Xin lùi thời hạn Brexit, Anh đang thử thách độ kiên nhẫn của EU?

EU dường như đang mất dần kiên nhẫn với tình trạng mơ hồ do thiếu sự quyết định trên chính con đường mà Anh đã lựa chọn.

Thủ tướng Anh hôm nay có thể sẽ gửi thư đề nghị Liên minh Châu Âu (EU) chấp thuận việc Anh xin gia hạn, lùi ngày rời khỏi khối này sau hạn chót 29/3. Tuy nhiên, những bất đồng trong nội bộ Anh về kế hoạch bỏ phiếu Brexit lần 3 tại Hạ viện, cũng như chưa thống nhất được thời điểm xin gia hạn Brexit khiến một số nước thành viên EU cảnh báo sẽ bỏ phiếu phủ quyết đề xuất gia hạn của Anh nếu nước này không đưa ra lời giải thích hợp lý.

Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ trong ngày 21-22/3 sẽ là cơ hội cuối cùng để Thủ tướng Theresa May đề nghị lãnh đạo EU lùi ngày Brexit. Quyết định này được thực hiện sau khi Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow bất ngờ tuyên bố sẽ không cho phép bỏ phiếu lần 3 về Thỏa thuận Brexit, nếu thỏa thuận này không có sự thay đổi căn bản.

Hiện cũng có những bất đồng trong nội bộ chính phủ Anh về thời điểm gia hạn Brexit, đến ngày 30/6 hoặc kéo dài 1 năm. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond hôm 19/3 cho biết, chính phủ sẽ sớm đưa ra các bước đi để đưa thỏa thuận Brexit quay trở lại bỏ phiếu tại Hạ viện lần thứ 3 và chính phủ cũng muốn thời gian gia hạn Brexit là ngắn nhất có thể:

“Chúng tôi có chung lập trường về vấn đề này. Chúng tôi muốn có thời gian trì hoãn ngắn nhất có thể, để sau đó nước Anh còn tiếp tục với kế hoạch xây dựng tương lai của chính mình. Việc nhận được sự ủng hộ gia hạn của EU sẽ cho phép nước Anh có cơ hội nhận được sự ủng hộ tại Quốc hội và phê chuẩn nó”, ông Hammond nói.

Gần 3 năm sau khi nước Anh bỏ phiếu ra khỏi ngôi nhà chung châu Âu trong một cuộc trưng cầu ý dân và chưa đầy 10 ngày trước hạn chót Brexit 29/3, tương lai nước Anh vẫn bất định. Trong khi đó, EU dường như đang mất dần kiên nhẫn với tình trạng mơ hồ do thiếu sự quyết định trên chính con đường mà Anh đã lựa chọn.

Trong một cảnh báo được cho là cứng rắn về đề nghị xin gia hạn Brexit của Anh, Văn phòng Tổng thống Pháp hôm qua tuyên bố, Pháp sẵn sàng bỏ phiếu phủ quyết bất cứ yêu cầu nào của Anh nếu các điều kiện trì hoãn không được đáp ứng. Theo một số nhà ngoại giao châu Âu, để đảm bảo được cái "gật đầu" từ EU về việc gia hạn Brexit, nước Anh cần phải trả lời các câu hỏi: Mục đích và kết quả của việc gia hạn là gì? Làm thế nào để có thể đảm bảo rằng khi kết thúc thời gian kéo dài hai bên sẽ không trở lại tình trạng bế tắc như hiện nay? Kéo dài có làm tăng cơ hội phê chuẩn Thỏa thuận rút lui không? Trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit Michel Barnier hôm 19/3 cũng khẳng định, gia hạn Brexit chỉ được thực hiện nếu mang lại cơ hội thực sư.

Nếu Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn như vậy trước Hội đồng châu Âu vào ngày mai, đây sẽ là cơ hội để các nước EU đánh giá lý do cũng như sự hiệu quả của thời gian gia hạn. Lãnh đạo EU cần một kế hoạch cụ thể từ Anh để có thể đưa ra một quyết định. Câu hỏi quan trọng hiện nay đó là việc gia hạn này có thực sự mang lại cơ hội để phê chuẩn thỏa thuận Brexit hay không?

Rõ ràng bất kỳ sự chậm trễ nào trong tiến trình Anh ra khỏi EU cũng gây ra những tác động lớn đến khối, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu đang chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử Nghị viện vào tháng 5 tới. Một sự không chắc chắn sẽ làm tăng thêm chi phí kinh tế cho các doanh nghiệp và cũng có thể kéo theo các mất mát về chính trị cho EU. Hiện cũng xuất hiện nhiều chỉ trích trong EU về việc khối này đã cho nước Anh quá nhiều thời gian cũng như có lập trường quá mềm mỏng với nước Anh.

Mặc dù vậy, nhiều nước EU vẫn để ngỏ khả năng ủng hộ gia hạn Brexit của Anh. Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell cho rằng EU nên ủng hộ đề xuất của Anh gia hạn tiến trình Brexit, nhưng Anh cũng cần phải giải thích cách thức để tìm kiếm một thỏa thuận mới. Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Đức Michael Roth thì cho rằng, Anh đang thử thách sự kiên nhẫn của EU, nhưng các nước EU vẫn luôn mong muốn tránh một viễn cảnh Anh ra khỏi EU không thỏa thuận, với hậu quả lớn đối với cả hai bên.

Viethome (theo VTC)