Báo Anh tiếp tục điều tra người Việt không giấy tờ tại các tiệm nail

Phóng viên Peter Smith của tờ ITV News tiếp tục serie bài viết điều tra ngành công nghiệp buôn người Việt Nam đến Anh, bắt đầu từ các làng quê ở VN nơi những chuyến hành trình được ấp ủ giữa gia đình chòm xóm, đến chặng đường chông gai qua châu Âu để đặt chân đến Anh.

phong van tho nail 1

Buôn người là một ngành công nghiệp trong bóng tối, nhưng tại Anh quốc nó lại bành trướng rõ mồn một. Tại các tiệm nail trên khắp các con phố, phóng viên ITV News đã thu thập được bằng chứng từ những người thợ nail được đưa đến Anh bất hợp pháp.

Sử dụng máy ghi âm bí mật, phóng viên hỏi một thợ nail: "Bạn có giấy tờ hợp pháp để làm việc ở đây không?". "Không, chưa", người này trả lời.

Hàng ngàn người vẫn bất chấp tính mạng vượt biên mỗi năm. Họ băng qua eo biển trên những chiếc xuồng hơi ọp ẹp, mơ tưởng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Toàn bộ ngành công nghiệp này ở UK được xây dựng dựa trên nỗi tuyệt vọng và khát khao của họ. Dù chính phủ Anh đã nỗ lực không mệt mỏi nhằm ngăn chặn thuyền nhỏ, thế nhưng ngành công nghiệp này vẫn không ngừng nở rộ. Những tiệm nail này không thể chỉ nhìn trên bề mặt.

"Tôi đến Anh cách đây 6 tháng", một thợ nail khác nói. Anh ấy nói mình đi xuồng vào Anh, "Chuyến đi từ Pháp tới Anh mất 6 tiếng".

phong van tho nail 2
Ngành công nghiệp buôn người ở VN bắt đầu từ thôn quê với lời hứa hẹn một cuộc sống màu hồng ở châu Âu. Ảnh: ITV News

phong van tho nail 2
Những người nợ nần, hoặc nam giới lớn tuổi không thể xin việc trong tiệm nail thường sẽ chuyển sang trồng cần sa. Ảnh: ITV News

Tại bờ biển Pháp, họ có 2 lựa chọn, hoặc là lên xuồng nhỏ vượt eo biển, hoặc trốn trong thùng xe tải đi qua hầm. Đi xuồng nhỏ sẽ rẻ hơn, nhưng nguy hiểm hơn. Có khoảng 45-55 người chen chúc trên một chiếc xuồng.

Một người vượt biên cho biết anh đã vay nặng lãi £20,000 để trả cho đường dây buôn người. Chúng tôi gặp gỡ lúc anh còn ở VN. Anh nói rằng sẽ bắt đầu trả nợ khi đặt chân đến UK. 4 năm sau tôi gặp lại anh. Anh đã kể về cuộc sống khủng khiếp của mình ở UK.

"Tôi bị đưa vào một căn nhà trồng cần sa. Bọn họ bảo công việc của tôi là chăm sóc cây cho tới khi trả xong nợ. Họ khóa cửa rồi bỏ mặc tôi. Tôi ở trong nhà suốt 1 năm, chưa bao giờ ra ngoài", anh kể.

Trồng cần sa là một khía cạnh nham hiểm trong những thương vụ buôn người. Những người nợ nần nhiều hoặc nam giới lớn tuổi không xin được việc trong tiệm nail, thường sẽ bị dồn đến con đường trồng cần sa.

Rất nhiều ngôi nhà ở Anh quốc đã bị các băng nhóm gốc Việt cải tạo thành trại cần sa. Bọn chúng có tổ chức và thường xuyên bóc lột những người thợ làm vườn.

"Tôi không được trả 1 xu. Tôi còn con cái ở nhà và gia đình ở quê trông chờ tôi gửi tiền về. Một ngày nọ khi có cơ hội tôi đã bỏ trốn. Nhưng tôi không biết đi đâu. Tôi không thể nhờ ai giúp đỡ, tôi rất sợ bị trục xuất", anh nói.

Tôi nói với anh rằng Chính phủ Anh muốn ngăn chặn xuồng nhỏ, và hỏi anh có sợ bị trục xuất không. Anh nói: "Tôi sợ bọn chúng tóm được tôi hơn là sợ cảnh sát. Bọn chúng đã từng giết người. Nhưng tôi có nghe nói tới kế hoạch Rwanda. Thật khủng khiếp. Một số người Việt Nam có thể e ngại không muốn đến Anh nữa, nhưng tôi nghĩ chính phủ Anh nên nhân đạo hơn. Nước Anh cần lao động, hãy để cho tôi làm việc".

phong van tho nail 5
Trên mạng xã hội đăng đầy những bài rao tìm người di cư trái phép. Ảnh: ITV News

Tại một tiệm nail khác, một người đàn ông kể rằng bạn của anh ta đã khai gian mình dưới 16 tuổi, nhờ đó mà được ở lại UK. "Gần đây tôi có nói chuyện với anh ta, tôi chỉ anh ta cách cư xử sao cho giống trẻ vị thành niên", anh này kể.

Chẳng hạn như đòi xin kẹo hoặc đồ chơi, để làm ra vẻ mình còn trẻ con. Nhưng thực chất người này đã trưởng thành, giờ phải giả làm trẻ em và sống với một gia đình nhận nuôi ở UK.

Các thợ nail bất hợp pháp cũng chỉ cho tôi cách để tìm việc. Họ giới thiệu các hội nhóm tìm thợ nail trên mạng xã hội. Vào xem, chúng tôi nhìn thấy những tin đăng tuyển người đi vượt biên.

Các tin này sử dụng những từ ngữ kí hiệu "ẩn ý" để quảng cáo dịch vụ buôn người. Chẳng hạn "33" là mã vùng điện thoại ở Pháp, "44 là mã vùng điện thoại ở Anh. Vì thế "33-44" nghĩa là đi từ Pháp đến Anh. Tin tuyển người nhấn mạnh rằng "bạn không cần bất cứ giấy tờ hợp pháp nào" vẫn đi đến UK được.

Chúng tôi thử gọi điện cho một tiệm nail gần London. Tiệm nail này cần thợ làm việc 60 tiếng/tuần.

"Tôi mới đến Anh, đến đây bằng xuồng", tôi nói chuyện với người phụ nữ qua điện thoại. Cô ấy nói "không thành vấn đề" và sẵn sàng trả tôi 700 bảng/tuần.

phong van tho nail 2Dù đã nói rõ là tôi không có giấy tờ, nhưng tôi vẫn được đề nghị mức lương £700/tuần, làm 60 tiếng/tuần tại một tiệm nail. Ảnh: ITV News

Chính phủ Anh hiện đang áp dụng mức phạt nặng đối với các doanh nghiệp bị phát hiện tuyển dụng người không có giấy tờ. Nhưng dữ liệu cho thấy số người VN bị buôn đến UK vẫn không hề giảm xuống. Nhưng ngày càng ít nạn nhân Việt đủ dũng cảm để bước ra ánh sáng tìm kiếm sự giúp đỡ. Vì sợ bị trục xuất nên họ mãi bị xiềng xích trong lòng bàn tay của bọn buôn người.

Ngành công nghiệp buôn người chưa hề dao động. Nó đem lại tiền bạc cho các băng đẳng tội phạm, nên UK vẫn sẽ là đích đến cuối cùng, vẫn là thiên đường hấp dẫn đối với những người Việt khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài liên quan: Báo Anh phanh phui lộ trình sang Anh của người Việt

Phóng viên ITV News thâm nhập đường dây buôn người ở Nghệ An

Viethome (theo ITV News)