Trong bấn loạn, chân tay run rẩy vì thiếu thuốc của ông 'trùm' ma tuý 8 lần vào tù nước Úc khiến tôi luôn trong thế thủ, đề phòng nếu anh ta manh động...
Canabis và Marijuana là hai tên gọi tiếng Anh của cần sa, đã có mặt ở Úc từ rất lâu. Theo truyền thông Úc và giới học giả nghiên cứu về tội phạm quốc tế, các băng đảng Mafia Ý đã đưa cần sa đến lục địa này, theo làn sóng nhập cư của người Châu Âu mà dẫn đầu là các tù nhân Anh khai hoang lục địa này vào đầu thế kỷ 18.
Có thể gặp gỡ người làm nghề liên quan đến cần sa ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Úc.
Người Việt có 3 đợt di dân lớn qua Úc. Lần đầu vào 1959, đa số là trí thức, du học sinh. Sau 1975 và khi quan hệ hai nước bình thường hóa vào năm 1991 thì di dân đa số là lao động có tay nghề và du học sinh, trí thức. Hiện nay, về cơ bản người Úc gốc Việt chủ yếu là những người miền Nam di cư theo làn sóng thuyền nhân.
Những ngày “chăn mèo” sống trong sự căng thẳng tột độ, tôi luôn phải làm bạn với thuốc lá. Ảnh tác giả trước khi bị bắt
.
Ông 'trùm' ma tuý 8 lần vào tù nước Úc
Ở nhà tù Fulham thuộc tiểu bang Victoria (Úc), nhập trại cùng thời điểm với tôi là anh Chiến. Anh sinh năm 1970, ở Sài Gòn. Vượt biển sang Úc năm 1985, lúc 15 tuổi.
Từ khi trưởng thành tới giờ, anh đã 8 lần vô tù; tất cả đều là án ma túy.
Những ngày đầu trong tù, anh Chiến thường xuyên lên cơn vã thuốc, còn nhiều biểu hiện ảo giác, lờ đờ do thời gian chơi ma túy kéo dài. Nhưng mới gặp tôi, anh đã làm luôn một tràng: “Thôi dân miền Trung gặp trong này tao biết vì gì rồi. Mày bị bắt bao nhiêu cây?”
Câu hỏi cũng là câu khẳng định kiểu chụp mũ của anh khiến tôi khá khó chịu, nhưng cũng khá thán phục vì chính xác. Tôi buông sõng: “Gì cha nội, cây con gì... Thế ông bị bắt ra sao?”
Anh cười nhạt như không hề hấn gì rồi đáp: “Hai con đồ nóng”.
Thấy tôi tỏ vẻ ngơ ngác, anh giải thích: “Hai trăm gram heroin thôi mà, tao nói tiếng lóng mày không hiểu gì à? Dân trong nghề mà gà mờ vậy ta!”
Lại “trong nghề”… Tôi thật không muốn nghe cụm từ này nữa nên vờ vẫn cho qua rồi ngoảnh mặt ngó lơ.
Mỗi phòng giam có hai giường. Sau khi một người Việt cùng phòng với tôi chuyển đi, anh Chiến xin cán bộ quản giáo cho ở cùng với tôi, người Việt sống với người Việt.
Vậy là tối đó anh trải lòng trong cơn bấn loạn thiếu thuốc với những cơn nấc cụt liên hồi, chân tay run rẩy nhưng mồ hôi nhễ nhại. Đây cũng là lần đầu tôi chứng kiến cảnh đói thuốc của người nghiện. Nghe thì nghe nhưng tôi luôn ở trong thế thủ, đề phòng nếu anh manh động.
Bài liên quan: Ngôi nhà trồng đầy cần sa được giấu kín bởi vỏ bọc hoa hồng
Anh Chiến sang Úc vào những năm Việt Nam đang thiếu lương thực. Anh đi trong một hải trình mịt mờ bằng ghe đánh cá, chở độ 15 người.
-Đúng là mình liều thật…Nghĩ còn may mắn vì năm người bỏ xác ở biển rồi-Anh cảm khái.
Hải quân Úc gặp được đoàn sau khi chiếc ghe máy hết dầu và trôi hai ngày vô định.
Lúc đó, tất cả đều đã đói khát, chỉ còn lại da bọc xương, run rẩy trong cái lạnh tê tái của vùng biển ôn đới thuộc cực nam bán cầu.
Đến tuổi trưởng thành, anh lang thang du nhập vào các nhóm thanh niên bất hảo, dính vào các băng nhóm làm ăn phi pháp rồi bắt đầu chính thức trồng cần lúc 20 tuổi. Lúc cảnh sát chưa cảnh giác nên những năm đầu anh xem như an toàn. Sau này tham gia làm hàng nóng-lạnh (tiếng lóng của heroin – đá) cứ 2-3 năm là anh bị cảnh sát Úc bắt một lần.
Nói đến cái thời làm cần sa, mắt anh sáng lên:
-Thời đó ngon ăn nhất vì lúc đó người Việt chưa mấy ai hay biết đến cần sa là gì chứ đừng nói chuyện sản xuất.
Anh Chiến nhổm dậy trên chiếc giường tầng sắt, vuốt nhẹ mái tóc dài thõng thượt ra sau rồi quả quyết: “Mày bị bắt vì cần sa là đúng rồi. Đâu có con mẹ gì nữa mà làm! Tụi tao ăn hết rồi. Cần lỗi thời rồi mày ơi!”
Nói rồi anh buông mình tựa vào bức tường bọc sắt lạnh lẽo. Ánh đèn cao áp của trại giam chiếu qua song cửa sổ hắt bóng tôi và bóng anh đổ dài xuống sàn nhà tạo cảm giác u tịch trong không gian thê lương.
Có ở trong cảnh mới hiểu rõ sự não nề này, lắm phạm nhân mới bị bắt cứ đâm đầu thùi thụi vào tường vì không vượt qua nỗi đau đớn đang hành hạ. Ở Úc nếu ai lâm cảnh này thì đầu sẽ được đội một chiếc mũ cao su và khóa lại tránh trường hợp tự sát. Trong mỗi buồng giam phạm nhân mới đều có gắn camera theo dõi.
Anh Chiến tiếp tục chia sẻ với giọng điệu chậm rãi hơi run rẩy của người thiếu thuốc:
- Quãng đầu thập niên 90 khu vực Victoria này đâu có người miền Trung, chủ yếu là người Nam vượt biên được vào Úc. Để nói một người Việt sở hữu nhà cửa như hiện nay là không có. Anh nằm farm cả mấy năm trời rồi mới về Melbourne theo một ông anh có số má trong giới dân chơi, quen từ trong trại khi mới qua. Lúc đó thuê lại nhà tụi Tây dễ ẹc. Luật pháp đó không ngó ngàng gì đến cần sa như giờ.
Cần sa được dân chăn mèo Việt trồng trong một hệ thống nhà kính phức tạp tại một vùng hẻo lánh gần cảng Coffs. Vụ án được phát hiện vào cuối tháng 10/2020 trong một chuỗi phá án của Cảnh sát Úc với trị giá từ năm, bảy triệu AUD trở lên. Dân trồng cần gốc Việt đã mua lại đất của những người nông dân bị mất mùa vì hạn hán với giá rẻ và ngụy trang rồi trồng cần sa ngay trong khu nông trại trồng rau. Nguồn: Dailymail
.
Ban đầu làm thuê, sau anh Chiến dựng lên hai căn nhà ở ngay Footscray gần thành phố Melbourne. Chẳng cần thuê ai, thu nhập từ trồng cần của anh đều đặn cho đến hai năm, lợi nhuận dư mua xe, mua luôn hai căn nhà mới để cho thuê. Hiện trị giá cả triệu đô mỗi căn.
Sau ba năm trồng cần sa thành công nhưng chán cái cảnh hàng ngày phải chăm sóc tưới tắm đám cây, anh Chiến quyết định “giải nghệ”. Con đường tiếp theo của anh là buôn ma túy loại nặng hơn. Ban đầu là heroin, sau có cả đá, cocaine. Rồi anh lại dính vào ma túy đá. Sẵn “hàng”, mỗi ngày anh chơi đều đặn, nghiện lúc nào không hay.
Đang đều đều kể chuyện, đột nhiên anh Chiến đổ người ra phía trước khiến cái bóng trên sàn nhà méo mó dễ sợ. Tiền của như núi lúc nào không biết, giờ nhìn anh hốc hác, mắt sâu hoắm, tóc dài rũ rượi trông thật thảm hại.
-Đời tao vậy đó mày ơi! Cứ ghiền nặng rồi lại vô tù cai. Tù riết thành quen. Cái xứ này tù nó sướng thấy bà! Cho nên tao không sợ. Làm thì có tiền vợ con xài đã tay. Bị bắt thì nằm giỏi lắm một năm tẩy sạch ma túy trong người rồi ra làm lại.
Anh cười vang cùng lúc với tiếng ho khùng khục:
-Đó mày thấy chưa, phổi bắt đầu thải độc rồi đó. Thôi ngủ đi đừng buồn nữa! Cái kiếp dân chơi mấy ai không tù tội đâu.
Vài thủ phạm người Việt bị bắt trong vụ đột kích nói trên. Nguồn: Dailymail
.
Anh cất tiếng kéo gỗ luôn trong sự vô tư và lãnh đạm của bốn bức tường bọc sắt kiên cố khiến tù nhân mất hết ý định vượt ngục. Đêm đó tôi trằn trọc trắng đêm.
Thương người.
Thương mình.
Thương cuộc đời hẩm hiu này.
Ôi! Kiếp chăn mèo viễn xứ…
Xin tạm gác lại những câu chuyện buồn ở trại giam để cùng tôi quay lại với những giấc mơ không bao giờ bình yên, những cuộc viễn chinh của dân chăn mèo.
Danh “khùng” - cái tên làm Mafia Ý kiêng nể
Nói về thế hệ đầu tiên người Việt trồng cần tại Úc, tôi nhớ đến anh Danh. Anh Danh vượt biên qua Úc đã trên 30 năm, tiếng Anh như người bản xứ nhưng mọi thứ khác vẫn chân chất y nguyên một lãng tử miền Tây. Danh là người đàn ông miền Tây có đặc tính vùng này nổi trội nhất mà tôi từng biết. Dễ gần, chân thành, không chơi cà chớn.
Tính cách, lối sống của những người miền Tây làm tôi thấy gần gũi trong hành trình viễn xứ cô đơn của mình.
Khi đã trở thành dân chăn mèo chuyên nghiệp, tôi tình cờ quen anh Danh tại bữa tiệc cuối tuần cùng một tay trùm cần sa ở Melbourne.
Gặp là quý ngay.
Có thời gian hầu như ngày nào tôi cũng qua anh Danh để chuyện trò dăm ba câu. Dân miền Tây Nam bộ thuộc thế hệ người Việt qua đây đầu tiên, hầu hết chất phác, thật thà, quý trọng nghĩa tình. Chính vì vậy nếu có dính dáng vào kỹ nghệ cần sa thì đa phần đều chỉ là dạng “chấm mút”, làm thuê thời vụ chứ không làm boss.
Đã từng làm đủ nghề, được mafia Ý thuê chăm trang trại cần sa trong rừng, từng yêu gái bản xứ nhưng tất cả những mối tình đó đều trôi đi vì không phù hợp, nay anh Danh vẫn đơn độc trong một căn caravan (giống rơ moóc kéo nhưng thiết kế giống căn phòng), sống bằng trợ cấp chính phủ cho người thất nghiệp.
Nhiều người ở Úc lựa chọn cuộc sống tự do trong những chiếc caravan. Nguồn: abc
Đặc điểm của anh là nghiện bia VB (Victoria Bitter), loại bia phổ biến ở Úc, nắp chai có thể vặn mở bằng tay dễ dàng. Năm ấy độ 52 tuổi nhưng anh Danh vẫn vạm vỡ. Anh sống bất chấp, lang thang xứ này đụng độ nhiều nhưng không hề e sợ.
Vào năm 1990, anh cùng với một thanh niên gốc Hải Phòng nữa canh trang trại cần sa cho tụi Ý tại New South Wales gần thành phố Sydney. Một lần nọ có chuyện đụng độ. Hai thằng Ý bắt nạt, chèn ép người bạn kia. Danh tức tối đánh cả hai một trận nhừ tử. Khi đó anh mình trần tả xung hữu đột, quát tháo vang trời lại múa may cây xẻng nữa nên tụi tây sợ, gọi anh là “crazy Danh” (Danh khùng). Cũng từ đó anh có biệt danh là Danh khùng. Và thế là mọi thứ dễ dàng hơn với anh em Việt.
Người bạn gốc Việt được anh bênh vực sau này trở thành trùm sò cần sa ở Sydney. Vì ân nghĩa cứu giúp và tính cách khí khái của Danh nên ông trùm này luôn mở rộng cửa đón Danh. Nhưng sau khi hôn nhân đổ vỡ, Danh không màng đến tiền nữa. Đặc biệt anh rời xa kiếp “dân chăn mèo” luôn sống trong bóng tối, đầy rẫy thủ đoạn không phù hợp với khí chất con người mình.
Anh tham gia với mafia Mafia Ý phát triển cần sa vào năm 1990 - thuộc chu kỳ cuối cùng của họ. Sau đó, hầu như người Ý rửa tay gác kiếm với cần sa vì giới chức trách Úc đã để ý đến các hoạt động của họ.
Điều đó cho thấy sự lọc lõi của các ông trùm Ý trong nền kinh tế đen. Họ luôn đi đầu và rút sớm.
Khi đó người Việt vừa chân ướt chân ráo tới Úc đã nhào luôn vào thị trường trồng cần cho đến ngày hôm nay. Hầu như bắt bớ liên tục xảy ra nhưng số lượng người Việt sang Úc với mục đích trồng cần vẫn tăng.
Ngày cuối tuần, Danh mời tôi đến thưởng thức món bò nhúng giấm do anh tự chế biến theo kiểu miền Tây. Dùng bàn tay hộ pháp mở nắp bia bằng một động tác nhẹ nhàng rồi tu một hơi hết sạch sành sanh chai VB, anh cao hứng: “Lúc đầu thấy tụi nó nói đi trồng trang trại rồi làm lấy tiền chứ đâu biết đến cần sa là cây gì đâu! Tụi Ý nó cũng quái, nó lừa mình như lừa gà vậy. Mãi về sau xảy ra đụng độ, tay người Hải Phòng phát giác về cây cần sa thì tụi Ý mới đánh bài ngửa ăn chia theo tỉ lệ phần trăm”.
Lợi nhuận có được sau hai năm trồng cần quy mô trang trại với người Ý dư độ 100 ngàn đô Úc những năm 90, anh mua cái nhà ở trung tâm thành phố Sydney mà giá nay cả chục triệu đô. Thế nhưng cô du học sinh người Hà Nội sau khi lấy anh để có quốc tịch Úc đã đẩy anh ra khỏi nhà với bản án bạo hành gia đình- mà chính cô gọi điện cảnh sát tới gô cổ anh. Rồi tòa án phán quyết anh không được bén mảng tới cô trong vòng 100 m.
Khổ nỗi, Danh không minh bạch được số tiền bẩn khi mua nhà nên cô vợ phải nhờ người thân đứng tên hộ vì người này có thể chứng minh nguồn thu nhập của mình. Vậy là Danh mất luôn căn hộ đó.
Tứ cố vô thân, anh lang thang khắp Úc rồi trở về Melbourne sống trong căn caravan rẻ tiền này.
Khi ngấm men, anh bộc bạch: “Mày giúp anh kiếm vợ nhà quê ở Việt Nam. Về cưới rồi rước qua, chớ người bên này khôn quá không sống nổi!”
Anh nói rồi ngó lơ ra cánh cửa caravan nhỏ hẹp với vòm trời xanh vời vợi thật dịu dàng. Tôi nhìn Danh “khùng” thuở nào giờ không còn thấy một dấu tích nào của dân chơi lừng lẫy một thời. Chỉ thấy cuộc sống anh thật đơn giản và tạm bợ nhưng cũng thật an lành bởi sự quy ẩn không bon chen. Chứng kiến anh sống thảnh thơi, không làm cũng có ăn, vô lo cũng không phải làm việc gì, tôi nghĩ với hoàn cảnh này, Úc thực sự là nơi đáng sống.
Từ dân chăn mèo thành doanh nhân cung ứng nhà cần sa
Cũng như anh Chiến và anh Danh, Thông đen là thuyền nhân. So với thế hệ đàn anh thì Thông đen sang muộn hơn, phải đến 1995 anh mới qua Úc. Anh siêng năng, tháo vát nên sớm có công việc ổn định là làm handyman - nghề sửa chữa tất tần tật về nhà cửa, ruộng vườn. Với công việc của mình, anh gặp rất nhiều căn nhà sau khi không trồng cần sa nữa thì được sửa lại như cũ. Giá nhận sửa những căn nhà này thường khá hậu hĩnh. Nếu trung bình sơn sửa lại nhà có giá một ngàn đô thì nhà cần sa phải gấp đôi. Đó là chưa tính công dọn dẹp đống cây cần sa vứt bỏ vì đưa thứ này đi cũng nhạy cảm (tôi sẽ đề cập về một số nghề hợp pháp xoay quanh trục cần sa trong các kỳ sau).
Anh Thông quen với các boss cần sa khi sửa chữa nhà cho họ.
Phần vì thấy cứ căn nhà này rụng là có căn khác mọc lên, tiền họ tiêu như nước mà không hề hấn gì, phần thấy mình sẵn kinh nghiệm và tay nghề sửa chữa, anh liều lĩnh về dựng luôn trong ngôi nhà đang thuê một “trang trại” 120 cây cần sa.
Theo Cảnh sát Úc, mỗi cây cần sa có giá trị 2.500 AUD và mỗi nhà cần của người Việt trung bình trồng 100 cây suốt 4 vụ/năm, thu 1 triệu AUD. Điện là chi phí tốn kém nhất trong các nhà cần, và dân chăn mèo đối phó với điều này bằng cách ăn cắp điện của dân cư xung quanh. Mỗi ngày họ ăn cắp khoảng 1.000 AUD tiền điện. Nguồn: theage
.
Thời gian này người Việt cũng rục rịch trồng cần sa nên không lấy gì làm lạ là đã xảy ra một số vụ triệt phá của cảnh sát.
Để làm giàu từ cần sa đòi hỏi người làm phải siêng năng, coi cây cần sa như con, theo dõi chúng hàng ngày, nếu có bệnh lập tức chữa trị. Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất bông thu được. Sản lượng nhích tí là tiền tăng kinh khủng. Bằng không thì chỉ đủ chi tiêu và chi phí vì nước Úc đắt đỏ và chi phí cho các dịch vụ cần sa cũng tỉ lệ thuận với lợi nhuận từ việc trồng.
Anh Thông cần mẫn vun trồng trong căn nhà nhỏ nhoắng cái đã hai năm. Một mình tự làm, không chia chác cho ai, gặp lúc cần sa lên giá anh có tiền mua luôn hai ngôi biệt thự vườn ở vùng Springvale, tiểu bang Victoria. Với hai ngôi nhà này, anh bắt đầu thu nhận thêm hai môn đồ “chăn mèo” cũng dân Sài Gòn.
Sau một năm thành công, anh tính nước chơi lớn. Đó là mở thêm một công xưởng sản xuất cần sa quy mô lớn. Đây là ý định vô cùng táo bạo vì người Việt lúc này chủ yếu trồng tại nhà khoảng 100-200 cây cần sa mỗi căn. Nếu trồng dạng nhà xưởng thì phải đến 2.000-3.000 cây.
8 người trên tổng số 14 người toàn bộ là người Việt Nam bị bắt trong vụ trồng cần bị Cảnh sát Úc bắt giữ vào cuối tháng 10/2020 tại vùng New South Wales. Đây là một trong những vụ lớn nhất Úc kể từ 1970 tới nay, với hơn 13 ngàn cây cần sa có giá trị khoảng 40 triệu đô Úc. Ảnh: Truyền thông Cảnh sát NSW.
Thuyền to - sóng lớn - cá to
Từ mối quen biết trong nghề nghiệp hợp pháp, anh thuê được một công xưởng ở vùng ngoại ô Melbourne. Để bảo đảm hoạt động kín kẽ lâu dài, bên trong anh ngăn vách kín mít, trồng thủy canh cây cần sa. Phía mặt tiền vẫn các loại nguyên liệu, vật liệu chế biến bao bì. Có cả xe tải, xe nâng. Lẫn trong đó còn có cả máy tạo ra tiếng động như công trường sản xuất ồn ào. Thỉnh thoảng những chiếc xe tải chở đống đồ đi rồi chở những thùng hàng về. Có để ý cũng không thể biết rằng bên trong nhà là 2.500 cây cần sa đang vươn mình cho ra hàng triệu đô la.
Cảnh sát đốt hết hơn 13.000 cây cần sa bị bắt trong vụ án cuối tháng 10/2020, lớn nhất kể từ năm 1970 đến nay tại Úc. Nguồn: Cảnh sát bang New South Wales.
Bằng cách thức như thế xưởng cần sa khổng lồ của anh hoạt động an toàn trọn một năm, từ đầu năm 2004 đến 2005. Khi tiền quá nhiều, rủi ro sẽ bắt đầu ập đến. Anh Thông quyết định rất lạnh lùng: Dọn sạch và chấm dứt hoạt động trồng cần sa trong công xưởng vì đêm dài lắm mộng. Một người bạn anh thấy tiếc bèn ngỏ ý thuê lại. Anh trả hợp đồng thuê, người ấy tự thuê lại, vẫn áp dụng bài “chăn mèo” cũ của anh Thông.
Sự cẩn thận và ra đi trên đống tiền của anh Thông thật ngọt ngào nhưng cay đắng ngay lập tức lại đến với người bạn anh. Khi lớp cần sa của người này sắp thu hoạch thì trộm ghé thăm hốt sạch chỉ còn lại những bông cần sa lép.
Sau năm đại thắng nhờ “nhà máy sản xuất tiền”, anh Thông mở doanh nghiệp chuyên kinh doanh các thiết bị cho sản xuất nông nghiệp. Công ty anh và nhà kho nằm ngay trung tâm thị tứ Springvale - Vic sầm uất, khách chủ yếu vẫn là dân “chăn mèo”.
Tôi quen anh qua những lần qua mua đất, các loại hóa chất và thiết bị để lắp hệ thống điện cao áp phục vụ cho ngôi nhà cần sa của mình. Ngôi nhà này tôi đặt tên là “Ngôi nhà hoa hồng” trong tự truyện Đường xanh viễn xứ.
Các cửa hiệu bán thiết bị, phân bón và hóa chất nông nghiệp mọc lên ở khắp Úc mà nhiều nhất là Melbourne, Sydney, Perth, Queensland. Nguồn: fanpage grow.
Sở thích chung của tôi và anh Thông là trà xanh loại sấy búp. Anh có loại trà hảo hạng trồng ở các cao nguyên của đất nước Nam Á- Sri Lanka. Loại trà này thơm và chỉ cần ít búp là cho một ấm trà ngon. Nghe đâu một lạng có giá cả trăm đô.
Anh Thông nhìn lạnh lùng nhưng cũng rất niềm nở khi trà thuốc. Lúc đã đủ thân, anh bảo tôi: “Mày cứ ra lấy đồ. Kể cả xây dựng nguyên căn nhà (nhà trồng cần),cần gì anh cung cấp tất. Cứ ghi sổ lúc nào thu hoạch thanh toán cũng chả sao. Đợt này nhiều nhà mọc lắm. Mày thấy đấy, anh bán kinh khủng, toàn cho tụi mình không. Cứ đều đặn ngày một là xe tải lớn vận chuyển hàng tiếp vận cho anh.”
Nói vậy nhưng anh hay khuyên tôi sớm chấm dứt việc “chăn mèo” luôn vì bị chủ lợi dụng và trả lương thấp.
-Dân tụi mình qua đây lợi dụng nhau nhiều lắm. Cứ người mới qua là bị chăn dắt. Mày làm cả căn nhà lớn 3 pha điện, lãi một vụ phải đến trăm ngàn mà thằng chủ đồng hương với mày chỉ trả mày 15 ngàn. Trong lúc đó công lao là của mày. Rủi ro mày chịu. Luật dân chơi là 50/50 mày hiểu không? Chờ đó anh lấy nhà đưa mày làm nhé. Anh không còn liên quan gì nữa. Làm thế này an toàn và ổn. Cảnh sát Úc cũng không mặn mà với mấy vụ cần tép riu này nên cũng sống được cả đời.
Cho đến mãi tận hôm nay cần sa ở phương Tây, đặc biệt ở Úc vẫn là mục tiêu của rất nhiều người Việt như một lối thoát nghèo dễ dàng nhất. Không ít những người vẫn đang mê say với tiền và nhảy nhót trên con đường ma quái này mà pháp luật nước sở tại khó sờ tới.
Tôi hiểu ý tốt của anh, nhưng lúc đó công việc đang ổn nên không muốn xáo trộn.
Anh Thông là một trong những người trồng cần có con đường lùi hay nhất mà ít người làm được. Sau một thời gian, nghe đâu cảnh sát thỉnh thoảng cũng rình mò công ty của mình nhưng anh Thông kinh doanh hợp pháp nên không sợ. Miễn sao anh không chứa chấp cây cần sa. Cũng từ khi biết tin này tôi không dám ra công ty anh uống trà nữa bởi có tật giật mình, tôi sợ bị cảnh sát để ý.
Thế hệ đầu của dân chăn mèo là vậy. Nhiều người vẫn mộc mạc, không xảo quyệt thủ đoạn như sau này. Có người “may mắn” như anh Thông, cũng có người rủi như bạn anh. Cũng có người vào tù ra tội như anh Chiến. Lại có người phó mặc sự đời, tiền bạc sống đơn giản trong căn caravan như anh Danh khùng. Tuy nhiên, về cơ bản hậu vận những người trồng cỏ thường không sáng sủa. Nếu ở càng lâu trong nghề, càng tiếp xúc với âm mưu, lừa mị, sau này họ luôn hoài nghi cuộc sống và đánh mất hết ý nghĩa của nó.
Cho đến mãi tận hôm nay cần sa ở phương Tây, đặc biệt ở Úc vẫn là mục tiêu của rất nhiều người Việt như một lối thoát nghèo dễ dàng nhất. Không ít những người vẫn đang mê say với tiền và nhảy nhót trên con đường ma quái này mà pháp luật nước sở tại khó sờ tới.
Trong kỳ tiếp theo tôi sẽ đề cập cụ thể đến cách thức vận hành của các băng nhóm cần sa do người Việt điều hành và ông trùm cũng như các trục vệ tinh cung ứng cho kỹ nghệ cần sa tại Úc.
*Các nhân vật trong bài đã được đổi tên.
Bài liên quan: Ngôi nhà trồng đầy cần sa được giấu kín bởi vỏ bọc hoa hồng
Đường xanh viễn xứ - tự truyện về ác mộng cần sa nơi xứ người
Theo tác giả Tô Giang (Cafebiz)