• Manny Khoshbin cùng gia đình rời khỏi Iran khi ông mới chỉ 14 tuổi, nhập cư vào Mỹ với 2 bàn tay trắng và làm bốc vác trong siêu thị, tới nay Khoshbin sở hữu khối tài sản cả trăm triệu USD và là nguồn cảm hứng lớn cho những doanh nhân trẻ tuổi.

    Doanh nhân Manny Khoshbin có lẽ là một trong những người có câu chuyện hấp dẫn nhất trên mạng xã hội Instagram. Với 650.000 người theo dõi cùng hàng loạt tấm hình siêu xe, những vật dụng đắt tiền hay các bộ trang phục hàng hiệu... Trên mạng xã hội, bất kì thứ gì Khoshbin nói đều có tính truyền cảm hứng, lời khuyên cũng như luôn hỗ trợ những doanh nhân trẻ tuổi trên con đường tìm kiếm thành công.

    Hào nhoáng, hoành tráng là thế, ít ai ngờ rằng đằng sau con người thành công ấy lại là một quá khứ có phần nghiệt ngã và bi đát.

    Manny Khoshbin

    Khoshbin khởi đầu với 2 bàn tay trắng, rời bỏ quê hương Iran và nhập cư vào Mỹ năm 14 tuổi cùng gia đình. Ban đầu họ phải sống trong một chiếc cũi gỗ tạm bợ vài tuần rồi mới được chuyển tới một căn nhà đúng nghĩa. Không biết tiếng Anh cũng chẳng được đào tạo bài bản về bất kì thứ gì, công việc đầu tiên của Khoshbin là bốc vác hàng hoá cho siêu thị Kmart với mức lương 3$ mỗi giờ.

    Đó là còn chưa kể tới việc ông bị đối xử thậm tệ bởi khách hàng cũng như những rào cản trong ngôn ngữ khiến công việc thêm vất vả bội phần.

    Hồi tưởng lại Khoshbin chỉ nói: "Mọi thứ thật tồi tệ". Thế nhưng, trong sự cùng cực đó đã nhóm lên một ngọn lửa bên trong ông, nó thôi thúc ông ước mơ lớn hơn và tìm kiếm thành công từ những gì nhỏ nhất. Ban đầu ông chỉ phấn đấu tự lực tài chính để đỡ đần cho gia đình và có đủ tiền để sống qua ngày.

    Manny Khoshbin của ngày nay.

    Sau khoảng thời gian làm việc kéo dài ở siêu thị, cuối cùng Khoshbin cũng mua cho mình được một chiếc xe cà tàng, thứ đã giúp ông có được công việc tiếp theo. Nghe có vẻ khó tin, thế nhưng mỗi tuần Khoshbin nhận được hơn 100$ tiền lương làm từ siêu thị, lấy ra đúng 100$ bỏ vào phong bì cất nó đi, tồn tại với số dư còn lại. Sau 1 năm trời như thế ông đã mua được chiếc xe cà tàng kia.

    Ngày nay, Khoshbin sở hữu số lượng xe có tổng giá trị lên tới 20 triệu $ trong số đó có rất nhiều chiếc xe thuộc hàng hiếm có, khó tìm. Sau 3 thập kỷ lăn lộn thương trường, ông hiện là CEO của Tập đoàn bất động sản The Khoshbin Company. Tổng giá trị tài sản của ông tới thời điểm hiện tại đã vượt qua mức 100 triệu $ và ông có nhiều chi nhánh công ty của mình tại 6 bang trên toàn nước Mỹ. 

    Bí quyết thành công của ông là gì? Khoshbin sẽ chỉ cho mọi người ở 5 điều dưới đây.

    Một vài chiếc xe trong bộ sưu tập xe của Khoshbin.

    1. Hoạch định trước tương lai mình mong muốn

    Khoshbin cho rằng nếu bạn có những mơ ước tầm thường thì kết quả của nó cũng chỉ tầm thường đến thế mà thôi. Thay vào đó, ông khuyên chúng ta nên mạnh mẽ hơn với ước mơ, tương lai của mình. Hãy vẽ nên tương lai trong 1, 2, 5, 10 hay thậm chí 20 năm tới. 

    2. Lên kế hoạch chính xác

    "Bạn không thể đi từ điểm A đến điểm B mà không biết gì", Khoshbin nói. Chính vì lý do đó, hãy mở bản đồ lên và nhìn chặng đường của mình phía trước, bạn cần đi qua những đâu, làm những gì? Ghép nối nó với tương lai mong muốn, trong tương lai bạn sẽ là ai? Bạn sẽ làm gì và có những gì?

    Sau đó chia nhỏ chúng thành các mục tiêu ngắn hạn. Mục đích là hoàn thành 100% những mục tiêu ngắn hạn này. Nó giống với việc đi xe theo bản đồ, giữa điểm A và B có tới hàng nghìn điểm khác nhau, hãy chắn chắn về những điểm đến tiếp theo của bản thân.

    3. Luôn luôn rèn luyện bản thân, trau dồi kiến thức

    "Để đi được đến đích, bạn phải có kĩ năng lái xe thuần thục", Khoshbin nói. "Hãy tự hoà mình vào những người thành đạt, cùng chí hướng và học hỏi từ họ. Hãy hấp thụ kiến thức của họ như một chiếc bọt biển gặp nước, hút hết những gì có thể hút. Hãy nhớ rằng, chẳng ai sinh ra đã giỏi, chính vì thế đừng ngại học hỏi thêm", Khoshbin tiếp lời.

    4. Hãy nghỉ ngơi mỗi tuần

    Khoshbin gợi ý hãy dùng thứ 2 để làm khoảng thời gian lên lịch, ghi chú công việc trong tuần. "Hãy theo dõi những gì bạn làm tuần vừa rồi, kiểm tra xem mình có đang đi đúng hướng không. Điều này giúp chúng ta giữ được nhiệt huyết phấn đấu đồng thời giữ cho mục tiêu luôn đúng. Trong tuần sẽ là khoảng thời gian bạn giải những câu đố, gỡ rối để hoàn thành mục tiêu".

    5. Đừng từ bỏ

    Có rất nhiều người tử bỏ trước khi tới được đích, Khoshbin cho rằng đây là hành động của những kẻ yếu đuối, hãy cứng đầu và theo kế hoạch. Nếu có bao giờ nghĩ tới chuyện từ bỏ, hãy quay lại với kế hoạch ban đầu, cái kế hoạch 1, 2, 5, 10 và 20 năm. Hãy tự nhắc mình lý do vì sao bạn lên kế hoạch đó, hãy xem bạn đã trải qua những gì và đi đến đâu của chặng đường.

    Kết

    Chỉ từ một nhân viên bốc vác trong siêu thị, tiếng còn không biết, thế nhưng với định hướng đúng, nỗ lực cùng sự kiên trì, Khoshbin cho rằng ai cũng có thể tạo nên thành công. Nó không quan trọng bạn bắt đầu từ đâu hay bạn là ai, điều quan trọng là dám làm và dám đi tới cùng theo những gì bản thân mách bảo.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Chỉ “mon men” trong thế giới “cò đất”, tôi đã giật mình trước nghìn lẻ một chiêu thức để nhà đầu tư xỉa tiền đầy háo hức, giật mình trước cách tạo sóng, tạo sốt giá ảo.

    Các chiêu trò tạo “sốt” ảo

    Thời đất trong cơn “điên giá”, bán được 1 nền đất dưới 2 tỉ đồng, “cò đất” hưởng hoa hồng 2%, trên 2 tỉ thì 1%. Trừ hết các chi phí cho công ty, “cò” được hưởng 20-30 triệu đồng/nền. Có “cò” siêu hạng, 1 tuần giao dịch thành công 10 nền, thu nhập bằng 2 năm lương viên chức. “Ham chết đi được!” Tôi quyết định khăn gói về quận 9 học nghề “cò đất” với hy vọng đổi đời…

    1 tuần làm “cò” bằng cả năm làm công

    Thật, cơn sốt đất khiến gã không có “duyên thổ” như tôi cũng ngày đêm nhấp nhổm, toét mắt xem diễn biến giá đất trên các trang web bất động sản. Không nôn nao sao được khi ngay cả gã thợ xây kế nhà tôi, giờ cũng suốt ngày đi săn nền. Năm 2016, hắn “hốt” được 1 nền giá tốt ở Khu dân cư Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TPHCM) do gia chủ ở tỉnh khác không nắm thị trường Sài Gòn, lại cần tiền cho con cái du học phải bán. Đầu năm 2018, hắn bán kiếm lời ngay 1 tỉ, bằng mấy chục năm đi làm thợ hồ.

    Không “như lửa đốt” sao được, khi nhìn thấy bạn tôi, 15 năm làm viên chức ở Sài Gòn, tích cóp tằn tiện tới năm 2016 mới mua nổi căn chung cư. Cuối năm, hắn bảo vợ “hoặc ăn cả hoặc ngã về không”, rồi bán chung cư và gom góp vay mượn được hơn 1,5 tỉ, ra ở trọ, lấy tiền đi mua đất quận 9. Một tháng lăn lộn, hắn “lướt sóng “ được 2 mảnh nhỏ, kiếm lời 400 triệu. Với đà đó, gần như hắn chuyển nghề, suốt ngày rong ruổi tìm hiểu mọi ngóc ngách nghề “cạp đất”, đầu tư kiểu “ăn chắc mặc bền”, đi “săn” đất dân rồi bán. Ngoảnh đi ngoảnh lại, 2 năm, tài khoản hắn từ 1,5 tỉ, đã lên 6 tỉ.

    Thực ra, hình thức kinh doanh bất động sản như bạn tôi, trong giới gọi là nhà đầu tư thứ cấp hàng F3, F4 kiêm “cò lẻ”, tức tự mua, bán lại vừa săn người có nhu cầu bán, mua để kết nối giao dịch, ăn hoa hồng. “Cò lẻ” kiêm nhà đầu tư nên sẽ “ăn dầy” hơn nhân viên môi giới bất động sản (gọi là “cò sàn”).

    Nhưng “cò sàn” thời đất trong cơn “điên giá” cũng thu nhập ngất ngưởng. Thông thường, 1 nền đất giá dưới 2 tỉ đồng (diện tích nhỏ), “cò” lấy 2%, trên 2 tỉ đồng thì 1% (diện tích lớn, giao dịch chậm hơn). Nói chung, mua bán xong 1 nền, trừ hết các chi phí thì “cò đất” còn được 20-30 triệu đồng.

    “2 ngày cuối tuần bán mạnh nhất. Bởi đa phần khách hiện nay là đầu tư thứ cấp F3, F4 đến F8, toàn dân công sở tranh thủ ngày nghỉ đi... kiếm thêm. Có tuần em bán được cả 10 nền, cũng được vài... trăm triệu! Còn tính trung bình các tháng thì khoảng 5-7 nền thôi...”. Lê Loan (môi giới bất động sản ở quận 9 - xin không nêu tên thật) khoe. Còn tôi thì cứ như “Từ Hải”. Thu nhập vậy bằng... mấy năm lương viên chức có thâm niên gần 20 năm của tôi rồi!

    “Ham chết đi được!”. Vay mượn cùng với tiền tích cóp, tôi quyết về quận 9 với hy vọng kiếm được nền giá tốt, cần thì để ở, không thì “lướt”, tiện tìm nền để kiếm người mua, tức kiêm nghề “cò đất”.

    Tuyệt chiêu lấy thông tin

    Nhưng quả thật, muốn thành “cò đất” phải đủ nghìn lẻ một chiêu thức.

    N.T.Hương (xin không nêu tên thật) là 1 môi giới bất động sản, văn phòng ở quận 1 nhưng chuyên giao dịch đất quận 9, thu nhập có tháng bằng 5 năm của tôi, không ngần ngại bật mí cách xác định đối tượng khách hàng: “Anh có biết, dân nơi nào thường mua nền để “lướt sóng” không? Ở sàn em, tới 80-90% người ở Hà Nội và Sài Gòn. Dân Sài Gòn tiền đa phần từ tích cóp hoặc vay ngân hàng nên kỹ hơn, sẵn sàng đội nắng cả ngày đi nhiều dự án so sánh giá. Dân ở Hà Nội thì phần nhiều xem… trên mạng và mua như mua rau ấy. Có chị cuối tuần bay ào vào, sáng ghé văn phòng em đặt cọc mua luôn nền trên... giấy để kịp chiều đi... du lịch miền Tây, không thèm hoặc không kịp xuống xem thực địa.”.

    Hương bảo, khi khách để lại số điện thoại liên hệ trên mạng (các trang giao dịch như batdongsan.com, dothi.net vvvv hoặc fanpage của sàn giao dịch hoặc do cá nhân tự lập ra, “cò mạng” (chuyên giao dịch trên mạng xã hội hay web) xin địa chỉ email, hoặc xin kết nối zalo, facebook để gửi thông tin chi tiết dự án.

    “Nếu kết nối được thì anh thoải mái lục tung “nhà” người ta lên, thu thập thông tin như địa chỉ, ngành nghề, cơ quan, nhà riêng, gia đình... để đánh giá khả năng tài chính. Nếu không, anh copy số điện thoại đó lên zalo, facebook để lấy dữ liệu đánh giá khả năng tài chính mà “chốt hạ”, hay giới thiệu thêm nơi khác khi khách gọi lại!” - Hương dặn dò.

    Mà, dữ liệu khách hàng không chỉ để bán đất. Khi thấy tôi phát cáu bởi hàng chục cuộc điện thoại mời chào mua đất từ tít Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn cho tới Đà Lạt, dù chỉ thử đăng ký để lại số điện thoại và email trên fanpage 1 sàn ở Sài Gòn, Đặng Thanh - một “cò đất” cười lớn: “Mấy năm trước tụi em có quy định là sau 3 tháng mới được bán thông tin khách. Giờ sốt quá, anh em (cò đất) có phát bán luôn, cũng kiếm khá tiền đấy! ”.

    Tôi bật ngửa, hóa ra chỉ cần tập hợp được khoảng10 hồ sơ khách hàng tiềm năng, “cò đất” có thể bán thông tin cho sale ngân hàng, bảo hiểm và kể cả sàn giao dịch bất động sản khác với giá từ 100-200.000 đồng/ khách tùy giá trị thông tin. Thời người người săn tìm đất, 1 ngày nhận vài chục cú điện thoại, “bèo” thì 1 “cò” cũng thu thập thông tin của 10-15 khách, thong thả bán cũng rủng rỉnh tiền.


    Đa phần nền đất dự án được nhà đầu tư thứ cấp " lướt sóng".

    Độc chiêu “chốt hạ”, tạo sốt ảo

    Học được chút ít vốn liếng nghề, tôi xuống dự án Khu đô thị mới Đông Tăng Long (quận 9) ngó nghiêng 1 nền 160m2. Lập tức, 1 “cò đất” chạy ra: “Anh mua đầu tư hay ở?”. Nghe tôi muốn đầu tư, “cò” rối rít: “Dự án này đang rẻ hơn bên ngoài cả 5-7 giá ( 5-7 triệu/m2). 3 mặt lại giáp đường. Từ đây ra vòng xoay lên cao tốc Long Thành - TPHCM tới An Phú quận 2 chỉ 15 phút, đi quận 1 qua hầm chui Sài Gòn chỉ 30 phút…”.

    Tuy nhiên, khi tôi “lật bài” rằng, miếng này là… của tôi, “cò đất” kia đổi giọng: “Thật, anh mua để ở thì tầm dăm ba năm nữa đường xá mới tạm ổn. Lúc đó hy vọng người mua ở về đây nhiều thì ở đỡ... hoang. Ngoài kia có mấy căn biệt thự để hoang cả chục năm nay rồi, phí thật! Giờ bán nhanh còn được vì còn sốt. Để lâu, e lúc vỡ bong bóng thì… À nói nhỏ anh nghe thôi, người ta đang xì xầm khả năng cuối năm nay sẽ vỡ giá đấy!’.

    Nghe kể, “cò đất” P.T. Đào cười ha hả “Trình quá kém!”. Tôi trợn mắt: “Thì cậu ấy làm như vậy để đạt một trong kỹ năng của môi giới là làm thế nào để giao dịch được mà?”. Đào tủm tỉm phân tích: “Nếu môi giới câu trước khen hay, câu sau phủ luôn như vậy thì khách sẽ không tin và không bao giờ “chốt hạ” được, thậm chí có ác cảm. “Trình” cao hơn là phải giới thiệu nền khác ngay trong khu vực nhưng có vị trí thuận lợi hơn, hướng hợp tuổi hơn, đường rộng hơn..., rồi khuyên khách nên đổi sang miếng đó, giao miếng cũ lại cho “cò” bán giúp. Còn miếng mới, cũng chưa cần biết của ai và cần bán hay không, chỉ cần khách chốt rồi về mua lại dữ liệu thông tin chủ đất và gạ họ bán. Làm như vậy, không bị ghét, lại có thể ăn hoa hồng 2 miếng đất.

    Đào còn chỉ tôi cách “chốt hạ” để “ ăn dày” hơn. Đó là chiêu “giá thu về”. Tức phải “nhìn mặt bắt hình dong”, thấy khách tạng người… nóng tính, muốn “lướt sóng” nhanh thì tiếng là môi giới nhưng thỏa thuận phải như… người mua, ép giá xuống để “chốt” giá thu về. Còn giá bán và giao dịch về sau với người mua sẽ do “cò đất” quyết định. Khi bán được, khách chỉ lên ký giấy tờ giao dịch với người mua và nhận số tiền trên từ sàn. Nếu đạt thỏa thuận này, “cò đất” sẽ tìm nhà đầu tư thứ cấp khác bán với mức giá tăng lên khoảng 2-3 giá ( 2-3 triệu/m2). Không phải bỏ tiền đầu tư đất, “ăn” không chỉ hoa hồng từ chủ đất mà còn phần chênh lệch, quả là lợi đôi đường!

    Loay hoay mãi, tôi cũng tìm được 1 lô đất ở quận 9. Mới đặt cọc hôm trước, hôm sau lên trang web batdongsan.com thì thấy tin rao bán chính mảnh đất đó, chênh tới 3 giá (3 triệu/m2). Tức tốc bốc điện thoại hỏi cho ra nhẽ, tiếng đầu dây bên kia cười giả lả; “À, thì em rao giúp anh. Có khách mua thì em hỏi ý anh. Anh bán thì em cảm ơn và xin tí hoa hồng!”. “Thế tôi không bán thì sao?” “ Dạ thì em nói với khách là họ chậm chân rồi, có người khác “hốt” rồi!”. Tôi chỉ biết giơ 2 tay lên trời.

    Chiêu đó, theo dân môi giới, kể cả không thành công cũng khiến vị khách hụt miếng đất sẽ “máu” hơn, tức dễ ra tiền nhanh hơn với các lô gần kề. Mặt khác, chiêu này cũng là cách tăng giá đất lên. “Mà mỗi sàn giao dịch cả trăm môi giới. Tầm 5 sàn có dự án gần nhau mà thống nhất “đánh chiến dịch” chiêu này khoảng 1 tuần trên các trang web bất động sản là thành giá mới ngay! Có nhiều trang web này cho khách đăng và... tự chịu trách nhiệm thông tin mà!”. N. Hùng- một môi giới bất động sản - “bật mí”. Nhưng thực tế cũng khó vì thời buổi cạnh tranh giá tốt, chốt nhanh nên không dễ gì các sàn đồng loạt theo chiêu này. Một sàn mà chơi đơn lẻ, không khéo “mất cả chì lẫn chài”, khách nhảy sang sàn giao dịch có nền liền kề giá tốt hơn.

    Viethome (theo Lao Động)

  • Chơi trội ở trận cầu được cả thế giới quan tâm, Kinsey Wolanski kiếm đủ tiền để về hưu trước 30 tuổi.

    "Tôi đã lên kế hoạch kiếm tiền, cố gắng có đủ để nghỉ hưu sớm ở tuổi 30. Chỉ nhờ việc chạy vào sân giữa trận chung kết vừa rồi, tôi đã hoàn thành mục tiêu cuộc đời", người mẫu 22 tuổi Kinsey Wolanski chia sẻ.

    nguoi mau pha champions league 1
    Kinsey Wolanski bị giam 5 tiếng vì hành động phá quấy.

    Wolanski sau một đêm đã trở nên nổi tiếng. Hình ảnh một cô gái tóc vàng trong trang phục áo tắm chạy vào giữa sân được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội, xuất hiện ở hầu hết trang báo trên thế giới. Dù phải trả giá sau hành động phá rối (bị giam giữ 5 tiếng), người đẹp Los Angeles không hối tiếc vì điều đã làm. 

    Clip người đẹp xông vào phá trận chung kết.

    "Khi được thả ra khỏi nhà giam, tài khoản Instagram của tôi từ 300.000 người theo dõi tăng lên hơn hai triệu. Không thể dùng tiền để mua được sự nổi tiếng vừa rồi của tôi", người mẫu 22 tuổi nói đầy tự hào. "Bỗng dưng tôi nổi tiếng trên toàn thế giới. Nhiều người mời tôi làm việc. Thật ra hành động của tôi chẳng gây hại cho ai cả, nó chỉ hơi buồn cười thôi. Người hâm mộ và cầu thủ cũng thích điều đó. Thậm chí cảnh sát cũng thích, họ còn xin tôi mấy tấm ảnh".

    nguoi mau pha champions league 1

    Các chuyên gia kinh tế phân tích màn chạy vào sân để quảng cáo của Wolanski giúp cô thu về 4 triệu USD, nhờ giá trị thương hiệu cá nhân tăng cao. Đạo diễn cho màn đột nhập của Wolanski là bạn trai cô, một YouTuber người Mỹ gốc Nga. YouTuber 27 tuổi này từng có hành động tương tự trong quá khứ, như việc phá rối trận chung kết 2014 giữa Đức và Argentina, từ đó vĩnh viễn bị cấm đến xem bất cứ một trận bóng đá chuyên nghiệp nào.

    "Khi bạn trai đề nghị tôi đã nhận lời ngay lập tức. Tôi không biết cả thế giới sẽ theo dõi mình nhưng biết những người trên sân sẽ phấn khích. Ai cũng sống một lần trên đời và tôi thích làm những việc điên rồ", Wolanski nói thêm.

    nguoi mau pha champions league 1
    Người đẹp bị lực lượng an ninh áp tải trên sân.

    "Trước khi vào sân, tôi nói với các fan Liverpool ở bên cạnh điều tôi sắp làm. Họ ban đầu tưởng tôi đùa nhưng thấy tôi nghiêm túc, họ cũng nghĩ đó là một ý tưởng hay ho. Sau trận đấu, một số cầu thủ còn gửi tin nhắn tán tỉnh tôi trên mạng xã hội. Tôi sẽ không tiết lộ tên đâu, những họ thích những bức ảnh của tôi".

    Viethome (theo Ngôi sao)

  • Nguồn tin của Bloomberg khẳng định tỷ phú Warren Buffett có thể vô tình chi 340 triệu USD cho cặp vợ chồng lừa đảo đa cấp đã moi hơn 800 triệu USD của các nhà đầu tư.

    Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warrn Buffett đầu tư tới 340 triệu USD vào DC Solar trong giai đoạn 2015-2018. Ảnh: Getty Images.

    Theo báo Los Angeles Times, từ năm 2015 đến 2018, tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã đầu tư tới 340 triệu USD vào công ty năng lượng sạch DC Solar của vợ chồng Jeff và Paulette Carpoff ở California (Mỹ).

    DC Solar được Jeff Carpoff thành lập vào năm 2008 với cam kết trở thành địa chỉ đầu tư đem lại ưu đãi thuế cao vì kinh doanh năng lượng sạch. Công ty này chuyên bán máy phát điện mặt trời.

    Không chỉ thu hút được 340 triệu USD từ Berkshire Hathaway, DC Solar còn lôi kéo được hàng loạt nhà đầu tư lớn, bao gồm một số ngân hàng ở California.

    Tuy nhiên, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cáo buộc vợ chồng Jeff và Paulette Carpoff lừa đảo đa cấp, lấy tiền của nhà đầu tư mới để trả lãi cho nhà đầu tư cũ.

    DC Solar tuyên bố đã sản xuất hơn 12.000 máy phát điện mặt trời và cho thuê. Nhưng trên thực tế công ty này chỉ sản xuất được một số lượng thiết bị rất hạn chế. Tổng cộng DC Solar đã lừa tới 810 triệu USD từ các nhà đầu tư.

    Hồi tháng 12/2018, FBI và Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đã khám xét trụ sở của DC Solar ở Benicia, California và tịch thu 1,8 triệu USD tiền mặt.

    Tại nhà riêng của vợ chồng Jeff và Paulette Carpoff, các đặc vụ FBI và IRS thu hơn 80.000 USD, trong đó có 19.000 USD trong một chiếc túi và và hơn 40.000 USD trong phòng ngủ.

    Tháng 2 năm nay, DC Solar nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ở thời điểm hiện tại, gần 100 nhân viên của công ty rơi vào cảnh thất nghiệp. Trụ sở của DC Solar bị ngân hàng tịch thu.

    Trùm lừa đảo đa cấp Jeff Carpoff. Ảnh: Getty Images.

    Lừa hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư, vợ chồng Jeff và Paulette Carpoff sống rất xa hoa. Họ sở hữu tới 90 chiếc ôtô xịn, bao gồm một chiếc Ford Mustang 1967 giá gần 200.000 USD và một chiếc Dodge Challenger SRT Demon giá 105.000 USD.

    Jeff và Paulette Carpoff mua tới 20 bất động sản và chi khoảng 500.000 USD để sắm đồ trang sức kim cương và đồng hồ Cartier. Thậm chí cặp vợ chồng lừa đảo này còn sở hữu một đội bóng chày chuyên nghiệp ở Martinez, gần San Francisco.

    Một nhân viên cũ của DC Solar kể trong các cuộc họp công ty, Jeff Carpoff thường rút hàng nghìn USD tiền mặt cầm trên tay, thách nhân viên đoán chính xác số tiền và thưởng cho người đoán gần đúng toàn bộ.

    Viethome (theo Diễn đàn đầu tư)

  • Quan điểm của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đã gây ra tranh cãi gay gắt.

    Nhân viên Alibaba tại trụ sở công ty ở Hàng Châu.

    Để "tồn tại" ở Alibaba Group, bạn cần làm việc 12 giờ/ngày và 6 ngày/tuần. Đó là yêu cầu của tỷ phú Jack Ma đối với nhân viên của mình tại nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.

    Theo một bài đăng trên tài khoản Weibo chính thức của Alibaba, trong một cuộc họp nội bộ, Jack Ma từng nói rằng Alibaba không cần những người muốn làm việc theo kiểu giờ hành chính 8 giờ điển hình. Thay vào đó, vị tỷ phú tán thành văn hóa làm việc "996" khét tiếng của ngành công nghiệp tại đất nước tỷ dân – tức là từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.

    Nhân viên Alibaba tại trụ sở công ty ở Hàng Châu.

    Người đàn ông giàu nhất Trung Quốc chia sẻ: "Làm việc theo quy tắc 996 là một niềm hạnh phúc lớn mà không phải nhân viên nào cũng có được. Nếu muốn trở thành nhân viên của Alibaba, bạn cần chuẩn bị tinh thần để làm việc 12 giờ/ngày, còn không thì tốt nhất bạn không nên tham gia. Còn trẻ không làm như vậy thì bạn định để đến bao giờ? Chưa bao giờ làm việc theo chế độ này là một điều chẳng có gì đáng tự hào cả".

    Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc vốn rất "nổi tiếng" với những câu chuyện về các lập trình viên và nhà sáng lập của startup đột tử do căng thẳng và mệt mỏi trong thời gian dài. Và quan điểm của Jack Ma đã gây ra một số phản ứng dữ dội trong cộng đồng mạng.

    Một cư dân mạng bình luận trên Weibo: "Thật vô lý hết sức. Thậm chí công ty cũng không đề cập đến việc trả lương cho thời gian làm thêm giờ của nhân viên. Tôi hy vọng họ có thể tuân thủ pháp luật hơn chứ không thể hành động chỉ vì lợi ích của họ".

    Một người khác viết: "Những ông chủ làm việc theo quy tắc 996 vì họ làm cho bản thân mình và sự giàu có của họ ngày càng tăng lên. Còn chúng tôi làm việc bằng thời gian đó nhưng lại không nhận được phụ cấp hay bất cứ khoản bồi dưỡng nào khác".

    Đại diện của Alibaba không đưa ra bất cứ phản hồi nào về vấn đề này.

    Hiện ở Trung Quốc đang nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt và hàng chục nghìn coder đã dùng GitHub để phản đối "luật ngầm 996" - chủ đề phổ biến nhất trên mạng xã hội này. Đây là dịch vụ đám mây cung cấp kho chứa mã nguồn các dự án phát triển phần mềm lớn nhất thế giới với 31 triệu thành viên. Và quan trọng nhất là GitHub là một trong số ít các mạng xã hội lớn không bị chặn tại Trung Quốc.

    Luật ngầm 996 bị phản đối dữ dội tại Trung Quốc.

    Không chỉ là diễn đàn để chia sẻ các đoạn code, GitHub còn là nơi các lập trình viên trao đổi thông tin cũng như kêu gọi quyên góp mà không bị hạn chế hay kiểm duyệt. Tuy nhiên, sau đó nhiều người dùng Internet ở Trung Quốc đã không truy cập được vào GitHub 996.icu. Báo cáo của Abacus cho biết một số người không thể truy cập bằng các trình duyệt web được cung cấp bởi Tencent, Alibaba và Xiaomi.

    Đây cũng chính là những công ty bị cáo buộc đã vắt kiệt sức lao động của nhân viên bằng chế độ làm việc khắc nghiệt và không trả tiền làm thêm giờ cho họ. Giữa tháng 3 vừa qua, công ty thương mại điện tử JD.com cũng đã bắt đầu áp dụng quy tắc làm việc 996 với thông báo: "Văn hóa của chúng tôi là dâng hiến bản thân bằng cả trái tim để đạt được các mục tiêu kinh doanh".

    Viethome (theo cafebiz)

  • Trong khi bạn bè đang chật vật làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, chàng sinh viên 19 tuổi lại có quyết định táo bạo, giúp anh trở thành triệu phú tự thân ở tuổi 36.

    Ngày nay, nhiều sinh viên đại học phải sống tằn tiền, làm thêm ngoài giờ chỉ để kiếm đủ tiền trả nợ khoản vay sinh viên.

    Tuy nhiên, chàng tỷ phú tự thân Eric Wu lại dành tiền học bổng của mình để làm điều “không tưởng”: mua nhà. Khi Wu tốt nghiệp vào năm 2005, anh có trong tay tất cả 25 căn nhà, đặt nền móng cho sự nghiệp sau này trong lĩnh vực bất động sản và công nghệ của anh.

    Giờ đây, ở tuổi 36, Wu là đồng sáng lập viên và CEO của Opendoor - ứng dụng bất động sản trị giá 3,8 tỷ USD, cho phép người dùng mua bán nhà online. Thế nhưng, chỉ mới 20 năm trước, Wu vẫn là cậu sinh viên ngành kinh tế tại Đại học Arizona.


    Triệu phú tự thân, CEO của Opendoor - Eric Wu.

    Mọi thứ bắt đầu vào năm Wu 19 tuổi. “Tôi không muốn trả tiền thuê nhà, vì vậy, tôi tìm cách để tự mua một ngôi nhà,” anh chia sẻ với CNBC Make It.

    Wu đã phát hiện rằng, anh có đủ tiền học bổng đề trả khoản đặt cọc 20.000 USD cho ngôi nhà 3 phòng ngủ khiêm tốn gần trường.

    “Tôi dùng tiền học bổng để đặt cọc. Tôi sống trong căn nhà đó, nhưng vẫn cho thuê những phòng thừa. Tiền cho thuê nhà tôi dùng để trả chi phí sinh hoạt và các khoản phí khác trong trường,” Wu cho biết.

    Căn nhà rộng 150m2 trị giá 110.000 USD này đủ cho cả 1 gia đình, với gara và một studio được chuyển đổi từ phòng ngủ. Wu cho thuê nó và giữ phần còn lại của căn nhà để ở.  

    Ý tưởng mua nhà khi còn trẻ này bắt nguồn từ mẹ của Wu. Năm Wu 4 tuổi, cha mất, nên mẹ anh một mình nuôi lớn anh và 2 người em gái. Theo chàng trai này, mẹ anh là “người phụ nữ sống tằn tiện nhất thế giới”.

    Là bà mẹ đơn thân, mẹ Wu rất ghét lãng phí tiền bạc. “Bà tin rằng thuê nhà là lãng phí, vì thế bà đã mua căn nhà đầu tiên vào năm tôi 2 tuổi,” Wu nói với CNBC Make It. “Tính cách đó cũng dần ngấm vào tôi.

    Nghe lời mẹ, Wu cũng tự mua cho mình căn nhà đầu tiên. Sau này, anh cảm thấy “cực kỳ yêu thích việc mua bán nhà cửa”, vậy nên anh đã không dừng lại ở đó.

    “Tôi đã vay tiền để trả hết khoản nợ mua nhà cũ, lấy tiền vốn sở hữu nhà để đặt cọc cho các căn nhà khác mà tôi định mua lúc đó,” Wu cho biết.

    Cứ như thế, Wu đã mua ngôi nhà thứ hai, rồi thứ ba,... cho đến khi sở hữu hơn 20 căn nhà ở Arizona chỉ trong vài năm. Giống như căn nhà đầu tiên, Wu cho thuê căn nhà và dùng tiền kiếm được trang trải chi phí sinh hoạt cũng như đầu tư cho các bất động sản khác.

    “Nó giống như một sở thích tôi thường làm trong thời gian rảnh. Tôi có thể làm điều này cả ngày lẫn đêm,” Wu bày tỏ.

    Mua nhà đã trở thành sở thích chính của của Wu trong suốt những năm đại học, bên cạnh việc lập trình máy tính và thiết kế web. “Thay vì chơi bời vào cuối tuần như những sinh viên khác, tôi sẽ vùi đầu vào việc thiết kế web và mua nhà,” Wu nói.

    Cả hai sở thích này đều đem lại cho Wu rất nhiều lợi ích. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã kết hợp niềm đam mê lập trình và bất động sản làm một. Năm 2008, Wu đồng sáng lập RentAdvisor.com - một nền tảng cho phép mọi người đánh giá các khu dân cư và chủ nhà cho thuê, giúp người thuê nhà tìm được nơi ở lý tưởng.

    Sau khi bán lại RentAdvisor vào năm 2013, Wu chuyển sang dự án khởi nghiệp mới Movity. Dự án này sẽ phân tích các dữ liệu về khu dân cư, như chỉ số tội phạm, thời gian đi lại và giá nhà đất thực tế, để người mua nhà có thể dễ dàng quyết định.

    Năm 2014, Wu đồng sáng lập Opendoor. Công ty này sẽ mua nhà của một người dùng, rồi bán lại cho người dùng khác thông qua ứng dụng hoặc hệ thống online. Giá trị của ngôi nhà sẽ được xác định bằng thuật toán. Giờ đây, công ty của anh có hơn 1.300 nhân viên, với số vốn kêu gọi được là 1,3 tỷ USD, nâng tổng giá trị công ty lên hơn 3,8 tỷ USD.

    Viethome (theo cafef)

  • Aunt Nelly (tên thật là Antonella Brollini) là ngôi sao trên YouTube và Facebook. Cô kiếm được hàng triệu đô la bằng những đánh giá vô cùng trung thực về mọi sản phẩm sử dụng hằng ngày.

    Aunt Nelly (tên thật là Antonella Brollini) là ngôi sao trên YouTube và Facebook. Cô kiếm được hàng triệu đô la bằng những đánh giá vô cùng trung thực về mọi sản phẩm sử dụng hằng ngày.

    Từ một y tá, một bà mẹ đơn thân nghèo, Antonella trở thành ngôi sao mạng xã hội.

    Là một bà mẹ đơn thân, sống ở Manchester, nước Anh và từng là một y tá ở khoa tâm thần, Antonella chưa bao giờ tưởng tượng được rằng cô sẽ trở nên nổi tiếng chỉ sau 1 đêm.

    Khi sức khoẻ trở nên yếu hơn và rất khó làm công việc cũ, cô quyết định đã đến lúc phải thay đổi.

    ‘Tôi yêu công việc này, nhưng tôi cảm thấy khó khăn hơn trong việc kiềm chế và kiểm soát bệnh nhân, vì thế tôi phải nghỉ hưu ở tuổi 37’ – cô nói.

    Sau đó, Antonella làm công việc lễ tân nhưng một cuộc trò chuyện với người bạn thân nhất đã thay đổi cuộc đời cô.

    Vào năm 2017, có một xu hướng mới trên Facebook. Antonella nhận thấy rất nhiều bạn bè của mình đang bán và đưa ra đánh giá về các sản phẩm để kiếm thêm tiền.

    Nhưng cô cảm thấy những video đánh giá của hầu hết mọi người đều rất nhàm chán. ‘Tại sao họ không kể một câu chuyện?’.

    Với cá tính riêng của mình, Antonella nghĩ rằng cô có thể làm tốt hơn.

    Sản phẩm ‘hot’ nhất lúc đó là một loại son bóng, giúp đôi môi trở nên đầy đặn hơn.

    ‘Tôi đã nói với bạn mình rằng ‘chúng ta hãy mua nó, dùng thử rồi đánh giá nó trên Facebook. Ai nhận được nhiều like hơn sẽ nhận được 50 bảng’.

    ‘Chà, cô ấy vẫn nợ tôi 50 bảng. Mọi người có vẻ rất thích nó’ – Antonella kể.

    Những người xem nhận xét rằng cô rất vui tính và đề nghị cô làm thêm video. Đó cũng là lúc danh tiếng của Antonella nhanh chóng lan toả.

    Sản phẩm tiếp theo mà cô quyết định đánh giá là một chiếc DVD tập thể dục của người nổi tiếng, bởi vì đây là thứ mà ai cũng mua nhưng rất hiếm khi dùng.

    ‘Đó là bài đánh giá trung thực nhất mà tôi nghĩ là bất cứ ai cũng từng nhận thấy. Trong vòng vài ngày, video nhận được 98 triệu lượt xem’.

    ‘Khi nó được lan truyền, tôi có nhiều người xem hơn chương trình giải thưởng BAFTA năm đó. Tôi trở thành người được xem nhiều nhất trên Internet vào tháng 2/2017’.

    Antonella tham gia chương trình This Morning với 2 MC Phil và Holly.

    Chỉ bằng chiếc iPhone và một chút kiến thức về Internet, mua thêm chiếc chân máy nhỏ, Antonella bắt đầu mua các sản phẩm và đánh giá bất cứ thứ gì, từ miếng bông trang điểm cho tới bánh mỳ, dầu gội…

    Trong vòng 6 tuần, Facebook xác định cô là một ‘thương hiệu’ chính thức. Antonella có hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới.

    Họ gửi tin nhắn đề nghị cô đánh giá mọi thứ giúp mình bởi vì họ biết cô sẽ phản ánh rất trung thực. ‘Nếu tôi không thích, tôi sẽ nói ‘không’. Tôi rất vui khi được mua và thử để không ai phải lãng phí tiền của mình’.

    ‘Quy tắc duy nhất của tôi là giá cả phải chăng’.

    ‘Nhiều người đề nghị tôi đánh giá chiếc máy sấy tóc Dyson, nhưng tôi không chi 500 bảng cho một chiếc máy sấy tóc. Đó cũng là lý do tôi luôn trung thực và không thiên vị sản phẩm nào, bởi vì tôi tự bỏ tiền mua chúng’.

    Sau 2 năm, chủ đề của Antonella mở rộng hơn. Người hâm mộ bắt đầu đề nghị cô tư vấn về các mối quan hệ và các vấn đề cá nhân. Vì thế, cô bắt đầu ghi hình chương trình ‘Dịch vụ Chủ nhật’, nơi cô đưa ra những lời khuyên trung thực nhất của mình.

    Cô được 2 tạp chí thuê làm ‘tư vấn tình yêu’ và mức lương của cô đạt 6 con số.

    ‘Thật điên rồ khi nghĩ về cách mà tôi đã kiếm tiền để thay đổi cuộc sống. Nếu như mọi người muốn mua những thứ mà tôi đánh giá, họ sẽ vào đường link dẫn tới trang Amazon. Nếu họ mua, tôi sẽ nhận được hoa hồng từ người bán’.

    ‘Có vài tháng tôi nhận được 500 bảng, đôi khi là 5.000 bảng, nhưng thường khi tôi đăng nhận xét của mình, nó sẽ trở thành sản phẩm bán chạy nhất của Amazon ngày hôm đó’ – Antonella tự hào nói.

    Antonella hiện có mức thu nhập 6 con số nhờ làm tư vấn viên cho 2 tờ tạp chí.

    Thậm chí với cả những sản phẩm mang lại kết quả rất tệ như chiếc băng tóc Aurora Band. Sử dụng chiếc băng trước khi đi ngủ, bạn được hứa hẹn sẽ có những lọn tóc xoăn hoàn hảo vào buổi sáng hôm sau. Nhưng vì tóc của Antonella quá dài nên nó không có hiệu quả.

    Sáng hôm sau, cô có một mái tóc như nhân vật Hagrid trong Harry Potter, nhưng sản phẩm đột nhiên cháy hàng vì mọi người muốn tự tay xem mái tóc của mình trông tệ đến mức nào khi dùng sản phẩm này.

    Ngay cả những ngôi sao giải trí cũng chia sẻ video của Antonella.

    Tuy nhiên, việc nhận xét trung thực về sản phẩm đôi khi khiến Antonella làm mất lòng các nhà sản xuất. Người thiết kế chiếc băng đầu đã gọi cho cô và nói rằng sản phẩm không có hiệu quả là do tóc cô quá dài. ‘Nhẽ ra cô ấy nên cảm ơn tôi mới phải’ – Antonella nói.

    Bù lại, việc đánh giá trung thực các sản phẩm khiến danh tiếng của Antonella bay đi khắp nơi. ‘Leigh Francis đã nhận ra tôi trong một sự kiện từ thiện. Tôi vui đến mức sắp tè ra quần’.

    ‘Mới đây, một cụ bà 86 tuổi nói rằng tôi đã làm bà ấy cười mỗi ngày và tôi đã mang ánh sáng tới cuộc sống của bà kể từ khi chồng bà qua đời. Điều đó làm trái tim tôi như tan chảy’.

    Tuy nhiên, bất kể việc mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các sản phẩm, Antonella vẫn còn độc thân.

    ‘Đám đàn ông trên đường không thèm liếc nhìn tôi, vì thế tôi phải cẩn thận’ – Antonella hài hước nói.

    Mặc dù nổi tiếng chỉ sau một thời gian ngắn, Antonella cho rằng cô vẫn ‘đang ở trên mặt đất’. Cô vẫn mua sắm ở siêu thị gần nhà và khẳng định rằng cô không thay đổi lối sống của mình. ‘Tiền bạc không mang lại hạnh phúc cho bạn, nhưng nó làm mọi thứ trở nên dễ dàng hơn’ – Antonella thừa nhận.

    Cô cũng rất trân trọng những gì mình nhận được trong thời gian qua, bởi vì cô biết với một phụ nữ trung niên có nhan sắc bình thường, cơ hội luôn là thứ xa xỉ.

    Viethome (theo Helino)

  • Động lực lớn nhất để Jeraldine (Singapore) tiết kiệm là muốn đảm bảo cuộc sống không phải lo về tiền khi biến cố xảy đến, dù cô mới 27 tuổi.

    Jeraldine Phneah, 27 tuổi đã tiết kiệm được 100.000 đôla (2,3 tỷ đồng) sau 3,5 năm làm việc. Biết số tiền mình tiết kiệm được còn thua kém nhiều người, song Jeraldine vẫn lập một blog để chia sẻ các kinh nghiệm tài chính của mình, bởi lẽ cô chỉ là một cô gái xuất thân bình dân, làm một công việc bình thường, mức lương chỉ trung bình tại Singapore.

    "Động lực chính đưa tôi vào con đường tiết kiệm là những người thân yêu. Tiền tiết kiệm sẽ giúp cho chúng tôi trong trường hợp xấu nhất xảy đến", Jeraldine nói.

    Tính chất công việc gần gũi với người dân địa phương, nhiều lần Jeraldine chứng kiến những người 40-50 tuổi bị mất việc và phải bươn chải ở cái tuổi đáng lý đã có một chỗ làm vững chắc.

    Ngoài công việc, Jeraldine còn viết một blog về tài chính.

    Cô cũng thường xuyên thấy những người 70-80 tuổi phải làm công việc dọn dẹp hoặc nhặt phế liệu để kiếm sống. Jeraldine sợ rằng nếu không quản lý tốt tài chính có thể sẽ có ngày cô không bao giờ được nghỉ hưu.

    "Khi bạn có đủ tiền tiết kiệm, bạn có thể bỏ công việc mà bạn không thích hoặc không còn phải chịu đựng một ông chủ xấu tính. Bạn có thể nghỉ việc vài tháng và đi đâu mình muốn. Bạn có thể rời khỏi một mối quan hệ tệ bạc, bởi vì bạn độc lập về tài chính", cô nói.

    Cách để tiết kiệm của Jereldine là duy trì lối sống tối giản trong từng sinh hoạt của mình. Đơn cử như hoá đơn điện nước, rác của cô là 50 đôla/tháng cho ngôi nhà 4 phòng, trong khi mức trung bình ở Singapore là 130 đôla.

    Để cai nghiện mua sắm, Jeraldine đã cài đặt chế độ chặn quảng cáo. Cô cũng bỏ luôn cả việc theo dõi những người bạn thường mua sắm, ăn hàng. Cô không mua đồ hiệu.

    Jeraldine nấu ăn ở nhà, với khẩu phần giảm ăn thịt, thay thế nhiều rau, củ, quả. Trong ngày cưới của mình, cô mua hoa cưới ở chợ, đặt váy cưới từ một thương hiệu bình dân và đi nghỉ tuần trăng mật ở Việt Nam.

    Căn hộ tối giản của cô, nơi cô không dùng tivi.

    Ngoài ra, Jeraldine còn đầu tư cổ phiếu. Cô dùng 70% số tiền có được để đầu tư, bất chấp việc can ngăn của bạn bè vì cho rằng đây là việc của đàn ông. Sau một thời gian có kiến thức và thành công với cổ phiếu, điều duy nhất cô hối hận là... không đầu tư cổ phiếu sớm hơn.

    Ngoài ra, Jeraldine cũng đa dạng các khoản đầu tư. Một số người bạn của cô chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu và tiền điện tử - lĩnh vực tiềm năng nhưng có rủi ro cao. Riêng Jeraldine chỉ đầu tư vào những thứ hiểu rõ, an toàn, dù cho lợi nhuận thấp hơn.

    "Một số người có thể nghĩ làm việc vì đam mê. Nhưng với tôi thì phải là tìm một công việc thú vị mà bạn được trả lương xứng đáng. Đầu tư vào công việc cũng là một cách tôi đang đầu tư cho tương lai", cô nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Từ căn phòng ngủ không dùng tới, sau 16 năm, người phụ nữ này đã gây dựng được một doanh nghiệp chuyên cung cấp chỗ ở cho khách du lịch.

    Sally Fielding bắt đầu khởi nghiệp từ căn phòng ngủ không dùng tới với 1.000 bảng và chiếc máy tính. Hiện tại, 16 năm sau, cô đã có 23 nhân viên, 2 văn phòng và thu về 8 triệu bảng/ năm.

    Sally tới từ Keswick, Cumbria, nước Anh kiếm được 6.000 bảng trong năm đầu tiên, nhưng sau đó mọi thứ phát triển nhanh chóng mặt.

    ‘Lúc đầu, tôi không cần phải mua bất cứ thứ gì, chỉ cần quảng cáo một chút. Tôi có chiếc máy vi tính và trang web đầu tiên do chính mình tạo ra’ – Sally chia sẻ.

    Không lâu sau, người hàng xóm của chị nhờ quảng cáo giúp ngôi nhà của chị ta và Sally bắt đầu nhận thêm những đơn đặt phòng mới.

    ‘Đến cuối năm đó, tôi đã có 3 ngôi nhà để cho thuê, tất cả đều ở Eskdale. Bây giờ, tôi đã có 500 bất động sản cho thuê trên khắp Cumbria’.

    Những ngày khởi nghiệp đầu tiên, Sally tự tay làm mọi thứ, từ trả lời điện thoại, email cho tới dọn dẹp nhà cửa và quảng cáo cho các căn nhà. 

    Bây giờ doanh nghiệp của chị có hơn 100 nhân viên dọn dẹp, nhân viên chụp ảnh và người viết nội dung riêng.

    <
    Hiện tại, doanh nghiệp của Sally đang quản lý hơn 500 bất động sản cho thuê

    Là một trong số những người đi đầu nhưng đến nay, chị vẫn tiếp tục cập nhật và tận dụng lợi thế của công nghệ và mạng xã hội ngày càng phát triển.

    ‘Tôi trả lời các bình luận và tham gia các hoạt động trên Facebook. Trang Facebook của chúng tôi hiện đang là tốt nhất trong ngành công nghiệp du lịch. Nó có số bình luận, lượt thích và chia sẻ gấp 10 lần Airbnb hay Booking…’

    ‘Chúng tôi trò chuyện với mọi người trên đó hằng ngày, chúng tôi đăng ảnh và khuyến khích nhận những ngôi nhà có hình ảnh và video’.

    Lời khuyên của Sally cho những người bắt đầu khởi nghiệp là ‘hãy bắt đầu từ cái nhỏ rồi sau đó phát triển dần dần’. Với cách đó, bất cứ sai lầm nào gây ra cũng sẽ không phải là cái kết cho mọi chuyện, chị nói.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Sau khi lập công ty bất thành và chuẩn bị quay lại làm công, chàng kĩ sư IT nhận ra doanh nhân muốn thành công trước hết công ty phải có thu nhập ổn định, đồng thời hiểu được tầm quan trọng của dự phòng tài chính để ứng phó những lúc khó khăn. 

    Khởi nghiệp hiện là một xu thế ở Việt Nam nhưng tỷ lệ thất bại rất cao, trên 80% công ty bị phá sản trong 3 năm đầu tiên. Bài học kinh nghiệm từ những công ty này luôn có giá trị với người trong cuộc lẫn cộng đồng. Dưới đây là câu chuyện được chia sẻ bởi doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh - CEO của Saigon Books gửi đến độc giả VnExpress.

    Người bạn tôi là kỹ sư phần mềm, làm việc trong một công ty công nghệ thông tin. Anh làm việc chuyên nghiệp và tận tâm nên khách hàng của công ty đã khuyên ra làm riêng, họ sẽ chuyển đơn hàng sang cho anh. Vậy là anh quyết định khởi nghiệp và khách hàng đó trở thành đối tác chiến lược của công ty anh.

    Một thời gian sau, tình hình kinh doanh của khách hàng dần thay đổi, những người bạn thân thiết cũng lần lượt ra đi và số lượng đơn hàng thì giảm dần. Anh nhận ra sự bấp bênh khi chỉ phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất nên đã cố gắng tìm kiếm khách hàng mới.

    Thế nhưng, vì anh không có nhiều mối quan hệ nên không thể tìm ngay được khách hàng. Anh nghĩ đến việc lập nên các trang web dịch vụ, nhưng rồi các trang này vẫn không được khách hàng sử dụng nhiều nên tình trạng thua lỗ kéo dài. Tiếp theo, không còn khả năng trả lương cho nhân viên, dẫn đến việc anh buộc lòng phải quyết định đóng cửa công ty.

    Mặc dù kinh doanh công ty thất bại nhưng anh bạn tôi đã học được nhiều bài học từ đấy. Anh nói với tôi rằng: "Kết cục, tôi đã không còn là một doanh nhân, nhưng tôi đã học được nhiều điều".

    Anh chia sẻ, điều đầu tiên anh hiểu được là "cảm giác khi trả lương". Nhân viên luôn nghĩ việc nhận lương mỗi tháng là chuyện đương nhiên nhưng khách hàng họ lại không nghĩ là sẽ phải trả tiền cho công ty mỗi tháng. Đây thật sự là việc khắc nghiệt nhưng để làm cho nhân viên hiểu điều này lại là chuyện khó khăn. Tuy nhiên, muốn tồn tại, bạn buộc phải nói rõ cho nhân viên thấm nhuần: nếu khách hàng không trả tiền cho công ty thì chúng ta sẽ không có thu nhập và công ty sẽ phá sản. Cho nên, các bạn hãy làm tốt nhất để khách hàng sẵn sàng trả tiền.

    Và bài học thứ hai là tầm quan trọng của "dự phòng tài chính". Khi anh còn làm công ăn lương, thấy công ty có doanh thu lớn, anh luôn nghĩ là công ty trả lương cho mình quá thấp. Tuy nhiên, sau này anh hiểu là công ty phải đóng thuế, trả lương, bảo hiểm các loại cho nhân viên và nhiều loại chi phí khác... Khi gặp rủi ro, không có đơn hàng, công ty vẫn phải tiếp tục trả lương cho nhân viên. Chính vì thế, anh đã học được là bao giờ cũng cần phải có số tiền dự phòng cho công ty trong những hoàn cảnh khó khăn.

    Điều thứ ba, muốn vẽ nên một kế hoạch kinh doanh lớn lao trong tương lai thì cần phải có thu nhập ổn định trong hiện tại. Những việc anh đã làm là vẽ ra một tầm nhìn lớn, tạo ra một mô hình kinh doanh nhưng lại không làm được điều gì cao cả, hiệu quả.

    Anh cho biết đã gọi điện thoại cho khách hàng chiến lược để hỏi "có việc gì để làm không? Hoặc nhờ vả "hãy giới thiệu khách hàng cho tôi". Nghĩa là anh luôn trông chờ vào việc được giới thiệu khách hàng. Anh xem sách báo, trong đó thường bảo là để trở thành nhà kinh doanh, nhà quản lý xuất chúng thì phải làm nên "mô hình kinh doanh thật hoàn hảo"; phải "đưa ra sản phẩm khác biệt"... nhưng hầu hết các công ty trước khi làm được điều đó, anh nghĩ mọi người cần phải dốc sức lo cho sự tồn tại của công ty trước đã. Không sống được trong hiện tại thì không thể mơ mộng cho tương lai.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Có một triệu USD trong tay chưa thể gọi là giàu, với người Mỹ thì tối thiểu cũng phải gấp đôi con số đó.

    Đối với hầu hết người Mỹ, việc có một triệu USD chưa đủ để được coi là giàu. Cuộc khảo sát '2019 Modern Wealth' của Charles Schwab cho biết giàu có trong mắt người dân nước này là phải sở hữu từ 2,27 triệu USD trở lên.

    Tuy nhiên, phân chia cụ thể theo từng độ tuổi thì quan điểm cần có bao nhiêu tiền để giàu cũng rất khác biệt. Những người càng lớn tuổi càng có tiêu chuẩn về số tiền sở hữu cao hơn để xem là giàu. Cụ thể, thế hệ Boomers (sinh từ năm 1944 đến năm 1964) nghĩ cần phải có 2,63 triệu USD để gọi là giàu. Trong khi đó, thế hệ Z (sinh từ năm1995 đến 2015) nghĩ chỉ cần tài sản 1,49 triệu USD là đã giàu.

    Tuy nhiên, phần lớn người Mỹ không có số tiền nhiều như thế. Theo khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, trung bình tài sản ròng, tức tổng tài sản đã trừ đi mọi khoản nợ, của hộ gia đình nước này là 692.100 USD.

    Dẫu vậy, trong cuộc khảo sát của Charles Schwab, có đến 60% số người được hỏi lạc quan rằng họ sẽ giàu trong vòng ít nhất 25 năm hoặc đã coi mình là người giàu. Cùng với đó, khi được hỏi các tiêu chuẩn khác để định nghĩa, 72% quan niệm về giàu có là cách họ sống như thế nào. Chỉ 28% chỉ dựa trên tiêu chuẩn một số tiền cụ thể.

    Khi được hỏi họ sẽ làm gì nếu bất ngờ nhận được một triệu USD, hơn một nửa (54%) cho biết họ sẽ ưu tiên để mua nhà, sau đó là mua ôtô và đi du lịch. Ngoài ra, họ nói rằng sẽ dùng tiền để trả nợ (28%), đầu tư (23%) và tiết kiệm (21%). So với các thế hệ khác, những người thế hệ Z quan tâm đáng kể đến việc dành lại một phần để tiết kiệm (37%).

    Các chuyên gia của Charles Schwab nhận định, những người có kế hoạch tài chính cụ thể sẽ có khả năng giàu có hơn. Họ là những người thường xuyên tiết kiệm, tiếp tục tham gia đầu tư, có khả năng quản lý nợ và tầm nhìn tốt. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Người Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm các nước làm việc chăm chỉ nhất thế giới nhưng mâu thuẫn là chúng ta vẫn nghèo so với nhiều nước có số giờ làm việc ít hơn hẳn. Vì sao như vậy?

    Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa đào tạo sau đại học của ĐH Oxford (Anh), đoàn chúng tôi đã có dịp tiếp xúc và trải nghiệm giáo dục hàng đầu thế giới và văn hoá đặc trưng tại TP.Oxford, một thành phố nổi tiếng với bề dày lịch sử ngành giáo dục. Điều thú vị nhất là chúng tôi có thể so sánh chuyện làm nhiều vẫn nghèo, làm ít vẫn giàu ở Việt Nam và Anh.

    Chăm chỉ và hiệu quả

    Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, đó là các cửa hàng, trung tâm thương mại đóng cửa rất sớm, một số nơi muộn nhất đóng cửa vào lúc 7 giờ tối. Ngoài những bất tiện về giờ giấc ra, chúng tôi không khỏi thán phục về hiệu quả làm việc của người dân nơi đây.

    Thống kê những thành phố chăm chỉ nhất thế giới.

    Nhìn vào bảng thống kê “Những thành phố chăm chỉ nhất thế giới”, độc giả dễ dàng nhìn thấy người dân Hà Nội về nhì (trung bình 2,691 giờ làm việc mỗi năm) nếu xét về sự chăm chỉ chỉ kém người bạn Mumbai (trung bình 3,315 giờ làm việc mỗi năm).

    Nhưng nếu xét về hiệu suất, các cư dân tại nước Anh làm việc trung bình 1,681 giờ mỗi năm (số liệu năm 2017). Những nước có hiệu suất cao hơn nữa là Ireland, Na Uy, Đức, Mỹ, Thụy Sĩ, Pháp. Dù chăm chỉ, có số lượng giờ làm việc cao, Việt Nam không phải là nước có hiệu suất cao, không hề có tên trong danh sách 15 nước ở trên.

    Khi đi thực tế, có thể thấy đa phần các cửa hàng và nhà hàng tại TP.Oxford chỉ phục vụ đúng giờ niêm yết. Ví dụ giờ mở cửa là 8 giờ, nhân viên sẽ lịch sự thông báo cho khách hàng quay lại sau nếu họ đến trước 8 giờ.

    Tại sao làm ít mà lại hiệu quả như vậy?

    Nhầm lẫn về năng suất

    Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng GS. Alan Hudson (Giám đốc chương trình Lãnh đạo và Chính sách công, Thành viên của Kellogg College, ĐH Oxford) về vấn đề này.

    GS Alan Hudson cho biết năng suất là sản xuất nhiều hơn trong cùng một khoảng thời gian, không phải là đếm số giờ bạn làm việc. Chính vì nhầm lẫn này mà ở một số nước đang phát triển, nhiều người lao động có mức lương thấp cố gắng làm thêm giờ hoặc làm thêm việc. Điều này thường gây bất lợi cho sức khỏe. Tại nhóm lao động tầm trung bạn có thể bắt gặp hiện tượng “giả vờ” nghĩa là người đó không thực sự lao động nhưng lại không muốn nghỉ việc.

    Ngoài ra còn có thêm hiện tượng 996 được biết đến tại Trung Quốc, nghĩa là người lao động làm việc từ chín giờ sáng tới chín giờ tối trong 6 ngày/tuần. Điều này có nghĩa là người lao động làm việc lao động chăm chỉ vì sợ mất việc hoặc thể hiện sự cam kết đối với công việc. Nhưng việc chăm chỉ không đồng nghĩa với năng suất lao động tăng. Chúng ta cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, nếu không sẽ xảy ra hiện tượng kiệt quệ.

    Trả lời câu hỏi vì sao người dân không làm nhiều hơn nhưng nền kinh tế nước Anh vẫn ổn định, GS Alan Hudson cho biết nền kinh tế Anh có mức độ phát triển cao. Mặc dù có nhiều công việc kỹ năng thấp trong các khu vực kinh tế chính, tuy vậy năng suất của nhóm này không hề thua kém lực lượng lao động có tay nghề cao.

    Các bộ phận thực sự hiệu quả của nền kinh tế Vương quốc Anh có lẽ ở các dịch vụ tài chính và phát triển phần mềm. Trong khi đó, các y tá làm việc rất nhiều giờ và không được khen thưởng. “Vì vậy, trên hết tôi sẽ khuyến khích đầu tư để tăng năng suất trong các lĩnh vực quan trọng và sau đó khuyến khích phần lớn mọi người làm việc ít giờ hơn”, GS Alan Hudson khuyên.

    Ngoài ra, so sánh tương quan giữa các ngành đóng góp cho GDP ở Anh cũng cho thấy ngành giáo dục ĐH có kích thước tương đương với lĩnh vực dịch vụ pháp lý, chỉ thấp hơn một chút so với dịch vụ chăm sóc tại nhà, và cao hơn so với quảng cáo và thị trường ngành nghiên cứu. Đặc biệt, ngành này lớn hơn đáng kể so với sản xuất máy tính, dược phẩm cơ bản ngành và ngành vận tải hàng không.

    Theo GS Alan Hudson, vai trò quan trọng hơn của giáo dục là để phát triển những công dân hiểu biết để họ thực sự quan tâm đến xã hội họ đang sống. Đây là nguồn gắn kết xã hội tốt nhất. Cần nhấn mạnh đến chất lượng giáo dục cho đến 18 tuổi và cơ hội quay trở lại việc học sau này và giảm thiểu nhóm người đi học ĐH chỉ vì họ không biết họ muốn làm gì. Như vậy mới giảm được tình trạng “làm nhiều vẫn nghèo”!

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Làm giàu không khó, quan trọng là bạn phải có chiến lược tiết kiệm và đầu tư phù hợp ngay trong chính cuộc sống thường ngày.

    Bài chia sẻ của Nathan Clarke - tác giả của trang blog Millionaire Dojo chuyên đưa ra các lời khuyên về làm giàu, đầu tư và tiết kiệm.

    Rất nhiều người làm cả đời nhưng chẳng tiết kiệm nổi 1 xu cho bản thân. Nhưng tôi và vợ mình thì khác. Chúng tôi đã tiết kiệm được hơn 100.000 USD và đang tiến tới cột mốc 200.000 USD. Tôi không muốn khoe khoang, nhưng nếu chúng tôi làm được thì bạn cũng làm được. Tất cả là nhờ một số quyết định khôn ngoan mà tôi và vợ thực hiện khi còn trẻ.

    Chúng tôi không phải những người 25 tuổi đầu tiên kiếm được chừng ấy tiền, nhưng bạn có thể học hỏi nhiều thứ từ chúng tôi. Tôi chỉ vừa mới có được công việc với mức lương 50.000 USD đầu tiên, và đây là mức trung bình ở Mỹ. Vợ tôi thì chỉ kiếm được vài trăm USD/tháng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xoay xở để tiết kiệm nhiều tiền nhất có thể.

    tiet kiem 100k usd 2
    Vợ chồng Kaitlyn và Nathan Clarke.

    Tránh xa nợ nần

    Kỳ lạ là chúng tôi chưa bao giờ dính phải bất cứ khoản nợ nào, ngoài tiền thế chấp nhà. Chúng tôi chỉ lái xe hơi cũ và không có bất kỳ khoản nợ nào thời sinh viên. Bởi lẽ, tôi chỉ đi học tại một trường cao đẳng cộng đồng địa phương, còn vợ tôi thì không.

    Một cuộc sống không nợ nần thực sự rất tuyệt vời. Chúng tôi đã tránh được những rắc rối về tiền bạc bằng việc chỉ mua những thứ có thể trả được bằng tiền mặt. Mặc dù không có bằng cấp cao hay xe đời mới, chúng tôi vẫn hạnh phúc với những gì mình có. Nhờ tập sống tối giản và học các biết ơn, tôi trở nên hài lòng với những đồ mình có. Thậm chí, mỗi khi vứt đồ đi, tôi còn thấy vui hơn là mua đồ mới.

    Một bí quyết nữa giúp chúng tôi tránh được nợ nần, đó là chuẩn bị quỹ tiền dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. Ngay sau khi cưới, chúng tôi đã để dành ra vài nghìn USD và không động tới nó cho tới khi có việc lớn cần dùng đột ngột.

    Lập ngân sách chi tiêu

    Nhiều người không cho rằng việc lập ngân sách chi tiêu là cần thiết, nhưng nó thực sự đóng vai trò quan trọng giúp chúng tôi có được khối tài sản như ngày nay.

    Tôi không quá khắt khe với việc phải bỏ bao nhiêu tiền vào mỗi loại quỹ. Nếu chúng tôi đi ra ngoài ăn và mất nhiều tiền hơn dự tính. Chúng tôi sẽ lấy một chút tiền từ quỹ tiết kiệm ra và bù lại vào quỹ cho việc ăn ngoài. Chúng tôi lập ngân sách chỉ để theo dõi tình hình chi tiêu của mình và đưa ra được quyết định tối ưu.

    Tổ chức đám cưới gọn nhẹ

    Tôi không biết con số chính xác, nhưng chúng tôi tiêu ít hơn 10.000 USD cho đám cưới và nó vẫn rất tuyệt vời. Vợ tôi được mặc chiếc váy trong mơ có giá 600 USD, còn tôi chọn một bộ suit rẻ. Chúng tôi tổ chức đám cưới miễn phí tại nhà thờ địa phương và mở tiệc chiêu đãi tại nông trại của một người thân.

    Tất cả những gì chúng tôi phải trả tiền là đồ trang trí, thức ăn và rạp cưới. Tôi không hiểu tại sao mọi người phải dành tới 50.000 USD để làm đám cưới. Với số tiền đó, tôi thà đi du lịch vòng quanh thế giới còn hơn dồn hết vào tiêu trong một ngày.

    Phát triển sự nghiệp 

    Khi còn trẻ, vợ chồng chúng tôi từng làm ở chuỗi cửa hàng gà rán Chick-fil-A. Cô ấy bỏ việc sau 8 tháng, còn tôi bị sa thải trước đó.

    Nghỉ việc được vài tháng, vợ tôi được thuê hỗ trợ dựng trường quay trong ngành công việc phim ảnh. Mỗi giờ cô ấy kiếm được 18 USD, và làm thêm 20 tiếng/tuần. Trong vòng 5 năm tiếp theo, lương của cô ấy tăng lên khoảng 27 USD/giờ. 1 năm sau khi kết hôn, chúng tôi nhận thấy không thể làm việc 60 tiếng/tuần được, nhất là khi thời gian di chuyển đã mất 1,5 tiếng. Cô ấy lại nghỉ việc và sang giúp đỡ ngôi trường tư thục của ông chú trong vòng 2 năm qua.

    Còn tôi, sau khi bị sa thải, đã từ từ cố gắng leo lên vị trí như ngày hôm nay. Ban đầu, tôi làm việc tại siêu thị Kroger. Sau đó, tôi làm ở trạm xăng Quick Trip. Khoảng 1 năm tiếp theo, tôi có công việc văn phòng đầu tiên. Tôi cũng quyết định học thêm cao đẳng cộng đồng chuyên ngành IT.

    Nhờ vậy, tôi trở thành nhân viên thiết kế CAD cho công ty, rồi tích lũy đủ kinh nghiệm để kiếm được việc làm tốt hơn tại một nhà máy sản xuất gỗ. Sau 1,5 năm làm việc đầy chán nản, tôi có công việc đầu tiên với tư cách nhân viên IT. Khởi đầu chỉ với 42.000 USD/năm, tôi đã làm việc chăm chỉ và xin tăng lương thành công lên mức 50.000 USD/năm.

    Đầu tư

    Khi mới kết hôn ở tuổi 23, tôi chỉ có 1000 USD tiền tiết kiệm hưu trí, còn vợ tôi có khoảng 5000 USD dự phòng. Cô ấy giữ chúng hầu hết dưới dạng tiền mặt, và đó là cách chúng tôi đã chi trả cho đám cưới, tuần trăng mật và đồ đạc trong nhà.

    Khoảng 1 năm trước, tôi bắt đầu học cách đầu tư. Bởi vì đầu tư đơn giản là cách đầu tư khôn ngoan nhất, tôi cố gắng đầu tư mỗi khi có thể. Mỗi tháng, chúng tôi dành tối thiểu 1000 USD để đầu tư.

    Hiện nay, chúng tôi đã có 39.000 USD trong tài khoản hưu trí.

    Mua nhà trong khả năng

    Mặc dù khi mới cưới, chúng tôi đã có hơn 100.000 USD, nhưng chúng tôi chỉ mua một căn nhà rộng 111 km2 với giá 95.000 USD. Căn nhà này là quá đủ với 2 người chúng tôi và khu dân cư cũng rất lý tưởng. Đặc biệt, tiền thế chấp nhà chỉ khoảng 660 USD/tháng.

    Trong vòng vài năm tới, chắc chắn tôi sẽ mua một ngôi nhà to hơn, đắt tiền hơn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vẫn giữ lại ngôi nhà này và cho thuê. Đây là một cách hay để tôi thử sức đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.

    Kiếm thêm nghề tay trái

    Vợ chồng tôi chỉ mới bắt đầu làm thêm nghề tay trái khoảng 1 năm đổ lại đây. Tôi bán hàng online trên eBay và kiếm được thêm 7000 USD. Tôi cũng có thêm 1000 USD từ việc bán hàng tại tiệm đồ cổ.

    Tóm lại, để có được khối tài sản hơn trăm nghìn USD như giờ đây, chúng tôi đã cố gắng tránh xa nợ nần, tăng cường thu nhập, đầu tư và sống giản dị trong điều kiện cho phép.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • 15 tỷ phú Anh đã có thêm 28 tỷ USD kể từ khi nước này bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào tháng 6/2016, nâng tổng giá trị ròng của các tỷ phú này lên 109 tỷ USD.

    Bloomberg dẫn số liệu từ bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index cho biết, năm 2018 tài sản của nhóm 15 tỷ phú Anh đã tăng thêm 18 tỷ USD kể từ khi nước Anh tuyên bố rời EU (Brexit). Hai tỷ phú ủng hộ Brexit là Jim Ratcliffe và James Dyson lại là những người có tài sản tăng thêm nhiều nhất với 20 tỷ USD.

    Với khối lượng tài sản tăng thêm, tỷ phú Ratcliffe đã thay thế công tước xứ Westminster - Hugh Grosvenor, để trở thành người giàu nhất nước Anh. Ông Ratcliffe hiện sở hữu khối tài sản 19,3 tỷ USD, tăng gần 6,8 tỷ USD từ đầu năm.

    Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý nước Anh rời EU, lượng tài sản tăng thêm của các tỷ phú Anh đã bằng một nửa số tiền 39 tỷ bảng (khoảng 51 tỷ USD) mà Anh sẽ phải chi để giải quyết các nghĩa vụ với EU trước khi rời khối. Đáng nói, sự gia tăng tài sản của giới tỷ phú Anh lại đối lập với tình trạng trì trệ của kinh tế nước này trong 2 năm qua do ảnh hưởng từ Brexit tới hoạt động sản xuất kinh doanh. 

    Người giàu nhất nước Anh - tỷ phú Jim Ratcliffe. Ảnh: Bloomberg.

    Hồi tháng 2, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh - Mark Carney cho biết kinh tế Anh đang bị bao phủ bởi "sương mù Brexit". Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng Anh năm nay và năm 2020. Trong khi nhu cầu lao động tăng thì các doanh nghiệp đang cắt giảm chi phí, nhân công vì e ngại suy thoái kinh tế có thể trầm trọng hơn nếu Anh rời khỏi EU mà không đạt được thoả thuận nào. 

    Bloomberg cho rằng, với khối tài sản không ngừng tăng kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016, giới tỷ phú Anh đã chứng tỏ khả năng chống chọi tốt trước những bấp bênh mà Brexit gây ra. Hiện hơn một nửa trong số tỷ phú Anh trong bảng xếp hạng người giàu của Bloomberg đã không còn cư trú tại Anh. 

    Hồi tháng 2, tờ Sunday Times đưa tin, tỷ phú Ratcliffe đang xem xét tái cấu trúc tài sản để tiết kiệm 4 tỷ bảng tiền thuế, gồm khả năng chuyển tới Monaco. 

    Vị tỷ phú này cũng đang rót khoản tiền lớn từ khối tài sản của mình vào thể thao. Công ty hóa chất Ineos của ông Ratcliffe đang tài trợ nhiều triệu USD cho một đội đua xe đạp chuyên nghiệp. Tuần trước, ông tuyên bố vẫn nung nấu ý định mua lại câu lạc bộ bóng đá Chelsea từ tỷ phú Abramovich, dù trước đó vị tỷ phú người Nga đưa ra giá 4 tỷ Bảng và bị Ratcliffe chê là quá đắt. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Tối 10/5, tỷ phú Joe Lewis quay lại chợ đêm Phú Quốc với sự chào đón của người dân. Tại đây, ông có thêm nhiều trải nghiệm với văn hóa và ẩm thực miền biển đảo Việt.

    Trong lần trở lại này, ông Joe Lewis tiếp tục khiến nhiều người dân bất ngờ khi dạo chơi tại khu chợ đêm Phú Quốc (Kiên Giang). Những người hâm mộ đội bóng Tottenham Hotspur cũng có mặt tại đây chào đón người nắm giữ phần lớn cổ đông của đội bóng danh tiếng.

    Theo lời mô tả của một số người dân có mặt tại khu chợ đêm, ông Lewis rảo bước đến từng gian hàng, ngắm nhìn những mặt hàng hải sản tươi sống được bày bán. Vị tỷ phú 82 tuổi đã đề nghị được cầm tận tay những món hải sản tươi sống và thoải mái trò chuyện với chủ một số quầy hàng.

    Ông chủ đội bóng Tottenham Hotspur được tặng nước mắm Phú Quốc. Ảnh: Huỳnh Văn Sơn. 

    Đi cùng vị tỷ phú lần này có ông Huỳnh Văn Sơn, chủ tịch Công ty Ngôi sao biển, đơn vị chủ đầu tư chợ đêm Phú Quốc.

    Chia sẻ với Zing.vn, ông Sơn cho biết: "Ông Joe Lewis rất thích không khí chợ đêm ở Phú Quốc và sự mến khách của người dân nơi đây. Ngoài ra, đây cũng là nơi ông cùng người dân đón nhận những giây phút ấm áp và vui vẻ nhất khi đội Tottenham giành tấm vé chơi trận chung kết Champions League". 

    Tại chợ đêm, vị tỷ phú còn ký tặng lên áo những người hâm mộ đội bóng Anh. 

    Vị tỷ phú ký tặng lên áo của những fan hâm mộ đội bóng Anh. 

    Anh Phạm Văn An, chủ quán Sài Gòn Hub, nơi ông Lewis ghé dùng bữa tối, cho biết rất vui và vinh dự khi được thiết đãi tỷ phú nước Anh.

    Theo đó, anh đã chuẩn bị những món ăn đặc sản của Phú Quốc để chiêu đãi vị khách đặc biệt cùng một số món ăn truyền thống của Việt Nam và Phú Quốc như bánh tét lá mật, miến xào hải sản...

    Sau khi thưởng thức các món ăn đặc sản của đảo ngọc, ông Lewis cùng đoàn tạm biệt người hâm mộ để trở lại du thuyền. Được biết, tàu sẽ nhổ neo rời Phú Quốc để tiếp tục hành trình đến Nha Trang, Đà Nẵng và những địa điểm khác trước khi rời Việt Nam.

    Ông Joe Lewis đã có những phút giây vui vẻ, thưởng thức ẩm thực Việt Nam tại một nhà hàng ở Phú Quốc. 

    Tối 8/5, trước khi diễn ra trận bán kết lượt về Champions League giữa Ajax và Tottenham, ông Joe Lewis đã đến chợ đêm và vô cùng thích thú trước sự hâm mộ đội bóng Tottenham của người dân Phú Quốc.

    Trước đó, siêu du thuyền Aviva trị giá 150 triệu USD khiến nhiều người dân TP.HCM bất ngờ khi xuất hiện tại cảng Sài Gòn hôm 30/4.

    Du thuyền Aviva trị giá 150 triệu USD. 
    Du thuyền neo đậu ở biển Phú Quốc. 

    Ngày 6/5, con tàu khổng lồ tiếp tục hải trình tới miền sông nước Cần Thơ, neo trên sông Hậu. Cùng thời điểm này, vị tỷ phú người Anh đã có chuyến du ngoạn thú vị cùng trải nghiệm tự lái tàu khách trên khu chợ nổi Cái Răng, tự tay đúc bánh xèo.

    Ông Lewis đỗ bánh xèo. 

    Ông Joe Lewis (82 tuổi) là tỷ phú giàu thứ 6 tại Anh với khối tài sản ước tính 5 tỷ USD. Ông cũng được biết là một trong những cổ đông lớn của câu lạc bộ bóng đá Tottenham Hotspur.

    Du thuyền Aviva trị giá 150 triệu USD là sản phẩm của hãng Abeking & Rasmussen (Đức), xuất xưởng năm 2017. Aviva nặng khoảng 4.200 tấn, dài hơn 98 m và xếp thứ 57 trong danh sách những chiếc du thuyền lớn nhất thế giới với tốc độ tối đa là 20 hải lý/giờ.

    Viethome (theo Zing)

  • Theo vị tỷ phú 90 tuổi, 'người chân thành sẽ bước vào trái tim bạn còn người đạo đức giả sẽ bước ra khỏi tầm mắt của bạn'.

    Người giàu nhất Hồng Kông trong suốt hơn hai thập kỷ qua và có tên liên tục trong danh sách những người giàu nhất thế giới với khối tài sản hơn 30 tỷ USD, tỷ phú Lý Gia Thành đã từng nhiều lần chia sẻ về triết lý kinh doanh và quan điểm cá nhân về cách đánh giá bạn bè cũng như cách tin tưởng người khác.

    Lý Gia Thành sinh ra ở Quảng Đông năm 1928. Đến năm 1940, ông và gia đình phải sang Hồng Kông trong cuộc nội chiến diễn ra tại Trung Quốc. Sau khi cha qua đời vì bệnh lao, ông phải nghỉ học năm 16 tuổi và làm việc trong một nhà máy sản xuất nhựa.

    Nhờ chăm chỉ và nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã đạt danh hiệu nhân viên bán hàng xuất sắc nhất và được thăng chức làm quản lý nhà máy khi mới 18 tuổi. Năm 22 tuổi, Lý Gia Thành bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên và đến nay, công ty của ông, Cheung Kong Holdings đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất ở Hồng Kông.

    ly gia thanh hong kong
    Cá nhân ông Lý Gia Thành từng có thời điểm là doanh nhân giàu có nhất châu Á. 

    Ngoài bí quyết thành công, vị tỷ phú 90 tuổi còn hay chia sẻ về cách nhìn người trong cuộc sống. Ông từng nói:Từ việc vay tiền, bạn có thể đánh giá phần nào phẩm chất của một người. Một trong những điều khó nhất trên đời là mượn tiền của người khác. Người cho bạn vay tiền chính là vị cứu tinh của bạn và những người làm như vậy mà không cần ký bất cứ giấy tờ nào là người đáng tin cậy nhất. Trong xã hội ngày nay, không nhiều người sẵn sàng cho mượn tiền mà không kèm theo điều kiện. Nếu gặp một người như vậy, bạn phải trân trọng họ".

    Theo ông, người cho chúng ta mượn tiền khi gặp khó khăn không phải vì họ dư dả mà vì họ thực sự muốn giúp đỡ. Thứ họ cho chúng ta mượn không chỉ là vật chất mà còn là sự tin tưởng.

    Tỷ phú Lý Gia Thành hi vọng mọi người luôn giữ chữ tín, đặc biệt là khi vay nợ của người khác. Đánh mất niềm tin có thể dẫn đến sự phá sản lớn nhất trong cuộc đời. Theo ông, một người chủ động trả hóa đơn khi đi cùng bạn bè không phải vì họ có quá nhiều tiền mà vì họ coi trọng tình bạn hơn tiền. Họ làm vậy để duy trì mối quan hệ thân thiết với người họ chân thành muốn làm bạn cùng.

    "Khi cùng nhau kinh doanh, nếu đối tác sẵn sàng nhường hầu hết lợi ích cho bạn thì đó không phải vì họ ngu ngốc mà vì họ biết cách chia sẻ. Nếu họ chủ động làm nhiều việc hơn, điều đó có nghĩa là họ biết cách chịu trách nhiệm.

    Nếu họ là người xin lỗi trước sau khi xảy ra mâu thuẫn, nhiều khi không phải vì họ sai mà vì họ tôn trọng đối phương. Nếu họ sẵn sàng giúp đỡ bạn thì đó không phải vì họ nợ bạn mà vì coi bạn là một người đồng hành quan trọng. Họ có thể chọn việc có giúp đỡ bạn hay không và đây không phải nghĩa vụ của họ trừ khi họ muốn như vậy.

    Có bao nhiêu người đã bỏ qua sự thật đơn giản này và bao nhiêu người coi đó là điều hiển nhiên? Một số người hành động như thể họ rất thông minh và tìm mọi cách để đạt được mục tiêu của mình nhưng sớm hay muộn chiêu trò của họ cũng sẽ bị phát hiện ra. Người chân thành sẽ bước vào trái tim bạn còn người đạo đức giả sẽ bị loại ra khỏi tầm mắt của bạn. Gặp gỡ nhau là định mệnh nhưng để hòa hợp được với nhau, điều đó đòi hỏi sự chân thành và đáng tin cậy".

    Viethome (theo Nhà đầu tư)

  • Dưới đây là chia sẻ của Mỹ Tiên, 30 tuổi, về khoảng thời gian đầu khó khăn khi chuyển tới Nhật sinh sống cùng chồng, anh Masayuki (gọi tắt là Masa). Hai người đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ chuyện tiền nong. Cô chỉ hiểu ra vấn đề sau một lần bỏ đi tới nhà bạn: 

    Mỹ Tiên từng tự ái khi người chồng Nhật nói nên dừng việc uống trà sữa, vì một ly bằng cả bữa trưa của anh ở công ty.

    Đầu tháng 1/2016, tôi bay đến Tokyo đoàn tụ với chồng, sau khi nhận được visa du học. Khi sang đây tôi phải bắt đầu học tiếng trước. Tôi muốn đi làm thêm nhưng chồng không cho vì sợ ảnh hưởng việc học.

    Lúc đó, chồng mới chỉ đi làm được hai năm, không có nhiều tiền để trang trải cuộc sống của cả hai. Vì chiều ý tôi mà anh hay dẫn tôi đi ăn nhà hàng. Tôi khi đó không biết rằng chồng đã phải tiết kiệm rất nhiều để đóng học phí cho tôi, khoảng 120 triệu đồng/năm, vừa lo tất cả các chi phí sinh hoạt và tiền tôi tiêu mỗi tháng.

    Công ty chồng hỗ trợ tiền thuê nhà gần ga Ryogoku, thuộc quận Sumida. Đó là một căn hộ mới toanh, rộng tầm 45 m2, gồm một phòng ngủ, một phòng khách nhỏ, phòng vệ sinh khá rộng và hiện đại... Masa, khi đó là một nhân viên kinh doanh, có lịch trình công tác khá dày đặc, lúc cao điểm có thể đi luôn cả tuần không về hoặc đi sớm về muộn. Tôi bắt đầu làm quen những bữa cơm một mình, những buổi lang thang sau giờ học... Những người bạn cùng học tiếng với tôi cũng dần dần đi tìm việc làm. Đó cũng là lúc tôi nhận ra cuộc sống xứ người không màu hồng như mình nghĩ. 

    Vừa buồn vì cô đơn, tôi còn phải đối diện với áp lực kinh tế. Mồi lửa chiến tranh bắt đầu nhen nhóm từ chuyện tiền nong. Một hôm anh bực dọc nói với tôi rằng: "Em nên dừng việc uống trà sữa mỗi ngày đi. Một ly trà sữa của em, 550 yên (khoảng 110.000 đồng) bằng một bữa trưa của anh đó". Rồi một hôm khác, anh lại nhắc nhở tôi: "Tháng này mình lại xài âm thẻ tín dụng rồi. Anh nghĩ chúng ta nên tiết kiệm hơn".

    Tôi lúc đó hùng hổ nói, từ khi anh góp ý, bữa trưa hàng ngày của tôi chỉ còn 250 yên (khoảng 50.000 đồng) cho một ly trà và một cái bánh bao ở siêu thị. Tôi bắt đầu cảm thấy ức chế khi từ một người chủ động được tài chính, với mức lương cao với nghề sản xuất chương trình ở Việt Nam, giờ phải chờ chu cấp hàng tháng từ chồng.

    Tôi không còn dám tham gia những buổi hẹn ăn tối của lớp vì chi phí một người tầm 1.500 yên (khoảng 300.000 đồng), số tiền đó đủ cho hai vợ chồng ăn một ngày. Tôi cũng không còn uống trà sữa ngoài tiệm nữa mà mua trà sữa gói ở siêu thị về tự pha uống.

    Mỹ Tiên từng gặp nhiều khó khăn thời gian đầu định cư ở Nhật. Ảnh: NVCC.

    Mỗi tháng, tôi được chồng đưa 20.000 yên (khoảng 4 triệu đồng) cho việc chi tiêu vặt hàng tháng. Khoản tiền đó chỉ bằng bốn bữa ăn tối dành cho hai người ở một nhà hàng bình dân tại xứ đắt đỏ này. Số tiền tiết kiệm tôi mang sang đang phải xài vào dần. Tôi nghĩ mình đã tiết kiệm hết mức có thể nhưng chồng vẫn không ngừng than phiền về các hóa đơn tiền điện, nước, gas...

    Quá mệt mỏi và áp lực, tôi quyết định "mất tích" bằng cách tới ở nhà một cô bạn thân. Tôi quan sát căn phòng rộng chưa đến 15 m2 của cô bạn ở Saitama, phía nam Tokyo, cách ga tàu hơn 15 phút đi bộ. Ngoài giờ học, cô ấy tất bật đi làm thêm kiếm tiền tới tối mịt, về nhà chỉ lăn ra ngủ. Rồi tôi nghĩ về căn hộ mới tinh 45 m2 của mình, cách ga tàu chỉ 5 phút đi bộ. Tôi không phải đi làm thêm, được ngủ đủ giấc, luôn có thời gian chăm sóc bản thân, ngâm mình trong bồn vài lần/tuần... Lúc đó tôi mới nhận ra mình hơn mọi người quá nhiều. Tôi biết mình đã nợ Masa một lời xin lỗi. 

    Hôm sau, khi cô bạn vẫn ngủ say, tôi bắt chuyến tàu sớm nhất về. Bước vào nhà lúc 6 giờ sáng, tôi thầm nghĩ chồng đi làm rồi. Nhưng vừa bước vào phòng khách, tôi giật bắn người khi thấy chồng nằm dài thượt trên ghế sofa, trên bàn ngổn ngang vỏ bia lon. Tôi lay nhẹ chồng, gọi anh dậy đi làm. Anh ôm chầm lấy tôi và nói: "Đừng bao giờ làm thế này nữa em nhé, cả đêm anh không thể nào ngủ nổi". Anh nói rồi òa khóc như con nít.

    Sau đó tôi xin lỗi, vì đã gây cho anh áp lực tâm lý. Tôi nhận ra mình vẫn còn phung phí, đáng lẽ phải tiết kiệm hơn để giúp chồng nhẹ gánh tiền bạc. Anh cũng xin lỗi tôi vì cứ nói đi nói lại vấn đề tài chính. Anh nói ý anh không phải tôi xài phí, mà chỉ muốn chia sẻ nỗi lo bản thân, nhưng đã vô tình làm tôi hiểu nhầm ý.

    Để san sẻ áp lực tiền nong với chồng, tôi bắt đầu những chiến thuật tiết kiệm như đạp xe xa hơn một xíu để mua trái cây giá rẻ ở Yaoya (tên gọi chung của cửa hàng bán lẻ chuyên về rau củ, trái cây với mức giá rẻ hơn siêu thị), mua đồ ăn sau 7 giờ tối để được giảm giá, làm thẻ tích lũy điểm để cả năm quy ra quà tặng, tải phần mềm siêu thị để mỗi ngày nhận được giảm giá 100-200 yên (khoảng 20.000 - 40.000 đồng), đem nước lọc theo uống và tự pha trà sữa khi đi học... Việc nấu ăn mỗi ngày vừa giúp tiết kiệm được hẳn chi phí sinh hoạt, vừa giúp cân bằng chế độ dinh dưỡng.

    Sau một tháng áp dụng loạt chiêu thức tiết kiệm, một hôm chồng tôi reo vui: "Em ơi tháng này mình không nợ tín dụng nữa rồi. Cả tháng mà xài chưa hết 50.000 yên tiền chợ (khoảng 10 triệu đồng). Em giỏi quá. Tiền thừa em cứ giữ lại trong thẻ rồi mua mỹ phẩm mà mình thích nhé".

    Masa luôn âm thầm theo dõi và ghi nhận những cố gắng của tôi bằng cách ăn sạch những món tôi nấu với vẻ mặt sung sướng, phụ tôi rửa chén mỗi ngày, chăm chú nhìn rau củ trong tủ lạnh hay những phần thịt có dán tem giảm giá mà tôi mua về... Anh chưa bao giờ tiết kiệm một câu để khích lệ tôi. Đó là điều tôi vẫn trân quý mỗi ngày. 

    Sau giờ học, tôi bắt đầu tìm cách để kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận dịch một số tin tức ngắn ở Nhật cho một vài tờ báo ở Việt Nam. Tôi cũng tìm hiểu thị trường mỹ phẩm Nhật thu hút khách Việt Nam, những nơi có thể gửi hàng bảo đảm. Doanh số bắt đầu tăng dần theo từng tháng. Tôi dần kiếm được một số tiền nhỏ đủ để trang trải tiền sinh hoạt phí ở cái xứ đắt đỏ này. Tôi cũng lập một kênh Youtube riêng nói về cuộc sống ở Nhật. Nhờ đó, việc kinh doanh mỹ phẩm dần ổn hơn. Lợi nhuận thu được không nhiều nhưng đủ để tôi bắt đầu mua được những món quà nho nhỏ tặng chồng vào những dịp đặc biệt.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Cách đây không lâu, Á hậu Hong Kong 2014 Hà Diễm Quyên gây sốc khi đăng tải 1 bài viết trên trang Instagram cá nhân, thông báo cô và đại gia đáng tuổi bố Ngô Chí Thành quyết định đường ai nấy đi sau 8 tháng vỏn vẹn kết hôn.

    Cặp đôi chênh lệch nhau tới 40 tuổi, Ngô Chí Thành là đại gia sừng sỏ khi sở hữu gia sản lên tới 3 tỷ đôla Hong Kong (tương đương 9,000 tỷ đồng).

    Sau khi tin tức này nổ ra, nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao người đẹp sinh năm 1991 lại có quyết định đường đột đến như vậy. Tuy nhiên, paparazzi Hong Kong đã khiến cho câu chuyện tình chân dài - đại gia này càng thêm nóng khi quyết định tung hình ảnh Hà Diễm Quyên thân mật, ôm hôn 1 người đàn ông trong 1 bữa tiệc, làm dấy lên nghi vấn người đẹp này ngoại tình.

    Theo thông tin, cặp đôi bị bắt gặp tại 1 buổi tiệc thân mật và kín đáo. Đột nhiên, Hà Diễm Quyên vươn người và ôm hôn người đàn ông này thắm thiết, chứng minh mối quan hệ của hộ không hề bình thường chút nào.

    Đặc biệt hơn, khi điều tra ra người đàn ông này là Trần Diệu Chương, hiện là chủ tịch tập đoàn Bảo Thanh Hong Kong chuyên về kinh doanh các sản phẩm công nghệ số và dịch vụ liên quan.

    Cha của Trần Diệu Chương là Trần Thụ Cừ - nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng còn mẹ lại là một nhân vật chính trị tầm cỡ. Bản thân Trần Diệu Chương cũng là một doanh nhân xuất sắc, đang lãnh đạo tập đoàn trị giá hàng tỷ đôla Hong Kong. Theo ước tính, gia sản của Trần Diệu Chương giàu ít nhất gấp 3 lần Ngô Chí Thành.

    Á hậu và người chồng cũ quá chênh lệch về tuổi tác, nhan sắc, tài sản.


    Hồi mới cưới đại gia tóc bạc, nàng á hậu đã gây scandal khi thân mật với những người đàn ông khác.

    Về đời tư của tài phiệt họ Trần, truyền thông mô tả ông là một người có cuộc sống phóng túng. Vị đại gia này rất thích tổ chức tiệc trên du thuyền và mời bạn bè đến chung vui. Rất nhiều minh tinh từng có thời gian qua lại với vị đại gia này, tuy nhiên, báo chí xứ Cảng Thơm cho biết, Trần Diệu Chương chưa từng quen cô gái nào quá 3 tháng. Câu hỏi được đặt ra, liệu Hà Diễm Quyên có vượt qua được "lời nguyền 3 tháng" để tái hôn, trở thành con dâu nhà hào môn một lần nữa?

    Viethome (theo Người Đưa Tin)

  • Không chỉ gây bất ngờ khi công bố giá vé tham quan đài quan sát lên tới 810.000 đồng/vé người lớn và 405.000 đồng/vé trẻ em (thuộc hàng đắt đỏ so với các tòa nhà chọc trời trên thế giới), Landmark 81 còn gây xôn xao cộng đồng với giá dịch vụ tại nhà hàng ở độ cao nhất Việt Nam này.

    (Ảnh minh họa)

    920.000 đồng một tô phở có gì?

    Những ngày qua, thực đơn của nhà hàng được lan truyền trên mạng xã hội với câu hỏi: đùa hay thật.

    Trên thực đơn, ngoài món súp kem nấm và súp dừa bí đỏ nướng được bán với giá 255.000 đồng/suất, nhà hàng này còn gây sốc khi niêm yết giá một bát phở mang tên Phở “chọc trời” với giá 920.000 đồng.

    Theo miêu tả từ thực đơn tại nhà hàng, bát phở “chọc trời” bao gồm đuôi bò Úc, thịt bò Wagyu, bánh phở và rau gia vị.

    Việc niêm yết bát phở “chọc trời” với giá 920.000 đồng cũng khiến nhà hàng tại tòa tháp Landmark 81 trở thành một trong các địa điểm bán phở đắt đỏ tại Việt Nam.

    Trăn trở về đỉnh cao

    Trong một bài post của mình, khi thấy người ta chế giễu những người dám bỏ triệu bạc ăn bát phở ở Landmark 81, Facebook Nguyen Khanh bình luận:

    Khi mức lương của em dao động dưới 10 triệu / 1 tháng, em sẽ thấy một người suốt ngày đổi điện thoại đời mới thật là lãng phí.

    Khi mức lương của em dao động dưới 20 triệu / 1 tháng, em sẽ thấy một người suốt ngày đổi ô tô đời mới thật là kệch cỡm.

    Khi mức lương của em dao động dưới 30 triệu / 1 tháng, em sẽ thấy một người tháng nào cũng dẫn người yêu đi sắm vài cái túi xách giá chục nghìn đô không khác gì một lũ thần kinh.

    Sáng nay anh đọc facebook, thấy người ta chế diễu người dám bỏ triệu bạc ăn bát phở ở toà nhà cao nhất Việt Nam, phở đầy phố có 60k - đất nước còn nghèo sao có thể lãng phí như thế, rồi phê phán giá vé tham quan để lên trên ấy quả là giá “trên trời”, thiếu gì chỗ chơi mà mò lên cho bọn toà nhà nó thu phí cắt cổ.

    Thật ra không có ai lãng phí, kệch cỡm, thần kinh cả… chỉ là em chưa đủ tầm nhìn để thấy xã hội vận hành như thế là một xã hội bình thường. Xã hội chỉ bất thường khi đâu đâu cũng chỉ có người sắp hàng ăn cơm 2k và phát quà từ thiện.

    Ở đời cái gì rẻ, miễn phí và dễ dãi thì dễ bị coi thường. Tam Tạng muốn thỉnh chân kinh cũng phải để lại cái bát vàng, nơi Tây Thiên thì A Nan, Ca Diếp cần gì lấy cái bát vàng vốn chỉ mang ý nghĩa tài sản thế gian mới trao kinh? Nếu chân kinh không cần đi thỉnh mà được ship free qua Đông Thổ đại đường thì liệu chân kinh có được trân trọng?

    Đỉnh cao phải có giá của đỉnh cao - đó là chân lý, dù rằng ai đó có thể cải lương nói với em về đạo nghĩa, từ tâm, vô thường, buông xả thì em cũng phải hiểu rằng giác ngộ nó cũng có cái giá của giác ngộ.

    Nếu em còn không dám rút ví cho một dịch vụ không thiết yếu nào đó thì em hãy tin rằng nơi đó chưa dành cho em, hãy cố gắng nhiều hơn nữa. Nếu Tam Tạng cất cái bát vàng không chịu giao nộp thì xin mời ông come back về Đại Đường ăn chơi nhảy múa tiếp.

    Nơi đây là nơi tham quan chứ không phải phòng cấp cứu, không lên cũng không chết được. Hãy vui vẻ quay về và đừng chửi người xứng đáng bước lên trên ấy, đừng nguyền rủa họ sống lãng phí sau này không có cơm ăn.

    Nếu không thu phí thì điều gì xảy ra? Nếu phở có 60k/bát kèm quẩy kèm giá chần thì sao? Thì lúc ấy đỉnh cao sẽ không còn là đỉnh cao. Bình dân hoá đỉnh cao là có tội với nhà đầu tư, với kiến trúc sư và với biểu tượng của thương hiện doanh nghiệp. Muốn phóng tầm mắt ra xa nhất thì phải có đôi chân vững chắc nhất. Đừng cãi Anh Ba.

    Phần thưởng cho nhà leo núi là đỉnh núi và nếu không leo nổi hãy bỏ tiền đi cáp treo. Ai cũng xuất sắc theo một cách nào đó.

    Kể cả cậu ấm cô chiêu lấy tiền cha mẹ mua vé lên đây check in thì chúng nó cũng đã xuất sắc hơn quý anh chị trong việc chọn cửa đầu thai rồi.

    Hết lễ, biên vài dòng… nếu thấy vui thì like, không thì lướt. Đừng tranh luận ở stt này vì nó chả có gì để tranh luận cả.

    Người già ở quê người ta hạnh phúc với cái điện thoại trắng đen đời cũ miễn là hàng ngày con cháu gọi hỏi thăm. Anh chị xài cái khôn phôn lưu gần 1000 số điện thoại và 5000 bạn bè trên Facebook nhưng khi cần chỗ tựa vai tuyệt nhiên không thấy đứa nào.

    Ai hạnh phúc hơn ai… Biết đủ thì vị trí mình đứng chính là đỉnh cao.

    Viethome (Nguồn : Fb Nguyen Khanh)

  • Bài chia sẻ từ bạn Ngô Tuấn Hà, cư dân khu đô thị Vinhomes Times City. Viethome xin chia sẻ cùng bạn đọc, biết đâu chúng ta lại học được các chiêu bán nhà của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhỉ:

    TIÊN SƯ ANH TÀO THÁO!!!

    Mỗi lần đi qua Royal City, nhìn những ngôi nhà liền kìn kịt, trông như tổ kiến, xấu xí, bên trong thì méo mó, bất tiện mà bán với giá trên trời, làm mình luôn thấy khó hiểu. Vài người ngốc thì được chứ cả vài chục ngàn người cùng ngốc thì quá đáng ngạc nhiên. Các khu nhà khác cũng không hơn gì nhà trên thị trường nhưng bán đắt hơn hẳn mà vẫn chạy như tôm tươi. Và đây là vài thủ thuật của Vin, do người trong cuộc tiết lộ.

    Anh tao thật tài,

    Nói chuyện tiếp về xe Vinfast, nghe bọn mạng nói anh Vượng nhà tao ngu. Đầu tư cả núi tiền, cuối cùng ra cái xe với giá ngất ngưởng. Chó nó mua. Vậy để tao nói về anh tao, xem anh ngu thế nào nhé!

    Thường đi mua nhà, thằng nào cũng tránh nhà hướng Tây. Nhất là nhà chung cư, nóng chết bà luôn. Thế mà ở Times city, nhà hướng Tây giá còn cao hơn các hướng khác.

    Anh tao làm được đấy. 

    Hướng này, anh tao đào một cái hồ sâu khoảng hơn 1m. Đầu tư thêm ít nhạc nước. Thế là dân tình tranh nhau mua bằng được nhà hướng này với giá cao hơn chỉ mục đích view nhạc nước. Giờ tao biết nhiều nhà mỗi lần anh tao bật nhạc nước đành phải đóng cửa vì méo chịu được... ồn.

    Sau khi bán hết Time, còn miếng đất nằm sâu trong quận Hoàng Mai. Nói thẳng, về vị trí méo thể đẹp bằng Time được. Nhưng nhà trong này giá còn cao hơn Time. Anh tao làm được đấy. Anh tao gộp mịa nó hết tiện ích lại cho chung hết. Cho thêm vài tiện ích vô thưởng vô phạt... đầu tư thêm về cảnh quan. Sau đấy anh tao bảo đấy là resort. Thế là dân tình lại tranh mua giá cao để được vào resort sống.

    Bán xong Park Hill rồi, còn miếng đất cuối. Anh tao đầu tư thêm một số thứ tự động trong nhà như đèn, loa. Anh tao bảo đấy là nhà thông minh. Thế là dân ta lại lao vào mua với giá còn cao hơn Park Hill. Hôm tao vào xem cái nhà thông minh của anh mà phì cười. Phòng khách anh làm quả loa bluetooth âm trần. Tiếng loa méo bằng cái loa vi tính. Tao không hiểu phòng khách nhà nào cũng có loa dàn thì nghe cái loa này làm méo gì. Tóm lại cho vào cho có, nhưng méo để làm gì.

    Ở tận bên Gia Lâm, giá nhà chung cư anh tao bán còn ngang với giá trong trung tâm. Thế mà anh tao làm được đấy. Anh tao xây một cái gọi là biển hồ nước mặn. Đến giờ tao cũng méo hiểu đã là hồ thì nước mặn hay ngọt thì khác méo gì nhau. Anh tao bảo đấy là Singapore. Vậy là vừa mở bán, cả nghìn căn chung cư đã bán hết. Tóm lại với anh tao thì không gì là không thể. Anh hơn chúng ta cả cái đầu. Chắc chắn xe anh tao sẽ bán tốt. 

    Anh tao làm được đấy.

    Viethome sưu tầm