Đường về nào cho người rơm làm nail bất hợp pháp tại Anh?

Số lượng người Rơm tại Anh hiện nay ước tính có đến hàng chục ngàn người.

Mặc dù giữa Anh và Việt nam đã có một số thủ tục cho phép dẫn độ công dân trong một số trường hợp nhất định, nhưng việc xác định xem một cá nhân cụ thể có phải là người Việt "lưu lạc" từ Việt nam hay không, vì một số lý do, thường khó thực hiện nếu chỉ xuất phát từ yêu cầu của một phía.

Ngay cả trong trường hợp, khi cơ sở pháp lý đã sẵn sàng, với số lượng khổng lồ người di cư bất hợp pháp của các sắc tộc khác nhau đã tích lũy hàng chục năm nay, không một hệ thống tập trung nào đủ lớn để có thể chứa giữ, chưa kể một ngân sách khổng lồ phải tiêu tốn nếu muốn dẫn độ họ về bản quán.

Mặt khác nếu các chiến dịch truy quét của chính quyền thực sự làm mất nguồn sống của những người di cư bất hợp pháp trong lúc việc dẫn độ chưa thể thi hành, thì tệ nạn xã hội chắc chắn sẽ tăng mạnh khi nhiều chục ngàn người ấy bị đẩy vào bước đường cùng, xã hội Anh sẽ chính là nơi gánh chịu tệ nạn.

Mặc dù cuộc sống tại Anh không là "màu hồng" nhưng mức thu nhập thực tế tại đây của các lao động trái phép so với cái mà họ có thể kiếm được tại quê hương họ, chắc chắn sẽ làm thất bại mọi nỗ lực hồi hương tự nguyện của chính quyền.

Đối với ngành làm móng tay và các dịch vụ có sử dụng người bất hợp pháp khác, vì nhu cầu của xã hội là lớn trong khi lực lượng chế tài quá mỏng và chỉ hoạt động theo chiến dịch từng đợt, mọi việc có thể sẽ lại đâu lại vào đó sau những xáo trộn ngắn hạn.

Nguy hiểm là thực trạng này có thể gửi một tín hiệu sai đến cộng đồng di dân bất hợp pháp và kể cả những người đang dự định vượt biên vào Anh rằng chính quyền bất lực và vô tình khuyến khích các đường dây buôn người.

Những lựa chọn tốt hơn

Từ các phân tích trên, rõ ràng các chiến dịch truy quét tại các tiệm làm móng tay không gửi được những tín hiệu đủ rõ và mạnh cho những đối tượng đang chuẩn bị lên đường từ Việt Nam.

Có lẽ một giải pháp mang tính chất cơ chế hơn cần được nghiên cứu và áp dụng.

Trên thị trường lao động của ngành làm móng tay, vì khan hiếm nguồn thợ, rất nhiều các chủ tiệm mới có xu hướng tìm kiếm thân nhân hay họ hàng, người đang có ý định vượt sang Anh để tuyển dụng cho doanh nghiệp của mình. Như vậy ý định vượt biên vào Anh xuất phát từ chính những đòi hỏi hay hậu thuẫn của thân nhân là những người đã có quốc tịch Anh.

Chừng nào các địa phương tại Anh còn cho phép mở các doanh nghiệp móng tay một cách hoàn toàn tự do như hiện nay, khi đó số người Việt vào Anh sẽ vẫn tăng lên theo thời gian.

Một chính sách ngừng cấp phép cho các tiệm làm móng mới trong vòng mười năm hoặc chỉ cấp phép thành lập cơ sở mới nếu đệ trình được danh sách xác định của một số thợ hợp pháp sẽ ngay lập tức chặn đứng nhu cầu mang người đang có ý định vượt vào Anh để tham gia chuỗi dịch vụ trên.

Hiện nay các doanh nghiệp làm móng tay của các sắc tộc khác nhau, trong đó người Việt là đông nhất, đã có mặt tại hầu hết các khu dân cư (town) lớn và trung bình của nước Anh.

Mặc dù nhu cầu làm móng đang tăng lên theo thời gian nhưng sự hiện diện của số lượng doanh nghiệp như trên cũng là tạm đủ trong lúc cần cân nhắc các bất lợi từ nhập cư lậu.

Từ lâu ở Anh đã có Dịch vụ Hồi hương Tự nguyện. ''Chính phủ Anh sẵn sàng trả tiền vé cho những người rơm Việt muốn về nước và các bạn chỉ bị cấm vào Anh trong một hoặc hai năm thay vì 10 năm. Các bạn sẽ giữ được phẩm giá và lòng tự trọng vì sẽ không bị cưỡng ép đưa ra khỏi nước Anh'', trích lời ông Paul Wylie, Chỉ huy trưởng của chiến dịch Magnify, Lực lượng Kiểm soát Di trú Anh, người đã tham gia kiểm tra một số tiệm nail có người Việt làm việc.

Trong trường hợp Người rơm Việt Nam ở Anh muốn tự nguyện hồi hương thì có thể liên hệ với Tổ chức quốc tế về Di dân hay còn thường được gọi là IOM (International Organisation for Migration) để được trợ giúp tiền xin cấp hộ chiếu, tiền vé máy bay, và cả tiền để bắt đầu cuộc sống mới tại quê nhà, thay đổi chỗ ở. Trang mạng của IOM ở Anh là www.unitedkingdom.iom.int, bạn có thể vào để tìm hiểu thêm thông tin.

Viethome (theo BBC)