Anh từng có ý định âm thầm điều quân đến Hà Lan để cướp vaccine Covid-19

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson từng xem xét một kế hoạch tiến hành một chiến dịch quân sự bí mật ở Hà Lan nhằm đánh cắp vaccine Covid-19 trong bối cảnh tranh chấp Anh-EU bùng nổ giữa đại dịch vào năm 2021.

Thông tin này được hé lộ trong một hồi ký của ông Johnson, được báo Daily Mail của Anh trích đăng.

Vào thời điểm đó, nhà máy Halix tại Hà Lan đang giữ khoảng 5 triệu liều vaccine AstraZeneca do các nhà thầu phụ sản xuất. EU đã từ chối gửi vaccine đến Anh với lý do là để cung cấp cho công dân EU.

Theo đoạn trích từ hồi ký, các quan chức quốc phòng Anh đã nhóm họp tại trụ sở chính phủ Anh để phác thảo một kế hoạch tiềm năng. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo về những hậu quả ngoại giao có thể xảy ra.

cuop vaccine covid 19
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson. ẢNH: REUTERS

Trong kế hoạch, một đội sẽ đáp chuyến bay thương mại đến Amsterdam, còn đội thứ hai sẽ khởi hành vào ban đêm qua eo biển Anh trên những chiếc thuyền nhỏ, đi ngược các kênh đào của Hà Lan về phía nhà máy. Họ sẽ gặp nhau để "kiểm soát hàng đang bị bắt giữ" và rời đi bằng một chiếc xe tải chở hàng hướng đến các cảng ở eo biển Manche.

Ông Johnson lưu ý rằng các quan chức quốc phòng Anh đã cảnh báo rằng gần như không thể hành động như vậy mà không bị phát hiện trong thời kỳ phong tỏa cao điểm.

Ông dẫn lời một quan chức quốc phòng hàng đầu bình luận: “Nếu bị phát hiện, chúng ta sẽ phải giải thích lý do tại sao nước Anh trên thực tế lại xâm lược một đồng minh NATO lâu năm".

Ông Johnson được bầu làm thủ tướng Anh vào năm 2019, một năm trước khi đại dịch nổ ra, với lời hứa chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài của Brexit và đưa Anh rời khỏi EU. Trong hồi ký, ông Johnson cho biết ông tin rằng các quan chức EU đã "bắt cóc" vaccine.

Ông nói: “Tôi đã đi đến kết luận rằng EU đang đối xử ác ý với chúng tôi" khi EU nhận thấy Anh đang tiêm chủng cho người dân nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của châu Âu.

Vaccine Astrazeneca do hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển cùng tên kết hợp với Đại học Oxford (Anh) phát triển. Đây là 1 trong 14 loại vắc xin COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp, và là một trong những vắc xin được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới.

Theo Thanh Niên