Nữ nghị sĩ Anh nhịn đẻ để bỏ phiếu Brexit

Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh về thỏa thuận Brexit đã diễn ra vào tối 15-1. Cuộc bỏ phiếu quan trọng đến mức một nữ nghị sĩ quyết không vào viện sinh con theo yêu cầu của bác sĩ.

Nữ nghị sĩ Anh Tulip Siddiq - Ảnh: Getty Images

Theo đài BFMTV, nữ nghị sĩ Tulip Siddiq đã quyết định lùi lại 2 ngày so với thời hạn cần nhập viện để sinh con theo yêu cầu của bác sĩ. Lý do là bà cần thể hiện quan điểm của mình với thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Quốc hội Anh không có cơ chế cho bỏ phiếu theo ủy nhiệm. Trước đây cũng từng có vài trường hợp cá biệt, nhưng cũng rất hiếm hoi, dành cho các nghị sĩ bị bệnh vào dịp bỏ phiếu, như trong lần bỏ phiếu cho hiệp ước Maastricht năm 1992.

Với nữ nghị sĩ Tulip Siddiq, đây là lần mang thai thứ hai nhưng là dạng thai khó. Thoạt tiên bác sĩ yêu cầu cô phải nhập viện sinh mổ dự kiến vào ngày 4-2. Nhưng do tình hình sức khỏe không tốt, bà mẹ tương lai được yêu cầu phải nhập viện sớm hơn, vào ngày 14 hoặc 15-1.

Nhưng do tính chất quan trọng của cuộc bỏ phiếu nên bà mẹ chính trị gia quyết định để con chào đời vào ngày 17-1 tới.

"Nếu con trai tôi chào đời trong một thế giới mà quan hệ giữa Anh và châu Âu tốt hơn, thì dù có làm trái lời bác sĩ thì cũng đáng làm chứ", nữ nghị sĩ Siddiq nói với tờ Evening Standard.

Tuy nhiên, với 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận, quốc hội Anh hôm 15/1 thẳng thừng bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit để đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) của Thủ tướng Theresa May, theo AFP. Đây được xem là thất bại lớn nhất tại quốc hội của một chính phủ trong lịch sử chính trị Anh hiện đại.

Như vậy là tương lai của con trai cô Siddiq vẫn không hề sáng sủa và rõ ràng hơn một chút nào.

Thất bại này buộc chính phủ của bà May phải trải qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 17/1. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết bà May tự tin sẽ vượt qua được cuộc bỏ phiếu và trở lại quốc hội cùng một đề xuất Brexit mới vào 21/1.

Hầu hết các nghị sĩ Anh cũng như một số thành viên hàng đầu của chính phủ luôn phản đối Brexit, tạo ra sự mâu thuẫn chia rẽ nước Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, khởi đầu cuộc ly khai của Anh khỏi 27 quốc gia EU. Việc quốc hội bác bỏ thỏa thuận nhận được sự cổ vũ lớn của hàng trăm nhà vận động chống Brexit. Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn gọi thất bại của chính phủ là "thảm họa".

Các lãnh đạo EU cũng tỏ ra tức giận, hối thúc Anh nhanh chóng rời đi và nói ra những gì họ thực sự muốn. "Nếu thỏa thuận không được thông qua nhưng ai cũng muốn đạt thỏa thuận, vậy ai sẽ là người cuối cùng can đảm nói ra giải pháp tích cực duy nhất là gì", chủ tịch EU Donald Tusk đăng trên Twitter.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo nguy cơ cao về một Brexit "không thỏa thuận", kịch bản có thể phá vỡ thương mại, làm trì trệ nền kinh tế Anh và tàn phá thị trường tài chính.

Ireland, thành viên EU duy nhất có biên giới trên bộ với Anh, cho biết họ sẽ tăng cường chuẩn bị để đối phó với "Brexit hỗn loạn". Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gọi cuộc bỏ phiếu này là "một ngày cay đắng cho châu Âu".

Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite từng vạch ra vài kịch bản có thể xảy ra nếu quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận, như Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai, tổ chức một cuộc bầu cử mới để chọn người thay bà May hoặc quay lại Brussels để tái thương lượng.

Anh cũng có thể rời EU vào ngày 29/3/2019 mà không có các điều khoản rõ ràng. Cả hai bên đều đã chuẩn bị cho kịch bản "không có thỏa thuận" này, dù EU khẳng định Anh sẽ mất nhiều hơn được.

Viethome (theo Tuổi Trẻ)