Lời rủ rê "trói mình dưới gầm xe tải" để vào nước Anh

Hơn 3 năm trước, một ngày mùa hè nắng nóng ở xứ Nghệ, tôi nhận được cuộc điện thoại của người em đồng hương đang ở Anh. Cậu ấy biết hoàn cảnh tôi khó khăn về kinh tế nên rủ tôi di cư bất hợp pháp đến Anh."Qua đây với em, bay qua Nga rồi đi đường bộ sang Anh", cậu em nói.

Lời rủ rê khiến tôi không khỏi bất ngờ vì chỉ mấy tháng trước đó xảy ra sự việc thương tâm: 39 người Việt chết trong container ở Essex, Anh Quốc. Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, cậu em nói: "Có cách để đi. Xe đông lạnh bị hải quan soi kĩ thì trói mình nằm dưới gầm xe tải". Nói rồi cậu ấy bật chế độ gọi camera cho tôi xem bên trong ngôi nhà đang ở, đâu đó vùng Đông Bắc nước Anh.

Không cần suy nghĩ nhiều, tôi từ chối lời "mời gọi" của cậu em và khuyên cậu ta nên thu xếp sớm về nước, tìm công việc lao động lương thiện. "Bỏ đi mà làm người", tôi nói khi nhìn khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu của cậu.

Tôi nhớ đến câu chuyện trên khi mới đây đọc bản tin ở báo Dân trí về việc Bộ Ngoại giao cho biết cảnh sát Pháp đã phát hiện 6 phụ nữ trong đó có 4 người được cho là công dân Việt Nam trong một xe chở hàng đông lạnh tại Rhone, thành phố Lyon, Pháp. Sự việc xảy ra ngày 27/9.

troi minh duoi gam xe tai
Cảnh sát Pháp giải cứu 6 phụ nữ, trong đó có 4 người Việt trong một xe chở hàng đông lạnh tại thành phố Lyon, Pháp hôm 27/9 (Ảnh: BBC).

Không khó đoán công việc của các lao động di cư bất hợp pháp ở Anh và một số nước phát triển ở châu Âu, ở Úc… nếu bạn tìm hiểu thông tin trên internet, ít nhất thì đó là công việc không có giấy phép lao động theo quy định của nhà chức trách sở tại. Di cư trong cảnh nguy hiểm luôn rình rập, nếu trót lọt thì công việc và cuộc sống chui lủi ngày này qua tháng khác, nhưng vì sao nhiều người vẫn bất chấp tất cả chọn con đường này? Câu trả lời đơn giản nhất là để kiếm tiền, để chạy theo giấc mơ giàu nhanh.

Nhưng, đó có phải là đồng tiền đáng để một số bạn trẻ bất chấp sinh mạng của mình? Tôi từng ở trong hoàn cảnh như vậy, nên từ chính cuộc đời mình, tôi xin nói ngay rằng hoàn toàn không đáng để chúng ta chọn con đường rủi ro ấy, không chỉ vì nó là con đường bất hợp pháp mà trước hết vì cái giá phải trả có thể là tất cả.

Năm 2013, tôi từ bỏ công việc ổn định ở quê nhà sang Úc tìm cơ hội mới. Mục đích ban đầu là đi học, nhưng không lâu sau đó tôi dần trượt chân vào nghề trồng cần sa, tiếng lóng gọi là "dân chăn mèo". "Mèo" ở đây ám chỉ cảnh sát Úc - đối tượng mà những kẻ trồng cần sa phải tìm mọi thủ đoạn để qua mặt.

Tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên với công việc tội lỗi này và ngày càng lún sâu cho đến khi bị cảnh sát Úc bắt vào tháng 8/2017. Đó là một ngày tiết trời khá lạnh ở Úc, hai bàn tay tôi nằm trong chiếc còng lạnh buốt, xung quanh là đèn nháy của đoàn xe cảnh sát và đèn chiếu từ chiếc trực thăng bay phía trên. Cảnh mà hồi nhỏ tôi thường xem trên phim thì lúc đó tôi là kẻ trong cuộc.

Tết nguyên đán 2017 tại nhà tù Fulham, tiểu bang Victoria (Úc), lòng tôi se sắt u buồn, càng buồn hơn khi nhìn một số đồng hương người Việt cũng đang thẫn thờ đếm thời gian qua và dường như trong lòng ai nấy đều tự hỏi ở quê nhà giờ này người thân đang làm gì, có gói bánh chưng không.

Tôi nhớ mãi trong một đêm tù viễn xứ lạnh lẽo, người bạn tù đồng hương tâm sự "Anh ạ! Ban đầu em cũng sang Úc làm farm (nông trại) nhưng sau nghe mọi người kể về thằng D cũng ở xứ này, nó đi sau em mà nay đã xây nhà khang trang cho bố mẹ rồi. Em thừa biết nó làm gì vì cứ đi Úc mà giàu nhanh thì chỉ có "dân chăn mèo". Thế là em nhảy vào con đường này, vụ đầu trồng cần sa chủ trừ hết chi phí, sang vụ thứ hai thu lãi bằng đúng căn nhà ở làng quê cho bố mẹ, thế nhưng chưa kịp đến vụ thứ ba thì vào đây"

Đêm đó, vì nhà tù gần biển nên chúng tôi nghe được tiếng gió thổi rất mạnh, xoáy vào những bức tường bê tông trong đêm tối mịt mù tạo thành những âm thanh ghê rợn. Tôi cảm giác thứ âm thanh đó dội vào đầu mình như tiếng hú từ những con tàu bị đắm…

Theo quy định của chính quyền sở tại, tôi bị di chuyển qua 5 nhà tù khắp tiểu bang Victoria, đi đâu cũng vậy, cứ gặp phạm nhân Tây là họ hỏi tôi "cậu bị bắt vì trồng cần sa phải không?".

Những năm tháng trong tù, tôi luôn dằn vặt bản thân "tại sao mình lại chấp nhận cái giá đau đớn, thậm chí suýt bỏ mạng để lao vào cuộc mưu sinh bất hợp pháp và bất trắc này". Khi được ra tù, về nước, tôi viết hai cuốn sách được cấp giấy phép xuất bản là "Đường xanh viễn xứ" và "Nếu không có ngày mai", kể lại cuộc đời mình với mong muốn các bạn trẻ nếu đọc sách sẽ rút ra được bài học hữu ích nào đó, tránh lầm đường lạc lối như tôi.

Tôi cũng như những ai đã lỡ chọn con đường bất trắc này không thể đổ lỗi cho cái nghèo, cũng không thể nói rằng bị lừa. Tất cả là do chúng ta chủ động lựa chọn, tìm hiểu thông tin và muốn đi được cũng phải "nộp" từ 500 triệu đồng đến một tỷ đồng, để rồi biến mình thành con bài đỏ đen trong cuộc chơi của số phận. Chúng ta đã coi rẻ phẩm giá con người, phẩm giá của chính mình để bước tới những cuộc phiêu lưu, rượt đuổi đồng tiền tội lỗi nơi xứ người.

Sau khi về nước, tôi chọn cuộc sống hoàn lương, bình yên với gia đình, chuộc lỗi và báo hiếu mẹ già. Những lời rủ rê đi lại con đường tội lỗi tiếp tục đến với tôi, gần đây một người quen khi tôi đang ở Úc lại gọi điện rủ tôi qua một nước ở Đông Nam Á, nhưng tôi đều bỏ ngoài tai tất cả.

Không đi, ở nhà lao động lương thiện có sao đâu, còn đi chui trốn lủi như vậy thì rủi ro ập đến bất cứ lúc nào.

Tác giảNguyễn Tô Giang tốt nghiệp Tổng hợp Văn (nay là khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) năm 2002. Trước năm 2013, anh là biên tập viên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nghệ An. Hiện Tô Giang sinh sống và làm việc tại quê nhà, thành phố Vinh, Nghệ An.

Theo Dân Trí