Hôm nay các cửa tiệm, hàng quán ở London vẫn mở cửa như bình thường

London hôm nay vẫn mở cửa, nhiều cửa hàng và quán cà phê vẫn hoạt động như bình thường và có khách ổn định giữa mối lo về lệnh phong tỏa 12 tuần của ông Boris Johnson.

Hôm qua, người dân Anh được khuyên tránh xa các quán rượu, hộp đêm và rạp chiếu phim, rạp hát nhằm tránh sự di chuyển không cần thiết. Tuy nhiên, vì đây chưa phải là quy định bắt buộc nên hầu hết những nơi này vẫn mở cửa.

Tại Waterloo Station, các cửa hàng Pret, Costa, McDonald's và Bagel Factory vẫn đông khách xếp hàng sáng nay. 

Một buổi diễn do diễn viên Canada, William Shatner dẫn chương trình tại nhà hát Hammersmith Apollo vẫn có 70% khán giả vào đêm qua. London Palladium vẫn có một buổi biểu diễn vào tối nay.  

Khách hàng mua cà phê ở Pret.
Vẫn đông người xếp hàng tại McDonad's.

Một vài doanh nghiệp phàn nàn rằng được phép mở cửa nhưng lại vắng khách thật sự là điều tồi tệ nhất, vì họ sẽ không đòi được tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, một số khác nói với MailOnline rằng đằng nào thì họ cũng chẳng được bảo hiểm chi trả, nên tốt nhất là mở cửa hoạt động.

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak tiết lộ rằng hàng tỉ bảng Anh sắp được chi để giải cứu hàng nghìn doanh nghiệp. 

Hôm nay, các tiểu thương tại khu chợ Southbank ở London cho biết họ sợ đi làm sau khi chính phủ thuyết phục người dân ở nhà.

Nina Mainente, quản lý Big Melt café, cho biết: ''Chúng tôi cố gắng duy trì càng lâu càng tốt nhưng tôi không nghĩ chúng tôi sẽ sống sót. Người ta không đi ăn hàng nữa. Cách đây 2 hôm chúng tôi đã ra thực đơn mới nhưng vẫn không có khách. Rất vắng khách. Chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chuyện tới đâu thì hay tới đó thôi''. 

Sarra Darragi, chủ nhà hàng và quán bar Fitology Kitchen, nói: ''Chúng ta rồi sẽ phá sản hết. Tình hình hôm nay đã nguy kịch lắm rồi. Ai cũng lo sốt vó. Mùa đông khách đã rất vắng, chúng tôi chỉ có thể trông chờ vào mùa hè. Mà lại thế này đây''. 

Tại chợ Borough, các chủ sạp đang chứng kiến lượng khách giảm nghiêm trọng. 

Melodie Yahiaoui, chủ hàng thịt nguội Alpine Deli, nói: ''Không có khách du lịch, nhiều văn phòng quanh đây cho nhân viên nghỉ hết nên chúng tôi không có khách. Dù vậy chúng tôi vẫn phải bình tĩnh và tiếp tục''.

Jed Hall, bán cá tại sạp Shellseekers, nói: ''Rất yên ắng, tình hình càng lúc càng tệ. Chính phủ nói sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ nhưng liệu có hiệu quả gì không''.

Anh chàng bán phô-mai Matthew Cookson nói: ''Chính phủ nói mọi người vẫn có thể ra ngoài đi chợ nên chúng ta cứ hy vọng. Ở đây chỉ có tôi và 2 tiệm khác bán phô-mai, nên cũng không phải cạnh tranh lắm. Đây là những lý do giúp chúng tôi còn sống''.

Các phòng khám nha khoa có thể mở cửa như bình thường nhưng lại không mua được đồ bảo hộ, không được NHS hỗ trợ gì, trong khi nghề nghiệp của họ rất nguy hiểm.

Một số doanh nghiệp phản ứng giận dữ vì họ chỉ được khuyên nên đóng cửa, chứ không bị buộc phải đóng cửa, nghĩ là họ sẽ không đòi được tiền bảo hiểm. 

Nik Antona từ tổ chức Campaign for Real Ale, nói: ''Những hướng dẫn thiếu quyết đoán của chính phủ khiến các quán rượu rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Khách hàng sẽ rời bỏ họ, nhưng họ không được trả bảo hiểm và cũng không ai giúp họ qua nạn kiếp này''.

''Chính phủ không nói rõ là người dân nên tránh xa các quán rượu trong bao lâu, nhưng chắc chắn chỉ trong thời gian ngắn, các cửa tiệm ở đây sẽ sập và không bao giờ hồi phục được nữa''. 

Một nguồn tin nói với MailOnline rằng nhiều công ty đã bảo hiểm đã từ chối trả tiền cho các hàng quán phá sản, và dù có trả thì tiền cũng sẽ đến rất trễ, không thể đảo ngược tình thế. 

Một số công ty bảo hiểm đã nêu rõ trong hợp đồng là không trả tiền cho những trường hợp bất khả kháng. Chính phủ cần giúp doanh nghiệp trả lương ngay lúc này.

Viethome (theo Dailymail)