Người Việt lao động chui tại châu Âu: đã không còn dễ kiếm tiền như trước

Những năm gần đây, số lượng lao động VN đi làm việc ở nước ngoài qua các đường dây đưa người lao động bất hợp pháp, hay còn gọi là lao động chui, ngày càng gia tăng. 

Điều đáng nói là nhiều người bỏ ra rất nhiều tiền để bằng mọi cách đi sang nước ngoài tìm việc, bất chấp nguy cơ bị lừa gạt và đối mặt với những rủi ro.

Nếu như trước đây, dù là lao động chui không có giấy tờ sang châu Âu vẫn có thể kiếm được việc làm, thì hiện nay tình hình đã khác. Giấc mơ đổi đời chưa thấy đâu, chỉ thấy tình trạng thất nghiệp và rủi ro mà những người lao động chui phải đối diện ngày càng cao.

Ghi nhận tại CHLB Đức - 1 trong số những quốc gia có đông người Việt sinh sống nhất tại châu Âu hiện nay. Càng vào cuối năm thì trên các hội nhóm người Việt ở Đức, càng nhiều người đăng tin tìm việc. Phần lớn trong số họ là lao động chui. Nhiều người để ẩn danh nhưng cũng có người công khai là "không quần áo - kqa."

- "Nam thanh niên kqa đã đứng bếp được một thời gian, biết nấu đồ Thái quán tỉnh, anh chị nào cần inbox em ạ".

- "Em nữ thợ nail kqa cần tìm việc thợ nail, đi làm luôn ạ".

Tiếng lóng "không quần áo" chỉ người lao động chui vốn không còn xa lạ với cộng đồng Kiều bào. Hiện không có con số thống kê chính xác nào về số lượng lao động chui người Việt tại châu Âu. Nhưng trên một số trang MXH về giao dịch việc làm, lao động chui người Việt luôn tấp nập. Điều này cho thấy số lượng lao động chui không hề nhỏ.

lao dong nguoi viet tai duc
Một lao động Việt tại Đức trả lời phỏng vấn của VTV4

Ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên Hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu, cho biết: "Có một số chủ lao động chấp nhận tuyển lao động chui vì quy mô sản xuất hay kinh doanh của hộ nhỏ, hoặc là họ kinh doanh và sản xuất không phù hợp với pháp luật. Một phần nữa, những người lao động chui là những người quen biết với các chủ lao động, cho nên cũng có thể tham gia hoạt động chui này".

Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi. Trên một nhóm công khai có tới hơn 70.000 thành viên, những bài viết tìm việc làm liên tục được đăng tải. Điều đó cho thấy lao động chui giờ rất khó tìm được việc làm. 

"Trước đây nếu thuê những người không có giấy tờ hợp lệ từ VN sang thì người chủ có thể tiết kiệm được lên tới 70% chi phí nhân viên, nhưng hiện tại thì cảnh sát rất gắt gao đối với vấn đề lao động chui. Nếu bị phát hiện, người chủ có thể bị phạt tới vài chục nghìn euro", chủ một nhà hàng Việt tại Berlin cho biết.

Ngay cả với những lao động chui đã sang Đức từ vài năm trước, dù may mắn kiếm được việc làm, thì bây giờ cũng thấm mùi rủi ro từ hoàn cảnh lao động bất hợp pháp. 

"Kiếm tiền rất khó khăn do công việc thì ít, người thất nghiệp thì nhiều. Đi làm rất vất vả, giấy tờ không có, cũng chỉ đi làm công việc chân tay cho người Việt ở đây thôi. Lúc đầu chưa quen việc, mình làm tới 14-16 tiếng mỗi ngày. Công việc thì không ổn định", một lao động người Việt tại Đức cho biết. 

Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc, các nước ngày càng siết chặt chính sách nhập cư. Các cơ quan chức năng liên tục tiến hành truy quét, khiến sự mạo hiểm và đánh đổi của những người lao động chui ngày càng rõ rệt.

"Tôi khuyên mọi người bỏ ý định đi lao động ở châu Âu không qua con đường chính thống, bởi chịu rất nhiều rủi ro với bản thân trong quá trình di chuyển, mà vụ án 39 người Việt Nam thiệt mạng là một điển hình. Hơn nữa, không thể mua bảo hiểm y tế, sẽ rất khó khăn khi gặp các vấn đề sức khỏe. Và sống chui lủi. Khả năng bị giam giữ và trục xuất khá cao. Ở nhiều nước châu Âu, chính quyền không thừa nhận hợp lý hóa đối với giấy tờ tùy thân của người từ VN, kể cả vấn đề xin tị nạn cũng rất khó dù đã sinh sống ở đó rất lâu", ông Hoàng Đình Thắng cho biết.

"Thời tiết bên này thật ra không phù hợp, rất là khắc nghiệt. Tôi nghĩ rằng ai muốn sang đây hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin, đi theo con đường chính thống", một lao động người Việt khuyên. 

Theo VTV