạn. Cộng đồng các doanh nghiệp sẽ không tha thứ cho các chính trị gia khiến tình trạng này xảy ra.

    “Với sự khó khăn ngày càng lớn trong tuyển dụng mà các công ty trên khắp nước Anh đang phải đối mặt, các doanh nghiệp đều lo ngại về những kế hoạch gần đây của chính phủ đối với chính sách nhập cư, và những lo ngại này cần được xem xét một cách nghiêm túc. Các công ty cần phải được tiếp cận với nguồn nhân lực có tay nghề ở mọi cấp độ mà không phải đối phó với các khoản chi phí khổng lồ hay tình trạng quan liêu.”

    VietHome (Theo Sky News)

  • Theo các số liệu mới công bố, kinh tế Anh gần như không tăng trưởng vào cuối năm 2018 và thị trường nhà ở đình trệ, khi chưa đầy ba tháng nữa nước này sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).

    Theo các số liệu mới công bố, kinh tế Anh gần như không tăng trưởng vào cuối năm 2018 và thị trường nhà ở đình trệ, khi chưa đầy ba tháng nữa nước này sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit. 


    Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 29/3 tới, nhưng điều gì sẽ xảy ra vào thời điểm đó vẫn chưa rõ ràng. Tương lai của thỏa thuận mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với EU vẫn là một ẩn số khi cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội sắp diễn ra, làm tăng khả năng Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận để giảm nhẹ cú sốc về kinh tế.

    Những số liệu mới được công bố cho thấy một điều rằng sự rối ren hiện nay đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Anh. 

    Theo hãng cung cấp dữ liệu IHS Markit, khảo sát chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) hàng tháng được thực hiện với các doanh nghiệp cho thấy, kinh tế Anh trên đà tăng trưởng chỉ 0,1% trong quý IV/2018.

    Với số liệu về PMI, tháng 11 và tháng 12/2018 là hai tháng chứng kiến lòng tin của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ chủ chốt của nền kinh tế yếu nhất kể từ tháng 3/2009, gần với mức thấp được ghi nhận trong cuộc suy thoái gần đây nhất.

    PMI của lĩnh vực dịch vụ theo khảo sát của IHS Markit/CIPS tăng nhẹ hơn dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters, lên 51,2 điểm trong tháng 12, nhưng là một trong những mức tăng thấp nhất kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016.

    Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, Chris Williamson, một kịch bản Brexit rõ ràng là cần thiết để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào tình trạng suy giảm. 

    Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho thấy mức tăng trưởng cho vay tiêu dùng hàng năm giảm từ 7,4% trong tháng 10/2018 xuống 7,1% trong tháng 11/2018, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015.

    Số liệu này cũng ăn khớp với các số liệu từ nhiều nhà bán lẻ cho thấy người tiêu dùng đang hạn chế chi tiêu vào cuối năm ngoái. 

    BoE cũng cho biết số khoản vay thế chấp mua nhà được cấp giảm xuống 63.728 trong tháng 11/2018, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018.

    Ngân hàng cho vay thế chấp Nationwide cho biết giá nhà giảm 0,7% trong tháng 11/2018, mức giảm trong tháng mạnh nhất kể từ tháng 7/2012./.

    Viethome (theo Bnews)

  • Đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô ở Anh quốc đã giảm đáng kể do ảnh hưởng bởi Brexit. Khả năng nhiều công ty ô tô sẽ ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Anh để chuyển sang nước khác. Các nhà sản xuất ô tô đã cảnh báo khả năng hàng ngàn công nhân có nguy cơ mất việc làm nếu những nhà máy ô tô ở Anh ngừng sản xuất.

    Mới đây, báo cáo phát triển bền vững hàng năm của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô và thương nhân (SMMT) là hiệp hội thương mại cho ngành công nghiệp ô tô Vương quốc Anh, cho biết việc sản xuất xe hơi đã đạt mức tăng trưởng thứ 8 liên tiếp với doanh thu kỷ lục 82 tỷ bảng, tăng 5,3% và tăng trưởng việc làm 2,8%, mặc dù sản lượng giảm 4% (giảm 1,75 triệu xe).

    Hơn 850.000 người được tuyển dụng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Anh. Trong đó, nhà máy Sunderland của Nissan sử dụng 7.000 người, sản xuất nửa triệu xe một năm, chiếm 1/3 tổng số xe của hãng; Rolls Royce và Mini đều thuộc sở hữu của tập đoàn BMW, có 9.000 nhân viên ở bốn địa điểm khác nhau ở Vương quốc Anh,...

    Nhà máy Sunderland của Nissan ở Anh.

    Tuy nhiên, SMMT cho biết số tiền dành cho các mô hình, thiết bị và cơ sở mới đầu tư vào ngành sản xuất ô tô tại nước Anh đã giảm gần một nửa, từ 647,4 triệu bảng trong nửa đầu năm 2017 xuống còn 347,3 triệu bảng (tương đương 461 triệu USD), con số thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

    Trước tình hình trên, SMMT kêu gọi Chính phủ Anh tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trước các quyết định sắp tới về các mô hình mới và "chấm dứt sự không chắc chắn hiện tại về mối quan hệ tương lai của Anh với EU" bằng cách cam kết tiếp tục là thành viên của liên minh thuế quan. Giám đốc điều hành Mike Hawes cho biết: "Con số trên cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô đối với nền kinh tế Anh".

    Phát biểu tại Paris Motor Show vừa qua, đại diện Toyota tại châu Âu, ông Johan van Zyl cho biết có thể công ty sẽ ngừng sản xuất ô tô tại nhà máy ở Burnaston ở vùng trung du phía đông nước Anh. Nhà máy của Toyota ở đây rộng lớn để sản xuất ô tô cho cả châu Âu.

    "Nếu Anh rời khỏi EU, chúng tôi không xuất khẩu xe sang cho thị trường châu Âu được, và thị trường Anh thì không đủ lớn để tiêu thụ hết số xe sản xuất ra, nó sẽ có tác động không tốt đến tương lai của nhà máy". Ông giải thích: "Lý do mà nhiều nhà sản xuất chọn Anh là vì họ có thể xuất khẩu miễn thuế sang thị trường châu Âu".

    Hãng xe hơi BMW (Đức) cảnh báo, trước tác động của Brexit các hãng xe hơi có thể di chuyển sản xuất sang nước khác, vì khó có thể nhập linh kiện một cách nhanh chóng và nhiều vấn đề khác.

    Vào hồi tháng 6-2018, đại diện của nhà chế tạo ô tô BMW tại nước Anh, Ian Robertson cho biết BMW không xem xét tới phương án dời địa điểm sản xuất ra khỏi Vương quốc Anh, bất chấp sự thiếu chắc chắn liên quan đến vấn đề Brexit. 

    Tuy nhiên, mới đây, hãng xe BMW đã công bố nhà máy sản xuất loại xe Mini tại Oxford sẽ đóng cửa từ ngày 01/4/2019 - vài ngày sau khi Anh rời khỏi khối EU (29/3/2019). Khoảng 60% trong số 378.000 xe Mini do BMW sản xuất, năm ngoái đã ngừng sản xuất tại Oxford.

    Còn hãng xe Jaguar Land Rover đã đưa ra những cảnh báo liên quan đến những thỏa thuận Brexit sẽ khiến công ty mất hàng tỷ USD và gây ra những hiểm họa cho các khoản đầu tư trong tương lai tại Anh. Ralf Speth, người đứng đầu Jaguar Land Rover, lo ngại công việc của nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Anh có thể trì hoãn và cho biết hàng chục ngàn việc làm có thể bị mất. 

    Ông cho biết, quyết định về việc sản xuất xe điện ở Anh đã bị trì hoãn "bởi vì chúng tôi lo ngại về cái gọi là "Brexit cứng", nơi Anh sẽ rời khỏi khối mà không có một thỏa thuận thương mại với EU. Ông kêu gọi chính phủ Anh khẩn trương cung cấp "sự chắc chắn cho doanh nghiệp", bao gồm cả việc đảm bảo miễn thuế và thương mại không xung đột lợi ích với Liên minh châu Âu.

    Anh vẫn là thị trường lớn thứ ba của Đức và là đối tác thương mại lớn thứ năm, theo số liệu thống kê do Hiệp hội các phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK) công bố. DIHK cho biết, nhiều công ty nước này bắt đầu chuyển hướng đầu tư khỏi Anh, vì sợ rào cản thương mại tăng. "Rất nhiều thành viên DIHK cho biết sẽ chuyển hướng đầu tư khỏi Anh do lo ngại tác động tiêu cực từ Brexit. Cụ thể, Brexit sẽ làm tăng thêm các thủ tục hành chính và quy định kiểm soát ở biên giới. Vì thế, chi phí của các công ty bị đội lên", Giám đốc DIHK Martin Wansleben giải thích.

    Brexit cũng chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng và công ty bảo hiểm đặt tại Anh đang di chuyển khỏi London, nhằm duy trì quyền tiếp cận với khối thị trường chung châu Âu.

    Không riêng gì các hãng xe ô tô, mà ngay cả Airbus và Siemens cũng dọa sẽ rút một số hoạt động ra khỏi Anh khi nước này rời khỏi EU. Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus cảnh báo, hãng này sẽ rút khỏi Anh trong trường hợp nước này rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào. 

    Phó chủ tịch của Tập đoàn Airbus Katherine Bennett cho biết: "Nếu không có thỏa thuận, chúng tôi sẽ phải xem xét kế hoạch đầu tư một cách nghiêm túc vào Anh. "Brexit không thỏa thuận" sẽ là một thảm họa đối với nước Anh cũng như Airbus". Theo Airbus, hiện có hơn 10.000 lao động làm việc trong hai nhà máy của hãng tại Anh. Giám đốc sản xuất máy bay Airbus Tom Williams cảnh báo rằng nếu Anh rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận sẽ "trực tiếp làm ảnh hưởng đến tương lai của Airbus ở Anh".

    Trước tình hình trên, Thủ tướng Theresa May khẳng định nước Anh sẽ áp dụng mức thuế suất doanh nghiệp thấp nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ngoài ra, Anh còn khởi động hệ thống nhập cư mới để bảo đảm cho các doanh nghiệp có thể thu hút những nhân tài sáng giá nhất. 

    Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng cũng cảnh báo rằng, việc cắt giảm lao động có tay nghề thấp của Chính phủ Anh sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với các ngành điều dưỡng, xây dựng, chế biến thực phẩm và khách sạn. Điều đáng chú ý là trong chính sách nhập cư mới được Anh đưa ra sẽ không có ưu tiên đặc biệt nào cho các công dân EU so với các công dân khác trong việc xin visa vào làm việc tại Anh. 

    VietHome (Theo Công An Nhân Dân)