• Chính phủ Anh ca ngợi chương trình chủng ngừa Covid-19 của họ là "thành công lớn" sau khi một nửa số người trưởng thành nước này đã được tiêm vaccine.

    Bộ trưởng Y tế Matt Hancock hôm nay cho biết nỗ lực tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử Anh, bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, "đạt được những bước tiến lớn" sau số người được tiêm chủng đạt mức kỷ lục hôm 19/3.

    00163c24 1600

    "Tôi hoàn toàn vui mừng thông báo với bạn rằng chúng tôi đã tiêm chủng cho một nửa dân số trưởng thành của Anh. Đó là thành công lớn", ông Hancock nói trong video đăng trên Twitter. "Điều này rất quan trọng bởi vaccine là con đường thoát khỏi đại dịch".

    Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/3 đã tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên tại một bệnh viện ở thủ đô London, nơi ông từng điều trị Covid-19 gần một năm trước.

    Anh đã tiêm chủng gần 27 triệu người và số người tiêm trung bình mỗi ngày trong tuần này là 421.000 người, theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế.

    Tuy nhiên, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) trong thư gửi tới các trung tâm tiêm chủng địa phương cảnh báo lượng vaccine sẽ "bị hạn chế đáng kể" trong 4 tuần từ ngày 29/3 do thiếu nguồn cung từ Viện Serum Ấn Độ, nơi sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Cơ quan này nói thêm giai đoạn tiêm chủng tiếp theo cho người trên 40 tuổi sẽ phải tạm dừng tới tháng 5.

    Tuy nhiên, chính phủ nhấn mạnh sự đình trệ này sẽ không làm thay đổi kế hoạch nới phong tỏa trong những tháng tới.

    Câu chuyện thành công của Anh tương phản với tình hình của châu Âu, nơi đang chật vật với chiến dịch tiêm chủng và đối mặt đợt bùng phát mới. Vaccine AstraZeneca đã bị đình chỉ sử dụng ở một số nước Liên minh châu Âu (EU) tháng này để chờ báo cáo từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), sau nhiều trường hợp đông máu và xuất huyết não. Tuy nhiên, EMA đã phê duyệt lại vaccine này vào ngày 18/3 và một số quốc gia đã nối lại chiến dịch tiêm chủng.

    VnExpress (theo AFP)

  • Các chuyên gia cho rằng EU đã quá vội vã khi đình chỉ tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca khi chưa có bằng chứng gây đông máu.

    Chỉ trong vài ngày, chiến dịch tiêm phòng Covid-19 tại gần như toàn bộ Tây Âu bị đình trệ. Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy và hơn 10 nước khác tạm ngừng triển khai vaccine AstraZeneca như biện pháp phòng xa sau các trường hợp tử vong, đông máu. Quyết định đi ngược lời khuyên của các cơ quan y tế toàn cầu.

    Một số quốc gia vẫn đứng về phía vaccine, như Anh. Đến nay, nước này đã sử dụng 11 triệu liều. Dữ liệu thực tế cho thấy vaccine giảm tỷ lệ nhiễm trùng và nhập viện do mắc Covid-19.

    Hành động vội vàng của một số nước châu Âu khiến giới chuyên gia ngạc nhiên, gây hoang mang cho những người đã hoặc sắp được tiêm chủng. Song, các nhà khoa học tỏ ra bình tĩnh. Khi đặt đúng bối cảnh, số ca đông máu được báo cáo rất hiếm so với lượng người đã tiêm vaccine, không cao hơn tỷ lệ trung bình trong dân số. Vaccine của AstraZeneca được chứng minh là làm giảm số ca mắc Covid-19 nghiêm trọng.

    "Tôi không biết tại sao các quốc gia ngừng tiêm vaccine AstraZeneca. Điều này đối với tôi thực sự khó hiểu", Michael Head, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu, Đại học Southampton, nhận định.

    Ông nói thêm: "Vaccine để bảo vệ người dùng khỏi virus. Vì vậy, việc tạm ngừng chiến dịch mà không có lý do chính đáng vào thời điểm này là động thái không hay ho".

    Hậu quả nhãn tiền của việc ngừng dùng vaccine lớn hơn. Người dân đang trì hoãn tiêm chủng và không thể có miễn dịch. "Tôi lo rằng mọi người khắp châu Âu sẽ do dự khi tiêm vaccine", Head nói.

    Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói vaccine "hầu như không hiệu quả" ở người trên 65 tuổi. Ông Head cho rằng bình luận này "vô nghĩa", nhấn mạnh mối lo về chứng đông máu có thể làm phức tạp hóa quá trình triển khai vaccine. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tâm lý hoài nghi đang tăng lên ở Pháp.

    Lập trường của châu Âu không nhất quán

    Kể từ khi vaccine AstraZeneca được triển khai cuối tháng 1, châu Âu có lập trường không nhất quán. Trong vài tuần, một số nước EU chỉ trích công ty vì không cung cấp đủ liều lượng cam kết, nghi ngờ hiệu quả của vaccine với người lớn tuổi rồi lại đổi quan điểm, chặn các lô hàng rời lục địa và đến nay là ngừng tiêm chủng do lo ngại chứng đông máu.

    Head nói: "Vaccine AstraZeneca luôn là vấn đề gây tranh cãi, vì lý do gì đó mà tôi chẳng hiểu nổi. Tất cả thay đổi nếu nhìn theo phương diện khoa học. Ở góc độ này, vaccine an toàn, hiệu quả, là sản phẩm tốt".

    merlin 180213495 1db99cf7 de7f 1545 8644 1615950357
    Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine AstraZeneca tại Đại học Oxford. Ảnh: NY Times

    Mới đây nhất, ba nước lớn của châu Âu là Pháp, Đức và Italy ngừng tiêm vaccine. Đan Mạch cũng đình chỉ sử dụng sản phẩm trong hai tuần do các báo cáo về hiện tượng đông máu, một người tử vong. Na Uy có động thái tương tự hôm 15/3.

    Tất cả triệu chứng chưa được xác nhận là liên quan đến vaccine.

    Ngừng tiêm chủng chỉ để phòng xa

    Kể từ đó, hầu như toàn bộ Tây Âu ngừng sử dụng sản phẩm. Chính quyền không quên khuyến cáo người dân đây chỉ là biện pháp phòng xa trong khi chờ đợi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đánh giá các ca bệnh. Giới chuyên gia ngạc nhiên với động thái này, song cho biết việc đình chỉ chiến dịch tiêm chủng không phải điều hiếm gặp.

    "Nó là một phần của quy trình cơ bản. Điều này xảy ra suốt, chỉ là chẳng ai quan tâm nếu không ở giữa đại dịch", Jon Gibbins, giám đốc Viện Nghiên cứu Tim mạch và Chuyển hóa tại Đại học Reading, nhận định.

    EMA họp vào ngày 18/3. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân tích các báo cáo kể từ ngày 16/3. Cả hai cơ quan đều cho biết chưa có bằng chứng vaccine gây đông máu. EMA nói thêm lợi ích của nó lớn hơn rủi ro.

    Các nước đang chờ đợi hướng dẫn từ EMA, nhưng nhiều nơi đã bày tỏ mong muốn nối lại chương trình tiêm chủng sớm. Thủ tướng Ireland Micheál Martin hy vọng các câu hỏi xung quan vaccine AstraZeneca được giải đáp cuối tuần này.

    Tỷ lệ đông máu rất ít

    Dù các ca đông máu, thuyên tắc phổi và tử vong có liên quan đến vaccine hay không, tỷ lệ của chúng cũng rất ít so với số người được tiêm phòng. Trong 1,7 triệu liều tiêm, Đức phát hiện 7 trường hợp đông máu, theo Dirk Brockmann, nhà dịch tễ học tại Viện Robert Koch, cho biết.

    Cơ quan Dược phẩm Na Uy cho biết có ba bệnh nhân đang được điều trị do triệu chứng hiếm gặp, lượng tiểu cầu thấp, đông máu trong mạch lớn và xuất huyết. Biểu hiện tương tự chưa xuất hiện ở những người khác đã tiêm vaccine.

    Một phòng thí nghiệm Hà Lan nhận được 10 báo cáo về chứng máu đông, nhưng người dùng có tình trạng khác hoàn toàn với các ca ở Na Uy. Các sự cố không đủ nhiều để khiến chuyên gia lo ngại.

    Tuần trước, Hiệp hội Huyết khối và Rối loạn Đông máu Quốc tế (ISTH) khuyến cáo người trưởng thành đủ điều kiện nên tiếp tục tiêm vaccine Covid-19. "Số lượng nhỏ trường hợp đông máu giữa hàng triệu người tiêm chủng không cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa hai yếu tố này", các chuyên gia nhận định.

    Hiệp hội nói thêm: "Dựa trên các dữ liệu có sẵn, ISTH tin rằng lợi ích vaccine vượt trội hơn bất cứ biến chứng tiềm ẩn nào, ngay cả với người có tiền sử đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu".

    Ông Gibbins có quan điểm tương tự. Ông nói: "Con số quá nhỏ, không cao hơn tỷ lệ chung trong dân số".

    Đông máu hoặc huyết khối xảy ra vì nhiều lý do. Huyết khối tĩnh mạch khá phổ biến. Cứ 1.000 người thì một đến hai người mắc bệnh này. Nguy cơ đông máu tăng lên theo tuổi tác, nguy hiểm hơn với người có bệnh nền. Huyết khối xảy ra ngẫu nhiên ở một số người tiêm vaccine là điều bình thường, ông Gibbins nhận định.

    "Khi bạn bắt đầu tiêm chủng cho hàng triệu người, tình trạng này sẽ xảy ra liên tục, không tránh được. Nhưng điều đó không có nghĩa vaccine gây đông máu", ông nói. "Theo những gì quan sát được từ hàng triệu liều vaccine AstraZeneca, tỷ lệ tác dụng phụ nghiêm trọng là một trên một triệu".

    Song ông cũng nhấn mạnh các ca đông máu tại Đức đáng lưu tâm. "Huyết khối tĩnh mạch xoang sọ là dạng hiếm gặp, tỷ lệ là 5 trên một triệu bệnh nhân".

    Dữ liệu nói lên điều gì?

    AstraZeneca đã kiểm tra lại dữ liệu an toàn hôm 14/3, xem xét cẩn thận hồ sơ của 17 triệu người dùng ở EU và Anh, một lần nữa nhấn mạnh "không có bằng chứng" vaccine liên quan đến đông máu. Trong hàng triệu người, có 15 trường hợp huyết khối tính mạch sâu và 22 ca thuyên tắc phổi, thấp hơn so với quy mô dân số nói chung.

    "Nhìn chung là vaccine đang hiệu quả tuyệt vời", ông Gibbins nói.

    "Người tiêm chủng khắp châu Âu, nơi vẫn trong giai đoạn đầu của đợt triển khai, chủ yếu cao tuổi, dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng. Vì vậy, tỷ lệ đông máu ở nhóm này cũng lớn hơn", ông Head, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu, Đại học Southampton, nói thêm.

    Điểm đáng lưu ý là vaccine bảo vệ con người khỏi Covid-19 - căn bệnh gây đông máu. "Một thứ mà chúng tôi hoàn toàn chắc chắn là người nhiễm nCoV, đặc biệt là phải nhập viện, có nguy cơ đông máu cao".

    Vaccine có gây đông máu không?

    Các chuyên gia đồng tình vaccine khó gây đông máu, nhưng không phải không thể. Trước đây, một số loại vaccine để lại tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Trong dịch cúm lớn H1N1 2009, một trong những loại vaccine được sử dụng cuối cùng gây ra chứng ngủ rũ. Dù vậy, dữ liệu đến nay vẫn cho thấy tình trạng này không đủ nguy hiểm để ngừng tiêm chủng.

    Stephen Griffin, trưởng nhóm nghiên cứu Antiviral & Viral Oncology tại Leeds, cho rằng: "Tôi khẳng định là việc tiếp tục tiêm chủng Covid-19 có lợi nhiều hơn so với đình chỉ chiến dịch, vì mối liên hệ (giữa vaccine và đông máu) rất nhỏ. Nguy cơ người dân mắc bệnh cao hơn nhiều so với bất cứ tác dụng phụ của bất kể loại vaccine nào".

    Hậu quả nhãn tiền của việc ngừng dùng vaccine lớn hơn. Người dân đang trì hoãn tiêm chủng và không thể có miễn dịch.

    VnExpress (Theo CNN)

  • Theo một báo cáo, một bà mẹ đơn thân 39 tuổi ở Utah đã chết bốn ngày sau khi tiêm liều vắc-xin Moderna COVID-19 thứ hai.

    Kassidi Kurill, người mẹ đơn thân của một đứa trẻ đến từ Ogden, Utah, Mỹ, đã tiêm vắc-xin  do công việc của cô ấy là kỹ thuật viên cho một số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, KUTV đưa tin .

    “Con tôi hoàn toàn ổn khi tiêm vắc xin. Trên thực tế, con tôi còn nói với tất cả chúng tôi, ‘Không sao đâu, tất cả mọi người đều nên tiêm vắc xin’, “cha cô, Alfred Hawley nói 

    me don than vaccine

    Kurill bị đau cánh tay sau khi tiêm mũi đầu tiên của Moderna, nhưng không có tác dụng phụ nào khác.

    Nhưng mọi thứ diễn ra một cách bi thảm sau khi cô nhận được liều thứ hai vào ngày 1 tháng Hai.

    Hawley kể lại rằng: “ tim cô ấy đang đập mạnh và cô ấy cảm thấy cần phải đến phòng cấp cứu.”

    Khi họ đến phòng cấp cứu, Kurill bị nôn ói. Hawley, nói với các bác sĩ rằng con gái ông vừa nhận được mũi tiêm thứ hai.

    “Họ đã làm xét nghiệm máu và ngay lập tức quay lại và nói rằng gan của cô ấy không hoạt động được,”Hawley nói với KUTV.

    Chị gái của Kurill, Kristin, sống ở Arizona, cho biết cô biết em gái mình đã đến bệnh viện, nhưng bệnh tình chuyển xấu là “quá bất ngờ.”

    Kurill nhanh chóng được đưa đến Trung tâm Y tế Intermountain ở Murray, một trung tâm chấn thương, vì gan của cô đang bị hỏng và một ca cấy ghép được cho là cơ hội sống sót tốt nhất của cô.

    Kristin cũng có mặt tại bệnh viện nhưng không được phép vào vì giao thức coronavirus, vì vậy cô đã chờ đợi cùng con gái của em gái mình, Emilia, 9 tuổi, và cả gia đình hy vọng vào một phép màu.

    Cha mẹ của Kurill tình nguyện hiến một phần gan của họ nhưng không bao giờ có cơ hội để tặng món quà cứu sống khi gan, thận và tim của con gái họ ngừng hoạt động.

    Cô qua đời 30 giờ sau khi đến bệnh viện.

    Theo KUTV, một cuộc khám nghiệm đã được thực hiện trên thi thể của Kurill nhưng Văn phòng Giám định Y khoa của bang không thể bình luận về vụ việc do luật riêng tư. 

    Tiến sĩ Erik Christensen, giám định viên y tế chính của Utah, nói với cảnh sát rằng việc chứng minh thương tích do vắc-xin là nguyên nhân gây tử vong hầu như không bao giờ xảy ra.

    “Vắc xin có gây ra điều này không? Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ rất khó để chứng minh trong khám nghiệm tử thi, ”ông nói.

    Christensen cho biết ông có thể nghĩ đến một trường hợp vắc xin có thể được liệt kê là nguyên nhân tử vong trên báo cáo khám nghiệm tử thi – một trường hợp sốc phản vệ tức thì, một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nơi một người chết gần như ngay lập tức sau khi được tiêm chủng.

    “Nói tóm lại, chúng tôi sẽ rất khó để khẳng định chắc chắn nguyên nhân là do vắc-xin,” ông nói

    Gia đình của Kurill hy vọng nhận được câu trả lời nhưng nhận ra rằng họ có thể không bao giờ biết chắc chắn điều gì đã cướp đi mạng sống của người thân yêu của họ.

    Theo báo cáo của Fox News, trong khi các phản ứng phụ từ vắc-xin là phổ biến, nhưng trường hợp tử vong là rất hiếm, theo báo cáo của Fox News .

    Theo Hệ thống Báo cáo Sự kiện Có hại về Vắc-xin của CDC, khoảng 92 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã được sử dụng tại Hoa Kỳ từ ngày 14 tháng 12 đến ngày 8 tháng 3.

    Trong số 92 triệu người đó, VAERS đã nhận được 1.637 báo cáo về cái chết (0,0018%) trong số những người được tiêm,

    CDC cho biết trên trang web của mình: “Cho đến nay, VAERS chưa phát hiện ra các nguyên nhân gây tử vong cho thấy vấn đề an toàn với vắc xin COVID-19.

    Con gái của Kurill – có bố là viên chức và là thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia đi công tác – nên cô bé sẽ tiếp tục sống với ông bà ngoại.

    Theo Baocalitoday

  • Thủ tướng Boris Johnson khẳng định vaccine Covid-19 của AstraZeneca an toàn và chính phủ Anh rất tự tin sử dụng vaccine này trong chiến dịch tiêm chủng.

    "Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) là một trong những đơn vị quản lý khắt khe và giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới. Họ đều không thấy có lý do nào để ngừng chương trình tiêm chủng", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hôm 15/3, đề cập về chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

    Khi được hỏi liệu ông có thể trấn an người dân rằng vaccine này an toàn hay không sau khi một loạt nước báo cáo các trường hợp biến chứng đông máu sau khi tiêm, Thủ tướng Anh khẳng định: "Đương nhiên, tôi có thể".

    "Chúng tôi tiếp tục rất tự tin về chiến dịch tiêm vaccine AstraZeneca và thật tuyệt khi chứng kiến chiến dịch này được triển khai nhanh chóng trên toàn Vương quốc Anh", Johnson nói.

    6047675e260000d300d84bd4 1468 1615857197
    Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ số 10 phố Downing, London, hôm 8/3. Ảnh: Reuters.

    Nhiều quốc gia gần đây đã dừng tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca do lo ngại xảy ra tình trạng đông máu, được báo cáo ở Đan Mạch và Na Uy. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đều khuyến cáo các nước nên tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca.

    Hãng dược AstraZeneca cũng khẳng định đã phân tích dữ liệu an toàn với hơn 10 triệu hồ sơ và không tìm ra bằng chứng nào cho thấy vaccine của họ có nguy cơ tăng đông máu ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính, lứa tuổi hay quốc gia cụ thể nào

    Vaccine Covid-19 do hãng AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford, Anh, đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Anh và Liên minh châu Âu (EU). Tính đến ngày 10/3, khoảng 5 triệu người ở châu Âu đã được tiêm loại vaccine này.

    VnExpress (theo Reuters)

  • Chuyên gia y tế lo ngại sự chủ quan của người dân sau khi Covid-19 suy yếu và chiến dịch tiêm chủng thành công có thể dẫn đến đợt bùng phát mới.

    Giữa tháng 3, các công viên ở London, từng là tâm dịch của đợt bùng phát tồi tệ nhất, chật kín người chơi bóng đá. Những khu phố mua sắm ngày càng nhộn nhịp dù các cửa hàng không thiết yếu vẫn dừng hoạt động. Dữ liệu công bố hôm 12/3 cho thấy tỷ lệ người ở nhà hoặc chỉ đi làm rồi về nhà đã giảm từ 65% xuống 48% so với hai tháng trước. Ngay cả người trên 80 tuổi, có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao nhất, cũng vi phạm nguyên tắc y tế trong khoảng 3 tuần sau tiêm vaccine.

    So với hầu hết các nước châu Âu, Anh có chiến dịch tiêm chủng thần tốc. Đến nay, khoảng 34% công dân nước này đã nhận ít nhất một liều vaccine, cao hơn so với con số 7% của toàn lục địa. Quốc gia đứng trước hy vọng nới phong toả, mở cửa nền kinh tế. Song các chuyên gia cảnh báo sự chủ quan của người dân có thể đẩy đất nước vào một đợt bùng phát mới.

    Đối với chính quyền Thủ tướng Boris Johnson, xử lý đại dịch ngay lúc này là cơ hội chuộc lỗi sau khi quốc gia ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao nhất châu Âu. Yvonne Doyle, giám đốc y tế tại Giám đốc Cơ quan Y tế Anh, cho biết: "Điều cuối cùng chúng ta muốn thấy bây giờ là tỷ lệ tử vong và nhập viện tăng trở lại. Chúng ta vẫn đang trong tình trạng bấp bênh, rất dễ xảy ra đợt bùng phát mới".

    Dữ liệu Y tế Công cộng Anh cho thấy tỷ lệ ca nhiễm đã giảm ở mọi khu vực và các nhóm tuổi trong tuần đầu tiên của tháng 3. Giới chức cho rằng điều này chứng tỏ vaccine và các biện pháp giãn cách khắt khe đã phát huy tác dụng. Hôm 12/3, Anh ước tính tỷ lệ lây nhiễm đang ở mức thấp nhất kể từ khi nước này ghi nhận ca mắc đầu tiên vào tháng 5.

    Tuy nhiên, trên khắp lục địa, nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch còn âm ỉ. Đức cảnh báo về làn sóng Covid-19 thứ ba. Italy đặt phần lớn đất nước trở lại tình trạng phong tỏa.

    800x 1 8447 1615697795
    Người dân ngồi chờ tàu điện tại Ga Quốc tế St. Pancras ở London. Ảnh: Bloomberg

    Chính phủ Anh đã liên tục bị chỉ trích vì dập dịch không tốt trong cả năm vừa qua. Một cuộc điều tra của quốc hội cho thấy chương trình xét nghiệm và truy vết không hiệu quả, dù chi phí "không tưởng" ban đầu là 22 tỷ bảng (39,6 tỷ USD).

    Mùa hè năm ngoái, chính phủ chủ động khuyến khích người dân đi ăn bên ngoài - một phần trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Sau khi virus bùng phát trở lại, lần này, ông Johnson thận trọng hơn trong nới hạn chế. Ngày 22/2, ông đưa ra lộ trình dỡ lệnh phong toả theo từng giai đoạn trong 4 tháng tới. Ngày 8//3, các trường học mở cửa trở lại. Song ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy công chúng đã mất dần kiên nhẫn. Các thành viên trong Đảng Bảo thủ của chính Johnson cũng thúc đẩy ông mở cửa nền kinh tế sớm hơn.

    Dù vẫn có lệnh giãn cách xã hội, lượng người đi lại bên ngoài vẫn ở mức 77%, cao hơn nhiều so với giữa tháng 1. Việc sử dụng phương tiện giao thông tăng nhẹ, nhiều người di chuyển đến thủ đô hơn hai tháng trước. Bất chấp việc cửa hàng không thiết yếu dừng hoạt động, nhiều người ra ngoài mua sắm hơn so với thời điểm bắt đầu đợt giãn cách lần thứ ba.

    Diane Wehrle, giám đốc thông tin tại công ty nghiên cứu Springboard, cho biết: "Đây là hệ quả của sự mệt mỏi vì phải ở nhà, nhu cầu được đi mua sắm và thái độ chủ quan vì sự thành công của chương trình vaccine".

    Đối với Mike Tildesley, học giả tại Đại học Warwick, cố vấn chính phủ về mô hình đại dịch, rủi ro lớn nhất là người cao tuổi đã được tiêm phòng "nghĩ rằng họ bất khả chiến bại". Từ khi triển khai vaccine, Anh tập trung tiêm liều đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt. Dù tỷ lệ tiêm một liều cao hơn so với EU, những người đã tiêm đủ hai liều tại Anh chỉ là 2%, thấp hơn con số 3% của châu Âu.

    Tildesley nói: "Nếu mọi người lơ là biện pháp phòng ngừa, nghĩ rằng vaccine bảo vệ quá tốt, họ có thể làm tổn hại đến những thành công chúng ta đạt được. Chúng ta cần thông điệp thực sự rõ ràng, rằng các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng cho tất cả mọi người, dù đã tiêm chủng hay chưa".

    VnExpress (Theo Bloomberg)

  • Với việc đã tiêm chủng cho 85% dân số, hòn đảo Corvo thuộc Bồ Đào Nha được cho là nơi đầu tiên ở châu Âu có miễn dịch cộng đồng đối với đại dịch Covid-19.

    Corvo là hòn đảo nhỏ nhất thuộc quần đảo Azores của Bồ Đào Nha. Tới ngày 12/3, hòn đảo đã hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 liều thứ hai cho 332 người, tương đương 85% dân số hòn đảo và 95% số người được phép tiêm vaccine, Reuters đưa tin.

    Miễn dịch cộng đồng xảy ra khi đủ số người trong một cộng đồng có khả năng miễn dịch chống lại bệnh truyền nhiễm, qua đó ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ dịch bệnh lây lan. Các chuyên gia cho biết khoảng 50-70% người trong cộng đồng được tiêm vaccine có thể giúp kích hoạt miễn dịch cộng đồng.

    "Corvo đang chìm trong không khí ăn mừng. Từ nay chúng tôi sẽ cảm thấy an toàn", ông Antonio Salgado, bác sĩ duy nhất của đảo Corvo, cho biết.

    corvo
    85% dân sống trên đảo Corvo đã được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters.

    "85% người dân được tiêm chủng là một cột mốc đáng nhớ", ông Borges nói.Trong khi đó, điều phối viên chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của chính phủ Bồ Đào Nha tại Azores, ông Gustavo Borges, cho biết Corvo sẽ là nơi đầu tiên tại châu Âu thực hiện "tiêm chủng vaccine trên diện rộng cho toàn bộ người dân".

    Đảo Corvo rộng khoảng 17 km2. Hòn đảo này có dân số gần 400 người. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hòn đảo mới chỉ ghi nhận 1 ca dương tính với virus corona.

    Corvo là một phần thuộc khu tự trị Azores của Bồ Đào Nha. Chính quyền khu tự trị Azores cho phép tiêm vaccine cho tất cả người trên 16 tuổi ở Corvo ngay trong giai đoạn tiêm chủng đầu tiên.

    Trên toàn Bồ Đào Nha, dịch bệnh đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Tới thời điểm hiện tại, nước này đã ghi nhận khoảng 813.000 ca dương tính với virus corona. Số ca tử vong vì Covid-19 ở Bồ Đào Nha là 16.650 trường hợp.

  • Hà Lan trở thành quốc gia mới nhất thông báo tạm ngưng chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 do AstraZeneca sản xuất vì lo ngại tác dụng phụ từ chế phẩm này, theo Reuters.

    Chính phủ Hà Lan ngày 14/3 (giờ địa phương) cho biết nước này sẽ ngưng sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho đến ngày 29/3.

    Quyết định nói trên sẽ khiến kế hoạch tiêm chủng của Hà Lan chững lại. Quốc gia Tây Âu này trước đó đã đặt hàng 12 triệu liều vaccine của AstraZeneca.

    Giới chức y tế Hà Lan đã lên lịch tiêm 290.000 mũi trong nửa sau của tháng 3. Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch khống chế dịch Covid-19 ở Hà Lan, nơi đã ghi nhận 1,15 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có hơn 16.000 trường hợp tử vong, theo Worldometers.

    Chính phủ Hà Lan cho biết động thái tạm hoãn nói trên xuất phát từ những lo ngại về tác dụng phụ của vaccine của AstraZeneca được ghi nhận ở Đan Mạch và Na Uy.

    17608482 101

    Ngày 11/3, Đan Mạch đã ngưng sử dụng vaccine Covid-19 do AstraZeneca phát triển sau khi phát hiện một số cục máu đông trên cơ thể một phụ nữ 60 tuổi được tiêm chủng trước đó. Theo giới chức y tế Đan Mạch, mũi vaccine tiêm cho người này cùng đợt với lượng vaccine được triển khai tại Áo.

    Na Uy và Iceland sau đó cũng nối gót Đan Mạch trong việc đình chỉ kế hoạch vaccine Covid-19. Italy và Romania cũng tạm dừng việc tiêm chủng vaccine AstraZeneca cho người dân, theo New York Times.

    Vào ngày 13/3, giới chức Na Uy cho biết ba nhân viên y tế nước này bị xuất huyết, đông máu và hạ tiểu cầu sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca.

    Trong cuộc họp báo của Bộ Y tế Thái Lan vào ngày 12/3, Trưởng khoa Y dược Prasit Watanapa của Bệnh viện Siriraj xác nhận Thái Lan sẽ ngừng tiêm chủng vaccine AstraZeneca.

    "Dù vaccine của AstraZeneca có chất lượng cao nhưng một số quốc gia đã tạm dừng chương trình tiêm chủng loại này", cố vấn Ủy ban Vaccine Covid-19 Thái Lan Piyasakol Sakolsatayadorn nói. "Chúng tôi cũng sẽ hoãn kế hoạch triển khai (vaccine AstraZeneca)".

    Trong một tuyên bố, AstraZeneca cho biết họ không tìm thấy bằng chứng về việc tăng nguy cơ thuyên tắc phổi hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu, theo dữ liệu thu được từ 10 triệu người đã tiêm vaccine của hãng này.

    Trong một cuộc họp báo vào ngày 12/3, phát ngôn viên Margaret Harris của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/3 cho biết chưa tìm thấy lý do để ngưng sử dụng vaccine Covid-19 do AstraZeneca phát triển.

    "Đúng vậy, chúng ta nên tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca", bà Harris khẳng định.

    Zing (theo Reuters)

  • Chính phủ Anh khẳng định vaccine Covid-19 của AstraZeneca "an toàn và hiệu quả" sau quyết định đình chỉ của Đan Mạch cùng nhiều nước khác.

    "Chúng tôi đã nói rõ rằng vaccine của AstraZeneca vừa an toàn, vừa hiệu quả. Khi được đề nghị tiêm vaccine AstraZeneca , mọi người nên tự tin làm điều này", phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay trả lời báo chí.

    "Trên thực tế, mọi người đang bắt đầu thấy kết quả của chương trình tiêm chủng khi chứng kiến số ca nhiễm thấp hơn trên toàn quốc, cũng như số trường hợp tử vong và nhập viện", người phát ngôn nói thêm.

    000 94Q7VK 1339 1615473130
    Nhân viên y tế cầm một ống tiêm và một lọ vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP.

    Anh khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới hồi tháng 12/2020, phần lớn sử dụng vaccine do hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford, cùng vaccine của hãng dược Mỹ Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech.

    Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Đan Mạch hôm nay tuyên bố tạm ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca trong 14 ngày theo nguyên tắc phòng ngừa, "sau những báo cáo về các ca đông máu nghiêm trọng" giữa những người được tiêm loại vaccine này. Mặc dù vậy, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh lưu ý Đan Mạnh đã nhấn mạnh chưa xác định được mối liên hệ giữa vaccine và tình trạng bị đông máu.

    Hôm 8/3, Áo cũng thông báo đình chỉ sử dụng một lô vaccine AstraZeneca, sau khi một y tá 49 tuổi tử vong vì "các vấn đề đông máu nghiêm trọng", vài ngày kể từ khi tiêm chủng. 4 quốc gia châu Âu khác, gồm Estonia, Latvia, Lithuania và Luxemburg, cũng ngừng sử dụng vaccine từ lô này.

    Khi được hỏi liệu các cố vấn khoa học và y tế của chính phủ Anh có liên hệ với phía Đan Mạch hay không, người phát ngôn của Phố Downing cho hay việc các chuyên gia trao đổi thông tin với đối tác nước ngoài là điều "được tiến hành thường xuyên".

    Vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Anh và Liên minh châu Âu (EU).

    VnExpress (theo AFP)

  • Bộ Y tế Anh thông báo tất cả các hộ gia đình có con em trong độ tuổi đi học sẽ được xét nghiệm nhanh COVID-19, mỗi người được xét nghiệm hai lần trong một tuần.

    xet nghiem truong hoc
    Học sinh sẽ được kiểm tra sức khỏe kỹ càng khi quay trở lại trường học.

    Kể từ ngày 1/3, các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh sẽ được phân phối tới hơn 500 địa điểm. Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được lấy mẫu xét nghiệm lần một tại trường trước khi làm xét nghiệm tại nơi cư trú.

    Trong khi đó, học sinh tiểu học không có triệu chứng của bệnh COVID-19 sẽ không được xét nghiệm ở trường, nhưng được khuyến khích làm xét nghiệm tại nơi cư trú. Biện pháp này nhằm thúc đẩy ưu tiên của chính phủ là đưa học sinh trở lại trường học.

    Số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố cho thấy: Tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Anh đang có chiều hướng giảm, với 1 ca mắc trên 145 dân.

    Tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lộ trình 4 bước nới lỏng phong tỏa tại Anh. Trong giai đoạn 1 của nới lỏng bắt đầu từ ngày 8/3, các trường học phổ thông sẽ mở cửa lại hoàn toàn. Học sinh được hỗ trợ tiến hành xét nghiệm hai lần/tuần.

    Đối với hệ đại học, cao đẳng, một số khóa học cần thiết phải dùng đến các trang thiết bị chung cũng được mở lại, còn vẫn chủ yếu học trực tuyến. Đến cuối tháng 4 sẽ xem xét để các trường đại học mở lại ký túc xá và học trên lớp hoàn toàn.

    Sau lộ trình này, Chính phủ Anh sẽ xem xét đánh giá và đưa ra kế hoạch về cấp chứng nhận tình trạng COVID-19, quy định đối với tổ chức các sự kiện đông người, vấn đề đi lại và quy định mới về giãn cách xã hội.

    Theo VTV

  • So với cách thức tiêm bắp tay, vaccine dạng viên và dạng xịt có thể cho phản ứng tốt hơn với các tế bào miễn dịch trong phổi, cổ họng và mũi.

    Các nhà khoa học hàng đầu tại Đại học Oxford, Anh cho biết nước này có thể sẽ có vaccine COVID-19 ở dạng viên trong tương lai.

    Theo Giáo sư Sarah Gilbert, nhóm nghiên cứu của bà đang tập trung phát triển cách thức ngăn ngừa COVID-19 mới mà không cần tiêm, đồng thời cho phản ứng miễn dịch tốt hơn. Cụ thể, vaccine COVID-19 có thể được bào chế dưới dạng xịt hoặc viên nén.

    So với cách thức tiêm bắp tay, vaccine dạng viên và dạng xịt có thể cho phản ứng tốt hơn với các tế bào miễn dịch trong phổi, cổ họng và mũi, giúp ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả hơn.

    Giáo sư Sarah Gilbert nói: "Không nhất thiết phải tiêm vaccine vào bắp tay để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2".

    thuoc dang uong

    Không chỉ là tin vui cho những người sợ tiêm, sáng kiến này có thể giảm bớt áp lực cho nguồn cung vaccine COVID-19 đang khan hiếm.

    Giáo sư Sarah Gilbert nói thêm: "Chúng ta có vaccine ngừa cúm được đưa vào cơ thể thông qua đường mũi. Đây có thể là cách tiếp cận tốt trong tương lai cho vaccine ngừa COVID-19... Mọi người cũng có thể cân nhắc uống vaccine ở dạng viên nếu không muốn tiêm".

    Hiện sáng kiến này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và đánh giá, và sẽ mất thời gian để phát triển và được kiểm tra độ an toàn, hiệu quả trước khi được cấp phép. Các phản ứng miễn dịch từ cách thức "tiêm chủng" mới này sẽ khác so với cách tiếp cận vaccine thông thường.

    Theo VTV

  • Một em bé sơ sinh ở Washington, nhiễm biến thể nCoV, số lượng virus trong cơ thể nhiều gấp 51.400 lần so với các bệnh nhi khác.

    Trong số hơn 2.000 trẻ được điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia, có một trẻ sơ sinh không bình thường. Đứa bé ốm rất nặng, trong khi hầu hết trẻ khác nhiễm nCoV có biểu hiện bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Bệnh nhi này được điều trị vào tháng 9/2020, hiện đã hồi phục.

    Vào giai đoạn mới phát hiện bệnh, tải lượng virus của trẻ sơ sinh này cao gấp 51.418 lần mức trung bình của các bệnh nhi khác. Kết quả giải mã trình tự gene cho thấy bé nhiễm một biến thể chưa từng được phát hiện. Bác sĩ Roberta DeBiasi, Trưởng khoa truyền nhiễm của bệnh viện, cho biết cô không thể kết luận được điều gì.

    nhiem gap nhieu lan
    Y tá chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Diaconesses ở Paris vào ngày 17/11/2020. Ảnh: AFP

    Các nhà khoa học cho biết, biến thể mới mang một loại gai protein có thể khiến nó dễ lây nhiễm hơn. Tuy nhiên, họ không chắc thể mới này là nguyên nhân tăng lượng virus đo được trong mũi trẻ sơ sinh.

    "Đó hoàn toàn có thể là một trùng hợp. Nhưng mối liên hệ này khá rõ rệt. Việc một bệnh nhân có lượng virus lớn hơn theo cấp số nhân và kết quả nhiễm biến thể liên quan đến nhau", Roberta DeBiasi, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Quốc gia Mỹ, nói.

    Jeremy Luban, nhà virus học tại Trường Y Đại học Massachusetts cho biết lượng virus tăng cao ở em bé là điều gây bất ngờ và đáng chú ý. Tuy nhiên, ông thận trọng khi suy đoán "có thể là do biến thể mới hoặc đơn giản vì hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh chưa trưởng thành, khiến virus có thể nhân rộng".

    Theo dữ liệu của Mỹ, trẻ em ít có nguy cơ bệnh nghiêm trọng khi mắc Covid-19. Đồng thời, trẻ rất nhỏ ít lây bệnh cho người khác, mặc dù theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, mọi người đều có khả năng lây bệnh như nhau.

    Hiện khoảng 270 trẻ em tại Mỹ đã chết vì Covid-19 trong khi hơn 500.000 người lớn nước này tử vong. Giới nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ tác động nCoV đối với trẻ em. Một số nhà khoa học nói có thể là do đặc điểm sinh học của ở trẻ. Tuy nhiên, trong 5 tháng qua, số bệnh nhi mắc Covid-19 ở Mỹ đã tăng lên đáng kể.

    Nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, Adrienne Randolph, trưởng nhóm nghiên cứu quốc tế về trẻ em và nCoV, cho biết trong những ngày đầu của đại dịch, ít trẻ em bị nhiễm bệnh hơn nên không được ưu tiên giải trình tự gene. "Tuy nhiên, hiện nay các ca nhiễm đang gia tăng ở những người trẻ tuổi ở Mỹ và virus đang phát triển, nhu cầu mở rộng giải trình tự gene là cấp thiết", cô nói.

    Khi thế giới bước vào giai đoạn mới của đại dịch, nCoV đang thay đổi theo những cách đáng kể. Mỹ đã đi sau trong việc theo dõi các biến thể mới. Nhà Trắng tuần trước thông báo sẽ đầu tư thêm 200 triệu USD vào giải trình tự gene để giúp theo dõi các biến thể mới, với khả năng phân tích 25.000 mẫu mỗi tuần.

    Mới đây, các nhà khoa học Mỹ phát hiện biến thể mới nhất của nCoV là B.1.526, xuất hiện lần đầu tại New York, hồi tháng 11/2020. Chúng đang chiếm khoảng 25% hệ gene nCoV được giải trình tự từ thành phố này trong tháng 2, theo hệ thống dữ liệu toàn cầu GISAID. Các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ California nhận dạng B.1.526 sau khi xem xét đột biến ở protein hình gai của virus, cấu trúc cho phép chúng liên kết và xâm nhập vào tế bào người.

    VnExpress (Theo Washington Post, Business Insider)

  • Anh từng hỗn loạn trong chiến lược chống dịch, nhưng giờ có thể tự tin sắp thoát khỏi Covid-19 nhờ "đặt cược" từ sớm vào vaccine.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt tình cảnh không mấy thuận lợi kể từ khi Covid-19 bùng phát. Hiện nay, Anh vẫn là một trong những vùng dịch chết chóc nhất thế giới và đứng thứ 5 toàn cầu về số ca nhiễm nCoV. Giới phê bình đổ lỗi cho lệnh phong tỏa quá muộn của chính quyền và quá trình xét nghiệm hỗn loạn, truy vết yếu kém.

    Tuy nhiên, theo bình luận viên Luke McGee của CNN, vận may của Johnson dường như cuối cùng cũng đến. Hôm 22/2, Thủ tướng Anh vạch ra một lộ trình có khả năng giúp nước này thoát khỏi phong tỏa trước cuối tháng 6. Sự tự tin của ông xuất phát từ chương trình triển khai vaccine Covid-19 của Anh tới nay diễn ra vô cùng tốt đẹp, với hơn 18,5 triệu liều đã được tiêm, tương đương tỷ lệ 27/100 người.

    Chiến dịch tiêm chủng thành công của Anh dựa vào nhiều yếu tố, đặc biệt là việc Johnson chi tiền mạnh tay để mua vaccine ngay từ sớm. Trong số 357 triệu liều mà Anh đã mua tính đến nay, hợp đồng lớn nhất được ký với công ty dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca, hãng sở hữu vaccine hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford danh giá của Anh, cũng là trường cũ của Johnson.

    "Ván cược" vào Oxford và AstraZeneca đã được đền đáp. Anh cũng là quốc gia đầu tiên phê duyệt sử dụng loại vaccine này cho tất cả người trưởng thành. Niềm tự hào về vaccine "cây nhà lá vườn" của Anh lớn đến mức nhiều người dân nước này giờ đây quay lưng với vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech, quyết tâm "chờ hàng Anh".

    dat cuoc vao vaccine
    Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) đến thăm một trung tâm tiêm chủng ở Cwmbran, miền nam xứ Wales hôm 17/2. Ảnh: AFP.

    Trong khi đó, bên kia eo biển Manche, tình hình khá khác biệt. Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng vaccine chậm hơn, thậm chí "khẩu chiến" với AstraZeneca vì trì hoãn giao hàng hồi cuối tháng 1. Giờ đây, ngay cả những nước lớn của EU là Pháp và Đức cũng chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng 6/100.

    Việc Anh không còn là thành viên của EU, không phụ thuộc vào liên minh trong việc mua hoặc cấp phép vaccine, đã giúp họ đàm phán hợp đồng và phê duyệt nhanh chóng hơn. "Nếu muốn bằng chứng về tầm quan trọng của Brexit, mọi người đã thấy đó. Giả sử chúng tôi vẫn còn trong EU, có lẽ đã có thêm nhiều người chết", David Davis, nghị sĩ kỳ cựu từng phụ trách vấn đề Brexit, nêu ý kiến.

    Khi cuộc tranh luận trở nên dữ dội, một số lãnh đạo EU thậm chí gieo nghi ngờ về hiệu quả của vaccine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói vaccine AstraZeneca "gần như không hiệu quả" với nhóm người cao tuổi, khiến nhiều nhà khoa học phản đối.

    Một ngày trước đó, giới chức Đức cũng từ chối cấp phép tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 65 tuổi, với lý do thiếu dữ liệu đầy đủ về nhóm tuổi này trong các thử nghiệm của hãng sản xuất. Pháp, Tây Ban Nha, Italy và những nước khác tiếp bước, bằng việc chỉ cho phép tiêm vaccine cho những nhóm tuổi trẻ hơn.

    Tuy nhiên, các nhà khoa học Scotland trong tuần này đã công bố nghiên cứu mới cho thấy vaccine AstraZeneca giúp giảm nguy cơ nhập viện về tổng thể lên tới 94%, 4 tuần sau khi tiêm một liều duy nhất. Nhóm người cao tuổi cũng chỉ cần một liều để ngăn nguy cơ phải nhập viện một cách hiệu quả.

    Giờ đây, các cơ quan quản lý châu Âu đang xem xét lại những hạn chế của họ về đối tượng có thể được tiêm chủng. Bộ Y tế Pháp hôm 24/4 cho biết họ "có khả năng" mở rộng hướng dẫn về độ tuổi tiêm vaccine AstraZeneca sau nghiên cứu của Scotland.

    Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng nguồn cung vaccine vẫn chưa dừng lại ở châu Âu. Một quan chức EU hôm 23/2 tiết lộ AstraZeneca đã thông báo với liên minh rằng họ chỉ có thể vận chuyển chưa đầy một nửa số liều dự kiến trong quý II.

    Ngoài ra, nhiều người lo ngại rằng cuộc chiến gay gắt công khai giữa EU với AstraZeneca đã làm giảm bớt lòng tin vào vaccine, khi một số quốc gia châu Âu dường như đang chật vật thuyết phục công dân của họ đi tiêm chủng.

    Trước tình thế rối ren, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thực hiện động thái bất thường hồi đầu tuần, khi tuyên bố trên Twitter rằng "vaccine AstraZeneca vừa an toàn, vừa hiệu quả cao", sau những báo cáo về việc người Đức đang từ chối sử dụng nó.

    "Điều này vô cùng đáng lo ngại. Bất cứ mối nghi ngờ nào về vaccine cũng đồng nghĩa với khả năng cần cải tổ hoàn toàn chiến lược tiêm chủng. Giữa một đại dịch, bạn luôn phải đấu tranh để giữ vững niềm tin ở mức cao trong công chúng", Cathryn Cluver Ashbrook, giám đốc Dự án về châu Âu và Quan hệ Xuyên Đại Tây Dương thuộc Trường Harvard Kennedy, Mỹ, cho hay.

    Dù thừa nhận sai lầm trong công tác triển khai vaccine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vẫn đánh giá Anh đang tiến hành tiêm chủng một cách vô trách nhiệm bất chấp tốc độ nhanh chóng. "Đúng là EU đã chậm hơn, nhưng đó là quyết định đúng đắn. Hãy để tôi nhắc lại rằng tiêm chủng là đưa một hoạt chất sinh học vào cơ thể khỏe mạnh. Tiêm chủng hàng loạt là một trách nhiệm khổng lồ", Von der Leyen phát biểu hồi đầu tháng.

    Tuy nhiên, trong tuần này, bà lại lên tiếng ủng hộ vaccine của AstraZeneca, nói rằng sẽ tiêm "mà không cần suy nghĩ thêm".

    Trong khi đó, Johnson từ đầu đến cuối chỉ giữ im lặng, dường như đang tận hưởng chiến thắng về mặt dư luận trước EU, giữa lúc Anh gặp phải một loạt vấn đề khác, điển hình là sự gián đoạn thương mại do hệ quả của Brexit.

    "EU có xu hướng phát ngôn hợp tình hợp lý trên trường quốc tế, nên việc chỉ trích Anh và vaccine của Đại học Oxford khiến họ trông như đang mất kiểm soát. Đây là một sai lầm lớn. Lời giải thích duy nhất tôi có thể nghĩ ra là họ hoảng sợ, sau khi việc triển khai vaccine ở EU không được như mong đợi", một nhà ngoại giao châu Âu tại Brussels nhận xét.

    Theo Rob Ford, giáo sư chính trị tại Đại học Manchester, Anh, những khác biệt văn hóa trong hành chính đang được phơi bày. "EU bị ám ảnh bởi các quy tắc, không linh hoạt và phải vật lộn để thích ứng với những diễn biến trong thời gian thực. Lần này Anh đã làm tốt hơn", chuyên gia đánh giá.

    "Chính phủ Anh đã làm rối tung tình hình trong phần lớn đại dịch. Nhưng nếu lệnh phong tỏa kết thúc sớm hơn so với phần còn lại của châu Âu, có lẽ công chúng sẽ nhớ tới điều đó, một câu chuyện thành công của nước Anh", Ford nói.

    VnExpress (theo CNN)

  • Trong khi hàng tỷ người ở hơn 130 quốc gia vẫn chờ đợi vaccine Covid-19, người dân tại nước giàu như Anh lại kén chọn loại vaccine họ muốn tiêm.

    Ở Anh, nơi 1/4 dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, các lựa chọn hiện nay là vaccine "cây nhà lá vườn" Oxford-AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech - "hàng sang ngoại nhập". Nhiều người gọi điện cho bác sĩ hỏi loại nào tốt nhất cho họ.

    Nhưng thực tế, người dân Anh vốn không được lựa chọn. Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) mua, phân phối và triển khai vaccine miễn phí tại các điểm tiêm, không ai được phép "chen hàng" hoặc "kén cá chọn canh".

    "Một điểm tiêm chủng sẽ tiêm vaccine Pfizer hoặc Oxford tùy vào lô hàng. Mọi người có thể chọn địa điểm họ muốn đến tiêm nhưng không được chọn vaccine", phát ngôn viên của NHS nói.

    ken chon vaccine
    Thủ tướng Anh cầm một lọ vaccine Oxford-AstraZeneca khi thăm trung tâm tiêm chủng ở Wales hồi giữa tháng. Ảnh: Reuters.

    Tuy nhiên, một số người có cách lách luật. Nhân viên tại các phòng khám có thể tuồn thông tin nội bộ cho bạn bè và người thân biết địa điểm nào đang tiêm vaccine gì. Một số người đã "nhảy viện" - đăng ký hoặc hủy hẹn tiêm chủng dựa trên những tin đồn loại vaccine nào đang được tiêm ở đâu.

    Các cơ quan quản lý Anh cho biết cả hai vaccine đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa ca Covid-19 diễn tiến nặng và đều an toàn. Anh đã đặt hàng tổng cộng 140 triệu liều hai loại, đủ để tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành 54 triệu người vào mùa thu. Anh cũng đã phê duyệt vaccine Moderna nhưng họ chưa được bàn giao 17 triệu liều cho đến mùa xuân.

    Điều cơ quan quản lý quan tâm khi chọn vaccine là hiệu quả, chi phí, nguồn cung, hậu cần. Nhưng người tiêu dùng còn chú ý đến chủ nghĩa dân tộc, thương hiệu và những gì họ nghe từ bạn bè hoặc đọc trên Internet.

    Đây không phải là vấn đề ở Mỹ vì hai loại vaccine đang được sử dụng ở nước này, Pfizer và Moderna, về cơ bản tương đương nhau. Cả hai đều là hàng Mỹ, dựa trên cùng một công nghệ và cho kết quả khá giống nhau trong thử nghiệm lâm sàng. Mỹ dự kiến ra quyết định có phê duyệt vaccine Oxford-AstraZeneca hay không vào tháng 4.

    Nhưng vì Anh và EU đã phê duyệt cả ba loại và có sự khác biệt lớn hơn giữa Oxford và những loại còn lại, một số người Anh đã có lựa chọn rõ ràng.

    Vaccine Oxford được điều chế bằng công nghệ vector truyền thống. Trong khi đó, Pfizer đắt hơn, được phát triển dựa trên công nghệ mới mRNA và có vẻ có hiệu quả ngăn ngừa ca Covid-19 nhẹ đến trung bình cao hơn. Trong các thử nghiệm lâm sàng, hai liều Pfizer và Moderna có hiệu quả ngăn ngừa ca nhiễm có triệu chứng khoảng 95%. Trong khi đó, dữ liệu của Oxford không đồng bộ. Các thử nghiệm ở Anh cho thấy nó hiệu quả 62%. Sau khi tổng hợp thêm dữ liệu, cơ quan quản lý Anh tính toán rằng hai mũi tiên giúp giảm 70% ca nhiễm có triệu chứng. Trong khi đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu đưa ra con số là 60%.

    Trên truyền hình, người dẫn chương trình BBC Andrew Marr đặt câu hỏi nhiều người đã nghĩ tới: "Nếu bác sĩ gọi điện cho tôi và nói: 'Tin tốt đây Andrew, chúng tôi có thể tiêm vaccine cho ông!", thì khi nhìn vào kết quả, tôi có thể đáp 'tuyệt vời, tôi có thể tiêm Pfizer hoặc Moderna thay vì AstraZeneca không?' vì tỷ lệ hiệu quả của chúng cao hơn".

    Đó là vấn đề đang nổi lên ở khắp châu Âu, nơi các nhân viên y tế Pháp và giáo viên Italy đang yêu cầu được tiêm Pfizer hoặc Moderna, còn Đức ghi nhận nhiều trường hợp không đến các cuộc hẹn tiêm vaccine Oxford.

    Sự lưỡng lự càng gia tăng sau khi các nhà nghiên cứu Nam Phi nói rằng biến chủng nCoV xuất hiện ở nước này có thể "né" vaccine Oxford-AstraZeneca. Nam Phi đã dừng triển khai loại này. Khoảng một chục quốc gia ở châu Âu cũng tránh tiêm vaccine Oxford cho người trên 65 tuổi, nói rằng các thử nghiệm ban đầu không có đủ tình nguyện viên trong độ tuổi đó để chứng minh hiệu quả.

    Nhưng nhiều người ở Anh thích thương hiệu Oxford, một trong những trường đại học hàng đầu trên thế giới. Họ đã thấy các nhà khoa học phát triển vaccine, Sarah Gilbert tự tin và Andrew Pollard điềm tĩnh, trên truyền hình. Đối với họ, Oxford là lựa chọn phù hợp.

    Bác sĩ Paul Williams, cựu nghị sĩ Công đảng, nói rằng một số bệnh nhân đã từ chối các cuộc hẹn tiêm Pfizer, nói rằng: "Không, cảm ơn, tôi sẽ đợi vaccine Anh".

    Williams nhận định một phần nguyên nhân là Thủ tướng Boris Johnson đã tích cực quảng bá sản phẩm "từ các nhà khoa học Anh xuất sắc". Một số người còn đề xuất dán quốc kỳ Anh lên lọ vaccine, mặc dù AstraZeneca là công ty dược phẩm Anh - Thụy Điển.

    Pfizer là hãng dược có trụ sở tại Mỹ, nhưng vaccine được phát triển bởi một cặp vợ chồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ điều hành công ty công nghệ sinh học nhỏ BioNTech. Vì vậy, đối với một số người ở châu Âu, Pfizer là vaccine Đức.

    Cả hai loại đều có tác dụng phụ hạn chế, thường gặp ở vaccine, như đau nhức tại chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, cảm thấy không khỏe, ớn lạnh, sốt, đau khớp và buồn nôn.

    Vào giai đoạn đầu triển khai, một số người rất dễ bị tổn thương đã gặp dị ứng nghiêm trọng khi tiêm vaccine Pfizer, khiến một số người không muốn tiêm loại này.

    Andrew Pollard, trưởng nhóm phát triển vaccine Oxford, cho rằng không nên chỉ chăm chăm nhìn vào những con số trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu. "Trừ khi thực hiện các thử nghiệm so sánh trực tiếp, bạn không thực sự biết liệu con số 95% trong thử nghiệm này và 62% trong thử nghiệm khác có giá trị so sánh với nhau hay không", ông nói.

    Gilbert, nhà đồng phát triển vaccine Oxford, cho biết kết quả so sánh thực tế triển khai vaccine Pfizer và Oxford sắp được công bố ở Anh. "Chúng ta hãy chờ xem kết quả thế nào", ông nói.

    Bác sĩ gây mê Gareth Greenslade đã tiêm Pfizer tại bệnh viện ông làm việc. Vợ ông, làm y tá, đã tiêm vaccine AstraZeneca tại một trung tâm tiêm chủng ở Bristol. Greenslade chỉ ra rằng Pfizer đòi hỏi tủ đông chuyên dụng để vận chuyển và bảo quản, thường chỉ có ở bệnh viện lớn. Trong khi đó, AstraZeneca có thể được triển khai ở các trạm tiêm nhỏ hơn, nơi vaccine được bảo quản trong tủ lạnh bình thường.

    Đối với nhiều người, tiêm vaccine nào không quan trọng, họ chỉ muốn chương trình tiêm chủng được triển khai thật nhanh. "Đối với cá nhân tôi, tôi sẽ tiêm bất kỳ loại vaccine nào được cung cấp, bởi vì điều quan trọng nhất là được tiêm chủng", Pollard nói.

    VnExpress (theo Washington Post)

  • Báo chí châu Âu khen ngợi nước Anh đang triển khai rất hiệu quả chương trình tiêm chủng phòng COVID-19.

    Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng tại các nước thành viên Liên minh châu Âu đang gặp quá nhiều vấn đề.

    Cho đến ngày hôm qua, nước Anh đã tiêm chủng được cho khoảng 1/4 dân số. Tiêm vaccine COVID-19 không giống như tiêm phòng các loại bệnh khác. Thách thức, là phải chủng cho tất cả mọi người trong thời gian càng ngắn càng tốt.

    Tờ Die Presse ra tại Áo viết rằng, Chính phủ Anh đã bắt đầu đàm phán với các hãng dược tiềm năng từ tháng Tư năm ngoái, ký hợp đồng với 7 hãng dược vào thời điểm chưa ai biết là hãng nào sẽ thành công. Ngay từ khi chưa có vaccine, nước Anh đã lên kế hoạch tỉ mỉ, sẽ vận chuyển, lưu trữ, phân phối… vào lúc nào, ở chỗ nào, theo tiến độ ra sao với mỗi độ tuổi.

    Tờ báo nhấn mạnh, từ rất sớm, nước Anh đã chốt nguyên tắc thuận lợi và miễn phí đối với người dân. Tiến trình phê duyệt cũng rất nhanh chóng, vaccine đầu tiên được nước Anh cho phép sử dụng là từ đầu tháng 12 năm ngoái.

    the nhac tiem ngua
    Thẻ nhắc thời gian tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Getty Images

    Khi đã có vaccine thì bắt đầu cuộc chạy đua với thời gian. Tờ Corriere della Sera ra tại Italy viết rằng, nước Anh đã dựng lên hàng loạt trung tâm tiêm chủng, tại bất cứ nơi nào thuận tiện, chẳng hạn như trong trung tâm triển lãm khổng lồ ở ngoại ô London, tại các sân vận động, thậm chí trong nhà thờ, cùng với 1.200 bệnh viện và phòng khám, mở cửa tiêm chủng cả 7 ngày trong tuần, suốt 24 giờ không nghỉ. Nhờ vậy mà, theo bài báo, tới giữa tháng Hai, nước Anh đã tiêm phòng xong cho toàn bộ những người có nguy cơ cao nhất.

    Có đủ vaccine, có đủ chỗ tiêm, còn về nhân lực thì nước Anh có cách làm bất ngờ. Tờ El Periódico de Catalunya của Tây Ban Nha viết rằng, ngoài chuyện huy động quân đội trong các công đoạn hậu cần, Vương quốc Anh đã tuyển dụng 30.000 tình nguyện viên tham gia vào chiến dịch tiêm chủng mở rộng.

    Bài báo viết: Hầu hết các tình nguyện viên không có nghiệp vụ y tế, nhân viên y tế phải hướng dẫn họ biết cách cầm kim tiêm, rút vaccine ra khỏi lọ, rồi tiêm. Những tình nguyện viên không thể tiêm được phân công đón tiếp và hướng dẫn người tới chủng. Nhờ hàng loạt sáng kiến đó mà nước Anh đã tiêm chủng rất nhanh, khác xa tiến độ tại các nước khác.

    Theo VTV

  • Toàn bộ người trưởng thành ở Anh quốc sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19 vào cuối tháng 7 năm nay.

    Ông Boris Johnson đã đặt ra một loạt mục tiêu mới để mở rộng chương trình triển khai vắc-xin sau thành công trong giai đoạn đầu tiên. Thủ tướng cho biết khung thời gian mới sẽ giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất sớm hơn và cho phép Anh nới lỏng một số hạn chế phong tỏa.

    Theo kế hoạch mới, người từ 50 tuổi trở lên - cũng như người có tình trạng bệnh lý ẩn, sẽ được tiêm trước ngày 15 tháng 4. Trước ngày 31 tháng 7, tất cả người trưởng thành sẽ nhận được vắc-xin. Tuy nhiên, Ủy về Tiêm phòng và Chủng ngừa (JCVI) vẫn chưa đưa ra danh sách ưu tiên cho người dưới 50 tuổi.

    Trước đó, các bộ trưởng dự định cung cấp vắc-xin cho tất cả người trưởng thành vào tháng 9 và tiêm cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên trong chín nhóm ưu tiên vào tháng 5. Bản kế hoạch mới được coi là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang khá tự tin về sự ổn định của nguồn cung vắc-xin trong những tháng tới.

    21newvaccinerollouttarget

    Boris Johnson đã sửa đổi các mục tiêu của kế hoạch triển khai vắc-xin

    Chính phủ đã đạt được mục tiêu cung cấp vắc-xin cho bốn nhóm ưu tiên hàng đầu - người từ 70 tuổi trở lên, nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên chăm sóc xã hội và những người dễ bị tổn thương nhất - vào ngày 15 tháng Hai. Hiện hơn 17.2 triệu người đã nhận được liều vắc-xin đầu tiên tại một trong 1,500 điểm tiêm chủng trên cả nước và gần 600,000 người đã được tiêm liều thứ hai.

    Quá trình triển khai nhanh chóng sẽ tiếp thêm động lực cho các kêu gọi nới lỏng phong tỏa sớm hơn, tuy nhiên ông Johnson nhấn mạnh rằng lộ trình dỡ bỏ sẽ được thực hiện “thận trọng và theo từng giai đoạn”.

    Thủ tướng đang dành cuối tuần để hoàn thiện bản kế hoạch trước khi công bố cho các nghị sĩ vào thứ Hai 22/2.

    Ông Johnson nói: “15 triệu lượt tiêm chủng là cột mốc quan trọng - nhưng chúng ta sẽ không chậm lại, và tôi muốn qui tình triển khai vắc-xin tiến xa hơn và nhanh hơn trong những tuần tới”.

    “Giờ đây, chúng ta sẽ hướng tới cung cấp vắc-xin cho mọi người lớn vào cuối tháng 7, giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và thực hiện các bước nới lỏng hạn chế tiếp theo. Nhưng chắc chắn lộ trình dỡ phong tỏa sẽ được thực hiện một cách thận trọng và theo từng giai đoạn trong khi tất cả chúng ta tiếp tục bảo vệ bản thân và những người xung quanh”.

    21newvaccinerollouttarget1

    Toàn bộ người trên 50 tuổi sẽ được tiêm vắc-xin vào giữa tháng 4

    Phố Downing cho biết JCVI sẽ công bố danh sách ưu tiên cho giai đoạn thứ hai của chương trình vắc-xin đúng hạn, trong bối cảnh nhiều bên kêu gọi sớm tiêm vắc-xin cho giáo viên và nhân viên tuyến đầu.

    Ông Jonathan Ashworth - Bộ trưởng Y tế của đảng đối lập, cho biết: "Thành công trong quá trình tiêm chủng cho thấy giá trị của dịch vụ y tế xuất sắc tại Anh quốc. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới các nhân viên trong hệ thống NHS, quân đội và những tình nguyện viên đang làm việc không ngơi nghỉ”.

    “Đảm bảo tiêm chủng cho mọi người nhanh nhất có thẻ là điều cần làm. Tôi rất hoan ngênh kế hoạch cung cấp liều vắc-xin đầu tiên cho toàn bộ người trường thành trước tháng 7. Tuy nhiên, nếu nguồn cung tăng lên, chúng ta có thể đẩy nhanh tiên độ hơn nữa. Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra danh sách tiêm chủng cho người không thuộc chín nhóm ưu tiên cao nhất. Giáo viên, sĩ quan cảnh sát và lao động ngành nghề chủ chốt khác nên được bao gồm trong danh sách mới. Họ không thể ở nhà trong thời gian phong tỏa”.

    "Nếu Chính phủ không thực hiện ưu tiêm tiêm chủng dựa trên nghề nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, họ cần nêu rõ lý do. Ngoài ra, tiêm chủng phải đi đôi với các biện pháp phá vỡ chuỗi lây truyền bệnh, bao gồm trả cho người dân một khoản hỗ trợ tài chính phù hợp để cách ly, cập nhật hướng dẫn về việc che chắn bản thân và áp dụng tiêu chuẩn về hệ thống thông gió để đảm bảo mọi nơi làm việc đều an toàn”.

    Viethome (Theo Metro)

  • Một người đàn ông 32 tuổi, không mắc bệnh lý nền, được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 sớm vì Dịch vụ Y tế Quốc gia của chính phủ Anh (NHS) mắc sai sót.

    Theo The Guardian, biên tập viên chuyên mục chính trị báo Liverpool Echo, Liam Thorp có chiều cao thực là 1,88 m đã được ghi nhận là 6,2 cm trong hệ thống của NHS.

    Sai sót này khiến cho Liam Thorp được ghi nhận chỉ số thể trọng BMI lên tới 28.000. Con số này cao hơn khoảng 1.000 lần so với mức trung bình của Vương quốc Anh, cho thấy anh đang mắc bệnh béo phì một cách nghiêm trọng.

    Sau khi xác nhận với bác sĩ của mình, Thorp nhận ra anh đã được xếp vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine vì cân nặng của mình.

    chieu cao khiem ton
    Biên tập viên chuyên mục chính trị của báo Liverpool Echo, Liam Thorp đã được mời tiêm vaccine tuần này. Ảnh: Liverpool Echo.

    Biên tập viên chuyên mục điều tra và chính trị của báo Manchester Evening News, Jennifer Williams, đã bình luận: "Lẽ ra họ nên liên lạc trước để xem cuộc sống của người đàn ông có kích thước bằng ngón tay cái sẽ như thế nào".Liam Thorp cho hay anh “thực sự bối rối” sau khi được mời tham gia tiêm vaccine trước khi kế hoạch tiêm chủng của chính phủ được triển khai rộng rãi. Chia sẻ trải nghiệm của anh trên Twitter sau đó đã nhanh chóng được lan truyền rộng rãi.

    Sau sự ngạc nhiên ban đầu, Thorp đã suy nghĩ ngay rằng mình nên nhận lời mời và đặt lịch hẹn. Tuy nhiên, sau đó anh cảm thấy “bứt rứt” với những người yếu thế thực sự trong xã hội chưa được tiêm chủng.

    Tổ chức NHS đã bày tỏ "sự biết ơn" với Thorp vì đã kiểm tra lại thông tin với bác sĩ của anh. Chủ tịch NHS, tiến sĩ Fiona Lemmens chia sẻ: “Câu chuyện hài hước này cũng giúp chúng tôi nhận ra vấn đề quan trọng cần phải giải quyết”.

    Những người dưới 50 tuổi không có bệnh lý nền là nhóm cuối cùng trong danh sách ưu tiên tiêm chủng của chính phủ Anh. Dự kiến các đối tượng này không được cung cấp vaccine cho đến mùa hè năm nay.

    Theo Zing

  • Thế giới hiện có 8 loại vaccine Covid-19, được phát triển bởi các công ty và viện nghiên cứu của Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga...

    vaccine duoc dung nhieu 1
    Vaccine Covid-19 do công ty AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển - Ảnh: Getty Images

    Tính tới ngày 16/2, trên thế giới mới chỉ có 172 triệu người được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên, tương đương tỷ lệ 2,2 trên 100 người. Hiện tại, 8 loại vaccine Covid-19 đã được các nước phê duyệt và đã hoặc đang chuẩn bị triển khai tiêm chủng.

    Trong số này, vaccine do hãng dược Mỹ Pfizer và hãng công nghệ sinh học Đức BioNTech phát triển là loại được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, theo dữ liệu từ trang Our World in Data. 

    Kết quả các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy vaccine của Pfizer-BioNTech, cùng với vaccine của Moderna - cũng là một hãng dược phẩm sinh học của Mỹ - mang lại hiệu quả phòng ngừa lên tới 95%. Kết quả này được khẳng định trong báo cáo nghiên cứu với hơn 500.000 người được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine Pfizer-BioNTech của Công ty Dịch vụ Y tế Clalit, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn nhất Israel.

    Tất cả 8 loại vaccine Covid-19 trên đều cần được tiêm 2 liều. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong vài tuần tới khi vaccine Covid-19 tiêm một liều của công ty Johnson & Johnson được cấp phép sử dụng tại Mỹ. 

    vaccine duoc dung nhieu 1

    Vaccine của Pfizer/BioNTech, với công nghệ mRNA, hiện là loại được sử dụng phổ biến nhất thế giới với 61 quốc gia, bao gồm Israel, Mỹ, Saudi Arabia cùng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). 

    Đứng thứ hai là vaccine do hãng dược Anh AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển với 41 quốc gia. Kết quả các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vaccine này mang lại hiệu quả phòng ngừa 70%. Vaccine này cũng mang lại hy vọng lớn nhờ giá thành thấp, dễ phân phối, dù bị hạn chế tiêm phòng cho người trên 65 tuổi tại một số quốc gia như Đức và Ba Lan. 

    Phổ biến thứ ba là vaccine của Moderna khi đang được phân phối tại 27 quốc gia. Vaccine này cũng sử dụng công nghệ mRNA, 

    Trung Quốc có vẻ đang đi sau trên đường đua vaccine. Hai loại vaccine Covid-19 do công ty Sinopharm và Sinovac của nước này phát triển hiện mới chỉ được phê duyệt và phân phối tại lần lượt 12 và 6 nước. 

    Cùng cảnh ngộ là vaccine Sputnik do Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya của Nga phát triển. Dù kết quả một nghiên cứu trên tờ tuần san The Lancet cho thấy Sputnik cho hiệu quả phòng ngừa tới 91,6%, vaccine này mới chỉ được phân phối tại 9 quốc gia trên thế giới. Hungary là một trong số các quốc gia đã phê duyệt Sputnik dù chưa vaccine này chưa được các nhà chức trách EU cấp phép. Hungary cũng dự kiến triển khai tiêm chủng vaccine của Sinopharm trong vài tuần tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tất cả các loại vaccine Covid-19 để được chào đón tại EU khi chúng được cấp phép. 

    Vaccine ít phổ biến nhất là Covaxin do công ty Bharat Biotech của Ấn Độ phát triển. Vaccine này hiện mới chỉ được cấp phép sử dụng tại chính nước này. Ngoài Covaxin, Ấn Độ cũng đã phê duyệt vaccine của AstraZeneca-Đại học Oxford.

    Tại Việt Nam, ngày 1/2, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt có điều kiện đối với vaccine của AstraZeneca-Đại học Oxford. Dự kiến, cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, lô vaccine đầu tiên sẽ về đến Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/2 cũng thông báo đã phê duyệt vaccine này để sử dụng cho trường hợp khẩn cấp, theo tin từ Reuters.

    Theo VnEconomy

  • Anh sẽ cho các tình nguyện viên phơi nhiễm nCoV để tìm hiểu thêm về virus, sau khi cơ quan y đức của nước này cho phép triển khai thử nghiệm.

    Anh ngày 17/2 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép tình nguyện viên tiếp xúc với nCoV để thúc đẩy nghiên cứu y tế về đại dịch. Thử nghiệm sẽ bắt đầu trong vòng một tháng tới, 90 tình nguyện viên khỏe mạnh 18-30 tuổi sẽ phơi nhiễm nCoV trong môi trường được kiểm soát, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh ra thông cáo ngày 17/2.

    phoi nhiem vaccine
    Một nhân viên tại cơ sở y tế ở Anh hồi năm ngoái. Ảnh: hVIVO.

    Thử nghiệm nhằm xác định lượng virus nhỏ nhất cần thiết để gây lây nhiễm, thăm dò phản ứng miễn dịch của cơ thể và tìm hiểu cách virus lây từ người sang người.

    Những người tham gia sẽ được giám sát chặt chẽ bởi các bác sĩ và nhà khoa học 24/7. Nhóm nghiên cứu cho biết thêm rằng virus được sử dụng sẽ là loại đã lây lan ở Anh vào năm ngoái chứ không phải là biến thể mới xuất hiện gần đây. Chính quyền Anh cấp ngân sách 46,6 triệu USD cho thử nghiệm này.

    Thử nghiệm được kỳ vọng giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn về Covid-19, như phản ứng miễn dịch cần thiết để chống lại virus, giúp hỗ trợ phát triển vaccine và phương pháp điều trị. Những người muốn tham gia được yêu cầu đăng ký qua trang web UK Covid Challenge.

    "Mặc dù đã có những tiến bộ rất tích cực trong việc phát triển vaccine, chúng tôi muốn tìm ra những loại vaccine tốt nhất và hiệu quả nhất để sử dụng lâu dài". Bộ trưởng Kinh doanh Kwasi Kwarteng cho biết. Ông nói rằng nghiên cứu sẽ "giúp các nhà khoa học nâng cao hiểu biết về cách nCoV tác động đến con người và cuối cùng có thể thúc đẩy phát triển nhanh chóng vaccine".

    Chính quyền Anh cho biết các cơ sở nghiên cứu lâm sàng của họ được thiết kế đặc biệt để lưu trữ virus một cách an toàn. Sau khi giai đoạn đầu của nghiên cứu kết thúc, vaccine đã được chứng minh là an toàn trong các thử nghiệm lâm sàng có thể được cung cấp cho một lượng nhỏ tình nguyện viên đã tiếp xúc với nCoV, nhằm giúp xác định vaccine hiệu quả nhất.

    "Mục đích cuối cùng của chúng tôi là xác định loại vaccine và phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất trong việc đánh bại căn bệnh này, nhưng chúng tôi cần sự hỗ trợ của tình nguyện viên", nghiên cứu viên chính Chris Chiu, từ Đại học Hoàng gia London, cho biết.

    Anh, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi Covid-19 với hơn 118.000 ca tử vong, là quốc gia phương Tây đầu tiên bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Họ đạt cột mốc quan trọng vào cuối tuần trước khi 15 triệu người có nguy cơ cao đã được tiêm mũi đầu tiên. Chính phủ nhắm mục tiêu tiêm thêm cho 17 triệu người vào cuối tháng 4, gồm tất cả người ngoài 50 tuổi.

    VnExpress (Theo AFP)

  • Một bác sĩ đã anh dũng lao vào đám cháy trung tâm tiêm chủng Emberbrook (Surrey, Anh) để “cứu” lô vắc-xin COVID-19 khỏi ngọn lửa phừng phừng.

    cuu vaccine 1
    Khói bốc lên nghi ngút từ trung tâm tiêm chủng.

    Theo Daily Mail, trung tâm tiêm chủng Emberbrook đã được sơ tán hồi cuối tuần sau khi các tình nguyện viên phát hiện khói bốc lên từ mái nhà.

    Những người dân địa phương xếp hàng chờ mua vắc-xin COVID-19 đã phải quay về khi các nhân viên cứu hỏa ập đến hiện trường.

    Nhưng trước khi ngọn lửa được dập tắt, một bác sĩ dũng cảm đã quay trở vào tòa nhà và mang ra một thùng lạnh chứa vắc-xin.

    Anne Smith (68 tuổi), một nhân chứng, cho biết: “Vị bác sĩ vì lo lắng đã lao vào tòa nhà đang cháy để cứu vắc-xin. Điều này thật tuyệt vời. Vắc-xin được đựng trong thùng lạnh, và vị bác sĩ đã cố kéo nó ra. Đó là ưu tiên hàng đầu của anh ấy.”

    cuu vaccine 1
    Vị bác sĩ (mặc áo cam) kéo thùng chứa vắc-xin ra khỏi tòa nhà đang bốc cháy.

    cuu vaccine 1
    Những người tiêm vắc-xin đã nhanh chóng được sơ tán khi đám cháy bùng phát.

    Cơ quan cứu hỏa xác nhận tất cả các liều vắc-xin COVID-19 đã được cứu khỏi đám cháy.

    Dự kiến, chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân địa phương sẽ được nối lại vào thứ Tư, 17/2.

    Nguồn: DailyMail

  • Anh sẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết thúc đẩy các lệnh ngừng bắn tạm thời tại những khu vực xung đột nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa bệnh COVID-19.

    Trao đổi với báo giới ngày 16/2, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập các lệnh ngừng bắn tạm thời để chủng ngừa cho hơn 160 triệu người dân có nguy cơ tại các khu vực xung đột như Yemen, Nam Sudan, Somalia và Ethiopia. Ông nêu rõ: "Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức để hành động và sự cấp thiết chiến lược để cùng nhau đánh bại virus SARS-CoV-2".

    1702 vaccine covid19 ngungban

    Ngoại trưởng Raab cũng cho biết sẽ hối thúc các thành viên LHQ chung sức hỗ trợ việc tiếp cận công bằng các loại vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, cảnh báo những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ bùng phát tại những khu vực mà người dân chưa được chủng ngừa. Điều này có nguy cơ đe dọa tới phần còn lại của thế giới khi làm bùng phát những làn sóng dịch mới. Ông nhấn mạnh: "Việc bao phủ tiêm chủng toàn cầu là điều thiết yếu để đánh bại virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19".

    Anh hiện giữ chức Chủ tịch HĐBA trong tháng này. Nước này đã cam kết cung cấp 762 triệu USD để hỗ trợ vaccine cho các nước đang phát triển thông qua cơ chế COVAX - chương trình phân phối công bằng vaccine do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng. 

    Cùng ngày, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết nước này sẽ nêu quan ngại về tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận các vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Theo ông, trái ngược với các nước sản xuất vaccine ngừa COVID-19 có tỷ lệ tiêm chủng rất cao, chỉ số này tại các nước Mỹ Latinh và Caribe lại thấp hơn rất nhiều. 

    Trước đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết nước này phải nhập khẩu các liều vacine từ châu Âu thậm chí khi các chế phẩm này cũng được sản xuất tại Mỹ. Ông nhấn mạnh Mexico muốn đảm bảo không có tình trạng tích trữ vaccine và cần có một nguyên tắc công bằng để tất cả các quốc gia có thể tiêm chủng cho các công dân. 

    Theo kế hoạch, trong ngày 17/2, Ngoại trưởng Anh Raab sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến của HĐBA LHQ để thảo luận về mối đe dọa mà hơn 160 triệu người dân tại các khu vực bất ổn và xung đột đang phải đối mặt. Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward thừa nhận rằng việc thực hiện nghị quyết trên của HĐBA sẽ là một "thách thức lớn về mặt chính trị, logistic và kinh phí". Một số quốc gia, trong đó có hai thành viên HĐBA là Trung Quốc và Nga, cùng với một số quốc gia Vùng Vịnh, đã phát động các sáng kiến "ngoại giao vaccine" để gia tăng hình ảnh trên toàn cầu hoặc tạo điều kiện cho việc tiếp cận dễ dàng hơn các liều vaccine. Tuy nhiên, bà Woodward vẫn nhấn mạnh cần có sự hợp tác toàn cầu vì lợi ích cửa tất cả các nước, khẳng định "không một ai an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn".

    Theo TTXVN