Kiến nghị "Hủy bỏ Brexit" đã nhận được hơn 2 triệu chữ ký

Một bản kiến nghị yêu cầu bà Theresa May rút lại Điều 50 và hủy bỏ tiến trình Brexit đã thu được hơn hai triệu chữ ký.

Bản kiến nghị nêu rõ, “Chính phủ liên tục nói rằng rời khỏi EU ‘là ý muốn của người dân. Chúng tôi cần chấm dứt tuyên bố này bằng cách chứng minh quan điểm ủng hộ ở lại EU của công chúng. Một cuộc Trưng cầu Dân ý chính thức có thể sẽ không xảy ra – vì thế hãy bỏ phiếu ngay bây giờ.” 

Bản kiến nghị này đã đạt được số chữ ký cao kỷ lục và tại một thời điểm, nó đã khiến trang web chính thức bị sập.

Nhưng dường như con số này không hề khiến bà May suy chuyển. Tại buổi họp với các lãnh đạo EU về việc tạm hoãn ngày thực hiện Brexit, bà phát biểu, “Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên rút lại Điều 50.”

Trong bài phát biểu tại phố Downing vào hôm thứ Tư (20/3), bà cũng liên tục bác bỏ đề nghị đảo ngược Brexit – dựa trên kết quả trưng cầu năm 2016, trong đó 52% người dân, tương đương 17 triệu người, đã ủng hộ việc nước Anh rời khỏi EU.

Trong bài phát biểu này, bà cũng đổ lỗi cho các nghị sĩ về quyết định trì hoãn Brexit đến ngày 30 tháng Sáu. Bà nói với các cử tri rằng, “Tôi đứng về phía các bạn.”

Rất nhanh sau tuyên bố của bà May, “rút lại Điều 50” trở thành cụm từ xu hướng trên Twitter. 

Diễn viên Hugh Grant và Jennifer Saunders cùng nhà vật lý Brian Cox đã quảng bá cho bản kiến nghị trên mạng xã hội. Hơn 600,000 người đã ký vào bản kiến nghị, tính đến 9 giờ sáng ngày thứ Năm, và tại thời điểm này, trang web đã tạm thời bị sập.

Bạn có thể ký tên tại đường link này: https://petition.parliament.uk/petitions/241584/

Cho đến 12.30 trưa cùng ngày, hơn 800,000 chữ ký đã được phục hồi sau khi trang web hoạt động trở lại. Trong suốt giờ nghỉ trưa ngày thứ Năm, gần 2,000 chữ ký được thêm vào mỗi phút, khiến trang web lại sập thêm một số lần nữa.

Phát ngôn viên của Hạ viện cho biết: “Chúng tôi được biết trang web kiến nghị đã gặp vấn đề vì số lượng người sử dụng tăng cao. Nguyên nhân là bởi mọi người đổ xô ký vào kiến nghị cũng như mở lại trang web nhiều lần để theo dõi số lượng chữ ký.

“Hiện tại, phần lớn người dùng đã tiếp tục sử dụng được trang web và chúng tôi cùng Dịch vụ Điện tử Chính phủ đang làm việc để sửa chữa bất cứ lỗi nào càng nhanh càng tốt.”

Khi được hỏi về các sự cố kỹ thuật, lãnh đạo Hạ viện Andrea Leadsom nói: “Nếu con số lên đến 17.4 triệu chữ ký, tôi chắc chắn sẽ cần phải có hành động.”

Phát ngôn viên của bà May phủ quyết bản kiến nghị, tuyên bố Thủ tướng sẽ “không tán thành” việc hủy bỏ Brexit.

Bản kiến nghị này đã trở thành bản kiến nghị phổ biến thứ hai trên trang web của chính phủ.

Một bản kiến nghị từ năm 2016 kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý lần hai đứng đầu với gần 4.2 triệu chữ ký tính đến thời điểm này.

Trước đó, vị trí thứ hai đã từng thuộc về bản kiến nghị phản đối chuyến viếng thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump – vói 1.9 triệu chữ ký.

Bản kiến nghị ủng hộ Brexit phổ biến nhất cũng chỉ đạt được 375,000 chữ ký. Bản kiến nghị này kêu gọi chính phủ hãy rời khỏi EU mà không cần đạt được thỏa thuận nào.

Trang web kiến nghị của chính phủ yêu cầu những người ký tên phải xác nhận họ là công dân Anh hoặc lưu trú tại Anh, đồng thời cung cấp tên, địa chỉ email, quốc gia và mã bưu điện.

Tổng cộng 960,000 người ký tên cho biết họ đến từ Anh, theo sau là người mang quốc tịch Pháp (8,300), Tây Ban Nha (4,600) và Đức (3,700) đang sinh sống tại Anh.

Chữ ký không được tính nếu người tham gia không ấn vào một đường link trong email xác nhận. Tuy nhiên, người ký tên không cần cung cấp minh chứng về địa chỉ cũng như quốc tịch của họ.

VietHome (Theo Sky News)