Anh đối mặt khủng hoảng hiến pháp

Theo Reuters, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow tuyên bố, thỏa thuận của Thủ tướng May đưa Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ không thể tiếp tục được đưa ra bỏ phiếu nếu không có sự thay đổi căn bản.

Chính phủ Anh không thể tiếp tục đưa ra bỏ phiếu những đề xuất vốn đã bị bác bỏ hai lần. Việc bê nguyên đề xuất cũ hoặc về cơ bản giống đề xuất cũ ra bỏ phiếu lần ba là không hợp lệ.

Cố vấn luật cấp cao của Chính phủ Anh cho rằng, nước này đang vướng vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Ông cho rằng, có một cách để mang thỏa thuận của bà May ra bỏ phiếu thêm một lần nữa tại Hạ viện, đó là kết thúc kỳ họp Hạ viện sớm hơn dự kiến và bắt đầu một kỳ họp mới.

Một số nhân vật cao cấp trong đảng Bảo thủ đã hối thúc Thủ tướng Anh đưa ra lịch trình từ chức nếu muốn thuyết phục thêm phiếu ủng hộ thỏa thuận của bà. Các nghị sĩ chủ trương Brexit trong đảng Bảo thủ sẽ chỉ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận nếu biết chắc Thủ tướng May sẽ không phải là người dẫn dắt nước Anh tại các cuộc đàm phán vòng hai với EU.

Tờ London Evening Standard dẫn lời một số nghị sĩ Anh cho biết, Thủ tướng May sẽ thay một số nhân vật trong đoàn đàm phán của Anh, trong đó khả năng trưởng đoàn đàm phán Olly Robbins sẽ phải ra đi, nhằm đưa thỏa thuận Brexit vượt qua "ải" Quốc hội. Trong khi đó, Hạ viện Anh cho biết sẽ triệu tập các bộ trưởng trong chính phủ đến để trả lời chất vấn gấp về thủ tục hoãn Brexit.

Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho biết, nước này đã đạt một thỏa thuận với Iceland và Na Uy nhằm duy trì hoạt động thương mại song phương trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. Ðộng thái này nhằm bảo đảm quyền tiếp cận của các doanh nghiệp Anh với Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). 

ViettHome (Theo báo Nhân Dân)