Người Anh hoang mang trước thời điểm công bố kế hoạch B cho Brexit

Mấu chốt cho sự hoang mang này của dân Anh trước giờ công bố kế hoạch B cho Brexit nằm ở điều khoản “rào chắn”.

Chỉ còn vài tiếng nữa, vào lúc 22h tối nay (21/1 giờ Việt Nam), Thủ tướng Anh Theresa May sẽ công bố “kế hoạch B” thay thế cho thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) đã bị Quốc hội Anh từ chối trước đó.

Một vấn đề đặt ra lúc này là bà May sẽ làm cách nào để thuyết phục được các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận trong bối cảnh chính trường Anh vẫn đang chia rẽ gay gắt. Nhiều người dân Anh đã bày tỏ quan ngại về tương lai của nước Anh trong bối cảnh thời điểm Brexit (29/3) đang đến gần.


Những người ủng hộ Anh ở lại trong EU. Ảnh: ITV.

Nhiều giả thiết được đặt ra lúc này cho kế hoạch B sẽ được Thủ tướng May trình bày trước Quốc hội vào chiều nay (21/1) như “một cuộc chia tay mà không có thỏa thuận”, đàm phán lại với Liên minh châu Âu nhằm đạt một thỏa thuận được đa số nghị sĩ ủng hộ hoặc tổ chức trưng cầu ý dân thứ 2 về Brexit. Tất cả các phương án đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng khiến Thủ tướng Anh đang phải đau đầu lựa chọn phương án nhằm làm an lòng các nghị sĩ vốn đang chia rẽ với một mớ giải pháp và quan điểm riêng.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox – một trong những người ủng hộ Brexit - hôm qua (20/1) đã phải thốt lên rằng, các nghị sĩ đang cố tình “đánh cắp Brexit”, đi ngược lại với ý nguyện của người dân. Ông đồng thời cảnh báo, nếu kết quả trưng cầu Brexit không được tôn trọng, hệ lụy chính trị sẽ vô cùng to lớn.

Nước Anh sẽ chọn phương án nào để giải quyết cuộc khủng hoảng Brexit đến thời điểm này vẫn là một “ẩn số”.

Tuy nhiên, đối với nhiều người dân Anh, khi được hỏi đều bày tỏ quan ngại về tương lai của đất nước và hy vọng các “nhà chính trị Anh” nhanh chóng giải quyết vấn đề, trước thời điểm ngày 29/3 tới:

“Chúng tôi cần một quyết định vào lúc này. Chúng tôi chỉ cần các nhà chính trị thực hiện cái mà chúng tôi đã bỏ phiếu. Vấn đề Brexit sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Một Brexit cứng hay mềm không quan trọng. Điều chúng tôi cần làm là giải quyết mọi việc sao cho hợp lý”.

“Theo tôi, giới chính trị gia đang gây ra những lộn xộn hiện này. Đa phần các nhà chính trị đều muốn ở lại EU. Họ đang làm những gì có thể để khiến điều đó xảy ra. Nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới. Chúng tôi cần chắc chắn về mọi thứ sẽ xảy ra và cách tốt nhất là hãy để Anh rời EU đúng thời điểm đã định.”

Theo đánh giá của giới phân tích, cho dù là kế hoạch nào thì vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở điều khoản “rào chắn” – “chính sách bảo hiểm” có trong thỏa thuận, đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland sau khi Anh rời Liên minh châu Âu- vốn bị các nghị sĩ kịch liệt phản đối.

Theo thỏa thuận, trong trường hợp Anh và Liên minh châu Âu không đạt được một thỏa thuận thương mại khi giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu, điều khoản “rào chắn” sẽ được kích hoạt, đồng nghĩa với việc khu vực Bắc Ireland của Anh sẽ là vùng đất duy nhất ở Anh còn tuân thủ quy định của thị trường chung châu Âu. Đây chính là lý do khiến thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh phải rất vất vả mới đạt được sau nhiều tháng đàm phán với Liên minh châu Âu bị các nghị sĩ phản đối.

Chuyên gia phân tích chính trị của hãng tin BBC Norman Smith nhận định, việc cần làm lúc này là Chính phủ Anh phải “bám dính” điều khoản rào chắn để thuyết phục các nghị sĩ.

Theo thông tin mới nhất, nguồn tin Chính phủ Anh cũng vừa hé lộ một phần thông tin về kế hoạch B” sẽ được Thủ tướng Theresa May công bố vào chiều 21/1. Theo đó, Thủ tướng Anh sẽ cố gắng thuyết phục nhóm nghị sĩ vốn ủng hộ Brexit và các nghị sĩ đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại vùng lãnh thổ Bắc Irealand ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà, với cam kết giải quyết quan ngại của các nghị sĩ về vấn đề rào chắn”.

VietHome (Theo VOV)