• Một tài xế xe tải đã bị bắt sau khi cảnh sát tuýt còi phương tiện này trên đường M6. Có 27 người nhập cư bất hợp pháp bị phát hiện bên trong thùng xe, bao gồm cả 4 người dưới 18 tuổi. 

    Cảnh sát Staffordshire đã bắt giữ một người đàn ông 42 tuổi, tình nghi đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Phương tiện bị chặn lại ở gần Stoke-on-Trent, cảnh sát nhận được báo cáo cho thấy 27 người trên toa xe có thể bị đe dọa về sức khỏe.

    Hội đồng Staffordshire cho biết họ đang hỗ trợ chăm sóc cho 4 trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Tất cả 27 người này đều được chăm sóc y tế và đưa đến trung tâm nhập cư để phỏng vấn.  

    Tất cả những người nhập cư đều được chăm sóc y tế cẩn thận với chăn nhôm giữ nhiệt.

    Phát ngôn viên cảnh sát cho biết: "Chiếc xe bị chặn sau khi cảnh sát nhận được thông báo có người trong thùng xe và họ có thể đang gặp nguy hiểm. Người tài xế 42 tuổi, không có địa chỉ thường trú, đã bị bắt giữ vì tình nghi đưa người bất hợp pháp vào Anh. Những người này thuộc các quốc tịch Ethiopia, Sudan và Eritrea.   

    Một phần đường cao tốc đã bị phong tỏa từ lúc 16h, gây tắc nghẽn kéo dài vào hôm thứ Tư. Chiếc xe bị chặn ở giữa giao lộ 15 và 16 vào lúc 17h45.

    Trong số hàng dài những tài xế bị kẹt trên đường là hàng trăm cổ động viên Burton Albion đang đến xem trận đấu của đội mình với Manchester City ở vòng bán kết Cúp Liên đoàn Anh. Thật đau đớn khi họ chẳng những chôn chân trên đại lộ M6 mà kết quả trận đấu hôm đó, đội Burton Albion còn thua te tát 0-9. 

    Một tài xế tên Danny Ellis cho hay anh nhìn thấy 30-40 xe cảnh sát chạy vượt xe anh về hướng bắc, có 3-4 xe tải bị chặn lại để kiểm tra.

    "Cảnh sát bảo chúng tôi ngồi yên trong xe và khóa cửa lại. Họ nói có rất nhiều người đã chạy trốn khỏi các thùng xe tải". 

    Một người khác cũng chứng kiến cảnh sát chặn các xe tải. Anh kể: "Cảnh sát yêu cầu một chiếc xe rờ-moóc tấp vào lề và họ quát to ''Có người trong đó không?''. Tài xế mở cửa thùng xe và 15 người bước ra''.

    Một số người cố gắng bỏ chạy nhưng đã bị bắt lại, không có ai bị thương. Đến 22h cùng ngày đoạn đường mới được thông. 

    Camera giao thông cho thấy hàng dài xe cộ bị kẹt cứng trên đại lộ M6 vào hôm thứ 4 mới đây.

    Viethome (theo BBC)

  • Theo các con số thống kê mới nhất, số lượng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu đã giảm trong năm 2018, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua - nhưng con số này lại tăng đột biến ở Tây Ban Nha.

    Lượng người di cư trái phép tới châu Âu giảm mạnh trong năm 2018 (Nguồn: AP).

    Người di cư giảm

    Ước tính có khoảng 150.000 người di cư đã đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua các con đường không chính thức trong năm 2018 - Cơ quan Hải quan Frontex của EU, cho hay. Đây là con số thấp nhất tính từ năm 2013 đến nay, và giảm tới 92% so với giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu vào năm 2015.

    Mức giảm kỷ lục này là nhờ vào số lượng người di cư từ Libya, Algeria và Tunisia băng biển Địa Trung Hải để đến Italy đã giảm mạnh. Được biết, chỉ có khoảng 23.000 hành trình vượt biển nguy hiểm được lực lượng cảnh sát phát hiện trong năm 2018, giảm tới 80% so với năm 2017.

    Vào tháng 6/2018, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini - người có quan điểm cứng rắn với vấn đề nhập cư - đã đóng cửa các cảng biển của nước này với dân nhập cư, không tiếp nhận tàu của người nhập cư; trong khi Chính phủ nước này cũng thông qua nhiều bộ luật chống nhập cư mới. Điều này giúp số lượng người nhập cư đến châu Âu giảm mạnh.

    Tuy nhiên, cùng thời điểm, số lượng người di cư từ Morocco tới Tây Ban Nha thông qua tuyến đường biển Địa Trung Hải lại tăng đột biến, gấp đôi so với năm 2017, lên con số 57.000 người. Phần lớn số người di cư trên tuyến đường biển này đến từ các quốc gia thuộc vùng cận-Sahara ở châu Phi- theo Frontex. Nhiều người cũng đến từ Guinea, Mali và Algeria.

    Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã cho phép một số tàu chở người di cư được cứu sống trên biển được cập cảng nước này, sau khi bị ngăn không cho cập bến ở Malta và Italy.

    Trong năm 2018, công dân Afghanistan, Syria và Iraq chiếm phần lớn số người di cư trái phép tới châu Âu thông qua tuyến đường băng biển Địa Trung Hải. Tổng số công dân các nước này tới châu Âu đã lên tới 56.000 người - tức tăng hơn 30% so với năm 2017. Lượng người tăng này chủ yếu do số người di cư trái phép vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp.

    Chính sách mạnh

    Nhập cư đã trở thành một vấn đề nóng bỏng ở phần lớn các nước châu Âu, trong đó nhiều đảng phái chính trị tuyên bố sẽ ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép - bao gồm cả người tị nạn và người tìm kiếm diện tị nạn.

    Ở Liên hiệp Vương quốc Anh (UK), Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đã tuyên bố về một “sự việc lớn” sau khi vài chục người di cư đến được bờ biển Anh trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh vừa qua. Những người di cư nói trên đã thực hiện một hành trình nguy hiểm bằng thuyền. Lực lượng Hải quân hoàng gia Anh sau đó được điều động để ngăn chặn các tàu nhập cư tương tự.

    Ở Italy, cái gọi là “sắc lệnh an ninh” mà Bộ trưởng Nội vụ Salvini đưa ra đã được thực thi từ tháng 11/2018. Sắc lệnh này hủy nguyên một chương “bảo vệ nhân đạo” đối với nhưng người nhập cư không hội đủ tiêu chí tị nạn ở nước này, hoặc đang chờ phản hồi về đơn xin tị nạn của họ. Điều này giúp chính quyền Rome dễ dàng trục xuất họ.

    Theo bộ luật mới của Italy, một số người nhập cư hợp pháp thậm chí bị tước đi quyền được bảo vệ theo luật pháp, và bởi vậy mà phải rời khỏi các trung tâm dành cho người nhập cư, đẩy họ vào tình trạng vất vưởng - không có cơ hội xin việc làm, không được hỗ trợ về y tế hay hội nhập xã hội.

    Nhiều tổ chức quốc tế hiện cũng nhấn mạnh về sự nguy hiểm mà nhiều người di cư đang phải đối mặt sau khi bị Italy trục xuất và phải trở về Libya. EU hiện đang tiếp tục hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển Libya để ngăn chặn các con tàu chở người di cư trái phép trước khi chúng cập cảng châu Âu.

    Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ hiện đang chịu sức ép phải tạm ngừng các hoạt động cứu trợ người di cư trên biển - rất nhiều người di cư trong số này bị những kẻ buôn người đẩy lên các con tàu kém chất lượng để băng biển. Phần lớn những người di cư này xuất thân từ các gia đình nghèo khó, tìm cuộc sống tốt hơn, hoặc là những người tháo chạy khỏi chiến tranh, bạo lực.

    Phụ nữ chiếm gần 1/5 tổng số người di cư trái phép băng biển để tới châu Âu trong năm 2018 - theo Frontex. Cũng khoảng 1/5 tổng số người di cư khác là người ở độ tuổi dưới 18, và khoảng 4.000 trẻ em không có người lớn đi kèm.

    Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) báo cáo, số lượng người di cư và tị nạn tới châu Âu vào năm 2018 là gần 142.000 người, phần lớn trong số này băng biển Địa Trung Hải. Tổ chức cũng báo cáo có trên 2.200 người di cư đã bị mất tích hoặc thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải trong năm 2018.

    Viethome (theo Đại Đoàn Kết)

  • Chính quyền Pháp đã lên nhiều kế hoạch, bao gồm tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thi hành pháp luật và tăng cường giám sát an ninh dọc theo bờ biển phía bắc nước Pháp.

    Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Christophe Castaner, nói: “Kế hoạch này cho phép chúng tôi chấm dứt hành động vượt biển của những người nhập cư, một hành động không chỉ bất hợp pháp mà còn vô cùng nguy hiểm. Cũng như chính phủ Anh, chúng tôi coi trọng việc ngăn chặn hoạt động của những kẻ buôn người.”

    Giới chức Pháp cho biết tổng cộng có 71 vụ vượt biển được ghi nhận trong năm ngoái, tăng mạnh so với 12 vụ trong năm 2017.

    Đáng kinh ngạc hơn, 57 trong số đó được tiến hành chỉ riêng trong tháng Mười một và Mười hai năm 2018. Trong tổng số trên, có 40 vụ vượt biển thành công và còn lại là thất bại.

    Động thái của chính quyền Pháp được công bố sau khi một con tàu thuộc Hải quân Hoàng gia Anh được huy động tuần tra ở Dover.

    Trong số 504 người nhập cư cố gắng vượt eo biển Anh trong năm 2018, 276 người đã đặt được chân lên lãnh hải và bờ biển Anh và 228 người bị chính phủ Pháp bắt lại.

    Trong một vài ngày qua, ông Castaner và Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid liên tục hội đàm để tìm cách giải quyết vấn đề. Nước Anh đồng ý tiếp tục hỗ trợ tài chính và công nghệ, bao gồm máy bay không người lái, radar và video quan sát.

    Bộ trưởng Pháp phát biểu: “Brexit không làm thay đổi nhu cầu hợp tác của hai quốc gia chúng ta, nhằm mang lại những giải pháp thống nhất và đồng thuận chống lại nạn nhập cư bất hợp pháp.

    “Cam kết của nước Anh cho thấy họ sẵn sàng tiếp tục tham gia vào chính sách an ninh biên giới chung giữa hai nước.”

    Ông Javid bày tỏ: “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh động thái của nước Pháp và điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục hợp tác để giải quyết vấn đề ở eo biển Anh.

    “Kế hoạch của Pháp sẽ được thực hiện cùng các kế hoạch hiện tại của Anh với mục đích bảo vệ biên giới và ngăn chặn bất cứ thiệt hại nào về tính mạng con người.

    “Chúng tôi đã tăng cường việc thực thi pháp luật thông qua NCA và các cơ quan khác và hồi đầu tuần này, tôi đã yêu cầu hai đội Lực lượng Biên giới trở lại Anh từ nước ngoài – đồng thời huy động tàu hải quân hỗ trợ công tác tuần tra trong thời gian chuyển tiếp.

    “Chính quyền Anh và Pháp sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ thông qua trung tâm hợp tác Anh-Pháp mới mở ở Calais và chúng tôi đang xây dựng một kế hoạch chung.

    “Tôi mong muốn nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch này khi gặp mặt trực tiếp Bộ trưởng Nội vụ Pháp trong những tuần tới.”

    VietHome (Theo Express)

  • Ngay sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ năm 1975 đã có một làn sóng di dân lớn từ Việt Nam đến Hoa Kỳ và các nước Tây phương, với hàng trăm nghìn vượt biên và vượt biển vì sợ chính quyền mới trả thù.

    Từ 1977 có thêm phong trào vượt biển tị nạn nữa. Làn sóng di dân này kéo dài cho đến giữa thập niên 1980 vì vấn đề khủng hoảng kinh tế kéo dài và môi trường chính trị ngột ngạt tại Việt Nam lúc đó.

    Hiện tại, nhiều năm sau khi cuộc chiến đã kết thúc, chưa có những thống kê chính thức nào về số lượng người Việt Nam đã di cư ra nước ngoài sinh sống hàng năm.

    Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tác giả, số lượng này là không nhỏ.

    Không kể thế hệ thuyền nhân và người tỵ nạn, hiện người Việt vẫn ra đi và chọn nhiều cách để di cư sang các nước phát triển hơn.

    1. Du học ở lại

    Đầu tiên phải kể đến là, thông qua con đường du học xong kiếm việc ở lại.

    Hiện có đông đảo sinh viên Việt Nam đang du học các nước trên thế giới, chủ yếu ở các nước phát triển.

    Theo kết quả nghiên cứu của công ty nhân sự SHD, có tới 64% số sinh viên Việt Nam mong muốn ở lại nước sở lại làm việc và sinh sống.

    Do đó, ta có thể nói hàng năm có một lượng không nhỏ người Việt Nam định cư ở nước ngoài thông qua con đường du học rồi ở lại.

    2. Đầu tư ra nước ngoài

    Một trào lưu giới mới của giới giàu và rất giàu gồm không ít quan chức cao cấp - đã di cư bằng đầu tư hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài để có thẻ định cư và quốc tịch nước khác.

    Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR), người Việt đổ 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ trong năm 2017 nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

    3. Xuất khẩu lao động

    Một con đường khác để di cư của người Việt Nam đó là xuất khẩu lao động.

    Theo báo Nhân Dân, năm 2017 ghi nhận số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cao kỷ lục, với 134 nghìn người.

    Rất nhiều trường hợp người đi lao động xuất khẩu cố tình tìm cách ở lại nước sở lại, bằng con đường hợp pháp hoặc không.

    Tại Hàn Quốc, tính đến tháng 4/2018, 35% lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp theo Cục quản lý lao động nước ngoài, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam.

    4. Di cư chui

    Một đường di cư khác đó là di cư chui thông qua con đường du lịch. Nghĩa là người muốn di cư thông qua hình thức đi du lịch xong tìm cách trốn ở lại.

    Điển hình của hình thức này chính là vụ 152 khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan du lịch xong mất tích.

    Điều này khiến cho nhà chức trách Đài Loan phải lập đội đặc nhiệm tìm kiếm những người này và dừng cấp visa du lịch cho du khách đến từ Việt Nam trong chương trình Quan Hồng. 

    Hay như các vụ nhập cư bất hợp pháp vào Anh của người Việt qua đường xe tải, tàu biển vẫn được báo chí nước này thường xuyên nhắc tới.

    Cảnh sát Anh đã bắt rất nhiều trường hợp người Việt Nam thông qua đường du lịch, hay tìm cách đến một nước châu Âu, rồi sang Pháp, sau đó trốn trên xe tải của những nhóm buôn người để vào Anh.

    5. Kết hôn với người nước ngoài

    Kết hôn với người ngoại quốc cũng là một cách để ra nước ngoài sinh sống, thoát cảnh đói nghèo. Theo Thanh Niên, chỉ từ 2008 đến 2014, Việt Nam có 115.675 công dân kết hôn với người nước ngoài, trong đó đa phần là phụ nữ, chiếm hơn 72%.

    Phụ nữ Việt Nam kết hôn chủ yếu là công dân Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… Trung bình mỗi năm có khoảng 18.000 người kết hôn với người nước ngoài.

    Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang được đánh giá là tốt nhất khu vực châu Á nhưng vì sao có một lượng không nhỏ người Việt Nam vẫn tìm mọi cách để di cư?

    Theo tác giả có nhiều nguyên nhân đằng sau hiện tượng này.

    Thứ nhất, dù là nước có mức tăng trưởng cao 7,08% năm 2018 theo Tổng cục thống kê, nhưng thu nhập trên đầu người của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực, kém xa các nước phát triển hàng chục lần.

    Đi làm ở nước có thu nhập theo giờ làm công cao hơn là cách tiết kiệm và tích lũy ngắn nhất cho người nhập cư.

    Thứ hai, Việt Nam được coi là nước có giới siêu giàu tăng nhanh nhất trên thế giới theo nghiên cứu của Wealth-X, công ty chuyên thu thập thông tin về giới siêu giàu.

    Điều này cho thấy lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế nhanh không chia đều cho tất cả mọi thành phần trong xã hội. Khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam thậm chí còn ngày một tăng. 

    Hay nói cách khác, rất nhiều người bị bỏ rơi bên ngoài quá trình phát triển, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Do đó, rất nhiều người tìm cách di cư ra nước ngoài để có cơ hội phát triển kinh tế tốt hơn.

    Thứ ba, một nguyên nhân nữa kiến cho người Việt di cư nhiều là mong con cái mình có tương lai tươi sáng hơn. Nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền vẫn phổ biến gây nản lòng người dân.

    Chương trình giáo dục và y tế tại Việt Nam bị đánh giá lạc hậu và kém hiệu quả. Chi phí người ta phải bỏ ra không xứng đáng với dịch vụ nhận được.

    Ô nhiễm môi trường đang tới mức báo động từ thành thị đến các vùng nông thôn và thêm vào đó, môi trường văn hoá xã hội cũng xuống cấp.

    Nhiều người tin rằng con cái mình sống trong một đất nước như vậy khó có tương lai do đó họ tìm cách di cư, dù biết rằng di cư là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

    Giải pháp cho tình trạng người dân di cư bằng mọi giá

    Theo tôi, người Việt Nam phần đông muốn gắn bó với cuộc sống trên chính quê hương mình.

    Nhưng để giảm đi số người dân tìm mọi cách di cư để đến nơi có đời sống tốt đẹp hơn thì cần nỗ lực rất lớn từ phía chính quyền.

    Việt Nam phải có chiến lược đúng đắn cho phát triển kinh tế, phúc lợi và an sinh xã hội, đẩy lùi các vấn nạn của xã hội.

    Để một ngày không xa, người Việt Nam có những điều kiện sống không thua kém những người dân ở các nước trong khu vực thì việc người dân vẫn phải bỏ nước ra đi sẽ giảm đi hoặc không còn như hiện nay.

    David Nguyen

    Viethome (theo BBC)

  • Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đã viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson để yêu cầu một chiến hạm của Hải quân hoàng gia đi tuần tra khu vực eo biển Anh với mục đích ngăn chặn người nhập cư vượt biển.

    Bộ trưởng Quốc phòng cho biết chiến hạm tuần tra ngoài bờ biển HMS Mersey luôn sẵn sàng chờ lệnh.

    Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng phát biểu lực lượng vũ trang “đã sẵn sàng cung cấp nhân lực và vật lực để hỗ trợ Bộ Nội vụ đối phó với tình trạng người nhập cư vượt biển.”

    Yêu cầu của ông Javid cho thấy động thái mạnh tay hơn của chính phủ Anh nhằm đối với tình trạng nhập cư trái phép sau khi ông tuyên bố điều chuyển hai đội Lực lượng Biên giới trở lại eo biển Anh từ khu vực Địa Trung Hải.

    Hiện giới chức vẫn đang tiếp tục thảo luận xem liệu Bộ Nội vụ hay Bộ Quốc phòng sẽ là bên chi trả chi phí 20,000 bảng mỗi ngày để con tàu của Hải quân Hoàng gia có thể hoạt động.

    Chính quyền thu giữ một chiếc thuyền từng được người nhập cư sử dụng.

    Bộ trưởng Nội vụ cũng huy động nhiều thủy thủ và thiết bị theo dõi trên không tham gia ngăn chặn nạn vượt biển.

    Động thái này được thực hiện sau khi một người đàn ông quốc tịch Anh và một người quốc tịch Iran bị tạm giữ vì tình nghi trợ giúp người nhập cư vượt eo biển Anh để cập bến bờ biển nước Anh.

    Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA) xác nhận vụ bắt giữ ở Manchester này trong một thông báo chính thức có nội dung: “Tối hôm nay (2/1), nhân viên NCA đã bắt một nam giới Iran 33 tuổi và một nam giới quốc tịch Anh 24 tuổi ở Manchester vì hai người này bị tình nghi sắp xếp cho những người nhập cư vượt eo biển Anh để vào lãnh thổ Anh một cách trái phép.

    “Vì việc điều tra vẫn đang diễn ra, chúng tôi chưa thể bình luận gì thêm ở thời điểm này.”

    Trước đó, vào ngày thứ Tư (2/1), ông Javid đã nêu nghi vấn liệu những người đang sử dụng thuyền nhỏ để vượt eo biển Anh có phải là những người xin tị nạn “thực sự.”

    Trong chuyến viếng thăm Dover, ông nói: “Câu hỏi này cần được đặt ra: nếu bạn thực sự là một người xin tị nạn, tại sao bạn không xin tị nạn tại đất nước an toàn đầu tiên mà bạn có thể đặt chân đến?

    “Bởi vì Pháp không phải là một đất nước không an toàn, và nếu bạn thực sự muốn xin tại nạn, tại sao bạn không xin tị nạn ở đất nước an toàn đầu tiên?”

    Bình luận này của ngài bộ trưởng đã bị các nghị sĩ đảng đối lập và các quỹ từ thiện chỉ trích dữ dội, trong đó nhiều người cho rằng nước Anh cần đánh giá các yêu cầu xin tị nạn một cách thật công bằng.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Một người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt khi lái chiếc Mercedes với tốc độ 130mph (209km/h) và hiện đang đối mặt với án trục xuất.

    Ahmed Ali, 23 tuổi, đã bị trục xuất khỏi Anh 2 lần vì lái xe quá tốc độ và đã bị tước giấy phép lái xe, nhưng y vẫn tìm cách quay lại Anh bất hợp pháp rồi phạm tội lần thứ 3 vào ngày 30/12/2018. 

    Ali là con của một gia đình Somali và sinh ra ở Hà Lan. Y đã lao vun vút một chiếc xe Mercedes trên đường A38 tại Derby vào lúc 0h35 phút sáng, sau đó y bị chặn lại gần Findern. 

    Y đã cung cấp cho cảnh sát giấy tờ giả, che giấu tên tuổi thật của mình. Ali cho biết mình sống ở Normanton, Derby, và học tại Đại học Birmingham City. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra vân tay đã tiết lộ nhân thân thật của y.  

    Kết quả kiểm tra cho thấy y đã bị trục xuất về Hà Lan sau khi bị treo bằng lái xe 12 tháng tại Tòa án Southern Derbyshire Magistrates vào tháng 10/2018. 

    Chiếc xe bị chặn lại vào sáng sớm ngày 30/12/2018. Ảnh: DERBYSHIRE ROADS POLICING UNIT

    Sau đó vào tháng 11, Ali đã quay trở lại Anh bằng con đường chui. Vào hôm xảy ra vụ việc, y mượn xe bạn để đi mua đồ ăn. 

    Luật sư của Ali cho biết thân chủ của mình đã bị trục xuất về Hà Lan, nhưng ở đây anh ta không quen biết ai và không biết nói tiếng Hà Lan. Luật sư nói thêm rằng Ali đã 2 lần trở lại Anh, vi phạm luật trục xuất cả 2 lần đó. 

    Hiện tại Bộ Nội Vụ đang xem xét hồ sơ của Ali để quyết định y có bị trục xuất lần nữa không.  

    Ali đã phạm các tội xâm nhập nước Anh khi vẫn đang chịu án trục xuất, lái xe khi bị tước bằng, không có bảo hiểm và cung cấp thông tin giả cho cảnh sát. Y từng bị cấm lái xe 12 tháng và phạt 300 giờ lao động công ích. 

    Hiện tại lệnh cấm lái xe vẫn còn hiệu lực và Ali phải chịu mức phạt 85 bảng, cộng thêm 85 bảng phụ phí.

    Joshua Harris, giám đốc một tổ chức từ thiện an toàn giao thông cho biết: "Lái xe với tốc độ đó rất nguy hiểm. Đây là 1 hành vi ích kỷ có thể tước đi sinh mạng của những người vô tội. Chiếc xe đã trượt dài 250m mới dừng lại được, Ali nên tự cảm thấy may mắn vì anh ta đã không gặp một chướng ngại nào trên đường, nếu không anh ta đã toi mạng. Những tài xế vô ý thức như thế này nên chịu án phạt thật nặng và cấm lái xe vĩnh viễn". 

    Viethome (theo Telegraph)

  • Máy bay trực thăng và thuyền cứu hộ đang tăng cường tuần tra ở khu vực eo biển Anh giữa những lo ngại về việc số lượng người nhập cư liều mình vượt biển từ Pháp đang gia tăng trong thời gian gần đây.

    Chín người nhập cư – bao gồm ba trẻ em – đã được Lực lượng Biên giới giải cứu ở Sandgate, phía tây Folkestone trên bờ biển Kent, trong sáng ngày 27/12. Trong khi đó, sáu nam giới trưởng thành khác hiện đang bị tạm giữ sau khi tới được bờ biển Shakespeare ở Dover vào khoảng 8.30 phút sáng.

    Cũng ở Dover, 15 phút sau đó, tám nam giới khác được nhìn thấy trên một chiếc thuyền cao su trên biển và được cơ quan chức năng Anh đưa vào bờ. Bộ Nội vụ cho biết tất cả những người đang bị chính quyền Anh tạm giữ đều mang quốc tịch Iran. Vào đêm ngày Boxing Day, thêm 11 người nhập cư khác được chính quyền Pháp phát giác trên bờ biển Sangatte, gần Calaais, và những người này đã bị chặn lại.

    Trước đó trong ngày, ba người nhập cư bị chặn lại trên eo biển và 40 người khác được cứu vào ngày Giáng sinh. Bộ trưởng nhập cư Caroline Nokes phát biểu: “Số lượng vụ việc trong những ngày gần đây rất đáng lo ngại. “Một vài vụ rõ ràng có dấu hiệu tội phạm có tổ chức đứng sau, trong khi một vài vụ việc khác có lẽ chỉ là tự phát. Cố gắng vượt eo biển Anh theo cách này thực sự vô cùng nguy hiểm và bọn họ đang đẩy tính mạng con người đối mặt với nhiều nguy cơ.”

    Nhóm người mới tới Anh gần đây nhất – gồm năm nam giới, một phụ nữ, hai cậu bé và một cô bé – đã leo lên một chiếc thuyền nhỏ, và chiếc thuyền này đã bị thu giữ tại Dover. Một loạt thuyền cao su có độ dài khoảng 13m gắn mô-tơ nhỏ đang đậu hàng loạt ở cảng Dover, trong khi đó một chiếc khác đang được đưa lên xe kéo để đưa ra khỏi bờ biển trong ngày 27/12.

    Phóng viên của Sky News ghi nhận tại bờ biển Kent cho biết: “Thời tiết rất ôn hòa. Mặt biển tĩnh lặng. “Tất cả người dân địa phương ở đây đều nói với chúng tôi rằng họ chưa từng thấy tình hình tương tự vào thời điểm này những năm trước … điều kiện thời tiết vô cùng ổn định.”

    Phóng viên cũng nói thêm loại thuyền mà những người nhập cư sử dụng không thường được dùng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng có thể thích hợp để vượt eo biển Anh trong điều kiện như hiện tại. Dù không có số liệu chính thức nhưng ước tính trong tháng Mười một, có khoảng 180 người đã cố gắng vượt eo biển Anh. Một vài người được cứu đã gặp phải tình trạng giảm thân nhiệt.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Một cậu bé mới chỉ 2 tuổi đã được cứu thoát từ một chiếc thuyền cá bị đánh cắp lênh đênh trên eo biển Anh.

    Brinyamin, 2 tuổi, cùng chị gái Maryam, 7 tuổi, và cha mẹ hai em cùng 12 người nhập cư khác đã tìm cách băng qua eo biển Anh để đến nước Anh, nhưng tất cả đã được giải cứu sau khi lực lượng tuần tra Pháp tìm thấy họ trên biển. Gia đình bốn người này bị một con tàu kéo của Pháp bắt giữ khi chỉ cách Boulogne-sure-Mer 11km.

    Trong thông báo của mình, cơ quan hàng hải thuộc khu vực eo biển Anh và Biển Bắc cho biết con thuyền này di chuyển trên biển mà “không bật đèn, không trả lời cuộc gọi radio và liên tục rẽ ngang một cách bất thường.”

    Brinyamin, chị gái Maryam, người cha Bahador Lorpor và mẹ Shoku đã chạy khỏi quê nhà Iran từ ba năm trước do lo sợ sẽ bị giết hại vì là người theo đạo Thiên Chúa. Họ trả 4,000 bảng cho những kẻ tội phạm để nhờ giúp trốn tới châu Âu. Họ đã đi qua Đan Mạch trước khi tới được một khu trại nhập cư ở Calais – nơi họ tạm trú trong năm tháng.

    Anh Lorpor, 32 tuổi, miêu tả lại điều kiện sống tồi tàn ở khu trại và cho biết không có chỗ dành cho trẻ em. Anh nói: “Ở đó không có chỗ cho trẻ con. Nhưng chúng tôi không thể ở lại Iran. Chúng sẽ giết chúng tôi mất.”

    Gia đình này đến từ Ahwaz ở Iran, nơi anh Lopor làm công việc bán đồ nội thất. Anh nói thêm: “Chúng tôi kiếm được 2,000 bảng mỗi tháng. Giờ đây chúng tôi chẳng còn gì cả.”

    Họ trốn ở Đan Mạch một năm, nhưng bị từ chối nhập cư chính thức – vì thế họ tìm cách tị nạn tới Anh.

    Kể từ khi trại Calais được thành lập vào năm 2015, hơn 100 người nhập cư đã thực hiện những chuyến đi mạo hiểm băng qua eo biển Anh. Chính quyền tin rằng có khoảng 60 người đã tới Anh thành công. Gerard Barron, người đứng đầu trạm tàu cứu nạn Boulogne sur Mer bày tỏ: “Nếu chưa có ai tử vong, thì việc đó cũng chỉ là vấn đề thời gian.”

    "Tôi muốn có một mái nhà. Tôi không muốn gia đình cừ phải di chuyển mãi, quá nguy hiểm. Nhưng đi xe thùng thì rất khó, còn đi tàu thì quá đắt. Chúng tôi chẳng còn tiền. Tôi sợ. Chúng tôi phải đi trước khi biên giới đóng cửa".

     VietHome (Theo Express)

  • 40 người xâm nhập trái phép vào Anh đã bị lực lượng Biên giới chặn lại tại eo biển Manche.

    Hơn 100 người nhập cư trái phép đã được giải cứu khi đang cố gắng vượt qua eo biển Manche trong giai đoạn tháng 11-12 và mới đây, 40 người khác bị chặn lại chỉ trong vòng một ngày.

    Các cơ quan chính quyền đã phải dùng cả dịp nghỉ lễ để đối phó với năm nhóm người nhập cư đến từ Iraq, Iran và Afghanistan trong ngày 25 tháng Mười hai.

    40 người nhập cư, bao gồm cả trẻ em, đã vượt qua eo biển Manche để tiến về nước Anh và được dẫn đầu bởi những kẻ buôn người.

    Nhân viên lực lượng biên giới đang cố gắng ngăn chặn hoạt động gia tăng của các băng nhóm tội phạm trong dịp Giáng sinh.

    Vào chiều ngày 25/12, Bộ Nội vụ thông báo: “Lực lượng Biên giới đã chặn một số tàu nhỏ chở người nhập cư cố gắng vượt qua eo biển Manche trong đêm và sáng ngày hôm nay, lực lượng đã sử dụng mọi nguồn lực để đối phó với vụ việc này.

    “Bằng chứng cho thấy có dấu hiệu của hoạt động tội phạm băng nhóm đằng sau các vụ việc nhập cư trái phép bằng thuyền nhỏ trên eo biển Manche.

    “Chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ với chính quyền Pháp và các cơ quan thực thi pháp luật để truy bắt những băng nhóm lợi dụng và đẩy những người có hoàn cảnh khó khăn vào nguy hiểm.”

    Trong một vụ việc khác, Lực lượng Biên giới cũng có mặt ở eo biển Manche vào lúc 5.50 sáng để giúp đỡ một chiếc thuyền nhỏ chở theo bảy người đang di chuyển về hướng Anh.

    Tất cả những người liên quan đã được kiểm tra y tế và chuyển cho cơ quan nhập cư để phỏng vấn. Trẻ em sẽ nhận được sự chăm sóc của các dịch vụ xã hội.

    Bên phía hải phận Pháp, chín người nhập cư cũng được cứu thoát và hiện được đưa tới Anh sau khi động cơ của một chiếc thuyền bị hỏng khi họ đang lênh đênh trên biển.

    Ông Charlie Elphicke, nghị sĩ khu vực Dover và Deal, kêu gọi chính quyền Anh và Pháp có hành động đập tan nạn buôn người. Ông đăng trên Twitter: “Eo biển Manche là một trong những khu vực có mật độ tàu thuyền đông đúc nhất trên thế giới.

    “Chính quyền Anh và Pháp cần nhanh chóng ngăn chặn nạn buôn người trước khi xảy ra tai nạn bi thảm.”

    VietHome (Theo Express)

  • Chính sách nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đứng trước sự chỉ trích khi có thêm một em bé tử vong trong trại giam di trú Mỹ.

    Một bé trai 8 tuổi người Guatemala chưa rõ danh tính đã cùng bố tìm cách nhập cư vào Mỹ cách đây 1 tuần, sau đó bị Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ giam giữ.

    Trong thời gian đó, đứa trẻ có dấu hiệu bị bệnh và được đưa đến trung tâm y tế. Bé được chẩn đoán cảm sốt thông thường, tuy nhiên sau đó, bệnh tình đã chuyển xấu và và cậu bé qua đời ngay trong đêm. Nguyên nhân tử vong hiện vẫn được được xác định rõ.

    Đây không phải trường hợp đầu tiên, trước đó, một bé gái người Guatemala cũng đã tử vong trong trại giam di trú Mỹ, thi thể bé gái được đưa về quê nhà an táng.

    Nhiều người dân Mỹ đã lên tiếng chỉ trích chính sách nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ cho rằng, những trường hợp thương tâm như thế này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự nguy hiểm của hành trình vượt biên trái phép đến Mỹ.

    Viethome (theo VTV)

  • Ngày 19/12, nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thông qua dự luật nhập cư mới, nới lỏng các quy định về nhằm thu hút lao động lành nghề nước ngoài, kể cả người không phải công dân Liên minh châu Âu (EU), để bổ sung cho lực lượng lao động đang già đi của mình. 

    Dự thảo cũng đề xuất nới lỏng các thủ tục cấp thị thực cho lao động nước ngoài, theo đó những người muốn làm các công việc như nấu ăn, luyện kim hoặc trong ngành IT, sẽ được phép lưu lại nền kinh tế lớn nhất EU này trong sáu tháng để tìm việc và thử việc, với điều kiện họ có thể tự trang trải chi phí cho cuộc sống.

    Cảnh sát Đức đưa người tị nạn trở lại sân bay. (Nguồn: rumoursaboutgermany.info)

    Một điều khoản gây tranh cãi là cho phép một chỗ ở cố định đối với những người đã bị từ chối đơn xin tị nạn, nếu họ tìm được một công việc toàn thời gian trong vòng 18 tháng, nói tiếng Đức ít nhất ở trình độ trung, hội nhập tốt với xã hội, không có tiền án tiền sự, và có thể chứng minh được nhân thân.

    Để có hiệu lực, dự luật trên sẽ phải được Quốc hội phê chuẩn vào năm tới, tuy nhiên, dự báo sẽ có một số sửa đổi.

    Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier đã ca ngợi đây là "một ngày lịch sử." Theo ông Altmaier, dự luật này sẽ giúp ích đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn trước đây phải chịu sự cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, thường hút hết các lao động lành nghề. 

    Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cho biết: "Nước Đức cần nhân lực từ các nước thứ ba để đảm bảo sự thịnh vượng của mình và có thể bổ sung vào những công việc chưa có người làm."

    Về phần mình, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil nhấn mạnh "không thể trục xuất nhầm người," đồng thời cho rằng nhiều người mới đến Đức gần đây "biết nói tiếng Đức, làm được việc, chăm chỉ và họ rất có ích cho nước Đức."

    Để thu hút lao động lành nghề từ nước ngoài, Chính phủ Đức đã mở một trang thông tin mang tên "make-it-in-germany.com".

    Viethome (theo TTXVN)

  • Cậu bé mặc áo có mũ, đôi tất lấm lem và tay ôm chặt bình sữa được bố đưa qua lỗ đào dưới bức tường ngăn cách Mexico và Mỹ.

    Bé trai Daniel được bố đưa qua lỗ đào dưới bức tường biên giới để vào Mỹ hôm 7/12. Ảnh: AP.

    Bé trai Daniel Mendez, 8 tháng tuổi, mặc áo có mũ màu xám, đôi tất lấm lem bùn đất và tay ôm chặt bình sữa mỉm cười lần cuối cùng với bố trước khi được đưa sang bên kia bức tường. Joel không tham gia hành trình đầy rủi ro này.

    Anh ở lại thành phố Tijuana, Mexico để làm việc vì lo sợ bị trục xuất ngay lập tức nếu sang đất Mỹ.Joel Mendez, 22 tuổi, một người di cư đến từ Honduras hôm 7/12 trao con trai cho bạn gái Yesenia Martinez, 24 tuổi qua một hố đào sơ sài ngay bên dưới bức tường biên giới giữa Mexico và Mỹ, Fox đưa tin. Yesenia trước đó cũng chui qua theo lối này.

    Nhưng chuyến đi của mẹ con Yesenia không thuận lợi. Cô bị các đặc vụ Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ bao vây lúc đang bế Daniel chạy vào lãnh thổ Mỹ.

    Giống như Yesenia, nhiều người di cư Trung Mỹ vì quá thất vọng với quá trình xin tị nạn và bị người Mexico thù địch nên đã tự tìm cách giải quyết vấn đề của bản thân. Đôi khi, họ phải trả giá bằng chính mạng sống. 

    Người mẹ Yesenia trước đó cũng chui qua lối này. Ảnh: AP
    Em bé đáng thương thèm có 1 cuộc sống yên bình.

    "Sự cố này là minh họa bi thảm về cách những kẻ buôn người đặt người di cư vào tình huống nguy hiểm", người đứng đầu lực lượng tuần tra biên giới Gloria I. Chavez nói. "Người đàn ông này đặt niềm tin vào những kẻ buôn người và anh ta phải trả giá bằng chính mạng sống".

    Đêm 5/12, một người di cư chưa xác định và hai người đến từ El Salvador bị phát hiện nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Các đặc vụ tuần tra biên giới bắt hai người đàn ông khi họ vừa bơi qua kênh All-American chạy song song với biên giới Mexico - California. Người đàn ông thứ ba vật lộn giữa dòng nước sau khi bị hai người kia bỏ lại phía sau. Đội tìm kiếm và cứu hộ không thể tiếp cận anh ta do cơn bão bất thường đêm đó gây mưa lớn và tầm nhìn kém. Thi thể người đàn ông xấu số được tìm thấy vào sáng hôm sau.

    Quan chức Mỹ tại cửa khẩu biên giới chính ở San Diego xử lý tới 100 đơn xin tị nạn mỗi ngày nhưng hàng nghìn người vẫn phải chờ đợi. Dù Mỹ và Mexico đã nỗ lực hành trình tới Mỹ ít hấp dẫn hơn, nhiều người di cư khẳng định nước Mỹ vẫn tốt hơn rất nhiều so với thực tế bạo lực và đói nghèo cùng cực tại quê hương. Hầu hết những người sau khi vượt biên bất hợp pháp đều xin tị nạn.

    Mỹ đã điều khoảng 5.800 binh sĩ tới các bang Texas, Arizona và California, những bang có đường biên giới với Mexico để tăng cường phòng thủ trước sự xuất hiện của đoàn người di cư. Sau khi khởi hành từ Honduras ngày 12/10, đoàn di cư hàng nghìn người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã đi qua Guatemala và Mexico với mục tiêu đến Mỹ để tìm cơ hội việc làm và điều kiện sống tốt hơn. Họ đang sống trong những nơi ở tạm tại Tijuana, gần biên giới Mexico và Mỹ.

    Nhiệm vụ ở biên giới với binh sĩ Mỹ được cho là sẽ kết thúc vào ngày 15/12 nhưng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis mới đây gia hạn việc triển khai quân tới đầu năm 2019. Tổng thống Donald Trump cuối tháng trước đe dọa sẽ đóng cửa biên giới "vĩnh viễn" với Mexico nếu cần thiết, tuyên bố đoàn người di cư sẽ không thể vào Mỹ, đồng thời kêu gọi Mexico trục xuất họ.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Gần 85% quốc gia thành viên LHQ ủng hộ thỏa thuận không có tính ràng buộc pháp lý này, nhưng Mỹ, Australia và một số quốc gia phản đối.

    Bản hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, trật tự và có kiểm soát, nhằm phối hợp hành động giữa các quốc gia về vấn đề di cư khắp thế giới. Đây là nỗ lực của LHQ nhằm trấn áp các hoạt động di cư trái phép và nguy hiểm xuyên biên giới.Hiệp ước quốc tế đầu tiên về quản lý khủng hoảng di cư được ký kết hôm 10/12 tại Marrakech, Morocco. 164 quốc gia Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua hiệp ước không có tính ràng buộc pháp lý sau 18 tháng tranh luận và đàm phán, theo AP.

    Một người di cư hướng tay về phía tàu cứu hộ Phoenix của tổ chức phi chính phủ Cứu trợ Di dân Ngoài khơi tại Địa Trung Hải năm 2017. Ảnh: Reuters.

    "Di cư không kiểm soát phải trả giá bằng con người: đó là mạng sống trong những chuyến hành trình xuyên sa mạc, đại dương và sông nước, mạng sống bị hủy hoại dưới tay những kẻ buôn người, những chủ lao động vô đạo đức và những kẻ hút máu người", Tổng thư ký LHQ António Guterres phát biểu.

    "Hơn 6.000 người di cư đã chết trên hành trình từ năm 2000 tới nay. Chúng ta phải cảm thấy xấu hổ về điều này", ông nói.

    Di cư ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người trên toàn cầu. Những người bị ảnh hưởng là nông dân tự nguyện hoặc buộc phải rời bỏ đất đai do biến đổi khí hậu để lên thành phố, các gia đình chạy trốn chiến tranh hoặc đàn áp tại quê hương, người lao động nghèo từ những quốc gia đang phát triển tới nước giàu tìm việc, hay những lao động tay nghề cao ở những quốc gia phát triển tìm kiếm cơ hội khác ngoài quê nhà.

    Những người bảo vệ thỏa thuận di cư cho rằng bánh xe của nền kinh tế thế giới sẽ được đẩy nhanh tốc độ bằng cách đa dạng hóa và trẻ hóa lực lượng lao động ở những quốc gia giàu có mà dân số đang lão hóa, cung cấp nguồn tiền cho các nước nghèo hơn thông qua các lao động di cư gửi về quê.

    Tuy nhiên, những người phản đối lo ngại dòng người di cư sẽ làm phai mờ văn hóa đặc trưng của đất nước, mang tới đói nghèo và tội phạm, công dân có đóng thuế trong nước bị giảm tiền lương hoặc cạnh tranh công việc.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản đối và rút khỏi thỏa thuận này một năm trước, đồng thời ra sức thuyết phục những nước khác từ bỏ hiệp ước. Mỹ chỉ trích hiệp ước là "nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy quản trị toàn cầu với cái giá là chủ quyền quốc gia".

    Các nước tiếp theo rời khỏi thỏa thuận là Áo, nước đang giữ vai trò chủ tịch Liên minh châu Âu, cùng Australia, Chile, Cộng hòa Czech, Italy, Hungary, Ba Lan, Latvia, Slovakia và Cộng hòa Dominica.

    6 quốc gia, trong đó có Israel và Bulgaria, đang tranh cãi về việc có hay không từ bỏ thỏa thuận, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết sau khi hiệp ước được thông qua. 30 trong số 193 quốc gia từng đồng ý ký thỏa thuận đã không tham dự hội nghị hôm qua.

    Thủ tướng Đức Angela Merkel ca ngợi đây là "ngày quan trọng". Merkel, người đã chào đón hàng trăm nghìn người tị nạn Syria và Afghanistan tới Đức, được hoan nghênh nhiệt liệt sau bài phát biểu gây xúc động hôm qua. Bà nói về việc thành lập LHQ sau Thế Chiến II và về "nỗi đau khó tin của loài người" do Đức Quốc xã gây ra. Theo Thủ tướng Đức, thỏa thuận di cư chính là "nền tảng" cho hợp tác quốc tế giữa các nước.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Ra tay giết hại dã man một thiếu nữ 17 tuổi ở địa phương, thanh niên người Kenya, 19 tuổi sống trong trại tị nạn ở thị trấn Saint Augustin, gần thành phố Bonn, Tây Đức khiến công chúng bàng hoàng, phẫn nộ.

    Thi thể của thiếu nữ 17 tuổi vừa được tìm thấy 2 ngày sau khi bố mẹ nạn nhân báo cảnh sát về việc con gái mất tích bí ẩn.

    150 cảnh sát đã được triển khai để tìm kiếm thiếu nữ. Thi thể của nạn nhân sau đó được phát hiện tại căn phòng của nghi phạm gốc Kenya, hiện mang cả quốc tịch Đức lẫn Kenya trong trại tị nạn ở thị trấn Saint Augustin, gần thành phố Bonn, miền Tây Đức hôm 2/12.

    (Ảnh minh họa)

    Nghi phạm 19 tuổi đã nhanh chóng thừa nhận gây ra tội ác tày trời. Tổng chưởng lý của Bonn, Robin Fassbender cho biết, lệnh bắt giữ đã được ban hành đối với nghi phạm.

    Ông cũng thừa nhận rằng, nghi phạm 19 tuổi "từng lọt vào tầm ngắm của cảnh sát" nhưng không tiết lộ thêm chi tiết vì thời điểm đó nghi phạm chưa đủ tuổi thành niên.

    Tuy nhiên, đài truyền hình WDR cho biết, nghi phạm khi đó bị buộc tội lạm dụng tình dục và truyền bá nội dung khiêu dâm.

    Nghi phạm đã hẹn gặp thiếu nữ vào ngày 30.11 và cả 2 đã đến một quán rượu với nhau. Sau đó thiếu nữ đến phòng của nghi phạm. Tại đây, cặp đôi cãi nhau và nghi phạm ra tay sát hại thiếu nữ. Đồ đạc của nạn nhân cũng được tìm thấy trên bờ hồ nằm gần trung tâm tị nạn.

    Theo đài truyền hình địa phương WRD, nạn nhân tới trại tị nạn vì muốn thăm bạn tại đây. Cái chết của thiếu nữ đã gây sốc cho người thân và thị trấn nơi cô sống. Nhiều người đã mang nến và hoa đến trung tâm tị nạn ở Saint Augustin để tưởng niệm thiếu nữ.

    "Chúng tôi bị sốc, toàn bộ khu vực bị tê liệt", Thị trưởng Karsten Fehr cho biết.

    Vụ việc xảy ra trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel gần đây phải đối mặt với những lời chỉ trích công khai về chính sách mở cửa đối với người di cư từ Trung Đông, vì một số người cho rằng họ chịu trách nhiệm về tỷ lệ tội phạm ngày càng tăng ở Đức, đặc biệt là hãm hiếp, giết người.

    Viethome (Theo Kiến Thức)

  • Đan Mạch sẽ đưa tội phạm nhập cư và người xin tị nạn bị khước từ đến một hòn đảo hẻo lánh nằm giữa biển Baltic giá lạnh. 

    “Nếu như bạn không được xã hội Đan Mạch tiếp nhận, bạn cũng không nên trở thành điều phiền toái đối với người dân Đan Mạch. Những người đó đều không được Đan Mạch đón đợi và họ phải trải qua cảm giác đó”, Bộ trưởng phụ trách nhập cư Đan Mạch Inger Støjberg viết trên tài khoản Facebook cá nhân hôm 30/11.

    Hòn đảo biệt lập Lindholm. Ảnh: Google Maps

    Hòn đảo mà hơn 100 người tị nạn và tội phạm nhập cư trái phép sẽ bị đưa tới có tên gọi Lindholm, cách bờ biển gần nhất hơn 3 km. Trên hòn đảo này chỉ có một trung tâm nghiên cứu bệnh lây nhiễm từ động vật và lò hỏa táng. Nhóm người tị nạn khi tới đây sẽ bị yêu cầu kiểm tra có mặt hàng ngày với giới chức, hoặc không sẽ bị tống giam.

    Đảng cầm quyền Venstre và đảng Nhân dân Đan Mạch đã nhất trí kế hoạch trên như một phần trong đàm phán ngân sách thường niên.

    Cùng hứng chịu làn sóng người tị nạn và nhập cư trái phép như những nước Bán đảo Scandinavia láng giềng từ năm 2015, Chính phủ Đan Mạch đã áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để đối phó với những người xã hội không mong muốn. Những người xin tị nạn bị từ chối hoặc người di cư có hồ sơ phạm tội sẽ bị giam tại một trung tâm khẩn cấp và có thể bị trục xuất.

    "Thật không dễ dàng gì khi yêu cầu các gia đình nhập cư quay về nhà, nếu vốn dĩ họ thực sự ổn định. Nhưng đó là điều đúng đắn về mặt đạo đức. Chúng ta không nên biến dân tị nạn thành người nhập cư", Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen phát biểu trong tháng trước. 

    Bộ trưởng Støjberg là tác giả của chính sách chống nhập cư còn gây tranh cãi của Chính phủ Đan Mạch. Một trong số 50 quy định của Støjberg là yêu cầu người đến xin tị nạn nộp tư trang cá nhân có giá trị và đồ trang sức để “trả cho chi phí” ở Đan Mạch.

    "Chúng tôi đang làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng Đan Mạch không phải là địa điểm hấp dẫn người xin tị nạn”, Bộ trưởng Støjberg trả lời báo Der Spiegel năm 2016.

    Từ 2015 đến 2018, số lượng đơn xin tị nạn tại Đan Mạch đã giảm 84%. Quốc gia này hiện có khoảng 500.000 người nhập cư không phải người phương Tây, chủ yếu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Lebanon, Pakistan và Somalia.

    Viethome (theo Báo Tin Tức)

  • Lực lượng cảnh sát biên phòng đã phát hiện và bắt giữ 17 người nhập cư được cho là đã đánh cắp một con tàu đánh cá ở Pháp, băng qua kênh đào và đến bờ biển Anh vào ban đêm. 

    Những người này mang quốc tịch Iran và có 3 trẻ em. Họ đã đột nhập vào con tàu dài 12m ở cảng Boulogne-sur-mer tại miền Bắc nước Pháp vào đêm hôm thứ Hai ngày 12/11. 

    Những nhân viên an ninh bờ biển Pháp phát hiện con tàu đi theo một lộ trình "kì lạ" giữa bến cảng tấp nập vào khoảng 9h30 tối giờ địa phương trong thời tiết biển lặng.  

    Lộ trình di chuyển từ Pháp sang Anh của con tàu bị đánh cắp.

    Trung tâm An ninh và Giám sát địa phương, Cross, đã gọi điện cho chủ chiếc tàu, khẳng định tàu của người này đã bị đánh cắp. Sau đó họ gọi điện cho trung tâm cứu hộ bờ biển ở Dover. 

    Được cảnh báo từ sớm nên lực lượng Biên phòng UK đã bắt giữ những người nhập cư ngay khi tàu cập bến vào sáng sớm ngày 13/11. Theo đó, 14 người lớn và 3 trẻ em đã được tìm thấy. 

    Bộ Nội vụ sẽ xử lý các trường hợp này theo luật nhập cư và 3 em nhỏ đã được giao cho cơ quan xã hội chăm sóc. Họ đã vượt qua chặng đường khoảng 30km tính từ bờ biển Pháp đến bờ biển Anh. 

    Chính quyền Pháp cho biết số lượng người nhập cư chui cố băng qua kênh đào từ Pháp sang Anh đã tăng gấp đôi trong năm nay, và tăng 23 lần trong vòng 12 năm qua. 

    Pháp đã đóng cửa trại nhập cư ở Calais vào cuối năm 2016 để ngăn chặn mọi nỗ lực xâm nhập vào Anh. Và những người di cư bất hợp pháp đã chuyển từ đường rừng sang đường biển.  

    Viethome (theo Telegraph)

  • Mới đây, liên minh hoạt động yêu cầu chấm dứt lệnh cấm làm việc đối với người xin tị nạn có tên gọi Lift The Ban cho biết nếu các quy định giới hạn được bãi bỏ, người xin tị nạn có thể đóng góp đến 42 triệu bảng cho nền kinh tế Anh.

    Người đang xin tị nạn ở Anh chỉ được phép làm việc nếu họ đã nộp đơn xin được ít nhất 12 tháng và có thể làm việc trong các lĩnh vực thiếu hụt lao động, bao gồm các vị trí như vũ công ba-lê hay chuyên viên địa vật lý.

    2835

    Điều này đồng nghĩa với việc người xin tị nạn hầu như bị cấm làm việc trong thời gian chờ đợi kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm, cho quyết định tị nạn của mình. Họ buộc phải xoay sở với mức trợ cấp vỏn vẹn 5.39 bảng mỗi ngày của chính phủ.

    Liên minh Lift The Ban là sự kết hợp của 80 tổ chức bao gồm các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu chính sách, hãng kinh doanh và nhóm tôn giáo. Tổ chức đang tiến hành kêu gọi chính phủ cho phép người xin tị nạn cùng những người phụ thuộc có quyền được làm việc sau sáu tháng nộp hồ sơ và không còn bị giới hạn bởi danh sách các nghề nghiệp thiếu nhân công.

    Mục tiêu Bộ Nội vụ đặt ra là có thể xử lý mỗi hồ sơ xin tị nạn trong vòng sáu tháng, nhưng trên thực tế, 48% hồ sơ vượt quá thời hạn này.

    Phát ngôn viên của liên minh, ông Stephen Hale, giám đốc điều hành tổ chức Refugee Action, cho biết: “Thật điên rồ khi những con người vừa vật lộn thoát khỏi hiểm nguy, mâu thuẫn và bạo lực lại không được phép làm việc sau khi đến được nước Anh. Quy định này đang hủy hoại họ, khiến quá trình hội nhập của họ trở nên khó khăn hơn và có hại cho cả nền kinh tế lẫn tài chính công của nước Anh. Yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm làm việc đang được công chúng ủng hộ nhiệt tình.

    “Nhiều người xin tị nạn tâm sự với chúng tôi họ có cảm giác bản thân thật vô dụng và việc không thể sử dụng năng lực của mình vào bất cứ việc gì trong một thời gian dài khiến họ trở nên lệ thuộc. Họ muốn cống hiến cho đất nước này, đất nước đã và đang bảo vệ họ. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi. Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy hành động nhanh chóng để trao quyền được làm việc cho người xin tị nạn.”

    Trong một bản báo cáo được sử dụng làm minh chứng cho lời kêu gọi này, Lift The Ban ước tính nếu một nửa trong tổng số 11,000 người xin tị nạn từ 18 tuổi trở lên được làm việc toàn thời gian với mức lương tối thiểu theo quy định, chính phủ có thể nhận được 31.6 triệu bảng tiền thuế và bảo hiểm NIC mỗi năm. Đồng thời, chính phủ cũng tiết kiệm được 10.8 triệu bảng tiền trợ cấp.

    Khoảng 94% người xin tị nạn khi được hỏi đã trả lời rằng họ muốn làm việc nếu được cho phép, 74% có bằng giáo dục phổ thông hoặc cao hơn và 37% có bằng đại học hoặc sau đại học. Trong khi đó, tổng số người dân Anh có bằng đại học hoặc sau đại học chỉ nhỉnh hơn một chút ở mức 42%.

    Báo cáo cho biết các nhà nghiên cứu không mấy tin tưởng vào viễn cảnh này, trong đó một nghiên cứu được hỗ trợ bởi Bộ Nội vụ cho thấy không có hoặc có rất ít bằng chứng chứng minh mối liên hệ giữa quyền lợi kinh tế và điểm đến mà người xin tị nạn lựa chọn.

    Tuy nhiên, theo khảo sát của viện nghiên cứu British Future, người dân lại vô cùng ủng hộ việc bãi bỏ quy định cấm làm việc với 71% đồng ý rằng người xin tị nạn có thể hòa nhập tốt hơn nếu họ được cho phép làm việc sau sáu tháng kể từ khi nộp hồ sơ.

    Các hội nhóm chính trị cũng thể hiện sự đồng tình với đề xuất này, với 63% số người ủng hộ Brexit và 71% số người ủng hộ ở lại EU chấp nhận cho người xin tị nạn làm việc. Mỹ, Canada và các quốc gia EU khác đều không áp dụng quy định tương tự.

    Người xin tị nạn ở Tây Ban Nha được phép làm việc sau sáu tháng và họ không phải trải qua bài kiểm tra hay giới hạn nghề nghiệp nào. Canada không đặt ra quy định về thời gian phải chờ đợi cho đến khi được phép gia nhập thị trường lao động. Một khi đã hoàn thành xong cuộc phỏng vấn sơ bộ với chính quyền liên bang, người xin tị nạn có thể nộp đơn xin làm việc. Người xin tị nạn ở Đan Mạch có thể làm việc sau 6 tháng với một số điều kiện nhất định.

    Theo ước tính tối thiểu của Lift The Ban, nếu 25% người xin tị nạn đủ điều kiện được cho phép làm việc với mức lương tối thiểu, họ có thể đóng góp 9.2 triệu bảng cho nền kinh tế. Nếu tất cả đều làm việc với mức lương tối thiểu, mức đóng góp sẽ là 124.4 triệu bảng.

    Số người phải đợi hơn sáu tháng để nhận quyết định tị nạn đã tăng tới 14,528 người tính đến giữa năm 2018, mức cao nhất từ trước tới nay và tăng 8% so với năm ngoái. Trong số đó, 11,000 người đang ở độ tuổi lao động.

    Các thành viên của liên minh Lift The Ban bao gồm Refugee Action, Unision, Ben&Jerry’s và Churches Together. Một chiến dịch kiến nghị đã được khởi động để kêu gọi hỗ trợ.

    Tổng thư ký TUC, ông Frances O’Grady, bày tỏ: “Quy định cấm này thật tàn nhẫn và có hại cho chính chúng ta. Chúng ta không nên để phí hoài tài năng và kinh nghiệm của nguồn nhân công này. Người xin tị nạn nên được trao quyền làm việc và cống hiến. Những quy định như vậy chẳng hề có lợi cho bất cứ ai.”

    VietHome (Theo Guardian)

  • Rác rưởi bốc mùi, người vô gia cư lay lắt nằm khắp các góc phố... là những điều ít ai tin được có thể tồn tại ở một thành phố xa hoa bậc nhất thế giới như Paris, thủ đô nước Pháp.

    viethome paris vo gia cu 1

    Nhiếp ảnh gia David Tesinsky (người Czech) đã ghi lại những hình ảnh đường phố Paris thường nhật dưới một góc nhìn khác. Đối lập với một kinh đô hoa lệ nổi tiếng thế giới là những hình ảnh đường phố đầy rác rưởi, những người vô gia cư ngủ vạ vật ven đường... David Tesinsky gọi thành phố này là "sự lãng mạn giả tạo".

    viethome paris vo gia cu 2

    Trên góc phố của thành phố du lịch xinh đẹp nhiều người ao ước đặt chân đến là hình ảnh không mấy đẹp mắt của một người đàn ông vô gia cư ngủ ngon lành giữa đường nhộn nhịp người qua lại.

    viethome paris vo gia cu 3

    Cuộc sống của một người phụ nữ lay lắt qua ngày, góc phố nào cũng có thể làm chỗ ngủ.

    viethome paris vo gia cu 4

    Những mảnh chăn góp nhặt chẳng đủ để cô chống chọi với cái rét thấu xương của mùa đông châu Âu.

    viethome paris vo gia cu 5

    Có lẽ cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu 3 năm về trước là nguyên nhân chính dẫn tới việc ngày càng gia tăng số lượng người vô gia cư ở những thành phố lớn tại châu lục này.

    viethome paris vo gia cu 6

    Dưới chân cầu hay bên trong đường hầm chật chội đều có thể là nơi ở của những phận người kém may mắn tại kinh đô ánh sáng.

    viethome paris vo gia cu 7

    Người Paris nổi tiếng thế giới với phong cách sống thanh lịch, quý tộc, nhưng có lẽ điều đó chỉ đúng với những người giàu. Mấy ai biết đến những mảng màu u tối của Paris với những phận người nghèo hèn, nguồn sống chực chờ vào những trợ cấp xã hội ít ỏi.

    viethome paris vo gia cu 8

    Những người vô gia cư nằm la liệt cùng nhau, thậm chí bủa vây xung quanh là bao rác thải. Có thể họ đang chờ được chuyển đến những trại tị nạn.

    viethome paris vo gia cu 9

    Những đứa bé này được lớn lên ở kinh đô ánh sáng nhưng dưới những ánh đèn điện hắt hiu nằm đâu đó dưới chân tháp Eiffel hoa lệ.

    viethome paris vo gia cu 10

    Số phận của chúng cũng như những đứa trẻ nghèo sống tại những khu ổ chuột ở các thành phố khác trên thế giới.

    viethome paris vo gia cu 11

    Một bên là thành phố nhộn nhịp tiếng cười nói của khách du lịch ở khắp mọi nơi, đại lộ sạch sẽ ngập ánh sáng, tương phản với sự cô đơn, nghèo đói của những phận người dường như chẳng ai ngó ngàng đến.

    viethome paris vo gia cu 12

    Người ta thường nghĩ một thành phố như Paris chắc chẳng tìm thấy nổi một người ăn xin nào. Nhưng hình ảnh người đàn ông cầm tấm biển "tôi đói" cầu xin sự giúp đỡ của những người đi đường là những gì chân thật nhất đang diễn ra hàng ngày ở thành phố xa hoa này.
     
    Viethome (theo Zing)
  • Số người tử vong trong thùng xe đầu kéo ở thành phố San Antonio, bang Texas đã lên tới ít nhất 51 người.

    Theo Cơ quan điều tra an ninh nội địa thành phố San Antonio, đây là vụ buôn lậu người tồi tệ nhất tại Mỹ trong lịch sử, cho thấy mức độ rất nguy hiểm của tình trạng buôn lậu người.

    Trước đây, các tổ chức buôn lậu người chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ nhưng nay chúng hành động có tổ chức, có quan hệ với các băng nhóm tội phạm, coi con người không bằng hàng hoá – một quan chức từ cơ quan trên chia sẻ với hãng tin CNN.

    Theo thông tin điều tra sơ bộ, xe đầu kéo này có thể đã chở khoảng 100 người di cư, dù con số chính xác hiện chưa rõ.

    img bgt 2021 220628144220 02 texas migrants truck 0627 exlarge 169 1656465954 width780height438
    Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại hiện trường phát hiện chiếc xe đầu kéo chứa thi thể người di cư tại bang Texas, Mỹ.

    Tinh vi hơn, một quan chức địa phương chia sẻ với báo giới cho biết: “Nhiều người được tìm thấy bên trong xe dường như đã được rắc gia vị bít tết. Đây dường như là một nỗ lực để che đi mùi người trong quá trình vận chuyển". Qua đó, chó nghiệp vụ không thể phát hiện ra mùi người từ bên trong thùng container khi chiếc xe di chuyển qua trạm kiểm soát ở biên giới.

    Ghi nhận tại hiện trường, lực lượng chức năng nhận thấy trong xe không hề có dấu hiệu của nước và điều hòa nhiệt độ.

    Tính đến sáng 29/5, theo giờ VN, toà án liên bang Mỹ đã cáo buộc hai công dân Mexico liên quan đến âm mưu buôn người kể trên.

    img bgt 2021 canh sat va luc luong cuu hoa co mat tai hien truong 1656466917 width1280height720
    Hiện trường xe đầu kéo bị bỏ lại giữa trời nắng nóng với hàng chục người thương vong. Ảnh - CNN

    Theo hồ sơ tòa án và chia sẻ từ giới chức Mỹ, hai bị cáo người Mexico, là 2 trong 3 người bị bắt giữ ngay sau khi vụ việc được phát hiện, đã bị cáo buộc tội danh sở hữu vũ khí trong khi nhập cảnh trái phép vào Mỹ.

    Giới chức Mỹ đã đến hiện trường sau khi phát hiện xe đầu kéo đỗ tại một khu vực hẻo lánh, gần đường ray xe lửa ở ngoại vi phía Nam thành phố San Antonio, nơi nhiệt độ lên tới 39,4 độ C. Những thi thể được phát hiện trong xe và nằm rải rác cách đó vài tòa nhà gồm 39 đàn ông và 12 phụ nữ.

    Theo Ngoại trưởng Mexico, đến nay, đã xác định được 22 công dân Mexico, 7 công dân Guatemala, và hai người Honduras trong số những người tử vong. Những người thiệt mạng còn lại chưa rõ quốc tịch.

    Ngoài 51 người tử vong, còn có hàng chục nạn nhân khác đang được cấp cứu tại bệnh viện do sốc nhiệt và mệt mỏi, trong đó có 4 em nhỏ.

    Baogiaothong (Theo CNN)