Châu Âu vẫn chật vật với cuộc khủng hoảng người nhập cư

Theo các con số thống kê mới nhất, số lượng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu đã giảm trong năm 2018, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua - nhưng con số này lại tăng đột biến ở Tây Ban Nha.

Lượng người di cư trái phép tới châu Âu giảm mạnh trong năm 2018 (Nguồn: AP).

Người di cư giảm

Ước tính có khoảng 150.000 người di cư đã đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua các con đường không chính thức trong năm 2018 - Cơ quan Hải quan Frontex của EU, cho hay. Đây là con số thấp nhất tính từ năm 2013 đến nay, và giảm tới 92% so với giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu vào năm 2015.

Mức giảm kỷ lục này là nhờ vào số lượng người di cư từ Libya, Algeria và Tunisia băng biển Địa Trung Hải để đến Italy đã giảm mạnh. Được biết, chỉ có khoảng 23.000 hành trình vượt biển nguy hiểm được lực lượng cảnh sát phát hiện trong năm 2018, giảm tới 80% so với năm 2017.

Vào tháng 6/2018, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini - người có quan điểm cứng rắn với vấn đề nhập cư - đã đóng cửa các cảng biển của nước này với dân nhập cư, không tiếp nhận tàu của người nhập cư; trong khi Chính phủ nước này cũng thông qua nhiều bộ luật chống nhập cư mới. Điều này giúp số lượng người nhập cư đến châu Âu giảm mạnh.

Tuy nhiên, cùng thời điểm, số lượng người di cư từ Morocco tới Tây Ban Nha thông qua tuyến đường biển Địa Trung Hải lại tăng đột biến, gấp đôi so với năm 2017, lên con số 57.000 người. Phần lớn số người di cư trên tuyến đường biển này đến từ các quốc gia thuộc vùng cận-Sahara ở châu Phi- theo Frontex. Nhiều người cũng đến từ Guinea, Mali và Algeria.

Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã cho phép một số tàu chở người di cư được cứu sống trên biển được cập cảng nước này, sau khi bị ngăn không cho cập bến ở Malta và Italy.

Trong năm 2018, công dân Afghanistan, Syria và Iraq chiếm phần lớn số người di cư trái phép tới châu Âu thông qua tuyến đường băng biển Địa Trung Hải. Tổng số công dân các nước này tới châu Âu đã lên tới 56.000 người - tức tăng hơn 30% so với năm 2017. Lượng người tăng này chủ yếu do số người di cư trái phép vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp.

Chính sách mạnh

Nhập cư đã trở thành một vấn đề nóng bỏng ở phần lớn các nước châu Âu, trong đó nhiều đảng phái chính trị tuyên bố sẽ ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép - bao gồm cả người tị nạn và người tìm kiếm diện tị nạn.

Ở Liên hiệp Vương quốc Anh (UK), Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đã tuyên bố về một “sự việc lớn” sau khi vài chục người di cư đến được bờ biển Anh trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh vừa qua. Những người di cư nói trên đã thực hiện một hành trình nguy hiểm bằng thuyền. Lực lượng Hải quân hoàng gia Anh sau đó được điều động để ngăn chặn các tàu nhập cư tương tự.

Ở Italy, cái gọi là “sắc lệnh an ninh” mà Bộ trưởng Nội vụ Salvini đưa ra đã được thực thi từ tháng 11/2018. Sắc lệnh này hủy nguyên một chương “bảo vệ nhân đạo” đối với nhưng người nhập cư không hội đủ tiêu chí tị nạn ở nước này, hoặc đang chờ phản hồi về đơn xin tị nạn của họ. Điều này giúp chính quyền Rome dễ dàng trục xuất họ.

Theo bộ luật mới của Italy, một số người nhập cư hợp pháp thậm chí bị tước đi quyền được bảo vệ theo luật pháp, và bởi vậy mà phải rời khỏi các trung tâm dành cho người nhập cư, đẩy họ vào tình trạng vất vưởng - không có cơ hội xin việc làm, không được hỗ trợ về y tế hay hội nhập xã hội.

Nhiều tổ chức quốc tế hiện cũng nhấn mạnh về sự nguy hiểm mà nhiều người di cư đang phải đối mặt sau khi bị Italy trục xuất và phải trở về Libya. EU hiện đang tiếp tục hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển Libya để ngăn chặn các con tàu chở người di cư trái phép trước khi chúng cập cảng châu Âu.

Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ hiện đang chịu sức ép phải tạm ngừng các hoạt động cứu trợ người di cư trên biển - rất nhiều người di cư trong số này bị những kẻ buôn người đẩy lên các con tàu kém chất lượng để băng biển. Phần lớn những người di cư này xuất thân từ các gia đình nghèo khó, tìm cuộc sống tốt hơn, hoặc là những người tháo chạy khỏi chiến tranh, bạo lực.

Phụ nữ chiếm gần 1/5 tổng số người di cư trái phép băng biển để tới châu Âu trong năm 2018 - theo Frontex. Cũng khoảng 1/5 tổng số người di cư khác là người ở độ tuổi dưới 18, và khoảng 4.000 trẻ em không có người lớn đi kèm.

Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) báo cáo, số lượng người di cư và tị nạn tới châu Âu vào năm 2018 là gần 142.000 người, phần lớn trong số này băng biển Địa Trung Hải. Tổ chức cũng báo cáo có trên 2.200 người di cư đã bị mất tích hoặc thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải trong năm 2018.

Viethome (theo Đại Đoàn Kết)