Từ người khỏe mạnh đến 'mệt hết hơi' vì nCoV

Andrea Napoli, 33 tuổi, khoẻ mạnh, luôn nghĩ mình không thể là bệnh nhân Covid-19, cho đến khi "đi từ toilet đến giường cũng mệt hết hơi".

Napoli còn có cơ thể cường tráng nhờ thường xuyên tập luyện thể thao, trong đó có môn bóng nước. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau khi chính phủ Italy tuyên bố phong toả toàn quốc, nam luật sư trẻ tuổi ở thủ đô Rome bắt đầu bị ho và sốt. Cho đến hôm đó, Napoli vẫn đi làm, chạy bộ và đi bơi như bình thường. Ba ngày sau, anh nhận kết quả dương tính với nCoV.

Napoli selfie tại khách sạn ở Rome dành cho các bệnh nhân hồi phục hôm 29/3. Ảnh: AP

Ban đầu, Napoli được yêu cầu tự cách ly tại nhà với cảnh báo rằng tình trạng sức khỏe của anh có thể đột ngột xấu đi, và điều đó đã xảy ra. Ngày tiếp theo, anh được đưa vào khoa điều trị tích cực của bệnh viện. Kết quả chụp X-quang xác nhận Napoli bị viêm phổi.

"Không may, bạn phải sống với những điều như thế để thực sự hiểu rõ chúng", Napoli nói trong một cuộc phỏng vấn qua mạng. "Tôi 33 tuổi, sức khoẻ rất tốt và trong chưa đầy một ngày rưỡi, tôi bỗng nhiên thấy mình đang ở khoa điều trị tích cực".

Với hầu hết mọi người, nCoV chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ hoặc vừa phải, như sốt và ho trong 2-3 tuần. Với một số người khác, nhất là người già và có bệnh lý nền, nCoV có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng hơn, trong đó có viêm phổi và tử vong. Phần lớn người nhiễm nCoV có thể hồi phục.

9 ngày tiếp theo, Napoli phải dùng mặt nạ thở oxy. Trong suốt hai ngày ở khoa điều trị tích cực, Napoli chứng kiến 3 bệnh nhân cùng buồng tử vong. Anh vẫn còn nhớ cảnh các bác sĩ mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, thở dốc khi đẩy trang thiết bị đi khắp phòng, kiệt sức sau nhiều giờ làm việc dài và căng thẳng.

"Những gì tôi chứng kiến là rất nhiều, rất nhiều đau đớn. Rất khó khăn", anh kể. "Tôi nghe thấy những tiếng gào thét từ các phòng khác. Những tiếng ho liên tục không ngớt".

Sau thêm một tuần ở khoa điều trị tích cực, hôm 27/3, Napoli được chuyển đến một khách sạn dành cho các bệnh nhân Covid-19 đang hồi phục. Tại đây, anh được một bác sĩ kiểm tra sức khoẻ hai lần mỗi ngày. Napoli vẫn không thể thở bình thường và nồng độ oxy trong máu chưa quay lại như trước.

"Tôi rất dễ bị mệt", anh nói. "Chỉ đi từ toilet đến giường thôi tôi cũng hết hơi. Các cơ của tôi đau nhức vì tôi thực sự đã nằm trên giường suốt 9 ngày mà không thể di chuyển. Vì thế việc đi lại không hề đơn giản".

Nỗi lo lắng ban đầu của Napoli khi Covid-19 bùng phát ở Italy là bố mẹ anh, những người đã trên 60 tuổi, có thể nhiễm bệnh. Vẫn còn hai tuần phong tỏa phía trước, anh đang mong chờ đến ngày có thể ra ngoài đi dạo cùng họ, điều mà bây giờ anh không được phép làm.

Giới chức Italy bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ phát huy hiệu quả sau hai tuần áp dụng. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza hôm qua cho biết nước này ghi nhận thêm hơn 4.000 ca nhiễm nCoV, giảm từ hơn 5.200 ca một ngày trước đó và thấp nhất trong hai tuần trở lại đây, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên hơn 100.000.

Số ca tử vong ở nước này trên đà giảm khoảng 10% một ngày kể từ hôm 27/3, dù hôm qua ghi nhận thêm 812 người chết, cao hơn con số 756 của một ngày trước đó. Italy vẫn là nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới với gần 11.600 người chết.

"Đã có những thay đổi lớn, cho thấy hệ thống y tế đang ứng phó với dịch và tác động của những biện pháp đã được áp dụng", bác sĩ Luca Richeldi, chuyên gia về phổi, cho hay. "Chúng ta đang bảo vệ mạng sống bằng cách ở nhà, duy trì cách biệt cộng đồng, hạn chế đi lại và đóng cửa trường học".

Theo VnExpress