Điều gì sẽ đến sau khi quốc hội Anh bác dự thảo Brexit?

Khả năng rõ ràng nhất và việc thủ tướng Anh Theresa May sẽ đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu bị 2/3 nghị sĩ quốc hội phản đối, bà May sẽ phải rời cương vị.

Trên thực tế, 5 tuần trước bà May từng phải hoãn cuộc bỏ phiếu phê chuẩn dự thảo thỏa thuận Brexit vì lo không có đủ phiếu ủng hộ. Song rốt cuộc, kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 15-1 đã cho thấy sự trì hoãn đó cũng đã không giúp bà có được kết quả tích cực hơn.

Trong bối cảnh không còn bao nhiều thời gian nữa sẽ tới thời điểm Anh phải chính thức rời EU (29-3), vấn đề chính lúc này dư luận Anh cũng như công luận thế giới quan tâm là chuyện gì sẽ khi quốc hội Anh chưa thể thống nhất về một dự thảo thỏa thuận rời khỏi EU?

Kịch bản nào cho nước Anh?

Một khả năng xa là chính nội các của bà May sẽ quay lưng với bà, thẳng thắn bày tỏ quan điểm họ không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của bà nữa và bà nên từ chức.

Thời gian qua đã có nhiều bộ trưởng trong nội các của bà May quyết định từ chức để phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit. 

Tuy nhiên theo đài NPR, một khả năng dễ xảy ra hơn là nếu bà May vẫn tiếp tục chèo lái ở giai đoạn khó khăn này, bước tiếp theo có vẻ khá rõ ràng: Quốc hội sẽ cho thủ tướng 3 ngày làm việc để quay trở lại với một phương án B.

Theo đó bà May có thể tới Brussels trong ngày 16-1 để cố gắng thuyết phục thêm các nhượng bộ khác cho bản thỏa thuận Brexit.

Tuy nhiên nhiều người nghi ngờ khả năng bà có thể đạt được một kết quả nào đó đủ sức thuyết phục các thành viên khác trong quốc hội, ngay cả chính với các thành viên trong đảng Bảo thủ của bà.

Nhưng nếu Kế hoạch B không thể xảy ra, tương lai lâu dài của Brexit sẽ hết sức tối tăm. Nói như một số chuyên gia phân tích quốc tế, kịch bản tương lai như thế nào sẽ còn tùy thuộc vào phỏng đoán và quan điểm của mỗi người.

Tuy nhiên ở đây tạm liệt kê ra những kịch bản lớn nhất đã nổi lên trong các tuần qua.

1, Nước Anh đối mặt với thời hạn chót 29-3 phải rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào.

2, Quốc hội sẽ tìm cách kéo dài thêm thời hạn rời khối và đàm phán lại nội dung thỏa thuận Brexit theo cách có thể thuyết phục các nghị sĩ.

Bà May từng bác bỏ việc gia hạn này, nhưng EU được cho là đã chuẩn bị tình huống Brexit có thể trì hoãn nhiều tháng. 

Không những thế, tòa án tối cao của EU cũng đã tuyên phán quyết nước Anh có thể đơn phương đảo ngược quyết định rời khối của họ. Trong khi đó các lãnh đạo châu Âu khẳng định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit.

3. Kịch bản cuối cùng và cũng là điều gần như không thể: tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 về Brexit.

EU muốn Anh hủy Brexit

Sau thất bại lịch sử của bà May tại quốc hội, chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, đề nghị phương án các nghị sĩ Anh có thể hủy bỏ quyết định đưa nước này rời khối. Ông Tusk cho rằng đó là giải pháp tích cực duy nhất còn lại hiện nay trên bàn đàm phán.

"Nếu một thỏa thuận là không thể, và không ai muốn không có thỏa thuận, vậy thì rốt cuộc ai sẽ đủ dũng cảm để nói giải pháp tích cực duy nhất là gì?" ông Tusk viết trên tài khoản Twitter trong đêm 15-1 với thông điệp rõ ràng: cách duy nhất để vượt qua thế bế tắc tại Hạ viện Anh là chấm dứt Brexit.

Trong khi đó, tại Brussels, các quan chức châu Âu đang chờ đợi thêm những thông tin cụ thể khác từ nhà lãnh đạo Vương quốc Anh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, bày tỏ quan điểm trên Twitter: "Tôi hối thúc nước Anh cần bày tỏ rõ ràng những ý định của họ càng sớm càng tốt. Thời gian đã gần hết".

Liên minh châu Âu đã nói rất rõ là họ không sẵn sàng đàm phán lại những điều khoản trong thỏa thuận Brexit. Một quan chức EU chia sẻ với đài CNBC tối 15-1 rằng "ở giai đoạn này, chúng tôi không thể làm gì hơn nữa".

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon, cho rằng thủ tướng Anh nên trì hoãn tiến trình Brexit và tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác.

Viethome (theo Tuổi Trẻ)