Cảnh sát thờ ơ với nhiều vụ án nô lệ hiện đại khiến nhiều kẻ tình nghi được tự do

Các nạn nhân nô lệ hiện đại đang rơi vào tâm trạng thất vọng bởi hàng loạt sai lầm của cảnh sát cũng như quyết định trả tự do cho rất nhiều kẻ bị tình nghi là chủ nô.

Một đơn khiếu nại gửi đến Cơ quan Thanh tra Hoàng gia cho biết mặc dù các chiến dịch triệt phá tội phạm nô lệ hiện đại của cảnh sát đã tăng 250% vào năm 2018, nhưng chỉ có 7% các trường hợp được chuyển đến công tố viên.

Tổ chức từ thiện Hestia cho biết sự thiếu nhận thức và hiểu biết về nhu cầu của các nạn nhân yếu ớt đã khiến cảnh sát từ bỏ các cuộc điều tra chống lại những kẻ buôn người, và từ chối đưa ra bằng chứng.

Các nhà vận động cho biết, những biện pháp nghiệp vụ yếu kém trong các cuộc phỏng vấn đã làm cho các nạn nhân càng thêm căng thẳng và ở nhiều khu vực của nước Anh, cảnh sát hầu như không được huấn luyện cẩn thận.

Một nạn nhân nô lệ hiện đại người Nigeria bị bóc lột tình dục cho biết một nam cảnh sát viên đã truy hỏi tất cả mọi vấn đề, hét vào mặt cô và lục soát người cô.

“Anh ta thậm chí còn hỏi tại sao tôi nói tiếng Anh,” người phụ nữ nói. Sau đó, anh ta bắt đầu lục soát trên người tôi. Anh ta đổ túi xách của tôi ra và lấy ra từng món đồ. Anh ta thậm chí còn lộn túi quần và cởi giày của tôi ra. Đó là một trải nghiệm căng thẳng. Tôi không thể nhớ tất cả.

“Anh ta nói sẽ ném tôi ra ngoài nếu tôi không nói sự thật. Anh ta hét lên để ép tôi lên tiếng. Khi tôi yêu cầu anh ta nói chậm lại vì tôi không hiểu anh ta nói gì, anh ta đã buộc tội tôi xúc phạm anh ta… Tôi đã không muốn phàn nàn sau đó, tôi không muốn dính dáng gì với cảnh sát nữa. Đó là lý do tại sao tôi đã không trình báo trường hợp của mình.”

Ông Patrick Ryan, CEO của Hestia, cho biết những người sống sót cần được hỗ trợ để đảm bảo những kẻ buôn người sẽ bị kết án.

“Khi một nạn nhân nô lệ hiện đại gặp phải thái độ hoài nghi thay vì hỗ trợ, mức độ truy tố những kẻ bóc lột vẫn đặc biệt thấp, cho phép bọn tội phạm tiếp tục hoạt động trên đường phố của chúng ta khiến những người yếu ớt tiếp tục trở thành nạn nhân,” ông nói thêm.

“Cảnh sát cần được hỗ trợ và đào tạo để các nạn nhân có đủ tự tin hợp tác và hỗ trợ các vụ truy tố.”

Khiếu nại được đưa ra sau khi số liệu mới của Cơ quan Tội phạm Quốc gia cho thấy gần 7.000 nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người và nô lệ hiện đại đã được báo cáo cho chính quyền vào năm 2018, tăng 80% trong hai năm.

Người dân từ 130 quốc gia khác nhau đã được xác định, nhưng nhóm nạn nhân lớn nhất lại là các công dân Anh vì sự hoành hành của các băng đảng ma túy liên tỉnh.

Lực lượng cảnh sát trên khắp Vương quốc Anh đã cố gắng trấn áp mô hình tội phạm này, cũng như khởi động các chiến dịch đặc biệt chống lại nạn nô lệ hiện đại, dẫn đến nhiều vụ bắt giữ.

Số vụ truy tố liên quan đến nô lệ hiện đại đã tăng một phần tư vào năm ngoái nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hàng chục ngàn trường hợp được trình báo với chính quyền.

Bà Kate Roberts, giám đốc của Quỹ hỗ trợ nạn nhân buôn người, phát biểu chính phủ đang không thể phân bổ đủ nguồn lực cho cuộc chiến chống lại chế độ nô lệ hiện đại.

Bà chỉ ra rằng cảnh sát cũng chịu trách nhiệm cho việc thực thi luật nhập cư, và nhiều nạn nhân nô lệ hiện đại hiện không được ghi nhận.

''Cần phải có thêm sự chỉ đạo và tài trợ xung quanh vấn đề này,” bà Roberts nói thêm. “Cảnh sát có thể bị quá tải và họ không thể được kỳ vọng trở thành nhân viên xã hội, nhà trị liệu và luật sư cũng như điều tra viên''.

“Tất nhiên chúng ta có thể chỉ trích cảnh sát nhưng rất khó để họ thực hiện tốt mọi việc nếu họ không có nền tảng.”

Hệ thống khiếu nại, bao gồm tất cả các lực lượng cảnh sát ở Anh và xứ Wales vừa được ra mắt vào tháng 11/2018, cho phép các tổ chức thay mặt công chúng nêu lên quan ngại và phản ánh về các vấn đề mang tính hệ thống.

Quỹ Hestia đưa ra khiếu nại của mình trong khi một tổ chức từ thiện khác cảnh báo rằng nạn nhân trẻ em của chế độ nô lệ hiện đại có thể trở thành tội phạm bởi một chương trình mới của chính phủ.

Lệnh Phòng chống Tội phạm về Dao vừa được đề xuất sẽ được áp dụng đối với trẻ em từ 12 tuổi được phát hiện mang dao đến lần thứ hai, và các đối tượng này có thể phải nhận các lệnh hạn chế trên diện rộng cũng như bị bỏ tù.

Ủy ban Cải cách Nhà tù và Ủy ban Thường vụ Tư pháp Thanh niên đã gửi một biên bản họp ngắn tới các nghị sĩ, cảnh báo rằng chính sách này có thể biến hàng ngàn trẻ em là nạn nhân của nạn nô lệ, buôn người và bị lạm dụng trở thành tội phạm, đồng thời khiến các em có nguy cơ bị bỏ rơi hoặc tiếp tục bị lạm dụng.

Ông Mark Day, người phụ trách chính sách của Ủy ban Cải cách Nhà tù, cho biết đề xuất trên đe dọa sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến nhà tù đối với hàng ngàn trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương, thay vì cho họ sự chăm sóc và hỗ trợ mà họ cần.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ phát biểu: “Chế độ nô lệ hiện đại là một tội ác ghê tởm mà chính phủ  đang cố gắng giải quyết bằng cách cho cơ quan thực thi pháp luật các công cụ họ cần để xác định nạn nhân và truy lùng kẻ phạm tội.

“Đạo luật Nô lệ Hiện đại mang tính tiên phong trên thế giới của chúng tôi đã giúp hàng ngàn nạn nhân được bảo vệ và khiến hàng trăm người bị kết án. Nhưng chúng tôi biết còn nhiều việc phải làm và đang làm việc với cảnh sát để xem có thể làm gì để cải thiện phương pháp đối phó tội ác khủng khiếp này.

“Chúng tôi hiểu rõ rằng bất cứ ai bị bóc lột hoặc dẫn dụ vào con đường tội phạm nên được các cơ quan thực thi pháp luật trước tiên coi là nạn nhân.

“Các lệnh Phòng chống tội phạm sử dụng dao cho phép các tòa án can thiệp sớm và dẫn dắt những người trẻ tuổi ra khỏi nạn khỏi bạo lực mà không hình sự hóa vụ việc."

VietHome (Theo Independent)