• Một nhóm người Việt Nam vừa bị cáo buộc làm giả giấy phép lái xe để giúp các đồng hương nhận bằng lái xe tại Hàn Quốc dễ dàng hơn, cảnh sát nước này cho hay.

    Cơ quan Cảnh sát thành phố Busan, Hàn Quốc hôm nay 29/5 thông báo họ đã giam giữ một người đàn ông Việt Nam 28 tuổi và bắt 4 người khác, song không giam giữ, với cáo buộc can thiệp vào dịch vụ công và làm giả giấy tờ tùy thân.

    Cảnh sát Busan cũng triệu tập 26 công dân Việt Nam khác. Đây là những người đã đưa tiền cho nhóm đối tượng trên để lấy giấy phép lái xe Hàn Quốc bất hợp pháp.

    (Ảnh minh họa)

    Trước khi bị bắt, nhóm 5 người Việt Nam đã đăng quảng cáo trên mạng xã hội, hứa hẹn sẽ giúp các đồng hương tại Hàn Quốc nhận bằng lái xe của nước sở tại nếu họ chưa có bằng lái xe của Việt Nam hoặc gặp khó khăn trong việc nhận bằng lái xe của Hàn Quốc.

    Theo quy định hiện hành, Việt Nam là một trong 136 quốc gia ký thỏa thuận với Hàn Quốc, trong đó cho phép những người đã có bằng lái xe của Việt Nam có thể đổi lấy bằng lái xe của Hàn Quốc mà không cần tiến hành thêm các thủ tục hoặc các bài kiểm tra bổ sung.  

    26 công dân Việt Nam đã gửi hộ chiếu, tờ khai đăng ký dành cho người nước ngoài, ảnh chứng minh thư và số tiền từ 700.000 won (khoảng 58,6 USD) - 1 triệu won đến nhóm người trên. Nhóm này sau đó sẽ “phù phép” ra các bằng lái xe giả của Việt Nam và gửi lại cho khách hàng.

    Các khách hàng Việt Nam sau đó tới các trung tâm sát hạch lái xe tại Hàn Quốc để đổi các bằng lái xe giả của Việt Nam lấy bằng lái xe của Hàn Quốc.

    Cảnh sát Hàn Quốc cho biết nhóm đối tượng người Việt thậm chí còn “chế” vé máy bay giả trở về Việt Nam. Các khách hàng mang số vé giả này tới các trung tâm sát hạch để nhận lại bằng lái xe giả của Việt Nam mà họ đã nộp trước đó. Sau đó, họ sẽ xé bỏ các bằng lái giả này để tiêu hủy chứng cứ.

    Điều đáng lưu ý là vì lý do nào đó, các trung tâm sát hạch đã không thu lại các giấy phép lái xe của Hàn Quốc khi trả các giấy phép lái xe của Việt Nam cho nhóm công dân người Việt. Do vậy, ngay cả khi đã được trả lại các bằng lái xe của Việt Nam, 26 người Việt vẫn lái xe tại Hàn Quốc với bằng do nước này cấp.

    Cảnh sát Hàn Quốc đang đề nghị Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) mở cuộc điều tra để phát hiện thêm đồng phạm tại Việt Nam của nhóm làm giả giấy tờ trên. Cảnh sát cũng khuyến cáo Cục Đường bộ Hàn Quốc, cơ quan phụ trách quản lý giấy phép lái xe, khắc phục các lỗ hổng trong chương trình trao đổi giấy phép lái xe dành cho người nước ngoài.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Một người đàn ông ở bang Florida, Mỹ, vừa bị kết án 18 năm tù vì tội đóng giả hoàng tử Saudi Arabia và lừa đảo số tiền hơn 8 triệu USD.

    Anthony Gignac, 48 tuổi, tự tạo ra cuộc sống cá nhân xa xỉ với đội vệ sĩ và những giấy tờ ngoại giao giả từ hoàng gia. Tất cả đều nhằm mục đích lừa đảo.

    Đóng giả là Khalid Bin Al-Saud, hoàng tử Saudi Arabia, ông Gignac sống trong căn hộ sang trọng trên đảo Fisher tại Miami, lái chiếc Ferrari với biển số ngoại giao giả và niềm nở chào đón các nhà đầu tư cũng như người hâm mộ. Trên cánh cửa căn hộ của Gignac còn có dòng chữ "Sultan", từ chỉ nhà vua tại các nước Hồi giáo, theo AFP.

    Người này còn cấu kết với các vệ sĩ mang theo giấy tờ ngoại giao giả, yêu cầu được tiếp đón theo nghi thức hoàng gia và từ đó đòi các nhà đầu tư tặng quà.

    Anthony Gignac bị kết án 18 năm tù vì đóng giả hoàng tử Saudi Arabia. Ảnh: AFP.

    Hàng chục người đã gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của Gignac, nghĩ rằng ông sẽ đầu tư cho mình. Tuy nhiên, Gignac lại dành toàn bộ số tiền nhận được để mua quần áo hàng hiệu, sắm du thuyền và máy bay phản lực riêng.

    Gignac chuyển đến Miami vào năm 2017. Sinh ra ở Colombia, Gignac được nhận nuôi bởi một gia đình ở bang Michigan khi lên 7 tuổi. Đến năm 17 tuổi, Gignac bắt đầu có dấu hiệu thay đổi nhân cách.

    Kể từ đó, ông bị bắt và kết án nhiều lần vì tội lừa đảo. Tuy nhiên, Gignac vẫn chưa muốn dừng lại và tiếp tục với việc đóng giả hoàng tử Saudi Arabia.

    Theo tờ Miami Herald, trò lừa đảo của Gignac bắt đầu bị vạch trần khi một nhà phát triển bất động sản cảm thấy kỳ lạ rằng Gignac vẫn vui vẻ ăn giăm bông, thịt lợn xông khói và các sản phẩm làm từ thịt lợn khác. Theo quy định của đạo Hồi, thịt lợn là thức ăn cấm kỵ. 

    Anthony Gignac bị phát hiện do thói quen ăn thịt lợn. Ảnh: AFP.

    Đến tháng 11/2017, ông Gignac bị bắt và cáo buộc 18 tội danh, bao gồm hành vi gian lận điện tử và trộm cắp danh tính nghiêm trọng.

    "Trong suốt ba thập kỷ qua, Anthony Gignac thể hiện mình là một hoàng tử Saudi Arabia để thao túng và lừa đảo vô số nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Là người đứng đầu đường dây lừa đảo quốc tế tinh vi, Gignac sử dụng danh tính giả mạo của mình để bán đi hy vọng", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Ariana Fajardo Orshan nói trong một tuyên bố.

    "Hàng chục nhà đầu tư không nghi ngờ về Gignac đã bị lừa mất số tiền hơn 8 triệu USD".

    Thẩm phán Cecilia Altonaga đưa ra bản án nghiêm khắc đối với Gignac, cho rằng cuộc đời tội phạm xa xỉ của Gignac là "thực sự lạ thường".

    Viethome (theo Zing)

  • Ông Lo Van Tran vừa bị cảnh sát Garden Grove (California, Mỹ) bắt vì bị tố cáo tổ chức một công ty đầu tư giả để lừa nhiều người, đa số là người Việt, với số tiền lên đến $3 triệu, thông cáo báo chí của cơ quan công lực này đưa ra hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm, cho biết.

    Cảnh sát Garden Grove bắt được ông này qua sự phối hợp với cảnh sát Las Vegas, Nevada.

    Ông Lo Van Tran bị tố cáo lừa gạt $3 triệu. (Hình: Sở Cảnh Sát Garden Grove)

    Theo cảnh sát cho biết, ông Lo Van Tran dính vào một vụ lừa đảo dựa vào người quen cũng như làm cho giới đầu tư tưởng rằng đồng tiền họ bỏ ra sẽ được lợi nhuận cao.

    Ông Lo Van Tran, 42 tuổi, cư dân Fremont, California, là chủ nhân và là người điều hành công ty có tên Savmax Solutions, Inc.

    Nhờ có liên hệ kinh doanh với công ty SmartBuy Outlet, Inc., ông Lo Van Tran nói rằng ông có hợp tác với công ty thứ ba, có tên là Zyp Corporation, nơi ông tiến hành mua bán một số lượng lớn các sản phẩm của Apple.

    Ông bị tố cáo thu gom $3 triệu của các nhà đầu tư và sau đó người ta phát hiện là Zyp Corporation không hề hiện hữu.

    Ông cũng làm giả tài liệu ngân hàng và giấy phép kinh doanh để các nhà đầu tư cảm thấy doanh nghiệp của ông là hợp pháp.

    Từ Tháng Sáu, 2017 đến Tháng Hai, 2018, ông Lo Van Tran bị tố cáo lừa gạt hơn 10 nhà đầu tư, chủ yếu là người Việt Nam, và nói dối họ khi hứa rằng các khoản tiền này sẽ có được mức lời cao, tùy theo số tiền đầu tư.

    Ông Lo Van Tran bị truy tố 27 tội, vì nói dối khi mua bán chứng khoán, một tội âm mưa lừa gạt, và có thể bị kết tội hình liên quan đến mức tiền $500,000 và 20 tội liên quan đến rửa tiền ở mức trên $2.5 triệu, vẫn theo thông cáo.

    Cảnh sát Garden Grove tin rằng có thể còn một số nạn nhân khác trong vụ lừa đảo này, nhưng chưa chịu ra mặt.

    Ngoài Orange County, cũng có thể ông Lo Van Tran thực hiện vụ lừa gạt này tại vùng Bay Area ở miền Bắc California, và ở Las Vegas, Nevada.

    Cảnh sát kêu gọi, nếu ai nghĩ rằng mình là nạn nhân của vụ lừa đảo này, hoặc có thêm thông tin gì liên quan đến vụ này, xin liên lạc cảnh sát viên Thi Huỳnh tại số điện thoại 714-741-5835. 

    Viethome (theo Người Việt)

  • Một thực khách dành hơn sáu giờ ăn trong một nhà hàng và sau đó từ chối thanh toán hóa đơn đã bị bỏ tù 34 tuần.

    Cảnh sát Cambridgeshire cho biết ông Paul Rockett, 64 tuổi, đã gọi các món ăn bao gồm cua, thịt viên và sundae đào tại một chi nhánh của Frankie & Benny's tại Cambridge.

    Ông ta còn gọi thêm các loại đồ uống bao gồm hai ly whisky và hai chai rượu táo, với hóa đơn trị giá £52,91.

    Ông Rockett vào nhà hàng lúc 16 giờ 40 phút ngày 27 tháng 12 năm ngoái và đến tận 23 giờ, ông ta mới kết thúc bữa ăn nhưng lại từ chối thanh toán hóa đơn vì cho rằng hóa đơn ghi ngày không chính xác.

    Ông ta bỏ đi khi quản lý nhà hàng gọi bảo vệ tới. Sau đó, vị khách này đã bị cảnh sát thẩm vấn và tuyên bố rằng ông ta đã đến nhà hàng chỉ ‘để cố gắng sống sót.’

    Ông Rocket, không có địa chỉ cố định, đã bị kết tội quỵt tiền trong một phiên tòa trước đó tại Tòa án Tối cao Cambridge.

    Ông ta cũng bị kết tội vi phạm lệnh cấm ông ta vào bất kỳ nhà hàng nào ở Cambridge mà không có tiền để thanh toán. 

    Rockett, người cũng bị kết án vì không tuân thủ yêu cầu thông báo đối với phạm tội tình dục, đã bị bỏ tù 34 tuần và nhận lệnh cấm hai năm không được vào bất kỳ nhà hàng nào ở Cambridge mà không có phương tiện để trả tiền.

    Cảnh sát trưởng Brad Munday cho biết: “Ông Rockett không bao giờ có ý định hay phương tiện nào để trả tiền cho đồ ăn của mình và hoàn toàn biết rõ hậu quả của việc ăn uống ở Frankie & Benny’s.”

    VietHome (Theo Metro)

  • Chàng trai láu cá giở mánh khóe bá đạo để "ăn chùa" tại các chi nhánh của KFC suốt 1 năm. Những tưởng hành động lừa đảo của anh chàng sẽ bị cộng đồng mạng lên án nhưng trái lại, rất nhiều người gọi anh ta là "người hùng" và kêu gọi KFC tuyển dụng anh ta.

    Một anh chàng Nam Phi vừa bị bắt và sẽ sớm phải hầu tòa với cáo buộc lừa đảo ăn miễn phí tại KFC trong suốt 1 năm.

    Chàng trai 27 tuổi – một sinh viên đến từ Đại học KwaZulu-Natal được cho là đã nói với các nhân viên của chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh rằng, anh ta được trụ sở KFC cử tới kiểm tra chất lượng món gà nhằm đảm bảo thịt gà của cửa hàng đạt tiêu chuẩn.

    Theo India Today, anh chàng thường tự tin bước vào quán và nói với nhân viên rằng mình đến kiểm tra chất lượng thực phẩm được phục vụ trong cửa hàng.

    Người này cũng mang theo một thẻ ID từ "trụ sở chính" của KFC và ăn mặc rất bảnh bao, thậm chí đi cả limousine.

    Theo Xpouzar, anh chàng "siêu lừa" này có bạn làm tài xế limo bán thời gian. Có vẻ như người bạn này đã trở thành đồng phạm đắc lực trong việc tạo vỏ bọc giàu sang, có địa vị cho bạn mình.

    Trả lời Xpouzar, một nhân viên của KFC cho biết: "Khi anh ta đến, tất cả chúng tôi đều cố gắng làm mọi việc thật chỉn chu, bởi chúng tôi không muốn chọc giận người đến từ trụ sở chính. Trông anh ta rất thuyết phục vì dáng vẻ tự tin, thậm chí đồng nghiệp của chúng tôi ở chi nhánh khác của KFC cũng biết anh ta".

    "Khi bước vào cửa hàng, anh ta vội vã vào bếp và kiểm tra mọi thứ, ghi chép rồi yêu cầu lấy mẫu bất cứ món gì anh ta muốn. Có lẽ trước đây anh ta từng làm việc cho KFC vì anh ta biết rõ mọi thứ ở đây."


    Câu chuyện này được chia sẻ trên Twitter của một nhà báo người Kenya qua tài khoản có tên "The African Voice".

    Bài đăng hiện thu hút 41.000 lượt thích và 18.000 lượt chia sẻ. Những tưởng hành động lừa đảo của anh chàng sẽ bị cộng đồng mạng lên án nhưng không. Rất nhiều người gọi kẻ lừa đảo là "người hùng" và cho rằng anh ta xứng đáng với công việc "thanh tra thực phẩm của KFC" – công việc mà anh ta vẫn mạo danh. 

    "KFC nên giao cho anh ta công việc đó", một người dùng Twitter bình luận. "Không phải mọi anh hùng đều mặc áo choàng", một người khác nói thêm.

    "Anh ấy đúng là huyền thoại và hiện giờ là một người giàu kinh nghiệm. KFC nên tuyển dụng anh ấy", một người khác đề xuất.

    Viethome (theo Helino)

  • Mới đây, anh Nguyễn Minh Nhật đã chia sẻ trên một cộng đồng người Việt làm nail về đôi vợ chồng được cho là dụ dỗ để lừa đảo tài sản của người Việt. Anh Nhật nhắn nhủ những ai là nạn nhân của đôi vợ chồng này hãy thông báo đến Cảnh sát Westminster hoặc Orange County (Mỹ), anh sẵn sàng ra tòa làm chứng nếu cần thiết. 

    vo chong lua dao dong huong 1

    Thủ đoạn của đôi vợ chồng Uyên Phạm và Danny Trần là lập ra các công ty ma để kêu gọi mọi người góp vốn. Tóm tắt nội dung bài viết vạch trần đôi vợ chồng như sau:

    ''CẢNH BÁO LỪA ĐẢO!!!!! 

    Đây là 1 cặp vợ chồng lừa đảo xuyên quốc gia, từ Việt Nam qua đến Mỹ. Trước kia các tiểu bang như Dallas, New York, Minnesota và hiện tại không thể về Việt Nam được nữa vì thiếu nợ quá nhiều, sợ chủ nợ và chính phủ Việt Nam bắt giữ.

    Hiện tại đang có vụ kiện lớn ở Westminster & Los Angeles để đưa 2 kẻ lừa đảo UYÊN PHẠM & DANNY TRẦN ra pháp luật xử lý (vì dùng âm mưu chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên hơn triệu dollar mà không trả lại). Nếu còn có ai là nạn nhân thì liên lạc Cảnh sát Westminster, Cảnh sát LA...

    Vào tầm tháng 7/2018, Uyên & Danny lợi dụng làm thân, âm mưu chiếm đoạt tài sản của chủ tiệm vàng ở thành phố Westminster rất nhanh và tiếp tục đi tìm đối tượng để gạt tiếp, bây giờ lại thêm nạn nhân là wholesale bán vàng và hột xoàn tại LA Chinatown và nhiều nạn nhân khác. Số tiền lên đến trên cả triệu dollar, làm cho cuộc sống của các nạn nhân khốn đốn, tinh thần hoảng loạn, suy sụp, mất hết thời gian để đeo đuổi sự việc này. Vì kẻ lừa đảo nhất định muốn lấy luôn, không muốn trả tiền và cũng không trả lại hàng, hiện tại các nạn nhân đang nhờ luật pháp can thiệp.

    Sự việc lừa đảo của Uyên thì số nhiều người ở Bolsa (Orange County) đã biết, nhưng cũng còn nhiều người chưa biết về đôi vợ chồng chuyên ''nổ'', nói lòng vòng để lừa đảo. Nên cảnh báo mọi người lưu ý, không cần phải bán tính bán nghi về tin đồn, Câu chuyện Uyên lừa đảo có thật 100%''.

    vo chong lua dao dong huong 1
    Trích bài đăng của anh Nguyễn Minh Nhật.

    Uyên được mô tả là người phụ nữ nói tiếng Bắc, khoảng 43 tuổi, luôn dẫn 2 con gái (14 và 7 tuổi) cùng đi để lừa đảo. Đôi vợ chồng được cho là luôn ăn mặc sang trọng, xách túi hiệu nhưng thực sự thì ở nhà thuê (luôn đổi địa điểm), xe BMW và Mercedes nhờ người khác thuê (và đã gây ảnh hưởng rất xấu đến đời sống của họ).

    Đôi vợ chồng không có việc làm, credit cũng không nhưng lại luôn diện đẹp để đi lòng vòng tìm con mồi. Trong tay Uyên lúc nào cũng có sẵn hột xoàn kim cương giả, tên gọi là Moissanite đeo trên người khi có cơ hội sẽ lừa những người không biết.

    Ở VN, Uyên cùng với người thân đã tiến hành nhiều hành vi lừa đảo (lừa tiền góp vốn xây bệnh viện), sau đó ''bể ổ'' không còn chỗ nương thân tại Việt Nam nên theo Danny qua Mỹ diện vợ chồng và đang ở Orange County, Westminster Mall. Tại đây, Uyên tiếp tục ba hoa, nói trắng thành đen để hành nghề lừa đảo.

    vo chong lua dao dong huong 1
    Trích bài đăng của anh Nguyễn Minh Nhật.

    Chuyên mở tiệm ''ma'' để kêu gọi góp vốn

    Tháng 5/2018, Uyên Phạm & Danny Trần lên kế hoạch mở 1 nhà hàng tên Kiskat Restaurant (8162 Talbert Ave #104, Huntington Beach, CA 92646) trên đường Talbert và đường Beach trong khu Walmart, chỉ thuê đúng 1 người dạng hợp đồng dịch vụ, mục đích kéo dài thời gian càng lâu càng tốt để Uyên & Danny có cơ hội đi gia nhập các hội trong cộng đồng người Việt. 

    Với thủ đoạn ''nổ'' như khoe mình quen con Thủ Tướng, quen đại gia người giàu có, có địa vị ở Việt Nam, vẽ vời những câu chuyện không có thật ,với vẻ bề ngoài sang trọng và ăn nói khéo léo kêu gọi góp vốn nhà hàng nhưng thật chất chỉ là để lừa tiền.

    Uyên mở nhà hàng hơn 1 năm nhưng không vận hành vì chuyện lừa đảo của Uyên đã bị lộ tẩy sau khi lấy tài sản của một chủ tiệm vàng tại thành phố Westminster từ tháng 8/2018 chưa trả lại. Và rồi tai tiếng lừa đảo của Uyên lan truyền trong cộng đồng người Việt ở Bolsa (Orange County), Uyên không gạt được việc đầu tư nhà hàng nữa nên ngưng hoạt động và đến ngày 5/4/2019 thì bị chủ nhà thưa ra tòa để đóng cửa Kiskat Restaurant.

    Trong thời gian còn chưa trả lại tài sản cho chủ tiệm vàng tại thành phố Westminster thì ả lại nghĩ ra mưu kế khác là mở tiệm trang sức Kiskat Jewelry (1025 Westminster Mall #1066, Westminster CA 92683) vào tháng 11/2018 để tiếp tục lừa đảo, gạt người chưa biết về Uyên.

    Lý do tại sao mà Uyên mở tiệm Kiskat Jewelry chỉ trong vòng 1 tuần:

    - Khi đi lòng vòng xuống đến Los Angeles, Uyên gặp và tiếp cận 1 nạn nhân mới người Cambodia là wholesale bán vỏ xoàn và hột xoàn ở Chinatown, rất hiền lành. Chủ wholesale này nói nếu Uyên có giấy phép kinh doanh trang sức thì mới bán vì không bán lẻ. Vậy là Uyên lập tức về apply license trong vòng 1 tuần đem xuống cho wholesale xem, với vẻ ngoài sang trọng dẫn theo chồng và 2 con.

    Bổn cũ soạn loại, trong vòng 3 tuần, Uyên tiếp tục ''nổ'' để làm thân cô chủ wholesale này. Vì tin tưởng, cô này đã đưa memo (thư giới thiệu) giúp Uyên khai trương tiệm, nhưng Uyên đã không trả tiền và cũng không trả lại hàng ngay sau ngày khai trương đó. Hiện nay tiệm Kiskat Jewelry không hoạt động tiếp nữa, chỉ thuê 1 người trông coi hàng trưng bày toàn đồ giả. Uyên chấp nhận trả $3,000/tháng để thuê mặt bằng nhằm lấy mã để xoay vòng lừa đảo.

    Đan xen giữa 2 vụ việc nổi cộm này, Uyên & Danny còn lừa rất nhiều người khác, kể cả người thân. Hiện giờ các nạn nhân đang nhờ cảnh sát Westminster & cảnh sát Los Angeles làm việc để cho 2 kẻ lừa đảo sớm ra trình diện pháp luật.   

    vo chong lua dao dong huong 1
    Chân dung đôi vợ chồng bị tố lừa đảo.

    Viethome tổng hợp

  • Chiều 8.5, thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Công an TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) cho biết, Cơ quan CSĐT của đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Thị Thanh Hà (45 tuổi, ở phường Nam Hà, TP.Hà Tĩnh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Theo tài liệu từ CQĐT, tháng 11.2018, Công an TP.Hà Tĩnh nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Trọng Việt (64 tuổi), trú tại xã Thạch Hạ, TP.Hà Tĩnh đối với Lê Thị Thanh Hà về việc người này nhận 326 triệu đồng của ông Việt để làm hồ sơ cho con trai ông đi lao động ở Úc.

    Đối tượng Lê Thị Thanh Hà tại cơ quan điều tra.

    Trước đó, qua giới thiệu của người quen, khoảng tháng 4.2014, ông Nguyễn Trọng Việt liên hệ với Lê Thị Thanh Hà để nhờ tư vấn cho con trai đi xuất khẩu lao động. Tại đây hai bên thỏa thuận tổng chi phí là 700 triệu đồng để đưa con trai ông Việt đi xuất khẩu lao động ở Úc.

    Sau khi thoả thuận, đối tượng Hà đã 3 lần yêu cầu ông Việt chuyển tiền với tổng số tiền là 326 triệu đồng. Sau hơn 2 tháng, ông Việt nhiều lần đến nhà Hà để hỏi về việc làm thủ tục cho con trai, nhưng Hà có thái độ thách thức và không có động thái thực hiện cam kết. Đến nay, con trai ông Việt vẫn chưa được làm thủ tục sang Úc; số tiền Hà nhận cũng chưa hoàn trả được cho ông Việt.

    Viethome (theo laodong)

  • Sau khi hẹn hò với "Hoàng tử kim cương" trên Tinder, người phụ nữ này đã phải nhập viện tâm thần vì biết được sự thật.

    Cecilie Fjellhoy, 29 tuổi, đến từ Lillestrom, Na Uy đã trúng tiếng sét ái tình với người buôn kim cương trên ứng dụng hẹn hò Tinder. Ngay trong lần hẹn hò đầu tiên, anh ta đã dùng máy bay riêng đưa họ từ London tới Bulgari du lịch.

    Sau khi quen được 4 tuần, gã lừa đảo này đòi cô gái trẻ rút tiền trong thể tín dụng dưới danh nghĩa của cô vì lý do an toàn.

    Gã lừa đảo trong câu chuyện này chính là Shimon Hayut, 28 tuổi. Theo Dailymail, Hayut đã lừa tiền của rất nhiều Phụ nữ với chiêu thức tương tự. Anh ta tự nhận mình là Simon Leviev, con trai tỷ phú kim cương người Do Thái Lev Leviev.

    "Simon Leviev" đã chiếm được tình cảm của Fjellhoy trước khi lợi dụng nó để thao túng tài chính, cô gái trẻ nói với đài ABC News.

    Cecilie Fjellhoy khóc nức nở sau khi bị gã bạn trai quen trên Tinder lừa tiền. Ảnh: ABC News

    Trước đây, Shimon Hayut đã ngồi tù 3 năm ở Phần Lan vì lừa gạt nhiều phụ nữ theo cách tương tự. Sau khi bị rơi vào bẫy của hắn, Fjellhoy đã phải nhập viện để điều trị tâm lý.

    "Tôi ghét anh ta, anh ta thật kinh khủng. Tôi đã vô cùng mệt mỏi khi khóc lóc về điều này bạn biết không?", cô suy sụp khi trả lời phỏng vấn.

    "Nó thật đau đớn. Tôi ghét chính bản thân mình vì đã làm vậy. Tôi được đưa vào bệnh viện, viện tâm thần. Tôi nghĩ cuộc đời mình thế là xong rồi, và tôi có ý định tự tử, không nhìn thấy lối thoát". Fjellhoy nói rằng mình đã mất bạn trai nhưng không phải vì bọ bỏ rơi mà là anh ta chưa từng tồn tại, chưa bao giờ là bạn trai cô.

    Hayut giả làm con trai tỷ phú kim cương đi lừa đảo hàng loạt phụ nữ cả tin. Ảnh: Dailymail.

    Khi đó, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ lừa đảo, Fjellhoy đã điền thông tin vào một chiếc thẻ bạch kim American Express và nộp vào đó 200.000 USD. Hắn đảm bảo với cô là sẽ không ai kiểm tra nó. Fjellhoy đã làm tất cả theo lời chàng trai người Israel trẻ đẹp này chỉ sau 4 tuần hẹn hò. Cô đã rút một khoản vay lớn và gã người tình Tinder nhanh chóng tiêu tiền như nước. Hayut chi 2 triệu krone Na Uy (khoảng 200.671 USD) chỉ trong 54 ngày, thanh toán các hóa đơn cho hai trợ lý, vệ sĩ và những chuyến bay vòng quanh thế giới.

    Fjellhoy nói rằng tiền của cô đã được chi cho Louboutins ở Bangkok, Gucci ở Barcelona, tại Ritz Carlton ở Berlin và Conservatory ở Amsterdam. Từ ngày 2-25/3/2018, anh ta đã chi hơn 75.000 USD từ chiếc thẻ thanh toán này.

    Không những vậy, Hayut còn đang sử dụng tiền của Fjellhoy để đi lừa những phụ nữ khác. Anh ta dùng tiền thuyết phục một phụ nữ Thụy Điển tên Pernilla Sjoholm rằng mình là con trai một tỷ phú. Cô này đã mất cho Hayut hơn 35.000 USD.

    Fjellhoy kể lại chỉ trong một dịp cuối tuần, Hayut đã kiếm được hơn 10.000 USD khi đưa bạn gái mới tới nhà hát opera trên một chiếc limousine.

    Hiện tại Fjellhoy hoàn toàn suy sụp sau vụ lừa đảo kinh khủng này. Nhưng ở thời điểm đó, cô hoàn toàn bị mê hoặc bởi sự quyến rũ của người tình. Cô tin rằng Hayut là CEO và sẽ hoàn trả lại số tiền hắn tiêu của mình. Cô cũng tin tình cảm anh ta dành cho mình là thật. Nhưng trong khi anh ta nhắn tin cho cô mỗi sáng, hỏi rằng "Chào buổi sáng em yêu. Em ngủ ngon không?" thì anh ta cũng đang tán tỉnh những phụ nữ khác.

    Trải nghiệm đau đớn này đã khiến Fjellhoy thay đổi bản thân. Giờ đây, cô rất khó để tin tưởng người khác. "Tôi thấy sự khác biệt trong chính mình khi nói chuyện với người khác. Tôi đã bớt ngây thơ hơn nhiều".

    Còn về phần Hayut, anh ta đã bị truy nã về tội trộm cắp, giả mạo và lừa đảo ở Israel từ năm 2011. Ngoài ra, hắn còn bị báo cáo về tội lừa đảo ở Anh, Na Uy và Thụy Điển.

     Viethome (theo tinnhanhonline)

  • Ông Tam Doan, một người gốc Việt, nhớ là mình có sự nghi ngờ khi nghe một đoạn quảng cáo trên đài phát thanh tại khu vực Little Saigon, nói rằng sẽ có được tiền lời tối thiểu là 12% nếu đầu tư vào một quỹ do một nhà thờ tại đây điều hành.

    Dù vẫn còn hoài nghi, người cư dân 60 tuổi sống ở thành phố Fountain Valley, lái xe tới văn phòng của nhà thờ mang tên “Church for The Healthy Self CHS” ở thành phố Westminster, và nói chuyện với những người được coi là thành phần lãnh đạo tổ chức bất vụ lợi này, theo một bài báo của tờ Los Angeles Times hôm Thứ Hai, 22 Tháng Tư.

    Ông Kent Whitney, giữa, mặc áo sơ mi xanh, và ông David Parrish, phải, lập ra nhà thờ Church for the Healthy Self in Westmins.

    Sau khi thấy chỗ này có văn phòng, có nhân viên, và cũng có một phòng họp, những gì đối với ông là chỉ dấu của một cơ sở kinh doanh thật sự, lại càng khiến ông bớt lo ngại hơn.

    “Tôi nghĩ, ‘Họ có một giàn nhân viên, có chỗ làm việc đàng hoàng, lại có trang web, thì có ai mất công bày ra đủ mọi thứ như vậy để lừa gạt đâu?”  Ông Doan nói. “Nay tôi nghĩ mình thật ngây thơ.”

    Xe hoa của CHS trong cuộc diễn hành Tết. (Hình: Facebook).

    Vào Tháng Bảy 2018, ông Tam Doan đầu tư $3,000. Mấy tháng sau đó, ông nhận được các giấy báo cho thấy ông được lời nhiều. Ông bèn đầu tư thêm $10,000 vào Tháng Chín và rồi $7,000 nữa hồi giữa Tháng Ba kế tiếp.

    Ít ngày sau khi ông gửi đi số tiền đầu tư cuối của mình, ông được tin là cơ quan thanh tra chứng khoán và thị trường chứng khoán Mỹ (U.S. Securities and Exchange Commission SEC) đã đưa đơn kiện nhà thờ Church for the Healthy Self (CHS), cáo buộc rằng mục sư trưởng Kent Whitney đang điều hành một mô hình lừa đảo đầu tư kiểu “Ponzi scheme,” trong đó người chủ chốt lấy tiền của những người vào sau đem trả cho những người vào trước, thay vì bằng tiền lời qua làm ăn chính đáng.

    Cơ quan SEC nói số tiền bị lừa có thể lên tới $25 triệu.

    Ông Whitney, 37 tuổi, và bạn của ông, một mục sư khác có tên David Parrish, 47 tuổi, cả hai đều là cư dân Newport Beach, đã đặc biệt nhắm vào cộng đồng người Việt bằng cách quảng cáo mạnh mẽ trên các đài phát thanh và truyền hình Việt Ngữ ở Little Saigon cũng như trên Youtube, cũng theo SEC.

    Đơn kiện của SEC. (Hình: SEC) .

    Hồ sơ SEC nói rằng các bị cáo Kent R.E. Whitney và David Lee Parrish, cả hai đều là mục sư qua mạng internet (ordained minister online), đang điều hành cả CHS và CHS Asset Management Inc.

    Ông Whitney thành lập The Church for the Healthy Self năm 2014, chỉ ba tháng sau khi ra khỏi tù liên bang về tội đã cùng với ông Parrish lừa đảo người đầu tư số tiền $600,000.

    SEC nói rằng cả hai tái tục chương trình lừa đảo của họ vào năm 2018.

    Thay vì tìm cách làm ăn chính đáng để tạo ra số tiền lời từng hứa hẹn với người đầu tư, là có thể lên tới 43%, hai ông Whitney và Parrish bị tố cáo lấy cắp hàng triệu đô la của người đầu tư, trong khi tiếp tục trả tiền lời bằng tiền của người mới đóng góp, như vẫn thấy trong các mô hình lừa đảo kiểu Ponzi.

    Trong đơn kiện, SEC nói rằng nhà thờ này không có nơi cầu nguyện, hành lễ, mà chỉ có văn phòng ở Westminster và một trang web.

    Cơ quan FBI và ông Robert Mosier, người được tòa bổ nhiệm để trông coi việc trả lại tiền cho những người bị lừa, đến nay đã lấy lại được khoảng $4.6 triệu.

    Ông Mosier và luật sư của ông, tổ hợp Smiley Wang-Ekvall ở Costa Mesa, hiện đang tìm kiếm thêm các nạn nhân khác.

    Cơ quan SEC đã phong tỏa các trương mục và tài sản của nhà thờ này. Một thẩm phán liên bang ra án lệnh cấm hai ông Whitney và Parrish không được rút tiền ra hoặc nhận tiền của ai khác.

    Hai ông Ken Whitney và David Parrish trong buổi diễn hành. (Hình: Facebook).

    Luật sư Kyra Andrassy nói đã thấy có 355 người đầu tư trong vụ này, có những người ở xa như San Jose và Chicago. Tuy nhiên theo luật sư Andrassy thì có thể vẫn còn nhiều nạn nhân khác.

    “Một số trương mục bị phong tỏa, nhưng chỉ có rất ít tiền trong các trương mục này. Không ai biết tất cả số tiền đã đi đâu,” theo luật sư Andrassy.

    Ông Doan nói rằng việc mất tiền khiến ông nay khó có thể giúp con gái ông trả chi phí đại học.

    “Tôi mất số tiền lớn,” người cha có hai con này cho hay. “Chúng tôi đã làm việc vất vả và để dành tiền. Tôi nay đã 60 tuổi rồi, tôi cứ hy vọng là sẽ nghỉ hưu được trong vài năm nữa.”

    Những ai là nạn nhân trong vụ lừa đảo này có thể liên lạc với ông Mosier tại mosierco.com/robert-p-mosier hay gọi số điện thoại (714) 432-0800.

     

    Viethome (theo Nguoi-viet)

  • Kẻ trộm đã đột nhập một thẩm mỹ viện ở Stoke Newington, Hackney, và lấy trộm số sản phẩm trị giá 7.000 bảng vào tuần trước.

    Chủ cơ sở Oya Seis, 34 tuổi, đã hoảng hốt khi đến tiệm Beautify Health and Beauty và thấy cánh cửa đã bị phá còn đồ đạc của cô đã không cánh mà bay.

    “Tôi chỉ làm việc ở đây một mình và điều đó khiến tôi cảm thấy sợ hãi,” cô Oya nói. “Gần đây có vô số vụ đâm chém, nếu tôi đã ở đó, chuyện tồi tệ có thể đã xảy ra.”

    “Cơ sở kinh doanh này giống như con tôi vậy, tôi đã xây dựng nó từ hai bàn tay trắng suốt hơn 10 năm. Đó là tất cả những gì tôi có. Tất cả thu nhập và tiền tiết kiệm của tôi đều được đem ra đầu tư. Tôi đã đặt mọi thứ vào đó rồi nên giờ tôi chỉ cảm thấy quẫn trí.”

    Cảnh sát đã cử một đội pháp y đến vào ngày hôm sau vụ đột nhập, và nói với Oya cảnh sát địa phương sẽ kiểm tra vào ngày hôm sau. Nhưng giờ đây cô vẫn đang phải đợi.

    “Tôi đã gọi nhiều lần và không có thông tin gì. Tôi biết đó không phải là lỗi của bất kỳ ai, nhưng tôi cảm thấy rất thất vọng và lo lắng,” cô nói.

    Oya tin rằng vụ trộm xảy ra trong khoảng thời gian từ 5h30 chiều đến nửa đêm ngày thứ Hai (22/4).

    “Khi tôi nhìn thấy cánh cửa bị vỡ và các sản phẩm rơi vãi trên sàn, tôi cảm thấy như bị dội nước lạnh vậy,” cô Oya bày tỏ. "Tôi đã run rẩy. Tôi đã phải gọi cho người quản lý nhà trẻ [cơ sở ở tầng trên] vì tôi rất sợ.”

    Sau đó, cô nhận ra CCTV chứa những bằng chứng quan trọng về vụ việc cũng đã bị lấy đi.

    Oya cho biết cảnh sát đã đề nghị cô liên hệ để được hỗ trợ về mặt cảm xúc, nhưng cô cho rằng điều duy nhất khiến cô cảm thấy tốt hơn về mặt cảm xúc là biết cảnh sát đang ở đây và có thể giữ mọi người an toàn.

    Cô cho rằng cảnh sát không có hồi đáp là do lực lượng này đã bị cắt giảm nhân sự, và cũng nêu ra một vụ trộm khác bảy năm trước: “Hồi đó, chiếc điện thoại của tôi bị đánh cắp ở đây và họ đã hành động ngay lập tức. Nó chắc chắn có liên quan đến việc cắt giảm nhân sự. Lần này thì khác và tôi không nghe được phản hồi nào cả.”

    Một phát ngôn viên của Scotland Yard cho biết: “Hiện trường đã được kiểm tra pháp y và không có manh mối điều tra khả thi nào được thiết lập. Cũng không có cảnh quay CCTV nào. Nếu có thêm bằng chứng liên quan đến nghi phạm, chúng chắc chắn sẽ được điều tra cẩn thận.”

    Oya, sinh ra và lớn lên ở Stoke Newington, đã ca ngợi cộng đồng địa phương vì phản ứng của họ.

    “Khách hàng và cộng đồng đã rất tuyệt vời,” cô nói. “Tôi nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi và hoa gửi tới. Stoke Newington thật tuyệt vời và những lúc như thế này mọi người thực sự xích lại gần nhau hơn. Đây là chính là Stoke Newington và đó là lý do tại sao tôi thích sống ở đây.”

    Đài phát thanh cộng đồng Reel Rebel Studios, tọa lạc ngay đối diện Beautify, cũng đã bị trộm số thiết bị trị giá 1.000 bảng hồi năm ngoái.

    Bất cứ ai có thông tin có thể liên hệ với cảnh sát qua số 101, nêu mã số vụ việc 4611175/19.

    VietHome (Theo Hackney Gazette)

  • Cô nàng này trở thành "yêu nữ hàng hiệu" từ khi phát hiện có một núi tiền từ trên trời rơi xuống tại tài khoản của cô ở ngân hàng Westpac (Australia).

    Mới đây, câu chuyện gây xôn xao dư luận khiến nhiều người quan tâm chính là nam thanh niên tại TP.HCM đã rút tiền khi bị ngân hàng chuyển nhầm 5 tỷ đồng vào tài khoản để tiêu pha.

    Theo đó, ngày 26/4, Công an quận 1 thông tin về trường hợp nam thanh niên Cù Chi Nguyên (19 tuổi) được một ngân hàng có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 chuyển nhầm gần 5 tỷ đồng vào tài khoản nhưng vẫn rút ra tiêu xài. Theo một cán bộ điều tra, Nguyên đã rút tiền hơn trăm lần ở nhiều trụ ATM tại TP.HCM với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

    Thanh niên này đã sử dụng vào nhiều mục đích như đặt cọc mua xe, mua đất, mua nhà. Đặc biệt, Nguyên còn đặt cọc mua một mảnh đất trị giá tới 2,7 tỷ đồng. Hiện tại, phía ngân hàng đã thu hồi gần hết số tiền chuyển nhầm vào tài khoản của Nguyên. Số tiền còn lại Nguyên chưa hoàn trả là hơn 100 triệu đồng và gia đình nam thanh niên đã cam kết sẽ trả lại số tiền này trong thời gian sớm.

    Nhớ hồi mùa hè năm 2016, vụ việc nữ sinh viên chuyên ngành kỹ thuật hóa học đến từ Malaysia đã nhận được khoản tiền 4,6 triệu USD (gần 100 tỷ VND) "từ trên trời rơi xuống" khi đang học tại Sydney, Úc khiến dân mạng vô cùng quan tâm.


    Christine Jiaxin Lee thoải mái tận hưởng cuộc sống "trời cho" bằng việc tiêu xài và mua sắm đồ hiệu thả ga.

    Năm 2012, Christine Jiaxin Lee (quốc tịch Malaysia) khi học tại Đại học Sydney (Autralia) đã mở tài khoản ở chi nhánh ngoại ô Haymarket thuộc ngân hàng Westpac để nhận chu cấp từ bố mẹ. Tài khoản này không đăng ký hạn mức thấu chi (giới hạn số tiền được tiêu vượt mức).

    Theo lịch sử giao dịch, ngày 22/7/2014, tài khoản của Christine bị âm tiền sau khi trả 3,454 AUD tiền trọ. Phát hiện điều này, nữ sinh nhiều lần chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản Paypal. Các khoản tiền lớn dần theo thời gian.

    Từ "mỏ tiền" này, cô bắt đầu dùng hàng hiệu đắt tiền như Hermes, Chanel và Dior..., đôi khi chi tới 300.000 AUD một ngày. Từ tháng 9/2014 tới 4/2015, Christine đã chuyển sang tài khoản PayPal tổng cộng hơn 4,6 triệu AUD.

    Chuỗi ngày tiêu xài xả láng của Christine kết thúc vào 7/4/2015 khi cô thực hiện 14 lần chuyển tiền trong cùng một ngày từ ngân hàng Westpac sang PayPal, tổng cộng hơn một triệu AUD. Trước những giao dịch bất thường, hệ thống báo động và ngân hàng nhận ra sai sót của mình.

    Điều tra lại toàn bộ lịch sử của tài khoản này, ngân hàng phát hiện vào năm 2013, có người tố cáo tài khoản của Christine nhận tiền lừa đảo. Theo quy trình, ngân hàng đóng băng tài khoản của nữ sinh viên và tước quyền giám sát của chi nhánh Haymarket. Nhưng sau khi xác minh nguồn gốc số tiền Christine nhận là chính đáng, ngân hàng Westpac gỡ lệnh đóng băng nhưng không khôi phục quyền giám sát cho chi nhánh Haymarket. Vì vậy, Christine có thể rút tiền vô hạn mà chi nhánh không hay biết, tài khoản cũng không bị đánh giá xấu. Phát hiện sai sót, Westpac đóng băng tài khoản của Christine.

    Ngày 8/4/2015, khi được phía ngân hàng liên lạc, nữ sinh viên nói tưởng số tiền đó do bố mẹ gửi sang nên không nghi ngờ. Westpac yêu cầu tòa án tuyên bố Christine phá sản, xin lệnh thu giữ những tài sản do nữ sinh viên mua bằng tiền thấu chi.

    Cuối cùng, ngân hàng Westpac lấy lại được hơn một triệu AUD mà Christine gửi PayPal vào ngày 7/4/2015, thu giữ hàng trăm món đồ hiệu bao gồm túi xách, nữ trang, quần áo và giày dép. Tuy vậy, 3,3 triệu AUD còn lại vẫn không thể thu hồi. Christine bị đặt vào danh sách theo dõi của sân bay vì sợ bỏ về Malaysia trốn nợ.

    Căn hộ của nữ sinh viên chứa hàng trăm món đồ hiệu mua bằng tiền thấu chi. Tháng 3/2016, Christine trốn tránh liên lạc với phía ngân hàng, không chịu xuất hiện tại tòa nên bị phát lệnh bắt giữ. Ngày 4/5/2016, nữ sinh viên bị bắt khi chuẩn bị lên máy bay về Malaysia với tấm hộ chiếu khẩn, trong khi trước đó cô nói bị mất hộ chiếu.

    Christine bị cáo buộc về tội Lừa dối nhằm đạt lợi ích tài chính và Cố ý tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Luật sư của Christine bào chữa rằng không có sự lừa dối vì cô nghĩ đó là tiền do bố mẹ gửi sang. Thẩm phán cũng nhận định số tiền Christine tiêu không thể được coi là do phạm tội mà có vì chính ngân hàng cung cấp cho cô gái hạn mức thấu chi không giới hạn. Rất khó để chứng minh hành vi phạm tội nên Christine chỉ nợ tiền, chứ không có hành vi trái luật.

    Công tố viên đồng ý bãi bỏ cáo trạng vì khả năng Christine bị kết tội là không cao, căn cứ vào một sự việc tương tự vừa xảy ra tại Australia. Theo đó, tài khoản ngân hàng Luke Moore vì lỗi hệ thống đã cho phép bị cáo rút tiền vô hạn. Sau 50 lần rút và được lợi 2,1 triệu AUD, Luke Moore bị tòa sơ thẩm kết án Lừa dối nhằm đạt lợi ích tài chính vào năm 2015. Tới năm 2016, tòa phúc thẩm tuyên Luke Moore vô tội vì không có yếu tố lừa dối, bất chấp hành vi thiếu trung thực của bị cáo.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Hai sinh viên đại học bị cáo buộc đã lợi dụng chính sách đổi trả thiết bị của Apple để tráo đổi hơn một nghìn chiếc iPhone giả.

    Theo The Verge, hai sinh viên kỹ thuật tại Oregon đã thực hiện một kế hoạch phức tạp nhằm trộm tiền của Apple, thông qua các thiết bị giả và chính sách hoàn trả sản phẩm lỗi của hãng. Bắt đầu từ năm 2017, hai người này đã nhập lậu hàng nghìn chiếc iPhone giả từ Trung Quốc vào Mỹ, sau đó gửi chúng cho Apple để yêu cầu sửa chữa hoặc thay thế với lý do không khởi động được.

    Apple thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm vì nạn lừa đảo thông qua chương trình đổi trả thiết bị.

    Yangyang Zhou, người vừa hoàn thành bằng kỹ sư tại Đại học bang Oregon, đã chịu trách nhiệm đưa các lô hàng giả vào Mỹ và gửi iPhone thật về Trung Quốc. Đồng phạm tên Quan Jiang, học ngành kỹ thuật tại trường cao đẳng cộng đồng Linn Benton, gửi chuyển phát hoặc trực tiếp mang điện thoại giả đến cửa hàng Apple để yêu cầu thay thế. Sau khi những chiếc iPhone thật được gửi về Trung Quốc để bán kiếm lời, đối tác sẽ chuyển tiền cho mẹ Jiang. Người phụ nữ này sẽ gửi tiền vào một tài khoản của Jiang ở Mỹ.

    Cả Jiang và Zhou đều khẳng định họ không biết những chiếc điện thoại họ đem đi đổi sửa là hàng giả. Tuy vậy, Jiang vẫn bị buộc tội buôn bán trái phép hàng giả và phạm tội lừa đảo có tổ chức, hiện bị quản chế và phải đeo thiết bị GPS để theo dõi. Còn Zhou bị buộc tội xuất khẩu hàng hóa bất hợp pháp.

    Một nhân viên của Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết những kẻ phạm tội đã lợi dụng việc nhân viên của Apple Store không thể xác minh thiết bị vì chúng không bật được nguồn. Apple cũng không yêu cầu bằng chứng xác thực việc mua hàng trước khi thay mới điện thoại.

    Jiang bị cáo buộc đã nộp 3.069 yêu cầu bảo hành và Apple đã đổi trả thiết bị mới 1.493 lần. Với giá trị ước tính khoảng 600 USD cho mỗi chiếc điện thoại, Apple đã thiệt hại khoảng 900.000 USD. Vào tháng 6 và tháng 7/2017, Apple đã gửi thông báo tới địa chỉ của Jiang để nói rằng công ty biết anh ta đang nhập khẩu iPhone giả. Tuy nhiên, Jiang không phản hồi.

    Năm ngoái, một công dân Trung Quốc sống ở New Jersey cũng sử dụng visa du học để bán iPhone và iPad giả, bỏ túi gần 1,1 triệu USD. Tháng trước, một người đàn ông Litva đã phạm tội lừa đảo cả Google và Facebook với số tiền trị giá lên tới 100 triệu USD, bằng cách gửi hóa đơn giả qua email và giả làm một công ty phần cứng của Đài Loan.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Nghi phạm sử dụng kênh YouTube và quảng cáo trên đài truyền hình, phát thanh tiếng Việt để lừa tiền người cao tuổi gốc Việt ở bang California. 

    Hai mục sư đứng đầu nhà thờ Church of the Healthy Self (CHS) ở Westminster, hạt Cam, bang California, Mỹ bị tố cáo lừa đảo 25 triệu USD của hàng trăm người Việt.

    Nhà thờ Church for the Healthy Self ở Westminster, California, Mỹ. Ảnh: OCR.

    Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nghi ngờ hai mục sư của CHS đã dùng số tiền lừa đảo mua đồng hồ hiệu, xe hơi hạng sang, quần áo đắt tiền, súng, và trả 7.500-11.000 USD mỗi tháng tiền thuê nhiều văn phòng ở thành phố biển Newport Beach, phía nam bang California, theo tài liệu của tòa công bố ngày 29/3.

    Hồi đầu tháng ba, tòa án địa phương đã đóng băng tài sản của nhà thờ theo đề nghị của Ủy Ban Chứng Khoán (SEC). Đến ngày 14/3, nhà thờ này bị đóng cửa. 

    SEC cho biết mục sư tự xưng Kent R.E. Whitney, 37 tuổi, sống ở thành phố Newport Beach đã thành lập nhà thờ CHS vào năm 2014, chỉ ba tháng sau khi mãn hạn 44 tháng tù vì tội lừa đảo 600.000 USD của 10 nhà đầu tư trong một vụ lừa đảo với quy mô lên tới 96 triệu USD.

    David Lee Parrish, 47 tuổi, bị cáo buộc từng hỗ trợ Whitney trong vụ lừa đảo trước kia, cũng tự xưng là mục sư tại nhà thờ CHS, theo SEC.

    Mục sư Kent R.E. Whitney, người sáng lập CHS. Ảnh: YouTube.

    Hiện Whitney và Parrish chưa bị truy tố và FBI vẫn đang trong giai đoạn điều tra, theo bà Kyra Andrassy, luật sư do tòa án chỉ định phụ trách việc lên danh sách nạn nhân và giá trị tài sản bị lừa đảo.

    Kể từ khi tài sản của nhà thờ bị đóng băng, FBI đã thu hồi được khoảng 4,4 triệu USD từ các tài khoản ngân hàng. Người ta cho rằng đa số nạn nhân trong vụ lừa đảo này là người cao tuổi gốc Việt sống ở Westminster và San Jose, bang California.

    "Những người gửi tiền này bây giờ có thể không còn đồng nào để trả các khoản vay thế chấp nhà cửa với ngân hàng, hóa đơn điện nước, bảo hiểm và các chi phí sinh hoạt hàng ngày khác", SEC cho biết. "Một số nhà đầu tư có vẻ đã mất hết tiền".

    Theo hồ sơ tòa án, nghi phạm Whitney trở thành mục sư hồi tháng 8/2014 sau một chương trình đào tạo mục sư trên mạng. Một tháng sau, Whitney thành lập nhà thờ CHS.

    SEC mô tả trên trang web của nhà thờ này có đường link dẫn đến các kênh YouTube, trên đó có những video mang tính tôn giáo và các hình thức cầu nguyện qua Internet. Nhà thờ này sử dụng video trên YouTube và quảng cáo trên các đài truyền hình, phát thanh tiếng Việt ở Orange County và San Jose để dụ dỗ người đầu tư. "Nhiệm vụ chính của nhà thờ này là tìm nguồn tài chính", SEC cho biết.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Có mặt ở các địa điểm mà chỉ người nổi tiếng mới lui tới, không ngần ngại 'boa' tờ 100 USD…, Anna Sorokin khiến tất cả tin rằng mình là người thừa kế 60 triệu USD. 

    Nhưng phía sau cuộc sống trên mây và những câu chuyện bất tận về tiền bạc là một cô gái lừa đảo. Sorokin đã lừa bạn bè, lừa cả ngân hàng và khách sạn để trải nghiệm cảm giác một cuộc sống đẳng cấp nhất, các công tố viên nói.

    Hôm 27-3 (giờ Mỹ), Sorokin đã ra tòa vì tội đánh cắp, chiếm dụng tài sản phi pháp bằng cách lừa đảo cá nhân và doanh nghiệp. Người phụ nữ 28 tuổi này đã có 10 tháng phiêu lưu với cuộc sống xa xỉ trên số tiền lừa đảo 275.000 USD.

    Văn phòng luật sư quận Manhattan (New York) nêu vi phạm của Sorokin, trong đó người phụ nữ này sống tại những phòng khách sạn hạng sang ở New York mà bản thân không có tiền trả. Để giải quyết, Sorokin hứa với người bạn rằng sẽ tài trợ 100% cho người này một chuyến đi tới Morocco, sau đó… giam người bạn ở lại với hóa đơn lên tới 62.000 USD.

    Công tố viên Catherine McCaw hồi tháng 10-2017 từng nói sau khi bắt Sorokin: "Kế hoạch của cô ta là tự nhận mình là một người thừa kế giàu có ở Đức, với tài sản khoảng 60 triệu USD đang được giữ ở nước ngoài. Cô ta sinh ra ở Nga, và xét theo những gì chúng tôi được biết tới nay thì cô ta chẳng có một xu nào cả".

    Luật sư Todd Spodek nói với bồi thẩm đoàn rằng Sorokin đã tìm cách khai thác một hệ thống vốn dĩ "dễ dàng bị dụ dỗ bằng sự xa hoa và hào nhoáng", sau khi cô này thấy được rằng hình thức bên ngoài có tác dụng ghê gớm thế nào.

    Theo Spodek, Sorokin chỉ đơn thuần câu giờ để có thể mở một doanh nghiệp và sau đó trả lại nợ. Vì vậy, "Anna phải giả tạo cho tới khi cô ta có thể thực sự làm được việc đó".

    Sorokin đã bị giam từ lúc bị áp giải và hiện đối mặt với việc bị trục xuất về Đức bất kể kết quả phiên tòa thế nào, do bản thân cô này đã quá hạn thị thực.

    Nhưng cú lừa ngoạn mục của cô đã trở thành đề tài trên HBO cũng như các series truyền hình như Grey's Anatomy và Scandal để sản xuất cho Netflix. 

    Anna Sorokin tại tòa án - Ảnh: DailyMail

     

    Năm 2016, Sorokin bắt đầu hành trình tới với thế giới xa xỉ bằng cái tên giả Anna Delvey và một tủ quần áo hàng hiệu, từ kính Celine, giày Gucci cho tới các sản phẩm đắt tiền của Net-a-Porter hay Elyse Walker.

    Theo những người quen biết kể lại, cô gái này đã nói dối hàng loạt người, từ tài xế Uber cho tới nhân viên khách sạn. Nhưng trong một số thời điểm khác, Sorokin còn nói mình là con gái một nhà ngoại giao, ái nữ một ông trùm dầu mỏ.

    Trong thực tế, như lời cha của cô kể lại với tạp chí New York, ông ta chỉ là người từng lái xe tải, hiện đang sở hữu một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm và dịch vụ điều hòa.

    Có điều cô gái này nói dối quá tài tình và khiến tất cả mắc bẫy rồi sập nợ. Rachel Williams, người bạn của Sorokin trong chuyến đi Morocco, kể lại trên Vanity Fair như sau: "Đó là trò lừa ma quái. Thật xấu hổ khi tôi là một trong những khán giả cho vai diễn của cô ta. Những gì Anna thể hiện là một giấc mơ đẹp về New York, như một trong những đêm không bao giờ tàn. Và thế rồi các hóa đơn trả tiền kéo đến".

    Theo các công tố viên, vào tháng 11-2016 Sorokin còn cố gắng lừa đảo các ngân hàng để vay đến 22 triệu USD nhưng bị từ chối.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Một người phụ nữ có hành vi lừa đảo tiền từ thiện bằng cách giả vờ mắc ung thư và sử dụng giấy tờ chứng nhận giả đã bị kết án tù.

    Patricia Robertshaw, 42 tuổi, đã dùng hồ sơ giả mạo để có được vị trí quản lý sự kiện tại quỹ Nghiên cứu Ung thư Yorkshire, ở Harrowgate. Sau đó, bà ta đã nói dối về tình trạng bệnh tật của mình và nhận ba tháng tiền trợ cấp đau bệnh trong khi giả vờ đang phải tiến hành xạ trị.

    Patricia Robertshaw

    Trên thực tế, bà ta đã sử dụng thời gian được nghỉ để nộp đơn xin công việc khác bằng các bằng cấp giả mạo, bao gồm một bằng thạc sĩ khoa học và một bằng tiến sĩ từ trường Đại học Leeds.

    Bà ta cũng nói mình có bằng thạc sĩ quản lý dự án từ trường Leeds Metropolitan, tấm bằng từng giúp bà ta kiếm được 10,250 bảng một năm từ quỹ từ thiện. 

    Trong khoảng thời gian từ tháng chín năm 2015 đến tháng Mười một năm 2017, bà ta kiếm được tổng cộng 86,833 bảng tại tổ chức kể trên, bao gồm tiền lương tăng thêm.

    Cuối cùng, Robertshaw cũng bị phát hiện khi một nhân viên tại quỹ từ thiện ung thư quét mã QR mà bà ta cung cấp trong hồ sơ nghỉ ốm và nhận thấy mã này không có thực.

    Bà ta bị buộc bốn tội danh lừa đảo và một tội danh giả mạo giấy tờ. Bản án dành cho người phụ nữ dối trá này là bốn năm năm tháng tù giam.

    VietHome (Theo Metro)