• Đề ra mục tiêu cao cho bản thân là điều tốt, nhưng một nghiên cứu mới đây cho rằng thanh thiếu niên ngày nay cần phải thực tế hơn.

    Một khảo sát đối với 2,098 đối tượng từ 13 đến 19 tuổi được thực hiện bởi Viga thay mặt cho công ty cung cấp dịch vụ tài chính OneFamily chỉ ra rằng thanh thiếu niên hy vọng có thể kiếm được trung bình 70,000 bảng khi tới độ tuổi 30. Con số này cao hơn gấp ba lần mức lương trung bình đối với người 30 tuổi trong thực tế.

    Những cô cậu tuổi teen không chỉ nhìn đời đầy mầu hồng khi nói về thu nhập trong tương lai.

    Gần một nửa (45%) cho rằng họ sẽ kiếm được công việc mà họ mơ ước trước tuổi 30, 21% hy vọng họ sẽ có công việc kinh doanh riêng và 47% tin rằng đến khi đó, họ đã đặt được chân lên những bậc thang nhà cửa.

    Họ cũng sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới và 41% đặt mục tiêu kết hôn và sinh con trước độ tuổi này.

    Và mặc dù lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ phần nào phản ánh những thay đổi trong xã hội, như những công việc phát triển game, blogger, ngôi sao Instagram, những việc làm truyền thống như kỹ sư, giáo viên, chuyên gia tâm lý vẫn là những lựa chọn phổ biến nhất.

    Dù hy vọng về mức lương trong tương lai của thanh thiếu niên có phần thiếu thực tế, nghiên cứu cũng chỉ rằng các em rất coi trọng việc được theo đuổi công việc mà mình thích, trong khi được làm việc với những người dễ mến (43%) và làm công việc mà mình có khả năng (25%) cũng là những nhân tố tác động quan trọng.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Nếu Việt Nam đang có 'trend nóng hổi' từ câu hỏi 'Tiền nhiều để làm gì?' của ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì ở Mỹ, tôi cũng như nhiều người khác phải 'vật vã' trả lời cho câu đảo vế 'Làm gì để có nhiều tiền?'.

    Làm nail là công việc được nhiều người Việt sang đây lựa chọn - Ảnh: PHAN QUỐC VINH

    Rất nhiều người Việt Nam sang đây sống “phẻ” nhờ hồi ở nhà có nhiều tài lẻ hay từng làm công việc tay chân cộng với đức tính chăm chỉ của người Á Đông.

    Có nhiều công việc khác nhau để mọi người tìm kiếm nhưng thường được chia thành 3 loại cơ bản: thứ nhất là kết hôn với người Mỹ rồi sang làm nội trợ, ở nhà chăm con; thứ nhì là bảo lãnh đoàn tụ gia đình sang định cư rồi được giới thiệu vào làm việc tại các hãng sản xuất, làm nail, phục vụ nhà hàng Việt hay điều dưỡng viên. Cuối cùng là sinh viên sang du học rồi xin được việc làm ở lại luôn.

    Xin lỗi tôi không thể nhận cậu!

    Riêng tôi thì không thuộc bất cứ vào diện nào kể trên cộng thêm với việc sinh sống tại thành phố Lubbock (tiểu bang Texas) không có nhiều cộng đồng người Việt Nam nên xin được công việc để mưu sinh không khác gì hái sao trên trời!

    Cầm đơn xin việc khá hoành tráng với nhiều kinh nghiệm trong ngành dịch vụ du lịch, tôi đến gõ cửa không chỉ một vài mà đến gần... 50 nhà hàng, khách sạn trong thành phố.

    Có nhiều “chướng ngại vật” khiến tôi chẳng thể lết “về đích” như: khai báo chủng tộc (làm sao người ta tuyển nhân viên châu Á vào phục vụ món Âu trong khi người Mỹ thất nghiệp đầy đường ra đó!), kinh nghiệm làm việc và mức lương (mới sang thì lấy đâu ra kinh nghiệm còn mức lương thì tính từ VND sang USD sẽ rất... buồn cười!), người giới thiệu (nhiều công việc nếu không có “bảo kê” thì không được xem xét hồ sơ), phương tiện đi làm phải tốt (chưa có việc làm thì lấy đâu ra tiền để mua xe xịn)...

    Cũng được vài nơi chiếu cố cho lọt đến vòng... phỏng vấn sơ bộ nhưng cuối cùng chỉ là ánh mắt ái ngại và câu cửa miệng “I am sorry” (Xin lỗi tôi không thể nhận cậu!)

    Rồi duyên việc làm cũng đến một cách tình cờ!

    Tác giả được giám đốc công ty Texas Tech Club trao giấy khen - Ảnh: NVCC

    Trong một lần đọc quảng cáo tuyển sinh viên làm phục vụ tại quán ăn Fat Tony Delicatessen chuyên bán hotdog, tôi quyết định tìm đến chỉ vì ông chủ ghi chú rằng phỏng vấn xong sẽ được tặng một phần ăn hotdog miễn phí mang về nhà ăn thử (một cách quảng cáo trá hình đây mà!)

    Khi đến thì ông đang vật lộn với đống giấy tờ hóa đơn cùng với chiếc laptop cũ kỹ. Ông gọi tôi đến hỏi dạm “Mày giúp tao việc rác rưởi này được không?”.

    Như cá gặp nước, tôi không kịp xắn tay liền nhảy vào gõ lia lịa, phân tích số liệu rõ ràng (10 năm kinh nghiệm văn phòng dư sức qua cầu với những công việc này - tôi hí hửng trong bụng).

    Một thoáng sau thì mọi thứ hoàn chỉnh đúng như ý. Tony, ông chủ người Mexico, tỏ vẻ hài lòng nhưng không dám thể hiện (có lẽ vì sợ tôi... hét lương).

    Tôi “chốt hạ”: Tối nay tôi sẽ thiết kế cho ông một bảng quản lý thu chi tài chính hàng ngày, liên kết với bảng chấm công và quản lý lương hàng tháng trên phần mềm Exel.

    Trời về khuya cũng là lúc tôi gửi file và nhận được thông báo rằng sẽ bắt đầu đi làm từ ngày mai với mức lương tối thiểu của bang Texas là 8 USD mỗi giờ.

    Ở Mỹ chẳng có việc gì là hái ra tiền cả

    So với những nhân viên bản địa khác, tôi phải làm thợ đụng (tiếng Anh gọi là multi-position), đúng nghĩa: phụ bếp, rửa chén đĩa, phục vụ khi có khách. Còn khi vãn khách thì chùi toilet, vệ sinh phòng ốc rồi giúp ông chủ chấm công, nhập liệu thu chi, tổ chức sự kiện hay chăm sóc website của quán.

    Tôi không muốn phàn nàn khi có rất nhiều người Mỹ đang thất nghiệp đứng đầy đường trong khi mình có việc làm - Ảnh: PHAN QUỐC VINH

    Sau đó những kỹ năng “đụng” của tôi được phát huy thêm khi nhảy việc chuyển sang làm nhân viên phục vụ tại Texas Tech Club, một câu lạc bộ dành cho khách VIP có thẻ thành viên trả phí mới được vào ăn uống.

    Ba đời giám đốc ở đây đều “kết” sự năng động, chịu khó và... liều lĩnh của tôi.

    Do câu lạc bộ thuê mặt bằng của trường Đại học Texas Tech nên có gì hư hỏng vặt thì phải chờ đội bảo trì của trường đến xem xét sửa chữa mà nhiều khi chờ đến vài ngày ảnh hưởng đến việc kinh doanh của đơn vị. Thế là tôi tự mình sửa giúp ống nước, móc cống thông bồn xả, sửa dây kéo rèm cửa sổ hay vặn ốc vít mấy cái bản lề cửa.

    Qua thời gian quan sát, ông giám đốc... đời cuối giao cho tôi công việc “có vị trí cao hơn” như là: leo thang lên thay bóng đèn bị cháy, quét mạng nhện, lau cửa sổ hay “áp lực lớn hơn” như sửa tủ làm đá, chỉnh trang bàn ghế... mà không nhân viên người Mỹ nào làm được.

    Có lẽ vì vậy nên khi tôi nhảy tiếp sang làm cho Công ty Sodexo, ông vẫn nhắn tin tiếc nuối “Vin Diesel (tên nam tài tử người Mỹ được đồng nghiệp gắn cho tôi), nơi này không còn được như xưa khi thiếu cậu!”. Một tin nhắn giá trị hơn những giấy khen mà tôi được ông tặng trước đó.

    Làm việc cho Sodexo, tôi lại tiếp tục được phát huy sở trường “đụng gì làm nấy”. Lúc thì làm ở bộ phận catering cung cấp suất ăn đồ uống cho sự kiện trong trường đại học, lúc thì bán hàng thức ăn nhẹ cho cổ động viên bóng chuyền. Khi thì phục vụ phòng VIP khách xem bóng bầu dục có khi bán bánh mì phục vụ sinh viên.

    Mỗi nơi tôi đều học hỏi thêm nhiều điều thú vị trong công việc và không còn lạ lẫm với việc các đồng nghiệp Mỹ của mình thường phải làm thêm 2,3 công việc khác mới đủ sống.

    Từ đó mà tự an ủi bản thân rằng: Ở Mỹ chẳng có công việc gì là hái ra tiền cả. Bởi nếu tôi biết rõ chỗ nào để hái thì chẳng phải ngồi gõ lóc cóc gửi bài như thế này rồi!

    Phan Quốc Vinh

    Viethome (Theo Thanh Niên)

  • Tâm huyết của doanh nhân trẻ Alexander Rinke cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.

    Alexander Rinke đã đưa ra một cách tiếp cận mới lạ khi muốn những công ty lớn nhất thế giới sử dụng sản phẩm của startup nhỏ của mình là gửi cho ông chủ của họ những lá thư tay.

    Anh chia sẻ: "Nếu gửi email, chúng có thể bị xóa hay lẫn vào hòm thư rác. Còn gửi thư đánh máy thì thư ký của họ có thể mở ra và coi chúng là đồ bỏ đi. Nhưng một bức thư tay sẽ khiến họ nghĩ rằng đây là vấn đề cá nhân quan trọng".

    Năm 2011, Alexander thành lập Celonis năm 22 tuổi cùng hai người bạn là Martin Klenk và Bastian Nominacher sau khi học xong bằng toán học và khoa học máy tính tại Đại học Kỹ thuật Munich.

    Celonis là một công ty khai thác dữ liệu công nghệ cao sử dụng phần mềm và trí tuệ nhân tạo để theo dõi hiệu suất của các doanh nghiệp nhằm giúp họ hoạt động tốt hơn.

    Nói một cách đơn giản, phần mềm của Celonis sẽ giám sát hệ thống máy tính của doanh nghiệp và tìm ra những gây ảnh hưởng như nhân viên không hiệu quả, nhà cung cấp nào thường xuyên chậm trễ và quy trình nào cần được sắp xếp hợp lý hơn. Sau đó, Celonis sẽ gợi ý các phương án giải quyết. Ba nhà đồng sáng lập khá tự tin về sản phẩm của mình nhưng tất cả những gì họ cần là sự chú ý của các công ty lớn.

    Ba nhà đồng sáng lập Celonis. 

    Sau 8 năm thành lập, giờ đây Celonis đã phát triển và làm việc với BMW, General Motors, L’Oreal, Siemens, Uber và Vodafone. Năm ngoái, sau khi gọi vốn thành công 50 triệu USD, công ty cho biết họ đã được định giá trên 1 tỷ USD.

    Sinh ra và lớn lên tại Berlin, Alexander đã khởi nghiệp từ năm 15 tuổi với một công ty cung cấp gia sư cho học sinh trung học. Đến năm 2011, Alexander đã nảy ra ý tưởng về Celonis xuất phát từ chính nghiên cứu của anh và hai người bạn. Ở thời điểm đó, họ đang giúp một doanh nghiệp cải thiện dịch vụ khách hàng của mình.

    Ba người nhận ra rằng công ty mà họ đang làm việc cùng mất trung bình 5 ngày để đưa ra giải pháp cho vấn đề gặp phải. Họ cho rằng cần tìm ra một cách nhanh và hiệu quả hơn. Nhờ đó, ý tưởng về Celonis đã ra đời: Loại bỏ yếu tố con người khỏi quá trình đánh giá và thay thế bằng phân tích của máy tính.

    Trong khi Martin và Bastian hoàn thiện phần mềm, Alexander làm nhiệm vụ lái xe khắp nước Đức và Áo để gặp gỡ khách hàng tiềm năng, bao gồm cả những người anh từng gửi thư tay cho họ trước đây. Sự nỗ lực của ba nhà đồng sáng lập đã đạt kết quả, Celonis nhanh chóng phát triển và chỉ một năm sau, họ đã mở văn phòng tại Palo Alto, California.

    Hiện Celonis có hơn 400 nhân viên làm việc và sản phẩm của họ được đăng ký sử dụng bởi hàng ngàn công ty trên toàn thế giới. Doanh thu hàng năm của Celonis đạt mức 70 triệu USD.

    Patrick McGee, phóng viên của Financial Times cho biết: "Các CEO tại những tập đoàn lớn mà tôi từng phỏng vấn như Siemens và Vodafone nói rằng Celonis giúp họ có cái nhìn rõ nét hơn về hoạt động của doanh nghiệp, giúp phát hiện sự thiếu hiệu quả một cách dễ dàng và khắc phục kịp thời".

    Kế hoạch trong tương lai gần của Celonis là mở rộng sang Nhật Bản. Alenxander chia sẻ: "Nhật Bản là một thị trường thú vị bởi họ luôn chú trọng hiệu suất công việc. Vậy nên, nhu cầu sẽ rất cao và chúng tôi hi vọng sẽ khai thác được hết tiềm năng tại đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực để phát triển hơn nữa tại các thị trường mà công ty đang phục vụ".

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Một số người Úc đang kiếm được tới $100,000 mỗi năm bằng cách lục lọi thùng rác nhà người khác và tận dụng số rác mà họ thu được để đổi tiền mặt thông qua chương trình đổi rác hoàn tiền.

    Chương trình này trả cho họ mười xu đối với mỗi loại rác có thể tái chế mà họ mang đến. Sự ra đời của chương trình đổi rác hoàn tiền ở NSW đã làm gia tăng đáng kể số người chuyên nhặt rác.

    Nhiều người dân đã quay lại cảnh những người chuyên nhặt rác đang lục lọi thùng rác của họ và lấy những vật dụng có thể tái chế. Một đoạn video, được đăng trên trang Sunrise, đã cho thấy hình ảnh một người đàn ông đang bới một thùng rác tái chế giữa thanh thiên bạch nhật và lấy những vật dụng mà anh ta có thể đổi lấy tiền.

    Mặc dù mười xu dường như không phải là một số tiền lớn, nhưng những người chuyên đổi rác lấy tiền có thể kiếm được đến $2,000 mỗi tuần, theo 7 News. Các tiểu bang như Nam Úc, Queensland, Vùng Lãnh thổ Thủ đô và Vùng Lãnh thổ Bắc Úc cũng có những chương trình đổi rác hoàn tiền tương tự. Các vỏ chai được làm từ nhựa PET, thủy tinh, nhôm, nhựa HDPE, thép hoặc hộp giấy đều có thể đổi lấy tiền.

    Chủ tịch của Hiệp hội Chính quyền Địa phương bang NSW, bà Linda Scott, nói với 7 News rằng việc nhiều người tham gia chương trình này là rất đáng khích lệ, nhưng về cơ bản lục lọi thùng rác nhà người khác là không đúng. Đa số những người dùng mạng xã hội cũng không phản đối những người lục lọi thùng rác của họ, miễn là những người đó dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời đi.

    Viethome (Theo Viet Times Australia)

  • Thu nhập cao hơn, công việc thuận lợi hơn nhưng bạn chưa chắc đã thành công về tài chính nếu vướng phải những chiếc bẫy này. 

    Sau khi đi qua tuổi 20, tuổi 30 có thể đóng vai trò như thời điểm để bạn hình thành các thói quen lành mạnh về tài chính và dự tính cho tương lai. Đây là giai đoạn bạn kiếm được nhiều tiền hơn, có khả năng nắm bắt nhiều cơ hội hơn nhưng cũng dễ rơi vào các bẫy tài chính khó lường.

     

    Dưới đây là đúc kết của nhà đầu tư, đồng thời là tác giả hai cuốn sách bán chạy về tài chính Phil Town về những thói quen tiền bạc bạn cần tránh nếu không muốn phải hối hận suốt đời: 

    Mua xe để gây ấn tượng với người khác

    Phil Town thừa nhận, bản thân ông cũng từng rơi vào chiếc bẫy này. Khi kiếm được khoản tiền lớn, ông có thôi thúc phải mua một chiếc ôtô siêu sang của Anh. Nhưng sự vui sướng và cảm giác hãnh diện khi sở hữu xe, được mọi người trầm trồ chỉ kéo dài 2 tuần. Sau đó, ông nhận ra việc giữ gìn xe khiến mình mệt mỏi, còn xung quanh chẳng ai còn quan tâm tới chiếc xe bóng bẩy đó nữa.

    Đừng mua xe để gây ấn tượng với người khác. Đây có thể là khoản lớn khiến bạn bị mắc kẹt. Những chiếc xe mới xuất xưởng sẽ giảm ngay 30% giá trị trong năm đầu và nửa giá trong 3 năm sau, dù nó vẫn chạy tốt. Vì vậy, hãy thông minh và tỉnh táo khi lựa chọn xe. Và hãy nhớ, không ai thực sự quan tâm tới chiếc xe bạn lái đâu. Có thể mua chiếc xe vừa giá, xe cũ nhưng còn tốt và khoản tiền để ra, bạn có thể dùng vào đầu tư để thu lợi ích lâu dài. 

    Mua nhà quá tầm tay

    Sở hữu một ngôi nhà có tiềm năng tăng giá trị là một khoản chi xứng đáng. Tuy nhiên, hãy lựa chọn căn vừa túi tiền. Mua nhà quá đắt so với khả năng, tới nỗi không còn khoản nào cho quỹ khẩn cấp, áp lực trả nợ lớn, có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, công việc, hôn nhân... của bạn. 

    Để lựa chọn được ngôi nhà tốt mà không vắt kiệt nguồn lực tài chính, hãy để ý thị trường tại địa phương, chọn căn có giá cả vừa phải nằm trong ngân sách dự tính. Đừng quên trả giá khi mua và xem xét những nơi chủ nhà đang cần bán gấp, có thể hạ giá hơn bình thường. Cũng có thể tìm nhà ở những vùng rìa khu đang phát triển tốt. Chỉ vài năm sau, khu đó sẽ có tiềm năng lớn.

    Chi quá nhiều vào việc ăn hàng

    Khi thu nhập tốt lên, chúng ta dễ rơi vào cái bẫy này. Bạn có thể sốc nếu thoải mái ăn hàng và tính lại tổng số tiền khoản này vào cuối tháng.

    Ai cũng muốn đời sống tinh thần được nâng cao khi vật chất đầy đủ hơn. Đến nhà hàng sang ăn uống, được phục vụ lịch sự cũng là một nhu cầu chính đáng. Nhưng hãy để ra một khoản ngân sách cho mục này. Thay vì cứ hứng lên thì rủ bạn bè, người nhà đi ăn ngoài, hãy có kế hoạch, một tháng 2 lần hay tuần một lần, lựa chọn trước chỗ tới, chi trong một khoản nhất định. "Một số bạn bè của tôi để riêng khoản tiền cho việc ăn hàng trong một tháng vào phong bì hay tài khoản riêng. Đến khi dùng hết số này, họ sẽ chỉ ở nhà", Phil Town chia sẻ.

    Có vợ/chồng vung tay quá trán

    Dù bạn quản lý tài chính giỏi cỡ nào mà bạn đời có thói quen tiêu xài bạt mạng thì ngân sách gia đình cũng khó ổn định. Thất bại trong việc giao tiếp với nhau để thống nhất cách chi xài, tiết kiệm, hướng tới mục tiêu tương lai... sẽ ảnh hưởng tới hôn nhân lẫn sự thành công về tiền bạc.

    Nếu bạn mới đang hẹn hò hoặc chuẩn bị cưới, hãy chú ý thật kỹ điều này. Người ta dễ phung phí tiền vào quà tặng, những chuyến đi chơi, đi ăn xa xỉ để gây ấn tượng với "nửa kia". Nhưng sẽ thế nào khi lấy về và bạn lập tức thay đổi cách tiêu xài hoặc vợ/chồng mình vẫn giữ thói quen thích gì hưởng nấy? Hãy sống đúng với lối sống bạn muốn, chọn đúng người chấp nhận và hài lòng về cách sống đó. 

    Chi trả quá nhiều cho các hoá đơn thẻ tín dụng

    Thời nay, ai cũng có thể mở một chiếc thẻ tín dụng dù thu nhập chưa cao. Kiểu tiêu trước trả sau khiến nhiều người quẹt thẻ vô tội vạ khi không kiểm soát được những cơn bốc đồng của bản thân. Nhưng hãy nhớ, nợ thẻ tín dụng có lãi suất rất cao, và số tiền này, nếu bạn đem vào đầu tư thì sẽ mang lại nhiều lợi ích thế nào.

    Mỗi lần tiêu tiền trong thẻ tín dụng và không kịp trả đúng hẹn, bạn lại lún sâu thêm vào nợ nần. Đây là trò chơi nguy hiểm mà bạn không nên chơi. Hãy giữ một ngân sách cố định cho khoản tiêu xài qua thẻ, luôn kỷ luật với bản thân, không cần mở thêm các thẻ tín dụng mới chỉ để nhận những phần thưởng không đáng.

    Không đầu tư

    Càng đầu tư sớm, bạn càng tích luỹ được nhiều và nhanh chạm tới mục tiêu tự do tài chính. Hãy lên kế hoạch cụ thể về số tiền mình cần để được thảnh thơi. Cần cân bằng giữa việc chi cho các khoản cần thiết, thanh toán dần nợ nần và để riêng ra một khoản có khả năng sinh lời. 

    Thời gian trôi rất nhanh và cuộc sống biến động không ngừng. Nếu không muốn bị bỏ lỡ các cơ hội, cách ngày càng xa mục tiêu, hãy bắt đầu ngay. Ít nhất, hãy để ra 10% thu nhập, dùng khoản này đầu tư đều đặn và bạn sẽ hưởng lợi lâu dài.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Biết mình có thể mang bệnh di truyền của cha, từ tuổi 30, chị Hester (Mỹ) quyết tâm phải để dành đủ tiền để sống tuổi già thảnh thơi. 

    Theo New York Post, năm 2012, Tanja Hester là một chuyên gia truyền thông chính trị 33 tuổi đang mất tập trung vào công việc vì cha chị mắc một hội chứng di truyền khiến ông đau khớp, khó vận động. Biết rằng có thể mình sẽ thừa hưởng căn bệnh này từ cha, chị và chồng, nhà nghiên cứu chính trị Mark Bunge, quyết định phải nghỉ hưu sớm.

    Chị Hester và anh Bunge đã dành vài năm sau đó để thực hiện kế hoạch. Tháng 12/2017, khi Hester 38 tuổi và chồng 41, cả hai đã từ giã sự nghiệp để tận hưởng cuộc sống như mình muốn. 

    Trong cuốn sách mới của mình "Work Optional: Retire Early the Non-Penny-Pinching Way", chị Hester chia sẻ. "Tôi không có thời gian vô tận và không phải lúc nào cũng khoẻ mạnh. Tôi có bệnh nhưng giờ chưa nghiêm trọng. Nó là cả quá trình, và hy vọng rằng sẽ từ từ trong vài thập kỷ. Tôi cũng bị đau và gặp vài phiền phức. Nhưng điều hay là tôi đã được nghỉ hoàn toàn".

    Trước khi nghỉ, cặp vợ chồng này đã dự trù một khoản gấp 36 lần chi phí mỗi năm sau khi về hưu. Ngoài khoản tiết kiệm, họ còn có thu nhập thụ động từ việc đầu tư vào quỹ mở và cho thuê nhà.

    Sau nhiều năm làm việc tại Los Angeles, vợ chồng chị đã mua được một căn nhà 2 tầng rộng gần 170 m2 tại khu Lake Tahoe. Họ trả góp cho ngôi nhà trong vòng 5,5 năm và đang sống tại đây, địa điểm thuận lợi để thoả mãn niềm đam mê trượt tuyết, đạp xe quanh núi.

    "Chúng tôi mua nhà khi thị trường chững lại năm 2011 và chọn nhà nhỏ hơn mức mình có đủ khả năng chi trả. Đó là quyết định sáng suốt. Mua nhà to hơn hoặc ở vị trí đẹp hơn có nghĩa là phải trả nợ nhiều hơn và làm việc lâu thêm. Điều đó cũng đồng nghĩa sẽ có ít tiền để đầu tư hơn", chị Hester chia sẻ. 

    Cặp vợ chồng Mỹ, chị Tanja Hester và anh Mark Bunge tiết kiệm các chi phí mua quần áo, thiết bị nhưng sẵn sàng chi cho việc đi du lịch. Ảnh: New York Post.

    Đó là khi ở nhà. Trong năm đầu nghỉ hưu, vợ chồng chị đã đi du lịch tới Pháp, Monaco, Mexico, Đài Loan và nhiều nơi ở Mỹ. Cuộc sống hiện tại của vợ chồng chị vừa giống như của những người già về hưu kiểu truyền thống vừa là những kỳ nghỉ, cuộc khám phá vô tận. "Buổi sáng thường chúng tôi thức dậy mà không cần đồng hồ báo thức, nhàn nhã ăn sáng. Buổi chiều chúng tôi có thể đi trượt tuyết, đạp xe hoặc viết lách hay làm vài công việc thiện nguyện. Sau đó, vợ chồng tôi tận hưởng bữa tối, xem phim hoặc tin tức - những điều mà thời đi làm cả hai chẳng có thời gian thực hiện", chị Hester kể. 

    "Du lịch là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đã tích được khoảng 3 triệu dặm điểm thưởng từ các chuyến công tác trước kia, vì vậy mỗi chuyến đi bây giờ sẽ giảm được chút chi phí", chị nói.

    Bên cạnh thú vui trượt tuyết và du lịch, chị Hester và anh Bunge còn tham gia vào nhiều hoạt động cộng đồng sau khi về hưu. Cả hai hiện đều là chủ tịch các tổ chức môi trường tại địa phương. Chị Hester viết một blog về nghỉ hưu sớm và cùng sáng lập một chương trình radio về phụ nữ và tiền bạc.

    Để tiết kiệm chi phí, cặp vợ chồng này cắt giảm ăn hàng và hạn chế đổi các đồ điện tử - chị Hester vẫn dùng chiếc iPhone 6s.

    Vợ chồng chị không có ý định sinh con nên không phải lo chi phí học hành cho con và khoản đó dành lo cho sức khoẻ.

    Và mặc dù vẫn kiếm được chút từ công việc tự do, kế hoạch của họ không tính đến khoản này. "Chúng tôi phải đảm bảo mình có đủ tiền sống kể cả khi không kiếm thêm được chút nào", chị Hester nói.

    Những ngày không đi du lịch, chị Tanja Hester và anh Mark Bunge thảnh thơi làm những điều mình muốn mà không phải lo kiếm tiền. Ảnh: New York Post.

    Khi lên kế hoạch cho việc nghỉ hưu sớm, Hester và chồng có lợi thế khi thu nhập tới 6 con số. Tuy nhiên, dưới đây là những điều chị chia sẻ khiến ai bất cứ ai cũng có thể thực hiện được để hướng tới cuộc sống an nhàn khi về già. 

    Lên kế hoạch cho cuộc đời

    Hãy xác định xem bạn muốn khi về hưu cuộc sống của mình thế nào - bạn sẽ dành thời gian trong ngày làm gì và mục tiêu dài hạn trong đời ra sao. Thiếu kế hoạch cụ thể, bạn có thể rơi vào cảm giác trống rỗng, bực bội, phiền muộn lúc ngừng làm việc. 

    Xác định ngân sách cần mỗi năm sau khi nghỉ

    Hester khuyên nên tiết kiệm ngân sách gấp 25 tới 35 lần khoản chi tiêu hằng năm khi nghỉ hưu. "Khi Mark và tôi mới vạch ra số tiền mình cần tiết kiệm để nghỉ việc, tôi tự hỏi 'liệu có làm được không'. Nhưng nhờ có kế hoạch rõ ràng, chúng tôi đã làm được điều mình muốn", chị Hester nói. 

    Xem xét việc đầu tư và có thu nhập thụ động

    Nên tìm kiếm nhiều biện pháp có thể kiếm thêm các khoản thụ động trong những năm đã về hưu - chẳng hạn như cho thuê nhà đất, nguồn lợi từ các khoản đầu tư... Chị Hester và chồng dồn một phần tiền vào quỹ đầu tư theo chỉ số và vẫn đều đều thu tiền về mà không cần phải tính toán quá nhiều.

    Luôn dự trù cho các chi phí chăm sóc sức khoẻ

    Duy trì việc đóng bảo hiểm y tế là phần không thể thiếu trong kế hoạch tài chính của vợ chồng Hester và chị khuyên ai cũng cần làm vậy. Bạn không thể đoán trước các vấn đề sức khoẻ có thể ập tới và việc chuẩn bị trước là điều cần thiết.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Một cặp đôi cho biết họ đã tiết kiệm được tới 15,000 bảng bằng cách từ chối sử dụng hệ thống sưởi trong suốt 10 năm.

    Bất chấp mùa đông giá rét, ông bà Jim và Joanne Bell giữ ấm bằng cách mặc thêm nhiều lớp quần áo và sử dụng các chai nước nóng.

    Cặp đôi đến từ Yelland, Devon, này cho hay họ tiết kiệm được khoảng 1,500 bảng mỗi năm và gần đây đã dùng 1,000 bảng trong đó để mua vé dự buổi biểu diễn của Neil Young và Bob Dylan.

    Cặp vợ chồng Jim và Joanne Bell

    Bà Bell nói: “Giờ đây, tôi không thoải mái khi ghé thăm nhà người khác. Ở đó quá ấm đối với tôi.

    “Hóa đơn khí sưởi của chúng tôi từng rơi vào khoảng 1,500 bảng mỗi năm, vì thế chúng tôi đã tiết kiệm được hàng ngàn bảng trong 10 năm qua.

    “Khi thời tiết quá lạnh, chúng tôi chỉ cần mặc thêm nhiều lớp áo và sử dụng bình nước nóng.

    “Bây giờ tôi thậm chí còn chẳng nhận ra trời lạnh. Chúng tôi có hai con chó và đi bộ rất nhiều để giữ ấm cơ thể.

    “Mọi chuyện chẳng tệ như mọi người tưởng bởi lẽ chúng tôi không hề bị ốm trong suốt thời gian qua.”

    Bà nói ban đầu hai vợ chồng quyết định không dùng hệ thống sưởi để phản đối số lượng trang trại gió ngày càng gia tăng.

    Bà Bell giải thích: “Tôi là người yêu cuộc sống hoang dã và khi tôi nhìn thấy rất nhiều chim chóc bị giết chết bởi cánh quạt của các tuốc-bin gió xỉa ra khắp mọi nơi, tôi cảm thấy mình cần hành động.

    “Giờ đây tôi chẳng còn cảm thấy gì khác biệt – tôi đã quá quen với việc này rồi.”

    Dù số tiền tiết kiệm được rất lớn, bà lão 75 tuổi này vẫn đưa ra cảnh báo: “Tôi không khuyên tất cả mọi người làm thế này. Nếu trong nhà có người ốm hay cao tuổi, bạn không thể làm thế – hoặc nếu bạn có con nhỏ, chuyện này cũng là không thể.”

    VietHome (Theo Sky News)

     

  • "Tới 65 tuổi, bạn sẽ có 1,25 triệu USD trong tài khoản nếu tránh xa được các món đồ "ngu ngốc" này, theo doanh nhân Canada. 

    Chẳng có gì lạ khi nhiều người trẻ ngày nay ngập trong nợ nần. Trung bình những người 25-36 tuổi ở Mỹ nợ khoảng 42.000 USD, và hầu hết đều không phải vay để đi học mà chi tiêu qua thẻ tín dụng. 

    Theo Cục dự trữ liên bang, nợ thẻ tín dụng tại Mỹ đã vượt quá 1.000 tỷ USD năm 2017, và với chi phí sinh hoạt tiếp tục leo thang, chiếc hố nợ nần có thể ngày càng sâu. 

    Tuy nhiên, các con số thống kê cho thấy giới trẻ vẫn tiêu xài tiền vào những thứ vô bổ, mà nếu tránh được, theo các chuyên gia, họ sẽ tích lũy được khoản lớn. Dưới đây là lời khuyên của Kevin O'Leary, triệu phú, doanh nhân Canada, về những thứ bạn nên tránh mua nếu muốn giàu:

    Cà phê sang chảnh

    "Cốc cà phê 4 USD? Thật là quá xuẩn ngốc", O'Leary nói với CNBC tại Hội nghị chính phủ thượng đỉnh toàn cầu ở Dubai tuần này. "Có thể tôi sẽ bị các hãng cà phê ghét nhưng thực sự bạn chỉ tốn 18 xu khi tự pha tại nhà. Trừ phi đã có khoản tiết kiệm và trả hết nợ nần, chớ mua cà phê 4 USD. Tôi can đấy".

    Năm 2018, ứng dụng đầu tư cá nhân Acorns cho thấy, người Mỹ trung bình chi 1.100 USD mỗi năm hay khoảng 92 USD mỗi tháng mua cà phê. 

    Giá một ly cà phê chênh lệch khá nhiều tại Mỹ và trên thế giới. Một ly Starbuck ở Mỹ giá trung bình 2,75 USD nhưng tại thành phố New York đắt đỏ thì lên 3,25 USD. Và nếu bạn muốn có ly cà phê sang chảnh hơn nữa với những gia vị đặc biệt thì có thể tốn tới 5 USD. Ly ca phê này ở châu Âu, Trung Đông và Nam Á thậm chí còn đắt hơn, thường 6-8 USD trở lên.

    Giày đủ loại

    "Bạn không cần quá 4 đôi giày. Một đôi xỏ ngón để đi chơi, một đôi giày tập, hai đôi đi làm. Nhiều hơn số này, bạn là kẻ ngốc vì sẽ chẳng bao giờ cần tới", O'Leary nói. 

    Phụ nữ thường quá phóng tay cho khoản giày dép. Khảo sát của nhà bán lẻ giày DSW cho thấy năm ngoái 75% phụ nữ ở Mỹ có hơn 20 đôi giày trong khi con số trung bình ở đàn ông là 12 đôi. Ứng dụng CreditDonkey báo cáo, trung bình một người mua 7,8 đôi giày mỗi năm. Trong khi đó, theo Psychology Today, hầu hết mọi người chỉ thường xuyên dùng 3-4 đôi.

    Quần jean các kiểu

    O'Leary tin rằng không ai cần quá 3 chiếc quần jean: một chiếc màu đen, một chiếc màu trắng và chiếc cơ bản.

    Theo trang tài chính cá nhân Howstuffworks, thường giá quần jean của phụ nữ cao hơn trung bình 10% so với của nam giới. Về trang phục nói chung, phụ nữ chi cao hơn 76% so với nam giới cùng độ tuổi. Người tuổi 25-34 tiêu khoảng 161 USD mỗi tháng vào quần áo.

    Nguồn tiết kiệm tiềm năng khổng lồ

    Doanh nhân O'Leary cho rằng bạn sẽ tiết kiệm được 10% lương nếu lắng nghe lời khuyên của ông. Bạn dùng khoản đó để đầu tư và có thể hưởng lãi 7% một năm. Lương trung bình của người Mỹ là 58.000 USD, nếu để ra 10% là bạn sẽ có ngay 1,25 triệu USD trong ngân hàng lúc 65 tuổi.

    "Vì thế, lần tới, khi thấy thứ gì định mua, hãy nhớ những gì tôi nói", triệu phú nhấn mạnh. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Một quỹ giáo dục đang điều hành bốn trường học ở Birmingham vừa bị yêu cầu giải trình về khoản lương tăng thêm lên đến 100,000 bảng dành cho các nhân viên cấp cao.

    Các trường tiểu học Birchfield và Prince Albert ở Aston, tiểu học Heathfield ở Lozells và Highfield Junior and Infant ở Saltley – đều trực thuộc quỹ Prince Albert Community Trust.

    Quỹ này là một trong 28 tổ chức trên cả nước bị yêu cầu giải thích về mức lương sáu con số. Đây là một động thái của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề trả lương quá cao tại các trường học và học viện.

    Các tổ chức có ít nhất hai người trong một trường học được trả lương sáu con số được yêu cầu cung cấp thêm thông tin chi tiết lương của các lãnh đạo, những người kiếm được hơn 150,000 bảng – và những người được trả trên 100,000 bảng.

    Báo cáo kế toán mới nhất của Prince Albert Trust cho một năm tính đến 31 tháng Tám cho thấy hai nhân viên thuộc quỹ này được hưởng khoản “trợ cấp nhân viên” có giá trị là 150,001 và 160,000 bảng.

    Trong năm trước đó, không có nhân viên nào kiếm được nhiều tiền như vậy và chỉ có một người được trả khoảng 140,001 đến 150,000 bảng.

    Trường tiểu học Heathfield

    Theo thống kê mới nhất, CEO của Prince Albert Trust, ông Sajid Gulzar có mức lương từ 140,000 đến 144,999 bảng với khoản đóng lương hưu là 20,000 đến 24,999 bảng.

    Phó Giám đốc điều hành, bà Sherlock-Lewis, được trả từ 130,000 đến 134,999 bảng, và cũng có mức đóng lương hưu từ 20,000 đến 24,999 bảng.

    Hồi tháng trước, Heathfield được nêu danh là một trong những trường tiểu học tốt nhất thành phố dù chỉ mới năm năm trước, trường này suýt chút nữa đã bị liệt vào danh sách đặc biệt của các thanh tra Ofsted.

    Ông Gulzar phát biểu: “Heathfield là một khu vực có tỷ lệ tội phạm, vấn đề xã hội và nhà ở khá cao.

    “Nhưng chúng tôi không muốn đổ lỗi cho việc ngôi trường nằm ở một khu vực không mấy giàu có. Chúng tôi muốn tạo ra sự thay đổi bằng cách giúp lũ trẻ của mình trở nên tốt hơn bất cứ ai.”

    Chính phủ yêu cầu các khoản lương lớn phải được công khai chi tiết trên sổ sách kế toán của các tổ chức trường học.

    Bộ Giáo dục công bố chưa tới 4% các tổ chức trả mức lương từ 100,000 đến 150,000 bảng cho từ hai người trở lên.

    Ngài Agnew, bộ trưởng chịu trách nhiệm vấn đề trường học, phát biểu: “Phần lớn các cơ sở giáo dục đều đang hoạt động một cách có trách nhiệm và thông qua việc yêu cầu một số tổ chức giải trình, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tất cả tiền ngân sách được sử dụng một cách có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.”

    VietHome (Theo Birmingham Live)

  • Có thể nhiều người đã biết: Tiêu tiền thì dễ mà tiết kiệm được thì mới khó biết nhường nào.

    1. Thích thì mua

    Tâm lý "Thích thì mua" là biểu hiện rõ ràng nhất của người thiếu hụt kinh nghiệm quản lý tài chính.

    Ai cũng mong muốn bản thân mình được hưởng thụ cuộc sống đầy đủ nhất. Tốt nhất là có một thẻ ngân hàng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm bất cứ lúc nào, nói ngắn gọn là mua mà không cần để ý đến ví tiền. Nhưng trên thực tế, tuyệt đại đa số chúng ta đều chỉ dựa vào nguồn thu duy nhất, đó chính là lương tháng. Bởi vậy, ước mơ thích thì mua cần phải được hãm lại.

    Đối với những người có thói quen "mua sắm bốc đồng", bạn nên xem lại túi tiền bạn đang có và lập danh sách các hóa đơn gần đây nhất. Có như vậy bạn mới khống chế được việc mua sắm trong suy nghĩ của mình.

    2. Tiền tiêu vào đâu? Không hề biết

    Rất nhiều người có cảm giác rằng: "Rõ ràng mình chẳng mua cái gì, mà tiền đi đâu không biết nữa". Tiền tiêu vào việc gì cũng không hề biết, chứng tỏ đây là một người không hiểu một chút nào về quản lý tài chính. Bởi, bạn không hiểu được tầm quan trọng của việc lập một kế hoạch thu chi hợp lý.

    Đối với những người nhớ nhớ quên quên như vậy, việc xây dựng kế hoạch chi tiêu phù hợp với họ là cực kì cần thiết (bao gồm kế hoạch ngắn hạn chỉ trong một ngày, và kế hoạch dài hạn lên đến một năm), từ đó hình thành lên thói quen hoạch định tiêu dùng.

    Bằng cách ghi chép chi tiết thu chi, bạn mới có thể biết được tiền của bạn đi đâu về đâu, không thể hoàn toàn tin tưởng vào "bộ óc vĩ đại" của bạn được. Một khi quản lý tốt tài chính của mình, bạn có thể tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.

    3. Hết tiền rồi à? Không sao, cứ tiêu trước đã rồi tính sau

    Chỉ vài ngày sau khi lấy lương, phần lớn số tiền lương ấy đều dùng để mua sắm đồ dùng, quần áo, vật dụng thiết yếu… Số tiền ít ỏi còn sót lại, không lâu sau cũng được bỏ ra tiêu hết. Cuối cùng, thẻ tín dụng lại là vị cứu tinh. Vòng tuần hoàn ấy cứ lặp đi lặp lại tháng này qua tháng khác, tiền tiêu còn chẳng đủ thì lấy đâu ra mà tiết kiệm.

    Đối với những người hay vung tay quá trán này, tốt nhất nên mở cho mình một tài khoản ngân hàng chỉ gửi không rút, mỗi tháng theo định kỳ, ngân hàng sẽ tự động khấu trừ một phần tiền lương cố định để nhập vào khoản tiết kiệm của bạn.

    4. Kiếm tiền để làm gì? Để tiêu

    Mục đích của việc kiếm tiền là gì? Để tiêu.

    Đại đa số những người thiếu hụt nhận thức về quản lý tài chính đều có suy nghĩ như vậy. Kiếm tiền là để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng mà không phải là để tiết kiệm.

    Những người ôm khư khư quan niệm "Sống ngày nào biết ngày đó", tiền hôm nay kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, đến lúc thực sự cần dùng đến tiền lại không biết kiếm ở đâu.

    Thái độ sống có thể gọi là "biết hưởng thụ" ấy, đúng là có thể khiến bản thân ăn sung mặc sướng trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng thực sự không nên áp dụng vào cuộc sống thực tế.

    Tiền vất vả kiếm được, đúng là để thỏa mãn nhu cầu chi tiêu sinh hoạt, nhưng còn một mục đích khác không nên xem nhẹ, đó là tiết kiệm hoặc đầu tư.

    Không chịu tích lũy là một thói quen xấu, và những người bảo thủ không muốn tiết kiệm thì nên lập ra một kế hoạch thu, chi, tiết kiệm hợp lý và dưới sự giám sát của những người thân trong gia đình.

    5. Đừng trách tôi. Đâu phải tôi không muốn kiếm thật nhiều tiền

    Những người không hiểu về quản lý tài chính thường có một đặc điểm rất dễ nhận thấy: Thích bao biện cho chính mình. 

    Dù là người hay mua sắm bốc đồng hay người vung tay quá trán đều tồn tại một tâm lý khá phổ biến, đó là khi tiền không đủ tiêu, lại quay ra trách lương thì thấp mà vật giá lại leo thang.

    Có bao giờ bạn nghĩ rằng khái niệm tiêu dùng của chính mình có vấn đề hay không? Luôn hà khắc với các yêu tố bên ngoài nhưng lại khoan dung với chính bản thân mình. Đối với những người như vậy, điều quan trọng nhất phải là thay đổi quan niệm cũng như thái độ chi tiêu của mình. Đặc biệt, họ phải học cách lập các kế hoạch chi tiêu phù hợp với thu nhập và nhu cầu của bản thân.

    Tại sao người ta có một khoản tiền tiết kiệm lớn như vậy mà bạn ngay một đồng cũng không thể tiết kiệm nổi?

    Trong cuộc sống, thực sự có rất nhiều cách có thể tiết kiệm tiền. Mặc dù mỗi lần chỉ tiết kiệm được một chút, nhưng tích tiểu thành đại; trong vòng một năm có thể dành dụm được 5,000USD. Nhưng tiết kiệm không đồng nghĩa với việc hạ thấp chất lượng cuộc sống của bạn. Hãy học cách cân đối thu chi một cách tốt nhất có thể.

    Nếu tiết kiệm tiền theo những cách sau, chưa đến 10 năm bạn đã có thể mua nhà tậu xe:

    1, Hãy mang theo bên mình những chai nước, tiết kiệm 100USD/năm

    Đang đi trên đường bỗng nhiên cảm thấy khát nước, bạn liền rẽ ngay vào một quán tạp hóa cạnh đường mua một chai nước để giải toả cơn khát. Đó là thói quen của rất nhiều người. Nhưng, nếu thường xuyên uống các loại nước ngọt như vậy, không chỉ dẫn đến việc tăng lượng đường trong cơ thể, mà chai nhựa còn gây ô nhiễm môi trường. Hãy mang theo bên mình những chai nước, vừa có thể tiết kiệm khoản chi tiêu của bản thân, lại có thể bảo vệ môi trường.

    2, Tiết kiệm năng lượng bằng các mẹo vặt, tiết kiệm 50USD/năm

    Trước hết, hãy ngừng mua ghế massage điện tại nhà và các thiết bị giảm cân bằng điện vì chúng thường không thực tế và khá tốn kém. Thứ hai, sử dụng một cách khoa học các thiết bị điện như tivi, quạt điện… Trên thực tế, chúng ta có thể học được rất nhiều mẹo vặt trong cuộc sống từ các bà mẹ nội trợ. Ví dụ, khi nấu ăn, hãy thêm nhiều rau trộn, ít đồ chiên rán, vừa tiết kiệm gas, vừa giữ được vitamin và chất dinh dưỡng ban đầu của rau.

    3, Mời bạn bè đến nhà ăn, tiết kiệm 500USD/năm

    Đi ăn ở những nhà hàng sang trọng, dù tốn một khoản tiền khá lớn, nhưng lại không gắn kết được mối quan hệ chủ - khách. Bầu không khí ấm áp của gia đình mới là thứ mọi người thực sự cần. Mời bạn đến nhà dùng bữa, vừa thể hiện lòng hiếu khách, lại có thể tạo ra một bầu không khí thân mật.

    4, Mua sỉ, nhờ mua hộ, tiết kiệm hơn 1,000USD/năm

    Người ta có câu "Nhiều thì mua nhà, ít thì mua ngói". Mua sỉ (nghĩa là mua số lượng nhiều hoặc tập hợp nhiều người cùng mua) không chỉ nhận được sự ưu đãi về giá, mà còn có dịch vụ tư vấn nhiệt tình, có thể chọn được những sản phẩm chất lượng, vừa tiết kiệm tiền, vừa tránh mua theo đường vòng. Ngoài ra, "mua hộ" cũng là một cách rất hay. Mỗi khi bạn đồng nghiệp đi công tác nước ngoài, bạn có thể nhờ họ mua giúp mỹ phẩm, kem dưỡng da… Như vậy bạn có thể tiết kiệm được ít nhất 30% so với mua trong nước. 

    5, Không mua đồ theo tâm trạng, tiết kiệm gần 650USD/năm

    Đặc biệt với những người bạn nữ, cố gắng không đi mua sắm khi bạn đói hoặc tức giận. Bởi vì tại thời điểm này, bạn rất dễ tiêu tiền bốc đồng, đừng phạm sai lầm tốn kém như vậy.

    6, Giữ những giấy tờ cần thiết khi mua các thiết bị điện, tiết kiệm 300USD/năm

    Nên mua những sản phẩm có nhãn hiệu và dịch vụ hậu mãi. Giữ hóa đơn và thẻ bảo hành ở nơi an toàn. Nếu sản phẩm gặp vấn đề trong thời gian bảo hành, bạn có thể gọi nhân viên đến sửa miễn phí. Khi mua sản phẩm giảm giá, hãy chú ý xem nó có thể được đổi trả hoặc được bảo hành hay không.

    7, Chi các khoản tiền lớn, nhỏ đều nên ghi chép, tiết kiệm 1,000USD/năm

    Sổ sách kế toán, nghe có vẻ là một thói quen tầm thường, nhưng lại giúp bạn rất nhiều trong việc kiểm soát lượng tiền chi tiêu mỗi tháng. Hơn nữa, bạn còn kiểm tra được những khoản chi phí không đáng phát sinh. Nhiều khi, bạn cảm thấy việc ghi chép này quá phiền phức, nhưng thực ra nó không phải là để ngăn cản bạn chi tiêu, mà chỉ muốn bạn lên kế hoạch thu chi sao cho hợp lý mà thôi.

    8, Mua vé máy bay rẻ hơn vé tàu hỏa, tiết kiệm 600USD/năm

    Nếu mua vé cá nhân, thời gian mua vé cực kỳ quan trọng. Nếu lịch trình đã được sắp xếp từ trước, hãy đặt vé trước và bạn thường sẽ nhận được giá vé thấp nhất. Nếu lịch trình được quyết định bất ngờ, hãy nhờ đến đại lý máy bay, như vậy bạn cũng có thể nhận được giảm giá.

    9, Tránh đi du lịch vào mùa cao điểm, tiết kiệm 800USD/năm

    Hãy tránh đi du lịch vào mùa cao điểm, vừa tốn kém mà phục vụ cũng không chu đáo. Tại sao bạn không chọn những thời điểm ít khách du lịch nhất, giá vé và khách sạn đều giảm đáng kể, chất lượng dịch vụ cũng tốt hơn rất nhiều.

    10, Xóa những chức năng không cần thiết trên điện thoại di động, tiết kiệm 100USD/năm

    Công nghệ thông tin không ngừng phát triển, kéo theo chức năng trên điện thoại di động cũng ngày một đa dạng. Chẳng hạn như: chuyển cuộc gọi, gọi ba chiều, dịch vụ thông tin thời tiết…Có một số chức năng sẽ bị thu phí. Ngoài ra những chức năng như gọi đường dài quốc tế, hãy xin hủy nếu nó thực sự không cần thiết. Điều quan trọng nhất, nên sử dụng điện thoại cố định ở nhà hoặc tại văn phòng, bạn không chỉ có thể tiết kiệm tiền mà còn giảm bức xạ mà điện thoại di động mang đến cho cơ thể.

    Nếu như bạn có bạn bè hoặc người thân ở nước ngoài, mỗi tháng chi phí cho cuộc gọi đường dài khá tốn kém, bạn nên cân nhắc mua thẻ sim hoặc dịch vụ trọn gói như thế nào để có thể tiết kiệm tối đa chi phí điện thoại.

    11, Tận dụng những đồ cũ cho em bé, tiết kiệm hơn 900USD/năm

    Trẻ con rất nhanh lớn, hầu như những vật dụng cho em bé chỉ được dùng một lần. Mặc dù các ông bố bà mẹ đều hết lòng yêu thương con, muốn dành cho con những gì tốt nhất. Tuy nhiên, có một số thứ không nhất thiết phải mua mới. Bạn có thể hỏi xin bạn bè, họ hàng xem thử có những đồ dùng nào cho em bé mà họ không cần nữa. Như vậy là bạn đã tiết kiệm được một khoản tiền rồi. Ngoài ra, cũng không nên mua tất cả đồ dùng cho bé cùng một lúc, bởi sẽ có bạn bè, người thân tặng quà cho bé.

    12, Cân nhắc khi mua đồ chơi cho con, tiết kiệm 350USD/năm

    Sở thích của trẻ em rất kỳ lạ và thay đổi bất cứ lúc nào. Mua lặp đi lặp lại một thứ đồ chơi đồng nghĩa với lãng phí. Tập cho bé gắn bó với một con búp bê tốt hơn là mua 100 con búp bê Barbie cho bé. Hãy nhớ rằng, cái đứa trẻ cần không phải một món đồ chơi mà là một người mẹ, người cha. Thỉnh thoảng có thể dẫn bé đi công viên, cùng bé lăn trên những thảm cỏ và chơi đu quay ở sân sau, đó mới thực sự là thời gian hạnh phúc nhất của trẻ.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Những thứ giúp kiếm được nhiều tiền hơn hoặc những điều mang lại niềm vui sẽ khiến người khôn ngoan muốn chi mạnh tay. 

    Khi quyết định mua một món hàng, bạn thường tìm loại giá rẻ vì muốn tiết kiệm cho lúc khó khăn hay sẵn sàng chọn loại đắt nhất mà không để ý đến ngày mai? Với những người giỏi kiếm tiền, có một số tiêu chí nhất định để họ quyết định có nên "chơi sang" khi mua hàng.

    Kimberly Palmer, chuyên gia tài chính cá nhân tại Nerdwallet, định nghĩa một người giỏi kiếm tiền là người có chiến lược về cách kiếm tiền và tiêu tiền. Nếu bạn đang tự hỏi những món đồ nào đáng để chi tiêu lớn thì theo vị chuyên gia, đây là 6 thứ mà những người thông minh về tài chính sẵn sàng vung tiền.

    Thứ giúp kiếm nhiều tiền hơn

    Những chi tiêu giúp bạn thăng tiến trong công việc là khoản đầu tư tốt. Danh sách của Palmer bao gồm một bộ trang phục chuyên nghiệp cho ngày đầu tiên đi làm, một chiếc máy tính xách tay tốt hoặc một chiếc xe đáng tin cậy. Nếu chúng quan trọng đối với sinh kế, cho phép bạn làm việc tốt hơn thì cũng đáng phô trương một chút.

    Palmer nói rằng đầu tư vào một người dẫn dắt cũng thật sự cần thiết, dù bạn là một nhân viên hay doanh nhân. "Bất cứ điều gì khó khăn và thử thách với bạn thì đầu tư vào một huấn luyện viên sẽ giúp giải quyết được", cô nói đó là khoản đầu tư đáng giá.

    Dịch vụ giúp tiết kiệm thời gian

    Mua hàng tạp hóa giao tận nơi, gửi giặt ủi hoặc thuê giúp việc... là những cách tiết kiệm được thời gian. Hãy thực hiện nếu bạn có thể dành thời gian tiết kiệm đó để làm việc và kiếm được nhiều tiền hơn số tiền chi cho các dịch vụ.

    "Đối với tôi, tiền là để mang lại cho bạn cuộc sống mà bạn muốn, và điều đó thường có nghĩa là dành thời gian theo những cách khiến bạn hạnh phúc. Điều tốt nhất bạn có thể làm với tiền của mình là sử dụng nó để giải phóng thời gian", Kimberly Palmer nói.

    Các loại thẻ hoàn tiền cao cấp

    Có rất nhiều dịch vụ cung cấp thẻ thành viên cao cấp với phí thường niên cao, nhưng đổi lại rất nhiều quyền lợi tặng kèm hay chính sách hoàn tiền hấp dẫn. So ra, chúng thường tiết kiệm hơn đáng kể nếu sử dụng nhiều. Vì vậy, hãy đầu tư cho những chiếc thẻ đặc quyền nếu bạn thường xuyên sử dụng một dịch vụ nào đó.

    Ví dụ, nếu bạn thường xuyên đi lại bằng máy bay, hãy mở các thẻ tín dụng du lịch hoặc chọn các ngân hàng có chương trình liên kết với hãng hàng không để tặng dặm bay khi chi tiêu.

    Căn bếp với thiết bị xịn

    Khu vực nấu ăn với các thiết bị cao cấp là sự đầu tư mà người giỏi kiếm tiền thường thấy xứng đáng. Một căn bếp xịn sẽ khơi gợi niềm vui nấu ăn. Điều này vừa mang lại lợi ích cho sức khỏe và thực sự tiết kiệm được một số tiền đáng kể so với việc ăn ngoài quá nhiều.

    Thay vì mua một tách latte với giá 4 USD, Palmer mua hẳn một máy pha cà phê. Cô ấy nói rằng nó giúp tiết kiệm thời gian đến quán cà phê, xếp hàng chờ đợi và đặt hàng. Cô có thể ngồi trong bếp thưởng thức tách cà phê tự pha làm theo cách mình thích, thong thả và thư thái.

    Phòng tập thể dục

    Phí thành viên của các phòng tập chất lượng có thể tương đối cao và thường đòi hỏi phải đóng một lúc nhiều tháng hoặc cả năm. Tuy nhiên, chi tiêu cho luyện tập thể dục với Palmer là một sự đầu tư xứng đáng. Đây cũng là một trong những cách giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. "Cảm giác thật tuyệt và nó mang lại cho tôi nhiều năng lượng hơn", cô bình luận về quyết định đổ tiền vào đăng ký thành viên một phòng tập.

    Thứ mang lại niềm vui cho bạn

    Sẽ có những chi tiêu với bạn là xứng đáng, nhưng trong mắt người khác là hoang phí. Đừng bận tâm bởi người giỏi kiếm tiền luôn biết cách thỏa mãn niềm vui của bản thân bằng những quyết định "vung tiền" kiểu thế. 

    Nếu bạn yêu thích máy ảnh thì mua một chiếc máy ảnh xịn là khoản đầu tư tuyệt vời. Nhưng nếu bạn hài lòng với những tấm ảnh selfie bằng camera trên điện thoại thì máy ảnh là thứ không cần thiết. "Nó phụ thuộc rất nhiều vào điều gì mang đến cho bạn niềm vui và đó là cú 'chơi sang' tốt nhất cho bạn", Kimberly Palmer nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Lý Gia Thành không còn là cái tên xa lạ đối với giới siêu giàu tại Hong Kong. Ông từng nhiều năm liền lọt vào danh sách những người đàn ông quyền lực nhất thị trường đầu tư tại Châu Á.

    Năm 1996, Trương Tử Cường - tên cầm đầu của băng nhóm chuyên bắt cóc tống tiền tại Hong Kong đã để ý đến số tài sản của vị tỷ phú nổi tiếng Lý Gia Thành. Những vụ bắt cóc vào thời điểm này chưa bao giờ được công khai trên các phương tiện truyền thông bởi gia đình nạn nhân muốn giải quyết êm thấm mọi việc. Họ đều đưa tiền cho Trương Tử Cường để đổi lấy sự an toàn. Lý Trạch Cự - con trai của ông Lý Gia Thành trên đường đi làm về đã bị 'đón đầu' và rơi vào lưới của nhóm bắt cóc này.

    ly trach cu bi bat coc 1
    Hình ảnh khi Lý Trạch Cự bị bắt.

    Nhưng cũng chính sự cố ngàn cân treo sợi tóc này lại trở thành một trong những giai thoại nổi tiếng khắp Châu Á. Một đoạn đối thoại được coi là siêu kinh điển diễn ra giữa Lý Gia Thành và tên tội phạm Trương Tử Cường được xem như nguồn cảm hứng bất tận cho hàng triệu người, đem lại rất nhiều bài học bổ ích.

    ly trach cu bi bat coc 1
    Lý Gia Thành và con trai cả Lý Trạch Cự.

    Cụ thể, vào khoảng 6h chiều ngày 23/05/1996, tên tội phạm ngông cuồng Trương Tử Cường chủ động liên lạc với vị tỷ phú và hiên ngang đến tận dinh thự nhà họ Lý để đòi số tiền chuộc lên tới 2 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 5.750 tỷ đồng). Trước khi lên đường đến nhà 'con mồi', Trương Tử Cường không quên điện thoại dặn dò ông tỷ phú không được tiết lộ chuyện này ra ngoài nếu không muốn một kết cục đau đớn.

    Ông Lý đã giữ đúng lời hứa với tên tội phạm, tuyệt nhiên không hé nửa lời với cơ quan điều tra. Câu đầu tiên mà Trương Tử Cường 'chào sân' khi bước chân vào cửa là: Ông Lý, mau mời hết lũ cảnh sát đang ẩn nấp trong nhà ông ra đây đi!

    ly trach cu bi bat coc 1
    Tỷ phú Lý Gia Thành.

    Dù táo tợn, nhưng gã tội phạm vẫn không quên giữ an toàn tuyệt đối cho mình, hắn bán tín bán nghi nhằm xác nhận sự việc. Tuy nhiên, ngược lại với sự với đa nghi như Tào Tháo của hắn, tỷ phú họ Lý bình tĩnh đáp: Cả đời tôi làm kinh doanh, cũng chẳng có thành tựu gì lớn lao ngoài việc làm bất cứ việc gì cũng phải giữ chữ tín. Nếu anh Trương không tin, tôi có thể dẫn anh đi một vòng để kiểm tra.

    Với thái độ tự nhiên, Lý Gia Thành đã dẫn Trương Tử Cường đi một vòng quanh nhà và mở hết tất cả các cánh cửa để chứng minh cho hắn thấy ông không hề lừa dối. Sau đó, 2 người nhanh chóng quay trở lại phòng khách. Ông Lý nhanh chóng chấp thuận yêu sách của kẻ bắt cóc, chỉ cần chúng đảm bảo tính mạng cho con trai ông. Tuy nhiên, lúc đó ông chỉ có thể rút 1 tỷ HKD tiền mặt từ ngân hàng ra để đưa cho hắn và hứa chắc chắn sẽ thanh toán đầy đủ số tiền đã giao ước.

    Trước động thái của tỷ phú họ Lý, Trương Tử Cường tỏ ra vô cùng bất ngờ và phải hỏi ông tại sao lại có thể bình tĩnh được đến vậy. Lý Gia Thành cho rằng lần này bản thân ông đã quá sai lầm vì không chịu cẩn thận đề phòng cho sự an nguy của những người xung quanh, khi mà khối tài sản kếch xù của ông chính là mục tiêu nhiều nhóm tội phạm đang nhăm nhe hướng tới. Quá ngưỡng mộ người đàn ông nói được làm được ấy, tên tội phạm họ Trương sau khi nhận đủ tiền chuộc đã lập tức trả tự do cho Lý Trạch Cự.

    Trước khi Trương Tử Cường cao chạy xa bay, ông Lý đã khuyên hắn: Hãy dùng số tiền này để mua cổ phiếu của công ty tôi hoặc đem ra nước ngoài đầu tư. Ngoài ra, anh có thể gửi ngân hàng tiết kiệm, đảm bảo 3 đời nhà anh sẽ không phải sống trong cảnh nghèo khó.

    ly trach cu bi bat coc 1
    Chân dung tên tội phạm Trương Tử Cường.

    Thế nhưng, Trương Tử Cường lại đem số tiền kiếm được bất chính này nướng hết vào bài bạc. Sau này khi đã tay trắng, Trương Tử Cường đã gọi điện thoại cho ông Lý và hỏi: Ông Lý, tôi là một người nghiện cờ bạc nên tiền tôi đã chơi thua hết rồi. Ông có thể chỉ cho tôi cách đầu tư nào an toàn và đạt hiệu quả cao hơn được không?

    Lý Gia Thành bình tĩnh trả lời: Tôi chỉ có thể chỉ cho cậu làm người tốt, còn tất cả những thứ khác tôi hoàn toàn không thể thay cậu làm chủ được. Bây giờ, cậu chỉ có con đường duy nhất là hãy chạy càng xa càng tốt.

    Tuy nhiên, 'ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt'. Không thích làm việc, chỉ muốn hưởng thụ, Trương Tử Cường đã sa lưới vì tội buôn lậu và bị kết án với hàng loạt vụ bắt cóc khác. Tay anh chị khét tiếng xứ Cảng Thơm bị tịch thu tài sản và bị phán tử hình khi bước sang tuổi 43.

    ly trach cu bi bat coc 1
    Tên tội phạm bị tuyên án tử hình vào năm 43 tuổi.

    Ông Lý từng kể lại chuyện của mình với ngữ khí bình tĩnh như thể đang thuật lại chuyện quá khứ của người khác, khiến cho nhiều người phải thắc mắc: Vì sao ông không báo cảnh sát?

    Vị tỷ phú bình thản giải thích: Lúc ấy cuộc đàm phán giữa tôi với Trương Tử Cường diễn ra khá thuận lợi và tôi đã bằng lòng không báo cảnh sát, thế nên tôi phải kiên quyết thực hiện đến cùng.

    Khi được báo chí hỏi có từng hận Trương Tử Cường hay không, ông điềm đạm trả lời: Tôi đã quá sai lầm vì quá chủ quan trong việc giữ an toàn cho người thân. Hơn nữa, cuộc đời này còn nhiều chuyện bạn nên chấp nhận. Khi bạn làm quá sức, hãy ghỉ ngơi. Khi bạn chi quá tay, hãy đặt mục tiêu kiếm thêm và tiết kiệm lại. Nhưng khi bạn để mất chữ tín và danh dự, dù có đánh đổi bao nhiêu công sức và tiền bạc cũng chẳng thể lấy lại được.

    Vị tỷ phú họ Lý luôn coi chữ tín là sinh mệnh thứ hai của mình. Đó cũng chính là một trong những bí quyết khiến ông bước lên đỉnh cao của sự nghiệp, được tôn vinh là người đàn ông mẫu mực, đáng nể phục khắp Châu Á. Không những là tấm gương lớn về tài năng và nghị lực, đi lên bằng con đường kinh doanh chân chính, Lý Gia Thành còn là một con người sống rất lý trí, bình tĩnh và giỏi cân bằng cảm xúc.

    Viethome (theo thethaovanhoa)

  • Bài chia sẻ dưới đây là của chị Lâm Anh Đào, 47 tuổi người Sài Gòn đang định cư tại Australia cùng chồng và 5 con, từ 5 đến 17 tuổi.

    Hai vợ chồng tôi lấy nhau khi cả hai tay trắng, chưa có bất cứ tài sản gì và chỉ đi làm công ăn lương. Chồng tôi có mức lương ổn, còn thu nhập từ nghề chính của tôi (làm văn phòng tại một trường đại học) không mấy cao nên tôi có thêm nghề tay trái là dạy nhạc.

    Ngày chưa có con, tôi cũng thuộc dạng “phóng khoáng”, cứ thích gì là mua, chẳng bao giờ tính toán hay xem lại hóa đơn chi tiêu. Vì sự quá tay đó mà tôi hầu như không để dành được bao nhiêu dù đi làm chăm chỉ.

    mua nha xe nho tiet kiem 1
    Chị Lâm Anh Đào thường chọn mua quần áo trái mùa để được giá rẻ.

    Từ lúc sinh con, tự thấy nếu tiếp tục kiểu chi tiêu này thì không ổn nên tôi đã cố gắng điều chỉnh. Từ một người vụng về, chẳng biết nấu nướng gì, tôi học hỏi để tự tay nấu cho con ăn chứ không mua đồ hộp như nhiều mẹ khác ở bên này. Ngay cả khi gửi con đi nhà trẻ từ lúc 4 tháng tuổi để đi làm, tôi cũng luôn gửi kèm chiếc hũ đựng thức ăn do mình làm theo. Nhiều người quen thấy vậy gọi tôi là “bà mẹ hà tiện”, thậm chí, có chị phụ huynh gửi con cùng lớp còn mua tặng 20 hũ đồ ăn chế biến sẵn, có lẽ vì tội nghiệp con tôi có mẹ “ky”.

    Đến khi các con đi học, tôi lại tiếp tục “hà tiện” kiểu này với mục đích chính là bảo vệ sức khỏe cho con.

    Để các con có bữa ăn trưa đầy đủ chất, tôi giảm một tiếng ngủ nướng, sáng nào cũng dậy tầm 5 giờ. Sau khi chạy bộ hay tập yoga, tôi làm đồ ăn sáng và chuẩn bị bữa trưa để cả nhà mang đi học, đi làm. Một suất ăn trưa ở ngoài giá 15-20 đôla Australia. Nếu cả nhà cùng ăn tiệm buổi trưa, mỗi ngày chúng tôi sẽ tốn hàng trăm đôla. 10 năm con đi học, tôi chưa bao giờ để con phải mua đồ chiên nướng ở căng tin và nhờ vậy các bé không trở thành tâm điểm của bệnh béo phì như nhiều bạn cùng lứa, lại có thể ăn được cả đồ Tây lẫn đồ Việt.

    Thông thường tôi chi một tuần đi chợ cho 7 người ăn là 200 đô nhưng hầu như chưa bao giờ dùng hết số tiền này vì biết linh hoạt chọn đồ dựa theo mặt hàng được bày bán và món được giảm giá từng hôm. Chẳng hạn, thông thường cửa hàng sẽ bán 3 bó rau là 2 đôla, còn một bó là một đôla. Tôi sẽ mua 3 bó, một để nấu canh, một xào và một luộc. Tôi thường mua những đồ được giảm giá nhưng đảm bảo tươi ngon, chỉ có điều hạn không còn lâu. Điều quan trọng là mình mua về làm ngay và tuyệt đối không mua nhiều bỏ ngăn đá tủ lạnh. Nếu khéo léo tính toán, mỗi tuần bạn cũng tiết kiệm 30-40 đôla, tuy không nhiều nhưng góp gió sẽ thành bão.

    Với các đồ thiết yếu cho gia đình như xà phòng rửa tay, xà phòng giặt, giấy lau tay… tôi cũng thường canh đợt giảm giá sâu là mua nhiều dùng hơn 3-4 tháng.

    Cuối tuần người Việt có thói quen ra tiệm ăn phở hay bún. Tôi tự mua thịt hay xương về nấu được nồi bún bò Huế to chỉ tốn khoảng 30-45 đôla trong khi ăn ngoài tốn số tiền gấp đôi trở lên.

    Về trang phục, thích mặc đẹp cho con và bản thân, tiêu chí của tôi là đồ phải đẹp, bền và rẻ. Thường đồ đẹp, chất liệu tốt sẽ không rẻ, vì vậy tôi phải canh… thời tiết, tức là luôn đợi dịp giảm giá khi giao mùa. Ví dụ, một chiếc áo khoác chất lượng có giá bình thường là 370 đôla, nhưng tới cuối mùa thì giá chỉ còn 120 đô la.

    Tôi sẽ chọn các món đồ cơ bản, không bao giờ bị lỗi mốt để mặc được lâu. Cứ sắp sang hè, tôi sẽ đi mua đồ đông và ngược lại khi sắp tới đông thì mua đồ mát cho cả gia đình.

    Số tiền tiết kiệm từ mua sắm đó, tôi để dành mua sách và quần áo mới cho các con vào đầu năm học vì những món này thường không bao giờ hạ giá và tốn khá nhiều

    Với một gia đình đông con, chi phí cho trẻ là cả một vấn đề lớn. Tôi quan niệm, khi con còn nhỏ mình phải cố gắng làm việc, để tới khi con lớn hơn, mình có thời gian dạy con nhiều. Cách này không chỉ giúp tôi biết ưu tiên từng việc ở từng giai đoạn mà còn thực sự tiết kiệm được khá nhiều chi phí giáo dục trẻ.

    mua nha xe nho tiet kiem 1
    >Chị Đào có 1 con trai lớn và 4 con gái nhỏ.

    Tất cả các con của tôi đều học trường công nên học phí rẻ hơn trường tư. Tôi rèn cho con ý thức tự học từ nhỏ, đồng thời luôn dành thời gian kiểm tra, kèm con vào mỗi tối nên không bé nào phải đi học thêm. Nhiều gia đình khác, khi con vào lớp 3-4 thì thường cho con đi học thêm, mỗi tiếng tốn 30 đôla. Hiện nay, con gái thứ hai đang học lớp 9 của tôi còn dạy thêm toán và Anh văn cho trẻ nhỏ hơn và dành 2 tiếng dạy nhạc tại trường. Anh lớn nhất cũng dạy đánh trống cho 3 học trò nhí. Các con học tập tính tiết kiệm của mẹ, không bao giờ đòi mua sắm đồ gì. Số tiền các con có được từ việc dạy thêm được mẹ mở tài khoản để gửi tiền vào đó.

    Ông xã cũng góp phần “hà tiện” cùng vợ. Anh không uống bia rượu, không hút thuốc, tan làm là về nhà phụ vợ, chăm con, chỉ thỉnh thoảng tốn tiền mời vợ đi ăn trưa để “hâm nóng”.

    Nhờ “hà tiện” như vậy cộng với chăm chỉ làm ăn và tính toán chi ly, sau 23 năm lấy nhau, vợ chồng tôi đã lo cho 5 con ăn học đầy đủ và dần tích cóp mua được xe, nhà lớn ở trung tâm, thuận tiện cho con cái học hành.

    Bây giờ tôi bắt đầu chọn việc chứ không để việc chọn tôi. Tôi xin làm 4 ngày một tuần và giờ giấc phù hợp với việc đưa đón con. Việc làm cuối tuần không còn là việc kiếm tiền mà là tình yêu âm nhạc nên tôi vẫn giữ. Dù cuộc sống khá sung túc, tôi vẫn đi làm với bộ đồ giản dị và khi trở về nhà là vào bếp nấu đủ các món đồ ăn, bánh trái.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Số người có tài sản từ một đến gần 30 triệu USD tại Việt Nam được dự báo tăng 10% mỗi năm.

    Hãng nghiên cứu Wealth-X vừa công bố báo cáo về người giàu thế giới – High Net Worth Handbook 2019 (tài sản từ 1 đến dưới 30 triệu USD). Theo đó, Việt Nam nằm trong top 10 nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng người giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2018 – 2023, với 10,1% mỗi năm. Tốc độ này chỉ đứng sau Nigeria (16,3%), Ai Cập (12,5%) và Bangladesh (11,4%).

    Wealth-X đã nghiên cứu hơn 540.000 người giàu trên thế giới để dự báo triển vọng tăng trưởng tài sản toàn cầu trong 5 năm tới. Các tiêu chí nghiên cứu là mức tài sản hiện tại, ước tính về tăng trưởng dân số và cơ hội đầu tư trong tương lai.

    Trước đó, một báo cáo của Wealth-X công bố hồi tháng 9/2018 cũng xếp Việt Nam vào nhóm 3 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 – 2017, với 12,7% mỗi năm. Đây là nhóm người được định nghĩa có tài sản từ 30 triệu USD trở lên.

    Trong báo cáo lần này, Wealth-X đánh giá năm 2018, số người giàu thế giới chỉ tăng 1,9% so với năm trước đó, lên 22,4 triệu người. Tốc độ này khá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Wealth-X cho rằng việc này là do người giàu tham gia vào chứng khoán khá nhiều và chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm năm qua. Tổng tài sản của họ năm ngoái tăng 1,8% lên 61.300 tỷ USD.

    Gần như mọi khu vực trên thế giới đều có số người giàu nhiều lên, dù tốc độ tăng không cao. Trong khi đó, châu Phi, Thái Bình Dương cùng khu vực Mỹ Latin và Caribbean lại chứng kiến lượng người giàu giảm. Bắc Mỹ vẫn đóng góp nhiều đại diện nhất, với gần 9,2 triệu người, kiểm soát gần 40% tài sản người giàu thế giới.

    Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng người giàu cao nhất thế giới.

    Top 10 quốc gia có nhiều người giàu nhất chiếm tới 75,2% số lượng và 73,8% tài sản toàn cầu. Dẫn đầu là Mỹ với hơn 8,6 triệu người. Theo sau là Trung Quốc (1,8 triệu), Nhật Bản (1,6 triệu) và Đức (hơn một triệu người).

    Xét về thành phố, New York (Mỹ) là nơi có nhiều người giàu nhất, với gần 980.000 người. Con số này cao gấp rưỡi thành phố đứng ngay sau là Tokyo (Nhật Bản) với gần 600.000 người.

    So với nhóm siêu giàu, nam giới trong danh sách người giàu áp đảo nữ. Tỷ lệ người giàu tự thân cũng cao hơn.

    Báo cáo của Wealth-X cũng nghiên cứu cách tiêu tiền của giới giàu có. Ngoài kinh doanh, làm từ thiện, họ còn thích đổ tiền vào tài chính, thể thao, các hoạt động ngoài trời và giáo dục.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Ở Mỹ ngoài làm nails thì người Việt còn có một công việc phổ biến khác đó là nghề giữ trẻ - mà mọi người hay gọi tắt là Babysit.

    Trên các trang báo Việt ngày nào cũng có trên dưới 20 mẩu quảng cáo của những người nhận giữ trẻ. Ở Mỹ thật ra có khá nhiều cơ sở giữ trẻ ( thường gọi là Day Care), tuy nhiên bà con mình vẫn thích gửi cho các tư nhân người Việt hơn. Lý do gửi người Việt sẽ ít gắt gao về thời gian.

    Ví dụ ba mẹ bận việc đón bé trễ chút xíu cũng thông cảm không sao. Thậm chí nhiều trường hợp đặc biệt có thể cho bé ngủ lại qua đêm luôn. Còn gửi Day Care của Mỹ quy định giờ nào là phải đón đúng giờ đó. Trễ bao nhiêu phút thì họ sẽ tính thêm tiền bấy nhiêu.

    Có nơi người giữ trẻ sẽ lo luôn phần cơm cho bé theo kiểu ở nhà ăn gì thì cho bé ăn nấy. Nhưng cũng có nơi không bao cơm mà cha mẹ phải gửi thức ăn kèm theo. Do vậy khi gửi bé thường có một túi đồ kèm theo gồm: thức ăn, sữa, tã, quần áo, khăn, giấy vệ sinh...

    Về hình thức thì có nhiều hình thức giữ trẻ: 

    - Mỗi sáng đi làm, phụ huynh chở con đi gửi. Đến chiều tối ghé chở con về.

    - Người giữ trẻ mỗi sáng tự lái xe đến nhà chủ, ở lại giữ trẻ đến chiều thì trở về nhà mình.

    - Người giữ trẻ ở hẳn lại nhà của chủ từ thứ hai đến thứ sáu, cuối tuần mới về nhà mình.

    HẤP DẪN NHƯNG KHÔNG DỄ ĂN

    Babysit là một công việc kiếm ra tiền. Một ngày giữ 8 -10 tiếng, người giữ trẻ sẽ lấy từ 20-30 đô/ bé. Nếu ba mẹ gửi chỉ gửi vài tiếng thì 10 -15 đô. Với một người giữ trẻ chuyên nghiệp họ có thể giữ 3-5 trẻ cùng lúc, tính trung bình một tháng họ cũng kiếm được $1,500-2,000. Hoặc nếu đến nhà chủ giữ bé 5 ngày/tuần thì lương sẽ khoảng 1.200 - 1.500/tháng.

    Đây là mức thu nhập không hề nhỏ so với công việc làm nhà hàng hay hãng xưởng chỉ $9-10/ giờ. Và dĩ nhiên giữ trẻ tư nhân thì họ sẽ bỏ túi 100% tiền mặt mà không cần đóng bất kỳ một khoản thuế nào.

    Giữ trẻ ở Mỹ thường là những cô bác lớn tuổi có thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên gần đây nhiều cô bác sang Mỹ du lịch 6 tháng, 1 năm cũng tranh thủ thời gian làm nghề giữ trẻ, lúc về dành dụm cầm vài ngàn về là chuyện rất bình thường.

    Tuy nhiên ngoài chuyện cực nhọc phải cho bé ăn, thay tã... thì khi giữ trẻ ở Mỹ nên cẩn thận trong việc giữ an toàn cho bé. Bởi chỉ một chút sơ sẩy ảnh hưởng đến đứa trẻ thì bạn hoàn toàn có thể bị kiện ra tòa như chơi. Thậm chí một xết xước, một vết cắn côn trùng cũng có thể bị xé làm to chuyện.

    Một điều nữa để hành nghề giữ trẻ ở Mỹ bạn cần phải trãi qua một khóa huấn luyện để được cấp bằng hợp pháp. Tuy nhiên rất ít người Việt mình bỏ thời gian để lấy cái bằng này, mà đa số nhận giữ theo kiểu truyền miệng, người quen giới thiệu lẫn nhau. Do vậy khi có chuyện gì vỡ lỡ phải ra tòa mà bạn không có một tấm bằng hợp pháp thì mọi việc sẽ càng rắc rối hơn !

    Viethome (Sưu tầm từ FB Chuyện của Julie/tinnuocmy)

  • Bạn đang cân nhắc tậu một căn nhà mới? Đừng vội trả giá khi chưa đọc 10 mẹo nhỏ sau đây vì chúng sẽ gợi ý cho bạn cách mặc cả hiệu quả nhất.

    Có lẽ bạn chẳng thể nào xin giảm giá trong một nhà hàng hay siêu thị, nhưng ở thị trường nhà đất London, mặc cả được coi là lẽ thông thường.

    Theo nghiên cứu mới nhất của Hometrack, người mua nhà ở thủ đô đang có xu hướng mua được nhà rẻ hơn 5% so với giá chào bán – đồng nghĩa với việc nếu bạn bỏ ra 400,000 bảng, bạn có thể tiết kiệm được 20,000 bảng.

    Chuẩn bị sẵn sàng tiền bạc

    Bước đầu tiên chính là chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, hoàn tất thỏa thuận và thuê sẵn luật sư.

    “Bạn phải chuẩn bị sẵn sàng về tài chính và pháp lý,” ông James Robinson, tổng giám đốc Lurot Brand cho biết. “Nếu bạn muốn hạ giá thấp xuống, tốc độ chính là yếu tố tiên quyết.”

    Hãy tỏ ra thật ngầu

    Khi đi xem nhà, đừng tỏ rõ rằng mình thực sự yêu thích nó. Đây là lời khuyên từ chuyên gia môi giới mua nhà Nathalie Hirst. Nếu thể hiện thái độ quá rõ ràng, bạn sẽ bị yếu thế.

    “Trong khi bạn hoàn toàn có thể tỏ ý khen ngợi, bạn vẫn phải giữ mặt lạnh,” bà nói.

    Tìm hiểu về khu vực xung quanh

    Bạn cần phải có đầy đủ lý lẽ cho cái giá mà mình đề xuất – bạn không nên ra giá chỉ vì mức giá trung bình ở London vừa giảm 5% vì giá chào bán có thể đang hoàn toàn hợp lý hoặc cắt cổ.

    “Bạn cần nghiên cứu cẩn thận về giá bán trong khu vực đó,” Giles Cook, người đứng đầu dịch vụ nhà ở của Best Gapp, cho biết.

    Hãy làm đầy đủ bài tập về nhà

    Cook cũng khuyên bạn nên tìm hiểu vì sao người bán lại muốn bán nhà bởi lẽ nếu họ chỉ đang có ý thăm dò, họ sẽ không bao giờ chấp nhận một mức giá quá bất lợi. Nhưng nếu họ buộc phải chuyển đi, họ có thể sẽ linh hoạt hơn trong việc giảm giá.

    Bạn cũng cần tìm hiểu lịch sử mua bán của căn nhà vì một người chủ đã phải chờ quá lâu để tống căn nhà đi sẽ sẵn lòng giảm giá hơn so với người mới rao bán được vài tuần. Và những người đã từng giảm giá chào bán sẽ không sẵn sàng hoặc không thể giảm thêm nữa.

    Bước đi thật cẩn thận

    Dù có làm gì, bạn cũng đừng phí thời gian bằng việc trả giá xuống quá thấp; không ai muốn bán cho bạn một căn hộ hai phòng ngủ xinh đẹp ở Islington với cái giá 250,000 bảng, dù họ có đang tuyệt vọng đến mức nào.

    “Việc trả giá cần được thực hiện một cách thật cẩn thận,” ông Mark Peck, giám đốc Cheffins, nói. Ông cũng khuyên người mua chỉ nên hạ giá trong khoảng 10% thấp hơn giá chào bán.

    “Bạn đi một bước sai và người bán có thể cảm thấy bực tức hoặc hoàn toàn từ chối người mua, và điều đó cũng khiến bên môi giới nghi ngờ về mức độ nghiêm túc của bạn.”

    Dù việc chỉ ra những thiếu sót của căn nhà để hạ giá là hoàn toàn chấp nhận được, bạn cũng không nên đưa ra những lý do quá cá nhân. Không ai muốn nghe nhận xét rằng căn bếp của họ quá sức bốc mùi – dù đó có là sự thật đi chăng nữa.

    Biết người biết ta

    Bạn có thể tỏ thái độ cương quyết hơn khi thực hiện việc mua bán với bên chủ đầu tư, bởi lẽ khi đó sẽ không có nhiều chỗ cho cảm xúc cá nhân.

    “Nếu bạn đang thương lượng để mua nhà ở khu vực mới phát triển, cứ mặc cả thật hăng và sẵn sàng quay lưng đi nếu không hài lòng,” James Greenwood của công ty môi giới Stacks Property Search nói.

    “Còn có rất nhiều lựa chọn khác, và rất nhiều đơn vị phát triển nhà đang muốn giải phóng các căn hộ, sẽ có nhiều món hời dành cho bạn.

    Mặc cả bằng văn bản

    Việc đề xuất giá nên được thực hiện bằng văn bản, qua công ty môi giới, để cho thấy bạn thực sự nghiêm túc, và cũng để tránh sự bối rối khi gặp mặt trực tiếp.

    “Việc thương lượng đi kèm với thư chấp thuận của luật sư cũng như thông tin chứng minh tài chính cá nhân sẽ đáng tin tưởng hơn,” ông Cook nói.

    “Hãy cung cấp cả mốc thời gian cho việc trao đổi và hoàn tất thủ tục, những yêu cầu và điều kiện chi tiết liên quan đến giao dịch và cả lý do khiến bạn muốn mua nhà.”

    Thời điểm là vô cùng quan trọng

     “Một phi vụ mua bán thành công không chỉ liên quan đến giá cả,” Claire Owen, giám đốc Loop Software, công ty chuyên nghiên cứu mức chênh lệch giữa giá chào bán và giá bán ở Anh, cho biết.

    “Còn nhiều yếu tố khác giúp bạn có thể đưa ra mức giá hấp dẫn với người bán. Thời điểm thường rất quan trọng, bạn có thể hoàn tất mọi việc thật nhanh chóng không, hay bạn thích trì hoãn một chút? Bạn có sẵn sàng tiến tới không? Bạn có sẵn khả năng tài chính, không phải chịu sức ép mua bán nhà và sẵn sàng cho mọi việc? Nếu có, bạn sẽ có thêm cơ hội mặc cả giá thấp hơn.”

    Hiểu rõ giới hạn của bản thân

    Nếu bạn có thể trả thêm được, hãy cứ làm như vậy. “Khi mặc cả, hãy nâng giá từng chút một,” Caroline Talka, người sáng lập và đồng quản lý công ty môi giới The Collection LLP, khuyên.

    “Ví dụ, giá đầu tiên của bạn có thể thấp hơn 50,000 bảng, tiếp theo là thấp hơn 25,000, tiếp nữa là 10,000 và cuối cùng là 2,500. Điều này giúp thể hiện rõ việc thương lượng đang dần chậm lại và bạn chỉ có thể trả một khoản nhất định.”

    Đừng dễ dàng bỏ cuộc

    Và nếu cái giá tốt nhất mà bạn có thể trả vẫn bị từ chối, đừng từ bỏ hy vọng. “Nếu người bán không chịu hạ giá ngày hôm nay, không có nghĩa là câu trả lời không có gì thay đổi vào tuần sau,” Rob Dix, đồng sáng lập công ty The Property Hub, cho biết.

    “Thật đáng kinh ngạc khi có rất ít người mua chịu kiên trì khi mức giá họ đưa ra bị từ chối: trong khi đó lại là điểm mấu chốt để đạt được thỏa thuận tốt nhất.”

    Một người bán có thể cứng đầu lúc ban đầu nhưng rất có thể sẽ thay đổi quyết định sau đó, vì thế bạn nên kiên nhẫn một chút.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Thu nhập cao nhưng chị Quỳnh giữ thói quen săn đồ giảm giá, tự trồng rau và nấu ăn ở nhà để tiết kiệm chi phí.

    Chị Trần Quỳnh hiện sống tại tiểu bang North Carolina thuộc xứ lạnh ở bờ Đông nước Mỹ cùng chồng và hai con nhỏ. Ở Mỹ gần 10 năm nay, chị cảm thấy cuộc sống thật dễ chịu khi “làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu” và không đau đầu lo tích cóp về già vì đã có lương hưu cao ngất ngưởng.

    Chồng chị là kỹ sư viết phần mềm của hãng IBM với mức thu nhập khá cao một tháng. Hiện, chị ở nhà chăm hai con nhỏ, nội trợ và đi làm hai ngày cuối tuần với mức lương 500 USD. Bà mẹ hai con cho biết thu nhập cao nhưng mỗi tháng, ông xã phải đóng thuế một nửa. Trong gia đình, chồng là người lo trả tiền nhà, bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khỏe cho bốn người, còn thu nhập của chị dành để chi tiêu ăn uống, xăng xe, điện nước.

    Khu vườn nhỏ nhà chị Quỳnh tràn ngập hoa và đủ loại rau, củ Việt.

    Ăn uống

    Ngày mới sang Mỹ, chưa biết cân đối nên chị thường vung tiền mua sắm vì “thấy gì cũng rẻ, cũng thích” nhưng sau điều tiết lại nhờ học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè sống ở đây lâu năm. Giờ có con nhỏ, chị ưu tiên cho việc ăn uống, sau đó là du lịch.

    “Tiền đi chợ một tuần là 150 USD cho bốn người ăn, thức ăn cho hai chú chó khoảng gần 100 USD rồi xăng xe, chi phí lặt vặt trong nhà, mua tã, đồ chơi cho con. Nhà tôi hay ăn đồ Việt trong khi khu gần nhà lại hiếm thành ra phải mua giá cao”, chị Quỳnh chia sẻ. 

    Chị Quỳnh cho biết đồ ăn bình thường bên Mỹ không đắt và chỉ tốn tiền khi muốn mua đồ Việt. Trong vườn nhà, chị trồng đủ loại rau và tự nấu ăn để tiết kiệm. Chị chia sẻ thực đơn của gia đình: hai quả trứng (giá 50 xu) đánh ra làm chả trứng, mua trái bầu 1 USD, tôm 1 USD, và 2 pounds mực (khoảng 9 lạng) 4 USD, thêm chút dứa, rau củ (1,5 USD), tính ra là 8 USD nhưng nấu được một món canh, hai món xào ăn. Hôm sau, chị đổi món bằng cách mua 2 USD tiền thịt kho với trứng, 50 xu cà chua, một quả dứa, đầu cá bông lau là có nồi canh chua ăn bổ dưỡng. Còn không, chị mua gà free range (gà đi bộ) về luộc, nấu cháo hoặc xôi là ăn no nê cả ngày.

    Chị Quỳnh hiện sống cùng chồng và 2 con nhỏ ở Mỹ.

    Sống ở Mỹ lâu nên chị học được tính tiết kiệm của người dân ở đây. Theo chị, cần phân biệt được khi nào thích và thật sự muốn món đồ nào đó. Trước khi có ý định mua gì, hãy khoan và đừng sợ hết vì hàng hoá ở đây không bao giờ cạn. Nên về nhà xem bạn có món tương tự có thể thay thế không. “Tôi bảo đảm trên 70 % là có. Ở Mỹ có cách trưng bày và cách bán khiến bạn cực kỳ thích mua dù đã có hoặc không cần”, chị Quỳnh nói.

    Ngoài đi làm, chị còn kinh doanh qua mạng. Thu nhập từ nguồn này giúp vợ chồng chị đủ trang trải chi phí đi du lịch và về Việt Nam mỗi năm.

    Mua sắm

    Với quần áo, chị thường không chọn trung tâm thương mại hoành tráng. Khi muốn mua, chị Quỳnh vào những thương hiệu lớn vì đồ của mấy hãng này thường lỗi mất một năm. Thay vì mua áo len của các thương hiệu bình dân mỗi cái 10 USD, chị mua một chiếc xịn giá 60 USD để có thể mặc được 4-6 năm. Túi xách cũng vậy, chị sắm túi thật đắt để không tha mấy thứ rẻ rẻ về. Đó cũng là cách tiết kiệm tiền bạc và thời gian hữu hiệu.

    Ở Mỹ, hàng năm từ ngày 31/1 đến 15/2, một số hãng hay có đợt xả hàng giảm giá đến 95%. Đây là dịp để mua được quần áo siêu rẻ. Có những chiếc áo giá 3-5 USD, áo len từ 100 USD giảm còn 5-7 USD. 

    Đồ gia dụng

    Từ đồ gia dụng, máy hút bụi đến tivi, chị đều lên eBay mua. Tìm người bán thật uy tín nhưng khoan hãy mua mà đặt mục tiêu trước. Ví dụ, tivi ở ngoài giá 700 USD, trên eBay người bán uy tín lâu năm chỉ rao 500 USD. Chị đợi ngày có eBay bucks (tiền của eBay) cho lại 8 %-10 %. Tivi 500 USD, chị Quỳnh được 10 % tiền eBay là 50 USD. Ngoài ra, tránh được thuế mua hàng 10 % giúp chị Quỳnh tiết kiệm khối tiền.

    Đối với xe cộ, những lỗi nhỏ như cháy bóng đèn, bộ lọc không khí bị hỏng, chị chỉ cần bỏ ra 5 phút lên Youtube để xem hướng dẫn. Cách này giúp chị đỡ tốn 100 USD. Mọi việc chị cần làm là đánh tên xe như Toyota camry 2012 và vấn đề xảy ra. Nếu thấy không ổn, chị kiếm một chỗ sửa xe có phản hồi tốt và rẻ.

    Lương hưu

    “Lúc còn đi làm bị đánh thuế nhưng khi về già, vợ chồng tôi có lương hưu cao. Lúc ấy, tiền nhà đã trả hết nên chúng tôi có tiền đi khắp thế gian và hưởng thụ cuộc sống. Với tiền hưu cao, nếu yếu quá, tôi có thể kiếm được viện dưỡng lão tốt ” chị Quỳnh cho hay.

    Chị quan niệm không nhất thiết phải “cày ngày cày đêm” để dành tiền cho con sau này bởi “ở Mỹ nếu bệnh đã có bảo hiểm, học đại học không tiền có thể kiếm học bổng hay mượn tiền chính phủ”. Khi con đủ 18 tuổi, vợ chồng chị sẽ cho chúng tự lập.

    Viethome (theo Ngôi Sao)

  • Liên quan đến việc ông chủ tập đoàn tơ lụa Khaisilk Hoàng Khải rơi vào khó khăn, tài sản lần lượt “bốc hơi” sau "bê bối hàng Tàu”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Kinh tế Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng tất cả do lòng tham. Lòng tham nếu không biết chừng mực, không có giới hạn thì sẽ phải trả giá.

    Sau bê bối về lụa tàu, ông chủ tập đoàn tơ lụa Khaisilk đã rơi vào khó khăn do toàn bộ cửa hàng thời trang của Khaisilk đều đóng cửa để phục vụ điều tra. Ông Hoàng Khải cũng không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức. Cũng bắt đầu từ đây, tập đoàn tơ lụa Khaisilk cũng rơi vào khó khăn và đầy biến động. Giữa tháng 12 vừa qua đã phải nhượng lại quyền thuê hai toà lâu đài có tên TajmaSago và Cham Charm trị giá 30 triệu USD cho nữ đại gia 9x Đặng Thị Bảo Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Chloe Hospitality.

    Liên quan đến vấn đề này, "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Kinh tế Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

    Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên kinh tế Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

    Không chế ngự được lòng tham

    Thưa ông, vệc ông Hoàng Khải xây dựng thương hiệu 30 năm và chỉ một năm sau khi dính bê bối lụa tàu đã bị phá sản, điều đó nói lên điều gì?

    Như chúng ta thấy, làm kinh doanh thành công hay thất bại là chuyện thường tình nhưng mà để xây dựng một cơ ngơi khoảng 30 năm như Hoàng Khải để rồi đánh mất chỉ trong một khoảnh khắc là điều rất đáng tiếc.

    Để xây dựng được một cơ nghiệp rất là khó khăn vì phải đổ nhiều mồ hôi công sức, sự tâm huyết. Xây dựng cơ ngơi đã khó nhưng làm sao để duy trì cơ ngơi đó và phát triển nó lại càng khó khăn hơn. một cơ ngơi được gây dựng mấy chục năm nhưng lại tan thành bọt xà phòng cũng đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận, cần phải suy ngẫm. Vấn đề không chỉ nằm trong câu chuyện thương hiệu của Khaisilk mà của rất nhiều doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

    Tại sao tôi lại nói như vậy?

    Trong bối cảnh kinh tế đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, bên cạnh việc tạo cho doanh nhân, doanh nghiệp cơ hội phát triển nó còn có không ít những điểm xám, điểm mờ. Chỉ cần sơ sẩy, người kinh doanh có thể bước qua điểm xám đó ngay lập tức.

    Xây dựng cơ ngơi là khó khăn nhưng việc đánh đổ cơ ngơi rất dễ dàng, ai cũng hiểu điều đó nhưng nhiều khi là do lòng tham.

    Chúng ta không phê phán ông Hoàng Khải hay bất kỳ ai là tham nhưng bản chất của con người ta là tham. Nhưng lòng tham phải tùy bối cảnh và nếu không biết chừng mực, có giới hạn thì chúng ta sẽ phải trả giá.

    Toàn bộ cửa hàng thời trang của Khaisilk đều đóng cửa để điều tra.

    Chúng ta nhìn câu chuyện Hoàng Khải để thấy rằng, chỉ vì không chế ngự được lòng tham để rồi sa chân vào điểm xám trong nền kinh tế thị trường đó. Cuối cùng toàn bộ cơ ngơi, tài sản lần lượt rơi vào tay kẻ khác. Đó là cái giá phải trả cho cơ nghiệp 30 năm gây dựng.

    Từ câu chuyện của Hoàng Khải, nếu chúng ta nhìn rộng ra giới doanh nhân thì vẫn thấy tình trạng mua gian bán lận còn rất phổ biến trong xã hội. Thực lòng mà nói, nhìn đâu cũng thấy tình trạng gian lận trong kinh doanh nhưng nó nhỏ quá nên người ta không để ý đến. Hoặc đó là vấn đề bình thường trong một xã hội. Cũng có thể vấn đề gian lận kinh doanh chưa được phanh phui ra để đẩy nó lên thành một vấn đề cao trào như câu chuyện của Khaisilk.

    Những người làm ăn như thế thì phải nhìn vào câu chuyện của Hoàng Khải lấy đó làm bài học thấm thía cho mình để điều chỉnh lại thái độ kinh doanh của mình. Nếu không thì không vững bền.

    Trong làm ăn kinh doanh thường có những sự cám dỗ, thấy sự kiếm tiền quá dễ dàng, nếu lao vào và không nhìn thấy điểm dừng thì nó sẽ là một điều vô cùng tai hại.

    Vậy theo ông, bê bối lụa tàu của Khaisilk phải trả giá như thế có quá đắt không?

    Để trả lời được câu hỏi này, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhìn sâu xa hơn vào bản chất của sự việc. Câu hỏi đặt ra, cơ nghiệp mà ông ta đã có được có phải được tạo dựng ra dựa trên tài năng hay không lại là vấn đề?

    Nếu cơ nghiệp Khaisilk xây dựng bằng mồ hôi nước mắt thực sự nhưng chỉ vì một tai nạn nào đó mà tan như bọt xà phòng thì rất đáng tiếc. Nhưng nếu cơ nghiệp đó dựa trên sự gian lận, dựa trên lòng tham không có kiểm soát thì của thiên trả địa. Vấn đề này không chỉ đúng cho một trường hợp cụ thể trường hợp nào mà đúng trong mọi trường hợp.

    Ông chủ tập đoàn tơ lụa Khaisilk Hoàng Khải.

    Anh có tự hào về khối tài sản mình gây dựng hay không hay bây giờ anh đang phải trả giá cho một cái gì đó được tạo dựng không dựa trên mồ hôi, công sức và nước mắt của anh? Nếu thực sự không phải là mồ hôi và nước mắt thì ông Hoàng Khải vẫn hời, vì không bỏ cái gì ra cả, không hề phải trả giá gì cả. Hư vô thì phải trả về hư vô. Người trả lời tốt nhất cho câu hỏi này chính là ông Hoàng Khải. 

    Nhưng mà tôi tin là những người tạo dựng cơ nghiệp bằng mồ hôi nước mắt sẽ không dễ dàng đánh đổi nó một cách chóng vánh.

    Từ câu chuyện đó mới thấy được lớp doanh nhân của chúng ta có những người giàu lên từ sự tài năng thực sự và họ đáng được trân trọng, ngưỡng mộ. Nhưng cũng có những người tận dụng được sự mù mờ trong quá trình chuyển đổi kinh tế họ giàu lên. Tất nhiên, trong đó cũng có một phần tài năng vì họ biết tận dụng những cơ hội mà nhiều người khác không làm được.

    Ngoài ra, chúng ta phải xét xem họ đóng góp ròng cho xã hội như thế nào? Nếu họ lấy đi của xã hội một nhưng đóng góp lại cho xã hội 5 hay 20 thì chúng ta cũng không nên quá khắt khe với những người như thế. Ngược lại, họ lấy của xã hội 20 và bỏ túi hết thì những người giàu đó lại làm tổn thất cho xã hội quá lớn. Những con người như thế không thể được vinh danh.

    Nhiều doanh nghiệp trả giá vì gian lận trong kinh doanh

    Trên thế giới đã có trường hợp nào làm ăn gian dối và đi tới phá sản như trường hợp của Tập đoàn Khaisilk chưa thưa ông?

    Với trường hợp của Khải silk thì tôi không chắc nhưng gian lận trong kinh doanh thì có rất nhiều câu chuyện. Gần đây nhất một vụ gian lận của tập đoàn ô tô Đức Volkswagen. Họ gian lận bằng cách cài phần mềm thể hiện sai thông số phác thải và những chiếc xe được cài phần mềm này sẽ có nhưng thông số thể hiện rằng đạt chuẩn môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế phác thải ra bên ngoài lại vượt chuẩn cho phép.

    Khi bê bối bị phanh phui, cổ phiếu của Volkswagen liên tục lao dốc. Hơn 1/3 giá trị vốn hóa thị trường của họ đã bị ‘thổi bay’ chỉ sau 2 ngày. Bản thân CEO Martin Winterkorn đã phải từ chức và bị tiến hành điều tra hình sự, còn tập đoàn này vẫn đang bị điều tra bởi cơ quan chức năng ở nhiều nước. Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse ước tính tổng thiệt hại mà Volkswagen phải hứng chịu có thể lên đến 87 tỷ USD.

    Đó là một tập đoàn lớn, tại một đất nước mà theo tôi thấy vấn đề gian lận là điều tối kỵ trong kinh doanh nhưng họ vẫn vi phạm. Thậm chí, vi phạm này còn mang tính hệ thống chứ không phải chỉ một cá nhân đơn lẻ.

    Một trường họp điển hình khác đó là WorldCom, một trong những công ty viễn thông đường dài lớn thứ 2 tại Mỹ. WorldCom đã có những bước phát triển thần tốc, chủ yếu thông qua các thương vụ thôn tính những công ty viễn thông khác để mở rộng quy mô. Trong những năm 1990, doanh nghiệp này đã thực hiện khoảng 60 vụ mua lại, có đến 80.000 lao động và đạt giá trị thị trường tới 180 tỷ USD.

    Tuy vậy, đến đầu thế kỷ 21, khi viễn thông ở Mỹ bắt đầu hạ nhiệt, WorldCom lâm vào nợ nần sau những vụ vung tay thôn tính, mua lại. CEO Bernard Ebbers đã dùng những biện pháp mở ám để gian lận kế toán, che giấu tình trạng tài chính suy yếu, giả mạo tăng trưởng để nâng giá cổ phiếu. Năm 2005, công ty tuyên bố phá sản sau khi tòa án New York xác nhận ông Ebbers gian lận sổ sách số tiền lên đến 1 tỷ USD và bị phạt 25 năm tù. Đây là trường hợp phá sản lớn nhất ở Mỹ cho đến thời điểm đó.

    Chỉ với 2 trường hợp kể trên có thể thấy, không chỉ ở Việt Nam, mà tại nhiều quốc gia khác việc duy trì đạo đức kinh doanh là vấn đề không hề dễ dàng.

    Vẩn đục môi trường kinh doanh

    Vậy những tình trạng gian lận theo kiểu Khaisilk (lấy hàng Trung đội lốt hàng Việt) sẽ tác động như thế nào tới môi trường đầu tư tại Việt Nam?

    Hiện nay tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt nam cũng hết sức phổ biến, thậm chí còn nhan nhản. Như việc nông sản Trung Quộc đội lốt hàng nông sản Đà Lạt mới đây là một ví dụ điển hình. Nghe nói Thủ tướng cũng đã chỉ đạo điều tra xem xét việc này.

    Thực tế, có trường hợp giới thương nhân Trung Quốc họ tuồn hàng của họ vào đội lốt hàng Việt nhưng cũng có người Việt hợp tác với người Trung Quốc hay bản thân người Việt họ thấy được lợi ích từ việc như thế họ đội lốt hàng Trung Quốc.

    Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang, khả năng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra và nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này.

    Việc này không chỉ gây nguy cơ rằng niềm tin người tiêu dùng sụt giảm mà nhìn sâu xa hơn khi hàng Trung Quốc đôi lốt hàng Việt xuất khẩu để tránh chính sách Thuế của Mỹ có thể Việt Nam sẽ trở thành đối tượng tiếp theo trong danh sách áp thuế của Mỹ.

    Cái nguy hiểm không kém là làm vẩn đục môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thế giới họ nhìn thấy Việt Nam là môi trường kinh doanh quá gian lận và nó sẽ tạo ra một cái tác động lây lan cho những doanh nhân, doanh nghiệp chân chính.

    Ngoài ra, nhìn vào câu chuyện của Khaisilk, không ít người đặt câu hỏi: Tại sao Khaisilk không bị phanh phui sớm?. Vai trò của cơ quan nhà nước ở đâu? Chúng ta có cục quản lý cạnh tranh, cơ quan quản lý thị trường, trách nhiệm của họ ở đâu?

    Chúng ta đang thiếu một thiết chế để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng một cách hợp pháp. Tránh tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ bởi nó đổi trắng thay đen, đen thành trắng.

    Chúng ta phải làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Văn hóa kinh doanh cũng là một môi trường kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề giấy phép, gia nhập thị trường…. Khi nói đến Việt Nam phải nói đến môi trường văn hóa, một tinh thần văn minh thật sự chứ không phải nói đến Việt Nam trong suy nghĩ của nhà đầu tư đó là mua gian, bán lận hay đánh tráo sản phẩm…

    “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”

    Đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập cần lưu ý điều gì, thưa ông?

    Làm kinh doanh phải giữ chứ tín. Ông bà mình đã nói rồi “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng” nên chữ tín trong kinh doanh phải đặt lên hàng đầu. Ai chưa học thuộc lòng chữ tín thì đừng làm kinh doanh vì nếu không cơ nghiệp cũng sẽ tan như bọt xà phòng

    Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp muốn đứng được trong một môi trường vốn rộng lớn nhưng rất khắt khe đó là anh phải có giá trị cốt lõi

    Doanh nghiệp phải định vị mình, giá trị cốt lõi của mình là cái gì, ở đâu. Khi định vị được giá trị cốt lõi doanh nghiệp phải theo đuổi nó, vun đắp nó không ngững tạo giá trị mới có ích cho khách hàng

    Nếu làm ăn theo kiểu chộp giật, nhìn lợi ích trước mắt mà không quan tâm lợi ích lâu dài, nhìn lợi ích của bản thân mà không quan tâm tới lợi ích xã hội thì không sớm thì muộn cũng phải trả giá. Thậm chí còn mang tiếng xấu cho cá nhân, gia đình và người thân.

    Sự trả giá nó lớn như thế!

    Xin cảm ơn ông!

    Viethome (theo Dân Việt)

  • Gần 600 nông dân chia nhau 1.200 tỷ mỗi năm, các hộ trồng vải ở Lục Ngạn cũng chia nhau vài ngàn tỷ hay như dân làng hàng ngàn hộ dân thành tỷ phú ở Đô Thành nhờ đi buôn,... là những hình ảnh làng quê Việt nổi lên trong năm 2018.

    Nông dân chia nhau hàng ngàn tỷ

    Năm 2018, nhiều nơi nông dân vẫn ngậm đắng nuốt cay khi nông sản bế tắc đầu ra, giá rớt thảm, thậm chí phải kêu gọi giải cứu. Thế nhưng, với người trồng vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang), câu chuyện được mùa rớt giá không phải còn là nỗi lo, bởi năm nay cây vải được mùa được cả giá.

    Người nông dân Lục Ngạn thu khoảng trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm từ cây vải và các cây ăn quả khác.

    Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, giá vải bình quân đạt 16.000 đồng/kg, cuối vụ là 35.000-45.000 đồng/kg. Kết thúc vụ vải 2018, Bắc Giang xuất bán 215 ngàn tấn vải thiều và thu về gần 5.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải đạt khoảng 3.500 tỷ, còn lại là từ các ngành dịch vụ phụ trợ.

    Đáng chú ý, huyện Lục Ngạn nổi lên là thủ phủ cây ăn quả (trong đó vải thiều là chủ lực) của Bắc Giang, cho doanh thu lên tới hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

    Để có những vùng quê ngàn tỷ, đồng thời giải được bài toán “được mùa mất giá” cách đây hơn 10 năm dân trồng vải từng nếm trải, từ năm 2007, người dân Lục Ngạn bắt đầu đi vào sản xuất chuyên nghiệp, đẩy mạnh làm thương hiệu. Đó như là cuộc cách mạng làm lại từ đầu của cây vải Lục Ngạn. Kết quả, ngày nay, Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Cuộc sống nơi đây cũng đổi thay, không còn cảnh nghèo đói, người trồng vải xây được nhà lầu, sắm được ô tô, trở thành những nông dân tỷ phú.

    Khác với Lục Ngạn, ở cao nguyên xanh Mộc Châu (Sơn La) cũng có vùng quê tỷ phú nhưng nhờ vào nghề chăn nuôi bò sữa.

    Thoáng nghe qua, sẽ có người hoài nghi, song khi nghe những người nông dân chăn bò cần cù chịu khó kể về chuyện ngày 2 lần chở sữa bò đi bán để đến cuối tháng thu hàng tỷ đồng về mới thấy vì sao họ thành những tỷ phú nông dân.

    Ông Phạm Hải Nam - đại diện Mộc Châu Milk tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, cho biết, ở Nông trường hiện có 570 hộ dân chăn nuôi bò sữa và có ký hợp đồng bán sữa cho công ty.

    Tổng đàn bò sữa mà các hộ dân nuôi khoảng 24.000 con. Lượng sữa vắt ra để bán cho doanh nghiệp sữa lên tới 85.000 tấn mỗi năm, giá trị ước khoảng hơn 1.200 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng trăm tỷ đồng mỗi năm công ty chi ra để thưởng cho các hộ dân làm tốt, sữa có chất lượng đạt chuẩn.

    Ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, hộ nuôi ít vài chục con, hộ nuôi nhiều trên 100 con, có một số hộ nuôi với quy mô lên tới 200 con bò sữa. Thế nên, thu nhập các hộ cũng tuỳ thuộc vào số lượng bò mà mình nuôi. Tuy nhiên, hộ nuôi ít cũng được lãi được vài chục triệu, còn hộ nuôi lãi tiền tỷ, thậm chí những hộ nuôi gần 200 con mỗi năm còn thu lãi tới vài tỷ từ nuôi bò. Còn tính giá trị đàn bò thì gia đình nào cũng sở hữu tiền tỷ, bởi giá trị của một con bò sữa rất lớn.

    Gần 600 nông dân nuôi bò sữa ở trên Mộc Châu ôm 1.200 tỷ chia nhau mỗi năm.

    Cả xã thành tỷ phú

    Không chọn làm nông nghiệp như người nông dân ở quê vải Lục Ngạn, như người nông dân chăn bò ở Mộc Châu, người dân thôn Minh Khai (Văn Lâm, Hưng Yên) chọn cách “sống chung với rác” để trở thành làng tỷ phú.

    Tỷ phú nhờ... rác có tin được không? Chắc chắn không ít người sẽ nghĩ đó chỉ là nói khoác vì rác vốn là thứ bỏ đi, còn nếu buôn bán cũng chỉ là nhặt nhạnh vài đồng bạc lẻ. Song, đi một vòng quanh ngôi làng này sẽ thấy được quy mô buôn rác của người dân lớn cỡ nào khi rác len khắp đường cùng ngõ hẻm, chiếm hết mọi không gian lớn nhỏ với đủ thể loại từ túi nylon, ống nhựa, đồng nát, sắt thép phế liệu, cao su thải loại, chai lọ thủy tinh,... Nhiều nhất trong số rác ở đây vẫn là túi nylon và đồ nhựa thải loại.

    Theo người dân Minh Khai, không chỉ dừng lại ở quy mô tập trung rác thải “quốc gia”, thôn Minh Khai còn là địa phương “nhập siêu” rác lớn nhất cả nước. Những kiện hàng được ép vuông vức, mỗi kiện cả mấy mét khối, chất cao hơn nhà tầng kế bên các xưởng tái chế nhựa với đủ dòng “mác rác nhập khẩu” từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

    Nhờ buôn rác mà hàng loạt gia đình đã giàu lên nhanh chóng. Rác chất cao bao nhiêu, nhà cao tầng mọc lên nhiều bấy nhiêu. Làng đồng nát giờ thành làng tỷ phú.

    Xã Đô thành có cả 1.000 tỷ phú nhờ xuất ngoại đi Tây làm ăn.

    Khác với hình ảnh sống chung với rác ở làng tỷ phú Minh Khai, tại xã tỷ phú Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An), người ta lại thấy hình ảnh nhà lầu, biệt thự mọc lên như nấm sau mưa, nhà nhà mua sắm xe máy, mua ô tô,... Theo đó, vùng quê nghèo Đô Thành trước kia bỗng sầm uất, náo nhiệt lạ kỳ, được ví von là xã có 1.000 tỷ phú.

    Theo người dân trong xã, trước kia xã có nghề làm mộc, nhưng đến đầu thập niên 90, thị trường bão hoà, nghề mộc dần thất thế. Trong lúc khó khăn, người dân Đô Thành tìm được cách làm ăn mới... đó là xuất ngoại đi Tây.

    Ông Nguyễn Xuân Dục (SN 1947, trú xóm Phúc Vinh) có cháu đang làm ăn tại Đức, cho biết, thời kỳ đầu chỉ có ít người nhạy bén tìm đường sang các nước châu Âu như Đức, Anh, Nga, Ba Lan,... Người sang trước làm ăn rồi về đưa gia đình, họ hàng theo sau. Cứ như thế, người dân Đô Thành kéo nhau sang Tây lập nghiệp, có gia đình 3-4 người con cùng xuất ngoại làm đủ mọi nghề, từ cửu vạn, công nhân, buôn bán, spa,... Cứ có nghề nào kiếm ra tiền là làm.

    Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, cho hay, hiện toàn xã có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 1.450 người đang làm việc ở các nước châu Âu; 1.047 người đi làm việc, buôn bán tại Lào; 439 người đang làm việc tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...

    “Nhờ số tiền con em làm ăn xa gửi về mà Đô Thành ngày càng thay da đổi thịt. Toàn xã có hơn 4.000 hộ thì 3/4 trong số đó có nhà 2 tầng trở lên. Hàng trăm hộ có xe ô tô, biệt thự”, ông Hà nói.

    Mỗi người một nghề, mỗi người chọn một lựa chọn khác nhau,... nhưng đã có nhiều vùng quê trở thành làng tỷ phú, xã tỷ phú, có những người nông dân nhờ vào nghề nông mà thu được tiền tỷ, thoát cảnh đói nghèo nhờ kiên trì, bền bỉ, giám làm và dám thay đổi.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Triệu phú tự thân Mỹ David Bach cho rằng số tiền thuê nhà trong vòng 30 năm có thể giúp người trẻ sở hữu một căn nhà riêng. Trong khi nhiều người vẫn khuyên giới trẻ nên để dành tiền đầu tư cho những việc khác thay vì sở hữu một căn nhà thì triệu phú tự thân Mỹ David Bach lại phản bác điều này.

    trieu phu david bach

    “Không mua nhà là một sai lần lớn nhất từ trước đến giờ mà người ta vẫn mắc phải. Lời khuyên quan trọng nhất của tôi với giới trẻ hiện nay là nên mua thay vì bỏ tiền ra thuê”, đồng sáng lập AE Wealth Management nói với CNBC.

    Theo chuyên gia tài chính này, để có quyết định đúng đắn thì không nên quá cân nhắc những lời so sánh của người khác. Ông cho rằng việc sở hữu một ngôi nhà là bước đi đầu tiên tiến lên sự giàu có, cho dù luật về thuế có thay đổi đi nữa. “Những người sở hữu một căn nhà giàu hơn gấp 40 lần so với người thuê. Vì vậy, hãy cố gắng đầu tư vào một ngôi nhà mà bạn có thể sở hữu vĩnh viễn”, ông khẳng định.

    Triệu phú tự thân Mỹ David Bach nói rằng nếu không có nhà ở cố định thì người lao động phải tìm một chỗ nào đó để sống đến hết đời. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải đi thuê và làm giàu cho các chủ nhà.

    Giải thích về điều này, ông dẫn chứng mỗi tháng người lao động có thể bỏ ra từ 200 USD cho việc thuê nhà. Nhiều người vẫn không để ý đến con số này, tuy nhiên, nếu ở trong tròng 30 năm thì tổng tiền thuê sẽ đội lên thành 70.000 USD.

    “Trong mấy chục năm đó, cuối cùng bạn không sở hữu gì cả. Bạn đang góp tiền làm giàu cho chủ, thay vì vậy, bạn hãy tiết kiệm tiền bạc để tính chuyện xa hơn. Nếu mua nhà và chi tiêu cùng một số tiền đó để trả vay thế chấp, cuối cùng bạn sẽ có tài sản riêng”, triệu phú David Bach nói.

    Ông cũng khuyên trước khi quyết định mua, người trẻ phải có khoản tích lũy trước để có thể thanh toán từ 10-20% giá trị ngôi nhà. Để làm được điều này, cần có kế hoạch phân chia thu nhập thành các khoản chi tiêu, tiết kiệm hợp lý, nghiêm túc và thường xuyên.

    “Căn nhà đầu tiên này chưa chắc là nơi ở trong mơ của bạn nhưng nó lại phù hợp điều kiện tài chính. Ngoài ra, nó cũng đánh dấu bạn bước chân vào thị trường bất động sản, mảnh đất này vốn rất màu mỡ và là một cuộc chơi có thể làm giàu”, ông tư vấn.

    Từng đầu tư vào bất động sản với ba ngôi nhà và bán lại với giá khá cao, triệu phú tự thân Divid Bach cho rằng tài sản ròng của nhiều người sẽ tăng lên hàng triệu USD nếu biết cách tính toán vượt qua bẫy ở thuê mà nhiều người mắc phải.

    Viethome (theo Zing)