• Vaccine ngừa Covid-19 không khiến số ca tử vong ở trẻ em tăng 8.200% trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến 2022 như nội dung được nhắc đến trong một video xuất hiện trên mạng xã hội. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), con số này “hoàn toàn xuyên tạc dữ liệu”.

    Thông tin lan truyền

    Đoạn clip được đăng lên mạng xã hội Facebook đã ghi lại cảnh người đàn ông mặc quân phục đang phát biểu bên ngoài một trung tâm tiêm ngừa Covid-19 tại Windsor (Anh). Đây cũng chính là nơi mà người đàn ông này và nhiều người biểu tình khác đã tìm cách đóng cửa hôm 11/10 vừa qua.

    Trong bài diễn thuyết kéo dài khoảng 5 phút, người này khẳng định rằng: “Số ca tử vong ở trẻ em tăng 8.200% trong năm nay. Do đó, từ năm 2021 đến 2022, tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ của chúng ta tăng lên 8.200%. Những đứa trẻ của tôi và của các bạn. Vaccine không an toàn và không hiệu quả”.

    Những bài đăng tương tự cũng xuất hiện trên Facebook, Instagram, blog và Twitter - nơi clip đã được chia sẻ hơn 2.300 lần. Thông qua Telegram, người đàn ông trong clip này nói với hãng tin Reuters rằng, anh đã thấy con số 8.200% trong một bài báo trên The Exposé.

    Kiểm chứng

    Trên thực tế, The Exposé đã đưa ra thông tin khác. Đó là nguy cơ tử vong ở trẻ em tăng khoảng 8.100% đến 32.000% sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 so với trẻ chưa được tiêm chủng, dựa trên phân tích của website này về dữ liệu của ONS từ tháng 3/2022.

    Tuy nhiên, Người phát ngôn của ONS thông qua thư điện tử đã khẳng định với Reuters rằng nội dung trong clip nêu trên “hoàn toàn xuyên tạc dữ liệu”.

    Dựa trên dữ liệu hằng tuần tính đến đầu tháng 10/2022, số ca tử vong ở trẻ em từ năm 2021 đến 2022 không tăng 8.200%

    So sánh tổng số ca tử vong cùng kỳ trong 3 năm qua cho thấy "từ tuần 1 đến tuần 39 của năm 2020, có 2.419 ca tử vong được ghi nhận ở trẻ 0-14 tuổi. Dựa trên dữ liệu hằng tuần, từ tuần 1 đến tuần 39 trong năm 2021, có 2.415 trường hợp tử vong được ghi nhận ở trẻ 0-14 tuổi. Dựa trên dữ liệu hằng tuần, từ tuần 1 đến tuần 39 của năm 2022, có 2.496 trường hợp tử vong được ghi nhận ở trẻ cùng độ tuổi".

    Do đó, Người phát ngôn của ONS cho biết hầu như không có nhiều thay đổi trong tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ.

    Quay trở lại phân tích của The Exposé về việc tăng nguy tử vong ở trẻ đã tiêm vaccine, Người phát ngôn cho biết thêm rằng ONS “luôn nói rằng tỷ lệ tử vong nên được giải thích cặn kẽ cho trẻ bởi vì trẻ em có rủi ro cao được ưu tiên trong các đợt triển khai tiêm chủng" và “tỷ lệ thay đổi đáng kể do số người chết tương đối thấp ở nhóm tuổi này”.

    Trẻ có bệnh nền là nhóm được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên tại Anh, bắt đầu từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

    “Những trẻ em và thanh niên dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng có tỷ lệ tử vong cao hơn so với những trẻ không mắc đồng thời nhiều bệnh và điều này giải thích tại sao trẻ em được tiêm chủng có tỷ lệ tử vong cao hơn so với những trẻ vẫn chưa được tiêm chủng”, Người phát ngôn ONS cho biết.

    Tuy nhiên, “không có bằng chứng cho thấy vaccine có ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong”, dựa trên trích dẫn bảng 12 và 13 trong thống kê hằng tháng có sẵn trên website của ONS. Bảng này minh họa số ca tử vong hiếm hoi liên quan đến tiêm ngừa Covid-19 ở mọi lứa tuổi và chỉ có 1 ca liên quan đến trẻ em ở Vương quốc Anh.

    Trong bảng thống kê số ca tử vong gần đây nhất từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2022, tổng số 54 ca tử vong ở tất cả các nhóm tuổi được cho là do "vaccine ngừa Covid-19 gây ra tác dụng phụ trong điều trị", và trong số này xảy ra ca tử vong duy nhất ở nhóm tuổi 10-19 trong khi không có trường hợp nào ở trẻ nhỏ hơn.

    Khẳng định

    Thông tin số ca tử vong ở trẻ tăng 8.200% từ năm 2021 đến 2022 là sai sự thật. Dựa trên tỷ lệ không thay đổi về tổng số trẻ em ở Vương quốc Anh tử vong và tỷ lệ tử vong thấp liên quan đến tiêm chủng ở tất cả các nhóm tuổi, Người phát ngôn của ONS khẳng định không có bằng chứng cho thấy tiêm chủng gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến tỷ lệ tử vong hoặc rủi ro ở trẻ nhỏ.

    Theo Reuters

  • Hôm 20.3, Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) thông báo sẽ triển khai tiêm mũi 4 vắc xin Covid trong tuần tới, với dự kiến khoảng 5 triệu người sẽ được tiêm nhắc đợt này, theo tờ The Guardian.

    anh tiem mui vaccine thu tu
    Một số nước đang cân nhắc tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Reuters

    Mũi tiêm nhắc mới nhất dành cho các đối tượng như người ở viện dưỡng lão, người trên 75 tuổi và người bị ức chế miễn dịch từ độ tuổi 12 trở lên.

    NHS cho biết có khoảng 5 triệu người được đề nghị tiêm đợt này tại Anh, với khoảng 600.000 người được mời đặt lịch hẹn tiêm phòng trong tuần sau. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid kêu gọi những người thuộc diện cần tiêm mũi 4 nên nhanh chóng sắp xếp đi tiêm.

    Anh đang đối mặt làn sóng dịch mới đến từ biến thể Omicron, với các ca Covid-19 mới được ghi nhận khắp nước này. Theo thống kê chính thức, trong số 20 người thì có một người nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).

    Một lần nữa số trường hợp nhập viện tiếp tục gia tăng trở lại, nhưng số ca cần chăm sóc đặc biệt vẫn thấp.

    Hiện một số nước đã triển khai tiêm hoặc đang cân nhắc mũi 4. Trong đó, Israel đi đầu với chiến dịch tiêm nhắc lần 2 từ đầu tháng 1 cho các nhóm dễ tổn thương trên 18 tuổi. Pháp cũng đang tiêm mũi 4 cho người trong diện nguy cơ cao.

    Bên cạnh đó, Bộ Y tế Pháp khuyến cáo “trong mọi trường hợp, cần đợi ít nhất 2 tháng sau khi chấm dứt các triệu chứng trước khi tiêm mũi kế tiếp”.

    Mỹ và Nhật Bản đang cân nhắc và nhiều khả năng sẽ triển khai tiêm mũi 4 trong thời gian tới.

    Tuy nhiên, báo cáo đăng trên chuyên san The New England Journal of Medicine hôm 18.3 cung cấp kết quả lâm sàng cho thấy mũi 4 của vắc xin Pfizer và Moderna cung cấp ít hoặc chẳng có hiệu lực bảo vệ gì trong việc ngăn ngặn nguy cơ nhiễm Covid-19 nếu so với mũi 3.

    Theo Guardian

  • Bộ trưởng Y tế đã thông báo người trên 75 tuổi và cư dân viện dưỡng lão sẽ được cung cấp mũi vắc-xin Covid thứ tư vào mùa xuân này.

    Ông Sajid Javid cho biết vắc-xin tăng cường cũng sẽ được triển khai cho người bị ức chế miễn dịch, nhằm củng cố khả năng bảo vệ cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.

    Hệ thống y tế công NHS sẽ cung cấp vắc-xin khoảng sáu tháng sau lần tiêm cuối cùng. Các thông tin chi tiết khác sẽ sớm được công bố.

    Wales, Scotland và Bắc Ireland dự kiến ​​sẽ có thông báo tương tự sau khi Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm phòng và Chủng ngừa (JCVI) đưa ra khuyến nghị tiêm một mũi tăng cường khác.

    JCVI cho biết có thể sẽ cần thêm một liều nữa vì hiệu quả của vắc-xin giảm dần theo thời gian và Covid dự kiến ​​sẽ tăng mạnh vào mùa đông tới.

    26covidNgười từ 12 tuổi trở lên bị ức chế miễn dịch cũng sẽ được tiêm tăng cường

    Ông Javid nói: “Nhờ triển khai tiêm chủng Covid-19, chúng ta đã trở thành quốc gia tự do nhất ở Châu Âu. Vắc-xin đã cứu sống vô số người, giảm áp lực lên NHS và cho phép chúng ta học cách sống chung với vi-rút. Hôm nay, tôi đã chấp nhận lời khuyên từ Ủy ban Hỗn hợp độc lập về Tiêm phòng và Chủng ngừa (JCVI) để cung cấp một mũi tiêm nhắc lại Covid-19 bổ sung từ mùa xuân cho người từ 75 tuổi trở lên, cư dân trong các viện dưỡng lão, trẻ từ 12 tuổi trở lên bị ức chế miễn dịch. Cả bốn khu vực của Anh quốc đều có ý định làm theo lời khuyên của JCVI”.

    “Chúng ta biết khả năng miễn dịch đối với Covid-19 bắt đầu suy yếu theo thời gian. Đó là lý do chúng tôi cung cấp liều tăng cường vào mùa xuân cho người có nguy cơ mắc bệnh nặng do Covid-19 để đảm bảo duy trì mức độ bảo vệ cao. Điều quan trọng là mọi người đều tiêm tăng cường ngay khi đủ điều kiện. JCVI sẽ tiếp tục xem xét liệu chương trình tiêm tăng cường có nên được mở rộng cho các nhóm khác hay không”.

    Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), lần cuối tiêm của hầu hết những người lớn tuổi ở Vương quốc Anh là vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm ngoái.

    Các loại vắc-xin được sử dụng trong mùa xuân sẽ là vắc-xin Moderna hoặc Pfizer cho người lớn từ 18 tuổi trở lên. Một liều Pfizer nhỏ sẽ được sử dụng cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi.

    Giáo sư Wei Shen Lim nói: “Chương trình tiêm chủng tăng cường năm ngoái cho đến nay đã cung cấp sự bảo vệ tuyệt vời chống lại Covid-19. JCVI sẽ tiếp tục đánh giá tổng thể chương trình tiêm chủng và tình hình dịch tễ học, đặc biệt là thời điểm và giá trị của vắc-xin cho người lớn tuổi ít bị tổn thương hơn và những người trong nhóm có nguy cơ về bệnh lý trước mùa thu năm 2022”.

    Viethome (Theo Metro)

  • Pháp là quốc gia mới nhất đưa ra “ngày hết hạn” cho tình trạng tiêm chủng của khách du lịch.

    9franceTrước pháp, Tây Ban Nha đã áp dụng quy tắc tương tự

    Chín tháng sau khi tiêm liều vắc-xin Covid-19 thứ hai, hành khách sẽ cần thêm một mũi tiêm nhắc lại để được coi là “đã tiêm chủng đầy đủ”. Luật áp dụng cho tất cả người Anh đã tiêm mũi thứ hai vào hoặc trước ngày 3/5/2021.

    Chính phủ Pháp vẫn chưa cập nhật hướng dẫn trên trang tư vấn di chuyển chính thức, nhưng Eurostar đã thay đổi thông tin về yêu cầu nhập cảnh và hạn chế đi lại trên trang web của họ.

    Lời khuyên du lịch Anh-Pháp của Eurostar cho biết: “Bạn được coi là đã tiêm phòng đầy đủ cho mục đích đi lại nếu từ 18 tuổi trở lên và:

    • đã tiêm một liều tăng cường vắc-xin Covid-19

    Hoặc:

    • đã tiêm liều thứ hai vắc-xin hai liều (Pfizer, Moderna, AstraZeneca) ít nhất một tuần trước, nhưng không quá chín tháng trước.
    • đã tiêm vắc-xin một liều (Johnson & Johnson) ít nhất 28 ngày trước, nhưng không quá chín tháng trước”.

    "Quan trọng: Nếu đã tiêm đủ liệu trình vắc-xin từ 9 tháng trước trở lên VÀ chưa tiêm vắc-xin tăng cường, bạn phải tuân theo các quy định dành cho hành khách chưa tiêm vắc-xin khi vào Pháp".

    Người Anh chưa tiêm phòng hiện chỉ có thể vào Pháp nếu có “lý do thuyết phục” - khách du lịch chưa tiêm chủng sẽ bị từ chối nhập cảnh.

    Các quy tắc mới chỉ áp dụng cho khách du lịch từ 18 tuổi trở lên; trẻ 13-17 tuổi chỉ cần tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Trẻ từ 12 tuổi trở xuống không cần phải tiêm phòng khi nhập cảnh vào Pháp.

    Pháp đã tiếp bước Tây Ban Nha khi chỉ chấp nhận giấy chứng nhận tiêm chủng cho biết hành khách đã tiêm liều cuối cùng trong vòng 270 ngày trước khi nhập cảnh.

    Cả hai quốc gia đang tuân theo khuyến nghị cập nhật từ EU, theo đó khách du lịch được công nhận là đã tiêm phòng đầy đủ trong vòng 9 tháng sau lần tiêm cuối cùng.

    Phía EU cho biết: “Đây là cách tiếp cận để tạo điều kiện di chuyển tự do an toàn trong đại dịch Covid-19”. Chính sách mới nhằm mục đích "đơn giản hóa các quy tắc hiện hành" và "cung cấp thêm sự rõ ràng và khả năng dự đoán cho khách du lịch".

    Theo đó, tình trạng tiêm phòng, xét nghiệm hoặc phục hồi của hành khách sẽ là yếu tố quyết định chính của việc hạn chế đi lại - “ngoại trừ những khu vực có vi-rút lưu hành ở mức rất cao”.

    Tiêm chủng đầy đủ được coi là “ít nhất 14 ngày và không quá 270 ngày trôi qua kể từ liều cuối cùng hoặc nếu đã tiêm được một liều nhắc lại”.

    Viethome (Theo Independent)

  • Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo thường xuyên tiêm tăng cường vaccine Covid-19 có thể ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch và không khả thi.

    Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết các mũi tiêm tăng cường lặp lại 4 tháng một lần có thể làm yếu hệ miễn dịch và khiến người tiêm mệt mỏi, Bloomberg đưa tin ngày 12/1.

    Cơ quan này khuyến nghị các quốc gia nên tăng khoảng cách thời gian giữa những đợt tiêm tăng cường và thực hiện vào thời điểm bắt đầu mùa lạnh ở mỗi bán cầu, giống với chiến lược tiêm chủng ngừa cúm.

    tiem vaccine tang cuong

    "Các mũi tăng cường có thể tiêm một hoặc hai lần, song đó không phải điều mà chúng tôi cho rằng nên lặp lại liên tục", Marco Cavaleri, người đứng đầu bộ phận phụ trách các mối đe dọa về sức khỏe và chiến lược vaccine của EMA, nói.

    “Chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về cách chuyển đổi từ bối cảnh đại dịch sang bối cảnh bệnh đặc hữu”, ông cho biết thêm.

    Khuyến cáo của EMA được đưa ra giữa lúc một số quốc gia đang cân nhắc tiêm mũi tăng cường thứ hai nhằm tăng khả năng bảo vệ người dân trước làn sóng dịch do biến chủng Omicron gây ra.

    Đầu tháng này, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên triển khai tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ tư, và cũng là mũi tăng cường thứ hai, cho những người trên 60 tuổi. Trong khi đó, Anh cho biết ba mũi vaccine vẫn có hiệu quả bảo vệ tốt và chưa cần tiêm thêm, nhưng sẽ xem xét khi có thêm dữ liệu.

    Cơ quan quản lý dược phẩm của EU cho biết thêm tháng 4 là thời điểm sớm nhất họ có thể phê duyệt loại vaccine mới nhắm vào một biến chủng cụ thể, vì quá trình này mất khoảng 3-4 tháng. Một số nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới cũng cho biết họ đang xem xét sản xuất vaccine chuyên chống các biến chủng mới.

    Theo Zing

  • Đan Mạch dự kiến sẽ tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ tư cho người dân của mình, trong bối cảnh nước này đang cố gắng áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn đại dịch.

    tiem mui vaccine thu tu
    Đan Mạch dự kiến tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ tư. Ảnh: Getty

    Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke nói với các phóng viên hôm thứ Tư (12/1): "Chúng ta sẽ bước vào một chương mới, đó chính là tiêm bổ sung liều vaccine Covid-19 thứ tư. Sự lây nhiễm càng lan rộng trong xã hội, thì càng nhiều người gặp nguy hiểm".

    Các mũi tiêm bổ sung sẽ bắt đầu được triển khai vào cuối tuần này cho những người có nguy cơ cao trước. Chính phủ hiện cũng đang xem xét một liều tăng cường khác dành cho người cao tuổi và cư dân viện dưỡng lão, mặc dù vẫn chưa đưa ra quyết định.

    Động thái này diễn ra vài ngày trước khi đất nước dự kiến mở cửa trở lại các rạp chiếu phim, địa điểm âm nhạc, sân vận động thể thao và các địa điểm công cộng khác. Những hạn chế được áp dụng vào tháng trước với hy vọng ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng lên thì số ca tử vong và nhập viện vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm ngoái.

    Giám đốc Cơ quan Y tế Đan Mạch Soren Brostrom cho biết: "Chúng ta đang làm đúng! Hiện tại chúng ta có thể nói một cách chắc chắn hơn đáng kể rằng biến thể virus mới này, Omicron, ít gây ra bệnh nặng hơn".

    Những hạn chế mới nhất cũng đã thúc đẩy các cuộc biểu tình ở thủ đô của quốc gia này, hàng trăm người đã diễu hành để chỉ trích "luật dịch bệnh" của Đan Mạch vào cuối tuần qua.

    Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố đợt thứ tư cho người dân, tiếp theo là Chile vào đầu tuần này. Hungary cũng đang cân nhắc xem có nên làm điều tương tự hay không.

    Theo Dân Việt

  • Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để kết luận tần suất, số lượng cũng như sự cần thiết của những liều vaccine Covid-19 tăng cường mà mọi đối tượng sẽ nhận được trong tương lai.

    Trong cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph, giáo sư Andrew Pollard, người đồng phát triển vaccine AstraZeneca, cho rằng việc thường xuyên tiêm phòng Covid-19 cho tất cả đối tượng là không bền vững và tốn kém. Ông cảnh báo về những đợt tiêm mũi vaccine tăng cường “không hồi kết”.

    “Chúng ta không thể tiêm chủng cho cả hành tinh cứ mỗi 4-6 tháng”, giáo sư nói. “Điều này vừa không có tính bền vững, vừa tốn kém. Trong tương lai, chúng ta cần hướng đến những người dễ bị tổn thương”.

    tiem vaccine 6 thang 1 lan
    Có lý do để hy vọng một lần tiêm mũi tăng cường có thể tạo hiệu ứng lâu dài. Ảnh: New York Times.

    Ông nói rằng nhiều người ở châu Phi thậm chí còn chưa nhận được liều đầu tiên, vậy nên “chúng ta sẽ không thể kiểm soát được đến tận liều thứ tư cho tất cả”.

    Nhà khoa học bày tỏ nghi ngờ về sự cần thiết của liều thứ tư, và cho rằng cần có thêm bằng chứng ở Anh trước khi triển khai chiến dịch tiêm liều tăng cường này. Trong khi đó, Israel đã phê duyệt liều thứ 4 cho nhóm dễ bị tổn thương, theo South China Morning Post.

    Những diễn biến này khiến tạp chí TODAY đặt câu hỏi liệu trong những năm tới, việc tiêm nhắc lại sẽ thực hiện thường xuyên cho đến khi Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát, và đây có là điều cần thiết không; hay mỗi người chỉ cần tiêm nhắc lại một mũi hàng năm, giống như vaccine cúm, cho đến hết cuộc đời?

    Tuy nhiên, giới khoa học hiện vẫn chưa thể khẳng định và thống nhất về số lượng mũi vaccine Covid-19 mà mỗi người cần nhận. Atlantic nhận định để kết luận chính xác quan điểm này cần dựa vào hệ thống miễn dịch của con người, sự phát triển của virus và khả năng lây lan của chúng.

    Yếu tố nào quyết định cần tiếp tục tiêm liều tăng cường?

    Giới khoa học đang xem xét 2 yếu tố chính quyết định liệu chúng ta có cần thêm mũi tiêm tăng cường trong tương lai: Khả năng bảo vệ cung cấp bởi vaccine có suy giảm theo thời gian và các vaccine Covid-19 hiện tại có hiệu quả với những biến chủng đang và sẽ lưu hành.

    Nếu lớp giáp bảo vệ biến mất theo thời gian, giống như 2 liều đầu tiên, thì cuối cùng thế giới vẫn cần tiếp tục tiêm tăng cường để bổ sung phản ứng miễn dịch, TODAY kết luận. Hơn nữa, nếu biến chủng mới né tránh vaccine, sẽ cần một loại vaccine mới nhắm cụ thể vào những biến chủng này.

    Theo Vox, có một số lý do để hy vọng rằng một lần tiêm mũi tăng cường có thể tạo hiệu ứng lâu dài hơn.

    “Về mặt miễn dịch học, một khi bạn được tiêm nhắc lại sau 6 tháng tiêm liều thứ 2, liều đó sẽ bền hơn so với 2 liều đầu tiên", Trưởng khoa Y tế công cộng Đại học Brown - Ashish Jha - nói. "Nhưng bây giờ, chúng tôi không thể chứng minh điều đó. Chúng tôi chưa có dữ liệu dài hạn”.

    Ngay cả khi khả năng miễn dịch do vaccine suy giảm, vẫn có những yếu tố đáng cân nhắc khác. Nếu trong 6, 8 hoặc 12 tháng, số ca Covid-19 thấp, khả năng bảo vệ của vaccine chống lại bệnh nặng và tử vong vẫn duy trì, và đặc biệt nếu ca tử vong thấp, thì tiếp tục sử dụng liều tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh không còn giá trị.

    Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khả năng bảo vệ của cơ thể trước bất cứ tác nhân lây truyền nào sẽ luôn suy yếu, các kháng thể sẽ mất dần theo thời gian. Đó là điều bình thường và cách mà hệ thống miễn dịch hoạt động. Nếu hệ thống miễn dịch bắt đầu hoạt động khi virus xâm nhập thì mọi người vẫn sẽ được bảo vệ khỏi nhập viện và tử vong.

    “Bệnh nhân phải vào phòng ICU không phải vì chưa tiêm liều thứ ba”, tiến sĩ Paul Offit - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia - nói. "Thông thường là do họ chưa nhận bất cứ mũi tiêm nào".

    Suy giảm khả năng miễn dịch chỉ là một phần của cuộc sống bình thường mới. Virus có thể bị loại bỏ bởi khả năng miễn dịch tự nhiên và vaccine, cũng như các loại thuốc và phương pháp điều trị.

    Theo quan điểm đó, suy giảm khả năng miễn dịch về lâu dài lại không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể kết luận bởi hàng ngày còn quá nhiều người tử vong vì Covid-19, và con người vẫn cần có mọi nguồn miễn dịch để chống lại virus.

    Nếu tiêm nhắc lại liên tục có thể phản tác dụng

    Jerome Kim - Tổng giám đốc của Viện Vaccine Quốc tế - chỉ ra do có quá nhiều điều chưa biết về Omicron, tiêm tăng cường với loại vaccine hiện có chỉ là cách để câu giờ trong lúc chính phủ và nhà khoa học tìm hiểu thêm.

    Ông cho biết các nhà khoa học muốn hiểu thêm về biến chủng mới và những gì thực sự sẽ chống lại Omicron, chẳng hạn như kháng thể hoặc tế bào T. Tế bào T được cho là có thể hạn chế khả năng xuất hiện triệu chứng nặng.

    “Đợt tiêm tăng cường hiện nay, với các loại vaccine sinh miễn dịch gần như tối ưu dựa trên các chủng ban đầu, là nhằm để câu giờ. Tuy nhiên, thực tế, nếu tiêm vaccine cứ 3 tháng/lần sẽ phức tạp, khó thực hiện, tốn kém và có khả năng sinh kháng thuốc", ông nói.

    Kích thích miễn dịch quá thường xuyên có thể gây phản tác dụng, một số tế bào miễn dịch có thể ngừng phản ứng với vaccine.

    Ngoài ra, việc thúc đẩy mũi tiêm tăng cường dựa trên ý tưởng rằng kháng thể là khía cạnh trung tâm của hệ miễn dịch.

    Đây là một quan điểm sai lầm và coi nhẹ tầm quan trọng của các bộ phận khác trong hệ thống miễn dịch giúp ngăn bệnh nặng và tử vong, theo tiến sĩ Paul Offit.

    Ông nói rằng mình sẽ lo lắng nếu hàng loạt người đã tiêm phòng nhiễm biến chủng Omicron phải nhập viện. Nhưng cho đến nay vẫn có bằng chứng cho thấy vaccine ngăn ngừa bệnh nặng.

    “Điều đó luôn đúng, đúng khi xuất hiện 3 biến chủng đầu tiên và có khả năng vẫn đúng khi xuất hiện biến chủng mới", ông nói. “Nếu mục tiêu tiêm vaccine là để bảo vệ khỏi bệnh nhẹ, chúng ta sẽ cần tiêm liều tăng cường cho đến cuối đời".

    "Ngay cả khi Omicron có thể kháng vaccine, việc tiêm thêm một mũi bằng loại vaccine đang có không phải là giải pháp tốt nhất", tiến sĩ Offit nói. “Đó là con đường vòng so với những gì thực sự giúp ta thoát khỏi đại dịch này: Đưa vaccine cho những người chưa tiêm phòng".

    Nghiên cứu của giáo sư Marion Pepper tại Đại học Washington cho thấy việc tiêm tăng cường lặp đi lặp lại với cùng một loại vaccine sẽ không cho thấy lợi ích vô hạn. Những người đã nhiễm bệnh, sau đó tiêm đầy đủ và thêm liều tăng cường không nhận nhiều lợi ích từ liều thứ 3 này.

    “Có một quan điểm sai lầm rằng hệ thống miễn dịch sẽ liên tục được 'nâng cấp' bằng những mũi tiêm lặp đi lặp lại để mọi người không quay lại thời điểm đầu (đại dịch)", bà nói. "Và với một số người, nếu họ không phản ứng tốt với liều đầu tiên, nó (mũi tăng cường) sẽ tăng số lượng tế bào của họ. Tuy nhiên, phần lớn bộ nhớ của mọi người sẽ đạt tới điểm mà khi nhận thêm cùng loại tăng cường đó, nó sẽ không tăng thêm nữa".

    Bà đề xuất tiêm một loại vaccine mới để "tập hợp" thêm nhiều tế bào miễn dịch khác và mở rộng phạm vi bảo vệ mà vaccine mang lại. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố quan trọng cần xem xét trước khi quyết định thay đổi vaccine.

    Ngoài ra, việc nhận liều tăng cường liên tục có quá nhiều nguy cơ: Tác dụng phụ của vaccine, bao gồm cả tình trạng rất hiếm gặp là viêm cơ tim.

    "Mỗi khi tăng cường và kích thích khả năng miễn dịch, đặc biệt là vaccine mRNA, người dùng sẽ có phần trăm nhất định bị viêm cơ tim", ông Offit cho hay. "Nếu liều tăng cường không mang lại lợi ích rõ ràng, phản ứng có hại nghiêm trọng đó trở nên quan trọng hơn”.

    Tần suất bao nhiêu là đủ?

    Nhiều chuyên gia dự đoán liều tăng cường Covid-19 sẽ giống vaccine cúm hàng năm, và một ngày nào đó rất có thể sẽ tiêm kết hợp cả vaccine cúm và Covid-19.

    "Mỹ và nhiều quốc gia sẽ không đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, chúng ta sẽ phải đối phó với một loạt các biến chủng khác nhau suốt phần đời còn lại", ông Gabor Kelen - giáo sư khoa cấp cứu tại Đại học Johns Hopkins - nói. "Nhưng chưa rõ điều đó có khiến chúng ta cần mũi tiêm tăng cường hàng năm hay không".

    “Tôi hy vọng chúng ta không cần tiêm nhắc lại 6 tháng/lần. Tần suất có thể là hàng năm, thậm chí là lâu hơn thế", tiến sĩ Dean Blumberg - trưởng khoa truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học California - nói.

    Ông nói thêm rằng có thể con người sẽ tiêm vaccine Covid-19 vào mùa thu giống bệnh cúm. "Theo thời gian, khi mọi người ít quan tâm hơn đến Covid-19, tỷ lệ chủng ngừa hàng năm khoảng 50%", ông nói.

    Theo Zing

  • Nhóm cố vấn chính phủ Anh khuyến nghị nên tập trung tiêm liều vaccine thứ ba cho nhiều người nhất có thể, thay vì chạy đua tiêm liều thứ tư.

    "Dữ liệu hiện tại cho thấy liều tăng cường đầu tiên giúp cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại nguy cơ bệnh nặng, ngay cả với nhóm người già dễ bị tổn thương nhất.

    Do đó, ủy ban kết luận rằng không cần tiêm liều tăng cường thứ hai ngay lập tức, dù điều này tiếp tục được xem xét", giáo sư Wei Shen Lim, chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp và Miễn dịch và Tiêm chủng Anh, nói ngày 7/1.

    Đối với những người trên 65 tuổi, khả năng bảo vệ trước nguy cơ nhập viện vẫn ở mức khoảng 90% trong ba tháng sau khi tiêm liều thứ ba, theo dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh.

    Ủy ban cho rằng chính phủ nên tập trung vào chiến dịch tiêm mũi ba cho càng nhiều người càng tốt để tăng cường khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

    Anh đang chạy đua để tiêm tăng cường cho người dân, sau khi nhiều nghiên cứu cho thấy hai liều đầu tiên không đủ để bảo vệ trước Omicron, biến thể gây ra làn sóng gia tăng ca nhiễm và nhập viện ở nước này.

    Số người nhập viện vì Covid-19 ở Vương quốc Anh đã tăng lên 18.454 ca hôm 6/1, nhiều gấp đôi so với hai tuần trước đó.

    Anh ngày 8/1 trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới vượt mốc 150.000 ca tử vong vì Covid-19, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga, Mexico và Peru. Trong 7 ngày qua, Anh ghi nhận 1.271 người chết vì Covid-19, tăng 38% so với một tuần trước. 1.227.288 ca nhiễm mới được báo cáo trong cùng khoảng thời gian trên, tăng hơn 10%. Anh đã ghi nhận hơn 14,3 triệu ca nhiễm kể từ khi dịch bùng phát.

    VnExpress (theo AP)

  • Nhà khoa học hàng đầu của Anh về vaccine nhìn nhận việc tiêm mũi vaccine thứ tư ngừa COVID-19 là “không thích hợp” trên phạm vi toàn cầu.

    tiem mui vaccine thu 4
    Nhân viên y tế tiêm mũi vaccine thứ 4 cho người dân tại thành phố Ramat Gan, miền Trung Israel ngày 31/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

    Giáo sư Andrew Pollard - một trong các chuyên gia tham gia sáng chế vaccine AstraZeneca và là người đứng đầu Nhóm vaccine Đại học Oxford (Oxford Vaccine Group), đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc Anh hay một số nước chạy theo phương pháp của Israel về tiêm mũi vaccine thứ tư.

    Ông cho rằng mũi nhắc lại có thể chỉ cần thiết với người dễ bị tổn thương dù số này đã hoàn tất quy trình tiêm ba mũi vaccine. Những người thuộc nhóm này gồm có người già, người có hệ miễn dịch suy yếu. “Việc tiêm nhắc 6 tháng một lần với tất cả mọi người là tốn kém, không bền vững và thậm chí không cần thiết”, giáo sư Pollard nêu quan điểm khi trả lời phỏng vấn trên kênh BBC Radio 4’s ngày 4/1.

    Theo chuyên gia người Anh, thế giới sẽ không thể vươn tới ngưỡng tiêm đủ bốn mũi vaccine cho mỗi người, khi mà hiện nay nhiều người dân ở châu Phi còn chưa được tiêm mũi vaccine nào. Cần tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương thông qua việc đảm bảo họ có thể tiếp cận các mũi vaccine tăng cường và các phương pháp điều trị. Mặc dù người được tiêm mũi tăng cường sẽ có kháng thể mạnh vài tháng sau khi tiêm, song vẫn cần có thêm dữ liệu để đánh giá.

    Giáo sư Pollar nhận định việc biến thể mới Omicron có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn so với Delta, số ca nhập viện ít hơn, là tín hiệu tích cực. Nhưng thế giới vẫn cần cảnh giác, bởi sẽ có thể lại xuất hiện biến thể mới sau Omicron mà chưa biết mức độ lây lan, độc lực của nó ra sao.

    Tiêm mũi vaccine thứ 4 giúp tăng cường kháng thể lên 5 lần

    Thủ tướng Israel Naftali Bennett trích dẫn những phát hiện sơ bộ của một nghiên cứu cho biết liều thứ 4 của vaccine COVID-19 tăng cường kháng thể gấp 5 lần một tuần sau tiêm, theo Reuters.

    “Một tuần sau khi tiêm liều thứ 4, chúng tôi biết khá chắc chắn về độ an toàn của việc tiêm liều này”, ông Bennett cho biết tại Trung tâm Y tế Sheba, nơi đang thực hiện tiêm mũi nhắc lại thứ 2 trong một cuộc thử nghiệm với sự tham gia của chính các nhân viên của trung tâm.

    “Thêm một tin tức khác: Chúng tôi phát hiện ra rằng một tuần sau khi tiêm liều thứ 4, lượng kháng thể ở người được tiêm tăng gấp 5 lần”, Thủ tướng Israel cho biết.

    Israel là một trong những nước đi đầu trong nghiên cứu tác dụng của vaccine COVID-19, là quốc gia triển khai tiêm 2 mũi cho người dân nhanh nhất thế giới cách đây một năm và cũng là một trong những nước đầu tiên tiêm mũi thứ 3 cho người dân.

    Hiện Israel đã cấp phép sử dụng liều thứ 4 cho những người trên 60 tuổi, nhân viên y tế và bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

    Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nên ưu tiên tiêm vaccine cho những người chưa được tiêm chủng thay vì tập trung tiêm mũi bổ sung cho một bộ phận dân số.

    Thử nghiệm tại Trung tâm Sheba được bắt đầu ngày 27/12, theo đó, 150 nhân viên y tế của trung tâm này được tiêm liều thứ 4 vaccine Pfizer. Mức độ kháng thể của những người này giảm đáng kể sau 4 hoặc 5 tháng tiêm liều thứ 3.

    Kể từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 11/2021, dữ liệu của WHO cho thấy chủng virus này đã lan truyền nhanh chóng và xuất hiện ở ít nhất 128 quốc gia. Số ca bệnh đã tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại, nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong phần lớn thấp hơn so với các giai đoạn khác của đại dịch.

    Tại Israel, số ca lây nhiễm hàng ngày đã tăng hơn 10 lần trong tháng qua. Theo số liệu của Bộ Y tế nước này, số ca bệnh nặng cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn rất nhiều. Khoảng 60% trong số 9,4 triệu dân của Israel đã được tiêm chủng đầy đủ.

    Theo Báo Tin Tức

  • Nhà chức trách Bỉ đã bắt giữ một người đàn ông định tiêm mũi vắc-xin Covid-19 thứ chín.

    Báo L’Avenir ngày 23-12 đưa tin người đàn ông (chưa được công bố danh tính) đến từ TP Charleroi - Bỉ. Ông ta bị bắt giữ tại một trung tâm tiêm chủng hồi cuối tuần trước sau khi bị nhân viên tại đây nhận diện khuôn mặt.

    Trước đó, người đàn ông đã tiêm 8 mũi vắc-xin Covid-19, được cho là thay thế những người không muốn tiêm chủng bằng cách dùng nhiều giấy tờ tuỳ thân khác nhau.

    Theo báo L’Avenir, người đàn ông và những người nhờ ông ta tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ đối mặt với hành động pháp lý.

    Mặc dù việc tiêm phòng Covid-19 ở Bỉ hiện không bắt buộc nhưng những người được tiêm chủng đầy đủ có thể nhận "thẻ xanh Covid-19", cho phép họ tự do đi lại và vào các địa điểm nhất định, bao gồm quán bar, nhà hàng, phòng gym cũng như các sự kiện lớn.

    tiem mui vaccine thu 9
    Ảnh minh hoạ: Reuters

    Trong tháng này, một người đàn ông ở New Zealand cũng bị phát hiện tiêm 10 mũi vắc-xin Covid-19 trong 1 ngày khiến nhà chức trách phải mở cuộc điều tra.

    Báo NZHerald ngày 11-12 cho biết người đàn ông nói trên "được trả tiền để tiêm vắc-xin Covid-19 thay cho những người khác". Ông ta đã đến nhiều điểm tiêm chủng Covid-19 khác nhau và nhận tổng cộng 10 mũi tiêm vắc-xin Covid-19 chỉ trong 1 ngày.

    Quản lý nhóm hoạt động tiêm chủng Covid-19 của New Zealand, bà Astrid Koornneef, cho biết Bộ Y tế nước này đã nhận được thông báo và đang xem xét vụ việc. "Chúng tôi rất quan tâm tới trường hợp này và đang làm việc với các cơ quan hữu trách" - bà Koornneef nói.

    Bộ Y tế New Zealand không nêu rõ nơi xảy ra trường hợp nói trên. GS Helen Petousis-Harris mô tả đó là hành vi "ích kỷ không thể tin được", có thể gây ra tác hại nghiêm trọng đối với những người không được tiêm phòng.

    GS Petousis-Harris cho biết người đàn ông tiêm 10 mũi vắc-xin Covid-19 dường như không gặp vấn đề gì ngay lúc đó nhưng có khả năng đối mặt với phản ứng miễn dịch vào ngày hôm sau.

    "Chúng tôi biết có trường hợp được tiêm 5 liều trong một lọ vắc-xin thay vì pha loãng cũng như các sự cố tiêm chủng Covid-19 khác dù không gây ra vấn đề lâu dài" - GS Petousis-Harris nói thêm. Tuy nhiên, người tiêm nhiều liều vắc-xin Covid-19 có thể bị sốt và đau đầu nhiều hơn.

    Theo bà Koornneef, những người đã tiêm nhiều liều vắc-xin nên tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế bởi không chỉ đặt bản thân vào vòng nguy hiểm, họ còn khiến những người xung quanh đối mặt nguy cơ tiềm ẩn.

    Hơn nữa, nếu một người tiêm vắc-xin Covid-19 không đúng quy định, hồ sơ sức khỏe cá nhân của họ sẽ không phản ánh được rằng họ đã tiêm phòng, ảnh hưởng đến việc quản lý y tế trong tương lai.

    Bài liên quan: Người đàn ông tiêm 10 mũi vaccine một ngày

  • Anh đang xem xét triển khai đợt tiêm chủng thứ tư ngừa Covid-19 sau khi Israel và Đức cũng “bật đèn xanh”.

    Các chuyên gia thuộc Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn về vắc-xin của chính phủ Anh, sẽ xem xét mức độ miễn dịch của 3 mũi tiêm vắc-xin cũng như dữ liệu về số lần nhập viện đối với biến thể Omicron mới trước khi đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào.

    Trong khi cả Israel và Đức đều thông báo sẽ triển khai tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 4 trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.

    Xét về tình hình thực tế tại Anh, Giáo sư Anthony Harnden, phó chủ tịch JCVI, nói với báo The Telegraph hôm 22-12: "Chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh khác với Israel và chúng tôi cần xem thêm dữ liệu về khả năng miễn dịch suy giảm và hiệu quả của vắc-xin".

    anh xem xet tiem mui thu 4
    Anh đang xem xét triển khai đợt tiêm chủng thứ tư ngừa Covid-19. Ảnh: The Telegraph

    Những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm ở Anh có thể sẽ tiêm mũi vắc-xin Covid-19 thứ 4. Việc triển khai tiêm mũi thứ 4 có thể được mở rộng cho người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác.

    Những người cần tiêm liều vắc-xin phòng Covid-19 bổ sung cần cách ít nhất bốn tháng sau lần tăng cường đầu tiên, có nghĩa là lần tiêm thứ tư nếu được triển khai thì sớm nhất là trong năm mới.

    Một số nhà khoa học cho rằng Anh đang bị nhấn chìm bởi làn sóng biến thể Omicron và đợt tiêm chủng mũi thứ ba vẫn đang được triển khai để ứng phó. Ngoài ra, hôm 22-12, JCVI còn cho biết ủy ban này cần thêm bằng chứng thực tế trước khi khuyến nghị tiêm chủng hàng loạt cho trẻ em dưới 5 tuổi.

    Trong ngày 22-12, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho rằng cần tiêm mũi vắc-xin thứ 4 để củng cố khả năng ứng phó với virus SARS-CoV-2 sau khi xuất hiện biến thể mới Omicron lây lan nhanh hơn.

    Bộ trưởng Y tế Đức cho biết nước này đã đặt hàng 80 triệu liều vắc-xin của hãng BioNTech, loại đặc hiệu dành cho Omicron và sẽ nhận bàn giao vào tháng 4 hoặc tháng 5-2022.

    Ngoài ra, Đức cũng đã đặt hàng 4 triệu liều vắc-xin của hãng Novavax (Mỹ), mới được châu Âu cấp phép sử dụng và 11 triệu liều vắc-xin của hãng Valneva (Pháp) đang đợi được cấp phép.

    Theo kế hoạch, vắc-xin của Novavax sẽ được bàn giao vào tháng 1-2022. Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường được coi là tấm khiên chắn quan trọng nhất trong phòng chống biến thể Omicron tại Đức.

    Ông cũng thể hiện ủng hộ chính sách tiêm phòng bắt buộc, khẳng định nếu không thực hiện chính sách này thì sẽ khó có thể ứng phó với các làn sóng dịch bệnh tiếp theo trong dài hạn.

    Ngày 22-12, Anh ghi nhận 106.122 ca nhiễm mới. Đây là số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục được ghi nhận trong ngày tại nước này. Trước đó một ngày, số trường hợp nhiễm mới là 90.629.

    Theo dữ liệu Chính phủ Anh, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron đã khiến số ca mắc bệnh tăng vọt trong 7 ngày qua tại nước này, với tổng số ca mắc bệnh tăng 643.219, tương đương 59%.

    Thủ tướng Boris Johnson từng bác việc ban hành các hạn chế mới trước thềm Giáng sinh. Ông cho biết hiện chưa thể khẳng định mức độ nghiêm trọng của chủng Omicron và tỉ lệ nhập viện đối với những người nhiễm chủng virus này.

    Tuy nhiên, Thủ tướng Anh không loại trừ các biện pháp thắt chặt sẽ được áp đặt sau kỳ nghỉ nếu tình hình diễn biến xấu.

    Theo NLD

  • 321.760 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sản xuất đã về đến sân bay Nội Bài tối 15-12, theo thông báo của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam trưa 16-12.

    Theo Đại sứ quán Anh, số vắc xin về tối 15-12 nằm trong gói hỗ trợ song phương của Vương quốc Anh dành cho Việt Nam. Hồi tháng 8 vừa qua, phía Anh cũng đã trao tặng 415.050 liều theo cơ chế tương tự.

    Trong tương lai gần, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục cung cấp vắc xin cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. "Vương quốc Anh sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để ứng phó với đại dịch COVID-19", Đại sứ quán Anh khẳng định trong thông báo trên trang Facebook chính thức.

    anh ho tro vietnam vaccine
    Lô vắc xin Anh hỗ trợ Việt Nam theo cơ chế song phương tại sân bay Nội Bài - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN ANH

    Phần lớn số vắc xin COVID-19 do Anh hỗ trợ là vắc xin AstraZenecaa, sản phẩm của Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp nghiên cứu, phát triển.

    Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson cam kết đóng góp ít nhất 100 triệu liều vắc xin cho thế giới nhằm thu hẹp khoảng cách tiêm chủng, giảm bất bình đẳng về vắc xin toàn cầu. Số vắc xin này chủ yếu được tặng cho những nước đang phát triển và thu nhập thấp.

    Với các nước đối tác và đồng minh thân cận, London cũng đồng ý cho mượn vắc xin và sẽ nhận hoàn trả lại sau, đúng theo số lượng đã mượn.

    Điển hình cho cách làm này là Úc, một quốc gia gần gũi với Anh quốc. Hồi tháng 9 rồi, hai bên đã đạt thỏa thuận về việc Úc sẽ mượn Anh 4 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech để phục vụ chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp trong nước.

    Theo người phát ngôn Bộ Y tế Úc ngày 16-12, Canberra đã trả được 1 triệu liều, 3 triệu liều còn lại sẽ chuyển cho Anh trong vòng "vài ngày tới". Theo thỏa thuận, Úc cần trả lại số vắc xin đã mượn trước cuối năm 2021.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Ông Sajid Javid cho biết người dân sẽ cần tiêm vắc-xin tăng cường để duy trì hiệu lực của thẻ thông hành Covid (NHS Covid pass).

    Tại Hạ viện, Bộ trưởng Y tế cho biết quy định mới sẽ được áp dụng "một khi tất cả người trưởng thành có cơ hội tiêm vắc-xin tăng cường”. Thay đổi này có thể sẽ được áp dụng vào đầu năm 2022.

    Tuy nhiên, người dân vẫn có thể sử dụng kết quả xét nghiệm âm tính gần đây nhất thay vì lịch sử tiêm vaccine để tham gia các sự kiện lớn hoặc khi vào hộp đêm. 

    Ông Javid nói: "Từ Thứ Tư 15/12, mọi người cần phải có xét nghiệm âm tính để được vào hộp đêm và các sự kiện lớn, trừ khi đã tiêm hai mũi vắc-xin”. Ông Javid cho biết quy tắc mới về mũi tiêm tăng cường sẽ được thực hiện khi chiến dịch tiêm vắc-xin được mở rộng hơn.

    Các chính sách mới sẽ được bỏ phiếu vào hôm nay 14/12, nhưng hầu như đã được thông qua khi ông Keir Starmer thông báo Đảng Lao động sẽ bỏ phiếu ủng hộ.

    15passHồ sơ vắc-xin được hiển thị trên ứng dụng NHS Covid

    Người dân có thể truy cập Covid pass trên ứng dụng NHS. Ứng dụng này cũng hiển thị các loại vắc-xin đã tiêm và thời điểm tiêm. Để chứng minh đã có kết quả xét nghiệm âm tính, người sử dụng cần báo cáo kết quả cho NHS bằng cách sử dụng mã QR. Sau đó NHS sẽ gửi email hoặc văn bản xác nhận.

    Matthew Taylor, giám đốc điều hành của NHS Confederation, nói với Guardian: "Mức độ lây nhiễm gia tăng nhanh chóng vì Omicron và NHS phải chịu nhiều áp lực, do vậy chúng tôi đang kêu gọi các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ Kế hoạch B''.

    ''Những biện pháp này là chưa đủ nhưng với dự báo cho thấy Omicron có thể gây ra 75,000 ca tử vong ở England và hơn 490,000 ca nhập viện vào cuối tháng 4, không thông qua kế hoạch này là vô trách nhiệm”.

    Ông Javid cho biết không phải tất cả mọi người đều bắt buộc tiêm liều tăng cường vào cuối tháng Giêng.

    Bộ trưởng nói: “Việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều từ những đồng nghiệp của chúng tôi ở NHS. Quan điểm chung là chúng tôi sẽ cố gắng tạo cơ hội để người trưởng thành tiêm tăng cường vào cuối tháng này''.

    ''Điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều phải tiêm tăng cường, nhưng một khi nhận được thông báo tiêm tăng cường, họ cần đến cơ sở NHS để được kiểm tra sức khỏe toàn diện và nhận tư vấn về việc tiêm hay không.”

    Viethome (Theo Metro)

  • Chính phủ Anh ngày 1/12 thông báo đã đặt mua thêm 114 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech và Moderna để tiêm mũi tăng cường cho người dân trong 2 năm tới.

    Các đơn hàng, gồm 60 triệu liều vaccine của Moderna và 54 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, được Anh đặt bổ sung sau khi xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Anh đặt mục tiêu trong 2 tháng tới sẽ tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi.

    Trước đó, nước này đã mở rộng diện đối tượng đủ tiêu chuẩn và rút ngắn khoảng cách giữa mũi tiêm thứ 2 và mũi tiêm thứ 3 xuống còn 3 tháng (so với 6 tháng theo khuyến cáo ban đầu). 

    Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid khẳng định vaccine là “vũ khí tối ưu” để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và các biến thể. Ông cũng cho biết đến nay Anh đã thực hiện hơn 115 triệu mũi tiêm, bao gồm cả mũi tăng cường. 

    anh dat mua 114 trieu lieu vaccine
    Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

    Hiện 80% dân số trên 12 tuổi ở Anh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 30% đã tiêm mũi tăng cường. Nhằm thúc đẩy mục tiêu tiêm 3,5 triệu mũi/tuần, Thủ tướng Boris Johnson cho biết sẽ mở thêm các điểm tiêm chủng và huy động thêm ít nhất 400 quân nhân tham gia hỗ trợ Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) tiến hành tiêm vaccine. 

    Dự kiến, trong ngày 2/12, Thủ tướng Johnson sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các hãng dược phẩm AstraZeneca, GSK và Pfizer để thảo luận việc hợp tác nhằm “đối phó với các biến thể mới xuất hiện và các đại dịch trong tương lai”. 

    * Tại Đan Mạch, Thủ tướng Mette Frederiksen ngày 1/12 tuyên bố tiêm vaccine và tiêm mũi nhắc lại là “siêu vũ khí” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và nỗ lực mở cửa các hoạt động kinh tế-xã hội ở nước này.  

    Viện Huyết thanh Statens (SSI) của Đan Mạch cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 5.120 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke, đến nay Đan Mạch đã phát hiện 7 ca nhiễm biến thể Omicron và 16 ca nghi nhiễm. 

    Thủ tướng Frederiksen cho rằng số ca mắc mới gia tăng một phần là do biến thể Omicron mới xuất hiện. Bà kêu gọi người cao tuổi, người dễ bị tổn thương, nhân viên y tế tuyến đầu và tất cả những người đã tiêm vaccine từ mùa Đông năm 2020 và mùa Xuân 2021 tiêm mũi tăng cường. 

    Theo SSI, tính đến nay, 14,5% dân số Đan Mạch, tức là 849.221 người đã tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Nước này bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng cho 135.000 trẻ em từ 5-11 tuổi vào tháng 11.

    Theo TTXVN

  • Ông Boris Johnson đã hứa sẽ cung cấp vắc-xin tăng cường cho tất cả người đủ điều kiện vào cuối tháng Giêng.

    Thủ tướng đã hứa sẽ "dồn mọi nguồn lực" vào đợt tiêm chủng trong hai tháng tới trong bối cảnh biến thể Omicron mới gây nhiều lo ngại. Người lớn tuổi và người dễ bị tổn thương sẽ được ưu tiên trong chương trình mới.

    Quân đội đã được điều động để hỗ trợ các nhân viên y tế sau khi các nhà khoa học đưa ra cảnh báo Omicron có thể là biến thể dễ lây nhiễm nhất.

    Giám đốc điều hành NHS England - Amanda Pritchard, tiết lộ các chuyên gia đang xem xét loại bỏ khoảng thời gian 15 phút chờ sau khi tiêm vắc-xin.

    Nếu được thực hiện, quyết định này sẽ "tăng số lượng người được tiêm chủng" trong khi lực lượng y tế làm việc với "tốc độ chóng mặt" để mở rộng chương trình triển khai vắc-xin.

    Sau tin tức tám ca mắc biến thể Omicron mới ở England được công bố, tổng số ca mắc trên toàn Vương quốc Anh đã tăng lên 13.

    Nhìn chung, đã có thêm 14 triệu người trưởng thành được tiêm tăng cường. JCVI đã khuyến nghị tiêm mũi thứ ba cho toàn bộ người trên 18 tuổi vào hôm 29/11.

    2johnsonÔng Johnson sẽ tiêm mũi vắc-xin tăng cường vào thứ Năm tới

    Khoảng cách tối thiểu giữa liều vắc-xin thứ hai và liều tăng cường đã giảm một nửa từ sáu tháng xuống ba tháng. Trong khi đó, tất cả học sinh từ 12 đến 15 tuổi sẽ được tiêm mũi thứ hai.

    Phát biểu tại cuộc họp báo trên phố Downing hôm thứ Ba 30/11, ông Johnson nói: "Chúng ta đã thực hiện gần 18 triệu lượt tiêm tăng cường trên khắp Vương quốc Anh, nhưng vẫn cần thực hiện hàng triệu mũi tiêm nữa để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Sau đó, chúng ta sẽ nhanh chóng chuyển xuống các nhóm tuổi khác và làm việc cùng với chính phủ độc lập, nhằm nâng cao năng lực tiêm chủng trên toàn Vương quốc Anh lên mức đã đạt được trong chiến dịch tiêm chủng trước đó".

    "Chúng tôi sẽ dồn toàn bộ nguồn lực để đảm bảo tất cả người đủ điều kiện được cung cấp mũi tiêm tăng cường, như tôi đã nói, chỉ trong hơn hai tháng nữa". Ông Johnson tiết lộ mình sẽ tiêm tăng cường vào thứ Năm 2/12, và kêu gọi Anh quốc "đừng cho virus cơ hội thứ hai".

    Thủ tướng nói trong cuộc họp báo: “Tôi đã kiên nhẫn chờ đợi lịch tiêm tăng cường của mình. Tôi vui mừng khi được thông báo tôi sẽ tiêm vào thứ Năm. Vì vậy, khi đến lượt, mọi người hãy chấp nhận tiêm và kêu gọi bạn bè và gia đình làm điều tương tự".

    "Đã đến lúc Anh thực hiện một chiến dịch tiêm chủng tuyệt vời khác. Chúng ta đã làm điều đó trước đây và chúng ta sẽ thực hiện lần nữa".

    Ngay khi cuộc họp báo bắt đầu, các nghị sĩ đã ủng hộ quy định mới, theo đó người dân phải đeo khẩu trang bên trong các cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng.

    Bất chấp những hạn chế mới, ông Johnson khẳng định Chính phủ không muốn người dân hủy bỏ tiệc Giáng sinh hoặc nhạc kịch. Ông Johnson đã không đồng ý với cố vấn Chính phủ - Tiến sĩ Jenny Harries. Tiến sĩ Jenny đã kêu gọi người Anh tránh tiếp xúc nếu không cần thiết trong dịp trước Giáng sinh.

    Viethome (Theo Metro)

  • Công ty Emergex có trụ sở tại Oxfordshire, Anh bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa Covid-19 mới dạng miếng dán, sử dụng tế bào T.

    Vaccine mới sẽ tạo ra tế bào T để nhanh chóng loại bỏ các tế bào nhiễm bệnh khỏi cơ thể, do đó ngăn chặn sự nhân lên của virus và có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài hơn so các loại vaccine hiện tại, Guardian đưa tin ngày 15/11.

    Trong khi các kháng thể được tạo ra bởi vaccine Covid-19 hiện tại bám vào virus và ngăn chúng lây nhiễm sang các tế bào, các tế bào T sẽ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus. Những loại vaccine khác như Pfizer/BioNTech và AstraZeneca cũng tạo ra phản ứng tế bào T nhưng ở mức độ thấp hơn.

    Công ty Emergex đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Thụy Sĩ “bật đèn xanh" để tiến hành các thử nghiệm ban đầu trên người ở Lausanne. 26 người tham gia thử nghiệm sẽ được tiêm liều lượng khác nhau, bắt đầu từ tháng 1/2022. Kết quả thử nghiệm ban đầu dự kiến ​​có vào tháng 6.

    mieng dan da vaccine covid 19
    Miếng dán vaccine ngừa Covid-19 của Emergex. Ảnh: Latch Medical.

    “Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý chấp thuận đưa vaccine Covid-19 vào thử nghiệm lâm sàng với mục đích duy nhất là tạo ra phản ứng tế bào T trong trường hợp cơ thể không có phản ứng kháng thể. Những tế bào T sẽ tìm kiếm các tế bào bị nhiễm bệnh và tiêu diệt chúng”, ông Robin Cohen, Giám đốc thương mại của công ty, cho biết.

    Các loại vaccine Covid-19 hiện tại chủ yếu tạo ra phản ứng kháng thể và suy yếu theo thời gian, đồng nghĩa với việc mọi người cần tiêm mũi nhắc lại để duy trì sự bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2.

    Vaccine Emergex hoạt động theo cách khác, bằng cách giết chết các tế bào bị nhiễm bệnh một cách nhanh chóng. Điều này có nghĩa là nó có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài hơn - có thể trong nhiều thập kỷ - và cũng có thể chống lại các biến chủng tốt hơn.

    Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tuần trước cho thấy một số người đã bị virus xâm nhập vào cơ thể nhưng tế bào T trong hệ miễn dịch đã giúp loại bỏ chúng ở giai đoạn sớm nhất.

    Vaccine thế hệ mới này sẽ được phát triển dưới dạng miếng dán vào da, có kích thước chỉ bằng móng tay cái, chứa những đầu kim siêu nhỏ. Vaccine có thể được bảo quản đến ba tháng ở nhiệt độ phòng, không cần phải trữ trong tủ đông hay tủ lạnh.

    Tuy nhiên, sớm nhất là đến năm 2025, vaccine của Emergex mới có sẵn trên thị trường.

    Theo Zing

  • Thủ tướng Boris Johnson cho biết nhiều người cao tuổi nhập viện do vaccine suy giảm hiệu quả, kêu gọi người dân tiêm liều tăng cường càng sớm càng tốt.

    "Chúng ta bắt đầu chứng kiến quá nhiều người cao tuổi nhập viện. Đáng buồn là hiệu quả vaccine Covid-19 thực sự suy giảm. Mũi tiêm tăng cường rất hiệu quả, đó là thứ tuyệt vời. Tỷ lệ bảo vệ tăng thêm tới 95%. Các bạn có thể đăng ký tiêm mũi tăng cường qua mạng nếu đã tiêm liều vaccine cuối cùng trước đó 5 tháng", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói hôm qua.

    hieu qua vaccine suy giam o anh
    Thủ tướng Boris Johnson gặp nhân viên y tế ở Hexham, miền bắc nước Anh, hôm 8/11. Ảnh: AFP.

    Triển khai mũi vaccine tăng cường là một trong những trọng tâm trong kế hoạch của chính phủ Anh nhằm tránh tái áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong mùa đông. Dữ liệu do hãng tin Reuters công bố tuần trước cho thấy hơn 60% người đủ tiêu chuẩn trên 50 tuổi đã được tiêm mũi tăng cường, trong khi tổng số người được tiêm liều vaccine này tại Anh là hơn 9 triệu.

    Bộ Y tế Anh cuối tuần trước thông báo mở đặt chỗ sớm một tháng cho những người sắp đủ thời hạn tiêm mũi tăng cường, nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai vaccine trước mùa đông. Người dân Anh trước đó phải chờ tối thiểu 6 tháng sau khi tiêm đủ hai mũi vaccine để đặt lịch tiêm liều tăng cường.

    Anh hôm qua ghi nhận hơn 32.300 ca nhiễm nCoV mới và thêm 57 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 9.333.891 và 141.862.

    Giới y tế Anh cảnh báo các bệnh viện ở nước này đang chịu nhiều áp lực, bất chấp số ca tử vong vì Covid-19 giảm mạnh nhờ chiến dịch tiêm vaccine. Vẫn có hơn 1.000 người nhập viện mỗi ngày vì Covid-19, khiến chuyên gia virus Stephen Griffin tại Đại học Leeds của Anh cảnh báo Hệ thống Y tế Quốc gia Anh (NHS) có thể sớm quá tải thêm một lần nữa.

    "Covid-19 không còn làm nhiều người phải điều trị trong khu chăm sóc tích cực (ICU) như quá khứ, nhưng nó vẫn chiếm một phần ba số bệnh nhân tại ICU và con số này vẫn tăng lên. Tôi không biết nhân viên NHS sẽ phải đương đầu thế nào cả về thể chất và tinh thần", Griffin nói.

    Thế giới đã ghi nhận 250.880.708 ca nhiễm nCoV và 5.065.070 ca tử vong, tăng lần lượt 339.024 và 4.744, trong khi 225.399.906 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

    VnExpress (theo Reuters)

  • Để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong mùa đông được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức sắp tới, Bộ Y tế Anh ngày 6/11 thông báo sẽ cho người dân đăng ký tiêm liều tăng cường 1 tháng trước khi họ đủ điều kiện để tiêm mũi vaccine này. 

    Thủ tướng Anh Boris Johnson đang sử dụng mũi vaccine tăng cường như một phần quan trọng trong kế hoạch ứng phó Covid-19 trong mùa đông tới. Ông muốn tránh kịch bản phải tái phong tỏa hoặc giãn cách xã hội.

    Tại vùng England, trong 5 người từ 50 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm liều tăng cường thì có khoảng 3 người đã tiêm tăng cường. Trên cả nước Anh, hơn 9 triệu người đã tiêm tăng cường. Từ tuần tới, người dân có thể đặt lịch tiêm chủng sau 5 tháng tiêm mũi thứ hai, thay vì sau 6 tháng theo quy định hiện nay. 

    "Điều này sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm tăng cường, bảo đảm Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) có khả năng tiêm cho người dân nhanh nhất có thể, và điều quan trọng là giúp có thêm nhiều người duy trì khả năng bảo vệ trước Covid-19 khi khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết. 

    Anh hiện ghi nhận trung bình 40.000 ca mắc mới/ngày. Dù vaccine đã giúp giảm đáng kể số ca tử vong do Covid-19, nhưng bác sĩ vẫn cảnh báo áp lực đang gia tăng bên trong các bệnh viện.

    nuoc anh tiem tang cuong
    Người dân đi bộ trên cầu Westminster, Anh, tháng 7/2021. (Ảnh: Reuters)

    Trong bối cảnh số ca mắc mới ở mức cao, Hội nghị Bộ trưởng Y tế liên bang và các bang của Đức ngày 5/11 đã nhất trí sẽ tiến hành tiêm mũi tăng cường cho tất cả người dân. Ngoài ra, giới chức y tế Đức cũng yêu cầu tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại các cơ sở dưỡng lão và chăm sóc người cao tuổi, đồng thời thắt chặt kiểm soát các biện pháp phòng dịch.

    Theo đó, việc tiêm mũi tăng cường cho mọi người đã tiêm mũi thứ hai ít nhất 6 tháng, không chỉ nhóm người từ 70 tuổi trở lên và nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế như khuyến nghị. Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh, Đức cần tăng tốc với mũi tiêm tăng cường nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư hiện nay khi tốc độ lây nhiễm đang nhanh chóng gia tăng.

    Các nhà chức trách Đức nhất trí tăng cường kiểm soát các quy định 3-G (gồm đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh và đã làm xét nghiệm với kết quả âm tính) tại tất cả các vùng miền, trong khi những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch phải áp dụng quy định 2-G (không tính các trường hợp làm xét nghiệm). Với những quy định này, chỉ những đối tượng đáp ứng các tiêu chí 3-G và 2-G mới được tham gia các sự kiện, vào nhà hàng, làm tóc... 

    Đến nay, Đức đã ghi nhận hơn 4,7 triệu ca mắc Covid-19 và 96.346 ca tử vong. Thực tế con số lây nhiễm còn cao hơn nhiều, bởi có nhiều người mắc bệnh song không có có triệu chứng.

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5/11 cho biết, tuần tới ông sẽ triệu tập cuộc họp trực tuyến của bộ trưởng ngoại giao các nước trên toàn cầu để thảo luận về đại dịch Covid-19.

    Trong một thông cáo, ông Blinken thông báo cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 10/11. “Dù chương trình vaccine trên toàn cầu đã đạt bước tiến, chúng ta vẫn chưa ở đúng nơi mà chúng ta cần ở”, Ngoại trưởng Mỹ đánh giá. 

    Ông cho biết thêm, tại hội nghị sắp tới, các bộ trưởng ngoại giao sẽ thảo luận về nỗ lực thúc đẩy công bằng vaccine.

    Trước đó, ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tổ chức họp trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo trên thế giới. Dịp này, ông Biden cam kết Mỹ sẽ mua hơn 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 để giúp đỡ các quốc gia khác. 

    Tại Mỹ, người dân được khuyến nghị tiêm liều vaccine tăng cường trước khi mùa đông đến. Nước này đang chịu áp lực chia sẻ thêm vaccine đối với phần còn lại của thế giới. 

    Theo baotintuc

  • Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc viên trị Covid-19 molnupiravir của hãng dược Mỹ Merck, được đánh giá đạt hiệu quả ấn tượng.

    "Hôm nay là ngày lịch sử của đất nước chúng ta, khi Anh là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc kháng virus có thể uống tại nhà để điều trị Covid-19", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết.

    Tuyên bố được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Anh (MHRA) phê duyệt sử dụng thuốc viên kháng virus molnupiravir của hãng dược khổng lồ Mỹ Merck để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và trung bình.

    "Đây sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với những người dễ bị tổn thương nhất và bị ức chế miễn dịch. Họ sẽ sớm được nhận phương pháp điều trị mang tính đột phá", Javid nói thêm.

    anh cap phep thuoc tri covid
    Thuốc kháng virus molnupiravir do hai công ty Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển, trong ảnh được công bố hồi tháng 9. Ảnh: Reuters

    Anh, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch, tháng trước thông báo đã đặt mua 480.000 liệu trình molnupiravir.

    Molnupiravir hoạt động bằng cách giảm khả năng sinh sôi của virus. MHRA cho biết các thử nghiệm của họ cho thấy thuốc "an toàn và có hiệu quả giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở ca Covid-19 từ nhẹ đến trung bình, những người có nguy cơ phát triển triệu chứng nặng".

    Dựa trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, thuốc hiệu quả nhất khi được dùng trong giai đoạn đầu mắc Covid-19 và MHRA khuyến cáo sử dụng thuốc trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Thuốc cũng được cấp phép sử dụng cho người có ít nhất một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh nặng, gồm béo phì, cao tuổi, tiểu đường và bệnh tim.

    Hãng dược Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics tháng trước nộp đơn đề nghị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt molnupiravir sau khi công bố dữ liệu từ nghiên cứu giai đoạn cuối cho thấy molnupiravir giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân Covid-19 trưởng thành ở mức độ nhẹ đến trung bình.

    Merck dự kiến sản xuất thuốc đủ 10 triệu liệu trình điều trị vào cuối năm và sản lượng sẽ tăng vào năm 2022. Chính phủ Mỹ đã đặt mua trước 1,7 triệu liệu trình molnupiravir với chi phí 1,2 tỷ USD.

    Các cơ quan quản lý dược ở Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã bắt đầu đánh giá loại thuốc này. Dù kết quả từ Merck mang nhiều hứa hẹn, giới chức y tế công cộng vẫn khuyến cáo tiêm chủng là giải pháp tốt nhất chống Covid-19.

    VnExpress (theo AFP)

  • Hàng trăm trung tâm tiêm chủng trên khắp England hiện đang cung cấp dịch vụ tiêm tăng cường vắc-xin Covid-19 không cần hẹn trước, trong khi NHS chuẩn bị cho một “mùa đông đầy thử thách”.

    Kể từ đầu tuần này, người đã tiêm liều thứ hai cách đây ít nhất sáu tháng đều có thể tiêm mũi nhắc lại.

    Tiến sĩ Nikki Kanani - phó trưởng chương trình tiêm chủng NHS Covid-19, cho biết: “Nhân viên NHS đang giúp mọi người tiêm vắc-xin bổ sung một cách dễ dàng nhất có thể và kể từ hôm nay, chúng ta có thể sử dụng internet, tìm địa điểm tiêm ở gần nhất và đi tiêm ngay lập tức. Liều vắc-xin tăng cường thực sự quan trọng để bảo vệ người dân trước một mùa đông đầy thử thách. Vì vậy, nếu đủ điều kiện, vui lòng tra cứu và đi tiêm”.

    2vaxHệ thống y tế Anh đang gấp rút chuẩn bị cho những tháng sắp tới

    Động thái này được công bố sau khi Anh ghi nhận thêm 38,009 ca mắc mới vào Chủ nhật 31/10, cùng với 74 trường hợp tử vong khác.

    NHS England cho biết hơn sáu triệu người đã tiêm liều tăng cường hoặc liều thứ ba. Người có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng được tiêm liều thứ ba.

    Cơ quan này cho biết hầu hết người đã đăng ký với bác sĩ gia đình thì trong vòng 10 dặm xung quanh họ chắc chắn có một địa điểm tiêm chủng cố định.

    Người được tiêm nhắc lại là: những người từ 50 tuổi trở lên, người sống và làm việc tại các cơ sở chăm sóc, nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên chăm sóc xã hội, người từ 16 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh nặng nếu nhiễm Covid-19, người từ 16 tuổi trở lên và là người chăm sóc chính cho người dễ bị tổn thương, người từ 16 tuổi trở lên sống với người có nguy cơ nhiễm vi-rút cao.

    Hôm Chủ nhật, Thủ tướng Boris Johnson đã kêu gọi người đủ điều kiện chấp nhận tiêm tăng cường. Khi được hỏi về các hạn chế coronavirus trong chuyến đi tới hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome vào Chủ nhật, ông Johnson nói: “Tôi nghĩ thay vì nghĩ ra những hạn chế mới, điều tốt nhất mọi người có thể làm là tiêm tăng cường ngay khi có thể. Đây là thông điệp rất quan trọng".

    "Những người đã tiêm hai mũi vắc-xin có thể bị suy giảm khả năng miễn dịch. Thật đáng buồn nếu có ai đó gặp biến chứng vì quá tự tin về mức độ miễn dịch của mình và không tiêm tăng cường khi cần thiết. Do vậy, làm ơn hãy chấp nhận tiêm tăng cường”.

    Viethome (Theo Metro)