Phóng viên ITV News thâm nhập đường dây buôn người ở Nghệ An

Phóng viên ITV News, Peter Smith, vừa cung cấp cho người đọc một báo cáo đặc biệt về các đường dây buôn người, hàng ngàn người di cư Việt Nam đã được đưa đến Anh quốc mỗi năm.

Ở VN có một câu nói để mô tả về tỉnh Nghệ An, đó là câu: "Chó ăn đá, gà ăn sỏi." Đây là một nơi nắng nóng, khó sinh sống làm ăn, đây cũng là cái nôi của nạn buôn người. 

Khi 39 người VN được phát hiện trong chiếc xe tải ở Essex cách đây 4 năm, phần lớn họ đến từ Nghệ An. Phóng viên ITV News đã gặp một phụ nữ có anh trai là nạn nhân trên chiếc xe tải ấy. Gia đình cô đã vay mượn 20,000 bảng từ bọn buôn người. Dù anh cô đã thiệt mạng, nhưng món nợ vẫn phải trả. Cô không chỉ mất anh trai, mà chồng của cô cũng sắp lên đường tới Anh theo cách này. 

"Dĩ nhiên tôi rất lo sợ cho sự an nguy của chồng. Nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác", cô nói. 

Khoảng 70% người dân trong độ tuổi lao động ở Nghệ An đều đã xuất ngoại. ITV News thắc mắc họ lấy tiền đâu để đi. "Chúng tôi vay mượn. Mượn từ người thân, nếu không đủ thì mượn ngân hàng. Nếu vẫn thiếu thì đi vay nặng lãi", người chồng nói. 

phong vien itv nghe an 1
Phóng viên ITV News gặp gỡ một gia đình sẵn sàng đánh cược cho hành trình sang Anh.

Chúng tôi cho 2 vợ chồng xem hình ảnh những chiếc xuồng ọp ẹp mà bọn buôn người dùng để đưa người di cư băng eo biển Anh. Người chồng nói anh biết đây là hành vi bất hợp pháp, anh có thể mất mạng. "Nhưng nếu tôi ở đây, món nợ sẽ ám ảnh gia đình tôi, rồi các con tôi sẽ phải gánh nợ, chúng tôi sẽ nghèo mãi. Tôi ước gì có một cách nào đó an toàn, hợp pháp để đến Anh. Nhưng nếu xuồng nhỏ là lựa chọn duy nhất, tôi sẵn sàng lên thuyền", anh nói. 

Phần lớn người dân đều chưa từng gặp tổ chức buôn người, họ chỉ trả tiền cho môi giới trung gian. Còn các tổ chức buôn người điều hành mọi thứ trong bóng tối. Nhưng bọn chúng lại có "người đại diện" ở đây. Những người đại diện này sẵn sàng cung cấp lời khuyên về việc đi sang Anh. 

Phóng viên ITV News đã đóng vai một người dân muốn đi nước ngoài, phóng viên đã gặp "người đại diện" này và ghi âm lại cuộc trò chuyện bằng camera bí mật. 

Người đại diện nói rằng họ có thể đưa chúng tôi thẳng đến Anh, không cần phải đi xuồng hay xe tải. "Lúc trước không đi thế được, nhưng bây giờ thì đi được em ạ", người này nói. 

Rồi người này cho chúng tôi xem bằng chứng: đó là một video quay hình ảnh 1 thanh niên VN đã đến London an toàn. Thanh niên này chỉ khoảng 15 tuổi và đang làm việc trong một tiệm nail. 

Chúng tôi hỏi: "Vậy còn cảnh sát thì sao?". "Không ai rảnh đi tìm nó đâu", người này trả lời.

Nợ nần và nghèo đói là lý do cho sự phát triển của ngành công nghiệp buôn người ở Nghệ An - một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Hầu hết người dân đều không có việc làm. Nghề trồng lúa chỉ kiếm được chưa đến 1 bảng/ngày. 

Nhờ xuất ngoại (bằng hình thức buôn người) mà dân làng phất lên. Người nào đã an ổn ở UK, sẽ tiếp tục giúp người khác vượt biên đến Anh. 

phong vien itv nghe an 1
Làm ruộng chỉ kiếm được chưa tới 1 bảng/ngày. Ảnh: ITV News

Chúng tôi đến một ngôi làng đã từng là làng thuần nông, nhưng hiện nay nó được gọi là "làng tỉ phú". Nhà mới xây mọc lên san sát. Những ngôi nhà to lớn đồ sộ đã thay cho lời quảng cáo của bọn buôn người. Nhiều người đã học ngoại ngữ và tập làm móng trước khi xuất ngoại. Họ muốn làm việc ngay khi tới nơi để nhanh chóng trả nợ nần. 

Chúng tôi thâm nhập vào một trong những viện đào tạo lớn nhất khu vực, nơi những thanh niên 17-19 tuổi háo hức theo học nghề để chuẩn bị vượt biên. 

Viện đào tạo này được tổ chức rất chuyên nghiệp, và cung cấp dịch vụ tư vấn cho những người muốn đi UK. Một cô gái tâm sự với phóng viên ITV News rằng cô muốn làm việc ở Anh. "Em muốn mở một tiệm nail", đó là ước mơ của cô. 

phong vien itv nghe an 1
Một ngôi làng thuần nông nay đã trở thành "làng tỉ phú". Ảnh: ITV News

Đối với những ai không đủ tiền để đi đường thẳng đến UK, họ có thể lựa chọn những hành trình rẻ và rủi ro hơn. Chúng tôi đã liên hệ được một người nhập cư, người này đã quay lại toàn bộ hành trình của anh từ VN. 

Anh đến Hungary bằng visa lao động do đường dây buôn người VN cung cấp. Nhưng sau khi đến châu Âu, anh bị đùn đẩy qua những đường dây buôn người khác. Và không tránh khỏi bị bóc lột. Phụ nữ trẻ rất dễ bị lạm dụng tình dục, hoặc phải làm việc trong nhà thổ. 

Trong một đoạn clip, chúng tôi nghe thấy một giọng nói hoang mang phía sau xe tải của bọn buôn người: "Có ai biết đây là nước nào không?". "Không biết", những người nhập cư khác trả lời. 

Bọn buôn người nói tiếng Nga bằng phương ngữ Ukraine. Bọn chúng đang nói về việc đón thêm người di cư từ một chiếc xe khác.

Có những tổ chức đưa người xuất ngoại hợp pháp ở VN, họ xin visa lao động và du học hợp pháp ở nước ngoài. Nhưng những người làm ăn hợp pháp lại phải cạnh tranh với những kẻ làm ăn bất hợp pháp.

Hien, một đại lý hợp pháp, nói với ITV News: "Anh là quốc gia khắt khe nhất và khó nhất để xin visa lao động, nhưng đó cũng là mảnh đất đầy hứa hẹn với người lao động VN. Nhưng rất khó để đi con đường hợp pháp. Tại sao không tạo ra nhiều con đường hợp pháp và an toàn để người Việt có thể đến Anh làm việc? Chẳng phải nước Anh thiếu lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vì họ có dân số già sao? Lao động Việt có thể lấp vào chỗ trống đó. Thiếu cơ hội hợp pháp đã đẩy người lao động vào con đường nguy hiểm".

phong vien itv nghe an 1
Hien đang vận động để tìm kiếm những con đường hợp pháp cho người lao động sang Anh. Ảnh: ITV News

Trước khi rời khỏi VN, phóng viên ITV News quay trở lại ngôi nhà của cặp vợ chồng đã trả tiền cho đường dây buôn người. Người chồng đã nhận được thông báo sẵn sàng khởi hành. Hành lý đã được sắp xếp gọn ghẽ chỉ trong 1 ba lô. 

"Ở bên Anh có dễ kiếm việc không", người chồng hỏi phóng viên ITV News. 

"Rất khó. Thời gian đầu sẽ rất khó tìm việc", chúng tôi trả lời.

Người chồng bịn rịn chia tay gia đình, chụp những tấm ảnh kỉ niệm. Liệu anh có bao giờ gặp lại con mình?... Tiếng điện thoại vang lên. Đã đến lúc đi rồi. 

Chính phủ Anh đã cảnh báo những người di cư trái phép rằng họ sẽ bị bắt, bị giam giữ và trục xuất. Nhưng những lời cảnh báo đó có là gì đối với dân Nghệ An. Ngay cả cái chết cũng không ngăn cản được họ.

Viethome (theo ITV News)