Hàng trăm trẻ em người Việt biến mất không dấu vết ở Đức

Tại Berlin và Brandenburg, theo một báo cáo truyền thông, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam bị mất tích – và có thể bị ép buộc lao động nô lệ. Theo báo cáo mới đây của kênh Berlin-Brandenburg (RBB), tại Brandenburg hiện có 32 trẻ vị thành niên Việt Nam bị mất tích không dấu vết.

Kể từ năm 2013, những trẻ em và thanh thiếu niên đã bị cảnh sát tiểu bang và cảnh sát liên bang bắt giữ trong khi cố gắng xâm nhập bất hợp pháp vào Đức và đã được bàn giao cho các văn phòng phúc lợi thanh niên. Nhưng ngay sau khi được bàn giao, những đối tượng này đều nhanh chóng biến mất.

Kể từ năm 2012, RBB đã báo cáo tổng cộng 474 người Việt Nam chưa đủ tuổi vị thành niên đã đến Berlin, rồi được báo cáo là mất tích..

Theo RBB, cảnh sát Berlin có thông tin cho biết "trẻ em và thanh thiếu niên được các đường dây có tổ chức đưa đến Cộng hòa Liên bang Đức. Các chi phí cho chuyến đi sẽ được thanh toán qua hình thức lao động hoặc hoạt động phạm tội."

Theo Cảnh sát Liên bang, số người Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp vào Đức vẫn tăng đều đặn. Những kẻ buôn người quốc tế đã đưa lậu người Việt Nam từ Moscow qua các nước Baltic và Ba Lan đến Đức và sang Tây Âu. Theo các nhà điều tra Ba Lan và Đức, Trung tâm Berlin Dong Xuan ở Lichtenberg là một trung tâm đầu mối trung chuyển.

Người Việt Nam đến Đức bất hợp pháp sau đó sẽ phải trả chi phí 10.000 đến 15.000 euro cho những kẻ buôn lậu bằng cách làm việc. Trong vài tháng qua, các quan chức hải quan đã liên tục gặp phải những người lao động bất hợp pháp, bao gồm cả trẻ vị thành niên, trong các cuộc đột kích vào các tiệm nail Việt Nam. Theo Văn phòng Hải quan Gießen, đây không chỉ là một trường hợp riêng lẻ. Có bằng chứng cho thấy đó là một hiện tượng trên toàn quốc.

Tổ chức Liên bang cho Trẻ em Không có Người Chăm Sóc phát biểu, "Những trẻ em và thanh thiếu niên này phải được chính phủ chăm sóc. Sự thờ ơ trước các trường hợp mất tích là không thể chấp nhận. Đặc biệt, những trẻ vị thành niên tị nạn biến mất sẽ gặp phải nhiều nguy cơ hơn. Do đó, các tổ chức phúc lợi thanh niên và cảnh sát cần tạo ra nhiều nguồn lực hơn để giải quyết vấn đề.”

VietHome (Theo Archy Sport)