Nhiều nạn nhân nô lệ bị đẩy trở lại địa ngục sau khi nhận hỗ trợ từ Bộ Nội vụ

Các nạn nhân nô lệ hiện đại đã thoát khỏi những kẻ lạm dụng vẫn có nguy cơ bị lôi kéo trở lại bởi họ cần tiền để duy trì cuộc sống sau khi bị cắt giảm hỗ trợ tài chính.

Số tiền trợ cấp sinh hoạt hàng tuần cho những người xin tị nạn đã giảm từ £65 xuống còn £37,95. Quyết định cắt giảm đã được thông qua và sẽ dần được triển khai đến tất cả các nạn nhân nô lệ hiện đại.

Các luật sư cho biết những nạn nhân bị cắt giảm hỗ trợ sẽ phải vật lộn để đảm bảo những điều kiện sinh hoạt cơ bản như thực phẩm và đi lại. Tình cảnh khó khăn khiến họ có nguy cơ cao tiếp tục bị bóc lột về tài chính, tình dục và tình cảm.

Một phiên tòa xét xử hồi đầu tháng này cho biết một nạn nhân của nạn buôn bán tình dục, người nhiễm HIV do bị bóc lột, đã không còn đủ tiền để có được chế độ ăn uống phù hợp cho việc điều trị y tế của mình và có nguy cơ bị khai thác trở lại.

Phiên điều trần là một phần của vụ kiện đang diễn ra tại Tòa án tối cao với mục đích đảo ngược quyết định của chính phủ về việc cắt giảm số tiền sinh hoạt phí. Quan tòa trong phiên điều trần vào ngày 4 tháng 10 cho biết ông rất quan tâm đến tình huống này.

Nhiều nhân viên xã hội đã bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của việc cắt giảm vì các tổ chức từ thiện được chính phủ ký hợp đồng chăm sóc các nạn nhân không muốn lên tiếng chống lại Bộ Nội vụ.

Chính phủ xác định và hỗ trợ nạn nhân buôn người thông qua cơ chế National Referral Mechanism (NRM), yêu cầu Bộ Nội vụ hỗ trợ để phục hồi và đưa nạn nhân đến những khu nhà ở an toàn nếu cần thiết.

Sự hỗ trợ dành cho các nạn nhân trong giai đoạn này được sắp xếp thông qua Hợp đồng chăm sóc nạn nhân, hiện đang được nắm giữ bởi Salvation Army, và tổ chức này sẽ tiếp tục phân bổ hợp đồng cho 12 tổ chức từ thiện khác.

Bộ Nội vụ cho biết kế hoạch cắt giảm mức trợ cấp sinh hoạt xuống còn 37,95 bảng mỗi tuần vẫn chưa được thực hiện. Nhưng Salvation Army cho biết gần đây đã có những thay đổi trong quy trình xử lý các mức trợ cấp cho nạn nhân nô lệ hiện đại muốn xin tị nạn.

Ông Kevin Hyland, cựu Ủy viên của Independent Anti-Slavery, đã viết thư cho Bộ trưởng Nội vụ vào tháng 6 để nêu lên các mối lo ngại về việc giảm trợ cấp sinh hoạt phí.

Ông cảnh báo rằng những thay đổi đã được đưa ra mà “không có cảnh báo chính thức” và đang gây nên “ảnh hưởng bất lợi đối với cuộc sống và khả năng phục hồi của các nạn nhân, có nguy cơ khiến họ càng trở nên dễ bị tổn thương và bị khai thác, đồng thời giảm các hỗ trợ mà họ nhận được trong quá trình truy tố.”

“Khi không nhận được hỗ trợ đầy đủ trong giai đoạn phục hồi này, các nạn nhân có nguy cơ bị bóc lột thêm, bao gồm cả nguy cơ bị bán trở lại trong khi cố gắng tìm cách tự đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bản thân,” bức thư có đoạn.

Một cựu nhân viên xã hội cho biết, vì bị cắt giảm trợ cấp, những người xin tị nạn đã quay trở lại làm những công việc bất hợp pháp như ở tiệm nail, công việc nhận tiền mặt trực tiếp hay ở các cửa hàng takeaway.

Nhân viên phụ trách xin được giấu tên nói: “Họ vật lộn để có đủ tiền mua thực phẩm và nhu yếu phẩm. Họ thiếu thốn những thứ có thể giúp hỗ trợ phục hồi. Rất nhiều cuộc hẹn mà họ cần tham dự, như trị liệu hoặc từ thiện, đều đòi hỏi chi phí đi lại.

“Tôi biết nhiều người đã quay trở lại làm việc bất hợp pháp vì họ không có đủ tiền. Thật khó khăn khi bạn chỉ yêu cầu họ không được làm việc bất hợp pháp, nhưng đồng thời bạn phải hiểu rằng mọi người cần phải làm việc để sống.”

Nhân viên phụ trách cho biết anh không nhận được hồi đáp khi nêu lên những bất cập này trong tổ chức. Bản thân anh đã nhiều lần đề cập vấn đề với những người quản lý nhưng không hề được lắng nghe.

“Họ chỉ nói rằng nó nằm ngoài tầm kiểm soát của họ,” anh nói. “Là một nhà thầu phụ, chúng tôi chỉ cần làm theo những gì Salvation Army nói với chúng tôi.

“Vấn đề là đó không phải là tiền của chúng tôi. Đó là tiền của chính phủ, vì vậy nếu họ nói sẽ xuất ra ít hơn, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi không được nói bất cứ điều gì tiêu cực về Bộ Nội vụ.”

Như đã nhắc đến ở trên, một nạn nhân buôn bán tình dục đang phải điều trị HIV và quá trình chữa bệnh đòi hỏi một chế độ ăn uống cân bằng. Nhưng cô đã phải vật lộn để mua thức ăn thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu y tế của bản thân.

Người phụ nữ này còn mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, gần đây được đánh giá là có nguy cơ tự tử và tự làm hại bản thân. Sức khỏe tinh thần của cô đã xấu đi vì buộc phải bỏ lỡ các buổi trị liệu do không đủ khả năng chi trả cho việc đi lại.

Trước đây từng bị bóc lột tình dục trong hoàn cảnh nghèo khổ và tuyệt vọng, giờ đây người phụ nữ này lại tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng trở lại, theo một báo cáo của chuyên gia tâm lý học lâm sàng được trình lên tòa án.

Nusrat Uddin, một luật sư tại WilsonP Solicitor LLP, đại diện cho người phụ nữ, nói rằng việc cắt giảm trợ cấp đã làm suy yếu các nỗ lực đối phó với chế độ nô lệ hiện bởi nó khiến nạn nhân trở nên dễ bị tổn thương hơn trong giai đoạn quan trọng khi họ đang hồi phục sau chấn thương.

Bà nói thêm: “Bộ Nội vụ biết rằng thân chủ của chúng tôi bị nhiễm HIV do bị bóc lột tình dục và cô ấy bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương do những trải nghiệm khủng khiếp này.

“Họ đã có bằng chứng đầy đủ về hoàn cảnh khó khăn của cô ấy nhưng không hề cân nhắc đến hoàn cảnh này khi quyết định cắt giảm 40% các khoản tiền sinh hoạt hàng tuần của cô ấy.

“Chính phủ đã cam kết bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ họ hồi phục, tuy nhiên những cắt giảm gần đây đối với nạn nhân lại thể hiện thái độ hoàn toàn khác.”

Ông Vernon Coaker, chủ tịch của nhóm nghị sĩ toàn đảng về chế độ nô lệ hiện đại và buôn người, cho biết vấn đề cắt giảm mức sinh hoạt phí đã được báo cáo với chính phủ, nhưng cho đến nay chính phủ vẫn không hề lắng nghe.

“Nó đang gây khó khăn rất lớn cho nạn nhân và có thể dẫn đến việc bị bán trở lại. Việc cắt giảm này vừa tàn nhẫn vừa không cần thiết và cần được thay đổi ngay lập tức,” ông nói thêm.

Khi nhắc đến việc các nhân viên phụ trách cảm thấy không thể nói ra mọi chuyện, ông Coaker nói: “Một trong những trách nhiệm của nhân viên phụ trách là hỗ trợ các nạn nhân và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của họ.

“Nếu có bằng chứng cho thấy nhân viên phụ trách cảm thấy không thể lên tiếng thay mặt cho những người mà họ chăm sóc, chúng ta đã khiến những nạn nhân tới để được giúp đỡ phải thất vọng.

“Đây là lý do tại sao cần phải có các tiêu chuẩn chăm sóc tối thiểu, minh bạch và quy trình kiểm tra độc lập rõ ràng trong tất cả các dịch vụ hỗ trợ dành cho nạn nhân buôn người.”

Trả lời các báo cáo cho rằng nhân viên phụ trách đã cảm thấy không thể nói lên mối lo ngại, bà Kathy Betteridge, giám đốc chống buôn người và nô lệ hiện đại tại Salvation Army, cho biết tổ chức từ thiện vẫn đang nỗ lực hết mình trong quan hệ đối tác chặt chẽ với cả Bộ Nội vụ và các nhà thầu phụ.

“Quan tâm lớn nhất của chúng tôi là đảm bảo kết quả tốt nhất có thể cho những người mà chúng tôi chăm sóc và do đó chúng tôi luôn liên tục đối thoại và, khi cần thiết, phản hồi mạnh mẽ về tác động của bất kỳ thay đổi nào đối với sự an toàn khách hàng.”

Bà Betteridge nói thêm: “Đồng thời, tất cả chúng tôi đều đang tìm kiếm những cách thức mới để cải thiện điều kiện tiếp cận hỗ trợ cho nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại.”

 

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ phát biểu: “Chế độ nô lệ hiện đại và buôn người là tội ác ghê tởm và chính phủ cam kết sẽ giúp những người sống sót phục hồi sau khi bị bóc lột và hỗ trợ họ xây dựng lại cuộc sống.

“Chính phủ đã lắng nghe các đối tác quan trọng của mình và đang cố gắng kéo dài khoảng thời gian mà các nạn nhân được nhận được hỗ trợ tài chính trong khi tái hòa nhập cộng đồng, và các nạn nhân dễ bị tổn thương nhất - phụ nữ mang thai và trẻ em - sẽ nhận được nhiều tiền hơn so với hệ thống trước đó.

“Bằng cách thay đổi mức thanh toán, tổng số tiền tài trợ dành cho các nạn nhân sẽ vẫn như cũ, nhưng họ sẽ nhận được hỗ trợ trong một khoảng thời gian dài hơn, và đáp ứng khi họ cần nhất, nhằm ngăn chặn nguy cơ khiến họ bị bóc lột trở lại.

“Các nạn nhân nô lệ hiện đại sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ đặc biệt, bao gồm chỗ ở miễn phí, trợ giúp pháp lý và tiếp cận với tư vấn và chăm sóc y tế.”

VietHome (Theo Independent)