Nữ luật sư sẵn sàng bỏ nghề vì cảm thấy tiền không quan trọng

Bỏ nghề thu nhập 45.000 bảng/năm để làm việc nhận 160 bảng mỗi tuần, người phụ nữ Anh nói chị hạnh phúc hơn.

Chị Claire McCartan, hiện 36 tuổi, từng là luật sư với thu nhập 45.000 bảng (gần 1,4 tỷ đồng) một năm. Nhưng sau đó chị quyết định từ bỏ tất cả để trở thành nhân viên chăm sóc người già với mức lương tối thiểu.

Bà mẹ 2 con này khẳng định chị không hề hối tiếc - và đặt câu hỏi tại sao xã hội đánh giá chị cao hơn trong vai trò trước đây so với bây giờ, dù chị giúp ích được nhiều người yếu thế hơn. Dưới đây là chia sẻ của chị trên Mirror: 

Tôi vừa thay ga và lau rửa sạch sẽ cho một bà lão không tự chủ vệ sinh được. Trong lúc đó, người phụ nữ tội nghiệp ấy liên tục nói: "Tôi xin lỗi cô, tôi thật gây phiền quá".

Chỉ vài tháng trước, tôi vẫn sống "sang chảnh" khi làm luật sư thành phố, diện những bộ vest đen, trắng tới văn phòng ở trung tâm London. Vị trí tôi có gây ấn tượng với những người tôi gặp và giúp tôi có nhiều người bạn mới. Họ coi tôi là một phụ nữ thành đạt, chuyên nghiệp. 

Ngày nay, tôi làm nghề giản đơn là chăm sóc người già, giúp lau dọn cho họ trong khu dành cho các bệnh nhận mắc bệnh sa sút trí tuệ. 

Tôi từng rất ngại kể với mọi người về việc mình thay đổi công việc kiếm sống bởi mỗi lần vậy, người ta thường nhìn tôi khinh khỉnh kiểu "Cô này bị làm sao thế".

Ngày trước, tôi kiếm được 45.000 bảng mỗi năm, kèm những khoản thưởng. Tôi thuê người giúp việc và chăm sóc các con vì bản thân phải làm 10 tiếng mỗi ngày, với những lá đơn yêu cầu bồi thường thương tích cá nhân trong công ty luật lớn. 

Bây giờ, khi là thành viên của trại dưỡng lão, mỗi tuần tôi chỉ mang về nhà được chưa tới 160 bảng (gần 4,9 triệu đồng). Người thân, bạn bè thất kinh khi nghe tôi kể việc bỏ nghề luật sư để làm việc này. Nhưng tôi chưa bao giờ hối hận. 

Chị Claire McCartan hiện dành thời gian chăm sóc mẹ bị sa sút trí tuệ và học làm nhà tư vấn. Ảnh: Mirror.

Tôi đã làm luật sư trong 10 năm tươi đẹp nhất đời mình. Tôi rời nhà lúc 7 rưỡi sáng, chỉ kịp đánh thức con trai Sean, 11 tuổi và con gái Tia, 14 tuổi, trước khi lao ra khỏi cửa. Thỉnh thoảng, tôi về nhà khi đã hơn 10 h đêm, lúc các con đều đã đi ngủ. 

Tôi từng là một trong khoảng 400 luật sư ở văn phòng London và chịu áp lực phải phấn đấu và làm thêm giờ. Bạn càng làm việc nhiều thì cơ hội để được nhận thưởng và thăng tiến càng cao. Vì vậy tôi thường mang máy tính cá nhân về nhà để làm việc buổi đêm và cuối tuần. 

Thỉnh thoảng tôi còn phải đi tiếp khách hàng vào buổi tối và tham gia các sự kiện từ thiện của cơ quan ngoài giờ làm. Điều đó nghĩa là tôi đã bỏ lỡ nhiều sự kiện, hoạt động của bọn trẻ, nhưng tôi từng nghĩ như vậy cũng đáng để có thể mang lại cho các con một mái nhà sung túc. 

Tôi đã tưởng khi các con lớn lên, mọi thứ sẽ nhẹ gánh bớt nhưng ngược lại, khi con gái vào trung học, cháu cần tôi nhiều hơn trước. 

Trong lúc nỗ lực nhiều nhất có thể, tôi biết có những người không con đang làm việc tốt hơn mình vì họ có nhiều thời gian hơn. Tôi bắt đầu lo âu và căng thẳng với áp lực mình kém cỏi, bị bỏ lại. 

Tỉ lệ công việc ngày càng tăng khi tôi ngày càng giàu kinh nghiệm, có nhiều khách hàng. Tôi từng phải dùng thuốc chống lo âu theo đơn của bác sĩ, khi luôn cảm thấy hoảng sợ và khó ngủ. 

Suốt một thời gian luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và cảm giác mình như đứng ngoài nhịp sống gia đình, cuối cùng, tôi quyết định nghỉ việc.

Khi chị Claire McCartan nghỉ việc lương cao để đi làm tại trại dưỡng lão gần nhà, người vui nhất là cậu con trai út vì được ở bên mẹ nhiều hơn. Ảnh: Mirror.

Vài ngày sau, khi đi bộ gần nhà, tôi thấy một tấm biển đề tuyển người ngoài cửa trung tâm dưỡng lão. Tôi nghĩ ngợi một chút rồi quyết định gửi mail xin việc, họ đồng ý. Sau 3 ngày đào tạo, 2 tuần học việc, tôi bắt đầu vào làm. Trước đây tôi chưa từng chăm sóc người lớn nên khá lo lắng. Nhưng sau đó, tôi dần yêu công việc và nhận ra những người dễ tổn thương này thực sự cần mình. Đó là một công việc liên quan tới sự sống hay cái chết bởi nếu thiếu sự chăm sóc, cuộc đời họ sẽ rất khác.Chồng tôi, anh Simon, 42 tuổi, là một nhà khoa học ở London, hoàn toàn ủng hộ vợ. Vào ngày nghỉ việc, tháng 1/2017, tôi cảm thấy như vừa trút được gánh nặng. 

Và mỗi ngày tôi đều cảm thấy được nhận lại điều gì đó từ những gì mình trao đi. Tôi giúp những người phiền não cảm thấy dễ chịu hơn, thậm chí vui sống. Mỗi ngày khi về nhà, tôi lại cảm thấy mình đã làm được điều gì đó hữu ích. 

Nhưng tôi không thể hiểu được tại sao người ta lại khinh thường khi phát hiện giờ tôi chỉ là nhân viên ở trung tâm dưỡng lão. Thiếu người chăm sóc, những công dân ở đây sẽ không thể sống nổi. Thiếu luật sư, họ có thể chẳng sao.

Tôi cảm thấy mình đang làm một công việc đầy trách nhiệm tại nhà dưỡng lão, không như khi mình ngồi tại văn phòng, sau máy tính suốt ngày.

Mặc dù thù lao nhận được ít hơn hẳn, nhưng tôi không bận tâm nhiều. Giờ tôi không còn phải trả 800 bảng (gần 24,3 triệu đồng) cho người giúp việc nữa, và vì nơi làm chỉ cách nhà 5 phút đi bộ, tôi tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian di chuyển.

Sau một năm làm việc tại nhà dưỡng lão, tôi nghỉ để về chăm sóc mẹ. Mẹ tôi bị bệnh sa sút trí tuệ giai đoạn cuối. Nếu chưa có kinh nghiệm từng làm nghề này, có lẽ tôi không thể tự mình chăm mẹ mà phải gửi bà vào trung tâm.

Tôi hiện 36 tuổi, đang học để trở thành nhà tư vấn vàhy vọng sẽ trở lại trung tâm dưỡng lão để hỗ trợ những người gặp các khó khăn về tâm lý hay vừa mất người thân.

Ở nhà, gia đình tôi hạnh phúc hơn khi tôi dành nhiều thời gian với các con và cùng bọn trẻ phát triển qua các cột mốc quan trọng. Con gái lớn cũng cùng tôi tới nhà dưỡng lão để hỗ trợ bữa ăn cho người già ở đó vào mỗi tối thứ 4. 

Trước đây cuộc sống của chúng tôi luôn căng thẳng, còn bây giờ mọi người đều thư giãn, hài lòng và tận hưởng khoảng thời gian chất lượng bên nhau.

Nhưng việc này cũng giúp tôi "mở mắt" về sự vận hành của xã hội. Chúng ta dường như đang đánh mất các giá trị gia đình, coi trình độ học vấn và thu nhập cao là mục tiêu hướng tới, thay vì hỗ trợ những người yếu thế. 

Viethome (theo VnExpress)