• Brexit vẫn bị coi là nguyên nhân gây ra tình trạng bấp bênh của thị trường nhà đất, với mức giá dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới.

    Theo Viện khảo sát Hoàng gia (RICS), nhu cầu từ người mua đang giảm, với số lượng người ngỏ ý muốn mua nhà giảm trong tháng thứ tám liên tiếp. Và thời gian trung bình để bán được một căn nhà là 19 tuần. Đây là thời gian dài nhất kể từ năm 2017. Khu vực đông nam nước Anh có thời gian bán nhà dài nhất - trung bình 21,5 tuần.

    Cùng với London, giá bất động sản ở khu vực South East đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giá ở những nơi khác đang giảm nhưng xu hướng có dấu hiệu ​​sẽ đảo ngược trong tương lai dài hạn.

    Thị trường nhà ở của Anh đã chậm lại kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit tháng 6 năm 2016. Dù một số chỉ số gần đây cho thấy nó có thể sẽ chạm đáy, tuy nhiên cũng xuất hiện khá nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường có khả năng khởi sắc trở lại.

    Một số khu vực có chút khởi sắc là Scotland và Bắc Ireland, những nơi duy nhất ở Vương quốc Anh có ​​sự tăng trưởng giá cả bền vững trong hai tháng qua.

    Cuộc khảo sát cũng cho thấy số nhà được rao bán trung bình gần đạt mức thấp kỷ lục với hơn 42 căn nhà trên mỗi chi nhánh bất động sản trong tháng 3 - tăng nhẹ so với tháng 2.

    Trong số các ý kiến ​​từ các đối tượng được khảo sát, từ Brexit thường xuyên xuất hiện.

    John Halman ở Wilmslow nói: "Đáng buồn thay khi câu chuyện dài kỳ Brexit vẫn diễn tiến không như ý, chúng tôi đã thấy sự sụt giảm giá trị và doanh số tại chính thời điểm trong năm khi hoạt động vốn vẫn thường sôi nổi.

    Tại Nottingham, David Hammond nói: "Người bán và người mua vẫn thận trọng do sự không chắc chắn của viễn cảnh Brexit."

    Và David Knights ở Ipswich cho biết thị trường tiếp tục "bị chi phối bởi các cuộc thảo luận về Brexit".

    John Frost tại Beaconsfield cho biết: "Thị trường vẫn rất bất ổn với giá tiếp tục giảm và người mua không sẵn sàng chi trả như những gì người bán mong đợi. Chắc hẳn còn rất lâu nữa thị trường mới chạm đáy!"

    Tại khu vực Merton ở London, Andrew Scott Robertson cho biết tháng 3 là "tháng bận rộn nhất cho việc đăng ký mới và số lượt xem nhà". Nhưng ông nói thêm: "Kết quả thật đáng thất vọng, chỉ có một lần trả giá sau mỗi 15 lượt xem và một căn nhà được bán trên mỗi 20 lượt xem."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Một số người dùng mạng xã hội so sánh hình ảnh mờ ảo đầu tiên của hố đen vũ trụ với nhiều sự vật hài hước, đặc biệt là quá trình Brexit vốn đang bế tắc và tương lai mờ mịt của Anh.

    Được mô tả là hình ảnh chưa từng thấy và được coi là cột mốc quan trọng trong sự hiểu biết của con người về vũ trụ nhưng hình ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ lại bị khá nhiều người dùng mạng xã hội nhận xét là gây thất vọng. 

    Bức ảnh đầu tiên về hố đen, được chụp bằng mạng lưới kính viễn vọng toàn cầu, được thực hiện bởi dự án Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện. Ảnh: Reuters.

    Theo Guardian, Twitter tràn ngập những lời đùa về hình ảnh hố đen vũ trụ sau khi nó được công bố. "Chiếc vòng" trong hình ảnh này cũng gợi liên tưởng tới sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) vốn đang bế tắc.

    "Ai mà nghĩ được chúng ta sẽ biết được hình hài của hố đen trước cả khi chúng ta biết được Brexit sẽ như thế nào", một người dùng tên Ben Stanley nói."Không quá xa như bạn nghĩ: 55 triệu năm ánh sáng. Có vẻ là gần ngày Brexit phải không?", một người dùng với tài khoản Réne de Vries mỉa mai.

    NewsThump, một trang chuyên sản xuất tin trào phúng, châm biếm, đã đăng một bản tin giả với dòng tít Các nhà khoa học vừa công bố bức ảnh đầu tiên của Brexit, kèm đó là ảnh mô phỏng một hố đen vũ trụ.

    Diễn biến mới nhất của Brexit là Brussels và London đồng ý hoãn thời hạn để nước Anh rời khỏi EU đến ngày 31/10, lùi hơn nửa năm so với kế hoạch dự kiến.

    Nước Anh hoàn toàn có thể rời đi trước tháng 10, nếu kế hoạch Brexit của bà May được chấp thuận ở cả London và Brussels. Tuy nhiên, tất cả những phương án Brexit bà May từng đưa ra đều bị quốc hội Anh bác bỏ, và quốc hội của bác bỏ luôn phương án rời đi mà không kèm theo thỏa thuận, dẫn đến việc Brexit bị xem như một "trò đùa" và đống hỗn độn.

    Bức ảnh biếm họa của tác giả Steve Bell trên Guardian từ tháng 11/2018 đã mô tả Brexit cũng như một chiếc hố đen khổng lồ mà nước Anh đang lao vào.

    Hố đen là các vật thể hoặc vùng không gian tự sụp đổ, dẫn đến một khối lượng khổng lồ tập trung trong khu vực rất nhỏ. Trọng lực của chúng mạnh đến nỗi nó kéo theo mọi thứ xung quanh, bao gồm cả ánh sáng.Trở về với bức ảnh hố đen "thật", hình ảnh đầu tiên về hố đen được các nhà khoa học công bố vào ngày 10/4. Đây là hố đen ở trung tâm M87, một thiên hà cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng. Hình ảnh thu được bằng cách kết hợp dữ liệu từ 8 đài quan sát vô tuyến hàng đầu thế giới.

    Việc các hố đen không cho phép ánh sáng thoát ra khiến việc quan sát chúng trở nên khó khăn. Vì vậy, các nhà khoa học tìm kiếm một vòng ánh sáng, tức vật chất bị phá vỡ và bức xạ quay xung quanh với tốc độ khủng khiếp ở rìa chân trời sự kiện bao quanh vùng bóng tối, tượng trưng cho hố đen thực sự. Nó được gọi là bóng hay hình chiếu của hố đen.

    Viethome (theo Zing)

  • Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức của EU cho biết việc trì hoãn Brexit lần thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) có thể kéo dài đến ngày 30-3-2020.

    Đây là tuyên bố được đưa ra tối qua của một quan chức Liên minh châu Âu, trong bối cảnh lãnh đạo 27 nước thành viên còn lại của Liên minh châu Âu sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) trong ngày hôm nay để thảo luận về vấn đề này.

    Thủ tướng Anh Theresa May đã yêu cầu gia hạn Brexit đến ngày 30/6 so với thời điểm ngày 12/4 đã ấn định hiện nay. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lại muốn một sự gia hạn lâu hơn, ít nhất là 1 năm.

    Về phần mình, Chính phủ Pháp không phản đối việc gia hạn Brexit thêm vài tháng, song với điều kiện sự gia hạn này phải đi kèm với cam kết của Anh không tham gia đầy đủ vào các quyết định trong tương lai của Liên minh châu Âu.

    27 đặc phái viên của các quốc gia còn lại trong khối EU đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào hôm 10-4 để quyết định về thời hạn cuối cùng cho tiến trình Brexit.

    Lẽ ra ngày 29-3 là ngày Anh sẽ rời khỏi EU nhưng việc nội bộ nước Anh đã không thể tìm được tiếng nói chung về một thỏa thuận Brexit khiến cuộc chia ly này trở nên nhập nhằng cho cả hai bên.

    Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Brexit đã kéo dài ba năm qua làm suy yếu vị thế của nước Anh, ngày 9-4 bà May đã bay đến Berlin và Paris để thuyết phục Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho phép Anh trì hoãn thời hạn rút khỏi EU sau ngày 12-4.

    Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã bác bỏ yêu cầu gia hạn điều 50 Hiệp ước Lisbon đến 22-5. Thay vào đó, ông Juncker đã đặt ra thời hạn cuối cùng là ngày 12-4 để Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit.

    Nếu không làm như vậy, sau ngày 12-4 tiến trình Brexit có nguy cơ gây hại cho cuộc bầu cử quốc hội châu Âu và đe dọa hoạt động của EU.

    Ông Juncker cho hay, vào thời điểm đó, Anh sẽ phải đối mặt với một Brexit không có thỏa thuận nhưng EU sẽ không loại bỏ một quốc gia thành viên. EU đang xem xét gia hạn cho đến ít nhất là cuối năm nay và cũng có thể đến cuối tháng 3-2020.

    Viethome (theo Plo)

  • Giữa bối cảnh sự kiện Brexit – Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) đang “nóng bỏng” ở Anh, bởi những cuộc tranh luận kéo dài và những “chia rẽ sâu sắc” trong chính trường nước Anh, kèm theo là những đề xuất lùi thời hạn cho ngày “ly hôn” – một kênh truyền hình Anh đã khảo sát người dân xem rằng món ăn nào mà họ muốn “mang đi” trong những ngày đó nếu họ không thể nấu nướng.

    Món ăn của Trung Quốc đã được bình chọn là món ăn “takeaway” (món ăn mua mang đi) yêu thích của người Anh trong một chương trình của Kênh TV Chanel 5. Kết quả này cho thấy một mối chia rẽ sâu sắc trong sự lựa chọn thực phẩm hơn là cả sự chia rẽ trong vấn đề Brexit. Mọi người lại bị chia rẽ sau khi tin tức này được đưa ra, theo Ladbible.

    Channel 5, đã đặt ra 5 câu hỏi khảo sát trong một chương trình hỏi công chúng Anh rằng, món ăn nào họ muốn đặt hàng vào những đêm Brexit, khi mà họ không thể nấu ăn.

    Biểu đồ xếp loại các món ăn người dân Anh sẽ lựa chọn mang đi khi họ không thể nấu ăn trong ngày Brexit – Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu. (Ảnh: Channel 5)

    Ký giả Tom Wood của tờ Ladbible nhận định: Nghiêm túc mà nói, nó [sự bầu chọn loại thực phẩm mang đi] dường là một cuộc tranh luận tệ hại một lần nữa. Theo Tom, đây là một trò chơi chữ có chủ ý – thì lựa chọn này đã vùi dập tất cả những điều khác.

    Trong đó, “Brexit” là một cụm từ được ghép từ hai từ “Britain” – nước Anh, và “exit” – hành động rời khỏi. Còn “Takeaway food” là chỉ loại thực phẩm mua tại một nhà hàng, điểm bán nhưng sẽ ăn ở đâu đó, trong đó “away” có nghĩa là “xa cách, rời xa”.

    Một món ăn Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

    Món ăn “takeaway” của Trung Quốc đã giành được phiếu bầu cho món ăn “takeaway yêu thích” của người Anh – với một phần tư của toàn bộ phiếu bầu – và đây là một tỷ lệ chiến thắng tốt, theo Tom Wood.

    Một cửa hàng bánh mì thịt “kabab” tại Stockwell, nam London, hôm thứ Sáu, ngày 23/1/2019. (Ảnh: Lewis Whyld/PA)

    Tiếp theo là món cá hồi Ấn Độ, và món cá và khoai tây chiên “Fish and Chips” có “phong cách lỗi thời” kiểu Anh đã ở vị trí thứ ba. Tiếp theo đó là pizza và những chiếc bánh mì kẹp thịt. Tiếp theo đó là những chiếc bánh mì “kebab” và “gà rán”.

    Như vậy, sau nhiều năm “chính trị ngược xuôi”, người dân Anh đơn giản là không biết họ muốn gì – Tom Wood nhận định hài hước khi liên tưởng về vấn đề Brexit hiện đang là một chủ đề “nóng” tại Anh – rằng điều mà người Anh muốn nói về “những thứ họ muốn” rằng đó “không phải là thứ họ yêu cầu”.

    Món Anh truyền thống từ cá và khoai tây chiên đã không nhận được sự ưu tiên. (Ảnh: PA)

    Có một số ngoại lệ xuất hiện không mong đợi trong danh sách món ăn yêu thích “takeaway” của người Anh, đó là món “bagels” (bánh mì vòng) ở vị trí thứ 11, và “jacket potatoes” (khoai tây nướng) ở vị trí 20.

    Món “jacket potatoes” – khoai tây nướng. (Ảnh: taste.com)

    Viethome (theo Đại Kỷ Nguyên)

  • Thành viên của Đảng Bảo thủ Anh của Thủ tướng Theresa May có thể sẽ từ chức hàng loạt nếu Anh bị buộc phải tham gia vào cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu vào tháng tới và sẽ ở lại EU sau tháng 6 năm nay.

    Các nghị sĩ Đảng Bảo thủ đang ngày càng trở nên quan ngại khi các cuộc đàm phán giữa bà May và Công Đảng Anh đã bước sang ngày thứ ba nhưng kết quả có thể đạt được vẫn chưa rõ ràng. Thủ tướng Anh đã cảnh báo rằng nhiều thành viên trong nội các của bà đang xem xét từ chức đồng loạt nếu bà chấp nhận lùi thời hạn Brexit ra sau thời điểm bầu cử Nghị viện Châu Âu được tiến hành.

    Các cuộc đàm phán trước đó giữa chính phủ bà May và Công Đảng Anh đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Phía Công Đảng đã lên tiếng chỉ trích bà May không nhượng bộ về một số nội dung trong kế hoạch Brexit. “Cho đến giờ tôi không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong quan điểm của chính phủ”, lãnh đạo Công Đảng Anh Jeremy Corbyn cho biết. Cùng lúc đó, bà May cũng thừa nhận rằng chiến lược nhằm giúp thỏa thuận Brexit của bà được Quốc hội Anh chấp nhận đã thất bại, đồng thời nói rằng có rất ít khả năng các nghị sĩ Anh sẽ chấp thuận thỏa thuận rời EU, trước đó đã bị khước từ 3 lần, “trong tương lai gần”.

    Tuy nhiên, bà May tuyên bố bà “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục thuyết phục Hạ viện Anh”, bởi nếu trì hoãn Brexit lâu hơn nữa có thể sẽ khiến Anh không rời khỏi được EU.

    “Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã kết thúc mà không có sự tranh cãi nào giữa các đảng phái, và những người tôi từng gặp đều nói với tôi rằng họ muốn các chính trị gia hợp tác với nhau vì lợi ích chung của quốc gia”, bà May nói, đồng thời cho rằng việc Anh ở lại EU cũng đồng nghĩa với việc “để tiến trình Brexit mà người Anh mong muốn rời khỏi tầm tay”.

    Thủ tướng Anh cho biết các đảng lớn nhất ở Anh đều muốn thỏa mãn mong muốn của người dân và cam kết theo đuổi tiến trình rời EU với một thỏa thuận có lợi và bảo đảm việc làm cho người dân.

    Theo kế hoạch ban đầu, Anh phải rời EU vào ngày 12/4 nhưng cho đến giờ vẫn chưa có thỏa thuận Brexit nào được Hạ viện Mỹ chấp thuận và vẫn chưa rõ liệu EU có chấp nhận kéo dài thời hạn Brexit thêm một lần nữa hay không.

    Viethome (theo Infonet)

  • Một số hộ chiếu cấp cho công dân Anh từ ngày 30/3 không còn dòng chữ "Liên minh châu Âu" dù Anh chưa rời khỏi khối này. 

    Bộ Nội vụ Anh xác nhận một số hộ chiếu cấp từ ngày 30/3 không còn dòng chữ "Liên minh châu Âu" (EU) theo một quyết định được ban hành từ năm 2017. Tuy nhiên, cơ quan này cho hay một số giấy tờ thông hành cấp mới sẽ vẫn có tên của EU để tiết kiệm ngân sách.

    Hộ chiếu Anh cũ (phải) và hộ chiếu mới cấp sau ngày 30/3, thời điểm dự kiến ban đầu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh: Twitter.

    Ngày 29/3 ban đầu được ấn định là thời điểm Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Tuy nhiên, tiến trình này đang bị trì hoãn sau khi quốc hội Anh liên tục bác bỏ thỏa thuận Brexit do Thủ tướng Theresa May đưa ra. EU đã gia hạn cho Anh phải phê chuẩn thỏa thuận trước ngày 12/4.

    "Chúng tôi tiếp tục cấp hộ chiếu với dòng chữ 'Liên minh châu Âu' trong một thời gian ngắn sau thời điểm trên. Công dân sẽ không thể chọn giữa loại hộ chiếu có chữ 'Liên minh châu Âu' và hộ chiếu không có dòng chữ đó", Bộ Nội vụ viết trong một thông báo và nhấn mạnh không có sự khác biệt giữa hai hộ chiếu này. 

    Trong khi đó, một số công dân Anh bị sốc khi nhận tấm hộ chiếu mới vì trên thực tế Anh chưa rời khỏi EU. "Tôi cho rằng mình vẫn sẽ được cấp hộ chiếu cũ. Chuyện không có gì nghiêm trọng nhưng đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chúng ta đang rời khỏi EU", bà Susan Hindle Barone viết trên Twitter sau khi nhận hộ chiếu mới không có dòng chữ Liên minh châu Âu.

    Anh tổ chức trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016 với kết quả 52% cử tri ủng hộ rời khỏi EU. Liên minh châu Âu hồi tháng 11/2018 chấp nhận Thỏa thuận Rút lui và Tuyên bố Chính trị về quan hệ EU - Anh trong tương lai của London. Mâu thuẫn giữa Thủ tướng May và quốc hội Anh đang làm gia tăng khả năng Anh rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào được thông qua.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Trong trường hợp Brexit diễn ra không có thỏa thuận, một số nước EU có thể trục xuất công dân Anh.

    Một tài liệu mật vừa hé lộ từ Uỷ ban châu Âu cho thấy các nước EU có các quan điểm khác nhau trong cách đối xử với công dân Anh trong trường hợp Brexit diễn ra không có thoả thuận, trong đó một vài nước có thể sẽ trục xuất công dân Anh.

    Tài liệu bị rò rỉ được cho là văn bản của Uỷ ban châu Âu tập hợp ý kiến của các nước thành viên Liên minh châu Âu về cách thức đối xử với công dân Vương quốc Anh trong trường hợp nước Anh rời khỏi EU trong thời gian tới mà không có thoả thuận.

    Theo nội dung tài liệu này, đa số các nước trong thời gian đầu vẫn duy trì quy chế bình thường cho công dân Anh và không xem những người này là đang cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên Đan Mạch và Áo cân nhắc không cho phép công dân Anh ở lại trên các nước này vì lí do an ninh. Một vài nước khác có thể áp dụng các biện pháp tương tự.

    Theo con số được Cơ quan thống kê châu Âu – Eurostat đưa ra, đến cuối năm 2017 có khoảng hơn 780.000 công dân Anh đang sinh sống tại các nước Liên minh châu Âu, trong đó đông nhất là tại Tây Ban Nha với gần 300.000 người, tiếp đến là Pháp hơn 150.000 và Đức gần 100.000.

    Nếu kịch bản Brexit không thoả thuận diễn ra, những công dân Anh này trên lý thuyết sẽ rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp trên đất châu Âu do khi đó không có bất cứ văn bản pháp lý thống nhất nào giữa Anh và EU để xác định quy chế cho các công dân này.

    Tuy nhiên, nhiều quan chức EU kêu gọi các nước thành viên giữ cách đối xử bình thường với công dân Anh kể cả trong trường hợp Brexit không thoả thuận, do ở phía ngược lại, có khoảng hơn 3 triệu công dân EU đang sinh sống và làm việc tại Anh.

    Cũng trong ngày 4/4, phát biểu khi đến thăm Ireland, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố không một ai tại châu Âu muốn Brexit không thoả thuận và nước Đức sẽ làm hết sức để tránh điều đó, với điều kiện trong tuần tới chính phủ Anh phải đưa ra được một phương án hợp lý./.

    Viethome (theo VOV)

  • Bất chấp việc nước Anh đang tiến gần hơn bao giờ hết đến kịch bản Brexit không thoả thuận vào ngày 12-4, thủ tướng Theresa May vẫn đang lên kế hoạch cho cuộc bỏ phiếu lần thứ 4. 

    Các nhà lập pháp Anh hôm 29-3 lần thứ ba bác bỏ bản thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May về việc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (Brexit), khiến nước này đối mặt với viễn cảnh rời khỏi EU hạn chót vào 12-4 này, mà không có bất cứ thỏa thuận nào, hãng thông tấn AP đưa tin.

    Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước nghị viện Anh ngày 29/3 - Ảnh: Reuters

    Hạ viện đã bỏ phiếu 344-286 chống lại thỏa thuận Brexit dù cho thủ tướng May trước đó đã tuyên bố sẽ từ chức và để một nhà lãnh đạo Đảng Bảo thủ mới tiếp quản các cuộc đàm phán với EU nếu thỏa thuận được thông qua. Trước đó Hạ viện đã từ chối ồ ạt hai lần, vào ngày 15-1 và 12-3. Sự kiện này đánh dấu gần ba năm sau cuộc trưng cầu dân ý mà 52% người Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit.

    Ngày 29-3, ngày thỏa thuận của bà May bị bác lần ba, cũng là ngày đáng lẽ nước Anh đã phải ra khỏi Liên hiệp châu Âu. Tuy nhiên, EU mới đây đã đồng ý đẩy lùi thời hạn chót xuống và nói rằng nếu bà May có thể thông qua được thỏa thuận thì Brexit sẽ có hiệu lực vào ngày 22-5.

    Còn nếu Anh không thông qua được thỏa thuận thì nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 12-4 trong tình trạng hỗn loạn, trừ phi cả hai bên đều đồng ý trì hoãn lâu hơn để xem xét lại căn cơ ‘cuộc chia tay’ giữa hai bên.

    Cùng ngày 29-3, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh không thể thông qua thỏa thuận.

    Theo ông, viễn cảnh Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận không phải phương án ưa thích của EU, song kịch bản này nhiều khả năng xảy ra. 

    Trong bối cảnh các doanh nghiệp cảnh báo rằng nếu Brexit không có thỏa thuận có nghĩa là tê liệt thuế quan, tắc nghẽn biên giới và thiếu hụt hàng hóa...

    Người dân Anh hôm 29-3 cũng đã xuống đường tuần hành quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần 2. Còn trong các cuộc khảo sát gần nhất, đa số người dân Anh đã bày tỏ nguyện vọng muốn ở lại Ngôi nhà chung châu Âu.

    Bà May vẫn chưa bỏ cuộc?

    Tuy nhiên, bất chấp việc nước Anh đang tiến gần hơn bao giờ hết đến kịch bản Brexit không thoả thuận vào ngày 12-4, trong tối ngày 29-3, các nguồn tin phát đi từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, bà May vẫn chưa bỏ cuộc và đang lên kế hoạch đưa thoả thuận Brexit ra bỏ phiếu lần thứ 4 trong tuần tới.

    Để củng cố cho quyết tâm tiến hành lần bỏ phiếu thứ 4 về thoả thuận Brexit, nhiều quan chức thân cận của bà May cũng đã hé lộ trên báo chí Anh trong tối 29-3 rằng trong trường hợp lần bỏ phiếu thứ 4 tiếp tục thất bại, bà May sẽ sẵn sàng tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm, đồng nghĩa với việc sẽ xin EU tạm hoãn Brexit với thời gian lâu hơn.

    Viethome (theo Plo)

  • Thủ tướng Anh Theresa May đã hứa trước khoảng 300 nghị sỹ đảng Bảo thủ rằng bà sẽ từ nhiệm nếu như họ ủng hộ thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.


    Thủ tướng Anh Theresa May.

    Theo phóng viên TTXVN tại Anh, tại cuộc họp với Ủy ban 1922 chiều 27/3, Thủ tướng Theresa May đã hứa trước khoảng 300 nghị sỹ đảng Bảo thủ rằng bà sẽ từ nhiệm nếu như họ ủng hộ thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

    “Tôi sẵn sàng rời khỏi nhiệm sở sớm hơn suy nghĩ trước đây của mình để đảm bảo những gì đúng nhất cho đất nước và đảng của chúng ta," bà nói.

    Cũng theo nhà lãnh đạo Anh, do các nghị sĩ đảng Bảo thủ không muốn bà dẫn dắt giai đoạn sắp tới trong đàm phán Brexit nên bà “sẽ không làm như vậy". Tuy nhiên, bà không cho biết thời gian cụ thể khi nào sẽ từ nhiệm. 

    Để đảm bảo thỏa thuận Brexit có thể vượt qua “cửa ải” Hạ viện sắp tới, Thủ tướng May kêu gọi “tất cả những người có mặt trong phòng họp ủng hộ thỏa thuận Brexit” để có thể hoàn thành sứ mạng lịch sử theo quyết định của người dân Anh và rời EU một cách thuận lợi, có trật tự. Bà bày tỏ mong muốn sẽ đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu lần 3 trong tuần này, sau hai lần bị bác trước đó.

    Theo Nghị sĩ Bảo thủ Simon Hart, cuộc họp của Ủy ban 1922 diễn ra trong không khí "tôn trọng" khi Thủ tướng May đưa ra kế hoạch của bà.

    “Thủ tướng đã rất tâm huyết để thỏa thuận rút khỏi EU được thông qua, tâm huyết để đảng Bảo thủ luôn sát cánh cùng nhau, tâm huyết để giữ chính phủ đúng là chính phủ,” nghị sỹ Simon Hart nói. 

    VietHome (Theo VietNamPlus)

  • Đã có 16 kiến nghị được các nghị sĩ Anh đưa ra để Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu trong ngày 27/3 nhằm đưa ra các chỉ thị về hướng đi sắp tới của Brexit.

    Đáng chú ý trong số này có kiến nghị của Công đảng đối lập Anh về việc thiết lập một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Liên minh châu Âu. Công đảng đề xuất đàm phán với Liên minh châu Âu một Hiệp định thuế quan mới cùng lúc với việc ký thỏa thuận rời bỏ khối. Ngoài ra, theo kiến nghị này, Vương quốc Anh cũng sẽ tham gia vào một số cơ quan quản lý của châu Âu. 


    Một người dân cầm tấm biển phản đối trì hoãn Brexit. Ảnh: Foreign Policy

    Giới phân tích nhận định, đây là kịch bản Brexit mềm theo mô hình Na Uy, và nếu đi theo các kiến nghị này thì nước Anh về bản chất vẫn gắn chặt với Liên minh châu Âu, trừ việc không còn là thành viên trên danh nghĩa của khối. Tuy nhiên, đây cũng là kịch bản tương đối khó xảy ra bởi phía châu Âu từng nhiều lần khẳng định không có ý định mở lại các phiên đàm phán liên quan đến thỏa thuận chia tay.

    Trong khi đó, đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) cũng đưa ra quan điểm rằng nếu buộc phải trì hoãn Brexit thì việc kéo dài thời gian trì hoãn 1 năm sẽ tốt hơn là buộc phải phê chuẩn thỏa thuận Brexit mà nữ Thủ tướng Theresa May đã đàm phán với EU.

    Theo dự kiến, trong ngày 27/3, Hạ viện Anh sẽ thảo luận và tiến hành một loạt các phiên bỏ phiếu chỉ thị về hướng đi của Brexit. Bà Theresa May cũng sẽ có bài phát biểu vào cuối giờ chiều trước các nghị sĩ Anh và giới quan sát nhận định, có thể bà May sẽ đưa ra các thông tin bất ngờ.

    Báo chí Anh cho biết, chính phủ Anh trong hai ngày qua đã tổ chức hàng loạt các cuộc gặp riêng trong nội bộ đảng Bảo thủ để bàn về khả năng bà May sẽ từ chức Thủ tướng Anh trong những ngày tới, đổi lại, phe chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ mà dẫn đầu là các nhân vật như Boris Johnson hay Jacob Rees-Mogg sẽ ủng hộ bản thỏa thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đạt được với EU vào cuối tháng 11/2018. 

    VietHome (Theo VOV)

  • Số người tham gia cuộc tuần hành phản đối được cho là ngang với cuộc biểu tình hồi năm 2003 yêu cầu chấm dứt chiến tranh tại Iraq, từng là cuộc biểu tình lớn nhất thế kỷ ở Anh.

    Theo phóng viên TTXVN tại Anh, khủng hoảng Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) trong lòng nước Anh đã bị đẩy lên một cao trào mới với cuộc biểu tình kéo dài hơn 5 giờ tại khu vực xung quanh tòa nhà Quốc hội Anh với số người tham dự tới hơn 1 triệu người phản đối Brexit và yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân lần 2, đồng thời Thủ tướng Theresa May phải từ chức.


    Tuần hành phản đối Brexit tại London, Anh ngày 23/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN) 

    Số người tham gia cuộc tuần hành phản đối được cho ngang với cuộc biểu tình hồi năm 2003 yêu cầu chấm dứt chiến tranh tại Iraq, được cho là cuộc biểu tình lớn nhất thế kỷ ở Anh.

    Những người biểu tình đã mang theo cờ EU và biểu ngữ yêu cầu bất cứ thỏa thuận Brexit cần phải được đưa ra cho người dân bỏ phiếu. Cũng trong ngày 23/3 trên mạng website của Quốc hội Anh đã lập kỷ lục khi có tới hơn 4 triệu chữ ký của người dân Anh yêu cầu hủy bỏ Brexit.

    Theo quy định, khi Quốc hội nhận được thư kiến nghị từ trên 100.000 chữ ký thì sẽ phải đưa vấn đề này ra Quốc hội thảo luận. Một chỉ dấu cho thấy tuần tới nghị trường Anh sẽ là "cuộc chiến" khốc liệt và chưa ai biết chính trường Anh sẽ đi về hướng nào.

    Một số tờ báo địa phương như tờ Times đưa tin nội bộ đảng Bảo thủ đang bàn kế hoạch về thời điểm để Thủ tướng May từ chức. Tuy nhiên, Văn phòng thủ tướng Anh đã bác bỏ thông tin này.


    Hình ảnh tại cuộc biểu tình.

    Tham gia biểu tình tuần hành có rất nhiều gương mặt nổi trên chính trường Anh thuộc các đảng chính trị khác nhau như Phó chủ tịch Công đảng Tom Watson, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon, Thị trưởng London Sadiq Khan, cựu Tổng chưởng lý Dominic Grieve, cựu nghị sỹ Bảo thủ, hiện gia nhập nhóm các nghị sỹ độc lập Anna Soubry.

    Cuộc biểu tình tuần hành diễn ra trong bối cảnh 1 ngày sau khi Thủ tướng Theresa May gửi thư cho các nghị sỹ cho biết bà sẽ không tiến hành bỏ phiếu thỏa thuận Brexit lần 3 nếu như bà không nhận được "đủ ủng hộ" từ các nghị sỹ.

    Trước những đồn đoán về số phận chính trị của Thủ tướng May, Văn phòng Thủ tướng Anh cũng gián tiếp đưa ra lời cảnh báo về khả năng tổng tuyển cử nếu như thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May không được thông qua vào tuần tới.

    Chính phủ Anh trước đây dự kiến có thể đưa ra bỏ phiếu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May lần 3 tại Hạ viện vào ngày 27/3. Tuy nhiên, nếu sự ủng hộ Thủ tướng từ các nghị sỹ Bảo thủ không đủ thì cuộc bỏ phiếu có thể bị tạm hoãn lại. 

    VietHome (Theo VietNamPlus)

  • Một số công ty lớn nhất của Vương quốc Anh cho biết họ đang lên kế hoạch chuyển khoảng 1 tỷ bảng tài sản từ Anh sang EU trước Brexit.

    Công ty Tư vấn Ernst & Young cho biết các ngân hàng, nhà quản lý tài sản và công ty bảo hiểm đang khai trương hoặc mở rộng các trung tâm ở châu Âu của họ để tránh gián đoạn việc kinh doanh. Giới tài chính đã bắt đầu kích hoạt các kế hoạch dự phòng của mình khi khả năng một Brexit không có thỏa thuận ngày càng thêm chắc chắn khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Brexit.

    Theo EY, việc di dời tài sản này có khả năng ảnh hưởng đến 7.000 nhân viên của 222 công ty tài chính đã công bố kế hoạch.

    Tin tức được đưa ra trước thông báo của Donald Tusk rằng có thể gia hạn thêm một thời gian ngắn cho Brexit, với điều kiện là thỏa thuận của bà Theresa May được Nghị viện thông qua vào tuần tới.

    Kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, khoảng 2.000 vị trí công việc tại châu Âu đã được tuyển mới. Trong nghiên cứu mới nhất của mình, EY cho biết 23 công ty đã tuyên bố chuyển một số tài sản trị giá 1 nghìn tỷ bảng, tăng từ 800 tỷ bảng trong quý vừa qua.

    Omar Ali, người đứng đầu dịch vụ tài chính tại EY, cho biết, “Việc di dời 7.000 công việc tài chính được trả lương cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền tảng thuế của Anh.

    “Ngay cả khi ước tính thận trọng, tổn thất trực tiếp cho Exchequer từ thuế việc làm sẽ vào khoảng 600 triệu bảng. Trên thực tế, mức lương trung bình và thâm hụt thuế có thể còn cao hơn nhiều.”

    Cho đến thời điểm này, chỉ có các công ty tài chính lớn đã hoàn tất kế hoạch cụ thể. Dublin vẫn là điểm đến phổ biến nhất cho việc di dời, với 28 công ty xác nhận chuyển đến đây. Paris, Frankfurt và Luxembourg theo sau với từ 18 đến 21 công ty di chuyển đến.

    Tuy nhiên, phần lớn cơ sở hoạt động của các ngân hàng lớn của Vương quốc Anh hiện vẫn được đặt tại London.

    Người phát ngôn của EY cho biết: “Ngày 29 tháng 3 sắp đến gần, các công ty đang xác nhận lại hoặc sửa đổi các tuyên bố của họ về mức độ thay đổi nhân viên và hoạt động mà họ đang thực hiện, nhưng chúng tôi không thấy nhiều bất ngờ vào phút cuối – các công ty vẫn đang thực thi kế hoạch của họ như mong đợi”.

    VietHome (Theo Metro)

  • Một bản kiến nghị yêu cầu bà Theresa May rút lại Điều 50 và hủy bỏ tiến trình Brexit đã thu được hơn hai triệu chữ ký.

    Bản kiến nghị nêu rõ, “Chính phủ liên tục nói rằng rời khỏi EU ‘là ý muốn của người dân. Chúng tôi cần chấm dứt tuyên bố này bằng cách chứng minh quan điểm ủng hộ ở lại EU của công chúng. Một cuộc Trưng cầu Dân ý chính thức có thể sẽ không xảy ra – vì thế hãy bỏ phiếu ngay bây giờ.” 

    Bản kiến nghị này đã đạt được số chữ ký cao kỷ lục và tại một thời điểm, nó đã khiến trang web chính thức bị sập.

    Nhưng dường như con số này không hề khiến bà May suy chuyển. Tại buổi họp với các lãnh đạo EU về việc tạm hoãn ngày thực hiện Brexit, bà phát biểu, “Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên rút lại Điều 50.”

    Trong bài phát biểu tại phố Downing vào hôm thứ Tư (20/3), bà cũng liên tục bác bỏ đề nghị đảo ngược Brexit – dựa trên kết quả trưng cầu năm 2016, trong đó 52% người dân, tương đương 17 triệu người, đã ủng hộ việc nước Anh rời khỏi EU.

    Trong bài phát biểu này, bà cũng đổ lỗi cho các nghị sĩ về quyết định trì hoãn Brexit đến ngày 30 tháng Sáu. Bà nói với các cử tri rằng, “Tôi đứng về phía các bạn.”

    Rất nhanh sau tuyên bố của bà May, “rút lại Điều 50” trở thành cụm từ xu hướng trên Twitter. 

    Diễn viên Hugh Grant và Jennifer Saunders cùng nhà vật lý Brian Cox đã quảng bá cho bản kiến nghị trên mạng xã hội. Hơn 600,000 người đã ký vào bản kiến nghị, tính đến 9 giờ sáng ngày thứ Năm, và tại thời điểm này, trang web đã tạm thời bị sập.

    Bạn có thể ký tên tại đường link này: https://petition.parliament.uk/petitions/241584/

    Cho đến 12.30 trưa cùng ngày, hơn 800,000 chữ ký đã được phục hồi sau khi trang web hoạt động trở lại. Trong suốt giờ nghỉ trưa ngày thứ Năm, gần 2,000 chữ ký được thêm vào mỗi phút, khiến trang web lại sập thêm một số lần nữa.

    Phát ngôn viên của Hạ viện cho biết: “Chúng tôi được biết trang web kiến nghị đã gặp vấn đề vì số lượng người sử dụng tăng cao. Nguyên nhân là bởi mọi người đổ xô ký vào kiến nghị cũng như mở lại trang web nhiều lần để theo dõi số lượng chữ ký.

    “Hiện tại, phần lớn người dùng đã tiếp tục sử dụng được trang web và chúng tôi cùng Dịch vụ Điện tử Chính phủ đang làm việc để sửa chữa bất cứ lỗi nào càng nhanh càng tốt.”

    Khi được hỏi về các sự cố kỹ thuật, lãnh đạo Hạ viện Andrea Leadsom nói: “Nếu con số lên đến 17.4 triệu chữ ký, tôi chắc chắn sẽ cần phải có hành động.”

    Phát ngôn viên của bà May phủ quyết bản kiến nghị, tuyên bố Thủ tướng sẽ “không tán thành” việc hủy bỏ Brexit.

    Bản kiến nghị này đã trở thành bản kiến nghị phổ biến thứ hai trên trang web của chính phủ.

    Một bản kiến nghị từ năm 2016 kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý lần hai đứng đầu với gần 4.2 triệu chữ ký tính đến thời điểm này.

    Trước đó, vị trí thứ hai đã từng thuộc về bản kiến nghị phản đối chuyến viếng thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump – vói 1.9 triệu chữ ký.

    Bản kiến nghị ủng hộ Brexit phổ biến nhất cũng chỉ đạt được 375,000 chữ ký. Bản kiến nghị này kêu gọi chính phủ hãy rời khỏi EU mà không cần đạt được thỏa thuận nào.

    Trang web kiến nghị của chính phủ yêu cầu những người ký tên phải xác nhận họ là công dân Anh hoặc lưu trú tại Anh, đồng thời cung cấp tên, địa chỉ email, quốc gia và mã bưu điện.

    Tổng cộng 960,000 người ký tên cho biết họ đến từ Anh, theo sau là người mang quốc tịch Pháp (8,300), Tây Ban Nha (4,600) và Đức (3,700) đang sinh sống tại Anh.

    Chữ ký không được tính nếu người tham gia không ấn vào một đường link trong email xác nhận. Tuy nhiên, người ký tên không cần cung cấp minh chứng về địa chỉ cũng như quốc tịch của họ.

    VietHome (Theo Sky News)

  • EU đã đồng ý cho phép Vương quốc Anh một quãng thời gian ngắn trì hoãn Brexit, nhưng chỉ khi các nghị sĩ Quốc hội nước này bỏ phiếu ủng hộ dự thảo thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May vào tuần tới.


    EU đồng ý hoãn Brexit đến 22/5 nếu Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận. (Nguồn: Politico EU)

    Theo một dự thảo kết luận mà một số cơ quan báo chí có được, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU ngày 21/3 tuyên bố rằng họ chuẩn bị mở rộng Điều khoản 50 về quá trình rút khỏi liên minh cho đến ngày 22/5, để cho Vương quốc Anh có thời gian chuẩn bị cho việc ra đi.

    Trước đó, giới chức Anh đã cảnh báo các nhà quản lý tài sản và các tập đoàn tài chính khác của EU rằng họ chỉ có một tuần để đăng ký với các nhà điều hành Anh nhằm tiếp tục hoạt động tại nước này trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.

    Trong một diễn biến khác, một bản kiến nghị yêu cầu bà Theresa May rút lại Điều 50 và hủy bỏ tiến trình Brexit đã thu được hơn hai triệu chữ ký.

    Bản kiến nghị nêu rõ, “Chính phủ liên tục nói rằng rời khỏi EU ‘là ý muốn của người dân. Chúng tôi cần chấm dứt tuyên bố này bằng cách chứng minh quan điểm ủng hộ ở lại EU của công chúng. Một cuộc Trưng cầu Dân ý chính thức có thể sẽ không xảy ra – vì thế hãy bỏ phiếu ngay bây giờ.” 

    Nhưng dường như con số này không hề khiến bà May suy chuyển. Tại buổi họp với các lãnh đạo EU về việc tạm hoãn ngày thực hiện Brexit, bà phát biểu, “Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên rút lại Điều 50.”

    Trong bài phát biểu tại phố Downing vào hôm thứ Tư (20/3), bà cũng liên tục bác bỏ đề nghị đảo ngược Brexit – dựa trên kết quả trưng cầu năm 2016, trong đó 52% người dân, tương đương 17 triệu người, đã ủng hộ việc nước Anh rời khỏi EU. 

    Viethome (Theo TTXVN)

  • EU dường như đang mất dần kiên nhẫn với tình trạng mơ hồ do thiếu sự quyết định trên chính con đường mà Anh đã lựa chọn.

    Thủ tướng Anh hôm nay có thể sẽ gửi thư đề nghị Liên minh Châu Âu (EU) chấp thuận việc Anh xin gia hạn, lùi ngày rời khỏi khối này sau hạn chót 29/3. Tuy nhiên, những bất đồng trong nội bộ Anh về kế hoạch bỏ phiếu Brexit lần 3 tại Hạ viện, cũng như chưa thống nhất được thời điểm xin gia hạn Brexit khiến một số nước thành viên EU cảnh báo sẽ bỏ phiếu phủ quyết đề xuất gia hạn của Anh nếu nước này không đưa ra lời giải thích hợp lý.

    Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ trong ngày 21-22/3 sẽ là cơ hội cuối cùng để Thủ tướng Theresa May đề nghị lãnh đạo EU lùi ngày Brexit. Quyết định này được thực hiện sau khi Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow bất ngờ tuyên bố sẽ không cho phép bỏ phiếu lần 3 về Thỏa thuận Brexit, nếu thỏa thuận này không có sự thay đổi căn bản.

    Hiện cũng có những bất đồng trong nội bộ chính phủ Anh về thời điểm gia hạn Brexit, đến ngày 30/6 hoặc kéo dài 1 năm. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond hôm 19/3 cho biết, chính phủ sẽ sớm đưa ra các bước đi để đưa thỏa thuận Brexit quay trở lại bỏ phiếu tại Hạ viện lần thứ 3 và chính phủ cũng muốn thời gian gia hạn Brexit là ngắn nhất có thể:

    “Chúng tôi có chung lập trường về vấn đề này. Chúng tôi muốn có thời gian trì hoãn ngắn nhất có thể, để sau đó nước Anh còn tiếp tục với kế hoạch xây dựng tương lai của chính mình. Việc nhận được sự ủng hộ gia hạn của EU sẽ cho phép nước Anh có cơ hội nhận được sự ủng hộ tại Quốc hội và phê chuẩn nó”, ông Hammond nói.

    Gần 3 năm sau khi nước Anh bỏ phiếu ra khỏi ngôi nhà chung châu Âu trong một cuộc trưng cầu ý dân và chưa đầy 10 ngày trước hạn chót Brexit 29/3, tương lai nước Anh vẫn bất định. Trong khi đó, EU dường như đang mất dần kiên nhẫn với tình trạng mơ hồ do thiếu sự quyết định trên chính con đường mà Anh đã lựa chọn.

    Trong một cảnh báo được cho là cứng rắn về đề nghị xin gia hạn Brexit của Anh, Văn phòng Tổng thống Pháp hôm qua tuyên bố, Pháp sẵn sàng bỏ phiếu phủ quyết bất cứ yêu cầu nào của Anh nếu các điều kiện trì hoãn không được đáp ứng. Theo một số nhà ngoại giao châu Âu, để đảm bảo được cái "gật đầu" từ EU về việc gia hạn Brexit, nước Anh cần phải trả lời các câu hỏi: Mục đích và kết quả của việc gia hạn là gì? Làm thế nào để có thể đảm bảo rằng khi kết thúc thời gian kéo dài hai bên sẽ không trở lại tình trạng bế tắc như hiện nay? Kéo dài có làm tăng cơ hội phê chuẩn Thỏa thuận rút lui không? Trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit Michel Barnier hôm 19/3 cũng khẳng định, gia hạn Brexit chỉ được thực hiện nếu mang lại cơ hội thực sư.

    Nếu Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn như vậy trước Hội đồng châu Âu vào ngày mai, đây sẽ là cơ hội để các nước EU đánh giá lý do cũng như sự hiệu quả của thời gian gia hạn. Lãnh đạo EU cần một kế hoạch cụ thể từ Anh để có thể đưa ra một quyết định. Câu hỏi quan trọng hiện nay đó là việc gia hạn này có thực sự mang lại cơ hội để phê chuẩn thỏa thuận Brexit hay không?

    Rõ ràng bất kỳ sự chậm trễ nào trong tiến trình Anh ra khỏi EU cũng gây ra những tác động lớn đến khối, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu đang chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử Nghị viện vào tháng 5 tới. Một sự không chắc chắn sẽ làm tăng thêm chi phí kinh tế cho các doanh nghiệp và cũng có thể kéo theo các mất mát về chính trị cho EU. Hiện cũng xuất hiện nhiều chỉ trích trong EU về việc khối này đã cho nước Anh quá nhiều thời gian cũng như có lập trường quá mềm mỏng với nước Anh.

    Mặc dù vậy, nhiều nước EU vẫn để ngỏ khả năng ủng hộ gia hạn Brexit của Anh. Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell cho rằng EU nên ủng hộ đề xuất của Anh gia hạn tiến trình Brexit, nhưng Anh cũng cần phải giải thích cách thức để tìm kiếm một thỏa thuận mới. Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Đức Michael Roth thì cho rằng, Anh đang thử thách sự kiên nhẫn của EU, nhưng các nước EU vẫn luôn mong muốn tránh một viễn cảnh Anh ra khỏi EU không thỏa thuận, với hậu quả lớn đối với cả hai bên.

    Viethome (theo VTC)

  • Theo Reuters, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow tuyên bố, thỏa thuận của Thủ tướng May đưa Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ không thể tiếp tục được đưa ra bỏ phiếu nếu không có sự thay đổi căn bản.

    Chính phủ Anh không thể tiếp tục đưa ra bỏ phiếu những đề xuất vốn đã bị bác bỏ hai lần. Việc bê nguyên đề xuất cũ hoặc về cơ bản giống đề xuất cũ ra bỏ phiếu lần ba là không hợp lệ.

    Cố vấn luật cấp cao của Chính phủ Anh cho rằng, nước này đang vướng vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Ông cho rằng, có một cách để mang thỏa thuận của bà May ra bỏ phiếu thêm một lần nữa tại Hạ viện, đó là kết thúc kỳ họp Hạ viện sớm hơn dự kiến và bắt đầu một kỳ họp mới.

    Một số nhân vật cao cấp trong đảng Bảo thủ đã hối thúc Thủ tướng Anh đưa ra lịch trình từ chức nếu muốn thuyết phục thêm phiếu ủng hộ thỏa thuận của bà. Các nghị sĩ chủ trương Brexit trong đảng Bảo thủ sẽ chỉ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận nếu biết chắc Thủ tướng May sẽ không phải là người dẫn dắt nước Anh tại các cuộc đàm phán vòng hai với EU.

    Tờ London Evening Standard dẫn lời một số nghị sĩ Anh cho biết, Thủ tướng May sẽ thay một số nhân vật trong đoàn đàm phán của Anh, trong đó khả năng trưởng đoàn đàm phán Olly Robbins sẽ phải ra đi, nhằm đưa thỏa thuận Brexit vượt qua "ải" Quốc hội. Trong khi đó, Hạ viện Anh cho biết sẽ triệu tập các bộ trưởng trong chính phủ đến để trả lời chất vấn gấp về thủ tục hoãn Brexit.

    Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho biết, nước này đã đạt một thỏa thuận với Iceland và Na Uy nhằm duy trì hoạt động thương mại song phương trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. Ðộng thái này nhằm bảo đảm quyền tiếp cận của các doanh nghiệp Anh với Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). 

    ViettHome (Theo báo Nhân Dân)

  • Lý do là vì thoả thuận đó không có gì khác biệt về thực chất so với thoả thuận đã hai lần bị Hạ viện Anh bác bỏ.

    Chủ tịch Hạ viện Anh, John Bercow ngày 18/2 đã ra quyết định không cho phép tổ chức cuộc bỏ phiếu lần 3 về thoả thuận Brexit, đẩy tiến trình nước Anh rời khỏi EU rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện.

    Brexit khủng hoảng toàn diện. Ảnh: SkyNews

    Trong phát biểu chiều 18/3 trước các nghị sĩ Anh, Chủ tịch Hạ viện Anh, ông John Bercow cho biết, dựa trên các tiền lệ trước đây trong lịch sử Nghị viện Anh, ông quyết định không cho phép tiến hành phiên bỏ phiếu thứ 3 về thoả thuận Brexit mà chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May yêu cầu tiến hành trước ngày 20/3.

    Ông John Bercow nhấn mạnh: “Kết luận của tôi là: Nếu như chính phủ mong muốn đem ra bỏ phiếu một thoả thuận không giống, hoặc về bản chất là không giống với thoả thuận đã trình lên Hạ viện vào ngày 12/3, thì việc đó có thể được thực hiện. Nhưng về luật, chính phủ không được phép đệ trình để bỏ phiếu lại một thoả thuận về cơ bản là giống hệt với thoả thuận đã bị bác bỏ tuần trước với số phiếu chênh lệch 149 phiếu”.

    Sau tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện John Bercow, chính phủ Anh cho biết sẽ cân nhắc để đưa ra phản ứng chính thức, nhưng nhiều thành viên chính phủ thừa nhận, thoả thuận mà bà Theresa May dự định đưa ra bỏ phiếu lần thứ 3 vẫn là thoả thuận cũ. Vì trên thực tế, chính phủ Anh và EU đã chấm dứt các cuộc đàm phán từ cách đây gần 2 tuần. 

    Giới phân tích đánh giá, quyết định của Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow phản ánh việc vẫn còn nhiều nghị sĩ Anh muốn bác bỏ thoả thuận của bà Theresa May và tìm kiếm một thoả thuận Brexit mềm dẻo hơn với EU.

    Tuy nhiên, sự kiện này lại đang đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp nặng nề và bế tắc bởi chính Hạ viện Anh vào ngày 15/3 tuần trước đã bỏ phiếu lựa chọn kịch bản “Brexit cứng” chứ không phải là “Brexit mềm”. Ngoài ra, việc không tổ chức phiên bỏ phiếu lần 3 về Brexit cũng đẩy chính phủ Anh vào thế mất phương hướng, không thể đưa ra yêu cầu chính xác với phía EU về các bước đi tiếp theo của tiến trình Brexit.

    Trong lúc này, các nguồn tin ngoại giao từ Brussels cho biết, trước cuộc khủng hoảng toàn diện trong nội bộ chính trường Anh, Liên minh châu Âu có thể sẽ chưa đưa ra bất cứ quyết định nào về Brexit trong cuộc họp Thượng đỉnh của khối khai mạc cuối tuần này tại Brussels.

    Viethome (theo VOV)

  • Hạ viện Anh đã lần thứ 2 bác bỏ thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đạt được với Liên minh châu Âu vào cuối tháng 11/2018. 

    Cuộc bỏ phiếu thỏa thuận Brexit tại Hạ viện Anh bắt đầu vào lúc 19h tối qua (12/3, theo giờ London) và kết quả được công bố chỉ sau 15 phút. Cụ thể, với 391 phiếu chống so với 242 phiếu thuận, Hạ viện Anh đã lần thứ 2 bác bỏ thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đạt được với Liên minh châu Âu vào cuối tháng 11/2018.

    Thất bại thứ 2

    Hiện tại vẫn chưa có các con số chính xác về xu hướng bỏ phiếu của các nghị sĩ Anh, tức phe nào ủng hộ, phe nào phản đối, nhưng so với cuộc bỏ phiếu đầu tiên vào giữa tháng 1/2019, lần này phe ủng hộ thoả thuận Brexit đã có thêm 40 phiếu, và nhiều khả năng đây là các phiếu trong nội bộ đảng Bảo thủ của nữ Thủ tướng Anh Theresa May. Tuy nhiên, bất chấp con số này, phe phản đối thoả thuận Brexit vẫn chiếm đa số, với cách biệt lớn.

    Với kết quả này, bản thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh và EU đã mất hơn 2 năm đàm phán vô cùng khó khăn và mệt mỏi coi như tạm thời bị vứt bỏ, bất kể việc là đến tận đêm ngày 11/3, phía châu Âu vẫn chấp nhận đưa ra cam kết về điều khoản backstop là sẽ không khiến Vương quốc Anh bị mắc kẹt vĩnh viễn trong liên minh thuế quan châu Âu.

    Điều này cho thấy, bất chấp những nỗ lực đàm phán, thuyết phục từ phía Chính phủ Anh trong thời gian qua, chính trường Anh vẫn tiếp tục chia rẽ vô cùng sâu sắc về bản thoả thuận Brexit và dường như ngày càng khó tìm được tiếng nói chung.

    Chốt chặn backstop

    Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tối 12/3, các phân tích cũng như thăm dò tại Anh đều cho thấy là khả năng Hạ viện Anh bác bỏ thoả thuận Brexit vẫn cao hơn khả năng thông qua.

    Lý do chính là so với cuộc bỏ phiếu vào tháng 1/2019, bản thoả thuận Brexit được đưa ra bỏ phiếu lần này hầu như không có thay đổi đáng kể nào. Nói chính xác là không có thay đổi nào.

    Điểm khác biệt duy nhất là một sự cam kết rõ ràng hơn từ phía EU, theo đó các quan chức EU đồng ý đưa ra một bản phụ lục diễn giải rõ hơn điều khoản backstop, với đảm bảo từ phía EU rằng điều khoản backstop không có thời hạn thực thi vĩnh viễn, EU không bẫy nước Anh ở lại vĩnh viễn trong liên minh thuế quan châu Âu, và rằng EU và Anh sẽ nỗ lực tìm giải pháp thay thế điều khoản backstop trong giai đoạn quá độ, dự kiến từ ngày 29/3/2019 đến 31/12/2020.

    Tuy nhiên, cùng lúc với việc đưa ra cam kết này, EU cũng tuyên bố rằng đây chỉ là phụ lục, chứ không phải là việc thay đổi thoả thuận và trước sau EU vẫn không cho phép nước Anh bước qua ranh giới đỏ, tức là không cho phép Anh đơn phương rời bỏ liên minh thuế quan châu Âu một khi chưa có giải pháp thay thế điều khoản backstop.

    Đây chính là yếu tố khiến các nghị sĩ Anh theo phe ủng hộ Brexit cho rằng như thế là chưa đủ để đảm bảo quyền lợi của Anh. Những người này lập luận, việc chấp nhận thoả thuận Brexit như hiện tại, kể cả với cam kết của EU về điều khoản backstop, đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại với Vương quốc Anh.

    Về mặt đối nội, là việc đặt cho phần lãnh thổ Bắc Ireland một quy chế tách biệt với phần còn lại của Vương quốc Anh. Về đối ngoại, là việc châu Âu ngăn cản Vương quốc Anh tự do tiến hành ký kết các hiệp định tự do thương mại với các nước khác trên thế giới.

    Tổng kết, cản trở lớn nhất để thoả thuận Brexit được thông qua vẫn là vấn đề biên giới Bắc Ireland. Vấn đề ở đây không phải là sự “cứng rắn” của các nghị sĩ Anh mà là việc họ, cũng như toàn bộ giới tinh hoa chính trị Anh, đã hoàn toàn không lường trước được sự phức tạp của vấn đề Bắc Ireland khi Brexit diễn ra.

    Người Anh đã không tính trước được rằng, Brexit sẽ không thể diễn ra một cách êm xuôi nếu không phải trả một cái giá đắt, mà ở đây là nguy cơ phá vỡ thoả thuận hoà bình trên đảo Ireland và nguy cơ khiến Vương quốc Anh tan vỡ.

    Thêm 2 phiên bỏ phiếu

    Có rất nhiều kịch bản được đặt ra sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu bác bỏ thoả thuận Brexit tối qua. Ngay trong ngày 13/3, Chính phủ Anh sẽ lại đề xuất Hạ viện Anh bỏ phiếu để chọn một trong hai kịch bản: sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới mà có hay không có thoả thuận Brexit.

    Mặc dù bà Theresa May đã tuyên bố là để các nghị sĩ đảng Bảo thủ tự do lựa chọn nhưng gần như chắc chắn Hạ viện Anh sẽ bác bỏ phương án “không thoả thuận” bởi vào cuối tháng 1/2019, chính Hạ viện Anh đã bỏ phiếu, với 318 phiếu thuận so với 310 phiếu chống, khẳng định là Hạ viện Anh phản đối phương án “không thoả thuận”. Vì thế, khả năng lớn là trong ngày 13/3, các nghị sĩ Anh sẽ lại bỏ phiếu lựa chọn việc rời EU mà có thoả thuận.

    Điều này lại dẫn tới một cuộc bỏ phiếu tiếp theo, vào ngày 14/3, là liệu nước Anh có muốn tạm lùi thời điểm thực thi Brexit dự kiến vào ngày 29/3 hay không?

    Nếu kết quả là “không” thì nước Anh quay lại với phương án rời EU mà không thoả thuận. Nếu “có”, Chính phủ của bà Theresa May sẽ phải đề xuất với EU gia hạn thời điểm kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon. Đây đang là kịch bản khả thi nhất và nhiều khả năng nước Anh sẽ xin gia hạn đến ngày 22/5, tức 1 ngày trước cuộc bầu cử châu Âu sẽ diễn ra từ 23 - 26/5.

    Phía châu Âu đã tuyên bố rất rõ Brexit phải diễn ra trước cuộc bầu cử châu Âu, nếu không Vương quốc Anh sẽ phải tham gia vào cuộc bầu cử châu Âu.

    Tuy nhiên, việc xin EU lùi thời hạn Brexit không phải là việc đương nhiên đạt được. Như bà Theresa May cảnh báo, nước Anh sẽ phải đưa ra các giải thích thoả đáng cho việc xin gia hạn. Trong tối 12/3, hàng loạt quan chức cấp cao châu Âu đã đưa ra phản ứng cho biết EU chỉ chấp nhận gia hạn nếu nước Anh có các lý do thuyết phục và đáng tin cậy, với một thời hạn hợp lý. Và việc này cần phải được toàn bộ 27 nước thành viên EU thông qua một cách đồng thuận. Nói cách khác, khả năng EU bác bỏ các yêu cầu từ phía Anh vẫn còn, dù tương đối nhỏ.

    Bà Theresa May cũng sẽ bắt đầu phải đối mặt với các câu hỏi về tương lai chính trị cá nhân. Trong tối 12/3, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã kêu gọi nước Anh tổ chức tổng tuyển cử sớm để lập chính phủ mới. Lãnh đạo nhiều đảng đối lập cũng như phe đối lập trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng kêu gọi bà May từ chức.

    Bà May tuyên bố sẽ không từ chức mà sẽ lãnh đạo đến cùng tiến trình Brexit. Nhưng, việc bà May có thể giữ được ghế Thủ tướng Anh hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc nước Anh sẽ lựa chọn kịch bản nào để rời khỏi EU trong những ngày tới.

    Viethome (theo baoquocte)

  • Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May lại một lần nữa thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận Brexit.

    Cuộc bỏ phiếu lần 2 của Hạ viện Anh với bản thỏa thuận Brexit vừa diễn ra cách đây ít giờ trong bối cảnh chỉ còn 17 ngày nữa là chính thức tới ngày nước Anh phải rời Liên minh châu Âu. Lộ trình Brexit vẫn rất khó đoán định.

    Bản thỏa thuận Brexit nhận được 242 phiếu ủng hộ và 391 phiếu phản đối trong cuộc bỏ phiếu lần 2 của Hạ viện Anh. Tỷ lệ chênh lệch đã thu hẹp hơn so với lần bỏ phiếu đầu nhưng vẫn là chưa đủ. Trong bối cảnh này, ngày 13/3, Hạ viện Anh sẽ tiếp tục bỏ phiếu một nội dung quan trọng khác là việc có đồng ý với khả năng Brexit không thỏa thuận hay không.

    Dư luận dự đoán, các nghị sỹ Anh sẽ không thông qua trường hợp này, Hạ viện không đồng ý với khả năng Anh rời châu Âu mà không kèm thỏa thuận. Theo đó, Hạ viện sẽ có thêm một cuộc bỏ phiếu nữa được chờ đợi trong ngày 13/3, đó là bỏ phiếu cho ý kiến về việc kéo dài thời gian ở lại Liên minh châu Âu để tiếp tục tiến hành tìm kiếm thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa Anh sẽ chưa ra khỏi châu Âu vào ngày 29/3 tới.

    Một số ý kiến cho rằng Thủ tướng May nếu thất bại tại cuộc bỏ phiếu ngày 12, 13, 14/3 tới thì không nên tại vị đến quá tháng Sáu. Tuy nhiên, phố Downing hiện giờ vẫn khẳng định bà May chưa thảo luận gì đến ý định từ chức lúc này.

    Tờ Sun trước đó đưa tin Thủ tướng Theresa May có thể từ chức vào mùa hè này. Dù vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa tháng 1, các đồng minh trong đảng Bảo thủ cho biết Thủ tướng Anh gần đây tỏ ra ít quan tâm tới việc đưa ra chiến lược hậu Brexit trong hai năm tiếp theo.

    Thủ tướng May trước đó tuyên bố không tham gia cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2022 với tư cách lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc bà phải có động thái mở đường cho người kế nhiệm trong đảng trước năm 2021.

    Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox, bạn thân của bà May trong nhiều năm, tiết lộ việc từ chức sớm nhằm giúp Thủ tướng Anh gây ảnh hưởng đến người kế nhiệm, ngăn chặn đối thủ Boris Johnson lên nắm quyền.

    Thủ tướng May trong đợt bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit hồi tháng Một đã từng tuyên bố bà sẽ từ chức trước cuộc tổng tuyển cử tiếp theo dự kiến vào năm 2022. 

    VietHome (Theo VTV)

  • Bất chấp rủi ro từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), London (Anh) vẫn là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất năm nay, với gần 5.000 đại diện.

    Theo Báo cáo Thịnh vượng 2019 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, Việt Nam có 142 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) năm 2018, tăng 7 người so với năm trước đó. Trong 5 năm tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới, với 31%.

    Báo cáo cũng ghi nhận Việt Nam có 12.327 triệu phú năm 2018, tăng 5% so với năm trước đó. Năm 2023, con số này được dự báo lên tới 15.776 người.

    Báo cáo nhận định dù triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng u ám, của cải trên thế giới vẫn không ngừng được tạo ra. Thế giới có gần 200.000 người siêu giàu năm 2018. Hơn hai phần ba số đó nằm tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

    Châu Âu đóng góp nhiều đại diện nhất, với hơn 70.000 người. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng lại tập trung ở nhóm nền kinh tế châu Á, như Ấn Độ (39%), Philippines (38%) hay Trung Quốc (35%). Trong 5 năm tới, tổng số người siêu giàu toàn cầu được dự báo tăng 22%.

    Bên cạnh đó, bất chấp rủi ro từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), London (Anh) vẫn là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất năm nay, với gần 5.000 đại diện, Theo sau là Tokyo (Nhật Bản) với hơn 3.700 người và Singapore với gần 3.600 người. Cơ hội kinh doanh, phong cách sống, cơ sở vật chất về giao thông và bệnh viện là các yếu tố thu hút người siêu giàu đến sống tại các thành phố lớn.

    Báo cáo cũng cho rằng trong 10 năm tới, thế giới sẽ có rất nhiều thay đổi. Họ dự báo 5 xu hướng có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, trong đó có căng thẳng địa chính trị. Knight Frank nhận định nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, một số nước sẽ được hưởng lợi. Đó là các nước xuất khẩu sang Mỹ, như Mexico, Canada, Việt Nam, Bangladesh và Đức.

    Một số sở thích chi tiêu của người giàu cũng được chỉ ra trong báo cáo, đó là rượu, xe cổ và các tác phẩm nghệ thuật.

    Viethome (theo VnExpress)