Góc nhìn pháp lý về vụ án 3 người Việt bị bắt vì tội Nô lệ hiện đại

[Bài viết trích từ Facebook của bạn Hoang K Anh, xin được gửi đến bạn đọc]

Chào các anh chị,

Vụ 03 người Việt bị kết án "tội nô lệ hiện đại" gần đây em có theo dõi. Em đã đến dự phiên tòa hôm 23/01, cũng đã nói chuyện sơ qua với một luật sư của các anh chị bị kết tội.

Em đã sống và làm việc ở UK được một thời gian. Tuy không làm nail nhưng em khá quan tâm đến ngành nghề này.

Nhận thấy nhu cầu thông tin về vụ việc này của cộng đồng người Việt mình vẫn rất cao, cho nên em xin phép được cố gắng làm "anh hùng bàn phím" một bữa và đóng góp những hiểu biết hạn hẹp của mình.

Em sẽ chỉ đóng góp về mặt nội dung luật pháp và nội dung phiên tòa hôm 23/01. Các tranh cãi liên quan đến dữ kiện (fact) của vụ việc xin không bàn sâu.

Sorry anh chị bài dài, vì thực sự vụ việc không đơn giản.

1. Tội các anh chị trong vụ việc là tội gì?

Một trong những điểm gây khó hiểu và tranh cãi là các anh chị Susan, Kent, và Jenny (xin phép dùng tên tiếng Anh của các anh chị cho gọn) bị kết án tội gì? Thế nào là tội "nô lệ hiện đại" theo luật Anh quốc hiện nay?

Hiểu rõ người ta bị kết tội gì mới biết người ta bị oan không và oan tới mức độ nào.

Em xác nhận thông tin này qua trang cập nhật thông tin pháp đình tại UK là trang [https://www.thelawpages.com/court-ca…/court-case-search.php…].

Trang này có công cụ để search tất cả các criminal sentences (bản án hình sự) đã được cấp tòa hình sự sơ thẩm của Anh (cấp tòa Crown Courts) ban hành.

Các anh chị đã bị xử và tuyên án tại tòa Stafford Crown Court.
Thông tin trên trang này cho thấy:

Chị Jenny và anh Kent đều bị kết án cả 2 tội:

- Buôn người / Buôn người để bóc lột (Human trafficking / Trafficking people for exploitation), thể theo điều 2 - Đạo luật Nô Lệ Hiện Đại năm 2015 (Modern Slavery Act 2015).

- Giữ người khác làm nô lệ hay phục dịch như nô lệ, hay ép người khác lao động theo một cách bị ép buộc hay theo một cách bị cưỡng bách (Holding another person in slavery or servitude or requiring them to perform forced or compulsory labour), thể theo điều 1 - Đạo luật Nô Lệ Hiện Đại năm 2015 (Modern Slavery Act 2015).

Chị Susan chỉ bị kết án 1 tội:

- Giữ người khác làm nô lệ hay phục dịch như nô lệ, hay ép người khác lao động theo một cách bị ép buộc hay theo một cách bị cưỡng bách (Holding another person in slavery or servitude or requiring them to perform forced or compulsory labour), thể theo điều 1 - Đạo luật Nô Lệ Hiện Đại năm 2015 (Modern Slavery Act 2015).

Chị Jenny bị kết án 5 năm tù, anh Kent bị kết án 4 năm tù, chị Susan bị kết án 2 năm tù nhưng được hưởng án treo (custodial suspended).

Cần lưu ý là các tội nói trên được áp dụng BẤT KỂ người được xem là nạn nhân (tức là người khai là bị ép làm nô lệ hay bị ép lao động cưỡng búc) là trẻ vị thành niên hay là người lớn.

Tức là ngay cả khi chứng minh được rằng những người tự xưng là nô lệ kia thực ra là những phụ nữ trưởng thành chứ không phải trẻ vị thành niên, thì bản thân điều đó không chứng minh được rằng các anh chị không hề phạm các tội trên.

Muốn chứng minh các anh chị không hề phạm các tội trên thì đơn giản là phải có nhân chứng bằng chứng rõ ràng cho thấy các anh chị không hề buôn người, không hề giữ người để ép lao động bắt buộc hay lao động cưỡng bách gì hết.

***

2. Phiên tòa hôm 23/01 xử gì?

Phiên tòa hôm 23/01 không phải là ở cấp tòa tối cao của Anh Quốc.

Phiên tòa này là phiên xử trước ba thẩm phán thuộc tòa Phúc thẩm Anh quốc (Court of Appeal). Đây là cấp tòa cao thứ hai tại Anh. Cấp tòa tối cao ở Anh là tòa Supreme Court, vốn có trụ sở ở gần tòa nhà Quốc hội Anh ở ga Westminster (London).

Tòa Court of Appeal này nhận các đơn kháng cáo từ cấp tòa Crown Courts (vốn là cấp tòa sơ thẩm).

Tuy nhiên, kháng cáo chỉ được Tòa Court of Appeal này xem xét nếu bên kháng cáo chỉ ra được là thẩm phán tòa Crown Court CÓ THỂ ĐÃ CÓ sai sót về pháp lý (error of law).

Nghĩa là Tòa Court of Appeal này KHÔNG đem vụ việc các anh chị ra xử lại từ đầu, với đầy đủ nhân chứng bằng chứng, với sự có mặt của các anh chị trong vai trò bị cáo như lần xử dưới Crown Court hồi năm 2018.

Tòa Court of Appeal sẽ chỉ xem luật sư bên bào chữa cho các anh chị trình bày với tòa là cái sai sót pháp lý mà thẩm phán Crown Court CÓ THỂ ĐÃ CÓ là gì, có đúng đó là một sai sót pháp lý - error of law thật hay không.

Tòa Court of Appeal không có nghĩa vụ bảo vệ bên công tố nhà nước hay bảo vệ thẩm phán tòa dưới.

Thực tế việc tòa Court of Appeal này tuyên thẩm phán Crown Court có sai sót pháp lý, bên công tố phải truy tố lại từ đầu là chuyện xảy ra khá bình thường trong thực tiễn xử án tại Anh từ trước tới nay, không phải là trăm năm mới có một lần.

Nếu như thẩm phán tòa Court of Appeal thấy đúng là thẩm phán tòa Crown Court có sai sót pháp lý - error of law, thì Court of Appeal sẽ tuyên là việc tuyên án hình sự các anh chị là "unsafe conviction" (kết án không dựa trên cơ sở vững vàng), theo đó các anh chị sẽ được tuyên vô tội và bên công tố nhà nước nếu muốn kết tội các anh chị sẽ phải tiến hành chuẩn bị bằng chứng nhân chứng để truy tố lại từ đầu.

Nhưng nếu thẩm phán tòa Court of Appeal thấy là thẩm phán tòa Crown Court không có error of law, thì anh chị bị y án.

Lưu ý là tuy tòa Court of Appeal thường chỉ nhận xử vụ việc nếu bên bào chữa chỉ ra được là CÓ THỂ ĐÃ CÓ error of law của thẩm phán cấp Crown Courts, bên bào chữa cho các anh chị bị kết án hoàn toàn có thể xin tòa Court of Appeal nay được đưa ra bằng chứng mới (vốn phải CHƯA HỀ được đưa ra trong phiên xử ở cấp tòa Crown Court).

Như vậy, để được tòa Court of Appeal tuyên trắng án, bên các anh chị bị kết án phải thuyết phục được ba ông thẩm phán tòa Court of Appeal dựa trên một trong hai yếu tố sau (hoặc đồng thời cả hai yếu tố):

- Thẩm phán tòa Crown Court có sai sót pháp lý - error of law, và/hoặc

- Có bằng chứng mới giúp chứng minh là việc kết án các anh chị không thỏa đáng (unsafe).

***

3. Diễn biến phiên tòa hôm 23/01

Đội hình luật sư của các anh chị hôm 23/01 khá ấn tượng: Người trạng sư (barrister) lãnh đạo cả nhóm (cũng là người già nhất) là ông William Clegg QC (thông tin: https://www.2bedfordrow.co.uk/barrister/william-clegg-qc/).

QC là Queen's Counsel - danh hiệu Luật Sư của Nữ Hoàng này chỉ được ban cho những luật sư thâm niên kinh nghiệm và có danh tiếng trong nghề.

Ông Clegg là trưởng văn phòng trạng sư 2 Bedford Row - có tiếng là một văn phòng trạng sư chuyên về hình sự tốt nhất của UK.

Ông Clegg đại diện cho cả hai gia đình: gia đình chị Jenny và gia đình anh Kent chị Susan.

Trạng sư riêng của gia đình chị Jenny là ông Sean Kivdeh thuộc văn phòng trạng sư Charter Chambers. Trạng sư riêng của anh Kent chị Susan là ông William Davies thuộc văn phòng trạng sư 5 King's Bench Walk. Cả hai văn phòng trạng sư Charter Chambers và 5 King's Bench Walk đều là các văn phòng trạng sư danh tiếng.

Dài dòng như thế để mọi người hiểu là đội ngũ luật sư phục vụ các anh chị bị kết án không phải là một đội tầm thường.

Trạng sư Clegg là người trình bày vụ việc đầu tiên.

Đầu tiên trạng sư Clegg và ba vị thẩm phán trao đổi sơ qua về vụ việc. Cả hai bên đều xác nhận là trong phiên xử hôm đó, bên công tố nhà nước (vốn có nhiệm vụ đại diện nhà nước Anh tranh luận là tòa phải y án với cả ba anh chị) đã chọn không ra tòa cãi.

Việc chọn không ra tòa cãi này không nhất thiết là bên công tố nhà nước "biết sai nên trốn". Có thể là bên công tố nhà nước biết việc kháng án này ít khả năng thành công, không đáng công sức để họ cử người ra tòa cãi.

Trước ngày xử 23/01, bên công tố nhà nước đơn thuần gửi một bản tóm tắt luận điểm, phản bác các luận điểm mà luật sư bên các anh chị đã đưa ra.

Ở đây phải hiểu là theo nguyên tắc làm việc thông thường tại tòa Anh, khi nộp hồ sơ xin Tòa Court of Appeal xem xét vụ việc, bên luật sư các anh chị đã gửi trước bản trình bày tóm tắt luận điểm rồi.

Bên công tố nhà nước đã được đọc và có phản hồi. Ba ông thẩm phán cũng đã đọc văn bản tóm tắt luận điểm của cả hai bên.

Khi ra xử tại tòa, bên thẩm phán sẽ dựa vào các văn bản tóm tắt luận điểm của cả hai bên để đặt câu hỏi cho luật sư của cả hai bên.

Theo diễn biến phiên xử hôm 23/01 thì có thể thấy rằng bên bào chữa cho các anh chị đã không hề đưa ra thêm bằng chứng mới nào, mà dựa vào cáo buộc rằng vị thẩm phán tòa Crown Court đã có sai sót pháp lý.

Sai sót pháp lý đó là gì?

Các luật sư bên các anh chị đã cãi rằng vị thẩm phán cấp Crown Court đã đưa ra hướng dẫn về luật cho bồi thẩm đoàn theo một cách thiếu sót.

Bồi thẩm đoàn (jury) là một nhóm 12 công dân Anh là người thuộc khu vực địa phương nơi xử án. Họ sẽ nghe bên công tố chứng minh tội trạng của bị cáo, nghe luật sư bào chữa cho bị cáo, xong rồi họ sẽ họp và bỏ phiếu quyết định là bị cáo bị kết án như thế đúng người đúng tội chưa.

Vì bồi thẩm đoàn là các công dân bình thường không có kiến thức luật pháp chuyên nghiệp, người thẩm phán chủ trì phiên tòa có nghĩa vụ phải đưa ra các hướng dẫn về luật pháp (instructions and directions) để giúp bồi thẩm đoàn hiểu rõ luật đang có liên quan, theo đó quyết định tội trạng chính xác và công bằng.

Nếu các hướng dẫn luật pháp này thiếu sót thì tức là người thẩm phán đã có sai sót pháp lý - error of law khiến cho bị cáo bị kết án dựa trên việc bồi thẩm đoàn hiểu sai hay hiểu thiếu về luật. Bị cáo như thế là bị kết án theo một cách không thỏa đáng (unsafe conviction).

Cụ thể trong vụ việc của các anh chị Kent, Susan, và Jenny, trạng sư Clegg tại tòa hôm 23/01 đã trình bày với tòa rằng:

- Có một điểm mù mờ trong nội dung của điều 1 - Đạo luật Nô Lệ Hiện Đại năm 2015 (Modern Slavery Act 2015), tức là về tội Giữ người khác làm nô lệ hay phục dịch như nô lệ, hay ép người khác lao động theo một cách bị ép buộc hay theo một cách bị cưỡng bách (Holding another person in slavery or servitude or requiring them to perform forced or compulsory labour).

- Điểm mù mờ đó liên quan đến khái niệm "đồng thuận" (consent). Cụ thể là nội dung điều 1 - Đạo luật Nô Lệ Hiện Đại quy định là việc những nạn nhận bị ép lao động kia có "đồng thuận" (tức là thể hiện sự đồng ý) với các hành động bị cáo buộc là phạm tội của bên bị cáo , thì việc có "đồng thuận" đó không ngăn cản tòa đưa ra phán quyết rằng hành vi phạm tội đã diễn ra.

- Sở dĩ có quy định này trong luật vì đúng là trong thực tế, các nạn nhân bị buôn người hoặc bị ép lao động cưỡng bức thường bị bọn tội phạm buôn người dùng các biện pháp đe dọa, bạo lực, hay dùng các biện pháp kiểm soát tâm lý, "tẩy não" để khiến cho các nạn nhân đó phải chấp nhận làm việc không lương, chấp nhận tuân thủ vô điều kiện các mệnh lệnh của bọn tội phạm. Vậy nên, luật có điều khoản này để đảm bảo là bọn tội phạm buôn người không thể vin vào việc "nạn nhân đã đồng ý" để chối tội ép người khác lao động cưỡng bức.

- Trạng sư Clegg cho rằng điều khoản luật về "đồng thuận" này rắc rối và gây tranh cãi, vì không thể tồn tại "đồng thuận" một khi đã bị ép buộc và thao túng, giống như một người phụ nữ không thể "đồng thuận" với việc bị cưỡng hiếp.

- "Đồng thuận" chỉ tồn tại khi bản thân những người đang lao động kia chọn việc đi lao động xuất phát từ một lựa chọn tự do không ràng buộc (free choice). Như vậy, một khi một người đã thực sự "đồng thuận", chấp nhận lao động cho một ai đó, thì tức là người đó đang đưa ra một lựa chọn đi làm với sự tự do không ràng buộc, theo đó, thì người đó đang lao động bình thường, chứ không phải lao động vì bị ép buộc hay bị cưỡng bức gì.

- Chính vì có sự lằng nhằng, mâu thuẫn trong nội dung luật về khái niệm "đồng thuận" như vậy, để cho bồi thẩm đoàn có thể đưa ra quyết định một cách công bằng, chính xác nhất, thì thẩm phán phải đưa ra hướng dẫn chỉ đạo với giải thích rõ ràng khái niệm "đồng thuận" này là gì, có những vướng mắc hay những điểm gây tranh cãi nào.

- Trạng sư Clegg cho rằng thẩm phán tòa Crown Court trong vụ việc của các anh chị đã không đưa ra chỉ đạo chi tiết, cụ thể và thỏa đáng về khái niệm "đồng thuận" này.

- Theo đó, thiếu sót này của vị thẩm phán tòa Crown Court cấu thành một sai sót pháp lý - error of law. Việc kết án các anh chị như vậy là không thỏa đáng (unsafe conviction).

Ba vị thẩm phán tòa Court of Appeal đã lắng nghe trạng sư Clegg một cách chăm chú và đặt câu hỏi chất vấn trạng sư này gắt gao.

Từ quan sát cá nhân em, em không thấy các thẩm phán đang xử ép hay đang cố gắng bao che cho tòa dưới, hay cho chính quyền gì.

Các câu hỏi của họ là những câu hỏi khó, nhưng đi vào nội dung đã trình bày, và nội dung luật lệ.

Cả thẩm phán và các trạng sư đều liên tục dẫn chiếu các tài liệu khác nhau: nội dung phiên xử ở Crown Court, văn bản ghi lại các hướng dẫn chỉ đạo mà vị thẩm phán Crown Court đã ban hành cho bồi thẩm đoàn.

Từng đoạn văn, từng câu từ nhỏ đã được đưa ra đối chiếu, nhằm để trả lời câu hỏi:

"Thẩm phán Crown Court hướng dẫn chỉ đạo đã đầy đủ chưa? Hay đúng là điểm về khái niệm "đồng thuận" đáng ra phải được hướng dẫn chỉ đạo kỹ cho bồi thẩm đoàn nhưng đã không được hướng dẫn chỉ đạo kỹ?"

Sau hơn một tiếng đồng hồ tranh luận từ 10h30 đến 11h30, ba vị thẩm phán Court of Appeal tuyên bố dừng tòa để hội ý và sẽ đưa ra quyết định luôn lúc 12h trưa.

Lúc 12h trưa, ba vị thẩm phán Court of Appeal trở lại tòa.

Vị thẩm phán ngồi giữa (đồng thời cũng là người tra hỏi trạng sư nhiều nhất trong phiên tòa) đọc phán quyết từ một văn bản trước mặt ông.

Đầu tiên ông trình bày tóm tắt vụ việc với các tình tiết quan trọng nhất. Sau đó ông tóm tắt lại trình bày của các trạng sư. 
Rồi ông đi vào phần nội dung các chỉ đạo hướng dẫn bồi thẩm đoàn của vị thẩm phán Crown Court.

Xong, ông kết luận: các hướng dẫn chỉ đạo này phản ánh đúng nội dung luật pháp, không có thiếu sót gì, khái niệm "đồng thuận" cũng được giải thích thỏa đáng với bồi thẩm đoàn.

Việc tòa Crown Court kết án các anh chị Kent, Susan, Jenny như vậy là "safe conviction" (kết án thỏa đáng có cơ sở dựa trên luật).

***

4. Những điểm chưa rõ ràng về vụ việc

Từ nội dung những gì được nghe và được chứng kiến ở phiên tòa hôm 23/01 nói trên, em tự thấy có các điểm chưa rõ ràng về vụ việc này như sau:

A. Nếu đúng là các anh chị bị kết án oan bằng những phiên tòa "thiên vị", "thiếu công bằng", dựa trên lời khai gian dối của một số cô gái tự xưng là nạn nhân nô lệ, thì tại sao các trạng sư không chỉ ra những điểm đó tại phiên tòa hôm 23/01?

Nhiều anh chị đã than phiền trên mạng là các luật sư dở nên mới thua. Em không dám chắc về điều này.

Như đã thấy ở trên, các thông tin về các trạng sư tham gia đại diện cho các anh chị trong phiên tòa hôm 23/01 cho thấy họ đều là những trạng sư có chuyên môn luật hình sự, có thâm niên kinh nghiệm, và đến từ những văn phòng trạng sư danh tiếng. Trạng sư Clegg đặc biệt còn là QC và là trưởng một văn phòng trạng sư nổi tiếng.

Với từng đó bộ óc pháp lý, hoàn toàn có thể mong đợi là những gì có thể được xem là "thiên vị", là "thiếu công bằng" trong công tác xử án của tòa Crown Court hồi năm ngoái phải được các trạng sư này nhìn ra và dùng làm luận điểm tranh luận trước tòa.

Nhưng từ nội dung phiên tòa mà em nghe được, em thấy các trạng sư chỉ xoáy vào một điểm - cáo buộc là vị thẩm phán tòa Crown Court đã có sai sót pháp lý trong hướng dẫn chỉ đạo về một chi tiết được xem là mù mờ trong Đạo luật Nô lệ Hiện đại năm 2015 - chi tiết về "consent" (đồng thuận).

Em không nghe thấy các trạng sư cáo buộc là tòa Crown Court "thiên vị bên công tố" hay "xử ép".

Em cũng để ý là từ đầu đến cuối phiên tòa không có ai nhắc gì đến việc những cô gái bị xem là nạn nhân buôn người trong vụ việc có phải là đã khai gian dối trong phiên xử ở tòa Crown Court không.

Nếu đúng là các trạng sư biết những cô gái kia đã khai dối trá tại tòa Crown Court, chẳng lẽ họ lại không biết tận dụng điều đó để cãi cho các anh chị?

Em để ý khi tóm tắt lại vụ việc lúc tuyên án, vị thẩm phán Court of Appeal gọi các cô gái đó là "young women" - những người phụ nữ trẻ. Như vậy, từ đầu đến cuối các tòa án Anh các cấp vẫn đã luôn xem các cô gái đó là người trưởng thành, chứ không phải là trẻ em.

Thông thường trong các vụ kháng cáo như thế này thì đội ngũ luật sư - trạng sư của bên kháng cáo phải có những tính toán nhất định từ trước về chiến lược tranh tụng.

Nghĩa là họ xác định các điểm nào là các điểm đáng để cãi, có khả năng cãi thành công nhất tại tòa từ trước khi diễn ra phiên xử. Khi vào phiên xử họ sẽ chỉ xoáy vào các điểm đáng cãi đó thôi.

Cách chính xác nhất để xác định tại sao các luật sư - trạng sư chọn chiến lược tranh tụng như hôm 23/01 là hỏi chính các vị ấy.

Hôm ra tòa em không có điều kiện hỏi kỹ càng họ.

Luật sư bất kể tài năng, danh tiếng đến đâu thì cũng là con người. Họ có thể sai lầm.

Chiến lược tranh tụng mà các trạng sư đã sử dụng đó có sai lầm hay không, hay thiếu sót gì, thì phải dựa vào đánh giá chuyên môn của các luật sư - trạng sư chuyên về hình sự khác mới có thể biết được.

Nhưng nhìn từ cách các trạng sư tranh luận trong phiên tòa hôm 23/01 em thấy họ đã có chuẩn bị kỹ từ trước và họ làm việc tới nơi tới chốn chứ không phải là qua loa cho xong chuyện.

Do đó, em nghĩ việc các trạng sư không chỉ ra những điểm "thiên vị", hay "xử ép", và không xoáy vào chuyện các cô gái tự xưng nạn nhân kia có gian dối hay không, có thể là do quyết định của chính các trạng sư, vì họ không có trong tay đủ bằng chứng để chứng minh, và vì họ biết là không thể dùng các điểm đó để thuyết phục tòa.

B. Các anh chị bị kết án có thể làm gì tiếp theo?

Ngồi mường tượng những gì đã có thể xảy ra chắc không còn có ích gì nữa. Vậy nên, một thắc mắc em nghĩ có ích hơn là: còn có thể làm gì trong vụ án này?

Như đã giải thích, cấp tòa cao hơn cấp Court of Appeal là cấp tòa Supreme Court.

Như vậy, nếu các anh chị muốn kháng án vẫn có thể kháng tiếp lên Supreme Court.

Tuy nhiên, kháng án thế nào để thành công thì phải có ý kiến chuyên môn của luật sư - trạng sư chuyên về hình sự.

Hiện không rõ đội ngũ luật sư - trạng sư của các anh chị đã họp bàn và tư vấn tiếp cho các anh chị chưa.

Bên cạnh phương án Supreme Court là một cơ chế khác tại UK là Criminal Cases Review Commission (https://ccrc.gov.uk/).

Đây là một ủy ban chuyên xem xét lại vụ án bị nghi là xử oan sai (miscarriage of justice). Đây là một ủy ban độc lập, không thuộc hệ thống tòa án và và không chịu kiểm soát từ hệ thống chính quyền Anh.

Ủy ban này đặc biệt tiếp nhận xem xét lại các án hình sự đã kháng án và vẫn bị xử thua.

Họ sẽ xem xét lại hồ sơ vụ việc và nếu thấy có dấu hiệu oan sai, họ sẽ gửi đơn yêu cầu bắt buộc tòa Court of Appeal phải xem xét lại vụ việc (Court of Appeal không có quyền từ chối).

Việc có sử dụng ủy ban Criminal Cases Review Commission để giúp các anh chị Jenny, Kent và Susan được hay không cũng là một câu hỏi cho luật sư của các anh chị trả lời.

***

Bản thân là một người đứng ngoài không can dự và cũng không giúp ích được gì cho các anh chị, em chỉ có thể "biết thì thưa thốt", đóng góp một số hiểu biết ít ỏi của mình như trên, để giúp cộng đồng người Việt mình hiểu rõ ràng hơn về vụ việc.

Em nghĩ cộng đồng người Việt làm nail mình tại UK rất tốt bụng và nhiệt tình, nhưng theo em, muốn giúp đỡ người khác và giúp một cách hiệu quả thì phải hiểu rõ về vụ việc của người ta, và hiểu rõ thông qua những nguồn tin chính xác, đáng tin cậy, có chuyên môn.

Hơi đáng tiếc là cộng đồng mình từ trước tới nay chỉ được tiếp nhận thông tin vụ việc từ người nhà các anh chị bị kết án mà chưa hề được nghe ý kiến chuyên môn của các luật sư đang đại diện cho các anh chị, hay ý kiến chuyên môn từ một chuyên gia pháp lý độc lập.

Bệnh thì hỏi bác sĩ, vướng vòng lao lý thì hỏi luật sư. Đó là lẽ thường.

Cảm ơn mọi người đã dành thời gian để đọc.

Viethome (theo Facebook Hoang K Anh)