• Ở Mỹ ngoài làm nails thì người Việt còn có một công việc phổ biến khác đó là nghề giữ trẻ - mà mọi người hay gọi tắt là Babysit.

    Trên các trang báo Việt ngày nào cũng có trên dưới 20 mẩu quảng cáo của những người nhận giữ trẻ. Ở Mỹ thật ra có khá nhiều cơ sở giữ trẻ ( thường gọi là Day Care), tuy nhiên bà con mình vẫn thích gửi cho các tư nhân người Việt hơn. Lý do gửi người Việt sẽ ít gắt gao về thời gian.

    Ví dụ ba mẹ bận việc đón bé trễ chút xíu cũng thông cảm không sao. Thậm chí nhiều trường hợp đặc biệt có thể cho bé ngủ lại qua đêm luôn. Còn gửi Day Care của Mỹ quy định giờ nào là phải đón đúng giờ đó. Trễ bao nhiêu phút thì họ sẽ tính thêm tiền bấy nhiêu.

    Có nơi người giữ trẻ sẽ lo luôn phần cơm cho bé theo kiểu ở nhà ăn gì thì cho bé ăn nấy. Nhưng cũng có nơi không bao cơm mà cha mẹ phải gửi thức ăn kèm theo. Do vậy khi gửi bé thường có một túi đồ kèm theo gồm: thức ăn, sữa, tã, quần áo, khăn, giấy vệ sinh...

    Về hình thức thì có nhiều hình thức giữ trẻ: 

    - Mỗi sáng đi làm, phụ huynh chở con đi gửi. Đến chiều tối ghé chở con về.

    - Người giữ trẻ mỗi sáng tự lái xe đến nhà chủ, ở lại giữ trẻ đến chiều thì trở về nhà mình.

    - Người giữ trẻ ở hẳn lại nhà của chủ từ thứ hai đến thứ sáu, cuối tuần mới về nhà mình.

    HẤP DẪN NHƯNG KHÔNG DỄ ĂN

    Babysit là một công việc kiếm ra tiền. Một ngày giữ 8 -10 tiếng, người giữ trẻ sẽ lấy từ 20-30 đô/ bé. Nếu ba mẹ gửi chỉ gửi vài tiếng thì 10 -15 đô. Với một người giữ trẻ chuyên nghiệp họ có thể giữ 3-5 trẻ cùng lúc, tính trung bình một tháng họ cũng kiếm được $1,500-2,000. Hoặc nếu đến nhà chủ giữ bé 5 ngày/tuần thì lương sẽ khoảng 1.200 - 1.500/tháng.

    Đây là mức thu nhập không hề nhỏ so với công việc làm nhà hàng hay hãng xưởng chỉ $9-10/ giờ. Và dĩ nhiên giữ trẻ tư nhân thì họ sẽ bỏ túi 100% tiền mặt mà không cần đóng bất kỳ một khoản thuế nào.

    Giữ trẻ ở Mỹ thường là những cô bác lớn tuổi có thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên gần đây nhiều cô bác sang Mỹ du lịch 6 tháng, 1 năm cũng tranh thủ thời gian làm nghề giữ trẻ, lúc về dành dụm cầm vài ngàn về là chuyện rất bình thường.

    Tuy nhiên ngoài chuyện cực nhọc phải cho bé ăn, thay tã... thì khi giữ trẻ ở Mỹ nên cẩn thận trong việc giữ an toàn cho bé. Bởi chỉ một chút sơ sẩy ảnh hưởng đến đứa trẻ thì bạn hoàn toàn có thể bị kiện ra tòa như chơi. Thậm chí một xết xước, một vết cắn côn trùng cũng có thể bị xé làm to chuyện.

    Một điều nữa để hành nghề giữ trẻ ở Mỹ bạn cần phải trãi qua một khóa huấn luyện để được cấp bằng hợp pháp. Tuy nhiên rất ít người Việt mình bỏ thời gian để lấy cái bằng này, mà đa số nhận giữ theo kiểu truyền miệng, người quen giới thiệu lẫn nhau. Do vậy khi có chuyện gì vỡ lỡ phải ra tòa mà bạn không có một tấm bằng hợp pháp thì mọi việc sẽ càng rắc rối hơn !

    Viethome (Sưu tầm từ FB Chuyện của Julie/tinnuocmy)

  • Thu nhập cao nhưng chị Quỳnh giữ thói quen săn đồ giảm giá, tự trồng rau và nấu ăn ở nhà để tiết kiệm chi phí.

    Chị Trần Quỳnh hiện sống tại tiểu bang North Carolina thuộc xứ lạnh ở bờ Đông nước Mỹ cùng chồng và hai con nhỏ. Ở Mỹ gần 10 năm nay, chị cảm thấy cuộc sống thật dễ chịu khi “làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu” và không đau đầu lo tích cóp về già vì đã có lương hưu cao ngất ngưởng.

    Chồng chị là kỹ sư viết phần mềm của hãng IBM với mức thu nhập khá cao một tháng. Hiện, chị ở nhà chăm hai con nhỏ, nội trợ và đi làm hai ngày cuối tuần với mức lương 500 USD. Bà mẹ hai con cho biết thu nhập cao nhưng mỗi tháng, ông xã phải đóng thuế một nửa. Trong gia đình, chồng là người lo trả tiền nhà, bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khỏe cho bốn người, còn thu nhập của chị dành để chi tiêu ăn uống, xăng xe, điện nước.

    Khu vườn nhỏ nhà chị Quỳnh tràn ngập hoa và đủ loại rau, củ Việt.

    Ăn uống

    Ngày mới sang Mỹ, chưa biết cân đối nên chị thường vung tiền mua sắm vì “thấy gì cũng rẻ, cũng thích” nhưng sau điều tiết lại nhờ học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè sống ở đây lâu năm. Giờ có con nhỏ, chị ưu tiên cho việc ăn uống, sau đó là du lịch.

    “Tiền đi chợ một tuần là 150 USD cho bốn người ăn, thức ăn cho hai chú chó khoảng gần 100 USD rồi xăng xe, chi phí lặt vặt trong nhà, mua tã, đồ chơi cho con. Nhà tôi hay ăn đồ Việt trong khi khu gần nhà lại hiếm thành ra phải mua giá cao”, chị Quỳnh chia sẻ. 

    Chị Quỳnh cho biết đồ ăn bình thường bên Mỹ không đắt và chỉ tốn tiền khi muốn mua đồ Việt. Trong vườn nhà, chị trồng đủ loại rau và tự nấu ăn để tiết kiệm. Chị chia sẻ thực đơn của gia đình: hai quả trứng (giá 50 xu) đánh ra làm chả trứng, mua trái bầu 1 USD, tôm 1 USD, và 2 pounds mực (khoảng 9 lạng) 4 USD, thêm chút dứa, rau củ (1,5 USD), tính ra là 8 USD nhưng nấu được một món canh, hai món xào ăn. Hôm sau, chị đổi món bằng cách mua 2 USD tiền thịt kho với trứng, 50 xu cà chua, một quả dứa, đầu cá bông lau là có nồi canh chua ăn bổ dưỡng. Còn không, chị mua gà free range (gà đi bộ) về luộc, nấu cháo hoặc xôi là ăn no nê cả ngày.

    Chị Quỳnh hiện sống cùng chồng và 2 con nhỏ ở Mỹ.

    Sống ở Mỹ lâu nên chị học được tính tiết kiệm của người dân ở đây. Theo chị, cần phân biệt được khi nào thích và thật sự muốn món đồ nào đó. Trước khi có ý định mua gì, hãy khoan và đừng sợ hết vì hàng hoá ở đây không bao giờ cạn. Nên về nhà xem bạn có món tương tự có thể thay thế không. “Tôi bảo đảm trên 70 % là có. Ở Mỹ có cách trưng bày và cách bán khiến bạn cực kỳ thích mua dù đã có hoặc không cần”, chị Quỳnh nói.

    Ngoài đi làm, chị còn kinh doanh qua mạng. Thu nhập từ nguồn này giúp vợ chồng chị đủ trang trải chi phí đi du lịch và về Việt Nam mỗi năm.

    Mua sắm

    Với quần áo, chị thường không chọn trung tâm thương mại hoành tráng. Khi muốn mua, chị Quỳnh vào những thương hiệu lớn vì đồ của mấy hãng này thường lỗi mất một năm. Thay vì mua áo len của các thương hiệu bình dân mỗi cái 10 USD, chị mua một chiếc xịn giá 60 USD để có thể mặc được 4-6 năm. Túi xách cũng vậy, chị sắm túi thật đắt để không tha mấy thứ rẻ rẻ về. Đó cũng là cách tiết kiệm tiền bạc và thời gian hữu hiệu.

    Ở Mỹ, hàng năm từ ngày 31/1 đến 15/2, một số hãng hay có đợt xả hàng giảm giá đến 95%. Đây là dịp để mua được quần áo siêu rẻ. Có những chiếc áo giá 3-5 USD, áo len từ 100 USD giảm còn 5-7 USD. 

    Đồ gia dụng

    Từ đồ gia dụng, máy hút bụi đến tivi, chị đều lên eBay mua. Tìm người bán thật uy tín nhưng khoan hãy mua mà đặt mục tiêu trước. Ví dụ, tivi ở ngoài giá 700 USD, trên eBay người bán uy tín lâu năm chỉ rao 500 USD. Chị đợi ngày có eBay bucks (tiền của eBay) cho lại 8 %-10 %. Tivi 500 USD, chị Quỳnh được 10 % tiền eBay là 50 USD. Ngoài ra, tránh được thuế mua hàng 10 % giúp chị Quỳnh tiết kiệm khối tiền.

    Đối với xe cộ, những lỗi nhỏ như cháy bóng đèn, bộ lọc không khí bị hỏng, chị chỉ cần bỏ ra 5 phút lên Youtube để xem hướng dẫn. Cách này giúp chị đỡ tốn 100 USD. Mọi việc chị cần làm là đánh tên xe như Toyota camry 2012 và vấn đề xảy ra. Nếu thấy không ổn, chị kiếm một chỗ sửa xe có phản hồi tốt và rẻ.

    Lương hưu

    “Lúc còn đi làm bị đánh thuế nhưng khi về già, vợ chồng tôi có lương hưu cao. Lúc ấy, tiền nhà đã trả hết nên chúng tôi có tiền đi khắp thế gian và hưởng thụ cuộc sống. Với tiền hưu cao, nếu yếu quá, tôi có thể kiếm được viện dưỡng lão tốt ” chị Quỳnh cho hay.

    Chị quan niệm không nhất thiết phải “cày ngày cày đêm” để dành tiền cho con sau này bởi “ở Mỹ nếu bệnh đã có bảo hiểm, học đại học không tiền có thể kiếm học bổng hay mượn tiền chính phủ”. Khi con đủ 18 tuổi, vợ chồng chị sẽ cho chúng tự lập.

    Viethome (theo Ngôi Sao)

  • Liên quan đến việc ông chủ tập đoàn tơ lụa Khaisilk Hoàng Khải rơi vào khó khăn, tài sản lần lượt “bốc hơi” sau "bê bối hàng Tàu”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Kinh tế Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng tất cả do lòng tham. Lòng tham nếu không biết chừng mực, không có giới hạn thì sẽ phải trả giá.

    Sau bê bối về lụa tàu, ông chủ tập đoàn tơ lụa Khaisilk đã rơi vào khó khăn do toàn bộ cửa hàng thời trang của Khaisilk đều đóng cửa để phục vụ điều tra. Ông Hoàng Khải cũng không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức. Cũng bắt đầu từ đây, tập đoàn tơ lụa Khaisilk cũng rơi vào khó khăn và đầy biến động. Giữa tháng 12 vừa qua đã phải nhượng lại quyền thuê hai toà lâu đài có tên TajmaSago và Cham Charm trị giá 30 triệu USD cho nữ đại gia 9x Đặng Thị Bảo Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Chloe Hospitality.

    Liên quan đến vấn đề này, "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Kinh tế Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

    Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên kinh tế Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

    Không chế ngự được lòng tham

    Thưa ông, vệc ông Hoàng Khải xây dựng thương hiệu 30 năm và chỉ một năm sau khi dính bê bối lụa tàu đã bị phá sản, điều đó nói lên điều gì?

    Như chúng ta thấy, làm kinh doanh thành công hay thất bại là chuyện thường tình nhưng mà để xây dựng một cơ ngơi khoảng 30 năm như Hoàng Khải để rồi đánh mất chỉ trong một khoảnh khắc là điều rất đáng tiếc.

    Để xây dựng được một cơ nghiệp rất là khó khăn vì phải đổ nhiều mồ hôi công sức, sự tâm huyết. Xây dựng cơ ngơi đã khó nhưng làm sao để duy trì cơ ngơi đó và phát triển nó lại càng khó khăn hơn. một cơ ngơi được gây dựng mấy chục năm nhưng lại tan thành bọt xà phòng cũng đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận, cần phải suy ngẫm. Vấn đề không chỉ nằm trong câu chuyện thương hiệu của Khaisilk mà của rất nhiều doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

    Tại sao tôi lại nói như vậy?

    Trong bối cảnh kinh tế đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, bên cạnh việc tạo cho doanh nhân, doanh nghiệp cơ hội phát triển nó còn có không ít những điểm xám, điểm mờ. Chỉ cần sơ sẩy, người kinh doanh có thể bước qua điểm xám đó ngay lập tức.

    Xây dựng cơ ngơi là khó khăn nhưng việc đánh đổ cơ ngơi rất dễ dàng, ai cũng hiểu điều đó nhưng nhiều khi là do lòng tham.

    Chúng ta không phê phán ông Hoàng Khải hay bất kỳ ai là tham nhưng bản chất của con người ta là tham. Nhưng lòng tham phải tùy bối cảnh và nếu không biết chừng mực, có giới hạn thì chúng ta sẽ phải trả giá.

    Toàn bộ cửa hàng thời trang của Khaisilk đều đóng cửa để điều tra.

    Chúng ta nhìn câu chuyện Hoàng Khải để thấy rằng, chỉ vì không chế ngự được lòng tham để rồi sa chân vào điểm xám trong nền kinh tế thị trường đó. Cuối cùng toàn bộ cơ ngơi, tài sản lần lượt rơi vào tay kẻ khác. Đó là cái giá phải trả cho cơ nghiệp 30 năm gây dựng.

    Từ câu chuyện của Hoàng Khải, nếu chúng ta nhìn rộng ra giới doanh nhân thì vẫn thấy tình trạng mua gian bán lận còn rất phổ biến trong xã hội. Thực lòng mà nói, nhìn đâu cũng thấy tình trạng gian lận trong kinh doanh nhưng nó nhỏ quá nên người ta không để ý đến. Hoặc đó là vấn đề bình thường trong một xã hội. Cũng có thể vấn đề gian lận kinh doanh chưa được phanh phui ra để đẩy nó lên thành một vấn đề cao trào như câu chuyện của Khaisilk.

    Những người làm ăn như thế thì phải nhìn vào câu chuyện của Hoàng Khải lấy đó làm bài học thấm thía cho mình để điều chỉnh lại thái độ kinh doanh của mình. Nếu không thì không vững bền.

    Trong làm ăn kinh doanh thường có những sự cám dỗ, thấy sự kiếm tiền quá dễ dàng, nếu lao vào và không nhìn thấy điểm dừng thì nó sẽ là một điều vô cùng tai hại.

    Vậy theo ông, bê bối lụa tàu của Khaisilk phải trả giá như thế có quá đắt không?

    Để trả lời được câu hỏi này, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhìn sâu xa hơn vào bản chất của sự việc. Câu hỏi đặt ra, cơ nghiệp mà ông ta đã có được có phải được tạo dựng ra dựa trên tài năng hay không lại là vấn đề?

    Nếu cơ nghiệp Khaisilk xây dựng bằng mồ hôi nước mắt thực sự nhưng chỉ vì một tai nạn nào đó mà tan như bọt xà phòng thì rất đáng tiếc. Nhưng nếu cơ nghiệp đó dựa trên sự gian lận, dựa trên lòng tham không có kiểm soát thì của thiên trả địa. Vấn đề này không chỉ đúng cho một trường hợp cụ thể trường hợp nào mà đúng trong mọi trường hợp.

    Ông chủ tập đoàn tơ lụa Khaisilk Hoàng Khải.

    Anh có tự hào về khối tài sản mình gây dựng hay không hay bây giờ anh đang phải trả giá cho một cái gì đó được tạo dựng không dựa trên mồ hôi, công sức và nước mắt của anh? Nếu thực sự không phải là mồ hôi và nước mắt thì ông Hoàng Khải vẫn hời, vì không bỏ cái gì ra cả, không hề phải trả giá gì cả. Hư vô thì phải trả về hư vô. Người trả lời tốt nhất cho câu hỏi này chính là ông Hoàng Khải. 

    Nhưng mà tôi tin là những người tạo dựng cơ nghiệp bằng mồ hôi nước mắt sẽ không dễ dàng đánh đổi nó một cách chóng vánh.

    Từ câu chuyện đó mới thấy được lớp doanh nhân của chúng ta có những người giàu lên từ sự tài năng thực sự và họ đáng được trân trọng, ngưỡng mộ. Nhưng cũng có những người tận dụng được sự mù mờ trong quá trình chuyển đổi kinh tế họ giàu lên. Tất nhiên, trong đó cũng có một phần tài năng vì họ biết tận dụng những cơ hội mà nhiều người khác không làm được.

    Ngoài ra, chúng ta phải xét xem họ đóng góp ròng cho xã hội như thế nào? Nếu họ lấy đi của xã hội một nhưng đóng góp lại cho xã hội 5 hay 20 thì chúng ta cũng không nên quá khắt khe với những người như thế. Ngược lại, họ lấy của xã hội 20 và bỏ túi hết thì những người giàu đó lại làm tổn thất cho xã hội quá lớn. Những con người như thế không thể được vinh danh.

    Nhiều doanh nghiệp trả giá vì gian lận trong kinh doanh

    Trên thế giới đã có trường hợp nào làm ăn gian dối và đi tới phá sản như trường hợp của Tập đoàn Khaisilk chưa thưa ông?

    Với trường hợp của Khải silk thì tôi không chắc nhưng gian lận trong kinh doanh thì có rất nhiều câu chuyện. Gần đây nhất một vụ gian lận của tập đoàn ô tô Đức Volkswagen. Họ gian lận bằng cách cài phần mềm thể hiện sai thông số phác thải và những chiếc xe được cài phần mềm này sẽ có nhưng thông số thể hiện rằng đạt chuẩn môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế phác thải ra bên ngoài lại vượt chuẩn cho phép.

    Khi bê bối bị phanh phui, cổ phiếu của Volkswagen liên tục lao dốc. Hơn 1/3 giá trị vốn hóa thị trường của họ đã bị ‘thổi bay’ chỉ sau 2 ngày. Bản thân CEO Martin Winterkorn đã phải từ chức và bị tiến hành điều tra hình sự, còn tập đoàn này vẫn đang bị điều tra bởi cơ quan chức năng ở nhiều nước. Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse ước tính tổng thiệt hại mà Volkswagen phải hứng chịu có thể lên đến 87 tỷ USD.

    Đó là một tập đoàn lớn, tại một đất nước mà theo tôi thấy vấn đề gian lận là điều tối kỵ trong kinh doanh nhưng họ vẫn vi phạm. Thậm chí, vi phạm này còn mang tính hệ thống chứ không phải chỉ một cá nhân đơn lẻ.

    Một trường họp điển hình khác đó là WorldCom, một trong những công ty viễn thông đường dài lớn thứ 2 tại Mỹ. WorldCom đã có những bước phát triển thần tốc, chủ yếu thông qua các thương vụ thôn tính những công ty viễn thông khác để mở rộng quy mô. Trong những năm 1990, doanh nghiệp này đã thực hiện khoảng 60 vụ mua lại, có đến 80.000 lao động và đạt giá trị thị trường tới 180 tỷ USD.

    Tuy vậy, đến đầu thế kỷ 21, khi viễn thông ở Mỹ bắt đầu hạ nhiệt, WorldCom lâm vào nợ nần sau những vụ vung tay thôn tính, mua lại. CEO Bernard Ebbers đã dùng những biện pháp mở ám để gian lận kế toán, che giấu tình trạng tài chính suy yếu, giả mạo tăng trưởng để nâng giá cổ phiếu. Năm 2005, công ty tuyên bố phá sản sau khi tòa án New York xác nhận ông Ebbers gian lận sổ sách số tiền lên đến 1 tỷ USD và bị phạt 25 năm tù. Đây là trường hợp phá sản lớn nhất ở Mỹ cho đến thời điểm đó.

    Chỉ với 2 trường hợp kể trên có thể thấy, không chỉ ở Việt Nam, mà tại nhiều quốc gia khác việc duy trì đạo đức kinh doanh là vấn đề không hề dễ dàng.

    Vẩn đục môi trường kinh doanh

    Vậy những tình trạng gian lận theo kiểu Khaisilk (lấy hàng Trung đội lốt hàng Việt) sẽ tác động như thế nào tới môi trường đầu tư tại Việt Nam?

    Hiện nay tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt nam cũng hết sức phổ biến, thậm chí còn nhan nhản. Như việc nông sản Trung Quộc đội lốt hàng nông sản Đà Lạt mới đây là một ví dụ điển hình. Nghe nói Thủ tướng cũng đã chỉ đạo điều tra xem xét việc này.

    Thực tế, có trường hợp giới thương nhân Trung Quốc họ tuồn hàng của họ vào đội lốt hàng Việt nhưng cũng có người Việt hợp tác với người Trung Quốc hay bản thân người Việt họ thấy được lợi ích từ việc như thế họ đội lốt hàng Trung Quốc.

    Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang, khả năng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra và nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này.

    Việc này không chỉ gây nguy cơ rằng niềm tin người tiêu dùng sụt giảm mà nhìn sâu xa hơn khi hàng Trung Quốc đôi lốt hàng Việt xuất khẩu để tránh chính sách Thuế của Mỹ có thể Việt Nam sẽ trở thành đối tượng tiếp theo trong danh sách áp thuế của Mỹ.

    Cái nguy hiểm không kém là làm vẩn đục môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thế giới họ nhìn thấy Việt Nam là môi trường kinh doanh quá gian lận và nó sẽ tạo ra một cái tác động lây lan cho những doanh nhân, doanh nghiệp chân chính.

    Ngoài ra, nhìn vào câu chuyện của Khaisilk, không ít người đặt câu hỏi: Tại sao Khaisilk không bị phanh phui sớm?. Vai trò của cơ quan nhà nước ở đâu? Chúng ta có cục quản lý cạnh tranh, cơ quan quản lý thị trường, trách nhiệm của họ ở đâu?

    Chúng ta đang thiếu một thiết chế để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng một cách hợp pháp. Tránh tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ bởi nó đổi trắng thay đen, đen thành trắng.

    Chúng ta phải làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Văn hóa kinh doanh cũng là một môi trường kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề giấy phép, gia nhập thị trường…. Khi nói đến Việt Nam phải nói đến môi trường văn hóa, một tinh thần văn minh thật sự chứ không phải nói đến Việt Nam trong suy nghĩ của nhà đầu tư đó là mua gian, bán lận hay đánh tráo sản phẩm…

    “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”

    Đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập cần lưu ý điều gì, thưa ông?

    Làm kinh doanh phải giữ chứ tín. Ông bà mình đã nói rồi “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng” nên chữ tín trong kinh doanh phải đặt lên hàng đầu. Ai chưa học thuộc lòng chữ tín thì đừng làm kinh doanh vì nếu không cơ nghiệp cũng sẽ tan như bọt xà phòng

    Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp muốn đứng được trong một môi trường vốn rộng lớn nhưng rất khắt khe đó là anh phải có giá trị cốt lõi

    Doanh nghiệp phải định vị mình, giá trị cốt lõi của mình là cái gì, ở đâu. Khi định vị được giá trị cốt lõi doanh nghiệp phải theo đuổi nó, vun đắp nó không ngững tạo giá trị mới có ích cho khách hàng

    Nếu làm ăn theo kiểu chộp giật, nhìn lợi ích trước mắt mà không quan tâm lợi ích lâu dài, nhìn lợi ích của bản thân mà không quan tâm tới lợi ích xã hội thì không sớm thì muộn cũng phải trả giá. Thậm chí còn mang tiếng xấu cho cá nhân, gia đình và người thân.

    Sự trả giá nó lớn như thế!

    Xin cảm ơn ông!

    Viethome (theo Dân Việt)

  • Gần 600 nông dân chia nhau 1.200 tỷ mỗi năm, các hộ trồng vải ở Lục Ngạn cũng chia nhau vài ngàn tỷ hay như dân làng hàng ngàn hộ dân thành tỷ phú ở Đô Thành nhờ đi buôn,... là những hình ảnh làng quê Việt nổi lên trong năm 2018.

    Nông dân chia nhau hàng ngàn tỷ

    Năm 2018, nhiều nơi nông dân vẫn ngậm đắng nuốt cay khi nông sản bế tắc đầu ra, giá rớt thảm, thậm chí phải kêu gọi giải cứu. Thế nhưng, với người trồng vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang), câu chuyện được mùa rớt giá không phải còn là nỗi lo, bởi năm nay cây vải được mùa được cả giá.

    Người nông dân Lục Ngạn thu khoảng trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm từ cây vải và các cây ăn quả khác.

    Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, giá vải bình quân đạt 16.000 đồng/kg, cuối vụ là 35.000-45.000 đồng/kg. Kết thúc vụ vải 2018, Bắc Giang xuất bán 215 ngàn tấn vải thiều và thu về gần 5.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải đạt khoảng 3.500 tỷ, còn lại là từ các ngành dịch vụ phụ trợ.

    Đáng chú ý, huyện Lục Ngạn nổi lên là thủ phủ cây ăn quả (trong đó vải thiều là chủ lực) của Bắc Giang, cho doanh thu lên tới hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

    Để có những vùng quê ngàn tỷ, đồng thời giải được bài toán “được mùa mất giá” cách đây hơn 10 năm dân trồng vải từng nếm trải, từ năm 2007, người dân Lục Ngạn bắt đầu đi vào sản xuất chuyên nghiệp, đẩy mạnh làm thương hiệu. Đó như là cuộc cách mạng làm lại từ đầu của cây vải Lục Ngạn. Kết quả, ngày nay, Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Cuộc sống nơi đây cũng đổi thay, không còn cảnh nghèo đói, người trồng vải xây được nhà lầu, sắm được ô tô, trở thành những nông dân tỷ phú.

    Khác với Lục Ngạn, ở cao nguyên xanh Mộc Châu (Sơn La) cũng có vùng quê tỷ phú nhưng nhờ vào nghề chăn nuôi bò sữa.

    Thoáng nghe qua, sẽ có người hoài nghi, song khi nghe những người nông dân chăn bò cần cù chịu khó kể về chuyện ngày 2 lần chở sữa bò đi bán để đến cuối tháng thu hàng tỷ đồng về mới thấy vì sao họ thành những tỷ phú nông dân.

    Ông Phạm Hải Nam - đại diện Mộc Châu Milk tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, cho biết, ở Nông trường hiện có 570 hộ dân chăn nuôi bò sữa và có ký hợp đồng bán sữa cho công ty.

    Tổng đàn bò sữa mà các hộ dân nuôi khoảng 24.000 con. Lượng sữa vắt ra để bán cho doanh nghiệp sữa lên tới 85.000 tấn mỗi năm, giá trị ước khoảng hơn 1.200 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng trăm tỷ đồng mỗi năm công ty chi ra để thưởng cho các hộ dân làm tốt, sữa có chất lượng đạt chuẩn.

    Ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, hộ nuôi ít vài chục con, hộ nuôi nhiều trên 100 con, có một số hộ nuôi với quy mô lên tới 200 con bò sữa. Thế nên, thu nhập các hộ cũng tuỳ thuộc vào số lượng bò mà mình nuôi. Tuy nhiên, hộ nuôi ít cũng được lãi được vài chục triệu, còn hộ nuôi lãi tiền tỷ, thậm chí những hộ nuôi gần 200 con mỗi năm còn thu lãi tới vài tỷ từ nuôi bò. Còn tính giá trị đàn bò thì gia đình nào cũng sở hữu tiền tỷ, bởi giá trị của một con bò sữa rất lớn.

    Gần 600 nông dân nuôi bò sữa ở trên Mộc Châu ôm 1.200 tỷ chia nhau mỗi năm.

    Cả xã thành tỷ phú

    Không chọn làm nông nghiệp như người nông dân ở quê vải Lục Ngạn, như người nông dân chăn bò ở Mộc Châu, người dân thôn Minh Khai (Văn Lâm, Hưng Yên) chọn cách “sống chung với rác” để trở thành làng tỷ phú.

    Tỷ phú nhờ... rác có tin được không? Chắc chắn không ít người sẽ nghĩ đó chỉ là nói khoác vì rác vốn là thứ bỏ đi, còn nếu buôn bán cũng chỉ là nhặt nhạnh vài đồng bạc lẻ. Song, đi một vòng quanh ngôi làng này sẽ thấy được quy mô buôn rác của người dân lớn cỡ nào khi rác len khắp đường cùng ngõ hẻm, chiếm hết mọi không gian lớn nhỏ với đủ thể loại từ túi nylon, ống nhựa, đồng nát, sắt thép phế liệu, cao su thải loại, chai lọ thủy tinh,... Nhiều nhất trong số rác ở đây vẫn là túi nylon và đồ nhựa thải loại.

    Theo người dân Minh Khai, không chỉ dừng lại ở quy mô tập trung rác thải “quốc gia”, thôn Minh Khai còn là địa phương “nhập siêu” rác lớn nhất cả nước. Những kiện hàng được ép vuông vức, mỗi kiện cả mấy mét khối, chất cao hơn nhà tầng kế bên các xưởng tái chế nhựa với đủ dòng “mác rác nhập khẩu” từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

    Nhờ buôn rác mà hàng loạt gia đình đã giàu lên nhanh chóng. Rác chất cao bao nhiêu, nhà cao tầng mọc lên nhiều bấy nhiêu. Làng đồng nát giờ thành làng tỷ phú.

    Xã Đô thành có cả 1.000 tỷ phú nhờ xuất ngoại đi Tây làm ăn.

    Khác với hình ảnh sống chung với rác ở làng tỷ phú Minh Khai, tại xã tỷ phú Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An), người ta lại thấy hình ảnh nhà lầu, biệt thự mọc lên như nấm sau mưa, nhà nhà mua sắm xe máy, mua ô tô,... Theo đó, vùng quê nghèo Đô Thành trước kia bỗng sầm uất, náo nhiệt lạ kỳ, được ví von là xã có 1.000 tỷ phú.

    Theo người dân trong xã, trước kia xã có nghề làm mộc, nhưng đến đầu thập niên 90, thị trường bão hoà, nghề mộc dần thất thế. Trong lúc khó khăn, người dân Đô Thành tìm được cách làm ăn mới... đó là xuất ngoại đi Tây.

    Ông Nguyễn Xuân Dục (SN 1947, trú xóm Phúc Vinh) có cháu đang làm ăn tại Đức, cho biết, thời kỳ đầu chỉ có ít người nhạy bén tìm đường sang các nước châu Âu như Đức, Anh, Nga, Ba Lan,... Người sang trước làm ăn rồi về đưa gia đình, họ hàng theo sau. Cứ như thế, người dân Đô Thành kéo nhau sang Tây lập nghiệp, có gia đình 3-4 người con cùng xuất ngoại làm đủ mọi nghề, từ cửu vạn, công nhân, buôn bán, spa,... Cứ có nghề nào kiếm ra tiền là làm.

    Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, cho hay, hiện toàn xã có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 1.450 người đang làm việc ở các nước châu Âu; 1.047 người đi làm việc, buôn bán tại Lào; 439 người đang làm việc tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...

    “Nhờ số tiền con em làm ăn xa gửi về mà Đô Thành ngày càng thay da đổi thịt. Toàn xã có hơn 4.000 hộ thì 3/4 trong số đó có nhà 2 tầng trở lên. Hàng trăm hộ có xe ô tô, biệt thự”, ông Hà nói.

    Mỗi người một nghề, mỗi người chọn một lựa chọn khác nhau,... nhưng đã có nhiều vùng quê trở thành làng tỷ phú, xã tỷ phú, có những người nông dân nhờ vào nghề nông mà thu được tiền tỷ, thoát cảnh đói nghèo nhờ kiên trì, bền bỉ, giám làm và dám thay đổi.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Triệu phú tự thân Mỹ David Bach cho rằng số tiền thuê nhà trong vòng 30 năm có thể giúp người trẻ sở hữu một căn nhà riêng. Trong khi nhiều người vẫn khuyên giới trẻ nên để dành tiền đầu tư cho những việc khác thay vì sở hữu một căn nhà thì triệu phú tự thân Mỹ David Bach lại phản bác điều này.

    trieu phu david bach

    “Không mua nhà là một sai lần lớn nhất từ trước đến giờ mà người ta vẫn mắc phải. Lời khuyên quan trọng nhất của tôi với giới trẻ hiện nay là nên mua thay vì bỏ tiền ra thuê”, đồng sáng lập AE Wealth Management nói với CNBC.

    Theo chuyên gia tài chính này, để có quyết định đúng đắn thì không nên quá cân nhắc những lời so sánh của người khác. Ông cho rằng việc sở hữu một ngôi nhà là bước đi đầu tiên tiến lên sự giàu có, cho dù luật về thuế có thay đổi đi nữa. “Những người sở hữu một căn nhà giàu hơn gấp 40 lần so với người thuê. Vì vậy, hãy cố gắng đầu tư vào một ngôi nhà mà bạn có thể sở hữu vĩnh viễn”, ông khẳng định.

    Triệu phú tự thân Mỹ David Bach nói rằng nếu không có nhà ở cố định thì người lao động phải tìm một chỗ nào đó để sống đến hết đời. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải đi thuê và làm giàu cho các chủ nhà.

    Giải thích về điều này, ông dẫn chứng mỗi tháng người lao động có thể bỏ ra từ 200 USD cho việc thuê nhà. Nhiều người vẫn không để ý đến con số này, tuy nhiên, nếu ở trong tròng 30 năm thì tổng tiền thuê sẽ đội lên thành 70.000 USD.

    “Trong mấy chục năm đó, cuối cùng bạn không sở hữu gì cả. Bạn đang góp tiền làm giàu cho chủ, thay vì vậy, bạn hãy tiết kiệm tiền bạc để tính chuyện xa hơn. Nếu mua nhà và chi tiêu cùng một số tiền đó để trả vay thế chấp, cuối cùng bạn sẽ có tài sản riêng”, triệu phú David Bach nói.

    Ông cũng khuyên trước khi quyết định mua, người trẻ phải có khoản tích lũy trước để có thể thanh toán từ 10-20% giá trị ngôi nhà. Để làm được điều này, cần có kế hoạch phân chia thu nhập thành các khoản chi tiêu, tiết kiệm hợp lý, nghiêm túc và thường xuyên.

    “Căn nhà đầu tiên này chưa chắc là nơi ở trong mơ của bạn nhưng nó lại phù hợp điều kiện tài chính. Ngoài ra, nó cũng đánh dấu bạn bước chân vào thị trường bất động sản, mảnh đất này vốn rất màu mỡ và là một cuộc chơi có thể làm giàu”, ông tư vấn.

    Từng đầu tư vào bất động sản với ba ngôi nhà và bán lại với giá khá cao, triệu phú tự thân Divid Bach cho rằng tài sản ròng của nhiều người sẽ tăng lên hàng triệu USD nếu biết cách tính toán vượt qua bẫy ở thuê mà nhiều người mắc phải.

    Viethome (theo Zing)

  • Jovan Hill coi việc livestream xin tiền là một nghề nghiêm túc, và bất ngờ với độ hào phóng của cư dân mạng.

    Với sự bùng nổ của các ứng dụng livestream, các streamer theo đó cũng mọc lên như nấm. Họ có thể chơi game, ca hát, hoặc đôi khi chỉ cần ngồi "tám chuyện"... với người xem là đủ để cuốn hút người dùng bấm follow và theo dõi hàng ngày.

    Song với Jovan Hill sống ở Brooklyn - New York, đây còn là một "nghề" giúp anh chàng đang thất nghiệp này có cuộc sống tương đối thoải mái. Mỗi tháng, anh chàng đều đặn thu về khoảng 4.000 Đô la (tương đương 90 triệu VND) tiền donate từ khán giả, đủ để chi trả các khoản sinh hoạt phí cho mình.

    Khi lên sóng, anh cũng không hề giấu diếm tình cảnh của mình và liên tục nhắc người xem hãy gửi tiền cho mình. Có thể nói chàng streamer này đang tận dụng khá tốt công nghệ để trở thành một... Cái Bang kỹ thuật số.

    Bất cứ ai hỏi làm nghề gì, Jovan nói livestream xin tiền cũng chính là nghề của anh.

     "Chào buổi sáng các cô gái và những gã gay", Jovan nói vào chiếc iPhone trong khi tay vẫn đang phe phẩy một điếu thuốc. Trong video trực tuyến kéo dài 7 phút, Jovan Hill nói về rất nhiều thứ, nhưng có một thứ lặp đi lặp lại là liên tục nhắc người xem gửi tiền cho mình. "Hôm nay tôi nghèo quá, nên nếu bạn muốn giảm được chút tiền thuế nào, hãy ủng hộ cho quỹ từ thiện của Jovan nhé", anh chàng nói. Vài phút sau, tài khoản của Jovan liên tục báo có tiền chuyển tới. Số tiền mỗi người ủng hộ dao động từ 1 đến 100 USD.

    "Lý do duy nhất tôi thức dậy và đi làm mỗi sáng là để tôi có thể ủng hộ Jovan tiền thuê nhà hàng tháng", Paige Wolfe, một nhân viên ngân hàng 23 tuổi là fan ruột của Jovan, chia sẻ trên Twitter. Ai cũng biết tình cảnh "cái bang" của Jovan nhưng ít ai tỏ ra ghét bỏ hay khinh thường, thậm chí anh được coi là khác biệt hẳn nếu so với những người tạo ảnh hưởng trên mạng. 

    Livestream xin tiền, ít ai có thể "thẳng thắn" được như Jovan.

    Chính Jovan cũng thấy ngạc nhiên vì sự hào phóng của người xem. Chàng trai lớn lên ở Texas, trong một gia đình có 11 anh chị em đều do tay mẹ nuôi nấng chia sẻ, lần đầu biết tới sự hào phóng của cộng đồng vào năm 2016. Khi đó, bà của anh phải sống với sự trợ giúp của máy móc, nhưng gia đình không còn tiền để duy trì. Jovan cầu cứu sự trợ giúp từ những người theo dõi với hi vọng nhận được vài trăm đôla, không ngờ đã được ủng hộ tới 3.000 đô.

    Sau đó, Jovan tiếp tục thu hút thêm nhiều người theo dõi khi anh vào học tại Đại học bang Texas nhưng trong vài năm, anh không hề coi đây là nguồn thu nhập chính. Sự cố xảy ra với Jovan hồi đầu năm, khi anh gặp rắc rối trong chuyện tình cảm, bỏ học khi sắp tốt nghiệp.

    Với 22 đôla trong túi và một tấm vé máy bay mẹ mua, Jovan tới New York để làm lại từ đầu. Anh thuê một căn hộ tại khu ngoại ô và ở cùng một người khá nổi khác trên mạng. Cả hai đều không có một công việc và nguồn thu nhập ổn định, nên quyết định nhờ sự trợ giúp từ những người xem.

    Giờ đây các trang cá nhân của Jovan có gần 200.000 người theo dõi, giúp anh kiếm được khoảng 4.000 USD mỗi tháng. Ngoài tiền ủng hộ, fan còn trả một đôla mỗi tháng để xem video của anh. Đôi lúc, anh cũng nhận được câu hỏi từ người xem: Vì sao không đi làm?. Câu trả lời của Jovan luôn là: "Đây là công việc của tôi". Anh cũng từng có công việc ở rạp chiếu phim, nhưng đã bỏ nhanh chóng vì thấy chẳng cần ra ngoài vẫn kiếm được nhiều tiền hơn.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Với sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, cậu bé Ralphie Waplington có thể kiếm bộn tiền và nhiều quà tặng miễn phí từ các nhãn hàng.

    Trong khi những đứa trẻ bằng tuổi chỉ mới bập bẹ tập nói, Ralphie Waplington (sống ở Anh) đã giúp cha mẹ kiếm được hàng nghìn USD nhờ mạng xã hội.

    Được mẹ chăm chút như quý ông lịch lãm, nhóc tỳ này luôn xuất hiện với phong thái gọn gàng, lịch sự và trang nhã. Gương mặt xinh xắn cùng những biểu cảm đáng yêu của cậu bé khiến nhiều người không khỏi yêu mến, nhấn nút theo dõi.

    Kiếm ra tiền từ lúc vài tháng tuổi

    Tài khoản Instagram được cha mẹ lập từ khi Ralphie Waplington mới 7 ngày tuổi để có thể nhìn thấy hình ảnh con lớn lên từng ngày. Nhưng họ không ngờ chỉ sau một tháng, tài khoản đó thu hút hơn 1.000 lượt theo dõi, và hiện đạt con số 19.500.

    Cậu bé Ralphie chỉ mới một tuổi đã có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội nước Anh.

    Theo The Sun, nhờ những bài đăng được yêu thích, cậu bé nhận được vô số quà tặng miễn phí từ các nhãn hàng, với mong muốn hình ảnh của bé sẽ quảng bá cho sản phẩm.

    Mẹ nhóc tỳ là Stacey Woodhams tự hào khoe tất cả đồ dùng của con trai bao gồm tủ, nội thất phòng ngủ, túi xách, vali, quần áo thiết kế, cả những kỳ nghỉ cho gia đình đều được tặng.

    "Ralphie thật sự may mắn. Tất cả quần áo của con đều từ Forever Sewing, họ tài trợ tủ quần áo và chúng tôi thích làm việc với các doanh nghiệp nhỏ", cô cho biết.

    Gia đình 3 người đã được tận hưởng chuyến đi miễn phí đến nhiều công viên giải trí, bữa ăn sang trọng...

    Ralphie có thể thu về 375 bảng Anh từ một bài đăng trên trang cá nhân. Người ta còn gửi cho bé xe đẩy miễn phí mỗi ngày trong suốt một tuần chỉ để đổi lấy một bài đăng.

    Từ lúc vài tháng tuổi, bé đã có hợp đồng quảng cáo và được các nhãn hàng lớn gửi quà tặng miễn phí.

    Mẹ bé cho hay cô kiếm được 10.000 bảng Anh (296 triệu đồng) từ những bức ảnh đăng lên mạng. Nhóc tỳ cũng có lương, được giữ riêng trong tài khoản ngân hàng khi làm mẫu cho các thương hiệu thời trang.

    Với sự nổi tiếng trên mạng, loạt ảnh của Ralphie Waplington trở nênphổ biến. Bé luôn nằm top đầu gương mặt các nhãn hàng lớn mời gọi cho trang phục và sản phẩm của họ.

    Cha mẹ bị chỉ trích vì 'đánh cắp tuổi thơ' của con

    Không hề giấu giếm trước truyền thông, bà mẹ 28 tuổi thừa nhận rằng cô đã xây dựng tên tuổi con trai như thương hiệu kinh doanh.

    Nhiều người sẽ cảm thấy khủng khiếp nếu gọi Ralphie Waplington là thương hiệu, vì bé vẫn còn là một đứa trẻ con. Nhưng về cơ bản, cái tên Ralphie chính là thương hiệu cha mẹ nhóc tỳ đã tạo ra.

    Họ luôn xem con trai như thương hiệu cần quảng bá và giữ gìn: "Chỉ cần một bức ảnh bé mặc bộ quần áo đẹp nhưng đầu tóc lại rối bù lọt lên mạng, nó đã đi ngược với tiêu chí của nhãn hiệu chúng tôi đang đại diện".

    Thậm chí, bà mẹ Stacey Woodhams còn nghiêm cấm các thành viên trong gia đình đăng ảnh bé lên mạng mà chưa được kiểm duyệt và chỉnh sửa kỹ càng. Bởi cô không muốn làm mất đi hình ảnh hoàn hảo của con trai nổi tiếng.

    Mặc cho những lời chỉ trích không hay, cha mẹ bé vẫn muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho tương lai của con.

    Nhiều dân mạng đã chỉ trích Stacey, cho rằng cô lợi dụng con để kiếm tiền. Họ nói việc người mẹ lúc nào cũng bắt con tạo dáng chụp ảnh sẽ khiến cậu bé không thoải mái, mất đi tuổi thơ hồn nhiên.

    Nhưng mẹ nhóc tỳ đã đáp trả thẳng thắn: "Những ai gọi tôi là bà mẹ tồi đều khiến tôi tổn thương".

    Cô giải thích cô chỉ mất một giây chụp ảnh và chỉnh sửa khi bé đã ngủ nên không có gì ảnh hưởng đến con. Bà mẹ đến từ Anh không bao giờ ép Ralphie phải ngồi yên chỉ để chụp ảnh như một cái máy.

    Cha mẹ cậu bé cũng hiểu rằng tại sao mọi người lại suy nghĩ tiêu cực như thế. Bởi trên truyền thông, họ phô bày ra hình ảnh Ralphie như đứa trẻ không có quyền lựa chọn những gì bé muốn làm.

    Nhưng với gia đình Ralphie, những gì họ làm chỉ với mong muốn truyền cảm hứng: "Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ để đem lại điều tốt đẹp nhất cho Ralphie và tương lai của con. Tôi cảm thấy thực sự biết ơn khi được trao những cơ hội này".

    "Không như nhiều người đi làm giờ hành chính, tôi cũng có công việc giúp con trai mình kiếm tiền. Và tôi dành thời gian cả ngày để bên cạnh và chăm sóc con", bà mẹ nói thêm.

    Người mẹ 28 tuổi cũng bắt đầu tổ chức các buổi hội thảo cho bậc phụ huynh về cách sử dụng truyền thông xã hội và quảng bá cho doanh nghiệp của họ, hoặc tài khoản có sức ảnh hưởng của chính họ.

    VietHome (Theo Zing)

  • Theo số liệu được Sports Direct công bố, lợi nhuận nửa cuối năm của hãng này đã sụt giảm 27%, trong đó tính cả chi phí bỏ ra để mua lại chuỗi cửa hàng House of Fraser.

    Hãng bán lẻ của nhà tài phiệt Mike Ashley cho biết House of Fraser đã tiêu tốn của họ đến 31.5 triệu bảng kể từ khi họ mua lại chuỗi cửa hàng này vào tháng Tám với giá 90 triệu bảng.

    Hãng cũng đã phải tiếp thêm 70 triệu bảng vào chuỗi cung ứng của các cửa hàng và ông Ashley thừa nhận rằng ông đang phải đối mặt với “những thử thách nghiêm trọng” trong nỗ lực cứu vãn tình hình.

    Ông Ashley nói nếu không tính đến House of Fraser, công ty của ông đang trên đà đạt được lợi nhuận tốt như mục tiêu ban đầu, nhưng nếu tính đến chuỗi cửa hàng này, lợi nhuận của công ty sẽ không bằng với năm ngoái.

    Giám đốc điều hành Sports Direct bày tỏ: “Chúng tôi phải đối mặt với những thử thách nghiêm trọng phía trước nếu muốn cứu được House of Fraser.

    “Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng tôi đã có được một cơ hội tuyệt vời và cùng với những nỗ lực mà đội ngũ Sports Direct và House of Fraser đã bỏ ra, cũng như sự hỗ trợ của các thương hiệu, hội đồng địa phương và chủ cho thuê mặt bằng, chúng tôi hoàn toàn có thể biến House of Fraser thành Harrods của phố lớn.”

    Ông Mike Ashley

    Công ty cho biết họ đã dành phần lớn thời gian sau khi mua lại House of Fraser để làm việc với các nhân viên, nhà cung cấp và chủ đất để có thể tạo ra một cơ sở kinh doanh hợp lý hơn.

    Sports Direct mua chuỗi cửa hàng có tuổi đời 169 năm này vào tháng Tám và ông Ashley tuyên bố mục tiêu của ông là giữ lại 80% trong số 59 cửa hàng còn mở cửa – dù rằng sau đó ông buộc phải thừa nhận rằng đây là một việc “khó như lên trời”.

    Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn nhân viên đang có nguy cơ mất việc trong khi nhà tài phiệt này cố gắng thuyết phục các chủ đất hạ giá cho thuê để ông không phải đóng cửa cửa hàng.

    Sports Direct đã tuyên bố đóng cửa bốn cửa hàng ở các trung tâm mua sắm tại Essex, Gateshead, Norwich và Nottingham sau khi không thể thỏa thuận với chủ sở hữu các trung tâm này.

    Hồi đầu tháng này, ông Ashley cho biết House of Fraser có thể được sát nhập hoặc ít nhất là “kết hợp chặt chẽ” với đối thủ Debenhams, công ty mà Sports Direct nắm giữ 30% cổ phần. Nhưng hiện chưa có thông báo nào khác về vấn đề này.

    Sports Direct còn sở hữu các cơ sở ở nước ngoài và một loạt các thương hiệu, bao gồm chuỗi cửa hàng sản phẩm đời sống cao cấp Flannels và đồ đạp xe Evans, và họ vẫn kiếm được phần lớn lợi nhuận hàng năm từ ngành bán lẻ sản phẩm thể thao ở Anh.

    VietHome (Theo Sky News)

     

  • Số tiền các công dân Việt Nam kiếm được ở nước ngoài đã tăng lên và hiện tại Việt Nam là nước đứng thứ 10 về lượng kiều hối từ người lao động của mình ở các nước khác trên toàn cầu.

    Theo thống kê từ Báo cáo Tóm tắt về Phát triển và Di dân của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã nhận tổng cộng 15,9 tỷ đô la kiều hối trong năm 2018. Quốc gia nhận được nhiều kiều hối nhất là Ấn Độ, với 75,9 tỷ đô la chảy vào nước này, báo cáo của WB cho biết.

    Ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng con số kiều hối cho thấy người Việt ở nước ngoài đặt niềm tin vào sự ổn định của nền kinh tế và nhận thấy các cơ hội đầu tư tốt hơn. Ông cho biết dòng kiều hối về Việt Nam đã có xu hướng tăng kể từ đầu năm.

    Hầu hết số tiền được gửi về Việt Nam đã được đầu tư vào bất động sản.

    Ông Hiếu cũng nói rằng các công dân thích gửi tiền vào Việt Nam để đầu tư thay cho gửi trong ngân hàng, vì các ngân hàng chỉ có lãi suất tối thiểu.

    Năm 2017, kiều hối gửi về Việt Nam đạt 13,8 tỷ đô la, tăng 16% so với năm 2016 và cũng đã là mức cao kỷ lục của đất nước.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu Huyền, 34 tuổi, vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh giáo dục tại Anh và hiện là giảng viên trường ĐH Sư phạm TPHCM.

     Sau 4 năm học tập tại Anh, trở về nước, chị Huyền cảm thấy lạc lõng vì chi phí cho thực phẩm, đặc biệt là hàng quán ở Việt Nam quá đắt đỏ so với thu nhập. "Vì thế tôi sẽ từ chối lời mời đến những quán hàng ăn uống đắt đỏ, dù tôi trả tiền hay được người khác trả tiền cho", chị nói.

    "Tối qua, bạn thân của tôi hẹn đi ăn kem để gửi tiền ủng hộ của một bạn khác cho quỹ thiện nguyện mà tôi là người sáng lập. Tôi đồng ý và có ý định sẽ mời bạn ấy (tức sẽ trả tiền) dù không nói trước với bạn. Quyền chọn quán là dành cho bạn. Bạn tôi chọn một quán kem mới xuất hiện ở TP HCM được vài năm, sau khi tôi đã đi du học. Tôi không biết hiệu kem này trước đây. Vào đến nơi, tôi choáng váng với giá: một viên kem có giá 70.000 - 74.000 đồng, rất bé! Nếu một người ăn ít cũng cần ít nhất 2 viên, nếu ăn 3 viên thì khuyến mãi là 180.000 đồng. Tôi nói thẳng với bạn của mình và bạn đi cùng là tôi sẽ không ăn kem mà chỉ uống trà với giá 38.000 đồng vì kem quá mắc, tôi thấy không đáng phải bỏ ra số tiền ấy cho bản thân. Hai người có thể ăn và tôi sẽ trả tiền. Vì là bạn bè thân thiết nên tôi biết chắc bạn của mình sẽ không phật ý khi nghe tôi nói thế.

    Từ hôm về Việt Nam, chứng kiến giá cả đắt đỏ và mức thu nhập thấp, tôi đã cảm thấy thật khó khăn để tồn tại ở đây. Tôi đang chạy nhiều dự án thiện nguyện để giúp trẻ em vùng sâu vùng xa có đủ sách vở, dụng cụ học tập để đi học, tôi tự thấy việc tiết kiệm những khoản chi vô lý sẽ giúp mình hỗ trợ cho nhiều người hơn.

    Trong số các cam kết với bản thân, tôi tự hứa không chi quá 100.000 đồng cho mỗi bữa ăn cho mình. Vì vậy, mặc kệ ánh mắt khó chịu của nhân viên quán kem (họ nói hết trà sữa và tôi xin lỗi sẽ không ăn gì ở quán), lời phàn nàn của bạn tôi và cả việc bạn ấy giành trả tiền hết thì tôi cũng quyết không chọn kem ở quán đó. Bạn tôi cứ lẩm bẩm: "Dân châu Âu về mà keo kiệt quá sức!" Tôi nói: "Vấn đề nằm ở chỗ mình thấy không đáng để ăn một hộp kem 2 viên bé xíu với giá gần 150.000 đồng".

    Thực sự tôi thấy giá thực phẩm và dịch vụ ăn uống ở đây quá đắt so với mức thu nhập trung bình của người dân. Ngay cả mua đồ về tự nấu cũng rất đắt nếu chỉ ăn có hai người. Giữa việc ăn ngoài quán với việc tự nấu (mua thực phẩm tương đối an toàn) thì tự nấu có khi đắt hơn ăn cơm bụi. Nếu ở Anh, tôi đi làm thêm 3 giờ được tầm 26 bảng (khoảng 750.000 đồng) thì đủ tiền thực phẩm cho tôi nấu ăn thoải mái một tuần. Mức 26 bảng là vì tôi ăn nhiều rau và trái cây, nếu ăn nhiều thịt, đồ đông lạnh thì có thể rẻ hơn nữa. Trong khi đó, ở Việt Nam, với mức lương 5 triệu/tháng dành cho giảng viên như tôi (phải dạy khoảng 270 tiết/năm, chưa kể coi thi, soạn bài, họp hành và nghiên cứu) thì chỉ đủ tiền ăn cho bản thân trong tháng, không thể chi dùng cho bất cứ việc gì khác. 

    Thế nhưng, tôi không hiểu sao ở các hàng quán thương hiệu nước ngoài rất đắt đỏ lại đầy người Việt. Ngay cả các quán cà phê thương hiệu Việt Nam, thức uống cũng rất đắt, một ly nước có giá 55.000 - 70.000 đồng. Các quán trà sữa có giá 50.000 - 60.000 một ly cũng đầy các bạn trẻ. Vào các quán nhậu thì mọi người kêu thức ăn thừa mứa, khui bia rượu tràn lan.

    Không ít người trong số đó cũng chỉ là sinh viên hoặc người mới đi làm. Thu nhập của họ là bao nhiêu để chi thoải mái, không cần đắn đo vào các khoản ấy? Tôi thực sự thắc mắc. Nếu chi như vậy thì các bạn còn đủ để đầu tư vào các mục như nhà cửa, học hành, sách vở để phát triển bản thân, hỗ trợ gia đình, tiết kiệm và giúp đỡ cộng đồng không? Nếu đủ thì chứng tỏ thu nhập của các bạn phải cao hơn tôi 4, 5 lần tức quanh mức 20 triệu. Thế nhưng có lẽ mức thu nhập trên khó là phổ biến cho các bạn mới ra trường. Đối với các bạn sinh viên, đa phần còn phụ thuộc tài chính vào bố mẹ thì khoản chi trên có lẽ không phải công sức các bạn làm ra. Nếu mức thu nhập như tôi hoặc nhỉnh hơn một chút lâu lâu vào quán với mức giá như trên "cho biết với người ta" thì ổn, nhưng tôi thấy nhiều bạn trẻ vào các kiểu hàng quán đó như cơm bữa. Chưa kể, khi tiêu dùng quá mức, bạn cũng tự đặt áp lực cho bản thân là phải kiếm tiền bằng mọi giá? Liệu có nguy cơ đẩy bạn vào những việc không đúng?

    Tất nhiên, những băn khoăn trên được tôi cất giấu trong lòng. Tôi không phán xét cách xài tiền trên là xấu hay tốt. Đó là quyền của mỗi người! Tôi cũng không lên án các thương hiệu kia đã bán giá "cắt cổ" vì có thể họ phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn. Đơn giản là tôi không lựa chọn các hàng quán sang trọng ấy làm tiêu chuẩn cho mình. Kể cả khi tôi kiếm được nhiều hơn mức 5 triệu/tháng nhiều lần thì tôi vẫn chọn những nơi có giá cả vừa phải, đồ ăn không tệ. Nói rộng hơn, tôi không vì sĩ diện bản thân mà tiêu tiền tuỳ tiện vào những nơi không tương xứng với thu nhập của mình. Trên tất cả, tôi muốn dành phần lớn thu nhập để đầu tư vào việc học hành, giúp đỡ gia đình và những đứa trẻ kém may mắn".

    Viethome (theo VnExpress)

  • Cắt giảm ăn hàng, hai vợ chồng chị Ngọc ở Canada chỉ tốn khoảng 200 đôla tiền ăn mỗi tháng, ít hơn khi sống ở Sài Gòn.

    Dưới đây là chia sẻ của chị Anh Ngọc, 28 tuổi, hiện sinh sống ở Ontorio, Canada về chi phí dành cho việc ăn uống mỗi tháng. Chị Ngọc chia sẻ trước khi sang đây định cư cùng chồng, anh chị từng sống hai năm ở Sài Gòn, nhưng tiêu tiền nhiều hơn khi sang Canada.

    Tôi đã sang Canada, quê chồng, định cư được gần một năm. Thời gian đầu, tôi ở nhà cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và tranh thủ đi học thêm tiếng Anh. Vì chỉ có chồng đi làm nên tôi cố gắng tiết kiệm mọi thứ hết mức có thể, từ tiền ăn uống tới shopping, đi chơi…

    Thời còn ở Sài Gòn, tôi từng chi khoảng 8 triệu – 9 triệu cho việc ăn uống hàng tháng. Buổi sáng hai đứa thường ra hàng ăn cùng nhau, sau đó mới đi làm. Chi phí của hai người dành cho bữa sáng dao động 50 – 70 nghìn đồng tùy bữa, từ thứ hai tới thứ 6. Thứ 7, chủ nhật, hai vợ chồng sang chảnh hơn một chút, vừa đi ăn vừa cà phê lượn lờ, nên tốn kém hơn, khoảng 200.000 đồng… Tổng lại, bữa sáng của gia đình tôi mỗi tháng vào khoảng 2 triệu.

    Buổi tối, mỗi bữa tôi chi hết khoảng 120 – 150 nghìn đồng. Số tiền còn lại là đi ăn hàng. Tôi rất thích ra quán ăn hoặc mua đồ sẵn ngoài chợ vì tiện, đỡ phải nấu nướng nhiều, vì thế khá tốn kém. Mỗi tháng vợ chồng tôi ăn hàng khoảng 6 lần, toàn vào quán ăn nước ngoài (anh thích pizza và những món Tây), trung bình khoảng 500.000 đồng/bữa. Tiền ăn tiêu tốn của hai chúng tôi gần 1/3 tổng thu nhập.

    Khi sang Canada, học theo thói quen của mọi người, chúng tôi hầu như chỉ ăn sáng ở nhà. Mỗi sáng, chúng tôi thường chỉ ăn bánh mỳ nướng, hoặc yến mạch. Chồng tôi thích ăn ngũ cốc với sữa. Tôi mua loại 5 đôla một hộp ăn trong vòng 1 tuần. Sữa thì 4 đôla uống cũng khoảng 8 ngày, vì chồng tôi uống sữa thay nước. Bánh mỳ bố mẹ chồng tôi hay làm nên chúng tôi hay sang đó mang về. Như vậy, bữa sáng tôi tiêu tốn hết khoảng 36 – 45 đôla/tháng. 

    Chồng tôi buổi trưa ăn ở chỗ làm nên chúng tôi chỉ ăn chung với nhau bữa tối. Thường tôi sẽ nấu món Việt, còn anh thích ăn các món kiểu Tây anh sẽ tự vào bếp nấu. Vì nhớ quê nên tôi tự mày mò làm nhiều món như phở, bánh bột lọc… thay đổi mỗi ngày. Tôi cũng làm cho anh một số món Tây đơn giản như mỳ spaghetti, gà hầm… Chồng tôi thích làm món thịt xông khói cuộn gà rồi bỏ vào lò nướng, ăn chung với khoai tây nghiền, thỉnh thoảng nấu gà pasta hoặc mấy món Mexico như ớt nhồi phô mai với bò xay các kiểu… Bữa trưa chỉ có một mình tôi thường ăn qua loa hoặc hâm lại đồ còn từ tối hôm trước. 

    Tiền thực phẩm một tháng tôi chi ra trên dưới 200 đôla (tầm 4 triệu). Một tháng hai vợ chồng tôi đi ăn ngoài 2 lần, rẻ nhất là khoảng 10 đôla, mắc nhất khoảng 30 đôla… để thay đổi không khí.

    Để tiết kiệm tiền mua thực phẩm hơn, tôi tải một ứng dụng mua sắm khá nhiều người dùng bên này. Khi nào muốn mua đồ thì lên app kiểm tra siêu thị có sản phẩm nào nếu mua sẽ được dồn tiền. Ví dụ hôm nay tôi muốn đi siêu thị tên No frills, tôi lên app và search No Frills! Sau đó app sẽ cho tôi biết nếu mua trái cây thì sẽ được cộng dồn 1 đôla, mua dầu ăn được cộng dồn 2,50 đôla… mua nhiều thì tích lũy nhiều.

    Sau khi mua xong giữ lại hoá đơn rồi đưa vào màn hình điện thoại cho app quét. Sau đó tiền sẽ tự động được cộng dồn từ những thứ mua có trong danh sách. Lần sau đi chợ mua nếu mình muốn dùng số tiền tích lũy thì dùng, không thì cứ dồn đó khi cần. Một chiếc thẻ có thể dùng cộng dồn cho nhiều siêu thị, cây xăng… nên rất tiện. Những khoản cộng dồn tưởng ít nhưng nó cũng giúp tôi tiết kiệm được kha khá. 

    Như vậy mỗi tháng tôi tiêu tốn khoảng 260 đôla cho chi phí ăn uống, gồm cả ăn sáng, bữa tối và ăn hàng. So với số tiền ăn phải bỏ ra khi ở Việt Nam, tôi bớt được khá nhiều. Ở bên này, người ta thường ít khi đi ăn hàng, và tự nấu ở nhà những món có thể làm, nên tôi thấy ăn uống đảm bảo hơn. Thói quen hơi tí là chạy ra ăn hàng, tiện mua đồ có sẵn của tôi ở Việt Nam gần như biến mất khi sang đây.

    Mỗi tháng chúng tôi cần phải trả một khoản tiền lớn hơn là 750 đôla cho tiền thuê nhà hàng tháng, nên tiền ăn tôi chỉ cho phép tiêu ở mức đó. Nếu hồi ở Việt Nam mà tôi nấu ăn sáng ở nhà, và chỉ đi ăn hàng 2 lần/tháng như bên này, tôi cũng đã tiết kiệm được một khoản không nhỏ.

    Nhiều người vẫn nghĩ ở nước ngoài tốn kém lắm, nhưng bạn đều có thể kiểm soát và tiết kiệm trong khả năng của mình. Tự làm những thứ có thể làm, tiết kiệm từ những thứ nhỏ, ghi chép lại để so sánh sẽ giúp bạn nhận ra cái gì hợp lý, chưa hợp lý trong cách chi tiêu để có thể điều chỉnh kịp thời.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Có rất ít người được vào căn phòng làm việc của ông Phạm Nhật Vượng ở Long Biên, Hà Nội vì ông có thói quen tiếp khách tại phòng họp. Nhưng thuộc cấp của ông Vượng thì lại biết rất rõ: Trong căn phòng ấy, không có bất kì một chiếc máy tính nào...

    Cũng giống như các tỉ phú nổi tiếng thế giới như Carlos Slim, Warren Buffett, Donald Trump…, chưa bao giờ ông Vượng làm việc bằng máy tính. Chủ tịch Vingroup có một thói quen lạ: Tất cả tài liệu cấp dưới trình ông đọc, đều phải được in thành văn bản. Muốn chỉnh sửa, phê duyệt gì, ông sẽ trực tiếp dùng bút trên giấy. Chỉ đạo của ông cũng được viết ra giấy rồi thư ký sẽ gõ và chuyển email đi các nơi.

    Mặc dù vậy, tốc độ giải quyết công việc của ông nhanh đến kinh ngạc, và trí nhớ của ông không khác gì một chiếc máy tính.

    Tư duy và tốc độ của “người đàn ông không máy tính” ấy, đã trở thành động cơ phản lực giúp guồng máy 55.000 nhân viên chạy vượt qua chính mình, và tốc độ của VinFast, của Landmark 81, của Vinpeal Land, của Vinmec, của Royal city… là những minh chứng sinh động nhất.

    BÀI TOÁN HÓC BÚA CỦA ÔNG VƯỢNG VÀ TỐC ĐỘ KÍCH CHUỘT KỶ LỤC

    Khi hai chiếc xe VinFast xuất hiện tại Paris Motor Show, giữa cơn bão kinh ngạc và thán phục của truyền thông thế giới về chàng lính mới, có một đánh giá ngắn ngọn nhưng lại nói lên được tầm vóc, tốc độ của ông Vượng và Vingroup. Cây viết Safet Satara đã kêu lên trên tạp chí ô tô danh tiếng Top Speed (Mỹ): “Ban đầu, cụm từ "Ô tô sản xuất bởi công ty Việt Nam" nghe có vẻ giống như một câu đùa. Không ai tin vào chuyện đó cả. Nhưng hiện tại đã khác”.

    Dù đã làm việc cho đế chế ô tô khổng lồ General Motors (GM) tới 37 năm, giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi sản xuất toàn cầu, quản lý hơn 200.000 nhân viên, kỹ sư tại 171 chi nhánh thuộc 31 quốc gia, nhưng chắc chắn ông James B.DeLuca – TGĐ VinFast – cũng kinh ngạc giống như Safet Satara, khi được ông Vượng chốt KPI hóc búa về tốc độ.

    Ông James B.DeLuca cùng cộng sự chỉ có quỹ thời gian là 9 tháng để ra lò chiếc xe đầu tiên dự triển lãm tại Paris, dù ông đã trình bày với ông Vượng rằng ngay cả đối với các hãng hàng đầu thế giới, việc sản xuất ra một chiếc ô tô mới, phải sẽ phải mất từ 36 đến 60 tháng.

    Với cú đẩy bạo liệt của ông Vượng, B.DeLuca cùng cộng sự đã phải xỏ giày chạy nước rút như bước chạy của “tia chớp” Usail Bolt. Phó TGĐ Vinfast Võ Quang Huệ, người có 25 năm đầu quân cho ông lớn BMW, 11 năm là lãnh đạo ở Bosch, gọi cuộc chạy nước rút này là “một kỷ lục thế giới”.

    "Tạo ra một sản phẩm trong một thời gian ngắn như vậy thực sự là khó có thể tin được. Nó đúng như những gì tôi biết về VinFast - là một sự "thần kỳ" đến từ Việt Nam” – siêu sao David Beckham đã nói như vậy khi đứng cạnh hoa hậu Trần Tiểu Vy và 2 chiếc xe thu hút mọi ánh nhìn và ánh đèn flash tại Paris. Sau khi Beckham “thả tim” cho VinFast thì bức ảnh anh chụp bên VinFast trên tài khoản mạng xã hội của anh, cũng nhận được hơn 1.000.000 lượt thả tim.

    “Sự thần kỳ đến từ Việt Nam” ấy, cũng khiến tốc độ kích chuột và bật ti vi của công chúng nhanh chưa từng có. Chưa khi nào sự kiện ra mắt sản phẩm mẫu lại có thể đạt kỷ lục 8 triệu người theo dõi trực tiếp; 500 triệu người tiếp cận sự kiện VinFast kể từ ngày 2.10.2018. Chắc chắn đây sẽ là tốc độ và kỷ lục vô tiền khoáng hậu còn rất lâu mới bị xô đổ, ít nhất là ở Việt Nam.

    Có một chi tiết rất thú vị trong Paris Motor Show, đó là gian hàng của chú lính chì VinFast nằm giữa gian hàng của Ferrari và Kia.

    VinFast thì sơ sinh, trong khi Kia Motors thượng thọ 74 tuổi, còn Ferrari đã ở tuổi đại thọ 89. Kia là hãng xe lớn thứ hai ở Hàn Quốc – một đất nước có nền công nghiệp chế tạo ô tô đang trỗi dậy với tốc độ đáng kể. Ferrari, dĩ nhiên, chuyên cung cấp những chiếc xe đua nhanh nhất thế giới. Đó là hãng xe của tốc độ.

    Nhưng từ nay, cả hai ông lớn này, chắc chắn sẽ không thể coi thường tốc độ không tưởng của chàng lính mới VinFast.

    Tháng 8/1993, ông Vượng trực tiếp cầm lái, cùng 3 cộng sự ngồi trên chiếc Lada đời thứ 7 màu đỏ, hành quân liên tục 9 tiếng đồng hồ, vượt gần 800km từ Moscow xuống Kharkov. Đó là một hành trình không dài về km, nhưng lại rất dài đối với một người vừa tốt nghiệp đại học, tìm hướng rẽ bước ngoặt trong cuộc đời kinh doanh của mình. Đó là một hành trình ngược từ thành thị về vùng quê.

    25 năm sau, ông Vượng cầm lái cả cỗ xe nhiều tỉ đô Vingroup và chiếc xe vừa ra lò VinFast phải vượt một hành trình dài hơn nhiều . Đó không chỉ là quãng đường từ Hà Nội đến Paris (nơi có Paris Motor Show), mà còn là hành trình dài từ ao làng ra biển lớn, hành trình mang lá cờ Việt Nam lần đầu tiên cắm trên bản đồ công nghiệp chế tạo ô tô thế giới.

    Dù không phải xe đua giống Ferrari, nhưng với động cơ mua bản quyền của BMW, tốc độ tối đa của xe VinFast ghi trên bảng tablo cũng sẽ lên tới hàng trăm km/h. Nhưng người cầm lái - ông Phạm Nhật Vượng và trợ thủ - lại chứng minh rằng họ có thể đi nhanh hơn thế rất nhiều. Đó chính là tốc độ chinh phục, bứt phá, bật vọt chưa từng thấy của người Việt trên sân chơi toàn cầu.

    Tốc độ ấy, khát vọng bứt tốc ấy, không chỉ thể hiện ở VinFast mà nó trở thành một trong những nét tính cách nổi bật của ông Vượng và cộng sự.

    KỶ LỤC LANDMARK 81 VẪN BỊ CHÊ... CHẬM

    Trong 6 giá trị cốt lõi gây ấn tượng lớn của Vingroup (Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân), chữ Tốc đóng một vai trò quan trọng với thành công của tập đoàn tư nhân số 1 này. Động cơ phản lực chính của cỗ máy tốc độ ấy, không ai khác, chính là tỉ phú đô la sinh năm 1968.

    Tháng 7/2018, dù được hoàn thành với thời gian ngắn kỷ lục so với chuẩn xây dựng Việt Nam, nhưng tiến độ thực hiện tòa nhà cao thứ 8 thế giới - Landmark 81 – vẫn bị tỉ phú Phạm Nhật Vượng chê… chậm.

    Ông Phạm Nhật Vượng đã đưa ra một so sánh bất ngờ: “Năm 1931, Mỹ đã xây tòa nhà 101 tầng trong hơn 450 ngày. Thời đó công nghệ như vậy mà người ta xây được, bây giờ Vingroup xây tòa 81 tầng cũng phải mất hơn 2 năm, như vậy không phải là nhanh”.

    Lấy cường quốc số 1 để so bì về tốc độ, ông Vượng đã biểu lộ rõ khát khao và quyết tâm về tốc độ – điều khiến chiến tướng VinFast Võ Quang Huệ đã phải thốt lên: “Anh Vượng là lãnh đạo của không giới hạn, luôn đẩy giới hạn của những người làm việc chung quanh anh ra xa… Hợp đồng vừa ký xong, anh thúc tiến độ… Tất cả nghệ thuật, trí tuệ, suy nghĩ luôn luôn giúp đội ngũ phải vượt giới hạn chính mình”.

    Dù bị ông chủ “chê” về tiến độ, nhưng ở Việt Nam, tòa Landmark 81 đã vượt qua mọi giới hạn về tốc độ trong xây dựng.

    Chưa có một tập đoàn xây dựng nào của Việt Nam, trước đó từng đảm nhận thi công những tòa nhà siêu cao tầng, nhưng ở Landmart 81, ông Phạm Nhật Vượng đã dũng cảm giao cho một công ty trong nước: Coteccons.

    Nếu xét năng lực quá khứ, Coteccons, không thể cạnh tranh với hai nhà thầu tên tuổi của Hàn Quốc là Lotte và SsangYong, vì Coteccons mới chỉ có kinh nghiệm và giải pháp xây từ tầng 60 trở xuống.

    Nhưng cú điện thoại bất ngờ của ông Phạm Nhật Vượng gọi ông Nguyễn Bá Dương, chủ tịch Coteccons, đã thay đổi tất cả. Cú phone ấy, sau này không chỉ tặng cho Coteccons những trang đẹp nhất trong hồ sơ năng lực, mà còn giúp người Việt lần đầu tiên ghi danh vào lịch sử xây dựng những siêu công trình của thế giới.

    Nhưng đó cũng là cú điện thoại tạo áp lực nặng nề nhất từ trước tới nay của Coteccons, vì nhà thầu này không chỉ nhận trọng trách xây dựng một công trình tầm vóc chưa từng có, mà còn phải thi công với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử xây dựng Việt Nam.

    Còn nhớ, thời điểm 2007, sau 1 năm khởi công, tập đoàn Hàn Quốc Keangnam, chủ đầu tư dự án tòa nhà sẽ cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ - Landmark 72 – đã bị thách thức “treo thưởng 100 tỉ đồng để công trình về đích đúng tiến độ cam kết”.

    Thế nhưng, nhiệm vụ đó vẫn là bất khả thi với tập đoàn có tuổi đời gần 60 năm, đã từng là công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc. Tòa Landmark 72 chỉ được hoàn thành sau gần 5 năm thi công ròng rã, trễ hẹn gần 2 năm so với tiến độ công bố.

    Việc thi công Landmark 81 đã gặp rất nhiều thử thách lớn, nhưng họ đều đã vượt qua: “Sài Gòn mùa mưa, giông lốc như vậy, nhưng nhiều tấm kính cao 6m rộng 3m được kéo lên độ cao khủng khiếp, mà vẫn đảm bảo an toàn. Đấy là một kỳ tích trong xây dựng” – ông Vượng nhớ lại.

    NGƯỜI GIẢI ĐƯỢC BÀI TOÁN TỐC ĐỘ VÀ CHẤT LƯỢNG

    Ở Việt Nam, tốc độ và chất lượng thường tỉ lệ nghịch với nhau. Không ít trường hợp tốc độ rùa mà chất lượng vẫn nham nhở. Khi Vingroup xuất hiện, bài toán khó này đã có lời giải.“Có thể nói chất lượng và tốc độ (đến một ngưỡng nào đó có thể ảnh hưởng lẫn nhau) nhưng về cơ bản không liên quan. Vấn đề là tổ chức, kiểm soát như thế nào, giải quyết những vướng mắc để nó chạy được” – ông Vượng lý giải.

    Ông Vượng cũng đã chứng minh cho nhân viên câu chuyện nhanh và chất lượng có thể “kết hôn” với nhau như thế nào. Đó là khi Vingroup xây khách sạn 5 sao có tới gần 1.000 phòng khách sạn và biệt thự ở đảo thuộc Nha Trang, trên nền nửa đất nửa biển, phải phá đá nổ mìn tạo mặt bằng.

    Thế mà tổng thời gian chỉ hết có 7 tháng và không ai phàn nàn về chất lượng. Trong khi đó có những khách sạn chỉ 500 phòng nhưng phải xây tới 18 - 24 tháng, sau đó vẫn phải sửa chữa lỗi.

    Mai Thu Thủy – Giám đôc Nhân sự, đào tạo VinMart - kể lại câu chuyện khiến chị muốn loạn nhịp tim, khi còn làm lãnh đạo ở Vinpearl. Tháng 3/2006, nhà báo Lại Văn Sâm và Tổng biên tập Báo Tiền phong Dương Xuân Nam hành quân tới Vinpeal Land khảo sát địa điểm tổ chức chung kết thi Hoa hậu.

    “Anh Vượng trực tiếp đưa hai nhà báo đi thăm thực địa. Khi thấy anh Vượng đứng chỉ tay xuống… biển, say sưa nói chỗ này là nhà hội nghị, chỗ kia là sân khấu nhạc nước, chỗ đó là nhà hàng ẩm thực… Anh Sâm và anh Nam chỉ dám gật gù, nhưng trong lòng vô cùng hoang mang lo lắng vì chỉ còn hơn 5 tháng nữa là diễn ra sự kiện”. 

    Không chỉ có ông Sâm, ông Nam lo lắng. Thủy và những thuộc cấp khác của ông Vượng cũng lo đến loạn nhịp tim với sức ép tiến độ khủng khiếp ấy. Nhưng tới đúng tháng 7, ông Sâm và ông Nam quay lại, họ sửng sốt thấy mọi thứ đã trong giai đoạn hoàn thiện. Lúc ấy, Ban tổ chức thi Hoa hậu mới “dám” chính thức chọn hòn đảo này cho cuộc Chung kết quan trọng đó.

    Royal City - khu đô thị phức hợp 5 sao hiện đại nhất Việt Nam – là một trong những công trình tạo ra nhiều nguồn lực và ghi dấu đẳng cấp của Vingroup. Công trình này cũng có một khởi đầu nhanh kỷ lục.

    Một buổi tối, ông Vượng đến nhà người quen chơi, được nghe kể chuyện đối tác Hàn Quốc không muốn tiếp tục đầu tư vào khu đất nhà máy Cơ khí Hà Nội do phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

    Sáng hôm sau, ông Vượng muốn gặp bên tư vấn đang làm việc với phía Hàn Quốc để thương lượng mua lại phần góp vốn của họ. Nghe tin đối tác này đang ở Thanh Hóa, ông Vượng tức tốc chạy xe vào. Sau khi gặp tư vấn tại đây và được giới thiệu với người đứng đầu công ty cơ khí Hà Nội, ông Vượng trở ngược Hà Nội gặp Ban lãnh đạo nhà máy Cơ khí ngay trong buổi sáng.

    12h trưa hôm đó, ông Vượng vẫn ra sân bay trở về Ukraina như lịch đã sắp trước. Đại dự án ấy đã được khởi đầu bằng 24h thần tốc như vậy.

    Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm TGĐ Vingroup còn nhớ rõ những câu chuyện thú vị về tốc độ xây dựng bệnh viện quốc tế Vinmec. Khi ấy, ngày khởi công bệnh viện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đều có cùng một băn khoăn: Liệu mình có nghe nhầm về thời gian khánh thành? Thật khó hình dung một bệnh viện hiện đại chưa từng có, vượt xa các cơ sở y tế tốt nhất lúc bấy giờ ở Việt Nam, xứng tầm quốc tế, mà chỉ hoàn thành trong vòng gần 11 tháng.

    Ông Triệu, ông Thảo và những người dự hôm ấy, cuối cùng đã không nghe nhầm. Vinmec khánh thành trước mốc cam kết 16 ngày.

    Không thể kể hết những câu chuyện về tốc độ đi kèm chất lượng của Vingroup. Gần như tất cả các chung cư, khu đô thị, công trình chất lượng cao của Vingroup, đều về đích trước dự kiến.

    Khi chứng kiến tiến độ làm công trình giao thông vừa rùa bò vừa đội vốn kinh hoàng ở Việt Nam, nhiều người muốn Vingroup tham gia lĩnh vực này. Nhận thấy quy trình, thủ tục và dư luận quá phức tạp, ông Vượng không hào hứng. Đến nay, công trình lớn duy nhất mà Vingroup đảm nhận để góp phần giải cứu giao thông, là tuyến đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Và, như thường lệ, ông Vượng không chấp nhận sự chậm trễ.

    Ông Vượng xác định phải bù lỗ cho tuyến đường khoản kinh phí tính bằng triệu đô la, vì Vingroup chấp nhận trả thêm nhiều tiền khi yêu cầu nhà thầu rút ngắn thời gian thi công từ 24 tháng xuống còn 14 tháng.

    “Nếu làm 14 tháng thì họ phải mua thêm 10 giàn đúc của Đức về đúc. Trước đây có 1 giàn đúc, thì cứ hết 45 ngày đúc xong 1 cái cột trụ này thì mới chuyển sang cái khác. Giờ đây có 10 giàn thì mỗi trụ chỉ mất 4,5 ngày. Tôi chấp nhận chi để đẩy nhanh tốc độ” – ông Vượng cho biết.

    "KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ"

    Tốc độ của Phạm Nhật Vương, của Vingroup, của VinFast… từ lâu đã trở thành mỏ thông tin ngồn ngộn cho báo chí. Tất cả các dự án, dự định, khát vọng, các cuộc săn đầu người trên phạm vi toàn cầu…, xuất hiện với tốc độ ngày càng chóng mặt, đều là thông tin nóng hổi, và tạo sóng lớn.

    Ngoài đá bóng, ông Vượng có một sở thích rèn luyện sức khỏe ngược với tốc độ của ông trong công việc và suy nghĩ: thong thả đi bộ. Có một câu hỏi khá thú vị mà ngày trước người ta hay đặt ra với Bill Gates: Nếu nhìn thấy tờ 100 đô la rơi dưới đất, một con người tốc độ “không giới hạn” như Phạm Nhật Vượng có cúi xuống nhặt?

    Khi tốc độ gia tăng tài sản của ông Vượng tăng nhanh kỷ lục, báo chí Việt Nam cũng đã tính toán: Nhặt tờ đô la ấy mất đến 5s, mà cứ 5s trôi qua, tài sản doanh nhân quê Hà Tĩnh đã tăng thêm 400 đô la. Vì thế, nên ông Vượng sẽ không cúi nhặt.

    Một chuyên gia kinh tế đã bật cười khi được đặt câu hỏi thú vị ấy: “Theo tôi, ông Vượng cũng sẽ hành động như các tỉ phú thế giới khác: Cúi nhặt tờ 100 đô la. Những người gom góp cơ đồ từ hai bàn tay trắng, biết nhìn cực nhanh cơ hội kinh doanh, sẽ không để tờ tiền nằm vô nghĩa dưới mặt đường. Những thứ rơi vãi lãng phí, mất cơ hội vì chậm trễ ở Việt Nam đang diễn ra tràn lan, bằng tốc độ không giới hạn của mình, ông Vượng đang góp phần thay đổi điều đó. Mà nói thêm điều này cho vui: Người khác có thể mất tới 5s để nhặt tiền, ông Vượng chắc chỉ mất 2s”.

    Năm 2018, Vingoup bước vào tuổi 25 và ông Vượng bước vào tuổi 50, gấp đôi số tuổi của tập đoàn ông thành lập. Những running man siêu đẳng trong điền kinh, thường giải nghệ năm 30-32 tuổi. Ngày 6/10/2015, ông Vượng đã chuẩn bị về mặt tinh thần cho những cuộc đua lớn của đời mình và Vingroup, bằng việc thay đổi slogan từ “Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển” sang “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”.

    Trong lá thư viết nhanh gửi hệ thống, ông Vượng hai lần nhắc đến yếu tố tốc độ. Vingroup phải là nơi “không có các lề thói quan liêu, quan cách; là nơi tốc độ xử lý công việc còn nhanh hơn các cuộc họp”; “dứt khoát không chấp nhận tinh thần thái độ làm việc đối phó, sợ trách nhiệm, đổ lỗi, chậm chạp”.

    Ông Vượng luôn nói với thuộc cấp, Vingroup có 55.000 người, chỉ cần một vài bộ phận chạy chậm, thì cỗ máy lớn ấy sẽ không thể đạt vận tốc cực đại. Ai trụ lại được với guồng quay của Vingroup cũng sẽ được sếp và hệ thống thúc đẩy để vượt qua giới hạn của chính mình. “Không gì là không thể” là một trong những câu nói thường gặp nhất ở Vingroup.

    Nếu Việt Nam có thêm nhiều “running man” chạy với bầu nhiệt huyết trong tim và tâm niệm trong đầu “không gì là không thể”, thì ngày đất nước bứt phá trong cuộc đua tốc độ toàn cầu, chắc chắn sẽ gần hơn bao giờ hết.

     Bùi Hải

     7pm

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ) 

  • "Chúng tôi gửi ngân hàng toàn bộ thu nhập của vợ và chỉ tiêu một nửa lương của tôi", anh chồng Mỹ chia sẻ. 

    Anh Steve Adcock vốn không phải người tiết kiệm. Suốt những năm tuổi 20 và đầu tuổi 30, anh cũng giống như nhiều người khác, thích mua xe hơi xịn, nhà to và những món đồ đắt tiền. "Tôi kiếm được nhiều nhưng tiết kiệm rất ít vì tiêu là chính", anh nói.

    Đến năm 2014, anh và vợ là chị Courney quyết định phải tích lũy gấp đôi để nghỉ hưu sớm. Tháng 12/2016, Steve nghỉ việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở tuổi 35. Vợ anh cũng thôi làm từ tháng 4/2017 ở tuổi 32. Chẳng bao lâu sau, cặp vợ chồng này rời nhà ở Tuscon, bang Arizona, để đi khám phá khắp nơi trên chiếc xe du lịch dài hơn 9m. 

    Dưới đây là những cách giúp họ làm được điều đó, theo CNBC Make It:

    viethome tiet kiem 1Vợ chồng anh Steve và chị Courney nghỉ hưu sớm nhờ kế hoạch tài chính, tiết kiệm rõ ràng. Ảnh: CNBC.

    Vạch ra số tiền cần có khi nghỉ hưu 

    Đây là bước cần thiết với những ai muốn nghỉ hưu sớm. Họ không chỉ cần nghĩ về những điều mình muốn trong lối sống tương lai sẽ thế nào mà còn lên kế hoạch cho việc chi tiêu sẽ thay đổi ra sao. Sau đó, Steve và Courtney dùng "quy tắc 4%" để xác định xem khoản tiền họ cần là bao nhiêu để sống những năm không đi làm.

    Theo nguyên tắc này, bạn có thể rút 4% một năm từ tài khoản tiết kiệm để chi dùng. Để an tâm, cặp vợ chồng này lên kế hoạch chỉ tiêu khoảng 3% tổng tài sản của mình mỗi năm.

    Theo dõi các chi phí và bớt tiêu 

    Khi đã biết mình cần bao nhiêu tiền để sống những ngày không đi làm, vợ chồng anh Steve bắt đầu theo dõi toàn bộ các khoản chi tiêu bằng bảng Excel. Họ biết chính xác mình kiếm được bao nhiêu và tiêu ngần nào, vào những thứ gì. "Biết tiền của mình đi đâu là điều cần thiết để tối đa hóa việc tiết kiệm và biết chính xác có thể giảm khoản nào", anh Steve nói.

    Họ đã cắt tất cả các khoản không cần thiết, gồm phần tốn kém nhất: ăn hàng. "Chúng tôi chỉ ra ngoài ăn mỗi tháng một đến hai lần. Tôi vốn rất thích ăn hàng nhưng tôi buộc mình phải cân nhắc: Liệu điều này có đáng để phải nai lưng ra làm việc thêm 30 năm nữa. Và câu trả lời rõ ràng là 'không", anh nói. 

    Cắt giảm triệt để 

    Ngoài việc hạn chế ăn hàng và các chi phí hằng ngày không cần thiết, gia đình Adcocks cũng bỏ hẳn các vật dụng đắt đỏ. Đầu tiên, họ bán gần hết đồ đạc và đổi căn nhà rộng gần 490m2 có bể bơi lấy một chiếc xe du lịch Airstream để bắt đầu đi ngao du từ tháng 4/2017. Việc tiết kiệm được thực hiện quyết liệt. Họ mua xe đi du lịch bằng tiền mặt để không phải trả góp, đóng lãi. Ngoài ra, họ cũng không cần phải đóng thuế bất động sản nữa và cũng không tốn tiền thuê nhà.

    "Miễn là tự mang theo nước và có điện năng lượng mặt trời, rõ ràng chúng tôi chẳng tốn chi phí gì", anh Steve chia sẻ. Nhà Adcooks cũng bán luôn hai chiếc xe sang đang có. Hiện tại, đôi vợ chồng này tiêu khoảng 30.000 USD (gần 682 triệu đồng) một năm. Chi phí lớn nhất hằng tháng của họ hiện tại là tiền xăng dầu và chăm sóc sức khỏe. 

    Tiết kiệm 70% thu nhập 

    Nhờ cắt giảm chi phí hằng ngày và bán hết những thứ không cần thiết, hai người đã để dành được 70% thu nhập, khoảng 200.000 USD đến 230.000 USD một năm (tương đương hơn 4,5 đến 5,2 tỷ đồng). "Chúng tôi gửi ngân hàng toàn bộ thu nhập của Courtney và chỉ sống với 50% thu nhập của tôi", anh Steve cho biết. Mặc dù cả hai đều kiếm tiền tốt, thành công của họ là học cách tiêu ít hơn thay vì nghĩ cách để kiếm nhiều hơn.

    "Đừng bao giờ cho rằng có thu nhập cao mới nghỉ hưu được sớm. Việc nghỉ hưu sớm sẽ dễ dàng hơn dựa trên mức tiết kiệm cao chứ không phải là mức lương cao", anh nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank, ông Nguyễn Hữu Quang cho thấy sức mạnh của tiền lẻ và lãi kép: Đôi khi chúng ta quên đi, tuy nhiên chỉ cần 1 ngày không uống cà phê hoặc trà sữa, sức mạnh của lãi kép sẽ giúp các bạn trẻ tự nhiên có được một khoản tiền rất lớn.

    lam giau tu tra sua 1

    Trong “Tự do tài chính” số 18 với chủ đề “Ét Ô Ét! Tiền đi đâu hết rồi?”, khi nhận được câu hỏi có thói quen gì với những đồng tiền lẻ, ông Nguyễn Hữu Quang – Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank chia sẻ rằng trước kia thực sự không quan tâm đến tiền lẻ cho lắm, đặc biệt là không thích tiền mặt.

    Nhưng mà sau này, sau khi nghiên cứu sâu về sản phẩm tài chính, vị CEO này hoàn toàn thay đổi quan điểm, cho rằng tiền lẻ cực kỳ quan trọng.

    “Giả sử các bạn trẻ không uống 1 ly trà sữa khoảng 30 nghìn hay 40 nghìn, thay vào đó bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm hoặc đầu tư. Như Einstein từng nói ‘kỳ quan thứ tám’ là lãi kép, giả sử mỗi ngày tích lũy khoảng 30 nghìn, để ra 20 năm khoảng 500 triệu, nhưng để 40 năm khoảng 2,4 tỷ. Đôi khi chúng ta quên đi, tuy nhiên chỉ cần 1 ngày không uống cà phê hoặc trà sữa, sức mạnh của lãi kép sẽ giúp các bạn trẻ tự nhiên có được một khoản tiền rất lớn. Tiền lẻ rất có ý nghĩa”.

    Tại chương trình, ông Quang cũng đưa lời khuyên, các bạn trẻ vừa ra trường, nên xác định an toàn tài chính, tức thu nhập lớn hơn chi tiêu. Làm công việc chính chuyên tâm để có thu nhập ổn định và có thể tìm kiếm các nguồn thụ động để dòng tiền thu nhập lớn hơn chi tiêu.

    lam giau tu tra sua 1
    Ông Nguyễn Hữu Quang và Trần Anh Tuấn

    Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc phụ trách phát triển kênh phân phối đối tác Công ty Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cho biết, có nhiều người chi tiêu thoải mái, mua sắm để nhận được lời khen, nhưng thật ra người khen xong họ cũng chẳng nhớ gì. Để nhận lời khen đó mà chi tiêu quá mức là sai lầm.

    Ôn Tuấn nêu quan điểm, hãy cân nhắc trong quản lý chi tiêu, xác định những khoản chi tiêu cố định và những khoản “nice to have” như đi du lịch. Đi du lịch để xả stress, tái tạo năng lượng sau khoảng thời gian lao động cực nhọc thì nên. Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta lạm dụng.

    “Chúng ta cần có 1 ngân sách để không vượt qua mức này. Nếu chúng ta chi tiêu quá mức cho phép để xả stress thì không khác gì đang quay vào chuyện đi chơi về lại nợ nần chồng chất, như vậy chỉ có stress hơn”.

    Tại chương trình, ông Tuấn cũng chia sẻ câu chuyện quản lý tài chính của mình khi còn trẻ. Ông nói: “Khi mới ra trường, tôi đã xác định việc mua xe máy để phục vụ cho công việc, tôi đã chọn trả góp trong 1 năm. Sau đó, với đồng lương, cộng thêm mượn của ông bà, bố mẹ, tôi mua một mảnh đất khoảng 120 triệu.

    Trong khoảng 2 năm thì tôi trả được khoản nợ, trong khi giá trị của đất thì đã tăng khủng khiếp. Khi đã xác định mục tiêu thì cần kỷ lục trong chi tiêu. Chúng ta có thể dùng đòn bẩy tài chính, tất nhiên phải dựa trên cơ sở có khả năng trả.

    Trong khi đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank thì chia sẻ, khi mới ra trường, ông là người rất đam mê công việc, chơi rất ít nên chi tiêu cũng ít. “Tôi cũng cho rằng nên tận dụng đòn bẩy một cách logic. Khi đi làm ổn định thì nên tận dụng để có được nguồn tiền từ ngân hàng để đầu tư, dòng tiền nảy nở sinh sôi,…”.

    Tùy khẩu vị rủi ro trong đầu tư, có những người kiếm rất nhanh từ blockchain nhưng cũng kèm rủi ro cao. Còn những người muốn chắc chắn hơn thì chọn các quỹ đầu tư.

    1. Định nghĩa lãi kép là gì?

    Lãi kép (tiếng anh: Compound interest) chính là tái đầu tư số tiền lãi cộng dồn vào vốn gốc ban đầu để tiếp tục chu kỳ tính lãi tiếp theo và cứ thế tuần hoàn liên tục. Theo cách dân gian chúng ta hay gọi: lãi mẹ đẻ lãi con.

    Nói một cách dễ hiểu: lãi kép là lãi trên tiền gốc và lãi trên chính số tiền lãi.

    lam giau tu tra sua 1
    Ông Nguyễn Hữu Quang và Trần Anh Tuấn

    2. Sức mạnh to lớn của lãi kép có thể bạn đã bỏ qua

    Sau khi biết lãi kép là gì, bạn đã biết tính nó như thế nào chưa? Mời bạn hãy tham khảo công thức dưới đây:

    Y = X x (1 + i) ^ n

    Trong đó:
    Y: Số tiền bạn nhận ở tương lai
    X: Số vốn bạn bỏ ra đầu tư ban đầu
    i : Lãi suất danh nghĩa (%)
    n – số kỳ tính lãi

    Ví dụ: Ban đầu bạn có số tiền tiết kiệm là 100 triệu đồng. Bạn gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 10%/ năm, và sau 5 năm số tiền bạn nhận được là:

    A (5 năm) = 100 x (1 + 10%) ^ 5 = 161 triệu đồng
    Còn nếu chỉ gửi tiết kiệm hằng năm lấy lãi thì số tiền lãi bạn nhận được mỗi năm là:

    B (1 năm) = 100tr x 10% = 10tr
    Sau 5 năm lấy liên tiếp lãi cộng lại bạn được tổng 150 triệu đồng (100 triệu vốn và 50 triệu lãi từng năm cộng lại).

    Có thế thấy cùng số vốn nhưng lãi kép đem tới lợi nhuận hơn hẳn (11 triệu đồng) so với lấy lãi hàng năm không cộng dồn vào gốc.

    Như vậy, lãi kép là sức mạnh giúp bạn tăng thu nhập trong tương lai một cách thụ động. Nó là bước đệm giúp bạn thực hiện kế hoạch mơ ước của mình dễ dàng hơn như mua nhà, mua xe, khởi nghiệp,…

    3 LƯU Ý ĐỂ TẬN DỤNG SỨC MẠNH CỦA LÃI KÉP

    Nắm được lãi kép là gì thì bạn nên tối ưu hóa nó. Cách tốt nhất để tận dụng quyền năng của lãi kép là tận dụng tối đa các yếu tố tác động đến nó. Cụ thể:

    1. Hãy tranh thủ thời gian và đầu tư từ sớm

    Thời gian chính là mấu chốt gia tăng sức mạnh cho lãi kép, là yếu tố tạo ra thay đổi về thu nhập của bạn trong dài hạn.

    Giả sử: Năm 20 tuổi, bạn tiết kiệm 50 triệu đồng với lãi suất 7%/ năm. Đến 35 tuổi (sau 15 năm), nhờ “lãi mẹ đẻ lãi con” bạn sẽ nhận về: 137.951.577 VNĐ, với tiền lãi là 87,951,577 VNĐ.

    Nhưng cũng số vốn và mức lãi suất như trên, 25 tuổi bạn tiết kiệm thì năm 35 tuổi (sau 10 năm), lãi kép giúp bạn thu về: 98.357.567 VNĐ, tiền lãi là 48,357,567 VNĐ.

    Với chênh lệch tiền lãi gấp gần 2 lần ở ví dụ trên, bạn nên tranh thủ thời gian và hành động ngay khi có thể cho kế hoạch tương lai của mình.

    2. Hãy thực hiện một cách kiên trì và kỷ luật

    Sau khi hiểu lãi kép là gì và thực hiện càng sớm càng tốt thì bạn nên xây dựng một kế hoạch đầu tư hay tiết kiệm đều đặn, không ngắt quãng bởi lãi kép chỉ xuất hiện khi gốc và lãi được tái đầu tư liên tục. Đến thời điểm nhất định (thông thường 10, 20 năm) bạn sẽ thấy con số lợi nhuận do lãi kép mang lại là vô cùng lớn. Có kiên trì và kỷ luật, bạn sẽ sớm nhận về quả ngọt.

    3. Cuối cùng là lựa chọn kênh đầu tư thông minh

    Lãi suất càng cao thì tiền lãi sinh ra càng lớn và việc tái đầu tư gốc cộng lãi giúp lãi kép phát huy mạnh hơn, do vậy số tiền nhận được trong tương lai cũng lớn hơn.

    Để hiểu hơn, mời bạn đọc ví dụ sau:

    Giả sử có 3 bạn là A, B, C tiết kiệm được 100 triệu đồng/người. Và quyết định sẽ đem số tiền này đi đầu tư.

    A gửi tiết kiệm với lãi suất 6%/năm

    B đầu tư trái phiếu với lãi suất 9%/năm

    C đầu tư vào cổ phiếu với lợi suất (kỳ vọng) 15%/năm

    Cả 3 đều biết lãi kép là gì và quyết định đầu tư dài hạn 15 năm.

    Sau 15 năm thì số tiền mà A (lãi kép 6%/năm) và C nhận được (lãi kép 15%/năm) đã có sự chênh lệch khá lớn. Gấp 3.39 lần. 

    Do vậy, lãi suất càng cao lợi nhuận càng lớn.

    Tuy nhiên, lợi nhuận cũng tỷ lệ thuận với rủi ro. Bạn nên tìm hiểu kĩ càng để có phương án đầu tư phù hợp nhất, hạn chế rủi ro mà vẫn tối ưu lãi kép.

    Theo Nhịp sống kinh tế

  • Kade Peterson quyết định mua đồ ở các hãng bán lẻ lớn sau đó bán lại trên Amazon sau khi "thử" kinh doanh với anh trai. Theo Business Insider, doanh thu mà anh kiếm được trong năm 2022 là hơn 300.000 USD.

    Kade Peterson, 24 tuổi, muốn trở thành một tiểu thương trên Amazon sau khi thấy anh trai mình thành công trong lĩnh vực kinh doanh này. Anh cho biết: “Trevor luôn là hình mẫu của tôi. Tôi luôn muốn làm những việc mà anh ấy đã làm, chơi những môn thể thao anh ấy đã chơi, mặc quần áo và nghe nhạc giống anh ấy.”

    san hang ban tren amazon
    Kade Peterson

    Anh trai của Kade đã mua hàng hóa từ các nhà cung cấp trên Alibaba và vận chuyển đến nhà kho của Amazon. Tuy nhiên, Kade chỉ muốn bắt đầu kinh doanh ở quy mô nhỏ hơn.

    Vì vậy, anh quyết định sẽ kinh doanh kiểu chênh lệch giá bán lẻ. Kade mua các sản phẩm giảm giá từ các cửa hàng hay những nhà bán lẻ lớn như Target và Walmart, rồi bán lại trên Amazon. Trong thời gian học đại học, anh vẫn có thể kiếm thêm tiền với công việc này.

    Mức giá của các mặt hàng thường đắt hơn nếu mua từ nhà cung cấp nhưng Kade có thể mua ít sản phẩm hơn để bán thử. Anh cũng có thể bán những thương hiệu nổi tiếng, thay vì tạo ra một thương hiệu mới ngay từ đầu và hy vọng khách hàng sẽ đón nhận tích cực hơn.

    Lần đầu tiên Kade thử kiểu kinh doanh này là vào năm 2018. Khi ấy, anh có 500 USD, số tiền mà anh đã tiết kiệm trong nhiều năm. Kade và anh trai đã đến một cửa hàng bán lẻ lớn với ứng dụng Amazon Seller. Họ bắt đầu quét mã của các sản phẩm để xem chúng được bán với giá như thế nào trên Amazon.

    Đối với đồ trang điểm, Kade quét một bảng phấn tạo khối được bán với giá 2 USD trong cửa hàng, trong khi có nhà bán trên Amazon rao với giá 21 đến 24 USD. Anh quyết định nhập 10 chiếc để bán thử. Sau khi đăng lên Amazon, sản phẩm này “sold out” chỉ trong vòng 1 tuần và Kade lãi 140 USD. Vì vậy, anh quyết định quay trở lại và mua thêm, tăng dần số lượng hàng nhập vào khi tạo dựng được uy tín với khách hàng. Kade đã bán được tổng cộng 606 bảng phấn tạo khối trong khoảng thời gian vài tháng.

    Kade áp dụng chiến lược “chậm mà chắc” tương tự với các sản phẩm khác nhau, từ đồ chơi đến đồ thể thao. Tuy nhiên, anh cũng không thể tránh khỏi sai lầm khi nhập những loại hàng hóa có nhu cầu rất thấp và phải mất nhiều tháng để hòa vốn. Kade còn không theo dõi thời gian anh tìm mua sản phẩm ở các cửa hàng, để xem liệu những món đồ đó có thực sự xứng đáng để bỏ công sức ra hay không.

    Kade nói: “Tôi mất khoảng 10-20 phút đi đến cửa hàng và sau đó là 1-2 giờ để chuẩn bị sản phẩm và đăng bán trên Amazon nhưng có những đơn chỉ kiếm được 20 USD.”

    Một sai lầm khác mà Kade mắc phải đó là mua những sản phẩm không được phép bán trên Amazon. Anh lưu ý, người bán hàng mới không thể bán các thương hiệu nổi tiếng như Nike hay Barbie. Ở những trường hợp này, một là anh sẽ mất tiền, hai là chuyển sang bán trên eBay.

    Vào tháng 6/2021, Kade lãi 3.000 USD. Đây cũng là tháng mà Kade kiếm được nhiều tiền nhất khi kinh doanh chênh lệch giá. Hiện tại, anh bán các sản phẩm đã mua từ các nhà sản xuất trên Alibaba. Các sản phẩm này sau đó được vận chuyển trực tiếp đến kho hàng của Amazon. Kade lựa chọn hình thức này là vì anh có thể mở rộng mà không phải mất quá nhiều thời gian để quản lý.

    Theo Kade, điều khó khăn ở đây là dù có ít rủi ro nhưng công việc này cần bạn phải nỗ lực liên tục, đặc biệt là ngay khi đã bán hết hàng. Đôi khi, anh vẫn muốn bán hàng nếu nhìn thấy ở cửa hàng có một món nào đó được coi là “món hời lớn”. Từ đầu năm đến nay, doanh thu trên Amazon của Kade là 309.000 USD, hầu hết sản phẩm được vận chuyển từ 1 nhà sản xuất.

    Vừa kinh doanh, Kade vẫn vừa tìm hiểu về ứng dụng dành cho người bán hàng của Amazon. Anh nói: “Amazon Seller Central có thể hơi khó hiểu và gây khó khăn cho người mới làm vì ở đó có nhiều tính năng.”

    Sau khi nhận thấy một số sản phẩm được bán ra ngay lập tức và những sản phẩm lại “ế”, Kade quyết định sử dụng số liệu từ Amazon, là Amazon Best Sellers Rank (BSR). Công cụ này giúp xác định mức độ phổ biến của sản phẩm dựa trên “thành tích” bán chạy của nó. Kade nói rằng, thứ hạng càng thấp thì sản phẩm bán càng chạy. Ví dụ, trong mục đồ chơi, một số sản phẩm có thứ hạng dưới 100.000 có thể sẽ bán rất chạy.

    Kade cũng sử dụng một công cụ khác, là Keepa, giúp anh theo dõi dữ liệu lịch sử đối với thứ hạng bán hàng của sản phẩm. Anh lưu ý điều này rất quan trọng vì một số sản phẩm sẽ mang tính thời vụ. Ví dụ, trong dịp Giáng sinh, thứ hạng bán hàng của một số sản phẩm dành cho mùa đông sẽ rất cao còn mùa hè thì ngược lại.

    Ngoài ra, Kade cũng xác định xem mình có được phép bán một số sản phẩm không trước khi quyết định mua. Anh sẽ quét sản phẩm ở cửa hàng để xem liệu có quy định hạn chế nào với việc bán sản phẩm đó hay không.

    Về tỷ suất lợi nhuận, Kade cho biết mình không bao giờ mua sản phẩm có tỷ suất hoàn vốn thấp hơn 50%. Anh lưu ý rằng, trong trường hợp một đối thủ cạnh tranh khác hạ giá, bạn cũng cần phải làm theo để duy trì sự cạnh tranh. Đôi khi, bạn sẽ phải ở trong một “cuộc chiến giá cả” và biên lợi nhuận tốt sẽ giúp bạn có khả năng để điều chỉnh giá sản phẩm.

    Một yếu tố quan trọng khác là phí vận chuyển, ở khoản này Kade sẽ tự chi trả khi đưa sản phẩm đến kho hàng của Amazon. Ngoài ra, phí dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment) và phí lưu kho sẽ dựa theo trọng lượng, kích thước của sản phẩm và danh mục của sản phẩm được bán. Nhìn chung, Kade tính mức phí này bằng khoảng 35% giá sản phẩm.

    Nhịp sống Thị trường (tham khảo Business Insider)

  • Hiện công ty của cô đang được kỳ vọng trở thành kỳ lân thế hệ tiếp theo.

    lam giau voi my pham 1

    Khi đại dịch Covid-19 hoành hành vào năm 2020, phần lớn thế giới chìm trong tình trạng bế tắc và nhiều người chuyển sáng kinh doanh, mua sắm trực tuyến. Nhưng Chrisanti Indiana đã làm được điều ngoài mong đợi. Cô mở rộng kinh doanh thương mại điện tử kết hợp các cửa hàng bán trực tiếp.

    Năm 2019, công ty khởi nghiệp thương mại điện tử về làm đẹp có tên Sociolla chỉ có 2 cửa hàng ở Indonesia. Đến cuối năm 2021, con số đó đã tăng gấp 10 lần.

    Indiana cho biết: "Rất nhiều người nói với chúng tôi rằng việc mở một cửa hàng là bước đi rất táo bạo, trong khi tất cả mọi người đều đóng cửa hàng trong thời gian đại dịch". Nhưng đó là một bước đi được "tính toán kỹ lưỡng" cho Social Bella, công ty điều hành Sociolla.

    Indiana nói thêm: "Chúng tôi biết rằng đây là thời gian chuẩn bị để đảm bảo sau đại dịch, chúng tôi có thể phục vụ nhiều khách hàng hơn".

    Nhìn về tương lai hóa ra lại là quyết định đúng đắn của người phụ nữ 31 tuổi. Cách tiếp cận trực tuyến và trực tiếp của Indiana đã đưa công ty khởi nghiệp thương mại điện tử thành một tập đoàn làm đẹp trị giá hàng triệu USD.

    Kể từ năm 2018, công ty đã huy động được khoảng 225 triệu USD và thu hút hàng loạt các nhà đầu tư ấn tượng như East Ventures, Jungle Ventures, Temasek và Pavilion Capital.

    Indiana, người đồng sáng lập và giám đốc tiếp thị của Social Bella, chia sẻ cách cô đưa công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Jakarta của mình lên một tầm cao mới.

    Xử lý hàng giả

    Indiana nảy sinh ý tưởng thành lập Sociolla vào năm 2015, khi cô du học Úc trở về. Cô nàng yêu thích trang điểm nhận ra rằng ở Úc, cô dễ dàng mua các sản phẩm làm đẹp từ các thương hiệu quốc tế, nhưng ở Indonesia thì không.

    Indiana nói rằng không có nền tảng nào có tất cả các sản phẩm quốc tế. Cô phải tìm những người bán hàng trên mạng xã hội, hỏi bạn bè và những người ở nước ngoài có thể mua giúp.

    Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi các loại mỹ phẩm giả mạo xuất hiện tràn lan trên mạng. Chúng được bán với giá cực rẻ so với giá gốc. Indiana kể: "Tôi vẫn nhớ như in rằng nhiều người bán hàng online, đặc biệt là trên mạng xã hội, khẳng định sản phẩm của họ là hàng thật 99%. Hàng thật 99% thì có nghĩa lý gì?"

    Thực tế, mỹ phẩm giả sản xuất ở Indonesia rất nhiều vì giá nhân công và vật liệu rẻ. Theo một báo cáo địa phương, các nhà chức trách Indonesia đã thu giữ tổng số mỹ phẩm giả trị giá 9 triệu USD trong năm 2018.

    Indiana cảm thấy lo lắng khi bạn bè của cô mua phải những sản phẩm này. Cô nói: "Đó là kem dưỡng da, đó là đồ trang điểm. Những thứ này các bạn sẽ bôi lên da của mình. Điều đó khiến tôi bất an".

    lam giau voi my pham 1
    Ảnh: Social Bella.

    Với quyết tâm xây dựng cửa hàng nơi người tiêu dùng có thể mua được những sản phẩm an toàn, chính hãng, Indiana đã hợp tác với anh trai và bạn để thành lập Social Bella với số vốn khởi nghiệp là 13.000 USD.

    Cô nói rằng ngay từ đầu, họ đảm bảo được rằng họ chỉ làm việc với các nhà phân phối hoặc chủ sở hữu thương hiệu được ủy quyền.

    Xây dựng "hệ sinh thái"

    Khởi đầu của Sociolla có thể là một nền tảng thương mại điện tử, nhưng bộ ba nhà sáng lập có những ước mơ lớn hơn.

    Vươn xa hơn cả những cửa hàng bán mỹ phẩm, Social Bella còn là nhà phân phối cho các nhà sản xuất trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp trên toàn thế giới.

    Indiana nói: "Chúng tôi trở thành đối tác liên kết của rất nhiều thương hiệu toàn cầu tại Indonesia. Chúng tôi không chỉ giúp họ phân phối sản phẩm của mình sang Indonesia, mà còn giúp họ hiểu thị trường".

    Ngoài ra, doanh nghiệp còn vận hành Soco, dịch vụ đánh giá trực tuyến các sản phẩm làm đẹp lớn nhất Indonesia. Soco đã tích lũy được hơn 2,5 triệu lượt đánh giá cho khoảng 36.000 sản phẩm.

    lam giau voi my pham 1
    Social Bella được thành lập vào năm 2015 bởi Chrisanti Indiana, anh trai cô Christopher Madiam (bên trái) và CEO John Rasjid (bên phải). Ảnh: Social Bella.

    Indiana nhận ra rằng khách hàng không chỉ đơn giản là đến cửa hàng và mua sản phẩm. Trước đó, họ sẽ đọc các bài đánh giá, nói chuyện với bạn bè hoặc tìm kiếm thông tin trên Google. Soco sẽ giúp khách hàng đọc hàng loạt các bài đánh giá trước khi mua sản phẩm.

    Ngoài ra, Social Bella còn điều hành trang web về phong cách sống Beauty Journal và Lilla chuyên bán online các sản phẩm cho mẹ và bé. Đó là một phần trong việc xây dựng "hệ sinh thái" doanh nghiệp.

    Cô nói: "Chúng tôi muốn phục vụ thật nhiều phụ nữ, không chỉ trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc cá nhân, mà còn trong các ngành công nghiệp khác".

    Social Bella cho biết công ty dường như đang đi đúng hướng. Hiện có hơn 30 triệu người dùng trong hệ sinh thái của công ty. Họ đang bán khoảng 12.000 sản phẩm từ 400 thương hiệu trên toàn thế giới.

    Kỳ lân tiếp theo của Indonesia?

    Trong 2 năm qua, Social Bella đã mở rộng mạnh mẽ, từ 3 cửa hàng ở Indonesia năm 2020 lên 47 cửa hàng và thêm 16 chi nhánh tại Việt Nam. Mặc dù phần lớn hoạt động mở rộng diễn ra trong thời kỳ đại dịch, Indiana nói rằng điều đó luôn nằm trong kế hoạch.

    Cách thức hoạt động của Social Bella cũng lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư. Trong vòng gọi vốn mới nhất vào tháng 10/2022, công ty đã nhận được số vốn đầu tư là 60 triệu USD.

    Có thông tin cho rằng công ty đang đàm phán cho vòng gọi vốn khác có thể đẩy mức định giá lên 1 tỷ USD.

    Indiana cho biết công ty chưa vội để trở thành kỳ lân tiếp theo của Indoensia. Cô gái được vinh danh Forbes Under 30 châu Á cũng vẫn giữ kín doanh thu và định giá của Social Bella. Song, cô nhấn mạnh rằng việc trở thành kỳ lân không phải là mục tiêu của công ty.

    Cafef (theo CNBC)