• Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiều khả năng sẽ tiết lộ chi tiết kế hoạch Brexit cuối cùng của ông với các lãnh đạo EU trong vòng 24 giờ tới.

    Telegraph dẫn nguồn thạo tin hôm 30/9 cho biết kế hoạch này sẽ bao gồm quyết định đưa ra với "chốt chặn cuối" ở khu bực biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.

    Anh và Ireland nhiều năm qua thống nhất duy trì một khu vực tự do đi lại chung, cho phép công dân 2 nước qua lại lẫn nhau không cần hộ chiếu hay còn được gọi là đường biên giới mềm. Trong trường hợp Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận, chiếu theo quy định của EU, biên giới giữa khối này với một quốc gia khác sẽ phải thiết lập các chốt kiểm soát hải quan và chấm dứt tự do lưu thông. Một đường biên giới cứng với Ireland theo đó sẽ được dựng lên.

    Do đó, trong thỏa thuận Brexit mà cựu Thủ tướng Anh Theresa May đàm phán với EU, bà May đồng ý với phương án "chốt chặn cuối". Theo đó Bắc Ireland vẫn được điều chỉnh theo các tiêu chuẩn châu Âu để tránh việc kiểm soát hàng hóa với Cộng hòa Ireland, tức là Bắc Ireland vẫn nằm trong liên minh hải quan cho đến khi đạt được một giải pháp “biên giới mềm”.

    Đổi lại, Anh vẫn sẽ ở trong liên minh hải quan EU với điều kiện London phải tuân thủ các quy tắc hiện hành của EU liên quan đến hàng hóa và nông nghiệp ở Bắc Ireland, cũng như các quy tắc về viện trợ và cạnh tranh.

    Ông Johnson từng khẳng định điều khoản “chốt chặn cuối” mà người tiền nhiệm đàm phán với EU có “những nhược điểm rất nghiêm trọng”, "không khả thi” và “phản dân chủ”, do đó kêu gọi loại điều khoản này khỏi thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, giới chức EU khẳng định họ sẽ không đàm phán lại.

    Theo Telegraph, văn phòng của ông Johnson sẽ thông báo kế hoạch phác thảo về Brexit trong các cuộc gọi tới các nước trong EU.

    Văn bản chính thức sẽ được gửi tới Brussels sau khi Thủ tướng Anh phát biểu tại đảng Bảo thủ tại hội nghị ở Manchester hôm 3/10 tới.

    Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid khẳng định dù có đạt được thỏa thuận với EU hay không, Anh vẫn sẽ ra đi vào ngày 31/10.

    Tuy nhiên ông Javid từ chối nói về cách London rời liên minh châu Âu nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra trong bối cảnh nhiều chính khách Anh vẫn đang yêu cầu Thủ tướng Johnson trì hoãn Brexit nếu không có thỏa thuận.

    Brexit là điều không ai ngờ tới

    Anh quốc đã tranh luận về được và mất nếu gia nhập cộng đồng châu Âu gần như ngay từ khi ý tưởng này hình thành. Họ tổ chức trưng cầu dân ý lần đầu tiên về tư cách thành viên hồi năm 1975, chưa tới ba năm sau khi họ vào khối.

    Cho đến năm 2013, Thủ tướng Anh lúc đó là ông David Cameron hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh. Mục đích của ông Cameron lúc đó là giải quyết dứt điểm vấn đề này để sau này không ai đưa ra tranh cãi nữa và ông tin rằng phe ‘Ở lại’ sẽ thắng áp đảo phe ‘Ra đi’.

    Vào ngày 23/6 năm 2016, vào lúc cuộc khủng hoảng người tị nạn khiến di dân trở thành chủ đề gây phẫn nộ chính trị trên khắp châu Âu và giữa những cáo buộc mà phe ‘Ra đi’ đưa ra về ‘dối trá’ và ‘gian lận’, người dân Anh đã bỏ phiếu rút ra khỏi EU với 52% số phiếu so với 48% chủ trương ở lại.

    Cuộc trưng cầu dân ý này không chỉ không chốt lại được cuộc tranh luận mà còn làm phát sinh ra rắc rối để sau này giải quyết là điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Giờ đây, ngày đó cuối cùng cũng đã đến.

    Tại sao lại liên quan đến biên giới Ireland?

    Trở ngại đơn lẻ lớn nhất trong thỏa thuận Brexit là câu hỏi về đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và EU. Đó là ranh giới vô hình giữa Cộng hòa Ireland nằm trong khối EU với Bắc Ireland, phần lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh.

    Bà May và người đồng nhiệm Ireland của bà, Thủ tướng Leo Varadkar, muốn tránh dựng lại các trạm kiểm soát ở biên giới hai bên. Bắc Ireland đã trải qua một thời kỳ bạo lực đẫm máu kéo dài hàng chục năm trước khi đạt được Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành để tái lập hòa bình, và các hàng rào biên giới được dựng trở lại đe dọa phá hủy thỏa thuận này.

    Tuy nhiên, cách thức mà bà May thỏa thuận để đảm bảo không xảy ra chuyện này – được gọi là ‘backstop’, tức là ‘chốt chặn được hỗ trợ’ – đã khiến nhiều nghị sỹ bất bình.

    Theo cơ chế ‘backstop’ này thì toàn bộ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vẫn duy trì quan hệ thương mại tạm thời với EU cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng để tránh dựng lại đường biên giới cứng – điều mà những người cổ súy Brexit cứng rắn sợ sẽ không bao giờ xảy ra. Khi đó, nước Anh vẫn sẽ bị cột vào với khối EU.

    Và cơ chế này còn buộc Bắc Ireland vào những quy định của EU nhiều hơn nữa – gây ra sự bất bình ở những người không muốn có khác biệt nào giữa luật lệ của Bắc Ireland và phần còn lại của Liên hiệp Vương quốc Anh, trong đó có Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland – đảng liên minh với bà May để giúp bà có thể giữ lại được chính phủ sau thất bại của cuộc bầu cử trước thời hạn hồi năm 2017.

    Viethome (theo VTC News/VOAnews)

  • Thủ tướng Boris Johnson ngày 15/9 tuyên bố, Chính phủ Anh đang có những bước tiến lớn trong các cuộc đàm phán với EU về Brexit. 

    Phát biểu trên tờ “Thư tín Chủ nhật” của Anh ngày 15/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, hiện tại đang có những động thái chuyển biến rất lớn từ phía các đối tác châu Âu quan trọng là Đức, Pháp và CH Ireland trong nhận thức về điều khoản “chốt chặn – backstop” liên quan đến biên giới giữa CH Ireland và lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh.

    Vì thế, ông Johnson tự tin cho rằng, Chính phủ của ông sẽ đạt được thoả thuận Brexit mới với EU trước ngày 31/10/2019, thời hạn mà Brexit có hiệu lực.

    Tuy nhiên, ông Boris Johnson cũng đồng thời cảnh báo, dù vẫn cố gắng để có thoả thuận Brexit nhưng trong trường hợp thất bại, ông vẫn sẽ từ chối yêu cầu của Nghị viện Anh về việc xin gia hạn Brexit thêm 3 tháng, đến ngày 31/01/2020 và nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10/2019 trong bất cứ tình huống nào.

    Theo dự kiến, trong ngày hôm nay, 16/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đến Luxemburg và có cuộc gặp với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier.

    Ngay trước thềm cuộc gặp, nhằm gây sức ép với phía EU, Văn phòng Chính phủ Anh phát đi thông điệp cho biết, Chính phủ Anh sẽ không chấp nhận bất cứ đề nghị nào từ EU về gia hạn Brexit thêm 3 tháng.

    Trên thực tế, phía châu Âu không hề lạc quan với các diễn biến hiện nay về Brexit. Trong chiều tối ngày 15/9, nhiều quan chức EU đã phủ nhận tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng hai bên đã đạt được các bước tiến lớn khi cho biết phải đến ngày 13/9 vừa qua, các nhà đàm phán hai bên mới lần đầu tiên đề cập sơ bộ về nội dung cần bàn thảo.

    Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker ngày 15/9 cũng phát biểu trên một đài phát thanh Đức rằng “thời gian sắp hết” và ông bi quan về việc EU và Anh có thể tìm được giải pháp thay thế cho vấn đề backstop./.

    Viethome (theo VOV)

  • Ngày 9-9, Chính phủ Anh đã chính thức tạm ngừng hoạt động của Quốc hội nước này trong năm tuần. Các nghị sĩ sẽ quay trở lại Quốc hội vào ngày 14-10 tới, tức là chỉ hai tuần trước hạn chót Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

    Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow. (Ảnh: Reuters)

    Đêm cùng ngày, các nghị sĩ trong Quốc hội Anh đã bỏ phiếu phản đối lời kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử vào ngày 15-10 tới của Thủ tướng Boris Johnson. Ông Johnson chỉ nhận được 293/650 phiếu ủng hộ, chưa đạt mức 2/3 số phiếu cần thiết để đề xuất của ông được Quốc hội thông qua. Quốc hội Anh lần đầu bác bỏ đề xuất này của ông Johnson vào thứ tư tuần trước.

    Phát biểu ý kiến tại Quốc hội trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu vào đêm 9-9, ông Johnson cho rằng, tổ chức bầu cử trước thời hạn là cách duy nhất để giải quyết thế bế tắc trong tiến trình Brexit của Anh hiện nay. Theo đúng kế hoạch, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Anh sẽ diễn ra vào năm 2022.

    Tuy nhiên, các đảng đối lập tuyên bố, họ sẽ không ủng hộ tiến hành bầu cử cho đến khi nước Anh trì hoãn hạn chót Brexit để bảo đảm rằng nước này sẽ không rời EU mà không có thỏa thuận đi kèm.

    Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ phải kéo dài thời hạn Brexit nếu London và Brussels không đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới. Trong khi đó, Thủ tướng Johnson vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm tiến hành Brexit đúng thời hạn.

    Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow cho biết, ông sẽ từ chức vào cuối tháng tới sau một thập kỷ đảm nhiệm vị trí này. Ông Bercow nói trước Quốc hội rằng, nếu các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ tiến hành tổng tuyển cử sớm thì ông sẽ từ chức trước khi diễn ra chiến dịch vận động tranh cử. Ngược lại, nếu các nghị sĩ bỏ phiếu phản đối thì ông sẽ từ chức vào ngày 31-10.

    Cùng ngày, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phê chuẩn thành luật một phần dự luật nhằm tìm cách ngăn chặn Thủ tướng Johnson thực hiện kế hoạch "Brexit cứng" vào ngày 31-10 tới. Luật này sẽ buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại khối trong ba tháng - tức là đến ngày 31-1-2020, nếu vào ngày 19-10 tới, Quốc hội Anh không thông qua được một thỏa thuận Brexit hoặc không đồng ý rời EU không thỏa thuận.

    Viethome (theo Nhân Dân)

  • Jo Johnson, em trai Thủ tướng Anh, từ chức bộ trưởng kinh doanh và nghị sĩ đảng Bảo thủ hôm 5/9 do bất đồng về Brexit với anh.

    Bộ trưởng Kinh doanh, nghị sĩ đảng Bảo thủ Jo Johnson quyết định từ chức vì "bị giằng xé giữa lòng trung thành gia đình, lợi ích quốc gia" và những "căng thẳng không thể giải quyết", theo bài đăng trên Twitter của ông sau khi nộp đơn từ chức.

    Quyết định từ chức được ông Johnson đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Boris Johnson khai trừ 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ vì bỏ phiếu chống lại chính sách Brexit để đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Phóng viên BBC cho rằng Jo Johnson thất vọng vì các nghị sĩ bị "thanh trừng" và anh em họ có quan điểm khác nhau về Brexit.


    Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và em trai Jo Johnson. Ảnh: Financial Times

    Jo Johnson từng bỏ phiếu "Ở lại" trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tại EU năm 2016, trong khi anh trai ông lãnh đạo chiến dịch "Rời bỏ". Phát biểu tại một sự kiện ở West Yorkshire, Boris Johnson gọi em là "chàng trai tuyệt vời" và "bộ trưởng tài giỏi", song nhấn mạnh họ có "cách tiếp cận khác nhau" về EU.

    Jo Johnson từ chức bộ trưởng năm ngoái để phản đối thỏa thuận Brexit của cựu thủ tướng Theresa May với EU. Tuy nhiên, ông tái gia nhập chính phủ vào mùa hè sau khi đảng Bảo thủ bầu anh trai ông làm Thủ tướng kế nhiệm bà May.

    Phát ngôn viên văn phòng Thủ tướng Anh nói rằng ông Boris Johnson hiểu quyết định từ chức không dễ dàng đối với em trai mình, trong khi cựu bộ trưởng nội các David Gauke cho biết rất nhiều nghị sĩ "phải đấu tranh với lòng trung thành mâu thuẫn trong những tuần gần đây và đó là tổn thất lớn đối với quốc hội, chính phủ và đảng Bảo thủ".

    Gia đình Thủ tướng Anh từ lâu đã được biết đến là có quan điểm mâu thuẫn về Brexit. Cha của ông là Stanley, cựu quan chức của Ủy ban châu Âu, và người chị Rachel Johnson, ủng hộ Anh ở lại EU. Rachel cho biết "gia đình thường tránh chủ đề Brexit, đặc biệt trong các bữa ăn, vì không muốn làm khó dễ Thủ tướng".

    Boris Johnson quyết liệt thúc đẩy Brexit từ khi nhậm chức 6 tuần trước. Ông tuyên bố đình chỉ quốc hội Anh từ giữa tháng 9 cho đến ngày 14/10, rút ngắn thời gian các nghị sĩ có để thông qua luật nào nhằm ngăn Anh rời EU vào đúng hạn 31/10.

    Johnson nói rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận với EU nhưng nhấn mạnh  kể cả không có thỏa thuận, Anh vẫn cần rời khối vào cuối tháng tới. Động thái này vấp phải nhiều chỉ trích từ đảng đối lập và cả các nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của Johnson. Hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố và thị trấn trên khắp nước Anh.

    Liên minh gồm các nhà lập pháp đối lập và nghị sĩ "bất tuân" từ chính đảng Bảo thủ đã giành chiến thắng trong hai lần biểu quyết của hạ viện về dự luật, buộc Boris Johnson trì hoãn Brexit đến ngày 31/1/2020 nếu ông không thể đạt được thỏa thuận với EU trước ngày 19/10.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Lãnh đạo đối lập Jeremy Corbyn cảnh báo ông Boris Johnson rằng ông không ở trên luật pháp sau khi Thủ tướng từ chối trì hoãn Brexit.

    Phát biểu trong chuyến thăm tới Norwich, Anh hôm thứ Bảy (7/9), lãnh đạo đảng Lao động cho biết: "Hiện tại chúng ta đang ở vị trí khá cực đoan khi Thủ tướng nói rằng ông ta vượt lên trên luật pháp. Họ đang chuẩn bị cho sự hỗn loạn.

    Trong khi điều tốt nhất họ có thể làm là thực sự đảm bảo ông ta tuân thủ quyết định của quốc hội, với dự luật ngăn chặn sự cố ngày 31 tháng 10 và gia hạn 3 tháng để có những cuộc đàm phán hợp lý với liên minh châu Âu. Bất kỳ Thủ tướng có lý nào cũng sẽ làm điều đó."

    Các chuyên gia pháp lý cảnh báo ông Johnson có thể đối mặt với án tù nếu ông từ chối tuân theo dự luật gia hạn Brexit.

    Lord MacDonald, cựu lãnh đạo công tố, cho biết nếu ông Johnson từ chối yêu cầu gia hạn Brexit, ông có thể phải ra tòa và vào tù. "Bộ trưởng tư pháp sẽ không ngồi yên khi chuyện đó xảy ra" - ông nói.

    Chính trị gia Adam Tomkins, cựu giáo sư luật, nói ông Johnson nên từ chức. "Bất kể chúng ta nghĩ gì về Brexit, hay Thủ tướng, chắc chắn tất cả chúng ta đều đồng ý một nguyên tắc cơ bản: chính phủ buộc phải tuân thủ luật pháp", ông nói.

    "Nếu luật pháp buộc Thủ tướng phải hành động theo một cách nhất định, và Thủ tướng từ chối hành động, ông ta chỉ có một lựa chọn: từ chức. Đơn giản như vậy."

    Theo The Telegraph, ông Johnson đã viết thư cho thành viên đảng Bảo thủ và tuyên bố sẽ không tuân theo bất kỳ điều luật nào yêu cầu ông gia hạn Brexit. "Họ vừa thông qua một đạo luật buộc tôi phải cầu xin Brussels gia hạn Brexit. Đây là điều tôi sẽ không bao giờ làm", ông viết.

    Sau bài phát biểu tại Wakefield, ông Johnson nói rằng "thà chết trong mương nước" còn hơn là yêu cầu gia hạn từ EU, và trước đó ông cũng nói sẽ đưa Anh ra khỏi châu Âu vào ngày 31/10, "làm hoặc chết".

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 5-9 tuyên bố ông “thà chết” chứ không yêu cầu Brussels cho hoãn Brexit (Anh rời khối Liên minh châu Âu – EU) thêm lần nữa.

    "Tôi thà chết dưới mương" – Thủ tướng Johnson khẳng định với các phóng viên khi được hỏi về dự luật ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận đang được phe đối lập thúc đẩy nhưng bị ông phản đối quyết liệt.

    Bên cạnh đó, Thủ tướng Johnson còn cáo buộc lãnh đạo Công đảng Anh đối lập Jeremy Corbyn "ngăn chặn người dân bầu cử". "Chúng tôi muốn một cuộc bầu cử vào ngày 15-10. Hãy làm điều này" – nhà lãnh đạo Anh nói.

    Trước đó, Thủ tướng Johnson tuyên bố ông sẽ tìm kiếm một cuộc tổng tuyển cử sớm để ngăn chặn "một đợt trì hoãn Brexit vô nghĩa khác" nhưng bị phe đối lập phản đối. Ông Corbyn khẳng định chỉ cân nhắc yêu cầu của Thủ tướng Johnson sau khi Dự luật ngăn Brexit không thỏa thuận được thông qua.

    Ông Johnson thất bại trong cuộc bỏ phiếu ngày 3/9

    Các nhà lập pháp Anh đã đánh bại Thủ tướng Boris Johnson trong cuộc bỏ phiếu ở quốc hội hôm 3-9 nhằm ngăn chặn nhà lãnh đạo này đưa Anh rời EU vào hạn chót ngày 31-10 kể cả khi hai bên không đạt được thỏa thuận.

    Với 328 phiếu chống và 301 phiếu thuận, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã thất bại trước các đảng đối lập và 21 nhà lập pháp của Đảng Bảo thủ cầm quyền. Theo Reuters, kết quả này cho phép các nhà lập pháp giành quyền kiểm soát các vấn đề tại quốc hội. Sau cuộc bỏ phiếu nói trên, các nhà lập pháp đã thúc đẩy dự luật buộc ông Johnson phải yêu cầu EU tiếp tục hoãn hạn chót Brexit đến ngày 31-1-2020 để tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận.

    Trong một tuyên bố cùng ngày, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Johnson tuyên bố toàn bộ 21 nhà lập pháp "nổi loạn", trong đó có 2 cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Kenneth Clarke, sẽ bị khai trừ khỏi đảng này. Trong khi đó, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố sẽ tìm kiếm một cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 14-10 để ngăn chặn "một đợt trì hoãn Brexit vô nghĩa khác".

    Theo đài CNBC, hiện vẫn chưa thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và "tổng tuyển cử sớm" chỉ là một trong rất nhiều kịch bản đang chờ đợi chính trường Anh. Cũng cần lưu ý rằng để thực hiện tuyên bố trên, Thủ tướng Boris Johnson trước tiên cần phải được ít nhất 2/3 nghị sĩ quốc hội chấp thuận. Ở chiều hướng ngược lại, phe đối lập cũng có thể thực hiện một số động thái chống lại chính quyền ông Johnson, như bỏ phiếu bất tín nhiệm.

    Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận bị xem là kịch bản Brexit gây hỗn loạn nhất vì nó đồng nghĩa với việc 2 phía "ly hôn" chớp nhoáng mà không trải qua giai đoạn chuyển tiếp. Để chuẩn bị cho kịch bản này, các nhà lập pháp EU trong suốt 1 năm qua đã chuẩn bị các quy định khẩn cấp nhằm tối thiểu hóa những hỗn loạn có thể xảy ra đối với 27 thành viên còn lại. Theo Washington Post, giới chức EU đang sử dụng 865 triệu USD trong các quỹ khẩn cấp - vốn thường chỉ dành cho những quốc gia bị thiên tai hoành hành, để đối phó với kịch bản Brexit không thỏa thuận.

    Viethome (theo Cafef, NLD)

  • Gia hạn hộ chiếu sớm hơn dự định, mua nhãn dán GB cho xe hơi và chuẩn bị tinh thần chờ bốn tháng trước khi bạn có thể mang thú cưng đi nghỉ: đây là một vài lời khuyên được đưa ra bởi trang web Brexit mới của chính phủ dành cho những công dân Anh dự định đến EU sau ngày 31 tháng Mười.

    Trang web Get Ready, đi kèm với một chiến dịch quảng cáo lớn, vừa được ra mắt vào Chủ nhật (1/9) và tuyên bố rõ ràng rằng Brexit sẽ xảy ra vào cuối tháng tới. Trang web yêu cầu người dùng trả lời một loạt các câu hỏi trắc nghiệm và nêu ra các biện pháp phòng ngừa mà mỗi cá nhân nên thực hiện ngay lập tức để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản Vương quốc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.

    Công dân Anh

    Các công dân Anh thường xuyên đi lại khắp châu Âu được cảnh báo phải đảm bảo hộ chiếu của họ còn hạn ít nhất sáu tháng, và rất có thể, họ sẽ một lần nữa phải trả phí chuyển vùng trên điện thoại di động.

    Người dân cũng được thông báo có thể phải mất thêm thời gian cho quy trình kiểm tra hải quan tại các cảng và sân bay, và họ cần bảo đảm rằng họ có bảo hiểm du lịch bởi lẽ thẻ bảo hiểm y tế châu Âu - bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe do nhà nước cung cấp ở các nước EU - sẽ không còn giá trị nếu Brexit không đạt được thỏa thuận.

    Những người mang phương tiện đã đăng ký ở Anh ra nước ngoài sẽ phải mang thêm giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của họ đối với chiếc xe và có khả năng phải có giấy phép lái xe quốc tế, trong khi những người lái xe ở Anh sẽ bị phạt nếu không dán nhãn GB (GB sticker) lên đuôi xe, ngay cả khi trên biển xe đã có mã quốc gia.

    Vật nuôi

    Hộ chiếu thú cưng, thứ cho phép những người thường xuyên đi du lịch nước ngoài mang mèo, chó hoặc chồn ra nước ngoài, có thể trở nên vô hiệu trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, và các chủ sở hữu thú cưng được cảnh báo có thể mất tới bốn tháng để có được giấy tờ phù hợp và xét nghiệm máu từ bác sĩ thú y.

    Công dân EU ở Anh

    Mặc dù trang Get Ready chủ yếu thu thập lời khuyên có sẵn của chính phủ, danh sách các đề xuất nêu rõ chi tiết chính xác về tác động mà Brexit sẽ gây ra cho người dân và doanh nghiệp. Công dân EU sống ở Anh được nhắc nhở nộp hồ sơ xin định cư càng sớm càng tốt nếu họ muốn ở lại trong nước, trong khi sinh viên châu Âu được cảnh báo rằng học bổng Erasmus + của họ tại các trường đại học Anh có thể không còn hiệu lực.

    Công dân Anh sống ở châu Âu

    Lời khuyên không mấy chi tiết và không nói lên mức độ nghiêm trọng của hậu quả đối với người Anh định cư ở châu Âu trong trường hợp không có thỏa thuận. Theo luật của EU, họ sẽ trở thành công dân của nước thứ ba và sẽ không thể tự do làm việc cho một công ty ở EU hay tự do đi công tác ở EU.

    Nhóm chiến dịch “British in Europe” đã thường xuyên lên tiếng cho rằng chính phủ Anh đã quên họ. Trang web mới cho biết “bạn không thể tiếp tục sống và sử dụng các dịch vụ ở EU nếu bạn không phải là cư dân,” mà không nói ra ảnh hưởng nghiêm trọng của việc người dân Anh sống ở EU không còn được tự do đi lại giữa các nước.

    Các cảnh báo phức tạp hơn nhắm tới các doanh nghiệp, mặc dù trang web không cung cấp một hệ thống phân cấp rủi ro. Các công ty Anh được cảnh báo rằng họ có thể cần phải trả tiền cho tư vấn pháp lý bổ sung, và họ nên xem xét liệu họ có cần chỉ định đại lý và đại diện ở châu Âu hay không. Đồng thời họ cũng được cảnh báo về các quy định bổ sung cần thiết nếu muốn tiếp tục giao dịch tại EU sau Brexit.

    Các doanh nghiệp

    Trang web cảnh báo các nhà sản xuất rằng họ có thể cần phải thay đổi nhãn sản phẩm, trong khi các công ty xử lý dữ liệu của công dân EU được thông báo rằng có khả năng họ sẽ không còn có thể truy cập dữ liệu theo cách bình thường, và hầu như tất cả các công ty đều được cảnh báo rõ ràng: “Bạn có khả năng không còn có thể giao dịch hàng hóa với EU nếu không chuẩn bị trước.”

    Hầu hết các giải pháp được đề xuất đều cần được thực hiện càng sớm càng tốt, nhưng trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 60 ngày nữa là đến ngày Brexit theo kế hoạch, các doanh nghiệp nhỏ mới ghé thăm trang web lần đầu có thể không còn đủ thời gian để thực hiện công việc yêu cầu.

    Những người không bị ảnh hưởng

    Tuy nhiên, trang web cũng chỉ ra rằng không phải ai cũng bị ảnh hưởng bởi Brexit. Công dân Anh sống và làm việc tại Vương quốc Anh, không điều hành doanh nghiệp và không có kế hoạch đi du lịch nước ngoài được khuyên hãy bình tĩnh và thư giãn: “Dựa trên phản hồi của bạn, bạn không cần phải thực hiện bất kỳ hành động nào để chuẩn bị cho thời hạn Brexit ngày 31 tháng 10 năm 2019.”

    Truy cập website tại đây https://www.gov.uk/brexit

    VietHome (Theo Guardian)

  • Các nguồn thạo tin nói, chính phủ của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson chuẩn bị yêu cầu Nữ hoàng đình chỉ hoạt động của Quốc hội nhằm giải quyết bế tắc liên quan đến quá trình Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

    Trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, đa số người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ nước này "ly hôn" Liên minh châu Âu (EU). Song, kể từ đó quốc hội và chính phủ nước này luôn tranh cãi về cách thức thực hiện Brexit.

    Không thể thuyết phục các nghị sĩ chấp nhận thỏa thuận Brexit đạt được với EU hồi năm ngoái, bà Theresa May, người tiền nhiệm của Thủ tướng Johnson, đã phải cay đắng rời ghế lãnh đạo đất nước.

    Theo báo Guardian, dù mới nhậm chức thủ tướng từ cuối tháng 7 vừa qua nhưng ông Johnson dường như đã mất hết kiên nhẫn với cuộc khủng hoảng hiện thời trong chính trường Anh, liên quan đến những bất đồng về Brexit.

    Chính phủ của ông dự kiến sẽ yêu cầu Nữ hoàng đình chỉ hoạt động của Quốc hội từ giữa tháng 9, tức là chỉ vài ngày sau khi các nghị sĩ nước này tái nhóm họp sau kỳ nghỉ nhằm ngăn chặn quá trình Brexit không thỏa thuận. Phố Downing sau đó dự kiến sẽ sắp xếp để Nữ hoàng có bài phát biểu vào ngày 14/10, vài ngày trước hạn chót về Brexit. 

    Diễn biến đồng nghĩa, Quốc hội Anh sẽ chẳng còn mấy thời gian để thông qua luật ngăn cản ông Johnson đưa Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10.

    Tin tức về kế hoạch của tân thủ tướng bắt đầu lan đi rất nhanh vài giờ sau khi lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn gặp các thủ lĩnh chính trị đối lập và họ nhất trí bắt tay chống lại quá trình Brexit không thỏa thuận.

    Nhiều nghị sĩ bắt đầu đăng đàn Twitter chỉ trích ông Johnson không dân chủ. Một số khác cho rằng người đứng đầu chính phủ đang đánh cược vào sự ủng hộ của công chúng Anh đối với Brexit.

    "Đã đến lúc một chính phủ mới và tân thủ tướng cần phải vạch ra kế hoạch cho nước Anh sau khi chúng ta rời EU", một nguồn tin Phố Downing phát biểu trên BBC.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Ngày 19/8, Anh cho biết nước này sẽ chấm dứt ngay lập tức quyền đi lại tự do đối với những công dân đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời EU, còn gọi là Brexit, vào ngày 31/10 tới. Đây được coi là sự thay đổi trong chính sách dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Boris Johnson.

     

    Người phát ngôn Văn phòng thủ tướng Anh nêu rõ: "Việc tự do đi lại như hiện nay sẽ chấm dứt vào ngày 31/10 khi Vương quốc Anh rời EU". Người phát ngôn nói thêm rằng Chính phủ Anh đã lên kế hoạch siết chặt các quy định về hình sự đối với những người nhập cảnh Anh, như một phần của quan điểm cứng rắn mới của nước này.

    Thay đổi trên được đưa ra giữa lúc xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại cho rằng Anh dự kiến sẽ rời EU mà không đạt được thỏa thuận khi chỉ còn hai tháng rưỡi nữa là đến hạn chót Anh rời EU. Khoảng 3,6 triệu công dân EU đang ở Anh đã được yêu cầu làm thủ tục xin thị thực cư trú lâu dài, song mới có khoảng 1 triệu người nộp đơn đăng ký thị thực này.

    Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng May thông báo sẽ chấm dứt "càng sớm càng tốt" hoạt động tự do đi lại sau khi Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, London vẫn cho phép các công dân châu Âu tới nước này "trong giai đoạn chuyển tiếp".

    Điều khoản chốt chặn vẫn là trở ngại đối với thỏa thuận Brexit

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 21/8 đã bác bỏ yêu cầu của Thủ tướng Anh Boris Johnson về đàm phán lại thỏa thuận Brexit, cho rằng đây "không phải là một lựa chọn."

    Bình luận về bức thư của ông Johnson gửi EU, trong đó đề nghị mở lại các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới với Ireland, Tổng thống Macron tuyên bố EU đã luôn thể hiện quan điểm rõ ràng rằng khối này sẽ không đồng ý.

    Ông Macron nhấn mạnh việc đàm phán lại các điều khoản do nước Anh đề xuất không phải là một lựa chọn.

    Anh khẳng định hiện không có triển vọng về khả năng đạt được một thỏa thuận Brexit nếu điều khoản “chốt chặn” không được hủy bỏ sau khi Brussels cho biết London vẫn không thể đưa ra một giải pháp thay thế khả thi.

    Trong bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk mới đây, ông Johnson khẳng định Anh không thể chấp nhận cái mà ông gọi là điều khoản "chốt chặn phi dân chủ," một cơ chế nhằm tránh các biện pháp kiểm soát biên giới giữa Ireland, quốc gia thành viên của EU, và Bắc Ireland thuộc Anh.

    Theo ông Macron, yêu cầu của ông Johnson về việc hủy bỏ điều khoản "chốt chặn" không phải là giải pháp tốt bởi đó là điều đã được EU và người tiền nhiệm của ông, cựu Thủ tướng Theresa May, thảo luận trong hai năm qua.

    Trong khi đó, ông Johnson tại cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 21/8 tại Berlin nói rằng Anh không thể chấp nhận các điều khoản hiện nay của thỏa thuận Brexit.

    Ông cho rằng thỏa thuận này hoặc làm chia rẽ nước Anh hoặc ràng buộc Anh vào các quy định về pháp lý và thương mại của EU mà Anh không có bất kỳ tiếng nói nào trong các vấn đề đó.

    Tuy nhiên, Thủ tướng Đức bày tỏ hy vọng rằng EU và Anh có thể đạt đồng thuận để tránh một Brexit không thỏa thuận.

    Bà cho rằng có thể một thỏa thuận sẽ đạt được trong vòng 30 ngày, nếu một giải pháp được đưa ra cho vấn đề gai góc là điều khoản "chốt chặn"./.

    Viethome (theo TTXVN)

  • Hồi đầu tháng này, thủ tướng Johnson đã phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt của những người biểu tình về cách tiếp cận của mình đối với Brexit, theo đài CNN.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: The Guardian

    Trong chuyến thăm bốn quốc gia tạo thành Vương quốc Liên hiệp Anh gồm: Anh, Bắc Ireland, Scotland và xứ Wales hồi đầu tuần này, Thủ tướng Johnson đã phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt của những người biểu tình về cách tiếp cận của mình đối với Brexit. Trên thực tế, ông đã nói rằng có thể để vương quốc Anh rời khỏi EU vào ngày 31 tháng 10 mà không cần thỏa thuận.

    Ở Scotland, ông bị những người thân EU và ủng hộ Scotland độc lập phản đối. Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland và lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland độc lập, nói với truyền thông địa phương rằng Johnson không có “can đảm” để đối mặt với người Scotland trong chuyến thăm của mình.

    Ở xứ Wales, ông bị chỉ trích vì không có kế hoạch ngăn chặn những hậu quả nặng nề của Brexit trong trường hợp không có thỏa thuận, đặc biệt là đối với nông dân xứ Wales. Mark Drakefield, Thủ hiến xứ Wales, nói rằng Johnson “không quan tâm đủ đến chi tiết”.

    Và ở Bắc Ireland, Johnson được chào đón bởi những người biểu tình giơ cao khẩu hiệu “Brexit có nghĩa là biên giới”. Nước này là nơi phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nhất trong tình huống Brexit không thỏa thuận, do liên quan đến vấn đề biên giới với Cộng hòa Ireland sẽ được dựng lên và cả viễn cảnh đen tối của thời bạo lực giáo phái.

    Ngoài ra, vị tân thủ tướng dường như không hiểu được lịch sử đẫm máu kéo dài hàng thập kỷ, với hơn 3000 người chết trong con đường tiến đến hòa bình của Bắc Ireland, và điều này càng khiến ông mất điểm đối với người dân ở đây.

    Ông Johnson đang cược chiếc ghế thủ tướng của mình cho hai vấn đề: tiến hành Brexit dù ở trong bất cứ tình huống nào và đoàn kết đất nước của mình.

    Bảo vệ sự thống nhất của Liên hiệp Anh là điều tối quan trọng đối với đảng mà Johnson hiện đang lãnh đạo. Tuy nhiên, cử tri Liên hiệp Anh dường như không còn mặn mà với điều này, đặc biệt là sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.

    Những người biểu tình ở Belfast. Ảnh: PA Wire

    Ông Rob Ford, giáo sư chính trị tại Đại học Manchester, nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các nhà sử học xem Brexit không có thỏa thuận chính là sự kiện gây sụp đổ Liên hiệp Vương quốc Anh”.

    Ông Ford giải thích rằng sự hỗ trợ Brexit mạnh mẽ nhất đến từ các cử tri của nước Anh, những người không quan tâm nhiều đến Liên minh và Brexit đồng nghĩa với Nước Anh trên hết. Anh cũng là nước đông dân nhất và có sức mạnh nhất trong 4 nước.

    Ở Bắc Ireland, tình hình rất khác. Sự ủng hộ Brexit mạnh mẽ nhất ở đây đến từ những người ủng hộ Liên hiệp Anh, những người xem việc độc lập khỏi Vương quốc Anh là không thể chấp nhận.

    Ngược lại với nhóm này là những người ủng hộ chủ nghĩa cộng hòa Ireland với mong muốn không có biên giới giữa Bắc Ireland và nước Cộng hòa Ireland. Thậm chí có một số còn mon muốn được thấy hai quốc gia này sát nhập.

    Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, trong bối cảnh Brexit, những người Ireland vẫn ủng hộ một Ireland thống nhất, trong khi những người có thiên hướng Anh cũng dần chống đối một Liên hiệp Anh. Và càng ngày người ta càng cảm thấy phong trào Ireland thống nhất chính là hậu quả tất yếu của một Brexit không có thỏa thuận.

    Tại Scotland, “sự phản đối độc lập hiện đi cùng với với sự ủng hộ Brexit”. Scotland đã có một cuộc trưng cầu dân ý về việc độc lập khỏi Liên hiệp Anh vào năm 2014, với tỷ lệ 55% phản đối và 45% ủng hộ. Sau đó Brexit xảy ra.

    Và khi mà 62% người Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU còn Đảng Bảo thủ của Johnson lại đang hướng theo một hình thức Brexit “cứng” nhất, những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland đang cảm thấy lạc quan về cuộc bỏ phiếu độc lập lần thứ hai.

    Nữ hoàng Elizabeth II chào đón ông Vladimir Johnson, thủ tướng mới của Vương quốc Anh, người sẽ giám sát Brexit. Ảnh: Reuters

    Tình hình ở xứ Wales thì hơi khác. Nước này bỏ phiếu rời khỏi EU và không có phong trào độc lập mạnh mẽ. Nhưng người dân Wales không thích Đảng Bảo thủ và ghét những lập luận về một Brexit không thỏa thuận của Johnson.

    Rất khó để vị tân thủ tướng có thể làm hài lòng cả 4 quốc gia, ít nhất là trước khi Brexit được tiến hành. Nếu bất ngờ một cuộc bầu cử được tiến hành – điều mà các nhà quan sát đang mong đợi, và những cử tri người Anh cũng chẳng quan tâm đến việc duy trì một Liên hiệp Anh, thì những quốc gia nhỏ hơn còn lại trong khối cũng có thể sẽ quyết định không quay trở lại.

    Viethome (theo Plo)

  • Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, đang ngày càng có nhiều người Anh xin nhập quốc tịch Bỉ, đặc biệt là từ cuối năm 2018, do gần tới ngày nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) ban đầu được dự kiến vào ngày 29/3/2019.

    Ngày càng có nhiều người Anh muốn nhập quốc tịch Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

    Theo thống kê của Cơ quan Thống kê Vương quốc Bỉ (Statbel), từ tháng 6/2016 (thời điểm diễn ra trưng cầu ý dân về Brexit) tới ngày 31/5/2019, đã có trên 3.500 công dân Anh nộp đơn xin nhập quốc tịch Bỉ và đã được chấp thuận.

    Dự kiến số người Anh nhập quốc tịch Bỉ sẽ lên tới trên 4.000 người vào ngày 31/10 tới, thời hạn dự kiến mới của Brexit.     

    Trong số những người Anh xin gia nhập quốc tịch Bỉ, có nhiều công chức làm việc tại các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU), họ đã chọn quốc tịch Bỉ để tiếp tục làm việc tại đây sau Brexit.

    Các quy chế đối với các nhân viên làm việc tại các thiết chế của EU quy định, các nhân viên làm việc tại đây phải là công dân của một trong số các quốc gia thành viên EU.

    Hiện có khoảng trên 2.000 người Anh làm việc tại các thiết chế của EU, trong đó có khoảng 1.200 người làm việc tại Ủy ban châu Âu.

    Brexit, dự kiến diễn ra vào ngày 31/10, sẽ có những xáo trộn và tác động rất lớn tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chính trị của Vương quốc Anh cũng như EU và các quốc gia thành viên, trong đó có vấn đề việc làm.

    Viethome (theo TTXVN)

  • Nhà lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage đã miệt thị Thái tử Charles, vợ chồng Hoàng tử Harry và Hoàng thái hậu Anh trong bài phát biểu tại Sydney, Australia.

    Ông Farage đã chế giễu Công tước và Nữ công tước xứ Sussex vì các chiến dịch về công bằng xã hội và môi trường của họ, lăng mạ Thái tử Charles và miêu tả Hoàng thái hậu quá cố là một người thừa cân, nghiện thuốc lá và rượu gin.

    Bài phát biểu của ông Farage tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Sydney, nơi cấm báo giới, đã nói lên quan điểm của ông về Brexit, sự thiên vị truyền thông và Liên Hợp Quốc, nhưng ông đặc biệt dành sự lên án dữ dội đối với các thành viên của Hoàng gia Anh, bao gồm Thái tử Charles, Hoàng tử Harry và Hoàng thái hậu Anh quá cố.

    Các thành viên Hoàng gia Anh. Ảnh: Vogue.

    Nhà lãnh đạo đảng Brexit đã ca ngợi Nữ hoàng Anh là "một người phụ nữ tuyệt vời, đầy cảm hứng" nhưng lại lăng mạ con trai, cháu trai và mẹ của bà.

    "Về con của bà ấy, về Charlie (Thái tử Charles) và biến đổi khí hậu trời ơi, trời ơi, trời ơi", ông Farage tỏ vẻ mỉa mai.

    "Mẹ của Nữ hoàng là một người hơi thừa cân, nghiện rượu nhẹ, nghiện thuốc lá và sống đến 101 tuổi", ông nói. "Tất cả những gì tôi có thể nói là Charlie đang ở độ tuổi 70... mong sao Nữ hoàng có thể sống lâu".

    "Vâng, nếu tôi muốn Nữ hoàng sống lâu để ngăn Charlie trở thành vua, thì tôi cũng muốn Charlie Boy sống lâu hơn nữa và William sẽ sống mãi mãi để ngăn Harry trở thành vua", ông Farage miệt thị Thái tử Charles và Hoàng tử Harry.

    Lãnh đạo đảng Brexit của Anh, Nigel Farage, phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Sydney, Australia. Ảnh: Guardian

    "Thật Kinh hoàng! Đó là Harry, chàng trai trẻ, dũng cảm, sôi nổi, nam tính nhưng lại gặp rắc rối khi xuất hiện trong những bữa tiệc một mình và mặc quần áo không phù hợp, uống quá nhiều và gây lộn xộn", ông ám chỉ việc Hoàng tử Harry, người xếp thứ 6 trong danh sách kế vị ngai vàng Vương quốc Anh, mặc trang phục của Đức Quốc xã trong một bữa tiệc năm 2005.

    Ông Farage cũng đề cập đến vợ chồng Harry khi cả hai tuyên bố sẽ chỉ có hai con vào tuần trước mà phớt lờ lý do đằng sau liên quan đến bùng nổ dân số toàn cầu.

    Nigel Farage được giới thiệu trước đám đông khoảng 500 ở Sydney hôm 10/8 rằng ông rất có thể là thủ tướng Anh tiếp theo dù không phải là thành viên của quốc hội Anh và đã 4 lần thất bại trong bầu cử.

    Viethome (theo Zing)

  • Giá trị đồng Bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua trong bối cảnh Vương quốc Anh đang phải đối mặt với nguy cơ một Brexit không thỏa thuận vào tháng Mười.

    Sự sụt giảm giá trị của đồng Sterling xảy ra đúng vào thời điểm hàng triệu người Anh đang chuẩn bị ra nước ngoài nghỉ hè.

    Đã có một thời điểm vào sáng thứ Ba (30/7), giá Bảng giảm xuống dưới 1,09 Euro và xuống mức thấp nhất so với đồng Đô-la Mỹ kể từ tháng 3 năm 2017.

    Tại sao Bảng Anh giảm xuống quá thấp so với đồng đô la Mỹ và Euro?

    Đồng bảng Anh giảm sau khi ông Boris Johnson và nội các mới của mình bày tỏ lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán Brexit với EU.

    Ông Michael Gove, người chịu trách nhiệm chuẩn bị Brexit không thỏa thuận trong Văn phòng Nội các, đã viết trên tờ Sunday Times rằng "giờ đây Brexit không thỏa thuận đã trở thành một viễn cảnh rất thực" và Chính phủ đang "làm việc dựa trên giả định" về việc không có thỏa thuận Brexit. Thông tin này đã gây ra sự sụt giảm đáng kể giá trị của đồng bảng Anh vào thứ Hai (29/7) mà không có dấu hiệu phục hồi nào trong ngày thứ Ba.

    Ông Johnson khẳng định ông sẽ cố gắng hết sức ​​để đảm bảo một thỏa thuận nhưng chỉ với hai tháng còn lại trước thời hạn 31 tháng 10, nhiều người tin rằng ông đang lèo lái nước Anh đến bờ vực thẳm Brexit.

    Đồng Bảng còn có thể giảm đến mức nào?

    Một số chuyên gia tin rằng kịch bản Brexit không thỏa thuận vẫn chưa được hoàn toàn bộc phát hết những ảnh hưởng tiêu cực của nó lên đồng Bảng, đồng nghĩa với việc đồng tiền này sẽ còn giảm thêm khi thời hạn Brexit đến gần hơn.

    Nhiều người lo ngại rằng Bảng Anh có thể xuống ngang giá với đồng Euro hoặc còn thấp hơn và thậm chí ngang giá với đồng đô la Mỹ khi Brexit chính thức diễn ra.

    Điều này có ý nghĩa gì với người Anh?

    Tác động tức thời của việc đồng Bảng sụt giá đang được các du khách Anh chuẩn bị đi nghỉ mát cảm nhận rõ nét nhất.

    Chênh lệch tỷ giá được thể hiện rõ tại các sân bay, nơi khách du lịch chỉ đổi được 97 xu Euro cho mỗi một Bảng Anh.

    Điều này có nghĩa là khách du lịch đến châu Âu sẽ thấy đồng Bảng của họ không còn nhiều giá trị trong khi tỷ giá Đô la cũng rất tệ nếu họ đến Hoa Kỳ hoặc các quốc gia nơi đồng Đô-la là loại tiền tệ chính. Kết quả là họ sẽ mất thêm nhiều chi phí hơn cho mọi thứ, từ chỗ ở đến đồ ăn.

    Nigel Green, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty tư vấn tài chính deVere Group, cho biết đồng Bảng giảm giá sẽ có tác động đến khách du lịch tại bất cứ nơi nào họ đến.

    Ông nói: "Ngay cả các điểm đến như Dubai và Trung Quốc cũng trở nên đắt đỏ hơn vì tiền tệ của họ được đinh giá bằng đồng đô la Mỹ."

    "Nhìn chung, đồng bảng Anh là loại tiền tệ có hiệu suất kém nhất trong ba tháng qua, có nghĩa là hầu hết mọi điểm đến đều đắt hơn đối với người Anh," ông nói thêm.

    Có phải chỉ những người đi nghỉ mát mới bị ảnh hưởng?

    Tất cả người tiêu dùng ở Anh sẽ bị ảnh hưởng bởi đồng tiền mất giá, bởi vì nó khiến cho các nhà bán lẻ và nhà sản xuất buộc phải nhập khẩu thực phẩm, hàng hóa và nguyên liệu với giá đắt hơn.

    Kết quả là giá hàng hóa và dịch vụ sẽ bị đẩy lên, khiến lạm phát ở Anh gia tăng và khiến người Anh đối mặt với khó khăn tài chính.

    Liệu giá Bảng giảm có đem lại lợi ích nào?

    Đồng bảng Anh yếu cũng có thể hữu ích theo một số cách, một trong số đó là các công ty nước ngoài có thể mua hàng hóa của Anh với giá rẻ hơn và do đó thúc đẩy xuất khẩu.

    Đồng tiền giảm giá cũng có thể giúp tăng đầu tư nước ngoài ở Anh, ví dụ như trong lĩnh vực nhà đất và cổ phiếu.

    Chỉ số FTSE 100 trên thị trường chứng khoán London thường có xu hướng tăng khi đồng bảng giảm do nó bị chi phối bởi các công ty tập trung vào thị trường quốc tế có giao dịch chủ yếu bằng đô la Mỹ.

    Một đồng bảng mất giá cũng có thể làm tăng lượng khách du lịch đến Vương quốc Anh do du khách nước ngoài muốn tận dụng tối đa lợi ích trong tỷ giá hối đoái.

    Điều này sẽ giúp thúc đẩy các nhà bán lẻ và các lĩnh vực như nhà hàng và tụ điểm giải trí.

    VietHome (Theo Evening Standard)

     

  • Thủ tướng Anh chi số tiền lớn cho chiến dịch vận động ủng hộ nước này rời khỏi EU dù đạt được thỏa thuận hay không.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 28/7 ra lệnh cho các bộ trưởng trong nội các mới của ông chuẩn bị tinh thần cho tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận, đồng thời khởi động chiến dịch tuyên truyền lớn nhất kể từ Thế chiến II về quá trình này.

    Nguồn tin chính phủ Anh tiết lộ chiến dịch quảng cáo về Brexit không thỏa thuận trên các phương tiện như bảng hiệu, đài phát thanh và truyền hình trong vòng ba tháng tới sẽ có kinh phí 100 triệu bảng (124 triệu USD). Chiến dịch này bao gồm cả việc phát tờ rơi đến từng gia đình trên phạm vi toàn quốc với nội dung Brexit không thỏa thuận.

    "Tôi không thể tưởng tượng có một chiến dịch quảng cáo lớn như vậy kể từ sau chiến tranh", một nguồn giấu tên từ Bộ Tài chính Anh nói. Các bộ trưởng trong nội các Anh cũng cho hay khả năng Brexit không thỏa thuận đang rất gần và kế hoạch chi cho chiến dịch quảng cáo nói trên là góp phần hiện thực hóa điều này.

    Thông tin được đưa ra trong bối cảnh tân Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid hôm qua cho biết trong vài ngày tới, ông sẽ công bố quỹ một tỷ bảng cho kế hoạch Anh sẵn sàng rời khỏi EU "bằng mọi giá" vào 31/10.

    Sau khi nhậm chức Thủ tướng hôm 24/7, Johnson khẳng định Anh sẽ dứt khoát rời khỏi EU vào 31/10 mà không có thêm bất cứ sự trì hoãn nào, ngay cả khi hai bên không đạt được thỏa thuận. Giới chuyên gia đánh giá việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận rõ ràng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại ở châu Âu.

    Ngoài ra ông Javid cũng có kế hoạch bổ sung 500 nhân viên cho lực lượng kiểm soát biên giới và nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng của nước Anh.

    Tờ Sunday Telegraph cũng cho biết tân thủ tướng Anh Boris Johnson đã tập hợp nội các mới cho Brexit gồm 6 bộ trưởng đóng vai trò quan trọng để thực hiện nhiệm vụ rời khỏi EU "bằng mọi cách" vào cuối tháng 10.

    Ông Michael Gove, người được giao nhiệm vụ vạch ra kế hoạch Brexit không thỏa thuận cho thủ tướng, cũng lên tiếng cảnh báo rằng Brexit không thỏa thuận là "viễn cảnh rất thực tế". 

    "Với tân thủ tướng, chính phủ mới và nhiệm vụ rõ ràng, chúng ta sẽ ra khỏi EU vào ngày 31-10. Không có nếu như. Không có nhưng mà. Không còn trì hoãn. Brexit đang diễn ra", ông Gove nhấn mạnh.

    Trong khi đó, báo Observer ngày 27-7 đưa tin cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond - người vừa từ chức hồi tuần trước khi ông Boris Johnson nhậm chức, đã có các cuộc thương lượng bí mật với quan chức phụ trách Brexit hàng đầu của Công đảng đối lập, Kier Starmer về cách thức ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. 

    Theo báo này, ông Hammond và ông Starmer đã nhất trí hợp tác với các nghị sĩ kỳ cựu để tìm ra giải pháp tốt nhất sử dụng quyền phủ quyết của Quốc hội nước này ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận.

    Viethome (theo VnExpress/Tuổi trẻ)

  • Chỉ hơn một nửa người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh ra khỏi Liên minh châu Âu. Đáng buồn thay, đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia rơi vào tình trạng hoảng hốt bởi tiếng còi báo động và tự nguyện bỏ phiếu trái với những lựa chọn tốt nhất cho tương lai của đất nước. Vậy lỗi này thuộc về ai?

    Tìm đối tượng để đổ lỗi cho bất kỳ sự kiện nào thường là một quá trình phức tạp và khó khăn. Cố gắng khẳng định lỗi thuộc về ai khiến Vương quốc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu là một câu hỏi khó hơn hầu hết những câu hỏi tương tự.

    Sự thật đó không phải là lỗi của một người cụ thể nào (nếu thực sự bạn tin rằng đó là "lỗi" ngay từ đầu). Rất nhiều người dân Anh và Châu Âu đều góp phần dẫn đến sự ra đi của Anh. Rất ít nhân vật trong giới chính trị, truyền thông và nhân vật công chúng khác có thể chối tội; nhưng một số, rõ ràng, phải gánh nhiều trách nhiệm hơn những người khác.

    David Cameron. Rõ ràng lỗi đầu tiên thuộc về cựu Thủ tướng Anh, David Cameron, vì đã tham gia trò đánh bạc chính trị liều lĩnh đến vậy, để mặc tương lai của quốc gia được xác định bằng trưng cầu dân ý thay vì theo quy trình nghị viện thông thường. Trong 400 năm qua, Anh đã dựa vào Nghị viện và bầu ra các chính phủ để quản lý các vấn đề của đất nước và đưa ra các quyết định quan trọng. Đó là ý nghĩa thực sự của dân chủ nghị viện; nó không phải là một hệ thống hoàn hảo, nhưng nó thường được chấp nhận là có ít thiếu sót nhất trong các mô hình quản trị hiện hành.

    Ngày nay, ở các nền dân chủ phương Tây, chúng ta bầu ra các chính phủ để điều hành các quốc gia, với giả định rằng các chính phủ đó sẽ dựa vào bằng chứng chuyên môn và các cố vấn để đưa ra quyết định tốt nhất. Chắc chắn các quyết định không phải lúc nào cũng là tốt nhất có thể, và các chuyên gia có thể hiểu sai, như những gì họ đã làm với Iraq bằng Vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng chúng ta bầu các nghị viện và chính phủ để đưa ra quyết định, với giả định rằng những người đưa ra quyết định thường hiểu rõ các vấn đề nhất.

    Trong một cuộc trưng cầu dân ý, một quyết định tập thể được đưa ra bởi người dân mà thật không may, nhiều người trong số họ không hiểu được vấn đề, nhiều người khác bỏ phiếu dựa trên tâm lý đám đông hay định kiến, hoặc chọn cách bầu cho chính những người đã rêu rao và lợi dụng các định kiến ​​và nỗi sợ vô hình. Chủ nghĩa dân túy là điều kiện lý tưởng để giành chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu, cho phép các chính trị gia dân túy vẽ nên những viễn cảnh màu hồng, tuy nhiên những viễn cảnh đó hiếm khi nào thành sự thực.

    David Cameron bị khuất phục trước một ảo tưởng chết người đối với các chính trị gia: Ảo tưởng về sự bất khả chiến bại. Khi ông kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý, hẳn ông không mảy may tưởng tượng rằng mình có thể thua, người dân Anh có thể bỏ phiếu cho Brexit. Nếu ông có bất cứ lo ngại nào, hẳn ông đã không đề xuất trưng cầu dân ý. Vì vậy, người đầu tiên để đổ lỗi cho quyết định rời khỏi EU của Anh chính là David Cameron. Ông sẽ được nhớ đến như là là thủ tướng Anh có động thái tồi tệ nhất trong thế kỷ 21.

    Đảng lao động (Labour). Đảng Lao động phải gánh một phần trách nhiệm nặng nề đối với Brexit, vì sự ủng hộ nửa vời của đảng này đối với chiến dịch "Ở lại", và tổng quát hơn, vì nó không thể tạo ra luồng phản đối mạnh mẽ và đáng tin cậy so với đảng Bảo thủ kể từ khi mất quyền lực vào năm 2010. Nếu đảng chọn David Miliband có nhiều kinh nghiệm và được kính trọng hơn làm lãnh đạo năm 2010, thay vì Ed Miliband, hoàn toàn có khả năng Lao động sẽ trở lại nắm quyền sau 5 năm của chính phủ Cameron Tory, và việc trưng cầu dân ý sẽ không xảy ra.

    Lựa chọn một Jeremy Corbyn còn nhiều thiếu sót làm lãnh đạo tiếp tục đẩy Lao động vào tình trạng mất niềm tin. Mặc dù đáng lẽ phải chiến đấu hết mình ngay từ khi bắt đầu chiến dịch trưng cầu dân ý để khiến những người ủng hộ Lao động bỏ phiếu "Ở lại", thì nỗ lực của Labour lại khá nửa vời. Corbyn chỉ chấm 7/10 cho chiến dịch “ở lại” khi được hỏi ông muốn ở lại EU đến mức độ nào; và mãi đến hai tuần trước cuộc bầu cử, phần còn lại của đảng mới chợt nhận ra rằng kết quả của một cuộc bỏ phiếu "rời đi" sẽ không chỉ là một con đường rời EU đầy thảm khốc đối với Anh, mà còn tạo ra một chính phủ cực hữu và thiếu thân thiện với phe lao động nhất trong một thế kỷ qua. Nỗ lực của Labour là quá ít và quá muộn màng.

    Đảng bảo thủ (Conservative). Đảng Bảo thủ Tory lẽ ra phải có hành động quyết liệt từ nhiều thập kỷ trước để dập tắt tư tưởng bài EU (Eursceptic) của cánh phải. Thay vào đó, nó lại chỉ cố gắng chứa chấp tư tưởng này.

    Các chính trị gia Anh và các quan chức nói chung. Bất cứ ai thường xuyên đến các khu vực khác của Liên minh châu Âu hẳn sẽ ngạc nhiên trước cách các quốc gia khác tham gia EU nhưng vẫn giữ được tự tôn của riêng mình, trong khi Anh chọn cách giả vờ như EU không tồn tại. Đi bất cứ nơi nào ở châu Âu, bạn sẽ thấy cờ EU bay bên cạnh quốc kỳ mỗi nước; đi đến hầu hết mọi nơi ở Anh, bạn sẽ chẳng tìm thấy một lá cờ EU nào. Một vài hội trường thị trấn mạnh dạn treo cờ EU trong những dịp có liên quan, nhưng hầu hết thời gian cờ không ở đó. Không có gì ngạc nhiên khi người Anh cảm thấy sự chia rẽ giữa Vương quốc Anh và EU.

    Thay vì nói lên vai trò của Anh với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu, các chính trị gia Anh thường xuyên nhắc đến Liên minh châu Âu vì muốn đổ lỗi cho nó khi mọi thứ trở nên sai lầm, hiếm khi bình luận có lợi đối với nhiều lợi ích thu được từ EU.

    Ủy ban châu Âu và EU nói chung. Ủy ban EU cũng phải chịu một phần trách nhiệm cho việc rất nhiều người ở Anh chọn Brexit. EU đã phát triển với tốc độ chóng mặt, kể từ khi EEC ra đời, và trong quá trình đó nó hầu như không quan tâm đến dư luận ở các nước thành viên. Khi EEC chỉ là một tập hợp gồm 12 quốc gia hoặc ít hơn, việc mở rộng thường được xem là một ý tưởng tốt. Một khi nó đã vượt qua mốc 20 thành viên, nhiều người bên ngoài Brussels, bao gồm các nhà lãnh đạo quốc gia và quốc hội, đã trở nên cảnh giác với việc mở rộng, nhưng Ủy ban vẫn bành trướng bất chấp quan điểm này. Ngày nay, họ vẫn muốn mở rộng để thu nạp các quốc gia như Albania và Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù dư luận trên khắp châu Âu và quan điểm chính trị địa phương đang mạnh mẽ chống lại điều này.

    Liên quan đến đồng Euro, Liên minh châu Âu đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của mình khi lao vào một kế hoạch cố gắng hợp nhất các quốc gia có nền kinh tế và mức sống hoàn toàn khác nhau, thông qua một loại tiền tệ chung. Nhiều chuyên gia cho biết ngay từ đầu rằng đây sẽ là một thảm họa. Như thường lệ, các chuyên gia đã đúng, và thảm họa xảy ra với sự sụp đổ của các nền kinh tế trên khắp Nam Âu.

    Với đồng Euro yếu ớt và không mấy đẹp đẽ, không có gì lạ khi EU bị truyền thông bêu xấu trên khắp các nước thành viên.

    Các phương tiện truyền thông Anh. Không giống như các phương tiện truyền thông ở những quốc gia khác, báo chí ở Anh từ lâu đã bị kiểm soát bởi các tỷ phú theo phe bài EU, những người chống lại bất kỳ hình thức "chính phủ lớn" nào, và do đó họ thậm chí còn bài xích cả "chính phủ" thông thường bởi theo quan điểm của họ nó là thừa thãi. Do đó, phần lớn các phương tiện truyền thông Anh, đặc biệt là các báo nổi tiếng, trong nhiều thập kỷ đã đóng một vai trò lớn trong việc lan truyền rộng rãi bất kỳ câu chuyện nào làm tổn hại đến hình ảnh hoặc danh tiếng của EU, trong khi không công khai những câu chuyện cho thấy lợi thế và lợi ích của EU. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người, trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit, đã phàn nàn rằng họ không thực sự biết gì về châu Âu.

    Boris Johnson. Tội lỗi của ông là đã đặt tham vọng cá nhân lên trên lợi ích của đảng hoặc quốc gia, khiến cử tri hiểu lầm với những con số tưởng tượng và rêu rao những định kiến về nhập cư.

    VietHome (Theo About Britain)

  • Theo số liệu Chính phủ Anh công bố, chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm, Anh đã nhận được 750.000 đơn xin cư trú lâu dài tại nước này của các công dân Liên minh châu Âu (EU).

    Theo Bộ Nội vụ Anh, trong 4 tháng vừa qua, đã có 103.000 công dân Ba Lan đăng ký cư trú lâu dài tại Anh. Trong khi con số này đối với công dân Romania và Italy lần lượt là 90.000 và 71.000 đơn. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng năm trong tốp 5 nước có số đơn đang ký cao nhất. Chương trình Định cư EU, vốn cho phép 3,8 triệu công dân EU có quyền sống lâu dài tại Anh sau Brexit, hiện đang vấp phải nhiều tranh cãi.

    Đầu tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã xóa bỏ mức phí 65 bảng (tương đương 82 USD), đáng lẽ sẽ được áp dụng nếu Brexit không thỏa thuận thực sự xảy ra. Hiện chương trình đang đứng trước nhiều rủi ro liên quan đến thời điểm Brexit, cũng như việc liệu quá trình này có thực sự diễn ra hay không.

    Chương trình trên đang nằm dưới sự giám sát của Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, cũng là một trong những ứng cử viên tham gia cuộc đua trở thành thủ tướng Anh vào tháng 7 tới. Trong một tuyên bố, ông Javid nhấn mạnh "công dân EU là những người bạn, hàng xóm và đồng nghiệp đã đóng góp rất nhiều cho đất nước này.

    Dù kết quả Brexit có như thế nào, chúng tôi cũng muốn bạn ở lại". Ông cho rằng những con số thông kê mới nhất là rất đáng khích lệ, đồng thời bày tỏ hy vọng Chương trình Định cư EU sẽ tiếp tục thành công trong những tháng tới. 

    Trước đó, những quan ngại về kinh tế và mong muốn hạn chế nhập cư, đặc biệt là từ các nước Đông Âu như Ba Lan và Romania là một trong những nguyên nhân khiến cử tri Anh ủng hộ Brexit năm 2016. Theo kế hoạch ban đầu, Brexit đáng lẽ diễn ra vào ngày 29/3 vừa qua. Tuy nhiên, hạn chót đã bị lùi lại sang ngày 12/4 và sau đó là 31/10 do Quốc hội Anh từ chối thông qua thỏa thuận. 

    Ngày 24/5 vừa qua, Thủ tướng May thông báo sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới sau khi không thể thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với EU hồi cuối năm ngoái. Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một thủ tướng mới. Cuộc bỏ phiếu này dự kiến được tổ chức trong tuần bắt đầu từ ngày 10/6 tới. 

    Dù ai thay thế bà May cũng đều phải chấp nhận một thực tế rằng thỏa thuận Brexit mà EU khẳng định là tốt nhất và duy nhất chắc chắn sẽ không được Quốc hội hiện tại ở Anh thông qua sau 3 lần bác bỏ.

    Điều mà những người kế nhiệm bà May cần phải làm là tìm ra giải pháp cho vấn đề đường biên giới trên đảo Ireland vốn là điểm gây tranh cãi lớn nhất trong thỏa thuận Brexit hiện tại.

    Theo điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận này, Anh sẽ phải tuân thủ một số quy định của EU cho tới khi nào hai bên đàm phán xong thỏa thuận thương mại nhằm tránh thiết lập biên giới cứng giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland. Nhiều nghị sĩ ủng hộ Brexit phản đối vì cho rằng điều khoản này khiến Anh bị ràng buộc với EU "vô thời hạn".

    Anh có thể sẽ đề nghị EU gia hạn thời gian đàm phán, hoặc quyết định rời EU không thỏa thuận, một phương án mà các doanh nghiệp lo rằng sẽ gây ra hỗn loạn tại biên giới và rộng hơn là nền kinh tế./.

    Viethome (theo TTXVN)

  • Việc đi mua đồ được cho là cách Thủ tướng May chọn để giải tỏa tâm trạng sau bài phát biểu từ chức đầy nghẹn ngào. 

    Vài giờ sau khi tuyên bố từ chức, Thủ tướng Anh Theresa May được trông thấy xuất hiện cùng chồng là ông Philip tại siêu thị Waitrose ở London. Bà May cầm trên tay danh sách những thứ cần mua và đi qua các quầy hàng để lựa chọn.

    Một người mua hàng mô tả trông bà May "thoải mái và giản dị". Bà dường như còn tìm cơ hội "xả stress" bằng cách đi bộ qua các lối đi. Một người khác cho biết bà được hai vệ sĩ tháp tùng, trong khi ông Philip đẩy xe đựng đồ.

    Thủ tướng Anh có vẻ không bận tâm đến việc xuất hiện ở nơi công cộng sau khi tuyên bố từ chức. Kết thúc việc mua sắm, vợ chồng bà May lên xe về nhà.

    Thủ tướng Anh Theresa May đi siêu thị chiều 24/5, phía sau là ông Philip, chồng của bà. Ảnh: Twitter.

    Bà May hôm 24/5 tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 sau khi không thể đưa đất nước đạt thỏa thuận Brexit, hoàn thành việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Nổi tiếng là một chính trị gia cứng rắn, không bao giờ thể hiện cảm xúc, song trong bài phát biểu từ chức, bà May nhiều lần nghẹn ngào và không cầm được nước mắt.

    Các thành viên đảng Bảo thủ cho biết họ cảm thấy "buồn vì quyết định của Thủ tướng May nhưng hiểu lý do bà từ chức", đồng thời gửi lời cảm ơn những đóng góp của bà. Chủ tịch đảng Bảo thủ Brandon Lewis thông báo người kế nhiệm bà May sẽ được chọn vào ngày 20/7. 

    Vợ chồng bà May trong siêu thị Waitrose chiều 24/5. Ảnh: Twitter

    Viethome (theo VnExpress)

  • Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà sẽ từ chức sau khi không thể có được sự ủng hộ cho kế hoạch Brexit của mình.

    Ngày 24/5, Thủ tướng Theresa May nói rằng bà sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6, đồng nghĩa với việc rời bỏ chức thủ tướng Anh.

    "Kể từ lần đầu tiên bước qua cánh cửa đằng sau lưng tôi với tư cách thủ tướng, tôi đã cố sức để biến Anh trở thành một đất nước không chỉ phục vụ cho số ít có đặc quyền mà là cho tất cả mọi người, và cố sức để thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu dân ý", bà nói trước văn phòng thủ tướng ở số 10 Phố Downing hôm 24/5.

    Thủ tướng cho biết bà đã cố gắng để Brexit được diễn ra êm thấm. "Tôi đã cố 3 lần".

    "Niềm hối tiếc sâu sắc của tôi sẽ luôn luôn là việc tôi không thể biến Brexit thành hiện thực", bà nói.

    Thủ tướng Anh quay lưng trở lại văn phòng sau khi tuyên bố từ chức. Ảnh: AFP.

    Bà May trở thành thủ tướng thay ông David Cameron, người từ chức sau khi cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2015 cho thấy người Anh muốn rời khỏi EU.

    Trước quyết định này, bà May vốn đã đối diện với những lời chỉ trích và áp lực khi các kế hoạch Brexit do bà trình lên liên tiếp bị quốc hội Anh bác bỏ, khiến nước Anh 2 lần trễ hạn chót để rời Liên minh châu Âu (EU).

    Số phận của bà May được định đoạt trong cuộc gặp với các nghị sĩ đảng Bảo thủ đang dọa rằng họ sẽ tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu bà không chịu ra đi.

    Kế hoạch "Brexit mới" gồm 10 điểm do bà May trình lên vào ngày 21/5 đã khiến nhiều nghị sĩ trong chính đảng của bà nổi giận. Lãnh đạo Hạ viện Andrea Leadsom đã từ chức ngày 22/5 thay vì trình kế hoạch mới này lên quốc hội.

    Bà May sẽ ở lại Phố Downing đến tháng sau, để chờ đợi kết quả (và có thể là đón nhận chỉ trích) về thành tích của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tuần này. Bà May cũng sẽ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông đến thăm Anh.

    Sự ra đi của bà May đánh dấu chấm hết cho 3 năm bà vật lộn với những người ủng hộ Brexit trong đảng mình để tìm kiếm một thỏa thuận định hình tương lai của Anh và EU mà tất cả các bên có thể đồng ý. Mọi chuyện càng khó khăn sau khi bà May kêu gọi bầu cử sớm vào năm 2017, để rồi đảng bà mấy thế đa số trong quốc hội.

    Việc bà May từ chức khởi động cuộc đua vào số 10 Phố Downing. Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ đang cạnh tranh cho vị trí này và người thắng cuộc sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo. Ứng viên sáng giá nhất vào lúc này là cựu ngoại trưởng Boris Johnson, một người ủng hộ nhiệt thành của Brexit. Khả năng này cũng làm nhiều đảng viên trung lập trong đảng Bảo thủ lo ngại.

    Viethome (theo Zing)

  • Bà Theresa May sẽ lên kế hoạch cho sự ra đi của mình sau một nỗ lực cuối cùng vận động các nghị sĩ thông qua thỏa thuận Brexit.

    Sir Graham Brady, chủ tịch ủy ban nghị sĩ Tory (Đảng Bảo thủ) 1922, cho biết ông sẽ gặp bà May vào đầu tháng tới để thống nhất các chi tiết về việc bà rời khỏi phố Downing.

    Thông tin này được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng về Dự luật thỏa thuận rút khỏi EU (Withdrawal Agreement Bill), đề xuất đưa kế hoạch Brexit của Thủ tướng vào luật pháp Anh. Cuộc bỏ phiếu sẽ bắt đầu trong tuần tính từ ngày 3/6.

    Ngài Graham đã mô tả các cuộc nói chuyện mới nhất của ông với bà May và giám đốc điều hành của Ủy ban 1922 là "rất thẳng thắn" - và khẳng định cuộc gặp tiếp theo của ông với bà sẽ diễn ra bất kể dự luật có được thông qua hay không.

    "Chúng tôi đã thống nhất bà ấy và tôi sẽ gặp nhau sau lần bỏ phiếu Dự luật thứ hai để ấn định thời gian biểu cho cuộc bầu cử một nhà lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ và Đảng Liên minh (Unionist Party)."

    Phố Downing cho biết tuyên bố đã được đưa ra với sự đồng ý của Thủ tướng. Công bố dự thảo trước Hạ viên được xem là lá bài cuối cùng cho bà May, mặc dù không rõ liệu bà có nắm được các cơ hội để thông qua luật hay không.

    Các cuộc đàm phán với Đảng Lao động đã được tiến hành kể từ tháng trước trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận thỏa hiệp mang tính khả thi.

    Việc công bố Dự thảo sẽ tạo ra thời hạn cho các cuộc thảo luận liên đảng.

    Một nghị sĩ bảo thủ Brexiteer cho biết thông báo này cho thấy Ủy ban 1922 không có chút năng lực nào bởi lẽ thủ tướng lại một lần nữa từ chối đáp ứng các lời kêu gọi công khai ngày chính thức rời bỏ vị trí.

    Hồi đầu năm nay, bà May hứa sẽ ra đi sau khi thỏa thuận Brexit của bà được các nghị sĩ thông qua.

    Nhưng trong bối cảnh mục tiêu này ngày càng xa vời, ngày càng có nhiều thành viên trong đảng của bà kêu gọi đưa ra một thời gian biểu cụ thể hơn cho kế hoạch từ chức.

    Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng đã bị các nghị sĩ bác bỏ đến ba lần, khiến bà đành phải yêu cầu trì hoãn Brexit.

    Dự kiến ban đầu là Anh sẽ rời đi vào cuối tháng ba, nhưng quy trình này hiện đã bị đẩy lùi cho đến tháng mười.

    Sự chậm trễ này đã gây ra cơn phẫn nộ trong nội bộ Tory, và bức xúc càng được thổi bùng khi kết quả trong các cuộc bầu cử địa phương đều không có lợi cho đảng này.

    Thông báo của Ủy ban năm 1922 sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua để thay thế bà May ở phố Downing.

    Cựu bộ trưởng ngoại giao, ông Boris Johnson đã xác nhận một bí mật mà ai cũng biết rằng ông sẽ tham gia ứng cử để thay thế bà May trở thành lãnh đạo Đảng Tory.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Cơ quan cầm quyền của Đảng Lao động đang họp để ký tuyên ngôn của đảng cho cuộc bầu cử châu Âu, trong bối cảnh chia rẽ gay gắt giữa Jeremy Corbyn và phó chủ tịch Tom Watson về việc kêu gọi trưng cầu dân ý lần thứ hai cho Brexit.

    Trước những gì được dự đoán là một cuộc họp đầy bão tố, nhà lãnh đạo Đảng Lao động đang cố gắng chống lại áp lực phải hứa hẹn một cuộc bỏ phiếu Brexit mới, trong khi ông Watson đang thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về bất kỳ thỏa thuận nào được đưa vào tuyên ngôn.

    Số lượng nghị sĩ Đảng Lao động và nghị sĩ nghị viện châu Âu kêu gọi ban điều hành quốc gia của đảng này đưa ra một "cam kết rõ ràng" đối với cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hiện đã lên tới 118 và lãnh đạo một số công đoàn lớn nhất của Anh cũng ủng hộ một cuộc thăm dò Brexit mới.

    Cuộc họp lãnh đạo khẩn cấp đang diễn ra sau cuộc tranh cãi về một phiên bản đầu tiên của tuyên ngôn Euro không hề đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, mặc dù chiến dịch "bỏ phiếu của người dân" được ủng hộ tại hội nghị đảng mùa thu năm ngoái.

    Tại cuộc họp hàng tuần của Đảng, các nghị sĩ ủng hộ lưu lại EU tuyên bố việc ông Corbyn từ chối cam kết một cuộc trưng cầu dân ý mới đã khiến các đảng viên rời bỏ đảng với số lượng lớn.

    Nghị sĩ của Bermondsey và Old Southwark Neil Coyle nói: "Tôi đã mất 500 thành viên kể từ đỉnh điểm cuối năm 2016. Điều đó không chỉ vì Brexit, mà đại đa số đã rời đi vì thái độ tránh né vấn đề châu Âu.

    "Các thành viên muốn chúng tôi phản đối việc ngừng thảo luận về Brexit và họ muốn ít nhất có một cuộc bỏ phiếu xác nhận."

    Một đảng viên trong khu vực bầu cử của ông Coyle, ủy viên hội đồng Lao động James Colwell, nói với Sky News rằng ông có thể rời đảng nếu đảng không "dứt khoát" ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý khác trong tuyên ngôn bầu cử châu Âu.

    Bức thư gửi đến lãnh đạo đảng có chữ ký của 118 nghị sĩ và nghị sĩ châu Âu tuyên bố: "Chúng ta cần một thông điệp về hy vọng và sự đoàn kết, và chúng tôi muốn vận động cho điều này mà không cần cảnh giác.”

    Và ông Watson đã viết trên Twitter: "Là thành viên hay người ủng hộ Đảng Lao động? Xin vui lòng cho đại diện của bạn trên NEC biết nếu bạn muốn họ ủng hộ lá phiếu xác nhận về thỏa thuận Brexit trong tuyên ngôn Euro của chúng tôi."

    Bài đăng này đã gây ra phản ứng dữ dội từ các thành viên điều hành cánh tả, những người ủng hộ ông Corbyn. Claudia Webbe, chủ tịch hội đồng kỷ luật của ủy ban, nói với ông Watson: "Ưu tiên số một của chúng tôi là ủng hộ một chính phủ Lao động xã hội dân chủ để mang lại sự thay đổi bền vững và không thể đảo ngược về sự giàu có và quyền lực ở Anh.

    "Ủng hộ ông Jeremy Corbyn và Đảng Lao động để đạt được điều này và để đánh bại Bảo thủ nên là trọng tâm của các anh."

    Nhưng ông Watson đã nhận được sự ủng hộ bất ngờ từ chủ tịch của nhóm chiến dịch cánh tả Momentum, Jon Lansman, người cũng ngồi trong ban điều hành quốc gia.

    Ông Lansman viết trên Twitter: "Tại hội nghị, chúng tôi đã đồng ý: 'Nếu Chính phủ tự tin đàm phán một thỏa thuận giúp người dân lao động, nền kinh tế và cộng đồng của chúng ta sẽ được hưởng lợi thì họ không nên ngại công bố thỏa thuận đó cho công chúng'. Vì vậy, chắc chắn tất cả chúng ta cũng có thể đồng ý với một cuộc bỏ phiếu xác nhận về bất kỳ thỏa thuận nào của chính phủ trong tuyên ngôn của chúng ta! "

    Các tổng thư ký của bốn công đoàn hàng đầu cũng đồng tình với việc yêu cầu Đảng Lao động ủng hộ trưng cầu dân ý về Brexit.

    Nhưng đáng chú ý là liên minh lớn nhất của Anh, do đồng minh thân cận của ông Corbyn, Len McCluskey, đứng đầu, lại không ủng hộ lời kêu gọi trưng cầu dân ý lần thứ hai và các thành viên của đảng này sẽ ủng hộ lãnh đạo đảng Lao động bỏ phiếu về tuyên ngôn cho cuộc bầu cử châu Âu.

    VietHome (Theo Sky News)