• Ngoài việc giúp quyên góp 1 tỷ USD, Anh đã cam kết chi 548 triệu bảng cho cơ chế tài chính AMC phục vụ cho Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.

    Chính phủ Anh ngày 10/1 cho biết nước này đã giúp quyên góp được 1 tỷ USD hỗ trợ "các quốc gia dễ bị tổn thương" tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19, thông qua việc giúp kết nối các nhà tài trợ toàn cầu với những nước cần hỗ trợ.

    Ngoài ra, Vương quốc Anh đã cam kết chi 548 triệu bảng cho cơ chế tài chính AMC phục vụ cho Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, sau khi đảm bảo chi 1 bảng Anh cho mỗi 4 USD được các nhà tài trợ khác cam kết.

    nuoc ngheo vaccine

    Canada, Nhật Bản và Đức là một trong số các quốc gia đóng góp tương ứng, giúp AMC huy động được tổng cộng hơn 1,7 tỷ USD cho đến nay. Theo Bộ Ngoại giao Anh, AMC sẽ cho phép phân phối một tỷ liều vắcxin ngừa COVID-19 cho 92 quốc gia đang phát triển trong năm nay.

    Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cảnh báo rằng nhiều nước có mức thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa có nguồn cung vắcxin phòng COVID-19.

    Theo ông Ghebreyesus, ngay từ đầu, các nước giàu đã chiếm phần lớn nguồn cung các loại vắcxin ngừa COVID-19. Ông kêu gọi các nước giàu và các hãng sản xuất vắcxin ngừng các thỏa thuận song phương vì sẽ ảnh hưởng tới cơ chế COVAX trong việc cung cấp vắcxin cho toàn cầu.

    Hiện 42 nước trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm ngừa COVID-19, trong đó 36 nước trong số này là những nước có thu nhập cao và chỉ có 6 nước có thu nhập trung bình.

    Cho đến nay, các quốc gia phát triển Anh, các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Thụy Sỹ và Israel là những nước đứng đầu nhóm chờ nhận vắcxin từ các hãng dược, trong đó có Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh)./.

  • Một công ty đầu tư bất động sản cao cấp đề nghị trả 100,000 bảng để nhân viên của họ được tiêm vắc-xin sớm.

    Hacking Trust, có trụ sở tại London, cho biết họ cần khoảng vắc-xin cho 20 người và yêu cầu được đến tiêm khi bệnh nhân khác có lịch khám trước vắng mặt hoặc hủy hẹn.  Được biết Hack Trust đã gửi thư cho một số trung tâm y tế, bao gồm cả Bristol và Worthing.

     PRC 178474220

    Một bác sĩ ở Worthing đã báo cáo vấn đề này với Hội Quản lý Bệnh viện Tây Sussex do vắc-xin Covid-19 được cấp phép bởi Bộ Y tế Công cộng Anh, thuộc sở hữu của Chính phủ Vương quốc Anh, và không được phép bán cho tư nhân. Thư điện tử có đoạn viết: "Chúng tôi cần vắc-xin cho khoảng 20 người và chúng tôi hiểu rằng quý vị đang điều hành một trung tâm tiêm chủng Covid-19. Chúng tôi đã được thông báo rằng nhiều người được thông báo tiêm vắc-xin đã không có mặt hoặc không tham dự”.

    "Trên cơ sở này, chúng tôi muốn được thông báo sớm nhất có thể về mọi trường hợp 'vắng mặt' hoặc hủy tiêm dẫn đến việc lãng phí vắc xin không cần thiết”.

    “Chúng tôi sẽ quyên góp 5.000 bảng cho mỗi nhân viên được tiêm thành công. Khoản tiền này có thể được trả dưới dạng quyên góp từ thiện hoặc trực tiếp cho nhân viên của quý vị”.

    “Chúng tôi sẽ có mặt trong vòng vài giờ sau khi nhận được điện thoại hoặc phản hồi thư”.

    Trên trang web của mình, Hacking Trust cho biết họ là chuyên gia trong lĩnh vực “mua bất động sản thương mại và nhà ở”. Tuy nhiên, trong email giới thiệu, họ lại nhận là “công ty y tế tư nhân”.  Trên thực tế, Hacking Trust có một bộ phận với tên gọi Hacking Health Trust, tập trung vào các tài sản y tế thương mại.

    Tin tức được công bố trong bối cảnh Anh quốc đang nỗ lực tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên trước khi triển khai vắc-xin cho toàn bộ dân số.

    Ông Robyn Clark, giám đốc viện Quản lý Bác sỹ Đa khoa, nói: “Chúng tôi cảm thấy kinh hãi khi công ty này hứa cung cấp tiền cho các bác sỹ để được ưu tiêm tiêm vắc-xin”.

    “Các bác sỹ đang nỗ lực hết sức để đảm bảo vắc-xin tới tay các nhóm ưu tiên như JCVI đề ra, vì đây là những người dễ bị tổn thương nhất. Những bệnh nhân này đang chờ để tiêm vắc-xin, nhiều người trong số đó sẵn sàng đến các địa điểm tiêm phòng ngay lập tức sau khi nhận được thông báo”.

    “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi có người nghĩ rằng việc tặng tiền là phù hợp. NHS sẽ không tính phí khi tiêm vắc-xin cho bệnh nhân và sẽ luôn như vậy”.

    Người đại diện của Hacking Trust cho biết: “Hacking Health Trust đề nghị quyên góp công khai một khoản tiền cho trung tâm tiêm chủng, phòng khám hoặc nhân viên của họ trong thời điểm khó khăn này để đổi lấy mọi loại vắc-xin chưa được sử dụng.

    “Chúng tôi đã nghe tin một số vắc-xin không được sử dụng do lỡ hẹn. Chúng tôi xin lỗi nếu mục đích tốt của mình gây ra hiểu lầm".

    Viethome (Theo Metro)

  • Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo 6 tháng phía trước sẽ "gian truân, vất vả" trước khi vaccine có thể giúp nhân loại chiến thắng Covid-19.

    Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Covid-19, cho biết ở nhiều quốc gia, tình hình rất đáng lo ngại và có thể sẽ nghiêm trọng hơn. Một số nước đang chứng kiến sự lây lan rất mạnh, đặc biệt ở châu Âu và Bắc Mỹ, với những con số đáng sợ về số ca nhiễm, số ca nhập viện và trường hợp cần chăm sóc đặc biệt.

    Bà cho biết các hoạt động gặp gỡ, giao tiếp xã hội và gia đình trong giai đoạn Giáng sinh và năm mới dẫn đến tăng hơn nữa các ca nhiễm vào tháng 1. Tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong những tuần tới.

    covid gian kho
    Y tá Kevin Deegan cho bệnh nhân Juan Legaspi-Lozano, 90 tuổi, một ngụm nước nhỏ tại Trung tâm Y tế Providence Holy Cross ở Mission Hills, California. Ảnh: LA

    Michael Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết đã có hy vọng khi vaccine bắt đầu được triển khai ở một số nước vào tháng 11-12/2020. Tuy nhiên ông cảnh báo mọi người không thể chủ quan và mất cảnh giác trước căn bệnh này.

    Ông nói: "Chúng tôi đã làm việc này cả năm rồi. Đó là một trận chiến thực sự, rất dài. Chúng ta còn chặng đường 3 hoặc 6 tháng gian nan, vất vả phía trước".

    Bác sĩ Van Kerkhove cho rằng, các biến thể mới của virus được phát hiện ở Anh và Nam Phi, mặc dù có vẻ như đang gia tăng khả năng lây truyền, nhưng không có sự thay đổi rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của bệnh.

    Chuyên gia Mỹ cho rằng biến thể lây lan nhanh hơn không phải là thảm họa, theo nghĩa nó nằm ngoài tầm kiểm soát và chúng ta không thể làm gì được. Các biện pháp cơ bản hiện có để ngăn chặn sự lây lan của virus vẫn hiệu quả.

    Còn Ryan cho rằng hoàn toàn không có dấu hiệu cho thấy vaccine đã được phát triển sẽ không hoạt động chống lại các biến thể mới. Kể cả trong trường hợp đó, theo ông, giới khoa học vẫn có thể điều chỉnh kịp thời vaccine.

    "Khi virus biến thể, chúng có thể lây nhiễm nhiều hơn nhưng hiếm khi trở nên nghiêm trọng hơn, vì điều đó không có lợi cho chúng", ông nói.

    Nguồn: AFP

  • MỸ - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ghi nhận 29 ca sốc phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19, trong đó 21 người tiêm vaccine Pfizer, 8 người tiêm vaccine Moderna.

    Giới chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) công bố con số này hôm 6/1, cho biết tiếp tục theo dõi các ca dị ứng nghiêm trọng và tác dụng phụ của vaccine.

    Tiến sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm Tiêm chủng và Bệnh đường hô hấp Quốc gia, cho biết các bệnh nhân nằm trong nhóm hơn 1,8 triệu người đầu tiên được tiêm chủng từ ngày 14 đến 23/12/2020. Như vậy, tỷ lệ sốc phản vệ là 11,1 trường hợp trên một triệu liều, cao hơn so với vaccine cúm.

    Bà Messonnier cho rằng sốc phản vệ với vaccine Covid-19 là hiện tượng hiếm gặp.

    Bà nói: "Tất cả chúng tôi đều hy vọng vaccine không để lại tác dụng phụ. Ngay cả với 11 trường hợp dị ứng trên một triệu liều, sản phẩm vẫn rất an toàn".

    Trong 86% các ca sốc phản vệ, triệu chứng biểu hiện trong vòng 30 phút sau tiêm. 81% xảy ra ở người có tiền sử dị ứng. 90% bệnh nhân là phụ nữ.

    Theo tiến sĩ Thomas Clark, chuyên gia dịch tễ tại CDC, 19 người bị sốc phản vệ đã được sử dụng epinephrine, loại thuốc điều trị những trường hợp dị ứng nghiêm trọng trong tình huống khẩn cấp. Tất cả đều hồi phục.

    soc phan ve vaccine
    Một người dân được tiêm vaccine Covid-19 tại Boston, Mỹ, tháng 12/2020. Ảnh: AFP

    Theo CDC, khoảng 17 triệu liều vaccine đã được phân phối trên khắp cả nước. Trước đó, quan chức liên bang hứa sẽ cung ứng đủ 20 triệu liều vào cuối năm 2020. Tính đến 6/1, 4,8 triệu người Mỹ đã tiêm chủng.

    Sốc phản vệ là tình trạng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu ngay lập tức, theo Viện Hàn lâm Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Mỹ. Các triệu chứng bao gồm phát ban trên da, buồn nôn, ói mửa, khó chịu và sốc. Thông thường, sốc phản vệ xảy ra do thức ăn, vết muỗi đốt của côn trùng, thuốc và cao su.

    CDC cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tác dụng phụ và thường xuyên đánh giá giữa rủi ro - lợi ích của việc tiêm chủng. Tuy nhiên, cơ quan khẳng định vaccine Covid-19 đến nay vẫn là "công cụ quan trọng trong nỗ lực kiểm soát đại dịch".

    Bà Messonnier nói: "Chúng ta đang có 2.000 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Tiêm chủng là một hành động giá trị. Nguy cơ mắc Covid-19 và hệ quả của nó vẫn đáng ngại hơn dị ứng vaccine".

    Trước đó các nước Anh, Pháp, Irael đều ghi nhận có trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19. Đặc biệt Israel ghi nhận 240 người nhiễm nCoV sau tiêm vaccine Pfizer, song các nhà khoa học cho rằng điều này là bình thường, bởi cơ chế tạo kháng thể của vaccine này chỉ sinh ra khi tiêm đủ hai liều, mỗi liều cách nhau 28 ngày.

    VnExpress (theo USAToday)

  • Thủ tướng Boris Johnson cho biết đang gấp rút tiêm chủng cho hàng triệu người trong những tuần tới, song sẽ duy trì lệnh phong tỏa để tránh quá tải bệnh viện.

    Hôm 6/1, Thủ tướng Johnson bày tỏ lo ngại về biến thể nCoV đang "lây lan với tốc độ đáng sợ" ở miền đông nam, gây thêm nhiều ca tử vong trên toàn quốc. Dữ liệu chính thức cho thấy trong tuần trước, cứ 50 người Anh thì một người nhiễm nCoV, các bệnh viện bị quá tải.

    "Không thể chối bỏ sự thật rằng tình hình đang chuyển biến, chúng ta phải thay đổi biện pháp ứng phó", ông Johnson phát biểu với Hạ viện, lưu ý sẽ tiếp tục giãn cách xã hội toàn quốc đến ngày 31/3.

    Cho tới lúc đó, chính phủ có kế hoạch tiêm liều vaccine đầu tiên cho khoảng 14 triệu người, bao gồm những người trên 80 tuổi, thành viên viện dưỡng lão và các bác sĩ tuyến đầu trong Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS).

    Anh là nước đầu tiên triển khai tiêm chủng vào tháng trước với vaccine Pfizer-BioNTech. Tuần trước, chính phủ đã phê duyệt thêm vaccine do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển.

    Đến nay, hơn 1,3 triệu người đã được tiêm chủng liều đầu tiên. Chính phủ đang trì hoãn mũi tiếp theo, để dành vaccine cho càng nhiều người càng tốt.

    tiem vaccine gap
    Thành viên viện dưỡng lão được sử dụng vaccine Covid-19 của Pfizer tại London, Anh, tháng 12/2020. Ảnh: Reuters

    Thủ tướng Johnson phát biểu: "Sau cuộc chạy marathon vào năm ngoái, chúng tôi đang trong cuộc đua nước rút để tiêm chủng cho người dễ bị tổn thương, trước khi họ nhiễm nCoV".

    Ông nhấn mạnh Anh đã tiêm vaccine cho nhiều người hơn toàn bộ phần còn lại của châu Âu.

    Hiện nay, Anh là vùng dịch lớn thứ năm thế giới. Ngày 7/1, nước này ghi nhận hơn 2,8 triệu ca nhiễm và ít nhất 77.000 trường hợp tử vong. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể nCoV, có khả năng lây nhiễm cao hơn 70%.

    Anh tái phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 5/1. Chính phủ yêu cầu người dân ở trong nhà, làm việc từ xa bất cứ khi nào có thể, chỉ ra ngoài để tập thể dục hoặc mua sắm nhu yếu phẩm.

    Thủ tướng Johnson cho biết các lệnh phong tỏa có thể được nới lỏng từ giữa tháng 2, nếu chương trình tiêm chủng diễn ra theo kế hoạch và số ca tử vong mới giảm dần.

    Theo AFP

  • Giới chức y tế Bồ Đào Nha đang mở cuộc điều tra về cái chết bất thường của một nhân viên y tế ở thành phố Porto, người được cho hoàn toàn khỏe mạnh vào thời điểm được tiêm vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech.

    tv sau tiem vaccine
    Nữ y tá Sonia Azevedo đã đổi hình đại diện trên Facebook sau khi tiêm. Ảnh chụp màn hình FB

    Theo báo Daily Mail hôm 4.1, nữ y tá tên Sonia Azevedo, 41 tuổi, mẹ của hai con, làm trợ lý phẫu thuật của Viện Ung thư Bồ Đào Nha (IPO) ở Porto.

    Bà nằm trong số 538 nhân viên y tế làm việc tại IPO được tiêm liều vắc xin của liên danh Pfizer/BioNTech vào thứ tư tuần trước (30.12).

    Sau đó, Azevedo trải qua tiệc tất niên với gia đình, trước khi được phát hiện qua đời trên giường ngủ vào sáng hôm sau.

    “Tôi muốn biết nguyên nhân cái chết của con gái tôi”, báo Correio da Manhã dẫn lời người cha Abilio. Ông cho hay con mình có cuộc sống lành mạnh, vui vẻ, chưa bao giờ uống rượu và chế độ ăn ổn định.

    Nữ y tá rất hãnh diện vì nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vắc xin ở Bồ Đào Nha. Bà đã thay đổi hình đại diện trên Facebook để kỷ niệm dịp này.

    Con gái Vânia Figueiredo vô cùng ngỡ ngàng trước sự qua đời đột ngột của mẹ mình: “Chúng tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và chẳng có lời giải thích nào cả”.

    Vắc xin của liên danh Pfizer/BioNTech là dòng vắc xin Covid-19 duy nhất hiện được tiêm phòng tại Bồ Đào Nha.

  • Ngày 4/1, Anh bắt đầu tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh bào chế. Như vậy Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho người dân mũi vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford.

    AstraZeneca
    Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. Ảnh: CNN

    Tháng 12/2020, Anh cũng là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng cho người dân vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế.  

    Người đầu tiên được tiêm phòng vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford tại Anh là cụ Brian Pinker, 82 tuổi, bệnh nhân thẩm phân máu. Mũi tiêm được thực hiện tại một bệnh viện chỉ cách cơ sở phát triển vaccine vài trăm mét. Cụ ông Pinker đã cảm ơn các nhà khoa học tham gia phát triển vaccine, đồng thời bày tỏ trông đợi được tổ chức lễ kỷ niệm 48 năm ngày cưới của mình trong năm nay. 

    Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford là "chiến thắng của khoa học Anh", đồng thời coi đây là phương thức duy nhất về lâu dài sẽ đưa thế giới thoát khỏi đại dịch. Theo ông, Anh đã tiêm 1 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech cho người dân, nhiều hơn tất cả các nước châu Âu cộng lại. 

    Với hy vọng có thể đẩy lùi dịch bệnh sớm hơn các nước khác, Anh là nước tiến hành phê chuẩn việc lưu hành vaccine phòng COVID-19 cũng như tiêm chủng cho người dân nhanh hơn Mỹ và các nước châu Âu. Ngoài vaccine của Pfizer/BioNTech, Anh cũng đã đặt mua 100 triệu liều vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford, có thể bảo quản ở mức nhiệt từ 2 đến 8 độ C, do dó, loại vaccine này dễ phân phối hơn vaccine của Pfizer/BioNTech - vốn yêu cầu bảo quản ở mức nhiệt âm.

    Giới chức Anh cho biết 6 bệnh viện tại vùng England được phép tiêm 530.000 liều vaccine đầu tiên cho người dân. Chương trình tiêm chủng này sẽ được mở rộng tới hàng trăm người dân ở các vùng khác trong những ngày tới. Chính phủ Anh đặt mục tiêu sẽ tiêm được khoảng 10 triệu liều vaccine trong những tháng tới. 

    Trong những tuần gần đây, số ca nhiễm tại Anh liên tục tăng mạnh, một phần do sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 được cho là dễ lây lan hơn chủng gốc. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận gần 55.000 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 2,6 triệu người, trong đó có hơn 75.000 người không qua khỏi - mức cao thứ 2 tại châu Âu. Chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson đã để ngỏ khả năng áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, trong đó có việc áp đặt một lệnh phong tỏa mới trên cả nước, để khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

  • Các chuyên gia y tế Anh cho phép "trộn" các loại vắc xin ngừa COVID-19 khi tiêm chủng (trong tình huống cần kíp) trong bối cảnh biến thể mới của virus corona khiến các ca nhiễm tăng nhanh ở nước này. Giới chuyên gia cảnh báo nguy hiểm.

    tiem 2 vaccine tren cung 1 nguoi
    Chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech tại một trung tâm y tế ở Buckinghamshire, Anh - Ảnh: ZUMAPRESS

    Báo New York Times ngày 1-1 cho biết thay đổi mới nhất trong hướng dẫn tiêm chủng của Anh cho thấy sự khác biệt bất ngờ so với hướng dẫn trước đó, và hoàn toàn khác với các tiếp cận tiêm chủng của Mỹ.

    Hướng dẫn mới của Anh hiện nay cho phép một người nhận mũi tiêm vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 thứ hai khác loại với mũi đầu tiên trong trường hợp cần thiết. Cho đến nay, Anh đã cấp phép sử dụng vắc xin COVID-19 trong tình huống khẩn cấp đối với 2 loại vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech và AstraZeneca.

    "Đối với những người tiêm chủng theo lịch trình và đến một điểm tiêm chủng không có cùng loại với mũi tiêm trước đó, hoặc trong trường hợp không nhớ rõ loại vắc xin đã tiêm lần đầu, họ sẽ được tiêm một mũi tiêm của vắc xin sẵn có tại địa phương" - hướng dẫn mới cập nhật của Anh cho hay.

    Tuy nhiên, hướng dẫn cũng nói rằng tốt nhất nên tiêm liều thứ hai cùng loại vắc xin với liều thứ nhất. Hướng dẫn lưu ý chỉ nên sử dụng biện pháp tiêm ngừa khác loại vắc xin trong trường hợp bệnh nhân thuộc diện "nguy cơ cao ngay lập tức" hoặc thuộc diện "không có khả năng đi tiêm lại".

    Hướng dẫn giải thích việc cho phép tiêm 2 loại vắc xin COVID-19 khác nhau vì cả hai đều được chế tạo bằng công nghệ mRNA. Hướng dẫn mới của Anh khiến giới chuyên gia y tế bận tâm.

    "Không có dữ liệu nào về việc này" - ông John Moore, chuyên gia vắc xin của ĐH Cornell (Mỹ), nói. Ông Moore nhận định là các quan chức Anh "dường như đã bỏ qua các bằng chứng khoa học và chỉ tập trung để giải quyết tình hình lộn xộn trước mắt".

    Anh ngày 1-1 đã ghi nhận hơn 53.000 ca mắc mới và 613 ca tử vong vì COVID-19 sau khi phát hiện một biến thể mới của virus corona có tỉ lệ lây nhiễm cao hơn. Hiện tại nước này đã có trên 2,5 triệu ca nhiễm, cao thứ 6 toàn cầu, theo trang worldometers.info.

    Những thay đổi mới nhất của các quan chức y tế Anh cũng hoàn toàn trái ngược với khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong đó khẳng định rằng các loại vắc xin "không thể thay thế cho nhau" và "tính an toàn và hiệu quả của hỗn hợp các vắc xin chưa được đánh giá".

    CDC Mỹ đã từ chối bình luận về hướng dẫn mới cập nhật của Anh, theo báo New York Times. CDC Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna.

    Chiến dịch tiêm chủng cho người Mỹ cũng bị chỉ trích là quá chậm so với dự kiến khi đến nay chỉ có hơn 2,8 triệu người được tiêm ngừa. Trước đó, Chính phủ Mỹ từng công bố kế hoạch chủng ngừa cho 20 triệu người vào cuối năm 2020.

  • Hàng trăm người Israel đã bị nhiễm Covid-19 dù mới được tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech.

    nhiem benh sau khi tiem vaccine
    Một người đàn ông được tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech ở thành phố Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP

    Trong số 1 triệu người Israel được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đến nay, có khoảng 240 người đã nhiễm bệnh chỉ vài ngày sau khi tiêm, theo trang Channel 13 News ngày 31.12.2020.

    Giới chuyên gia cho biết vắc xin của Pfizer/BioNTech không được tạo ra bằng virus Corona chủng mới gây Covid-19 (SARS-CoV-2) nhưng có chứa một đoạn mã gien của virus để giúp hệ miễn dịch phát triển cơ chế bảo vệ nếu phát hiện SARS-CoV-2.

    Quá trình này cần thời gian và theo các nghiên cứu, hệ miễn dịch sẽ bắt đầu hoạt động hiệu quả khoảng 50% trước Covid-19 trong 8-10 ngày sau khi tiêm mũi thứ nhất. Hiệu quả của vắc xin sẽ tăng dần lên 95% sau khi bệnh nhân được tiêm mũi thứ 2, cách mũi đầu tiên 21 ngày.

    Những bệnh nhân tại Israel có thể nhiễm bệnh khi vắc xin chưa đạt mức hiệu quả cần thiết. Do đó, người dân được kêu gọi cảnh giác và tuân thủ mọi biện pháp đề phòng trong một tháng sau ngày tiêm mũi vắc xin đầu tiên.

    Theo Bộ Y tế Israel, tỷ lệ người gặp triệu chứng nhẹ sau khi tiêm như mệt mỏi, chóng mặt, sốt, đau, sưng ở vị trí tiêm là 1/1.000 người.

    Mặt khác, từ khi Israel bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vào ngày 20.12.2020, ít nhất 4 người tử vong vài ngày sau đó, trong đó 3 trường hợp không liên quan đến vắc xin và trường hợp còn lại là một cụ ông 88 tuổi, có bệnh nền. Ca tử vong này đang được điều tra thêm.

    Trước đó, việc nhiễm Covid-19 sau khi tiêm vắc xin cũng xuất hiện tại Mỹ. Pfizer giải thích rằng vắc xin giúp bảo vệ khỏi Covid-19 trong vòng khoảng 10 ngày sau khi tiêm liều thứ nhất, và dần dần tăng cường sau liều thứ 2, cho thấy nhu cầu tiêm 2 liều. Thông cáo còn cảnh báo thêm rằng mọi người vẫn có khả năng mắc bệnh ngay sau khi tiêm ngừa.

  • tiem vaccine qua lieu
    Lọ vaccine ngừa COVID-19 do công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech và tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer sản xuất.

    Được tiêm gấp năm lần bình thường liều vaccine ngừa COVID-19, bốn nhân viên của một viện dưỡng lão ở Đức phải nhập viện do xuất hiện các triệu chứng như nhiễm COVID-19.

    Do nhầm lẫn, tám nhân viên của một viện dưỡng lão ở TP Stralsund (Đức) đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 Pfizer-BioNTech với liều lượng nhiều gấp năm lần, khiến một nửa trong số họ phải nhập viện.

    Theo đài RT, sự việc xảy ra vào ngày 27-12, bảy công nhân nữ và một công nhân nam (từ 66 đến 82 tuổi) đã được tiêm nhiều gấp năm lần liều vaccine do công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech và tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer sản xuất. 

    Thông tin từ chính quyền vùng Vorpommern-Rügen cho biết bốn trong tám nhân viên đã được đưa đến bệnh viện, những người còn lại được đưa về nhà và liên lạc thường xuyên với cơ sở y tế khu vực để theo dõi.

    Người đứng đầu chính quyền vùng Vorpommern-Rügen - ông Stefan Kerth - tiết lộ bốn trong số tám nhân viên đang được theo dõi tại bệnh viện vì xuất hiện "các triệu chứng tương tự như nhiễm COVID-19” sau khi được tiêm 150 microgram (mcg) vaccine, gấp năm lần liều lượng 30 mcg bình thường.

    "Tôi vô cùng lấy làm tiếc về sự cố này. Trường hợp hy hữu này là do lỗi của cá nhân. Tôi hy vọng tất cả những người bị ảnh hưởng không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng và lâu dài" - ông Kerth nói.

    Đây cũng là ngày đầu tiên Đức bắt đầu quá trình tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những công dân cao tuổi ở các viện dưỡng lão. Việc tiêm ngừa cho toàn bộ người dân sẽ được triển khai vào năm tới.

    Tuy nhiên, việc phân phối vaccine tại quốc gia này đang gặp trở ngại do một số khu vực đã từ chối nhận các lô hàng vaccine vì nghi ngờ chúng không được giữ ở nhiệt độ đúng -70 độ C cần thiết để bảo đảm chất lượng và độ an toàn của vaccine.

    Bảy quận của bang Bavaria đã quyết định trả lại 1.000 liều vaccine sau khi những lô vaccine mà họ nhận được có nhiệt độ bảo quản lên đến 15 độ C, bác bỏ tuyên bố của BioNTech cho rằng vaccine với nhiệt độ cao vẫn có thể sử dụng được.

    Trong lúc Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn do dự trước việc sử dụng vaccine của Pfizer, các cơ quan y tế đã đẩy nhanh quá trình phân phối vào đầu tháng này khi các quốc gia thành viên, bao gồm Đức, phàn nàn về sự chậm trễ.

    Các quốc gia châu Âu đã bắt đầu quá trình tiêm ngừa cho người dân vào cuối tuần qua, khuyến cáo bất kỳ công dân nào trên 16 tuổi nên tiêm cùng một lúc hai liều vaccine, RT đưa tin.

  • Tiêm vaccine COVID-19 liệu có đồng nghĩa được bỏ qua các bước phòng dịch trong đó có đeo khẩu trang?

    Hiện vaccine ngừa COVID-19 đang được gấp rút triển khai tiêm ở nhiều nước và sẽ sớm mở rộng ra toàn cầu với hy vọng đẩy lùi đại dịch. Câu hỏi đặt ra là liệu một khi đã được tiêm vaccine thì có cần phải đeo khẩu trang nữa không. Câu trả lời là có, theo bài viết của BS nội khoa Jay Bhatt và BS gia đình Shazia Ahmed (Mỹ) trên trang tin của đài ABC News.

    tiem vaccine deo khau trang

    Các biện pháp phòng dịch - đeo khẩu trang, rửa tay, duy trì giãn cách xã hội - giúp giảm đà lây lan. Vaccine là một cơ hội để giảm hơn nữa đà lây, tuy nhiên vaccine cũng có thể khiến người ta hiểu lầm rằng việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch không cần thiết nữa. Một số lý do tại sao mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng dịch dù đã được tiêm vaccine:

    Vaccine không tạo ra được ngay miễn dịch. Các vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna cần phải được tiêm hai liều, cách nhau vài tuần. Trong thời gian này, người vẫn có thể nhiễm. Hơn nữa, thời gian miễn dịch của vaccine chưa rõ.

    Vaccine trong quá trình thử nghiệm không theo dõi liệu người tham gia có mang khẩu trang hay không. Vì thế, không thể xác định được tỉ lệ hiệu quả của vaccine công bố có liên quan đến việc người tham gia có hay không đeo khẩu trang.

    Thế giới thật không phải như một cuộc thử nghiệm lâm sàng. Các yếu tố như vaccine được bảo quản, vận chuyển, quản lý thế nào, lịch sử bệnh tật người được tiêm thế nào có thể mang tính quyết định đến hiệu quả thực của vaccine, không giống hiệu quả ở cuộc thử nghiệm lâm sàng vốn thực hiện trên người khỏe mạnh.

    Vẫn chưa rõ về miễn dịch cộng đồng, vốn xảy ra khi có đủ lượng người nhiễm, thường thông qua việc tiêm vaccine, làm hạn chế khả năng lây lan của virus. 

    Tiêm chủng giảm đáng kể rủi ro mắc bệnh nhưng không phải vì thế mà mọi người chấm dứt tuân thủ các biện pháp phòng dịch công cộng. Vì thế, theo hai bác sĩ Mỹ, trong thời gian chờ hiểu thêm về virus cũng như tính hiệu quả về mọi mặt của vaccine thì mọi người phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch. 

  • Lực lượng y tế được tiêm Vắc xin ngừa Covid-19 trước từ 1-2 tuần trước (ngay khi Vaccine Pfizer đến Mỹ). Tiếp đến là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như cựu chiến binh, người cao tuổi, đặc biệt những người già những người trong nhà dưỡng lão. Những Việt kiều Mỹ đầu tiên cũng đã được tiêm và họ tin sẽ an toàn. 

    nhung nguoi viet tiem vaccine dau tien 1
    Ban Quản lý vắc xin Covid-19 tại bệnh viện Houston

    TP New York

    Lực lượng y tế được chích trước từ 1-2 tuần trước (ngay khi Vaccine Pfizer đến Mỹ). Tiếp đến là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như cựu chiến binh, người cao tuổi, đặc biệt những người già nhung nguoi gia trong nhà dưỡng lão.

    Ông quản lý khu chung cư của tôi ở khu Midwood (khu Do Thái) là cựu chiến binh, năm nay 65 tuổi, có vợ Việt Nam, đã được chích mũi đầu tiên từ 2 tuần. Ông phấn khởi khoe: “Chích nhẹ nhàng, không có dấu hiệu mệt mỏi hay khác thường gì cả. Tôi thấy tự tin an tâm hẳn…” Ông Anthony tiếp: “Chích mũi thứ 2 nữa là xong. Chính phủ tốt với cựu chiến binh lắm. Người ta tự gọi tôi để mời đi chích vaccine đó. Tôi không phải đăng ký hay nộp đơn xếp hàng gì cả…”

    Ông Chen, người gốc Hoa, 73 tuổi, bác sĩ ở khu phố Tàu Manhattan, có vợ Việt Nam (Anh Đào, 49 tuổi) cũng được đi chích vaccine Pfizer từ những ngày đầu. Ông Chen nói: “Lúc đầu cũng sợ sợ vì cao tuổi mà vacxin COVID 19 lại được nghiên cứu và phê duyệt trong thời gian ngắn. Nhưng đến nay thì không thấy có biến chứng gì cả. Tôi thấy bệnh nhân và đồng nghiệp đều chia sẻ tương tự như vậy… Vaccine an toàn rồi!”

    Tin vui về vaccine chích diện rộng thành công bước đầu làm mọi người phấn khởi. Mấy tuần vừa rồi khi nào tôi ra đường đều thấy một không khí đã khởi sắc. Các phương tiện đi lại công cộng như xe bus và xe điện ngầm càng ngày càng đông đúc lên.

    Người dân vẫn chen chúc ở Đại Lộ số 5 (Fifth Avenue) để mua sắm, xem cây thông Giáng Sinh, và nhạc ánh sáng tại khu mua sắm nổi tiếng Sak Fifth.

    Tuy nhiên, đông thì có đông nhưng vẫn không thể như New York của những năm trước. Nhớ năm ngoái ba mẹ đến thăm tôi ở New York: “Ba mẹ không dám nhìn cảnh vật xung quanh mà chỉ nhìn áo đỏ của con đi trước vì sợ bị lạc. Giữa biển người reo hò tưng bừng vậy, lạc mất sao mà tìm… Không thể nghe được tiếng của nhau!”

    nhung nguoi viet tiem vaccine dau tien 1
    Người dân New York đã đi xe buýt đông hơn.

    TP Houston

    Houston là nơi có đông người Việt định cư thứ 3 ở nước Mỹ, chính vì thế có rất nhiều người Việt mình góp công sức vào cuộc chiến lịch sử chống đại dịch COVID 19!

    Cô Trang (30 tuổi, dược sĩ) nói: “Từ hôm vaccine Pfizer đến bệnh viện tôi, mỗi ngày chích gần mười mấy tiếng mà không kịp… Tôi trong ban nhận và phát vaccine nên phải ký giấy tờ bảo mật ghê lắm… Lộ thông tin các nhân nào liên quan đến vaccine ra là mất việc như chơi…”

    Cô Trang tiếp: “Tính đến thời điểm này (đêm 21.12), vaccine Pfizer của bệnh viện tôi đã hết. Những đợt chích sau phải dung Moderna. Chúng tôi rất lo vì Pfizer đã được dùng trên diện rộng mà không thấy biến chứng gì nên yên tâm hơn! Bây giờ chích Moderna thì khác gì mình là đợt đầu thử nghiệm trên người… Nhưng Pfizer thì là sản phẩm nhập khẩu từ Đức còn Moderna là hàng nội địa, một bên chỉ có chỉ tiêu vài ngăm ngàn liều cả nước, một bên mình lấy được hàng triệu liều ngay trong sân nhà… Chắc là từ đây nơi nào cũng sử dụng Moderna…”

    Anh Vinh (29 tuổi, dược sĩ) nói: “Cái khó ở đây nữa là vaccine Pfizer được yêu cầu phải bảo quản trong môi trường cực lạnh… Chỉ có bệnh viện mới có kinh phí bảo quản vaccine trong môi trường đặc biệt này… Thường thì các vaccine như cảm cúm (flu vaccine) người dân Mỹ chích hàng năm đều được lấy từ các hệ thống phân phối của CVS hay Walgreen nên tiện lợi lắm, mỗi con đường hay khu phố đều có các cửa hàng này… Câu hỏi hóc búa bây giờ cho ngành y là làm sao các đại lý phân phối này có thể đảm bảo yêu cầu bảo quản của vaccine Pfizer trong khi Moderna không đòi hỏi các điều khiện bảo quản nghiêm ngặt… Trong tương lai tôi nghĩ chắc chắn Moderna sẽ được đưa ra sử dụng rộng rãi hơn!”

    Anh Vinh cũng chia sẻ thêm việc anh đã nhận mũi đầu tiên của vaccine Pfizer và đến thời điểm này thì hoàn toàn yên tâm về độ an toàn.

    Cô Mai (28 tuổi, y tá) cũng đã nhận mũi đầu tiên. Cô chia sẻ giấy chứng nhận đã chích đợt 1 và hình ảnh tươi vui của các nhân viên y tế sau khi được tiêm vaccine Pfizer. Cô Mai nói: “2 mũi vaccine có tác dụng bảo vệ có thể đến 8 tháng. Sau đó nếu cơ thể yếu có thể bị nhiễm bệnh lại. Chính vì thế vaccine cho COVID 19 sẽ được khuyến khích chích hằng năm như flu vaccine.”

    Cô Mai cũng nói thêm “Mũi thứ 2 dự đoán có thể sẽ gây mệt mỏi hơn mũi thứ 1. Ba tuần nữa tôi sẽ chích mũi thứ 2. Cứ chờ xem!”

    Cô Trang, dược sĩ ở bệnh viện MD Anderson và là thành viên của đội vaccine, lo ngại khi những vaccine này được chích đại trà cho người dân vì nhiều lí do: “Thứ nhất là trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ vaccine. Để trở thành thuốc chích thì vaccine gốc (nhận trực tiếp từ tập đoàn dược Pfizer) cần phải điều chế thành nhiều liều thuốc chích cho bệnh nhân. Trong suốt quá trình này, vaccine phải được nghiêm ngặt bảo quản. Nếu không thì tác dụng, hiệu quả của vaccine sẽ bị giảm sút đi rất nhiều.”

    Cô cũng cho biết thêm: “Chỉ có bệnh viện lớn với nguồn nhân lực và kinh phí dồi dào mới đảm bảo được chất lượng của vaccine. Thứ hai là cơ sở vật chất cần để bảo quản vaccine quá mắc và khan hiếm. Tất cả đều được thiết kế và sản xuất bởi Pfizer…”

    Theo cô Trang, ngay cả bệnh viện nhỏ ở trung tâm Y tế Houston còn chưa có được cơ sở vật chất như thế thì làm sao những công ty bán thuốc như Walgreen và CVS hay những trung tâm Y tế ở vùng ngoại ô có được…

    nhung nguoi viet tiem vaccine dau tien 1

    Bác sĩ phẫu thuật, Tuệ Đinh, và trợ lý y khoa của ông, Linda, ở bệnh viện Methodist nằm trong nhóm đầu tiên được lấy vaccine. Cả 2 phấn khởi cho biết “Trước sau gì cũng phải lấy, lấy bây giờ thì còn được đội vaccine theo dõi triệu chứng phụ nên thấy an toàn hơn là lấy sau này!” Sau một tuần lấy vaccine, cả hai đều không có biến chứng phụ!

    Ngày 22.12, các bệnh viện lớn của Houston sẽ nhận được vaccine của Moderna. Không khí thận trọng lại bao phủ trung tâm Y tế lớn nhất thế giới này như khi họ mới nhận dược vaccine Pfizer những ngày đầu tiên…

    Tuy nhiên, anh Trí, bác sĩ nội khoa bệnh việc Methodist, lại thích vaccine mới của Moderna hơn sau khi đọc thông tin so sánh của cả 2 loại vaccine. Lý do chính mà anh cho biết là điều kiện bảo quản của vaccine Moderna không khắc nghiệt như của Pfizer nên chất lượng sẽ được đảm bảo hơn nhiều.

    Kết

    Khi cựu phó Tổng Thống Mike Pence và Tổng thống mới đắc cử Joe Biden công khai quá trình chích vaccine thì người dân Mỹ, bao gồm cộng đồng Việt xa xứ, ai nấy đều cảm thấy yên tâm hơn vì “các ông ấy già thế, quan trọng thế mà còn dám chích thì chắc là vaccine an toàn rồi. Nếu vaccine có vấn đề gì thì các ông cũng đã nắm được thông tin mật trước rồi đấy chứ!”

    Tôi cũng đăng ký chích đợt đầu tại trường Đại Học Brooklyn. Thật sự là nỗi lo dịch bệnh hàng ngày làm tôi và các bạn đồng nghiệp mệt mỏi: “Không thể sống trong lo âu mãi như thế này được. Chẳng lẽ ở trong nhà cả đời?! Phải trở lại cuộc sống bình thường. Trường học cũng nên được sớm mở cửa lại…”

    Trong thời gian chờ đợi vaccine đến các nhà giáo và nhân viên trường đại học, chúng tôi vẫn thường xuyên đi kiểm tra COVID 19 hàng tuần tại các trung tâm thử miễn phí gần trường.

    nhung nguoi viet tiem vaccine dau tien 1

    Năm 2020 thật sự bắt đầu với đại dịch thế kỷ nhưng may mắn kết thúc với tin vui về các vaccine bắt đầu sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Cộng đồng Việt Kiều Mỹ mong rằng năm 2021 mọi hoạt động sẽ trở lại như trước dịch để “còn về Việt Nam ăn Tết và thăm gia đình!”

    Theo Thanh Niên

  • Bác sĩ Wynn Huỳnh Trần là một trong những nhân viên y tế đầu tiên tại Bệnh viện Methodist, California, tiêm vaccine Pfizer, cơ thể không phản ứng bất thường.

    Vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech đã được Mỹ phê duyệt và bắt đầu tiêm chủng đại trà vào 14/12. Nhóm nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao mắc bệnh được ưu tiên tiêm trước.

    Bác sĩ Wynn Huỳnh Trần, Phó giáo sư Y khoa tại Đại học Y khoa Northstate California, Sacramento, tiêm vaccine ngày 17/12. Trao đổi với VnExpress ngày 23/12, anh cho biết phải chờ đợi khoảng 15 phút sau khi tiêm để biết rõ cơ thể hoàn toàn bình thường. Sau đó, bác sĩ tiếp tục đăng ký tiêm mũi thứ hai, dự kiến vào ngày 7/1/2021.

    "Cảm thấy khó tả lẫn xúc động khi tôi nhìn y tá tiêm những giọt dịch trong suốt chầm chậm vào bắp thịt của mình. Đó là thành quả nghiên cứu khoa học của hàng nghìn bác sĩ, chuyên viên, làm việc miệt mài không quản ngày đêm trong 10 tháng qua để cho ra một vaccine chống lại Covid-19. Đây là kỷ lục trong y khoa, một bằng chứng cho thấy những kỹ thuật mới (mRNA vaccine) tưởng chừng chỉ là ý tưởng giờ đã thành hiện thực", anh cho biết.

    Một ngày sau tiêm chủng, cơ thể bác sĩ Wynn không có phản ứng đặc biệt.

    "Tôi chỉ cảm thấy hơi ê ê ở vùng vai phải nơi tiêm", anh nói.

    Khi trở về nhà, anh sử dụng phần mềm V-safe của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) để theo dõi sức khỏe bằng các trả lời các câu hỏi hệ thống đưa ra. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào, CDC sẽ liên lạc với anh ngay.

    Đến nay, đã 5 ngày sau tiêm, bác sĩ Wynn vẫn cảm thấy khỏe, không đau, sốt hay ốm.

    bac si goc viet tiem vaccine
    Bác sĩ Wynn Huỳnh Trần tiêm vaccine Pfizer. Ảnh: NVCC

    Trước tiêm, bác sĩ Wynn cũng lo ngại tới vấn đề tác dụng phụ do vaccine mRNA là loại mới hoàn toàn, chưa bao giờ được sản xuất, còn nhiều điều chưa được làm rõ. Anh tự tìm tòi và nghiên cứu thông tin về vaccine, dịch bệnh. Phải tới khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine, bác sĩ Wynn mới an tâm hơn và đăng ký tiêm chủng.

    Bác sĩ Wynn gọi vaccine Pfizer-BioNTech là mũi tiêm của hy vọng, bởi vaccine sẽ giúp cuộc sống của hàng triệu người trở lại bình thường, không còn đau đớn vì tử vong do dịch bệnh.

    "Tôi nghĩ đến những bệnh nhân Covid-19 của mình, nhớ đến những đồng nghiệp đang vất vả chống chọi căn bệnh, và nhớ cả những cuộc gọi lúc nửa đêm. Tôi im lặng chỉ để nghe bác trai vừa khóc, vừa liên tục kể về bác gái vừa mất do Covid-19", anh viết trên trang cá nhân sau đó.

    Anh chia sẻ rằng thấy hy vọng trong những ngày tới, khi bệnh nhân, nhân viên y tế, và tất cả mọi người sẽ tiêm vaccine Covid-19. Chỉ như vậy, chúng ta mới có miễn dịch cộng đồng để chống nCoV, chấm dứt đại dịch.

    "Tôi sẽ ngửi lại mùi bún bò Huế của tiệm Nha Trang gần phòng khám, sẽ chạy ngang tiệm cơm tấm sườn bì Kiều mà phân vân không biết có nên vào ăn, sẽ đến tiệm cắt tóc quen thuộc góc đường Valley. Có thể khi tôi quay lại phòng gym thì thấy toàn mùi mồ hôi vì nhiều người đã lâu không tập. Tôi sẽ đi cổ vũ ủng hộ đội bóng rổ Laker, sẽ thấy chương trình Paris By Night ra số 201 có quay hình trực tiếp. Và tôi sẽ tiếp tục đi lang thang đây đó", anh bày tỏ những ao ước sẽ làm khi cuộc sống trở lại bình thường.

    Mặc dù đã tiêm vaccine Covid-19, bác sĩ Wynn cho biết vẫn sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của CDC. Anh giải thích người được tiêm vaccine sẽ có kháng thể đặc hiệu chống virus, hạn chế khả năng nhân bản, và tiến triển bệnh covid-19, nhưng vẫn còn một số virus trong người trong lúc kháng thể đặc hiệu đang tiêu diệt virus.

    "Người đã tiêm vaccine vẫn có thể lây bệnh, mặc dù khả năng có thể thấp hơn người không tiêm. Do đó, các biện pháp phòng dịch lúc này vẫn rất cần thiết", anh nói.

    Nguồn: VnExpress

  • Đại diện hãng dược Đức BioNTech cho rằng, vắc xin hiện thời của họ vẫn hiệu quả với chủng SARS-CoV-2 mới phát hiện ở Anh, nhưng trong trường hợp phải điều chế một vắc xin mới, họ cũng chỉ cần 6 tuần.

    vaccine khac che chung moi
    BioNTech nói chỉ cần 6 tuần để chế vắc xin ngừa chủng vi rút SARS-CoV-2 ở Anh. (Ảnh minh họa: Reuters)

    "Về mặt khoa học, nhiều khả năng phản ứng miễn dịch mà vắc xin hiện tại mang lại có thể ngừa được chủng vi rút mới", AFP dẫn lời nhà đồng sáng lập hãng dược BioNTech Ugur Sahin ngày 22/12 cho biết.

    Tuy nhiên, đại diện này cũng cho biết thêm, nếu cần, các nhà khoa học vẫn có thể bắt đầu chế một loại vắc xin mới dựa trên biến chủng mới của vi rút. "Về mặt kỹ thuật, chúng tôi có thể đưa ra một vắc xin mới trong vòng 6 tuần", ông Ugur Sahin nói.

    Khẳng định trên được đưa ra giữa lúc có lo ngại rằng các vắc xin hiện tại có thể không hiệu quả với chủng SARS-CoV-2 mới gây bệnh Covid-19 vừa được phát hiện ở Anh. Giới chức Anh cho biết, chủng mới này có khả năng lây lan cao hơn 70% so với chủng cũ. Thông tin này ngay lập tức khiến ít nhất 30 quốc gia hạn chế đi lại với Anh nhằm ngăn dịch bùng phát mạnh trở lại.

    Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng biến thể mới xuất hiện ở Anh không đáng lo ngại. Các quan chức WHO cho biết, không có bằng chứng cho thấy biến thể này người mắc Covid-19 nghiêm trọng hơn hay gây tử vong nhiều hơn dù nó có thể dễ dàng lây lan hơn. WHO tiếp tục phân tích biến thể mới này và hy vọng sẽ có thông tin cụ thể hơn về tác động của nó trong vài ngày hoặc vài tuần tới.

    Theo AFP

  • Giáo sư Teresa Lambe bị đánh thức bởi một email quan trọng chia sẻ bộ gene nCoV từ các nhà khoa học Trung Quốc, khi ấy thế giới chưa biết gì về Covid-19.

    Hôm ấy là ngày 11/1. Nữ giáo sư lập tức bật dậy trong bộ đồ ngủ và miệt mài thiết kế một loại vaccine mới trong 48 giờ tiếp theo. Lambe không biết đây là khởi đầu cho chuỗi ngày bận rộn mà cô chưa từng trải qua trong đời.

    Lambe làm việc tại Viện nghiên cứu Jenner, Đại học Oxford, do giáo sư Sarah Gilbert dẫn đầu. Trong quá khứ, họ đã từng thử nghiệm một số loại vaccine sốt rét, cúm, MERS-CoV (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông)... Vì vậy, họ tự tin sáng chế thành công loại vaccine chưa từng có này.

    Thời khắc đó khởi đầu hành trình ra đời một loại vaccine trong khoảng 10 tháng, lẽ thường, phải mất một thập niên.

    Vào giữa tháng 1, giáo sư Andrew Pollard, giám đốc Tổ chức Vaccine Oxford, đơn vị điều hành các thử nghiệm lâm sàng, nói về một đại dịch giống dịch cúm năm 1918. "Nó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta", viễn cảnh đó khiến Pollard rùng mình.

    Nhóm của Pollard đã hợp tác với đội của Gilbert đưa vaccine vào thử nghiệm lâm sàng.

    Nhưng làm sao có đủ chi phí cho các thử nghiệm là điều nan giải. Gilbert thức dậy lúc 4 giờ sáng để "viết thư thuyết phục các nhà tài trợ cho chuyển tiền từ các dự án khác sang kế hoạch cấp thiết này". Một tháng sau, chính phủ Anh hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vaccine.

    Những liều vaccine đầu tiên ra đời tại phòng thí nghiệm Đại học Oxford, khi giáo sư Catherine Green tạo ra một loại tế bào để nuôi cấy virus theo thiết kế ban đầu của Lambe.

    Quá trình làm ra vaccine hấp dẫn như món ăn được chế biến dưới đôi tay thuần thục của đầu bếp trứ danh. Nhà khoa học dùng loại virus gây ra cảm lạnh thông thường ở tinh tinh, loại bỏ một phần bộ gene để không gây bệnh trên người, chèn vào đó một mẩu gene của nCoV. Virus mới được điều chỉnh gene để có thể sinh sôi nhanh chóng trong tế bào nuôi cấy. Hàng tỷ tỷ virus đặc biệt này được tạo ra và tinh chế thành vaccine.

    vaccine oxford ra doi
    Giáo sư Teresa Lambe, Viện nghiên cứu Jenner, Đại học Oxford. Ảnh: BBC

    Nhóm của Green làm việc miệt mài không kể ngày đêm. Green nói: "Chúng tôi chấp nhận rủi ro khi tiến hành thí nghiệm đợt sau, trước khi biết kết quả đợt trước. Nếu kết quả đợt trước không tốt, chúng tôi sẽ phải bỏ tất cả những thí nghiệm còn lại".

    May thay, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Sau bảy tuần, họ có đủ số lượng vaccine cho các phiên thử nghiệm đầu tiên. 10.000 tình nguyện viên được tuyển trong vòng vài giờ. Elisa Granato, nhà vi sinh vật học và Edward O'Neill, nhà nghiên cứu ung thư, là hai người đầu tiên nhận được chích vaccine thử nghiệm của Oxford vào tháng 4. Sau 48 giờ, Granato và O'Neill không có phản ứng bất lợi nghiêm trọng. Số lượng tình nguyện viên tăng dần.

    Nhưng chỉ vài ngày sau, mạng xã hội tràn ngập thông tin rằng người tình nguyện đầu tiên, Granato, đã qua đời. Green căng thẳng: "Sao lại có thể lan truyền những tin tức giả dối như vậy? Thật bất công vì nhóm của tôi đã làm hết sức".

    Khi có thêm nhiều cuộc thử nghiệm, nhóm nghiên cứu quyết định thuê một cơ sở sản xuất vaccine quy mô lớn ở Italy. Nhưng khi lô hàng đầu tiên sẵn sàng, lệnh đóng cửa trên toàn châu Âu có hiệu lực. Không có chuyến bay vận chuyển vaccine về Anh từ Rome.

    Cuối cùng, họ thuê một máy bay tư nhân mang 500 liều vaccine về London kịp thời.

    Các nhà sản xuất Italy đã sử dụng một kỹ thuật khác với Oxford để kiểm tra nồng độ virus trong vaccine, khiến vaccine sản xuất từ nước này có nồng độ gấp đôi. Nhiều cuộc trao đổi được thực hiện giữa các đối tác và các cơ quan quản lý y tế. Sau đó, các chuyên gia đồng ý những người tình nguyện nên được tiêm một nửa liều vaccine, tương đương với một liều thuốc thông thường.

    Một tuần sau, các nhà khoa học nhận thấy tình nguyện viên không gặp phải các tác dụng phụ thông thường như đau cánh tay hoặc sốt. Khoảng 1.300 tình nguyện viên chỉ được tiêm một nửa liều vaccine. Vô tình, họ lại là nhóm đạt hiệu quả cao nhất.

    Ngay từ đầu, nhóm nghiên cứu tại Oxford đã có mục tiêu tạo ra một loại vaccine giúp ích nhân loại.Đề nghị giúp đỡ của ngài Mene Pangalos, công ty dược phẩm khổng lồ AstraZeneca có trụ sở tại Cambridge đến đúng lúc. Nhưng làm sao vaccine có giá phải chăng? Tức là công ty dược phẩm không có lợi nhuận, và đó không phải cách thức hoạt động của doanh nghiệp.

    Sau những phiên đàm phán căng thẳng, họ đã đạt thỏa thuận, vào cuối tháng 4. Vaccine sẽ được cung cấp với giá phi lợi nhuận trên toàn thế giới trong đại dịch, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình luôn được trợ giá. Quan trọng nhất, AstraZeneca đồng ý chấp nhận rủi ro tài chính, ngay cả khi vaccine không có tác dụng.

    Tháng 5, chính phủ Anh đồng ý mua 100 triệu liều thuốc và hỗ trợ gần 90 triệu bảng.

    Ngày 20/7, kết quả ban đầu trên 1.000 tình nguyện viên được công bố. Vaccine an toàn và đã kích hoạt phản ứng miễn dịch sau hai lần tiêm, tạo ra các kháng thể vô hiệu hóa virus và tế bào T, tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh.

    "Tôi đã làm việc trong lĩnh vực vaccine đủ lâu để biết rằng hầu hết vaccine thực sự không hoạt động", giáo sư Katie Ewer, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết. "Nhưng kết quả ban đầu như thế thật tốt", ông nói.

    Vào cuối mùa hè, các cuộc thử nghiệm vaccine đã được tiến hành ở sáu quốc gia bao gồm Anh, Brazil, Nam Phi và Mỹ. Gần 20.000 tình nguyện viên đã được tuyển dụng. Nhưng vào ngày 6/9, đột nhiên mọi thứ dừng lại.

    Một tình nguyện viên mắc tình trạng thần kinh hiếm gặp.

    Pollard nói: "Trong thử nghiệm lâm sàng với quy mô hàng chục nghìn người, mọi thứ sẽ xảy ra. Sẽ có những người phát triển ung thư và phát triển các tình trạng thần kinh. Nhưng điều cần làm là tìm hiểu, liệu nó có liên quan đến vaccine hay không?". Một cuộc điều tra độc lập không tìm thấy nguyên nhân căn bệnh có nguồn gốc từ vaccine. Nhưng họ cũng không loại trừ điều đó. Tình nguyện viên được theo dõi và đang hồi phục.

    Cuối cùng, ngày 22/11, ủy ban an toàn dữ liệu độc lập tiết lộ những phát hiện của Oxford-AstraZeneca. Kết quả ngạc nhiên và phức tạp hơn mong đợi. Vaccine Oxford có 3 kết quả: hiệu quả trung bình là 70%, trong đó 62% là nhóm có hai liều đầy đủ và 90% là nhóm có những người được dùng nửa liều.

    "Cuối cùng, chúng tôi đã hoàn thành công việc. Các bộ dữ liệu sẽ được cung cấp cho cơ quan quản lý thuốc trên toàn thế giới phê duyệt. Quy trình triển khai vaccine nghiêm ngặt như trong thời gian bình thường", Pangalos cho biết.

    Tuần trước, nhóm nghiên cứu Oxford đã công bố phân tích về dữ liệu thử nghiệm của họ trên tạp chí y khoa Lancet. Sự minh bạch này đã khiến các chuyên gia yên tâm.

    Vaccine Oxford-AstraZeneca có lợi thế quan trọng là được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường.

    Ngài Jeremy Farrar, người đứng đầu Wellcome Trust, cho biết điều này khiến cuộc chơi thay đổi. "Nếu vaccine phải bảo quản trong đá khô, làm thế nào để đưa sản phẩm vào các ngôi làng ở Anh, châu Phi cận Sahara hay Brazil?"

    Giáo sư Gilbert nói: "Thật nhẹ nhõm khi công sức đã không lãng phí".

    Còn giáo sư Lambe xúc động chia sẻ lời an ủi của con trai, khi cô cảm thấy có lỗi vì không ở nhà thường xuyên với con: "Không sao đâu, mẹ đang làm một việc tốt cho tất cả mọi người, trong đó có con".

    Một năm làm việc vất vả với vaccine đã mang đến cho các thành viên những cung bậc cảm xúc khó tả.

    Ngài Farrar nói: "Tôi nghĩ khoa học là lối thoát thần kỳ trong đại dịch và vaccine là tâm điểm của mọi nỗ lực. Cả đời, tôi chưa từng chứng kiến sự tiến bộ kinh ngạc của khoa học, chỉ trong vòng một năm".

    Nguồn: BBC

  • Báo cáo mới của FDA cho thấy vaccine Covid-19 do Moderna phát triển "an toàn và hiệu quả tới 94,1%". Loại vaccine này có thể được cấp phép sử dụng trong vài ngày tới.

    Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 15/12 công bố báo cáo ngắn nhưng tích cực đối với vaccine Covid-19 do tập đoàn dược phẩm Moderna sản xuất.

    Theo đó, FA nói "không phát hiện lo ngại đặc biệt về an toàn" đối với vaccine của Moderna. Hai liều vaccine của tập đoàn này có hiệu quả chống Covid-19 tới 94,1% đối với người trên 18 tuổi.

    Các quan chức của FDA sẽ nhóm họp trong ngày 17/12 để xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine do Moderna phát triển.

    Moderna
    FDA kết luận vaccine Covid-19 của Moderna có hiệu quả tới 94,1%. Ảnh: AFP.

    Mỹ bắt đầu triển khai tiêm vaccine của Pfizer và BioNTech phát triển từ ngày 14/12.Nếu được thông qua, đây sẽ là vaccine Covid-19 thứ hai được FDA xem xét cấp phép. Tuần trước, vaccine do Pfizer và BioNTech phát triển đã được FDA phê chuẩn đưa vào sử dụng khẩn cấp.

    Theo tướng Gustave Perna, người đứng đầu chiến dịch phân phối vaccine toàn quốc, 145 điểm đã nhận vaccine vào ngày 14/12, 425 điểm sẽ nhận vaccine ngày 15/12, và 66 điểm vào ngày sau đó.

    Đa số các liều đầu tiên sẽ được dành cho nhân viên y tế vốn chịu rủi ro cao nhất.

    Vì vaccine có thể gây tác dụng phụ như nổi mẩn hay sốt, các bệnh viện sẽ tiêm phòng lần lượt từng nhóm nhân viên một.

    Người già ở các viện dưỡng lão, vốn có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao hơn cả, cũng sẽ được ưu tiên. Họ sẽ được tiêm phòng vào tuần sau.

    Dù vậy, phần lớn người Mỹ còn lại sẽ không được tiêm vaccine cho tới mùa xuân năm sau, hoặc muộn hơn, theo New York Times.

  • Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẽ bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech trong vòng 24 giờ sau khi FDA phê chuẩn việc sử dụng khẩn cấp.

    "Liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm trong chưa đầy 24 giờ tới. Chúng tôi đã bắt đầu chuyển vaccine tới mọi bang và khu vực trên lãnh thổ nhờ sự phối hợp với FedEx và UPS. Người cao tuổi, nhân viên chăm sóc y tế và lực lượng phản ứng nhanh sẽ được ưu tiên", Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết tối 11/12.

    pfizer fdi
    Vaccine ngừa virus corona do Pfizer và BioNTech phát triển sắp được sử dụng phổ biến tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

    Thông báo được Trump đưa ra sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm nay phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech. "Điều này sẽ nhanh chóng giảm số ca nhập viện và tử vong một cách đáng kể", Trump nói.

    Hồi tháng 7, chính phủ Mỹ đã đạt được thỏa thuận trị giá 1,95 tỷ USD để mua 100 triệu liều vaccine của Pfizer, đủ dùng cho khoảng 50 triệu người. Đây được coi là thỏa thuận vaccine lớn nhất từ trước đến nay. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết sẽ triển khai chiến dịch tiêm phòng hoàn toàn miễn phí cho công dân.

    Mỹ kỳ vọng tiêm vaccine Covid-19 cho khoảng 20 triệu người trong tháng 12. Chính phủ Mỹ ngày 11/12 cho biết đang mua thêm 100 triệu liều vaccine do Moderna phát triển, trong lúc một số nguồn tin cho biết giới chức đã đặt hàng thêm vaccine của Pfizer-BioNTech.

    Thương vụ với Moderna nâng số liều vaccine Mỹ đặt hàng công ty này lên 200 triệu, đủ tiêm cho 100 triệu người theo phác đồ hai mũi, dù giới chức chưa thông qua việc sử dụng vaccine của hãng này.

    Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019, xuất hiện tại 218 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 71 triệu ca nhiễm, gần 1,6 triệu ca tử vong. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 16 triệu người nhiễm nCoV, trong đó hơn 302.000 người đã chết.

    Đại dịch khiến các quốc gia dồn nguồn lực chưa từng có để phát triển vaccine trong thời gian nhanh nhất. Anh trở thành nước đầu tiên phê duyệt vaccine Pfizer ngày 2/12 và bắt đầu tiêm chủng vào ngày 8/12. Bahrain, Canada là những nước tiếp theo, lần lượt phê duyệt vaccine Pfizer vào 4/12 và 10/12. Người dân Canada có thể được tiêm vaccine tuần tới.

    Với giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA), các công ty có thể khởi động vận chuyển vận chuyển vaccine. Tuy nhiên, mọi bệnh viện tại Mỹ phải chờ thêm kết quả từ ACIP mới có thể bắt đầu tiêm phòng cho người dân.Trước khi sản phẩm đến được tay người dân Mỹ không thuộc diện thử nghiệm lâm sàng, vaccine phải được FDA và CDC cấp phép.

    Bác sĩ Amanda Cohn của ACIP dự đoán cơ quan mình sẽ nhận được thông báo về EUA của FDA trước 10h ngày 12/12. Nếu xác nhận được gửi đến sau đó, AICP phải sang ngày 13/12 mới họp lại.

    Trả lời trên ABC, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar khẳng định FDA sẽ hợp tác cùng Pfizer để đảm bảo vaccine được phân phối sớm. Ông nói người dân có thể bắt đầu được tiêm ngừa vào ngày 14 hoặc 15/12.

    Trong giai đoạn đầu, Pfizer sẽ giao vaccine cho các bang 1 lần/tuần. Lượng vaccine được giao sẽ tăng sau mỗi tuần khi những cơ sở sản xuất tăng công suất. Thống đốc các bang sẽ được báo trước một tuần về số vaccine địa phương tiếp nhận trong đơn hàng sau.

  • Reuters dẫn nguồn tin từ Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) của Anh cho biết, đã có hai báo cáo về sốc phản vệ và một báo cáo về phản ứng dị ứng kể từ khi nước này bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà từ ngày 8.12.

    Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành MHRA June Raine cảnh báo: "Bất kỳ người nào có tiền sử sốc phản vệ với vaccine, thuốc hoặc thực phẩm đều không nên tiêm vaccine Pfizer - BioNTech".

    Giải thích điều này, bà June Raine cho biết: "Phần lớn mọi người sẽ không bị sốc phản vệ và những lợi ích trong việc bảo vệ mọi người trước COVID-19 lớn hơn so với những rủi ro... Bạn có thể hoàn toàn tin tưởng rằng vaccine này đã đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của MHRA về an toàn, chất lượng và hiệu quả".

    Sốc phản vệ là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch trong cơ thể con người - được Dịch vụ Y tế Quốc gia mô tả là nghiêm trọng và đôi khi đe dọa tính mạng.

    canh bao soc phan ve

    Hướng dẫn đầy đủ hơn - làm rõ rằng nguy cơ chủ yếu đến từ chính hiện tượng sốc phản vệ - đã được ban hành sau khi tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia về dị ứng. MHRA ban đầu đã khuyến cáo bất kỳ ai có tiền sử "phản ứng dị ứng nghiêm trọng" không nên tiêm.

    Pfizer và BioNTech cho biết họ đang hỗ trợ cuộc điều tra của MHRA.

    Tuần trước, MHRA của Anh đã trở thành cơ quan đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine COVID-19 do BioNTech của Đức và Pfizer phát triển, trong khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) vẫn đang tiếp tục đánh giá dữ liệu.

    Giám đốc MHRA nói với các nhà lập pháp rằng những phản ứng dị ứng như vậy không phải là đặc điểm của các thử nghiệm lâm sàng của Pfizer.

    Pfizer cho biết những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với các vaccine hoặc các thành phần của vaccine COVID-19 này đã bị loại khỏi các thử nghiệm giai đoạn cuối của họ - điều này cũng đã được phản ánh trong quy trình phê duyệt khẩn cấp của MHRA.

    Tuy nhiên, các phản ứng dị ứng có thể do một thành phần có trong vaccine Pfizer được gọi là polyethylene glycol, hoặc PEG, giúp ổn định mũi tiêm gây ra và không có trong các loại vaccine khác.

    Tại Mỹ, FDA đã công bố tài liệu hôm 8.12 để chuẩn bị cho cuộc họp của ủy ban tham vấn vào 10.12, cho biết dữ liệu về tính hiệu quả và an toàn của vaccine COVID-19 Pfizer đáp ứng được kỳ vọng của cơ quan này để được cấp phép.

    Các tài liệu tóm tắt chỉ ra 0,63% số người trong nhóm tiêm vaccine và 0,51% trong nhóm giả dược báo cáo các phản ứng dị ứng có thể xảy ra trong các thử nghiệm. Tuy nhiên, theo Giáo sư Y học Thực nghiệm Peter Openshaw thuộc Đại học Hoàng gia London, đây một con số rất nhỏ.

  • Chính phủ Anh dự kiến bàn giao những lô vaccine Covid-19 đầu tiên cho các cơ sở y tế vào ngày 8/12.

    Những lô vaccine Covid-19 đã bắt đầu được đưa tới các bệnh viện trên khắp nước Anh, sẵn sàng cho đợt tiêm đầu tiên.

    Nguồn tin từ chính phủ Anh cho biết nước này sẽ triển khai kế hoạch phân phối và tiêm chủng vaccine Covid-19 từ ngày 8/12. Cụ thể, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho những người trên 80 tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu và các bệnh nhân trong viện dưỡng lão.

    Giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia Stephen Powis nhận xét đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử. Song điều này không có nghĩa đại dịch Covdi-19 đã đi đến hồi kết.

    “Đây là một cuộc chạy marathon, không phải là giai đoạn chạy nước rút để về đích”, ông Powis chia sẻ trên Sky News. “Sẽ mất rất nhiều tháng để chúng tôi tiêm chủng cho những người cần vaccine”.

    vaccine benh vietn
    Một tình nguyện viên đang tiêm vaccine. Ảnh: Getty

    Ví dụ, vaccine của Pfizer và BioNTech cần được bảo quản tập trung trong các ngăn đông lạnh có nhiệt độ khoảng -70 độ C. Điểm đặc biệt là chúng không thể bị chia thành các lô nhỏ rồi mang đi bảo quản tại địa phương. Theo nhà sản xuất, các lô vaccine lớn có thời hạn sử dụng trong 5 ngày và chỉ được di chuyển nhiều nhất 4 lần.Trên thực tế, kế hoạch triển khai vaccine Covid-19 vẫn tồn tại nhiều thách thức về mặt hậu cần.

    Hồi tuần trước, Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) đã cấp phép khẩn cấp cho vaccine chống Covid-19. Giám đốc June Raine cho biết MHRA đã phê duyệt phương án chia nhỏ lô vaccine, song cảnh báo các đơn vị phải cẩn trọng để không lãng phí bất cứ liều vaccine nào.

    “Chúng tôi đã phê duyệt việc đóng gói vaccine thành các lô nhỏ. Song chúng tôi cũng đang đưa ra lời khuyên và hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc đóng gói một cách cẩn trọng”, bà June Raine chia sẻ với đài BBC.

    “Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo người dân được tiếp cận vaccine chống Covid-19 một cách an toàn nhất có thể. Do đó, các bên liên quan đang phối hợp với NHS để đạt được mục tiêu này”, bà Raine cho biết.

    Những lô vaccine đầu tiên sẽ được triển khai tại 50 bệnh viện ở Anh và một vài cơ sở y tế khác ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Nhân viên của NHS đã nỗ lực suốt cuối tuần để lên danh sách đối tượng ưu tiên và chuẩn bị cơ sở vật chất tại các điểm tiêm chủng.

    Tính đến ngày 6/12, Anh ghi nhận 17.272 ca mắc Covid-19 và 61.245 trường hợp tử vong, theo Guardian.

  • Nội bộ Đại học Oxford tại Anh đã dậy sóng vì quyết định của ban lãnh đạo chỉ vài tuần trước khi công bố thương vụ quy mô lớn nhằm phân phối vaccine Covid-19 ra toàn thế giới.

    Đằng sau những bước tiến trong việc điều chế vaccine Covid-19 được quảng bá rộng rãi tới công chúng là cuộc đối đầu của hai nhà nghiên cứu vaccine hàng đầu thế giới nhằm đạt được thỏa thuận với Merck & Co. - gã khổng lồ trong ngành dược phẩm của Mỹ.

    Theo Wall Street Journal, công ty công nghệ sinh học thuộc sở hữu của các nhà nghiên cứu tại Oxford đã từ chối chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ của loại vaccine Covid-19 mới được phát triển.

    Những nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu đã nhờ đến sự giúp đỡ của một ngân hàng đầu tư ở London nhằm tìm kiếm cơ hội mở ra các giao dịch tiềm năng xoay quanh thương vụ vaccine mà đơn vị này phát triển.

    mau thuan vaccine
    Xung đột lợi ích trong quá trình sản xuất và phân phối vaccine phát triển bởi Đại học Oxford. Ảnh: Reuters

    "Vào rừng nhưng không đem theo rựa" 

    Kể từ khi đại dịch bùng phát, Đại học Oxford là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những kỳ công khoa học chỉ là một phần của cuộc đua vaccine toàn cầu.

    Trường đại học danh tiếng cần kết hợp những lý tưởng cao đẹp trong 900 năm bề dày lịch sử hình thành và phát triển, với mục tiêu hướng đến lợi nhuận của ngành dược phẩm.

    Các học giả và đồng minh của Đại học Oxford đã gặp nhiều xung đột về quyền kiểm soát đối với chiến lược phân phối vaccine Covid-19 ra thị trường thế giới.

    “Chúng tôi vào rừng nhưng không đem theo rựa. Oxford là trường đại học tốt, nhưng cạnh tranh trên thị trường không phải là chuyên môn của chúng tôi”, nhà di truyền học John Bell thuộc Đại học Oxford nói.

    Khởi đầu của sự chồng chéo

    Vào năm 2016, với sự hỗ trợ về tài chính lẫn chuyên môn của Đại học Oxford, giáo sư vaccine Sarah Gilbert và giáo sư di truyền học Adrian Hill thành lập công ty công nghệ sinh học Vaccitech với mục tiêu thương mại hóa vaccine và phác đồ điều trị phát triển bởi Oxford.

    Cổ đông lớn nhất của Vaccitech là Oxford Sciences Innovation, công ty liên doanh thành lập vào năm 2015, được hậu thuẫn bởi trường đại học bên bờ sông Thames và nhận vốn đầu tư hơn 788 triệu USD.

    Oxford Sciences Innovation được thành lập với mục tiêu trở thành đối trọng của Đại học Stanford và Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ bằng cách thương mại hóa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm.

    Bên cạnh Oxford, Vaccitech cũng có một số cổ đông tư nhân khác. Tuy nhiên, trường đại học giữ vị thế đặc biệt trong hội đồng quản trị của công ty.

    Giữa tháng 1, ngay sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố chuỗi gen của SARS-CoV-2, Vaccitech phối hợp với Viện Jenner trực thuộc Đại học Oxford để phát triển vaccine ngừa Covid-19.

    Hai đơn vị làm việc song song với mục tiêu đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tăng tỷ lệ thành công.

    Những hướng đi riêng

    Hai giáo sư Hill và Gilbert, những người cùng sở hữu khoảng 10% cổ phần của Vaccitech, bắt đầu tìm hiểu cách thức phân phối vaccine trên quy mô toàn cầu mà không ký hợp đồng độc quyền với bất kỳ hãng dược lớn nào.

    Tuy nhiên, vào tháng 3, đại diện Trevor Mundel của Quỹ Bill & Melinda Gates, nhà tài trợ lâu năm của Oxford khuyên giáo sư John Bell: “Các bạn cần một đối tác hỗ trợ”.

    Giáo sư Bell sau đó đã thảo luận với hai đồng sự Hill và Gilbert về xung đột lợi ích giữa Oxford và các đối tác tiềm năng, bắt nguồn từ việc hai giáo sư này sở hữu cổ phần trong Vaccitech.

    Việc một số nhà khoa học Oxford vừa đảm nhận vai trò nghiên cứu vừa hướng tới việc thương mại hóa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm đã vấp phải sự chỉ trích từ giới học giả, ngay cả trong khuôn khổ của ngôi trường 900 năm tuổi.

    Trường hợp của vaccine Covid-19 đã khiến tình hình căng thẳng leo thang hơn bao giờ hết.

    Giáo sư Bell cho biết ông không ủng hộ việc Vaccitech ngồi vào bàn đàm phán về thương vụ nói trên. Ông không tưởng tượng được rằng công ty, với chỉ vài chục nhân viên, có thể điều phối quá trình triển khai vaccine toàn cầu.

    Khi chính phủ các nước đẩy mạnh việc phát triển vaccine Covid-19 tiềm năng, nhiều người tại Đại học Oxford lo ngại viễn cảnh các quốc gia đang phát triển không có cơ hội phổ biến việc tiêm chủng cho người dân.

    Do đó, Đại học Oxford đồng ý cung cấp vaccine với giá cả phải chăng và không đặt nặng vấn đề thương mại.

    Nhưng ban lãnh đạo Oxford đồng thời không muốn trao toàn bộ lợi nhuận cho một số công ty dược phẩm.

    Giáo sư Bell cho rằng nếu không thỏa thuận những điều khoản rạch ròi, “mọi người sẽ lại bắt đầu nói: ‘Lạy chúa, thêm một trường đại học Anh nữa có phát minh đáng giá cả đống tiền nhưng họ lại đem tặng nó miễn phí”.

    Merck & Co. (gọi tắt là Merck) đề xuất trả 1% tiền bản quyền vaccine cho Đại học Oxford, một phần nhỏ trong số đó sẽ thuộc về Vaccitech.

    Theo nguồn tin nội bộ, trong quá trình đàm phán, Merck cam kết sản xuất và điều phối từ 300 triệu đến hơn 1 tỷ liều.

    Khi ban lãnh đạo Đại học Oxford thảo luận về đề xuất của Merck, hai giáo sư Hill và Gilbert tỏ ý phản đối, một phần vì lo ngại khả năng hãng dược của Mỹ phân phối vaccine cho các quốc gia kém phát triển.

    Vaccitech khẳng định với giáo sư Bell rằng công ty này sẽ không ký nhượng quyền vaccine đối với đề xuất của Merck.

    "Khi bữa tiệc chỉ có một cô gái"

    Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi cuộc đua vaccine ngày càng có xu hướng liên quan đến yếu tố chính trị.

    Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin nội bộ cho biết giới chức Anh lo lắng chính quyền Tổng thống Trump sẽ tích trữ toàn bộ số vaccine điều chế được, khiến người dân xứ sở sương mù không thể tiếp cận với thành quả khoa học từ chính quốc gia của họ.

    Vào giữa tháng 4, sau khi trao đổi với giới chức y tế Anh, giáo sư Bell hiểu rằng chính phủ không chấp nhận thỏa thuận độc quyền về vaccine Covid-19 với duy nhất một công ty của Mỹ.

    Phát ngôn viên của Merck cho biết hãng này đang đàm phán với nhiều đối tác phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2 tiềm năng, đồng thời cam kết phục vụ nhu cầu sức khỏe cộng đồng.

    Người đại diện của hãng dược tại Mỹ cũng cho biết những cuộc trao đổi với Đại học Oxford đã chấm dứt vào tháng 4. Trong khi đó, giáo sư Hill và Gilbert từ chối bình luận.

    Ngược lại, giáo sư Bell cho rằng Merck là đơn vị đưa ra đề xuất tốt nhất vào thời điểm đó, các đối tác tiềm năng khác đã theo đuổi kế hoạch riêng. “Khi bữa tiệc chỉ có một cô gái, bạn chỉ có thể khiêu vũ với cô gái đó”, ông nói. “Chúng tôi không có nhiều thời gian”.

    Sự vào cuộc của AstraZeneca

    Lo rằng giáo sư Bell sẽ bắt tay với Merck, hai giáo sư Gilbert và Hill đã tìm đến sự giúp đỡ của những hãng dược khác, thậm chí tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chủ ngân hàng ở London.

    Vào giữa tháng 4, các nhà khoa học trình bày chi tiết với ban giám đốc điều hành của AstraZeneca về vaccine Covid-19 phát triển bởi Oxford.

    Sau 10 ngày đàm phán, hãng dược đa quốc gia có trụ sở tại Cambridge, Anh, cam kết phân phối vaccine toàn cầu một cách công bằng và với giá cả phải chăng. Chính phủ Anh đã thỏa thuận để trả trước cho số liều vaccine cung cấp bởi công ty này.

    Nếu thương vụ thành công, AstraZeneca sẽ thu về lợi nhuận lâu dài song uy tín bị ảnh hưởng nặng nề, Wall Street Journal nhận định.

    Tuy nhiên, động thái thỏa thuận với AstraZeneca đã khiến ban giám đốc Vaccitech nảy sinh mâu thuẫn giới lãnh đạo của Đại học Oxford.

    Khi quá trình đàm phán đang diễn ra, chủ tịch Oxford Sciences đã gửi một bức thư ngắn yêu cầu các giám đốc điều hành của Vaccitech bám sát quy trình được chỉ định.

    Thông qua phát ngôn viên, người đứng đầu Oxford Sciences muốn Vaccitech đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine. “Sau đó, hội đồng quản trị sẽ quyết định những bước đi tiếp theo”.

    Chi tiết thỏa thuận của Oxford với AstraZeneca được giữ bí mật. Nhưng một phát ngôn viên của hãng dược khẳng định công ty này sẽ bán hòa vốn khoảng 3 tỷ liều vaccine theo cam kết.

    “Chúng tôi cũng đảm bảo duy trì phân phối vaccine không lợi nhuận trong thời gian dài đến những nước có thu nhập trung bình và thấp”, phát ngôn viên của AstraZeneca cho biết.

    "Không vì mục tiêu lợi nhuận"

    Vào cuối tháng 4, tiến sĩ Menelas Pangalos, trưởng bộ phận nghiên cứu dược phẩm sinh học của AstraZeneca, liên hệ với Vaccitech để tiến hành đàm phán.

    Hãng dược đề xuất Vaccitech nhượng quyền cho Oxford để đơn vị này có thể cấp phép độc quyền sản xuất cho các công ty công nghệ sinh học. Đổi lại, AstraZeneca cam kết sẽ tìm cách để hợp tác với Vaccitech.

    Các nhà khoa học đứng đầu Vaccitech sau đó đã đồng ý và ký kết thỏa thuận.

    Thỏa thuận giữa AstraZeneca và Oxford được công bố vào ngày 3/4. Khoảng 10 triệu USD thanh khoản được trả trước cho trường đại học 900 năm tuổi, kèm theo 80 triệu USD được cam kết chi trả nếu vaccine được đưa vào chương trình tiêm chủng bắt buộc.

    Bên cạnh đó, Đại học Oxford cũng sẽ nhận được 6% tiền bản quyền tính trên số liều vaccine bán ra.

    Tuy nhiên, số tiền trên dự kiến được dùng để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Vaccine và Phòng dịch mà Oxford và AstraZeneca phối hợp thành lập.

    “Oxford tham gia vào cuộc đàm phán không vì mục tiêu lợi nhuận”, giáo sư Bell khẳng định.

    Tuy nhiên, ông nói thêm: “Giả sử vaccine Covid-19 được đưa vào chương trình tiêm chủng bắt buộc và tổng doanh thu từ chế phẩm này lên đến hàng tỷ USD mỗi năm, chúng tôi sẽ nghệt người ra, trắng tay và ngồi đó nhìn người ta thu lợi”.

    Translate: Zing