• Hôm nay, Bộ trưởng thương mại Anh Liam Fox cho rằng, không thể có chuyện Liên minh châu Âu đề nghị Anh trì hoãn việc rời khỏi Liên minh châu Âu.

    Theo ông Liam Fox nước Anh vẫn "hoàn toàn có thể" rời khỏi khối dự kiến vào ngày 29/3. Tuy nhiên việc đàm phán gia hạn thời gian rời khỏi EU có thể sẽ cần thiết để Brexit diễn ra một cách suôn sẻ.


    Anh khả năng không trì hoãn quá lâu việc Brexit. (Ảnh: Reuters)

    Trưởng đoàn đàm phán EU, ông Michel Barnier ngày 2/3 cho biết, EU sẵn sàng cho Anh nhiều đảm bảo hơn nữa về việc nước này rời khỏi EU nhằm giúp cho thỏa thuận "ly hôn" được Quốc hội thông qua. Ông Barnier cũng cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ chấp nhận một sự trì hoãn "về kỹ thuật" Brexit, dự kiến vào ngày 29/3, nhằm cho Quốc hội Anh thời gian để chính thức thông qua thỏa thuận “ly hôn” cuối cùng.
    Anh theo dự kiến sẽ chính thức rời EU vào ngày 29/3 tới, nhưng điều này có thể thay đổi nếu nước này yêu cầu gia hạn và được 27 nước thành viên còn lại của khối EU chấp thuận.

     Việc kéo thời điểm rời EU dài hơn thời hạn được thỏa thuận nhiều khả năng sẽ xung đột với thời điểm bầu cử Nghị viện châu Âu, dự kiến sẽ diễn ra vào thời điểm từ ngày 23 - 26/ 5 tới. Cơ quan này, được thành lập bởi các nhà lập pháp của 28 nước thành viên EU, bao gồm cả Anh, có trách nhiệm phê chuẩn các chính sách đối với toàn châu Âu, như các chính sách về tổng ngân sách của khối EU. 

    VietHome (Theo VOV)

  • Cơ quan Quản lý Ngân hàng châu Âu (EBA) hối thúc các chi nhánh ngân hàng Anh tại châu Âu đảm bảo tiền gửi của khách hàng theo cơ chế bảo lãnh tiền gửi nếu Brexit không thoả thuận. 

    Cơ quan Quản lý Ngân hàng châu Âu (EBA) ngày 1/3 đã hối thúc các chi nhánh ngân hàng Anh tại châu Âu đảm bảo rằng tiền gửi của khách hàng vẫn được bảo vệ theo cơ chế bảo lãnh tiền gửi trong trường hợp Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) mà không đạt thỏa thuận. 


    EBA cho rằng tùy thuộc vào các quyết định mà nhà chức trách Anh đưa ra, các chi nhánh châu Âu của các ngân hàng Anh có thể không còn nằm trong hệ thống bảo đảm tiền gửi của Anh.

    Cơ quan này hối thúc giới chức châu Âu có những biện pháp tích cực để khuyến khích các chi nhánh ngân hàng Anh tham gia vào các cơ chế bảo lãnh tiền gửi quốc gia, bảo vệ các chủ tài khoản trong trường hợp một ngân hàng bị phá sản. 

    Thời gian để Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận về Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May đã thương lượng không còn nhiều khi hạn chót là ngày 29/3 đang đến gần.

    Bà May vẫn đang phải tìm kiếm những điều chỉnh đối với thỏa thuận này để có thể nhận được sự thông qua của Quốc hội và điều này làm tăng khả năng Brexit không thỏa thuận về quyền công dân, hóa đơn phải thanh toán và vấn đề biên giới với Ireland.

    Kịch bản này cũng dấy lên những quan ngại về tình trạng gián đoạn các dịch vụ tài chính giữa các ngân hàng ở Anh và châu Âu, cũng như giữa các công ty và người tiêu dùng. 

    Trong khi đó, phát biểu trước Hội đồng nhà nước Bồ Đào Nha cùng ngày, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo một Brexit không trật tự có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và là rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn đối với kinh tế Anh, mặc dù tất cả các kịch bản Brexit đều gây thiệt hại cho kinh tế nước này. 

    Bà Lagarde nói thêm rằng các nước khác ở châu Âu sẽ đều bị ảnh hưởng từ Brexit với các mức độ khác nhau. Theo bà, chắc chắn Ireland cũng như các nước khác như Hà Lan, quốc gia có mối quan hệ mật thiết với Anh, sẽ chịu tác động.

    Người đứng đầu IMF cho rằng Bồ Đào Nha, thị trường du lịch lớn nhất của Anh, sẽ khó tránh được những ảnh hưởng trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. 

    Tổng giám đốc IMF lưu ý các mối quan hệ thương mại và du lịch quan trọng có thể bị gián đoạn và sự giảm sút lòng tin trên thị trường tài chính có thể khiến lãi suất ngân hàng và trái phiếu tăng./. 

    Viethome (theo Bnews)

  • Trong nhiều thập kỷ, nước Anh luôn duy trì một mối quan hệ mơ hồ và thường gây tranh cãi với Liên minh châu Âu.

    TÓM TẮT: London giữ khoảng cách với EU bằng cách từ chối thực thi một số chính sách chủ chốt của EU, bao gồm đồng tiền chung euro và Khu vực Schengen. Những người ủng hộ việc Anh rời EU đưa ra lập luận rằng một khi đòi lại chủ quyền quốc gia, nước Anh sẽ có thể quản lý nhập cư tốt hơn, thoát khỏi nhiều quy định ràng buộc và tăng trưởng một cách năng động hơn.

    Sự kiện Thủ tướng David Cameron từ chức là kết quả của chiến dịch rời EU thành công sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 về tương lai nước Anh trong khối này. Thủ tướng kế nhiệm Theresa May trong nhiệm kỳ của mình đã dành nhiều năm sau đó đàm phán với EU.

    Với cam kết rời bỏ thị trường chung EU vào tháng 3-2019 của bà May, Anh đang đối mặt với nguy cơ mất đi đặc quyền giao dịch với đối tác thương mại lớn nhất của mình, tài chính bị gián đoạn và thậm chí là sự tan vỡ của chính quốc gia này. Các đảng đối lập cũng như chính Đảng Bảo thủ bị chia rẽ sâu sắc do Thủ tướng May lãnh đạo đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về khả năng đàm phán với EU thất bại. 

    Nhiều chính trị gia cũng lo ngại rằng Brexit có nguy cơ thúc đẩy phong trào dân tộc ở Scotland và Hungary, gây nên những hậu quả khó lường cho Liên minh châu Âu.

    LỊCH SỬ NƯỚC ANH VỚI TƯ CÁCH THÀNH VIÊN EU

    Trong quá khứ, Vương quốc Anh vẫn luôn bàng quan trước những nỗ lực hội nhập hậu chiến tranh của lục địa, điển hình là Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) và Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC).

    “Chúng tôi không gia nhập EU vì bị cưỡng chế chính trị như Pháp và Đức”, Ông Robin Niblett, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) lập luận. “Chúng tôi chưa từng bị xâm chiếm. Đế chế và khối thịnh vượng chung của nước Anh có gắn kết lịch sử với tất cả mọi nơi trên thế giới,” ông Niblett nói.

    Anh đã không tham gia Cộng đồng Kinh tế châu Âu cho đến năm 1973. Người dân Anh chỉ chấp thuận tư cách thành viên này qua cuộc trưng cầu dân ý năm 1975. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về mục đích thực sự của Anh khi tham gia liên minh chính trị này. Họ lập luận rằng việc Anh liên minh với phần còn lại của châu Âu không chỉ đơn thuần vì hội nhập kinh tế mà đang manh nha hướng đến việc trở thành một siêu cường của lục địa. 

    Khi hội nhập giữa các quốc gia ngày càng trở nên sâu rộng trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, các nhà lãnh đạo Anh một mực từ chối trở thành một phần của xu thế này. Anh từ chối sử dụng đồng tiền chung, không tham gia Khu vực Schengen và đàm phán giảm bớt ngân sách cần đóng góp.

    Vào năm 1988, cựu Thủ tướng Margaret Thatcher đã tuyên bố: “Chúng tôi không tự giới hạn mình trong biên giới Anh chỉ để thấy quốc gia mình được tái lập ở cấp độ châu Âu.”

    VÌ SAO THỦ TƯỚNG DAVID CAMERON YÊU CẦU THAY ĐỔI ĐIỀU KHOẢN THÀNH VIÊN?

    Một số thành viên bảo thủ của Quốc hội Anh chưa từng chấp nhận tư cách thành viên EU. Sự bất mãn lâu ngày này càng thêm sâu sắc khi vấn đề nhập cư trở nên nhức nhối. Nhập cư trong khối EU vẫn luôn gây nhiều rắc rối cho Anh, khi nước này buộc phải chấp nhận chính sách tự do đi lại dành cho công dân Liên minh châu Âu.

    Sau khi liên minh này mở rộng vào năm 2004 và 2007, làn sóng di cư kinh tế từ Đông Âu đổ về Anh ngày càng mạnh mẽ với hơn 300.000 người mỗi năm, theo thống kê năm 2015. Cựu Thủ tướng Cameron đã đánh giá đây là một tình trạng không bền vững. “Không ai có thể lường trước được việc tự do đi lại mang đến làn sóng di cư khủng khiếp như vậy đến lục địa này.”

    Đảng Độc lập Anh (EUIP) với quan điểm chống EU và chống nhập cư đã nhân thời cơ đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại Anh năm 2014.

    Làn sóng tị nạn từ ngoài khối cũng gây ra nhiều căng thẳng. Vương quốc Anh được miễn trừ khỏi kế hoạch tái định cư hàng trăm ngàn người di cư và người tị nạn từ Trung Đông và Châu Phi năm 2015, nhờ việc rút khỏi chính sách nhập cư của khối này. Đối với những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Euroskeptics), phản ứng có phần thiếu quyết đoán của Brussels đã cho thấy một Liên minh châu Âu rối loạn từ bên trong.

    Các nhà hoạch định chính sách Anh đã đưa ra phán đoán rằng chính sách tị nạn của EU thay đổi là để làm khó người di cư sang các nước trong khối. Theo quy định hiện hành, người xin tị nạn từ ngoài khối phải ở lại quốc gia EU đầu tiên mà họ đặt chân tới.

    Cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro đã khiến áp lực gia tăng khi EU đề xuất một “thỏa thuận tài khóa” chưa từng có tiền lệ nhằm điều phối ngân sách. Thủ tướng David Cameron đã bác bỏ lời đề nghị này năm 2012. Ông cho rằng tài chính Anh sẽ chịu nhiều tổn thất nếu chấp thuận, cũng như lo ngại về khả năng EU thay đổi và bổ sung thỏa thuận đó.

    Trong một bài phát biểu năm 2013, ông Cameron đã lên án các thiếu sót trong khu vực đồng tiền chung euro, cho rằng chúng thể hiện sự quan liêu quá mức và thiếu trách nhiệm dân chủ của EU. Ông cũng hứa sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến người dân Anh về tư cách thành viên Liên minh châu Âu nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015. Thủ tướng Cameron đã giữ đúng lời hứa ấy.

    Vào tháng 11-2015, Cameron tuyên bố rằng trước khi tổ chức trưng cầu dân ý, ông sẽ kêu gọi cải cách EU trong bốn lĩnh vực trọng yếu: chủ quyền quốc gia, chính sách nhập cư, điều lệ kinh tế và tài chính, và khả năng cạnh tranh của khối. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vào tháng 2-2016 đã chấp thuận một vài đề xuất sửa đổi, bao gồm biện pháp bảo vệ với các đồng tiền ngoài euro trong khối EU; hứa hẹn nới lỏng quy định của khối; cũng như cam kết miễn trừ Anh khỏi quá trình thúc đẩy “Liên minh ngày càng gắn kết”.

    Với những cải cách này, cựu Thủ tướng Cameron mong muốn dập tắt được chủ nghĩa hoài nghi châu Âu. Tuy nhiên, bóng ma của làn sóng di cư và hàng loạt vụ khủng bố tại châu Âu đã trở thành ngòi nổ cho phong trào rời EU. “Ông Cameron không thể ngờ cuộc khủng hoảng di cư lại trở nên tồi tệ đến vậy.” - Học giả Sebastian Mallaby, Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nhận xét.

    ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI NGƯỜI ANH CHỌN RỜI EU?

    Tình hình Anh rời khỏi EU chưa từng có tiền lệ. Chưa có thành viên nào của EU từng rời khỏi khối này, ngoài Greenland - lãnh thổ thuộc chủ quyền Đan Mạch năm 1982.

    Theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon năm 2009, nước Anh cần đưa ra thông báo chính thức một khi bắt đầu tiến trình rời EU. Nhiều tranh luận nổ ra về thời điểm Anh phải đưa ra thông báo, nếu Hiệp ước này được viện dẫn, và liệu Quốc hội Anh có thể ngăn chặn điều này.

    Thủ tướng Theresa May, người giành chiến thắng trong cuộc đua tìm người kế nhiệm vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ của ông Cameron vào tháng 7-2016, đã khẳng định: “Brexit là Brexit.” Bà May đã viện dẫn Điều 50 vào ngày 29-3-2017. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Anh quy định việc viện dẫn Hiệp ước Lisbon cần phải có sự ủng hộ từ Quốc hội mà bà May không hoàn toàn có được.

    Hiệp ước này cho Anh khoảng thời gian hai năm để đàm phán các điều khoản rút khỏi EU. Điều này cũng có nghĩa trừ phi EU chấp thuận gia hạn, nước Anh sẽ phải rời khỏi EU vào tháng 3 năm nay, bất kể đã đạt được thỏa thuận hay không. Quá trình đàm phán vô cùng phức tạp.

    Vương quốc Anh cần xác định rõ thủ tục chuyển đổi cần thiết để thoát khỏi các quy định mà EU đang ràng buộc cũng như giải quyết tình trạng định cư của hàng triệu công dân Anh đang ở EU và công dân EU đang ở Anh. Anh cũng phải quyết đoán về hợp tác an ninh giữa nước này và Liên minh châu Âu trong tương lai. Và cuối cùng, thỏa thuận rút khỏi khối này phải được đa số các nước EU, cùng đa số thành viên Nghị viện châu Âu chấp thuận. 

    Nước Anh đang đồng thời đàm phán cho tương lai của mình với EU. Tương lai của mối quan hệ phức tạp này vô cùng mờ mịt. Tuy vậy, một số quốc gia không tham gia khối này cũng là hình mẫu tiềm năng cho Anh học hỏi.

    Na Uy là một ví dụ điển hình. Na Uy là một phần của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA), cho phép nước này tiếp cận với một phần thị trường chung đối với hàng hóa và dịch vụ. Mặc dù vậy, Na Uy không có tiếng nói trong quá trình lập pháp của EU dù vẫn phải đóng góp ngân sách và tuân thủ các quy định của khối.

    Thụy Sỹ không phải là thành viên EEA, nhưng có quyền tiếp cận một phần thị trường chung thông qua mạng lưới các thỏa thuận song phương về hàng hóa, không bao gồm dịch vụ. Thổ Nhĩ Kỳ có liên minh thuế quan với EU, có nghĩa là thị trường tự do không bao gồm dịch vụ.

    Tuy nhiên, cả Na Uy và Thụy Sỹ cũng phải chấp nhận việc tự do đi lại của công dân Liên minh châu Âu - một trong những mối quan tâm chính của phe ủng hộ việc Anh rời khỏi khối này.

    Vào tháng 1-2017, bà May đã xác nhận Vương quốc Anh sẽ không ở lại thị trường chung hay Liên minh Thuế quan EU sau Brexit. Thay vào đó, chính phủ Anh sẽ cùng EU đưa ra các thỏa thuận thương mại. Bà tổ chức các cuộc bầu cử chóng vánh năm 2017 nhằm củng cố vị thế của mình trong Quốc hội, cũng như kêu gọi các chiến dịch tập trung vào tương lai hậu Brexit. Đảng Bảo thủ của bà May kêu gọi rút khỏi các thể chế của EU, giảm mạnh nhập cư và chấp nhận “không có thỏa thuận còn hơn thỏa thuận đầy rủi ro.”

    Đảng Lao động thân EU dưới sự lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn cho rằng Anh nên giữ nguyên chính sách tự do đi lại hậu Brexit, và không tán thành việc rời khỏi liên minh mà không có thỏa thuận nào về tương lai mối quan hệ giữa hai bên. Ông Jeremy Corbyn đã giành được nhiều sự ủng hộ, khiến chính đảng đa số của Thủ tướng Theresa May chao đảo, làm giảm đi tiếng nói của bà trong các cuộc đàm phán tiếp theo với EU.

    Đến tháng 11-2018, Thủ tướng May đã đạt được thỏa thuận với EU, dẫn đến sự bất mãn và chia rẽ trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Những người phản đối cho rằng bản thỏa thuận đã ngầm thừa nhận sự thua cuộc của Anh. Họ cho rằng bản thỏa thuận như một kế hoạch chừa sẵn một lối thoát để Anh ở lại Liên minh Thuế quan, đến khi vấn đề biên giới Bắc Ireland được giải quyết.

    Vào tháng 1-2019, bà May ghi nhận thất bại lịch sử khi Hạ viện bác bỏ thỏa thuận này với số phiếu áp đảo, điều chưa từng xảy ra ở bất kỳ nhiệm kỳ Thủ tướng nào. Thất bại này đã viết nên những kịch bản không hồi kết, như việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, một bản thỏa thuận mới giành được sự ủng hộ từ Quốc hội, hay thậm chí là một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.

    Giành lại chủ quyền nước Anh là một trong những mục tiêu hàng đầu của phe ủng hộ việc Anh rời EU. Đối với họ, Liên minh châu Âu đã thay đổi từ năm 1973. Họ cáo buộc EU đã trở thành một bộ máy quan liêu ngột ngạt với các quy định phi lý. “Những chính trị gia mà chúng tôi chưa từng bầu cử lại là người quyết định luật pháp chi phối công dân nước chúng tôi.” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Anh Michael Gove lập luận.

    Vấn đề nhập cư là quan tâm hàng đầu của phe đòi rời EU. Lượng di dân EU đến Anh đã tăng gấp ba lần từ một triệu lên đến hơn ba triệu người trong khoảng thời gian 2004-2015. Đa số các di dân này đến từ các thành viên mới của EU như Ba Lan, Bulgaria và Romania.

    Cùng lúc đó, các cuộc tấn công mang tính khủng bố tại Paris và Brussels làm thiệt mạng công dân EU đã dấy lên mối quan ngại rằng chính sách tự do đi lại khiến nước Anh trở nên nguy hiểm hơn. Hơn 3.000 công dân EU đã tới Syria để chiến đấu với lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cựu lãnh đạo tình báo Anh Richard Dearlove đã lập luận rằng kiểm soát nhập cư sẽ là lợi ích an ninh chính của Brexit. Ngược lại, các nhà phê bình cho rằng Brexit cũng sẽ gây khó khăn cho công tác tình báo của Anh.

    Vấn đề nhập cư làm tăng thêm những lo lắng về bản sắc, an ninh kinh tế và khủng bố, ông Matthew Goodwin, chuyên gia về chính trị Anh tại Đại học Kent lập luận. Ông cũng cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý dường như tập trung vào vấn đề di dân hơn là mối quan hệ giữa Anh và EU.

    Một số nhà phân tích cho rằng châu Âu không đủ sẵn sàng để đối mặt với các thách thức kinh tế hiện nay. Nhà kinh tế học Roger Bootle, tác giả cuốn sách “The Trouble With Europe” (Vấn đề của châu Âu), lập luận rằng việc EU tập trung vào sự “cân đối” và tiêu chuẩn hóa toàn bộ mọi thứ trong khối này đang đe dọa tăng trưởng của cả khối với tỉ lệ thất nghiệp cao.

    Ông Dominic Cummings, người đứng đầu chiến dịch Vote Leave cho việc rời EU, cho rằng Anh rời khỏi liên minh sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng năng động hơn. Ông phát biểu, Liên minh châu Âu là một tổ chức “cực kỳ quan liêu và mờ đục.” Những người ủng hộ tin rằng nếu không chịu gánh nặng từ EU, Anh sẽ được nới lỏng các quy định, cải thiện khả năng cạnh tranh và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng.

    Đối với Cummings, những cải cách mà cựu Thủ tướng Cameron đàm phán là không đáng kể, khiến Vương quốc Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài tự mình thoát khỏi một liên minh rối loạn chức năng.

    NƯỚC ANH ĐƯỢC VÀ MẤT GÌ KHI RỜI EU?

    Nước Anh có mối quan hệ mật thiết với phần còn lại của EU về thương mại, đầu tư, di cư và dịch vụ tài chính. Rời EU có nghĩa Anh có thể mất đi mối quan hệ đó. Thủ tướng Cameron đã cảnh báo đây có thể là “một bước nhảy vào hố đen.” Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính George Osborne dự đoán việc này sẽ mang đến một cú shock đầy chấn động.

    Chỉ vài ngày sau cuộc bỏ phiếu Brexit, thị trường toàn cầu rung chuyển. Đồng bảng Anh giảm mạnh, đạt mức thấp chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ. Đáp lại, Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố một gói các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm việc cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn bảy năm hoạt động.

    Viễn cảnh dài hạn của Brexit vẫn còn rất mờ mịt. Ông Adam Posen, chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng các lập luận kinh tế của phe ủng hộ Brexit là đầy vọng tưởng. Ông ví von Liên minh châu Âu đang để mặc Anh “châu chấu đá voi” trong thương mại, vì khối liên minh lớn hơn có thể đàm phán các thỏa thuận tiếp cận thị trường thuận lợi hơn với các nước bên ngoài.

    Các chuyên gia từ Mỹ cho rằng Brexit sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Anh - Mỹ. Trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tháng 4-2016, Tổng thống Barack Obama đã lập luận rằng tư cách thành viên EU giúp Anh tăng ảnh hưởng toàn cầu hỗ trợ lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy vậy, Tổng thống đương nhiệm Donald J. Trump lại tán thành cuộc bỏ phiếu Brexit và hứa hẹn một khởi đầu nhanh chóng cho các cuộc đàm phán thương mại mới giữa Anh và Mỹ.

    Phần lớn những kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ hậu Brexit của Vương quốc Anh với Liên minh châu Âu. Anh sẽ mất đi ưu tiên tiếp cận thị trường chung không rào cản, với hơn năm trăm triệu người tiêu dùng và GDP trị giá hơn 18 nghìn tỉ USD. Việc này gây áp lực lớn đến các nhà hoạch định chính sách của Anh trong việc ký kết thỏa thuận thương mại với EU.

    Nếu không có thỏa thuận nào, hàng xuất khẩu của Anh sẽ phải chịu thuế quan bên ngoài của liên minh này từ năm 2019. Thương mại Anh sẽ bị ảnh hưởng và một số nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ rút khỏi các ngành công nghiệp lớn, như ngành ô tô đang phát triển mạnh.

    Vương quốc Anh cũng sẽ bị loại khỏi tất cả các thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Mỹ (còn gọi là TTIP), cũng như cần đàm phán lại tiếp cận thương mại với 53 quốc gia mà EU hiện đã ký kết hiệp định.

    Hugo Dixon, một người ủng hộ việc Anh ở lại EU nói rằng dịch vụ tài chính sẽ là một khó khăn lớn nếu Anh rời khỏi khối này. Trước đây, các tổ chức tài chính có trụ sở tại Vương quốc Anh có thể hoạt động tự do ở bất cứ đâu trong EU. Nếu mất đi quyền lợi này, nhiều công ty có khả năng chuyển văn phòng đến các nơi khác ở châu Âu, cũng như làm mất đi cơ hội việc làm của nhiều công dân Anh.

    PHẦN CÒN LẠI CỦA CHÂU ÂU CHỊU ẢNH HƯỞNG RA SAO?

    Hậu quả rõ ràng nhất của Brexit là sự tan vỡ của chính nước Anh. Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại EU sau khi tổ chức không thành công một cuộc trưng cầu dân ý độc lập năm 2014.

    Vào tháng 3-2017, bà Nicola Sturgeon - Thủ hiến đầu tiên của Scotland đã đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý mới. Bà cho rằng công dân Scotland xứng đáng được đưa ra lựa chọn về việc có nên ở lại EU hay bằng cách rời khỏi Anh. Tuy nhiên, Thủ tướng Theresa May đã bác bỏ yêu cầu này và nói rằng cuộc trưng cầu dân ý phải có sự chấp thuận của London.

    Ireland cũng sẽ đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi một mặt tận tâm với EU nhưng mặt khác có nền kinh tế phụ thuộc mật thiết vào Anh. Chính phủ Ireland đã cảnh báo về nguy cơ Brexit làm ảnh hưởng đến nỗ lực duy trì hòa bình tại Bắc Ireland và phức tạp hóa vấn đề biên giới Bắc - Nam Ireland.

    Một số nhà phân tích nói rằng liên minh giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) phía Bắc Ireland có thể đẩy vấn đề biên giới đất liền nước này lên hàng đầu trong các cuộc đàm phán hòa bình với Anh.

    Brexit với sự ra đi của chính nước Anh như một hình mẫu đi trước sẽ thúc đẩy chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tại các nước khác trong khu vực, học giả Sebastian Mallaby phân tích. Các thành viên non trẻ của khu vực đồng euro như Ý, Bồ Đào Nha và Hy Lạp có nguy cơ khủng hoảng nặng nề. Nhân tình hình này, các đảng chính trị chống EU như Mặt trận Quốc gia Pháp, đảng AfD của Đức hay Jobbik của Hungary sẽ có thêm sự ủng hộ từ người dân.

    Qua nhiều cuộc thăm dò ý kiến, đa số công dân Pháp muốn trưng cầu dân ý tư cách thành viên EU của nước này, dù Tổng thống đương nhiệm Pháp Emmanuel Macron là một nhà chính trị thân EU.

    Việc EU tan rã sau Brexit là nỗi sợ ám ảnh khắp châu Âu. Brexit sẽ là một đòn giáng mạnh vào liên minh các quốc gia đã chật vật đấu tranh nhằm duy trì các biện pháp trừng phạt với Nga và quản lý làn sóng nhập cư khổng lồ. Sau vụ khủng bố năm 2015 tại Paris, khi Pháp lần đầu tiên kêu gọi thành lập lực lượng phòng thủ chung EU, Brexit có thể là dấu chấm hết cho hy vọng về một châu Âu thực sự an ninh với những chính sách chung.

    Viethome (theo Plo)

  • Người Anh sẽ đối mặt với khả năng thiếu nguồn cung lương thực tươi, giá cả tăng và thiếu chủng loại là không thể tránh khỏi nếu tiến trình Brexit dẫn đến Anh rời khỏi liên minh châu Âu trong tháng sau.

    Diện tích kho hàng không đủ lớn dẫn đến khó khăn trong việc trữ hàng hóa, thực phẩm

    Hiện tại chưa có thông tin nào sáng sủa khi cận kề ngày Anh rời khỏi liên minh châu Âu vào ngày 29/3 tới. Các siêu thị tại Anh đang tiến hành mua hàng để dự trữ, làm việc với các nhà cung cấp mới và tính đến các ngả nhập hàng, trong khi khả năng đường biên giới trở nên chật chội. Tuy nhiên họ còn phải đối mặt với các khó khăn khác nữa.

    “Bạn không thể dự trữ các sản phẩm tươi, bạn sẽ không có đủ diện tích, hoặc nếu có thì hàng hóa sẽ không còn tươi nữa” - Tim Steiner, Giám đốc siêu thị online Ocado cho hay. 

    Lần cuối cùng người Anh dính đến việc thiếu thực phẩm trầm trọng đã cách đây gần 20 năm, khi người dân sợ hãi dồn đến siêu thị để mua dự trữ hàng khi có biểu tình về dầu mỏ, khiến các siêu thị phải phân phối sữa, bánh mỳ đến người mua và cảnh báo khả năng sẽ hết hàng trong vài ngày.


    Táo tươi được dự trữ tại Stock Farm (Anh) ngày 10/10/2016

    Các nhà điều hành chuỗi siêu thị trên toàn nước Anh nói rằng, nước này đã có sự chuẩn bị tốt hơn so với 20 năm trước, nhưng khủng hoảng có lẽ sâu và dài hơn. Lần trước cuộc biểu tình trên toàn quốc bị dập tắt chỉ trong vài ngày.

    James Bielby, Giám đốc Hiệp hội các nhà phân phối sỉ thông tin rằng, các nhà bán lẻ của họ hiện đang yêu cầu nguồn cung cho 1 đến 8 tuần. Tuy nhiên vấn đề kho chứa cho loại hàng tươi sống đối với thói quen mua hàng và giao hàng đúng hạn là vấn đề lớn đối với các siêu thị.

    Việc cạnh tranh rất gay gắt và mức lãi suất rất mỏng trong hệ thống các siêu thị khiến cho việc chuẩn bị cho Brexit càng khó khăn hơn vì trong nhiều thập kỷ gần đây các chuỗi siêu thị đã giảm diện tích kho chứa để giảm chi phí.

    Nếu tiến trình Brexit được thực hiện thì Anh sẽ phải tuân thủ luật của WTO (Tổ chức thương mại thế giới). Khi đó thực phẩm vào Anh sẽ phải đóng thuế, bị kiểm tra và thực hiện rất nhiều công việc giấy tờ để thông quan so với việc lưu thông thoải mái trong EU như hiện tại. 

    VietHome (Theo Thegioitiepthi)

  • Tờ The Sun của Anh ngày 21-2 đưa tin, một số bộ trưởng nước này đã cảnh báo với Thủ tướng Theresa May rằng, bà phải nhất trí trì hoãn việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, nếu không đạt được thỏa thuận với EU, hay sẽ phải đối mặt với một cuộc “nổi loạn” tại Quốc hội vào tuần tới.

    Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cùng ngày cho biết, các nghị sĩ Anh có thể sẽ bỏ phiếu về một thỏa thuận Brexit được sửa đổi, sớm nhất là vào tuần tới và các cuộc đối thoại với EU trong mấy ngày qua đang diễn ra tích cực và hiệu quả.



    Brexit đang khiến nước Anh bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Ảnh: Daily Express

    Những gì đang diễn ra cho thấy, cho tới thời điểm này, khả năng đạt được một thỏa thuận về Brexit vẫn xa vời, chẳng khác nào thời điểm sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 24-6-2016. Một vấn đề lộ rõ hơn lúc này là một nước Anh bị chia rẽ hơn bao giờ hết.

    Quốc hội Anh đã bỏ phiếu về những đề xuất sửa đổi kế hoạch Brexit của nghị sỹ đảng Bảo thủ Graham Brady, trong đó kêu gọi “phương án thay thế” cho vấn đề “chốt chặn” để tránh đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh trong trường hợp Anh và EU không thể đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit. Phần lớn khó khăn và trở ngại của quá trình Brexit xuất phát từ vấn đề mối quan hệ hậu Brexit giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

    Vấn đề “chốt chặn” quy định rằng trong trường hợp EU và Anh không ký được một thỏa thuận thương mại nào thì Bắc Ireland sẽ vẫn nằm trong liên minh thuế quan, trong khi Vương quốc Anh lại có ít thỏa thuận hơn với EU. Điều này là không thể chấp nhận được đối với Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ở Bắc Ireland với việc 10 thành viên của đảng này là nghị sỹ quốc hội Anh và là lực lượng ủng hộ quan trọng cho chính phủ thiểu số của Thủ tướng Theresa May.

    Trong khi đó, phản ứng từ EU là một câu trả lời “không” hết sức rõ ràng đối với việc tái đàm phán thỏa thuận Brexit mà EU đã thống nhất với bà Theresa May. Tuần trước, Thủ tướng Anh đã đến thành phố cảng Belfast của Anh để đánh giá tầm quan trọng của thỏa thuận “chốt chặn”.

    Nhưng khi đến Brussels để thương lượng thì những yêu cầu của bà đã vấp phải sự phản đối. Tồi tệ hơn là việc lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn trước đó đã viết thư cho Thủ tướng May nói rằng, đảng này sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu Anh vẫn ở lại liên minh thuế quan.

    Tuy nhiên, điều này rõ ràng lại là một “vùng cấm” đối với những người ủng hộ Brexit của đảng Bảo thủ cầm quyền. Vấn đề là ở chỗ thời điểm mà ông Corbyn tung ra bức thư nói trên lại là “cú đấm thép” vào cách thức làm hủy hoại quan điểm đàm phán của chính phủ.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết EU để ngỏ khả năng Anh ở lại liên minh thuế quan và ông sẵn sàng thảo luận về tuyên bố chính trị, một tài liệu có ngôn từ không chặt chẽ vốn bỏ qua các đường hướng thảo luận về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU. Tuy nhiên, ông Juncker và ông Tusk đều nhất quyết không đàm phán lại thỏa thuận Brexit.

    Còn ở London, giới chính trị gia lâu nay vẫn gây ra những phiền toái. Việc ông Corbyn từ chối ủng hộ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần 2 có nguy cơ gây chia rẽ nội bộ Công đảng. Còn trong nội bộ đảng Bảo thủ, những người ủng hộ Brexit có quan điểm cứng rắn và những người ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 lại tranh cãi nhau.

    Thế nên, nguy cơ đảng Bảo thủ bị chia rẽ cũng hiện hữu. Theo hãng tin BBC, Thủ tướng Theresa May đã có giọng điệu hòa giải với hai đảng này và muốn sớm tiến hành một cuộc thảo luận giữa hai đảng để sớm tìm ra cách thức tiến hành Brexit.

    Nữ thủ tướng cũng kêu gọi giới nghị sỹ bình tĩnh để đưa ra những thay đổi cần thiết để thỏa thuận Brexit qua được “ải” Quốc hội. Ông Nigel Farage, người “ủng hộ Brexit chính gốc,” thì lại hậu thuẫn việc thành lập một đảng ủng hộ Brexit mới để đặt mình vào thế tiên phong trong trường hợp tiến trình Brexit bị trì hoãn.

    Trong khi đó, công luận thì hết sức bất bình. Những người ủng hộ Brexit cảm thấy bị lạc lõng đến mức họ lập nên một nhóm ủng hộ Brexit.

    Trong khi những vấn đề trên chưa được giải quyết thì đồng hồ Brexit vẫn không ngừng điểm. Dường như sẽ chẳng có sự ủng hộ đa số ở Quốc hội cho thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May cho dù thỏa thuận này có “ra ngô ra khoai” như thế nào.

    Và các cuộc đàm phán với EU rơi vào bế tắc. Chính phủ Anh hiện đang có ý định nối lại các cuộc đàm phán với EU bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab và EU dự kiến diễn ra ở Cairo từ ngày 24 đến 25-2 và hoãn cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội cho đến sau thời điểm này.

    Điều này mang dấu hiệu của chính sách “bên miệng hố chiến tranh” bởi càng thúc đẩy cho các cuộc thương lượng cuối cùng và tiến trình bỏ phiếu ở Quốc hội đi đến thời hạn chót thì Anh càng có nhiều khả năng rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào. 

    VietHome (Theo Cand)
     

  •  Một nữ MC người Anh đã cởi áo trên một chương trình tin tức nhằm lôi kéo sự chú ý khi thể hiện quan điểm phản đối việc Anh rời khỏi liên minh châu Âu (EU).  

    Theo Dailymail, người dẫn chương trình Rachel Johnson ngày 14/2 (giờ địa phương) đã cởi áo trên sóng chương trình buổi tối của Sky News, nhằm gây sự chú ý với công chúng.

    Nữ MC của chương trình The Pledge nói rằng bà sẽ để ngực trần mỗi khi nói về chủ đề Brexit. Động thái của bà Johnson đã khiến những người cùng dẫn chương trình bất ngờ và choáng váng.

    Bà Johnson lấy cảm hứng từ tiến sĩ kinh tế, nhà hoạt động Victoria Bateman, người đã lột đồ trên chương trình “Good Morning Britain”.

    Bà Rachel Johnson cởi áo trên sóng truyền hình. (Ảnh: Sky News)

    “Như tôi được biết, khá khó để có thể trao đổi và lắng nghe về Brexit trong thời gian gần đây. Điều này giống như là chúng ta đã tới một điểm bão hòa. Chính vì vậy, bà Bateman, người ủng hộ Anh tiếp tục ở lại EU, đã tìm cách gây sự chú ý. Để tôn vinh tiến sĩ Bateman tôi sẽ làm theo bà mỗi khi bàn bạc về Brexit, để đảm bảo rằng tôi sẽ được mọi người chú ý”, bà Johnson lý giải.

    Hành động của bà đã khiến người dẫn chương trình Nick Ferrari đỏ mặt.

    Trước đó, tiến sĩ Bateman đã gây xôn xao dư luận Anh khi lên sóng truyền hình trong tình trạng bán khỏa thân với dòng chữ trên người: “Brexit sẽ khiến Anh trần trụi”.  

    Bà cho biết trong suốt thời gian qua bà đã viết về Brexit nhưng có ít người quan tâm, vì vậy bà đã dùng cách này để lôi kéo sự chú ý.

    Theo Dailymail, bà Johnson chính là em gái của cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, một người ủng hộ Brexit. Trong quá trình đàm phán về Brexit, gia đình ông Johnson đã từng nhiều lần tranh cãi về vấn đề đi hay ở của nước Anh trong liên minh EU.

    Hạ viện Anh hôm 14/2 đã bỏ phiếu không ủng hộ cách thức tiến hành các thảo luận về Brexit hiện nay của Thủ tướng Anh Theresa May, động thái cho thấy bà May vẫn chưa thể thuyết phục được đa số nghị sĩ nước này trong bối cảnh hạn chót để Brexit có hiệu lực chỉ còn hơn 1 tháng.  

    VietHome (Theo Dân Trí)

  • Flybmi không được đầu tư thêm tiền để hoạt động vì các cổ đông lo ngại về chi phí nhiên liệu, môi trường và tiến trình Brexit.

    "Thật đau lòng khi chúng tôi phải đưa ra thông báo không thể tránh khỏi hôm nay", một đại diện của hãng hàng không khu vực Anh Flybmi hôm 16/2 viết trên website khi tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động bay và nộp đơn xin phá sản. "Hãng đã đối mặt với nhiều khó khăn như những đợt tăng giá nhiên liệu và chi phí carbon gần đây", theo AFP.

    "Triển vọng làm ăn gần đây và trong tương lai cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những bất định do tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) gây ra", người này bổ sung.

    British Midland Regional Limited, công ty mẹ của Flybmi, cho biết họ đã đình chỉ ngay lập tức mọi chuyến bay của hãng này và sẽ không thể thay mặt khách hàng mua vé hay sắp xếp lại các lịch trình bay. Hãng khuyến cáo khách hàng không tới sân bay nếu chưa đặt được vé với các hãng hàng không khác.

    Khách hàng đã mua vé của Flybmi được đề xuất yêu cầu hoàn tiền chuyến bay bị hủy thông qua các công ty cung cấp thẻ tín dụng, website đặt vé hay công ty bảo hiểm du lịch.

    Flybmi có 376 nhân viên hoạt động tại các chi nhánh ở Anh, Đức, Thụy Điển, Bỉ, vận hành 17 máy bay tới 25 điểm đến ở châu Âu. Tuy nhiên, Flybmi đã không thể đảm bảo được các hợp đồng bay ở châu Âu thời kỳ hậu Brexit và lo sợ họ không thể tiếp tục thực hiện các chặng bay trên châu lục sau khi Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3.

    "Trong bối cảnh đó, các cổ đông của hãng không thể tiếp tục chương trình tài trợ lớn cho việc kinh doanh, dù đã đổ vào đây hơn 51,5 triệu USD trong 6 năm qua", tuyên bố của Flybmi cho hay.

    Anh dự kiến rời khỏi EU trong chưa đầy 6 tuần tới, nhưng quốc hội nước này vẫn chưa phê chuẩn bất cứ thỏa thuận Brexit nào do Thủ tướng Theresa May đàm phán với khối. Thực tế này khiến các doanh nghiệp ngày càng lo lắng rằng nước này có thể chia tay EU mà không có bất cứ thỏa thuận chính thức nào.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Việc từ chức sớm có thể giúp Thủ tướng Anh tạo ảnh hưởng với người kế nhiệm, ngăn đối thủ Boris Johnson lên nắm quyền.

    Tờ Sun của Anh hôm qua đưa tin Thủ tướng Theresa May có thể từ chức vào mùa hè này. Dù vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa tháng 1, các đồng minh trong đảng Bảo thủ cho biết Thủ tướng Anh gần đây tỏ ra ít quan tâm tới việc đưa ra chiến lược hậu Brexit trong hai năm tiếp theo.

    Thủ tướng May trước đó tuyên bố không tham gia cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2022 với tư cách lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc bà phải có động thái mở đường cho người kế nhiệm trong đảng trước năm 2021.

    Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox, bạn thân của bà May trong nhiều năm, tiết lộ việc từ chức sớm nhằm giúp Thủ tướng Anh gây ảnh hưởng đến người kế nhiệm, ngăn chặn đối thủ Boris Johnson lên nắm quyền.

    Các nghị sĩ Anh không thông qua thỏa thuận Brexit ban đầu do Thủ tướng May đề xuất, trong đó đưa ra lộ trình để London rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Họ bỏ phiếu yêu cầu bà May sửa đổi thỏa thuận trước khi Anh rời khỏi EU ngày 29/3.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Thủ tướng Anh Theresa May hiện đang ở Brussels, Bỉ để đề nghị các nhà lãnh đạo EU đồng thuận thay đổi thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã đàm phán thành công từ năm ngoái, để Quốc hội Anh phê chuẩn một bản dự thảo Brexit mới, trước viễn cảnh tái đàm phán là rất mong manh.

    Thủ tướng Anh Theresa May (trái) sẽ chính thức đưa ra lời đề nghị tái đàm phán Brexit với EU, để thoát khỏi tình trạng bế tắc như hiện tại.

    Các ống kính máy ảnh đã bắt kịp khoảnh khắc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bắt tay hờ hững với Thủ tướng Anh Theresa May, cho thấy mối quan hệ đã rất lạnh nhạt giữa hai bên, đồng thời cũng chỉ ra vai trò của ông Juncker hầu như đã không hành động gì để giảm bớt bất đồng giữa hai bên, trong khi chỉ còn 50 ngày nữa là Brexit sẽ diễn ra, Reuters đưa tin.
     
    Trước khi đặt chân đến trụ sở EU tại Brussels, Bỉ, bà May đã lường trước được rằng tái đàm phán sẽ không hề đơn giản. Dự kiến, Thủ tướng Anh sẽ làm việc "khẩn trương" với Chủ tịch UB châu Âu Juncker, Chủ tịch EU Donald Tusk và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani để có thể tìm ra lối thoát cho thỏa thuận này. Bà May đã cam kết với Quốc hội Anh rằng "sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng yêu cầu thay đổi bản thỏa thuận Brexit".

    Về phía EU, ông Tusk mô tả, sai lầm của EU chính là không dứt khoát, quyết liệt, đồng thời cho rằng cuộc đàm phán với bà May sẽ có thể trở nên "tồi tệ" với những người ủng hộ Brexit mà không có được kịch bản hoàn hảo cho cả hai bên. Tình huống xấu nhất, đó là thời điểm ngày 29/3 - thời điểm Brexit, diễn ra, mà Anh và EU không đạt được thỏa thuận chuyển giao nào, điều khiến rất nhiều doanh nghiệp quan ngại vì sẽ cản trở công việc kinh doanh của họ, trở thành thảm họa của cả nền kinh tế Anh. 

    Quốc hội Anh đã phản đối thỏa thuận Brexit do bà May đề xuất, mà đã trở thành lần phản đối mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Anh hiện đại. Các nghị sĩ Anh đã yêu cầu bà May phải đàm phán, thỏa thuận lại Brexit, thay đổi một số điều khoản mà có thể đánh mất Bắc Ireland - phần lãnh thổ vốn thuộc chủ quyền Vương quốc Anh về tay EU. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cho biết, việc thay thế điều khoản này là không thể, bởi đây là yêu cầu đảm bảo một biên giới mềm, là tôn chỉ ban đầu của EU. 

    VietHome (Theo Báo Tiền Phong)

  • Ireland đã bác các đề nghị từ phía Chính phủ Anh về việc tiến hành đối thoại song phương liên quan việc sử dụng công nghệ để duy trì biên giới mở giữa Anh và Ireland sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

    Trả lời kênh truyền hình RTE ngày 4/2, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe bày tỏ hoài nghi đối với các phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid ngày 3/2 cho rằng có thể sử dụng công nghệ hiện nay để giải quyết vấn đề biên giới giữa Vương quốc Anh và Ireland sau Brexit. Ông Donohoe cho rằng đến nay chưa có bằng chứng nào về tính khả thi của đề xuất này.

    Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe. Ảnh: Reuters

    Bộ trưởng Tài chính Ireland khẳng định Dublin sẽ không tham gia vào bất cứ tiến trình đàm phán nào dẫn tới một biên giới "cứng" giữa Anh và Ireland, và trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, Dublin sẽ thương lượng với London và Brussels.  

    Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid đưa ra phát biểu về việc sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề biên giới sau khi các nghị sĩ Anh ủy quyền cho Thủ tướng Theresa May tiến hành đàm phán lại thỏa thuận Brexit với EU để tìm một giải pháp thay thế cho điều khoản "rào chắn" liên quan đến biên giới Anh - Ireland sau Brexit.

    Điều khoản này nhằm đảm bảo không có đường biên giới cứng trên đảo Ireland, song những người ủng hộ Brexit lo ngại điều đó sẽ khiến Anh mãi bị gắn với các quy định về thuế quan của EU.

    Trong khi đó, EU vẫn cho rằng điều khoản "rào chắn" là giải pháp duy nhất có thể giải quyết vấn đề biên giới Ireland sau khi Anh rời khỏi liên minh, đồng thời khẳng định không đàm phán lại thỏa thuận đã nhất trí.

    Nhắc lại lập trường trên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 4/2 tuyên bố "không có khả năng" đảo ngược thỏa thuận đã đạt được giữa Chính phủ Anh và EU. 

    Trả lời phỏng vấn trên đài France Inter, ông Le Drian thừa nhận khó tìm được lối thoát cho vướng mắc liên quan tới biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland thuộc EU. Tuy nhiên, EU sẽ không chấp nhận đàm phán lại nội dung thỏa thuận Brexit và tùy người Anh quyết định họ có muốn tiến hành trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc rời khỏi EU hay không.

    Theo kế hoạch, Thủ tướng May sẽ trở lại Brussels để đàm phán lại về việc sửa đổi thỏa thuận Brexit mà bà và các lãnh đạo EU đã nhất trí hồi tháng 12/2018.

    Trong một bài viết trên tờ Sunday Telegraph số ra ngày 3/2, bà May cho biết bà "được giao một sứ mệnh mới" và được trang bị nhiều "ý tưởng mới" khi gặp lại các lãnh đạo EU.

    VietHome (Theo Báo Tin Tức)

  • Trong một cuộc phỏng vấn báo giới được phát sóng vào ngày 2/2, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox tuyên bố sẽ là vô trách nhiệm nếu Liên minh châu Âu (EU) từ chối tái khởi động các cuộc đàm phán về thỏa thuận Anh rời khỏi liên minh - tức Brexit.

    Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Trả lời phỏng vấn hãng Sky News, Bộ trưởng Fox nói: "Liệu họ (EU) có thực sự nói rằng họ sẽ không thương lượng và sẽ kết thúc trong tình trạng 'không có thỏa thuận'?" Ông nhấn mạnh việc đạt được một thỏa thuận mang lại lợi ích của tất cả các bên và nếu EU tuyên bố sẽ không thảo luận về vấn đề này thì đây là hành động "hết sức vô trách nhiệm."

    Chưa đầy hai tháng trước ngày Anh chính thức rời EU, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May vẫn không thể thống nhất về một thỏa thuận "ly hôn" hoặc một lập trường chung về mối quan hệ trong tương lai với liên minh.

    Trước đó, tối 29/1, Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua một số sửa đổi đối với thỏa thuận Brexit mà các lãnh đạo EU đã nhất trí với bà May hồi cuối năm 2018, theo đó khẳng định họ sẽ chỉ ủng hộ thỏa thuận "ly hôn" nếu điều khoản "rào chắn" gây tranh cãi về biên giới với Ireland được xóa bỏ và thay thế bởi "các thỏa thuận khác để tránh một đường biên giới cứng."

    Thủ tướng May đã cam kết trở lại Brussels tìm cách thuyết phục EU về các thay đổi trong thỏa thuận, để văn bản này được các nghị sỹ ủng hộ. Tuy nhiên, EU đã cảnh báo không muốn đàm phán lại văn kiện này. Nếu không có thỏa thuận, nước Anh sẽ đứng trước nguy cơ mất quan hệ với các đối tác thương mại gần nhất vì không có bất kỳ sự dàn xếp mới nào sau ngày "ra đi."

    Điều khoản "rào chắn" là một chính sách nhằm đảm bảo không có một đường biên giới cứng được đặt ra chia cách Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh trong trường hợp Anh và EU không thể đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit.

    Nói cách khác, điều khoản này nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của khối cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai.

    Một số nhà lập pháp Anh kịch liệt phản đối điều này, cho rằng điều này đe dọa sự toàn vẹn biên giới quốc gia, thậm chí có thể dẫn tới việc Anh mãi mãi "mắc kẹt" trong một liên minh thuế quan với EU.

    VietHome (Theo Vietnamplus)

  • Giới chức Anh được cho là đã khôi phục kế hoạch khẩn cấp từ thời chiến tranh lạnh để sơ tán các thành viên Hoàng gia nếu xảy ra bạo loạn do việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu. 

    "Các kế hoạch sơ tán khẩn cấp này vốn có từ thời chiến tranh lạnh nhưng nay đã được khôi phục để đề phòng bạo loạn trước nguy cơ Anh rút khỏi EU (Brexit) mà không có thỏa thuận", báo Sunday Times dẫn nguồn tin giấu tên trong nội các Anh cho biết ngày 3/2.

    Theo kế hoạch này, giới chức Anh sẽ sơ tán khẩn cấp các thành viên Hoàng gia, trong đó có Nữ hoàng Elizabeth II đến địa điểm an toàn tránh xa London.

    Dai Davies, một cựu sĩ quan cảnh sát từng làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng gia Anh, cũng cho rằng Nữ hoàng Elizabeth sẽ được sơ tán khỏi London và tránh xa các thành phố lớn nếu xảy ra bạo loạn.

    Kế hoạch Brexit của chính quyền Thủ tướng Anh Theresa May đến nay vẫn rơi vào bế tắc sau khi quốc hội phủ quyết kế hoạch được chuẩn bị suốt 2 năm qua này. Giới quan sát cho rằng, Anh có thể sẽ hoãn hoặc thậm chí hủy kế hoạch Brexit khi hạn chót 29/3 đang đến gần.

    Tháng trước, trong một bài phát biểu thường niên, Nữ hoàng Elizabeth đã kêu gọi các chính khách Anh sớm đạt được thỏa thuận về Brexit để tránh những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội của nước này.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Hội đồng Liên minh châu Âu đã đồng ý miễn thị thực đi lại trong phạm vi liên minh đối với công dân Anh, thậm chí trong bối cảnh Anh rời khỏi khối mà không có thỏa thuận.

    Theo Đài RT ngày 1.2, các đại sứ EU tại Brussels đã bật đèn xanh cho công dân Anh đi lại trong khu vực Schengen trong thời gian ngắn hậu Brexit (Anh rời EU) mà không cần thị thực. Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU sẽ sớm ký kết thông qua thành luật.

    Các quy định của EU chỉ ra rằng việc miễn thị thực phải dựa trên điều kiện có qua có lại. Chính phủ Anh cũng tuyên bố rằng họ sẽ không yêu cầu công dân EU phải có thị thực du lịch tới nước này trong vòng 90 ngày.

    Tháng trước, Nghị viện châu Âu ủng hộ các đề xuất cho miễn thị thực đi lại ngay cả trong trường hợp Brexit mà không có thỏa thuận. Trong trường hợp Brexit mà không có thỏa thuận nào, việc miễn thị thực sẽ được áp dụng từ ngày 30.3.2019.

    Trước đó, Chính phủ Anh cho biết những hộ chiếu còn thời hạn 15 tháng sẽ không được chấp nhận khi đi du lịch các nước Schengen. 

    Các hộ chiếu Anh hiện nay được gia hạn tới 10 năm 9 tháng. Khoảng thời gian 9 tháng đó sẽ không còn được chấp nhận trong khu vực Schengen nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra.

    Hộ chiếu của tất cả du khách Anh phải còn hạn ít nhất 6 tháng nếu muốn vào hầu hết các nước EU, nhưng hạn chỉ được tính từ mốc 9,5 tháng kể từ khi hộ chiếu được cấp. Bộ Nội vụ ước tính quy định này sẽ ảnh hưởng 3,5 triệu người Anh nếu họ không sớm gia hạn hộ chiếu.

    Biên tập mục du lịch của trang Which? cho hay: "Mọi người sẽ bị sốc khi phát hiện họ bị chặn lại ở sân bay và không thể thực hiện chuyến du lịch của mình, ngay cả khi hộ chiếu của họ còn hạn tới 15 tháng. Điều này sẽ khiến hàng triệu người phải sắp xếp lại kế hoạch du lịch của mình. Chính phủ và các hãng du lịch phải khẩn cấp thông báo cho khách hàng thông tin này, để không ai bị bỏ rơi ở cửa khởi hành. 

    Viethome (theo Metro)

  • Ngay sau khi quốc hội Anh bỏ phiếu đồng ý cho Thủ tướng Theresa May quay lại Brussels để thảo luận các chỉnh sửa cho kế hoạch Brexit, các lãnh đạo EU đã lập tức từ chối.

    Theo Al Jazeera, quốc hội Anh vào ngày 29/1 đã bỏ phiếu không chấp nhận việc nước này rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận nào, yêu cầu Thủ tướng Theresa May quay lại Brussels để thảo luận các sửa đổi về vấn đề “chốt chặn cuối” (backstop) ở khu bực biên giới giữa CH Ireland và Bắc Ireland.

    Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, chính xác là 6 phút sau đó, các lãnh đạo EU tái khẳng định lập trường không viết lại thỏa thuận đã đàm phán trước đó. Thỏa thuận này đã bị quốc hội Anh bác bỏ với số phiếu chống áp đảo hồi đầu tháng 1.

    “Thỏa thuận rời đi sẽ không được đàm phán lại”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk phát biểu vào ngày 30/1. “Ngày hôm qua chúng tôi đã biết điều nước Anh không muốn. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết điều họ muốn là gì”.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Trưởng đàm phán Brexit của EU Michel Barnier trong cuộc họp nghị viện châu Âu mới đây. Ảnh: Reuters.

    Các quan chức khác của EU, bao gồm trưởng đại diện đàm phán Brexit Michel Barnier, nhấn mạnh rằng 27 nước thành viên còn lại đều đoàn kết và quyết tâm không nhượng bộ về vấn đề “chốt chặn cuối”, điều khoản mà họ cho rằng sẽ mang tính quyết định để giữ hòa bình và ổn định ở khu vực ranh giới giữa EU và Vương quốc Anh hậu Brexit.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker cũng có bài phát biểu trước nghị viện châu Âu, khẳng định rằng thỏa thuận Brexit sẽ không được đàm phán lại. Ông Juncker cũng cảnh báo rằng, nước Anh đang “làm gia tăng nguy cơ rời đi một cách thiếu trật tự”, và khả năng Bắc Ireland sẽ “trượt về một quá khứ đen tối”.

    Dân biểu nghị viện EU đến từ Bỉ, ông Philippe Lamberts, một trong những thành viên trong nhóm đàm phán Brexit, nhận xét: “Nói rằng bạn phản đối chốt chặn cuối cũng giống như nói rằng bạn phản đối thời tiết vậy. Bạn có thể không thích nó, nhưng bạn không thể thay đổi được nó đâu”.

    Trang bìa tờ Independent cho thấy EU từ chối đề nghị của phía Anh chỉ sau 6 phút. Ảnh: Independent.

    Điều khoản “chốt chặn cuối” là một chính sách bảo hiểm nhằm đảm bảo không có một đường biên giới cứng được đặt ra chia cách CH Ireland và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) trong trường hợp Anh và EU không thể đàm phán 1 thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit.

    Lần gần nhất đường biên giới cứng được dựng lên ở khu vực này đã dẫn tới một trong những cuộc xung đột vũ trang đẫm máu nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến 2, hòa bình mới chỉ được lập lại cách đây 20 năm.

    Theo các điều khoản của thỏa thuận này, toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở trong một liên minh thuế quan với EU, trong khi Bắc Ireland sẽ phải tuân thủ một số quy tắc của thị trường chung châu Âu, dẫn đến một sự phân biệt giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh.

    Một số nhà lập pháp Anh kịch liệt phản đối điều này, cho rằng nó đe dọa sự toàn vẹn biên giới quốc gia, thậm chí có thể dẫn tới việc Anh mãi mãi “mắc kẹt” trong một liên minh thuế quan với EU.

    Viethome (Theo zing)

  • Brexit đang tạo nên những cơn chấn động trên khắp nước Anh và cánh lái xe Anh cũng chuẩn bị phải đón nhận hậu quả của sự kiện này.

    Lái xe ở khu vực EU sẽ trở nên vô cùng đắt đỏ đối với các tài xế Anh đang sống hoặc muốn lái xe ở EU.

    Sau ngày 29 tháng Ba, tài xế Anh sẽ buộc phải mua Giấy phép Lái xe Quốc tế để có thể lái xe ở các nước EU, và giấy phép này có thể tiêu tốn của người Anh đến 36 tỷ bảng.

    Nếu một công dân Anh muốn được lái xe ở nước ngoài lâu dài và lại không chịu đổi bằng lái của mình trước ngày 29 tháng Ba, anh ta có thể phải trả tiền cho những khóa học và kỳ thi lái xe ở quốc gia nơi mình đang sinh sống.

    Sau đây là thông tin về chi phí học và thi bằng lái ở một số nước châu Âu.

    1. Đức

    Bằng lái xe ở Đức sẽ tiêu tốn của tài xế hơn 2,000 euro, với số giờ học lái bắt buộc là từ 25 đến 45 giờ. Điều này đồng nghĩ với việc bạn phải bỏ ra 1,765 bảng để có được bằng lái Đức.

    1. Hà Lan

    Bằng lái ở Hà Lan, bao gồm cả chi phí học lái, sẽ khiến tài xế phải bỏ ra 1,587 bảng.

    1. Thụy Điển

    Chi phí lấy bằng lái xe ở Thụy Điển không quá đắt. Dựa trên số giờ học mà bạn cần, số tiền này sẽ giao động từ 343 đến 1,287 bảng.

    1. Đan Mạch

    Ở Đan Mạch, bằng lái trị giá 1,182 bảng. Chi phí này đã bao gồm học lý thuyết, bài học thực hành cũng như khóa học sơ cứu bắt buộc.

    1. Pháp

    Ở Pháp, trường dạy lái xe tiêu chuẩn cung cấp những khóa học lái kéo dài ít nhất 20 giờ, thêm vào đó là các chi phí đăng ký và nộp hồ sơ thi. Chi phí trung bình lên đến khoảng 1,147 bảng.

    1. Tây Ban Nha

    Ở Tây Ban Nha, nếu tài xế vượt qua cả bài kiểm tra lý thuyết và thưc hành ngay lần đầu tiên, họ sẽ chỉ mất khoảng 706 bảng. Nếu cần đến nhiều thời gian học hơn và phải thi lại, chi phí trung bình sẽ lên đến 1,323 bảng.

    1. Bồ Đào Nha

    Mỗi bài học lái xe ở Bồ Đào Nha có giá 35 euro và chi phí thi cử là 90 euro. Vậy, ví dụ bạn cần 10 bài học trước khi đi thi, tổng chi phí chỉ là 397 bảng.

    Trước khi lấy được bằng lái ở Ý, bạn cần có giấy chứng nhận sức khỏe từ bác sĩ bởi đó là yêu cầu bắt buộc ở quốc gia này. Bằng lái ở Ý chỉ tiêu tốn của bạn 104 bảng.

    Đối với những người đến Anh để học lái xe, nếu họ cần 30 giờ học, họ sẽ phải trả khoảng 835 bảng, bao gồm cả chi phí thi lý thuyết và thực hành.

    Asher Ismail, giám đốc trang MiDrive, bình luận về thông tin này: “Thật đáng sợ khi nghĩ đến số tiền mà công dân Anh phải trả cho quyền tự do mà hiện chúng ta đang được hưởng.

    “Việc này chẳng liên quan gì đến khả năng lái xe an toàn của người dân Anh trên những con đường châu Âu, nhưng rào cản này có thể phá hủy kế hoạch lái xe ở nước ngoài của rất nhiều người.

    “Một trong những động lực chính khiến người dân Anh học lái xe đó chính là có thể tự do lái xe ở nước ngoài trong kỳ nghỉ, và các nước EU là điểm đến yêu thích của dân du lịch Anh.

    “Thật đáng xấu hổ khi họ không còn được dễ dàng tận hưởng lợi ích này. Những người có kế hoạch lái xe ở các nước EU lâu dài sau giai đoạn chuyển giao Brexit cần nhớ đổi bằng lái trước ngày 29/3.

    “Nếu không, họ có thể buộc phải trả đến 1,000 bảng cho tấm bằng lái mới.”

    VietHome (Theo Express)

  • Bài viết của đọc giả Lê Anh Hải gửi cho Viethome vào thời điểm trước kỳ trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016: http://vietho.me/blog/toi-se-khong-di-bau-cu-brexit

    Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là người dân Anh đua nhau đi bầu cử, quyết định vận mệnh tương lai của Vương Quốc Anh. Là một trong những nước đầu tiên khởi xướng ý tưởng "Liên Minh Châu Âu" từ năm 1973, Anh Quốc giờ đây lại đang muốn đòi thoát khỏi Liên Minh do chính mình cố gắng gây dựng từ những ngày đầu.

    Dưới đây là những cảm nhận của tôi về lần bầu cử này và lý do vì sao tôi sẽ không đi bầu:

    Kết quả bầu cử Brexit năm 2016.

    Tôi sẽ không đi bầu.

    Khi ở VN ai ai cũng muốn là được quyền bầu cử, nêu lên tiếng nói. Ấy thế mà tôi làm việc khác người là không đi bầu khi mà rất nhiều người mong ước có được quyền này.

    Tôi ở Anh đã gần 20 năm, tôi chỉ hiểu 1 phần cuộc sống và cách làm việc ở Anh thôi, tôi không thể hiểu hết được tư tưởng và cách họ phát triển đất nước.

    Tầm hiểu biết của tôi quá giới hạn để quyết định xem Anh Quốc tốt hơn nếu rời khởi EU hay là tiếp tục ở lại EU.

    Theo cá nhân tôi, các bài phân tích mà báo chí đưa ra chỉ là các điểm bé so sánh với nhau. Chứ không ai biết được khi cộng tất cả lại và so sánh thì cái nào hơn cái nào thua.

    Tôi có thấy 1 vài người Việt kêu gọi là nên bầu cho Anh Quốc rời EU vì để giảm dân Châu Âu sang đây lấy mất nghề nails của người Việt. Nhưng thực sự tôi thấy dân Châu Âu tràn sang đây đã làm nhiều shop nails ăn nên làm ra, các shop ở khu vực gần khu Olympic như Leyton, Stratford có rất nhiều dân Châu Âu nhập cư sang sống và làm việc.

    Các chuyên gia phân tích nếu Anh rời EU thì giá nhà giảm xuống như vậy là tốt. Thực ra thì chỉ tốt cho ai sắp mua nhà thôi, vì sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu sau khi mua rồi mà giá nhà ít tăng hoặc không tăng thì đâu có ai thích. Đó là còn chưa tính đến những người đang có nhà cửa, sở hữu 2-3 cái thì họ lỗ nặng nếu Anh Quốc rời EU .

    Cái gì cũng có cái lợi hại. Nhìn chung tôi thấy Anh Quốc rất được ưu tiên trong khối EU khi họ có tiền tệ riêng, họ được nhiều quyền tự bảo vệ đường biên giới hơn. Nếu bạn đi lại giữa các nước Châu Âu khác, sẽ chẳng ai hỏi giấy tờ của bạn khi qua biên giới. Ấy thế mà Anh Quốc đặt nguyên mấy cái bàn ở cửa bến tàu Eurostart bên Pháp, ai muốn lên tàu đều bị kiểm tra visa nhập cư vào Anh.

    Giờ đây Anh Quốc lại muốn nhiều hơn thế nữa. Tất nhiên càng muốn tự do bao nhiêu, thì Anh Quốc sẽ tự bị cô lập bấy nhiêu. Cái gì cũng có 2 mặt.

    Nếu không biết rõ thì tốt nhất không hành động

    Chính vì tôi không hiểu được rõ lợi hại lâu dài của việc bầu cử lần này, cho nên tôi không muốn bầu cử bừa. Một lá phiếu có thể sẽ làm kết quả sai lệch đi kết quả của bầu cử. Nếu cứ bầu bừa thì không những không giúp được cho Anh Quốc, mà còn làm hại Anh Quốc.

    Dù Anh có đi hay ở thì tôi nghĩ là người dân Anh hay người Việt sống ở Anh vẫn cứ làm việc chăm chỉ, cố gắng xây dựng gia đình và đất nước của mình .

    Canada, Mỹ, hay Trung Quốc họ đâu có nằm trong khối EU đâu, mà họ đi lai, buôn bán vẫn tự do, vẫn lớn mạnh. Vì thế dù Anh có ra khỏi Anh Quốc thì đó cũng không phải là tận thế. Mà nếu họ tiếp tục ở lại thì họ cũng sẽ lại tiếp tục củng cố, xây dựng đất nước.

    Người Anh nhiều khi họ có quyền tự hào dân tộc riêng, họ muốn cho thế giới biết là họ hoàn toàn tự chủ, rằng những gì họ làm là đúng nhất và mọi người nên học tập theo , có lẽ vì thế mà lần này họ "hơi kiêu" một tí, để thế giới ngưỡng mộ họ hơn.

    P/S: Tôi dự đoán Anh Quốc sẽ ở lại EU. 

    Viethome

  • Nữ hoàng Anh Elizabeth đã chính thức gửi đi một thông điệp tới các chính trị gia về Brexit, kêu gọi hai bên tìm kiếm một giải pháp chung.

    Với việc thời hạn đàm phán không còn nhiều, nước Anh đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử nước này kể từ Thế chiến II.

    Nữ hoàng Anh Elizabeth, 92 tuổi, không nhắc tới Brexit một cách rõ ràng trong bài phát biểu thường niên của mình tại Viện phụ nữ ở Norfolk, nhưng ám chỉ rằng "mỗi thế hệ đều phải đối mặt với những thử thách và cơ hội".

    "Trong khi chúng ta đang tìm kiếm những câu trả lời mới, lần đầu tiên tôi lại muốn thử một điều gì đó cũ, như cùng đàm phán và tôn trọng ý kiến của nhau; cùng ngồi lại với nhau để tìm kiếm điểm chung; và không bao giờ rời mắt khỏi viễn cảnh to lớn hơn", Nữ hoàng nói.

    Điện Buckingham từ chối bình luận với báo giới về việc liệu đây có phải là thông điệp của Nữ hoàng về Brexit hay không. Tờ Times đăng tải bài viết với tiêu đề: "Hãy chấm dứt chuỗi tranh cãi vì Brexit, Nữ hoàng lên tiếng cảnh báo".

    Dù Nữ hoàng phải có tính trung lập trong chính trị và không thể bỏ phiếu, bà có sức ảnh hưởng không nhỏ tới suy nghĩ của người dân, đặc biệt trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 khi Scotland đòi độc lập. 

    VietHome (Theo Báo Công Luận)

  • Một Brexit không thỏa thuận có thể khiến 3,5 triệu người Anh sở hữu hộ chiếu hợp lệ nhưng sẽ không thể du lịch một số nước EU, bao gồm Pháp và Tây Ban Nha.

    Chính phủ cho biết những hộ chiếu còn thời hạn 15 tháng sẽ không được chấp nhận khi đi du lịch các nước Schengen. 

    Các hộ chiếu Anh hiện nay được gia hạn tới 10 năm 9 tháng. Khoảng thời gian 9 tháng đó sẽ không còn được chấp nhận trong khu vực Schengen nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra.

    Hộ chiếu của tất cả du khách Anh phải còn hạn ít nhất 6 tháng nếu muốn vào hầu hết các nước EU, nhưng hạn chỉ được tính từ mốc 9,5 tháng kể từ khi hộ chiếu được cấp. Bộ Nội vụ ước tính quy định này sẽ ảnh hưởng 3,5 triệu người Anh nếu họ không sớm gia hạn hộ chiếu.

    Biên tập mục du lịch của trang Which? cho hay: "Mọi người sẽ bị sốc khi phát hiện họ bị chặn lại ở sân bay và không thể thực hiện chuyến du lịch của mình, ngay cả khi hộ chiếu của họ còn hạn tới 15 tháng. Điều này sẽ khiến hàng triệu người phải sắp xếp lại kế hoạch du lịch của mình. Chính phủ và các hãng du lịch phải khẩn cấp thông báo cho khách hàng thông tin này, để không ai bị bỏ rơi ở cửa khởi hành. 

    Chỉ hơn 2 tháng trước ngày chính thức rời EU, việc London vẫn chưa thống nhất được một thỏa thuận làm dấy lên lo ngại Brexit không thỏa thuận sẽ xảy ra. Hiện một chiến dịch vận động kéo dài hạn chót Brexit đang nhận được ủng hộ ngày càng lớn tại quốc gia này. Tuy nhiên, Thủ tướng Theresa May khẳng định lựa chọn này không phải là câu trả lời cho vấn đề "gốc rễ" hiện nay của nước này đó là Brexit nên như thế nào.

     Viethome (theo Metro)

  • Tom Enders, Giám đốc điều hành Airbus, ngày 24/1 cảnh báo nhà chế tạo máy bay hàng đầu của châu Âu này có thể đưa ra những quyết định gây thiệt hại đối với nước Anh, nếu xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận. 

    Giám đốc điều hành Airbus cảnh báo tác động từ kịch bản Brexit không thỏa thuận. Ảnh: standard

    Theo ông Enders, những lao động làm việc tại cơ sở sản xuất của Airbus ở Vương quốc Anh đang đứng trước nguy cơ mất việc làm. Hiện Airbus đang tuyển dụng 14.000 lao động tại nước Anh, trong đó có có 6.000 người tại Broughton và 3.000 người tại Filto. 

    Một số nhà lập pháp nước Anh đã lên tiếng chỉ trích Airbus và một số đơn vị khác gây ra tình trạng hoang mang. Trong khi đó, ông Enders, một người sinh ra tại Đức, khẳng định Airbus nghiêm túc với ý định của mình.

    Theo ông Enders, Airbus chắc chắn sẽ không thể ngay lập tức di dời các cơ sở sản xuất tại nước Anh sang các nước khác. Tuy nhiên, hàng không là một mảng kinh doanh dài hạn và Airbus có thể thay đổi những kế hoạch đầu tư trong tương lai, nếu để xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận.

    Trước cảnh báo của Airbus, một người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà May đang nỗ lực làm việc để đảm bảo tiến trình nước Anh rời EU một cách suôn sẻ.

    Hiện nền kinh tế Anh cũng đã chịu nhiều tác động từ Brexit. Đầu tư kinh doanh sụt giảm khá mạnh khi các công ty ngừng kế hoạch kinh doanh do lo ngại bất ổn chính trị.

    Nhiều tập đoàn chế tạo và doanh nghiệp lớn đã cảnh báo sẽ rời khỏi Anh nếu tiến trình Brexit diễn ra mà không thỏa thuận. Tập đoàn cơ khí chế tạo Schaeffler của Đức sẽ đóng cửa hai nhà máy ở nước anh do bất ổn. 

    VietHome (Theo Báo Tin Tức|)

  • Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hôm nay (24/1) cho biết, Liên minh châu Âu sẵn sàng lùi thời điểm Anh rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) sang tháng 5 tới.

    Phát biểu trước báo giới khi đang tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos ở Thuỵ Sĩ, ông Sebastian Kurz nhấn mạnh: “Nước Anh hiểu rõ, Liên minh châu Âu sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn một Brexit cứng, thậm chí nếu phải lùi thời điểm Brexit đã được ấn định, nếu nước Anh cũng mong muốn như vậy.

    Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. (Ảnh: Sky News)

    Thật là vô lý nếu chúng tôi cố gắng trì hoãn thời điểm Brexit dù người Anh muốn ra đi. Liên minh châu Âu không đủ thẩm quyền để làm điều này. Kịch bản lý tưởng nhất là tận dụng thời gian cả hai bên đang có. Nếu mọi thứ không được hoàn tất trước thời điểm Brexit, việc kéo dài thời gian có thể được tính đến song không vượt quá thời điểm bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới.”

    Tuyên bố của Thủ tướng Áo đưa ra trong bối cảnh, Hạ viện Anh mới đây đã không thông qua thỏa thuận mà Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May và các lãnh đạo Liên minh châu Âu phải rất vất vả mới đạt được hồi tháng 11/2018, làm tăng nguy cơ nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 29/3 mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Hiện bà May đang phải tham vấn các đảng phái ở Anh về các đề xuất thay thế khác.

    Nghị viện Anh sẽ tiến hành bỏ phiếu “Kế hoạch B” Brexit

    Nghị viện Anh ngày 29/1 tới sẽ ra tuyên bố về "Kế hoạch B" thay thế cho thỏa thuận Brexit vừa mới bị bác bỏ.

    Theo Chủ tịch Hạ viện Anh, các nghị sĩ sẽ dành trọn ngày 29/1, để thảo luận về đề xuất mới của Thủ tướng trước khi tiến hành bỏ phiếu trong cùng ngày.

    Ngay sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ Viện, Thủ tướng Theresa May đã khởi động các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các đảng phái chính trị khác nhau của Anh nhằm thúc đẩy việc thỏa thuận Brexit sẽ được các nghị sĩ thông qua trong lần trình tới.

    Theo Thủ tướng Anh, bà sẽ tiếp tục thực thi lời hứa một cách nghiêm túc đối với các cử tri Anh, thực hiện theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, đó là đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đúng thời hạn vào ngày 29/3 tới.

    Viethome (theo VTC)