Ai sẽ chi trả 20,000 bảng mỗi ngày cho chiến hạm HMS Mersey ngăn người vượt eo biển Anh?

Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đã viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson để yêu cầu một chiến hạm của Hải quân hoàng gia đi tuần tra khu vực eo biển Anh với mục đích ngăn chặn người nhập cư vượt biển.

Bộ trưởng Quốc phòng cho biết chiến hạm tuần tra ngoài bờ biển HMS Mersey luôn sẵn sàng chờ lệnh.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng phát biểu lực lượng vũ trang “đã sẵn sàng cung cấp nhân lực và vật lực để hỗ trợ Bộ Nội vụ đối phó với tình trạng người nhập cư vượt biển.”

Yêu cầu của ông Javid cho thấy động thái mạnh tay hơn của chính phủ Anh nhằm đối với tình trạng nhập cư trái phép sau khi ông tuyên bố điều chuyển hai đội Lực lượng Biên giới trở lại eo biển Anh từ khu vực Địa Trung Hải.

Hiện giới chức vẫn đang tiếp tục thảo luận xem liệu Bộ Nội vụ hay Bộ Quốc phòng sẽ là bên chi trả chi phí 20,000 bảng mỗi ngày để con tàu của Hải quân Hoàng gia có thể hoạt động.

Chính quyền thu giữ một chiếc thuyền từng được người nhập cư sử dụng.

Bộ trưởng Nội vụ cũng huy động nhiều thủy thủ và thiết bị theo dõi trên không tham gia ngăn chặn nạn vượt biển.

Động thái này được thực hiện sau khi một người đàn ông quốc tịch Anh và một người quốc tịch Iran bị tạm giữ vì tình nghi trợ giúp người nhập cư vượt eo biển Anh để cập bến bờ biển nước Anh.

Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA) xác nhận vụ bắt giữ ở Manchester này trong một thông báo chính thức có nội dung: “Tối hôm nay (2/1), nhân viên NCA đã bắt một nam giới Iran 33 tuổi và một nam giới quốc tịch Anh 24 tuổi ở Manchester vì hai người này bị tình nghi sắp xếp cho những người nhập cư vượt eo biển Anh để vào lãnh thổ Anh một cách trái phép.

“Vì việc điều tra vẫn đang diễn ra, chúng tôi chưa thể bình luận gì thêm ở thời điểm này.”

Trước đó, vào ngày thứ Tư (2/1), ông Javid đã nêu nghi vấn liệu những người đang sử dụng thuyền nhỏ để vượt eo biển Anh có phải là những người xin tị nạn “thực sự.”

Trong chuyến viếng thăm Dover, ông nói: “Câu hỏi này cần được đặt ra: nếu bạn thực sự là một người xin tị nạn, tại sao bạn không xin tị nạn tại đất nước an toàn đầu tiên mà bạn có thể đặt chân đến?

“Bởi vì Pháp không phải là một đất nước không an toàn, và nếu bạn thực sự muốn xin tại nạn, tại sao bạn không xin tị nạn ở đất nước an toàn đầu tiên?”

Bình luận này của ngài bộ trưởng đã bị các nghị sĩ đảng đối lập và các quỹ từ thiện chỉ trích dữ dội, trong đó nhiều người cho rằng nước Anh cần đánh giá các yêu cầu xin tị nạn một cách thật công bằng.

VietHome (Theo Sky News)